Thứ Năm, 26 tháng 1, 2017

20170126. VÌ SAO HƠN 200.000 CỬ NHÂN THẤT NGHIỆP?

ĐIỂM BÁO MẠNG
VẪN LÀ CÂU HỎI: VÌ SAO HƠN 200.000 SINH VIÊN RA TRƯỜNG THẤT NGHIỆP ?
AN NGUYÊN / GD 25-1-2017
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho rằng, sinh viên đến trường chỉ học theo giáo trình, không thực hành khiến bản thân trở thành những “con cá chép” chuyên nghiệp. Ảnh: An Nguyên


(GDVN) - Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng sinh viên ra trường thất nghiệp nhưng nguyên nhân quan trọng là bắt đầu từ phía cung – tức là phía đào tạo.

Đó là quan điểm của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ khi bàn về thực trạng thất nghiệp hiện nay tại một cuộc hội thảo mới đây ở Đà Nẵng.
Các trường ra sức tuyển mà không nghĩ tới cung – cầu
Nhiều chuyên gia cho rằng, hiện nay các trường đại học đang ra sức vơ vét tuyển sinh mà không hề bàn tính tới vấn đề cung – cầu.
Và đó là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tình trạng sinh viên ra trường không có việc làm.
PGS. TS Đỗ Văn Dũng - Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật TP.HCM cho rằng, hiện nay cơ sở dữ liệu về nhu cầu nguồn nhân lực của xã hội và nguồn đào tạo nhân lực cho từng ngành nghề chưa được phổ biến.
Trong khi đó, các trung tâm dự báo nguồn nhân lực cũng có những con số dự báo về các lĩnh vực nhưng quá rộng và không đầy đủ.
“Những con số dự báo ấy là có, nhưng rồi không có trường đại học nào sử dụng được để xác định chỉ tiêu.
Bản thân học sinh hay phụ huynh không thể căn cứ để làm một kênh chọn lựa” ông Dũng nói.
Cũng theo ông Dũng, hiện nay các trường đại học chỉ xác định chỉ tiêu dựa trên năng lực hiện có. Với mức thu học phí thấp, để có thể vận hành được hệ thống tổ chức, các trường phải tuyển cho “hết chỉ tiêu” nhằm lấy số lượng bù vào.
“Trung bình mỗi tỉnh, thành phố có tới 6,6 trường đại học, cao đẳng nhưng lại không có đơn vị nào kiểm soát số lượng nguồn nhân lực đào tạo theo từng ngành nghề.
Đó là nguyên nhân dẫn đến số lượng nhân lực cung – cầu theo từng ngành nghề tương ứng khó có thể gặp nhau” ông Dũng nói.
Đồng quan điểm trên, GS.TS. Đặng Kim Vui - Giám đốc đại học Thái Nguyên cho rằng, các trường đại học, cao đẳng hiện nay đang đào tạo một cách tràn lan, không theo một quy chuẩn cụ thể nào.
“Ngay cả ngành Y là một trong những ngành hót nhất nhưng vẫn đào tạo, tuyển sinh một cách ồ ạt.
Khiến các bệnh viện đáp ứng không nổi số lượng sinh viên đến xin thực hành. Việc này dễ dẫn đến tình trạng thiếu hụt kiến thức chuyên ngành ngay sau khi ra trường” GS. Vui nhấn mạnh.
Trong vấn đề này, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhìn nhận rằng, hiện này công tác dự báo còn rất hạn chế.
“Có một thực tế là việc đầu tư cho nghiên cứu dự báo còn hạn chế, chủ yếu vẫn là dự báo dựa vào kinh nghiệm.
Cho nên, dẫn tới nhiều ngành rất có triển vọng, nhu cầu thị trường rất lớn nhưng ta lại không đáp ứng được. Trong khi đó có những ngành đào tạo bị bão hòa” Bộ trưởng đánh giá.  
Từ đó ông Nhạ chỉ đạo, trước khi tuyển sinh, chính các trường đại học phải dự báo được tình trạng lao động của xã hội để cung ứng sinh viên sau khi ra trường vào các vị trí đó sao cho hợp lý.
Sinh viên bị biến thành những “con cá chép”
Nhiều ý kiến cho rằng, chất lượng sinh viên hiện nay không cao và đó cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng thất nghiệp.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chia sẻ, hiện nay ở nhiều trường đại học, tỉ lệ sinh viên/lớp quá lớn.
Ngoài ra, nhiều giảng viên cũng không tập trung vào việc dạy học mà “chân trong, chân ngoài” đi làm thêm.
Các sinh viên đến trường chỉ học theo giáo trình, không thực hành khiến bản thân trở thành những “con cá chép” chuyên nghiệp.
Nhiều chuyên gia thì cho rằng, hiện nay số lượng các trường đại học quá nhiều, họ tuyển sinh ồ ạt nên chất lượng giáo dục đi xuống.
PGS.TS Đỗ Văn Dũng tiếp tục nêu quan điểm, cả nước có hơn 400 trường đại học và cao đẳng, chất lượng đào tạo ở mỗi trường là khác nhau.
Và chắc chắn rằng không phải tổ chức đào tạo nào cũng đảm bảo được chất lượng đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội.
Đây cũng là một yếu tố quan trọng dẫn đến việc sinh viên thất nghiệp sau khi tốt nghiệp.
Không phải trường đại học, cao đẳng nào cũng đủ nhân lực để có thể xây dựng và triển khai chương trình đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội – ông Dũng nói.
Ngay cả những trường đại học tốt cũng không thể đảm bảo đáp ứng được nhu cầu xã hội 100%.
Vì vậy, vấn đề này là tất yếu và bình thường. Giống như một lớp sinh viên đại học, dù là đã đạt chuẩn đầu vào, nhưng sau 4 năm học thì có em học vượt, có em học xuất sắc, có em học khá và có em không thể ra trường.
Cơ chế thị trường cũng vận hành theo cách đó, tổ chức đào tạo nào không đáp ứng nhu cầu của khách hàng thì tất yếu sẽ tự bị loại trừ.
“Tuy nhiên, vấn đề dễ thấy là từ trước đến nay, chẳng có trường đại học, cao đẳng nào bị đóng cửa.
Nhưng con số trường trung cấp nâng cấp thành cao đẳng, trường cao đẳng nâng cấp lên đại học thì thường xuyên” ông Dũng chia sẻ.
Công tác dự báo còn rất kém
Nhiều chuyên gia nhìn nhận, để xảy ra tình trạng thất nghiệp là do công tác dự báo của các trường còn rất yếu.
Việc truyền tải nội dung hướng nghiệp chưa được quan tâm đúng mức. Ở các trường THPT chỉ có một vài giáo viên hướng nghiệp.
Các giáo viên hướng nghiệp cũng chỉ được tập huấn qua loa, dạng “cưỡi ngựa xem hoa”. Việc dạy hướng nghiệp theo kiểu “cho có dạy” đã gây nên nhiều hệ lụy.
Từ đó, các chuyên gia cho rằng, việc hướng nghiệp cần được chuyên nghiệp hóa, cần được quan tâm nhiều hơn.
Tư vấn hướng nghiệp không chỉ tư vấn cho học sinh, mà còn phải tư vấn cho phụ huynh.
“Lâu nay các trường đại học tự thân vận động, tự tổ chức tư vấn và quảng bá để tuyển sinh.
Một số trường, thì chỉ lo quảng cáo mà quên mất trách nhiệm của mình là chuyên gia tư vấn, cần mang lại sự hiểu biết đúng đắn, trung thực về ngành nghề và các bậc đào tạo.
Đây cũng là nguyên nhân khiến cho nhiều em học sinh và phụ huynh “dở khóc dở cười” với quyết định chọn ngành, chọn nghề của mình.
Quan điểm “học đại học để đổi đời” cứ dẫn dắt thế hệ này rồi đến thế hệ khác. Dẫn đến việc ai cũng muốn vào đại học” ông Dũng nêu thực tế

THẦY GIÁO CHỈ ĐƯỜNG KIẾM SỐNG CHO CỬ NHÂN RA TRƯỜNG THẤT NGHIỆP
TRẦN TRÍ DŨNG/ GD 29-11-2017

Nhiều cử nhân ra trường thất nghiệp hoặc làm trái nghề. (Ảnh: zing.vn)
Từ bao đời nay, hiếu học luôn là một truyền thống rất đáng quý của người Việt Nam. 

Dù ở đâu, làm gì, dù giàu hay nghèo, người Việt đều luôn cố gắng không để con cái mình bị thất học. Truyền thống này đã giúp công tác “xã hội hóa giáo dục” đạt nhiều kết quả đáng kể.   

Tuy nhiên, theo thống kê của Viện Khoa học Lao động và Xã hội, số lao động trình độ đại học, sau đại học thất nghiệp tăng từ hơn 162.000 năm 2014, lên gần 178.000 người năm 2015. 

Như vậy chỉ sau một năm, trung bình hơn 16.000 cử nhân đại học, sau đại học thất nghiệp sau khi ra trường. 
Và chưa dừng lại ở đó, con số thống kê của cơ quan này vào tháng 1/2016 còn cho biết một kết quả đáng lo ngại hơn, đó là có tới 225.000 cử nhân thất nghiệp.

Đó còn chưa kể đến số lượng lớn nhóm sinh viên tốt nghiệp phải chọn việc làm trái ngành nghề đã được đào tạo, hoặc phải “giấu bằng” để đi làm các nghề lao động phổ thông.
Đâu là nguyên nhân của tình trạng này? 

Nhìn một cách toàn diện, do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế toàn cầu, khu vực tư nhân đang thiếu vốn và khó khăn về thị trường nên phải thu hẹp sản xuất, các doanh nghiệp lớn chỉ tuyển dụng nhỏ giọt chứ không còn là nơi “hút” lao động như trước đây. 

Trong khi đó khu vực Nhà nước đã trở nên quá “chật chội” khiến vấn nạn thất nghiệp là bài toán khó.
Nếu một nền kinh tế phát triển, một xã hội lành mạnh thì sẽ luôn đi kèm với tỉ lệ thất nghiệp thấp, đặc biệt là đội ngũ lao động có bằng cấp.
Mặt khác, do phương pháp giáo dục đại học lạc hậu (dạy chay quá nhiều), nặng về lý thuyết, nhẹ về kỹ năng thực hành đã khiến cho đầu ra ở rất nhiều trường đại học không đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng của các cơ quan, doanh nghiệp. 

Nhiều chuyên gia ngành giáo dục đã nhận định rằng, nếu không thay đổi phương thức đào tạo, đặc biệt ở cấp đại học, trong tương lai tỉ lệ thất nghiệp ở nhóm thanh niên và lao động có trình độ chuyên môn tiếp tục tăng là điều dễ hiểu. 

Bởi đây chính là sự phản ánh khả năng "hấp thụ" thấp của thị trường lao động. Muốn thay đổi, cần phân luồng rõ ràng trong đào tạo. 
Khi mang nhận định này soi vào thực tế, nhiều người tán đồng bởi việc đào tạo nặng về lý thuyết, chưa có sự phân tách và định hướng ngành nghề cho học sinh, sinh viên đã khiến tình trạng “thầy nhiều hơn thợ” ở nước ta ngày càng gia tăng. 
   
Tình trạng này một mặt là do không có cầu trong thị trường lao động, giáo dục đại học không đáp ứng thực tiễn với nhu cầu xã hội. 

Các cử nhân, kỹ sư khi ra trường thiếu kỹ năng thực hành và ứng dụng trong hoạt động thực tiễn. 
Đó cũng là một hệ quả tất yếu của thực trạng giáo dục đại học chưa đáp ứng nhu cầu xã hội, gắn với yêu cầu sử dụng nhân lực và chú trọng giáo dục kỹ năng thực hành nghề nghiệp. 

Nhìn một cách tổng thể của giáo dục đại học, phương pháp dạy và học chậm đổi mới, chưa thực sự phát huy được tính chủ động, sáng tạo của sinh viên. 

Phương pháp và hình thức đánh giá kết quả còn lạc hậu, phương tiện giảng dạy thiếu thốn. 

Bên cạnh đó là hệ thống giáo dục và đào tạo thiếu liên thông giữa các trình độ, phương thức giáo dục; nặng lý thuyết, xem nhẹ thực hành. 

Đào tạo thiếu gắn kết với nghiên cứu khoa học, sản xuất, kinh doanh và nhu cầu của thị trường lao động; chưa chú trọng đúng mức việc giáo dục đạo đức, lối sống và kỹ năng làm việc. 

Phương pháp giáo dục, việc thi, kiểm tra và đánh giá kết quả còn lạc hậu, thiếu thực chất.

Vì thế, việc đổi mới gắn liền với khả năng cung ứng nhu cầu xã hội, tăng cường kỹ năng thực hành và ứng dụng trong thực tiễn cần thiết đặt ra đối với đào tạo đại học.   

Mới đây, tỉnh Nam Định vừa đưa ra dự kiến về điều kiện thi công chức năm 2016. 

Theo đó, tại cuộc họp UBND tỉnh Nam Định ngày 11/10/2016, tỉnh này chỉ đạo Sở Nội vụ thực hiện quy chế tuyển công chức năm 2016 (dự định thời gian thi công chức vào tháng 12/2016) với điều kiện các thí sinh dự thi phải có bằng đại học hệ công lập. 

Thông báo dự tuyển này ngay lập tức nhận được nhiều ý kiến trái chiều.
Trên thực tế, không chỉ riêng tỉnh Nam Định có chủ trương tuyển công chức chỉ đối với sinh viên tốt nghiệp đại học hệ công lập mà nhiều địa phương trong cả nước cũng có quan điểm này. 
Chủ trương này đã như một cú huých đối với tình trạng thất nghiệp gia tăng của những lao động có trình độ, đặc biệt là đối với những người tốt nghiệp đại học hệ ngoài công lập. 

Vậy đâu là giảỉ pháp cho tình trạng này?          
  
Trước hết, các trường cần chấm dứt tình trạng "học chay" để chuyển sang mô hình đại học nghề nghiệp ứng dụng, hay còn gọi là đại học ứng dụng. 

Theo đó, thời gian học lý thuyết chỉ là 30% và thời gian thực hành tăng lên đến 70%. 

Ở đây, coi sự chấp nhận của thị trường lao động đối với người học là tiêu chí quan trọng để đánh giá uy tín, chất lượng của cơ sở giáo dục đại học, và là căn cứ để định hướng phát triển các cơ sở giáo dục, đào tạo và ngành nghề đào tạo.
Từ đó, cần thiết đổi mới toàn diện hệ thống giáo dục đại học

Theo đó, đổi mới giáo dục đại học phải đảm bảo sinh viên nắm vững kiến thức chuyên môn và có kỹ năng thực hành thành thạo, có khả năng làm việc độc lập, sáng tạo và giải quyết những vấn đề thuộc chuyên ngành được đào tạo. 

Việc đổi mới phương pháp đào tạo trình độ trình độ đại học phải coi trọng việc nâng cao năng lực tự học, phát triển tư duy sáng tạo, rèn luyện kỹ năng thực hành.
Từ đó, tạo điều kiện cho người học tham gia nghiên cứu, thực nghiệm, ứng dụng. 

Quan điểm phát triển giáo dục và đào tạo đại học là phải gắn với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc; với tiến bộ khoa học và công nghệ; phù hợp quy luật khách quan. 

Từ đó, chuyển phát triển giáo dục và đào tạo từ chủ yếu theo số lượng sang chú trọng chất lượng và hiệu quả, đồng thời đáp ứng yêu cầu số lượng. 

Đổi mới hệ thống theo hướng mở, linh hoạt, liên thông giữa các bậc học, trình độ và giữa các phương thức giáo dục, đào tạo; chuẩn hoá, hiện đại hoá giáo dục và đào tạo. 

Trên cơ sở này, tập trung đào tạo nhân lực trình độ cao, bồi dưỡng nhân tài, phát triển phẩm chất và năng lực tự học, tự làm giàu tri thức, sáng tạo của người học. 

Hoàn thiện mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học, cơ cấu ngành nghề và trình độ đào tạo phù hợp với quy hoạch phát triển nhân lực quốc gia; trong đó, có một số trường và ngành đào tạo ngang tầm khu vực và quốc tế.

Từ đó, đánh giá lại các nhu cầu của thị trường lao động để điều chỉnh lại chỉ tiêu đầu vào của các trường đại học. 

Bên cạnh đó, quán triệt quan điểm tuyển dụng cán bộ công chức theo hình thức thi tuyển khách quan để đánh giá năng lực hoàn thành công việc trên cơ siở kiểm tra thực tế không phân biệt bằng cấp, trình độ và loại hình đào tạo. 
   
Giải quyết vấn đề thất nghiệp đối với lao động có trình độ theo đó là một bài toán khó, đòi hỏi phải có cái nhìn tổng thể và thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp ở nhiều khâu, điều đó còn tùy thuộc vào từng địa phương, từng ngành nghề xã hội. 

Với những giải pháp trên hy vọng sẽ từng bước giải quyết thực trạng này. 
Đối với các bạn trẻ đang đứng trước ngưỡng cửa hướng nghề chọn nghiệp, trước thực trạng công việc như hiện nay cần có sự nhìn nhận đúng đắn. 

Nghề là tổng hợp các kỹ năng khi thực hiện một công việc nhất định theo sự phân công của lao động xã hội. 

Vậy, việc lựa chọn nghề nghiệp của các bạn trẻ hiện nay cần theo hướng nào và với những tiêu chí nào?
   
Thứ nhất, các bạn cần tìm hiểu thông tin và những xu hướng phát triển nghề nghiệp được cập nhật trong cuộc sống hàng ngày, qua báo chí và mạng truyền thông.
Từ đó, khi nắm được những thông tin này sẽ cho các bạn lựa chọn đúng đắn. 

Thứ hai, đánh giá đúng khả năng của mình trên cơ sở những thông tin biết về nghề. Đây là một yêu cầu quan trọng vì mỗi nghề đều có một yêu cầu nhất định về kỹ năng và năng lực của người hành nghề. 

Đối với các trường Đại học, đó là những yêu cầu đặt ra khi tuyển sinh đầu vào. Khi đó, đánh giá đúng khả năng của mình thông qua gia đình và những người xung quanh sẽ cho bạn một lựa chọn đúng. 

Thứ ba, đánh giá đúng cảm xúc nghề nghiệp của bản thân. Theo đó, bạn cần kiểm tra xem mình có thực sự yêu thích nghề và những công việc gắn với nghề đó hay không, hay chỉ đơn thuần là chọn nghề để sau này mưu sinh. 

Bởi lẽ, nếu bạn yêu thích và say mê với một nghề hay một công việc nào đó sẽ là một động cơ thúc đẩy bạn đi đến thành công trong nghề, và có thể thành đạt trong cuộc sống.
Đây là một tiêu chí rất quan trọng trong việc bạn lựa chọn nghề nghiệp. 
   
Thứ tư, bạn cần biết thông tin về khả năng tìm được việc làm khi theo nghề đó.
Đây cũng là một tiêu chí rất quan trọng, bởi lẽ một thực trạng của xã hội hiện nay là rất nhiều cử nhân, kỹ sư ra trường mà không tìm được việc làm như đã nói ở trên. 

Tất nhiên, thực trạng này có nhiều nguyên nhân, nhưng việc chọn nghề không đúng với nhu cầu xã hội cũng là một trong nguyên nhân trong số đó.                      
Thứ năm, cần đánh giá đúng tương lai phát triển của nghề. Đây là một yêu cầu mang tính định hướng. 
Khi đó bạn cần định lượng được xu thế phát triển của xã hội tác động nên nghề nghiệp mà bạn dự định theo đuổi, có thể qua các kênh thông tin nhất định. 
Nghĩa là cần đánh giá được tiềm năng phát triển của nghề đó trong tương lai. Đây là một tiêu chí khó mà bạn cần tham khảo theo nhiều nguồn, nhiều kênh khác nhau. 
   
Định nghề, chọn nghiệp là một vấn đề khó trong bối cảnh xã hội có nhiều khó khăn như hiện nay, khi đó đánh giá đúng xu thế chung, nắm bắt cơ hội và thời cơ trong điều kiện hoàn cảnh hiện tại sẽ giúp cho các bạn có được sự quyết định đúng đắn. 
Các cụ ngày xưa có câu: "Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh". Nghĩa là giỏi một nghề nhất định sẽ giúp ta thành công trong cuộc sống. Câu nói này ngày nay vẫn còn nguyên giá trị. 
Vì thế, các bạn trẻ cần nhanh nhạy, năng động, đánh giá đúng khả năng của mình và không ngừng tu dưỡng, rèn luyện để có những phẩm chất tốt, từ đó để có được sự lựa chọn phù hợp.

Trần Trí Dũng

Thứ Tư, 25 tháng 1, 2017

20170125. NGƯỜI VIỆT LẠC QUAN VỚI KINH TẾ NĂM 2017?

ĐIỂM BÁO MẠNG
"NGƯỜI VIỆT CỰC KỲ LẠC QUAN VỚI VIỄN CẢNH KINH TẾ NĂM 2017"?
LÊ DUNG/SN TB/ BVB 24-1-2017
Kết quả hình ảnh cho Indochina Research
“Người Việt đang cực kỳ lạc quan về viễn cảnh kinh tế năm 2017” là tựa đề cực kỳ trơ trẽn của một tờ báo nhà nước, khi dẫn lại kết quả nghiên cứu của một tổ chức chẳng mấy tiếng tăm là Indochina Research, trong khuôn khổ cuộc điều tra cuối năm 2016 do mạng lưới Win/Gallup International thực hiện tại 66 quốc gia.
Không chỉ “Việt Nam cũng là nước lạc quan thứ 5 trên thế giới về viễn cảnh kinh tế trong năm 2017”, Indochina Research còn công bố “Việt Nam là nước hạnh phúc thứ 4 trên thế giới với chỉ số hạnh phúc là 78%”.
Để đối chiếu, hãy nhìn lại một kết quả khác của Liên hiệp quốc. Tháng 3-2016, Liên hiệp quốc cũng đã công bố một bảng xếp hạng chỉ số hạnh phúc, trong đó Việt Nam đứng thứ 96. Nhưng đánh giá về 2 bảng xếp hạng được công bố cách nhau không lâu, một chuyên gia nhà nước là Tiến sĩ Khuất Thu Hồng cho biết ngay cả ở hạng 96, bà vẫn thấy thứ hạng này được ưu ái.
Tiến sĩ Khuất Thu Hồng nhận xét kết quả xếp hạng khá phiến diện, sẽ làm nhiều người bị… ru ngủ. Theo Tiến sĩ Hồng, nếu xét trên tiêu chí tuổi thọ thì Việt Nam không phải là nước có tuổi thọ cao để đáng phải tự hào. Còn tiêu chí cảm giác thoải mái, rất khó để nói người dân Việt Nam hài lòng khi đang phải lo toan mọi thứ: từ thực phẩm độc hại đến kẹt xe, mất an toàn giao thông, môi trường tự nhiên bị tàn phá… Đó là chưa nói cuộc sống bức bách khiến tâm lý con người thay đổi, bạo lực gia tăng, sẵn sàng đâm chém nhau vì những va chạm rất nhỏ…
“Tôi không hiểu thoải mái, hạnh phúc ở chỗ nào? Tôi không tin vào kết quả đó, phương pháp nghiên cứu này có vấn đề. Những người được hỏi chắc chắn không đại diện cho 90 triệu người dân Việt Nam” – Tiến sĩ Hồng bày tỏ.
Còn Tiến sĩ Nguyễn Hồi Loan, Đại học quốc gia Hà Nội, cho rằng nếu Việt Nam đứng thứ 5 trên thế giới về hạnh phúc thì đó đúng là giấc mơ, nhưng thực tế thì không phải như vậy:“Đối chiếu với một đất nước mà nỗi lo lắng luôn lơ lửng khắp nơi thì tôi cho là bảng đánh giá ấy hoàn toàn không chính xác. Ở đất nước mà ra đường luôn cảm thấy bất ổn, nghi kỵ lẫn nhau, cán bộ thì nhiều người lời nói không đi đôi với việc làm, ô nhễm môi trường, tai nạn giao thông tràn lan, tội phạm phức tạp… thì làm sao hạnh phúc được?”.
Cần nói thêm, kết quả “lạc quan và hạnh phúc” của Indochina Research nêu ra, và được báo chí nhà nước tung hô diễn ra trong bối cảnh nợ công, nợ xấu ngập đầu, ngân sách gần như cạn kiệt, thảm họa Formosa, thảm họa xả lũ miền Trung và rất nhiều công nhân không có tiền mua vé tàu xe về quê trong Tết 2017.
Nhiều thông tin cho biết chính quyền Việt Nam đã tung ra hàng triệu đô la mỗi năm để“quảng bá hình ảnh Việt Nam trên trường quốc tế”, trên một số tờ báo nước ngoài và cả chi cho tổ chức nghiên cứu quốc tế. Thậm chí còn có dấu hiệu chính quyền Việt Nam đã dùng tiền để “mua” một vài tờ báo, tổ chức nghiên cứu nhằm nêu ra những thông tin có lợi cho họ, bất chấp thực tế hoàn toàn trái ngược.
Lê Dung/(SBTN)
SỰ THẬT SAU KỶ LỤC 4 TỶ USD NHẬP THÉP TRUNG QUỐC 
THANH HÀ/ VNN 24-1-2017
 Sự thật sau kỷ lục 4 tỷ USD nhập thép Trung Quốc

 Năm 2016, Việt Nam chi gần 11 tỷ USD nhập khẩu sắt thép các loại.

Thép Trung Quốc ồ ạt vào Việt Nam
Theo Tổng cục Hải quan, năm 2016, Việt Nam đã nhập khẩu 18,4 triệu tấn sắt thép, trị giá hơn 8 tỷ USD, tăng 18,4% về lượng và 7,2% về trị giá so với năm trước. Việt Nam còn chi gần 3 tỷ USD nhập khẩu các sản phẩm từ sắt thép.
Như vậy, tổng cộng, năm 2016, Việt Nam chi gần 11 tỷ USD nhập khẩu sắt thép các loại. Con số này đạt mức kỷ lục, cao nhất từ trước đến nay.
Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu sắt thép các loại chỉ khiêm tốn ở mức 3,9 tỷ USD. Như vậy, Việt Nam đã nhập siêu gần 7 tỷ USD sắt thép trong năm nay.
Năm qua, sắt thép từ Trung Quốc ồ ạt vào Việt Nam với gần 11 triệu tấn, trị giá 4,45 tỷ USD, tăng 14,25% về lượng và 7,1% về trị giá so với năm trước. Đây là thị trường nhập khẩu thép lớn nhất của Việt Nam.
Đáng chú ý, nhập khẩu thép năm 2016 đã vượt qua tổng sản xuất thép trong nước. Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, năm 2016, tổng các loại sản phẩm thép trong nước sản xuất chỉ đạt 17,5 triệu tấn, tăng 16,8%, trong đó, lượng tiêu thụ đạt 15,3 triệu tấn, tăng 23,7% so với năm 2015.
Trao đổi với PV, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công Thương), ông Trương Thanh Hoài cho biết, nhập khẩu sắt thép đạt kỷ lục cho thấy nhu cầu trong nước rất lớn. Theo Quy hoạch thép cho đến năm 2020, Việt Nam sẽ thiếu hụt khoảng 15 triệu tấn thép thô, đến năm 2025 thiếu 20 triệu tấn.
Thép thuộc top 5 mặt hàng nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam, việc nhập siêu quá lớn kéo dài nhiều năm liền sẽ ảnh hưởng đến ổn định kinh tế vĩ mô đất nước.
Ông Hoài cho rằng công nghiệp thép Việt nếu có các "anh cả” tức là các tập đoàn, doanh nghiệp thép quy mô lớn, sử dụng công nghệ lò cao hiện đại sẽ đủ sức cạnh tranh kể cả có áp thuế tự vệ hay không.
"Thép Trung Quốc ồ ạt vào Việt Nam chủ yếu được sản xuất ở các nhà máy ven biển của Trung Quốc. Nhóm này mới có khả năng cạnh tranh với Việt Nam bởi chi phí vận chuyển bằng đường biển rẻ và thuận tiện. Các dự án thép trong nội địa Trung Quốc không thể cạnh tranh được bởi chi phí vận chuyển trên bộ vô cùng đắt đỏ”, ông Hoài nói.
Theo ông Hoài, phát triển công nghiệp là một quá trình dài tích tụ tài sản từ thấp đến cao. Khi chuỗi giá trị toàn cầu đã được xác lập, việc chen chân vào chuỗi giá trị ở phân khúc cao rất khó. Ông nhận định, công nghiệp Việt Nam không đạt mục tiêu đề ra cũng một phần đặt ra mục tiêu quá cao, vì vậy nên phát triển những ngành phù hợp với khả năng của mình rồi dần hướng đến các giá trị cao. Trước mắt, cần sản xuất thép công suất lớn, công nghệ hiện đại để giải quyết bài toán nhập siêu cũng như xuất khẩu.
“ASEAN không có nhiều thép, thị trường tiêu thụ rất rộng mở. Bản thân Hoà Phát khi đầu tư 60.000 tỷ vào dự án ở Dung Quất cũng chuyển đổi cơ cấu sang sản xuất thép chất lượng cao, thép chế tạo phục vụ công nghiệp. Đây là những loại thị trường đang rất thiếu”, ông Hoài nói.

Sự thật sau kỷ lục 4 tỷ USD nhập thép Trung Quốc
Trung Quốc là thị trường nhập khẩu thép lớn nhất của Việt Nam.

Làm gì khi chủ nghĩa bảo bộ bao trùm thế giới?
Trước bối cảnh thép ngoại ồ ạt và có nhiều biểu biện gian lận, bán phá giá, ngày 7/3/2016, Bộ Công Thương đã ra quyết định áp dụng biện pháp tự vệ tạm thờiđối với mặt hàng phôi thép và thép dài nhập khẩu vào Việt Nam, với mức thuế lần lượt là 15,4% đối với thép dài và 23,3% đối với phôi thép.
Tuy nhiên, thép ngoại đã tìm mọi cách lẩn tránh thuế tự vệ bằng cách kê khai các mặt hàng thép cuộn sang những mã HS khác để lách thuế. Do đó, 18 doanh nghiệp thép trong nước đã có đơn kiến nghị lên Bộ Công Thương đề nghị mở rộng phạm vi áp dụng thuế tự vệ thương mại, kiểm soát chặt việc lách thuế.
Về việc này, Cục Quản lý Cạnh tranh (Bộ Công Thương) cho biết sẽ xem xét trên cơ sở ghi nhận các ý kiến của doanh nghiệp và trình lên Chính phủ. Cục này cũng sẽ cân nhắc việc thành lập các đoàn thanh, kiểm tra trên cơ sở đánh giá kỹ nhu cầu trong nước.
Về phía doanh nghiệp, ông Mai Văn Hà, Giám đốc Công ty Thép Hoà Phát, khẳng định, cả thế giới đang dựng những rào cản tối đa để ngăn chặn thép bán giá rẻ của Trung Quốc, nhằm tránh khỏi nguy cơ đổ vỡ. Mỹ đã áp thuế lên đến 200-300% với một số sản phẩm thép từ Trung Quốc.
Ông Hà khẳng định bảo hộ không phải là kéo dài mãi mãi, đến khi thép ngoại thôi việc bán dưới giá thành sản xuất thì sẽ xoá bỏ, khi đó ngành sản xuất thép 20 năm của Việt Nam phát triển và người dân cũng được lợi.
Chủ nghĩa bảo hộ đang bao trùm toàn thế giới, đặc biệt từ khi Tổng thống Donald Trump trúng cử. Mới đây, khi phát biểu ở hội nghị tổng kết năm 2016 của ngành Công Thương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh việc bảo hộ thị trường 100 triệu dân và khẳng định không có lợi ích nhóm nào trong việc này.
"Cần có hàng rào thương mại để bảo vệ thị trường nội địa, cần có không gian phát triển cho doanh nghiệp tư nhân trong nước mà không vi phạm các cam kết hội nhập. Việt Nam bao năm qua xuất khẩu tôm vào Mỹ gặp đủ các cản trở, rào cản kỹ thuật, mất bao năm để bán được các loại trái cây tốt”, Thủ tướng nói.
Theo chỉ đạo trên, dự thảo Quy hoạch thép đến năm 2025 đã xác định sẽ tiến hành triển khai các giải pháp phòng vệ thương mại đối với sản phẩm thép, để đảm bảo sức cạnh tranh cho ngành thép trong nước. Ông Hoài tiết lộ, các hàng rào kỹ thuật đã được Bộ Công Thương tính đến và đảm bảo không vi phạm các cam kết hội nhập của Việt Nam.
Thanh Hà

Thứ Ba, 24 tháng 1, 2017

20170124. TẢN MẠN CHUYỆN BẰNG THẬT, BẰNG GIẢ

ĐIỂM BÁO MẠNG
CHUYỆN ÔNG NỌ BÀ KIA VÀ TẢN MẠN VỀ BẰNG THÂT, BẰNG GIẢ
TRƯƠNG KHẮC TRÀ/ GD 22-1-2017

  Bằng cấp - xưa nay vốn là chuyện ồn ào trong nền giáo dục. Xoay quanh tấm bằng có vô số chuyện mà ai cũng ít nhất một lần được nghe qua.
Đại để như ở đâu đó tự nhiên khui ra sự vụ “ông nọ”, “bà kia” xài bằng giả, một ngày đẹp trời bỗng nhiên báo đài rầm rập đưa tin “vừa triệt hạ đường dây làm giả bằng Tiến sỹ”, vị Giáo sư ở Viện X tốt nghiệp trường “ma”…
Trong kinh tế học, người ta cho rằng bản thân tờ tiền chẳng có giá trị gì sất, những con số, mệnh giá in trên đó suy cho cùng chẳng mang ý nghĩa gì, cái làm nên giá trị của nó là sự quy ước giữa người với người, cho nó 100 thì là 100, cho nó 1000 thì là 1000.
Tấm bằng cũng vậy, chỉ mà mớ giấy lộn nếu trong đầu óc của người sở hữu nó không đạt đủ số lượng kiến thức cần thiết về lĩnh vực được công nhận. 

Ví dụ, nếu hoàn thành 4 năm học với n môn, n tín chỉ, cộng thêm các điều kiện “abc”… thì hiển nhiên được công nhận “Bachelor” = Cử nhân; 

Học thêm 2 năm với n môn và “abc”… điều kiện thì được công nhận Master = Thạc sỹ…
Cố nhiên, cái quan trọng nhất ở đây vẫn là người sở hữu tấm bằng phải đạt đủ số lượng kiến thức tương ứng, lúc đó tấm bằng mới được coi là thật.
Trong thực tế, có nhiều người có số lượng kiến thức vượt trội với chuẩn cử nhân nhưng họ không được coi là cử nhân là tại thiếu các điều kiện “abc”… 

Cũng là trường hợp như vậy nhưng có người bỏ tiền mua tấm bằng nhằm “hợp thức hóa” thì hiển nhiên bị coi là bằng giả dù kiến thức của anh ta có “thật” đến đâu chăng nữa.
Cũng còn có trường hợp chỉ mới có bằng cử nhân nhưng vẫn được phong hàm giáo sư, đây là các nhân vật xuất chúng được xã hội công nhận rộng rãi đến mức chẳng ai có thể chối bỏ.
Giống như việc chúng ta quy ước với nhau “miếng Polymer hình chữ nhật, màu xanh lá cây là tờ 100.000 đồng”.
Trên thế giới còn có kiểu phong “Giáo sư danh dự”, Tiến sỹ danh dự”, “Viện sỹ danh dự”, sở dĩ người ta thêm hậu tố “danh dự” là để tránh miệng lưỡi dư luận bàn ra tán vào cho là giả mạo. 
Mặc dù bản thân cụm từ “danh dự” đã phần nào nói lên tính giả mạo nhưng giả mạo ở đây hàm ý thông điệp những vị ấy chỉ là “danh dự”.
Vậy nên, những trường hợp này không bị coi là dùng bằng giả, vì họ không được cấp bằng!
Có rất nhiều người học thật nhưng bằng giả, điều này mới nghe qua có vẻ phi lôgíc nhưng xảy ra rất nhiều trong nền giáo dục Việt Nam hiện nay, nhất là bậc đại học. 
“Học thật” ở đây có nghĩa là bước vào trường đại học bằng các điều kiện “abc” rõ ràng, nhưng quá trình học chẳng thu đươc kiến thức bao nhiêu (xuất phát từ thái độ người học và những yếu kém trong giáo dục đại học) thì tấm bằng cử nhân ấy cũng không thể gọi là thật dù được ký tên, đóng dấu đỏ tươi rói.
Chính vì vậy mới có thực trạng cử nhân ở Việt Nam đang thất nghiệp tràn lan, thực tài không đi đôi với bằng cấp nên không thể trụ vững trong thị trường lao động vốn đòi hỏi phải liên tục sáng tạo ra giá trị mới. 
Dù có là bằng giỏi hay xuất sắc mà kiến thức của anh ta không đạt đến ngưỡng “giỏi”, “xuất sắc” được xã hội thừa nhận thì tấm bằng ấy về bản chất vẫn không thật.

Cũng còn những trường hợp học giả nhưng… bằng thật! Ông A, bà B không đến lớp, thậm chí nhờ người học thay nhưng hồ sơ học bạ vẫn đầy đủ, được cấp bằng đàng hoàng và hơn thế nữa, cậy vào tấm bằng được cho là thật ấy mà leo trèo lên những chức vụ cao hơn. 
Nói là bằng thật bởi chẳng ai chứng minh được là nó giả ở chỗ nào, vị kia được cử đi học, trường chính quy hẳn hoi thì tấm bằng đương nhiên phải thật! 

Duy chỉ có khác với người “bình thường” là các điều kiện abc không có đủ nên phải “nhờ” người khác phụ giúp! Nhưng quan trọng hơn hết là người ta đã có tấm giấy lộn hiển nhiên coi là “bằng”.
Thật giả, giả thật lắm khi lẫn lộn, khoảng cách với nhau đôi lúc chỉ chân tơ, kẽ tóc. 
Trong Tây Du Ký của Ngô Thừa Ân, Trư Bát Giới là hạng người ham mê tửu sắc nhưng khổ nỗi anh ta nói gì Đường Tăng lập tức nghe theo, còn Ngộ Không vốn bản lĩnh tài trí những hễ mở miệng ra là bị sư phụ ngờ vực. Vì sao?
Mấy hôm nay, câu chuyện một cán bộ lãnh đạo của Thành phố Cần Thơ nhờ người đi học thay khiến dư luận xôn xao, nhưng xem ra sự vụ này chẳng là gì với nhiều vị “to” gấp bội phần ung dung xài bằng giả cho đến khi bị phát hiện.
Chua chát thay, cái sự “học thay” còn đạo đức hơn trăm ngàn lần những gì mà người ta thấy trong giáo dục; nạn lạm thu, buôn bán bằng cấp, “đầu cơ” học hàm, học vị, chạy trường, chạy lớp, chạy chức, chạy quyền, chạy dự án giáo dục, thầy giáo lạm dụng tình dục học sinh, cô giáo bạo hành trẻ mẫu giáo…
Mấy chục năm qua hệ “tại chức”, “chuyên tu”, “từ xa”… đã cấp phát hàng chục ngàn tấm bằng không biết nên gọi là thật hay giả. 

Nguy ở chỗ nếu biết thật để còn tôn vinh, biết giả để mà loại bỏ, đằng này lẫn lộn “hầm bà lằng” nên vấy bẩn lẫn nhau.
Trong xã hội hiện còn bao nhiêu “ông” xài bằng giả, bao nhiêu “bà” nhờ người học thay, bao nhiêu “vị” đi học để hợp thức hóa…? Xem ra câu hỏi này quá khó để trả lời. 
Lãnh đạo quản lý không phải là một công việc, mà là một nghề, đã gọi là nghề thì phải đào tạo bài bản, chỉn chu chứ không thể lắp ghép, chắp vá.
Trong chiến tranh, thời kỳ đất nước khó khăn nên việc gián đoạn học hành, đào tạo là đương nhiên.
Nhưng đã hơn 40 năm đất nước hòa bình không còn tiếng súng thì việc đào tạo ra một đội ngũ làm công tác lãnh đạo cớ gì khó khăn mà phải chắp vá bằng “tại chức,” “từ xa”…?
Người viết không phủ nhận vai trò của các hệ đào tạo này nhưng đến nay nó đã hoàn thành sứ mệnh của mình nên phải dẹp bỏ, cử nhân của các hệ đào tạo này đã thi triển hết sức lực và xem chừng không thể bắt kịp những người hàng xóm trong khu vực.
Xã hội quá sính bằng cấp nên mới sinh ra bằng thật, bằng giả, nếu ai cũng cho rằng bằng cấp không quan trọng bằng những sản phẩm đóng góp cho xã hội thì hay biết mấy. 
Suy cho cùng, các hệ đào tạo, các hình thức học tập tréo ngoe như hiện nay chẳng phải trên trời rơi xuống mà nó được “đẻ” ra để đáp ứng nhu cầu của một “bộ phận không nhỏ”.
Trương Khắc Trà

VÌ SAO VẤN NẠN HỌC GIẢ, BẰNG THẬT VẪN CÒN ĐẤT SỐNG ?
BÙI MINH TUẤN /GD 24-1/2017
Có một thực tế đã tồn tại bấy lâu nay đó là: Có không ít công chức, viên chức sau khi vượt qua “cửa ải” tuyển dụng đã thể hiện sự hạn chế về khả năng chuyên môn. 
Mặc dù theo quy định hiện tại, công chức, viên chức sau hai năm không hoàn thành nhiệm vụ sẽ bị đình chỉ công tác nhưng với cách đánh giá, xếp loại theo lối cào bằng và có phần hình thức như bấy lâu nay, số công chức, viên chức bị đưa vào diện “thải loại” là không đáng kể. 
Những người đã chắc “suất” biên chế thường yên tâm với vị trí công tác của mình. Nếu không bị vướng vào các hình thức xử lý kỷ luật, chế độ lương bổng sẽ “đến hẹn lại lên”. 
Tình trạng công chức, viên chức làm việc theo kiểu “sáng cắp ô đi, tối cắp về” dẫn tới nhiều tác hại trước mắt và lâu dài như: Hiệu suất công việc không đảm bảo; gây ra tình trạng “ùn ứ” về nhân lực, làm gia tăng số lượng sinh viên tốt nghiệp ra trường hằng năm… 
Đặc biệt, sự trì trệ, hoạt động kém hiệu quả của các cơ quan công quyền sẽ làm giảm sút niềm tin trong nhân dân.
Để xảy ra tình trạng bằng giả hoặc “học giả, bằng thật” vẫn có thể “lọt” được vào làm việc tại cơ quan nhà nước xuất phát từ nhiều nguyên nhân. 
Trong đó, chính quan niệm cùng cách thức, cơ chế tuyển dụng công chức, viên chức, đề bạt cán bộ hiện tại là nguyên nhân quan trọng nhất. 
Muốn được tuyển dụng vào làm việc tại một cơ quan, đơn vị nào đó, một trong những yêu cầu đầu tiên mà cơ quan tuyển dụng đặt ra là phải có bằng cấp và chứng chỉ cần thiết. 
Với quy định “cứng” này, bằng cấp, chứng chỉ dường như là thước đo tối cần thiết để xác định khả năng, năng lực của mỗi người. 
Theo đó, bằng cấp càng cao, chứng chỉ càng nhiều thì cơ hội tuyển dụng, đề bạt càng lớn. 
Về ý tưởng, yêu cầu có bằng cấp, chứng chỉ liên quan đến chuyên môn nghiệp vụ khi tuyển dụng hay bổ nhiệm cán bộ là điều tốt vì nó góp phần thúc đẩy nhu cầu học tập của xã hội. 
Tuy nhiên, nếu quá phụ thuộc, coi trọng bằng cấp, xem nó là tiêu chí duy nhất khi tuyển dụng nhân sự, đề bạt cán bộ thì sẽ làm phát sinh “bệnh” sinh bằng cấp.
Nghĩa là, nếu bằng cấp là yếu tố tối quan trọng cho cơ hội tuyển dụng, thăng tiến thì nó sẽ trở thành một áp lực ghê gớm đối với nhiều người. 
Khi muốn “lọt” vào “chỗ nọ, chỗ kia”, người ta sẽ phải bằng mọi cách để có được mảnh bằng, kể cả việc phải bỏ tiền ra “mua”. 
Vấn đề đặt ra là, vì sao những người sử dụng bằng giả hoặc “học giả, bằng thật” khó có thể “lọt” được vào các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nước ngoài? 
Đơn giản là bởi, họ không cần quan tâm nhiều đến tấm bằng, hay nói cách khác, họ chỉ xem bằng cấp như là một điều kiện cần. 
Điều mà những doanh nghiệp này quan tâm là khả năng làm việc thực tế của từng ứng viên. 
Lương, thưởng cũng tùy năng suất, hiệu quả làm việc mà có nhiều mức khác nhau chứ không thể cào bằng hoặc chỉ căn cứ vào bằng cấp, chức vụ như ở các cơ quan nhà nước. 
Do tiêu chí khả năng chuyên môn, năng lực làm việc thực sự được coi trọng nên những người làm việc trong các công ty tư nhân, các doanh nghiệp nước ngoài nhận thức được: 
Họ chỉ có thể giữ được việc làm và có cơ hội thăng tiến nếu bản thân chứng tỏ được khả năng, làm lợi cho doanh nghiệp. 
Đây cũng là điều giúp họ luôn có ý thức vươn lên học hỏi, thường xuyên trau dồi năng lực chuyên môn để có thể thích ứng với yêu cầu công việc được giao.
Nhằm ngăn chặn nạn bằng giả hoặc “học giả, bằng thật” có thể “lọt” vào cơ quan nhà nước, thiết nghĩ, cần thay đổi mạnh mẽ quan niệm “dụng nhân”. 
Theo đó, tiêu chí về khả năng chuyên môn, năng lực làm việc thực tế cần được đặt lên hàng đầu. 
Trong quá trình tuyển dụng, không nên quá coi trọng bằng cấp và xem nó như là căn cứ cần thiết, duy nhất, việc thẩm tra hồ sơ cần phải được thực hiện nghiêm túc, kỹ càng. 
Đổi mới cách thức tuyển dụng cần gắn với trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức dưới sự giám sát chặt chẽ của các cơ quan chức năng. 
Bên cạnh đó, quá trình đánh giá, xếp loại công chức, viên chức hằng năm cần được tiến hành khách quan, chặt chẽ để từng bước loại bỏ dần những người yếu kém về năng lực chuyên môn ra khỏi bộ máy nhà nước. 
Đối với ngành giáo dục, cần nâng cao chất lượng đào tạo, nhất là ở bậc đại học, đảm bảo đánh giá trung thực, chính xác, khách quan, cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng, phù hợp với nhu cầu xã hội.
Bùi Minh Tuấn