Thứ Năm, 31 tháng 12, 2015

20151231. GIÁO DỤC MỘT NĂM NHÌN LẠI

ĐIỂM BÁO MẠNG
GIÁO DỤC MỘT NĂM NHÌN LẠI: TRANH LUẬN, LAY ĐỘNG VÀ CHỜ ĐỘI
Baì của PHẠM THỊ LY/ TTCT 30/12/2015
Minh họa: VIIP
Minh họa: VIIP
TTCT - Nếu có bình chọn trong thập kỷ qua năm nào có nhiều biến động nổi bật và ý nghĩa nhất trong lĩnh vực giáo dục, rất có thể năm 2015 sẽ là ứng viên số 1.


Nóng bỏng những vấn đề 
lay động cả xã hội
Hai sự kiện nổi bật nhất là tuyển sinh ĐH và vấn đề môn sử. 2015 là năm đầu tiên Bộ GD-ĐT áp dụng một phương thức thi chưa từng có tiền lệ trước đó: kết hợp hai kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH; thi trước, chọn trường sau và quá trình sàng lọc diễn ra công khai.
Như một đoàn tàu cả triệu hành khách quẹo cua bất ngờ, hàng trăm ngàn gia đình nháo nhào nộp rút, rút nộp tạo ra cảnh náo loạn, tâm trạng bất an và một số hệ quả không mong muốn, trong đó đáng lưu ý nhất là sự phá vỡ những nỗ lực hướng nghiệp bấy lâu nay.
Những bức xúc do sự bất cập của kỳ thi gây ra khiến nhiều người quên nhìn vào những điểm sáng của nó: thí sinh có nhiều cơ hội lựa chọn hơn, các trường có thể chọn được những em tốt hơn.
Dưới góp ý cực kỳ đa dạng và tâm huyết của dư luận, ngành giáo dục hẳn đã nhìn ra rất nhiều điểm cần phải cải thiện để kỳ thi tuyển sinh ĐH về sau tốt hơn. Bất kỳ nỗ lực thay đổi nào cũng sẽ có thể có va vấp, thiếu sót, nhưng phản ứng của xã hội khi được lắng nghe sẽ giúp điều chỉnh và khắc phục.
Sự kiện thứ hai trong lĩnh vực giáo dục đã lôi cuốn sự quan tâm của hầu như toàn xã hội là vấn đề môn sử trong dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể dự kiến áp dụng từ năm 2018.
Cuộc tranh cãi về việc “xóa bỏ môn sử” trên mọi phương tiện truyền thông đã dựa trên một tiền đề không chính xác: “Tích hợp môn sử nghĩa là khai tử nó”. Vì dựa trên tiền đề đó nên câu hỏi đặt ra là “Nên hay không nên giữ lại môn sử?” - một câu hỏi đã tạo ra “cơn bão trong chén trà” khiến nhiều người lao vào chứng minh một điều không cần phải chứng minh, vì không một ai có lý trí bình thường lại ủng hộ việc xóa bỏ môn sử cả.
Câu hỏi đáng lẽ có thể đặt ra là: “Có nên tích hợp môn sử hay không?”. Quan trọng nhất là nên tích hợp môn sử như thế nào (tích hợp với bộ môn nào, vào giai đoạn nào trong quá trình giáo dục, ở cấp độ nào, bằng cách nào và nhằm giải quyết vấn đề gì, nhắm tới hình thành năng lực nào?) hoặc chúng ta sẽ chuẩn bị cho giáo viên như thế nào để họ có đủ năng lực sử dụng thẩm quyền trao vào tay mình khi giảng dạy tích hợp do vậy đã chưa được bàn đến nơi đến chốn.
Mặc dù vậy, vẫn có thể thấy hai ý nghĩa nổi bật thể hiện qua cuộc tranh luận này. Một là sự đa dạng, nhiều chiều của các luồng ý kiến. Chưa có ai thống kê xem có bao nhiêu bài báo, bao nhiêu lượt bình luận về vấn đề này trên các báo, các mạng xã hội và là phát biểu của những đối tượng nào, nhưng chắc chắn đó là một bức tranh rất đa dạng.
Giới quản lý, giới sử học, giới nghiên cứu, giáo viên và giới trí thức nói chung, người dân thường, người trong nước, người ngoài nước, mọi thành phần đều lên tiếng với những quan điểm khác nhau, thậm chí trái ngược, mặc dù vấn đề môn sử có thể coi là khá nhạy cảm. Điều này quả là mới mẻ và là một tín hiệu tích cực.
Rõ ràng đã có một không gian rộng lớn hơn, cởi mở hơn để người dân có ý kiến và chính qua cọ xát về lý lẽ mà những ý kiến đúng dần dần thuyết phục được công chúng. Hai là cuộc tranh luận này đã thức tỉnh xã hội về tầm quan trọng và giá trị đích thực của giáo dục lịch sử, một vấn đề nhức nhối nhiều năm qua ai cũng biết nhưng không ai làm gì để thay đổi nó.
Câu chuyện môn sử vốn chỉ là một bộ phận nhỏ của vấn đề chương trình và sách giáo khoa phổ thông, đã chiếm rất nhiều giấy mực và thời gian, làm lấn át một vấn đề quan trọng và đáng chú ý hơn là cải cách chương trình giáo dục phổ thông tổng thể.
Chương trình đổi mới đã được xây dựng dựa trên nền tảng ý tưởng biến một nền giáo dục nhồi nhét kiến thức thành một nền giáo dục nhằm vào xây dựng năng lực. Nếu điều này trở thành hiện thực chứ không chỉ là câu khẩu hiệu treo trên tường, đó sẽ là cuộc cách mạng lớn nhất trong giáo dục kể từ năm 1945 đến nay vì sẽ thay đổi hoàn toàn cách tiếp cận từ chỗ “thầy giảng trò nghe”, “thầy đọc trò chép” đến chỗ coi giáo dục là tổ chức các hoạt động trải nghiệm nhằm phát triển năng lực và thiên hướng cá nhân.
Kỹ năng tư duy trừu tượng, khả năng tự học, năng lực tìm kiếm, đánh giá và chọn lọc thông tin, kỹ năng giao tiếp và hợp tác sẽ là những kỹ năng sống còn của con người trong kỷ nguyên kỹ thuật số. Vì thế, sự đổi mới này của giáo dục là tuyệt đối cần thiết và không thể chậm trễ hơn nữa.
Tất nhiên cuộc đổi mới này không dễ dàng. Rào cản trước hết là thay đổi cách nghĩ, cách quan niệm coi giáo dục là truyền giảng kiến thức. Những ý kiến phản đối việc tích hợp môn sử cho thấy rõ điều này.
Nhưng như người sáng lập Facebook đã nói: “Chúng ta phải dám chấp nhận rủi ro hôm nay để học bài học cho ngày mai. Chúng ta vẫn đang ở buổi đầu trong quá trình học hỏi và nhiều thứ chúng ta đang cố gắng có thể sẽ không có kết quả. Nhưng chúng ta lắng nghe, học hỏi và không ngừng cải thiện”.
Một chuyện ồn ào khác nhưng có tác động hẹp hơn là câu chuyện tự phong giáo sư của Trường ĐH Tôn Đức Thắng - cũng là một vấn đề thu hút nhiều ý kiến trái chiều. Ngoài những ý kiến ủng hộ hay phản đối trong trường hợp cụ thể này, có thể thấy một xu hướng ngày càng mạnh mẽ hướng tới những chuẩn mực được quốc tế công nhận, bao gồm việc nâng cao thành tích nghiên cứu khoa học.
Quan trọng hơn là những chính sách khích lệ sự ưu tú, trong đó có chính sách tuyển dụng và bổ nhiệm giảng viên cũng như ghi nhận thành tích và sự đóng góp của họ. Nó cho thấy sự chuyển dịch dần trọng tâm về phía các trường và đó là một tín hiệu tích cực.
Thị trường giáo dục, bài toán tài chính ĐH
Có một số thay đổi về mặt chính sách khó nhận thấy hơn vì chưa tạo ra tác động trong thực tế. Chính sách đối với khu vực giáo dục ĐH ngoài công lập, cổ phần hóa trường ĐH công và phân tầng xếp hạng các trường ĐH-CĐ thuộc loại này. Điều lệ trường ĐH có hiệu lực từ ngày 30-1-2015 đã dành một phần đáng kể nói về các quy định đối với ĐH tư, nổi bật đối với ĐH không vì lợi nhuận.
Tuy nhiên, chưa có chứng cứ nào cho thấy những quy phạm mới này sẽ góp phần tạo ra sự ổn định cho các trường ĐH tư và giải quyết vấn nạn chất lượng. Các trường tư vẫn chật vật với tuyển sinh đầu vào, đối với những trường mới và ít uy tín thì bức tranh đầu vào rất ảm đạm.
Trong bối cảnh ấy, việc mở ngành y của Trường ĐH Kinh doanh và công nghệ Hà Nội đã gây nên một làn sóng phản ứng mạnh mẽ do lo ngại về chất lượng.
Công bằng mà nói, những lo ngại này là những lo ngại đi trước và có chứa ít nhiều định kiến. Nhưng những định kiến đó không phải không có cơ sở. Nó dựa trên một thực tế người học đang là những khách hàng rất dễ bị tổn thương trong một thị trường dựa trên niềm tin và có rất ít thiết chế bảo vệ họ. Các trường còn rất nhiều việc phải làm để xóa bỏ định kiến này.
Đồng thời, phản ứng trên đây của công luận cũng đặt ra vấn đề về năng lực làm chính sách của các cơ quan quản lý. Cấp phép cho làm, đến khi nghe công luận lớn tiếng thì rút lại hay xem xét lại, đó không phải là cách quản lý có tầm chiến lược, nhất là không thể giúp tạo ra một môi trường chính sách ổn định - điều kiện không thể thiếu để xây dựng tầm nhìn dài hạn cho các trường.
Một khuynh hướng có thể thấy rõ là mở rộng tự chủ ở các trường ĐH công, bắt đầu từ việc gia tăng con số các trường tự chủ tài chính, tiến đến việc cổ phần hóa các trường này. Điều này gây ra một số lo ngại. Mặc dù tăng cường tự chủ ĐH là một điều kiện thiết yếu cho việc cải thiện chất lượng, nhưng hiện chưa có sự chú ý thích đáng tới những cơ chế thực hiện trách nhiệm giải trình của các trường.
Tự chủ mà không gắn với trách nhiệm giải trình sẽ là tùy tiện và quá trình tư nhân hóa, thương mại hóa diễn ra theo cách cổ phần hóa trường công không hứa hẹn một kết quả tốt đẹp cho lợi ích công. Có ý kiến lo ngại rằng đó là biến của công thành của tư, là một bước lùi trong việc thực thi vai trò và trách nhiệm của Nhà nước đối với giáo dục ĐH, làm giãn rộng thêm khoảng cách về cơ hội tiếp cận giáo dục bậc cao.
Chủ trương về phân tầng và xếp hạng ĐH chưa đi vào thực tế, nên chúng ta chưa thể nhìn thấy rõ tác động của nó ngoài một vài dự đoán. Nghị định 73/NĐ-CP ban hành ngày 8-9-2015 về việc phân tầng và xếp hạng chỉ đem đến những hướng dẫn cụ thể để các trường biết mình đang ở chỗ nào, nhưng còn thiếu những chính sách cụ thể đối với từng loại trường để họ có thể dựa vào đó xây dựng chiến lược.
Nhưng tựu trung, bức tranh dù ngổn ngang trên đây vẫn phản ánh một xã hội đang chuyển đổi với những xu hướng tương đối tích cực.
Phản ứng mạnh mẽ của công luận về một số vấn đề nổi cộm cho thấy không gian cho sự tham gia của công chúng vào những vấn đề của giáo dục đang mở ra nhiều hơn, và cũng cho thấy áp lực đổi mới giáo dục đang ngày càng lớn.
Nó cũng cho thấy một nhu cầu rất lớn với việc tăng cường năng lực xây dựng chính sách của Nhà nước trong những vấn đề giáo dục, xây dựng và củng cố những giao tiếp có chất lượng giữa tất cả các bên liên quan để tạo ra động lực và đồng thuận khi tiến hành đổi mới.■
Hiện tượng “tị nạn giáo dục” vẫn không giảm. Hiện nay có khoảng 300 tổ chức, cơ quan mở văn phòng tư vấn du học trong cả nước. Tổng số sinh viên Việt Nam đang du học ở nước ngoài khoảng 125.000 người tại 47 nước và vùng lãnh thổ. Riêng tại Mỹ, Việt Nam vẫn đứng thứ 8 trong số các quốc gia có nhiều du học sinh nhất. Theo báo cáo Open Doors 2015, riêng tại Mỹ thì Việt Nam có khoảng 17.000 sinh viên, tiêu tốn khoảng nửa tỉ USD mỗi năm. Số sinh viên Việt Nam đi học nước ngoài tăng đều qua từng năm và đã tăng 26% so với năm 2010. Điều này nói lên khát vọng mãnh liệt của tầng lớp trung lưu đối với giáo dục, khả năng tài chính và sự hi sinh của họ cho việc học hành của con cái. Nó cũng phản ánh một niềm tin rất thấp đối với giáo dục trong nước.
PHẠM THỊ LY

Thứ Tư, 30 tháng 12, 2015

20151230. BÀN VỀ THAY ĐỔI VÀ CƠ HỘI

ĐIỂM BÁO MẠNG
THAY ĐỔI VÀ CƠ HỘI
Bài của LÊ MINH NGUYÊN/ BVN 30/12/2015

 

Thay đổi không có nghĩa là nó sẽ đương nhiên tốt hơn. Vậy tại sao phải thay đổi? Thay đổi để thoát ra được cái cũ, nhất là cái cũ đã 70 năm và có đầy lỗi hệ thống. Ít nhất, nó cho ra một cái gì mới, việc tốt/xấu tuy chưa rõ nhưng việc thích ứng với môi trường đương đại thì rất rõ. Khủng long dù rất to, nhưng không thay đổi theo môi trường sống thì đương nhiên bị diệt chủng. Đó là luật của tạo hoá mà sinh vật không thể cưỡng. Đảng CSVN là một sinh vật nên cũng vậy.
Trong chương trình giáo dục của ngành kinh tế thương mại (MBA) các sinh viên thường học qua về Phân tích SWOT (SWOT Analysis: Strengths/điểm mạnh, Weaknesses/điểm yếu, Opportunities/cơ hội, Threats/rũi ro) để có những động thái thích hợp khi thời thế đã đổi thay. Nó nhằm dạy cho sinh viên biết thay đổi và đạt được sự tốt đẹp sau khi thay đổi. Bởi vì trên thương trường, thay đổi là một hằng số, không thay đổi là thua cuộc, là bị đào thải.
Người Đông phương tin vào Dịch Học (hay Lẽ Biến Động) mà nguyên lý âm-dương không cho tách rời để chọn một bỏ một, cho nên giữ được sự thăng bằng động trong tương quan cả hai mới là tuyệt vời gần với lẽ đạo của Dịch Kinh. Nó có nghĩa là muốn thăng bằng phải thay đổi, trong tĩnh có động và trong động có tĩnh. Các chế độ dân chủ lấy cái động (biểu tình, tranh cử tự do) để duy trì cái tĩnh (ổn định chính trị thực sự). Các chế độ độc tài lấy cái tĩnh (ổn định chính trị giả tạo) để bóp nghẹt cái động (đàn áp các động tính tự nhiên của xã hội).
Người cộng sản biết rõ là môi trường sống chung quanh luôn luôn thay đổi, nếu không thì tại sao lý thuyết của họ đề cao biện chứng pháp (dialectics) mà trong đó luôn có biến động, vì nếu có chính đề (thesis) thì sẽ có phản đề (antithesis) và sự tương tác sẽ cho ra hợp đề (synthesis). Ví dụ dễ hiểu là nếu có một người độc thân (chính đề), thì sẽ có một người độc thân khác phái (phản đề) và sự tương tác như hôn nhân sẽ cho ra đứa con (hợp đề), qua thời gian thì đứa con sẽ là chính đề... và cứ thế mà lẽ biến động mở ra về phía trước.
Trớ trêu thay khi thực hành thì người Đông phương thường bảo thủ chống lại sự thay đổi, nhất là người cộng sản. Họ đề cao luật biện chứng nhưng họ cho luật biện chứng chết ở thế giới đại đồng, vì tới đó là "Ò e Rô-be đánh đu, Tạc-zăng nhảy dù... thằn lằn cụt đuôi" không thể biện chứng được nữa. Đó là chưa nói Darth Vader Lú ở hành tinh xa xôi nào đó trong Stars War 7 cương quyết không thay đổi, cho dù đến hết thế kỷ này không biết có gặp chủ nghĩa xã hội hay chưa.
Người Tây phương, nhất là Hoa Kỳ, không biết nói nhiều về Kinh Dịch, nhưng luôn thực hành nguyên tắc âm-dương trong đời sống. Họ có thuyết Tương Đối (Relativity) mà Albert Einstein làm cho chói lọi, họ áp dụng âm-dương để làm ra máy vi tính (0 và 1 trong hệ đếm hai/binary digit), họ xây dựng quốc gia (nation-state building) trên nền tảng âm-dương mà chính quyền và đối lập luôn thăng bằng. Họ rất lo sợ đối lập bị yếu và luôn tìm cách để bảo vệ đối lập. Hầu hết các điều khoản của Hiến pháp Hoa Kỳ là để bảo vệ thiểu số trong khi đất nước do đa số hướng dẫn. Giao thiệp với thế giới, trong khi cộng tác với đảng cầm quyền của một nước nào, họ luôn luôn tiếp xúc và giúp đỡ đối lập. Nếu chỉ nói bằng hai chữ thì đó là: thăng bằng.
Chuyến đi của ông Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng từ 23-27/12/2015 qua Bắc Kinh mà ông Hùng cho là vì "lợi ích chung của hai bên to lớn hơn nhiều so với bất đồng" (www.bbc.in/1Vn10tA), nhưng ông không cho biết lợi ích to lớn của dân tộc Việt Nam là lợi ích gì? Mong ông đừng đồng hoá nó với lợi ích của đảng CSVN muốn TQ chống lưng để tiếp tục cầm quyền!
Qua những gì ông nói và làm ở TQ thì hình như là một sự đồng hoá như vậy!
Đảng đã dứt khoát không thay đổi chính trị để VN độc lập với TQ hơn và đoàn kết nội lực dân tộc trong-ngoài hơn. Chuyến đi là một sự khẳng định Đảng (đúng hơn là phe bảo thủ trong Đảng) dựa vào TQ. Điều mà nhạc sĩ Việt Khang trong bài hát "Việt Nam Tôi Đâu" cho biết phải trãi qua quá nửa đời nguời để nghiệm ra.
"Việt Nam ơi!
Thời gian quá nửa đời người
Và ta đã tỏ tường rồi"
Ông Hùng giờ đây qua chuyến đi đã khẳng định, không cần chờ lâu để "tỏ tường" là đảng CSVN tiếp tục chọn con đường dựa vào Trung Quốc cho sự "hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài (?), hướng tới tương lai" như 16 chữ vàng cột chặt con thuyền đất nước VN vào mẫu hạm TQ. Dĩ nhiên, khi cột chặt vào mẫu hạm thì hướng đi tương lai là hướng của mẫu hạm. Nội tình TQ thì ông Tập Cận Bình đang ngồi trên lửa, đảng CSTQ đang hết xăng, vậy việc tiếp tục ôm TQ có phải là một giải pháp khôn ngoan cho đảng CSVN hay không?
Hôm 23/12 ông Hùng gặp ông Tập (bit.ly/1PlS9I5) và ông Tập "gởi lời thăm hỏi, lời chúc tốt đẹp đến TBT Nguyễn Phú Trọng và CTN Trương Tấn Sang", không nhắc gì đến TT Nguyễn Tấn Dũng. Điều này chỉ có thể rơi vào một trong ba trường hợp: (1) ông Tập đã bỏ rơi ông Dũng do tam trụ Trọng-Sang-Hùng có thể đã nhượng gì với ông Tập có giá trị lớn hơn ông Dũng nhượng!? (2) ông Tập thăm VN hôm 5-6/11/2015 vừa qua, mời duy nhất ông Dũng đi thăm TQ và hai ông Tập-Dũng ôm nhau ba lần hết sức thắm thiết chỉ là đòn giả để hại ông Dũng, để chứng minh ông Dũng cũng cá mè một lứa quỵ luỵ TQ, (3) ông Tập có thể đã gởi lời thăm ông Dũng nhưng tam trụ Trọng-Sang-Hùng đang vây đánh nhất trụ Dũng nên cắt bỏ lời nhắn thăm ông Dũng khi đưa tin ra ngoài công chúng.
Hôm 25/12 ông Chủ tịch Quốc hội TQ Trương Đức Giang nói với ông Hùng là VN cần củng cố niềm tin chính trị vào TQ và nên giữ cho "quan hệ song phương trở lại theo đúng hướng", có nghĩa là VN tiếp tục ở trong quỹ đạo của TQ, không được chệch hướng về phía Hoa Kỳ (bit.ly/1Vn2vYF).
Ông Trương hướng VN đến tương lai bằng cách thúc ông Hùng là VN cộng tác trong khuôn khổ của sáng kiến TQ về "Vòng Đai và Con Đường (Belt and Road) cũng như phía VN "Hai Hành Lang và Một Vòng Tròn Kinh Tế" (Two Corridors and One Economic Circle). TQ gói bánh nhiều dây từ an ninh, quân sự, chính trị, kinh tế... với VN.
Theo Tân Hoa Xã, ông Hùng nói "Việt Nam sẵn sàng làm việc với Trung Quốc ‘để tăng cường quan hệ hợp tác...hầu có thể duy trì tình hữu nghị vĩnh cửu’" (bit.ly/1ZurXhk). Trong khi quy luật của bang giao quốc tế là "không có bạn muôn đời, cũng không có thù truyền kiếp, chỉ có quyền lợi quốc gia là vĩnh cửu", nay ông Hùng hy sinh quyền lợi quốc gia ở Biển Đông để xin "duy trì tình hữu nghị vĩnh cửu". Đau cho VN!
Hôm 25/12 ông Hùng tới quê hương Mao Trạch Đông để thăm và dâng hoa ở thành phố Thiều Sơn, tỉnh Hồ Nam. Nơi đây "Kính cẩn nghiêng mình trước tượng Chủ tịch Mao Trạch Đông, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng thành kính tưởng nhớ công lao to lớn của lãnh tụ vĩ đại..." (bit.ly/1Ja9DWz).
Ông Hùng đi TQ ngay thời điểm sau Hội Nghị Trung Ương 13 (ngày 14-21/12) mà các phe tranh nhau bất phân thắng bại, trước trận đánh kế tiếp ở Hội Nghị TU 14 vào khoảng đầu tháng Giêng, và chưa đầy một tháng trước Đại Hội 12, với nội dung vừa cậy dựa TQ vừa có vẻ muốn dồn ông Dũng vào chân tường. Ông muốn chứng tỏ cho dư luận là ông có hùng khí dám đặt vấn đề thẳng mặt với ông Tập về Biển Đông, nhưng nội dung thì co cụm và đùn đẩy cho hậu sinh, như "tích cực hợp tác", “Vấn đề trên biển là vấn đề hệ trọng... Vì vậy, xử lý vấn đề trên biển cần được đặt trong tầm nhìn chiến lược lâu dài". Khi ông Tập đến đọc diễn văn ở Quốc hội VN, không thấy Chủ tịch Hùng nêu lên vấn đề, tại sao? Chẳng lẽ chuyện biển đảo chỉ được dùng cho chính trị nội bộ?
Nhà dân chủ TQ, ông Nguỵ Kinh Sinh cho rằng ông Tập chỉ phung phí tiền bạc để tạo tiếng vang ở Biển Đông. Nơi đây, Hoa Kỳ đang đánh đòn giả với TQ (bluffing). HK không cần phải lo lắng mà chỉ cần duy trì áp lực miệng (HK thật sự lo lắng là vấn đề tin tặc). Nếu phải lo lắng là Việt Nam và Phi Luật Tân, và hai nước này nên mời HK vào Cam Ranh, Subic Bay và Clark Air Force Base. Ông Nguỵ cho rằng các đảo đó chẳng hữu ích gì cho TQ. HK sẽ chẳng thoả thuận gì (make a deal) với TQ ở Biển Đông trừ khi các chính khách HK bị bại não.
Ông Nguỵ cho rằng cốt lõi của vấn đề Biển Đông là chế độ CSTQ muốn kiểm soát yết hầu hàng hải ở Đông Á, tức là muốn kiểm soát các tuyến đường thương mại hàng hải của Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ và các nước ASEAN. Liệu ý đồ này có thành công hay không? Hiển nhiên là không. Đây là mưu tính của những người bị tàn tật não. Giả như một ngày nào đó chế độ CSTQ thực sự cắt đứt cái yết hầu hàng hải này, TQ đánh với một mình HK còn không lại thì làm sao đánh lại một liên minh gồm HK, Nhật, Hàn và các nước ASEAN?
Nếu có chiến tranh, nó sẽ đi cùng với sự trừng phạt kinh tế, và chế độ CSTQ sẽ sụp đổ ngay lập tức. Vì vậy, các cư dân mạng ở TQ đặc biệt muốn ông Tập gây chiến, qua đó để họ chứng kiến sự sụp đổ chế độ bằng việc sử dụng sức mạnh bên ngoài. Mưu tính này có thể làm cho ông Tập xem xét lại dàn cố vấn của ông để biết ai muốn TQ hỗn loạn và ai đang đánh lừa ông (bit.ly/1RLPKrF).
Ông Hùng và Đảng muốn dựa vào TQ là một sai lầm chiến lược nghiêm trọng cho VN. HK là siêu cường số một, không có tham vọng lãnh thổ, nhưng cũng không có bổn phận phải bảo vệ chủ quyền VN. VN cần HK chứ không phải HK cần VN.
Vì lợi ích cục bộ, CSVN cần TQ chống lưng hơn là cần nội lực dân tộc, trong khi việc bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ thì chính yếu là dân tộc chứ không phải ngoại bang, cho nên VN không thể vận công để đoàn kết dân tộc trên toàn quốc cũng như quốc nội-hải ngoại, trong khi khối người Mỹ gốc Việt càng ngày càng có nhiều ảnh hưởng hơn lên chính sách của HK đối với VN.
Thay đổi không phải chỉ có rũi ro mà là cơ hội. Những người cộng sản Đông Âu hay Liên Xô có viễn kiến đều thành công sau thay đổi. Một cá nhân cương quyết thay đổi, có thể từ đạp xích lô trở thành nhà khoa học. Một tập thể lãnh đạo mạnh dạn thay đổi, VN sẽ có cơ hội vươn vai Phù Đổng để trở thành một dân tộc mạnh trên trường thế giới.
Trên lãnh vực này, VN nên lãnh đạo TQ chứ không nên để TQ lãnh đạo VN. Đây là sinh lộ cho VN hưng thịnh, vì VN dân chủ dẫn theo một TQ dân chủ mới là sự ổn định thực sự, như HK nằm sandwiched hài hòa giữa Gia Nã Đại và Mễ Tây Cơ, chứ không "đại cục hữu nghị" mà thực chất là ỷ mạnh hiếp yếu như TQ đối với VN hiện nay.
Thay đổi là cơ hội để vượt qua sự bất hạnh cho một dân tộc thông minh, cần cù và dũng cảm.
l.M.N.
28/12/2015
Tác giả gửi BVN

Thứ Ba, 29 tháng 12, 2015

20151229. LẠI BÀN VỀ THỐNG KÊ VIỆT NAM

ĐIỂM BÁO MẠNG
THỂ CHẾ VÀ THỐNG KÊ
Bài của TÔ VĂN TRƯỜNG/ BVN 28/12/2015
Theo lý thuyết điều khiển thì việc ghi nhận dữ liệu của mọi hệ thống một cách chính xác, đầy đủ, kịp thời và phân tích chúng mang ý nghĩa quyết định đối với sự vận động của hệ thống đó. Từ đây, mới thấy thống kê là công cụ không thể thiếu của các nhà kỹ trị trong thế giới văn minh.
Thế nhưng với tâm thế bưng bít sự thật của một thể chế toàn trị thì thống kê không bao giờ được đặt đúng vị trí cần phải có của nó vốn là môn khoa học và tất nhiên bị chế biến, bóp méo cho phù hợp với chủ quan của nhà cầm quyền.
 Con số mà ông Tổng thanh tra chính phủ Huỳnh Phong Tranh đưa ra ngày 13/12 vừa qua trong chương trình “Dân hỏi – Bộ trưởng trả lời”, mới thật sự làm người dân phải giật mình. Theo đó, trong năm 2015, ngành thanh tra chính phủ đã thực hiện 40.000 cuộc thanh tra các cấp và đã phát hiện sai phạm 212.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 10 tỷ USD.
Người dân còn kinh ngạc, chỉ riêng số tiền ngót nghét 100 triệu đô-la ngân sách phải chi tiêu để nuôi Văn phòng Trung ương Đảng năm 2014. Nhiều người dân ngạc nhiên là báo cáo về tham nhũng của ông Huỳnh Phong Tranh có vẻ rất bi đát, nhưng lại mâu thuẫn với những thống kê tạo ra một sự lạc quan có thể giả tạo.
Đảng lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối, phải chịu trách nhiệm về tình trạng kinh tế xã hội của đất nước hôm nay. Chỉ nhìn vào các con số biết nói để thấy bức tranh toàn diện về nền kinh tế nước nhà. Tiếc thay, công tác thống kê lâu nay, rất tù mù, “ru ngủ” là mầm mống đại họa của nguy cơ “vỡ trận tài chính”! Cải cách cái gốc là thể chế nhưng trước hết phải bắt đầu từ công tác thống kê!
Thống kê hay… bóp méo?
Một trong những khiếm khuyết lớn nhất của hệ thống quản trị của nước ta là sự thiếu công khai, minh bạch, trong việc chi tiêu và quản lý tiền bạc (tiền thuế của dân) và đây cũng là một nguyên nhân dẫn đến tình cảnh đất nước hiện nay. Suy cho cùng là hậu quả của một xã hội thiếu dân chủ và không minh bạch.
      Nếu đi sâu tìm hiểu sẽ thấy tình hình thống kê từ Tổng cục thống kê, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước ngày càng tệ cho nên không thể vẽ ra một bức tranh đầy đủ và trung thực về kinh tế của nước nhà.
Cách đây 3 năm , tôi đã viết bài “Con số mà biết nói năng” trong đó nêu rõ con số thống kê ở Việt Nam do bệnh thành tích và “phục vụ yêu cầu lãnh đạo” nên thường được “chế biến” theo ý kiến chỉ đạo của những người có trách nhiệm ở cả trung ương và địa phương (GDP các địa phương sai lệch rất nhiều so GDP cả nước) vv...
Không có gì phải ngạc nhiên, trên báo Phụ nữ Today có lần đăng bài phỏng vấn ông Chủ tịch hội Thống kê quốc gia Nguyễn Văn Tiến đã huỵch toẹt thẳng thừng các chỉ số thống kê luôn có hai loại. Loại dùng công bố cho dân hầu hết là con số láo, khác xa với chỉ số thật. Chủ tịch hội Thống kê quốc gia còn khuyên người dân một cách rất mỉa mai và… ngang ngược rằng “chấp nhận công bố bao nhiêu biết bấy nhiêu, người dân thấy sao cứ biết vậy đi!”
      Nhìn lại lịch sử từ năm 1954-1975 đất nước Việt Nam chia làm hai miền thuộc hai chế độ chính trị khác nhau. Ở miền Bắc, ngành thống kê áp dụng phương pháp luận của “Hệ thống các bảng cân đối vật chất - MPS”. Ở miền Nam, Viện Thống kê thuộc chính quyền Sài Gòn áp dụng “Hệ thống các tài khoản quốc gia - SNA”. Thời kỳ 1976-1988 đất nước thống nhất, ngành thống kê áp dụng MPS cho phạm vi cả nước. Từ 1989 đến nay, ngành thống kê Việt Nam áp dụng SNA trên phạm vi toàn quốc (ngày 25-12-1992, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định 183/TTg về việc chính thức áp dụng hệ thống SNA trên phạm vi cả nước thay cho hệ thống MPS trước đây).
Theo tôi hiểu, tất cả mọi số liệu thống kê đều phải đi từ số liệu nguyên thủy, số liệu gốc từ nơi phát sinh ra. Trình độ phát triền khoa học, công nghệ cho phép thu thập số liệu này ngày càng đầy đủ hơn, chuẩn xác hơn. Thống kê về tình hình kinh tế-xã hội có phức tạp hơn so với những số liệu, thống kê về các hiện tượng tự nhiên.
Vấn đề được đặt ra không phải chỉ là có được số liệu thống kê mà còn phải biết phân tích xử lý thống kê. Chẳng hạn như có số liệu thống kê tổng số nợ, nợ xấu  và số liệu đó được hình thành từ việc tổng hợp các khoản nợ do các con nợ và chủ nợ đứng ra cho vay. Thế nhưng khi báo cáo lại không chịu làm rõ là ai nợ, vay nợ để kinh doanh trong lĩnh vực nào  thì khó có thể có giải pháp thích hợp để khắc phục tình hình. Các đại biểu Quốc hội cũng không chú ý đúng mức đến yêu cầu Chính phủ phải báo cáo cụ thể thực trạng đó mà nặng về đòi hỏi phải có con số chuẩn xác về nợ. Đó là thiếu sót trong việc xử lý phân tích số liệu thống kê. 
Chuẩn mực hay không chuẩn mực
Ngay từ thập kỷ 80, chuyên gia quốc tế đã giúp đỡ Việt Nam xây dựng Thống kê theo chuẩn của Liên Hiệp Quốc. Chính ông Võ Văn Kiệt là người ký giấy ra lệnh cho Tổng cục thống kê phải làm.  Nhờ có quyết định nhanh chóng của ông Võ Văn Kiệt và ông Nguyễn Cơ Thạch cho phép điều tra thống kê để nắm rõ tình hình kinh tế thay vì dựa vào báo cáo vừa láo, vừa không đầy đủ. 
Năm 1989, tiền viện trợ làm điều tra tổ chức lại hệ thống thống kê là 700 ngàn USD. Sau đó, nhiều dự án của ADB, WB và EU liên tục giúp đỡ Việt nam. Nhưng sau đó, công tác thống kê không được coi trọng, nhiều vấn đề các cơ quan chức năng ở trong nước không tiếp tục vì ngại mất sức. Nhiều thông tin chỉ còn được giữ trong ngăn kéo. Chuẩn mực quốc tế, trước kia có thể châm chước, vẫn không được áp dụng đặc biệt là ngân sách. Tài khoản quốc gia cũng thế. Số liệu về tiền tệ tín dụng gần như không được công bố.
      Nếu bạn đọc quan tâm, chỉ cần đọc báo cáo về doanh nghiệp nhà nước thì thấy không thể tưởng tượng được Bộ Tài chính lại có thể làm sơ sài đến thế. Tại sao không công bố số liệu của từng doanh nghiệp trong 871 doanh nghiệp nhà nước sở hữu 100%  theo một bảng báo cáo chuẩn theo đúng qui định và công bố rộng rãi hàng năm?
GDP: 186 tỷ đô la US.  Chi tiêu của Chính phủ có thể nhìn theo hai cách:
  1. Tổng chi phí hàng năm cho dịch vụ nhà nước, đầu tư, và trả nợ: Tổng là 47,8 tỷ US, bằng 25,6% GDP. Trước đây, tỷ lệ cao gần 30% GDP. Đây là tỷ lệ rất cao so với các nước khác trong khu vực. Đây là số liệu của ADB nhưng có thể chỉ phản ánh số dự toán chứ không phải thực chi.  Sự thật,  sau khi kiểm toán có thể cao hơn.
  2. Hoạt động chi phí trong khu vực dịch vụ nhà nước (chi phí thường xuyên cho hành chính, giáo dục, y tế, an ninh, vv…).
Ngay cả đối với những người làm công tác nghiên cứu, nếu mở quyển niên giám thống kê hàng năm thì không thể tìm được số liệu rõ ràng về lao động trong từng hoạt động thuộc khu vực nhà nước. Thí dụ, báo cáo điều tra lao động có việc làm, không cho số liệu lao động trong khu vực nhà nước (nhưng không phải doanh nghiệp nhà nước).
          Tôi đã tra cứu niên giám thống kê cũng thế:
Trong tổng chi phí, thì theo báo cáo, 9,8 tỷ hay 20,6%  là đầu tư. Con số này nhỏ, hơi khó tin vì Việt Nam không kể giá trị đất đai đưa vào đầu tư. Tuy vậy, còn phải kể đầu tư trong khu vực doanh nghiệp nhà nước. Nơi tham nhũng nhiều nhất là đầu tư của nhà nước + đầu tư của doanh nghiệp nhà nước. Đầu tư thường là 30% GDP (nhiều năm trước đây lên đến 40%).  Như vậy, có thể hình dung con số tham nhũng, thất thoát khủng đến cỡ nào?
Mới đây, trên báo Vef.Vn có bài :”Lạm phát thấp kỷ lục: Kỳ tích không cần đánh đổi” đưa ra những con số của Tổng cục thống kê để minh họa cho nội dung bài viết. Theo tôi hiểu thực ra không có quan hệ tuyến tính giữa tăng trưởng và lạm phát. Thế giới trong năm qua, giá dầu giảm nhanh, giá nguyên liệu, sản phảm thế giới đều giảm. Nếu chỉ tính "core inflation" thì tăng hơn 2% một chút. Đó là vì chưa điều chỉnh dịch vụ, nếu tính đủ cũng tăng CPI thêm 2% nữa.
Nếu nhìn lại quá khứ, Đảng và Chính phủ đã  hai lần (năm 2007 và 2011) đẩy mạnh in tiền, phát hành tín dụng để tăng tốc GDP lên 9-10%  đã thất bại, và chỉ tăng lạm phát và tham nhũng. Vì vậy, mà phải dẹp cái trò "QUYẾT TÂM"! Nếu có một tý công làm tình hình ổn định (tức là ít lạm phát) thì phải tìm ra người đã quyết tâm ngăn cản việc lạm phát tín dụng. Riêng về thất nghiệp và doanh nghiệp nội địa còn nhiều khó khăn là điều dễ hiểu vv...
Thay cho lời kết
 Cái sai, cái láo của con số thống kê chỉ là một biểu hiện thấy rõ của cái sai lỗi hệ thống ở nước ta. Dưới chiêu bài giữ vững ổn định chính trị hoặc đề phòng kẻ địch lợi dụng phá hoại, người ta đã cố tình vẽ ra một bức tranh không trung thực về tình hình kinh tế xã hội. Suy cho cùng, đó mới chính là nguy cơ làm cho đất nước mất ổn định dẫn đến “vỡ trận tài chính”!.
      Thống kê phải độc lập để bảo đảm tính khách quan, ngân sách phải được Quốc hội qui định trực tiếp. Mọi điều tra và báo cáo thống kê không phải thông qua bất cứ ai.
      Công tác thống kê có vai trò rất quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước. Con số thống kê là động lực phát triển hay là hòn đá tảng cản trở sự phát triển phụ thuộc vào tư duy, tầm nhìn của người lãnh đạo và bản lĩnh của những người làm công tác thống kê. Trong thời đại hội nhập, và thông tin kỹ thuật số những ngôn từ che đậy và các con số “biết nhẩy múa”  của thống kê chỉ làm hại cho sự phát triển vững bền của đất nước.
TVT (Tác giả gửi  BVB)
------------