Chủ Nhật, 31 tháng 7, 2016

20160731. BÌNH LUẬN VỀ PHÁT NGÔN CỦA CHỦ TỊCH QH NGUYỄN THỊ KIM NGÂN

ĐIỂM BÁO MẠNG
NGUYỄN THỊ KIM NGÂN: "ĐÃ LÀM GÌ CHO ĐẤT NƯỚC..."
NGUYỄN TƯỜNG THỤY/ BVN 29-7-2016
Bà Nguyễn Thị Kim Ngân và ông Nguyễn Tường Thụy.    Ảnh: cắt từ mạng internet
Trao đổi với cô Nguyễn Thị Kim Ngân
Tôi coi đây là cuộc nói chuyện giữa cá nhân với nhau. Xét về mặt công dân thì tôi và cô như nhau. Về địa vị thì cô là chủ tịch quốc hội còn tôi là một cựu chiến binh, nhưng chức vụ hay tài sản không làm nên giá trị con người. Xét về độ trải đời thì cô chỉ kém tôi 2 tuổi. Nói thế để nhắc rằng cô cũng đã già, đi xe bus thì được nhường chỗ, đi xe lửa thì được giảm vé.
Tuổi tác không nói lên sự khôn ngoan của con người nhưng qua theo dõi lời nói, việc làm của cô, tôi chắc rằng, cô còn ấu trĩ, dại dột, cho dù cô ngầm có mục đích sâu xa đi chăng nữa thì vẫn cứ dại dột. Điều chắc chắn hơn là cô không thể yêu nước, thương dân hơn tôi. Chỉ riêng chuyện cô phấn đấu lên đến Chủ tịch Quốc hội dưới chế độ cộng sản đã nói lên điều đó. 
Sau khi cô nhậm chức Chủ tịch quốc hội được 1 ngày, trong buổi gặp mặt báo chí ngày 23/7/2016, cô nói:
“Bảo vệ hòa bình không phải hô hào cho thật to, kích động thế này thế khác là có được chủ quyền, không có đâu. Một số tổ chức, cá nhân lên tiếng hô hào thế này thế nọ nhưng những người đó, tổ chức đó làm gì cho đất nước? Chưa làm gì cả…”
Tôi giật mình khi cô phát ngôn như vậy. Không phải tôi lạ vì câu đó mà lạ vì người nói ra câu đó lại là cô.
Cô phát ngôn trong bối cảnh đang nói về chủ quyền, biển đảo của đất nước. Bảo vệ chủ quyền của đất nước không của riêng ai mà là của mỗi người dân. Khi chủ quyền của đất nước bị đe dọa, người dân thường dù không có quyền chức trong tay đều phải thể hiện tình yêu đối với Tổ Quốc dưới mọi hình thức, mà hình thức đầu tiên nghĩ đến là biểu tình phản đối quân xâm lược. Ngoài ra, còn nhiều hình thức hoạt động khác. Công dân nào có điều kiện, khả năng mà không làm điều đó là vô trách nhiệm với đất nước. Trước đây, Đảng csVN đã chẳng từng phê phán những hạng người như thế là “đắp chăn chờ độc lập” đó sao?
Ấy thế mà nhà cầm quyền lại đàn áp người biểu tình chống giặc, đánh đập họ, bắt đi cải tạo, bắt tù, gán cho họ cái nhãn phản động. Nếu là phản động thì họ chỉ phản động đối với kẻ xâm lược và bọn bán nước, chứ đối với Tổ quốc thì không.
Bằng việc đàn áp biểu tình yêu nước, nhà cầm quyền đã tước đi của người dân quyền con người đã được ghi vào Hiến pháp và các công ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết. Và khốn nạn hơn là tước đi của họ quyền yêu nước.
Có một bài mà nhà cầm quyền rất hay sử dụng, đó là “đã có Đảng và Nhà nước lo”.
Những người yêu nước chân chính và tỉnh táo không bao giờ yên tâm để cho Đảng và Nhà nước lo. Họ đã để cho Đảng và Nhà nước lo nhiều rồi, từ năm 1930, từ 1945 cơ và họ không dám tin Đảng và Nhà nước nữa. Bằng chứng là lãnh thổ Việt Nam đã co lại so với thời kỳ năm 1954. Co lại ở đâu ư? Hãy nhìn lên thác Bản Giốc, Ải Nam Quan, nói chung toàn bộ biên giới Việt Trung, hãy nhìn ra Hoàng Sa, Trường Sa thì biết.
Trước kẻ thù xâm lược, dù chỉ có tay không, nhưng còn trái tim, khối óc, người yêu nước không thể ngồi im. Kẻ thù rất sợ tình cảm yêu nước, lòng tự tôn dân tộc của người dân ở đất nước chúng lăm le xâm chiếm. Viêc làm của họ không thể gọi là kích động như cô nói. Vậy trước đây, trong cuộc chiến tranh với Mỹ và Việt Nam cộng hòa, ai là kẻ kích động hàng vạn người dân xuống đường? Và hồi đó, nếu xuống đường không có tác dụng gì sao họ lại phải làm thế?
Đành rằng biểu tình không quyết định việc giữ được chủ quyền, nhưng việc làm này góp phần giữ chủ quyền. Cô nên nhớ, các cuộc biểu tình chống Trung Quốc đã hỗ trợ rất nhiều cho Nhà nước trên mặt trận ngoại giao. Còn nếu chỉ im lặng, nhịn nhục, xin xỏ, đặc biệt là mơ hồ trước lời mật ngọt mà không nhìn thấy mũi dao sau lưng thì không những không giữ được chủ quyền mà còn làm cho giặc lấn tới, mất nước lúc nào không hạy. Trên thực tế thì VN đang mất dần chủ quyền vào tay Trung Cộng, điều này ai cũng thấy.
Cô đặt câu hỏi: “…những người đó, tổ chức đó làm gì cho đất nước?…” rồi khẳng định: “Chưa làm gì cả”. 
Nhà thơ Trần Mạnh Hảo viết:
Đến ông Hồ Chí Minh cũng chưa dám hỏi nhân dân câu hỏi kiêu ngạo, trịch thượng này như bà chủ tịch quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân:
Chưa ai như bà Kim Ngân…
Huyênh hoang dám hỏi nhân dân câu này
Bà làm được gì xưa nay
Leo lên bằng cái vốn vay ngân hàng…?
Bạn đã làm gì cho đất nước chưa? Câu hỏi này tôi đã đọc và nghe không biết bao nhiêu lần, được coi là bài tủ của đám dư luận viên hạng bét nhằm tấn công những người chống Trung Quốc mà người ta cho chung vào một rọ phản động. 
Tôi đi bộ đội vào lúc vừa đủ tuổi nghĩa vụ quân sự cho đến khi về hưu, trong đó có 5 năm khốc liệt nhất của cuộc chiến. Thế mà có những cháu 18, 20, thậm chí còn ngồi trên ghế nhà trường phổ thông dám hỏi tôi: “Chú đã làm gì cho đất nước chưa?”
Tưởng bài ấy đã cũ mèm, ai ngờ nay nó lại xuất hiện từ miệng một vị lãnh đạo nằm trong tứ trụ hẳn hoi. Thì ra, trình độ của Chủ tịch quốc hội nước ta chỉ đến như vậy.
Trước câu hỏi ấy, tôi không bao giờ trả lời vì nó quá ngây ngô, ấu trĩ, vì mất thời gian với đám trẻ ăn chưa no, lo chưa tới ấy. Nhưng khi nó được phát ngôn từ miệng vị Chủ tịch quốc hội, tôi buộc phải có lời.
Câu hỏi này là cô dành cho những người được cô gọi là đám người ồn ào, kích động. Cô đã rất coi thường quần chúng. Cô cho rằng chỉ có đảng của cô và những người nghe theo hoặc sợ đảng mà im thin thít mới gọi là làm được gì cho đất nước. Cho đến nay, đảng csVN đã thành công trong việc triệt tiêu lòng yêu nước của người dân nhưng chưa được hoàn toàn, có phải vì thế nên cô chưa mãn nguyện? Giọng cô tỏ ra hằn học với họ. Cô nên biết trong số ấy, có nhiều trí thức của chế độ, cựu chiến binh, những người từng là quan chức cao cấp của Nhà nước đấy cô Ngân ạ. 
Ai cũng hiểu, nộp thuế là nghĩa vụ công dân. Mà đã nộp thuế tức là đã đóng góp vào ngân sách nhà nước. Dù muốn hay không, mỗi người khi mua một sản phẩm là đồng nghĩa với đóng thuế. Đóng thuế tức là đã làm cho đất nước, chẳng lẽ cô không hiểu điều đó sao. 
Đóng góp cho đất nước không kể người dân bình thường hay người có chức quyền. Có khi chức càng cao, làm cho đất nước thì ít nhưng làm hại đất nước thì nhiều chứ đâu phải kẻ có quyền mới làm được gì cho đất nước. Cô biết Lê Chiêu Thống chứ. Ông ấy to nhất nước đấy, to hơn cả cô bây giờ. Vậy mà hắn đã làm gì cho đất nước, cô cứ hỏi một em học sinh lớp 4 thì biết. Tôi chỉ sợ cô và Đảng của cô đang giẫm phải bước chân Lê Chiêu Thống mà thôi.
Xin lấy vài ví dụ những việc Đảng của cô đã làm cho đất nước:
Cải cách ruộng đất đã qui địa chủ cho 172 nghìn người, trong đó 71,66% bị oan sai, hành quyết và bức tử hàng chục nghìn người. Còn điều không tính được thành con số như không khí sợ hãi, nghi kỵ, oán thù bao trùm lên nông thôn miền Bắc; luân thường đạo lý bị đảo lộn, con tố cha, vợ tố chồng…
Đảng của cô đã triệt tiêu kinh tế cá thể, đưa nông dân vào Hợp tác xã, triệt tiêu kinh tế tư bản tư doanh, tịch thu nhà máy, hầm mỏ của họ để Đảng quản lý. Đảng của cô cứ tưởng giỏi đánh nhau thì cũng giỏi quản lý kinh tế, giỏi quản lý đất nước nên mới dẫn đến tình cảnh đất nước đứng bên bờ vực thẳm vào năm 1986. 
Cuộc chiến tranh 1955 – 1975 cướp đi sinh mạng của khoảng 4 đến 5 triệu người. Tuy thống nhất được đất nước nhưng Đảng đã kéo miền Nam tụt xuống bằng miền Bắc. Mà không hiểu tại sao Đảng của cô đi đến đâu, dân sợ đến đấy. Năm 1954, 1 triệu dân miền Bắc di cư vàoNam. Sau 1975, hàng triệu thuyền nhân bỏ nước ra đi, bất chấp đói khát trên thuyền, bất chấp hải tặc, làm mồi cho cá biển, không thiết đến những nhà lầu, xe hơi bỏ lại Sài Gòn, không thiết vàng bạc đút lót để vượt biên, chỉ cần tay không miễn là đến được bến bờ tự do.
Còn bây giờ, không biết Đảng của cô đóng góp những gì cho đất nước mà các lĩnh vực kinh tế xã hội mặt nào cũng nát bét. Đảng cứ động vào chỗ nào là y như rằng tham nhũng, đổ bể chỗ ấy, từ các “quả đấm thép” đến hệ thống ngân hàng, đến các dự án trọng điểm… Bauxite Tây Nguyên thì thua lỗ nhưng cố đấm ăn xôi. Khắp nơi chỗ nào cũng có công trình Trung Quốc trúng thầu, xây lắp bằng công nghệ lạc hậu, khắp nơi, chỗ nào cũng có người Trung Quốc ngông nghênh, coi thường dân Việt… là nỗi ám ảnh cho những người biết lo đến an ninh của đất nước. 
Những kẻ chiếm đoạt tiền thuế làm của riêng, dùng tiền thuế của dân ăn chơi đàng điếm trụy lạc, đầu tư bừa bãi, không sinh ra hiệu quả còn vốn của dân đóng góp cụt dần thì có gọi là làm cho đất nước không. Và xin hỏi cô, những người ấy là Đảng của cô hay là những người mà cô gọi là ồn ào kích động? Đến đứa trẻ cũng biết là Đảng của cô tham nhũng, chứ người không có quyền thì tham nhũng sao được. Trẻ con vừa ra đời, Đảng của cô đã giao ngay cho 30 triệu đồng nợ công. 
Còn sự kiện thời sự nóng bỏng nhất, ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe và mưu sinh của người dân là gì, chắc cô cũng hiểu. Đó là Đảng rước thằng Pormosa về để nó giết chết biển Miền Trung, giết rừng ngập mặn, giết cả chim muông, còn người dân thì đang chết dần chết mòn. Vậy mà Đảng nhẫn tâm cầm 500 triệu đô la Mỹ đánh đổi, khoe chiến công. Thật là vô liêm sỉ.
Chẳng hiểu Đảng của cô đóng góp được gì cho đất nước mà đất nước lúc nào cũng hụp lặn ở vùng trũng của thế giới và khu vực, không ngóc đầu lên được. Ngay cả Căm Pu Chia hay Lào nó cũng dễ dàng vượt mặt, bỏ lại ông anh VN đang lóp ngóp phía sau còn nó không hơi đâu dừng lại đợi. Người Việt Nam đi làm thuê, làm ô sin khắp thế giới, được gọi dưới cái tên mỹ miều là hợp tác lao động. Năm 2014, Liên Hợp quốc xếp Việt Nam áp chót trong bảng xếp hạng các quốc gia đáng sống, thứ 124/125 số nước được xếp hạng, cô có thấy tự hào không? 
Sao những gì Đảng của cô làm cho đất nước kinh sợ đến như vậy. Giá ngày ấy, Đảng của cô không sinh ra thì đất nước đâu đến nỗi nát như tương Bần thế này. Bây giờ trót rồi, tôi chỉ mong Đảng của cô né sang một bên cho người khác làm, hoặc hợp tác với các đảng phái khác cùng làm. Đừng khư khư ôm lấy một mình rồi chê người khác không làm gì.
Cũng trong buổi tiếp xúc với báo chí hôm ấy, cô còn dám đứng ở vị trí cha mẹ dân mà phán rằng: “Ngay trong gia đình, nếu bố mẹ không tôn trọng con cái thì ra đời con cái không tôn trọng người khác”
Cũng nhà thơ Trần Mạnh Hảo:
Bà Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân xưng mình là mẹ nhân dân Việt Nam, còn cha nhân dân là ai, xin bà nói rõ?
Đảng là đầy tớ nhân dân
Ông Hồ đã dạy bà Ngân quên rồi
Ghế trên bà tót lên ngồi
Xưng mình là mẹ dân, ôi sỗ sàng …
Cô ngụy biện: “Nếu đâu đó xảy ra mất dân chủ, dân chủ hình thức, thì đó là cái sai của của tổ chức, cá nhân cụ thể, không phải bản chất nhà nước”. 
Nhưng thôi, tôi viết cũng đã dài. Khi nào có thời gian, sẽ bàn đến hai câu này của cô. Lời cuối khuyên cô rằng, đừng vì choáng ngợp với chức vụ mới mà say sưa “nổ”. Hồi chưa làm Chủ tịch Quốc hội, cô đâu đến nỗi đáng ghét như thế. Phụ nữ mà ham quyền lực thì kinh khủng lắm đấy, kinh hơn đàn ông rất nhiều. Là chính khách, cô cần phải học nhiều lắm, từ lời ăn tiếng nói, từ dáng đi, cách lựa trang phục sao cho phù hợp với lứa tuổi, với bối cảnh. Cô đừng dại dột mà tiếp tục đứng ra phát ngôn thay mấy lão khôn ngoan, lọc lõi đang đứng đằng sau cô kia kìa. 
Nhưng điều quan trọng hơn cả là cô phải có cái tâm – cái tâm đối với đất nước, với nhân dân. Khi đó, nếu cô có vụng dại thì nhân dân cũng dễ thể tất.
Nguyễn Tường Thụy/Blog RFA/ (BaSàm)
VỪA NHẬM CHỨC ĐÃ NÓI NĂNG KHÔNG CẨN TRỌNG!
THIỆN TÙNG/ BVN 30-7-2016
clip_image002
Tân Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. Ảnh: internet
“Bảo vệ hòa bình không phải hô hào cho thật to, kích động thế này thế khác là có được chủ quyền, không có đâu. Một số tổ chức, cá nhân lên tiếng hô hào thế này thế nọ nhưng những người đó, tổ chức đó làm gì cho đất nước? Chưa làm gì cả, chỉ có nói, kích động các phần tử để làm rối tình hình” – Đây là câu nói sau khi nhậm chức Chủ tịch Quốc hội Khóa 14 của bà Nguyễn Thị Kim Ngân với giới báo chí hôm 23/7/2016. Khi tự thấy mình như mẫu nghi thiên hạ, từ phong thái đến lời nói, Kim Ngân thể hiện khá sắc nét tự kiêu, tự mãn, tự cao..., chẳng khác đệ nhất phu nhân Trần Lệ Xuân nói khi Thích Quảng Đức tự thiêu phản đối chế độ độc tài gia đình trị Ngô Đình Diệm trong những ngày tàn của Đệ nhất Việt Nam Cộng hòa.
Tôi sinh năm 1939, Ngân sinh năm 1954. Tôi lớn hơn Ngân 15 tuổi – chú thì quá đáng, anh thì hơi già. Dẫu sao tôi cũng là chiến hữu với cha mẹ Ngân.
Chắc Kim Ngân chưa biết tôi là ai, nhưng tôi biết Ngân khá rõ: Ngân là cô gái sinh ra ở xã Châu Hòa, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre. Ngân là nữ sinh do thời cuộc dở dang Đại học Văn khoa. Giữa năm 1975, Ngân xin vào làm nhân viên Văn phòng Ban Kinh tài Khu Trung Nam bộ (chỗ ông Bảy Tế). Sau khi giải thể Khu, Ngân về làm ở Văn phòng Ty Tài chính Bến Tre. Vào Đảng CSVN 9/12/1981 (khi 26 tuổi). Là hạt giống đỏ, như diều gặp gió, Ngân bay lên từng chặng: Phó giám đốc Tài chính Bến Tre; Thứ trưởng Bộ Tài chính; Bí thư tỉnh Hải Dương; Thứ trưởng Bộ Thương mại; Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh Xã hội; Phó Chủ tịch Quốc hội, và giờ đây Chủ tịch Quốc hội do Đảng cử Dân bầu. Thế là, sau 40 năm, diều Ngân bay lên mút dây, đến tột đỉnh, phát ra âm điệu chướng tai, khiến thiên hạ “ném đá”.
Thế là, từ năm 1981, Kim Ngân vừa là thành viên của Đảng giành cầm quyền, vừa là người tham gia cầm quyền từ cấp tỉnh trở lên thượng đỉnh. Ngân nên kiểm lại bản thân mình, Đảng của mình xem làm được những gì ích nước lợi dân mà miệt thị người ta như thế? – hãy kể đi để Tổ quốc ghi công, đừng cứ ở đó mà ăn mày dĩ vãng, biến công người thành công mình!
Chẳng lẽ những gì tôi kể dưới đây là ngoài sự thật, là công lao của Ngân và những đồng chí của mình:
Cải tạo Xã hội Chủ nghĩa về kinh tế và chính trị làm cho nền kinh tế sụp đổ, lòng dân ly tán.
Tham nhũng lan tràn trong Đảng cầm quyền: lớn ăn lớn, nhỏ ăn nhỏ - mầy ăn, tao ăn, nó ăn = chúng ta cùng ăn – “Ăn như bầy sâu” (Chủ Sang ví), “Ăn không chừa thứ gì” (bà Doan ví), “Ném chuột coi chừng vỡ bình” (Tổng Trọng dặn) v.v.
Dùng tiền thuế của dân và vay tiền nước ngoài, từ trên xuống dưới, thi nhau xây cung vua phủ chúa, tượng đài, lăng tẩm, cờ phướn rợp trời. Về tư thất:mầy xây, tao xây, nó xây = chúng ta cùng xây -mầy nói tao ai nói mầy, là đồng chí với nhau, hãy cảm thông cho nhau.
Hữu khuynh với giặc: ngoài để Trung Cộng chiếm thác Bản Giốc, Núi Đất, Ải Nam Quan, để mất biển, đảo, ngư trường, còn để cho người Trung Quốc vào tràn ngập trên khắp cùng đất nước v.v.
Tả khuynh đối với dân: Trước thảm trạng ngoại xâm, người dân đấu tranh, biểu tình bất bạo động chống Trung Quốc thì “Đảng, Nhà nước ta” dùng công cụ bảo vệ chuyên chính “vô sản” đánh đập, cầm giam, trục xuất. Chưa vừa, “Đảng và Nhà nước ta” còn dùng phương tiện thông tin đại chúng và đám “Hồng vệ binh” (Dư luận viên) luôn miệng chửi tục tĩu, quan chức nhiếc mắng sâu cay như trường hợp Ngân vừa thốt ra chẳng hạn.
Làm kinh tế, quản lý xã hội gì mà kinh thế - Làm đâu thua lỗ, hư hỏng đến đó: Chẳng hạn Bauxite Tây Nguyên; các tập đoàn Vina; Lọc dầu Dung Quất; Điện, Dầu, Than; đường ống dẫn nước sông Đà về Hà Nội đến nay 18 lần vỡ ống v.v. Và, nếu không có sức ép (phản kháng) của công chúng, làm đường cao tốc xuyên Việt và điện hạt nhân Ninh Thuận nữa thì chết không kịp ngáp!
Làm kinh tế để mưu sinh chớ đâu phải để tự sát - Làm đâu gây ô nhiễm môi trường sống đến đó: “Cửu Long cạn dòng, Biển Đông dậy sóng”; nông dân, ngư dân ngày một lâm cảnh đói nghèo; môi trường bị nhiễm độc diện ngày càng rộng, độ độc hại ngày càng cao; cá dưới nước thi nhau chết, người trên bờ thi nhau ngất ngư – Formosa thải độc gây đại thảm họa có một không hai trong lịch sử!
v.v.
“Đảng và Nhà nước ta” từng rêu rao: “Dân là chủ đất nước”. Nhà nước “của dân, vì dân, do dân”.
Đã nói “Dân là chủ đất nước” thì tại sao Đảng CSVN luôn coi đất nước và dân tộc Việt Nam như là sở hữu của riêng mình: muốn đuổi dân lấy đất để bán, đổi chác, nhượng địa, cho thuê... tùy ý, không cần xin ý kiến “chủ” (Dân). Ai cãi lại việc làm sai trái của mình đều bị cho là địch. Đúng là “địch” đấy: “Địch là hai đối tượng kình chống nhau chưa phân thắng bại, bên này được gọi bên kia là địch”. Để phân biệt ai đúng ai sai phải lấy ích nước lợi dân làm thước đo. Chuyên làm hại nước hại dân mà cho rằng mình yêu nước là điều nghịch lý. Chính quyền càng sai, dân càng phản ứng. Ai phản ứng bị chính quyền xem là “thế lực thù địch”. Riết rồi chính quyền nhìn đâu cũng thấy “địch”. Để đối phó với “địch”, chính quyền gia tăng lực lượng đàn áp, dùng tiền thuế của dân trả lương hậu cho họ. Cuối cùng chỉ có dân chịu thiệt mất tiền và bị đánh đập. Bởi vậy, cô giáo Lam mới viết “Đất nước mình lạ quá phải không anh?!”.
Đã nói Nhà nước “của dân, do dânvì dân” thì cớ sao nhà cầm quyền không cho dân phản ứng (phản biện) những việc làm sai trái của mình? Cứ luôn miệng nói “mọi việc để Đảng và Nhà nước lo”. Lo gì mà để đất nước luôn bị Trung Cộng xâm hại, dân mỗi ngày một khổ nghèo?! Lãnh đạo chỉ biết tranh giành quyền lực với nhau, hết năm này qua tháng nọ giải quyết mâu thuẫn nội bộ không xong. Quan ông quan bà lo bòn rút của công thành của tư để:
Chi cho xây dựng cơ ngơi hiện đại,
Chi cho đi lại cao sang,
Chi cho ăn uống đàng hoàng,
Chi boa cho những nàng/chàng bồ nhí,
Chi cho cô cậu tí đi học nước ngoài,
Chi cho ngài trị bịnh ngoại quốc,
Chi cho xây cất từ đường,
Chi sắm sẵn hàng rương, nhà mộ,
Chi hối lộ lúc lâm nguy...
Tính lại duy đi biết bao là đủ?
Đôi lời nhắn nhủ:
Hãy tận thu cho đủ để có quan chi.
Kim Ngân là người có học - ít nhất cũng lớp 12 (xong trung học), thạc sĩ kinh tế, cử nhân chính trị, sao lại dùng cụm từ lập lờ, không rõ nghĩa “thế này thế khác”, “thế này thế nọ” – bắt chước ai mà nói theo kiểu bâng quơ như thế?
Vế đầu, Ngân nói: “Bảo vệ hòa bình không phải hô hào cho thật to, kích động thế này thế khác là có được chủ quyền, không có đâu”. Ngân kiểm lại xem, khi bị ngoại bang xâm lược/xâm hại, tổ chức hay cá nhân họ hô to, nói rõ ràng cho trong ngoài nước biết, chẳng hạn như “Hoàng Sa & Trường Sa là của Việt Nam” “No-U”, “Formosa cút đi” và v.v. - người ta chỉ đích danh chớ đâu phải hô hào bâng quơ. Kích động chống ngoại xâm đâu có sai, chỉ sợ kích mà không động? Chẳng lẽ chống ngoại xâm, theo kiểu trùm mền rên, không dám kiện cáo, tiêu lòn theo kiểu “hai tay xoa tít cái đít cong vòng, một báo anh hai báo cáo anh, xin anh thương dùm?”, không dám nói tàu Trung Quốc mà nói tàu “lạ”? v.v. Nhát như cheo không mất nước mới là chuyện lạ.
Vế sau, Ngân nói: “Một số tổ chức, cá nhân lên tiếng, hô hào thế này thế nọ, nhưng những người đó làm gì cho đất nước? Chưa làm gì cả, chỉ có nói và kích động những phần tử để làm rối tình hình”. Nếu Ngân chưa biết hay không chịu biết họ là những ai, tôi nói cho Ngân biết: Họ là những đảng viên hoặc nguyên đảng viên, là những cán bộ chân chính, yêu nước, có học vị cao, có chuyên sâu Ngân không thể bì, như: Nguyễn Trọng Vĩnh, Nguyễn Quang A, Nguyễn Huệ Chi, Nguyễn Văn Hải, Nguyễn Hữu Vinh, Nguyễn Xuân Diện,Tạ Phong Tần, Cù Huy Hà Vũ, Trần Huỳnh Duy Thức, Tô Văn Trường, Nguyên Ngọc, Phạm Đình Trọng, Tống Văn Công, Tô Hải, Hồ Cương Quyết, Lê Hiếu Đằng, Huỳnh Kim Báu, Kim Chi, Bùi Văn Bồng, Lê Mã Lương v.v..., và rất nhiều nam thanh nữ tú kiên hùng khác như nhóm “No-U” chẳng hạn (nếu kể hết phồng môi). Sao Ngân nói họchưa làm gì cả. Sao Ngân nói ẩu thế! Họ từng đấu tranh quên mình trong thời chiến, dựng nên chế độ mà Ngân và những đồng chí của mình đang chễm chệ, lương cao, bổng lộc lớn. Giờ đây, họ ăn cơm nhà, dấn thân đấu tranh chống mầm mống ngoại xâm và những tệ nạn xã hội. Hành động của họ chẳng những không được tưởng thưởng, còn bị gánh đàng Ngân chửi rủa, đánh đập, giam cầm, trục xuất. Ngân nhìn họ bằng nhãn quan nào mà buông ra nhận xét: “chỉ có nói và kích động những phần tử làm rối tình hình. Kích động để giữ nước, bảo vệ dân sai hay sao? Tình hình đất nước đã rối như tơ vò, họ đang chung lưng đấu cật để gỡ rối, cớ sao Ngân không chịu hiểu cho thấu đáo? Phải chăng “cái lũ dân chúng mất dạy” này không để yên cho Ngân và đồng chí của mình đang phủ phê no say trong yến tiệc, nệm ấm chăn êm trong những ngôi biệt thự đầy đủ tiện nghi?
Hôm sang Việt Nam, Tổng thống Mỹ Barack Obama nói đại ý: Dân Mỹ gần như hàng ngày chỉ trích chúng tôi, nhờ sự chỉ trích, cảnh báo ấy mà chúng tôi hạn chế đến mức thấp nhất sai lầm.
Một bệnh nhân nằm liệt, bỏ ăn uống đã đáng sợ, cả dân tộc tê liệt trước họa xâm lăng hay những tệ nạn, bất công... càng đáng sợ hơn.
Nhân dân ta còn phản ứng khi có ngoại xâm hay khi có tệ nạn, bất công... trong xã hội là điều đáng mừng đối với những người chân chính yêu nước, đáng lo cho đối với những ai bất chính phản nước.
T.T
Tác giả gửi BVN.
BÀ NGUYỄN THỊ KIM NGÂN NGỒI NHẦM CHỖ...
MAI TÚ ÂN/ BVN 30-7-2016
Sau khi tuyên thệ nhậm chức Chủ tịch Quốc hội lần thứ 2 trong vòng 4 tháng, bà Nguyễn Thị Kim Ngân đã bốc hỏa mà nhầm lẫn lớn trong vai trò của mình. Đang là đương kim Chủ tịch kiêm ĐBQH khóa 14, bà đang đại diện cho người dân đã bầu bà lên để bà có tiếng nói thay mặt họ ở Diễn đàn Quốc hội, cơ quan đại diện cao nhất của người dân.
Ấy thế nhưng những phát ngôn của bà kể từ khi được bầu vào chức danh cao nhất của QH lại không phải là tiếng nói của một ĐBQH, đại diện cho người dân, mà là tiếng nói đầy quyền lực của một lãnh đạo chính quyền, một trong “tứ trụ triều đình” Việt Nam.
Trong khi ba vị tứ trụ kia nói ít về những ngày đầu nhập môn thì bà Kim Ngân lại nói quá nhiều và quá dở. Đặc biệt là bà đã nhầm lẫn ngây ngô về quyền hạn và nghĩa vụ của một ĐBQH với quyền hạn và nghĩa vụ của một công chức chính quyền khi nói về việc lùi thời hạn thông qua Luật Biểu tình.
“Lùi lại Luật Biểu tình để có thời gian xem xét, nghiên cứu. Lợi ích phải hài hoà. Luật Biểu tình ra mà rối loạn đất nước thì không ai mong muốn. Vì thế, Quốc hội khoá 14 sẽ nghiêm túc xem xét về dự luật này sau khi Chính phủ đã rà soát và trình lên Quốc hội”.
Ô, hô... Một dự luật tốt như Luật Biểu tình thì cả thế giới người ta đã thực hiện cả gần trăm năm nay rồi. Và liệu cái Quốc hội của bà sẽ xem xét thế nào đây? Liệu có cấm theo kiểu thấy có tai nạn xe hơi thì cấm giao thông luôn không. Với lại luật biểu tình ra, nếu có rắc rối gì thì có luật chế tài, có lực lượng CA xử theo luật. Bà đừng có lo cho bò trắng răng.
Nhưng điều đáng nói hơn cả là một bộ luật tốt cho người dân như Luật Biểu tình thì đáng lý phải được các vị dân biểu (ĐBQH) đưa ra và thúc đẩy phát triển thành luật ở Quốc hội. Và nếu có sự phản đối thì sự phản đối đó phải xuất phát từ phía chính phủ hoặc ngành CA, là những nơi phải lo lắng vì trách nhiệm chứ không phải từ phía quốc hội. Ngoài ra với vai trò của một ĐBQH, thì bà Ngân phải làm trọn vẹn vai trò đại diện cho người dân trong việc thúc đẩy luật mau đi vào cuộc sống, chứ sao lại nhảy qua vai trò của chính quyền khi tuyên bố: “lùi dự luật này vì còn phải điều tra nghiên cứu”, rồi: “ra Luật Biểu tình mà rối loạn...”
Đó phải là phát ngôn của bên CA, hay chính quyền nêu khó khăn ra để lấy cớ lùi luật biểu tình, chớ có phải của bà đâu. Đáng lẽ trong vai trò trách nhiệm của mình, bà phải cùng với các đồng nghiệp ĐBQH lên tiếng phản đối bất cứ ai cố kéo dài việc đưa Luật Biểu tình ra trước Quốc hội chứ.
Tóm lại có lẽ bà Ngân chưa quên những ngày tháng cách đó chưa xa, khi bà vẫn còn là một quan chức chính quyền. Nên giờ đây bà cũng vẫn xử luật chính quyền, mặc dù đã chuyển sang Quốc hội làm chức Chủ tịch rồi.
Thấy trước về vụ thụt lùi “thời hạn đưa ra QH Luật Biểu tình”, thì giờ đây sau những lời tuyên bố vừa xanh rờn vừa nhầm chỗ ngồi của bà đương kim Chủ tịch QH VN kiêm UVBCT Đảng CSVN Nguyễn Thị Kim Ngân thì người dân thường VN biết ngay là, Luật Biểu tình đã chết rồi.
Thôi rồi, tay nắm tay lần cuối
Chia nẻo giang hồ vĩnh biệt nhau...
M.T.A.
Tác giả gửi BVN.


ĐẺ TRẢ LỜI CÂU HỎI CỦA BÀ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI NGUYỄN THỊ KIM NGÂN
LƯ VĂN BẢY/ DLB  6-8-2016

Lư Văn Bảy (Danlambao) - Mấy ngày nay sau câu hỏi của bà chủ tịch QH: Họ, những người phản biện đã làm gì cho đất nước?. Với câu hỏi này cũng có nhiều người đã trả lời cho bà rồi, tôi cũng không muốn trả lời thêm nhưng mỗi lần vào mạng thì tôi lại thấy hình ảnh của bà cho nên tôi cũng tham gia để trả lời cho bà biết bởi vì, là một công dân Việt Nam nằm trong số người mà chủ tịch QH đặt câu hỏi cho nên, tôi cũng xin được nói lên suy nghĩ của mình.

Bà hỏi chúng tôi đã làm được gì cho đất nước. Xin thưa với bà là chúng tôi đã và đang làm nhiều việc cho đất nước đây, kể cả việc phải đổ mồ hôi kiếm tiền đóng thuế để phát lương cho bà nữa đấy. Chắc bà cũng biết là khi mua bất cứ một món hàng nào về xài ngoài chợ hay trong tiệm thì chúng tôi cũng đều có đóng 10% thuế giá trị gia tăng để nộp vào danh sách nuôi cả một guồng máy cầm quyền trong đó cũng có bà nữa.

Chúng tôi cũng tham gia vào việc chống ngoại xâm bằng tất cả khả năng của mình để chứng tỏ cho quân thù Tàu cộng thấy rằng dân tộc VN không dễ gì bị ăn hiếp, tình yêu Quê Hương và đất nước bắt buộc mọi người VN chúng tôi phải dấn thân theo khả năng của mình trong đó, hành động xuống đường biểu tình chống kẻ thù là sai sao bà?

Chúng tôi bày tỏ chính kiến của mình và vạch ra cái sai của các nhà lãnh đạo để họ sửa sai mà làm tốt hơn như thế là sai sao bà?

Chúng tôi muốn những người lãnh đạo đất nước như bà nhìn ra cái sai để mà sửa cho tốt đẹp hơn, như vậy là sai sao bà?

Chúng tôi yêu cầu nhà cầm quyền đất nước phải thay đổi tư duy để có hướng đi phù hợp với trào lưu tiến bộ của loài người, như thế là sai sao bà?

Chúng tôi đòi hỏi nhà cầm quyền phải truy tố tập đoàn gian ác Formosa và bắt chúng phải bồi thường thỏa đáng cho những gì mà chúng đã gây ra, như thế là sai sao bà?.

Chúng tôi đòi hỏi phải thưa bọn xâm lược Trung cộng ra tòa án QT để khẳng định chủ quyền của đất nước là sai sao bà? v.v... Tất cả những việc làm trên của chúng tôi là do tự phát từ trái tim yêu nước và yêu đồng bào của mình, chớ chúng tôi không bị hoặc nghe theo bất cứ một thế lực nào từ bên ngoài cả. Chúng tôi rất mong là bà nên thận trọng lời nói của mình khi muốn kết tội người khác, nhất là những người mà bà kết tội lại chính là những người đóng thuế để nuôi bà.

Trở lại vấn đề câu hỏi của bà, tôi xin hỏi lại bà là cá nhân bà đã làm được gì cho đất nước khi mà những vùng đất thiêng liêng của Tổ Quốc như Ải Nam Quan [nơi vị anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi chia tay với người cha để lên đường cứu nước], 2/3 thác bản Giốc, bãi Tục Lãm, cao điểm Lão Sơn hiện nay đã thực sự là đất của Tàu cộng bằng hiệp định biên giới tháng 12/1999?.

Bà đã làm được gì khi mà hầu hết những công trình trọng điểm quốc gia, Tàu cộng đều trúng thầu hết nhưng thực tế thì những công trình dự án do Tàu cộng xây dựng đều lạc hậu và đều có vấn để chẳng hạn như lúc đầu thì giá rất rẽ, nhưng câu giờ và tiếp tục đội vốn liên tục để cuối cùng khi hoàn thành thì giá rất cao ngoài sức tưởng tượng?.

Bà đã làm gì khi mà hiện nay hàng hóa độc hại của Tàu cộng đang lan tràn khắp mọi miền đất nước, khiến cho người dân không thể phân biệt được hàng nào là hàng của Tàu cộng và hàng nào là không phải của Tàu cộng?.

Bà đã làm gì khi mà tham nhũng đã tràn ngập từ trên xuống dưới trong guồng máy cầm quyền của bà?.

Bà đã làm gì để giúp những vùng cao mà các em học sinh phải đu dây qua sông, qua suối để đi đến trường học?.

Bà đã làm gì khi mà hầu như đất nước đang hoàn toàn lệ thuộc vào Tàu cộng từ kinh tế lẫn chính trị?.

Bà đã làm gì khi tập đoàn Formosa đã xã độc giết cá trên diện rộng từ mặt biển xuống tận lòng đáy đại dương, gây ô nhiễm nặng về môi trường cho cả 4 tỉnh miền Trung mà theo sự nhận định của các nhà khoa học trong và ngoài nước là cho đến 50 - 70 năm sau chưa chắc đã trở lại bình thường?.

Bà đã làm gì để cứu hàng chục ngàn gia đình ngư dân đang bị triệt đường sống ảnh hưởng đến con cái của họ bắt buộc phải nghỉ học và ảnh hưởng đến hàng triệu người dân miền Trung vì biển không còn trong sạch nữa để họ sinh sống làm ăn?.

Bà nghĩ sao khi những thiệt hại quá lớn lao và chưa có một cơ quan độc lập nào thẩm định được mức thiệt hại thì thủ tướng Nguyễn xuân Phúc lại vội vàng vi hiến, chấp nhận ngay lời hứa bồi thường 500 triệu đô la tiền lẽ của tập đoàn Formosa và yêu cầu nhân dân tha thứ, độ lượng rồi tiếp tục cho Formosa hoạt động bình thường trở lại?.

Bà sẽ làm gì khi trong những tháng qua người dân và báo chí đã khám phá ra là tập đoàn Formosa vẫn tiếp tục đem chất độc của chúng đi chôn lắp khắp nơi tại các vùng lân cận? v.v...

Việt Nam là thành viên của Liên Hiệp Quốc, là thành viên của bảng Tuyên ngôn QT nhân quyền, là thành viên của các công ước QT về quyền DS - CT, là thành viên của hội đồng nhân quyền LHQ, đã là thành viên thì phải có nhiệm vụ thi hành các điều khoản mà mình đã ký, đã cam kết. Điều tối quan trọng và tất yếu là quyền con người trong đó: quyền tự do ngôn luận, tự do tư tưởng, tự do báo chí, tự do lập hội, tự do tín ngưỡng, tự do hội họp và biểu tình là có tính cách phổ quát dành cho con người sống trên hành tinh này không phân biệt màu da và hệ thống chính trị.

Xin bà nên coi lại các điều 1-2-6-7-18-19-20-21 của bảng tuyên ngôn QTNQ và các điều 1-2-18-19-20-21-22-25-26 của công ước QT về quyền DS-CT năm 1966, bà cũng nên coi lại hiến pháp năm 2013 do chính QH VN do bà làm chủ tịch ban hành các điều 2-3-8-11-20-25-30 để biết rằng quyền công dân mà chúng tôi được hưởng và những việc làm của chúng tôi có vi hiến không?. Còn rất nhiều những câu hỏi nữa nhưng tôi nghĩ bấy nhiêu đó cũng đủ để cho bà nhìn lại chính mình trong vai trò chủ tịch QH, một cơ quan quyền lực tối cao của đất nước.

Tôi thiết nghĩ đã là con người thì không ai hoàn toàn đúng hết, điều quan trọng là phải khắc phục những thiếu sót từ những phê bình của người khác để trở thành người tốt hơn, đừng có độc tôn lúc nào cũng tự cho mình là đỉnh cao trí tuệ để rồi phê phán và trù dập người khác thì sẽ không tốt cho mình và cho cả dân tộc nữa. Những nhà lãnh đạo lỗi lạc và thành công trên thế giới đều là những người biết lắng nghe và biết sửa sai, tổng thống Barack Obama thường nói hàng ngày ông ta nhận hàng ngàn lá thư phê bình và phản đối, chính vì thế mà ông đã phục vụ tốt và nước Mỹ luôn luôn được hùng mạnh và phát triển. Chắc chắn bà cũng không phải là người ngoại lệ. Xin gởi bà bài thơ SỐNG của nhà chí sĩ Phan Bội Châu để bà suy nghĩ mà có được cuộc sống xứng đáng trong vai trò chủ tịch QH để được nhân dân tin yêu.

SỐNG tủi làm chi đứng chật trời,
SỐNG nhìn thế giới hổ chăng ai,
SỐNG làm nô lệ cho người khiến,
SỐNG chịu ngu si để chúng cười,
SỐNG tưởng công danh không tưởng nước, 
SỐNG lo phú quý chẳng lo đời,
SỐNG mà như thế đừng nên sống,
SỐNG tủi làm chi đứng chật trời.

Tôi cũng nghĩ rằng bà cũng như tôi và những ai đang mang trên mình dòng máu Việt Nam sẽ không bao giờ muốn mất nước, sẽ không bao giờ muốn dân tộc mình phải làm nô lệ cho Tàu cộng. Cái gương của Tây Tạng, Tân Cương và Nội Mông là bài học cho bà, cho tôi và cho những ai tự nhận mình là người Việt Nam. 



PHÂN TÍCH NHỮNG LỖI NGỤY BIỆN TRONG NGUYÊN VĂN CÂU NÓI CỦA BÀ NGÂN

HOÀNG ĐẠO/.facebook.com/photo.php/BVB 6-8-2016



"Chúng ta ban hành luật này phải đảm bảo quyền lợi của đất nước và của nhân dân, đảm bảo không rối loạn đất nước (1). Nếu ban hành luật này mà rối loạn đất nước thì không ai mong muốn, dân cũng không mong muốn (2)".
Ở vế 1, bà Ngân phạm phải lỗi ngụy biện lươn trạch và ngụy biện lợi dụng rủi ro
- Luật biểu tình có thể làm rối loạn đất nước như thế nào?, bà ta ko phân tích, ko đưa ra dẫn chứng, chỉ đơn giản là 1 sự dọa dẫm vô căn cứ
- Luật biểu tình sao lại có thể không đảm bảo quyền lợi của đất nước và nhân dân? Nhân dân ở đây chính là con người, mà con người cần phải có quyền Tự do ngôn luận và hình thức cao nhất của TDNL chính là Biểu tình tự do trong ôn hòa và hợp pháp để cất lên tiếng nói ở hình thức đại chúng. Tước đi quyền biểu tình mới là ko đảm bảo quyền lợi của nhân dân. Tiếp nữa điều 25 Hiến pháp nước CH XHCN VN cho phép công dân biểu tình... thì việc nhà nước ko ban hành luật biểu tình mới là ko đảm bảo quyền lợi của đất nước, vi hiến (làm trái Hiến pháp) rất rõ ràng.
Ở vế 2, bà Ngân phạm lỗi ngụy biện lợi dụng đám đông, dựa vào quần chúng. Bà nói ban hành luật biểu tình ko ai mong muốn, dân cũng ko mong muốn... dựa vào đâu để bà nói điều này khi mà nhà cầm quyền chưa bao giờ Trưng cầu dân ý toàn dân, hỏi ý kiến 90 triệu dân có cần biểu tình hay ko. Ở đây bà còn mắc lỗi ngụy biện nhét chữ vào miệng người khác. Bà đã nhét chữ vào miệng toàn dân là "không mong muốn vì sợ rối loạn"
Thực tế xét trên lịch sử nhân loại, Biểu tình chỉ làm lợi cho xã hội chứ ko gây hại. Nhờ biểu tình mà chế độ phân biệt chủng tộc mới chấm dứt, nhờ biểu tình mà phụ nữ được đối xử bình đẳng như đàn ông, nhờ biểu tình mà công nhân ở các quốc gia tiến bộ, văn minh không còn bị bóc lột, cải thiện được đời sống. 100 năm trước ở VN nhờ phong trào biểu tình chống sưu thuế ở Trung Kỳ mà mở ra những con đường đấu tranh đưa VN thoát khỏi thuộc địa, lịch sử cộng sản cũng khoe rằng HCM - ông tổ của cái đảng bà Ngân cũng tham gia trong phong trào biểu tình đó.
Cách mạng Tháng 10 Nga của nước anh hai cộng sản, Cách mạng Tân Hơi của anh ba cộng sản lật đổ phong kiến cũng từ biểu tình mà ra. Với những dẫn chứng lịch sử rõ mồn một như vậy cho thấy Biểu tình chỉ giúp hoàn thiện xã hội, làm đất nước tốt hơn chứ ko làm đất nước rối loạn. Và phải nhấn mạnh trong thời đại ngày nay là BIỂU TÌNH ÔN HÒA, BẤT BẠO ĐỘNG.
Các nước Mỹ, Nhật, Úc, Anh, Bắc Âu người dân biểu tình ôn hòa hàng ngày, đất nước họ có loạn ko... hay là đất nước của họ ngày càng nhân bản hơn. Sự vụ gần nhất nhờ mấy ngàn người ở VN biểu tình đòi minh bạch nguyên nhân cá chết, yêu cầu điều tra Formosa... tuy bị quốc nội bưng bít nhưng cũng đã gây tiếng vang quốc tế - nhờ đó truyền thông và chính quyền Đài Loan mới biết đến, vào cuộc và gây áp lực buộc FMS phải nhận lỗi và đền bù
(Nguồn: https://www.facebook.com/photo.php?fbid=10209108036751664)

Thứ Bảy, 30 tháng 7, 2016

20160730. LÃNG PHÍ ĐÀO TẠO

ĐIỂM BÁO MẠNG
LÃNG PHÍ ĐÀO TẠO
THANH HÙNG/ SGGP 28-7-2016
Một góc ĐH Tiền Giang
Chúng ta dành 20% ngân sách đầu tư cho giáo dục - con số ấn tượng với một quốc gia đang phát triển để có thể tự hào khi Nhà nước luôn xem giáo dục là quốc sách hàng đầu. Tuy nhiên, thực tế chất lượng giáo dục, trong đó rõ nhất là “sản phẩm” của giáo dục đại học (ĐH), nhiều năm qua vẫn chưa thật sự tương xứng với kỳ vọng để trực tiếp tham gia đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Mặc dù chất lượng đào tạo như vậy nhưng chỉ tiêu ĐH, cao đẳng (CĐ) vẫn cứ tăng liên tục và ngân sách vẫn phải chi đều đặn là điều khó có thể chấp nhận được.
Thống kê mới đây cho thấy cả nước có 225.000 cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp. Trong khi đó, từ năm 2010 đến nay tổng chỉ tiêu tuyển sinh ĐH, CĐ (không tính giáo dục nghề nghiệp) lại tăng 10% mỗi năm. Cũng trong giai đoạn này, nguồn tuyển là học sinh tốt nghiệp THPT lại giảm đến 201.000. Sẽ càng chua xót hơn khi biết rằng trong số 225.000 cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp ấy phần lớn học phí là 50% ngân sách nhà nước gánh, đồng thời cũng có không ít cử nhân ngành sư phạm (được ngân sách nhà nước lo 100%). Một sự lãng phí nguồn nhân lực lẫn ngân sách quốc gia quá khủng khiếp!
Mặc dù là thừa đến như vậy nhưng một nghịch lý đang tồn tại, đó là làn sóng mở trường, nâng cấp vẫn tiếp tục không dừng lại. Mới đây, tại Cần Thơ đề xuất xin thành lập thêm 3 trường ĐH, tỉnh Bến Tre thành lập một trường ĐH và tỉnh Đồng Nai cũng đang xin nâng cấp Trường CĐ Y tế Đồng Nai lên thành trường ĐH. Trường ĐH Tiền Giang là một trường ĐH tỉnh bề thế nhất cả nước, sau vài năm xây dựng cơ sở mới hoành tráng giờ không có người học, phải tính… bán trường.
Các trường ĐH tỉnh hiện nay hầu hết là nâng cấp từ trường CĐ sư phạm của tỉnh. Tuy nhiên, nếu xem cụ thể từng ngành học ở những trường ĐH lên đời này thì mới biết họ chỉ có cái “vỏ”, chứ “ruột” rất nghèo nàn. Chưa nói đến thành lập trường ĐH mới, để nâng cấp từ một trường CĐ lên thành trường ĐH thì chí ít cũng phải tiêu tốn ngân sách hết hàng trăm tỷ đồng, nhưng cái được duy nhất chỉ là cái danh ĐH.
Ngược lại với thực trạng thất nghiệp “khủng” của ĐH, thạc sĩ, sau 5 năm thực hiện chiến lược đào tạo nghề, tỷ lệ tuyển sinh vào trung cấp nghề, cao đẳng nghề chỉ đạt 53,4% kế hoạch. Nhưng thực tế nhu cầu tuyển dụng công nhân có tay nghề cao ở các KCN, KCX là rất lớn. Nghịch lý này dẫn đến sản xuất công nghiệp và giá trị sản phẩm công nghiệp ở nước ta còn rất thấp so với các nước trong khu vực, khả năng cạnh tranh của nền kinh tế trong môi trường toàn cầu hóa của ta còn nhiều điểm yếu. Đáng nói hơn, cơ cấu lao động của nước ta quá bất hợp lý, cứ 1 cán bộ tốt nghiệp ĐH thì chỉ có 0,43 cán bộ trung cấp chuyên nghiệp và 0,56 công nhân kỹ thuật. Trong khi, tỷ lệ này của thế giới là 1 - 4 - 12.
Về tốc độ tăng trưởng sinh viên, hiện nay Việt Nam đạt khoảng 13%, là không cao so với các quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Singapore, Malaysia luôn trên 15%. Tuy nhiên, nếu chúng ta cứ mãi chạy theo cái danh ĐH, chạy theo số lượng mà không chú trọng đến chất lượng đào tạo thì ắt hẳn nguồn nhân lực trong tương lai sẽ đối diện với thực tế thầy không ra thầy, thợ không ra thợ. Nhu cầu học tập của xã hội hiện nay rất lớn và đó là điều đáng mừng vì nước ta có truyền thống hiếu học. Song, học phải có sự phân tầng, ĐH phải ra ĐH. Mở trường thì phải đảm bảo chất lượng chứ đừng biến trường ĐH thành trường CĐ, trung cấp. Có trường chỉ mới từ trung cấp lên CĐ vài năm đã nâng cấp lên ĐH. Như vậy, việc chuyển hóa đội ngũ, công tác quản lý còn không theo kịp nói gì đến chất lượng đào tạo!
Thực tế cho thấy, một khi chạy đua theo số lượng chắc chắn sẽ xem nhẹ điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên trong đào tạo. Con số 225.000 cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp là hồi chuông cảnh báo để Bộ GD-ĐT cần phải chấm dứt chạy theo số lượng, tăng quy mô chỉ tiêu tuyển sinh để chú trọng nâng chất lượng đào tạo, điều chỉnh lại cơ cấu chỉ tiêu cho phù hợp với chiến lược phát triển ngành nghề của đất nước. Hơn ai hết, tân thủ lĩnh ngành giáo dục phải mạnh dạn đề xuất điều chỉnh ngay quy hoạch chiến lược phát triển nhân lực, mạng lưới các trường ĐH, CĐ cho phù hợp với tình hình thực tế. Đồng thời, việc thành lập trường hay nâng cấp trường nếu không hợp lý phải loại bỏ, không trình lên Chính phủ. Khi giáo dục ĐH siết lại thì ắt hẳn giáo dục nghề nghiệp, phân luồng sau THPT sẽ có lời giải và thực trạng thừa vẫn thừa, thiếu vẫn thiếu sẽ không tái diễn. Song song đó, Bộ GD-ĐT đẩy mạnh chủ trương xã hội hóa giáo dục, khuyến khích đẩy mạnh khối giáo dục tư thục có chất lượng nhưng không vì lợi nhuận, tạo điều kiện cho các trường ĐH công được tự chủ để không sống bám vào bầu sữa ngân sách.
THANH HÙNG
- See more at: http://www.sggp.org.vn/theodongthoisu/2016/7/428566/#sthash.Ah2td2NU.dpuf
LẸT ĐẸT MÃI VÌ KHÔNG 'DÁM Ý KIẾN'...
 MINH PHƯỚC/ TVN 30-7-2016
Giáo dục, cô giáo Hà, Hiệu trưởng, Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch thành phố, Hà Nội, Minh Phước
Chấp nhận sự khác biệt là thái độ văn minh. Ảnh minh họa.
Giáo dục là gốc của xã hội, một nền giáo dục tốt đơn giản là một nền giáo dục “dám ý kiến”.
Mạng xã hội là một phát kiến tân tiến của nhân loại, ưu điểm lớn nhất mà nó đem lại cho loài người là tính tương tác, lượng thông tin khổng lồ nhanh nhạy và tinh thần “dám ý kiến” hay nói chính xác hơn là tinh thần dám phản biện.
Một nền giáo dục hiện đại phải dựa trên tinh thần dám phản biện, khi đó thầy với trò sẽ tiếp thu bài học một cách thấu đáo và sáng tạo hơn. Từ đó nhìn rộng ra mọi mặt xã hội, tinh thần “dám ý kiến” sẽ giúp cho xã hội đó phát triển, hoàn thiện và khoa học hơn. Đích đến của loài người là khát vọng một xã hội văn minh, một xã hội tôn trọng quyền con người và tinh thần “dám ý kiến” là một quyền được hiến định của con người…
Dư luận xã hội từng bàn luận chuyện “vợ phi công Trần Quang Khải được đặc cách tuyển dụng vào ngành giáo dục”, được cô giáo Trần Thị Mỹ Hà – tổ trưởng tổ Văn Trường trung học phổ thông Trần Nhân Tông, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) nhận định trên trang facebook cá nhân của mình rằng: “Giống cộng điểm ưu tiên trong tuyển sinh đại học, Ku Tây không thích điều này”.
Như vậy, khái niệm “không thích” là rất thẳng thắn rõ ràng, không vi phạm pháp luật, và là quyền của cô giáo. Mặt khác, trong các diễn đàn hội thảo về “cải cách giáo dục” đã rất nhiều trí thức, nhà nghiên cứu đưa ra vấn đề bỏ việc ưu tiên điểm tuyển sinh để đem lại sự công bằng cho các thí sinh, vậy ý kiến của cô giáo Hà là có lý chứ?
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
Chấp nhận sự khác biệt là một thái độ văn minh, phản chiếu sinh hoạt dân chủ trong xã hội. Đồng ý rằng, bức xúc là trạng thái rất thật của con người, và một đám đông có quyền bức xúc với một ý kiến trái chiều, nhưng sự bức xúc đó phải dựa trên việc phản biện có văn hóa, có lý, không thể áp đặt, suy diễn, phán xét ý kiến của cô giáo Hà là nhỏ nhen, là ích kỷ được.
Và cũng không thể dùng đám đông để “cảnh cáo” cô giáo Hà chỉ vì cô ấy “dám ý kiến”. Nhưng buồn thay, chiều 23/06, ông Phan Thanh Tùng, Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông Trần Nhân Tông cùng chi bộ nhà trường họp khẩn và quyết định thống nhất hình thức cảnh cáo cô giáo Hà.
Lịch sử đã minh chứng bao lần, đám đông có thể là sức mạnh nhưng chưa chắc đám đông là đại diện cho chân lý…
May thay, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, ông Nguyễn Đức Chung, với tư cách cá nhân đã kịp thời lên tiếng với truyền thông, ông cho rằng “nhà trường không nên kỷ luật cô Hà chỉ vì nêu ý kiến trên mạng xã hội”.
Cũng là câu chuyện giáo dục, nhớ lại hình ảnh đơn độc của cô giáo Nguyễn Thị Minh Đệ trong một phiên tòa ngày 07/06 tại tỉnh Phú Yên, với chiếc áo dài thật đẹp, nghiêm trang quen thuộc trên bục giảng đường, không một đồng nghiệp, không một học trò bên cạnh, nhưng cô đã thắng, công lý đã đứng về phía cô. Chỉ vì thương quý học trò, chỉ vì mạnh dạn đấu tranh với tiêu cực trong việc thi cử, cô đã bị hiệu trưởng nhà trường nơi cô dạy học và một “đám đông quyền lực” trù dập, bị cắt lương, bị cấm bước chân vào trường.
Đã 07 lần mở phiên tòa, nhiều lần trì hoãn, hơn 03 năm theo kiện và gần 10 năm sống lay lắt khó khăn… cuối cùng, tòa đã chấp nhận phần lớn yêu cầu của cô. Công lý dù muộn màng nhưng cuối cùng đã chiến thắng.
Đất nước này nói chung, ngành giáo dục nói riêng rất cần những nhận định đúng mực kịp thời như của ông Chủ tịch thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung, và cần hơn bao giờ hết những vị hiệu trưởng biết lắng nghe và cho phép đồng nghiệp mình, học trò mình phản biện. Giáo dục là gốc của xã hội, một nền giáo dục tốt đơn giản là một nền giáo dục “dám ý kiến”.
Với một nền giáo dục có quá nhiều bất cập như hiện nay, cần lắm những tinh thần “dám ý kiến”!
Minh Phước