Thứ Ba, 1 tháng 12, 2015

20151201. BÀN VỀ ĐỊNH HƯỚNG XÃ HỘI CHỦ NGHĨA

ĐIỂM BÁO MẠNG
CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN NGHIÊN CỨU THỜI KỲ QUÁ ĐỘ LÊN CHỦ NGHĨA XÃ HỘI, BỎ QUA CHẾ ĐỘ TƯ BẢN CHỦ NGHĨA Ở VN HIỆN NAY
Bài của TS PHẠM  TẤT THẮNG/ TCCS 24/11/2015
TCCSĐT - Quá độ lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa là một trong những vấn đề lý luận đặc biệt căn bản hiện nay. Để làm rõ con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế hiện nay thì nghiên cứu những cơ sở lý luận và thực tiễn chủ yếu ở nước ta là một điều kiện tiên quyết.
NTB- Bài thiếu trích dẫn minh bạch!
Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta về thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa ở Việt Nam
Tư tưởng Hồ Chí Minh về quá độ lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa (hay bỏ qua giai đoạn phát triển của chủ nghĩa tư bản) ở Việt Nam là một trong những nội dung chủ yếu hợp thành tư tưởng Hồ Chí Minh. Ngay từ những năm 20 của thế kỷ XX, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quyết định lựa chọn con đường phát triển của cách mạng Việt Nam là cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, tiến triển lên cách mạng xã hội chủ nghĩa. Sự lựa chọn này được Đảng ta khẳng định trong “Chính cương vắn tắt” năm 1930 do Người soạn thảo. Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ nhất của Đảng ta (năm 1930) khẳng định tính chất cách mạng Đông Dương là cách mạng tư sản dân quyền, sau đó chuyển sang giai đoạn cách mạng xã hội chủ nghĩa.
Trong điều kiện quá độ lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa, thì ở nước ta phải xây dựng chủ nghĩa xã hội như thế nào? Đây chính là vấn đề đặc điểm nước ta khi bước vào thời kỳ quá độ, về xác định những điều kiện, biện pháp, cách làm và bước đi, mà theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, là hết sức quan trọng, đòi hỏi nhiều nỗ lực sáng tạo. Theo Người, đặc điểm to nhất của nước ta trong thời kỳ quá độ là từ một nước nông nghiệp lạc hậu tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội, không kinh qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa. Đặc điểm bao trùm này quy định loại hình phát triển của nước ta lên chủ nghĩa xã hội là loại hình “phát triển rút ngắn” theo phương thức quá độ gián tiếp. Ở đây, có hai điểm đáng lưu ý:
Một là, đối với Việt Nam, tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội, không qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa là một tất yếu. Không qua chế độ tư bản chủ nghĩa, bởi đó là một chế độ áp bức, bóc lột và nô dịch con người. Song, không qua tư bản chủ nghĩa không có nghĩa là vứt bỏ, là phủ định sạch trơn mọi thành tựu của văn hóa và văn minh, mọi tiến bộ khoa học - kỹ thuật mà loài người đã đạt được trong tư bản chủ nghĩa. Việt Nam ở điểm xuất phát thấp, từ xã hội thuộc địa, nửa phong kiến đi lên càng phải chú trọng khai thác, vận dụng những tri thức, những thành tựu đó trong thực tiễn xây dựng chế độ mới.
Hai là, “tiến thẳng” lên chủ nghĩa xã hội chỉ với nghĩa là bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa. Với hoàn cảnh, điều kiện và trình độ của Việt Nam, “tiến thẳng” lên chủ nghĩa xã hội đòi hỏi phải tiến dần, từ từ, từng bước một, cố gắng đi nhanh cho kịp với thế giới, nhưng phải đúng quy luật, không thể chủ quan, duy ý chí, không thể đốt cháy giai đoạn.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hình dung tính chất phức tạp và lâu dài của sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta, vì việc cải tạo xã hội cũ, xây dựng xã hội mới không chỉ là về vật chất mà còn là cải tạo tư tưởng, gạt bỏ những gì cũ kỹ, lạc hậu, những thói hư, tật xấu kìm hãm sự phát triển. Người cho rằng, xây dựng chủ nghĩa xã hội là một cuộc đấu tranh cách mạng phức tạp, gian khổ và lâu dài. Một chế độ này biến đổi thành chế độ khác là cả một cuộc đấu tranh gay go, quyết liệt và lâu dài giữa cái xấu và cái tốt, giữa cái cũ và cái mới.
Từ đó, Người xác định toàn diện các nhiệm vụ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta: kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa (bao gồm cả đạo đức, tư tưởng, tinh thần, lối sống), đào tạo cán bộ, phát triển khoa học - kỹ thuật, phát triển giáo dục, xây dựng con người mới. Mấu chốt của vấn đề kinh tế là phát triển lực lượng sản xuất. Mấu chốt của vấn đề chính trị là giữ vững chế độ, bảo vệ thành quả cách mạng, thực hành và phát huy dân chủ, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, xây dựng Nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân. Mấu chốt của vấn đề xã hội là bảo đảm công bằng xã hội, hướng vào sự phát triển con người và xã hội. Mấu chốt của vấn đề văn hóa là xây dựng con người mới, đạo đức, và lối sống mới.
Trong báo cáo “Bàn về cách mạng Việt Nam” của đồng chí Trường Chinh trình bày tại Đại hội II của Đảng (năm 1951) có đề cập tới triển vọng của cách mạng Việt Nam và nêu rõ con đường phát triển tất yếu của cách mạng Việt Nam là tiến lên chủ nghĩa xã hội. Nội dung của bản báo cáo này được đúc kết trong bản Chính cương của Đảng Lao động Việt Nam. Ở đây, Đảng ta khẳng định, cách mạng Việt Nam đi theo con đường tất yếu của nó là tiến lên chủ nghĩa xã hội, quyết không thể có một con đường nào khác. Đặc điểm cơ bản của quá trình phát triển của nó là từ xã hội có tính chất thuộc địa nửa phong kiến qua dân chủ nhân dân, đến xã hội xã hội chủ nghĩa. Trong báo cáo đó, đồng chí Trường Chinh nêu lên ba giai đoạn của quá trình cách mạng Việt Nam: (1) Giai đoạn tiêu diệt đế quốc xâm lược, giải phóng dân tộc, củng cố Nhà nước dân chủ nhân dân; (2) Giai đoạn xóa bỏ những di tích phong tiến và nửa phong kiến, triệt để thực hiện “người cày có ruộng”, hoàn thành chế độ dân chủ nhân dân; (3) Giai đoạn làm xong nhiệm vụ dân chủ nhân dân, xây dựng đầy đủ điều kiện để tiến lên chủ nghĩa xã hội. Ông cho rằng, ở hai giai đoạn đầu, hình thức chính quyền nhà nước là dân chủ chuyên chính, thực chất là công nông chuyên chính. Đến giai đoạn thứ ba, dân chủ chuyên chính sẽ biến thành vô sản chuyên chính. Hình thức nhà nước cộng hòa dân chủ nhân dân vẫn có thể tồn tại khi nội dung của nó đổi thành chuyên chính vô sản. Nhưng nội dung phát triển và hoàn thiện tới một mức nào đó thì chế độ dân chủ nhân dân sẽ trở thành chế độ dân chủ xã hội chủ nghĩa.
Khi hòa bình được lập lại ở miền Bắc (năm 1954), Đảng ta đã lựa chọn con đường xã hội chủ nghĩa. Tại các nghị quyết của Hội nghị Trung ương 8 (năm 1955), 14 (năm 1958) và 16 (năm 1959) khóa II đã cho thấy rõ điều đó. Như vậy, từ năm 1954, miền Bắc nước ta đã từ cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân chuyển sang cách mạng xã hội chủ nghĩa và cũng có nghĩa là bắt đầu thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa. Đường lối chung của Đảng ta trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội lúc đó ở miền Bắc là: đưa miền Bắc tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội; sử dụng chính quyền dân chủ nhân dân làm nhiệm vụ lịch sử của chuyên chính vô sản để thực hiện cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với nông nghiệp, thủ công nghiệp, thương nghiệp nhỏ và công thương nghiệp tư bản chủ nghĩa tư doanh; phát triển thành phần kinh tế quốc doanh, thực hiện công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa bằng cách ưu tiên phát triển công nghiệp nặng một cách hợp lý, đồng thời ra sức phát triển nông nghiệp và công nghiệp nhẹ; đẩy mạnh cách mạng xã hội chủ nghĩa về tư tưởng, văn hóa và kỹ thuật; biến nước ta thành một nước xã hội chủ nghĩa có công nghiệp hiện đại, nông nghiệp hiện đại, văn hóa và khoa học tiên tiến.
Khi miền Nam giải phóng, thống nhất đất nước (năm 1975), Đảng ta vẫn nhất quán lựa chọn con đường cả nước cùng đi lên chủ nghĩa xã hội. Đại hội IV (năm 1976) của Đảng đã thông qua đường lối chung của cách mạng xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn mới ở nước ta là: Nắm vững chuyên chính vô sản, phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động, tiến hành đồng thời ba cuộc cách mạng: cách mạng về quan hệ sản xuất, cách mạng khoa học - kỹ thuật, cách mạng tư tưởng - văn hóa, trong đó cách mạng khoa học - kỹ thuật là then chốt; đẩy mạnh công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa là nhiệm vụ trung tâm của thời kỳ quá độ. Đại hội IV đã dự báo chúng ta phấn đấu hoàn thành về cơ bản quá trình đưa nền kinh tế nước ta từ sản xuất nhỏ lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa trong khoảng thời gian 20 năm. Đại hội coi nội dung của đường lối chung của cách mạng xã hội chủ nghĩa và đường lối phát triển kinh tế xã hội chủ nghĩa ở nước ta là nội dung cơ bản của đấu tranh giai cấp gay go, phức tạp nhằm giải quyết vấn đề “ai thắng ai”, giữa giai cấp vô sản và giai cấp tư sản, giữa con đường xã hội chủ nghĩa và con đường tư bản chủ nghĩa.
Đại hội V (năm 1982), Đảng ta khẳng định tiếp tục khẳng định đường lối cách mạng xã hội chủ nghĩa và con đường xây dựng nền kinh tế xã hội chủ nghĩa do Đại hội IV của Đảng xác định. Nhưng Đại hội V đã đề ra những mục tiêu và chính sách lớn để thực hiện đường lối của Đại hội IV và cụ thể hóa đường lối mà Đại hội IV đã đưa ra, đặc biệt là đã xác định chiến lược kinh tế - xã hội cho chặng đường đầu tiên của quá trình công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa. Đại hội V dự đoán rằng, quá trình công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa ở nước ta phải trải qua hai chặng đường dài là chặng đường đầu tiên và chặng đường tiếp theo. Như vậy, Đại hội V đã nhận thấy thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa ở Việt Nam phải trải qua quá trình lâu dài, trải qua nhiều chặng đường.
Hiện nay, Đảng ta vẫn dùng khái niệm “thời kỳ quá độ”, nhưng nội dung của khái niệm đó đã có nhiều thay đổi. Trong Cương lĩnh được thông qua tại Đại hội VII (năm 1991), Đảng ta xác định: Nước ta quá độ lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua chế độ tư bản, từ một xã hội vốn là thuộc địa, nửa phong kiến, lực lượng sản xuất rất thấp. Đất nước trải qua hàng chục năm chiến tranh, hậu quả để lại còn nặng nề. Những tàn dư thực dân, phong kiến còn nhiều. Các thế lực thù địch thường xuyên tìm cách phá hoại chế độ xã hội chủ nghĩa và nền độc lập dân tộc của nhân dân ta... Đại hội IX (năm 2001) của Đảng khẳng định: Trong thời kỳ quá độ, có nhiều hình thức sở hữu về tư liệu sản xuất, nhiều thành phần kinh tế, giai cấp, tầng lớp xã hội khác nhau, nhưng cơ cấu, tính chất, vị trí của các giai cấp trong xã hội ta đã thay đổi nhiều cùng với những biến đổi to lớn về kinh tế, xã hội. Đại hội XI của Đảng (năm 2011) nêu mục tiêu tổng quát khi kết thúc thời kỳ quá độ ở nước ta là xây dựng được về cơ bản nền tảng kinh tế của chủ nghĩa xã hội, với kiến trúc thượng tầng về chính trị, tư tưởng, văn hóa phù hợp, tạo cơ sở để nước ta trở thành một nước xã hội chủ nghĩa ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.
Cơ sở thực tiễn nghiên cứu thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay
Nhiều năm liên tục chúng ta áp dụng máy móc mô hình chủ nghĩa xã hội Xô - viết để xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam trong thời kỳ quá độ. Đó là học hỏi kinh nghiệm của Liên Xô với sự khái quát thành 9 quy luật xây dựng chủ nghĩa xã hội trong thời kỳ quá độ mà Hội nghị các đảng cộng sản và công nhân các nước xã hội chủ nghĩa họp ở Mát-xcơ-va năm 1957 đã thông qua. Có thể thấy, 9 quy luật đó được phản ánh trong văn kiện các Đại hội III, IV, V của Đảng ta. Mặc dù cũng đạt được những thành tựu nhất định trong xây dựng chủ nghĩa xã hội, nhưng chúng ta đã áp dụng máy móc mô hình chủ nghĩa xã hội Xô-viết vào Việt Nam mà nội dung của nó là không thừa nhận sản xuất hàng hóa và cơ chế thị trường, coi kế hoạch là đặc trưng quan trọng nhất của kinh tế xã hội chủ nghĩa; không thừa nhận nền kinh tế nhiều thành phần, coi kinh tế quốc doanh và tập thể là chủ yếu, muốn nhanh chóng xóa bỏ sở hữu tư nhân, xây dựng nền kinh tế khép kín, hướng nội, thiên về phát triển công nghiệp nặng, chủ yếu dựa vào lợi thế về lao động, tài nguyên, đất đai và nguồn viện trợ của các nước xã hội chủ nghĩa đi trước; thi hành chế độ phân phối theo lao động trên danh nghĩa, nhưng thực tế là bình quân, cào bằng, ít quan tâm tới lợi ích cá nhân; thực hiện chế độ bao cấp tràn lan, tạo ra tâm lý thụ động, ỷ lại vào Nhà nước, không phát huy được tính năng động và tích cực của người lao động. Gắn liền với việc áp dụng máy móc mô hình chủ nghĩa xã hội Xô-viết vào Việt Nam là những sai lầm về lãnh đạo và quản lý. Đó là những sai lầm nghiêm trọng và kéo dài về chủ trương, chính sách lớn, về chỉ đạo chiến lược và tổ chức thực hiện, đặc biệt là bệnh chủ quan, duy ý chí, lối suy nghĩ và hành động giản đơn, nóng vội, chạy theo nguyện vọng chủ quan.
Đến nay, nội dung của thời kỳ quá độ lên xã hội chủ nghĩa, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa ở nước ta đã nêu ra tại các Đại hội III, IV và V của Đảng có nhiều điểm không còn thích hợp. Điều đó đòi hỏi chúng ta phải xem xét lại nội dung của thời kỳ quá độ và tìm nội dung mới thích hợp.
Qua đây, ta có thể rút ra một số nhận xét sau:
Một là, trong quá trình vận dụng học thuyết Mác - Lênin về thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội và kinh nghiệm xây dựng chủ nghĩa xã hội của các nước xã hội chủ nghĩa vào thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội trong thời kỳ quá độ ở Việt Nam, Đảng ta đã luôn vận dụng sáng tạo, thậm chí mạnh dạn bổ sung thêm quy luật công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa.
Hai là, Đảng ta rất chú ý đến đặc điểm xuất phát của đất nước để từ đó định ra đường lối, chính sách. Điều đó được thể hiện rõ ở các Đại hội II, III, IV và V.
Ba là, Đảng ta nhận thấy thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa ở nước ta là thời kỳ quá độ lâu dài và do đó, đã nói tới các chặng đường mà nước ta phải trải qua.
Một số vấn đề rút ra từ tìm hiểu cơ sở lý luận và thực tiễn quá độ lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa
Qua sự phân tích trên, có thể rút ra kết luận là, chúng ta không chỉ phải đổi mới tư duy về chủ nghĩa xã hội mà còn phải đổi mới tư duy về thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa ở nước ta, nghĩa là phải xây dựng một lý thuyết mới về thời kỳ quá độ.
1. Các nhà kinh điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin chỉ rõ để tiến lên chủ nghĩa cộng sản có rất nhiều con đường khác nhau phụ thuộc vào những điều kiện kinh tế, xã hội và đặc điểm của các dân tộc. Từ đó các ông khẳng định, đi lên chủ nghĩa cộng sản, bỏ qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa là một con đường phát triển tất yếu, khách quan của nhiều dân tộc có xuất phát điểm tiền tư bản chủ nghĩa với những điều kiện nhất định.
2. Trong bối cảnh hiện nay, rõ ràng nhiều quan niệm về thời kỳ quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội không còn phù hợp; nhiều vấn đề của thời đại cần được quan tâm; sự thay đổi một cách tổng thể tương quan lực lượng, sức mạnh, vai trò trong quan hệ quốc tế... đòi hỏi ta cần có sự thay đổi một cách căn bản tư duy lý luận về quá độ lên chủ nghĩa xã hội trong bối cánh mới.
3. Sau nhiều năm áp dụng mô hình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Liên xô và các nước Đông Âu, mặc dù có sự sáng tạo và đã đạt được nhiều thành tựu nhưng trong bối cảnh hiện nay, quan điểm của Đảng ta về thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội đã có nhiều điểm đổi mới.
Thứ nhất, Đảng ta không dùng cụm từ “bỏ qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa” mà là “bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa”.
Thứ hai, Đảng ta đề cao đặc điểm xuất phát. Chính xuất phát điểm đặc thù quy định kiểu quá độ của nước ta, quy định nội dung, nhiệm vụ, hình thức, biện pháp, lực lượng, động lực, độ dài và bước đi.
Thứ ba, xuất phát từ thực trạng bối cảnh thế giới mới: Hệ thống xã hội chủ nghĩa hiện thực đã sụp đổ; chủ nghĩa tư bản có sự điều chỉnh và có sự hoàn thiện mới; phong trào cộng sản và công nhân thế giới đang trong thời kỳ thoái trào; toàn cầu hóa sâu sắc; những thành tựu mới của cuộc cách mạng khoa học - công nghệ; sự xuất hiện và vai trò của kinh tế tri thức…
Thứ tư, đặc biệt quan trọng là vấn đề “con người”. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội phải có những con người xã hội chủ nghĩa. Con người là chủ thể, là mục đích, động lực của thời kỳ quá độ, vì vậy, cần đặc biệt quan tâm đến vấn đề con người, xây dựng con người mới phù hợp với quá trình phát triển trong thời kỳ quá độ. Điều cơ bản đối với xã hội Việt Nam với xuất phát điểm lên chủ nghĩa xã hội từ xã hội thuộc địa, nửa phong kiến thì để con người gánh vác được nhiệm vụ của thời kỳ quá độ cần phải đặc biệt quan tâm hai khía cạnh dân chủ và kỷ cương. Đó là phát huy dân chủ một cách thực sự và đề cao vai trò của pháp luật (xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa) để tạo lập kỷ cương xã hội trong thời kỳ quá độ. Những hệ lụy, nguy cơ, thách thức nảy sinh trong đời sống xã hội ta thời gian qua về cơ bản đều bắt nguồn từ sự “thái hóa, biến chất của một bộ phận không nhỏ” cán bộ, đảng viên trong quá trình thực thi công vụ./.
TS. Phạm Tất Thắng
XEM THÊM:
TẢN MẠN MÙA ĐÔNG 2015
Bài của  TS.TÔ VĂN TRƯỜNG / BVN/BVB  30/11/2015
Năm nay, thời tiết bất thường, miền Bắc như không còn mùa thu, trời như mùa hè. Sắp đến ngày Noel mà rét cũng chỉ “chấm phẩy” cho lòng người đỡ nhớ. Đồng bằng sông Cửu Long cũng mất mùa nước nổi. Phải chăng trời đất cũng trở nên “đỏng đẳnh” như chính trị kinh tế và xã hội của nước nhà trước thềm Đại hội Đảng khóa 12?
Kỳ họp Quốc hội khóa 13.
Phiên họp thường kỳ khóa 13 của Quốc hội vừa mới bế mạc với lời phát biểu tổng kết khá ấn tượng của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng. Bức tranh kinh tế xã hội của đất nước dưới sự điều hành của Chính phủ đã được Quốc hội đánh giá công khai các mặt được và chưa được trên diễn đàn Quốc hội.
Lần đầu tiên Quốc hội đổi mới hoạt động chất vấn không chọn một số Bộ trưởng như các kỳ trước. Ba Phó Thủ tướng đã tham gia trả lời chất vấn thể hiện rõ vai trò trách nhiệm của mình cùng với các thành viên Chính phủ. Tiếc rằng, có 2 lĩnh vực được cử tri cũng rất quan tâm là Quốc phòng và An ninh, có lẽ vì “tế nhị” nên vắng bóng các câu chất vấn ở nghị trường hay các vị không quen chất vấn ngành công an?
Một số bài báo ca ngợi sự điều hành “truy vấn” các thành viên Chính phủ của Chủ tịch Quốc hội nhưng nếu am hiểu văn hóa nghị trường thì đây chính là “hạt sạn” vì không có chế độ thủ trưởng trong cơ quan dân cử.
Tại sao?
Trong bài tản mạn này, người viết muốn bổ sung sự quan tâm của cử tri qua một số câu hỏi tại sao (riêng phần “tại vì” và kiến nghị “lối ra” sẽ đăng ở dịp khác).   
Tại sao nền kinh tế của Việt Nam có tăng trưởng mà không có phát triển, không tạo được tiền đề gì đáng kể cho bước phát triển nhanh và bền vững của giai đoạn tiếp theo, mà ngược lại còn đẩy nền kinh tế đến khó khăn ghê gớm như hiện nay. Sản xuất trong nước giảm sút mạnh, những bất ổn kéo dài của kinh tế vĩ mô. Nợ công đã ở mức cao và đang tăng khá nhanh, nếu tính theo chuẩn quốc tế thì nợ công của nước ta đã vượt ngưỡng an toàn lâu rồi. Tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước ở mức cao và đang trong xu thế tăng nhanh; về số tuyệt đối, nợ xấu của hệ thống ngân hàng còn quá lớn?
Tại sao trong cùng một khoảng thời gian 25-30 năm, các nước có cùng điểm xuất phát như Việt Nam, thậm chí nhiều nước còn kém hơn nhiều, lại phát triển nhanh, toàn diện và ổn định?. Họ đã thực hiện công nghiệp hóa thành công còn ta thì thất bại và hệ lụy là nước ta bị tụt hậu ngày càng xa cả về kinh tế lẫn văn hóa - xã hội so với các nước trong khối ASEAN, Trung Quốc, Hàn Quốc…
Tại sao “nguy cơ tụt hậu về kinh tế” đã được cảnh báo gần ¼ thế kỷ trước, nay không còn dừng lại ở “nguy cơ” như dự thảo các Văn kiện trình Đại hội Đảng XII nêu, mà đã tụt hậu thật sự và tụt hậu ngày càng xa về nhiều mặt: thu nhập bình quân theo đầu người rất thấp, tụt hậu về năng suất lao động, tụt hậu về năng lực cạnh tranh, tụt hậu về chất lượng sống?. Về một xã hội an toàn, công bằng và dân chủ trên nền tảng pháp luật được tôn trọng, nhiều lĩnh vực VN nằm trong nhóm đội sổ của thế giới và một điều quá rõ là khả năng đuổi kịp các nước xung quanh cả kinh tế lẫn văn hóa - xã hội đã trở nên xa vời. Chẳng hạn, tính từ 2015, Việt Nam phải mất lần lượt 10, 12 và 17 năm nữa để vượt qua mức Trung Quốc, Thái Lan và Malaysia đã đạt được ở năm 2011. Những người Việt có danh dự đều thấy xấu hổ về những điều này.
Tại sao bộ máy, hay nói rộng hơn là hệ thống quản trị quốc gia quá đồ sộ - đồ sộ đến mức bộ máy của Việt Nam lớn hơn nhiều so với nước Mỹ có số dân gấp ba lần nước ta, đồ sộ đến mức dân khó có đủ sức để nuôi, nhưng hiệu lực và hiệu quả quản lý đất nước vốn đã thấp, mà ngày càng tệ hơn?.
Tại sao tệ tham nhũng được coi là “quốc nạn” là “giặc nội xâm” và dó đó  lãnh đạo Đảng và Nhà nước đều nói là tập trung cao độ sức lực để chống và đã thành lập một Ban chỉ đạo mà khó tìm được một Ban chỉ đạo khác tập trung nhiều nhân vật cao cấp nhất, quyền lực nhất từ Tổng bí thư, các Ủy viên Bộ Chính trị, Ban bí thư nhưng thật đáng buồn càng chống tham nhũng thì tham nhũng, kể cả tham nhũng quyền lực ngày càng tăng, càng tinh vi, càng mở rộng đến mức “không còn thứ gì mà người ta không ăn” như một vị lãnh đạo cao cấp đã từng thốt ra công khai?.
Tại sao niềm tin của nhân dân và của cả đảng viên vào đường lối, chính sách của đảng đã suy giảm một cách nghiêm trọng đến mức báo động?
Và còn nhiều, nhiều nữa các câu hỏi “tại sao”? ....
Đi sâu lý giải đến tận cùng các câu hỏi “tại sao” nêu trên thì may ra mới tìm được nguyên nhân cốt lõi, đích thực dẫn đến tình trạng khó khăn, yếu kém, tụt hậu của đất nước ta hiện nay. Tuy nhiên, cho đến nay, trong các văn kiện chính thức, khi nói về nguyên nhân, nhất là nguyên nhân thất bại, yếu kém, thì hoặc là nhấn mạnh nguyên nhân khách quan, nguyên nhân bên ngoài, còn nguyên nhân nội tại thì mới chỉ dừng lại ở các nguyên nhân trung gian, chưa bao giờ nói ra một cách rõ ràng nguyên nhân sâu xa, cốt lõi của tình hình. Hoặc người ta chưa nhận ra, hoặc người ta lẩn tránh.
Dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng
Lần này cũng vậy, dự thảo các Văn kiện trình Đại hội Đảng khóa XII không hề nói rõ nguyên nhân đích thực thất bại của đảng mà chỉ nói chung chung “rút ra một số bài học kinh nghiệm” hay chủ yếu nói về những nguyên nhân thuộc về tổ chức thực hiện mà thật ra, không có lý do gì để một đất nước có nền văn hiến lâu đời, có nền học vấn không thua kém ai bao nhiêu mà suốt trong 30-40 năm liền, đều do “chưa quán triệt đường lối” và tổ chức thực hiện yếu kém mà sinh ra trì trệ, không phát triển được.
Gần đây, tại nhiều cuộc hội thảo, khá nhiều tác giả các bài viết đã đi sâu thêm một bước quan trọng trong việc tìm nguyên nhân gây khó khăn, thách thức hiện nay. Chẳng hạn, tại cuộc hội thảo do Viện Kinh tế tổ chức ngày 19/11/2015, nhiều diễn giả đã nêu nguyên nhân gây yếu kém, tụt hậu là “do tư duy trì trệ, nhất là sai lầm về vai trò của Nhà nước trong kinh tế thị trường, coi thường vai trò của xã hội dân sự trong bộ ba “nhà nước – thị trường – xã hội dân sự”; “Chúng ta đã chọn sai mô hình tăng trưởng, lại chưa có thể chế mạnh tạo động lực phát triển vì vướng tư duy chưa đổi mới,”.
Người viết bài này, đồng tình với cách đặt vấn đề của các diễn giả nêu trên, nhưng vẫn còn tiếp tục thắc mắc: đã 30 năm đảng hô hào đổi mới tư duy mà “tư duy” vẫn còn “trì trệ”; vẫn “chưa đổi mới”?. Cái gì là lực cản “đổi mới tư duy”, nhất là tư duy của những người giữ vị thế “lãnh đạo Nhà nước và xã hội”?. Xin được nhắc lại, không chỉ ra được nguyên nhân đích thực gây bệnh thì chẳng bao giờ chữa trị được bệnh, thậm chí càng chữa trị thì càng đẩy con bệnh bị suy sụp cả thể xác và tinh thần nghiêm trọng hơn. 
Mặc dù không hề đưa ra được một nội dung xác thực nào, nhưng văn kiện đảng CSVN vẫn chưa cắt được “cái đuôi” tù mù, gây không biết bao tai họa: “định hướng xã hội chủ nghĩa” trong đường lối phát triển thị trường ở nước ta: “Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”. Đường lối, chính sách của Đảng giữ vị thế “lãnh đạo Nhà nước và Xã hội” là để chỉ đạo hành động hàng ngày. Vậy mà đã 30 năm trôi qua, các nhà khoa học, các nhà làm luật, các nhà quản lý vẫn loay hoay đi tìm nội hàm đích thực của mệnh đề “định hướng xã hội chủ nghĩa” được Đảng CSVN “gắn” thêm vào phạm trù “kinh tế thị trường”.
Dự thảo Văn kiện trình Đại hội XII nêu nguyên nhân yếu kém là do: “Nhận thức về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa […], chưa đủ rõ và còn khác nhau. Vì vây, việc xây dựng thể chế, luật pháp, chiến lược, quy hoạch, cơ chế chính sách và trong chỉ đạo điều hành phát triển kinh tế - xã hội nhiều mặt còn lung túng […], chưa tạo được động lực mạnh mẽ để huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển.”. Xin được dẫn chứng thêm rằng nội hàm của đường lối “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” vẫn còn tù mù ngay cả đối với một số thành viên Chính phủ đại biểu Quốc hội, là những người có trọng trách ban hành luật pháp để thể chế hóa đường lối của đảng.
Liệu các nhà khoa học lĩnh vực chính trị ở các Học viện, Viên nghiên cứu chính trị ở Việt Nam đã thực sự nghiêm túc nghiên cứu sâu về nội hàm này từ thực tiễn ngày càng tồi tệ của Việt Nam và thực tiễn thành công của nhiều nước trên thế giới hay chỉ là một thứ “văn hoá cung đình”, “tát nước theo mưa”?
Có lẽ do chưa hiểu được nội hàm của đường lối “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”, nên ngày 18/11/2015, có một số vị đại biểu quốc hội yêu cầu Thủ tướng “giải trình” nội hàm của đường lối đó. Và người đứng đầu Chính phủ đã dành phần quan trọng của bản giải trình để giải thích nội hàm của đường lối “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”.  Người viết tin là sau khi nghe Thủ tướng giải trình các đại biểu của dân chắc khó “sáng ra” tí nào. Bởi lẽ như Bộ trưởng Bùi Quang Vinh đã khẳng định đại ý: trên đời này không hề tồn tại  khái niệm “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”! Nếu nói sòng phẳng thì trách nhiệm đưa ra khái niệm tù mù này là thuộc về Bộ Chính trị và Hội đồng lý luận trung ương.
Tất nhiên, trong đường lối của Đảng CSVN không chỉ có vấn đề thị trường mà còn có những vấn đề rất hệ trọng khác cũng rơi vào tình trạng bế tắc về lý luận tương tự, như: “xây dựng nước ta trở thành một nước công nghiệp hiện đại, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”; “Xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa”; “xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa” vv…(Chiến lược năm 2011) đều là những khải niệm tù mù, mơ hồ, có hại đối với quá trình phát triển của quốc gia, dân tộc Việt Nam.
Bao giờ cho đến ngày xưa
Trong ngôn ngữ VN có hai từ bình thường và tầm thường. Ý nghĩa của hai từ này rất xa nhau. Có rất nhiều người bình thường nhưng cuộc sống của họ hoàn toàn không tầm thường. Và, ngược lại cũng đang nhan nhản những loại người giàu sang hoặc quyền cao chức trọng, tức là trên mức bình thường nhưng, lại có những cách hành xử quá đỗi tầm thường mà tác giả không muốn dùng các từ khác để mô tả bản chất trong bài viết này.
Gần đây, trên chương trình truyền hình có thêm mục “chuyện tử tế”, về những người tử tế  (tiếng Miền Nam là “đàng hoàng”) xem mà thấy quặn đau vì từ tử tế hay đàng hoàng vốn hàm nghĩa là tố chất mặc nhiên, hiển nhiên của mỗi người bình thường. Vậy mà, bây giờ được nêu lên như để làm gương, để ngưỡng mộ thì đủ thấy chuẩn mực đạo đức của xã hội đã sa xuống tới “đáy” rồi, nên chỉ ngước nhìn lên là đã thấy cao vòi vọi. Nhiều người dân phảng phất tiếng thở dài, lời ai oán : “Bao giờ cho tới … ngày xưa”!
Nomenklatura
Nomenklatura, một thuật ngữ xuất phát từ Liên Xô cũ, định nghĩa về một giai tầng được hưởng mọi ưu ái của Nhà nước mà không trên cơ sở nào khác là sự thân quen, hoặc móc nối về quyền lợi. Khác với Apparatchik, là Nomenklatura không chỉ chọn lọc nguồn gốc con ông cháu cha (Princelings), nhưng không quan tâm nhiều tới năng lực làm việc, đạo đức, tư cách cá nhân, cho nên thuật ngữ này đã góp phần cho sự sụp đổ tất yếu của Nhà nước chuyên chính đã 70 năm tuổi, phải nuôi một bộ phận ăn bám, phá phách, và hưởng lợi. Việt Nam có các nhóm lợi ích, đâu có thua Nomenklatura của Liên Xô cũ!
Hiện trạng tư duy của những người cầm cân nảy mực của đất nước đang lúng túng “như gà mắc tóc” – một câu ví rất sát nghĩa, nhả ra không được mà nuốt vào thì ... khó trôi ! Cái khó có nghĩa là còn có thể chứ cái không thì tuyệt nhiên là không được. Trong khi mọi người đi tới thì việc đứng lại, dừng lại chính là tụt hậu, là lùi. Đã đến lúc mà không thể cứ tư duy theo kiểu “con rô cũng tiếc, con diếc cũng muốn” được nữa. Với những hạt “sạn” khi còn ít, loáng thoáng thì còn có thể lựa, lượm ra thanh loại nhưng khi đã quá nhiều, tràn lan thì phải đãi, phải sảy toàn bộ mới thanh loại ra được. Bệnh trọng mà sợ thuốc đắng, mổ đau thì chỉ còn nước “câu giờ” mà hậu quả ra sao thì quá rõ !
Người lãnh đạo bây giờ nhân dân cần lựa chọn đấy là người yêu nước, có trí tuệ, bản lĩnh, dám nói, dám làm và dám chịu trách nhiệm, biết đặt quyền lợi của dân tộc, của đất nước lên trên tất cả. Mong sao, câu nói xưa của Cụ Nguyễn Trãi “Nhân tài lác đác như lá mùa thu. Nhưng hào kiệt thời nào cũng có” sẽ trở thành hiện thực.
Thay cho lời kết.
Mù mờ trong chủ thuyết, lúng túng trong lãnh đạo, lùng nhùng trong tổ chức, giả dốitrong tuyên truyền là những đặc điểm cơ bản hiện nay ở nước ta.  
Nhìn lại lịch sử trong cuốn sách nổi tiếng " Tại sao các quốc gia thất bại" của DaronAcemoglu và James A.Robinson ta sẽ thấy rõ một sự thật là ở nơi nào mà con người biết tạo lập, duy trì, phát triển thể chế chính trị mang tính dung hợp (inclusive) thì nơi đó nói chung có kinh tế, văn hóa, xã hội hưng thịnh bền vững. Còn ở đâu nuôi dưỡng thể chế chính trị mang tính bất dung hợp, chiếm đoạt  (extractive) thì mọi mặt của xã hội đều kém phát triển và thậm chí còn là thụt lùi, thoái bộ .
Như vậy, thì đã rõ muốn Việt Nam tiến lên thì phải có tư duy phát triển ra sao rồi.
TVT (Tác giả gửi BVB)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét