Thứ Năm, 18 tháng 10, 2018

20181018. KIẾN NGHỊ QUỐC HỘI HOÃN THI HÀNH LUẬT AN NINH MẠNG ĐỂ SỬA ĐỔI

ĐIỂM BÁO MẠNG
KIẾN NGHỊ QUỐC HỘI HOÃN THI HÀNH LUẬT AN NINH MẠNG ĐỂ SỬA ĐỔI

CÁC TỔ CHỨC DÂN SỰ/ BVN 16-10-2018

Phong trào bất tuân Luật An ninh mạng bắt đầu từ khi luật được thông qua hồi tháng 6/2018
Kính gửi: Các Đại biểu Quốc hội Việt Nam
Chúng tôi, những công dân Việt Nam đang sống trong và ngoài nước, kiến nghị quý vị hoãn thi hành Luật An ninh mạng dự kiến có hiệu lực từ ngày 01/01/2019, vì ba lý do sau:
1. Thứ nhất, Luật An ninh mạng gồm nhiều điều khoản vi phạm nghiêm trọng quyền tự do ngôn luận của công dân, cụ thể:
Khoản 1 Điều 8 Luật này quy định các hành vi bị nghiêm cấm một cách rất mơ hồ, như “phá hoại thuần phong, mỹ tục” và “xuyên tạc lịch sử”. Tương tự, nội dung quy định tại Điều 16 cũng yêu cầu phòng ngừa và xử lý những hành vi mơ hồ như “xúc phạm vĩ nhân” hay “tuyên truyền xuyên tạc”. [1]
Điều này có thể trao cho cơ quan chấp pháp khả năng lạm dụng quyền lực để xâm phạm quyền tự do ngôn luận của công dân, vốn được bảo vệ theo Điều 25 Hiến pháp Việt Nam năm 2013.
Không chỉ vậy, Khoản 2 Điều 26 Luật An ninh mạng còn buộc doanh nghiệp mạng phải cung cấp thông tin người dùng cho cơ quan chấp pháp, đồng thời ngăn chặn và xoá bỏ thông tin đăng tải trên mạng theo yêu cầu của cơ quan chấp pháp mà không thông qua tòa án.
Như vậy, không có bất cứ thủ tục cụ thể nào được quy định để các công dân có thể bảo vệ dữ liệu và thông tin cá nhân của mình theo một quy trình tư pháp công bằng và minh bạch.
2. Thứ hai, các điều khoản nêu trên của Luật An ninh mạng đã đi ngược lại các chuẩn mực nhân quyền quốc tế.
Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền quy định “mọi người đều có quyền tự do ngôn luận và bày tỏ quan điểm” tại Điều 19.
Điều 19 Công ước về các Quyền Dân sự và Chính trị ICCPR, mà Việt Nam tham gia từ năm 1982, cũng ghi rõ rằng "mọi người đều có quyền tự do ngôn luận”.
Chính vì lý do này, 17 nhà lập pháp Hoa Kỳ cũng đã kêu gọi lãnh đạo các công ty Facebook và Google “chống lại những thay đổi được quy định tại Luật An ninh mạng của Việt Nam”. [2]
Trong cuộc điều trần trước Quốc hội Mỹ ngày 5/9 vừa rồi, khi được hỏi về Luật An ninh mạng Việt Nam, đại diện Facebook đã tuyên bố "sẽ không bao giờ cung cấp thông tin cho chính phủ Việt Nam, trừ những ngoại lệ cực kỳ hiếm hoi", và "chỉ hoạt động tại những quốc gia nào mà Facebook có thể gìn giữ được những giá trị của mình". [3]
3. Thứ ba, việc thực thi Luật An ninh mạng sẽ tạo ra rào cản thương mại đối với các doanh nghiệp quốc tế đang hoạt động trên thị trường Việt Nam, khi buộc các doanh nghiệp này phải đặt chi nhánh hoặc văn phòng đại diện và lưu trữ dữ liệu người dùng tại Việt Nam, theo Khoản 3 Điều 26.
Điều khoản này đòi hỏi phải địa phương hóa dữ liệu, làm tăng chi phí của doanh nghiệp khi hoạt động tại Việt Nam. Chính vì vậy, Luật An ninh mạng sẽ trở thành một lực cản rất lớn đối việc phát triển nền kinh tế thị trường Việt Nam theo hướng toàn cầu hóa. [4]
Nói về vấn đề này, ông Jeff Paine, Giám đốc điều hành Liên minh Internet Châu Á (AIC) bao gồm Facebook, Google, LinkedIn, Apple, Twitter, LINE và Rakuten khẳng định rằng Luật An ninh mạng sẽ “làm giảm đầu tư nước ngoài và làm tổn thương cơ hội phát triển kinh tế” của Việt Nam. [5]
Rõ ràng, điều khoản này của Luật An ninh mạng đi ngược lại các thiết chế thương mại quan trọng mà Việt Nam đã ký kết như Cam kết gia nhập WTO (Biểu cam kết về dịch vụ, phần 2C), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương CPTPP (Chương 14), hoặc dự định ký kết như Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU EVFTA (Chương 8), vốn đề cao việc tự do hóa và hạn chế tối đa rào cản thương mại đối với dịch vụ viễn thông.
Cuối cùng song không kém quan trọng, Luật An ninh mạng còn đe dọa đến khả năng ký kết hiệp định EVFTA.
Vào ngày 17/9 vừa qua, 32 Nghị sỹ đến từ các đảng lớn của Liên minh Châu Âu đã gửi thư đến Cao ủy Mogherini và Ủy viên Malmstrom nhằm đặt ra các điều kiện trước khi phê chuẩn hiệp định EVFTA, trong đó yêu cầu chính phủ Việt Nam phải sửa đổi Luật An ninh mạng theo hướng tuân thủ các tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế. [6]
Kết luận
Vì những lý do trên, chúng tôi kiến nghị quý vị Đại biểu Quốc hội:
(i) Hoãn thi hành Luật An ninh mạng;
(ii) Đưa nội dung thảo luận sửa đổi Luật An ninh mạng vào chương trình kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV;
(iii) Đề nghị Chính phủ và các cơ quan có liên quan sửa đổi Luật An ninh mạng theo hướng đảm bảo an ninh trên mạng, mà không kiểm soát và xâm phạm quyền tự do ngôn luận của công dân.
Chúng tôi hy vọng các Đại biểu Quốc hội sẽ lắng nghe ý kiến người dân về một luật không những chưa thể hiện được các phương pháp hợp lý để đảm bảo an ninh mạng, tác động tiêu cực đến sự phát triển kinh tế, đi ngược lại các chuẩn mực quốc tế mà còn xâm phạm nghiêm trọng đến các quyền căn bản và cản trở tự do của công dân.
Các tổ chức đồng ký tên
1. Nhóm Save Net
2. Nhóm Hate Change
3. Nhà xuất bản Giấy Vụn
4. Nhóm Sinh viên Nói vì Sinh viên
5. Nhóm Tinh Thần Khai Minh
6. LEA - Nhóm Hoạt động về Giáo dục Bình đẳng
7. Wequal - Nhóm Hoạt động Mở vì Công lý Giới và Tự do Lựa chọn
8. Nhóm Nghiệp đoàn Sinh viên Việt Nam
9. Cộng đồng LGBT Đồng Nai
10. Nhóm Green Trees
11. Phong trào Lao động Việt
12. Mạng lưới Lãnh đạo Trẻ Miền Nam
13. Văn đoàn Độc lập Việt Nam
14. Người Bảo vệ Nhân quyền - Defend the Defenders
15. Nhóm Truyền Thông Giáo Hội Phật Giáo Hoà Hảo Thuần Tuý
---
Đọc thêm thông tin
[1] Toàn văn Luật An ninh mạng do Bộ Công an soạn thảo, được Quốc hội thông qua ngày 12/06/2018, dự kiến có hiệu lực vào ngày 01/01/2019.
[2] “Nghị sĩ Mỹ kêu gọi Google, Facebook phản đối luật an ninh mạng Việt Nam”, bài của tác giả Thanh Long đăng trên báo Trí Thức VN ngày 17/07/2018.
[3] "Facebook sẽ không tuân thủ Luật An ninh mạng", trích Video bà Sheryl Sandberg, Giám đốc Điều hành Facebook, điều trần trước Quốc hội Mỹ ngày 05/09/2018 do Hate Change đăng tải kèm phụ đề Việt ngữ.
[4] "Dự thảo Luật An ninh mạng: Góc nhìn từ doanh nghiệp", bài đăng trên Tạp chí Điện tử Thông tin và Truyền thông ngày 08/05/2018.
[5] “Quốc tế “thất vọng” với việc thông qua Luật An ninh mạng của Việt Nam”, bài của tác giả Tuấn Minh trên báo Trí Thức VN ngày 13/06/2018.

Gần 70 ngàn người ký kiến nghị đòi hoãn luật an ninh mạng

Hơn 69.000 người ký kiến nghị đòi quốc hội Việt Nam hoãn thi hành Luật An ninh mạng, 16/10/2018
Hơn 69.000 người ký kiến nghị đòi quốc hội Việt Nam hoãn thi hành Luật An ninh mạng, 16/10/2018
Lo ngại về thông tin cá nhân có nguy cơ bị xâm phạm nghiêm trọng, hàng chục ngàn người Việt Nam vừa ký tên và đang vận động những người khác tham gia ký một kiến nghị trên internet kêu gọi quốc hội hoãn thi hành Luật An ninh mạng.
Tính đến tối 16/10, lượng chữ ký vào kiến nghị đang tiến dần đến con số 70.000. Bản kiến nghị đăng trên trang change.org, mở đầu với hàng tít “Dự thảo nghị định về Luật An ninh mạng: Đặc biệt xâm phạm không gian riêng tư”.
Change.org, diễn đàn do một tổ chức phi lơi nhuận Mỹ điều hành, cho phép bất kỳ ai ở bất cứ đâu có thể phát động một chiến dịch hành động xã hội trên internet.
Bản kiến nghị được đăng lên hôm 13/10, ít ngày sau khi nội dung dự thảo nghị định được chia sẻ một cách không chính thức trên mạng và thu hút sự chú ý đặc biệt của giới hoạt động và phản biện xã hội vào chương 5 của dự thảo.
Theo bản kiến nghị, có hai điểm “cực kỳ nghiêm trọng” cần lưu ý trong dự thảo nghị định.

Nó vi phạm nghiêm trọng quyền con người của tất cả các cá nhân sử dụng internet ở Việt Nam. Nó sẽ có khả năng gây phiền hà rất lớn cho các doanh nghiệp. Và một điểm mà nhiều người không nhắc đến là nguy cơ tiềm ẩn của nghị định này đến cái gọi là an ninh quốc gia thật sự
Tiến sĩ Nguyễn Quang A
Điểm thứ nhất là các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ internet phải lưu trữ dữ liệu người dùng và cung cấp theo yêu cầu từ Cục An ninh mạng, Bộ Công an.
Dữ liệu đó gồm thông tin cá nhân, kể cả số thẻ tín dụng, hồ sơ y tế, hồ sơ tài chính, quan điểm chính trị; dữ liệu do cá nhân tạo ra như nội dung tương tác, thông tin tải lên; và dữ liệu về mối quan hệ của cá nhân.
Thứ hai, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ internet phải lưu trữ thông tin trong suốt thời gian hoạt động hoặc đến khi không còn cung cấp dịch vụ. Bản kiến nghị cho rằng điều này “tạo nên gánh nặng lớn” về kinh tế cho doanh nghiệp, đặc biệt với các nhóm khởi nghiệp.
Tiến sĩ Nguyễn Quang A, một nhà hoạt động nổi tiếng có nhiều ảnh hưởng, chia sẻ thêm với VOA về lý do phải phản đối dự thảo nghị định về thực thi Luật An ninh mạng:
“Nó vi phạm nghiêm trọng quyền con người của tất cả các cá nhân sử dụng internet ở Việt Nam. Nó sẽ có khả năng gây phiền hà rất lớn cho các doanh nghiệp. Và một điểm mà nhiều người không nhắc đến là nguy cơ tiềm ẩn của nghị định này đến cái gọi là an ninh quốc gia thật sự mà nước nào cũng phải bảo vệ”.
Từng là chuyên gia phần mềm, tiến sĩ Quang A phân tích rằng dự thảo nghị định trao “sự tập trung cao độ quyền lực” vào tay Cục trưởng Cục An ninh mạng, song với “khả năng hạn chế của họ về mọi mặt”, kể cả về phần mềm và phần cứng, điều đó tiềm ẩn “một rủi ro cho an ninh quốc gia” rất lớn.
Ông nói thêm rằng với một sự tập trung cao độ như thế, nhiều thế lực trên thế giới có thể tấn công nhằm đánh cắp dữ liệu của Việt Nam một cách dễ dàng, và đó là “một gót chân Asin của hệ thống gọi là ‘quản lý an ninh mạng’ này”.
Trong một bài viết dài trên trang cá nhân mà tác giả đồng ý để VOA trích dẫn, kỹ sư Dương Ngọc Thái, một chuyên gia công nghệ thông tin nổi tiếng hiện làm việc ở Mỹ, cũng chỉ ra một số nguy cơ một khi nghị định được ban hành.
Theo ông Thái, việc Bộ Công an tuyên bố sẽ xây dựng trung tâm dữ liệu để tiếp nhận dữ liệu mà họ yêu cầu các công ty cung cấp cũng đồng nghĩa là toàn bộ dữ liệu của người Việt Nam sẽ được lưu ở một chỗ duy nhất. Nhưng làm như vậy sẽ tạo thành một “mục tiêu béo bở” cho giới tội phạm chuyên nghiệp hoặc lực lượng tình báo mạng của các quốc gia khác, ông đưa ra cảnh báo.
Ngoài ra, theo kỹ sư Thái, khi toàn bộ dữ liệu không chỉ của người dân, mà của cả lãnh đạo cấp cao và toàn bộ hệ thống chính trị, nằm trong tầm kiểm soát của Cục An ninh mạng, điều này được ông so sánh với “viễn cảnh u tối như Đông Đức năm 1984” và ông đặt ra câu hỏi “ai còn muốn đến Việt Nam sống và làm việc?”

Phong trào bất tuân Luật An ninh mạng bắt đầu từ khi luật được thông qua hồi tháng 6/2018
Phong trào bất tuân Luật An ninh mạng bắt đầu từ khi luật được thông qua hồi tháng 6/2018
Luật An ninh mạng, dù được thông qua hồi tháng 6/2018 và sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2019, luôn bị nhiều giới trong nước phản đối và một số tổ chức nước ngoài, trong đó có Mỹ, chỉ trích trong suốt quá trình luật này được soạn thảo và ra đời.
Dự thảo nghị định đi vào chi tiết của việc thực thi luật càng thổi bùng lên sự phản đối vì nhiều người cho rằng các quy định trong dự thảo còn “khắt khe”, “tăm tối” hơn cả luật.
Trong những ngày gần đây, nhiều người sử dụng mạng xã hội viện dẫn Hiến pháp 2013 của Việt Nam và đặt câu hỏi liệu Luật An ninh mạng có vi hiến.
Điều 21 trong Hiến pháp quy định rằng mọi người “có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình”, thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình “được pháp luật bảo đảm an toàn”, và mọi người có quyền “bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác”.
Trên trang Facebook cá nhân, bà Phạm Đoan Trang, tác giả sách “Chính trị bình dân” không được lưu hành chính thức ở Việt Nam, đưa ra nhận định rằng bản chất của Luật An ninh mạng là “mở đường cho Tàu cộng [Trung Quốc] vào chiếm cứ không gian mạng ở Việt Nam”. Bà gọi nó là “một đạo luật bán nước, dâng chủ quyền” cho Trung Quốc.
Trong cùng bài viết, bà Trang đề cập đến hai vấn đề thu hút được nhiều quan tâm của người Việt trong nhiều tháng gần đây là dự luật về đặc khu kinh tế, và quy định cho phép thực hiện giao dịch bằng đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc ở một số tỉnh của Việt Nam giáp biên giới với nước láng giềng phương bắc.
Nhà hoạt động nữ được một tổ chức ở Séc trao giải thưởng nhân quyền đầu năm nay xem hai động thái kể trên cũng là hành vi “dâng” hoặc “nhân nhượng chủ quyền cho Tàu”.
Bà Trang nêu lên quan điểm rằng: “Nếu là người yêu nước Việt, bạn CÓ NGHĨA VỤ KHÔNG CHẤP HÀNH các thể loại luật bán nước nói trên”.
Kiến nghị trên trang change.org về Luật An ninh mạng và dự thảo nghị định liên quan kêu gọi mọi người “không thể im lặng trước một nghị định đặc biệt xâm phạm không gian riêng tư, càng không thể dửng dưng trước một luật bóp nghẹt tự do ngôn luận”.
Chung tiếng nói với bản kiến nghị, giáo sư tiến sĩ Trần Xuân Hoài, người cũng là nhà văn với bút danh Trần Gia Ninh, viết trên Facebook cá nhân rằng “phải hợp lực có những tiếng nói mạnh mẽ, tập trung, có lý, có tình” và “muộn còn hơn không” bởi “ngồi yên, câm lặng chấp nhận là tự hại mình”.

TUYÊN BỐ CỦA NHÓM 'LÃO MÀ CHƯA AN' VỀ LUẬT AN NINH MẠNG

LMCA/ BVN 18-10-2018

Chúng tôi đã tuyên bố phản đối Dự luật An ninh mạng vì dự luật “có nhiều điều vi phạm Hiến pháp một cách trắng trợn, tước nhiều quyền hiến định của công dân, cản trở hoạt động của doanh nghiệp và các tổ chức dân sự, trao quá nhiều quyền tuỳ tiện cho công an, vi phạm các thoả thuận quốc tế mà Việt Nam đã ký kết và có thể có ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển kinh tế, cản trở sự hội nhập quốc tế của Việt Nam” và gây ra mối đe doạ thực sự đối với an ninh quốc gia vì sự tập trung hoá quá mức quyền lực vào tay một tổ chức của Bộ Công an.
Rất đáng tiếc, bất chấp những cảnh báo trên của chúng tôi và sự phản đối mạnh mẽ của dư luận xã hội, Quốc hội đã vẫn thông qua và Chủ tịch nước vẫn ban hành Luật An ninh mạng.
Hơn thế nữa, từ đầu tháng 10/2018, dư luận đang bàn luận về một Dự thảo Nghị định của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật An ninh mạng, nêu rõ Dự thảo Nghị định này còn vi phạm Hiến pháp, vi phạm nhân quyền, cản trở hoạt động của doanh nghiệp, gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia hơn bản thân Luật An ninh mạng rất nhiều.
Ngoài ra, Việt Nam đang tích cực vận động EU ký và phê chuẩn Hiệp định Thương mại Tự do EU-Việt Nam (EVFTA) nhưng Luật An ninh mạng (và nhất là Dự thảo Nghị định) hoàn toàn đi ngược với đòi hỏi của EU liên quan đến EVFTA. Nói cách khác, những thế lực đứng sau Luật này và Dự thảo Nghị định vô tình hay cố ý phá hoại EVFTA cũng như sự hợp tác quốc tế khác giữa Việt Nam và EU, Mỹ, Nhật, Australia cũng như các nước tham gia CPTPP khác. Việc phá hoại này có thể đẩy Việt Nam phụ thuộc hơn vào Trung Quốc (nhất là với Luật An ninh mạng mở toang đường cho các doanh nghiệp mạng Trung Quốc vào Việt Nam và cột chặt Việt Nam lệ thuộc vào Trung Quốc).
Vì những lý do trên, chúng tôi kêu gọi:
- Quốc hội xem xét, huỷ hay sửa đổi Luật An ninh mạng;
- Thủ tướng Chính phủ không ký Nghị định như được dự thảo;
- Các doanh nghiệp, nhất là VCCI, Amcham, Eurocham, hãy lên tiếng phản đối;
- Nhân dân hãy tích cực lên tiếng phản đối Luật An ninh mạng bằng tất cả các biện pháp ôn hoà và xây dựng (kể cả tẩy chay và biểu tình).
1/1/2019: NGƯỜI VIỆT SẼ TRỞ THÀNH NHỮNG CON VẬT HAI CHÂN ?

Trân Văn / BVN 18-9-2018

Hình minh họa.
Hình minh họa.
Nếu Dự thảo Nghị định Hướng dẫn thực hiện Luật An ninh mạng được Thủ tướng Việt Nam ký và ban hành, 96 triệu người Việt, kể cả đảng viên, cán bộ các cấp sẽ trở thành những con vật hai chân vì nhân quyền (quyền được sống, quyền tự do - bao gồm tự do ngôn luận và thể hiện, tự do tín ngưỡng và nhận thức, tự do lập hội, quyền mưu cầu hạnh phúc và quyền bình đẳng trước pháp luật) vốn được xem như tất nhiên, không thể bị tước bỏ bởi bất kỳ lý do nào sẽ bị thủ tiêu. Phẩm giá đã không còn thì con người có khác gì con vật?
***
Bất kể khuyến cáo của nhiều chuyên gia, nhân sĩ, trí thức trong và ngoài Việt Nam, bất chấp cảnh báo của chính phủ nhiều quốc gia, tổ chức hoạt động vì nhân quyền trên thế giới, trung tuần tháng sáu vừa qua, Quốc hội Việt Nam đã gạt cả Hiến pháp Việt Nam lẫn các cam kết với cộng đồng quốc tế về việc bảo vệ, thăng tiến nhân quyền sang một bên để thông qua Luật An ninh mạng. Luật này sẽ có hiệu lực vào ngày 1/1/2019. Mới đây, Bộ Công an Việt Nam đã trình Thủ tướng Việt Nam Dự thảo Nghị định Hướng dẫn thực hiện Luật An ninh mạng.
Đã từng có những phân tích rất cặn kẽ, thấu đáo về sự càn rỡ và những nguy hại mà Luật An ninh mạng sẽ gây ra cho kinh tế - xã hội, triển vọng phát triển của Việt Nam, trong số này có những bài viết đáng đọc như loạt bài của ông Hoàng Xuân Phú (một Giáo sư làm việc tại Viện Toán học thuộc Viện Khoa học Tự nhiên Việt Nam)(1), mới đây, khi Dự thảo Nghị định Hướng dẫn thực hiện Luật An ninh mạng lọt ra ngoài đã có thêm những ý kiến khác, vạch trần dã tâm biến xã hội Việt Nam trở thành một ốc đảo lạc hậu, man rợ kiểu Bắc Hàn, biến công dân Việt Nam trở thành những con vật hai chân, chẳng hạn như bài của Dương Ngọc Thái (chuyên gia công nghệ thông tin, sống và làm việc tại Mỹ(2)nhưng hình như đa số người Việt ngại đọc, ngại nghĩ nên hết sức thờ ơ.
***
Ngày 2 tháng 12 năm 2015, Syed Rizwan Farook - nhân viên một cơ quan y tế của quận San Bernadino, tiểu bang California và vợ là Tashfeen Malik đã xả súng vào một bữa tiệc do cơ quan này tổ chức. Vụ thảm sát đó làm 14 người chết và 21 người bị thương. Cả hai đã bị cảnh sát bắn chết trên đường đào tẩu. Các cơ quan bảo vệ luật pháp của Mỹ tin rằng Farook và Malik có quan hệ với những tổ chức khủng bố. Đó là lý do FBI đề nghị Apple - nhà sản xuất iPhone - soạn thảo phần mềm, hỗ trợ mở khóa iPhone loại 5s của Farook để mở rộng điều tra nhưng Apple từ chối.
Cho dù đề nghị của FBI hoàn toàn vì lợi ích chung là an ninh công cộng, mở khóa iPhone loại 5S của Farook sẽ giúp truy tìm - ngăn chặn âm mưu rõ ràng đang đe dọa lợi ích quốc gia và tính mạng của nhiều công dân Mỹ hiệu quả hơn, song lợi ích chung chưa đủ cả lý lẫn tình để ép Apple phải hợp tác. Bên cạnh lợi ích chung liên quan tới quốc gia, cộng đồng, chính quyền Mỹ còn phải tôn trọng những lợi ích khác, ví dụ lợi ích của các cá nhân, lợi ích doanh nghiệp. Nếu Apple hợp tác với FBI, sự hợp tác này có thể tạo thành tiền lệ. Các cơ quan bảo vệ pháp luật có quyền yêu cầu các thông tin mang tính riêng tư của một cá nhân, ảnh hưởng tới phẩm giá của họ. Chưa kể việc Apple hợp tác với FBI còn khiến thiên hạ (cả ở Mỹ lẫn bên ngoài lãnh thổ Mỹ) lo ngại các cơ quan bảo vệ pháp luật của Mỹ sẽ được Apple hỗ trợ thu thập thông tin về đời tư, công việc của họ. Apple khó mà giữ được đất sống, nói gì tới phát triển.
Đó cũng là lý do chẳng phải chỉ có những Microsoft, Google, Facebook,… mà chuyên gia nhiều giới cùng lên tiếng ủng hộ Apple. FBI chỉ còn một đường, đưa vụ này ra Tòa nhờ Tòa phân xử. Tất nhiên là Bộ Tư pháp của Chính phủ Mỹ ủng hộ FBI hết mình trong vụ FBI kiện Apple đòi Apple hỗ trợ, song Tòa của Mỹ hoạt động độc lập thành ra không ai dám chắc “mèo nào cắn mỉu nào”. Tháng 3 năm 2016, FBI đơn phương hủy vụ kiện vì cuối cùng, một công ty mà FBI thuê đã mở được khóa để FBI có thể truy cập iPhone 5S của Farook(3)
Chẳng phải chỉ có Mỹ, chính phủ của tất cả các quốc gia văn minh trên thế giới đều hiểu rằng, họ không thể nhân danh lợi ích quốc gia, lợi ích cộng đồng để xâm hại các quyền căn bản của một con người. Đối với hệ thống công quyền ở các quốc gia văn minh, bảo vệ nhân quyền không phải đặc ân, đó là loại nghĩa vụ vừa được minh định bằng Hiến pháp để thực thi trong phạm vi quốc gia, vừa phải tham gia bảo vệ trên bình diện quốc tế theo đúng tinh thần Tuyên ngôn Quốc tế về nhân quyền, Công ước Quốc tế về các quyền dân sự và chính trị.
***
Luật An ninh mạng vốn đã tước bỏ các quyền căn bản của một con người, không chỉ cấm các cá nhân chia sẻ thông tin, bày tỏ những ý kiến có thể nguy hại cho “chủ trương, chính sách” của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền, bất kể “chủ trương, chính sách” đó “phi luân, bại lý” đến đâu, mà còn phải nhìn trước, ngó sau, ngăn chặn thông tin, ý kiến của người khác để những thông tin, ý kiến ấy không gieo họa cho mình. Giờ, nếu Thủ tướng Việt Nam ký và ban hành Dự thảo Nghị định Hướng dẫn thực hiện Luật An ninh mạng theo đúng nội dung do Bộ Công an Việt Nam soạn thảo, Cục An ninh mạng của Bộ Công an sẽ trở thành cơ quan siêu quyền lực.
Trong bối cảnh cả hoạt động của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền, lẫn hoạt động kinh tế - xã hội, sinh hoạt cá nhân càng ngày càng phụ thuộc vào công nghệ thông tin - viễn thông, việc giao cho Cục An ninh mạng quyền quyết định doanh nghiệp nào (bất kể doanh nghiệp Việt Nam hay ngoại quốc) được cung cấp dịch vụ, sản phẩm trên Internet tại Việt Nam, buộc các doanh nghiệp này phải lưu giữ và trong vòng ba năm phải cung cấp toàn bộ “nhật ký truy cập, thông tin thanh toán dịch vụ, địa chỉ IP truy cập dịch vụ, thói quen tìm kiếm, log chat, thời gian giao dịch” của tất cả khách hàng, quyền yêu cầu cung cấp tất cả dữ liệu mà những doanh nghiệp đó có được về một cá nhân - sẽ đặt 96 triệu người Việt, kể cả đảng viên, cán bộ các cấp dưới sự giám sát, khống chế của Cục An ninh mạng.
Khoan bàn đến viễn cảnh chi phí tăng, sức cạnh tranh giảm, doanh nghiệp phá sản hàng loạt, thất nghiệp tràn lan, kinh tế suy thoái trầm trọng hơn, giới đầu tư ngoại quốc tháo chạy vì phần còn lại của thế giới không thể chơi theo kiểu hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam muốn, khoan bàn đến viễn cảnh không còn cơ hội sử dụng các dịch vụ, sản phẩm của những doanh nghiệp ngoại quốc (chẳng hạn gmail, facebook,…), liệu viễn cảnh toàn bộ sinh hoạt, quan hệ xã hội, kể cả những yếu tố hết sức riêng tư của mỗi cá nhân sẽ được bày ra trước mặt Cục An ninh mạng, cơ quan này muốn dùng thế nào cũng được, muốn khai thác ra sao cũng chẳng ai thắc mắc - có đáng bận tâm không?
Có thể yên tâm khi Cục An ninh mạng, Bộ Công an toàn quyền thu thập, sử dụng toàn bộ thông tin của tất cả cá nhân, kể cả đảng viên, cán bộ các cấp, của các cơ quan, tổ chức kể cả các cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống chính trị, hệ thống công quyền? Scandal Tổng cục 2 (Tổng cục Tình báo) của Bộ Quốc phòng Việt Nam hồi thập niên 2000, từng khiến ông Phạm Văn Xô (một trong những lãnh đạo đầu tiên của Đảng Cộng sản Đông Dương, cựu Phó Ban Tổ chức Ban Chấp hành Trung ương - BCH TƯ - Đảng CSVN), 12 ông tướng quân đội, bao gồm ba Đại tướng (Võ Nguyên Giáp, Chu Huy Mân, Nguyễn Quyết) và hàng trăm “lão thành cách mạng” đồng loạt lên tiếng phản đối, đòi điều tra - xử lý kỷ luật cả về mặt đảng lẫn truy cứu trách nhiệm hình sự những cá nhân tạo điều kiện cho Tổng cục 2 Bộ Quốc phòng bí mật thu thập thông tin, ngụy tạo thông tin, khống chế, lũng đoạn toàn bộ hệ thống chính trị, hệ thống công quyền, gieo vạ cho vô số đảng viên, cán bộ cao cấp, kể cả những công thần như Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Trần Văn Trà,… những viên chức cao cấp như Võ Văn Kiệt, Phan Văn Khải, Nguyễn Văn An,… chưa đủ giá trị để xem là một bài học bổ ích cho chính hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam(4)?
Tổng cục 2 Bộ Quốc phòng trở thành cơ quan siêu quyền lực, tạo ra hàng loạt sai phạm mà các công thần của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam xác định là “siêu nghiêm trọng” nhờ “Pháp lệnh Tình báo” (1996) và “Nghị định 96” (1997) - giúp cơ quan này phá vỡ mọi giới hạn về vai trò để mở rộng hoạt động. Luật An ninh mạng và nếu Nghị định Hướng dẫn thực hiện Luật An ninh mạng được ký - ban hành với nội dung đúng như dự thảo mà thiên hạ đang thảo luận, Cục An ninh mạng, Bộ Công an cũng sẽ phá vỡ tất cả các giới hạn về vai trò để trở thành một cơ quan siêu quyền lực.
Vụ án “Tổ chức đánh bạc, Đánh bạc, Sử dụng mạng Internet chiếm đoạt tài sản, Mua bán trái phép hóa đơn, Rửa tiền, Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” liên quan đến Công ty Đầu tư - Phát triển an ninh công nghệ cao (CNC) còn nóng hổi.
Qua Kết luận Điều tra và Cáo trạng, chẳng lẽ những thắc mắc - tại sao chỉ xem xét trách nhiệm hình sự của Trung tướng Phan Văn Vĩnh (Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát), Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hóa (Cục trưởng Cục Cảnh sát Chống tội phạm công nghệ cao - C50) mà không điều tra, xác định trách nhiệm những viên chức lãnh đạo khác của Bộ Công an trong khi rõ ràng họ chủ trương giao cho C50, Tổng cục Cảnh sát sử dụng CNC như “bình phong”, tạo cho CNC chỗ dựa để tổ chức đánh bạc, rửa tiền, sử dụng Internet chiếm đoạt tài sản - không cần làm rõ?
Dù không góp đồng nào nhưng trong cơ cấu vốn của CNC, Bộ Công an Việt Nam có 20% nhờ tạo ra cái gọi là “hệ thống phòng thủ quốc gia về tội phạm mạng” để CNC nương nhờ(5). Một cơ quan với những cá nhân như thế, vận hành theo kiểu như thế vẫn đáng tin cậy để giao cho việc định đoạt tương lai công nghệ thông tin - viễn thông tại Việt Nam, sự phát triển kinh tế - xã hội tại Việt Nam và kiểm soát 96 triệu người Việt, kể cả đảng viên, cán bộ các cấp?
***
Sự phát triển của công nghệ thông tin - viễn thông đã tạo cho người Việt cơ hội chia sẻ thông tin, bày tỏ ý kiến. Thực tế cho thấy, những thông tin mà họ đã chia sẻ, những ý kiến mà họ đã bày tỏ, đã buộc hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam phải liên tục điều chỉnh nhiều chủ trương, chính sách. Tuy nhiên những phương tiện để biết, để bàn, tạo áp lực để buộc hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam phải điều chỉnh sắp vuột khỏi tay của đám đông.
“Xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” không quan trọng bằng duy trì quyền lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối của Đảng CSVN. Khả năng người Việt trở thành những con vật hai chân rất lớn. Sau Luật An ninh mạng là Dự thảo Nghị định Hướng dẫn thực hiện Luật An ninh mạng. dự thảo này chưa thoát thai thì những động tác kiểu như “xây dựng kế hoạch bảo vệ cán bộ lãnh đạo TP.HCM và cán bộ do BCH TƯ Đảng CSVN trên không gian mạng” đã được giao cho giao cho “Đảng ủy Quân sự TP.HCM, Đảng ủy Công an TP.HCM(6).
T.V.
__________

Chú thích


DỰ THẢO: DOANH NGHIỆP CHẾT, TOÀN BỘ DỮ LIỆU NGƯỜI DÙNG VỀ TAY BỘ CÔNG AN ?

TRỊNH HỮU LONG/ luatkhoa.org/BVN 16-10-2018

clip_image002
Ảnh: Reuters.
Thông thường, doanh nghiệp Internet chết thì dữ liệu người dùng chết theo hoặc doanh nghiệp sẽ bán nó cho một doanh nghiệp khác. Tuy nhiên, Dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật An ninh mạng lại đưa ra một khả năng khác: doanh nghiệp chuyển giao toàn bộ dữ liệu của tất cả người dùng cho Cục An ninh mạng thuộc Bộ Công an quản lý.
Điều này được quy định tại Điều 58, Khoản 5 của Dự thảo Nghị định:
Điều 58, Khoản 5 về thẩm quyền của Cục An ninh mạng: “Tiếp nhận dữ liệu được quy định tại Khoản 1, 2 Điều 54 Nghị định này sau khi doanh nghiệp kết thúc hoạt động hoặc kết thúc thời gian lưu trữ dữ liệu được quy định tại Điều 56 Nghị định này”.
Theo Điều 54 và 56 của Dự thảo Nghị định, doanh nghiệp Internet phải lưu trữ hầu hết dữ liệu của người dùng trong suốt thời gian doanh nghiệp hoạt động hoặc thời gian cung cấp dịch vụ. Những dữ liệu này bao gồm các thông tin về nhân thân, số thẻ tín dụng, hồ sơ tài chính, tình trạng sức khoẻ, hồ sơ y tế, quan điểm chính trị, sinh trắc học, thông tin khởi tạo tài khoản người dùng, v.v.
Ngoài ra, doanh nghiệp phải lưu trữ các dữ liệu sau trong 36 tháng: nhật ký truy cập, thông tin thanh toán dịch vụ, địa chỉ IP truy cập dịch vụ, thói quen tìm kiếm, log chat, thời gian giao dịch, thông tin về thiết bị, thuộc tính, hoạt động, số nhận dạng, tín hiệu, dữ liệu từ cài đặt thiết bị, mạng và kết nối, và dữ liệu cookie.
Tuy nhiên, liệu Khoản 5, Điều 58 này có thể được hiểu là trước khi chết hoặc hết thời hạn lưu trữ dữ liệu 36 tháng, doanh nghiệp có nghĩa vụ chuyển giao dữ liệu của tất cả người dùng cho Cục An ninh mạng không?
Doanh nghiệp có thể cãi rằng Cục An ninh mạng chỉ có thẩm quyền “tiếp nhận” (theo đúng cách hành văn của dự thảo) nếu doanh nghiệp tự nguyện và chủ động chuyển giao, thay vì có thẩm quyền “yêu cầu” và “bắt buộc” doanh nghiệp phải chuyển giao.
Tuy nhiên, việc Dự thảo Nghị định đề cập đến việc tiếp nhận dữ liệu do doanh nghiệp chuyển giao cho thấy rằng, Bộ Công an muốn lưu trữ vĩnh viễn toàn bộ dữ liệu người dùng sau khi doanh nghiệp chết hoặc hết thời hạn lưu trữ 36 tháng.
Để buộc doanh nghiệp phải chuyển giao dữ liệu, Bộ Công an và Cục An ninh mạng có thể tìm cách diễn giải nghĩa vụ mơ hồ của doanh nghiệp trong việc “phối hợp, tạo điều kiện cho lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng trong bảo vệ an ninh mạng” (Điều 41, Luật An ninh mạng).
Cho dù cách diễn giải của họ có hợp lý hay không, doanh nghiệp cũng khó mà “cãi” lại được Bộ Công an. Khả năng doanh nghiệp phải chuyển giao toàn bộ dữ liệu người dùng cho Bộ Công an trước khi khai tử doanh nghiệp/dịch vụ là cao.
Điều đó có nghĩa là, kể từ thời điểm doanh nghiệp chuyển giao các dữ liệu trên, Cục An ninh mạng có thể tra cứu toàn bộ dữ liệu của tất cả người dùng bất cứ khi nào họ muốn mà không cần ra văn bản yêu cầu doanh nghiệp nữa.
Dự thảo Nghị định cũng trao cho Cục An ninh mạng một quyền hạn rộng lớn hơn rất nhiều so với Luật An ninh mạng.
Điều 26, Luật An ninh mạng, là văn bản cao hơn nghị định, chỉ cho phép Cục An ninh mạng yêu cầu doanh nghiệp “cung cấp thông tin người dùng […] để phục vụ điều tra, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về an ninh mạng”.
Điều đó có nghĩa là Cục An ninh mạng chỉ có thể yêu cầu doanh nghiệp cung cấp thông tin của một hoặc một số người dùng cụ thể liên quan đến những vi phạm cụ thể đang bị điều tra, chứ không được yêu cầu cung cấp dữ liệu của tất cả người dùng.
Dự thảo Nghị định, do đó, là trái luật, vì luật (do Quốc hội ban hành) là văn bản pháp lý cao hơn nghị định (do Chính phủ ban hành). Theo Luật Ban hành Văn bản Quy phạm Pháp luật, khi đã có luật thì nghị định chỉ có chức năng chi tiết hoá hoặc hướng dẫn thi hành luật chứ không được quy định ngoài phạm vi của luật.
Nếu không có sửa đổi gì thêm, dự thảo trên sẽ có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2019, cùng thời điểm với Luật An ninh mạng.
T.H.L.

AN NINH MẠNG, NGUY CƠ CAO HƠN TỪ TRUNG QUỐC

HUY ĐỨC/ FB Truong Huy San/ BVN 16-10-2018

Quy định phải lưu trữ toàn bộ thông tin của người dùng Việt Nam tại Việt Nam và phải cung cấp cho Bộ Công an khi được yêu cầu đặt các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên internet của nước ngoài vào 2 sự lựa chọn:
(1) Tuân thủ quy định này. Kéo theo đó là tăng chi phí kinh doanh, nguy cơ lộ lọt dữ liệu, và nguy cơ bị người dùng tại Việt Nam và trên toàn thế giới tẩy chay.
(2) Không tuân thủ quy định này. Hệ quả là các doanh nghiệp này sẽ bị phía Việt Nam chặn truy cập hoặc họ sẽ chủ động không cung cấp dịch vụ cho người dùng Việt Nam.
Chính phủ Việt Nam chắc chắn thích các doanh nghiệp này chọn phương án (1) nhất. Vì như vậy sẽ rất dễ kiểm soát được dữ liệu của người Việt mà không gây tác động quá lớn đến nền kinh tế.
Hiện chưa rõ các doanh nghiệp lớn như Facebook, Google sẽ lựa chọn phương án nào, nhưng hầu như chắc chắn các dịch vụ nhỏ hơn như Skype, Dropbox, Viber, Spotify, Apple, Wikipedia… sẽ chọn phương án (2).
Thử hình dung chuyện gì sẽ xảy ra đối với người Việt theo hai phương án trên:
Nếu phương án (1) xảy ra, các doanh nghiệp nước ngoài buộc phải sao chép dữ liệu thô của người dùng Việt Nam về máy chủ đặt tại Việt Nam (khả năng là sẽ thuê của các doanh nghiệp như VNPT, FPT…). Như vậy, tác động đầu tiên là các doanh nghiệp trong nước sẽ kiếm thêm được doanh thu cho thuê máy chủ.
Tuy nhiên, do mức độ an toàn dữ liệu tại Việt Nam tương đối thấp, những doanh nghiệp này lại không có nhiều kinh nghiệm trong việc bảo đảm an ninh cho những hệ thống dữ liệu lớn như vậy, nên khả năng để lộ lọt thông tin là rất cao. Khi đó, người dùng Việt Nam sẽ chịu thiệt hại hơn so với việc dữ liệu được lưu trữ ở những trung tâm dữ liệu tốt hơn trên thế giới.
Tiếp theo đó, việc phải cung cấp dữ liệu cho Chính phủ Việt Nam sẽ khiến quyền riêng tư của người dân và doanh nghiệp Việt Nam có nguy cơ bị xâm hại. Dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật An ninh mạng trao quyền cho Cục An ninh mạng không chỉ tiếp cận thông tin của người Việt “nhằm phục vụ điều tra vi phạm pháp luật” mà còn trong trường hợp thông tin được tạo ra quá 36 tháng, hoặc khi doanh nghiệp dừng cung cấp dịch vụ.
Như vậy, toàn bộ các email, tin nhắn, dữ liệu trên google drive, dropbox, lịch sử tìm kiếm,… của toàn bộ người dân Việt Nam, từ dân thường cho đến các doanh nghiệp, cả các quan chức, người nổi tiếng sẽ được Cục An ninh mạng tiếp cận bất kỳ khi nào họ muốn.
Đối với nhiều người dân không có gì để che giấu thì việc bị lộ thông tin cá nhân cũng không có gì nghiêm trọng. Nhưng đối với các doanh nghiệp thì dữ liệu, bí mật kinh doanh là điều quan trọng nhất mà họ có, từ các danh sách khách hàng, các bản vẽ, thiết kế, các hợp đồng, các sổ sách kế toán, tài chính… đều sẽ được Cục An ninh mạng dễ dàng tiếp cận.
Có ý kiến còn e ngại các thông tin bí mật đời tư của các quan chức sẽ được sử dụng để gây các áp lực chính trị, để thao túng quan chức. Điều này không phải là không có nguy cơ xảy ra khi các phe cánh trong nội bộ Nhà nước có mâu thuẫn, đấu đá, và phe cánh nào nắm được bí mật của phe còn lại sẽ có rất nhiều lợi thế.
Việc lưu trữ thông tin tại các máy chủ tại Việt Nam hoặc tại Trung tâm dữ liệu của Cục An ninh mạng sẽ khiến những thông tin này dễ bị tấn công, đánh cắp bởi tin tặc trên toàn thế giới hơn rất nhiều. Khi đó, toàn bộ dữ liệu người dùng của Việt Nam không chỉ bị phơi bày ra trước các cán bộ tại Cục An ninh mạng mà còn phơi bày trước tin tặc toàn thế giới.
Nếu phương án (2) xảy ra, thiệt hại kinh tế đối với Việt Nam là vô cùng lớn.
Khi đó, người dùng tại Việt Nam không còn được sử dụng những dịch vụ tiện ích như công cụ tìm kiếm (Google), email (Gmail, Yahoo mail), lưu trữ dữ liệu online (Drive, Dropbox), xem video (Youtube), tin nhắn, gọi điện (Facebook Messenger, Viber, Skype, WhatsApp), tra cứu tri thức (Wikipedia), mạng xã hội (Facebook, Instagram), bản đồ (Google Map) và vô số những tiện ích khác đang và sẽ xuất hiện trên thế giới.
Đến lúc đó, người dùng Việt Nam liệu có quay trở lại với những biện pháp hết sức thủ công như dùng USB, ổ cứng di động để copy, lưu trữ dữ liệu, hoặc dùng bản đồ giấy, dùng từ điển giấy, đi thuê băng đĩa nghe nhạc, xem phim hoặc rất tốn chi phí như gọi điện, nhắn tin qua mạng viễn thông di động.
Nhiều ý kiến cho rằng đây sẽ là cơ hội để các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trong nước phát triển. Đây cũng là một yếu tố không thể bỏ qua. Nhưng tương lai này quả là mù mịt và không chắc chắn, vì trình độ công nghệ của các doanh nghiệp trong nước vẫn còn kém quá xa những doanh nghiệp hàng đầu thế giới.
Nhiều người lấy ví dụ việc Trung Quốc cấm các nhà cung cấp dịch vụ trên mạng internet nước ngoài và đã tạo ra những ông lớn trong lĩnh vực công nghệ thông tin của họ như Alibaba, Tencent, Baidu… Nhưng nếu ai đã từng sử dụng công cụ tìm kiếm, dùng mạng xã hội, hay những phần mềm, ứng dụng của các hãng này thì thấy chất lượng về mức độ thân thiện và tiện ích thấp hơn nhiều so với những hãng phương Tây.
Một số ý kiến cũng đưa ra nguy cơ Việt Nam từ chối những nhà cung cấp dịch vụ của phương Tây thì sẽ là cơ hội để những nhà cung cấp dịch vụ của Trung Quốc tràn vào. Việc VNG, một trong những doanh nghiệp công nghệ lớn nhất Việt Nam có phần vốn góp đáng kể của Trung Quốc khiến nguy cơ này không thể bị bỏ qua. Sự xâm nhập của các nhà cung cấp dịch vụ Trung Quốc có thể diễn ra bằng nhiều cách mà đôi khi chúng ta rất khó nhìn ra, từ trực tiếp cung cấp dịch vụ, đến việc sở hữu cổ phần, cung cấp công nghệ nguồn, cung cấp nhân lực. Khi đó, nguy cơ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng bị xâm phạm sẽ còn lớn hơn rất nhiều.
H.Đ.
PS: Bài cậy đăng của một chuyên gia giấu tên.

CHUYỆN CẢNH GIÁC: BỊ CUỐN VÀO 'MỸ LINH' VÀ BỎ RƠI 'LUẬT AN NINH MẠNG'

ÁNH LIÊN /VNTB/ BVN 16-10-2018

Khi dư luận cả nước dường như bị cuốn vào trong vòng xoáy tranh cãi ‘phát ngôn của Mỹ Linh về nhà hát’ thì đồng nhân dân tệ chính thức được tiêu thụ ở 7 tỉnh biên giới; các văn bản hướng dẫn an ninh mạng đang thành hình,…
Dư luận đang bị dắt mũi? Dư luận Việt Nam là ‘cô gái ngây thơ’ dễ dàng bị điều khiển (định hướng) bằng các chiêu trò truyền thông? Và điều này khiến họ bỏ quên những vấn đề trọng đại, mang tính đe dọa đến đời sống và cả tương lai con cháu của họ.
Tại Thành phố mang tên Bác (TP.HCM), dưới sự chủ trì của ông Nguyễn Thiện Nhân, chính quyền này đang tiến hành xây dựng kế hoạch bảo vệ cán bộ, lãnh đạo chủ chốt trên không gian mạng.
Chi tiết kế hoạch này chưa được đề cập trên báo chí, nhưng nhiều báo đăng tải đoạn ‘đáng chú ý’, theo đó Đảng ủy Quân sự TP.HCM và Đảng ủy Công an TP.HCM căn cứ luật và quy định của Chính phủ, của ngành phối hợp với cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch bảo vệ chính trị nội bộ trên không gian mạng (thực hiện từ năm 2018). Nếu hiểu theo cách này thì các luật sẽ được áp dụng là Luật An ninh mạng (sẽ có hiệu lực vào tháng 01.2019); Nghị định 72 về Quản lý cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng.

https://2.bp.blogspot.com/-7DzfCCheVrE/W8X8S_LDrGI/AAAAAAAACDU/SBWHZ5EQy2wO9tpQOYt-lLTUbvO_AWcDgCLcBGAs/s640/china-cybersecurity-law.png
Cũng trong bức ảnh do tác giả Đình Quân (báo Thanh Niên Online) chụp, có thể thấy hầu như các cánh tay được được giơ lên, và ở hàng ghế chủ trì, có bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, ông Nguyễn Thiện Nhân, ông tất Thành Cang. Những người liên tục được cư dân mạng đào xới và phê phán theo đúng ‘chủ nghĩa hiện thực’ qua sự kiện thu hồi đất đai trái quy hoạch ở Thủ Thiêm.
Nhưng có thể mọi chuyện khác đi, từ nay chính quyền thành phố sẽ ‘trong sạch, vững mạnh’, Đảng bộ TP.HCM sẽ ‘vững mạnh, tiêu biểu’ khi kế hoạch bảo vệ chính trị nội bộ được tiến hành một cách triệt để. Tạo cơ sở cho khối chính quyền và Đảng bộ dưới sự lãnh đạo ‘toàn diện, trách nhiệm’ của Bí thư Thành ủy Thiện Nhân sống tốt trong các luận điệu của ‘thế lực thù địch’, nhấn chìm những tỳ vết không hay liên quan đến Thủ Thiêm (?).
Và từ nay, sẽ không còn thấy tin xấu về TP.HCM, nhất là liên quan đến lãnh đạo chủ chốt của thành phố hoặc do TW quản lý trên mặt báo, Facebook.
Đó là những gì có thể mường tượng về cách mà Luật An ninh mạng hiện diện, mà TP.HCM đang tiên phong áp dụng nó, nếu chúng ta vẫn thờ ơ.
Những Facebooker sẽ bị tuyên án tại tòa ngày một nhiều về sự bôi nhọ lãnh đạo hay gây ảnh hưởng đến môi trường an ninh mạng, hoặc bất kỳ một tội trạng nào được áp dụng nếu như nó khiến chạm vào vùng cấm: giải thiêng một chính quyền.
Quay trở lại với Luật An ninh mạng đang thành hình, điều đáng sợ là nó lột trần toàn bộ quyền riêng tư của một công dân trong xã hội. Hiểu nôm na, bất kỳ những gì bạn chia sẻ, tất cả những website đã vào, những hình ảnh bạn chụp, hay bạn có bao nhiêu đồng trong tài khoản và dùng nó vào việc gì đều bị thâu tóm trong cái gọi là trung tâm dữ liệu do Bộ Công an xây dựng.
Nó không phải là con ‘ngáo ộp’ mà là sự thật, điều đó khiến bản thân không ít người liên đới đến chính trị - xã hội như Facebooker Huy Đức phải liên tục ra bài để cảnh giác, đánh thức không ít người về độ nguy hiểm của nó.
Coòn riêng Kỹ sư Dương Ngọc Thái, người từng có bài viết phản biện về dự Luật An ninh mạng ngay từ thời đầu, người tham dự 100 nhân tài Việt Nam ở Hà Nội đã buộc phải thốt lên trong chia sẻ ở trang cá nhân của mình: Dự thảo nghị định hướng dẫn Luật An ninh mạng đề ngày 03/10/2018 [1] còn nặng nề tăm tối hơn cả luật. Cái giá của tự do quả là một sự cảnh giác vĩnh cửu, hở ra một chút là mất.
Theo kỹ sư này, Luật An ninh mạng nếu được áp dụng theo Hướng dẫn của Bộ Công an không những không đem lại lợi ích an ninh mạng thuần túy, mà còn xâm hại nghiêm trọng đến quyền riêng tư và những lợi ích kinh tế, ngăn cản trầm trọng sự hội nhập và sự phát triển internet tại Việt Nam.
Nhà báo Phạm Việt Thắng, người có nhiều năm kinh nghiệm trong cảm nhận chính trị Việt Nam cũng bày tỏ sự bi quan, Luật An ninh mạng chính là Luật nhốt mình. Và ông cho rằng, khi TBT Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh ‘Luật ANM là để bảo vệ chế độ’, ông đồng thời truyền đạt cứng cho cấp dưới phải làm mọi cách để ‘bảo vệ’, còn các thứ khác là không quan trọng.
Nhưng vấn đề, dân vẫn bị cuốn vào vòng xoáy ‘Mỹ Linh và nhà hát 1.500 tỷ’, còn cảnh bị ‘lột truồng thông tin’ sắp tới thì lại vô cùng thờ ơ.
A.L.
VNTB gửi BVN.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét