Chủ Nhật, 14 tháng 8, 2022

20220815. BỘ TRƯỞNG VHTTDL NGUYỄN VĂN HÙNG TRẢ LỜI CHẤT VẤN

  ĐIỂM BÁO MẠNG

BỘ TRƯỞNG NGUYỄN VĂN HÙNG TRẢ LỜI CHẤT VẤN VỀ VẤN ĐỀ XUỐNG

 CẤP ĐẠO ĐỨC

THẾ CÔNG, XUÂN TRƯỜNG/ VHTTDL 11-8-2022

Tại phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra chiều 10/8 liên quan đến lĩnh vực Bộ VHTTDL đang quản lý, nhiều đại biểu Quốc hội đã đặt vấn đề liên quan đến tình trạng xuống cấp đạo đức, dùng mạng xã hội để trục lợi, gây ra những tác động xấu tới nền tảng giá trị đạo đức, văn hóa dân tộc.


Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng trả lời chất vấn.

"Lấy cái đẹp dẹp cái xấu"

Đặt câu hỏi chấn vấn, ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) nêu tình trạng, hiện nay, môi trường văn hóa, thuần phong mỹ tục bị xâm hại không chỉ ở trong nhà trường, xã hội mà cả ở trong gia đình. Đặc biệt là trong giới văn nghệ sĩ trong ngành Văn hóa cũng có hiện tượng xuống cấp về lối sống, đạo đức. Vậy Bộ trưởng cho biết trách nhiệm của Bộ về vấn đề này như thế nào?

Về vấn đề môi trường văn hóa, môi trường gia đình, xã hội hiện nay đang xuống cấp, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, Bộ cũng đã nhìn nhận được vấn đề này song để khắc phục vấn đề phải huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong công tác giáo dục, bồi đắp, bồi dưỡng ý thức về văn hóa, ý thức về xây dựng gia đình tiến bộ, ấm no, hạnh phúc.

Theo Bộ trưởng, về mặt chủ trương thì đã có đầy đủ và gần đây Bộ cũng đã ban hành tiêu chí xây dựng gia đình hạnh phúc, đặt ra các tiêu chí cụ thể. Tuy nhiên không có một chế tài nào cụ thể mà chỉ trên cơ sở ý thức xây dựng gia đình của mình.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng đây là một cuộc cách mạng có tính chất lâu dài. Với tinh thần khuyến khích việc biểu dương các gia đình tiêu biểu, các gia đình văn hóa với phương châm "lấy cái đẹp dẹp cái xấu", từ đó để tuyên truyền, nhân lên những hình ảnh đẹp trong các cộng đồng.

Một trong những nội dung đại biểu Lê Hoàng Anh (Đoàn Gia Lai) chất vấn Bộ trưởng là giải pháp ngăn chặn sự xuống cấp đạo đức xã hội. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết việc xuống cấp đạo đức xã hội đang ở phạm vi và mức độ nào, xu hướng thời gian tới?

Trả lời chất vấn của đại biểu Lê Hoàng Anh, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc XIII đã khẳng định: văn hóa, đạo đức xã hội có mặt có biểu hiện xuống cấp.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: "Vấn đề xây dựng văn hóa là công việc lâu dài. Trong xây dựng văn hóa thì xây dựng con người văn hóa vừa là chủ thể, vừa là động lực, vừa là người thực hiện nhiệm vụ. Vì vậy, phải có trách nhiệm của toàn hệ thống chính trị. Khi hình thành được môi trường văn hóa trong gia đình, nhà trường và xã hội thì chắc chắn sẽ có hiệu ứng của con người văn hóa và hạn chế được sự xuống cấp của vấn đề đạo đức".

Xử lý nghiêm các trường hợp sử dụng mạng xã hội làm ảnh hưởng đến văn hóa xã hội

Cũng tại phiên chất vấn, đại biểu Tráng A Dương (Đoàn Hà Giang) nêu tình trạng, hiện nay mạng xã hội đang là phương tiện truyền thông giải trí phổ biến, được nhiều người sử dụng. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích xã hội mang lại cũng nảy sinh không ít những vấn đề, biểu hiện lệch chuẩn, ứng xử thiếu văn hóa hoặc dùng mạng xã hội để trục lợi, gây ra những tác động xấu tới nền tảng giá trị đạo đức, văn hóa dân tộc.

Đại biểu Tráng A Dương đề nghị Bộ trưởng cho biết những giải pháp để chấn chỉnh, giải quyết tình trạng trên?

Về việc xuống cấp, lệch chuẩn trong ứng xử trên mạng xã hội, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, Bộ VHTTDL đã hỗ trợ Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành bộ quy tắc ứng xử trên không gian mạng nhằm xây dựng các chuẩn mực về hành vi ứng xử trên mạng xã hội, tuyên truyền về ý thức trách nhiệm phát ngôn trên mạng xã hội, về hậu quả có thể gây ra từ các tin sai sự thật trên mạng xã hội.

Thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng, sử dụng mạng xã hội không đúng, làm ảnh hưởng đến văn hóa xã hội.

Liên quan đến văn hóa trên môi trường mạng, tham gia giải trình tại phiên chất vấn, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông có văn bản trả lời trực tiếp với các đại biểu Quốc hội. 

"Đời thực thế nào, trên mạng cũng như đời thực" - Phó Thủ tướng nói và cho rằng, chúng ta cần lưu ý môi trường mạng khác đời thực ở tốc độ lan thông tin. Thông tin trên mạng lan nhanh hơn và trên diện rộng hơn rất nhiều. Vấn đề này chúng ta chưa nhấn mạnh nhiều. Bằng các công nghệ mới, dựng video, hiệu ứng trên mạng mạnh hơn, hiệu ứng nhìn thật hơn nhiều. Do đó, tốc độ lan truyền và gây xúc cảm rất mạnh. Trên thế giới đã thống kê tốc độ tác động và lan truyền của một thông tin xấu nhanh khoảng bằng 6-7 lần thông tin tốt.


Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tham gia giải trình tại phiên chất vấn.

Phó Thủ tướng cho biết, Luật An toàn, an ninh mạng đã ban hành và cũng đã có nghị định hướng dẫn. Bên cạnh phủ thông tin tốt để che thông tin xấu, chúng ta bắt đầu xử lý rất nghiêm, kể cả xử lý hình sự những đối tượng lợi dụng mạng xã hội, lợi dụng mạng Internet xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của công dân. Trước đây, chúng ta chỉ xử lý khi liên quan tới lợi ích của xã hội, của đất nước, của Nhà nước, nhưng gần đây có một số vụ việc chúng ta xử lý hình sự liên quan đến việc xâm phạm lợi ích của công dân. 

"Điều này chúng ta phải tiếp tục làm cho thật tốt và những người nào bị xâm phạm bằng tác hại của mạng xã hội cũng nên có tiếng nói để các cơ quan bảo vệ pháp luật vào cuộc" - Phó Thủ tướng nhấn mạnh./.

Thế Công - Xuân Trường


MẶT NÀO CỦA VĂN HÓA-ĐẠO ĐỨC XUỐNG CẤP ?

CHU MỘNG LONG/TD 11-8-2022



Bị chất vấn đề văn hóa - đạo đức xã hội, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng thừa nhận, "văn hóa, đạo đức xã hội có mặt đang xuống cấp". "Chúng ta cũng nhìn thấy có nhiều vấn đề cần được đầu tư, xem xét, phối hợp giữa các bộ ngành. Xây dựng văn hóa là vấn đề lâu dài. Con người vừa là chủ thể, vừa là động lực", ông Hùng nói, cho rằng khi hình thành được môi trường gia đình, nhà trường, xã hội tốt thì sẽ có được môi trường văn hóa, hạn chế sự xuống cấp". (hết trích)
Mặt nào của văn hóa - xã hội xuống cấp? Đọc hết bài báo, không thấy Bộ trưởng đưa ra. Chỉ thấy sau đó các đại biểu và các Bộ trưởng nhấn mạnh vào các mặt ngoài lề như: đám văn nghệ sỹ ăn mặc hở hang, games internet, giáo dục gia đình và nhà trường. Những mặt nghiêm trọng thuộc trung tâm của văn hóa - đạo đức khác như đạo đức, lối sống của cán bộ đảng viên: tham nhũng, hách dịch, dối trá, mê tín dị đoan, đồng bóng... thì tất cả đều lờ tịt.
Lại còn đòi phải có bộ quy tắc ứng xử về văn hóa - đạo đức thì mới chấn chỉnh được? Thật là hão huyền! 19 điều đảng viên không được làm không cao hơn mọi bộ quy tắc ứng xử sao?
Dưới góc độ quan sát của tôi, có thể vạch ra các mặt "xuống cấp" như sau:
1) Không cần bộ quy tắc ứng xử nào, chỉ cần tra Điều lệ Đảng và 19 điều Đảng viên không được làm, đủ thấy rất nhiều cán bộ, đảng viên vi phạm đến gần hết tất cả các điều. Không cần phải đưa những Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh, Trương Minh Tuấn, Nguyễn Đức Chung... ra ánh sáng mới có kết luận, chỉ nhìn vào lối sống của đại đa số quan chức đủ thấy sự hư hỏng đã đến mức nào. Ai thử đưa bằng chứng một quan chức cấp huyện, xã nào đó sống đạm bạc với một căn nhà nhỏ, ăn rau dưa như Thủ tướng Nhật hay của một nước văn minh nào đó thì hãy phán xét tôi nói sai. Không ngẫu nhiên mà bà Nguyễn Thị Doan, nguyên Phó Chủ tịch nước phải than phiền: "Ăn không chừa thứ gì?"
2) Đã tham lam như vậy, nhưng miệng thì hô "chống diễn biến", "chống suy thoái", viết luôn cả sách dạy các loại đạo đức, tư tưởng Hồ Chí Minh để dạy đạo đức, lối sống cho người ta thì không dối trá là gì? Bệnh thành tích thực chất là bệnh dối trá trắng trợn. Dối leo thang đến đỉnh và biến thành tội ác mà vụ test kit Việt Á là một điển hình. Nếu Bộ Công an không khởi tố vụ án này, với cả một hệ thống tuyên truyền từ tuyên giáo đến truyền hình quốc gia và các loại báo chí truyền thông khác, dân cứ tưởng Việt Nam là cường quốc kittest, cường quốc vaccine thật. Và thi nhau chọc mũi. Và thi nhau chết cho quan giàu!
3) Đi đến tất cả các đền chùa, miếu mạo, chỗ nào cũng thấy ghi tên ông to bà nhớn cúng tế để cầu... cầu cái gì có trời mới biết. Lại cho phép lập ra các Viện nghiên cứu tiềm năng, thực chất là các Viện Ma học nhân danh khoa học để làm thầy bói, thầy cúng. Kim chỉ nam chủ nghĩa Marx, tư tưởng Hồ Chí Minh, kể cả Điều lệ Đảng, 19 điều đảng viên không được làm, có chỗ nào cho phép người cộng sản mê tín dị đoan?
4) Về văn hóa thì toàn phục sinh căn bệnh háo danh với đủ thứ khoe danh trên các lễ đài, làm sống lại các thứ lễ hội có tính chất dị đoan nguyên thủy như chém heo, đâm trâu, bôi máu vào mặt để tế thần, làm thầy mo cúng vong, giải vong, kể buôn thần bán thánh, buôn luôn cả vĩ nhân để kiếm lợi, gọi là kinh tế hay du lịch tâm linh. Hỏi ông Bộ trưởng, sách sử nào nói Trần Hưng Đạo khi còn sống làm cái việc buôn ấn như buôn ghế thời nay mà năm nào Bộ cũng cho phép tổ chức một lễ hội buôn ấn để kích dục vọng thăng quan, chạy đua quyền lực?
5) Riêng về giáo dục thì ngoài biến giáo dục thành nhà buôn, buôn sách buôn văn mẫu, buôn bằng cấp, chứng chỉ, còn đẻ ra hàng vạn giáo sư tiến sỹ không đúng thực chất, đa số là hàng dỏm: đạo văn, làm dự án, công trình dối để tiêu tiền ngân sách. Đã có bao giờ trong lịch sử, kẻ phạm tội vào lò trong một năm toàn là giáo sư, tiến sĩ và tướng tá không? Triết gia Hy Lạp cổ Socrates nói: đa phần người ta phạm tội là do thiếu hiểu biết. Phật tổ cũng dạy vậy. Người ít học dễ phạm tội hơn chứ kẻ có học, bằng cấp đầy mình mà sao lại thành tội phạm cả loạt? Trong chuyện này, Bộ Giáo dục và Đào tạo không thể vô can!
Các trung tâm quyền lực mà nát bét như vậy thì hỏi sao văn hóa-đạo đức xã hội không xuống cấp?
Ông Bộ trưởng nói: "Chúng ta cũng nhìn thấy có nhiều vấn đề cần được đầu tư, xem xét, phối hợp giữa các bộ ngành. Xây dựng văn hóa là vấn đề lâu dài". Đúng! Không thể quy về một Bộ Văn hóa thể thao và Du lịch mà trách nhiệm thuộc về liên bộ. Nhưng "lâu dài" là bao lâu nữa, khi chủ trương xây dựng văn hóa mới có từ khi lập nước Việt Nam dân chủ cộng hóa - 77 năm rồi đấy! 77 năm là hết một đời người, với cách xây dựng một nền văn hóa như trên sẽ còn nát bét nhiều thế hệ nữa.
Nhiều đại biểu nhấn mạnh vào văn hóa gia đình, thuần phong mỹ tục làm nền tảng. Sai bét. Một khi trung tâm quyền lực mà vô văn hóa, vô đạo đức thì cả xã hội sẽ nát theo. Thời phong kiến, văn hóa - đạo đức Nho giáo tạo nền vững chắc, khắt khe nghiêm ngặt đến chém đầu thị chúng nhiều quan tham, nhưng mỗi khi xuất hiện hôn quân, bạo chúa là cả thời đại mục nát theo, gia đình tan nát, xã hội loạn lạc. Không ngẫu nhiên mà cụ Khổng dạy "Thượng bất chính, hạ tắc loạn". Lý thuyết lấy văn hóa gia đình làm nền tảng là sự hoang tưởng và thiếu hiểu biết của học giả thời nay!
Lại đổ vấy lên nghệ sĩ hở hang, tự cho đó là "xuống cấp" ư? Riêng về mặt này, tôi thì khẳng định, điều đó không "xuống cấp" mà là thăng cấp đấy. Chỗ này phải nói là công của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch. Một năm Bộ cho phép tổ chức hơn 20 cuộc thi hoa hậu, phơi da phơi thịt con gái người ta ra cho thiên hạ chiêm ngưỡng, là một tiến bộ vượt bậc chứ sao gọi là xuống cấp?

CML

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét