Thứ Bảy, 31 tháng 10, 2020

20201101. NGHĨ VỀ CƠ CHẾ BẢO HIẾN Ở VIỆT NAM

 ĐIỂM BÁO MẠNG

TỪ NGHỊ ĐỊNH 64 NGHI VỀ CƠ CHẾ BẢO HIẾN
LÝ MINH/ LK/ BVN 29-10-2020

Ca sĩ Thủy Tiên cứu trợ ở miền Trung. Ảnh: Thanh Niên.

Ca sĩ Thủy Tiên cứu trợ ở miền Trung. Ảnh: Thanh Niên.

Trước phản hồi của dư luận về thế lưỡng nan của người dân trong việc cứu trợ đồng bào lũ lụt trái với Nghị định 64/2008/NĐ-CP, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có ý kiến chỉ đạo, giao Bộ Tài chính khẩn trương xây dựng một nghị định mới để thay thế cho nghị định cũ.

Việc lắng nghe của Thủ tướng Chính phủ dẫn đến việc sửa đổi những điểm vô lý và bất cập của Nghị định 64 là điều rất đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, với hệ thống pháp luật có rất nhiều bất cập như hiện nay ở Việt Nam, không phải lúc nào các bất cập của pháp luật cũng được phản ánh lên báo chí và được thủ tướng quan tâm để sửa đổi.

Ở Mỹ, Nghị định 64 chắc chắn sẽ bị kiện lên Tòa án Tối cao bằng cách viện dẫn Hiến pháp. Khi đó, Tòa án Tối cao sẽ đưa ra phán quyết rằng Nghị định 64 vi phạm Hiến pháp và buộc chính phủ phải huỷ bỏ nghị định vi hiến đó.

Điều đáng tiếc là ở Việt Nam hiện nay chưa tồn tại một thể chế có thẩm quyền tối hậu trong việc giải thích Hiến pháp như Toà án Tối cao Hoa Kỳ để bảo vệ và giải thích Hiến pháp trước các quy định vi hiến được Quốc hội và chính phủ thông qua trong các bộ luật và nghị định. Do đó, các cá nhân vi phạm quy định của pháp luật, dù làm đúng với đạo đức và lương tâm, hoàn toàn có thể bị xử phạt theo đúng các quy định pháp luật hiện hành mà không có quyền viện dẫn Hiến pháp lên Tòa Tối cao để lật lại bản án, từ đó thay đổi các luật lệ hiện hành.

Nói cho đúng, ở khoản 2 điều 74 Hiến pháp 2013 của Việt Nam cũng có quy định về việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội có những nhiệm vụ và quyền hạn giải thích Hiến pháp, luật, pháp lệnh. Nhưng trước những quy định của pháp luật trái với Hiến pháp, công dân Việt Nam không biết làm cách nào để đưa đơn kiện lên tới Ủy ban Thường vụ Quốc hội để đề nghị giải thích Hiến pháp. Hiến pháp có quy định về việc giải thích hiến pháp nhưng không có giá trị thực thi trên thực tế.

Không có một tòa án tối cao để bảo vệ và giải thích Hiến pháp, Hiến pháp Việt Nam rất ít được coi trọng trong thực tế cuộc sống. Giới luật sư khi bào chữa cũng chỉ viện dẫn đến các quy định của pháp luật vì những thẩm phán xét xử cũng chỉ dựa vào các điều luật. Tôi rất hiếm khi thấy giới luật sư Việt Nam viện dẫn các quy định của Hiến pháp Việt Nam để bào chữa cho thân chủ. Lý do rất dễ hiểu là viện dẫn Hiến pháp cũng không mang lại lợi ích gì cho việc bào chữa.

Báo chí Việt Nam cũng hiếm khi viện dẫn Hiến pháp Việt Nam để lập luận cho bài viết của mình. Hầu hết các vấn đề liên quan đến luật thì chỉ viện dẫn đến các bộ luật, luật, pháp lệnh, nghị định, thông tư… Chẳng mấy khi có ai đó chỉ ra một điều luật trong các bộ luật đó trái với quy định của Hiến pháp và mang điều đó kiện lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Ví dụ: Điều 25 của Hiến pháp Việt Nam 2013 quy định, công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định.

Nếu theo quy định này thì công dân Việt Nam có quyền tự do ngôn luận, Phạm Đoan Trang viết sách “Chính trị bình dân” là một hành động thực hiện quyền tự do ngôn luận, việc công an Việt Nam bắt giữ Phạm Đoan Trang là trái với quyền tự do ngôn luận đã được ghi nhận trong Hiến pháp.

Nếu ở Mỹ, vụ bắt giữ Phạm Đoan Trang sẽ được các luật sư viện dẫn Hiến pháp để đưa vụ án lên Tòa án Tối cao để xét xử. Tuy nhiên, ở Việt Nam, tôi không rõ những luật sư của Việt Nam có thể đưa vụ kiện lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội để yêu cầu giải thích điều 25 của Hiến pháp 2013 hay không? Tôi thật sự mong chờ Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa ra lời giải thích về quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí của Việt Nam thông qua các vụ kiện liên quan đến quyền tự do ngôn luận như vụ Phạm Đoan Trang.

Một ví dụ nữa là việc Bộ Thông tin – Truyền thông xử phạt hành chính báo Phụ Nữ vì đưa tin về tập đoàn Sun-group.

Sau những bài viết phản ánh các hoạt động của tập đoàn Sun-group, báo Phụ Nữ đã bị Cục Báo chí, Bộ Thông tin – Truyền thông xử phạt hành chính với lý do đưa thông tin sai sự thật gây ảnh hưởng nghiêm trọng. Nếu sự việc xảy ra ở Mỹ, báo Phụ nữ sẽ viện dẫn điều 25 của Hiến pháp về việc bảo vệ quyền tự do báo chí để đưa vụ việc lên Tòa án Tối cao để xét xử. Trong khi đó ở Việt Nam, báo Phụ Nữ phải chấp nhận chịu phạt mặc dù trong thâm tâm vẫn nghĩ rằng mình không làm điều gì sai và lên tiếng với BBC rằng các bài viết không sai bản chất của vấn đề.

Trong một hệ thống pháp luật tốt, vụ kiện về việc xâm phạm quyền tự do báo chí đáng lẽ phải được đưa ra tòa tối cao, nơi có thẩm quyền trong việc bảo vệ và giải thích Hiến pháp, để xét xử. Từ kết quả của vụ kiện, người dân mới biết được rằng Hiến pháp quy định công dân có quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí trên thực tế nghĩa là gì.

Hiến pháp trên lý thuyết là bộ luật cao nhất của một quốc gia. Thế nhưng để Hiến pháp trở thành bộ luật cao nhất thì cần phải có một tòa án tối cao để bảo vệ và giải thích Hiến pháp, hay còn gọi là cơ chế bảo hiến. Khi đó, khẩu hiệu “sống và làm việc theo Hiến pháp” được nhìn thấy khắp nơi ở Việt Nam mới đi vào thực tế cuộc sống.

L.M.

Nguồn: luatkhoa.org

Thứ Sáu, 30 tháng 10, 2020

20201031. QUANH CHUYỆN PHONG GIÁO SƯ VÀ PHÓ GIÁO SƯ

 ĐIỂM BÁO MẠNG

TRẢ TIỀN CHO CÔNG BỐ QUỐC TẾ, ỨNG VIÊN GS,PGS NGÀNH Y CÓ ĐÁNG BỊ TỐ ?
LÊ HUYỀN/ VNN 29-10-2020


Nhiều ứng viên GS, PGS ngành Y, Dược bị tố khai báo gian dối về bài báo quốc tế

Những tạp chí hàng đầu trên thế giới về Y học lấy ấn phí rất cao và nếu công bố theo mô thức OA thì có thể lên đến 10.000 USD, do vậy đây không phải là yếu tố để đánh giá bài báo có chất lượng cao hay thấp.

37 ứng viên GS, PGS ngành Y và Dược bị tố gian dối khoa học vì đăng bài khoa học trên tạp chí Open Access (OA). Đây là các tạp chí mở, thường mất phí để đăng tải, nhưng liệu đăng bài trên tạp chí OA có phải là chất lượng công bố kém?

Trả tiền để đăng bài là bình thường

GS Nguyễn Văn Tuấn, Viện Garvan, Úc, cho rằng đăng bài trên các OA không phải là gian dối. Ở đây là cần phân biệt có hai mô thức công bố khoa học là OA và truyền thống. Theo ông Tuấn, mô thức công bố OA sẽ là mô thức xuất bản chuẩn trong tương lai.

Theo GS Tuấn, theo mô thức truyền thống như trước đây, tác giả gửi bài không phải trả ấn phí cho nhà xuất bản, nhưng người ngoài chuyên ngành muốn đọc thì phải trả tiền và thường là từ 30 USD đến 50 USD/một bài. Mấy năm gần đây, tác giả gửi bài phải trả ấn phí, thường dao động từ 500 USD đến 1.500 USD một bài và độc giả cũng phải trả 30 USD đên 50 USD để đọc bài báo. Theo mô thức truyền thống thì bản quyền của bài báo thuộc nhà xuất bản (không thuộc tác giả) nên có sự bất công. Mô thức OA ra đời để giải quyết sự phi lý này.

Theo mô thức OA, tác giả gửi bài phải trả ấn phí khá cao, từ 1.000 USD đến 6.000 USD (tuỳ tạp chí) để công bố bài báo. Nhưng bài báo sẽ ở chế độ mở, bất cứ ai đều có thể đọc được. Ngoài ra, bản quyền bài báo thuộc về tác giả.

“Tất cả các tạp chí chính thống và danh tiếng trên thế giới cho tác giả lựa chọn công bố bài báo dưới dạng OA hay truyền thống. Các tạp chí như Nature lấy ấn phí bài báo công bố dưới dạng OA là khoảng 5.000 USD trở lên. Tạp chí do tôi phụ trách biên tập (Cientific Reports, PLoS ONE, PeerJ, Journal of Bone and Mineral Research, Osteoporosis International, Journal of the Endocrine Society…) thì lấy ấn phí OA là 1.500 USD”- GS Tuấn cho hay.

GS Tuấn nhấn mạnh, vấn đề là các tạp chí "dỏm" đều là OA, chứ không có mô thức công bố truyền thống (vì họ không trực thuộc hiệp hội khoa học nào). Tuy nhiên, ấn phí của các tạp chí "dỏm" thường rất thấp, chỉ từ 200 đến 500 USD.

“Ấn phí không có liên quan gì đến chất lượng bài báo khoa học. Những tạp chí số 1 trên thế giới như Nature, Science lấy ấn phí rất cao và nếu công bố theo mô thức OA thì ấn phí có thể lên đến 10.000 USD là bình thường. Ngay cả các tạp chí uy tín cao trong mỗi chuyên ngành Y khoa cũng lấy ấn phí hơn 1.000 USD. Ấn phí không phải là yếu tố để đánh giá bài báo có chất lượng cao hay thấp”- GS Tuấn nhấn mạnh.

Theo GS Tuấn sẽ rất khó để liệt kê những tạp chí OA trong ngành Y và Dược hiện nay được xem có chất lượng. Bởi nếu chỉ tính các tạp chí thuộc các hiệp hội Y khoa quản lý thì con số đã hơn 2.000 (số liệu năm 2018), còn số tạp chí không do các hiệp hội Y khoa quản lý nhưng là chính thống cũng xấp xỉ 1.000.

Nhưng trong chuyên ngành Y học, những tạp chí có uy tín và ảnh hưởng cao nhất phải kể đến như: New England Journal of Medicine, Lancet, JAMA, BMJ, Annals of Internal Medicine, Journal of Clinical Investigation, Journal of Experimental Medicine, Nature Medicine, eLife, PLoS Medicine.

Còn trong chuyên ngành Dược, các tạp chí hàng tốp là: Nature Reviews Drug Discovery, Annual Review of Pharmacology, Annual Review Of Pharmacology And Toxicology, Pharmacological Reviews, Trends In Pharmacological Sciences, Pharmacology & Therapeutics, Clinical Pharmacology & Therapeutics, Clinical Pharmacokinetics…

“Điều quan tâm là rất hiếm có tác giả Việt Nam công bố trên những tạp chí hàng đầu đó và đa số các bài từ Việt Nam được công bố trên các tạp chí có ảnh hưởng thấp hơn”- ông Tuấn cho hay.

Bác sĩ Hồ Mạnh Tường, Tổng thư ký hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TP.HCM (đồng tác giả với bác sĩ Ngọc Lan từng công bố bài báo trên New England Journal of Medicine gây xôn xao 3 năm trước) cũng cho rằng đăng bài trên tạp chí OA là tất cả mọi người đều được đọc, do vậy hình thức mở là hiện đại và văn minh.

Theo bác sĩ Tường, đây chỉ là hình thức của tạp chí chứ không phải là đánh giá tốt hay không tốt. Trước đây, khi internet chưa phát triển, tạp chí truyền thống sẽ phải in để bán ra ngoài. Khi internet phát triển thì duy trì song song 2 hình thức, vừa in bán, vừa đăng trên internet. 

Bác sĩ Tường cho rằng những tạp chí OA bắt buộc phải có nguồn thu để duy trì. Nhà khoa học đăng bài phải mất phí là điều bình thường, không có nghĩa những tạp chí không có bản in là không có uy tin.

Có tạp chí thu ấn phí cao nhưng từ chối 95% bài gửi 

Y học là ngành đặc thù liên quan trực tiếp đến con người. Theo GS Nguyễn Văn Tuấn, mức độ khó hay dễ đăng bài nghiên cứu sẽ tuỳ thuộc vào các tạp chí. Tạp chí có ảnh hưởng càng cao thì độ khó càng cao, còn tạp chí có ảnh hưởng thấp thì dễ công bố hơn.

Các tạp thí Y học đa khoa như New England Journal of Medicine, Lancet, JAMA, BMJ thường từ chối khoảng 90-95% bài báo gửi đến. Các tạp chí chuyên khoa thì tỉ lệ từ chối dao động trong khoảng 15 đến 50%, nên cơ may được công bố cao hơn.

“Có những tạp chí danh tiếng yêu cầu tác giả cho xem bản tóm tắt trước và dựa vào 500 chữ trong bản tóm tắt, ban biên tập quyết định từ chối hay cho tác giả nộp bản thảo bài báo. Nhiều tạp chí ngày nay yêu cầu tác giả nộp cả dữ liệu gốc và mã máy tính để họ kiểm tra xem tác giả có làm đúng hay không. Do đó, công bố trong ngành y trên các tạp chí tốp thì khó nhưng với các tạp chí làng nhàng thì không quá khó so với các chuyên ngành khác”- GS Tuấn cho hay.

Theo GS Tuấn, dù là tạp chí có ảnh hưởng cao hay thấp thì thời gian từ lúc nhận bản thảo đến lúc công bố, nếu tất cả suôn sẻ (không có từ chối), cũng phải mất từ 6 tháng đến 1 năm. Lý do là vì thời gian bình duyệt và trả lời bình duyệt khá lâu, rồi biên tập tiếng Anh và kiểm tra dữ liệu. Nhưng các tạp chí "dỏm" thì có khi thời gian chỉ 1 tuần đến 1 tháng, và sẽ không từ chối bài báo nào.

Còn bác sĩ Hồ Mạnh Tường cho rằng: “Nhu cầu đăng bài báo khoa học hiện nay rất cao. Nhà khoa học nếu bài tốt có thể đăng ở những tạp chí lớn. Còn những nhà khoa học có những bài giá trị không nhiều thì có thể lựa chọn những tạp chí nhỏ hơn. Điều này như thị trường và nhà khoa học có quyền lựa chọn”.

Nói về việc nhiều ứng viên GS, PGS ngành Y, Dược bị tố gian lận, bác sĩ Tường nhận định: “Việc tố cáo có thể do người tố đã chọn một tiêu chí cao của một nhóm chuyên môn đã từng làm quốc tế. Với góc nhìn này, họ nói rằng những bài báo đăng trên tạp chí OA thì nước ngoài không chấp nhận và cho rằng làm vậy là không đúng. Tuy nhiên, ở đây là đúng vì với những ứng viên bài chất lượng tới đâu thì gửi tạp chí ở mức đấy. Họ cũng công khai đầy đủ thông tin đăng ở tạp chí nào, trang nào, do vậy thông qua của Hội đồng GS ngành cũng là đúng”- bác sĩ Tường nhấn mạnh.

Theo bác sĩ Hồ Mạnh Tường, cần thống kê ra những tạp chí nào được xem có uy tín trên giới được tính để xét GS, PGS.

Lãnh đạo 1 trường đào tạo ngành Y, Dược ở phía Nam cho rằng, công bố khoa học ở ngành Y rất ngặt nghèo và khó hơn các ngành khác do đây là ngành đặc thù, liên quan trực tiếp tới con người.

Theo vị này tạp chí mở chỉ là hình thức tất cả mọi người đều có thể truy cập và người đăng đóng một lượng phí vừa phải nên không thể quy rằng tạp chí OA- là dởm để làm mất uy tín, quyền lợi của các ứng viên

Lê Huyền

HIẾN KẾ CÁCH TRỊ CĂN BỆNH 'HÁO DANH' VỀ GIÁO SƯ, PHÓ GIÁO SƯ

THÙY LINH/ GDVN 29-10-2020

Thời gian qua, việc Giáo sư Nguyễn Ngọc Châu đề nghị Hội đồng giáo sư nhà nước, Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo nên cho rà soát, kiểm tra lại một số ứng viên giáo sư, phó giáo sư không đủ tiêu chuẩn nhưng đã được Hội đồng giáo sư ngành thông qua đã gây xôn xao dư luận.

Một lần nữa, dư luận cho rằng, cần trả lại giá trị thật sự của chức danh giáo sư, phó giáo sư; không thể để mang tiếng cho hệ thống phong học hàm của quốc gia.

Có ý kiến cho rằng, sở dĩ người ta cố “xoay” cho được cái hàm giáo sư, phó giáo sư là vì háo danh. Và cái danh ấy còn mang đến rất nhiều lợi lộc. Họ được xếp vào bậc lương có hệ số cao hơn một bậc so với hệ số lương bằng hoặc cao hơn gần nhất hệ số lương đang hưởng, trường hợp đã hưởng lương ở ngạch giáo sư – giảng viên cao cấp thì được xếp lên một bậc lương liền kề.

Không chỉ có thế, danh vị giáo sư, phó giáo sư còn có quyền được tham gia, phê duyệt các đề tài nghiên cứu cấp Nhà nước, cấp quốc gia…Do đó, nếu cứ phong hàm “giáo sư, phó giáo sư” một cách dễ dãi thì sẽ tạo ra hậu họa vô cùng lớn. Nếu những vị giáo sư, phó giáo sư không đạt chuẩn, không thực tài trà trộn vào hệ thống đào tạo, bình xét, chấm điểm, phản biện các dự án, công trình khoa học mang tầm cỡ ngành, quốc gia thì đất nước này sẽ ra sao?

Chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, một chuyên gia hoạt động lâu năm trong ngành giáo dục (đề nghị không nêu tên) cho rằng:

Trên thế giới, việc phong hàm giáo sư, phó giáo sư chỉ dành cho những người làm công tác giảng dạy, nghiên cứu, làm khoa học chứ không dành cho những người làm công tác quản lý Nhà nước. Nước ta có nhiều tiến sĩ, giáo sư, phó giáo sư nhưng khá nhiều người không tham gia vào công tác đào tạo.

ảnh minh họa: VTV

Theo vị này, theo tư duy truyền thống, khi vai trò trong giáo dục tập trung nhiều ở bộ chủ quản thì mới đặt ra các chức danh lớn như giáo sư, phó giáo sư là của Nhà nước, đều do Nhà nước phong, Nhà nước có thể điều động từ trường này sang trường khác, quản lý chung.

Nhưng xu hướng mới hiện nay với những thay đổi của thực tế với nhiều loại hình trường khác nhau, các trường có sự phân tầng theo mục tiêu khác nhau thì phải có nhiều loại giáo sư, phó giáo sư. Theo đó, giáo sư, phó giáo sư phải gắn liền với trường đại học, viện nghiên cứu nào do đó đây là việc của cơ sở giáo dục. Đây là xu hướng chung của thế giới.

“Nếu để các trường có quyền tự phong hàm giáo sư, phó giáo sư thì ắt hẳn sẽ hạn chế được chuyện tiêu cực trong phong hàm, vì chỉ có nhà trường, đồng nghiệp mới hiểu rõ nhất trình độ cán bộ của mình chứ cứ giáo sư, phó giáo sư gắn với nhà nước thì mới sinh ra “háo danh” để rồi khai gian dối”, vị này nhấn mạnh.

Với quan điểm của mình, vị này cho rằng nên để các trường quyền chủ động định ra các tiêu chuẩn và tự bổ nhiệm giáo sư, phó giáo sư của chính trường đó.

“Tôi tin rằng sẽ không có vấn đề nở rộ giáo sư, phó giáo sư vì không trường nào dám phong ào ào để lấy cái danh cả bởi nếu làm lỏng lẻo thì tự khắc làm hạ thấp uy tín của nhà trường. Do vậy buộc các trường sẽ có quy định để bảo đảm chặt chẽ số người được phong giáo sư, phó giáo sư phù hợp với thực lực của họ”, chuyên gia phân tích.

Hơn nữa, giáo sư, phó giáo sư không phải là cái mác gắn suốt đời, một người ngừng nghiên cứu thì không được gọi là giáo sư, phó giáo sư nữa.

Những đãi ngộ mà các chức danh giáo sư, phó giáo sư được hưởng là trường quy định chứ không dùng ngân sách nhà nước đãi ngộ.

Nhìn nhận từ kinh nghiệm các nước, các trường đại học lớn trên thế giới đều áp dụng cách gọi là giáo sư của trường này trường kia. Cứ mỗi nhiệm kỳ lại công nhận lại chứ không có chuyện giáo sư suốt đời.

Do vậy, vị này đề xuất: “Các trường có thể phong hàm giáo sư, phó giáo sư theo nhiệm kỳ 3 năm, 5 năm. Sau nhiệm kỳ đó, nếu người đó không có công trình đóng góp nữa thì chỉ còn là “nguyên giáo sư trường A”, nguyên phó giáo sư trường B”.

Chứ như ở ta hiện nay, giáo sư, phó giáo sư thì đến chết vẫn giữ chức danh đó.

Rồi có khi không làm công tác giảng dạy, nghiên cứu ở đơn vị nào, thậm chí ra làm cho doanh nghiệp cũng vẫn là giáo sư, phó giáo sư. Đó là chuyện rất vô lý”.

Tuy nhiên có ý kiến băn khoăn rằng, nếu người đó có công trình nghiên cứu vĩ đại mà được phong hàm thì cái danh đó phải theo họ cả đời mới đúng.

Nhưng theo chuyên gia này thì công trình đó được khen thưởng, tác giả đã nhận và đương nhiên giải thưởng gắn cả đời. Còn đã là giáo sư, phó giáo sư phải gắn liền với đóng góp cho nhà trường, cho khoa học. Không còn đóng góp nữa thì không còn là giáo sư, phó giáo sư nữa.

Do đó, để đảm bảo chất lượng giáo sư, phó giáo sư thì ngoài việc giao quyền tự chủ cho các trường, Nhà nước nên đưa ra các chuẩn tối thiểu phải đạt được đối với chức danh này. Căn cứ vào đó, hội đồng từng trường sẽ xây dựng chuẩn riêng cho trường mình. Chỉ cần chuẩn đó không thấp hơn chuẩn tối thiểu là được.

Có thể chuẩn trường này cao hơn trường kia, là giáo sư, phó giáo sư của trường này nhưng khi sang trường kia công tác lại chỉ là giảng viên bình thường, điều này rất hợp lý để đánh giá tầm vóc của từng trường.

Cũng theo vị này, những người làm quản lý Nhà nước thì không nên phong hàm các chức danh này, khi được mời đến cơ sở giáo dục giảng dạy nếu đạt tới tầm nào đó thì được công nhận “giáo sư thỉnh giảng”, còn nếu mang lại vinh dự cho trường đó thì người ta công nhận “giáo sư danh dự”.

Thùy Linh
TIN LIÊN QUAN: