Thứ Sáu, 31 tháng 10, 2014

20141031. SỰ KHÁC NHAU GIỮA "CHUỘT MỸ" VÀ "CHUỘT VIỆT"

ĐIỂM BÁO MẠNG
GIÁN, CHUỘT VÀ MACHIAVELLI
Bài của Alan Phan trên / Blog Alan/ Quechoa 30/10/2014
 ***
Những ai muốn thành công gia tốc phải thay đổi cách xử lý theo thời thế – Whoever desires constant success must change his conduct with the times – Niccolo Machiavelli.
***
 
Trong tất cả các thành phần kinh tế của bất cứ xã hội nào, tôi vẫn thường cho “chính trị gia” là những sinh vật tinh ranh nhất và mang nhiều đặc điểm của loài gián (không bao giờ có thể bị huỷ diệt dù sau một trận chiến tranh nguyên tử toàn cầu) pha lẫn loài chuột (biết đủ cách để ăn mà không cần bỏ sức lao động).
 
 Cho nên tôi thường nhăn mặt khi các bạn trẻ phê bình những nhân vật chính trị là đầu đất hay ngu dốt. Cái hay của loài gián-chuột biến thái này (xin gọi là GC cho khoa học) là dù “ngu”, họ vẫn là kẻ hưởng lợi nhiều nhất trong xã hội. Dù không bao giờ ôm mộng “làm chính trị”, hay dính líu đến bất cứ chính quyền nào, và coi thành phần GC này là một gương xấu cho thế hệ trẻ (với lòng tham vô độ và các thủ đoạn cướp chiếm bất lương), tôi vẫn thích la cà gần họ, để “học”. Và tôi đã học rất nhiều…
 
GC Mỹ
 
Vào thập niên cuối 90’s, tôi kinh doanh được khá nhiều tiền. Những đồng tiền này mở rộng cánh cửa vào thế giới của GC Mỹ qua sự đóng góp và vận động tài chánh của tôi và bạn bè cho các cuộc tranh cử. (Với những bạn trẻ chưa sống qua các cuộc bầu cử dân chủ, tranh cử là bước đầu bắt buộc cho chức vụ.) Và trong một xã hội mà 30 giây quảng cáo trên TV vào giờ cao điểm có thể tốn trung bình đến 125 ngàn đô (tuỳ số lượng khán giả), thì những “ứng viên chính trị” quốc gia rất cần tiền và cần những thằng …điếu đóm như tôi thời trẻ.
 
Khác với Việt Nam là khi mua quan bán chức, GC Việt cần một thế lực lớn hơn để chống lưng, thì nơi đây, GC Mỹ cần tiền để tạo “ảnh hưởng PR” trên quần chúng. Nói nôm na, họ cũng dùng tiền để mua quan bán chức, nhưng phần lớn các vận động đều công khai minh bạch (ở tù nếu dối trá). Tiền được trao cho nhiều doanh nghiệp truyền thông, thay vì chỉ lót tay một vài “bộ phận không nhỏ” của cái bình đẹp.
 
Nhưng tóm lại đâu cũng cần tiền “đầu tư”. Và những tay đứng sau hậu trường cung ứng tài chánh là những người “bạn thân thiết” nhất của GC Mỹ (hay Việt). Dĩ nhiên, bộ máy tranh cử Mỹ cũng cần những “tình nguyện viên” hăng hái làm việc sau khi nuốt phải “hào quang” hay “chém gió” của các GC; cũng như rất cần những lãnh tụ cộng đồng có thể đem lá phiếu về cho GC sau vài cuộc đổi chác.
 
Sân Chơi Của GC Mỹ
 
Hiểu thế để biết rằng phương tiện cần và đủ cho GC Mỹ là làm sao để “hốt phiếu” nhiều hơn đối thủ. Những chánh sách, những triết thuyết, những giải pháp quản trị…phải được mài dũa sao cho hợp với chương trình kiếm phiếu. Chuyện các GC Mỹ có tin hay không tin vào những lời tuyên bố của mình, vào các hứa hẹn tầm phào…là chuyện hậu sự, sẽ tính đến sau khi chiếm lĩnh quyền lực. Họ sẽ có cả một bộ tham mưu để đối phó với tình huống. Và dĩ nhiên, họ còn cả trăm việc phải làm để thoả mãn nhóm “đồng minh” đã giúp họ chiến thắng. Không thực hiện nổi lời hứa thì coi như chỉ đắc cử một lần.
 
Do đó, phần lớn GC Mỹ quản lý bộ máy công quyền dựa trên quyền lợi của nhóm tài trợ và dựa trên những khảo sát về mức độ quan tâm của cử tri với các vấn đề thời sự, nhất là túi tiền của từng nhóm người dân. Dù hệ thống sẽ không bao giờ hoàn hảo, nhưng cơ chế chính trị tự do và dân chủ của Mỹ tạo ra một ổn định xã hội cho mọi thành phần kinh tế, theo nguyên tắc “live and let live”. Dù ai cũng tham lam, từ nhà tỷ phú đến anh chị không nhà, dù ai cũng đòi những “bữa ăn miễn phí” và tiêu xài OPM, GC Mỹ biết điều chỉnh cán cân xin-cho để phần lớn người dân tạm thoả mãn. Trong khi đó, họ bòn rút phần lớn tiền thuế và ngân sách cho những dự án của phe nhóm và trong vai trò “cò” (broker), GC Mỹ cũng kiếm được cho mình và gia đình khá nhiều tiền.
 
GC Việt Nam
 
Dù xuất thân từ rừng rậm và không biết nhiều về thế giới bên ngoài, nhưng các GC Việt rất bén nhậy và hiểu rõ quan hệ giữa quyền lực và tiền bạc. Thông minh, tàn nhẫn và thủ đoạn, biết cóp nhặt kinh nghiệm từ các đàn anh Nga-Tàu, họ đã tạo ra được một hệ thống cai trị khá ổn định suốt 70 năm qua từ ngày nắm chánh quyền (1945). GC Việt lợi dụng được thời cơ khi các đối thủ còn yếu kém, sử dụng một chương trình PR tuyệt vời bằng cách phong thánh cho các ngài lãnh tụ; và trên hết, không ngần ngại áp dụng nguyên lý của Mao (quyền lực chính trị phát sinh từ họng súng).
 
Kết quả là bản thân và gia đình họ có được một đời sống “giàu có và thoải mái” gấp vạn lần các GC Mỹ, dù thu nhập người dân Việt chỉ bằng 1/25 người dân Mỹ.
 
Sân Chơi Của GC Việt
 
Vì không quan tâm đến là phiếu và nhu cầu thu nhập của người dân, GC Việt dã tiết kiệm được khối tiền trong “trò chơi dân chủ”. Các mạng truyền thông nằm trong chỉ đạo tuyệt đối của chính phủ và ngay cả với Internet, các bức tường lửa ngăn chận mọi thông tin trái chiều. Thực ra, đa số người dân vẫn “hạnh phúc” với nhậu nhẹt, bóng đá, chân dài và chuyện “cướp-hiếp-giết”.
 
Trong khi đó, việc mua quan bán chức diễn ra âm thầm sau bức màn nhung. Giá cả được thảo luận, thương thuyết giữa các “đồng chí” nên thoải mái hơn…không stress như công việc của các GC Mỹ. Sự phân bổ chức vụ cũng bị tranh dành gay go; nhưng hệ thống nhân sự HR được tổ chức theo mô hình pyramid (kim tự tháp) nên khá êm thắm. Trách nhiệm duy nhất của GC Việt là những đòi hỏi rõ ràng và trực tiếp từ thế lực chống lưng, không mông lung khó đoán như chính trường Mỹ..
 
Tuy nhiên, cuộc chơi của GC Việt đang gặp vấn đề vì nền kinh tế què quặt. Sau thời gian khởi đầu của chính sách mở cửa cho bọn tư bản (1993-2006), thu nhập người dân bắt đầu trì trệ và sự so sánh “tiền bạc” với các láng giềng ASEAN đã tạo ra nhiều bất mãn trong dân, nhất là sự thù ghét thành phần COCC của các GC. Sự cách biệt quá lớn về khoảng cách giàu-nghèo tạo ra bất ổn xã hội, trong khi các cột trụ như FDI, xuất khẩu và kiều hối sẽ phải giảm sút vì năng suất công nhân ngày càng tụt hậu. Trong khi đó, tài sản tạo được từ hệ thống xin-cho và nợ công như bất động sản, chứng khoán…cũng bị hư hại nặng vì dòng tiền OPM mới không xuất hiện để bù vào dòng tiền đã thất thoát.
 
Có thể nói sân chơi Ponzi của các GC Việt đang nằm trong giai đoạn chuyển tiếp và phải thay đổi để tồn tại. 
 
Sự Kết Hợp của GC Mỹ và Việt
 
Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của các tỷ phú Nga, nhóm GC mệnh danh là tư bản đỏ đang nhắm tới một chiến dịch mới: biến tài sản công thành tư hữu để trở thành tỷ phú đô la trong thời gian ngắn nhất. Những tranh chấp đã bùng nổ và “bên thắng cuộc” của trận chiến sẽ bắt đầu lộ diện trong vòng 2 năm tới.
 
Dù ai thắng, một điều gần như chắc chắn là tài sản mới chiếm được phải được “bạch hoá” và có thể sử dụng tự do, an toàn và hợp pháp trên khắp thế giới. 
 
Nhu cầu này chỉ có thể đáp ứng được với những cuộc đi đêm với GC Mỹ. Do đó, dù có muốn “trung thành” với 16 chữ vàng, 400 chữ tốt xấu gì đó, ngoài miệng lưỡi, để giữ thể diện cho Trung Quốc, các GC Việt sẽ được “chiêu hồi” về với “chính nghĩa quốc gia”. Đã đến lúc, họ phải “vượt biên” thôi.
Trong khi đó, dù phải lo giữ gìn vài trăm ngàn lá phiếu của hơn triệu người Mỹ gốc Việt với chiêu PR đòi hỏi “nhân quyền”, các GC Mỹ (Dân Chủ hay Cộng Hoà) đều sẽ vui vẻ “làm ăn” với GC Việt. Hay nhất là thời điểm trước khi Obama rời chính quyền vào năm 2016 (ông này là Tổng Thống khuynh tả mạnh mẽ và không có gì để mất). Tuy nhiên, Hilary hay Biden hay Kerry của đảng Dân Chủ vẫn sẽ là một đồng minh. Còn nếu một ngài GC Cộng Hoà khác lên ngôi, vì quyền lợi kinh tế của tư bản trắng, thì ông ta cũng sẵn sàng thoả hiệp với tư bản Việt như họ đã và đang làm với tư bản đỏ của Tàu.
 
Như tôi đã trình bày ở một bài trước, It’s The Money, Stupid.
 

Thứ Năm, 30 tháng 10, 2014

20141030. VỀ XẾP HẠNG, PHÂN TẦNG GIÁO DỤC ĐẠI HỌC

ĐIỂM BÁO MẠNG

XẾP HẠNG, PHÂN TẦNG GDĐH: CÓ XÓA BỎ ĐƯỢC TƯ DUY LẠC HẬU?
Bài pv của THANH HUYỀN với GS Nguyễn Đăng Hưng trên ĐV 29/10/2014

 "Tôi nghĩ lần cải cách giáo dục này phải triệt để khai tử tư duy coi trọng hình thức trong học thuật: bằng cấp, học hàm".

Đó là nhận định thẳng thắn của GS Nguyễn Đăng Hưng - giảng dạy nghiên cứu tại Đại học Liège, Vương quốc Bỉ về Dự thảo Nghị định quy định về xếp hạng và phân tầng cơ sở giáo dục đại học của Bộ GD-ĐT.
Vẫn còn quá coi trọng bằng cấp
PV: - Vừa qua, Bộ GD&ĐT đã công bố Dự thảo Nghị định quy định về xếp hạng và phân tầng cơ sở giáo dục đại học. Trong đó, cụ thể chia ra 3 tầng là GDĐH định hướng nghiên cứu, GDĐH định hướng ứng dụng, GDĐH định hướng thực hành. Và khung xếp hạng cơ sở GDĐH bao gồm 5 hạng: hạng 1, hạng 2, hạng 3, hạng 4 và hạng 5 dựa theo kết quả phân tầng.
Theo quan điểm của ông, tại thời điểm này đại học Việt Nam đã cần phân tầng và xếp hạng hay chưa, vì sao?
GS Nguyễn Đăng Hưng: - Theo tôi cái gọi là phân tầng chỉ là sự phân biệt các đại học cơ bản tổng hợp, đại học kỹ thuật và các trường cao đẳng kỹ thuật.
Ở đây không có gì mới. Tuy nhiên khi cho rằng các đại học có định hướng ứng dụng, triển khai là ở tầng 2 theo đánh giá nghiên cứu khoa học là không công bằng vì nhiều khi nghiên cứu triển khai cũng là nghiên cứu và đôi lúc còn phức tạp không kém nghiên cứu căn bản.
Tôi nghĩ một nước đang phát triển như Việt Nam ta, nghiên cứu triển khai và ứng dụng là hướng lẽ ra phải ưu tiên khuyến khích, ưu tiên vì lĩnh vực này liên quan trực tiếp đến việc thành lập xí nghiệp kỹ nghệ, điều căn bản cho tăng trưởng kinh tế. Mọi đánh giá thấp về nghiên cứu ứng dụng triển khai là nên tránh.
Tóm lại tôi cho nghiên cứu căn bản và nghiên cứu ứng dụng đều là cần thiết và các chỉ tiêu nghiên cứu của bản dự thảo ở điểm 3 (Cơ cấu các hoạt động đào tạo và khoa học công nghệ) hay điểm 4 (Chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học) phải phải là như nhau.
***
GS Nguyễn Đăng Hưng
GS Nguyễn Đăng Hưng
***
PV:-  Đặc biệt, tiêu chí để phân tầng và xếp hạng đều dựa trên quy mô đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ. Nếu như vậy, thì có xảy ra làn sóng số lượng ThS, TS sẽ tăng vọt trong thời gian tới, có nghĩa là chỉ quan tâm đến lượng mà quên mất chất, vì các trường sẽ phải chạy đua thành tích về xếp hạng không, thưa ông? Hệ quả "nhãn tiền" sẽ là gì?Tôi cho rằng không nên có định hướng ban đầu mà nên để cho các trường tự sắp xếp tuỳ theo yêu cầu của điều kiện cá biệt của từng ngành, từng điạ phương, từng trường hợp.
GS Nguyễn Đăng Hưng:- Đúng vậy đó là nguy cơ phải chờ đợi. Tôi cho rằng các tác giả dự thảo chưa thoát ra khỏi tư duy quá coi trọng bằng cấp mà không căn cứ vào thực chất của nghiên cứu khoa học: thành quả công bố, công trình thực hiện.
Xếp hạng hay đánh giá đối với VN hiện nay là quá sớm
PV:-  Trong khi đó, VN là đất nước có số lượng người học hàm ThS, TS cao nhất TG, nhưng theo đánh giá mới đây của tổ chức nghiên cứu Economist Intelligence Unit (EIU) về khả năng sáng tạo thì trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam còn thua cả Lào, Thái Lan. Theo đó, Việt Nam bị đánh giá thấp về nhân lực, giáo dục, số bằng sáng chế và ấn bản khoa học.
Những con số đánh giá này phản ánh thực trạng gì trong chất lượng đào tạo tiến sĩ hiện nay của nước ta? Việc phân tầng, xếp hạng có tác động, xoay chuyển được chất lượng đào tạo hay không?
GS Nguyễn Đăng Hưng:- Tôi nghĩ lần cải cách giáo dục này phải triệt để khai tử tư duy coi trọng hình thức trong học thuật: bằng cấp, học hàm. Chúng ta phải lấy chất lượng và hiệu quả công việc làm cơ sở đánh giá.
PV:-  Có nhiều ý kiến cho rằng việc xếp hạng sẽ không còn quá quan trọng khi giáo dục Đại học Việt Nam cơ bản về chất vẫn chưa chuyển mình so với quốc tế. Ông có đồng tình với nhận định này? Quan điểm của cá nhân ông về vấn đề này ra sao?
Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng:- Tôi cho rằng việc xếp hạng hay đưa ra tiêu chí đánh giá hiện nay là quá sớm.
Nên để cho các chính sách chung như tự trị đại học, tự do học thuật, bình đẳng giữa các trường công và tư dần dần vào hiện thực. Những chính sách mới này sẽ là những giải pháp hữu hiệu giúp các đại học có thực lực điều chỉnh rồi vươn lên củng cố vị trí và thương hiệu.
***
Phân tầng, xếp hạng có giúp giáo dục VN thoát khỏi sự lạc hậu
Phân tầng, xếp hạng có giúp giáo dục VN thoát khỏi sự lạc hậu
***
PV:- Thậm chí, ở trong trường hợp này, Bộ giáo dục vừa là cơ quan đưa ra tiêu chí xếp loại, phân tầng, lại vừa là cơ quan đứng ra đánh giá kết quả. Như vậy liệu kết quả cuối cùng có khách quan, chính xác hay không, liệu có rơi vào tình trạng vừa đá bóng vừa thổi còi?Dĩ nhiên sẽ có những vấp váp, nhưng đấy chỉ là biểu hiệu tất yếu của quá trình trưởng thành. Sau một thời gian dài khoảng 10 năm việc sắp hạng theo những tiêu chí quốc tế vẫn chưa muộn.
GS Nguyễn Đăng Hưng:- Tôi cho rằng việc thoát ly khỏi cơ chế mà Bộ đã làm bấy lâu nay: vừa đá bóng vừa thổi còi là điều kiện tiên quyết của công cuộc cải tổ.
Chừng nào Bộ chưa xác định công nhận sự có mặt của những cá nhân, tổ chức chuyên môn độc lập (người Việt Nam, người nước ngoài) có thể có những đánh giá khách quan và vô tư thì chừng ấy những đánh giá phán quyết bất cập của Bộ sẽ vẫn còn.
- Xin trân trọng cảm ơn GS về cuộc trò chuyện!
  • Thanh Huyền

Thứ Tư, 29 tháng 10, 2014

20141029. BÀN VỀ QUYỀN PHÁT BIỂU TRONG LUẬT TỔ CHỨC QUỐC HỘI

ĐIỂM BÁO MẠNG
QUYỀN ĐƯỢC PHÁT BIỂU
Bài của GS TS NGUYỄN NGỌC TRÂN trên Tuổi Trẻ 25/10/2014
TT - Nhiều ý kiến cho rằng luật cần làm rõ chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của đại biểu Quốc hội và tôn trọng các quyền, trong đó có quyền phát biểu của đại biểu
***
***
Quốc hội đang thảo luận Luật tổ chức Quốc hội. Nhiều ý kiến cho rằng luật cần làm rõ chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của đại biểu Quốc hội và tôn trọng các quyền, trong đó có quyền phát biểu, của đại biểu đúng với các quy định của Hiến pháp 2013, tại các điều 79, 80 và 82. Yêu cầu đúng và đúng lúc.
Cử tri có nhận xét, nếu không nói là trách, có quá ít đại biểu Quốc hội phát biểu ý kiến về những vấn đề bức xúc của cuộc sống. Ít phát biểu vì đại biểu Quốc hội dè dặt về mức độ am hiểu vấn đề của mình, ngại đề cập những vấn đề ngoài ngành mà mình đã được cơ cấu vào Quốc hội.
Ngại phát biểu vì mỗi khi có một dự thảo luật hay một dự án quan trọng còn có ý kiến khác nhau, các đại biểu Quốc hội trong ngành thường được bộ chủ quản mời đến sinh hoạt để lắng nghe ý kiến thì ít mà để “dặn dò” nên ủng hộ ý kiến của bộ kiểu như “đã được thảo luận rất nhiều và đã được lãnh đạo thông qua”.
Đại biểu Quốc hội kiêm nhiệm thường chỉ làm một đến hai nhiệm kỳ. Rời nghị trường, con đường sự nghiệp tùy thuộc trước tiên vào đánh giá của ngành dọc và của địa phương. Đại biểu e rằng đánh giá này sẽ không thuận lợi nếu phát biểu ở Quốc hội không thuận ý ngành dọc chủ quản.
Trên đây là thực tế xuất phát từ sự dè dặt (chưa bàn đến đúng, sai) của đại biểu, giải thích tình trạng các đại biểu ít phát biểu, tranh luận và chất vấn.
Còn có một thực tế khác.
Trong khóa XI, đại biểu của một tỉnh ĐBSCL qua nhiều kênh đã được “nhắc nhở phải thận trọng khi phát biểu, phải nghĩ tới hậu quả đối với các dự án dùng vốn viện trợ phát triển (ODA) của tỉnh” sau khi đại biểu này phát biểu về các bất cập trong phân bổ, quản lý và sử dụng vốn ODA tại hội trường.
Ai cũng mong rằng đó là những trường hợp cá biệt. Thế nhưng vừa qua đã xảy ra việc làm của ông chánh văn phòng một bộ mà thực chất là dùng con đường hành chính để cản trở đại biểu Quốc hội thực thi quyền và nhiệm vụ của mình.
Quyền hạn và trách nhiệm của mình có được tôn trọng hay không, trước hết đại biểu Quốc hội phải vượt lên chính mình, tỏ rõ bản lĩnh của mình trong việc thực thi những gì đã được Hiến pháp quy định.
Nhưng chưa đủ. Sự tôn trọng phải được thể hiện trong Luật tổ chức Quốc hội, cụ thể là phải nghiêm cấm những “kênh tác động” đa dạng và tinh vi như đã từng xảy ra.
GS.TSKH NGUYỄN NGỌC TRÂN