Thứ Năm, 8 tháng 10, 2020

20201009. QUANH CHUYỆN QUÀ TẶNG ĐẠI BIỂU ĐẠI HỘI ĐẢNG

 ĐIỂM BÁO MẠNG

CHỐNG LÃNG PHÍ PHẢI BẮT ĐẦU TỪ ĐẠI HỘI ĐẢNG

NGUYỄN NGỌC CHU/ BVN 6-10-2020

https://scontent-sjc3-1.xx.fbcdn.net/v/t1.0-0/s600x600/120611161_2136343929832359_5616739287001539199_n.jpg?_nc_cat=106&_nc_sid=730e14&_nc_ohc=Je3LVoBdwIUAX9tce99&_nc_ht=scontent-sjc3-1.xx&tp=7&oh=8f21a81e00f660c598012cb1bdc23563&oe=5F9F8486

1. Đã ai tư vấn cho thủ tướng chưa?

Những người trong ‘Tổ Tư vấn kinh tế’ cho Thủ Tướng, có ai đã một lần ‘tư vấn’ cho Thủ tướng về tiết kiệm chi phí ở tất cả các kiểu Đại hội?

Vì tất cả các kiểu Đại hội của các cơ quan đoàn thể nhà nước, trong đó trụ cột là Đại hội Đảng các cấp, từ cấp địa phương cho đến toàn quốc - phần lớn đều dùng kinh phí nhà nước.

2. Có bao nhiêu đại hội đảng các cấp?

Để chuẩn bị cho Đại hội Đảng toàn quốc, thì phải bắt đầu từ cấp xã, huyện, tỉnh. Quá trình này kéo dài cả năm. Không tính cấp chi bộ, chỉ tính cấp xã trở lên, cả nước có tất cả bao nhiêu Đại hội Đảng?

Hiện cả nước có 10.614 đơn vị hành chính cấp xã, bao gồm: 8.295 xã, 1 714 phường và 605 thị trấn.

Cả nước hiện nay có 713 đơn vị hành chính cấp huyện. Trong đó bao gồm: 69 thành phố trực thuộc tỉnh, 50 thị xã, 49 quận và 545 huyện.

Cả nước hiện có 63 đơn vị hành chính cấp, bao gồm: 58 tỉnh và 5 thành phố trực thuộc trung ương.

3. Mất bao nhiêu tiền chi phí cho Đại hội Đảng?

Mất bao nhiêu tiền chi phí cho việc tổ chức các Đại hội Đảng trên toàn quốc? Số liệu này chắc Bộ Tài chính có. Nhưng có thể ước lượng thô như dưới đây.

- Chi phí liên quan đến Đại hội cấp xã khá khác biệt nhau. Ở các xã nghèo chỉ ở mức trong khoảng 50 - 100 triệu đồng. Nhưng cấp phường ở các thành phố lớn trực thuộc trung ương thì có thể chi phí đến cả tỷ bạc. Lấy mức ước lượng thấp bình quân là 100 triệu đồng , thì trên toàn quốc chi phí cho Đại hội cấp xã tốn đến 1.061 tỷ đồng.

- Chi phí liên quan đến Đại hội cấp quận - huyện cũng khác nhau, nhưng đều tính bằng tỷ đồng. Các quận ở các thành phố lớn có thể chi phí gấp năm bảy lần các huyện nghèo. Lấy trung bình mức thấp cho chi phí cấp huyện là 2 tỷ đồng, thì tổng chi phí trên toàn quốc cho Đại hội cấp huyện là 1.426 tỷ đồng.

- Chi phí liên quan đến Đại hội cấp tỉnh - thành rất lớn. Một tỉnh nghèo như Tuyên Quang mà đã dùng 2,5 tỷ đồng để sắm quần áo cho đại biểu thì tổng chi phí của Đại hội Đảng của tỉnh Tuyên Quang phải không dưới 10 tỷ đồng (https://nhadautu.vn/tuyen-quang-moi-thau-2-goi-thau-25-ty...).

Các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh thì chi phí liên quan đến Đại hội sẽ rất lớn. Tính bình quân chi phí phục vụ cho Đại hội cấp tỉnh - thành là 15 tỷ đồng, thì tổng chi phí trên toàn quốc cho cấp tỉnh sẽ là 945 tỷ đồng.

- Chi phí liên quan đến Đại hội Đảng toàn quốc là rất lớn. Nếu kể cả các Hội nghị Trung ương phục vụ cho mục đích Đại hội, những chuyến đi công tác của các Bộ ở trong nước và nước ngoài phục vụ cho Đại hội Đảng toàn quốc, và cả bộ máy chuẩn vị văn kiện cho Đại hội Đảng toàn quốc... thì con số sẽ lớn vô kể - không dưới vài ngàn tỷ đồng. Hãy chỉ tính một ngàn tỷ đồng.

Với mức tính khiêm tốn nêu trên, thì tổng chi phí liên quan đến Đại hội đảng các cấp trên toàn quốc lên đến 4.432 tỷ đồng. Thực ra con số này còn thấp hơn con số thực chi khi tính đúng tính đủ. Nhưng 4.432 tỷ đồng mua được 886.400 tấn thóc (không dưới 531.840 tấn gạo), nuôi được 3.409.230 cán bộ suốt 1 năm với tiêu chuẩn 13kg/người /tháng ở những năm thập niên 60-80 thế kỷ trước. Trong trường hợp thật khiêm tốn nữa, lấy cận dưới của ước lượng ở mức 50% chi phí nêu trên thì con số cũng đạt đến 2.216 tỷ đồng- là một tài sản rất lớn.

https://scontent-sjc3-1.xx.fbcdn.net/v/t1.0-0/p417x417/120540050_2136355283164557_2297462531994623882_n.jpg?_nc_cat=108&_nc_sid=730e14&_nc_ohc=N67QNrOQvRcAX9FEL7t&_nc_ht=scontent-sjc3-1.xx&tp=6&oh=2fabacf6e6b625e7370c7d28a8b500cd&oe=5FA00F45

Số liệu ước lượng thô ở trên đã không đưa vào một mảng rất lớn Đại hội đảng ở các bộ ban ngành trung ương, các quân khu, các tổng công ty, cấp sở phòng, các trường đại học, và hàng chục vạn chi bộ cấp cơ sở. Mà nếu tính đúng tính đủ cũng lên đến cả ngàn tỷ đồng.

Sẽ có người viện dẫn nguồn kinh phí từ Đảng phí để tổ chức Đại hội. Có chăng chỉ một bộ phận ở cấp chị bộ cơ sở - mà đã không đưa vào con số ở trên. Nhưng điều quan trọng nhất là chống lãng phí. Nguồn tiền nào cũng không được lãng phí.

4. Còn bao nhiêu chi phí ngầm?

Có một dòng chi phí ngầm cho Đại hội nhiều lần lớn hơn các chi phí nhìn thấy. Đó là dòng tài chính chi cho các ghế chức vụ - là dòng tài chính chạy chức chạy quyền. Chống chạy chức chạy quyền là một trong những mục tiêu quan trọng nhất mà lãnh đạo Đảng và nhà nước đã nhiều lần kêu gọi phải thực thi bằng được.

Có người nói Đại hội này là Đại hội không chạy chức chạy quyền? Có đúng như vậy không?

Giống như tham nhũng, không ở đâu thấy tham nhũng, mà tham nhũng xảy ra khắp mọi nơi. Giống như xin việc, không nơi nào thấy mất tiền, mà mất tiền khắp mọi nơi. Mỗi ghế chức vụ ở phường - xã, quận - huyện, tỉnh – thành và ở trung ương đều có giá. Giá rất cao. Giá được nhiều người biết.

Những người sành về giá có thể nêu ra con số cụ thể cho mỗi vị trí. Rồi tổng hợp cho cả nước. Đó là một con số kinh hoàng làm “vỡ mật” cả những người dũng cảm nhất.

GDP đầu người là chỉ số nhìn thấy. Đó chưa phải là chỉ số phản ánh thực tế thu nhập đầu người. Còn có một dòng thu nhập GDP đầu người ngầm. Cho nên một tỉnh A có thu nhập GPD đầu người cao hơn tỉnh B không đồng nghĩa là tỉnh A giàu hơn tỉnh B.

Tham nhũng là môi trường thuận lợi cho nền kinh tế ngầm phát triển. Các nước có tham nhũng càng lớn thì dòng thu nhập GDP ngầm càng lớn. Dòng GDP thu nhập ngầm ước tính chiếm khoảng từ 30% - 80% GDP chính thức, tuỳ theo các nước.

Thu nhập ngầm của một bộ phận những người tham gia Đại hội nếu được công khai thì sẽ làm “vỡ mật” nhiều nhà tư bản.

5. Quả thực có phải là không thể sửa chữa?

Hình như có ai đó nói rằng “cộng sản không thể sửa chữa”?

"Sáng kiến" chi 269 tỷ đồng mua bộ ấm chén làm quà của Hải Phòng đã bị dừng. Nhưng ở Quảng Bình lại tiếp tục chi 2,2 tỷ đồng mua cặp biếu Đại biểu Đại hội Đảng, và chỉ dừng khi bị xã hội phản đối. Quảng Trị lại định mua ‘bình hút tài lộc’ để biếu Đại biểu Đại hội Đảng. Còn Tuyên Quang định biếu mỗi Đại biểu Đại hội Đảng một bộ quần áo “xịn chất liệu Đức, Ý, Nhật” giá 6 triệu đồng. Và tiếp tục là các tỉnh khác… Dòng quà biếu Đại biểu Đại hội Đảng sẽ không chấm dứt nếu không có phản ứng quyết liệt của xã hội.

Nhưng đâu chỉ căn bệnh quà biếu trong lĩnh vực Đại hội Đảng, mà ở các lĩnh vực khác các căn bệnh tương tự cũng không thể chấm dứt. Bệnh ‘cổng chào’ dẫu bị lên án mãi tận biên giới phía Bắc ở Quảng Ninh, nhưng nó vẫn bùng phát mãi tận biên giới phía Nam ở Long Xuyên. Bệnh ‘tượng đài’ thì “di căn” khắp mọi nơi. Đúng là những căn bệnh không thể chữa trị.

Các Đại hội của ĐCS Đông Dương không có quà biếu. Đại hội II, III của ĐLĐ Việt Nam cũng không có quà biếu. Bắt đầu từ khi nào thì Đại hội đảng tốn kém và lãng phí như bây giờ?

Đã 75 năm kể từ ngày dành được độc lập, nhưng vẫn còn nhiều đồng bào ‘không có cơm ăn áo mặc’. Không thể tự cho vì dân khi đang hoang phí mồ hôi nước mắt của dân. Chống lãng phí phải bắt đầu từ Đại hội Đảng.

Ai là người có lỗi lớn nhất khi đã để xẩy những lãng phí to lớn này?

N.N.C.

Nguồn: FB Nguyen Ngoc Chu

CÁC ĐẠI HỘI ĐẢNG DÙNG TIỀN THUẾ CỦA DÂN CHI TIÊU VÔ TỘI VẠ, NGUỒN CƠN TỪ ĐÂU ?

HOÀNG HẢI VÂN/ TD 6-10-2020

Báo chí và mạng xã hội đang rộ lên việc dùng ngân sách nhà nước để mua những món quà đắt tiền tặng cho các đại biểu cùng những trang trí phù phiếm tốn kém phục vụ Đại hội Đảng cấp tỉnh. Tổ chức đảng công khai dùng tiền thuế của dân để xài sang đang gây phẫn nộ trong dân chúng. Nhưng nếu chỉ dùng tiền thuế cho các hoạt động thiện lành của Đảng thì có vấn đề gì không?

Điều lệ hiện hành của Đảng Cộng sản Việt Nam quy định: “Tài chính của Đảng gồm đảng phí do đảng viên đóng, từ NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC (tôi viết hoa-HHV) và các khoản thu khác” (Điều 46). Như vậy là việc dùng ngân sách nhà nước để tổ chức đại hội Đảng các cấp là không sai điều lệ. Nhưng ngân sách nhà nước là tiền thuế của dân, thu chi là do Quốc hội quyết định, mà Quốc hội là do dân bầu, đâu có nghĩa vụ phải chấp hành Điều lệ Đảng?

Có lẽ những người đưa vào điều lệ Đảng quy định lấy ngân sách nhà nước làm tài chính Đảng nghĩ rằng tuyệt đại đa số đại biểu Quốc hội là đảng viên, nên kiểu gì Quốc hội cũng quyết định lấy ngân sách chi cho hoạt động Đảng. Trong thực tế có thể là như thế, nhưng ghi một cách công khai tự mãn như thế không những xuất phát từ bệnh kiêu ngạo cộng sản (chữ này của Lê-nin, không phải của “phản động”) mà còn vi phạm nguyên tắc của Lê-nin về tổ chức Đảng.

Nguyên tắc đó có 2 điểm:

1- Đảng viên của Đảng là những người hoạt động tự nguyện và không nhận thù lao.

2- Tài chính của Đảng là do đảng viên đóng góp và cảm tình viên của đảng ủng hộ (tất nhiên còn có cả lợi tức do hoạt động kinh tài của Đảng hoặc người của Đảng mang về mà đảng nào trên thế giới cũng làm). Cụ Lê-nin tuyệt đối không nói một câu nào cho phép Đảng Cộng sản khi cầm quyền có thể lấy tiền thuế của dân để hoạt động.

Cần biết, quy định nói trên chỉ mới xuất hiện từ bản Điều lệ của Đại hội VIII, duy trì qua các đại hội IX, X, XI, XII. Trước Đại hội VIII không có quy định này, bằng chứng đây:

Điều lệ từ Đại hội II (1951): “Tài chính của Đảng do nguyệt phí của đảng viên góp, và do tiền quyên hoặc ủng hộ của đảng viên và quần chúng góp thành” (Điều 67). Tôi không tìm ra bản Điều lệ từ Đại hội I, nhưng chắc chắn cũng quy định không khác Đại hội II.

Điều lệ từ Đại hội III (1960): “Tài chính của Đảng gồm đảng phí do đảng viên đóng và các khoản thu nhập khác của Đảng do Ban Chấp hành Trung ương quy định” (Điều 59).

Điều lệ từ Đại hội IV (1976): “Tài chính của Đảng gồm đảng phí do đảng viên đóng và các khoản thu nhập khác của Đảng do Ban Chấp hành Trung ương quy định” (Điều 55).

Điều lệ từ Đại hội V (1982): “Tài chính của Đảng gồm đảng phí do đảng viên đóng và các khoản thu nhập khác của Đảng do Ban Chấp hành Trung ương quy định” (Điều 55).

Điều lệ từ Đại hội VI (1986): “Tài chính của Đảng gồm đảng phí do đảng viên đóng và các khoản thu nhập khác của Đảng do Ban Chấp hành Trung ương quy định” (Điều 58).

Điều lệ từ Đại hội VII (1991): “Tài chính của Đảng gồm đảng phí do đảng viên đóng, thu từ các xí nghiệp sản xuất, kinh doanh của Đảng và các khoản thu khác” (Điều 44).

Như vậy là đưa quy định lấy ngân sách nhà nước làm tài chính Đảng vào Điều lệ Đảng chỉ mới có từ năm 1996 (Đại hội VIII) đến nay, chứ trước đó không ai dám. Sinh thời cụ Hồ không dám, Tổng Bí thư Lê Duẩn không dám, Tổng Bí thư Trường Chinh không dám, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh không dám, dù Đảng đã cầm quyền. Các cụ không dám là không dám làm sai nguyên tắc của Lê-nin. Vào thời Tổng Bí thư Trần Phú, Tổng Bí thư Lê Hồng Phong, Tổng Bí thư Hà Huy Tập, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ, Đảng chưa cầm quyền nên không tính, nhưng dù cho Đảng có cầm quyền rồi thì các cụ chắc chắn cũng không dám.

Tôi từng hỏi ông Nguyễn Sinh Hùng tại hành lang Quốc hội khi ông còn làm Bộ trưởng Tài chính, tại sao Quốc hội phải phân bổ ngân sách cho hoạt động của Đảng, nhưng khi tôi vừa hỏi ông đã xua tay: “Hỏi đúng rồi, nhưng nhạy cảm, không nói được, không nói được”. Tất nhiên ông không dám nói, mà dù có nói thì Thanh Niên chắc chắn không dám đăng. Ông mà nói, Thanh Niên mà đăng thì ông chắc về vườn sớm, Thanh Niên chắc tiêu, tôi cũng tiêu luôn.

Nhưng nghĩ đi nghĩ lại thấy lạ lùng. Cụ Hồ từng học trường Đại học Phương Đông của Liên Xô không tính, còn Tổng Bí thư Lê Duẩn chẳng học trường lớp chánh trị nào, Tổng Bí thư Trường Chinh, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh cũng vậy, nhưng các cụ rất hiểu nguyên tắc của Lê-nin nên rất cẩn trọng. Còn ngày nay, cán bộ từ cấp huyện, cấp Sở, cấp Vụ trở lên đều tốt nghiệp cao cấp chính trị trang bị chủ nghĩa Mác – Lê nin tư tưởng Hồ Chí Minh đến tận … hơi thở, nhưng chẳng một ai phát hiện cái sai trong Điều lệ Đảng, hoặc giả cũng có người phát hiện sai nhưng ngậm miệng ăn tiền không dám góp ý.

Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ thay nhau “cầm quyền” ở Mỹ, nhưng chẳng bao giờ Hạ viện hoặc Thượng viện nước này dám đưa ra dự luật nào lấy ngân sách nhà nước chi cho hai đảng trên hoạt động, Công Đảng và Đảng Bảo thủ Anh cũng vậy. Đừng nói tôi mang đảng “tư sản” so sánh với đảng “vô sản”. Ở đây tôi chỉ nói về tiền, các đảng “tư sản” này lấy tiền đâu mà hoạt động? Chính họ đang thực hiện rất đúng “Tài chính của Đảng do nguyệt phí của đảng viên góp, và do tiền quyên hoặc ủng hộ của đảng viên và quần chúng góp thành” giống như quy định tại Điều 67 Điều lệ Đảng Lao động Việt Nam tại đại hội II đấy! Và họ rất mạnh.

Tóm lại, sự “nóng mặt” của dân chúng trước cảnh các đại hội Đảng dùng tiền thuế của dân chi tiêu vô tội vạ có nguồn cơn từ sự lạm dụng quy định nói trên trong Điều lệ Đảng. Bỏ nó đi Đảng có sống nổi hông? Tôi không biết. Chỉ biết ngày xưa không có nó Đảng vẫn sống tốt. Và chỉ biết, đã có ai đó “lén” đưa nó vào, những người đó nhất định không phải là học trò của cụ Hồ, nhưng bế nó ra thì không dễ chút nào.

Đại khái thế. Hình như đang có lời kêu gọi dân chúng góp ý vào Đại hội Đảng toàn quốc, tút này chỉ viết về một điều khoản trong Điều lệ Đảng, là một góp ý mang tính xây dựng. Không nên suy diễn và miễn tranh cãi nhé!

ĐAU ĐỚN, TỦI THÂN QUÁ !

VŨ KIM HẠNH/ TD 6-10-2020

Hãy đọc những dòng tin lạnh lùng này: Văn phòng Tỉnh ủy Tuyên Quang yêu cầu đặt 428 bộ trang phục cho đại biểu Đại Hội Đảng với tổng giá là 2,5 tỷ đồng, phải là chất liệu Cashmera của Italy, còn nguyên phụ liệu: Cúc áo, khóa quần, chỉ may thì phải nhập của Đức và chất liệu vải lót phải của Nhật.

Không kém cạnh, Hà Tĩnh dự chi hơn 2 tỷ đồng mua 700 chiếc cặp Trung Quốc tặng đại biểu dự đại hội đảng bộ tỉnh (tính ra: 500 cái cặp có mã 1168 và 200 cái có mã 1166 đều xuất xứ Trung Quốc). Và Hà Tĩnh đã làm đủ thủ tục gọi thầu, đã có đơn vị trúng thầu với giá mỗi chiếc cặp da 2,9 triệu đồng.

Đó mới chỉ là mấy “cây kim trong bọc” lòi ra tình cờ liên quan chi phí cho Đại hội Đảng các tỉnh. 63 tỉnh thành, với cái đà này, làm sao giảm được nỗi tủi thân của… HÀNG VIỆT đây?

Liệu Tỉnh ủy Tuyên Quang có biết là công ty An Phước-Pierre Cardin đã mở nhà máy và bán sản phẩm trực tiếp ở Đức không, để mà “hạ cố” sử dụng hàng Việt cũng đang được bán ở Đức?

Đại Hội Đảng là nơi bàn chuyện quan trọng dẫn đường phát triển cho dân cho nước, nên đại biểu phải có quần áo xịn, có cặp tốt là phải rồi. Nhưng hỡi ôi, thật đau khi các đại hội Đảng không hề dành cho các công ty Việt Nam chút “xơ múi” nào. Tôi phải dừng lại nỗi niềm đau khổ khi kêu lên, khi nghĩ tới hơn chục năm Bộ Chính Trị vận động “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt” mà lúc này, mùa Đại Hội Đảng, khi tổ chức các Đại hội, nơi thể hiện ý chí, tinh hoa lãnh đạo của Đảng mình, các ngài tổ chức cứ khăng khăng phải xài hàng ngoại mới xứng đáng với Đại Hội, mới “thuận” với thị hiếu đại biểu?

Khi đi vận động cho hàng Việt, các nhà tuyên giáo thường nói: Dùng hàng Việt là bảo vệ việc làm cho người lao động, là ủng hộ xây dựng, bồi đắp nền tảng nền kinh tế nước nhà. Tôi cũng hăng say “tuyên truyền” vậy, gào lên hoặc thủ thỉ bằng mọi cách thuyết phục các bạn trẻ, lớp người tiêu dùng tương lai, hãy ủng hộ hàng Việt, với hi vọng, người trưởng thành, nhất là cán bộ của Đảng thì hiểu sâu rồi và luôn thực hành điều Đảng đang chú tâm vận động, để nêu gương, dẫn dắt dân thường, nhất là lớp thanh niên.

Vậy mà… vậy mà. Các bạn trẻ nghe thuyết phục “Ưu tiên dùng hàng Việt” trước thực tế đang diễn ra lạnh lùng thế này, thì các bạn ấy có nghĩ là tôi ngây ngô hay dối trá, lừa gạt không vậy trời?

Cách đây 2 hôm, tôi than thở về gói tín dụng 16 ngàn tỷ đồng, suốt sáu tháng không chi được đồng nào giúp cho người lao động làm việc trong các doanh nghiệp Việt đang lao đao vì Covid 19. Có một chủ doanh nghiệp bình luận “Oxy cứ treo trên cao quá”, và vì vậy, doanh nghiệp cứ tự do tắt thở dưới mặt đất.

Giờ thì thực tế đã giải thích và chứng minh rồi nhé. Hàng Việt cứ đợi đấy, nho xanh lắm.

'PHONG TRÀO' TẶNG QUÀ ĐẠI BIỂU CÓ PHÙ HỢP VỚI LỜI DẠY CỦA HỒ CHỦ TỊCH ?

XUÂN DƯƠNG/ GDVN 7-10-2020

Câu chuyện Văn phòng Tỉnh ủy Tuyên Quang mời thầu 2 gói thầu may 428 bộ trang phục (vest) với dự toán hơn 2,5 tỷ đồng phục vụ đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ 17 đã kết thúc bằng việc ngày 05/10/2020, ông Nguyễn Mạnh Tuấn - chánh Văn phòng Tỉnh ủy Tuyên Quang – trả lời báo chí: “Qua các phương tiện thông tin đại chúng, tỉnh nhận thấy một số địa phương có lùm xùm về việc mua quà tặng đại biểu nên tỉnh không ký hợp đồng với bên cung ứng”. [1]

Đây là một quyết định kịp thời thể hiện sự lắng nghe của Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang bởi theo nhận định của nhiều chuyên gia, Tuyên Quang là tỉnh nghèo, năm 2019 tổng thu ngân sách toàn tỉnh là 2.172 tỷ đồng (làm tròn) nhưng chi hết hơn 7.100 tỷ đồng, trung ương phải điều tiết khoảng gần 5.000 tỷ đồng. [2]

Tặng quà cho người tham dự các buổi gặp mặt truyền thống, các kỳ họp thi đua, khen thưởng hoặc đại hội là điều bình thường nếu đó là vật lưu niệm mang ý nghĩa tinh thần chứ không phải vật chất.

Đôi dép cao su Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sử dụng từ năm 1960 đến năm 1969, ảnh: laodong.vn

Những cơ quan dự kiến duyệt chi quà tặng cho các đồng chí đại biểu dự đại hội đảng trị giá bằng cả tháng lương của người lao động trong thời điểm nhiều người thiếu hoặc không có việc làm do đại dịch Covid-19 rõ ràng là chưa được suy xét cẩn thận.

Hơn nữa, lồng ghép yếu tố vật chất vào quà tặng không phù hợp với chủ trương chống tham nhũng của đảng và nhà nước.

Được biết trước thềm Đại hội 12 của đảng, Văn phòng Ban chấp hành Trung ương ban hành Quy định số 39-QĐ/VPTW “Về chế độ chi tổ chức đại hội đảng các cấp cơ sở, cấp trên cơ sở tiến tới đại hội đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 12 của đảng”.

Theo đó: “Đảng bộ thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Thanh Hóa, Nghệ An, Đảng bộ Quân đội, Đảng bộ Công an Trung ương: mức chi tối đa 600.000.000 đồng. Đảng bộ tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương còn lại: mức chi tối đa 400.000.000 đồng.

Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương và Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương: mức chi tối đa 300.000.000 đồng”.

Mức chi nêu trên dành cho mọi hoạt động đại hội, bao gồm cả quà tặng (nếu có).

Với quy định rõ ràng như vậy, nếu làm sai là vi phạm, là phải bị xử lý.

Năm 2019, Chính phủ ban hành Nghị định số 59/2019/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng, điều 24 “Quy định về việc tặng quà” ghi:

“Cơ quan, tổ chức, đơn vị, người có chức vụ, quyền hạn chỉ được sử dụng tài chính công, tài sản công để làm quà tặng vì mục đích từ thiện, đối ngoại và thực hiện chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật”.

Nghị định 59/2019/NĐ-CP cũng quy định hình thức xử lý vi phạm quy định về tặng quà và nhận quà tặng.

Chưa rõ trước thềm đại hội lần thứ 13, Trung ương có ban hành quy định mới về chi ngân sách cho việc mua quà tặng tại các kỳ đại hội đảng (cấp cơ sở, cấp trên cơ sở) hay không, nếu không có quy định mới của đảng thì các cấp ủy địa phương có cần áp dụng theo quy định tại Nghị định số 59/2019/NĐ-CP?

Báo điện tử Công luận (Congluan.vn) - Cơ quan ngôn luận của Hội Nhà báo Việt Nam viết: “Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, nhưng thay vì tiết kiệm, chính quyền từ cấp tỉnh, thành phố đến các huyện trên cả nước lại “đua nhau” chi tiền ngân sách để mua cặp da làm quà tặng”. [3]

Chỉ riêng cấp huyện bài báo thống kê số tiền chi mua quà tặng như sau:

“Văn phòng huyện ủy Lương Tài (Bắc Ninh) 594,9 triệu đồng; Huyện ủy Yên Mô 491,5 triệu đồng; Huyện ủy Hoa Lư 524,4 triệu đồng; Huyện ủy Nho Quan 417,7 triệu đồng; huyện Yên Khánh (Ninh Bình) 492,5 triệu đồng; Thành phố Bắc Ninh 654,1 triệu đồng; huyện Thuận Thành (Bắc Ninh) 534,9 triệu đồng; Huyện ủy Sông Lô (Vĩnh Phúc) 506 triệu đồng; huyện Đức Thọ 500 triệu đồng; huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) 506 triệu đồng”.

Nhìn vào các con số mà Congluan.vn thu thập được, có thể thấy khoản chi mua quà tặng của các huyện ủy dao động xung quanh mức 500 triệu đồng, có một số huyện chi ít hơn nhưng cũng có nơi như “Tại Hà Tĩnh, Thị ủy Kỳ Anh chi 972 triệu đồng để mua cặp da và một số sản phẩm khác”. [3]

Hình ảnh đại hội đại biểu đảng bộ thị xã Kỳ Anh nhiệm kỳ 2020-2025, ảnh: Báo Hà Tĩnh.

Cũng nên biết số đại biểu tham dự đại hội đảng bộ thị xã Kỳ Anh là 175 người, vậy mỗi suất quà trị giá bao nhiêu và lượng hoa trang trí trong hội trường có nên tính bằng tiền?

Tính đến đầu năm 2020, Việt Nam có trên 700 đơn vị hành chính cấp huyện, vậy thực tế bao nhiêu tiền ngân sách đã được sử dụng để mua quà tặng các đồng chí đại biểu?

Với cấp tỉnh, một số địa phương công bố tinh thần là tiết kiệm, một số sẽ thực hiện mua qùa tặng bằng cách vận động xã hội hóa, có nơi tuyên bố chi ngân sách mua cặp không phải để “tặng” mà là “phát” cho đại biểu,…

Liệu sau kỳ họp, số cặp “phát” ấy có bị thu hồi hay để đại biểu giữ làm kỷ niệm?

Vấn đề là trong tình hình kinh tế rất khó khăn như hiện nay, vì sao lại rộ lên chuyện tặng quà và vì sao đại biểu về dự đại hội phải có … quà?

Phải chăng đây là thói quen khó bỏ?

Ba năm trước, ngày 24/10/2017 báo Tapchimattran.vn – Cơ quan của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong bài “Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” dưới góc nhìn văn hóa” viết:

“Làm sao để người dân có trách nhiệm với dân tộc và thể hiện lòng yêu nước bằng việc mua hàng nội?... đó là những câu hỏi cấp bách cần phải trả lời nhằm tạo lập, đẩy mạnh việc mua và tiêu dùng hàng nội của người Việt Nam”. [4]

Cổng Thông tin điện tử Bộ Công thương viết: “Ngày 29 tháng 4 năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 634/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2014-2020”.

Tuy tỉnh Tuyên Quang đã dừng việc may “đồng phục” tặng đại biểu nhưng phải chăng trước đó ông chánh Văn phòng Tỉnh ủy Tuyên Quang không biết đến Quyết định số 634/QĐ-TTg nên mới tỉ mỉ chọn vật liệu vải, cúc, chỉ, khóa,…?

Câu châm ngôn “Chiếc áo không làm nên thày tu” chắc chắn nhiều người biết, còn lời dạy của Hồ Chủ tịch: “Tiết kiệm không phải là bủn xỉn. Khi không nên tiêu xài thì một đồng xu cũng không nên tiêu. Khi có việc đáng làm, việc lợi ích cho đồng bào, cho Tổ quốc, thì dù bao nhiêu công, tốn bao nhiêu của, cũng vui lòng” [5] có bao nhiêu người không biết?

Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh, nếu việc tặng quà đại biểu dự đại hội đảng cấp huyện, tỉnh mang lại “lợi ích cho đồng bào, cho Tổ quốc” thì dẫu có “tốn bao nhiêu của cũng vui lòng”, nếu trái lại thì dù mang tiếng bủn xỉn cũng không nên thực hiện.

Có bài báo chạy tít: “Quà tặng kỳ đại hội, xin nhớ: Còn trên trông xuống, còn ngoài trông vào...”. [6]

Đúng là “trên” phải trông xuống để kiểm tra, xử lý, uốn nắn, còn “ngoài” ở đây có phải là dân chúng, doanh nghiệp,… những đối tượng nộp thuế vào ngân sách?

Thế còn từ dưới nhìn lên, từ trong nhìn ra, nhất là từ những người sẽ nhận quà tặng?

Liệu đã đến lúc Nhà nước nên ban hành quy định mang tính bắt buộc, có thời hiệu lâu dài về chi tiêu cho các hoạt động tổ chức đại hội của các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, các cơ quan, bộ, ngành, địa phương có sử dụng ngân sách nhà nước?

Tài liệu tham khảo:

[1]https://tuoitre.vn/tuyen-quang-khong-ky-hop-dong-2-5-ty-may-trang-phuc-cho-dai-bieu-du-dai-hoi-dang-20201005211811468.htm

[2]http://sotaichinh.tuyenquang.gov.vn/CongkhaiNS/3/12/Bao-cao-Cong-khai-tinh-hinh-thuc-hien-du-toan-thu-ngan-sach-nha-nuoc-chi-ngan-sach-dia-phuong--nam-2019.html

[3]https://congluan.vn/nhieu-tinh-chi-tien-ty-mua-cap-da-lam-qua-tang-post93625.html

[4]http://tapchimattran.vn/thuc-tien/cuoc-van-dong-nguoi-viet-nam-uu-tien-dung-hang-viet-nam-duoi-goc-nhin-van-hoa-10212.html

[5]http://tapchikhxh.vass.gov.vn/tu-tuong-ho-chi-minh-ve-tiet-kiem-n50127.html#:~:text=Khi%20b%C3%A0n%20v%E1%BB%81%20ti%E1%BA%BFt%20ki%E1%BB%87m,6%2C%20tr.

[6]https://dantri.com.vn/blog/qua-tang-ky-dai-hoi-xin-nho-con-tren-trong-xuong-con-ngoai-trong-vao-20201005010101452.htm

Xuân Dương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét