Thứ Tư, 31 tháng 10, 2018

20181031. BÌNH LUẬN VỀ QUYẾT ĐỊNH CỦA UBKTTW KỶ LUẬT GS CHU HẢO

ĐIỂM BÁO MẠNG
ĐỀ NGHỊ UBKTTW RÚT LẠI QUYẾT ĐỊNH VỀ THI HÀNH KỶ LUẬT GS CHU HẢO

NGUYỄN ĐÌNH BIN/ BVN 31-10-2018

Giáo sư Chu Hảo.

1). Là một đảng viên đã có hơn 56 năm tuổi đảng và đã có một khóa được tham gia Ban chấp hành Trung ương (1996-2001), luôn canh cánh vì sự nghiệp vẻ vang và trọng trách của Đảng đối với dân tộc ta và Tổ quốc ta, tôi thực sự vui mừng và nhiệt liệt hoan nghênh UBKTTW, từ sau Đại hội XII, đã làm được rất nhiều việc để thực thi các nghị quyết TƯ về công tác thanh, kiểm tra, góp phần rất tích cực chống tham nhũng, xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh, lấy lại và nâng cao niềm tin của đông đảo nhân dân và cán bộ, đảng viên đối với Đảng.
2). Nhưng, từ mấy hôm nay, tôi lại rất buồn và lo lắng trước quyết định vừa công bố của UBKTTW về thi hành kỷ luât đối với GS Chu Hảo. Tuy đây chỉ là một việc cụ thể, về một đảng viên, nhưng có ý nghĩa rất tiêu biểu, rất quan trọng, đang gây nên phản ứng không đồng tình rộng rãi trong dư luận, nhất là trong tầng lớp trí thức. Nếu quyết định này được thực hiện thì, thay vì góp phần nâng cao uy tín của UBKTTW nói riêng và của Đảng nói chung, nó sẽ có tác động ngược lại, không chỉ về đối nội mà cả về đối ngoại nữa.
3). Phát biểu tại lễ kỷ niệm 20 năm thành lập Hội đồng lý luận TƯ, ngày 22-10-2016, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ: “Thời kỳ phát triển mới của đất nước đòi hỏi chúng ta phải tiếp tục đẩy mạnh đổi mới toàn diện và đồng bộ hơn nữa, nhất là đổi mới về kinh tế và đổi mới chính trị”. “Phải tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hơn nữa về tư duy lý luận, tư duy phát triển, nâng cao năng lực sáng tạo để phát triển”. “Thực tiễn đã chứng minh rằng: Để vượt qua khó khăn, thách thức, đưa đất nước tiến lên phải đổi mới toàn diện, đồng bộ, đặc biệt là đổi mới tư duy lý luận… phát huy tự do tư tưởng, bảo đảm dân chủ, khuyến khích những tìm tòi sáng tạo”
4). Tôi nghĩ: muốn đổi mới tư duy lý luận thì phải đổi mới và làm tốt công tác sưu tầm, tìm hiểu, nghiên cứu, tổng kết thực tiễn và tư duy lý luận, những bài học lịch sử cả thành công và thất bại, không chỉ của ta mà trên cả thể giới, với tinh thần thực sự cầu thị, nghiêm túc, khách quan, khoa học, toàn diện và phải được tranh luận, phản biện rộng rãi, theo tinh thần thật sự tự do tư tưởng, thẳng thắn, cởi mở, không định kiến. Chỉ như vậy mới có thể hình thành được những đề xuất, kiến nghị, tư duy lý luận mới, tiên tiến, phù hợp với quy luật khách quan, đáp ứng được các yêu cầu của đất nước trước tình hình mới.
5). Những việc GS Chu Hảo đã làm và phát biểu từ sau khi nghỉ hưu , chủ yếu là công việc của Nhà xuất bản Tri thức, là phổ biến các công trình nghiên cứu, các tư duy, luận thuyết của nhiều học giả nổi tiếng trên thế giới, đưa ra các khuyến nghị…, xuất phát từ động cơ xây dựng, vì Đảng, vì dân…Đó là một việc làm thiết thực phục vụ cho công tác nghiên cứu, đổi mới tư duy lý luận nói trên. Bởi vì nó góp phần cung cấp nguyên liệu, thức ăn cho công tác này.
6). Đương nhiên, nguyên liệu thì có thứ thô, thứ tinh, thứ thích hợp, thứ không thích hợp; thức ăn thì có thứ bổ, sạch, thích hợp, có thứ độc, bẩn, không thích hợp. Đấy là thực tế cuộc sống. Song, với bản lĩnh độc lập, tự chủ, với trí tuệ và kinh nghiệm của mình thì ta sợ gì. Ta sẽ gạn đục, khơi trong, chỉ tiếp thu những cái hay, cái tốt, cái thích hợp,“tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại” như Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã chỉ đạo trong bài phát biểu tôi đã trích ở trên.
7). Cũng như cây ngay không bao giờ sợ chết đứng, một viên ngọc thứ thiệt đặt giữa những hòn sỏi, đá thì càng tỏa sáng long lanh; quan điểm, tư duy lý luận, đường lối, chủ trương, chính sách…đúng đắn thì càng tỏ rõ tính đúng đắn trước tất cả những điều ngược lại.
8). Hiến pháp 2013 đã quy định: “ Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình” ( Điều 25, Chương II) .
9). Căn cứ vào những điều nêu trên, thì các việc làm và phát biểu của GS Chu Hảo, cũng như của nhiều đảng viên, trí thức tâm huyết, tài năng khác, hoàn toàn không có gì là sai phạm, mà ngược lại, là có ích cho công cuộc đổi mới tư duy lý luận, cho Đảng, cho dân, rất đáng hoan nghênh và khuyến khich.
10). Tôi nghĩ: những kiến thức, năng lực và phẩm giá mà GS Chu Hảo và những đảng viên, trí thức chân chính tương tự khác có được ngày nay một phần lớn cũng nhờ những năm tháng được đào luyện trong đội ngũ chiến đấu của Đảng. Đó là một thành quả, một vốn quý của Đảng mà Đảng có thể tự hào và giờ đây trước trách nhiệm nặng nề của Đảng đối với dân tộc và đất nước, Đảng nên trọng dụng.
11). Các nhà Lãnh đạo kỳ cựu của Đảng đã có nhiều lời giáo huấn đúng đắn và nêu gương sáng về tự phê bình, phê bình, đổi mới tư duy lý luận, xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh. Xin nêu lại vài thí dụ tiêu biểu nhất:
11. a- Trước hết là Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Người đã dậy và sinh thời Người luôn thực hiện “Một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính” (trích trang 301, Tập 5, Hồ Chí Minh tuyển tập). Chúng ta đều đã biết: khi phát hiện sai lầm trong CCRĐ Bác Hồ đã thẳng thắn thừa nhận và thực hiện “ sửa sai”, công khai xin lỗi toàn dân trước QH mà ngày nay còn hình ảnh Bác rút khăn lau nước mắt, và xử lý thỏa đáng các lãnh đạo liên quan: TBT Trường Chinh thôi chức TBT, 2 Ủy viên BCT Hoàng Quốc Việt và Lê Văn Lương ra khỏi BCT, ủy viên TƯ đặc trách CCRĐ Hồ Viết Thắng ra khỏi TƯ, và cho thực hiện sửa sai đến tận cơ sở. Nhờ vậy, đã lấy lại niềm tin của nhân dân và cán bộ, đảng viên đối với Đảng.
11. b- Tổng Bí thư Trường Chinh, người nổi tiếng là nguyên tắc, kiên định lập trường, đã từng cho thi hành kỷ luật BT Tỉnh ủy Kim Ngọc (vì đã dũng cảm đi đầu thực hiện khoán trong sản xuất nông nghiệp, hoàn toàn trái với chính sách của Đảng thời kỳ đó. Sau này Đảng đã sửa sai, khôi phục danh dự và truy tặng ông Kim Ngọc Huân chương Hồ Chí Minh) khi lên thay TBT Lê Duẩn từ trần , tháng 7 – 1986, với tâm huyết luôn luôn hết lòng vì mục tiêu lý tưởng cao đẹp của Đảng, tức là vì dân, vì nước, với tầm nhìn sắc sảo, sáng suốt của một nhà lãnh đạo uyên bác, tài ba và qua nghiên cứu tình hình thực tế đã nhận ra là quan điểm mà Đảng kiên trì bảo vệ cho đến thời điểm đó ( coi kinh tế thị trường là một bản chất, đặc trưng của chủ nghĩa tư bản, hoàn toàn đối lập với CNXH) là không đúng mà đó là một thành tựu của loài người cho đến nay, là một quy luật kinh tế khách quan, phải vận dụng nó vào đất nước ta . TBT Trường Chinh đã quyết định hủy bỏ các văn kiện chuẩn bị cho Đại hội VI theo tư duy cũ, chỉ đạo soạn thảo các văn kiện mới theo tinh thần đổi mới tư duy, công nhận và vận dụng kinh tế thị trường vào nước ta; đồng thời đưa Uỷ viên TW Nguyễn Văn Linh, Chủ tịch Tổng Công đoàn, người trước đó, khi là Ủy viên BCT, Bí thư Thành ủy Hồ Chí Minh, đã dũng cảm đi đầu trong đổi mới tư duy, “ phá rào”, cho thực hiện một số chủ trương, biện pháp đổi mới về kinh tế, trái với các nghị quyết của Đảng khi đó, đã bị ra khỏi BCT và thôi chức Bí thư TU, trở lại tham gia Bộ CT, đảm nhiệm Thường trực Ban Bí thư, chuẩn bị để thay thế mình làm TBT tại Đại hội VI lịch sử, thực hiện công cuộc đổi mới mà Đảng rất tự hào, đưa đất nước thoát khỏi khủng hoảng kinh tế-xã hội, bước vào một thời kỳ phát triển mới.
12). Xuất phát từ các điểm nêu trên và thực hiện “QUY ĐỊNH trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên…” số 08 - QĐ/TW, ngày 25- 10 -2018, đã được Hội nghị TƯ VIII thông qua và TBT Nguyễn Phú Trọng vừa ký ban hành, “ Nghiêm túc thực hành tự phê bình và phê bình; thấy đúng phải cương quyết bảo vệ, thấy sai phải quyết liệt đấu tranh” (Điểm 8, Điều 2) , tôi khẩn thiết đề nghị UBKWTW bình tâm và sáng suốt xem xét lại và dũng cảm rút quyết định nói trên đối với GS Chu Hảo.
13). Như tôi đã nói ở trên, UBKTTW làm được việc này sẽ góp phần lấy lại và nâng cao uy tín của UBKTTW nói riêng và của Đảng nói chung, là điều hết sức cần thiết hiện nay, trước tình hình thế giới đang thay đổi rất căn bản, sâu sắc, với tốc độ chóng mặt, những đảo lộn khôn lường, đặt ra cho đất nước ta những thách thức thật sự hiểm nghèo, đồng thời cũng có những cơ hội lớn mà Đảng và dân tộc ta không được bỏ lỡ.
UBKTTW không nên lặp lại những vấp váp đã xẩy ra không ít lần trong lịch sử Đảng: phạm sai lầm để rồi sau lại phải sửa, thì tốt hơn./
N.Đ.B.

Nguồn: FB Nguyễn Đình Bin

NỖI ĐAU

CAO HUY THUẦN/ viet-studies 30-10-2018

Anh Chu Hảo vừa bị "kỷ luật" của đảng mà anh là đảng viên. "Kỷ luật" ấy là việc nội bộ chăng? Dư luận đã trả lời: thực chất, đó là một bản án, không phải riêng gì đối với anh Chu Hảo mà đối với tất cả trí thức. Bởi vậy, ai tự thấy mình là trí thức đều cảm thấy có liên quan. Đã có những thư chung. Đã có những "kiến nghị" viết rất sắc sảo và trí thức. Tôi có thể nói thêm ở đây một nỗi đau tuy rằng ai cũng biết, cũng nói, cũng lo: nỗi đau lạc hậu về văn hóa.
            Chỉ cần một chữ thôi trong bản án đủ để thấy tất cả những gì là lạc hậu. Anh Chu Hảo bị kết tội là đã "tự chuyển hóa". Có ai mà không biết: "chuyển hóa" là quy luật của tiến hóa, không chuyển hóa thì chỉ làm tôi tớ cho thế giới. Mà xã hội thì không thể nào chuyển hóa được nếu con người không "tự" chuyển hóa từ trong cái đầu. Nếu cái đầu của Galiléo không tự chuyển hóa thì vũ trụ không to gì hơn cái vòm giếng - cái vòm giếng của những thế lực kết tội ông. Nhưng cái đầu của con người luôn luôn muốn vươn đến trăng sao. Trăng sao của vũ trụ cũng như trăng sao của Sự Thật. Trăng sao của Galiléo cũng như trăng sao của Darwin. Ấy là chỉ mới nhắc đến hai quyển sách trong công trình xuất bản của anh Chu Hảo. Chẳng lẽ cái tội của anh Chu Hảo là cái tội đã từng được đem ra để xử hai nhà bác học ấy, cái tội mà bây giờ mang tên là "tự chuyển hóa"? Xuất bản những sách đã đánh dấu lịch sử những bước đi của tư tưởng thế giới là một cái tội? Chúng ta sống trong thời đại nào vậy?
            Con người không thể có tư tưởng nếu không biết so sánh những cái khác nhau, nghĩa là không biết tranh luận. Mà tranh luận trước hết là tranh luận với chính mình. Trí thức là người luôn luôn "tự" tranh luận với chính mình, luôn luôn trăn trở. Trăn trở là để lớn lên, như trẻ con biết lật. Bởi vậy, một cái đầu khai sáng là một cái đầu đã từ giã tình trạng vị thành niên, tự mình bước đi, không vịn vào ai để dẫn đi. Thế kỷ 18 của Âu châu đã bước vào Khai Sáng như vậy. Chẳng lẽ anh Chu Hảo phải trở lại tình trạng vị thành niên để bám vào những thế lực của thế kỷ 17, 16, trung cổ mà bước? Đâu phải anh, cũng như chúng ta, cũng như bao nhiêu thế hệ đã từng đọc những sách mà anh xuất bản, xem những sách ấy là thánh hiền phải vịn vào mới bước được? Ấy chỉ là tri thức, thế giới đều biết, và ai cũng biết: không có tri thức thì không có tư tưởng. Ai cũng biết: một đất nước suy vong về văn hóa, hạn hán trong tư tưởng, thui chột những cái đầu biết suy nghĩ, phê phán, là một đất nước thiếu văn minh. Không có tư tưởng thì làm nô lệ mà không biết mình là nô lệ.
            Nỗi lo lạc hậu không mới mẻ gì, nhưng nỗi đau đến từ một biện pháp mà ai cũng xem như một bước thụt lùi đáng sợ trong chính sách đối với trí thức khiến ai cũng muốn bật lên thành tiếng, không phải tiếng khóc hay tiếng than, mà là tiếng bất bình. Không ai muốn tương lai nặng trĩu những bất bình như thế. 
30-10-18

MÓN QUÀ ĐẦU TIÊN CỦA CHỦ TỊCH NƯỚC

NGUYỄN ĐÌNH CỐNG/ BVN 31-10-2018

Thời phong kiến mỗi lần vua mới lên ngôi thường làm lễ bố cáo với Trời Đất và đại xá thiên hạ. Đại xá có nhiều việc, chủ yếu là giảm thuế, xét lại các án oan sai, tha bớt tù nhân, lập đàn giải oan v.v… Đại xá thiên hạ  là món quà đầu tiên vua thể hiện lòng ân sủng đối với dân.
Nhân dân VN đợi chờ tân Chủ tich nước  có vài việc làm tỏ rõ ân sủng. Trong Thư ngỏ gửi Quyền chủ tich nước  (ngày 28/9/2018) tôi có gợi ý cho bà Thịnh làm một số việc nhân đức như  xét lại các án oan sai, đặc biệt các án tử hình, cải thiện điều kiện giam giữ tù nhân lương tâm v.v…, nhưng những lời đó chỉ như nước đổ đầu vịt. Gần đây có bài “Tôi có 1 giấc mơ“ của Hồ Quang Huy,  trình bày ý tưởng Chủ tịch Trọng đến chia sẻ nỗi oan ức dồn nén của bà con Thủ Thiêm. Đó là giấc mơ giữa ban ngày.
Chưa nghe thấy việc làm hoặc câu nói thể hiện lòng nhân đức gì của Tân chủ tịch thì đã có “món quà đầu tiên” dành cho giới trí thức là bản luận tội TS Chu Hảo. Tuy không ký trực tiếp, nhưng liệu ông Nguyễn Phú Trọng có thể thanh minh rằng không hề biết việc này.  Liệu ông Trọng có dám khẳng định rằng, đó chẳng qua là UB kiểm tra do Trần Cẩm Tú làm loạn, chưa báo cáo xin ý kiến BCT và TBT.
Có thể ông Trọng nghĩ ra hay nghe lời một quân sư quạt mo nào đấy, cho rằng mấy lâu nay bọn trí thức đua nhau phản biện, làm rối loạn kỷ cương của đảng, phải kịp thời ra oai. Phải tìm ra một đứa để trừng trị làm gương. Những người như GS Nguyễn Huệ Chi, TS Nguyễn Quang A, ĐT Nguyễn Đăng Quang,  Cựu CVTT Nguyễn Trung, NV Nguyên Ngọc, GS Tương Lai, NV Bùi Minh Quốc v.v… là đáng trừng phạt nhưng khó tìm chứng cứ thật rõ ràng, một số đã đã bỏ đảng hoặc ngoài đảng. Phải nắm thằng có tóc, không ai nắm kẻ trọc đầu. Không biết người nào chọn TS Chu Hảo làm vật hiến tế và những thành viên UB KT mừng rỡ đến đâu.  Chuyến này có mà chạy đằng trời. Chứng cứ chắc nịch, lời luận tội đanh thép. Báo QĐND vội vàng đăng bài “Giữ gìn phẩm giá, uy tín của người trí thức chân chính” của Thiện Văn, không những lên án nặng nề, miệt thị TS Chu Hảo mà còn răn đe nghiêm khắc bọn trí thức không chịu tuân thủ nghiêm túc lời đảng dạy. Sự lên án Chu Hảo được một số bồi bút hưởng ứng kịp thời, như Nguyễn Tú, UY UB TƯ MTTQVN, Nguyễn Khắc Ngọ, Thiếu tướng.
Nhưng rồi  vốn dĩ có trí tuệ kém và lương tâm đen tối nên các cán bộ cao cấp CS không hiểu, không vận dụng được nguyên lý sau, từ Ba Tư cổ đại: “Trước khi làm việc gì, ngoài cái lợi thấy được cần tìm cho ra những cái hại mà việc đó có thể mang lại”, hoặc lời dạy của Khổng Tử : “ Kiến lợi tư nghĩa” ( thấy cái lợi phải nhĩ đến điều nghĩa). Cái lợi mà UBKT và TBT thấy rõ ở đây, đã làm mờ mắt,  là triệt hạ được những lời phản biện, ngăn chặn được những tư tưởng không có lợi cho sự độc tài toàn trị của ĐCS.
Điều mà TBT và UBKT không ngờ tới là  ”món quà có hại” dành cho họ. Đó là sự phản ứng mạnh mẽ của giới trí thức và đông đảo nhân dân, là sự tuyên bố công khai từ bỏ ĐCS của nhiều người, trong đó có cả TS Chu Hảo. Nhân dân nhận được món quà là  ĐCS tự phơi bày tư tưởng và hành động phản tiến bộ .
Liệu rồi, sau món quà đầu tiên này tân Chủ tịch nước có  mở mắt, thông tai, thiền định để thấy, để nghe, để suy nghĩ  nhằm tìm ra những việc làm nhân đức, thuận Đạo Trời, hợp lòng Dân hay là cố  tìm mưu ma chước quỷ nhằm bảo vệ sự toàn trị của ĐCS và nhóm lợi ích để rồi sẽ hứng chịu nghiệp báo nghiệt ngã.
N.Đ.C.

THƯ NGỎ: HÃY THAY ĐỔI NGƯỜI NHẬN

MẶC LÂM/ Blog VOA 30-10-2018

Ngày 27 tháng 10 năm 2018, sau khi báo chí loan tải việc GS Chu Hảo bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương kỷ luật đảng, một thư ngỏ do các cựu thành viên của IDS ký tên được gửi tới hai nơi: Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam và Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam yêu cầu xem xét lại quyết định này. Bức thư ngỏ không những không gây được sự chú ý nào từ phía người nhận mà làm cho phía người “biết” ngạc nhiên, bất mãn và không ít ngôn từ lên án, chê bai bức thư đã xuất hiện tràn lan trên mạng xã hội.
Thư ngỏ gửi cho các cấp cao nhất của Việt Nam đã trở thành đề tài châm biếm dành cho người gửi bởi không phải từ những năm gần đây mà đã gần hai mươi năm trước hình thức thư ngỏ đã xuất hiện. Ngày 2 tháng 9 năm 2000 tại Hà Nội bức thư ngỏ của 5 nhà bất đồng chính kiến gồm các ông Hoàng Minh Chính, Phạm Quế Dương, Nguyễn Thanh Giang, Hoàng Tiến và Trần Dũng Tiến gửi Quốc hội Việt Nam, đòi dân chủ hóa, tăng cường pháp trị, dẹp bỏ mọi hành vi truy bức đối với TS Hà Sĩ Phu.
Chín năm sau, vụ khai thác bauxite đã dậy lên một phong trào chống đối dữ dội và sự ra đời của trang Bauxite do GS Huệ Chi cùng nhà giáo Phạm Toàn chủ trương và điều hành với mục đích duy nhất là chống lại dự án khai thác bauxite do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký lệnh triển khai. Liên tiếp trong ba lần, thư ngỏ của các trí thức gửi cho Chính phủ, Quốc hội, Bộ Chính trị vạch rõ những tai hại của dự án này và tha thiết yêu cầu chính phủ, Quốc hội, Bộ Chính trị cho ngưng lại. Tuy nhiên, ba lá thư ngỏ không một tiếng vang từ nơi nhận, chúng như bay vào không gian vô tận của sự im lặng rất . . . bình thường!
Ngày 10 tháng 7 năm 2011, một thư ngỏ khác của 71 trí thức với tiêu đề “Bảo vệ và phát triển đất nước trong tình hình hiện nay” cũng được gửi đi tới cơ quan cao nhất là Bộ Chính Trị và nó cùng chung số phận với những bức thư ngỏ trước đó.
Hơn một tháng sau, ngày 21 tháng 8 năm 2011, 36 trí thức hải ngoại cũng gửi thư ngỏ cho Bộ Chính trị kêu gọi chính quyền thúc đẩy cải cách chính trị theo hướng dân chủ hóa để “có đủ sức mạnh bảo vệ và phát triển đất nước” trước mưu đồ lấn chiếm Biển Đông của Trung Quốc. Có lẽ do quá xa lá thư hình như không tới tay Bộ Chính Trị do đó không ai phụ trách việc trả lời.
Rồi đầu năm 2013 nhóm trí thức nhân sĩ gồm 72 người ký tên gửi Quốc hội với bản đề nghị sửa đổi Hiến pháp có tên “Dự thảo mới”. Kiến nghị 72 trở thành lịch sử không phải nó được lắng nghe mà vì tâm huyết của những người ký nó cũng rơi vào u minh. Không một phúc đáp, không một tiếng vang nào từ người nhận.
Rồi thư ngỏ của 127 nhân sĩ trí thức, thư ngỏ của 61 đảng viên trung thành với cách mạng, thư ngỏ yêu cầu ngưng dự án Đặc khu và Luật An ninh mạng, thư ngỏ trả tự do cho Trần Huỳnh Duy Thức. . . và bây giờ là thư ngỏ của nhóm trí thức cựu thành viên của Viện Nghiên cứu Phát triển IDS yêu cầu Ủy Ban Kiểm Tra Trung Ương rút lại biện pháp kỷ luật đối với GS Chu Hảo.
Không ai nghi ngờ sự trong sáng của những người ký vào những lá thư ngỏ đầy hoài bão, nhưng người ta nghi ngờ sự công chính của các nơi được gửi tới. Hai đơn vị Quốc hội và Bộ Chính trị được những bức thư ngỏ công khai hướng tới nhưng hết thư này tới thư khác cả hai nơi không nơi nào có phản ứng dù tích cực hay tiêu cực đối với tâm huyết của những bức thư ngỏ này.
Có điều rất lạ là tính kiên nhẫn phi thường của những vị trí thức, nhân sĩ từng ký tên liên tục vào những bức thư ngỏ ấy. Có thể tâm lý nước chảy đá mòn làm cho họ trì chí trước những hòn đá vô tri, nhưng họ quên một điều sự vô tri ấy không phải do bẩm sinh mà do tính “kiêu ngạo cộng sản” đã làm họ biến tướng để trở thành đá tảng.
Đá chỉ có thể đập chứ không thể đối thoại hay yêu cầu, đặc biệt vô ích hơn khi nghĩ rằng đá có thể đọc những bức thư đầy tâm huyết của những con người yêu nước thương nòi.
Một trong những lý giải về sự kiên nhẫn vô giới hạn của các tác giả thư ngỏ là quý vị ấy còn tin vào tính bản thiện của người nhận thư. Thời gian sẽ làm cho một ý chí, một định kiến hay một chính sách sai lầm có thể điều chỉnh hay thay đổi. Cả tin vào đó cho nên những bức thư ngỏ không dán tem tiếp tục xuất hiện cho tới ngày hôm nay, ngày mà TBT Nguyễn Phú Trọng vừa nhận thêm một chức vụ nữa trong cuộc đời chính trị đầy hào quang của ông.
Hào quang từ khi tuyên thệ Chủ tịch Quốc hội khóa XI vào năm 2006, để 3 năm sau chính ông là người được thư ngỏ của nhân sĩ trí thức gửi Quốc hội yêu cầu ngưng dự án Bauxite Tây nguyên. Ông đã im lặng trong suốt hai nhiệm kỳ làm Chủ tịch Quốc hội với biết bao lần nhận được thư ngỏ tương tự.
Rồi ông lên chức Tổng Bí thư, những nhân sĩ trí thức lại hy vọng lần này có thể ông sẽ thay đổi. Nhưng lạ, ông vẫn là ông tuy có khác đi vị trí cầm quyền. Lại im lặng nhận thư rồi không đọc.
Rồi ông nhận thêm chức Chủ tịch nước. Hai chức vụ trong một con người hẳn làm ông ít nhiều thay đổi, nhưng một lần nữa, các nhân sĩ trí thức của IDS lại lầm. Ông vẫn là ông và thư ngỏ vẫn là thư ngỏ.
Những bức thư ngỏ ấy như được gửi tới một người tình phụ bạc. Khi đã phụ bạc rồi thì con tim trở nên lạnh lùng, khối óc không còn tư duy theo nghĩa thông thường. Người gửi thư cứ hy vọng và phía sau bức thư không niêm ấy là sự dửng dưng tàn nhẫn.
Trả lời phỏng vấn của RFI, TS Nguyễn Quang A, nguyên viện trưởng viện IDS, cho biết lý do thư ngỏ được gửi tới UB Kiểm tra Trung ương như sau:
“Mục tiêu của thư ngỏ không phải là nói với Ủy ban Kiểm tra Trung ương, tuy lá thư này là gởi cho ủy ban đó, mà những người soạn thảo muốn kêu gọi các đảng viên và giới trí thức, những người còn đang làm việc trong các cơ quan Nhà nước, những người có thể nói không khác gì chúng tôi, có khi còn nói mạnh hơn nữa, nhưng bảo họ ký một cái gì đấy, lên tiếng một cách tập thể, thì họ có thể còn ngần ngại”.
Suy cho cùng, các vị học giả trí thức chỉ dùng hình thức thư ngỏ để gián tiếp gửi thông điệp cho những người trách nhiệm cao nhất là Quốc hội hay Bộ Chính trị chứ trong tận cùng suy tư họ không thể không hiểu rằng không bao giờ hai cơ quan này hạ cố trả lời cho những bức thư đậm chất chống đối mặc dù ngôn ngữ khôn khéo và đầy thuyết phục. Nếu khởi động một lần trả lời thư ngỏ thôi, Đảng, Chính phủ và Quốc hội sẽ ê chề khi phát hiện ra rằng khả năng biện luận của mình chỉ là một anh học trò lớp ba trường làng so với những cái đầu đầy kiến thức của những người ký tên vào những bức thư ngỏ ấy.
Lần sau, cũng cùng nội dung ấy nhưng thư ngỏ không gửi cho Quốc hội, Bộ Chính trị hay Chính phủ nữa, mà người nhận là “đồng bào cả nước” thì sự thể sẽ ra sao?
Con đường từ đồng bào tới Quốc hội, Bộ Chính trị chắc chắn là gần hơn so với cách gửi trực tiếp. Đồng bào sẽ lan truyền thông tin và sự lan truyền ấy có hiệu quả gấp ngàn lần so với cách gửi hiện nay. “Đồng bào” sẽ hành xử khác với “Nhân dân” sau khi bị chụp lên đầu đủ thứ mũ, mà chiếc mũ “đồng thuận” nặng nề đã làm vấy bẩn danh từ cao quý này mất rồi.
Xin hãy bắt đầu bằng câu “Thư ngỏ gửi đồng bào cả nước. . .”

HÃY TỪ BỎ ĐẢNG CỘNG SẢN!

PHẠM CHÍ DŨNG /BVN 31/10/2018

image
Bỏ? Hay không bỏ? 
Trong thực tế, chưa có ai từ bỏ đảng mà bị mất sổ lương hưu, vì nếu chính quyền cắt sổ hưu của người bỏ đảng là vi phạm pháp luật. Từ bỏ ‘phản dân hại nước’!
Sau tuyên bố từ bỏ đảng Cộng sản Việt Nam rất mạnh mẽ “Từ nhiều năm qua, tôi nhận thấy Đảng ngày càng xa rời lý tưởng ban đầu của mình, “tự diễn biến” thành một tổ chức chuyên quyền, phản dân hại nước. Tôi không thể còn đứng trong một tổ chức như vậy” của nhà văn Nguyên Ngọc, giáo sư Chu Hảo - đương sự chính đang bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương của đảng đe dọa kỷ luật vì tội ‘suy thoái tư tưởng’ và ‘tự diễn biến’, đã thực sự làm một cuộc cách mạng đối với bản thân ông: “Càng ngày tôi càng nhận thức rõ hơn rằng tổ chức chính trị mà mình tham gia đi ngược lại quyền lợi của dân tộc và xu thế tiến bộ của nhân loại” - tuyên bố từ bỏ đảng Cộng sản của Chu Hảo, ký vào ngày 26/10/2018 và được công bố 3 ngày sau đó.
Rất chia sẻ và xin chúc mừng nhà khoa học Chu Hảo, nhà văn Nguyên Ngọc và những trí thức khác đã xác quyết từ bỏ 'đường về nô lệ' và ‘phản dân hại nước’.
Đến ngày 29/10/2018, đã có ít nhất 11 người tuyên bố bỏ đảng:
1Giáo sư Tiến sĩ Chu Hảo – Tuyên bố bỏ đảng ngày 26-10-2018
2- Nhà giáo Mạc Văn Trang – Tuyên bố bỏ đảng ngày 26-10-2018
3- Nhà văn Nguyên Ngọc – Tuyên bố bỏ đảng ngày 26-10-2018
4- Tiến sĩ Trần Thanh Tuấn – Tuyên bố bỏ đảng ngày 26-10-2018
5- Trung Tá Trần Nam – Tuyên bố bỏ đảng ngày 26-10-2018
6- Kỹ sư Hoàng Tiến Cường – Tuyên bố bỏ đảng ngày 26-10-2018
7- Bạn trẻ Nguyễn Việt Anh – Tuyên bố bỏ đảng ngày 26-10-2018
8- Trung úy quân đội Nguyễn Hữu Hiếu – Tuyên bố bỏ đảng ngày 27-10-2018
9- Nguyên Phó chủ tịch quận Bình Chánh Hà Quang Vinh – Tuyên bố bỏ đảng ngày 27-10-2018
10- Cô giáo Dương Bích Hà – Tuyên bố bỏ đảng ngày 27-10-2018
11- Luật sư Lê Văn Hòa – Tuyên bố bỏ đảng ngày 28-10-2018
Vì sao quá ít đảng viên dám bỏ đảng?
Nếu lấy mốc thời gian từ đầu năm 2013 là lúc bùng nổ phong trào Kiến nghị 72 với khá nhiều nhân sĩ, trí thức xuất thân từ lòng đảng đòi bỏ Điều 4 Hiến pháp để chuyển sang đa đảng, một số ít người dám công khai từ bỏ đảng từ đó đến nay đã chỉ làm nên một bức tranh ly khai phơn phớt. Con số từ bỏ quá ít ỏi so với gần 4 triệu đảng viên đăng ký trên sổ sách của đảng đã phản ánh tâm thế e ngại và e sợ vẫn bao phủ trong tâm não tuyệt đại đa số đảng viên, mặc dù nhiều người còn giữ thẻ đảng thừa nhận đã quá chán ngán chế độ chính trị và hầu như mất hẳn niềm tin vào đảng.
Do bị gò bò bởi kỷ luật đảng và sợ ảnh hưởng đến vị thế chính trị lẫn công việc nên rất hiếm trường hợp đảng viên dám ra đảng trong lúc còn làm việc, mà chỉ đến khi nghỉ hưu mới có một ít người dám “xé rào”. Cho tới nay, đây vẫn là một tâm lý bao phủ lên gần 4 triệu đảng viên.
Nhưng có một thực tế là ngay cả một ít đảng viên hưu trí từ bỏ đảng lại không hẳn xuất phát từ thái độ dứt khoát chia tay ý thức hệ hoặc phản kháng với một đảng tham nhũng, mà do những người này đã có những hoạt động bị đảng quy kết là “đa nguyên”, thậm chí “ủng hộ các thế lực phản động”, nên cấp ủy đảng gây sức ép khai trừ họ. Để tránh bị “hạ nhục”, những đảng viên này đã chủ động tuyên bố ra đảng trước khi bị khai trừ.
Vào cuối năm 2013, có một đợt đồng loạt từ bỏ đảng diễn ra với 3 đảng viên (Lê Hiếu Đằng, Phạm Chí Dũng, Nguyễn Đắc Diên), sau đó là rời rạc từng người. Rất nhiều văn bản chỉ thị và công văn lẻ chỉ đạo lẫn “vận động” của các cấp ủy đảng từ trung ương xuống địa phương đã bó chân những đảng viên chỉ chực chờ thoát khỏi vòng kim cô.
Thậm chí còn xuất hiện một hiện tượng khó tưởng tượng nếu xảy ra cách đây mười năm: bất chấp một quy định của Điều lệ đảng về việc đảng viên sẽ bị khai trừ nếu không đóng đảng phí trong 3 tháng liên tiếp, một số chi bộ địa phương sẵn sàng “tạm ứng” hoặc đóng luôn đảng phí của đảng viên, chỉ với điều kiện là đảng viên không đòi rút tên khỏi danh sách sinh hoạt đảng nơi cư trú.
Cho tới nay, công tác “vận động” vẫn tỏ ra hiệu quả tương đối với một số đảng viên “không biết nên ra hay nên ở”. Cứ thấy đảng viên nào có biểu hiện “dao động tư tưởng” cấp ủy cơ quan hoặc cấp ủy địa phương lại tổ chức một đoàn đại biểu, có thể cả với thành phần “ủy viên” là công an, đến “làm việc” theo phương châm “vừa đấm vừa xoa”. Thể loại răn đe vừa kín đáo vừa lộ liễu luôn theo cách “Ông rút tên thì không sao, nhưng cũng phải biết nghĩ cho tương lai con cái mình chứ!”.
Có những đảng viên chẳng mấy quan tâm đến sổ hưu (vì trong thực tế chẳng có quy định nào tước sổ hưu của những người bỏ đảng, và cũng bởi những đảng viên này đã có cuộc sống đủ sung túc sau thời làm quan), nhưng cứ nghe đến chuyện “con cái chúng ta” là lập tức từ bỏ ngay ý định từ bỏ đảng.
Hiển nhiên, một trong những lý do chính mà nhiều đảng viên không dám công khai, kể cả âm thầm từ bỏ đảng là lo sợ bị chính quyền gây áp lực hoặc trả thù. Khi thấy kết quả thuyết phục và “giáo dục tư tưởng” không ăn thua, cấp ủy đảng và cơ quan chính quyền liền gây áp lực bằng cách đe dọa cắt bớt chế độ hưu trí, gây khó khăn về bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế, chế độ hộ khẩu… Nhưng thường nhất là chính quyền và công an gây khó khăn đối với người thân của người bỏ đảng, đặc biệt về công ăn việc làm. Đó là nguyên do chủ yếu để những người muốn bỏ đảng phải chấp nhận bỏ đảng trong âm thầm, bị khai trừ hoặc chưa dám ra đảng.
Thoái đảng và bỏ đảng có bị mất sổ lương hưu?
Trong khi quá ít đảng viên dám bỏ đảng, tình trạng thoái đảng lại diễn ra rất phổ biến ở Việt Nam.
Phần lớn những người thoái đảng thuộc về lớp cán bộ, công chức hưu trí. Họ âm thầm không nộp hồ sơ đảng từ nơi làm việc trước đó về nơi cư trú, và nếu sau một thời gian mà không thấy “nhắc nhở”, thì coi như không sinh hoạt đảng và cũng xem như đã “ra đảng”. Cũng có những đảng viên thoái đảng theo những cách khác như cố ý không sinh hoạt đảng dù có tên trong chi bộ địa phương, cố ý không đóng đảng phí, cố ý gây ra mâu thuẫn nội bộ để chi bộ bắt buộc phải khai trừ mình. Một số đảng viên khác, vì nguyện vọng đi định cư ở nước ngài cùng gia đình, đã đương nhiên đề nghị đảng xóa tên mình…
Năm 2013, một con số thống kê chính thức của một cơ quan đảng đã cho thấy có đến 40% đảng viên nằm trong những dạng thoái đảng khác nhau tại các địa phương. Cho tới nay, hẳn tỷ lệ này còn phải cao hơn – có thể lên đến 50 - 60%, trong bối cảnh chính trị và xã hội nhiễu nhương hơn nhiều trước đây và còn chưa tới đáy.
Nếu như những năm trước, có những người muốn bỏ đảng nhưng vẫn lo sợ bị chính quyền cắt sổ hưu hoặc bị sách nhiễu bản thân và thân nhân, thì với một số trường hợp bỏ đảng từ năm 2013 đến nay, đặc biệt gần đây như ông Võ Văn Thôn – cựu giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM, ông Lê Văn Hòa – cựu chuyên viên Ban Nội chính Trung ương, Giáo sư Nguyễn Đình Cống, nhà báo Tống Văn Công - nguyên Tổng Biên tập báo Lao Động… cho thấy áp lực và thủ đoạn gây khó khăn của chính quyền và công an đối với họ và những người thân giảm hẳn. Thậm chí đã xuất hiện một số trường hợp cán bộ hưu trí, xuất thân từ lực lượng vũ trang như quân đội và công an, cũng muốn công khai bỏ đảng.
Trong thực tế, chưa có ai từ bỏ đảng mà bị mất sổ lương hưu, vì nếu chính quyền cắt sổ hưu của người bỏ đảng là vi phạm pháp luật.
Hãy từ bỏ Đảng Cộng sản!
Tất cả những gì mà Đảng Cộng sản thể hiện vai trò “lãnh đạo toàn diện” trong nhiều qua đã khiến cho rất nhiều đảng viên đi từ thất vọng đến tuyệt vọng về lý trí lẫn tình cảm.
Kết quả của cơ chế “lãnh đạo toàn diện” của Đảng Cộng sản, mà thực chất là tư tưởng một đảng độc trị và độc tài, chính là nguồn cơn sâu xa và nguồn dẫn trực tiếp khiến cho xã hội Việt Nam rơi vào tình trạng không thể khác hơn là thảm cảnh như ngày hôm nay.
Chưa bao giờ tham nhũng lại trở thành một quốc nạn ngập ngụa từ cấp trung ương đến tận cơ sở, từ trắng trợn đến vô liêm sỉ và dã man đến thế. Chưa bao giờ các nhóm lợi ích kinh tế và nhóm thân hữu chính trị, cũng như sự cấu kết giữa hai nhóm này lại biện chứng và sâu đậm đến mức bất chấp dân tình đến như vậy. Cũng chưa bao giờ hố phân hóa giàu nghèo trong xã hội Việt Nam lại thê thiết và tàn nhẫn như hiện thời.
Những độc đoán về chính trị đã tất yếu dẫn đến hậu quả nạn độc quyền, đặc quyền và đặc lợi, trục lợi. Hậu quả ấy đã đẩy nền kinh tế vào thế vong tồn và cạn kiệt hầu hết các nguồn tài nguyên của đất nước. Cuộc trục lợi khổng lồ không thương xót đó đã, đang và sẽ dồn ép hậu quả khủng khiếp của nó lên đầu hơn 90 triệu người dân Việt và toàn bộ lực lượng vũ trang.
Chính vào lúc này, nền kinh tế Việt Nam đang đặt một chân vào vực thẳm khủng hoảng, và chỉ cần thêm ít năm nữa thôi, cơn ung hoại sẽ lan ra toàn thân để không thể một liều thuốc đặc trị nào còn tác dụng.
Ung hoại kinh tế lại đang phá nát cơ thể đạo đức xã hội. Xã hội suy đồi toàn diện. Chưa bao giờ đạo lý và văn hóa người Việt, dân tộc Việt lại trở nên thảm thương và bĩ cực như giờ đây. Tình người và mối dây ràng buộc lỏng lẻo còn lại giữa con người với nhau luôn và sẽ phải đối mặt với nguy cơ cắn xé lẫn nhau.
Ai và cơ chế nào đã gây ra thảm cảnh không thể cứu vãn như thế? Trong tâm trạng tuyệt vọng, nhiều đảng viên đã phải nhận chân rằng điều được xem là sự “lãnh đạo toàn diện” của đảng Cộng sản đã thất bại, thất bại một cách cố ý và quá cay đắng. Không những không hướng đến tinh thần công bằng và bác ái, làm tròn nghĩa vụ một nhà nước “của dân, do dân và vì dân”, đảng Cộng sản hiện thời chỉ còn là cái mà nhà văn Nguyên Ngọc đã xác quyết mạnh mẽ chưa từng có: phản dân hại nước.
Đến lúc này, lời thề trung thành với đảng Cộng sản của rất nhiều đảng viên đã bị thực tế đau đớn thẳng thừng phủ nhận. Một khi đảng đã không còn đại diện cho quyền lợi của đại đa số người dân, vì sao những đảng viên còn lương tâm phải tiếp tục trung thành với nó?
Lời thề đó đương nhiên bị xóa bỏ.
Nhưng những người xác quyết xóa bỏ lời thề trung thành với đảng Cộng sản chẳng có gì phải áy náy, bởi lương tâm họ đã chọn Nhân Dân, và khi đã từ bỏ đảng, họ vẫn sống và đấu tranh theo đúng lời thề lương tâm của mình: vì Nhân Dân.
Đất nước này, xã hội này đang tràn ngập những chỉ dấu bất ổn và chuẩn bị biến động như thời chỉ vài ba năm trước khi Liên Xô sụp đổ vào năm 1990. Khi đó, đảng Cộng sản Liên Xô còn đến 20 triệu đảng viên và cả 5 triệu quân nhân lẫn 3 triệu công an, nhưng tất cả đều bất động trước một biến đổi mang tính quy luật của lịch sử. Việt Nam cũng đang và sẽ như vậy chỉ trong ít năm nữa, bất chấp số đảng viên được xem là “trung thành” còn tới gần 4 triệu người. Và cũng chỉ trong ít năm nữa thôi, sẽ có nhiều hơn hẳn đảng viên không vì phải chịu sức ép khai trừ mà sẽ hoàn toàn chủ động chia tay với đảng, chia tay với một chính đảng phi nhân bản để kiếm tìm một bến bờ mới hứa hẹn nhân văn hơn rất nhiều.
P.C.D. Tác giả gửi BVN

ĐỪNG LÊN TIẾNG VỚI TƯ CÁCH ĐẢNG VIÊN CS CẤP DƯỚI NỮA, HÃY LÊN TIẾNG VỚI TƯ CÁCH LÀ NGƯỜI CHỦ ĐẤT NƯỚC

TRUNG NGUYỄN/ TD/ BVN 31-10-2018

Kết luận kỷ luật của những kẻ lưu manh
Lá thư của giáo sư Chu Hảo gửi Đảng bộ Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, một lần nữa cho thấy rõ hơn cách hành xử độc đoán của giới lãnh đạo cộng sản Việt Nam. Quan trọng hơn, sự việc nhà cầm quyền không dám đối thoại thẳng thắn với giáo sư Chu Hảo mà lại đi công bố kết luận kỷ luật, cho thấy những kẻ cầm quyền tự biết họ không có một chút gì gọi là chính nghĩa, và bản thân họ cũng không hề biết liêm sỉ là gì.
Tuy nhiên, đây là thời đại internet, thời đại của mạng xã hội, thời đại đã được mở ra cho đất nước Việt Nam bởi những người tiên phong như giáo sư Chu Hảo. Những kẻ cầm quyền vẫn tưởng họ đang ở thời đại trước đây, thời đại của “Đèn Cù” (hồi ký của nhà văn Trần Đĩnh), khi mà giới lãnh đạo cộng sản có thể tha hồ làm những điều tàn ác, xảo trá mà không sợ bị phát hiện, không sợ bị trừng phạt như Cải cách ruộng đất, Nhân văn giai phẩm, tiến hành cuộc nội chiến tương tàn,…
Hiệu ứng ngược ngoài mong đợi của những kẻ cầm quyền
Hành động kỷ luật giáo sư Chu Hảo một cách đê hèn đã gây hiệu ứng ngược. Trên mạng xã hội đã có thông tin hàng loạt các nhân sĩ trí thức, đảng viên lão thành, cán bộ công chức, thậm chí cả những người trong lực lượng vũ trang cũng tuyên bố từ bỏ đảng cộng sản.
Thực ra, trước đây đã có rất nhiều người thân, bạn bè của tôi đã bỏ đảng cộng sản. Tuy nhiên, họ bỏ đảng một cách âm thầm chứ không đưa tin lên mạng xã hội. Bây giờ họ lại mong có cái thẻ đảng cộng sản lần nữa để có thể đưa hình ảnh hủy thẻ đảng lên mạng xã hội, nhằm bày tỏ sự ủng hộ với giáo sư Chu Hảo.
Điều trớ trêu là nhiều người thân của tôi vẫn được các chi bộ đảng cộng sản nơi họ sinh hoạt chèo kéo, năn nỉ đừng bỏ đảng vì họ sợ … mất chỉ tiêu. Có người không thèm đi sinh hoạt đảng nữa, không đóng đảng phí nữa nhưng chi bộ vẫn giữ tên vì sợ cấp ủy cấp trên khiển trách.
Có lẽ chưa bao giờ hình ảnh của đảng cộng sản lại hiện ra đầy bệ rạc, thiếu sức sống đến như vậy. Đảng cộng sản bây giờ chỉ là tập hợp của những người cơ hội, mưu cầu quyền lợi, chứ không còn là tập hợp của những con người đầy nhiệt huyết cho dân tộc như thời giáo sư Chu Hảo vào đảng nữa.
Những kẻ cầm quyền cứ tưởng họ sẽ đe dọa được những đảng viên khác có tư tưởng giống giáo sư Chu Hảo, nhưng cuối cùng họ chỉ càng làm tăng thêm sự bất mãn của đảng viên. Cũng như họ tưởng những bản án nặng nề chụp xuống đầu những người đấu tranh dân chủ, thì sẽ khiến dân sợ, nhưng cuối cùng lại xuất hiện ngày càng nhiều người tranh đấu cho dân chủ.
Ảo tưởng đã tan
Cũng có những người thân của tôi vẫn còn nán lại trong đảng cộng sản với hy vọng như giáo sư Chu Hảo trước đây là sẽ tận dụng lợi thế đảng viên để góp ý cho giới lãnh đạo, nhằm đưa đất nước tới con đường dân chủ, thịnh vượng. Tuy thế, qua sự việc giới cầm quyền kỷ luật giáo sư Chu Hảo một cách đê hèn, những hi vọng mong manh đó có lẽ cũng đã tắt ngấm. Tấm lòng, danh tiếng, tâm huyết của giáo sư Chu Hảo cả nước đều biết mà ông còn bị đảng cầm quyền đối xử như vậy, thì những người khác chắc chắn sẽ còn phải chịu một kết cục đáng buồn hơn nhiều.
Do đó, tôi tin là những người thân của tôi đang còn trong đảng cộng sản, cũng như những người nổi tiếng như các nhân sĩ trí thức trong câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng, sẽ dứt khoát tuyên bố công khai từ bỏ đảng cộng sản, cũng là từ bỏ ảo tưởng rằng, những lời đóng góp chân thành với tư cách đảng viên cộng sản sẽ được giới lãnh đạo lắng nghe.
Vẫn phải tiếp tục lên tiếng một cách ôn hòa vì tiến bộ xã hội
Điều đó không có nghĩa là phong trào dân chủ đã bỏ hướng ôn hòa mà chuyển sang bạo động. Điều đó đơn giản chỉ có nghĩa là các vị sẽ không tiếp tục góp ý cho đảng cộng sản với tư cách đảng viên cấp dưới nữa. Từ nay trở đi, các vị sẽ phê bình giới lãnh đạo, vận động nhân dân với tư cách là những công dân Việt Nam tự do, là những người chủ đất nước. Càng đông những công dân lên tiếng vì dân chủ, vì sự phát triển bền vững thì càng tăng sức ép để buộc nhà cầm quyền phải thay đổi.
Thật ra, trong sâu kín tâm tư của các vị đảng viên lão thành đã chán ghét đảng cộng sản, có một “bộ phận không nhỏ” còn dính dáng ít nhiều quyền lợi đến đảng cộng sản mà lực lượng an ninh có thể lợi dụng được để khống chế các cụ. Đó là lương hưu, là vị trí, bổng lộc của con cháu mình đang ở trong hệ thống cầm quyền. Tuy nhiên, mỗi người phải có quyết định riêng của mình và chịu trách nhiệm về hành động của mình. Nếu một sự hy sinh nhỏ nhoi là chấm dứt sinh hoạt đảng các vị còn làm không được, thì làm sao có thể là tấm gương, là niềm cảm hứng cho bao người dân khác, nhất là cho tầng lớp thanh niên, sinh viên?
Từ bỏ sinh hoạt đảng không có nghĩa là chống đối đảng cộng sản, nó chỉ đơn giản là các vị không đồng ý với phương thức sinh hoạt và cương lĩnh của đảng cộng sản nữa. Đó là hành động tối thiểu mà các đảng viên cộng sản có thể làm để bày tỏ thái độ chính trị của mình.
Hãy vận động, thức tỉnh ngay từ những người xung quanh
Tất nhiên, những lời đóng góp đầy chân thành của các đảng viên cộng sản còn không được lắng nghe thì những lời góp ý, phê bình của người dân càng chẳng có tác dụng gì với giới lãnh đạo cộng sản. Hãy nhìn những lời kêu khóc oan khốc của những người dân oan mất đất đi khiếu kiện hàng chục năm qua, điển hình như vụ Thủ Thiêm, đảng và nhà nước không hề lắng nghe.
Thế nhưng, chúng ta vẫn luôn phải lên tiếng, không phải để cho giới lãnh đạo nghe mà là để ngày càng có thêm nhiều người dân xung quanh chúng ta, nhiều đảng viên cộng sản, nhiều cán bộ công chức, nhiều công an – bộ đội thức tỉnh và yêu dân chủ, ghét độc tài. Cứ có thêm một người thức tỉnh là chế độ độc đảng hủ bại lại tiến gần đến ngày sụp đổ hơn nữa.
T.N. Nguồn: https://baotiengdan.com/2018/10/30/dung-len-tieng-voi-tu-cach-dang-vien-cs-cap-duoi-nua-hay-len-tieng-voi-tu-cach-la-nhung-nguoi-chu-dat-nuoc/

Thứ Ba, 30 tháng 10, 2018

20181030. TUYÊN BỐ TỪ BỎ ĐẢNG CSVN CỦA ÔNG CHU HẢO

ĐIỂM BÁO MẠNG
 TUYÊN BỐ TỪ BỎ ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM

CHU HẢO/BVN 29-10-2018

clip_image002

clip_image004

clip_image006

Lời cảm ơn của anh Chu Hảo
Thưa anh Mạc Văn Trang và anh Nguyên Ngọc,
Thưa các anh chị và các bạn trong và ngoài nước,
Và các thành viên gia đình yêu quý.
Bằng việc công bố tư liệu này, từ đáy lòng mình, tôi xin chân thành cám ơn mọi người đã cảm thông, khích lệ và ủng hộ tôi trong mấy ngày qua. Tình cảm trân quý mà mọi người dành cho tôi là phần thưởng vô giá động viên tôi vững bước trên con đường mà mình đã chọn, dù năm tháng cuộc đời không còn mấy nữa.
Với tất cả tấm lòng trìu mến!
Chu Hảo

CÓ THỂ DIỆT CHU HẢO, NHƯNG ĐỐI THOẠI THÌ KHÔNG

BÙI QUANG VƠM/ BVN 30-10-2018

Ngày 25/10/2018, chỉ hai ngày sau khi tuyên thệ kiêm luôn chức Chủ tịch nước và chỉ 10 ngày trước chuyến thăm chính thức của Édouard Philippe, Thủ tướng Pháp, ngày từ 02- 04/11, Ban kiểm tra Trung ương ra thông báo kỷ luật Giáo sư Chu Hảo.
Nếu để ý rằng, GS Chu Hảo, tác giả của sáng kiến «Đã đến lúc cần phải đối thoại» từ giữa năm 2016, và ông đương là chủ tịch Hội hữu nghị Việt Pháp, thì thấy cú đánh này là «một đòn chết hai».
Tháng 8 năm 2016, Ông Chu Hảo viết: «Đã đến lúc cần phải đối thoại» sau cái vụ Bí thư tỉnh uỷ Yên Bái và Trưởng ban tổ chức cán bộ tỉnh Yên Bái cùng bị bắn chết một ngày, bởi ông Đỗ Cường Minh, Chi cục trưởng Cục Kiểm lâm tỉnh.
Ông Chu Hảo viết: «Tiếng súng ở Yên Bái không phải chỉ phơi bày tình trạng tha hóa tột độ trong nội bộ đảng cầm quyền, mà còn chứng tỏ mức độ bất ổn chính trị - xã hội ở nước ta đã đến hồi nguy hiểm»...«Nguyên nhân gốc rễ của mọi ý kiến bất đồng, mọi bức xúc và phẫn uất đều nằm trong những điều bất cập, phản khoa học, phản tiến bộ, phản dân chủ của Cương lĩnh Đảng CSVN và Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam».
Giáo sư Chu Hảo cùng Tiến sĩ Nguyễn Quang A là hai trong những sáng lập viên của Viện IDS (Viện nghiên cứu phát triển), Thứ trưởng Bộ Khoa học & Công nghệ, Giám đốc Nhà xuất bản Tri Thức, Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Pháp, tác giả của sáng kiến «đối thoại ôn hoà».
Chỉ sau hai ngày nắm toàn quyền sinh sát, ông Trọng chỉ thị Ban Kiểm tra TƯ kỷ luật ông Hảo. Việc làm vội vã này cho thấy ông Trọng có ý định từ lâu. Nỗi hận trí tuệ bị giới trí thức Hà Nội đặt tên Trọng Lú, vốn hành hạ ông Trọng từ hàng chục năm, bây giờ, không còn ai cản đường.
Khi đã nắm toàn bộ quyền trong tay, «Một tay Đảng cương, một tay Pháp quốc», như lời «nịnh thối» của ông Nhị Lê, Phó tổng biên tập báo Nhân dân, ông Trọng có lẽ bắt đầu chiến dịch trả hận?
Người ta nói ông Nhị Lê vô duyên «nịnh thối» vì ông này làm người ta hình dung ông Trọng «tay dao tay thớt» tiêu diệt dân chủ, chém giết tự do như một tên đao phủ.
Đây là sự trả thù thường thấy của kẻ vừa leo lên tột đỉnh quyền lực.
Tần Thuỷ Hoàng ngày trước đốt sách, giết nhà nho chỉ vì «bọn hủ nho mượn những điều trong sách để bàn luận việc vua. Luật Vua ban xuống thì lấy cái học riêng của mình để bàn tán, dè bỉu, phỉ báng, làm khác người để tỏ cái trí của mình hơn vua».
Trước ngày tuyên thệ, luật nằm trong tay nhà nước. Đảng lãnh đạo, nhưng Nhà nước quản lý. Đảng không nhúng trực tiếp được, bây giờ ông Trọng làm cả hai, vừa lãnh đạo vừa quản lý, muốn làm gì thì làm liền cái ấy, nghĩ ra cái gì ở trong đầu là làm, chẳng ai làm gì được, mà lại không trái luật.
Cho nên, dù chính ông Trọng nói với cử tri Hà Nội: «không phải nhất thể mà cũng không phải kiêm nhiệm», chỉ là việc tình huống, nhưng từ nay, khi trong nội bộ đảng không còn đối thủ, thì ngoài xã hội làm sao có thể để hình thành «đối trọng đủ mạnh» để đối thoại ôn hoà như sáng kiến của ông Chu Hảo. Ông Chu Hảo phải bị loại, bị diệt như một kẻ đầu têu trong những kẻ «diễn biến, suy thoái».
Cùng với ông Chu Hảo, đối thoại với đảng cộng sản phải chết. Đó là một cú đánh.
Có thể thấy rằng ông Trọng lú lẫn rất trầm trọng về lý thuyết tiến hoá, về biện chứng các hình thái thể chế, lú lẫn về thị trường định hướng, nhưng lại có một trí nhớ tuyệt vời các mối hận thù. Nhiều người đã bị lừa bởi cái bề ngoài có phần nhà quê, rất «giáo làng» của ông Trọng, mà không biết rằng ông Trọng là người nhớ dai và thù lâu.
Không còn ai nghi ngờ gì về chuyện ông Nguyễn Tấn Dũng đã phải trả giá như thế nào khi «chơi» ông tới mức phải bật khóc trong hội nghị trung ương 6 khoá XI, năm 2012. Đó là mối hận phải trả. Ông Dũng bật khỏi Bộ chính trị, mất chức Thủ tướng.
Cuối tháng 3 vừa rồi, nước Pháp đã làm nhục ông khi làm thủ tục đón ông tại Trung tâm chữa trị và phục hồi chức năng cho binh lính chiến tranh từ thời Napoléon. Chính phủ không một người đón, báo chí lớn không lời bình luận, khiến ông phải bỏ tiền ca ngợi «tình hữu nghị Pháp Việt» trên một trang quảng cáo.
Hãy chờ xem ông Trọng trả món nợ này như thế nào với Thủ tướng Pháp. Hãy cứ tin rằng, với bản tính tiểu nông, với ông Trọng, sẽ không có gì lớn hơn mối hận và tự ái cá nhân.
Bây giờ, ông không chỉ đơn thuần là Đảng trưởng Đảng Cộng sản, ông đã là nguyên thủ quốc gia.
Trước hết, ông Chủ tịch Hội hữu nghị Pháp Việt Chu Hảo phải bị bãi miễn, vì rất có thể ông Chủ tịch này được gặp và hội kiến trực tiếp Thủ tướng Pháp, hình ảnh độc đảng chuyên chế của ông sẽ được ông Chủ tịch Chu Hảo vẽ ra như thế nào trước mắt một quốc gia thuộc nền dân chủ đa đảng đặc trưng nhất thế giới hiện nay.
Đó là một lý do, nhưng còn một lý do khác, là một kẻ thù của ông Trọng thì không thể được phép hưởng vinh hạnh đó.
Ông Trọng đã từng lập ra một Chính phủ tại phiên họp cuối cùng của Quốc hội XIII chỉ để tước quyền tiếp Tổng thống Mỹ Obama trong tư cách nguyên thủ của ông Nguyễn Tấn Dũng hồi tháng 2/2016. Quốc hội khi đó chỉ còn hai tháng để kết thúc nhiệm kỳ. Cái Nhà nước ấy, gồm từ Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước và Thủ tướng Chính phủ chỉ tồn tại ba tháng. Tiền của dân là rác. Hiến pháp là giấy.
Còn gì nữa, ông Thủ tướng Pháp sẽ được đón như thế nào? Liệu có thể có một sự cố đáng tiếc nào xảy ra không?
Người ta không quên chuyện Tàu cộng không đưa cầu thang xuống máy bay cho Tổng thống Obama, quên rải thảm lối đi, bà cố vấn Suzan Rice can thiệp thì bị nhân viên bảo vệ gạt cho suýt ngã.
Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Mike Pompeo vừa đến Bắc Kinh, Chủ tịch Tập không tiếp, Quốc vụ khanh Dương Khiết Trì tránh mặt, Vương Nghị làm việc xuyên trưa nhưng không mời ăn trưa.
Đó là những tiểu xảo thấp hèn của thứ văn hoá ngoại giao trung cổ.
Nhưng nếu báo tử đối thoại, thì đích đến của kỷ luật không chỉ dừng lại ở ông Chu Hảo. Ông Chu Hảo viết bài «đã đến lúc cần đối thoại» vào tháng 8/2016, thì tháng10/2016 , thường trực Ban bí thư Đinh Thế Huynh có một chuyến đi Mỹ suốt 8 ngày, từ 22 tới 30/10/2016, một chuyến đi Mỹ dài ngày chưa từng có trước đó, trong tư cách nhân vật số hai có triển vọng thay chân ông Trọng vào giữa nhiệm kỳ. Ông Huynh không gặp Tổng thống, vì Obama mới có chuyến thăm Việt Nam vài tháng trước đó, nhưng ông làm việc với John Kerry, Bộ trưởng Ngoại giao, ông làm việc với cả Quốc hội lẫn Thượng viện, gặp lãnh đạo cả hai đảng Dân chủ và Cộng hoà, gặp riêng Bộ trưởng Quốc phòng, gặp riêng Cố vấn an ninh, nhưng không một nội dung nào được báo chí chính thống cả của Việt Nam và Mỹ tiết lộ. Không rõ để làm gì.
Sau đó, vào 18/05/2017, ông Võ Văn Thưởng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương tuyên bố: “Chúng ta không sợ đối thoại, không sợ tranh luận, bởi vì sự phát triển của mỗi lý luận và của học thuyết cách mạng nào rồi cũng phải dựa trên sự cọ xát và tranh luận”.
Quốc hội suốt hai năm không hề có nội dung miễn nhiệm chức vụ đại biểu của ông Huynh. ngành tuyên giáo đang chờ Ban bí thư thông qua một văn bản hướng dẫn về việc trao đổi và đối thoại với những người có quan điểm khác với Đảng Cộng sản”.
Nhưng sau đó vài tuần, Ông Đinh Thế Huynh biến mất. Hội nghị trung ương 5 khoá XII được đánh dấu là trung ương cuối cùng có mặt của ông Đinh Thế Huynh. Ông không dự hội nghị trung ương 6 vào tháng 10 và biệt tăm từ đấy, cho đến tận tháng 8 năm sau, thì Bộ chính trị mới chính thức thông báo ông nghỉ chữa bệnh dài hạn và vị trí Thường trực Ban bí thư của ông được giao lại cho ông Trần Quốc Vượng.
Cho đến bây giờ, khi cả chức Chủ tịch nước cũng đã lọt vào tay ông Trọng, ông Đinh Thế Huynh vẫn chưa được công bố bệnh gì, tình trạng ra sao, có triển vọng khoẻ lên không, trong khi đó, dù đã hai năm không làm nhiệm vụ gì, hai năm không dự họp Quốc hội, vẫn không một ai nói tới chuyện ông có còn là Uỷ viên Bộ chính trị không, còn là đại biểu Quốc hội không. Báo chí chính thống vẫn chỉ nói Bộ chính trị khuyết hai chỗ, một của ông Đinh La Thăng, một của ông Trần Đại Quang.
Người ta bàn tán rằng, ông Đinh Thế Huynh là phương án thứ hai, phương án đối thoại, và ông Huynh cùng phe với ông Trần đại Quang, người được cho là đã có những thoả thuận tối mật với Tổng thống Mỹ vào tháng 5 năm 2015. Phương án ông Huynh sẽ biến kiến nghị của ông Chu Hảo thành thực tiễn. Đảng cộng sản kêu gọi đối thoại vơí các ý kiến đối lập, mở đường cho việc thay đổi Hiến pháp thừa nhận đa đảng chính trị. Bởi vì, như lời ông Thưởng thì chính ông Huynh là tác giả của bản «hướng dẫn đối thoại giữa đảng và các ý kiến khác đảng», cũng chính là lý do ông khiến ông «bị» vắng mặt từ trung ương 6, rồi đi chữa bệnh đến bây giờ chưa về.
Việc ông chưa «đi», nhưng chưa khỏi bệnh cho thấy thế giằng co giữa Trọng và Huynh, giữa độc đảng và đa nguyên, giữa Tàu và Mỹ. Vì vậy, suốt trong thời gian dài, người ta vẫn chờ đợi tín hiệu «đối thoại», và sự khoẻ lại của ông Huynh.
Từ việc kỷ luật ông Chu Hảo, có thể thấy rằng ông Trọng đã chính thức ra tay với phái «ủng hộ cải tổ triệt để».Trong tình huống căng thẳng Trung - Mỹ đe doạ sự sụp đổ khó tránh của Trung Cộng sắp tới, nếu không đề phòng tới mức cần phải có, tình hình sức khoẻ của ông Huynh sẽ có đột biến xấu đi rất nhanh.
Cả hai nhân vật ký tên trong bản Hiệp định hữu nghị Trung - Việt năm 1990, cái Hiệp định sinh ra 16 chữ vàng, một thứ Hiệp ước Liên minh chính trị, vòng kim cô trói Đảng Cộng sản Việt Nam vào với Đảng Cộng sản Trung Quốc là ông Đỗ Mười và ông Phạm Văn Đồng thì cả hai ông cùng đã chết.
Ông Đỗ Mười đáng lẽ không được chết, nhưng vì ông cũng đã già, hơn trăm tuổi rồi, thuốc tiên cũng không cải lão hoàn đồng được.
Hai cái tên ký trong bản Hiệp định đã chết, lẽ đương nhiên, nhiều người mừng thầm sẽ có cớ để bãi bỏ Hiệp định, hoặc ít nhất thì khi những gì đảm bảo cho Hiệp định đã không còn, cái «thần» của Hiệp định cũng sẽ mờ nhạt đi, không còn là vàng nữa.
Thế mà không phải vậy. Vẫn còn một người không được phép chết nữa là ông Lê Đức Anh. Chính ông này mới là tác giả đích thực của bản Hiệp định 1990. Bệnh đầy người, mắt trái hỏng hẳn, hai lần tai biến máu não, nhưng cũng gần trăm tuổi mà vẫn «thọ» như thường!
Có lẽ thiên triều đúng là con giời, bắt ai chết lập tức chết, nhưng cần ai sống thì cũng không được chết. Ông Mười và ông Anh «thọ» khác thường, trong khi ông Nguyễn Bá Thanh, ông Trần Đại Quang chỉ trên dưới một năm. Ông Lê Đức Anh có «đi» thì vận nước mới đổi?!
Cùng với quyết định kỷ luật chắc chắn khai trừ đảng và cách mọi chức vụ từng có và đang có của ông Chu Hảo, ông Trọng tuyên chiến với toàn bộ giới trí thức tinh hoa của người Việt hiện nay cả trong và ngoài nước. Ông ta đang một lần nữa lặp lại triết lý của Mao Trạch Đông: «trí thức là cục phân». Có thể không sai, những trí thức «bút nô» như kiểu Nhị Lê, Vũ Mão chẳng hạn, có khác gì phân?
Nhưng không còn đối thoại ôn hoà, không có nghĩa là chuyên chế độc tài sẽ thắng.
Trung Quốc cùng với chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Hoa đã trở thành kẻ thù số một của Hợp chúng quốc Hoa Kỳ. Trong cuộc chiến tổng lực và toàn diện đang được tổng thống Trump tiến hành, Trung Quốc nói riêng và chế độ XHCN nói chung, thứ chế độ mà trong bài diễn văn tại Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc ngày 25/9/2018, ông Trump đã dõng dạc tuyên bố: «nơi nào nó được thực nghiệm, nơi đó chỉ có chuyên chế và tham nhũng, chỉ có đói khổ và khốn nạn», nó phải bị loại bỏ và sự sụp đổ của nó là không thể tránh khỏi. Chế độ chuyên chế của cộng sản Việt Nam nếu không tìm đường thoát, sẽ cùng chết với Bắc Kinh.
Tiêu diệt đối thoại, ông Trọng tự bộc lộ khát vọng độc tài, trung thành mù quáng với Bắc Kinh, chống lại dòng chảy ngầm trong nội bộ đảng cộng sản, sớm hay muộn tất yếu bị đào thải bởi chính những đồng chí của ông ta.
B.Q.V.
Tác giả gửi BVN


TS CHU HẢO TUYÊN BỐ TỪ BỎ ĐẢNG CSVN: UBKLTW LÀM SAO KỶ LUẬT ĐƯỢC ĐÂY ?

LÊ KIÊN/ BVN 30-10-2018

Tiến sĩ Chu Hảo đã ra tuyên bố từ bỏ Đảng CSVN. Trong Tuyên bố, ông bày tỏ bằng 2 luận điểm quan trọng, một là ông nhận thấy tổ chức chính trị mà ông tham gia 'không có tính chính danh, hoạt động không chính đáng, có nhiều khuất tất, ngày càng thoái hóa, đi ngược lại quyền lợi của dân tộc và xu thế tiến bộ của nhân loại'. Thứ hai, ông khẳng định, thông báo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương (UBKTTW) được công bố một cách ‘thiếu dân chủ, đi ngược lại hoàn toàn ý kiến của các đảng viên và các cấp ủy đảng của Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (LHHVN) sau bốn lần thanh kiểm tra’. Và điều này cũng được hiểu là ‘không một lời giải trình nào từ ông, không một ý kiến hay kiến nghị của Đảng đoàn, Đảng ủy, Chi bộ được chấp nhận.’.

https://2.bp.blogspot.com/-Zut4EG5rztk/W9Z4T_oDLLI/AAAAAAAACY0/fiYnYVuixXsN01R5jeEzHVoesout6Rd2gCLcBGAs/s640/F61AB4F2-7F84-4B29-9276-F342ECB50A39_cx0_cy1_cw0_w1023_r1_s.jpg
TS. Chu Hảo
Tuyên bố được gửi đi trong ngày 26.10.2018, nhưng phải đến sáng ngày 29.10, mới xuất hiện trên mạng xã hội và lan truyền rộng rãi.
Như vậy, ông Chu Hảo - người có 45 tuổi đảng, người từng cống hiến nhiều cho ĐCSVN đã rời khỏi đảng trước khi bị kỷ luật, như một hình thức phản kháng đầy chính trực trước quyết định thiếu dân chủ nêu trên, cũng như bản thân ông nhận thấy tổ chức ông phục vụ khi xưa nay đã 'suy thoái'. Quyết định của ông có phần đi ngược lại tinh thần của thư ngỏ đòi UBKTTW rút lại quyết định kỷ luật đối với ông của các thành viên Viện Nghiên cứu Phát triển (IDS) vào ngày 27.10, một bức thư ngỏ bị đánh giá là có phần 'cải lương'.
Tuyên bố của ông Chu Hảo cũng cho thấy một vấn đề, là nguyên tắc dân chủ cơ sở trong kỷ luật một đảng viên cũng bị xóa bỏ khi mà trung ương quyết tâm kỷ luật một cá nhân nào đó.

https://4.bp.blogspot.com/-yF-65kUdQmE/W9Z5CM2gdkI/AAAAAAAACZA/8_wPYxctYygqYjYATXemAjY1VHJMwnwRwCLcBGAs/s640/45040661_1991592150898567_5929411903582371840_o.jpg


https://4.bp.blogspot.com/-Q7NepcH7c74/W9Z5CHzudHI/AAAAAAAACY8/NPXmBLTHhr0ndSNk-hcaNy9RBZgwdvagwCLcBGAs/s640/44920448_1991592367565212_5518234588184313856_o.jpg


Trong một diễn biến có liên quan, Tiến sĩ Phạm Gia Minh đã rút khỏi chức vụ Phó Tổng thư ký của Hội liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài (ALOV) để đứng về phía TS. Chu Hảo. Sự kiện này nối tiếp sự thoái đảng của nhà văn Nguyên Ngọc và nhiều nhân sĩ trí thức khác, nó vừa cho thấy tính đoàn kết và hiệp đồng của giới trí thức thực sự, cũng như thể hiện sự bản lĩnh trong nhân cách, lòng tự trọng và phẩm giá hiếm hoi của giới trí thức Việt Nam.
Facebooker Thinh Nguyen trong một phản hồi đã mỉa mai: Cái ông Hảo này, bỏ Đảng thì sao Đảng kỷ luật được đây?
Về phía truyền thông của Đảng, trên báo Quân Đội Nhân Dân, đã đăng tải bài viết với tiêu đề: Từ thông báo của Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng về những vi phạm của ông Chu Hảo: Giữ gìn phẩm giá, uy tín của người trí thức chân chính. Bài viết nhấn mạnh việc kỷ luật trí thức là điều không ai mong muốn, nhưng 'như người đứng đầu Đảng và Nhà nước ta đã từng khẳng định: Kỷ luật một vài người để cứu muôn người'.
Cũng theo bài viết này, bất kỳ trí thức nào cũng sẽ bị kỷ luật nếu như phản bác, phủ nhận Chủ nghĩa Mac-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, nền dân chủ xã hội chủ nghĩa; đòi thực hiện 'đa nguyên, đa đảng, thể chế tam quyền phân lập, phát triển xã hội dân sự'.
L.K.
VNTB gửi BVN