Thứ Ba, 30 tháng 8, 2022

20220831. HỌC TẬP QUẢN LÝ CÔNG NHƯ Ở SINGAPORE

ĐIỂM BÁO MẠNG


SINGAPORE: CHÍNH QUYỀN LÀ DOANH NGHIỆP ĐẶC BIỆT, NGƯỜI DÂN

 LÀ KHÁCH HÀNG

PHẠM MẠNH HÙNG/TVN 29-8-2022

Công chức không được từ chối việc cần giải quyết bởi lẽ chính phủ Singapore giáo dục cán bộ thấm nhuần tinh thần nền công vụ phục vụ khách hàng, coi người dân là khách hàng.

Hòa cùng trào lưu Quản trị công mới (New Public Management) nổi lên mạnh mẽ từ thập kỷ 1990, nhiều nước đang phát triển do tình trạng nợ công hay vay nợ nước ngoài lớn đã theo xu hướng cải cách quản trị khu vực công theo thị trường, chấp nhận tư nhân hóa, phi quy chế hóa và tái cơ cấu khu vực công…

Chính phủ Singapore nỗ lực xây dựng đất nước thành nơi đáng sống, nơi làm việc và giải trí tuyệt vời. Ảnh: itinari

Trong khi đó, Singapore lại thiên về áp dụng mô hình doanh nghiệp trong dịch vụ công bằng cách vận dụng thực tiễn quản trị doanh nghiệp mà vẫn duy trì sở hữu công.   

"Một cửa, không nhầm cửa"

Chính sách "không nhầm cửa" ra đời vào năm 2004, được thực hiện trong cơ quan công quyền để giải quyết tình trạng phản hồi sai đối tượng hay các vấn đề liên quan,  giúp người dân đến bất kỳ đâu cũng được giải quyết theo yêu cầu, không bị đùn đẩy.

Theo chính sách này, nếu nhận được phản hồi về vấn đề không thuộc thẩm quyền của mình, một cơ quan phải đảm bảo người phản hồi được kết nối đúng nơi cần thiết. Nếu việc phản hồi liên quan đến nhiều cơ quan, cơ quan nhận phản hồi giữ vai trò điều phối và đưa ra câu trả lời tổng hợp, theo quy tắc "Người phản hồi đầu tiên".

Công chức không được từ chối việc cần giải quyết bởi lẽ chính phủ Singapore giáo dục cán bộ thấm nhuần tinh thần nền công vụ phục vụ khách hàng, coi người dân là khách hàng, cần nhìn nhận và xác định rõ ràng việc người dân đến cơ quan công quyền không phải để làm phiền mà là trao cho cán bộ cơ hội để phục vụ.

Singapore cũng đẩy nhanh việc xây dựng chính phủ số, ứng dụng công nghệ thông tin với cơ chế "một cửa, không nhầm cửa" giúp liên thông, khắc phục tối đa hạn chế về ranh giới giữa các cơ quan với nhau, với đối tác và công chúng.

Giải quyết thủ tục hành chính theo yêu cầu của dân

Vì nhìn nhận người dân là khách hàng nên nền công vụ Singapore đặt yêu cầu chất lượng phục vụ, hiệu quả, hiệu lực lên hàng đầu. Khái niệm chất lượng phục vụ là mức độ đáp ứng nguyện vọng, nhu cầu của người dân.

Trong giải quyết thủ tục hành chính đối với tổ chức và người dân, cơ quan công quyền hỏi dân cần giải quyết xong trong bao nhiêu ngày thì cơ bản sẽ giải quyết bấy nhiêu ngày. Thực tế thường là sớm hơn. Các mẫu thủ tục được đơn giản hóa, những thông tin nào cơ quan công quyền có thể lấy được ở chỗ khác hay đã được người dân cung cấp thì không được yêu cầu cung cấp lần nữa, giảm thiểu việc làm phiền hà người dân.

Cùng với đó, Singapore tích cực xóa thói quan liêu, bỏ những quy định không còn cần thiết, giúp giảm gánh nặng lên khách hàng, đồng thời khiến nền công vụ trở nên gọn nhẹ hơn. Đảo quốc triển khai một loạt cơ chế như Hội đồng vì doanh nghiệp (PEP), Quy trình Zero (ZIP), Công chức xóa bỏ quan liêu (POWER) và Hội đồng rà soát luật lệ (RRP).

Thông qua các kênh này cùng ý kiến phản ánh từ công chúng, cơ quan công quyền tìm ra nhiều cách để hoàn thiện quy định, đơn giản hóa, xóa bỏ hoặc nới lỏng. Điển hình là RRP ra đời năm 2002 nhằm rà soát luật lệ trong khu vực công. Mọi quy định hiện hành của các cơ quan công quyền đều phải được rà soát từ 3-5 năm/lần. Kết quả là ngay trong 5 năm đầu tiên thực hiện, có tới hàng chục nghìn quy định được xem xét lại...

Singapore còn ngăn chặn thói quan liêu ngay từ lúc manh nha, chẳng hạn bằng cách đưa ra "luật hoàng hôn". Theo đó, các quy định sẽ tự động hết hiệu lực sau một mốc thời gian nhất định, hoặc đưa ra danh sách những việc không được làm thay vì những việc được làm.


Cơ quan quản lý xuất nhập cảnh Singapore khai thác công nghệ giúp các dịch vụ thuận tiện hơn. Ảnh: Straitstimes

Từ năm 2006, đảo quốc lập trang thông tin điện tử REACH - diễn đàn để người dân có thể phản biện các chính sách do chính phủ ban hành. REACH có một ban kiểm soát với sự tham gia của 5 thành viên quốc hội và 24 đại diện khu vực tư nhân thuộc các thành phần khác nhau. Những đại diện này có nhiệm vụ tiếp nhận ý kiến của người dân trong quá trình tham vấn cộng đồng. REACH cũng phối hợp chặt chẽ với cộng đồng và các tổ chức cơ sở nhằm tiếp cận người dân, các nhóm phúc lợi tự nguyện, nhóm chuyên gia…

Không bỏ lại ai ở phía sau trong hành trình chuyển đổi số

Thủ tướng Lý Hiển Long khởi động sáng kiến xây dựng quốc gia thông minh vào tháng 11/2014 nhằm mang lại cuộc sống tốt đẹp, tiện ích cho người dân, xây dựng Singapore thành nơi đáng sống, nơi làm việc và giải trí tuyệt vời.

Cũng bởi được nhìn nhận là khách hàng, người dân trở thành trung tâm trong thiết kế sản phẩm hay dịch vụ, làm sao để thuận tiện nhất, có thể tiếp cận các loại dịch vụ bất kỳ một cách dễ dàng. Chỉ bằng các ứng dụng trên thiết bị di động hoặc máy tính, người dân Singapore có thể làm nhiều thủ tục mà không tốn nhiều thời gian đi lại.

Người dân cùng chung tay xây dựng chính phủ số, cùng tham gia hầu hết các khâu làm nên sản phẩm và dịch vụ số với quy trình 5 bước chặt chẽ: Khảo sát và lấy ý kiến người dân; Thử nghiệm từ việc sử dụng của người dân; Đánh giá các khiếm khuyết; Thiết kế lại và hoàn thiện việc số hóa dịch vụ.

Đặc biệt, nhằm gia tăng sự sẵn sàng tiếp nhận sản phẩm và dịch vụ số cho toàn dân, không để ai bị bỏ lại phía sau, kể cả người cao tuổi, Singapore đã triển khai Chương trình “tiến tới số hóa” dành cho người cao tuổi giúp họ biết sử dụng các sản phẩm, dịch vụ số. Thậm chí, nước này còn triển khai chương trình “1 kèm 1” để trang bị cho người cao tuổi kỹ năng sử dụng các sản phẩm và dịch vụ số.

Hiện nay, Singapore đang tích cực chuyển dịch vụ công “lên mây” nhằm cải thiện chất lượng dịch vụ cho người dân và doanh nghiệp. Từ cuối năm 2018, chính phủ đã công bố kế hoạch 5 năm để chuyển dịch 70% hệ thống công nghệ thông tin từ hạ tầng tại chỗ sang đám mây thương mại. Đến nay, họ đã chuyển gần 600 hệ thống lên mây và trên đà đạt chỉ tiêu vào năm tài chính 2023.

Khi “lên mây”, dịch vụ công cải thiện sự linh hoạt, nhanh gọn, tiện lợi hơn nhiều: Người đóng thuế hoàn thành các nghĩa vụ thuế chỉ trong thời gian ngắn. Quy trình khai thuế của các doanh nghiệp được đơn giản hóa và tích hợp sâu hơn với hệ thống và phần mềm kế toán, thậm chí cơ quan quản lý có thể kiểm soát lượng nước sử dụng và rò rỉ, đưa ra tư vấn cho các hộ gia đình thông qua cổng khách hàng.

Tóm lại, chính quyền Singapore là doanh nghiệp đặc biệt. Bộ máy công quyền được tổ chức tinh gọn, hoạt động hiệu quả, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của khách hàng và phù hợp theo định hướng phục vụ.

PMH

CHỦ TỊCH TP.HCM MUỐN 'NGHIÊM NHƯ SINGAPORE', LÃNH ĐẠO QUẬN 1 NÓI 'QUYẾT TÂM LÀM'

THÁI AN th/TT 27-8-2022

TTO - Sau chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi, UBND quận 1 tiếp thu và nghiên cứu xây dựng đề án quản lý trật tự, vệ sinh môi trường trên toàn địa bàn quận "nghiêm như Singapore", bảo đảm bộ mặt đô thị hiện đại, văn minh.


Bến Bạch Đằng kết nối với khu tượng đài Trần Hưng Đạo, quận 1 là địa điểm thu hút du khách cả nước - Ảnh: TỰ TRUNG

Ngày 26-8, tại cuộc làm việc với UBND quận 1 về tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh 7 tháng đầu năm 2022, một trong những chỉ đạo đáng chú ý của Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đối với địa phương là chủ động nghiên cứu xây dựng đề án quản lý khu trung tâm với gợi mở học tập Singapore trong xử phạt xả rác, hút thuốc, đỗ xe… không đúng quy định và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong quản lý đô thị.

Tuổi Trẻ Online có cuộc trao đổi với ông Vũ Nguyễn Quang Vinh - phó chủ tịch UBND quận 1 (phụ trách đô thị) - về quyết tâm này.

Đủ hạ tầng, quyết tâm

* Nhiều người nhận xét rằng quận 1 là bộ mặt của TP, hội tụ các điều kiện thuận lợi về cơ sở hạ tầng để xây dựng đô thị văn minh, hiện đại. Ông nhìn nhận thế nào?

- Nếu nhìn tổng thể, quận 1 có cơ sở hạ tầng tốt, hiện đại, trình độ người dân cũng tương ứng… nhưng cũng còn không ít khó khăn. Bởi lẽ quận 1 thu hút nhiều du khách, nhiều thành phần cư dân khắp mọi miền đất nước và không phải ai cũng có thói quen sinh hoạt nề nếp, ý thức tốt.

Trên tinh thần xây dựng quận 1 văn minh, hiện đại, tốt đẹp hơn, đặc biệt là ở khu vực trung tâm, chúng ta cũng có những thành quả nhất định về việc xây dựng nề nếp sinh hoạt, nét văn hóa của người dân quận 1.

Do sức hút của khu vực trung tâm nên lực lượng bà con bán hàng rong tự phát tập trung về nhiều, nhất là sau dịch kinh tế khó khăn, kiếm việc không dễ… làm phát sinh các vấn đề quản lý trật tự đô thị, vệ sinh môi trường, nạn hàng rong chèo kéo khách.

* Từ chỉ đạo, gợi mở của Chủ tịch TP trong quản lý đô thị, quận 1 sẽ có quyết sách gì để khắc phục tồn tại?

- Nạn hàng rong chèo kéo khách, vệ sinh môi trường chưa đảm bảo khiến không ít người phản ảnh, than phiền. Tại cuộc họp, lãnh đạo TP cũng có nhắc và địa phương cũng suy nghĩ nhiều để giải quyết tình trạng này.

Tôi rất vui vì lãnh đạo TP chỉ đạo rất quyết liệt và cho cơ chế làm điểm tựa, chắc chắn chúng tôi sẽ nghiên cứu xây dựng đề án để quản lý trật tự đô thị, vệ sinh môi trường trên địa bàn quận. Việc này đòi hỏi quyết tâm lớn của hệ thống chính trị của quận 1.

Bên cạnh quyết tâm chính trị, nỗ lực của đảng bộ chính quyền quận, có sự phối hợp, góp ý của các sở ngành, các chuyên gia và sự vào cuộc tuyên truyền của cơ quan truyền thông…, tôi tin rằng trong thời gian tới tình hình sẽ có chuyển biến.

Về phía người dân, tôi cũng mong ủng hộ việc giữ gìn nề nếp, trật tự đô thị, không vứt rác, để xe bừa bãi, hàng rong, chèo kéo khách…


Trung tâm điều hành thông minh được quận 1 sử dụng nhiều năm nay để phục vụ công tác quản lý, điều hành, phát triển đô thị - Ảnh: ĐAN THUẦN

Thí điểm biện pháp chế tài nghiêm khắc

* Về gợi mở có thể chế tài "nghiêm như Singapore" nhằm ngăn chặn việc xả rác, hút thuốc, đỗ xe… không đúng quy định trên địa bàn, quận có tính toán thế nào?

- Bên cạnh việc vận dụng các quy định pháp luật hiện hành để tăng cường kiểm tra, xử lý, ngăn chặn các hành vi không phù hợp thì từ gợi mở của chủ tịch TP, chúng tôi sẽ nghiên cứu thí điểm biện pháp chế tài có tính răn đe, nghiêm khắc hơn để người dân bảo đảm tuân thủ kỷ cương, nề nếp, ứng xử chuẩn mực nơi công cộng.

* Một số chuyên gia cho rằng quận 1 có thế mạnh công nghệ với trung tâm điều hành thông minh, hệ thống camera rộng khắp có thể sử dụng để phạt nguội các hành vi như xả rác, tiểu bậy, hút thuốc…?

- Đây cũng là hướng nghiên cứu tốt. Các hành vi vi phạm ở đô thị như xả rác, tiểu bậy, hút thuốc… có tính chất tức thời, lực lượng chức năng không đủ thời gian, kịp phản ứng để phạt quả tang. Tuy nhiên phạt nguội qua hình ảnh camera thì phải bảo đảm đủ căn cứ, đúng trình tự thủ tục quy định, đơn cử như phạt nguội vi phạm giao thông.

Mới đây, Công an TP.HCM cũng có thông tin về việc sắp tới khu vực trung tâm sẽ lắp nhiều camera có khả năng nhận diện được khuôn mặt phục vụ hiệu quả cho quản lý.

Hiện quận 1 cũng có các hệ thống camera do các cơ quan chức năng (Công an, Sở Giao thông vận tải…) quản lý và hệ thống camera dân lập. Với chỉ đạo của lãnh đạo TP, quận 1 sẽ tính đến việc phối hợp với các đơn vị chức năng để chia sẻ, sử dụng hình ảnh và pháp lý hóa việc xử phạt qua hình ảnh.

Tuy nhiên, tăng cường chế tài, xử phạt nghiêm là cần thiết nhưng không phải biện pháp duy nhất. Để quản lý trật tự, vệ sinh môi trường hiệu quả cần giải pháp tổng thể như đáp ứng tốt các dịch vụ, nhu cầu cần thiết của du khách tham quan, du lịch, nghỉ dưỡng tại quận 1; sắp xếp, chuyển đổi công việc cho người bán hàng rong…

Quận 1 là nơi lót "ổ đại bàng" nhưng không bỏ rơi những gánh hàng mưu sinh?

Theo ông Vũ Nguyễn Quang Vinh, quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của Ban thường vụ Thành ủy từ khi ban hành chỉ thị 11-2017 là tăng cường công tác quản lý trật tự đô thị gắn với an sinh xã hội.

Tại buổi làm việc với quận 1 ngày 26-8, Chủ tịch TP Phan Văn Mãi cũng chỉ đạo quận phải có tính toán bảo đảm hài hòa về mưu sinh, chuyển đổi nghề nghiệp cho người bán rong.

Về chỉ đạo này, quận sẽ triển khai theo lộ trình. Phải sắp xếp rà soát đối tượng và tính toán bố trí chỗ nào, bán cái gì… để tập trung người bán hàng rong, bảo đảm trật tự, mỹ quan, an toàn thực phẩm… Cùng với đó là vận động, hỗ trợ từ nguồn xã hội hóa để người bán hàng rong tìm kiếm công vệc khác.

Sau chỉ đạo của Chủ tịch TP, chúng tôi sẽ có nghiên cứu, xây dựng đề án, tiếp thu ý kiến đóng góp từ sở ngành, chuyên gia… Mục tiêu là giải quyết việc mưu sinh cho người bán hàng rong vừa bảo đảm lợi ích chung của cộng đồng.

MUỐN 'NHƯ SINGAPORE', KHÔNG CHỈ LÀ 'NGHIÊM' VỚI DÂN
CÙ MAI CÔNG/ TD 29-8-2022


Đã "nghiêm như Singapore" thì chắc chắn không chỉ đơn giản là chuyện nghiêm với dân, với hàng rong, xe đẩy, đái bậy… Đó còn phải nghiêm gấp 10 với hành xử, “lương tâm chức nghiệp” của cả một bộ máy công quyền lẫn ban ngành chức năng.
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi vừa chỉ đạo Quận 1 xây dựng đề án quản lý khu trung tâm với gợi mở học tập Singapore trong xử phạt xả rác, hút thuốc, đậu xe… và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong quản lý đô thị.
Tiếp thu ý kiến này, Phó chủ tịch UBND Quận 1 Vũ Nguyễn Quang Vinh nói "sẽ quyết tâm" với mong muốn "nghiêm như Singapore".
“Quận 1 như một Singapore thu nhỏ” là mong muốn của bao nhiều người chứ không chỉ của lãnh đạo. Và đây không phải lần đầu các cấp lãnh đạo nói điều này Nhưng vẫn quanh quẩn chuyện giải quyết hàng rong, xả rác, hút thuốc, đá bậy… Nhiều lần rồi. Phạt nặng, camera… cũng nhiều lần rồi: dí bắt, rượt đuổi, tịch thu xe đẩy, bàn ghế, bắt người đái bậy dội nước… cũng nhiều lần rồi. Đâu vẫn vô đó. Liệu “xử nghiêm” được bao lâu với những người hàng rong mà cả vốn liếng trên chiếc xe hàng rong, thúng đậu phộng luộc… của họ chỉ vài trăm ngàn, một triệu đồng. Liệu “xử nghiêm” được bao lâu với một một anh, chị lượm rác đái bậy khi trong túi họ chỉ có vài chục ngàn đồng…? Bắt nhốt, bỏ tù thì có lẽ không ai dám làm rồi?
Quan trọng hơn, như Singapore? Vậy Singapore có kẹt xe, ngập lụt… không? Công việc các ban ngành, này nọ của họ có lề mề… khiến dân bức xúc không? Chính quyền, ban ngành các cấp đã làm việc đúng “lương tâm chức nghiệp” chưa? Mới đây thôi, việc thu phí đậu xe ở Quận 1 được hai tỉ đồng, nhưng chi phí cho việc này gấp năm lần: 10 tỉ đồng.
Ngay đường Lê Lợi rào chắn bít bùng trước cửa nhà hàng trăm hộ dân, cửa hàng, khách sạn… tám năm, thiệt hại kinh tế với họ tám năm qua – bằng 1/10 đời người - là vô cùng lớn. Chẳng hạn, có một mặt bằng trên đường Lê Lợi 3,5mx12m là cửa hàng bán tranh. Giá trước đó 4.000 USD. Hai năm dịch, chủ bớt 50%, nay tăng lên 8.000 USD. Người thuê chịu không nổi phải trả mặt bằng, tìm thuê chỗ khác cũng trên Lê Lợi, nhỏ hơn nhiều, ngang 2m, sâu 6m, giá 40 triệu đồng. Nhiều cửa hàng, nhà cửa mặt tiền khu này hiện vẫn đóng im ỉm, dù rào chắn lô cốt làm Metro đã mở.
Nhưng tới giờ họ chỉ nhận được một lời cảm ơn + món quà nho nhỏ. Vậy mà có người nói họ "ưng cái bụng", thật vậy không?
Đã học Singapore là nên học toàn diện, không cắt khúc về phía dân, tệ hơn là chỉ ở phân khúc dễ làm nhất: người yếu thế, người nghèo.
Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi đã nói: “Quận 1 không chỉ của người giàu mà còn của cả người nghèo”.
Xin mạn phép nói thêm: Đã "nghiêm như Singapore" thì chắc chắn không chỉ đơn giản là chuyện nghiêm với dân, với hàng rong, xe đẩy, đái bậy… Đó còn phải nghiêm gấp 10 với hành xử, “lương tâm chức nghiệp” của cả một bộ máy công quyền lẫn ban ngành chức năng.
CMC

BẠN ĐỌC HIẾN KẾ ĐỂ QUẬN 1 SỚM TRỞ THÀNH SINGAPORE
CỦA VIỆT NAM
TR.D tổng hợp/TT 30-8-2022

TTO - Liên quan đến mục tiêu đưa quận 1 (TP.HCM) sớm trở thành một Singapore của Việt Nam như mong muốn của người đứng đầu chính quyền TP Phan Văn Mãi, bạn đọc Tuổi Trẻ đã gởi hàng trăm ý kiến đóng góp, trong đó có những hiến kế thiết thực.


Trung tâm điều hành đô thị thông minh được quận 1 sử dụng nhiều năm nay để phục vụ công tác quản lý, điều hành, phát triển đô thị - Ảnh: ĐAN THUẦN

Như Tuổi Trẻ Online thông tin, tại buổi làm việc với UBND quận 1 về tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh 7 tháng đầu năm 2022, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi chỉ đạo quận 1 xây dựng đề án quản lý khu trung tâm với gợi mở học tập Singapore trong xử phạt xả rác, hút thuốc, đỗ xe và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong quản lý đô thị.

"Rất đồng tình với ý tưởng sớm đưa quận 1 như Singapore thu nhỏ của Việt Nam. Singapore có màn trình diễn nhạc nước pháo hoa ngay bờ sông rất ấn tượng cũng giống bến Bạch Đằng của mình. Tuy nhiên cảnh quan của quận 1 mình còn đẹp hơn".

Ý kiến bạn đọc Sang

"Nếu đã quyết tâm thay đổi quận 1 như Singapore thì phải bắt đầu mọi thứ cốt lõi như họ từ trong suy nghĩ đến hành động, tránh tình trạng chỉ làm bề nổi, còn "tảng băng chìm" cốt lõi thì bỏ qua" - bạn đọc nickname CTS góp ý.

Theo bạn đọc này, mặt đường giao thông đô thị hiện nay rất kém, đâu đâu cũng thấy các nắp công trình tạo thành "bẫy" phương tiện tham gia giao thông, luôn bị thấp hơn mặt đường, rất dễ gây tai nạn, làm giảm tốc độ lưu thông, vỉa hè thì bị lấn chiếm... Do đó cần trả lại lề đường cho người đi bộ.

Từ tình hình thực tế, cách đây vài năm quận 1 đã thành lập Trung tâm điều hành đô thị thông minh để phục vụ công tác quản lý, điều hành, phát triển đô thị, vì vậy việc đẩy mạnh ứng dụng này để quản lý đô thị là không phải không làm được. 

Vấn đề còn lại để quận 1 hướng đến và theo kịp Singapore vẫn là xây dựng được ý thức, thay đổi những thói quen xấu của người dân. Muốn có một trung tâm văn mình ở đó phải có những con người văn minh.

Giới thiệu mình là người Nhật - công dân đến từ quốc gia phát triển bậc nhất thế giới, bạn đọc nickname CRF450 viết: "Tôi là người Nhật. Tôi nghĩ việc đầu tiên là quận 1 cấm hút thuốc trên đường phố và lắp đặt nhiều thùng rác hơn ở các thị trấn để thay đổi cách nghĩ của mọi người về rác thải. Không còn cách nào khác là Chính phủ phải đi đầu trong việc giáo dục người dân thay đổi thói quen xấu của họ".

Từ quan sát bản thân và tình hình thực tế trên địa bàn quận 1, bạn đọc Liêm nhìn nhận rằng thực tế việc dẹp nạn lấn chiếm vỉa hè, vứt rác, đổ chất thải, tiểu tiện bừa bãi... là không khó. 

Nhưng cũng theo bạn đọc Liêm, để làm được cũng không phải chuyện dễ vì một phần do ý thức chấp hành của người dân chưa tốt, một phần do TP.HCM còn thiếu rất nhiều hạ tầng như nhà vệ sinh công cộng, nhiều tuyến phố do quy hoạch cũ không có vỉa hè dành cho người đi bộ, thiếu kiên quyết trong xử phạt vi phạm.

Chỉ ra một vài cái khó của quận 1, bạn đọc Lê Hoài Nam viết: "Về quy hoạch ta không thể làm như Singapore được, họ có quy hoạch rõ ràng từ trước. Tôi đã quan sát từ cống thoát nước, vỉa hè, nơi công cộng họ rất sạch vì ai vi phạm họ xử phạt nặng nên người dân họ tự ý thức với chính bản thân".

Để học tập Singapore, theo bạn đọc Lê Hoài Nam, TP.HCM nên xử phạt hút thuốc lá nơi công cộng không đúng nơi quy định, xả rác, tiểu tiện bừa bãi ngoài đường, vượt đèn đỏ, uống bia rượu quá nồng độ cho phép, quy hoạch bán hàng, cấm chó chạy lung tung ngoài đường... 

Về trách nhiệm, bạn đọc này đề xuất: "Lãnh đạo phường nào để người dân vi phạm nhiều thì bị xử lý. Chỉ có vậy, và làm hằng ngày mới hy vọng dần dần người dân sẽ có ý thức nơi công cộng".

Với suy nghĩ phải áp dụng thật mạnh mới xây dựng ý thức, bạn đọc Thắng Vũ viết: "Luật pháp Singapore nghiêm minh nên phát triển nhanh, đặc biệt là vệ sinh công cộng. Cứ xả rác là phạt đánh bằng roi tại nơi công cộng để làm gương, dù đó là mông của người nước ngoài, mông nhà giàu hay dân nghèo... đều phạt như nhau, không có tình trạng quen biết cả nể gì hết".

Và cũng theo bạn đọc này, với tâm lý ai cũng sợ vì mắc cỡ, sợ nhục lắm khi bị phạt bằng hình thức này nên chấp hành rất tốt. Nói đâu xa, khách du lịch Việt Nam qua Sing đâu dám xả rác vì sợ bị phạt roi, nhưng khi vừa về sân bay ta thôi là ôi trời, xả tứ tung khỏi nói.

Không chỉ dừng lại ở những chính sách vĩ mô, một số bạn đọc còn chỉ ra những việc cần làm ngay để quận 1 đẹp, sạch hơn trong mắt bạn bè quốc tế và du khách.

Về ý này, bạn đọc Phong viết: "Đường Huỳnh Thúc Kháng, quận 1 đoạn đối diện Trường Kỹ thuật Cao Thắng vỉa hè nhếch nhác như khu ổ chuột. Rất mong quận chỉnh trang lại trong vài tháng tới".

"Đường phố Nguyễn Huệ văn minh như vậy, bến Bạch Đằng đẹp vậy, tượng Đức thánh Trần Hưng Đạo uy nghiêm, hùng vĩ như vậy, cầu Thủ Thiêm 2 mới xây rực rỡ như vậy, mà xung quanh đó, xen lẫn trong đó vẫn còn xe bán hàng rong, xe thô sơ, dòng người dừng đậu xe dưới lòng đường, trên cầu để dạo chơi, check-in ảnh hưởng đến hình ảnh và trật tự giao thông của thành phố" - bạn đọc Tuấn bổ sung.

Về giải pháp dung hòa giữa việc buôn bán hàng rong và vẫn giữ được lòng lề đường thông thoáng, bạn đọc Hoàng hiến kế: "TP không nên dẹp bán hàng rong, vỉa hè nếu các cửa hàng không lấn chiếm vỉa hè, chỉ trưng bày hàng hóa kinh doanh trong nhà của mình".

"Theo tôi, hè phố được lát gạch sạch sẽ, làm bồn hoa để người đi bộ rảo bước. Thỉnh thoảng đây đó, tại các vị trí thích hợp, bố trí một số điểm bán hàng rong có kiểm soát. Chắc quận 1 sẽ đẹp hơn, hấp dẫn hơn, không cần phải theo hình mẫu Singapore hay nước nào. Hiện nay việc quản lý lấn chiếm vỉa hè không được chú ý, vỉa hè lộn xộn, nhếch nhác" - bạn đọc Hoàng viết.

Cụ thể hơn, một bạn đọc bổ sung: "Nên làm các ki ốt nhỏ dọc hai bên phố đi bộ, cho các người bán hàng rong đăng ký rồi cho những người đăng ký thay phiên nhau bán một tuần ở các ki ốt. Phải đăng ký theo tuần, không nên chia theo ngày để tránh tình trạng nếu chia ngày ra bán thì có ngày bán được, có ngày bán đắt như thứ bảy, chủ nhật".

Chuyện dọn dẹp vệ sinh cũng được bạn đọc này đề cập cụ thể: "Phân vùng dọn vệ sinh cho các ki ốt này, lúc nào cũng phải sạch sẽ, nếu không sẽ lấy ki ốt không cho thuê nữa. Thậm chí, các khu đất trống dự án, gầm cầu vượt cũng có thể cho thuê được, lúc đó chỗ nào cũng sạch sẽ vệ sinh".

Liên quan đến việc dọn dẹp vệ sinh để quận 1 nói riêng và TP.HCM sạch đẹp, có một góp ý của bạn đọc Đỗ Thị Linh giới thiệu mình là công nhân vệ sinh cũng rất đáng quan tâm. 

Chị này viết: "Chỉ cần tăng lương cho công nhân vệ sinh môi trường đô thị làm việc tại quận 1 bằng 50% lương công nhân vệ sinh của Singapore, tôi đảm bảo quận 1 sẽ còn sạch hơn Singapore".


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét