Thứ Năm, 30 tháng 4, 2020

20200430. LẠI BÀN VỀ XÂY DỰNG LUẬT TIẾNG VIỆT

ĐIỂM BÁO MẠNG

ĐI TÌM ...TIẾNG VIỆT
XUÂN DƯƠNG/ GDVN 23-4-2020


Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói rằng iPad của bà lưu trữ đươc ngay tức thời các bài phát biểu của Bộ trưởng và đại biểu Quốc hội. (Ảnh: Viettimes.vn)

Tiếng Việt những năm gần đây:
Năm 2012, một Hội thảo mang chủ đề: “Xây dựng chuẩn mực chính tả thống nhất trong nhà trường và trên các phương tiện truyền thông đại chúng” được tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh. 
Các ý kiến tham luận tại hội thảo cho thấy “Chữ quốc ngữ có được cương vị thật sự sau Cách mạng Tháng Tám.
Tuy nhiên, chưa có bất kỳ văn bản nào của Nhà nước (cấp quốc gia) công nhận đó là quốc tự.
Ngay cả tiếng Việt cũng chưa được ghi trong hiến pháp là ngôn ngữ quốc gia...”. [1]
Sau Hội thảo này, Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013, khoản 3 điều 5 quy định: 
“Ngôn ngữ quốc gia là tiếng Việt. Các dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc dân tộc, phát huy phong tục, tập quán, truyền thống và văn hóa tốt đẹp của mình”. 
Điều 13 Hiến pháp cũng quy định Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca, Quốc khánh và thủ đô nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Hà Nội. 
Tuy nhiên trong Hiến pháp vẫn chưa đề cập đến phạm trù quan trọng không kém là Quốc ngữ, tức là tiếng nói và chữ viết bắt buộc phải sử dụng trong hệ thống chính trị Việt Nam và bang giao quốc tế.
Khoản 1, điều 8 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 quy định:
“Ngôn ngữ trong văn bản quy phạm pháp luật là tiếng Việt”.
Khoản 1, điều 11, Luật Giáo dục 2019 quy định: “Tiếng Việt là ngôn ngữ chính thức dùng trong cơ sở giáo dục”.
Quy định trong Hiến pháp và các luật nêu trên làm xuất hiện câu hỏi: “Việt Nam có 54 dân tộc cùng sinh sống, vậy “Tiếng Việt” là tiếng nói của cả 54 dân tộc hay là tiếng nói của dân tộc chiếm đa số”?
Một số tài liệu nước ngoài cho rằng: 
“Tiếng Việt, còn gọi tiếng Việt Nam, tiếng Kinh hay Việt ngữ, là ngôn ngữ của người Việt (dân tộc Kinh) và là ngôn ngữ chính thức tại Việt Nam.
Đây là tiếng mẹ đẻ của khoảng 85% dân cư Việt Nam, cùng với hơn 4 triệu Việt kiều.
Tiếng Việt còn là ngôn ngữ thứ hai của các dân tộc thiểu số tại Việt Nam và cũng được công nhận là tiếng của dân tộc thiểu số (Việt) tại Cộng hòa Séc”.
Câu hỏi nêu trên ai cũng có thể trả lời song hình như những người có trách nhiệm - cả trong giới khoa học lẫn chính trị - đều có sự e ngại khi công khai cho rằng tiếng Việt là tiếng nói của dân tộc Kinh – dân tộc chiếm khoảng 85% dân số cả nước theo kết quả Tổng điều tra dân số 2019. 
Phải chăng vì sự e ngại này mà đến nay chưa có bất kỳ văn bản nào cấp nhà nước nào quy định về tiếng Việt (bao gồm tiếng nói (giọng chuẩn), chữ viết, chính tả,…) ngoại trừ một số quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Khoa học và Công nghệ,... 
Ở trong nước, chỉ mới tìm thấy Quyết định số 240/QĐ của Bộ Giáo dục (nay là Bộ Giáo dục và Đào tạo) ban hành ngày 05/03/1984 đề cập đến “Những quy định về chính tả tiếng Việt và về thuật ngữ tiếng Việt” do Bộ trưởng Nguyễn Thị Bình ký.
Tuy nhiên quyết định này chỉ áp dụng cho các sách giáo khoa, báo và văn bản của ngành giáo dục và cũng không đề cập đến bảng chữ cái chuẩn (bảng mã quốc gia theo cách nói của ngành Công nghệ Thông tin).
Thêm nữa, chính Quyết định số 240/QĐ cũng viết chưa chuẩn, ví dụ câu:
“Đối với tên riêng chưa không phải tiếng Việt thì nguyên tắc chung là:…”, trong câu văn này hai từ “chưa không” viết liền nhau là chưa chuẩn bởi người đọc hiểu “chưa không phải” có nghĩa là “phải” cũng như “không thể không nói” có nghĩa là “phải nói”.
Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo (từ năm 2002), bảng chữ cái trong sách giáo khoa dạy học sinh bậc tiểu học chỉ gồm 29 chữ cái trong khi Tiêu chuẩn nhà nước TCVN 5712-VN3 do Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành năm 1993 thì tiếng Việt có 33 chữ cái (thêm các chữ F, J, Z, W).
Cho đến năm 2011, Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn cho rằng “Đề xuất thêm ký tự F, J, W, Z cho bảng chữ cái tiếng Việt chỉ là ý kiến cá nhân của một số cán bộ nghiên cứu của Cục Công nghệ Thông tin.
Các ý kiến này chưa được đưa ra thảo luận trong Ban soạn thảo, đây không phải là chủ trương của Bộ Giáo dục và Đào tạo”. [2] 
Vậy chính thức tiếng Việt có bao nhiêu chữ cái?
Hiện nay, việc sử dụng tiếng Việt chưa chuẩn diễn ra từ địa phương đến trung ương, ví dụ: “Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 20/9/1979…”, “Nghị quyết số: 29-NQ/TW”,...
Cụm chữ cái viết tắt “NQ” được hiểu là “Nghị quyết”, còn “TW” được hiểu là “Trung ương” nhưng vì sao không viết là “TƯ” mà lại là “TW”. Vì sao lại dùng chữ “W” và ý nghĩa của nó thế nào hình như chưa có ai giải thích.
Ví dụ trên cho thấy chữ cái “W” được sử dụng ít nhất là từ năm 1979 nhưng phải đến năm 1993 mới được đưa vào Tiêu chuẩn Việt Nam.
Tiếng Việt với giới nghiên cứu, thiết kế:
Được biết gần đây, một số cơ quan, tổ chức đang sử dụng phần mềm chuyển văn bản thành tiếng nói hoặc ngược lại.
Trong một buổi họp Quốc hội, Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết đang sử dụng phần mềm chuyển đổi lời phát biểu của các đại biểu Quốc hội thành văn bản trên máy tính bảng (iPad).
Phần mềm mà bà Ngân đề cập có tên là Origin-STT, là sản phẩm của nhóm tác giả đến từ công ty Công ty trách nhiệm hữu hạn “Hệ thống trí thông minh nhân tạo Việt Nam (VAIS)”.
Phần mềm này đã giành giải nhất trong nhóm sản phẩm Công nghệ Thông tin của “Giải thưởng Nhân tài đất Việt 2019”. 
VAIS là doanh nghiệp có trụ sở tại 60B Nguyễn Huy Tưởng, Thanh Xuân, Hà Nội. 
Điều cần khen ngợi là phần mềm có thể nhận diện giọng nói ba miền Bắc, Trung, Nam, tuy nhiên chưa biết các tác giả chọn phương ngữ vùng miền nào đặc trưng cho ba miền.
Một phần mềm khác là “Hệ thống tổng hợp tiếng nói phương Nam (VOS)” của nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, từ văn bản (chữ viết) phần mềm sẽ chuyển đổi thành tiếng nói.
Tiếng nói mà nhóm này thiết kế dựa trên giọng nói của phát thanh viên Kim Phượng, Đài tiếng nói nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh (để thu âm mẫu cho các câu nói,…).
Trên thế giới, việc dạy phát âm chuẩn tiếng Anh đã có từ lâu với phần mềm Talk It hoặc Talkit (phát âm cả đoạn văn hoặc từng từ tiếng Anh).
Vậy có thể kết hợp Origin-STT với VOS để tạo ra một phần mềm chung, chuyển đổi chữ viết thành tiếng nói và ngược lại?
Nói cách khác là các tác giả tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và một số vùng miền khác có thể hợp tác cùng nhau phát triển phần mềm xử lý tiếng Việt sử dụng thống nhất cả nước và bang giao quốc tế?
Tâm lý vùng miền:
Có thể thấy tại Việt Nam, việc chưa có quy định về tiếng nói và chữ viết chuẩn quốc gia đã khiến cho giới khoa học thời công nghệ thời 4.0 làm việc theo kiểu tự phát.
Do không có định hướng chiến lược quốc gia nên tình trạng “63 tỉnh là 63 nền kinh tế” đã lan sang giới học thuật, công trình nghiên cứu chưa mang tầm quốc gia nếu không nói là mới chỉ nhằm phục vụ cho địa phương, vùng miền.
Sự manh mún, cục bộ trong nghiên cứu khoa học khiến lực lượng bị phân tán, vừa tiêu tốn tiền của, thời gian, vừa làm dấy lên tâm lý vùng miền không đáng có.
Mặt khác, sự “vô luật pháp” trong lĩnh vực tiếng việt (viết và nói) kéo theo một thực trạng cần phải báo động đỏ, đó là từ năm 1975 đến nay, rất nhiều công trình văn hóa tâm linh mới xây dựng từ cổng vào đến hoành phi, câu đối đều viết bằng chữ nước ngoài. 
Bảo tồn, giữ nguyên tình trạng (kiến trúc, quy hoạch,…) các công trình văn hóa, tâm linh, các thư tịch cổ,… là không phải bàn luận, bởi đã được quy định trong Luật Di sản văn hóa 2001, Luật Di sản văn hóa (hợp nhất) năm 2013.
Vậy tại sao Nhà nước, cụ thể là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch lại để tình trạng những công trình văn hóa tâm linh mới xây dựng không sử dụng chữ quốc ngữ (chữ Việt) mà là chữ nước ngoài?
Tại nhiều thành phố, thị trấn, biển hiệu viết bằng chữ Anh, Trung Quốc to hơn chữ Việt treo tràn lan trước nhà, thậm chí chăng cả nơi công cộng.
Người Việt coi trọng lối sống làng xã, tâm lý “sau lũy tre làng” còn rất nặng nề khiến cho giữa các dòng tộc, vùng miền thì so bì, thậm chí là co cụm lại với nhau nhưng văn hóa ngoại lai lại bị xem là việc của người khác.
Nhưng “người khác”, gần đây hình như bận quan tâm đến phát triển kinh tế nhiều hơn nên văn hóa ngoại lai không những sống rất khỏe mà dường như đang lấn át văn hóa bản địa.
Tình trạng sử dụng các từ ngoại lai, nhất là từ có nguồn gốc tiếng Anh là phổ biến trên các phương tiện truyền thông đại chúng.
Giới trẻ ngày nay đổ xô chào đón thần tượng âm nhạc ngoại, khóc lóc khi nhìn thấy “thần tượng”, không những thế, không ít báo, đài, cơ quan truyền thông đại chúng còn lợi dụng dịp nghệ sĩ nước ngoài đến Việt Nam để thu hút người đọc, người xem.
Bảo vệ di sản, công trình văn hóa đã có luật, bảo vệ tiếng Việt, cũng tức là bảo vệ chính văn hóa lại không có luật, trách nhiệm chỉ thuộc về hành pháp (Chính phủ), lập pháp (Quốc hội) hay cũng còn thuộc về sự đạo, về đường lối văn hóa?
Giữ cái “ao làng” có vẻ quan trọng hơn giữ văn hóa dân tộc!
Nói về tâm lý vùng miền, sáu năm trước người viết từng nhận được khá nhiều chỉ trích khi viết bài “Vài suy nghĩ về giọng nói và biểu tượng Quốc gia”. [3]
Tương tự khi bài viết “Thưa ông Bộ trưởng Văn hóa, đâu là phần chìm của văn hóa ngoại lai” được đăng vào năm 2014 [4], bên cạnh nhiều ý kiến đồng tình, ủng hộ thì trên mạng xã hội cũng có những phản bác, cho rằng tác giả “Giận Tàu chém chữ Nho”.
Trong khoa học, từng xuất hiện sự dè bỉu giữa các tác giả phần mềm gõ văn bản tiếng Việt trên máy tính khi nhóm tác giả Thành phố Hồ Chí Minh chê phần mềm được viết bởi tác giả Hà Nội là sơ sài, chưa đáp ứng nhu cầu thực tế.
Tác giả Hà Nội cho rằng việc đánh giá chiếc áo sơ mi nhiều cúc giá trị hơn chiếc áo vest ít cúc là khập khiễng,…
Trong lĩnh vực nói, còn gọi là phát âm, ý tưởng chọn phương ngữ vùng Hà Nội và đồng bằng Sông Hồng làm giọng chuẩn cho phát thanh viên cũng như trong giảng dạy tiếng Việt cho người nước ngoài nhận được không ít “gạch đá” từ bạn đọc.
Gần đây Truyền hình Nhân Dân giới thiệu bộ Phim tài liệu “Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh - Biên niên sử truyền hình dài 90 tập, được phát sóng đúng dịp kỷ niệm 90 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.
Bộ phim chứa đựng khối tư liệu đồ sộ, được chọn lọc kỹ lưỡng, bố cục hợp lý, hình ảnh sắc nét song không phải không chứa những hạt sạn.
Điều đầu tiên mà người xem không hài lòng là về giọng thuyết minh.
Ngược đọc cố tình tạo “tiếng gió” trong thuyết minh các từ “Chính trị, chiến lược, kháng chiến, chống chọi, chống ngoại bang, chống Pháp, mỵ châu, quốc gia, chém cá, chứ không,…”. 
Đặc biệt, kiểu phát âm “xì hơi” giống nhau hai từ “chết trận” hay giữa hai cụm từ “trung trực” và “chống chọi” gây nên bức xúc không đáng có cho người nghe.
Bên cạnh đó có những hình ảnh tư liệu lịch sử được lựa chọn không phù hợp với quy định hiện hành, ví dụ hình ảnh cờ Đảng và cờ Tổ quốc trong phần mở đầu tập 1, phần 1 “Khát vọng độc lập - tự do”. 
Mục a, khoản 5.1, văn bản số 3420/HD-BVHTTDL “Hướng dẫn việc sử dụng Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca” của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ghi: “Quốc kỳ hoặc Quốc kỳ và cờ Đảng treo trên phông hậu hoặc trên cột cờ về phía bên trái của sân khấu; Quốc kỳ ở bên phải, cờ Đảng ở bên trái (nhìn từ phía hội trường lên).
Vấn đề này cũng đã được đề cập khá kỹ trong bài [3]. 
Hình ảnh trong phần mở đầu tập 1, phần 1 “Khát vọng độc lập - tự do”
Một vài kiến nghị:
Nhà nước cần làm gì khi thực hiện “Cách mạng công nghiệp 4.0” trong lĩnh vực tiếng Việt?
Hỏi “Nhà nước” là hơi chung chung, hỏi Quốc hội là chính xác nhất.
Thứ nhất, đối với chữ viết:
Chuẩn hóa chữ viết và tiếng nói trong thời đại Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 là bắt buộc và không thể chậm trễ.
Chữ viết được hiểu là “chữ viết bằng bút” và “chữ viết gõ trên bàn phím các thiết bị” (máy tính, smartphone, smart tivi,…). 
Bài viết này chỉ bàn về cách viết chữ trên các thiết bị thông minh, các kiểu chữ này xin tạm gọi là “Chữ máy tính”.
Trong lĩnh vực Công nghệ Thông tin từng tồn tại hàng chục phần mềm gõ tiếng Việt:
Trong nước có: Unikey, Bked, FreeCode, VietKey, VietStar, TBK, VNI, ViệtWare, VnKeD, VietBit, BachKhoa, VietWin,...
Ngoài nước có: DJ, VNU, VNLabs, VietSTD, các sản phẩm của MicroSoft, IBM…
Bộ Khoa học và Công nghệ đã quy định thống nhất sử dụng phần mềm ABC với bộ mã TCVN 5712-VN3, tuy nhiên bộ mã này vẫn còn những khiếm khuyết, chẳng hạn:
Ngay phần mở đầu, bộ tiêu chuẩn này viết:
“CÔNG NGHỆ THÔNG TIN
BỘ MÃ CHUẨN 8-BIT KÍ TỰ VIỆT DÙNG TRONG TRAO ĐỔI THÔNG TIN
Information Technology
Vietnamese 8-bit Standard Coded Character Set for Information Interchange”.
Người viết cho rằng dòng tiếng Anh là chuẩn song dòng tiếng Việt phần mở đầu (nêu trên) là chưa chuẩn, tuy nhiên dòng chú thích phía trên các bảng 1 và 2 của bộ tiêu chuẩn này lại tương đối chuẩn (nếu đưa thêm chú thích 8 bit) như sau:
“Bộ mã chuẩn ký tự tiếng Việt (8 bit) dùng trong trao đổi thông tin”. 
Thêm nữa, các văn bản quy phạm pháp luật luôn có phần giải thích từ ngữ, trong TCVN 5712-VN3 phần định nghĩa từ “Bit”, “Bai” lại làm xuất hiện câu hỏi: “Đây là từ ngoại lai hay từ tiếng Việt”? 
Từ “Bit” được viết giống nguyên văn tiếng Anh trong khi từ “Bai” lại là phiên âm tiếng Việt của từ “Byte”!
Một số ví dụ nêu trên cho thấy, từ cách nói đến văn bản của chính các cơ quan nhà nước, kể cả của các Bộ Giáo dục và Đào tạo, Khoa học và Công nghệ vẫn chứa đựng nhiều điều không chuẩn xác.
Việc cấp thiết hiện nay là Quốc hội cần ban hành một văn bản yêu cầu các cơ quan thuộc Chính phủ như Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Thông tin và Truyền thông, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam,… cùng bàn thảo một tiến trình chuẩn hóa tiếng Việt.
Tiếp đó là xây dựng và công bố một đạo luật liên quan đến tiếng Việt.
Thứ hai là cách viết:
Phương pháp viết Tiếng Việt viết trên máy tính hiện nay chủ yếu là theo phương pháp Telex nghĩa là gõ liên tiếp hai lần các nguyên âm “a, e, o” sẽ nhận được “â, ê, ô”, gõ “ow” nhận được chữ “ơ” hoặc “aw” nhận được chữ “ă”,… Dùng các chữ cái F, S, J, R, X để đánh các dấu “huyền, sắc, nặng, hỏi, ngã”.
Trước đây các bức điện tín mà nhân viên ngành Bưu điện giao cho người nhận được in trên giấy theo kiểu Telex như sau:
“Vowj dder veef ngay”, đọc là “Vợ đẻ về ngay”.
Người không biết gõ văn bản kiểu Telex có thể không hiểu nội dung bức điện nói gì.
Hiện nay, người dùng máy tính, từ trẻ em đến người lớn đều biết gõ tiếng Việt theo kiểu Telex, vậy có nên đề xuất chính thức bỏ các dấu và sử dụng các chữ cái thay thế như Bưu điện đã sử dụng?
Đề xuất này sẽ không có nhiều ý nghĩa nếu người Việt sản xuất được máy tính cho riêng mình với bàn phím có thêm phím dấu và các chữ cái đặc biệt trong tiếng Việt (ư, ơ, ă…), tuy nhiên một bàn phím như thế sẽ không thông dụng trong giao lưu quốc tế.
Thứ ba, cách phát âm:
Cho đến nay, chưa có quy định giọng chuẩn quốc gia, chỉ có phương ngữ vùng miền và vì thế các cơ quan truyền thông quốc gia (phát thanh, truyền hình) đã có “sáng kiến” là tuyển chọn phát thanh viên các vùng miền về làm việc tại trụ sở trung ương.
Phát âm sai là phổ biến với mọi vùng miền cả nước, một bộ phận người Bắc nói ngọng (giữa “l” và “n”), không phân biệt “R” với “D”; “S” với “X”; “TR” với “CH”;… 
Tương tự, không ít người phía Nam đọc “vui vẻ” thành “dui dẻ”, “vay vốn” thành “day dốn”, “vung vẩy” thành “dung dẩy”,… 
Trường hợp người đọc thuyết minh trong bộ phim 90 tập nêu ở phần trên là ví dụ mới nhất và cũng điển hình nhất về cách phát âm tùy tiện tiếng Việt.
Thực tế cho thấy trừ hát dân ca, cải lương hoặc các bài hát dựa vào làn điệu dân ca, tất cả nghệ sĩ phía Nam khi hát các ca khúc mới đều hát giọng Bắc. Ngược lại hát cải lương giọng Bắc hay tuồng quát giọng Nam lại nghe có vẻ không phù hợp.
Nếu việc quy định “Bộ mã chuẩn ký tự tiếng Việt” (chữ cái và các ký tự khác) không gặp nhiều khó khăn hoặc phản đối thì việc chọn giọng chuẩn chắc chắn sẽ động chạm đến không ít người và phản ứng là không tránh khỏi.
Tình cảm địa phương, vùng miền là điều bình thường, nhưng muốn đẩy nhanh cuộc cách mạng công nghiệp, khoa học kỹ thuật với nền tảng là trí tuệ nhân tạo, mạng liên kết toàn cầu thì việc chuẩn hóa ngôn ngữ (chữ viết và tiếng nói) cho mục đích trao đổi thông tin là không thể chậm trễ.
Vấn đề này Quốc hội phải vào cuộc, Quốc hội là đại diện cho nhân dân vì thế những gì Quốc hội thông qua sẽ là cơ sở pháp lý mà cả hệ thống chính trị và người dân phải thực hiện dẫu có thể có những ý kiến trái chiều. 
Nếu số đông đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành thì thiểu số phải phục tùng đa số, vùng miền phải theo toàn quốc. Đây không phải là quy định riêng của Việt Nam mà là thông lệ quốc tế (trừ quyền phủ quyết tại Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc).
Gần đây có ý kiến về việc Quốc hội cần nghiên cứu ban hành “Luật Tiếng Việt”, “Luật Chữ quốc ngữ”, “Luật Ngôn ngữ quốc gia”,…
Thứ tư, ban hành luật:
Người viết cho rằng nên ban hành một đạo luật liên quan một cách toàn diện đến các biểu trưng (hay biểu tượng?) quốc gia bao gồm: Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca, Quốc khánh và Quốc ngữ bởi lẽ Hiến pháp chỉ đề cập đến Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca, Quốc khánh một cách ngắn gọn nhưng chưa nói đến Quốc ngữ.
Mặt khác, các quy định về Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca cũng chưa được cụ thể hóa trong bất kỳ văn bản nhà nước nào, chẳng hạn chiều dài, chiều rộng Quốc kỳ treo tại trụ sở từ cấp xã/phường đến Trung ương hay bài Tiến quan ca là bản gốc của tác giả Văn Cao hay bản đã chỉnh sửa lời…
Ngay văn bản hướng dẫn treo cờ tổ quốc số 3420/HD-BVHTTDL của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng không hướng dẫn nếu quốc kỳ treo theo chiều dọc (cờ phướn) thì ngôi sao trên quốc kỳ phải xoay thế nào, hoặc nơi nào, khi nào cần đặt cờ đặt trên bàn làm việc,…
Riêng trong lĩnh vực tiếng Việt, cần có quy định cụ thể về ngôn ngữ các dân tộc ít người và ngoại ngữ tại Việt Nam, cần quy định bắt buộc phải sử dụng chữ quốc ngữ trong các công trình văn hóa, tâm linh mới xây dựng,…
Cùng với việc chuẩn hóa cách phát âm tiếng Việt, cần quy định cách viết, cách sử dụng tiếng Việt và chữ nước ngoài trong các văn bản hành chính, tư pháp, trong dạy và học tiếng Việt, thông tin đại chúng, quảng cáo…
Tóm lại, ban hành một luật riêng cho tiếng Việt là chưa đủ, Quốc hội cần nghiên cứu một ban hành một đạo luật chung và thật chi tiết về những biểu trưng quốc gia như đã đề cập.
Những vấn đề khác sẽ được đề cập trong các bài viết tiếp theo./.
Tài liệu tham khảo:
 [1] //giaoduc.net.vn/tieu-diem/chu-quoc-ngu-chua-duoc-nha-nuoc-cong-nhan-la-quoc-tu-post103630.gd
[2] //baotintuc.vn/xa-hoi/viec-de-xuat-them-ky-tu-f-j-w-z-cho-bang-chu-cai-tieng-viet-chi-la-y-kien-ca-nhan-20110811093329919.htm
[3]//giaoduc.net.vn/goc-nhin/vai-suy-nghi-ve-giong-noi-va-bieu-tuong-quoc-gia-post148998.gd
[4] //giaoduc.net.vn/goc-nhin/thua-ong-bo-truong-van-hoa-dau-la-phan-chim-cua-van-hoa-ngoai-lai-post149359.gd
Xuân Dương
Bài liên quan:

Thứ Tư, 29 tháng 4, 2020

20200429. ĐÁNH GIÁ CÔNG BẰNG VỀ DONALD TRUMP

ĐIỂM BÁO MẠNG
DONALD TRUMP- ÔNG LÀ AI ?
LÊ QUỐC/ BVN 23-4-2020
Trong hình ảnh có thể có: 1 người, đang đứng và bộ vét
Ảnh: theo nguồn báo Tuổi trẻ (KD)
*– Là Tổng thống thứ 45 Hợp chúng Quốc Hoa Kỳ, nhưng là một Tổng thống ồn ào nhứt lịch sử Mỹ, xông pha trong giông bão chính trường như một chiến sĩ dưới làn tên mũi đạn ngoài mặt trận – Ai theo dõi thời cuộc đều biết.
* – Là một tỷ phú – một trong 400 nhà tỷ phú xứ Mỹ (tài sản Trump khoảng trên dưới 10 tỷ), được coi là giàu có nhưng còn rất khiêm tốn so với nhiều tỷ phú khác có hàng 100 tỷ $USD tại Mỹ.
– Điều chưa biết: Trump có nằm trong danh sách Financial Oligarchy của hệ thống siêu quyền lực bí mật hoạt động sau lưng Chánh phủ Hoa Kỳ không?
*– Là một người hay gây gổ, hay cáo buộc, đổ lỗi cho bất cứ ai không đồng ý với mình và bất tín trong hành động lẫn lời nói: Ăn nói bạt mạng, sử dụng ngôn ngữ đường phố khi tranh cử, thay đổi bất thường, sáng nói thế này, chiều nói thế khác, hay cãi cọ, tự cao, ngạo mạn, kỳ thị, chửi bới như như bà hàng xóm mất gà, tốc váy chửi tay đôi với Kim-jong-Un, là bạn hôm trước với Tập cận Bình – hôm sau là thù với Trung Quốc (tại Diễn đàn APEC).
Ngày 11- 01-2018, Trump còn gọi Haiti, El salvador và các quốc gia Phi Châu là nước hố phân (Shit hole countries): Một sự kỳ thị công khai. Các nước nạn nhân oán hận. Bạn bè không tin, kẻ thù không tin. Đồng minh ngờ vực. Báo chí cánh tả đánh ông tơi bời hoa lá, bươi móc chuyện cũ mấy mươi năm về trước, dựng đứng chuyện ông thiếu sức khỏe, không làm Tổng thống được. Michelle Golberg của tờ New-york Times cuối 2017 than rằng: ”Một năm của Trump là một năm ác mộng...”. Báo chí Mỹ tổng kết: ”Hơn 2000 lần nói sai, hoặc phóng đại sự thật”.
Giáo sư người Pháp Ông Olivier Zajec nhấn mạnh về Ông Trump: ”Thô bạo, thích khoe khoang, Tự cho mình là chân lý nhưng thông minh hơn người”. Báo Courrier International viết: ”Một ngưởi dễ nổi nóng, tính khí bất thường, thái quá trong ngôn từ, khiêu khích, thô lỗ và kỳ thị chủng tộc“.
Dư luận cho rằng Trump không có tư cách làm Tổng thống xứ Hoa Kỳ, thiếu kinh nghiệm lãnh đạo, thiếu kiến thức, thiếu bản lãnh, thiếu ngôn ngữ của một vị Tổng thống, chưa một lần tham chính và ông bị chỉ trích nặng nề trong hai quyển sách của nhóm báo chí không ưa ông: – Fire and Fury – Inside the Trump White house của Michael Wolff và Fear – Trump in the white house của Bob Woodward. Những nhân vật cao cấp trong Chính phủ Trump đều lên tiếng phủ nhận những cáo buộc vô bằng. Riêng Trump thì thản nhiên tuyên bố: ”Fake News“, rồi:
Lừng lững bước đi… xem như không có chuyện gì xảy ra.
Nhưng...theo một số nhà bình luận danh tiếng, thì ”D. Trump có lẽ không dành cho sự suy nghĩ mực thước truyền thống, sự bảo thủ hay cố chấp, nhưng thiên tài Trump sẽ làm được những điều kỳ diệu mà một trong số đó là bày thế trận đương đầu với một tay chơi có hạng Tập cận Bình.
Kẻ viết bài này – tuy không đồng ý với Ô. Trump trong phong cách đối xử, trong ngôn ngữ hồ đồ, thiếu tế nhị – những nhược điểm thuộc về tính khí không sửa được của Ông Trump – nhưng rất hài lòng về những việc ông làm. Cho nên, đối với con người kỳ dị này, nên xem nhẹ hay lướt qua những nhược điểm và nên thoát ra khỏi cái khuôn thước sáo mòn của cách suy nghĩ truyền thống. Muốn hiểu Trump thì:
Không nên theo lối mòn của cách suy nghĩ truyền thống. Phải nhìn con người thứ hai của Trump chìm dưới tảng băng khi có ánh mặt trời mới ló dạng. Đừng nghe những gì Trump nói mà phải nhìn kết quả Trump làm.
Quả thật, D.Trump là một con người kỳ dị, quái gở, khác thường, ngạo mạn, không nghe lời ai và cũng không chịu thua ai... Nhưng Trump có một ý chí mãnh liệt, phi thường. Trump nói là làm – làm những việc mà không một Tổng thống nào trước đây, làm được. Qua những lời tuyên bố thay đổi như chóng chóng, rối như bòng bong, Trump che giấu ý định để không ai đoán được Trump muốn gì, làm gì. Trump là con người như vậy đó. Trump thản nhiên bước đi trong giông bão của dư luận, của phe đối lập, của truyền thông cánh tả quyết tâm hạ gục mình, thậm chí trước tình hình chia rẽ trầm trọng và cực kỳ hỗn loạn trong quần chúng Hoa Kỳ (tháng 10-2018) Trump ngẩng cao đầu bước đi với lòng tự tin mạnh mẽ, là mình làm đúng, là phục vụ cho quyền lợi Hoa Kỳ và quyết tâm đánh gục kẻ thù có ý đồ thay thế Mỹ trong vị trí siêu cường thế giới.
Hãy nhìn những gì Trump làm trong chưa đầy 2 năm cầm quyền:
1. - D.Trump là một quái nhân: Thời thế đẻ ra một con người kỳ dị với phong cách ngược đời, ngôn ngữ chợ búa (khi tranh cử) hành động kỳ quái, phi truyền thống, phi nguyên tắc, với những bước đi không giống ai, tưởng chừng như thất bại hoàn toàn, nhưng lạ lùng thay! ông ta lại chiến thắng một cách bất ngờ. Trump hạ gục 16 nhân vật sừng sỏ nhứt của Đảng Cộng Hoà... Nền văn nghệ VNCH có quái kiệt Trần văn Trạch. Chính trị Hoa Kỳ có D.Trump. Truyện kiếm hiệp Kim Dung có Đông Phương bất bại, Phong thanh Dương, là những nhân vật cổ quái, nhưng võ công cao cường, cực kỳ hung hiểm, mưu kế khó lường! Kim Dung ít khi sáng tác một nhân vật mà không căn cứ vào sự thật lịch sử.
Áp thuế quan (Tariffs) từ 34 tỷ rồi 16 tỳ, leo thang đến 200 tỷ với thời gian ân huệ từ cuối tháng 9 đến cuối năm 2018 là 10%, để Tập cận Bình suy nghĩ thương thuyết nhưng bất thành. Mới vài chiêu mà kinh tế TQ chao đảo, đồng NDT mất giá 8% so với $USD, Thị trường chứng khoán tuột dốc, các công ty ngoại quốc ùn ùn tháo chạy, các đại gia Tàu tẩu tán tài sản. Hiện tượng xuất huyết lan tràn. Dân chúng hoảng loạn, mất tin tưởng vào Chánh phủ... Các trí thức Tàu thuộc Đại học Thanh Hoa và cả trong Đảng (hội nghị Bắc Đới Hà), phê phán gay gắt... Chủ tịch Tập đang bối rối… không xuất hiện cả tháng trời, triệu tập mưu sĩ Vương kỳ Sơn, để tìm kế sách đối phó với trận thương chiến... Trump dàn thế trận đánh toàn diện vào Trung Cộng: Không chỉ đánh vào thương mãi mà còn cả chính trị, quân sự, tình báo, gián điệp. Chiêu thức biến hoá khôn lường... Trong ngắn hạn, có thể nói Trump đang chiến thắng vì đã làm xáo trộn nền kinh tế và chính trị Trung Quốc. Chỉ nhìn được phần nổi, còn phần chìm, Trump toan tính ra sao không ai biết. Đó là ưu điểm của quái nhân Donald John Trump.
2. - Những đòn ứng xử kỳ quặc, không giống ai: Chiến tranh thương mãi với Trung Quốc, tung đòn áp thuế đã đành! Nhưng sao lại áp thuế quan lên cả Đồng minh Liên Âu, Canada và Mexico? Quái gở! Đường lối Ngoại giao trật đường rầy, phi nguyên tắc, phi chánh sách? Nhưng nhìn kỹ những quái chiêu của Trump đều căn cứ trên nguyên tắc: ”Làm cho Mỹ mạnh lên, ở thế thượng phong, các nước khác cảm thấy có nhu cầu đến xin thương thuyết”. Quả vậy – bị đánh 25% vào hàng hóa xuất cảng sang Mỹ, Liên Âu choáng váng, không biết phải ứng xử ra sao, liền phái Ông Jean Claude Junker sang Nhà Trắng gặp Trump. Trump chỉ chờ có thế. Kết quả ngay lập tức: Ngưng áp thuế 25% lên hàng hoá Liên Âu. Sẽ thương thuyết từng lãnh vực đến khi Tariffs 0% trên cả hàng xuất cảng 2 bên. Liên Âu vui mừng ký cam kết là Đồng minh với Hoa Kỳ và quay lưng 180° trước sự ve vãn của Trung Quốc. Liên Âu còn mua giúp đậu nành và nông phẩm của Hoa Kỳ... Trump chiến thắng ngoạn mục.
3. - NATO . - Trump đánh phủ đầu: NATO đã “lỗi thời” vì chiến tranh lạnh đã chấm dứt. Trump ra chiêu: Trước đây – đất nước các ông trực tiếp bị đe dọa bởi Liên bang Xô viết và các nước chư hầu Đông Âu, còn bây giờ Liên Xô đã sụp đổ, thì NATO đâu còn cần thiết nữa? Trump dọa rút khỏi NATO. Tối 10-7-2017, họp thượng đỉnh với NATO tại Bruxelles trong bầu không khí căng thẳng, Trump than phiền: ”Tại sao dân Mỹ phài đóng thuế nhiều để bảo vệ các ông, trong khi các ông lại lơ là không chịu đóng góp, để bảo vệ mình. Thật bất công quá”. Trong khi Washington chi đến 3,5 % GDP cho NATO, thì các nước khác chưa đóng đủ 2% GDP của mình như: – Pháp: 1,8 % – Đức: 1,24 % – Tây ban Nha: O,92 % – và có đến 23 nước chưa hoàn thành đóng góp này. IISS: International Institute for Strategic Studies (Viện quốc tế Nghiên cứu Chiến lược). Trump đã từng có những quyết định táo bạo như rút khỏi TPP, rút khỏi Hiệp định về biến đổi khí hậu Paris, thương thuyết lại NAFTA, v.v… rút khỏi Hiệp ước Iran, Hiệp ước chống vũ khí hạch tâm với Nga (INF,1987) thì Trump cũng có thể rút khỏi NATO. Ngoài mặt, Trump dọa như vậy chứ trong thâm tâm Trump vẫn muốn giữ NATO (không rút 3000 quân Mỹ còn đóng ở NATO). Đây là đòn gây sức ép mạnh mẽ của đương kim Tổng thống Hoa Kỳ
Cuối cùng Trump đã thắng: 28 thành viên NATO cam kết đóng góp 2% GDP của mình vào chi phí quân sự dành cho NATO hoàn tất trong vài năm tới (2024). Trump lại chiến thắng lần nữa bằng động thái ngược đời ”tung đòn” tháu cáy trước, thương thuyết sau.
4. - Triều Tiên .- Chẳng tỏ ra có chút bản lĩnh của một lãnh tụ chính trị, thậm chí còn tỏ ra ngây ngô. Đấu khẩu, chửi bới như con nít, thay đổi đến chóng mặt. Hôm trước đe dọa, hôm sau tâng bốc. Hôm nay vui vẻ đàm phán, hôm sau giận dữ rút lui… Các nhà quan sát lắc đầu. Các nhà bình luận rùng vai! Phe đối lập mỉm cười chế nhạo. Phần thất bại chắc chắn sẽ về Trump.
Nhưng cuối cùng – Ông đã làm được một việc kỳ diệu mà mấy đời Tổng thống chưa ai làm được. Hiện tại, hỏa tiễn Bắc Hàn tầm trung, tầm xa nay đã ngưng bay trên đầu Nhật Bản, ngưng rớt gần Guam, Hawai lãnh thổ của Mỹ. Kim-jong-Un gỡ bảng tuyên truyền chống Mỹ trên đường phố Bình Nhưỡng. Tình hình càng ngày càng ổn hơn. Nam Bắc Hàn gặp gỡ nhau thắm thiết, dân chúng hai bên vui mừng. Vấn đề giải tỏa vũ khí hạt nhân, sự sống còn của Bắc Hàn, cần phải có thời gian và trao đổi cụ thể. Nhưng Chủ tịch Bắc Hàn bày tỏ thiện chí, thiết tha gửi Tổng thống Trump hai lá thơ xin gặp Thượng đỉnh lần hai. Sóng gió và sự hung hăng của Kim bây giờ đã lặng. Dù là một dấu lặng tạm thời – nhưng rõ ràng là Kim-jong-Un xuống thang, hạ giọng và mong được gặp Tổng thống Mỹ lần thứ hai. Như vậy, kết quả kỳ diệu mà bao đời Tổng thống trước không ai làm được. Không gọi là chiến thắng thì gọi là gì?
5. - USMCA - (Thay thế NAFTA) Hiệp ước mà Trump ca tụng là “công bằng, lợi ích cho nông dân, công nhân xe hơi, và ngành sản xuất bên Mỹ”. Justin Trudeau cũng tuyên bố: “Thỏa thuận này mang lợi ích sâu sắc cho người Canada. Hôm nay là một ngày Tốt Nhứt cho Canada”.
Trong nghệ thuật đàm phán xưa nay không bao giờ đạt được 50-50 mà chỉ đạt tối đa là 35-65. D.Trump là tác giả sách “Art of the deal” là tay lão luyện nghệ thuật đàm phán. Nhìn vào kết quả đàm phán của Trump và thế mạnh của Mỹ, các nhà quan sát không khỏi nghĩ rằng lợi thế ắt về phía Mỹ. Tuy nhiên – thỏa ước USMCA dày 1100 trang giấy, chỉ chờ những nhà nghiên cứu độc lập phân tích mới có thể hiểu rõ và cũng phải được QH phê chuẩn mới thành luật được.

Chương 32 có một điều khoản quy định rằng: ”Nếu một trong 3 nước tham gia một hiệp ước thương mãi với nước ”phi thị trường” (ám chỉ TQ) thì 2 nước còn lại sẽ hình thành một hiệp ước song phương, loại bỏ nước kia“. Ông Robert Lighthizer – đại diện thương mãi Hoa Kỳ – còn nói điều khoản tương tự sẽ được ghi vào hiệp ước thương mãi Mỹ – Anh, Mỹ – Liên Âu cùng các nước khác. Đó là nước cờ bao vây và cô lập Trung Quốc của Trump. Ai dám bảo rằng Trump thi hành một chính sách “vô chính sách”?
THÀNH TÍCH CỦA TỔNG THỐNG D.J.TRUMP
Paul Grugman – nhà kinh tế khu Wall street, kinh tế gia đoạt giải Nobel kinh tế năm 2018 – đã tuyên bố rằng: ”Nếu Trump thắng cử, kinh tế Mỹ sẽ sụp đổ và các thị trường tài chánh không thể phục hồi được nữa”.
Nhưng nhà kinh tế lừng danh này đã hoàn toàn sai lầm. Trong 20 tháng kể từ Trump lên cầm quyền, nền kinh tế Hoa Kỳ tốt lên chưa từng thấy. GDP tăng nhanh chóng từ 3,1% trong quý II và 3,3% trong quý III-2017. và GDP quý II-2018 tăng tới 4,2% mức tăng trưởng tốt nhứt trong gần 4 năm.
Tóm tắt: 20 tháng cầm quyền của Ô. Trump đạt được những thánh quả sau đây:
– GDP tăng lên: 4,2% (quý II-2018) so với GDP khi Obama chấm dứt nhiệm kỳ: 3%.
– Tỷ lệ thất nghiệp: xuống 3,7% (cuối tháng 8-2018) Tháng 11-2009 (thời Obama): 10,3%.
– 3,9 triệu người tìm được việc làm kể từ khi Trump lên cầm quyền...
– Thị trường chứng khoán tăng 35% (Chỉ số Dow-Jones trước ngày bầu cử 2016: 17888 (Chỉ số Dow-Jones ngày 30-11-2017: 24272
Như vậy, kể từ khi Trump lên cầm quyền – nền kinh tế Hoa Kỳ lên hay xuống? Ngân hàng dự trữ Liên bang (Reserve federal) đã mấy lần tăng lãi suất, tại sao? Xin các vị không ưa Trump trả lời giùm?
Theo trang thông tin của Washington Examinateur, sau gần 20 tháng cầm quyền, T.T Trump đã thực hiện được 289 cam kết khi tranh cử: 173 thành tựu lớn, 116 thành tựu nhỏ chia ra làm 18 lãnh vực: – Tăng trưởng kinh tế (GDP) – Tăng công ăn việc làm (căn cứ vào số việc làm gia tăng hàng tháng và tỷ lệ thất nghiệp 3,7%)
– Thu nhập cá nhân – phát triển doanh nghiệp – An ninh biên giới – Vấn đề di dân – Chánh sách Ngoại giao
– Luật Quốc phòng (National Defense Authorization Act: NDAA): 716,3 tỷ $USD hiệu lực kể từ 2019. v.v (Chỉ kê ra vài lãnh vực quan trọng, không kê hết được).
– Trump giảm thuế thu nhập doanh nghiệp từ 35% xuống còn 21% . Các đại Công ty đang giấu lợi tức ở ngoại quốc để tránh thuế, đều lần lượt trở về hoặc chuẩn bị trở về. Chiến thuật giảm thuế này là một đòn bẩy khuyến khích các Đại Công ty đem vốn về đầu tư tại Mỹ: Đại Công ty: Apple, Microsoft, AT& T, Boeing, Wells Fargo, Samsung, Fiat, Chrysler v.v... (từ Mexico trở về) – Giảm thuế suất cho dân nghèo và trung lưu từ 5% đến 10%.
MẶT TRẬN TOÀN DIỆN CHỐNG TÀU CỦA  T.T TRUMP
Qua nhiều trào Tổng thống tiền nhiệm – Trung Cộng khởi xướng một màng lưới cài gián điệp vào nền công nghệ Mỹ, để ăn cắp tài sản trí tuệ, bí mật kỹ thuật, sử dụng tin tặc, mua các Công ty sản phẩm chiến lược tại Mỹ, bắt buộc các Công ty Mỹ tại TQ, giao nạp bí mật công nghiệp đổi lấy giấp phép kinh doanh và tài trợ các tổ chức văn hóa tại các Đại học Mỹ, lập cơ sở tình báo trá hình như 500 viện Khổng Tử khắp thế giới, tạo một thứ quyền lực mềm ảnh hưởng lên chính trường Mỹ và các nước khác. Khẩu hiệu ”Made in China 2025″ mơ thống trị thế giới bằng nền công nghệ cao cấp nhứt, cũng xuất phát từ ngón nghề ăn cắp sở hữu trí tuệ của Mỹ. Tại sao các chính phủ trước ngủ quên hay mắt nhắm mắt mở, để cho gián điệp Trung Cộng hoành hành như chỗ không người. Các Tổng thống tiền nhiệm làm thinh, CIA, FBI ở đâu? Biết hay không biết? Hay vì một lý do bí mật nào đó mà không thể nói ra? Mãi tới trào Tổng thống Trump mới khám phá ra và có kế hoạch đối phó? Câu hỏi này nhân dân Mỹ phải đặt ra, cử tri Mỹ không thể không quan tấm đến.
Theo trang tin Axios tại Mỹ, trích dẫn 2 nguồn tin giấu tên từ Nhà Trắng, cho biết Mỹ đã thu thập đầy đủ một số lượng lớn chứng cớ về tấn công mạng, can thiệp bầu cử, trộm cắp tài sản trí tuệ, về gián điệp Trung Cộng đã từ lâu cài vào bộ máy quyền lực Mỹ, Và theo tờ Thời báo Hồng Kông thì Mỹ đang áp dụng những biện pháp trừng phạt TQ, ngăn chặn, trục xuất, hoặc truy tố trước Tòa án:
I. - KINH TẾ: Chiến tranh thương mãi, gây chao đảo nền kinh tế, tài chánh TQ, tạo phong trào chống đối trong nội bộ Đảng, trong giới trí thức, trong quần chúng hoảng loạn tìm đường trốn chạy ra hải ngoại, v.v…
(1). - Cấm hoạt động hoặc đóng băng các tài sản doanh nghiệp trá hình của Nhà nước Trung Cộng như ZTE (bị phạt 1,4 tỷ USD vì vi phạm luật trừng phạt Iran), Alibaba, Huawei v.v…
(2). - Đóng băng tài sản các quan chức Trung Quốc, cấm hoạt động các Công ty khổng lồ Trung Quốc tại Mỹ (Thí dụ: Chuẩn bị đóng băng tài sản con gái Tập cận Bình, tài sản Giang trạch Dân do cháu đứng tên) và nhiều đại gia có dính líu với chánh quyền TQ.
(3). - Cấm các chánh phủ làm ăn kinh doanh, hoặc cá nhân những chuyên gia làm ăn với TQ, qua đô la Mỹ tại các Ngân hàng – thậm chí có thể cấm TQ sử dụng ngoại hối bằng đô la.
(4). - Ngăn chặn Trung Cộng mua những Công ty sản xuất hàng chiến lược của Mỹ (Thí dụ: TC bỏ tiền ra cho một Công ty trá hình tại Sigapore, mua các công Ty sản xuất hàng chiến lược của Mỹ QUALCOM, trị giá 117 tỷ USD.
(5). - Trừng phạt tướng Lý Thường [Thượng - BVN] Phúc (Li shang Fu 李尚福) – Chủ nhiệm Bộ phát triển vũ khí thuộc Quân ủy ĐCSTQ vì vi phạm luật cấm vận của Mỹ (Mua vũ khí Liên Xô).
(6 ). - Jack Ma: Công Ty Alibaba và chi nhánh chuẩn bị cuốn gói về nước.
II. - QUÂN SỰ:
Trước ý đồ trở thành siêu cường thay thế Mỹ trong vai trò lãnh đạo thế giới năm 2049 (như TCB công khai tuyên bố trong bài diễn văn trước ĐHĐCSTH thứ 19) – lưỡng Viện QH Hoa Kỳ (CH lẫn DC) đều thể hiện quyết tâm chống Trung Cộng qua Luật ủy nhiệm QP (DNAA) 716,3 tỷ MK và những động thái và chiến lược tại Biển Đông, rõ rệt hơn bao giờ hết. Tứ trụ kim cương (Indo-Pacific), vấn đề Đài Loan biến thành một Quốc gia, việc các nước Tây Âu, Anh, Pháp gửi chiến hạm đến Biển Đông cùng Mỹ, Úc, Tân Tây Lan, Nhật Bản, Indonesia, đã nói lên quyết tâm bảo vệ đường hàng hải quốc tế… Trung Cộng cô độc một mình, không có một Đồng minh nào – mặc dù tuyên bố cứng rắn nhưng chắc chắn đã thấm đòn và hiểu thấu… hậu quả khi chiến tranh với Mỹ và ĐM.
III. - MẶT TRẬN GIÁN ĐIỆP: Trung Cộng – từ nhiều trào Tổng thống trước – đã giăng một mạng lưới tình báo và gián điệp ở một qui mô rộng lớn khắp các cơ quan quyền lực của Mỹ. Những thành tựu khoa học mà Trung Cộng có được hôm nay là do gián điệp đánh cắp của Mỹ và các nước Liên Âu.
Ở mặt trận này – phải nhìn nhận Trung Cộng là phía tấn công – Mỹ là bên đỡ đòn. Bởl vì Trung Cộng cài gián điệp và tình báo từ lâu vào các cơ quan công quyền Mỹ. Đặc biệt là đòn tấn công can thiệp vào cuộc bầu cử giữa kỳ (6 - 11- 2018) . Chính P.T.T Mike Pence đã chính thức tố cáo Trung Cộng can thiệp vào nội bộ chính trường Mỹ trong bài diễn văn đọc tại Hudson Institute ngày 4-10-2018.
T.T Trump hành động:
1. - Thẳng tay phá vỡ kế hoạch 1.000 người của Trung Cộng hiện có 8.000 người Hoa tham gia (VietTimes): 9 khoa học gia người Hoa tại trung tâm nghiên cứu bệnh ung thư Anderson Texas thuộc Viện Hudson Institute, bị cách chức hoặc đuổi việc, bị bắt, phạt tù vì đã tham gia kế họach 1.000 người của TQ. Hoàn cầu Thời báo xác nhận đã có nhiều nhà khoa học, học giả cao cấp TQ bị bắt và bị phạt tù. Ông GĐ/FBI Christopher Wray đã điều trần trước QH, đã cảnh báo giới học thuật và kinh doanh Mỹ hãy đề phòng gián điệp TQ cài vào xí nghiệp Hoa Kỳ.
2. - Mỹ phát động kế hoạch trục xuất 100,000 người tỵ nạn Trung Cộng vì khai man thành tích chống Cộng và 350,000 du sinh người Trung Hoa về nước vì bị nghi ngờ làm gián điệp. Bài phát biểu của PTT Mike Pence cáo buộc hội sinh viên và học giả TC (CSSA) chịu sự điều khiển của Tình báo TC đứng đàng sau. Nhóm người này có thể bị trục xuất khỏi Mỹ.
3. - Lần lượt dẹp bỏ Viện Khổng Tử – một tổ chức tình báo trá hình, tạo ”quyền lực mềm”, để thao túng chính trường Mỹ.
4. - Cấm các công ty Trung Quốc vào làm ăn tại Mỹ và cấm hoạt động hoặc kiểm soát gắt gao các công ty hiện đang hoạt động tại Hoa Kỳ như ZTE, Huawei, v.v…
– Đối phó với sự can thiệp Trung Cộng vào cuộc bầu cử giữa kỳ của Mỹ. PTT Mike Pence thẳng thừng tố cáo: ”Trung Quốc đã cố gắng can thiệp vào cuộc bầu cử [giữa kỳ] năm 2018 sắp diễn ra của chúng ta... Trung Quốc đang khai thác bất kỳ sự chia rẽ nào về chính sách giữa chánh quyền Liên bang và các cấp địa phương. Bắc Kinh đã huy động các nhân tố bí mật, các nhóm bình phong và tổ chức tuyên truyền để thay đổi nhận thức của người Mỹ về các chánh sách của Trung Quốc”. ”Hơn 80% các hạt của Hoa Kỳ bị TQ nhắm đến, đã bỏ phiếu cho TT Trump năm 2016″. (Diễn văn của PTT Mike Pence ngày 4-10-2018 đọc tại Viện nghiên cứu Hudson - Texas).
Đây là một đòn quyết liệt vận dụng tình báo, gián điệp tấn công vào cuộc bầu cử giữa kỳ của Hoa Kỳ, nhằm hạ gục phe CH của TT. Trump. Đối phó ra sao là việc bí mật của những chiến luợc gia Tòa Bạch ốc, FBI và CIA. Sáng ngày 7-11-2018, kết quả cuộc bầu giữa kỳ: CH thắng ở Thương viện và Hạ viện rơi vào tay DC).
6. - Đột kích phá vỡ kế hoạch Tàu đưa phụ nữ có thai đi du lịch qua Mỹ để sinh con và được mang quốc tịch Mỹ theo Hiến pháp Hoa Kỳ. [Những] thằng bé này được hưởng quá nhiều ân huệ cho đến khi thành niên được quyền bảo lãnh thân nhân. Đội ngũ Trung Cộng này có thể sẽ là một lực lượng gián điệp TQ nguy hiểm cho nền AN Hoa Kỳ. (Đột kích 20 địa điểm tại Los Angeles, tại quận Cam, và San Bernardino, phá vỡ 3 đường dây du lịch sanh con).
Rõ ràng – theo tin tức khắp nơi – thì người Việt hải ngoại đều ủng hộ Ông Trump với một tỷ lệ rất cao. Ít có người Việt nào có lập trường chờ xem – cũng có vài người chống đối thẳng thừng theo cảm tính.
Trận chiến một mất một còn của Mỹ và Trung Cộng không thể quay ngược lại được nữa. Nếu tôi còn thì anh phải mất, nếu anh mất thì tôi mới còn... Hai quyển sách ảnh hưởng tới đường lối và chánh sách của TT Trump: Cuộc chạy đua Marathon 100 năm (The hundred-year Marathon – Michael Pillsbury) và Chết dưới tay Trung Quốc (Death by the China – Peter Navarro) hiện đều là cố vấn cao cấp của TT Trump về TQ.
L.Q.
Chú thích về tác giả
Lê Quốc là bút hiệu của TS Lê Mạnh Hùng, MIT và University of London Anh. TS Hùng là tác giả 1 bộ sử Việt Nam gồm 5 cuốn, rất được mọi người coi là rất giá trị... TS Hùng là con rể Thủ tướng Phan Huy Quát, hai vợ chồng anh làm việc cho BBC nhiều năm trời.
Bây giờ, về hưu, viết sách và vẫn ở London.
Cái nhìn của anh TS Hùng về ông Trump là cái nhìn của 1 nhà trí thức Việt Nam sống tại Âu Châu, không liên hệ trực tiếp với không khí tranh luận chính trị Hoa Kỳ.
Cái phân tích của TS Hùng về TT Trump tương đối công bằng.
Anh Hùng có khen và có chê TT Trump theo nhãn quan của 1 người sống ngoài nước Mỹ. TS Hùng cũng phân tích cho chúng ta hiểu tại sao anh chê ông Trump và tại sao anh khen ông Trump.
(Theo FB Ngô Chí Thiềng)
Nguồn: FB Kim Dung Phạm