Thứ Ba, 30 tháng 6, 2015

20150630. TƯỞNG NHỚ ÔNG TRẦN QUANG CƠ

ĐIỂM BÁO MẠNG
KHÍ PHÁCH TRẦN QUANG CƠ
Bài của ĐINH HOÀNG THẮNG / BBC 29/6/2015

Ông Trần Quang Cơ (ở giữa, complet màu tối) đã tham gia quá trình bình thường hóa quan hệ với Hoa Kỳ

Chắc hẳn nhiều người còn nhớ buổi giao ban năm ấy… Với sắc mặt thất thần, ông Trần Quang Cơ gần như gào to giữa phòng họp: “Mọi người biết không, người ta sắp cắt thủ cấp Nguyễn Cơ Thạch để dâng cho nước ngoài rồi”.
Đoán “triều đình” có biến, lũ chúng tôi (những đứa lần đầu được dự giao ban), chẳng ai bảo ai, im thin thít. Tôi cố gắng tập trung vào “Bản tin A” (*) nhưng đầu óc thì nghĩ mông lung.
Không tham quyền cố vị
Trước tháng 12/1986, đại sứ Trần Quang Cơ được Bộ triệu tập về họp. Khi trở sang nhiệm sở (Bangkok), ông kể lại với một cán bộ tâm phúc về quyết định của “anh Thạch” dự kiến điều ông về nước làm thứ trưởng ngoại giao và giới thiệu ông vào Ban Chấp hành TƯ Đảng.
Ông lưỡng lự trước đề nghị của Bộ trưởng và tâm sự: “Với cơ chế của ta thì không thể làm việc được”. Sợ ông từ chối cái ghế nhiều người đang mơ ước, cán bộ tâm phúc ấy nói với ông rằng, anh nên nhận lời anh Thạch. Cố nhiên, anh không đi thì “chợ vẫn đông”, nhưng anh làm sẽ tốt hơn khối người khác.
Thế mới biết, tại sao năm 1991, rồi năm 1993 ông lại đề nghị được rút khỏi danh sách Ban Chấp hành TƯ. Đặc biệt và có thể nói vô tiền khoáng hậu (xin lỗi nếu có ngoại lệ), ông từ chối cả cái ghế Bộ trưởng Bộ Ngoại giao khi Tổng Bí thư Đảng đã có quyết định.
Khí phách Trần Quang Cơ hẳn nhiên đạt tới “đỉnh” khi ông quyết định công bố “Hồi ức và Suy nghĩ” khá sớm, khoảng đầu 2001. Chính nhà ngoại giao Dương Danh Dy cũng không hiểu vì sao được ông tín nhiệm, giao tận tay một lúc cả hai bản đánh máy. Thấy chắc chắn sẽ có ích cho cái chung, ông Dy góp thêm một số ý kiến, sau đó công khai đưa lên mạng.
Hồi ký Trần Quang Cơ lập tức trở thành sách gối đầu giường đối với nhiều nhà quan sát và giới cầm bút muốn có nguồn tư liệu trung thực để phân tích tình hình Việt Nam những năm hậu chiến, thậm chí để hiểu thấu được cả những sự kiện mà hệ lụy của chúng còn kéo dài mãi tới hôm nay và mai sau.
Cống hiến và phản biện
Trần Quang Cơ đóng góp nhiều cho Ngành từ những ngày ông về phụ trách Vụ 2, vụ đối sách với Mỹ, đàm phán tìm giải pháp cho vấn đề Campuchia, bình thường hóa với Trung Quốc. Từ những năm ấy, ông đã xác quyết các ý đồ và âm mưu của Trung Quốc đối với Việt Nam, đặc biệt là âm mưu cướp biển đảo.
Và Trần Quang Cơ đã bảo vệ đến tận cuối cuộc đời mình tất cả những kế sách mà ông cho là hiệu quả trong cuộc đấu tranh không cân sức với Trung Quốc.


Ông đã lên tiếng kêu gọi phải khẩn trương trong việc bình thường hóa quan hệ với Mỹ và sớm gia nhập ASEAN. Triết lý sống còn về an ninh của đất nước được ông khái quát khá sớm: “Trong cái thế anh nằm ngay cạnh nước lớn, nước khổng lồ, mà không có bạn thì anh sẽ bị ép”. Đối với ông, chiến lược an ninh và đối ngoại phải hết sức linh hoạt, phải phù hợp với xu hướng chung của cục diện chính trị-kinh tế thế giới, nhất thiết phải tương thích với những đặc điểm lớn của thời đại đại.
Nhưng rồi ông cũng cay đắng đưa ra nhận xét, ngày ấy, ta đã làm những việc cần thiết đối với Mỹ và ASEAN “chậm trễ tới cả mười năm”.
Sau này, ngay cả khi đã “rửa tay gác kiếm” ông vẫn sẵn lòng cho chúng tôi biết thêm một số chi tiết giá trị trong cuộc vật lộn ngoại giao đằng sau các cuộc chiến, đặc biệt là những bão táp thời hậu chiến mà ông là người trong cuộc, có lúc từng là tác nhân và nhờ sự tỉnh táo mách bảo, biết rút ra sớm khỏi cuộc chơi trước khi có thể trở thành nạn nhân.
Phản biện thông minh và luôn có ý thức tích lũy để cống hiến. Từng là cán bộ địch vận, thuyết phục binh lính Pháp, cùng làm việc với nhiều “cây đa, cây đề” trong làng ngoại giao và văn hóa, một thời dưới trướng Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Từ ngày chuyển về Bộ Ngoại giao, ông càng có cơ hội phát huy tầm nhìn xa trông rộng đối với các vấn đề mỗi khi góp phần vào việc đề xuất chính sách.
Có lẽ các phẩm chất tử tế nói trên đã làm Trần Quang Cơ thành danh như nhận xét của nhà báo tự do Huy Đức. Tuy nhiên, chiến cuộc ngoại giao mà suốt đời ông phụng sự một cách tận tụy thì vẫn còn đó… và đang hết sức nan giải.
Nhưng vận mệnh đất nước không thể cứ “bèo dạt mây trôi” như thế này mãi. Ông ra đi nhưng dường như vẫn muốn nán lại để hỏi chúng ta: “Những người đang sống phải làm gì?”
Bài viết phản ánh quan điểm và văn phong của riêng tác giả, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Hà Lan, nguyên Trưởng Nhóm Tư vấn Lãnh đạo Bộ Ngoại giao.
Bản tin A: bản tin lưu truyền nội bộ hàng ngày của Bộ Ngoại giao
MỘT CÁI TÊN ĐÃ THÀNH DANH: TRẦN QUANG CƠ
Bài của HUY ĐỨC/ BVN 30/6/2015
Tuy từ chối chức Bộ trưởng Ngoại giao, ông Trần Quang Cơ vẫn là một trong những người có ảnh hưởng lớn nhất lên đường lối đối ngoại của Việt Nam – không phải bằng quyền lực, chức vụ mà bằng những gì ông bạch hóa trong cuốn Hồi ức & Suy nghĩ được “leak” ra hồi đầu thập niên 2000s. Cuốn hồi ký có giá trị cảnh báo nguy cơ Việt Nam rơi vào thời kỳ Bắc thuộc mới.
Năm 1991, ông Nguyễn Cơ Thạch chịu nhiều áp lực phải rời khỏi chính trường. Chiếc ghế Bộ trưởng Ngoại giao được chuẩn bị cho ông Trần Quang Cơ nhưng ông từ chối. Khi Quốc hội đã nhóm họp, ông Trần Quang Cơ vẫn “công tác” ở Lào. Ông Đỗ Mười tưởng ông Cơ “đòi” cái ghế ủy viên Bộ chính trị nên hứa là nếu ông Cơ nhận, Trung ương sẽ bổ sung. Ông Cơ kiên quyết từ chối.
Thật tình cờ, tôi nhận được điện thoại của Đại sứ Đinh Hoàng Thắng báo ông Trần Quang Cơ đồng ý trả lời phỏng vấn khi đang ở trong Thành phỏng vấn Tướng Lê Đức Anh. Phải ngồi với cả hai mới thấy được sự khác nhau giữa họ về nhân cách, tầm nhìn; sự khác nhau giữa tham vọng quyền lực và lòng yêu quê hương đất nước.
Trong cuộc gặp vào chiều cùng ngày (có đại sứ Đinh Hoàng Thắng), tôi hỏi, vì sao ông lại không nhận chức Bộ trưởng Ngoại giao. Ông Cơ thẳng thắn: “Lúc ấy, trong Bộ Chính trị đã phân công cho Tướng Lê Đức Anh, Chủ tịch Nước, phụ trách quốc phòng, an ninh và ngoại giao. Tướng Lê Đức Anh là kiến trúc sư chính của Hội nghị Thành Đô. Nghị quyết Đại hội VII xác định đường lối ngoại giao đa phương. Nhưng chúng tôi biết rõ ‘phương ưu tiên’ của ông ta là ai, là ngược lại với chúng tôi, dẫu có nhận chức, trước sau cũng mất chức”. Tôi nói: “Tại sao anh không nhận chức rồi đấu tranh, nếu có mất chức vì bất đồng quan điểm thì lịch sử càng làm rõ ai công, ai tội”. Ông Trần Quang Cơ cười: “Cậu nghĩ là người ta sẽ cho tôi mất chức vì bất đồng quan điểm ư”. Khi ông Cơ nói điều đó, chưa xảy ra vụ “hai bao cao su” nhưng tôi cũng phần nào hiểu được.
Rồi các đồng nghiệp của ông Trần Quang Cơ sẽ đánh giá về sự nghiệp ngoại giao của ông. Nhưng, việc ông và Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch bị gạt khỏi cuộc chơi hồi thập niên 1990s đã để lại một khoảng trống trí tuệ to lớn cho Hà Nội. Trong khoảng trống đó, người ta mặc sức sử dụng con ngoáo ộp “diễn biến hóa bình” những con ngoáo ộp “made in” Trung Quốc.
Chúng ta chỉ mới biết đến những mất mát ở thác Bản Giốc, bãi Tục Lãm, điểm cao 1509… Chúng ta còn rất ít biết đến những mất mát to lớn hơn: những cơ hội để cải cách chính trị; những cơ hội để cải cách kinh tế theo hướng thị trường; những cơ hội hội nhập sâu rộng hơn với các quốc gia tiến bộ; những cơ hội để ký BTA, đi trước Trung Quốc trong làm ăn với Mỹ.
Cho dù rất chia sẻ với quyết định của ông; vẫn kính trọng tài năng và tâm huyết của ông; không dám trách ông “bỏ cuộc chơi”… nhưng vẫn tiếc, vận nước vào những lúc khó khăn, lại quá thiếu vắng những con người tử tế.
Xin tiễn biệt ông. Ông ra đi nhưng người đời sẽ còn nhắc tên ông, một cái tên đã thành danh: TRẦN QUANG CƠ.
H. Đ.

Thứ Hai, 29 tháng 6, 2015

20150629. CÓ NÊN BĂT TRẺ CON HỌC THÊM ?

ĐIỂM BÁO MẠNG
TÔI ĐÃ SAI LẦM KHI CHO CON ĐI HỌC THÊM
Bài của HOÀNG THỊNH/ VNN 29/6/2015
học thêm, thành tích, học sinh
Ảnh minh họa

 Tôi có hai cháu, cháu đầu năm nay đã đi học cao đẳng. Cháu vốn là đứa trẻ thông minh, sáng tạo. Hồi học tiểu học cháu luôn là học sinh giỏi xuất sắc của lớp, của trường và là một trong số ít học sinh đạt giải trong các kì thi học sinh giỏi cấp huyện.
Năm cháu vào trường THCS, tôi nghĩ lượng kiến thức của cấp học này nhiều, sợ cháu không theo kịp bạn bè nên tôi cho cháu đi học thêm. Hết thời gian học chính khóa trên trường, cháu “chạy sô” đến các lớp học thêm hết môn này đến môn khác.
Hầu như hôm nào về đến nhà cũng trong tình trạng mệt mỏi, bơ phờ, chỉ kịp vào bàn lùa vội chén cơm và lên giường ngủ lì bì tới sáng. Theo cảm nhận của tôi, từ ngày lao vào học thêm, cháu trở thành đứa trẻ thụ động, ỉ lại và không chịu suy nghĩ. Khi thầy cô giao bài tập về nhà, cháu chỉ giải các bài tập dễ, còn bài tập khó chờ đi học thêm thầy cô giải rồi chép vào vở.
Lên THPT cháu học càng sa sút tuy vẫn đi học thêm đều đặn. Dần dần, tôi nhận thấy con mình hình như đã thui chột mất óc sáng tạo, tư duy kém và nhất là không có khả năng tự học dẫn đến không hứng thú với việc học tập.
Tôi luôn cảm thấy sai lầm vì cho con đi học thêm quá nhiều.
Rút kinh nghiệm từ cháu đầu, cháu thứ hai khi vào cấp 2 tôi không cho cháu đi học thêm mà bắt cháu tự học bằng cách đọc kỹ phần lý thuyết căn bản trong sách giáo khoa, sau đó áp dụng vào giải bài tập.
Ngoài ra, tôi mua thêm sách tham khảo về để cháu học. Phương pháp học là cứ học lý thuyết bài nào trong chương trình SGK thì áp dụng vào giải thêm các bài tập nâng cao trong sách tham khảo về bài đó.
Tôi dành thời gian đọc đề cho cháu chép, sau đó tôi cất kỹ cuốn sách để cháu không tìm ra, tối đến, tôi lấy sách ra đối chiếu phần lời giải trong sách với phần bài tập đã giao xem cháu làm có đúng không và lại giao thêm bài tập tiếp theo. Tôi rất vui vì không có ai hướng dẫn nhưng cháu giải đúng được khoảng 80%. Những bài nào cháu làm không được, tôi suy nghĩ, tham khảo thêm ở sách hướng dẫn và giảng lại cho con. Điều quan trọng là cháu tự giác và hứng thú với việc học tập hơn nhiều.
Tôi không phủ nhận lợi ích của việc học thêm. Nhưng đối với HS tiểu học, THCS - việc học thêm là chưa cần thiết. Thực chất của học thêm ở các cấp này là học trước chương trình SGK. Vì thế, khi vào học chính khóa học sinh đã được học thêm thường thiếu tập trung, chủ quan vì kiến thức này mình đã biết rồi.
So sánh một số học sinh thường xuyên đi học thêm và một số ít em tự học ở nhà, tôi nhận thấy các em tự học thường sáng tạo, chủ động và có tố chất về tư duy. Ngược lại các em đi học thêm thường không có được điều đó vì có tính ỉ lại…
Bên cạnh đó việc dạy thêm học thêm thường tạo cho phụ huynh tâm lý nể nang, e ngại chuyện này chuyện kia nên con mình học chính khóa thầy cô nào thì gửi con học thêm thầy cô đó. Còn giáo viên khi phụ huynh đã tin tưởng giao phó thì bằng cách này hay cách khác cũng phải cố để con cái họ phải đạt học sinh khá, giỏi. Và vô tình học sinh chính là nạn nhân của bệnh thành tích.
Để giải quyết vấn nạn dạy thêm học thêm hơn ai hết phụ huynh mới là người quan trọng nhất. Nếu ai ai cũng nhận thấy những mặt trái của việc học thêm như thế thì “Không có trò” thầy biết dạy ai?
Khi viết bài này tôi trăn trở nếu ngành giáo dục không giải quyết được vấn nạn dạy thêm học thêm này không biết thế hệ trẻ của đất nước mình 10 năm nữa, 20 năm nữa sẽ trở thành những người như thế nào?
  • Hoàng Thịnh (Lâm Đồng)

Chủ Nhật, 28 tháng 6, 2015

20150628. TÌNH HÌNH SỬ DỤNG INTERNET Ở VIỆT NAM

ĐIỂM BÁO MẠNG
BÁO CHÍ VIỆT NAM TRONG MÔI TRƯỜNG TIN TỨC ĐẦY BIẾN ĐỘNG
Bài của PGS.TS NGUYỄN ĐỨC AN * / TBKTSG 25/6/2015
(TBKTSG) - Nếu cuộc khảo sát được Gallup công bố gần đây về tiêu thụ truyền thông và tin tức ở Việt Nam là đáng tin cậy thì giới nhà báo, quản trị toà soạn, quản lý thông tin - nhất là trong ngành báo in - sẽ phải đương đầu với nhiều bài toán cấp bách để bảo đảm một tương lai bền vững trong thời đại số...
Internet “trên từng cây số”
Cách đây 10 năm, khi Internet chỉ có mặt trong đời sống 13% người Việt và điện thoại di động (ĐTDĐ) vẫn còn là xa xỉ phẩm với đại đa số, khó ai có thể nhìn thấy trước cảnh quan truyền thông Việt Nam hiện nay.
Dữ liệu mới được BBG (Hội đồng quản trị phát thanh truyền hình thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ) và Gallup công bố cho thấy, với gần một nửa dân (43%) có kết nối với mạng toàn cầu, Việt Nam hiện là một trong những quốc gia có mức thâm nhập Internet cao nhất châu Á.
Tỷ lệ người Việt sử dụng Internet hàng tuần (tức là, ít nhất mỗi tuần một lần) tăng vọt từ 26% năm 2013 lên 39% năm 2015. Có 35% sử dụng Google, 30% tham gia mạng xã hội Facebook và 27% xài YouTube.
Đứng ở trung tâm chuyển biến mạnh mẽ này trong vài năm trở lại đây có lẽ là ĐTDĐ. Một phần nhờ thị trường hàng cũ rộng khắp, mức độ thâm nhập của ĐTDĐ vào cộng đồng người Việt tăng từ 75% năm 2013 lên 94% năm 2015. Nghĩa là, bây giờ, từ nông thôn đến đô thị, ra đường là gần như ai cũng có ĐTDĐ (trừ một số vùng sâu vùng xa mà BBG/Gallup không tiếp cận).
Một vài tòa soạn cũng chịu khó đầu tư nhưng manh mún, thiếu nền tảng và hệ thống, với quá nhiều giằng co giữa phát triển cái mới (không có lợi nhuận trước mắt) và níu kéo cái cũ (vẫn là bầu sữa chính).
Điện thoại thông minh là “hàng quý tộc” cách đây vài năm, bây giờ là vật trong tay chừng 34 triệu người Việt (37% dân số), nhất là trong nhóm tuổi 15-24 (66%) và 25-34 (56%).
Trong bối cảnh đó, không có gì đáng ngạc nhiên khi thấy, theo dữ liệu của BBG/Gallup, ĐTDĐ đã trở thành môi trường truy cập Internet phổ dụng nhất tại Việt Nam (31%), bỏ xa máy tính để bàn (18%) và máy xách tay (10%). 8/10 người có xài Internet “trong bảy ngày vừa qua” làm việc này qua ĐTDĐ, gấp ba lần máy tính xách tay (26,5%) và gần gấp đôi máy để bàn (45%).
Xin mở ngoặc là cách BBG/Gallup chọn mẫu và thu thập dữ liệu có vài điểm cần phải dè chừng (tôi sẽ lưu ý khi có dữ liệu cần đặt câu hỏi). Nhưng khi đối chiếu với các nguồn dữ liệu khác, những con số trên cho thấy một sự biến động mãnh liệt và sâu sắc đang diễn ra trong môi trường truyền thông - và theo đó là kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa - ở Việt Nam. Chẳng hạn, một nghiên cứu thị trường khác do TNS thực hiện năm ngoái cũng cho ra vài dữ liệu tương tự như BBG/Gallup: số người Việt sở hữu điện thoại thông minh tăng gần gấp đôi, từ 20% năm 2013 lên 36% năm 2014.
Truyền hình thống lĩnh, mạng xã hội thẳng tiến
Cũng như ở những nước có tỷ lệ thâm nhập Internet cao, hành vi và thói quen sử dụng tin tức tại Việt Nam đang chuyển biến theo hướng di động, đa phương tiện, đa thiết bị và mạng xã hội.
Nhưng truyền hình vẫn là “vua”: tuyệt đại đa số dân (96%) tiếp nhận tin tức ít nhất là hàng tuần (mỗi tuần một lần) qua máy truyền hình. Khi được yêu cầu nêu tên ba nguồn tin cụ thể “quan trọng nhất”, những người tham gia khảo sát của BBG/Gallup chọn bốn kênh truyền hình là VTV, đài địa phương, VTC và HTV, nhiều nhất.
Theo sau truyền hình không phải là một phương tiện thông tin đại chúng khác mà là bạn bè/người thân (75% lấy tin từ nguồn này hàng tuần). Nghĩa là tương tác xã hội đóng vai trò quan trọng hơn nhiều so với phần lớn các cơ quan báo chí chính thống.
Rất tiếc, cách đo lường hơi mập mờ trong khảo sát của  BBG/Gallup không cho phép phân định được bao nhiêu trong số 75% đó là qua truyền miệng trực tiếp ngoài đời và bao nhiêu là qua các công cụ trên Internet như mạng xã hội, diễn đàn trực tuyến, e-mail...
Nhưng tác động từ những công cụ trực tuyến này có lẽ sẽ không nhỏ. Trên thực tế, Facebook dù còn non trẻ đã xếp thứ sáu trong danh sách 10 nguồn tin quan trọng nhất với người Việt. Facebook cũng là ứng dụng (app) được sử dụng thường xuyên nhất trên ĐTDĐ (47%, bỏ xa ứng dụng thứ hai là Google với 16%).
Liên quan đến mạng xã hội, một kết quả đáng để ý khác trong khảo sát của BBG/Gallup là gần 60% người Việt cho rằng blog và tiểu blog cá nhân “đáng tin” hơn tin tức chính thống. Con số này cần phải được tiếp nhận cẩn trọng vì rõ ràng đây là một tỷ lệ rất cao so với tỷ lệ sử dụng Internet (39%). Nghĩa là, BBG/Gallup hỏi rất nhiều người về độ “đáng tin” của một kênh tin tức mà họ chưa bao giờ đụng tới - và nhiều người chắc chắn sẽ trả lời cho xong hay cho vừa ý người hỏi, mà chẳng biết nó là cái gì.
Tuy nhiên, xin đừng tự trấn an rằng dữ liệu không đáng tin cậy, rồi không làm gì. Thực tế đang diễn ra như thế, dù có thể ở mức độ thấp hơn: các nguồn tin phi chính thống cần được nghiêm túc nhìn nhận như là một dòng chảy văn hóa chính danh, với những giá trị riêng của nó, trong xã hội số. Nhìn nhận để có cách làm tin bài nhạy bén hơn trong các tòa soạn, để đưa ra cách tiếp cận hợp thời hơn trong tư duy và chính sách quản lý môi trường thông tin và truyền thông. Nói như một nhà báo kỳ cựu ở TPHCM, “lề phải” không có, không nhanh thì đương nhiên, người ta sẽ đổ sang “lề trái”.
“Lá cải” làm mưa?
Nhiều người đã lên tiếng về thảm trạng “lá cải” trong báo chí, nhưng tầm với của loại tin, bài này trong xã hội Việt Nam vẫn chưa được đo lường có hệ thống. Dữ liệu BBG/Gallup bắt đầu cho một cái nhìn thoáng qua về việc này.
Đứng thứ năm (sau bốn kênh truyền hình kể trên) trong danh sách 10 nguồn tin cụ thể quan trọng nhất là một tên tuổi còn lạ hoắc cách đây vài năm: 24h.com.vn (được 7.7% người Việt nêu tên). Cũng nằm trong danh mục này là ba trang tin trực tuyến khác: Dantri.com.vn (4,2%), Kênh 14 (4%) và Zing (3,2%). Ngay cả các báo trực tuyến lâu năm và tên tuổi như VnExpress hay VietNamNet đều không có mặt trong danh mục này.
Nét chung giữa những trang web “quan trọng nhất” trên là gì? Vào là thấy ngay tin, bài về cướp - giết - hiếp, thấy đại gia này kiều nữ kia, thấy thân hình phụ nữ đem ra phô bày như vật thể trong triễn lãm... Những trang web này đặc biệt phổ dụng trong hai nhóm độc giả trẻ 15-24 và 25-34 tuổi. Tỷ lệ tuổi 35 trở lên chọn chúng là nguồn “quan trọng nhất” đều rất thấp.
Điều gì sẽ xảy ra với một thế hệ lớn lên theo những nguồn tin “quan trọng nhất” kiểu này? Người Việt đang dần bị mê muội bởi những thứ tin tức này chăng? Theo tôi, lo lắng là cần thiết, nhưng không cần phải thái quá. Chuyện báo lá cải dẫn đầu thị trường chẳng phải lạ và chẳng phải riêng trong thế giới số. Ở Anh, các tờ lá cải như The Sun (hay The News of the World trước khi bị đóng cửa vì vụ nghe trộm điện thoại) mỗi ngày bán vài triệu bản. Trong khi những tờ báo khả kính nhất như The Daily Telegraph hay The Guardian mỗi ngày chỉ bán được vỏn vẹn vài trăm ngàn bản.
Người ta có thể vẫn đổ vào đọc tin lá cải, giật gân để giải trí, để thoát ly thực tại, để cười cợt, để giải quyết những tọc mạch không cần thiết, để thỏa mãn những dục vọng thầm kín trong con người... Nhưng ít ai có lương tri xã hội sẽ dựa vào chúng để tiếp nhận thông tin thiết yếu cho công việc, đời sống chung và riêng.
Hơn nữa, thực tế cũng cho thấy con người càng lớn tuổi và càng nhiều trách nhiệm với gia đình và xã hội, càng cần đến với các loại tin tức quan trọng và nghiêm túc. Điều này lý giải vì sao nhóm tuổi 35 trở lên hiếm khi chọn bốn trang web lá cải như nguồn tin quan trọng nhất.
Nỗi niềm... báo in
Ngược với truyền hình, báo in rơi vào chót bảng trong các phương tiện truyền thông, tin tức được người Việt sử dụng (19%), cách xa thiết bị di động (48%) và Internet (38%), thậm chí bị cả radio (21%) lấn lướt. Trong 10 nguồn tin cụ thể “quan trọng nhất”, không có tên tuổi báo in nào.
Tỷ lệ đọc báo in thấp không có gì đáng ngạc nhiên. Xưa nay báo in ở ta chỉ chăm chú phục vụ các vùng đô thị, nơi mà chi phí phát hành thấp và thị trường thích hợp hơn (trình độ giáo dục, khả năng đọc hiểu, nhu cầu tin tức, sức mua và sức hút quảng cáo... trong cư dân đô thị cao hơn nông thôn). Nhưng khó có thể phủ nhận rằng báo in, vốn đã tụt dốc từ khoảng 2008-2009 trở lại đây, có vẻ như đang tiếp tục hứng chịu “cơn lốc số”.
Rất tiếc, qua quan sát các sản phẩm số mà các tờ báo in làm ra cũng như tiếp xúc trực tiếp với nhiều tòa soạn, tôi cảm thấy dường như họ vẫn chưa sẵn sàng thích ứng với thời đại. Phần lớn tham gia không gian đa phương tiện và đầy tính tương tác xã hội mà không thoát khỏi tư duy “độc thoại từ trên xuống” như lúc làm báo giấy. Điều này thể hiện ngay trong những điều cơ bản như cách thiết kế trang web, cách viết và trình bày bài báo...
Ngay cả việc cung cấp ứng dụng tin tức (news app) để tận dụng xu hướng di động, hiện chỉ có một hai tờ báo là làm tương đối tốt (như Thanh Niên chẳng hạn).
Một vài tòa soạn ý thức được thách thức và cơ hội, cũng chịu khó đầu tư nhưng sự đầu tư manh mún, thiếu nền tảng và hệ thống, với quá nhiều giằng co giữa phát triển cái mới (không có lợi nhuận trước mắt) và níu kéo cái cũ (vẫn là bầu sữa chính).
Xem thêm bài
(*) Đại học Bournemouth, Anh
"KHÓ KIỂM SOÁT FACEBOOK MẠO DANH LÃNH ĐẠO"
Bài của pv THU HẰNG / VNN 28/6/2015
mạng xã hội, facebook, bộ trưởng, Nguyễn Bắc Son, an toàn thông tin.
Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son.
Nói về những facebook mạo danh nhiều lãnh đạo, Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Bắc Son cho hay có những khó khăn, khó kiểm soát hết khi máy chủ các trang cá nhân đặt ở nước ngoài.
Dự luật An toàn thông tin lần đầu tiên trình tại kỳ họp QH vừa qua nhận được nhiều ý kiến đóng góp của ĐBQH. VietNamNet đã phỏng vấn Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Bắc Son về những vấn đề ĐBQH đặt ra để cơ quan soạn thảo tiếp tục hoàn chỉnh dự luật.
Nói xấu Đảng, Nhà nước cần phải nghiêm trị
ĐB Huỳnh Thành Đạt khi thảo luận về dự luật đã đưa ra đề nghị cấm mạo danh trên facebook như một cách bảo vệ thông tin, cá nhân trên Internet, Bộ trưởng nhận thấy đề nghị này có hợp lý?
Facebook là mạng xã hội lớn, mọi người đều có quyền mở tài khoản, truy cập, khó có ai quản lý được.
Bây giờ nói cấm mạo danh trên facebook thì việc đưa ra chế tài đối với vi phạm này là một thách thức. Ví dụ bạn lên facebook hoàn toàn có thể lấy nickname ở nhà đặt cho facebook của mình. Ra lệnh cấm không được dùng nickname để truy cập, đăng ký trên facebook hiện nay gần như chưa thể.
Theo Hiến pháp, mọi công dân có quyền tự do thông tin, tự do ngôn luận, tự do tiếp cận và cung cấp thông tin. Nhưng nếu tự do này phương hại tới lợi ích người khác, tự do của mình ảnh hưởng tới tự do người khác thì phải bị xử lý.Xã hội đang tiến tới việc tất cả hành vi đều có thể quản lý được và thực tế cơ quan chức năng cũng đang tìm cách giải quyết, để mọi hành vi được tự do nhưng trong khuôn khổ pháp luật.
Anh có quyền tự do lập facebook. Nhưng nếu đăng thông tin bôi xấu người khác thì quyền tự do của anh lại vi phạm pháp luật, vi phạm quyền tự do của người khác. Như vậy phải bị lên án, xử lí, chưa kể nếu nói xấu Đảng, nhà nước thì cần phải nghiêm trị.
Gặp khó với máy chủ đặt ở nước ngoài
Nhưng hiện nay trên facebook có rất nhiều nickname mạo danh nhiều lãnh đạo đảng, nhà nước?
Facebook có máy chủ đặt ở nước ngoài, đó là cái khó và thách thức trong quản lý trang thông tin cá nhân. Chúng ta khuyến khích tự do thông tin nhưng tự do phải trong khuôn khổ pháp luật.
Vì thế theo quy định của Nghị định 72, khi đăng ký cung cấp dịch vụ thông tin trên mạng buộc các nhà cung cấp dịch vụ phải đặt ít nhất 1 máy chủ ở VN để quản lý và dễ dàng giải quyết những vấn đề phát sinh. Nếu cung cấp dịch vụ xuyên biên giới mà máy chủ không đặt ở VN rất khó kiểm soát hết.
Khi chúng ta ban hành Nghị định 72 có rất nhiều phản đối nhưng vì mục tiêu bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, an ninh quốc gia chúng ta vẫn phải làm và quyết tâm làm.
Vừa rồi, các ĐBQH cũng nêu thực trạng nhiều trang web, máy tính của VN bị tấn công từ các hệ điều hành đặt ở nước ngoài. Trong khi việc kiểm soát thông tin từ các máy chủ đặt ở nước ngoài lại rất khó khăn?
Những thông tin xuyên biên giới không chỉ là thách thức với riêng VN mà cả thế giới. Ngay Mỹ cũng thường xuyên phát đi những thông tin cảnh báo tấn công vào mạng lưới thông tin của mình, ngay cả trang web các nhà lãnh đạo của Mỹ cũng bị tấn công.
Một số trang thông tin có xuất phát từ nước ngoài đang là mối đau đầu của các cơ quan an ninh để tìm mọi cách hữu hiệu nhất ngăn chặn, cảnh báo. Hiện chúng ta có 8 nhà mạng được phép cung cấp dịch vụ này phối hợp với các cơ quan chức năng để ngăn chặn, bằng cả biện pháp kỹ thuật và tuyên truyền.
Trong đó, việc tuyên truyền để mọi người có ý thức nhận biết đâu là thông tin tốt, đâu là thông tin sai trái trên mạng. Đồng thời khuyến khích mọi người cung cấp thông tin tốt, thông tin chính thống lên mạng. Đơn cử như trang tin Quan làm báo sau một thời gian chúng ta tích cực tuyên truyền, nay người dân đã không còn vào truy cập.
Tuy nhiên, những giải pháp này cũng không thể đảm bảo an toàn tuyệt đối. Hiện nay, xuất hiện nhiều hacker với thủ đoạn tinh vi có thể vượt rào tường lửa.
Lên án việc đưa thông tin tổn hại người khác
Nhiều ĐBQH cũng rất quan tâm tới hệ luỵ tiêu cực từ mạng xã hội đối với thanh thiếu niên như vụ nữ sinh 15 tuổi ở Đồng Nai tự tử vừa qua. Vậy luật an toàn thông tin đặt ra vấn đề quản lý mạng xã hội như thế nào để vừa đảm bảo thông tin nhưng không hạn chế dân chủ?
Vụ việc đặt ra vấn đề an toàn thông tin trên mạng mà cơ quan quản lý Nhà nước phải xử lý, trong đó có trách nhiệm của Bộ TT&TT. Chúng tôi cũng phải khuyến cáo tất cả các nhà mạng khi phát hiện ra những nội dung tương tự thì phải nhanh chóng có biện pháp ngăn chặn bằng kỹ thuật, để không dẫn tới những hậu quả đáng tiếc như vừa qua.
Về mặt giáo dục đạo đức xã hội, gia đình phải quản lý con cái, quản lý thành viên trong gia đình. Bản thân mỗi cá nhân phải ý thức được rằng những thông tin mình đưa ra phải góp phần cho xã hội tốt hơn. Còn đưa những thông tin làm tổn hại người khác thì đây hành vi cần phải lên án, giáo dục và bị xử lí.
Theo Bộ trưởng, mỗi cá nhân khi tham gia mạng xã hội cần có trách nhiệm như thế nào?
Bản thân tất cả chúng ta phải có ý thức đưa thông tin tốt, tránh đưa thông tin xấu lên mạng. Khi phát hiện những thông tin xấu gây ảnh hưởng lớn tới xã hội, nhanh chóng thông báo tới cơ quan chức năng để họ có biện pháp ngăn chặn kịp thời.
Trước các ý kiến của ĐBQH, dự luật sẽ được tiếp thu, đưa ra các quy định chế tài, kiểm soát ra sao?
Mong muốn của các ĐBQH là hoàn toàn chính đáng để khi luật ra đời phải giải quyết được tất cả các vấn đề phức tạp trên mạng. Luật An toàn thông tin ra đời kỳ vọng sẽ giải quyết được một số nội dung để đảm bảo an toàn trên môi trường mạng chứ khó có thể giải quyết hết được.
Thu Hằng