Thứ Hai, 5 tháng 10, 2020

20201006. BÀN VỀ DỰ ÁN CẢI TẠO SÔNG TÔ LỊCH

 ĐIỂM BÁO MẠNG

CHUYÊN GIA, NHÀ SỬ HỌC NÓI GÌ VỀ VIỆC 'BIẾN' SÔNG TÔ LỊCH THÀNH CÔNG VIÊN ?
NGUYỄN DƯƠNG/ DT 23-9-2020

Dân trí

 Nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng, ý tưởng cải tạo sông Tô Lịch thành công viên là rất đáng hoan nghênh. Còn theo GS Đặng Huy Huỳnh, làm sạch sông Tô Lịch là góp phần bảo vệ sức khỏe người dân...

Mới đây, ngày 15/9, Công ty Cổ phần Tập đoàn Môi trường Nhật Việt (JVE) đã có công văn báo cáo lãnh đạo Thành ủy, UBND TP Hà Nội về việc đề xuất giải pháp tổng thể cải tạo sông Tô Lịch trở thành "Công viên Lịch sử - Văn hóa - Tâm linh" bằng nguồn vốn Nhật Bản.

Chuyên gia, nhà sử học nói gì về việc biến sông Tô Lịch thành công viên? - 1

Nhấn để phóng to ảnh

Chuyên gia, nhà sử học nói gì về việc biến sông Tô Lịch thành công viên? - 2

Nhấn để phóng to ảnh

Cảnh quan "Công viên Tô Lịch" theo bản đề xuất.

Đề xuất trên đã nhận được sự quan tâm của các nhà khoa học, các chuyên gia trong nhiều lĩnh vực và của dư luận xã hội.

Liên quan đến đề xuất trên, ngày 22/9, trao đổi với phóng viên Dân trí, Nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng, khôi phục sông Tô Lịch được một phần nào đó trong điều kiện cho phép đã là điều rất đáng hoan nghênh. 

Theo ông Quốc, sông Tô Lịch không chỉ là vấn đề môi trường, bởi nếu tiếp cận về mặt tâm linh, sông Tô Lịch từ xa xưa có vị thế rất quan trọng trong đời sống tinh thần của người Thăng Long Hà Nội xưa, nó đã từng được coi là vị Thành Hoàng.

Chuyên gia, nhà sử học nói gì về việc biến sông Tô Lịch thành công viên? - 3

Nhấn để phóng to ảnh

Nhà sử học Dương Trung Quốc.

"Tôi cho rằng ý tưởng cải tạo được dòng sông này là khá tốt, bởi sau một  thời gian khá dài nó bị lãng quên, nó bị xâm hại… Cách đây một thời gian rất dài chúng ta cũng có ý tưởng phục hồi một phần nào dòng sông này nhưng rồi cũng trục trặc. Đến khi sử dụng công nghệ của nước ngoài, nhất là của Nhật Bản để thử nghiệm làm sạch sông Tô Lịch tôi hoan nghênh. Họ thử nghiệm tôi thấy có hiệu quả bước đầu, rất tiếc sau đó có những trục trặc không đáng có khiến dự án phải dừng lại", ông Quốc nói.

Còn theo Giáo sư, Tiến sĩ khoa học (GS.TSKH) Đặng Huy Huỳnh - nguyên Viện trưởng Viện sinh thái và Tài nguyên sinh vật (Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam), Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam: Dòng sông Tô Lịch ở Hà Nội không chỉ là vấn đề mỹ quan, mà còn là vấn đề sức khoẻ của cộng đồng. Vì vậy, không có lý do gì mà người dân không ủng hộ việc “biến” một nguồn tài nguyên đã chết thành một nguồn tài nguyên sống.

Chuyên gia, nhà sử học nói gì về việc biến sông Tô Lịch thành công viên? - 4

Nhấn để phóng to ảnh

GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh.

GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh cho biết: “Đứng ở mặt khoa học, nhân văn và môi trường, tôi rất ủng hộ dự án này. Thực tế biến dòng sông thành điểm du lịch có yếu tố tâm linh thì các nước trên thế giới đã làm".

Tuy nhiên, GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh lưu ý, việc triển khai dự án phải trên tinh thần vừa làm vừa phải học chứ không phải làm một lúc, bởi vì dòng sông Tô Lịch đã ô nhiễm trầm trọng. Việc giải quyết vấn đề này không phải một sớm một chiều.

"Áp dụng công nghệ nào cũng vậy, đều phải có sự hài hoà giữa thiên nhiên môi trường với văn hoá Hà Nội. Mà giải quyết được vấn đề này thì bản thân chúng tôi cũng muốn thành phố ủng hộ", GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh cho biết.

Theo nội dung đề xuất, dự án dự kiến sẽ thực hiện trong khoảng thời gian từ năm 2021-2026. 

Về phương án tài chính cũng như dự kiến tổng mức đầu tư sẽ được công bố sau khi được UBND TP Hà Nội phê duyệt.

Phạm vi công việc của dự án không tác động đến khu dân cư dọc chiều dài 2 bên sông.

Đối với việc cải tạo theo kích thước thực tế các khu vực được triển khai như sau: Xây dựng hành lang dọc sông, kè bờ (kè thẳng đứng, bỏ phần mái cỏ hiện nay, sau đó kè đáy khu vực sát 2 bên bờ sông tạo hành lang đi dạo, không kè đáy sông mà để tự nhiên;...

Phần xử lý ô nhiễm bên trong (mùi, bùn đáy, chất ô nhiễm hữu cơ): Sử dụng công nghệ Bio-Nano Nhật Bản để phân hủy tận gốc toàn bộ chất hữu cơ ô nhiễm nổi váng trên bề mặt, phân hủy tận gốc tầng bùn hữu cơ ở đáy và phân hủy tận gốc các yếu tố gây ra mùi hôi thối bốc lên là các khí độc như H2S (mùi trứng thối), NH3 (mùi khai), CH4,...

Ngoài ra, phần xử lý ô nhiễm bên ngoài và cấp nước bổ cập: Kết hợp đồng bộ với các dự án mà thành phố đã và đang triển khai như hệ thống thu gom nước thải bằng cống ngầm dưới lòng sông và cấp nước bổ cập trở lại cho sông bằng nước sau khi xử lý của dự án hệ thống nước thải Yên Xá, đảm bảo không chồng chéo dự án để tránh lãng phí đầu tư;

Xây dựng hệ thống giếng thu và đường hầm ngầm thoát lũ chống ngập tương tự hệ thống tại Tokyo (Nhật Bản) cho toàn bộ lưu vực sông Tô Lịch.

Cũng theo nội dung đề xuất, đây là dự án thuộc nhóm lĩnh vực công ích của TP Hà Nội, nên sẽ do cơ quan ban ngành của thành phố quản lý, vận hành, khai thác hoặc cơ chế phối hợp với các đơn vị bên ngoài,...

JVE và liên danh tổng thầu Nhật Bản cam kết không có bất cứ yêu cầu, điều kiện ràng buộc nào với thành phố. 

Nguyễn Dương



NGUYỄN NGỌC CHU/ BVN 26-9-2020

1. PHẢI HOÀN THÀNH CẢI TẠO SÔNG TÔ LỊCH TRONG NHIỆM KỲ 2021-2025

Những thành phố đẹp thường gắn liền với 4 thành tố thiên tạo là núi, sông, hồ và biển. Thăng Long – Hà Nội có 2/4 thành tố thiên tạo là sông và hồ. Hệ thống các sông bao gồm sông Hồng, sông Tô Lịch, sông Đuống, sông Nhuệ cùng hệ thống các hồ bao gồm hồ Tây, hồ Trúc Bạch, hồ Hoàn Kiếm, hồ Bảy Mẫu và hàng chục hồ khác… là các thành tố quý hiếm đắt giá của Thăng Long – Hà Nội. Nhờ hệ thống sông hồ quý hiếm này nên Thăng Long – Hà Nội được chọn làm kinh đô của nước Việt đã hơn một ngàn năm.

Hệ thống sông hồ của Hà Nội là thành tố quý hiếm về nhiều mặt. Có thể viện dẫn ra 10 chức năng quan trọng sau đây của hệ thống sông hồ của Hà Nội.

- Đảm bảo nguồn nước sống.
- Đảm bảo môi trường sống trong sạch cho con người, động vật và sinh vật.
- Lưu thông nguồn nước của trời đất.
- Cân bằng sinh thái.
- Cân bằng phong thuỷ.
- Thông thương kinh tế với ngoại vùng
- Tạo nên hệ thống giao thông nội vùng.
- Tăng thêm nguồn kinh tế thuỷ sản.
- Đảm bảo nguồn nước cho kinh tế cây trồng.
- Tạo nên cảnh quan tươi đẹp.

Trong bốn chục năm lại đây, hệ thống sông hồ của Hà Nội bị con người tàn phá nghiêm trọng. Hàng trăm các hồ ao bị lấp đất xây nhà. Lòng sông Hồng cũng bị đô thị hoá làm dòng chảy phải thu hẹp. Sông Tô Lịch bị nghẽn dòng chảy và bị ô nhiễm nặng làm ảnh hưởng đến đời sống không chỉ hàng vạn cư dân ven sông mà đến tất cả cư dân thành phố. Sông Nhuệ và sông Đuống cũng bị nước thải công nghiệp làm ô nhiễm. Hâu quả là Hà Nội bị ngập tràn mỗi khi mưa. Còn môi trường sống của Hà Nội thì mỗi ngày một thêm xấu. Cho nên, phải bảo vệ hệ thống sông hồ Hà Nội. Trong số những việc cấp thiết phải làm thì sông Tô Lịch cần được cải tạo càng sớm càng tốt.

Lãnh đạo Hà Nội các nhiệm kỳ trước đây, vì không phải tranh cử, mà được bổ nhiệm, nên không ai chịu hứa trước dân những điều phải làm. Cũng vì không hứa, nên khi kết thúc nhiệm kỳ cũng không kiểm điểm những điều không làm được.

Việc cải tạo sông Tô Lịch cần được xem là một mục tiêu quan trọng phải hoàn thành của lãnh đạo Hà Nội trong nhiệm kỳ 2021-2025. Lãnh đạo Hà Nội cần đặt ra mục tiêu trước nhân dân thủ đô để nhân dân thủ đô kiểm chứng.

Ước rằng, Thị trưởng Hà Nội đủ can đảm để cất lời hứa những điều sẽ làm trước người dân Hà Nội?

2. ĐỐI TÁC NÀO KHẢ THI?

Bây giờ thì đã rõ lý do cư xử của ông Nguyễn Đức Chung đối với người Nhật trong dự án sông Tô Lịch. Chuyện đã qua không bàn lại nữa. Chỉ đề cập đến tương lai.

Trong số các đối tác nước ngoài có khả năng giải quyết tốt dự án cải tạo sông Tô Lịch, thì hiện không thấy các đối tác đến từ EU và Hoa Kỳ, mà chỉ có đối tác đến từ Nhật Bản?

Không phải người Việt Nam không giải quyết được vấn đề sông Tô Lịch. Mà trong cơ chế hiện nay, thì bất cứ công ty nhà nước nào dưới sự chỉ đạo của UBND TP Hà Nội cũng không thể làm tốt vấn đề cải tạo sông Tô Lịch. Vì thấy trước là đắt, lãng phí, mà kết quả lại nửa vời.

Vấn đề cải tạo sông Tô Lịch do người Việt Nam đảm nhận, chỉ có thể thực thi tốt khi vốn là do tư nhân tự bỏ ra, và do tư nhân quản lý. Tiếc thay, các công ty tư nhân Việt Nam, dù giàu có đến đâu, cũng không ai chịu bỏ tiền túi ra để cải tạo sông Tô Lịch. Nếu không nói là họ càng giàu có bao nhiêu càng trông chờ vào nhà nước bấy nhiêu để thêm giàu có.

Từ những điều nêu trên, dường như đối tác Nhật Bản là lựa chọ khả thi nhất hiện nay cho dự án cải tạo sông Tô Lịch. Có 4 yếu tố quan trọng sau đây có thể cân nhắc để quyết định lựa chọn.

1/ Về công nghệ, người Nhật có đủ khả năng để giải quyết vấn đề ô nhiễm của sông Tô Lịch ở mức độ thoả mãn. Và người Nhật có đủ kinh nghiệm và kiến thức để có thể đề xuất một kiến trúc đẹp, một kết cấu vững chắc trong dự án cải tạo sông Tô Lịch.

2/ Về tính cách, người Nhật đủ tín nhiệm để thực hiện dự án cải tạo sông Tô Lịch một cách trọn vẹn từ đầu đến cuối.

3/ Về tài chính, người Nhật có lối thoát bằng nguồn vốn ODA.

4/ Về thiện chí, người Nhật đã thể hiện sự thiện chí kiên trì và nồng hậu.

Đó là 4 yếu tố nhìn thấy và cảm nhận được. Điều còn lại, nằm trong tay lãnh đạo Hà Nội.

3. KIỂM SOÁT GIÁ THÀNH LÀ ĐIỀU ĐẦU TIÊN VÀ LÀ ĐIỀU QUAN TRỌNG NHẤT

Vốn ODA (Official Development Assistance ) không phải là cho không tất cả, mà còn là vay và phải trả cả lãi suất. Thông thường chỉ khoảng một phần (25% - 30%) là không hoàn lại. Phần còn lại cho vay dài hạn (khoảng 20-40 năm) với lãi suất thấp (khoảng 2%/năm). Thường thì sau 10 năm mới bắt đầu phải trả nợ. Cho nên, nói là vốn ODA nhưng rất khác nhau. Tất cả phụ thuộc vào đàm phán với bên cấp ODA.

Rõ ràng Nhật Bản là đối tác khả thi nhất hiện nay về dự án cải tạo sông Tô Lịch. Và đây là một cơ hội hiếm có để Hà Nội sau 5 năm có được sông Tô Lịch sạch và đẹp.

Vấn đề băn khoăn nhất hiện nay là giá thành của dự án sẽ là bao nhiêu triệu USD? Chưa ước lượng con số cụ thể, nhưng có thể khẳng định giá thành của dự án sẽ được nâng lên rất đáng kể do 2 nguyên nhân sau đây.

1/ Một là, giá bị đẩy lên do phía Việt Nam tham nhũng. Đây là một điều không thể tránh khỏi trong hoàn cảnh hiện nay. Chỉ là “ăn dày” đến bao nhiêu mà thôi. Trên thực tế, không dự án hợp tác quốc tế nào mà phía Việt Nam không tham nhũng. Đã có nhiều dự án phía Việt Nam nhận hối lộ bị phát hiện nhờ từ phía Nhật Bản.

2/ Hai là, giá bị đẩy đắt hơn từ phía Nhật Bản. Yếu tố này liên quan đến thông lệ vốn ODA của nước nào thì các công ty nước đó được tham gia thực hiện dự án. Nghĩa là “được lấy lại hợp pháp tối đa có thể”. Chi phí dự án theo cách trả lương của Nhật Bản là rất cao. Nếu bị đẩy lên nữa thì thành đắt.

Nguyên nhân thứ hai này có thể hạn chế được. Nếu người quyết định phía Việt Nam giỏi, biết đúng giá, thì phía nước ngoài không thể nâng cao hơn giá thực. Tiếc thay, phía Việt Nam chưa bao giờ có được một người như thế trong các dự án của nhà nước với nước ngoài!

Bạn không thể chống được tham nhũng từ phía Việt Nam trong cơ chế hiện nay. Vì nhà dột từ nóc. Nhật Bản là sự lựa chọn khả thi nhất hiện nay. Đây là cơ hội hiện thực để hồi sinh sông Tô Lịch. Dẫu biết rằng thất thoát có thể lên đến 50% - một con số khổng lồ cho dự án nhiều chục triệu USD.

Một Thị trưởng Hà Nội giỏi sẽ có ngay quyết định về lựa chọn đối tác Nhật Bản. Vì biết đúng giá thành dự án, biết đàm phán được điều kiện ODA tốt, và biết ngăn chặn được sự tham nhũng từ phía Việt Nam. Có một Thị trưởng giỏi, giá thành không thể tăng quá 1%. Tiếc thay Hà Nội không có được một Thị trưởng như vậy.

Dự án cải tạo sông Tô Lịch đắt hơn giá thực bao nhiêu phụ thuộc vào sự liêm khiết và tài năng của lãnh đạo Hà Nội. Dự án cải tạo sông Tô Lịch dẫu có đắt thêm 50% thì cũng xứng đáng làm. Còn hơn dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông đắt hơn 300% mà trở thành quả bom nổ chậm.

Hình ảnh có thể có: một hoặc nhiều người và ngoài trời

Hình ảnh có thể có: một hoặc nhiều người và mọi người đang đứng


N.N.C.






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét