Thứ Tư, 27 tháng 7, 2016

20160727. BÀN VỀ 3 CHỮ 'ĐÚNG QUY TRÌNH'

ĐIỂM BÁO MẠNG
QUY TRÌNH HẠI DÂN
KAMI/ RFA/ BVN 27-7-2016
Gần đây, khi lý giải về những vụ việc nghiêm trọng gây thiệt hại về tài sản của nhà nước, hay của công dân thậm chí là cả tính mạng của không ít người thì các cán bộ có trách nhiệm đều lên tiếng khẳng định rằng họ đã thực hiện đúng quy trình.
Hẳn chúng ta ai cũng còn nhớ vụ việc vào năm 2013, khi lực lượng chức năng của Đài Loan đã phát hiện, thu giữ 600 bánh heroin có trọng lượng tới 229 kg, trị giá khoảng 300 triệu USD, được cất giấu trong 12 loa thùng trên chuyến bay cất cánh từ sân bay Tân Sơn Nhất đi tới sân bay Đào Viên (Đài Loan). Vụ việc một lượng ma túy hơn 200 kg dễ dàng vượt qua tất cả các hệ thống kiểm tra tối tân bằng người, bằng máy móc tinh vi và cả chó nghiệp vụ của cơ quan An ninh và Hải quan Việt nam là một vụ việc cực kỳ nghiêm trọng. Vậy mà ông Trần Mã Thông, Phó Cục trưởng Cục Hải quan TP.HCM đã khẳng định “xanh rờn” rằng Cục Hải quan TPHCM đã làm đúng quy trình, không có sai phạm.
Hay như vụ việc nữ sinh Lê Thị Hà Vi ở Đắk Lắk bị cưa chân oan, nguyên do Bệnh viện Đa khoa Cư Kuin “có sai sót trong quá trình điều trị do trình độ chuyên môn hạn chế, khi có diễn biến xấu xảy ra đã không được xử trí kịp thời” theo như kết luận của Sở Y tế Đắk Lắk. Tuy vậy, lãnh đạo Sở Y tế tỉnh này vẫn một mực nhận định rằng bệnh viện đó không vi phạm quy trình khám chữa bệnh (!?) Tương tự như thế, trong ngành y tế đã có rất nhiều những trẻ nhỏ vô tội đã chết sau khi tiêm phòng vắc xin và những người có trách nhiệm trong ngành y tế vẫn khẳng định là họ thực hiện đúng quy trình.
Nghiêm trọng hơn, ở khu vực miền Trung trong những năm trước đây, vì lợi ích cục bộ của một vài nhà máy thủy điện người ta đã bỏ qua chức năng căn bản của những hồ chứa nước, đó là khả năng điều tiết lũ. Để tăng công suất phát điện cho những nhà máy, chủ doanh nghiệp đã xả lũ hết sức tùy tiện, điều đó gây ra hậu quả hết sức thảm khốc. Riêng năm 2014, theo thống kê đã có 41 người chết, 5 người mất tích và 74 người bị thương do mưa lũ. Mưa lũ cũng làm đổ, sập, trôi 410 ngôi nhà; tốc mái, hư hỏng 1.271 ngôi nhà và ngập 425.573 ngôi nhà. Vậy mà điều trần trước Quốc hội lãnh đạo Bộ Công Thương vẫn khẳng định rằng, thủy điện miền Trung đã xả lũ đúng quy trình.
Trong vấn nạn chạy chức, chạy quyền hiện nay thì cũng vậy. Những người đứng đầu các cơ quan nhà nước thường nói “đúng quy trình” nhằm để biện minh cho việc việc bổ nhiệm người thân hay tay chân của mình và cũng là cách để họ phủ nhận người tài vào các vị trí lãnh đạo. Như chuyện ông Trịnh Xuân Thanh một doanh nhân ở Đông Âu trở về, đã được cất nhắc làm lãnh đạo của Tổng công ty Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC), là một người phải chịu trách nhiệm chính trong việc thua lỗ 3,2 ngàn tỉ đồng của công ty này. Theo đánh giá của Ủy ban Kiểm tra TW thì ông Trịnh Xuân Thanh phải chịu trách nhiệm trong việc đã để PVC “thua lỗ triền miên, thiệt hại kinh tế cực kỳ nghiêm trọng, tạo dư luận xấu, làm giảm niền tin của nhân dân với Đảng và Nhà nước”. Vậy mà không biết nhờ phép mầu nào mà ông Trịnh Xuân Thanh lại được “ưu ái” điều động về giữ các chức vụ khác ở Bộ Công Thương. Rồi sau đó lại được lãnh đạo tỉnh ủy Hậu Giang xin đích danh về giữ chức Phó Chủ tịch UBND tỉnh. Chưa hết trong cuộc bầu cử ĐBQH khóa 14 vừa qua ông Trịnh Xuân Thanh còn trúng cử ĐBQH với tỷ lệ phiếu bầu cao nhất của tỉnh Hậu Giang. Vậy mà khi vụ việc vỡ lở, một số các bộ của Ban Tổ chức TW, Bộ Công Thương và tỉnh uy Hậu Giang vẫn khăng khăng rằng quá trình bổ nhiệm ông Thanh làm đúng quy trình.
Mới nhất là thảm họa môi trường ở khu vực 4 tỉnh bắc Trung bộ, do công ty Formosa Hà Tĩnh gây ra trên diện rộng, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường cũng như cuộc sống của hành triệu người dân sống ở khu vực này và thiệt hại kinh tế có thể đến 1.000 tỷ USD. Khi vụ việc vỡ lở thì người ta mới té ngửa về việc làm ăn tắc trách của các lãnh đạo nhà nước ở các cấp, đặc biệt là vai trò của ông Võ Kim Cự - nguyên Bí thư Tỉnh uỷ Hà Tĩnh, người chịu trách nhiệm chính. Điển hình là báo cáo đánh giá tác động của Dự án Formosa hầu như không được đề cập tới. Vậy mà, dưới nhan đề “Ông Võ Kim Cự nói về Formosa: Băn khoăn, nhưng đúng quy trình!”, trong cuộc trao đổi với Báo Giao thông tối 25/7/2016, ĐBQH Võ Kim Cự - nguyên Bí thư Tỉnh uỷ Hà Tĩnh đã khẳng định như vậy, khi dư luận đặt nhiều câu hỏi về trách nhiệm của ông và lãnh đạo Hà Tĩnh trong vụ việc liên quan đến Formosa. Theoông Võ Kim Cự còn khẳng định rằng cho đến lúc này “Không Bộ nào không đồng ý chọn Formosa”, chưa hết ông Cự còn được người ta phê chuẩn làm Ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội bất chấp sự bức xúc của người dân.
Việc hàng loạt vụ việc nhạy cảm gần đây thường được người những có trách nhiệm giải thích là “đúng quy trình” đã cho thấy, những phát ngôn như vậy của các quan chức lãnh đạo là chuyện hết sức phổ biến, nó đồng nghĩa với việc “chúng tôi (Nhà nước) không chịu trách nhiệm”. Đây không chỉ là sự vô trách nhiệm của bộ máy nhà nước ở Việt nam mà còn là sự coi thường nhân dân, mà còn là biểu hiện xa dân. Trong lịch sử loài người quan hệ giữa kẻ cai trị và người bị trị cũng khó có thể tìm thấy trường hợp tương tự như ở Việt nam hiện nay.
Từ điển tiếng Việt định nghĩa, “quy trình” là một danh từ để chỉ trình tự phải tuân theo để tiến hành một công việc nào đó. Như vậy cụm từ “đúng quy trình” cho thấy cái quy trình quản trị nhà nước ở Việt Nam không phải để phục vụ người dân như quy định của Hiến pháp. Mà cái quy trình này luôn được những người trách nhiệm trong bộ máy nhà nước tận dụng nhằm để chối tội và trốn tránh trách nhiệm trước người dân. Như ông Nguyễn Sỹ Cương Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã bức xúc khi cho rằng ”Thật lạ lùng là cái gì cũng đúng quy trình! Tiêm chết người rồi vẫn khẳng định là... đúng quy trình, bỏ tù oan đến cả 10 năm vẫn... đúng quy trình, bỏ lọt 230 kg ma túy qua cửa khẩu vẫn... đúng quy trình. Tôi cho rằng đấy chỉ là sự biện hộ và rũ bỏ trách nhiệm một cách vô cảm”.
Đó là nguyên nhân vì sao mà trong buổi thảo luận cho ý kiến về chương trình giám sát năm 2017 của Quốc hội (QH) vào sáng ngày 25/7/2016, khi đánh giá về thực trạng của bộ máy nhà nước ở Việt Nam, ĐBQH Bùi Việt Phương tỉnh Ninh Bình đã thốt lênBán không từ thứ gì, ăn không từ thứ gì” khi nói về bộ máy công chức hiện nay.
Điều đó đã cho thấy, ở Việt Nam hiện nay cái quy trình mà ban lãnh đạo của Đảng CSVN đang sử dụng để quản trị và điều hành đất nước chỉ là thứ quy trình để hại người dân mà thôi!
Ngày 25/07/2016
Kami
__________
* Đây là trang Blog cá nhân của Kami. Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á châu Tự do RFA.
ĐÚNG QUY TRÌNH VÀ QUY TRÌNH ĐÚNG
PHẠM VĂN LAM/ TS 25-7-2016
“Ta cứ nói đúng quy trình nhưng có thể không
đúng tiêu chuẩn…”. Ảnh: Vietnamnet.vn
Trong cuộc họp báo đầu tiên ngay sau khi nhậm chức, ngày 23 - 07 - 2016, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã nói: "Ta cứ nói đúng quy trình nhưng có thể không đúng tiêu chuẩn, cán bộ có xứng đáng ngồi ở vị trí đó không". Đây là lời của một chính khách chính thức cất lên để phản ánh tình trạng thực hiện đúng quy trình nhưng lại đưa đến những kết quả tai hại đã rồi mà xã hội phải liên tiếp gánh chịu trong thời gian qua. Hi vọng rằng sau phát biểu tường minh này của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, những diễn ngôn thực hiện đúng quy trình sẽ được thực đổi thành thực hiện đúng quy trình một quy trình trình đúng.
Từ quan hệ nhân quả
Tiếng Việt có một hiện tượng thú vị mà không mấy ngôn ngữ trên thế giới có đó là hiện tượng đảo trật tự từ. Cùng là một số lượng từ ngữ nhất định song khi người ta đảo cái thứ tự tồn tại của các từ ngữ mà các nhà ngôn ngữ học hay gọi là trật tự từ thì chúng ta có thể có những cách thức và nội dung biểu đạt, quan hệ lô gích rất khác nhau. Ví dụ: đóng cửa -> cửa đóng, mở cửa -> cửa mở, xây nhà -> nhà xây, câu cá - > cá câu, rán gà -> gàn rán, quay vịt -> vịt quay,…Chúng ta có thể có vô vàn ví dụ kiểu này ở trong tiếng Việt, có thể gặp cách nói này ở bất cứ đâu và ở bất kì người nào. Hình thức thể hiện đơn giản và dễ dàng, dễ hiểu là vậy nhưng bên trong nó là cả một quá trình tư duy và lập luận lô gích rất nghiêm ngặt trong tiếng Việt của người Việt. Tất cả những từ ngữ nằm phía bên trái mũi tên là những từ ngữ nói về quá trình hay hoạt động; tất cả những từ ngữ đứng ở bên phải mũi tên nói về thực thể hay trạng thái: Phải có hành vi đóng cửa thì mới có trạng thái cửa đóng, phải có hành động mở cửa thì mới có trạng thái cửa mở, phải có hành vi xây nhà thì mới có sản phẩm nhà xây, phải đi câu cá thì mới có sản phẩm cá câu, phải rán gà thì mới có sản phẩm gà rán,…  Nói theo ngôn ngữ của lô gích học và của ngôn ngữ học thì quan hệ giữa những biểu thức nằm bên trái mũi tên và những biểu thức nằm bên phải mũi tên là quan hệ nguyên nhân – kết quả, gọi tắt là quan hệ nhân quả. Nguyên nhân là cái thường diễn ra trước kết quả (xây nhà – nhà xây), trong một số ít trường hợp nguyên nhân và kết quả là diễn ra đồng thời (đóng cửa – cửa đóng). Theo cách hiểu thông thường nhất, quan hệ giữa nguyên nhân và kết quả này trong tư duy – ngôn ngữ của người Việt là quan hệ tất suy, có cái này ắt có cái kia, cái này giả định sự xuất hiện của cái kia, sự xuất hiện của cái này là kết quả của cái kia, cái này tồn tại dựa trên sự tồn tại của cái kia,… Cho nên, người Việt đã rất có lí khi nói rằng đóng cửa thì cửa sẽ đóng, rán gà thì sẽ có gà rán, sơn tường sẽ thì sẽ có tường được sơn; và ngược lại,  cửa đóng vì có hành vi đóng cửa, có gà rán là do có hành vi rán gà, tường được sơn vì người ta sơn tường,…
Qua quan hệ phi nhân quả
Quan hệ lô gích nhân quả trong tư duy và lập luận như trên của người Việt được thể hiện rất rõ trong ngôn ngữ hằng ngày. Nhưng việc đảo trật tự như thế có phải lúc nào cũng đưa đến quan hệ nhân quả hay không? Xét ví dụ: trong nhà - > nhà trong, dưới sông -> sông dưới, yêu vợ -> vợ yêu, đá bóng -> bóng đá,… Hình thức thể hiện của những biểu thức ngôn ngữ này cũng giống như trên, nhưng quá trình tư duy, lập luận bên trong của nó hoàn toàn khác những biểu thức trên. Chúng không phải là quan hệ lô gích nhân quả. Không phải vì có hành vi trong nhà mà có nhà trong, không phải vị có hành vi yêu vợ mà có vợ yêu,… Ai cũng có thể kể ra được vô số những ví dụ kiểu này một cách ngay tắp lự. Và dĩ nhiên, người Việt không ai hiểu quan hệ giữa hai vế của những trường hợp này là quan hệ nhân quả. Không có chuyện vì trong nhà nên có nhà trong, không có chuyện có sông dưới là do có dưới sông,… Và đặc biệt, cụ thể: Người Việt không ai ngây thơ hiểu và thực tế là không có cơ sở để hiểu quá trình đúng quy trình tồn tại dựa trên quy trình đúng, đúng quy trình có nghĩa là quy trình đúng,…  Nếu người ta nói rán cá đúng quy trình mà kết quả lại không có cá rán thì ngay lập tức người ta có thể nhận ra ngay được rằng quy trình rán cá ấy là quy trình sai, và cố nhiên, để có cá rán, người ta sẽ sửa ngay cái quy trình sai ấy để có thể có một quy trình đúng bằng cách xem xét số lượng, thành phần hay phẩm chất của những thành tố chất liệu làm nên quy trình ấy, xem xét lại người thực hiện quy trình ấy là người như thế nào,…
Đến một phương thức tư duy bao biện, nguỵ biện, và ngộ biện
Ấy thế mà có những người có học hàm học vị rất cao, có tri thức rất nhiều, lập luận bình thường thì rất chặt chẽ, nói năng bình thường thì rất lưu loát,… Và đặc biệt, họ là những người luôn biết và luôn nghĩ, và cũng luôn cho rằng và đã luôn áp đặt rằng mọi người phải nói ra những thông tin đúng vào đúng thời điểm hay thời điểm đúng. Không được nói thông tin đúng vào thời điểm sai. Nói thông tin đúng sai thời điểm là có thể vi phạm một cái gì đó ví dụ như quy chế, quy tắc, chủ trương, chính sách,… Những người này là ai? Họ là những người luôn luôn nói ra quy trình đúng, họ làm đúng quy trình hay quy trình được triển khai đúng, họ xét tuyển đúng quy trình hay được xét tuyển đúng quy trình, họ phẫu thuật đúng quy trình hay quy trình được thực hiện đúng, họ xây đúng quy trình hay một cái gì đó được xây đúng quy trình, họ phá đúng quy trình hay quy trình phá được thực hiện đúng, họ bổ nhiệm hay được bổ nhiệm đúng quy trình, phê duyệt đúng quy trình hay quy trình phê duyệt được tiến hành đúng, vân vân và vân vân. Những la liệt diễn ngôn giải thích vuốt đuôi của những cán bộ đương chức đương quyền hay đã nghỉ hưu bị phát hiện hay bị cho là sai phạm, buông lỏng quản lí,…  trong thời gian vừa rồi là những minh chứng hùng hồn nhất cho điều này.
Chỉ có điều liệu lập luận, giải thích của họ có đúng? Tôi không cho là họ không phải là những người không hiểu hay không phân biệt được sự khác nhau về bản chất trong tư duy và lập luận lô gích của trường hợp đóng cửa – cửa đóng và trường hợp trong nhà – nhà trong. Vấn đề là ở chỗ nào? Vấn đề nằm ở chỗ họ nhận thức rất rõ ràng được rằng: đúng quy trình rất khác với quy trình đúng, thực hiện đúng quy trình hay quy trình được thực hiện đúng rất khác với quy trình thực hiện đúng, bổ nhiệm đúng quy trình rất khác quy trình bổ nhiệm đúng, phê duyệt đúng quy trình rất khác quy trình phê duyệt đúng,v.v. Họ đã cố tình đánh đồng cái quan hệ quy trình đúng và đúng quy trình là quan hệ nhân quả tất suy: đúng quy trình tất suy ra quy trình đúng giống như trường hợp rán gà thì tất có gà rán. Họ đánh đồng đúng quy trình với quy trình đúng để bao biện, nguỵ biện, ngộ biện cho cái quy trình sai vốn rất không đúng của họ hay của một ai đó có ảnh hưởng đến họ, và quan trọng hơn, để họ lảng tránh cái việc xem xét lại cái quy trình mà họ thực hiện đúng ấy là một quy trình đúng hay quy trình sai, để họ tạm thời sửa sai cái việc làm đúng quy trình một quy trình sai của họ, để họ tiếp tục và ngang nhiên thậm chí là điềm nhiên, đương nhiên thực hiện đúng một quy trình sai để trục lợi cho cá nhân hay nhóm lợi ích của riêng họ.
Họ đánh đồng đúng quy trình với quy trình đúng để bao biện, ngụy biện, ngộ biện cho cái quy trình sai vốn rất không đúng của họ hay của một ai đó có ảnh hưởng đến họ để họ tiếp tục và ngang nhiên thậm chí là điềm nhiên, đương nhiên thực hiện đúng một quy trình sai để trục lợi cho cá nhân hay nhóm lợi ích của riêng họ.
BÀN VỀ 'QUY TRÌNH'
NGÔ THẾ BÍNH 21-7-2016
‘Quy trình’ là cụm từ hay dùng trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, nhưng trong vài năm  gần đây ‘quy trình’ được được nhắc đến nhiều trên trang mạng chính thống cũng như mạng xã hội với cụm từ “đúng quy trình” để chê bai thói ngụy biện tắc trách, vô cảm, vô pháp của các quan chức các cấp các ngành khi thi hành nhiệm vụ. Chỉ cần gõ cụm từ “đúng quy trình” trên trang tìm kiếm Google sẽ cho 1.590.000 kết quả trong 0,45 giây. Không thể kể hết những hoạt động có xẩy ra sai sót, tổn thất kể cả tính mạng, tài sản của người dân và nhà nước như: bổ nhiệm cán bộ, bắt người kết tội, khám chữa bệnh, kiểm tra thanh tra, phát hiện tham nhũng, đến kiểm tra kiểm soát chất thải ra môi trường…nhưng vẫn được người có trách nhiệm cãi đã làm “đúng quy trình”!. Vậy quy trình là gì?  “Đúng quy trình” sao vẫn gây sự cố thiệt hại ?  Quy trình có liên quan gì đến hoạt động nghiên cứu khoa học ? v.v…
  Trong bài này tôi muốn bàn luận với NCS  khái niệm quy trình, phân biệt quy trình với một số thuật ngữ hay dùng và đề xuất một số ý kiến có liên quan đến hoạt động nghiên cứu khoa học nói chung và làm luận án nói riêng để các Bạn tham khảo.
  Khái niệm về quy trình: Quy trình là trình tự  được quy định, mang tính chất bắt buộc để tiến hành một hoạt động nào đó nhằm kiểm soát kết quả theo mục tiêu nhất định.
  Với định nghĩa trên có một số điều cần lưu ý sau:
-  Quy trình là thuật ngữ Hán -Việt (規程) có thuật ngữ tiếng Anh tương đương là Procedure.  Quy trình là thuật ngữ được tạo ra bới 2 từ nguyên: Quy (規)nghĩa là quy định, còn Trình (程) nghĩa là trình tự, thủ tục. Trong thuật ngữ Hán-Việt, các từ nguyên kể trên cũng có thể ghép với các từ nguyên khác để tạo ra những thuật ngữ có khái niệm độc lập hoặc liên thuộc với nhau. Ví dụ: với Quy có quy luật, quy phạm, quy chế, pháp quy, quy hoạch,…; với Trình có  quá trình, chương trình, giáo trình,  công trình, phương trình, giải trình, lộ trình v.v… Sự ‘lắp ghép’ các từ nguyên này đôi khi cũng tạo ra sự nhầm lẫn khái niệm và cũng là cái cách đánh tráo khái niệm để ngụy biện làm ‘đúng quy trình’!
Hoạt động: được hiểu là một trong những dạng thức lao động của con người, bao gồm các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội như sản xuất, thương mại, nghiên cứu khoa học, quản lý, tôn giáo v.v…Vì vậy có nhiều loại quy trình khác nhau về chủ thể hoạch định, đối tượng thực hiện, mục tiêu và tầm quan trọng…
- Quy trình có tính chất bắt buộc các đối tượng có liên quan phải thực hiện chính xác và đầy đủ các quy định. Nếu làm trái tức là không ‘đúng quy trình’ và tùy loại quy trình và thiệt hại gây ra có thể bị xử phạt của tổ chức hay pháp luật.
- Quy trình là một công cụ quản lý, nó cần được viết thành văn bản và được người có thẩm quyền thông qua nhất là những quy trình có ý nghĩa quan trọng ảnh hưởng đến sinh mệnh, tài sản của con người…
  Phân biệt quy trình với các thuật ngữ liên thuộc:
- Phân biệt quy trình và quá trình: Theo định nghĩa trong ISO 9000 thì Quá trình (Process) được định nghĩa là "tập hợp các hoạt động có quan hệ lẫn nhau hoặc tương tác để biến đổi đầu vào thành đầu ra", Quy trình (Procedure) được định nghĩa là "cách thức cụ thể để tiến hành một hoạt động hoặc quá trình". Như vậy, theo định nghĩa của tổ chức ISO, Quá trình chỉ mang tính mô tả hệ thống hoặc tương tác, có thể ẩn chứa Trình tự nhưng hoàn toàn không có tính bó buộc tuân thủ như Quy trình. Mặt khác, một Quá trình có thể chứa nhiều Quy trình, hoặc một Quy trình có thể chứa nhiều Quá trình và Quy trình.
Phân biệt Quy trình và Lộ trình: Lộ trình là sự mô tả mang tính dự kiến những giai đoạn của quá trình phát triển tương đối dài để đạt được mục tiêu nhất định trong tương lai, không có tính bắt buộc thực hiện toàn diện và chặt chẽ như Quy trình, ví dụ: Lộ trình cấu trúc lại nền kinh tế, lộ trình gia nhập AFTA v.v…
Phân biệt Quy trình và Chương trình:  Bản chất của Chương trình là mô tả nội dung, ví dụ như Chương trình văn nghệ, Chương trình đào tạo…. Theo đó có thể linh động thay đổi thứ tự thực hiện, miễn sao hoàn thành Chương trình đã đề ra. Tuy nhiên để thực hiện một nội dung/ khâu  nào đó, đảm bảo không có sai sót cũng có thể có những quy trình. Ví dụ trong Chương trình đào tạo một ngành nào đó sẽ có thể có những  quy trỉnh  như: quy trình giao đề tài tốt nghiệp, quy trình chấm thi, quy trình xét tốt nghiệp...Như vậy Quy trình chỉ liên quan đến một nội dung nào đó của Chương trình và có thể có hoặc không tùy sự cần thiết. Không thể nói hoàn thành Chương trình là làm “đúng Quy trình”!
Phân biệt Quy trình và Quy hoạch: Quy hoạch là những quy định về bố trí các đối tượng (nhân lực, vật lực, tài lực…) theo không gian và thời gian cụ thể nhằm đạt được những mục tiêu nhất định trong tương lai. Tùy theo đối tượng, phạm vi có các loại quy hoạch khác nhau, như Quy hoạch ngành, Quy hoạch vùng, Quy hoạch đô thị, Quy hoạch khu công nghiệp, Quy hoạch cán bộ,  v.v…Trong Quy hoạch không có Quy trình, nhưng để thực hiện quy hoạch đúng mục tiêu thì có thể có những Quy trình song hành để quản lý chặt chẽ những hoạt động có liên quan. Ví dụ Quy hoạch cán bộ cần có Quy trình về bổ nhiệm cũng như miễn nhiệm cán bộ, theo đó cán bộ được trong “diện quy hoạch” không nhất thiết được bổ nhiệm vì phải tuân thủ những quy định khác của quy trình; Quy hoạch khu công nghiệp phải có những quy trình về giải phóng mặt bằng và đền bù đất đai, quy trình kiểm tra giám sát vệ sinh môi trường,v.v…
   Tóm lại, so với các khái niệm liên thuộc đã nêu thì Quy trình có đối tượng và phạm vi điều chỉnh tương đối hẹp và không nhất thiết phải có trong các khái niệm liên thuộc đó.
  Phân biệt Quy trình và Phương pháp: Phương pháp được hiểu là tổng thể những yếu tố liên quan đến mục tiêu, định hướng, trình tự, cách thức, công cụ…để giải quyết một nhiệm vụ nhất định trong hoạt động của con người, như phương pháp sản xuất, phương pháp nghiên cứu khoa học, phương pháp dạy học, phương pháp tuyên truyền,v.v…Đặc điểm của Phương pháp là  có nhiều phương án lựa chọn kết hợp các yếu tố, bao gồm cả trình tự đã được quy định hoặc không được quy định. Vì vậy Quy trình không phải là yếu tố bắt buộc phải có trong phương pháp.
  Những điều cần bàn với nghiên cứu sinh chuyên ngành Quản lý Kinh tế:
1)   Không thể đồng nhất Quy trình với Phương pháp nghiên cứu luận án: Trong một số luận án khi nêu phương pháp nghiên cứu, NCS thường đưa ra ‘quy trình nghiên cứu’. Đây là sự nhầm lẫn khó chấp nhận vì thực chất chỉ là mô tả trình tự của quá trình nghiên cứu không nhất thiết có sự ràng buộc bởi quy định nào. Nếu trình tự đó đã được quy định sẵn thì thử hỏi: giá trị khám phá, sáng tạo của NCS ở đâu ? Luận án có xứng tầm với luận án TS không?
2) Quy trình không phải là yếu tố quyết định tất cả: Theo lý thuyết hệ thống (Điều khiển học) Quy trình chỉ là một trong nhiều yếu tố cấu thành hệ thống quản lý một loại hoạt động. Mỗi yếu tố đều có mục tiêu riêng và liên hệ tương tác với các yếu tố còn lại một cách hợp lý để tạo cả hệ thống vận động theo quỹ đạo và mục tiêu chung định trước. Chỉ cần một yếu tố hoạt động bất hợp lý cũng có thể ảnh hưởng đến các yếu tố còn lại, mặc dù Quy trình không có gì sai sót, hoặc vẫn được thực hiện “đúng quy trình”. Trường hợp này được gọi là “lỗi hệ thống”. Ví dụ: quy trình bổ nhiệm cán bộ chỉ là một yếu tố của Hệ thống cơ chế về quản lý cán bộ bên cạnh các yếu tố: luật cán bộ công chức, chính sách tiền lương, luật phòng chống tham nhũng, luật thanh tra, luật phòng chống tham nhũng, luật hình sự, luật doanh nghiệp…và còn cả những yếu tố ngoài cơ chế như nhân phẩm đạo đức của người có thẩm quyền ra quyết định và người được bổ nhiệm. Chỉ cần một những yếu tố  trên có ‘vấn đề’ thì bổ nhiệm cán bộ có thể vẫn được thực hiện ‘đúng quy trình” nhưng vẫn không chọn được cán bộ đủ đức đủ tài.
3) Quy trình không được coi là công cụ quản lý “vĩnh cửu”. Quy trình có thể lập ra từ kinh nghiệm hay từ luận cứ khoa học đầy đủ nhưng với thời gian và ảnh hưởng của tiến bộ khoa học kỹ thuật quy trình có thể lạc hậu, không đáp ứng đòi hỏi phát triển của hoạt động con người trong đời sống xã hội. Vì vậy quy trình cũ có xu hướng bị thay thế bởi những quy trình tiên tiến hơn. Chỉ cần quan sát quy trình tiếp nhận bệnh nhân tại các bệnh viện lớn ở Hà Nội hiện nay chúng ta cũng thấy đem đến nhiều tiện lợi cho người bệnh mà vẫn đảm bảo hạn chế được nhiều sai sót trong quản lý các khâu: khám, viết đơn, phát thuốc, thanh toán viện phí v.v … Đó là kết quả của sự áp dụng  công nghệ mới mà những năm 90 TK trước hầu như không có như máy in ticket xếp hàng, máy tính kết nối nội bộ, màn hình thông báo v.v… Cần biết rằng việc phá bỏ quy trình cũ để thay thế vào những quy trình mới đã trở thành một nội dung của Quy trình học-  ngành khoa học nghiên cứu phương pháp thiết lập, vận hành/điều hành, hoàn thiện, nâng cấp hoặc phá hủy Quy trình.
4) Quy trình có thể là đối tượng nghiên cứu của luận án:  Mặc dù đã có lý thuyết về phương pháp thiết lập quy trình trong Quy trình học, nhưng cũng giống như mọi khoa học nó cũng cần được tiếp tục nghiên cứu bổ sung hoàn thiện và vận dụng vào thực tiễn.  Lĩnh vực quản lý kinh tế được xem là một “mảnh đất” cho sự ra đời và phát triển của những quy trình. Tất nhiên khi đã được đưa vào đối tượng nghiên cứu của luận án thì kết quả không phải là sự áp đặt chủ quan, sao chép kinh nghiệm, mà phải có bằng chứng thử nghiệm và các lý giải khoa học. Những hoạt động sau (theo tôi) đáng đề chúng ta nghiên cứu /hoàn thiện quy trình: Định mức kinh tế-Kỹ thuật; Giao khoán và nghiệm thu sản phẩm; Tổ chức phân tích hoạt động kinh doanh, hoạt động hàng ngày của quản đốc phân xưởng v.v…

 N.T.B.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét