Thứ Sáu, 12 tháng 8, 2022

20220813.15 NĂM HUYỀN THOẠI MARKETING PHILIP KOTLER ĐẾN VN

 ĐIỂM BÁO MẠNG


HUYỀN THOẠI MARKETING THẾ GIỚI PHILIP KOTLER TRẢ LỜI PHỎNG 

VẤN BÁO THANH NIÊN 15 NĂM TRƯỚC

ĐẶNG HẠNH/ TN 16-8-2007

"Việt Nam, tôi thấy các bạn còn bay cao hơn nữa !"

 Trưa 16.8, huyền thoại marketing thế giới Philip Kotler đã đến TP.HCM, chuẩn bị cho buổi hội thảo quốc tế "Marketing mới cho thời đại mới" vào hôm nay 17.8. Buổi họp báo chiều 16.8 chưa đầy 1 tiếng đồng hồ khiến báo giới còn "thòm thèm" vì chỉ hỏi được vài câu ngắn ngủi. Ngay sau buổi họp báo, cha đẻ marketing hiện đại đã dành cho phóng viên Thanh Niên một cuộc phỏng vấn độc quyền.
Huyền thoại marketing thế giới Philip Kotler: "Việt Nam, tôi thấy các bạn còn bay cao hơn nữa !"

* Trong quyển 10 deadly marketing sins nổi tiếng của ông, ông đúc kết lại 10 sai lầm chết người trong marketing. Vậy ông cho rằng sai lầm nào là cái chết "bất đắc kỳ tử" nhất?

- Ông Philip Kotler: Trong 10 sai lầm mà tôi đề cập đến, nguy hiểm và dễ gây "đột tử" nhất là quan niệm của các DN: thích tung ra cái mới cho dù chưa phải là cái tốt nhất. Sản phẩm mới được cái lạ, nhưng nếu mới mà không tốt thì sẽ không thu hút được sự quan tâm của khách hàng, vì họ không dễ từ bỏ thói quen, niềm tin với sản phẩm cũ, huống hồ là sản phẩm cũ tốt hơn hẳn. Lý do chung là các DN khi bỏ vốn vào dòng sản phẩm mới thường mong thu hồi vốn sớm, kết quả kinh doanh khả quan, nhưng anh phải hiểu rằng, muốn kết quả kinh doanh khả quan thì chất lượng sản phẩm phải được chú trọng.

* Ông được xem là cha đẻ của marketing hiện đại, vậy ông có nghĩ một ngày "đứa con" của ông sẽ bị thay thế bằng một "đứa" khác... hiện đại hơn?

- Ông Philip Kotler: Đương nhiên là có và chắc chắn sẽ có ngày đó. Bạn biết không, mỗi ngày khi chuẩn bị viết tôi đều bỏ công quan sát, ngẫm nghĩ xem hôm nay, có điều gì mới mẻ mà mình chưa nhận ra không, vì tôi muốn "đứa con" của mình mỗi ngày một mới. Cái mới sẽ tiếp diễn và kế thừa từ cái cũ chứ không khai tử cái cũ, và như vậy, tôi tin rằng marketing hiện đại không bị thay thế mà chỉ được phát triển cho phù hợp hơn thôi. Nếu có một hình thức marketing hiện đại hơn, chắc chắn tôi sẽ viết ngay một quyển sách mới về nó!

* Theo ông, marketing đời sau sẽ có khác biệt gì với "đứa con" hiện tại của ông?

- Ông Philip Kotler: Khác biệt cơ bản và sâu sắc nhất, là các công ty không còn xu hướng mind share, nghĩa là chiếm vị trí quan trọng trong tâm trí người tiêu dùng (như hiện nay), mà họ sẽ hướng đến heart share - chiếm thị phần trong trái tim khách hàng. Vì đó là cách "chiếm đóng" đáng tin cậy và bền vững nhất.

* Ông bảo sẽ còn tiếp tục viết sách, nhưng năm nay ông đã qua tuổi 76, ở VN tôi gọi đó là tuổi "gần đất xa trời". Sao ông chưa chịu "nghỉ hưu" mà còn muốn tiếp tục viết lách và làm việc?

- Ông Philip Kotler (hăng hái): Tôi đâu có làm việc, là tôi đang chơi đấy chứ! Và tôi sẽ không ngừng cuộc chơi đâu. Khi bạn xem điều gì là đam mê, việc đó sẽ nhẹ nhàng và thoải mái như một cuộc chơi vậy. Peter Drucker (một trong bốn cây đại thụ về quản trị vĩ đại nhất của mọi thời đại, theo đánh giá của Financial Times - NV) qua đời ở tuổi 95 nhưng đến tận cuối đời ông vẫn còn viết sách, viết báo đấy thôi!

* Ông từng nói một câu mà tôi rất thích: "Marketing có thể học trong một ngày nhưng mất cả đời để lĩnh hội", và dù thích vậy nhưng tôi chưa... hiểu lắm, ông có thể giải thích thêm không?

- Ông Philip Kotler (nheo mắt): Mất gần trọn đời như tôi mà vẫn còn phải tiếp tục tìm để hiểu cơ mà! Câu nói đó có thể hiểu thế này: các nguyên tắc về marketing có thể học trong một thời gian ngắn, nhưng người học phải sống cùng nó, thậm chí chết cùng nó, mất mát và trải nghiệm cùng nó thì mới nắm bắt được nó. Nghĩa là, sau khi đóng quyển sách marketing của tôi lại, bạn hãy thực hành và sẽ thấy nó không dễ hiểu như một quyển sách đâu!

* "Marketing có thể học trong một ngày", nhưng chúng ta chỉ có 1 giờ trò chuyện, vậy ông có thể dạy tôi ngắn gọn nhất về marketing trong 1 câu thôi không?

- Ông Philip Kotler: "Meeting needs profitably" - marketing thành công là làm sao đáp ứng nhu cầu người khác và thu lợi cho mình!

* Ông từng nói rằng mỗi đất nước đều có một thương hiệu quốc gia riêng, vậy nhắc đến VN, ông nghĩ tới hình ảnh gì?

- Ông Philip Kotler: Có những đất nước mà người ta chẳng biết gì ngoài cái tên, và cả cái tên cũng... lạ hoắc. Tuy nhiên, với VN, một đất nước cũng xa xôi nhưng tôi đã nghe về các bạn qua lịch sử, văn hóa lâu đời, những cuộc chiến tranh oanh liệt, và đặc biệt, là hình ảnh về một đất nước đang cất cánh. VN không thể lẫn vào bất cứ quốc gia nào khác bởi tôi ấn tượng với sự phát triển về kinh tế của các bạn. Nếu Nhật Bản được biết đến như một chiếc trực thăng, phát triển nhanh đột biến theo chiều thẳng đứng, thì VN các bạn là một chiếc máy bay lấy đà từ tốn và cất cánh. Tôi thấy các bạn đã cất cánh, và tôi còn sẽ thấy các bạn lên cao hơn nữa, chắc chắn là vậy!

* Ông có lời khuyên gì cho cộng đồng kinh tế VN, để chiếc máy bay VN bay cao hơn nữa?

- Ông Philip Kotler: Thứ nhất, hãy để hoạt động kinh doanh được phát triển tự do hơn. Thứ hai, tạo điều kiện cho các quỹ đầu tư phát triển, các quỹ đầu tư là những nhà giàu, mà như người ta thường thấy, người giàu thường không có ý tưởng, còn người có ý tưởng lại thiếu tiền. Vì vậy hãy để các quỹ này giúp các bạn có nguồn lực phát triển ý tưởng của mình. Thứ ba, tập trung phát triển phần mềm để dễ quản lý và tiết kiệm nhiều thời gian, nhân lực. Người VN đặc biệt có nhiều ý tưởng và rất tham vọng, hãy để mỗi bạn trẻ làm việc hết sức mình, họ sẽ thực hiện được tham vọng trở thành những Google, Yahoo, những Bill Gates...

* Và thành... Philip Kotler nữa, 1 trong 4 cây đại thụ về quản trị của thế giới?

- Ông Philip Kotler: (cười, xua tay). Không, họ không muốn trở thành tôi đâu! Vì bản thân tôi cũng muốn thành Bill Gates! Bill Gates là người đàn ông tuyệt vời, có tài sản hơn 40 tỉ USD và dốc lòng cho từ thiện. Tôi yêu mến hình ảnh đó, nhưng tôi cũng yêu mến tôi và vẫn muốn là tôi vì như thế này đã tốt lắm rồi, tôi đang cố làm những gì tôi có khả năng làm tốt nhất!

Đặng Hạnh (thực hiện)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét