Thứ Tư, 31 tháng 8, 2022

20220901. TRẺ MẦM NON ĐƯỢC NHẬN HỌC QUA BỐC THĂM !?

 ĐIỂM BÁO MẠNG


BỐC THĂM VÀO MẦM NON: MỘT SỰ CÔNG BẰNG CHẲNG CÔNG BẰNG, CHẲNG GIỐNG AI
ĐÀO TUẤN/LĐ 28-8-2022

Dân số Thủ đô đang tăng cỡ “một huyện người” mỗi năm. Và hôm qua, trong một sự kiện chưa từng có tiền lệ, các phụ huynh ở Hoàng Liệt đã phải "bốc thăm" để giành suất cho con vào trường mầm non công lập.

GIỮA THỦ ĐÔ TRẺ MẦM NON ĐẾN TRƯỜNG BẰNG LÁ THĂM MAY RỦI, CÓ THẤY CHUA  XÓT ?
NGUYỄN NGUYÊN/ GDVN 29-8-2022

Nếu như trẻ em ở khu vực nông thôn từ 3-5 tuổi sẽ nghiễm nhiên được vào trường mầm non công lập và phụ huynh không bao giờ phải bận tâm về chuyện con em mình học ở trường nào vì cơ cấu dân số thay đổi rất ít.

Nhưng, khu vực đô thị hiện nay lại hoàn toàn khác, nhất là những đô thị lớn, nơi mật độ dân số đông và liên tục có sự dịch chuyển, trường công lập nhiều khi không đáp ứng được hết nhu cầu học tập của trẻ em trên địa bàn.

Chính vì thế, sự việc phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai, Hà Nội) tổ chức bốc thăm cho phụ huynh có nguyện vọng cho con học tại Trường Mầm non Hoàng Liệt đang được các phương tiện truyền thông phản ánh khá nhiều nhưng có lẽ khó có giải pháp nào khả thi hơn những lá thăm may rủi trong điều kiện hiện tại.

Tất nhiên, sự việc này có phần kỳ lạ nhưng rõ ràng những phụ huynh bốc thăm cho con mà không may bốc trúng lá thăm “không trúng tuyển” thì họ cũng sẽ không phải băn khoăn mà tìm cách chọn trường khác cho con.

Những suy đoán thị phi đằng sau việc tuyển sinh cũng sẽ không còn tồn tại gây dư luận không tốt khi thầy và trò chính thức bước vào năm học.

Giữa Thủ đô trẻ mầm non đến trường bằng lá thăm may rủi, có thấy chua xót? ảnh 1

Phụ huynh Trường Mầm non Hoàng Liệt phải bốc thăm may rủi để có một suất

 cho con học tại trường (Ảnh: Hoài Ân)

Hệ thống trường mầm non công lập ở khu vực đô thị đang quá tải

Không chỉ ở khu vực nội đô của Thành phố Hà Nội mà nhiều địa bàn ở các thành phố khác trên cả nước hiện nay cũng đang xảy ra tình trạng quá tải đối với hệ thống trường mầm non công lập.

Vì thế, các trường chỉ có thể nhận đủ chỉ tiêu mà cấp trên giao bởi tuyển vượt chỉ tiêu thì trường lớp, giáo viên đứng lớp không đáp ứng được. Các quy định ràng buộc về chỉ tiêu cấp trên giao, giáo viên đứng lớp, sĩ số lớp, cùng với cơ sở hạ tầng hiện có bắt buộc các trường khó có thể tuyển vượt chỉ tiêu theo quy định hiện hành.

Một khi số lượng học sinh cao hơn chỉ tiêu cấp trên giao thì cũng đồng nghĩa với việc có thể cùng sinh sống trên một địa bàn, cùng tuyến tuyển sinh nhưng con của phụ huynh này được vào học, con của phụ huynh khác phải gửi ở các nhà trẻ tư thục khác.

Khi phải gửi cho các trường tư thục thì điều dĩ nhiên là mức học phí sẽ cao hơn rất nhiều so với việc con em mình học ở trường công đang được nhà nước đầu tư cơ sở hạ tầng và trả lương cho giáo viên.

Những phụ huynh có điều kiện về kinh tế thì có thể cho con học ở trường công hay trường tư cũng không phải là vấn đề lớn mà họ quan trọng là môi trường nào con em mình được hòa nhập và phát triển tốt hơn.

Nhưng, với những phụ huynh có kinh tế còn hạn chế thì việc con em mình không vào được trường công là một nỗi lo rất lớn vì gánh nặng tài chính sẽ đè nặng trên vai họ khi mức học phí, chi phí học tập cao hơn rất nhiều.

Chính vì thế, sự việc phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai, Hà Nội) phải tổ chức bốc thăm cho phụ huynh có nguyện vọng cho con học tại Trường Mầm non Hoàng Liệt cho dù nhiều người chưa hẳn đã đồng tình nhưng đây cũng là một phương án "cực chẳng đã".

Thực ra, phải tổ chức cho phụ huynh bốc thăm bằng những lá thăm may rủi cũng là điều mà có lẽ các cơ quan chức năng, Ban giám hiệu Trường Mầm non Hoàng Liệt không muốn nhưng với tình hình thực tế thì họ đành phải làm vậy.

Đại diện Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hoàng Mai cho biết, năm học 2022 - 2023, Trường mầm non Hoàng Liệt được phân bổ tổng 559 chỉ tiêu tuyển sinh cho trẻ từ 3 đến 5 tuổi. Trường nhận được 226 hồ sơ xin học cho trẻ 5 tuổi; nhóm trẻ 4 là 290 hồ sơ (gấp 3,2 lần chỉ tiêu) và 3 tuổi là 423 (gấp 1,7 lần chỉ tiêu).

Do quá tải tải nhà trường ưu tiên nhận hết 226 hồ sơ trẻ 5 tuổi, phân bổ thành 13 lớp mẫu giáo. Việc này nhằm đảm bảo 100% trẻ mầm non 5 tuổi được đi học, chuẩn bị cho việc vào lớp 1 năm học tiếp tới.

Còn các trẻ từ 3 đến 4 tuổi, nhà trường chỉ tuyển thêm 333/713 hồ sơ đăng ký. Nhà trường quyết định tổ chức bốc thăm dưới sự chứng kiến các bên liên quan để kết quả được công bằng, minh bạch”. [1]

Như vậy, chúng ta thấy Ban giám hiệu Trường Mầm non Hoàng Liệt cũng có những cái khó riêng. Bởi vì, chỉ tiêu cấp trên giao đối với trẻ 3 đến 4 tuổi chỉ tuyển 333 cháu nhưng có tới 713 hồ sơ đăng ký sẽ đồng nghĩa với việc 380 cháu không trúng tuyển - số lượng nhiều hơn trúng tuyển.

Nếu như nhà trường không tổ chức bốc thăm, chỉ nhận hồ sơ đăng ký đến cháu 333 thì đương nhiên phụ huynh của 380 cháu còn lại có thể sẽ phản đối và có những ý kiến trái chiều. Hoặc, nhận tất cả hồ sơ, sau đó nhà trường tự chọn ra 333 cháu lại càng phức tạp bởi những hoài nghi của dư luận lại càng nhiều hơn.

Làm gì để không còn việc phải bốc thăm may rủi để được học?

Một số ý kiến cho rằng việc bốc thăm như Trường Mầm non Hoàng Liệt có cái gì đó kỳ lạ và thậm chí phản cảm trong môi trường giáo dục. Song, trong bối cảnh hiện tại, có lẽ Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hoàng Mai, Trường mầm non Hoàng Liệt cũng không có cách nào thay đổi thực tế là trường lớp không đủ.

Một khi cơ sở hạ tầng, nhân lực của nhà trường không thể đáp ứng hết được hết nhu cầu học tập của các cháu trong địa bàn thì việc tổ chức bốc thăm công khai, có sự chứng kiến của nhiều ban ngành, sự tham gia của tất cả phụ huynh sẽ là cách minh bạch nhất trong tuyển sinh hiện nay ở những nơi xảy ra tình trạng quá tải.

Không tổ chức bốc thăm như thế này, Ban giám hiệu Trường Mầm non Hoàng Liệt có tuyển bằng cách nào cũng không tránh khỏi những điều tiếng - cho dù là yếu tố tiêu cực trong tuyển sinh không xảy ra.

Bởi lẽ, nếu như tuyển học sinh đầu cấp ở bậc học phổ thông mà xảy ra quá tải thì nhà trường có thể có nhiều hình thức như cho kiểm tra trình độ, khả năng của học sinh nhưng ở đây các cháu mới có 3-4 tuổi - chẳng có gì để làm tiêu chí đánh giá, định lượng cho từng chỉ tiêu làm thước đo cho sự minh bạch.

Trong khi, những cháu này cùng sinh sống trên địa bàn với nhau, có hộ khẩu thường trú, đúng tuyến tuyển sinh thì cũng đồng nghĩa các cháu có đủ điều kiện để vào Trường Mầm non Hoàng Liệt.

Nhưng, khả năng nhà trường chỉ đáp ứng được một số lượng học sinh nhất định chứ không thể nào tuyển hết được. Vì thế mới dẫn đến sự việc bốc thăm may rủi của phụ huynh để có được một suất cho con vào học.

Bài toán quá tải học sinh bậc mầm non, cũng như các cấp học phổ thông công lập ở những khu vực đô thị lớn không thể tìm ra giải pháp một sớm, một chiều.

Vấn đề giáo viên có thể tuyển mới nhưng trường lớp rất khó đầu tư mới hoặc mở rộng quy mô song hành với sự phát triển dân số bởi nó liên quan đến chủ trương, lộ trình trong nhiều năm mới có thể thực hiện được.

Bởi vậy, việc bốc thăm như Trường Mầm non Hoàng Liệt dù có nhiều ý kiến khác nhau trong lúc này nhưng có lẽ phụ huynh cũng cần thông cảm với hoàn cảnh hiện tại của nhà trường và chính quyền địa phương nơi đây.

Theo cá nhân người viết, suy cho cùng, với thực tế như vậy, việc cho phụ huynh bốc thăm cũng là giải pháp minh bạch, công bằng nhất.

Tài liệu tham khảo:

https://baotintuc.vn/anh/hy-huu-phu-huynh-nin-tho-cho-la-phieu-quyet-dinh-con-minh-co-duoc-vao-truong-mam-non-cong-lap-hay-khong-20220827123106436.htm

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

NGUYỄN NGUYÊN
BAO GIỜ HẾT CẢNH PHẢI BỐC THĂM CHO TRẺ VÀO MẦM NON ?
Đ.HUÂN th/ TN 29-8-2022

Vụ việc khoảng 700 phụ huynh phải bốc thăm để giành suất cho con vào học trường mầm non khiến dư luận bức xúc.

Như Thanh Niên thông tin, UBND P.Hoàng Liệt (Q.Hoàng Mai, Hà Nội) vừa tổ chức để phụ huynh bốc thăm suất học cho trẻ 3 tuổi tại Trường mầm non Hoàng Liệt năm học 2022 - 2023. Quy trình bốc thăm gồm 2 vòng. Phiếu vòng 1 là phiếu in số thứ tự từ 1 đến hết số học sinh và có đóng dấu treo của trường. Ở vòng 2, phụ huynh sẽ dùng số thứ tự này để bốc thăm phiếu tuyển sinh. Phiếu vòng 2 có 2 loại phiếu, có đóng dấu treo của nhà trường. Phiếu trúng tuyển có dòng chữ: “Chúc mừng bé đã trúng tuyển vào trường” và phiếu không trúng tuyển ghi: “Rất tiếc bé không trúng tuyển vào trường”.

Chiều 27.8, nhà trường phát 209 phiếu tương ứng với số hồ sơ phụ huynh đăng ký. Tuy nhiên, chỉ có 194 phụ huynh lấy số ở vòng 1 và đủ điều kiện tham gia vòng 2.

Bao giờ hết cảnh phải bốc thăm cho trẻ vào mầm non? - ảnh 1

Nhiều phụ huynh thất vọng khi bốc trúng lá thăm không may mắn

ĐẬU TIẾN ĐẠT

Hoàng Liệt là trường mầm non công lập duy nhất của P.Hoàng Liệt, địa bàn có dân số khá đông. Đại diện Phòng GD-ĐT Q.Hoàng Mai cho biết năm học 2022 - 2023, trường được phân bổ 559 chỉ tiêu tuyển sinh cho trẻ từ 3 - 5 tuổi. Trường nhận được 226 hồ sơ xin học cho trẻ 5 tuổi; nhóm trẻ 4 tuổi là 290 hồ sơ (gấp 3,2 lần chỉ tiêu) và 3 tuổi là 423 (gấp 1,7 lần chỉ tiêu). Do quá tải, nhà trường ưu tiên nhận hết 226 hồ sơ trẻ 5 tuổi, phân bổ thành 13 lớp mẫu giáo. Việc này nhằm đảm bảo 100% trẻ mầm non 5 tuổi được đi học, chuẩn bị cho việc vào lớp 1 năm học tới. Còn các trẻ từ 3 - 4 tuổi, nhà trường chỉ tuyển thêm 333/713 hồ sơ đăng ký. Nhà trường quyết định tổ chức bốc thăm dưới sự chứng kiến các bên liên quan để kết quả được công bằng, minh bạch.

“Thật đáng buồn”

Phản hồi thông tin trên, bạn đọc (BĐ) Thanh Niên bức xúc cho rằng tình trạng này không phải diễn ra lần đầu mà kéo dài qua nhiều năm khiến dư luận nhức nhối. “Đọc tin mà thấy xót xa. Vô mầm non mà còn căng thẳng hơn thi đại học. Tình trạng này diễn ra từ năm này qua năm khác mà đến nay vẫn chả chuyển biến gì. Phụ huynh giờ đây không chỉ áp lực việc nuôi con khôn lớn mà còn phải vật lộn với việc tìm một cơ sở giáo dục cho các bé”, BĐ Thanh Yến bức xúc.

Ôi, cạnh tranh học hành ngay từ khi các bé còn ăn bột. Không thể tưởng tượng được!

Kim Lành

Vậy với những người có thu nhập thấp không đủ điều kiện gửi con ở trường tư mà lại bốc thăm không trúng vào trường công thì con em họ ra sao?

Nguyễn Hoài

Ngành giáo dục và chính quyền cần có giải pháp cho vấn đề này, không thể để kéo dài từ năm này qua năm khác.

Pham My

BĐ Hoàng Quân thất vọng: “Giáo dục là nền tảng cho mọi sự phát triển mà phải bốc thăm may rủi thế này ư? Rồi với những gia đình có thu nhập thấp, không đủ điều kiện gửi trẻ ở trường tư thì chẳng lẽ cho các cháu ở nhà hay sao. Nghĩ mà buồn”. Tương tự, BĐ Việt Thắng viết: “Cái sự học hành của các con nghe nó may rủi quá. Chúng ta khó khăn đến nỗi không thể mở rộng thêm trường lớp để cho các mầm non tương lai của đất nước học tập hay sao mà để cảnh này tái diễn từ năm này qua năm khác?”.

“Thật đáng buồn! Thử hỏi các bé sẽ phải làm gì khi không có cơ hội học trường công, trong khi điều kiện tài chính gia đình không đủ để vào được trường tư?”, BĐ Phương Mai ý kiến.

Cần chấm dứt triệt để tình trạng thiếu trường lớp

Nhiều ý kiến cho rằng các cháu sinh ra đều bình đẳng như nhau, vì vậy nhà nước cần có giải pháp triệt để cho tình trạng thiếu trường lớp mầm non nói riêng và các cấp học nói chung. “Nhìn hình ảnh này vừa thương cho phụ huynh, vừa thương cho các bé. Bao giờ thì tình trạng này chấm dứt?”, BĐ Kiều Trang nêu vấn đề.

Tương tự, BĐ Thúy An viết: “Trong trường hợp thiếu cơ sở mầm non như hiện nay thì việc bốc thăm là một giải pháp tạm, nhưng về lâu dài thì không phải cách. Chẳng lẽ bây giờ tương lai của các bé chỉ phụ thuộc vào một lá thăm hay sao. Mong đơn vị quản lý giáo dục sớm tìm được giải pháp”.

“Chẳng biết từ bao giờ việc tìm kiếm một cơ sở giáo dục cho con lại trở thành áp lực, thành một trò may rủi như thế này. Nhìn mà buồn cho các cháu. Chung quy lại thì vấn đề nằm ở chỗ thiếu trường, thiếu lớp trong khi mật độ dân số ngày càng cao. Dứt khoát phải tăng thêm diện tích trường lớp để đáp ứng nhu cầu của người dân. Tuyệt đối không được để một trẻ nào bị bỏ lại phía sau”, BĐ Ngọc Cẩm đề nghị. BĐ Thanh Tiến ý kiến: “Việc thiếu cơ sở mầm non đang trở thành vấn đề được quan tâm hiện nay. Điều đáng nói, nó lại thuộc về phạm trù giáo dục, cần phải giải quyết triệt để vì đó là tương lai của trẻ. Nhìn cảnh phụ huynh căng thẳng xếp hàng bốc thăm mà xót xa quá. Mong không đứa trẻ nào phải ở nhà vì thiếu trường, thiếu lớp”.

BỐC THĂM VÀO TRƯỜNG MẦM NON: CẦN XEM LẠI CÁCH
QUẢN LÝ GIÁO DỤC!
MAI CHÂM/DT 30-8-2022

(Dân trí) - Tham vấn ý kiến của Tiến sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường - Ủy viên Ban chấp hành Hội bảo vệ Quyền trẻ em Việt Nam về quyền học của trẻ em mầm non nói riêng và công dân nói chung.

Vừa qua, tại Quận Hoàng Mai (Hà Nội) xảy ra sự việc hàng trăm phụ huynh tham gia 
lễ bốc thăm để giành suất vào Trường Mầm non Hoàng Liệt, năm học 2022-2023.

Kết quả buổi lễ bốc thăm, hơn 100 phụ huynh trúng lá thăm giành suất vào trường mầm non cho con. Một số phụ huynh khác mặc dù rất buồn bã vì bốc thăm trượt nhưng không còn cách nào khác đành phải ra về.

Hiện tượng này cùng với hiện tượng thiếu trường, thiếu lớp, thiếu giáo viên ở một số địa phương, một số khu vực, một số thời điểm, đặc biệt là giáo dục mầm non và giáo dục tiểu học và phổ thông trung học trong những năm qua đã gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Bốc thăm vào trường mầm non: Cần xem lại cách quản lý giáo dục! - 1

Phụ huynh bốc thăm giành suất vào Trường mầm non Hoàng Liệt, Hà Nội (Ảnh: Th. H).

Tình trạng phụ huynh phải bốc thăm theo kiểu may rủi để tìm kiếm cơ hội con vào trường mầm non công lập, hay chuyện phụ huynh phải đi xếp hàng từ 5h sáng, xô đẩy đổ cổng trường để nộp hồ sơ nhập học lớp 1 cho con; tình trạng thi vào lớp 10 "khó hơn thi đại học", khiến nhiều học sinh không có cơ hội học trường công lập... là câu chuyện rất đáng suy nghĩ về thực trạng giáo dục những năm gần đây ở một số địa phương.

Trước sự việc này, Tiến sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường - Ủy viên ban chấp hành Hội bảo vệ Quyền trẻ em Việt Nam dẫn chứng rằng, quyền học tập là một trong những quyền rất cơ bản của công dân được Hiến pháp và pháp luật ghi nhận, đặc biệt là với trẻ em.

Bởi vậy, theo luật sư Cường, đồng thời với việc ghi nhận quyền học tập của trẻ em, Nhà nước và chính quyền các địa phương cần phải tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất có thể để trẻ em được thực hiện quyền của mình.

Luật sư Cường nhận thấy: "Một số người cho rằng, hiện nay có cả trường công lập và trường tư thục, nếu không có cơ hội học trường công lập thì có thể cho con học trường tư thục, có sao đâu! Có thể đó là những suy nghĩ của người có tiền và xem nhẹ quyền được học tập của trẻ em, chưa nhận thức đầy đủ về yếu tố công bằng, bình đẳng trong giáo dục.

Nếu cán bộ quản lý, người có trách nhiệm trong việc đảm bảo quyền học tập của trẻ em mà có suy nghĩ và nhận thức như vậy thì cần phải xem xét lại tư duy và đạo đức nghề nghiệp".

"Trẻ em cần được thực hiện quyền đến trường, đồng thời đảm bảo công bằng trong việc tiếp cận dịch vụ công trong giáo dục", luật sư nhấn mạnh.

TS.LS Đặng Văn Cường viện dẫn, Điều 39 Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 quy định: "Mọi công dân đều có quyền và nghĩa vụ học tập".

Điều 61 Hiến pháp cũng quy định: Phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu nhằm nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài; Nhà nước ưu tiên đầu tư và thu hút các nguồn đầu tư khác cho giáo dục; chăm lo giáo dục mầm non; bảo đảm giáo dục tiểu học là bắt buộc, Nhà nước không thu học phí; từng bước phổ cập giáo dục trung học; phát triển giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp; thực hiện chính sách học bổng, học phí hợp lý....

Dựa trên hai điều trên, LS. Cường thấy rằng, Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến hoạt động giáo dục, đặc biệt là giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông.

Thêm vào đó, Việt Nam là quốc gia gia nhập Công ước về Quyền trẻ em rất sớm và có rất nhiều văn bản quy định về quyền được học tập của trẻ em, Chính phủ Việt Nam khi mới ra đời ( năm 1945) đã phát động phong trào toàn dân diệt "giặc đói", "giặc dốt" cho thấy mức độ quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với giáo dục như thế nào. Cùng với sự phát triển của xã hội, quyền của trẻ em nói riêng, quyền học tập nói chung ngày càng được ghi nhận và đảm bảo đầy đủ

Điều 16 Luật Trẻ em năm 2016 quy định quyền được giáo dục, học tập và phát triển năng khiếu như sau: Trẻ em có quyền được giáo dục, học tập để phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng của bản thân; Trẻ em được bình đẳng về cơ hội học tập và giáo dục; được phát triển tài năng, năng khiếu, sáng tạo, phát minh.

Điều 32 Luật Trẻ em cũng quy định: Trẻ em là công dân Việt Nam được bảo đảm an sinh xã hội theo quy định của pháp luật phù hợp với Điều kiện kinh tế - xã hội nơi trẻ em sinh sống và điều kiện của cha, mẹ hoặc người chăm sóc trẻ em.

Không chỉ ghi nhận về Quyền trẻ em, trong đó có quyền học tập mà Luật trẻ em năm 2016 còn ghi nhận, quy định những điều kiện đảm bảo để thực hiện quyền trẻ em.

Cụ thể, Điều 44 Luật Trẻ em quy định về bảo đảm về giáo dục cho trẻ em như sau: Nhà nước có chính sách hỗ trợ, bảo đảm mọi trẻ em được đi học, giảm thiểu tình trạng trẻ em bỏ học; có chính sách hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số, trẻ em đang sinh sống tại các xã biên giới, miền núi, hải đảo và các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được tiếp cận giáo dục phổ cập, giáo dục hòa nhập, được học nghề và giới thiệu việc làm phù hợp với độ tuổi và pháp luật về lao động;

Nhà nước ưu tiên đầu tư cho giáo dục, bảo đảm công bằng về cơ hội tiếp cận giáo dục cho mọi trẻ em; giáo dục hòa nhập cho trẻ em khuyết tật; có chính sách miễn, giảm học phí cho từng nhóm đối tượng trẻ em phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội từng thời kỳ;

Chương trình, nội dung giáo dục phải phù hợp với từng độ tuổi, từng nhóm đối tượng trẻ em, bảo đảm chất lượng, đáp ứng yêu cầu phát triển toàn diện và yêu cầu hội nhập; chú trọng giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa dân tộc và phát triển nhân cách, kỹ năng sống, tài năng, năng khiếu của trẻ em; giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản cho trẻ em; Nhà nước quy định môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường;

Nhà nước có chính sách phù hợp để phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 05 tuổi và chính sách hỗ trợ để trẻ em trong độ tuổi được giáo dục mầm non phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội từng thời kỳ; khuyến khích, thu hút các nguồn đầu tư khác để phát triển giáo dục, đào tạo.

Ngoài ra, Điều 13 Luật Giáo dục 2019 cũng quy định Quyền và nghĩa vụ học tập của công dân như sau: Học tập là quyền và nghĩa vụ của công dân. Mọi công dân không phân biệt dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, giới tính, đặc điểm cá nhân, nguồn gốc gia đình, địa vị xã hội, hoàn cảnh kinh tế đều bình đẳng về cơ hội học tập; Nhà nước thực hiện công bằng xã hội trong giáo dục, tạo môi trường giáo dục an toàn, bảo đảm giáo dục hòa nhập, tạo điều kiện để người học phát huy tiềm năng, năng khiếu của mình;

Nhà nước ưu tiên, tạo điều kiện cho người học là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt theo quy định của Luật Trẻ em, người học là người khuyết tật theo quy định của Luật Người khuyết tật, người học thuộc hộ nghèo và hộ cận nghèo thực hiện quyền và nghĩa vụ học tập.

Dựa trên các điều luật trên, luật sư cho rằng: "Có thể thấy học tập không chỉ là quyền mà còn là nghĩa vụ đối với công dân, đặc biệt là trẻ em. Pháp luật đã có những quy định cụ thể để quyền trẻ em, trong đó có quyền học tập được đảm bảo thực hiện trên thực tế, trong đó trách nhiệm của Nhà nước, các cơ quan tổ chức cá nhân trong hoạt động giáo dục".

Bốc thăm vào trường mầm non: Cần xem lại cách quản lý giáo dục! - 2

Tiến sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường - Ủy viên ban chấp hành Hội bảo vệ Quyền trẻ em Việt Nam (Ảnh: NVCC)

Mặt khác, Điều 14 Luật Giáo dục 2019 quy định nghĩa vụ của mỗi công dân trong giáo dục như sau : "Mọi công dân trong độ tuổi quy định có nghĩa vụ học tập để thực hiện phổ cập giáo dục và hoàn thành giáo dục bắt buộc".

"Việc giáo dục bắt buộc đối với những công dân trong độ tuổi đến trường là để củng cố kiến thức căn bản, kỹ năng cần thiết phục cho đời sống hàng ngày và công việc cần có của mỗi một công dân. Ngoài ra việc thực hiện giáo dục bắt buộc là để nâng cao chất lượng giáo dục và giảm thiểu các vấn đề học sinh ngừng đi học vì hoàn cảnh kinh tế và gia đình, cân bằng giáo dục giữa nông thôn và đô thị.

Để thực hiện giáo dục bắt buộc gia đình người giám hộ tạo điều kiện thuận lợi để cho công dân đến trường trong độ tuổi quy định. Ngoài ra, Nhà nước cũng xem xét các chính sách và tạo điều kiện thuận lợi hỗ trợ và khuyến khích việc giáo dục bắt buộc đối với công dân trong độ tuổi quy định", luật sư nói.

Như vậy, theo hệ thống văn bản quy phạm pháp luật Việt Nam hiện nay, từ Hiến pháp cho đến các văn bản pháp luật chuyên ngành đều quy định quyền và nghĩa vụ học tập của mọi công dân, đặc biệt công dân là trẻ em.

Với trẻ em, việc học tập là quyền cơ bản và trách nhiệm của các cơ quan chức năng là phải thực hiện mọi biện pháp, khả năng có thể để đảm bảo tốt nhất quyền học tập của trẻ em, trẻ em được đối xử bình đẳng trong lĩnh vực giáo dục.

CÚ SỐC ĐẦU ĐỜI
QUỲNH THƯ/ KTSG 31-8-2022

(KTSG Online) – Có lẽ đó phải được liệt vào một trong những cuộc rút thăm may rủi gây tranh cãi nhất trong năm. Không cần nói ra chắc độc giả cũng đoán được lá thăm may rủi đó là gì rồi. Vâng! Đó chính là các buổi bốc thăm mới đây của hàng trăm phụ huynh tranh suất cho con em vào học tại một trường mầm non ở phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội.

Kết quả ai cũng biết là nhiều phụ huynh phải ra về trong thất vọng vì may mắn không đứng về phía họ. Có người nói trong cơ chế thị trường, xã hội đã có nhiều loại hình giáo dục, nếu không học được trường công lập thì sang các trường tư thục, có sao đâu! Nói như vậy cũng đúng, nhưng chỉ đúng… một nửa, bởi lẽ điều đó chỉ hiển nhiên với người có thu nhập cao. Trong các gia đình với thu nhập kém hơn, nó sẽ trở thành gánh nặng.

Như luật sư Đặng Văn Cường, ủy viên Ban Chấp hành Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, đã phân tích trên báo mạng Dân Trí, “trẻ em cần được thực hiện quyền đến trường, đồng thời đảm bảo công bằng trong việc tiếp cận dịch vụ công trong giáo dục”(1). Để chứng minh cho lập luận này của mình, luật sư Cường dẫn ra hàng loại các quy định liên quan trong Hiến pháp và các luật hiện hành như Luật Trẻ em và Luật Giáo dục. Như vậy, cơ sở pháp lý thì đã rõ: chính quyền có nhiệm vụ phải bảo đảm quyền này của trẻ em.

Giải thích việc phải tổ chức bốc thăm, một vị đại diện chính quyền địa phương cho rằng đó là chuyện cần thiết để bảo đảm công bằng vì phường Hoàng Liệt chỉ có một trường mầm non không thể đáp ứng được hết nhu cầu của người dân trên địa bàn. Theo vị này, có nhiều lý do, như qua hai năm đại dịch, một số cơ sở giáo dục phải đóng cửa, giáo viên cũng thiếu do bỏ nghề vì thu nhập thấp.

Quan trọng hơn, tại địa bàn đã xuất hiện nhiều khu đô thị mới được xây dựng khiến số lượng học sinh tăng lên nhanh chóng làm quá tải các cơ sở giáo dục hiện có.

Thoạt trông, đây có vẻ như là một nguyên nhân khách quan không thể tránh được. Tuy nhiên, nếu nhìn sâu hơn, chính quyền địa phương cũng khó thoái thác trách nhiệm.

Các khu đô thị mới không thể chỉ được xậy dựng trong một đêm mà phải mất nhiều năm trời để hoàn thành. Tiến độ khi nào xong, quy mô bao nhiêu người ở phải được người có trách nhiệm ký duyệt. Do vậy, cũng khó giải thích rằng chính quyền bất ngờ vì dân số hay học sinh ở nơi mình quản lý tăng lên quá nhanh mình không theo dõi kịp.

Ở đây, trách nhiệm của chính quyền là phải tiên liệu được việc tăng số lượng học sinh để có các biện pháp thích ứng ngay từ đầu. Do trường học không thể được xây trong một sớm một chiều nên phải dành ra đủ nguồn lực xã hội để có kế hoạch xây trường ngay trước khi phê duyệt các khu đô thị mới. Có lẽ đây cũng là vấn đề thuộc phạm trù quy hoạch đô thị vượt khỏi khuôn khổ bài viết này. Tuy nhiên, cần thấy rằng nó cũng liên quan đến trách nhiệm của chính quyền địa phương ngay từ khâu duyệt quy hoạch.

Tại sao chúng ta có thể tiên liệu để quy hoạch đủ thứ – từ nhà hát, siêu thị đến quảng trường, tượng đài và trụ sở các cơ quan công quyền, tất cả đều đầy đủ và bề thế – trong khi lại không thể quy hoạch xây dựng trường học và bệnh viện đáp ứng được nhu cầu của người dân?

Như đã nói ở trên, nhiều phụ huynh tham dự các buổi bốc thăm đã quay về nhà lòng nặng trĩu. Họ buồn vì không thể tránh cho con em lá thăm may rủi không học được ngôi trường như ý. Các buổi bốc thăm đã qua nhưng dư âm vẫn còn. Đối với các em nhỏ, đó chẳng khác nào một “cú sốc đầu đời” không đáng có.

————–

(1)https://dantri.com.vn/giao-duc-huong-nghiep/boc-tham-vao-truong-mam-non-can-xem-lai-cach-quan-ly-giao-duc-20220829222452855.htm