Thứ Ba, 20 tháng 10, 2020

20201021. CHUYẾN THĂM VN CỦA TT NHẬT SUGA YOSHIHIDE

 ĐIỂM BÁO MẠNG

CHUYẾN THĂM VIỆT NAM CỦA THỦ TƯỚNG NHẬT SUGA YOSHIHIDE
NGUYỄN QUANG DY/ viet-studies / BVN 19-10-2020

 
Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide tới sân bay Nội Bài chiều tối qua, bắt đầu chuyến thăm chính thức Việt Nam. Ảnh: Phạm Hải

Ngày 16/9/2020, ông Suga Yoshihide (Chủ tịch đảng LDP) đã chính thức trở thành Thủ tướng Nhật Bản (với kết quả bỏ phiếu là 314/462). Ông là Thủ tướng thứ 99 của Nhật Bản (đến tháng 9/2021 sẽ phải bầu cử lại). Có thể nói, Chính phủ Suga là sự nối tiếp của Chính phủ Abe mà không có Abe. Ông Suga sẽ tiếp tục chính sách kinh tế của ông Abe (Abenomics) và chính sách đối ngoại của Chính phủ Abe: Nhật là đồng minh số một của Mỹ ở Đông Á, có quan hệ gắn bó với ASEAN theo tầm nhìn Indo-Pacific, và có quan hệ nhạy cảm với Trung Quốc. Cũng như ông Abe, ông Suga cũng chọn Việt Nam là nước đầu tiên để đến thăm (18-20/10) với cương vị Thủ tướng. Nhưng tại sao Tokyo lại chọn Việt Nam và Indonesia?

Thứ nhất, ông Suga không thể đi thăm Mỹ vào lúc này khi có đại dịch và cuộc tranh cử đầy kịch tính bước vào giai đoạn cuối (showdown). Đi thăm ASEAN là lựa chọn tốt nhất lúc này, khi đối đầu Mỹ-Trung tại Biển Đông tăng lên. Việt Nam là Chủ tịch ASEAN, có vị trí chiến lược quan trọng và nhạy cảm tại Biển Đông, trong khi Indonesia là nước lớn nhất ASEAN, và thành viên nhóm G-20. Việt Nam và Indonesia có vị trí chiến lược quan trọng bậc nhất trong ASEAN. Hai nước này là cái đê ngăn Trung Quốc bành trướng xuống phía Nam.

Thứ hai, chuyến thăm này của ông Suga tiếp theo cuộc họp Ngoại trưởng bốn nước “Bộ Tứ” (Quad) tại Tokyo (6/10) tập trung bàn về tình hình căng thẳng ở khu vực Indo-Pacific và trật tự quốc tế sau đại dịch Covid-19. Cuộc họp không có tuyên bố chung vì quan điểm các nước khác nhau, và “Bộ Tứ” chưa có cơ chế làm việc chính thức (informal). Đây là cuộc họp Ngoại trưởng “Bộ Tứ” lần thứ hai, sau cuộc họp lần đầu tại Washington (9/2019).

Trong bối cảnh các nước phải tập trung đối phó với đại dịch, Trung Quốc tranh thủ thời cơ để tăng cường gây sức ép tại Biển Đông. Các nước Mỹ, Canada (Bắc Mỹ) Anh, Pháp, Đức (Tây Âu), Nhật, Ấn Độ, Úc, Hàn Quốc (Châu Á) đang liên kết để đối phó với đại dịch, và hạn chế sự phụ thuộc vào nguồn cung của Trung Quốc. Trong khi Mỹ triển khai chủ trương “tách đôi” (decoupling) thì Nhật cũng đa dạng hóa chuỗi cung ứng (supply chain).

Trung Quốc đã lên tiếng phản ứng, gọi “Bộ Tứ” là “NATO Châu Á”. Tuy Hà Nội ủng hộ “Bộ Tứ” và tham gia “Bộ Tứ +3” (gồm Việt Nam, Hàn Quốc, Tân Tây Lan) để chống dịch, nhưng Jakarta vẫn lưỡng lự vì ngại Trung Quốc phản ứng, và sợ làm ảnh hưởng đến vai trò “trung lập” (neutrality) của ASEAN. Nhưng gần đây, ASEAN nói chung và bốn nước “tiền tuyến” (frontline states) tại Biển Đông nói riêng (Việt Nam, Indonesia, Malaysia, Philippines) có thái độ cứng rắn hơn trước sức ép ngày càng trắng trợn của Trung Quốc tại Biển Đông.

Thứ ba, trong bối cảnh nước Mỹ bị phân hóa cao độ trong chiến dịch tranh cử tổng thống, vai trò quốc tế và cam kết đồng minh của Mỹ suy giảm, trong khi đối đầu Mỹ-Trung ngày càng quyết liệt, và hậu quả kinh tế của đại dịch Covid-19 ngày càng nặng nề. Vì vậy, Nhật phải tăng cường quan hệ với các nước khu vực Indo-Pacific để bảo vệ lợi ích của Nhật ở khu vực này, và giúp các nước ASEAN đương đầu với áp lực của Trung Quốc. Tuy lập trường của Nhật mềm mỏng hơn Mỹ, nhưng tăng cường hợp tác quốc phòng là “mấu chốt” (key point) trong chuyến thăm Việt Nam của ông Suga, sau khi ba chiến hạm Nhật vừa đến thăm cảng Cam Ranh (10/10), gồm tàu sân bay JS Kaga, tàu khu trục JS Ikazuchi, và tàu ngầm JS Shoryu.

Nhật đã tham gia “Five Eyes” (cơ chế tình báo năm nước Mỹ, Anh, Úc Canada, Tân Tây Lan) nay trở thành “Six Eyes”. Trong khi đó, Úc bắt đầu tham gia tập trận hải quân Malabar ở Ấn Độ Dương cùng Mỹ, Ấn Độ, Nhật (Bộ Tứ). Năm nay, quan hệ Trung-Úc ngày càng xấu đi sau khi Canberra kêu gọi điều tra nguồn gốc dịch Covid-19, làm Trung Quốc tức giận, áp đặt các biện pháp trừng phạt thương mại (không mua thịt bò và lúa mạch của Úc).

Gần đây, ba nước (Nhật, Úc, Ấn) xúc tiến “Sáng kiến Chuỗi Cung ứng Bền vững” (Supply Chain Resilience Initiative), nhằm giảm lệ thuộc vào Trung Quốc, và để ngỏ cho các nước ASEAN tham gia. Nếu Bắc Kinh hành xử thô bạo, thì các nước sẽ liên kết để cô lập Trung Quốc. Để hỗ trợ các doanh nghiệp Nhật rút khỏi Trung Quốc, Tokyo quyết định chi US$ 2,2 tỷ. Tháng 7/2020, Tokyo đã chi US$ 542 triệu để hỗ trợ 57 công ty đầu tư vào Nhật, và 30 công ty khác đầu tư vào ASEAN, trong số đó một nửa đầu tư vào Việt Nam.

Việt Nam đang nổi lên như một nước kiểm soát thành công đại dịch, và trở thành một địa chỉ đầu tư lý tưởng tại khu vực cho các công ty Nhật đang rời Trung Quốc. Theo các chuyên gia Nhật, có ba lý do quan trọng làm cho Nhật quan tâm đến Việt Nam. Một là, số người Việt đến sống và làm việc tại Nhật tăng nhanh nhất (đến nay có 420.000 người). Hai là, Việt Nam có tốc độ tăng trưởng cao nhất về dòng vốn FDI từ Nhật, để điều chỉnh chuỗi cung ứng. Ba là, ASEAN có vị trí sống còn trong chiến lược của Nhật tại khu vực Indo-Pacific.

Tính đến 12/2019, Nhật đã cho Việt Nam vay (ODA) là US$ 23,76 tỷ (đứng đầu, chiếm 26,3% tổng vốn vay nước ngoài). Tính đến 9/2020, Nhật có 4.595 dự án FDI tại Việt Nam, với tổng vốn đầu tư là US$ 59,87 tỷ (đứng thứ 2 trong số 136 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam). Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu trong 9 tháng đầu năm 2020 là US$ 28,6 tỷ (giảm 1,8% so với cùng kỳ năm 2019), trong đó nhập khẩu là US$ 14,6 tỷ (tăng 3,1% so với cùng kỳ năm 2019), xuất khẩu là US$ 14 tỷ (giảm 6,4% so với cùng kỳ năm 2019).

Quan hệ Nhật-Việt đã phát triển rất mạnh trên cơ sở hai nước đã thiết lập quan hệ ngoại giao sớm (từ 21/9/1973), nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược (2009) và đối tác chiến lược sâu rộng (3/2014). Nhật là nước G7 đầu tiên công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam (2011), và mời Việt Nam dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng (5/2016). Những năm gần đây, quan hệ Nhật-Việt đã phát triển lên một tầm cao mới, với các chuyến thăm chính thức của lãnh đạo hai nước, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (2015) và Nhật Hoàng (2017). Đặc biệt, Thủ tướng Abe Shinzo đã thăm Việt Nam bốn lần trong 8 năm cầm quyền.

Theo Nikkei, trong chuyến thăm Việt Nam lần này của Thủ tướng Suga Yoshihide, ngay sau hội đàm Nhật-Việt (sáng 19/10), hai bên đã ký 12 văn bản hợp tác, trong đó có hiệp định chuyển giao thiết bị và kỹ thuật quốc phòng của Nhật cho Việt Nam. Đây là một bước phát triển quan trọng cho hợp tác an ninh-quốc phòng giữa hai nước, đặc biệt là an ninh trên biển. Nhật sẽ tiếp tục chuyển giao cho Việt Nam tàu tuần tra của lực lượng cảnh sát biển. Hợp tác an ninh là chủ đề chính trong các cuộc gặp của ông Suga với các lãnh đạo của Việt Nam.

Theo CSIS, Thủ tướng Suga Yoshihide đã “phá vỡ truyền thống” khi không đi thăm Mỹ trước mà đi thăm Việt Nam và Indonesia. Chuyến thăm này nhằm củng cố quan hệ của Nhật với khu vực, nơi Việt Nam và Indonesia có vai trò trọng yếu trong tầm nhìn Indo-Pacific tự do và rộng mở . Ông Suga nói: “Tôi chọn Việt Nam vì đó là địa điểm thích hợp nhất để tôi gửi thông điệp này ra thế giới”Tuy liên minh Nhật-Mỹ vẫn là nền tảng của an ninh và ổn định trong khu vực, nhưng Nhật Bản có vai trò dẫn đầu đối với hòa bình và thịnh vượng tại đây.

Sớm hay muộn, “Bộ Tứ mở rộng” sẽ là xu hướng tất yếu trong cấu trúc an ninh khu vực để đối phó với bành trướng và đe dọa của Trung Quốc. Tokyo thúc đẩy tầm nhìn Indo-Pacific không chỉ qua hợp tác an ninh quốc phòng (như tập trận và chuyển giao thiết bị quốc phòng), mà còn qua hợp tác toàn diện (như phát triển hạ tầng và đa dạng hóa chuỗi cung ứng). Vì vậy, Việt Nam phải cải thiện môi trường kinh doanh (như thủ tục minh bạch, thông thoáng), và nâng cao năng lực cho nguồn nhân lực (như ngôn ngữ và hiểu biết về văn hóa Nhật).

N.Q.D.

Tác giả gửi BVN

LÝ DO TÂN THỦ TƯỚNG NHẬT CHỌN VIỆT NAM LÀ ĐIỂM ĐẾN ĐẦU TIÊN

HOÀNG VIỆT/ TVN 17-9-2020

Bộ Ngoại giao cho biết, nhận lời mời của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và phu nhân, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide và phu nhân sẽ thăm chính thức Việt Nam từ ngày 18 - 20/10.

Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng, đây là lần thứ hai liên tiếp, một thủ tướng mới của Nhật chọn Việt Nam là điểm đến thăm đầu tiên sau khi nhậm chức.

Năm 2013, Thủ tướng Nhật khi đó là ông Abe Shinzo cũng chọn Việt Nam là điểm đầu tiên trong chuyến công du ngay sau khi nhậm chức. Người phát ngôn đánh giá sự lựa chọn của ông Suga là minh chứng rõ ràng cho sự phát triển tốt đẹp, mạnh mẽ và thực chất trên nhiều lĩnh vực của quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng giữa hai nước.

Vào ngày 13/10, Thủ tướng Suga Yoshihide chính thức xác nhận ông sẽ tiến hành chuyến công du nước ngoài đầu tiên tới Việt Nam và Indonesia.

Trong bối cảnh quan hệ Mỹ-Trung đang căng thẳng, chuyến đi này cũng là một nỗ lực mà Chính phủ Nhật Bản muốn đẩy mạnh quan hệ với các nước ASEAN nhằm đảm bảo ổn định và hòa bình tại khu vực.

Lý do tân Thủ tướng Nhật chọn Việt Nam là điểm đến đầu tiên
Tân Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide

Tại sao ông Suga không sang Mỹ hay châu Âu?

Với những lo ngại về kinh tế xuống dốc với đại dịch Covid-19 cùng với môi trường an ninh của khu vực trở nên căng thẳng thời gian gần đây, một số người đã dự đoán rằng ông Suga có thể chọn cách của nhiều nhà lãnh đạo Nhật Bản trước đó, sử dụng chuyến đi nước ngoài đầu tiên mang tính biểu tượng của mình đến Mỹ để nhấn mạnh lại tầm quan trọng của một liên minh quân sự bền chặt xuyên Thái Bình Dương, đã có từ năm 1945.

Tuy nhiên, hiện nay nước Mỹ đang ở giữa một cuộc chiến bầu cử và tiến trình này sẽ kéo dài đến tháng tới, vì vậy sẽ là không khôn ngoan nếu ông Suga chọn đến Washington lúc này. Nhật Bản sẽ lo ngại về việc bị lôi kéo vào chính trường nội bộ của Mỹ và ông Suga có khả năng bị đặt câu hỏi trước công chúng.

Ông Suga đã điện đàm với Tổng thống Trump qua điện thoại, cũng như một số nhà lãnh đạo thế giới khác, bao gồm Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Nga Putin, Thủ tướng Anh Boris Johnson và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Nhưng Chính phủ Nhật Bản từ chối việc để ông Suga công du sớm châu Âu một phần do lo ngại về đại dịch và việc cần phải cách ly ông Suga cùng đội ngũ trợ tá khi trở về.

Việt Nam và Indonesia: Điểm đến không phức tạp?

Vốn là Chánh văn phòng nội các, ông Suga từng tập trung phần lớn vào các vấn đề đối nội dưới thời người tiền nhiệm Abe Shinzo. Vì thế, một số người cho rằng, ông Suga không có nhiều kinh nghiệm quan hệ quốc tế nên Việt Nam và Indonesia là những điểm đến "không phức tạp" cho chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông trên cương vị Thủ tướng.

Lý do tân Thủ tướng Nhật chọn Việt Nam là điểm đến đầu tiên
Việt Nam được đánh giá là nước kiểm soát Covid-19 rất tốt

Ông Go Ito, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Meiji ở Tokyo, cho rằng ông Suga sẽ sử dụng chuyến đi để bước ra khỏi cái bóng của Abe. Ông cho hay: “Thủ tướng Suga đang thiếu nhiều màu sắc trong các chính sách của mình nên đây sẽ là cơ hội để cho những đất nước này và những quốc gia khác thấy ông ấy như thế nào. Ông Abe rất cởi mở trong cách tiếp cận các vấn đề đối ngoại nhưng cũng rất thận trọng trong các chính sách của mình. Vì vậy Suga có thể cho thấy rằng ông đang theo đuổi một con đường khác và muốn đóng góp lớn cho Đông Nam Á”.

Còn Jeff Kingston, giám đốc nghiên cứu châu Á tại cơ sở Tokyo của Đại học Temple, cho biết: "Đây là hai quốc gia mà Nhật Bản muốn chia sẻ sự ủng hộ với tầm nhìn về một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở".

Chuyến thăm Việt Nam và Indonesia của Thủ tướng Suga cho thấy Tokyo sẽ tiếp tục theo đuổi chính sách Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở dựa trên trục quan hệ đồng minh Nhật- Mỹ. Chuyến đi này cũng nhằm nhấn mạnh với bên ngoài rằng chính quyền của ông Suga sẽ tiếp nối chính sách đối ngoại dưới thời cựu Thủ tướng Abe Shinzo.

Trước đó, cựu Thủ tướng Abe Shinzo cũng đã chọn Việt Nam và Indonesia là những điểm đến trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên sau khi trở lại nắm quyền vào tháng 12/2012. Đây đều là những nước lớn trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Nhật Bản đã và đang cung cấp những khoản viện trợ đáng kể cho Indonesia. Năm ngoái, quốc gia này là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ ba tại quốc gia này với 4,3 tỷ USD, sau Trung Quốc và Singapore.

Việt Nam cũng là điểm đến hàng đầu cho đầu tư của Nhật Bản và nằm trong số các thị trường Đông Nam Á mà Tokyo muốn nhiều công ty của mình đầu tư hơn, như một phần trong nỗ lực của chính phủ nhằm đa dạng hóa chuỗi sản xuất. Từ 2014 - 2018, Nhật  là nhà tài trợ lớn nhất của Việt Nam với khoảng 280 triệu USD Mỹ cho các dự án phát triển cơ sở hạ tầng, quản lý nguồn nhân lực và thực hành quản trị và môi trường.

Tháng 7 năm nay, Nhật cũng công bố thỏa thuận trị giá 348 triệu USD đóng 6 tàu tuần tra mới cho lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam với mục tiêu đảm bảo an ninh, an toàn hàng hải.

Vai trò đặc biệt

Trong diễn văn nhậm chức ngày 16/9, Thủ tướng Suga cho biết sẽ tiếp tục triển khai các chính sách đối ngoại dựa trên trục quan hệ đồng minh với Mỹ, trong đó một công cụ quan trọng là chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở mà Nhật Bản và Mỹ cùng đưa ra. Để thực hiện chiến lược này, sự hợp tác với ASEAN - khu vực có vị trí nằm trên tuyến đường biển nối Trung Đông với Đông Á - là không thể thiếu được.

Tháng 6/2019, ASEAN cũng đưa ra chiến lược ngoại giao với tên gọi “Quan điểm của ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”, khẳng định ASEAN có vai trò trung tâm và chiến lược tại khu vực này. Nước dẫn dắt đưa ra chiến lược này là Indonesia.

Trong khi đó, Việt Nam hiện là nước Chủ tịch ASEAN và có ảnh hưởng nhất định tới hội nghị thượng đỉnh Đông Á (EAS), dự kiến được tổ chức trong tháng 11.

Giáo sư Yuichiro Hosoya thuộc Đại học Keio cho rằng trong bối cảnh quan hệ Mỹ - Trung căng thẳng thì việc Thủ tướng Suga chọn Việt Nam và Indonesia là có dụng ý tạo ra sự cân bằng trong các mối quan hệ đối ngoại của Tokyo.

Ngoài ra, một mục đích mà Tokyo nhắm tới là lợi ích về kinh tế. Trong chuyến thăm này, Thủ tướng Suga sẽ đề cập tới việc nối lại hoạt động đi lại giữa Nhật Bản với hai nước. Việc chọn các nước kiểm soát tốt dịch Covid-19 để nối lại hoạt động đi lại sẽ có tác dụng giúp kinh tế Nhật Bản phục hồi trở lại.

Việt Nam được đánh giá là nước kiểm soát Covid-19 rất tốt. Trong khi đó, Indonesia tuy vẫn có số lượng người nhiễm cao, nhưng là nước đông dân nhất ASEAN và có tiềm năng về kinh tế lớn nhất. Giáo sư Kunihiro Yoshida thuộc Viện nghiên cứu chính sách cho rằng, trước đây Nhật chủ yếu thâm nhập thị trường ô tô tại ASEAN nhưng nay đang muốn mở rộng sang cả các lĩnh vực bán lẻ và hạ tầng.

Trong tiến trình đàm phán ký kết Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) với mục tiêu hoàn thành trong năm nay, vai trò của Việt Nam và Indonesia cũng rất lớn. Việt Nam là nước chủ tịch Hội nghị thượng đỉnh RCEP vào tháng 11, còn Indonesia là nước điều phối đàm phán ký kết RCEP.

Hoàng Việt

VIỆT NAM LÀ NHÂN TỐ QUAN TRỌNG TRONG CHÍNH SÁCH ĐỐI NGOẠI CỦA NHẬT BẢN

PHAN CAO NHẬT ANH/ TVN 19-10-2020

Chiều tối qua, Thủ tướng Nhật Bản và phu nhân đã tới sân bay Nội Bài, bắt đầu chuyến thăm chính thức Việt Nam từ ngày 18-20/10 theo lời mời của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Đây là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của Thủ tướng Suga Yoshihide kể từ khi nhậm chức ngày 16/9.

Ở tuổi 71, ông là một chính trị gia lão luyện, người giữ chức vụ Chánh văn phòng Nội các của chính quyền do cựu Thủ tướng Abe đứng đầu trong 7 năm 8 tháng.

Ông Suga sinh ra và lớn lên tại tỉnh Akita trong một gia đình nông dân trồng dâu tây, không có liên quan gì tới chính trường. Lần đầu tiên ông ra tranh cử là năm ông gần 40 tuổi và đã đắc cử tại nghị viện thành phố Yokohama. Chưa đầy 1 thập kỷ sau, ông đã vận dụng chiến dịch thuyết trình mạnh mẽ trên đường phố và giành ghế tại Hạ viện.

Khởi đầu thuận lợi

Nổi tiếng là người trung thành, ông không bao giờ quên nguồn gốc của mình. Với tư cách là một bộ trưởng trong nội các, ông thúc đẩy các chính sách giúp cho các cộng đồng địa phương bị ảnh hưởng do dân số Nhật Bản bị sụt giảm nhanh chóng. 

Việt Nam là nhân tố quan trọng trong chính sách đối ngoại của Nhật Bản
Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide tới sân bay Nội Bài chiều tối qua, bắt đầu chuyến thăm chính thức Việt Nam. Ảnh: Phạm Hải

Trong suốt thời gian hoạt động chính trị, ông Suga luôn quyết tâm để đạt mục tiêu đề ra. Năm năm sau khi ông Abe từ chức Thủ tướng trong nhiệm kỳ đầu, ông Suga đã đi đầu trong nỗ lực đưa người bạn cùng chí hướng của mình trở lại nắm quyền. Nay, ông bước lên vũ đài để được cả thế giới biết tới.

Thủ tướng Suga có khởi đầu thuận lợi khi kết quả thăm dò dư luận Nhật Bản của đài NHK cho thấy nội các mới do ông đứng đầu đạt tỉ lệ ủng hộ 62%. Tỉ lệ ủng hộ ban đầu đối với nội các của ông Suga thấp hơn so với mức 81% dưới thời ông Koizumi Junichiro và mức 72% của ông Hatoyama Yukio. Tỉ lệ ủng hộ nội các của ông Suga tương đương với tỉ lệ ủng hộ của người tiền nhiệm là ông Abe Shinzo khi mới nhậm chức.

Nội các mới của ông Suga gồm 20 thành viên, trong đó có 15 người là quan chức từ thời ông Abe Shinzo hoặc trước đó, nên có thể coi đây là một bước kéo dài từ chính quyền Abe. Thủ tướng Suga giữ nguyên vị trí Bộ trưởng Ngoại giao của ông Motegi Toshimitsu và bổ nhiệm mới hạ nghị sĩ đảng Dân chủ tự do Nobuo Kishi, em ruột của cựu Thủ tướng Abe làm Bộ trưởng Phòng vệ. 

Đây là dấu hiệu cho thấy ông Suga sẽ tiếp tục các chính sách đối ngoại của người tiền nhiệm. Tư tưởng chính sách của tân Thủ tướng Suga Yoshihide có sự tương đồng với người tiền nhiệm là điều dễ hiểu bởi thực tế ông Suga vốn là cánh tay đắc lực của ông Abe. 

Liên quan đến việc liệu ông Suga có nên tiếp tục các chính sách của ông Abe hay không, điều tra dư luận của NHK cho thấy 17% khẳng định nên tiếp tục, 36% cho rằng nên tiếp tục sẽ tốt hơn, 20% trả lời không nên tiếp tục sẽ tốt hơn, và 18% khẳng định không nên tiếp tục.

Điểm quan trọng trong chính sách đối ngoại của Thủ tướng Suga là hướng tới khu vực Ấn Độ -Thái Bình Dương tự do và rộng mở, trụ cột vẫn là coi trọng quan hệ đồng minh Nhật - Mỹ. Liên minh Nhật - Mỹ đóng vai trò là nền tảng của hòa bình, an ninh và thịnh vượng ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.Thủ tướng Suga đã điện đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump và hai bên nhất trí liên minh Nhật - Mỹ là nền tảng của nỗ lực theo đuổi một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở.

Trong đó, vai trò của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) vô cùng quan trọng khi nằm trên các tuyến đường biển thiết yếu của Nhật Bản, nằm ở một điểm chiến lược quan trọng nối liền Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Theo lập trường của Nhật Bản, điều quan trọng là phải thúc đẩy hơn nữa sự hội nhập của ASEAN, một trung tâm hợp tác khu vực, với tư cách là một đối tác chia sẻ các giá trị cơ bản như pháp quyền và dân chủ, nhằm thực hiện sự ổn định và thịnh vượng của toàn khu vực.

Với quan điểm như vậy, Nhật Bản tiếp tục hoàn toàn ủng hộ các nỗ lực của ASEAN nhằm làm sâu sắc thêm sự hội nhập. Trong những năm gần đây, Nhật Bản đã, đang hỗ trợ nỗ lực của ASEAN, tăng cường kết nối và giảm khoảng cách nội khối nhằm hội nhập sâu hơn thông qua ODA và Quỹ Hội nhập Nhật Bản - ASEAN...

Lộ trình hành động chung

Tháng 1 năm nay, Bộ trưởng Ngoại giao Motegi đã có bài phát biểu về Chính sách ASEAN tại Jakarta đề xuất 3 lộ trình hành động chung giữa Nhật Bản và ASEAN: “Cùng nhau tạo dựng con người”, “Cùng nhau xây dựng thể chế” và “Tích lũy trí tuệ của chúng ta”. 

Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN+3 về ứng phó Covid-19 được tổ chức thông qua hội nghị từ xa vào tháng 4. Thủ tướng Abe khi đó tuyên bố hỗ trợ các nước ASEAN dựa trên 3 trụ cột, bao gồm việc thành lập Trung tâm ASEAN về y tế công cộng khẩn cấp và bệnh dịch mới.

ASEAN đã thông qua “Quan điểm ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” (AOIP) vào tháng 6/2019. Nhật Bản hoan nghênh việc thông qua và tán thành AOIP, phù hợp với các nguyên tắc cơ bản trong tầm nhìn của Nhật Bản về một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và cởi mở (FOIP).

Trong các quốc gia Đông Nam Á, Việt Nam có vị trí địa chiến lược quan trọng, khi tiếp giáp với Biển Đông, là cửa ngõ hành lang kinh tế đông tây và hành lang kinh tế phía nam. Việt Nam là quốc gia tăng trưởng nhanh, chính trị - xã hội ổn định và gia tăng vai trò trong khu vực ASEAN.

Trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam đã làm tốt vai trò dẫn dắt các nước thành viên tăng cường hợp tác trên nhiều lĩnh vực, vì các mục tiêu chung của ASEAN. Giá trị và vị thế Việt Nam trong khu vực cũng như trên trường quốc tế đang được nâng lên, Việt Nam có thể tận dụng và phát huy những lợi thế của mình trong hợp tác chính trị - an ninh và kinh tế.

Quan hệ Việt - Nhật hiện nay là đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á, Việt Nam sẽ là nhân tố quan trọng trong chính sách đối ngoại của Nhật Bản.

TS Phan Cao Nhật Anh (Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét