Thứ Hai, 30 tháng 5, 2022

20220531. BÀN VỀ HAI CHỮ 'KIỂU MẪU'

 ĐIỂM BÁO MẠNG


SỚM ĐƯA THANH HÓA THÀNH TỈNH 'KIỂU MẪU' NHƯ  BÁC HỒ HẰNG 

MONG MUỐN

TUẤN MINH/ NLĐ 19-2-2022

(NLĐO)- Kỷ niệm 75 năm lần đầu Bác Hồ về thăm Thanh Hóa là dịp để Thanh Hóa tự hào báo công với Bác về những thành tựu to lớn đã đạt được, đồng thời ra sức thi đua, sớm đưa Thanh Hóa thành tỉnh "kiểu mẫu" như sinh thời Bác Hồ hằng mong muốn.

Sáng 19-2, Tỉnh ủy Thanh Hóa đã long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 75 năm ngày Bác Hồ lần đầu tiên về thăm Thanh Hóa (20-2-1947 - 20-2-2022); biểu dương công dân kiểu mẫu, tập thể kiểu mẫu và phát động phong trào thi đua năm 2022.

Sớm đưa Thanh Hóa thành tỉnh kiểu mẫu như sinh thời Bác Hồ hằng mong muốn - Ảnh 1.

Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng đọc diễn văn ôn lại kỷ niệm 75 năm lần đầu tiên Bác Hồ về thăm Thanh Hóa

Đây là dịp để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa cùng nhìn lại chặng đường đã qua, tự hào báo công với Bác về những thành tựu to lớn đã đạt được trên tất cả các lĩnh vực; đồng thời, nguyện tiếp bước truyền thống cách mạng hào hùng của quê hương, đoàn kết thống nhất, phát huy trí tuệ, bản lĩnh, ý chí tự lực, tự cường, đồng tâm, hợp lực, ra sức thi đua, nỗ lực phấn đấu xây dựng Thanh Hóa sớm trở thành tỉnh "kiểu mẫu" như lúc sinh thời Bác hằng mong muốn.

Tại lễ kỷ niệm, ông Đỗ Trọng Hưng, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa, cho biết khắc ghi lời dạy lời dạy của Bác Hồ, suốt 75 năm qua Thanh Hóa đã đạt được những thành tựu quan trọng và toàn diện trên các lĩnh vực, đóng góp vào thắng lợi chung của sự nghiệp cách mạng Việt Nam…

Sớm đưa Thanh Hóa thành tỉnh kiểu mẫu như sinh thời Bác Hồ hằng mong muốn - Ảnh 2.

Quang cảnh buổi lễ kỷ niệm 75 năm Bác Hồ về thăm Thanh Hóa

Trong công cuộc đổi mới đất nước, Thanh Hóa đã phát huy cao độ nội lực, khơi dậy tiềm năng, lợi thế, tranh thủ thu hút đầu tư từ bên ngoài, đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa quê hương, đất nước. Kinh tế tăng trưởng nhanh; chất lượng tăng trưởng được nâng lên, từng bước khẳng định là một trong những động lực tăng trưởng quan trọng của khu vực và cả nước.

Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân giai đoạn 2011-2020 đạt 10,3%/năm. Đặc biệt, trong năm 2021 vừa qua dù phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, nhất là những ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, song kinh tế của Thanh Hóa vẫn giữ vững đà tăng trưởng, tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 8,85%, quy mô GRDP của tỉnh đứng thứ 8 cả nước; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội tiếp tục được quan tâm đầu tư; bộ mặt đô thị, nông thôn có nhiều khởi sắc.

Sớm đưa Thanh Hóa thành tỉnh kiểu mẫu như sinh thời Bác Hồ hằng mong muốn - Ảnh 3.
Sớm đưa Thanh Hóa thành tỉnh kiểu mẫu như sinh thời Bác Hồ hằng mong muốn - Ảnh 4.

Các tiết mục văn nghệ đặc sắc tại lễ kỷ niệm

Chính trị ổn định, văn hóa - xã hội chuyển biến tiến bộ, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên; quốc phòng - an ninh được giữ vững. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị được chú trọng và đạt nhiều kết quả quan trọng. Quan hệ đối ngoại, hội nhập kinh tế quốc tế; sự phối hợp với các cơ quan Trung ương, liên kết, hợp tác với các tỉnh, TP trong cả nước được đẩy mạnh.

"Những thành tựu trên một lần nữa khẳng định vị thế chiến lược của Thanh Hóa trong khu vực Bắc Trung bộ, Nam đồng bằng Bắc Bộ và cả nước. Đây là kết quả của sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, hỗ trợ, giúp đỡ của Trung ương; sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, nỗ lực cố gắng của rất nhiều thế hệ lãnh đạo, sự đồng tâm, đồng sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, của cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh"- Bí thư Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng nhấn mạnh.

Sớm đưa Thanh Hóa thành tỉnh kiểu mẫu như sinh thời Bác Hồ hằng mong muốn - Ảnh 5.
Sớm đưa Thanh Hóa thành tỉnh kiểu mẫu như sinh thời Bác Hồ hằng mong muốn - Ảnh 6.

Các tiết mục văn nghệ đặc sắc tại lễ kỷ niệm

Ông Đỗ Trọng Hưng cho rằng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân nhân dân đang bước vào giai đoạn phát triển mới với khát vọng lớn, phấn đấu đến năm 2025 Thanh Hóa trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước, trở thành một cực tăng trưởng ở phía Bắc của Tổ quốc và đến năm 2030 trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, như Nghị quyết số 58-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đã xác định.

Tại lễ kỷ niệm, 16 thôn, bản, tổ dân phố và xã, phường kiểu mẫu; 20 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp kiểu mẫu; 18 công dân và gia đình kiểu mẫu đã được nhận bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa.

Tin-ảnh: Tuấn Minh

KIỂU MẪU ĐỂ LÀM GÌ ?

NGUYỄN ĐÌNH CỐNG/ TD 30-5-2022


Khi thấy ông Bí thư Đỗ Trọng Hưng nói như đinh đóng cột, rằng Thanh Hóa nhất định trở thành một tỉnh kiểu mẫu, tôi buột miệng “Kiểu mẫu để làm gì nhỉ”? Câu ấy bị ngay người nhà phê phán: “Ông lẩm cẩm rồi, kiểu mẫu là để nêu gương chứ còn để làm gì nữa”.
Ờ nhỉ, không khéo mình lẩm cẩm rồi chăng. Đảng có cả quyết định về nêu gương kia mà. Một người nêu gương, trăm vạn người nêu gương, cả tỉnh nêu gương, cả nước nêu gương thì tốt quá chứ sao. Nhưng rồi đêm nằm suy nghĩ mới thấy mình chưa lẩm cẩm.
Người ta, làm việc tốt, việc thiện thì cố mà làm hết khả năng rồi được đến đâu hay đến đó, hưởng đến đó. Đã làm tốt rồi còn cần làm tốt hơn. Việc tốt sẽ phát huy tác dụng mà người khác có thể noi theo, làm theo. Đó là tác dụng nêu gương, một tác dụng phụ.
Làm tốt là vì lương tâm, vì trách nhiêm chứ mục đích chính không phải để làm gương, không nhằm nêu gương. Nếu ai đó làm việc cốt để nêu gương thì việc đó mất ý nghĩa tốt đẹp. Khi không có người để nêu gương thì họ sẽ không làm. Vì vậy quyết định cán bộ phải nêu gương có phần trái logic. Việc nêu gương khác với việc gương mẫu. Phải chăng gương mẫu là tự giác làm tốt công việc theo trách nhiệm và lương tâm.
Phải chăng phấn đấu trở thành kiểu mẫu để nêu gương là một trá hình của thói thích hư danh, thích được ca ngợi, thích được nổi tiếng. Dân gian có câu “Được tiếng khen ho hen suốt đời”.
Thanh Hóa trở thành kiểu mẫu thì chủ yếu lãnh đạo được tiếng khen, còn một số cán bộ cấp dưới và dân chúng không khéo sẽ ho hen suốt đời. Trước đây có vài đơn vị nổi tiếng một thời, được ca ngợi hết mức, nhưng rồi tàn lụi rất nhanh chỉ vì muốn nêu gương, chỉ vì thói hư danh của lãnh đạo.
Đã qua rồi phong trào Tỉnh, Huyện, Xã anh hùng. Xã bên cạnh anh hùng, xã mình kém gì họ mà không được, phải chạy cho bằng được để nhân dân phấn khởi, để lãnh đạo được mở mày mở mặt chứ. Rồi đến Xóm văn hóa, Thôn văn hóa… Phải chạy cho được chứ lại thua kém người ta về danh hiệu à. Có thể thua kém người ta về thực chất, nhưng danh hiệu thì phải chạy cho được. Bây giờ đến Tỉnh kiểu mẫu.
Người dân Thanh Hóa nghĩ sao về việc rồi đây tỉnh của họ được phong tước hiệu Tỉnh Kiểu Mẫu. Chắc rằng có một số người sẽ phổng mũi, tự hào. Họ là những ai? Phải chăng là những người ham thích hư danh. Còn đại đa số nhân dân thì sao. Dân Thanh đã từng sáng tác bài ca nổi tiếng : “Khu Bốn đẩy ra, Khu Ba đẩy vào. Định đẩy sang Lào. Thì Lào không nhận. Toàn dân nổi giận…”. Bây giờ được trở thành Kiểu Mẫu để quan trên trông xuống, thiên hạ trông vào thì chưa biết sẽ có thêm bài ca nào, ra sao.
Tôi hết sức cầu mong cho không những Thanh Hóa mà mọi tỉnh, mọi miền của đất nước phát triển một cách bền vững về mọi măt, kinh tế, văn hóa, giáo dục, nghệ thuật, sức khỏe, đạo đức, bảo vệ được thiên nhiên và môi trường, mang lại ấm no, tự do, hạnh phúc thật sự cho toàn dân. Còn kiểu mẫu hay không thì không quan trọng, không cần quan tâm. Quan tâm quá đến kiểu mẫu chứng tỏ đầu óc còn hạn hẹp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét