Thứ Tư, 31 tháng 7, 2019

20190731. PHẢN ỨNG VỀ VỤ BÃI TƯ CHÍNH

ĐIỂM BÁO MẠNG
NGƯỜI DÂN THỜ Ơ VỚI CHỦ QUYỀN LÃNH THỔ Ư ?

FB BẠCH HOÀN/ BVN 29-7-2019


Năm 1400, Hồ Quý Ly lập ra nhà Hồ, ngồi lên ngôi vua chưa ấm chỗ đã bắt dân khai sổ bộ, người trẻ thì bị bắt đi lính đánh Chiêm Thành, người già thì đi lao dịch xây kinh đô mới ở Thanh Hoá.
Năm 1406, khi nhà Minh đưa quân xâm lược, cha con nhà Hồ chưa đánh đã thua, bỏ thành chạy dài vào đến Hà Tĩnh thì bị bắt giải về Nam Kinh.
Hồ Quy Ly bại trận, nước mất nhà tan, cũng chỉ vì lòng dân oán hận.
Gương xưa còn đó.
Nay, ở Bãi Tư Chính - vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, tàu Hải Dương địa chất 8 của Trung Quốc đã ngang nhiên thực hiện thăm dò địa chấn. Đó là hành vi xâm phạm chủ quyền một cách trắng trợn mà không luận điệu nào có thể chối cãi.

Tuy nhiên, khác với tất cả những lần xâm phạm chủ quyền biển đảo của Việt Nam mà Trung Quốc thực hiện trước đây như: cắt cáp tàu Bình Minh của Việt Nam, giàn khoan Hải Dương 981 khoan thăm dò dầu khí ngoài khơi biển Đà Nẵng... lần này người dân không xuống đường biểu thị thái độ với nhà cầm quyền phương Bắc. Bất chấp báo chí trong nước đã được bật đèn xanh để ra lời kêu gọi nhân dân đồng lòng vì phẩm giá quốc gia.
Người dân bây giờ không còn yêu nước ư? Người dân thờ ơ với chủ quyền lãnh thổ ư? Người dân không còn quan tâm đến vận mệnh quốc gia ư? Người dân đớn hèn, nô lệ ư?
Lịch sử bao đời nay đã chứng minh một điều rằng, nằm bênh cạnh một quốc gia lớn luôn ôm dã tâm bành trướng và thôn tính, thì quân với dân phải một lòng, chính quyền phải dựa vào dân, lấy sức mạnh nhân dân làm sức mạnh quốc gia chống ngoại bang xâm lược.
Nhân dân vẫn yêu nước nồng nàn như thế. Nhân dân vẫn căm ghét bất cứ kẻ nào xâm phạm bờ cõi đất nước này. Với nhân dân, quốc gia vẫn là trên hết, toàn vẹn lãnh thổ vẫn là thiêng liêng và cao cả.
Nhưng, đã có quá nhiều người yêu nước bị báo chí chính thống chụp mũ, bị lực lượng dư luận viên, tuyên truyền viên mạt sát, thậm chí là đổ máu, là mất mát tự do, là tan nát cả đời người.
Yêu nước là tình cảm tự nhiên như máu thịt của mình. Những gì đã là máu thịt thì không bao giờ có thể cắt bỏ. Việc một bộ phận người dân không tha thiết với lời kêu gọi cùng đồng lòng bảo vệ phẩm giá quốc gia khi Hải Dương địa chất 8 xâm phạm chủ quyền là chỉ dấu về thực trạng chính trị mà ở đó lòng dân không phục.
Hồ Quý Ly mất lòng dân và để mất nước. Quyền lực ngai vàng không phải ở chiếc ghế, mà là quyền lực được thừa nhận bởi nhân dân. Vì thế, mất lòng dân là mất tất cả.
B.H.
Nguồn: FB Bạch Hoàn

BIỂU TÌNH HAY KHÔNG BIỂU TÌNH ? CÓ CÒN BIỂU TÌNH HAY KHÔNG ?

JACKHAMMER NGUYỄN / BVN 29-7-2019

Gửi cho Tiếng Dân từ San Francisco
Không có một cuộc biểu tình nào xảy ra dù là của Đảng Cộng sản tổ chức để phản đối Trung Quốc, trong khi vụ Tư Chính xảy ra gần cả tháng rồi.
Nhiều người Việt Nam hơi ngơ ngác hỏi nhau trên mạng: Tại sao không có biểu tình?
BBC tiếng Việt, ngày 23/7, chạy bài Bãi Tư Chính, không thấy có biểu tình phản đối Trung Quốc. Dường như theo nội dung bài này thì câu trả lời đã được tìm ra: Vì người dân cảm thấy lòng yêu nước bị lợi dụng.
Ba ngày sau, RFA tiếng Việt theo sau, viết một bài nội dung y hệt, tìm thấy câu trả lời cũng y hệt.
Tôi thì tôi thấy nguyên nhân có thể là phức tạp hơn.
Để có một cuộc biểu tình xảy ra cần có hai điều kiện liên quan với nhau: Mục đích của cuộc biểu tình và những người sẵn sàng biểu tình cho mục đích đó.
Biểu tình tại Việt Nam trong những năm vừa qua có những nguyên nhân sau đây, và cũng là mục đích, xếp theo thứ tự quan trọng: Chống Trung Quốc, Đòi đất đai, Chống ô nhiễm môi trường, Đòi tăng lương.
Đương nhiên đây là nhận xét chủ quan của tác giả.
Mục đích chống Trung Quốc được mọi người đồng ý dễ dàng với nhau là nguyên nhân lớn nhất, nó kích thích tinh thần dân tộc chủ nghĩa của người Việt Nam chống phương Bắc, vốn có lịch sử cả ngàn năm nay.
Cuộc biểu tình lớn nhất xảy ra vào năm ngoái, 6/2018, được xem là cuộc biểu tình lớn nhất từ năm 1975 đến nay, chống Dự luật Đặc khu và Luật An ninh mạng. Mà Dự luật Đặc khu và Luật An ninh mạng này được Đảng Cộng sản đang cai trị soạn thảo. Người dân thấy rằng không có con đường nào khác là phải lên tiếng.

Người dân biểu tình phản đối Dự luật Đặc khu và Luật An ninh mạng. Photo Courtesy
Khi những tin tức đầu tiên về vụ Tư Chính được đưa ra, dù không phải là chính thống, người ta thấy rằng nhà nước Việt Nam đã có nỗ lực đương đầu với người Tàu ngoài biển. Người ta vừa đồn đoán với nhau về chuyện gì đang xảy ra một vài ngày, thì đùng một cái báo chí nhà nước được phép đưa tin một cách rầm rộ, rồi việc phản đối bằng công hàm cũng được đưa tức thì.
Ngòi nổ được tháo đúng lúc.
Đảng Cộng sản đã thành công lần này trong việc không để cho những cuộc tụ tập không do họ kiểm soát, điều họ sợ nhất trên đời, xảy ra.
Một viên chức ngoại giao nói với tác giả, rằng ông thở phào nhẹ nhõm khi nghĩ tới cuộc biểu tình chống Trung Quốc trong vụ giàn khoan Hải Dương năm 2014. Trong cuộc biểu tình này đã có người Tàu bị thiệt mạng, nhiều cơ sở của họ bị đập phá. Người ta nói với tôi rằng, người Tàu đã làm áp lực đưa tàu của họ vào để chuyển công dân của họ đi. Việc đó cuối cùng không xảy ra.
Đó là mục đích. Mục đích biểu tình không còn, thì đương nhiên không có biểu tình.
Hơn nữa, tôi đặt câu hỏi cho loại nguyên nhân thứ hai: Còn có ai sẵn sàng đi biểu tình không?
Từ những cuộc biểu tình đầu tiên diễn ra vào những năm 2000, tại Việt Nam đã hình thành một tầng lớp đối kháng, mà một số đông được qui tụ trong các tổ chức dân sự, thậm chí các đảng phái chính trị. Những người này hoạt động rất tích cực trong những cuộc biểu tình, trong những kháng nghi thư, trong những bình luận phản kháng trên mạng xã hội.
Dĩ nhiên là Đảng Cộng sản rất không thích những tổ chức mà họ không kiểm soát. Do đó nhiều cố gắng liên tục được đảng thực hiện để làm suy yếu các tổ chức này. Với bộ máy công an khổng lồ, quyền lực không giới hạn, đảng đã thành công trong việc phá hoại các tổ chức này. Nhiều người bị bắt bỏ tù, nhiều người bị trục xuất ra khỏi Việt Nam.
Theo ý kiến chủ quan của tôi, vụ Tư Chính lần này đánh dấu một bước lùi của phong trào đối kháng Việt Nam, vì họ không còn ai nữa.
Song song với việc bố ráp, bắt bớ, mà đỉnh cao là vụ đàn áp khốc liệt sau vụ biểu tình chống luật đặc khu vào tháng 6/2018, Đảng Cộng sản dường như đã kiểm soát được mạng xã hội, hay ít nhất họ thấy rằng, điều lo ngại về một cuộc cách mạng Facebook, từa tựa Mùa xuân Ả Rập, đã không xảy ra. Mà ngược lại, dường như Facebook lại đóng một vai trò van xả hơi của những bực bội trong xã hội.
Người ta nói rằng, Việt Nam có rất nhiều tài khoản Facebook, nhưng nếu chúng ta quan sát kỹ, và hãy đặt câu hỏi khu vực Facebook của những người đối kháng là bao nhiêu? Tôi cho rằng không nhiều.
Khu vực này không chồng lên các khu vực khác như là bán hàng, làm đẹp, nấu ăn, văn nghệ thể thao,… Tức là nó hình thành nên một cái mà người phương Tây gọi là Echo Chamber, tạm gọi là Phòng cách âm, chúng ta nói chúng ta nghe với nhau.
Nhưng tôi cho rằng, Đảng Cộng sản cũng có ngó vào cái phòng cách âm đó, để điều chỉnh hành động của họ, tháo van kịp thời.
Bày tỏ trên Facebook rồi thì nhu cầu xuống đường có thể đã giảm đi một ít.
Tại sao không còn những người sẵn sàng biểu tình nữa, nếu phán đoán của tôi là đúng?
Người ta nói rằng, sự thay đổi chỉ có thể xảy ra khi xã hội có một tầng lớp trung lưu đủ mạnh và độc lập. Việt Nam không có tầng lớp ấy.
Khi Việt Nam bắt đầu cải cách kinh tế cách đây hơn 30 năm, người ta đã hy vọng một tầng lớp trung lưu độc lập hình thành. Hơn một thế hệ đã sinh ra và lớn lên nhưng điều đó đã không xảy ra.
Giới trung lưu Việt Nam đa số sống trong các thành thị lớn, cuộc sống của họ khá hơn rất nhiều so với đại đa số cư dân nghèo khó ở nông thôn. Họ không có nhu cầu phải thay đổi. Ờ, thì không khí có ô nhiễm, tham nhũng có làm cho họ bực bội, nhưng họ vẫn thấy họ rất vững vàng. Chưa nói đến chuyện tầng lớp này lại đang gắn chặt vào sự nhũng lạm có tính cách hệ thống hiện nay.
Chẳng lẽ bức tranh dân chủ hóa Việt Nam lại u tối như thế ư? Và phải chăng Đảng Cộng sản Việt Nam hoàn toàn yên tâm, vì không còn nguyên nhân biểu tình mà cũng không có người biểu tình nữa?
Trong thời gian gần đây, người ta hay nói đến chuyện Việt Nam đang trôi về phía Mỹ, xa rời Trung Quốc trong cuộc cạnh tranh quyền lực giữa hai cường quốc này. Nếu điều này đúng thì quả là mục đích chống Trung Quốc không còn nữa.
Nhưng nguyên nhân của biểu tình, lần này là những bất ổn xã hội, vẫn còn đó. Đó là nông dân vẫn mất đất đai và công nhân vẫn bị bóc lột thậm tệ. Hai điều nói trên tồn tại song song với sự cai trị độc quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Đảng Cộng sản không thể nào ngăn chận cán bộ của mình cướp đất đai của dân chúng, khi mà họ một mình một chợ, không ai kiểm soát quyền lực của họ cả.
Đảng Cộng sản không thể nào ngăn chận công nhân bị bóc lột khi mà họ không có nghiệp đoàn tự do.
Đảng Cộng sản không thể nào kiểm soát quyền lực của chính họ.
Cách đây hơn chục năm, khi hòa bình ở Bắc Ái Nhĩ Lan và xứ Basque được tái lập, với những vị dân cử của họ ra chấp chính ở Quốc hội, một người bạn Pháp có nói với tôi rằng: Chẳng phải là chửi nhau bằng mồm trong Quốc hội là tốt hơn chửi nhau bằng lựu đạn ngoài phố hay sao?
Tôi xin hỏi Đảng Cộng sản Việt Nam, rằng bà Cấn Thị Thêu có xứng đáng được đại diện ít nhất là cho người dân ngoại thành Hà Nội hay không?
Bà Nguyễn Ngọc Như Quỳnh có xứng đáng được đại diện cho người dân thành phố Nha Trang hay không?
Hai người đà bà ấy nào có muốn xuống đường biểu tình rồi bị tù tội!
Việt Nam vẫn không có những người chấp chính được dân bầu lên. Trong khi người Việt không thiếu những người giỏi giang có thể đại diện cho toàn dân.
J.N.

KIỆN TRUNG QUỐC: BÂY GIỜ HOẶC KHÔNG BAO GIỜ !

TÂM DON/ BVN 29-7-2019

Vào năm 2013, Philipiness đã kiện Trung Quốc ra Tòa Thường trực Quốc tế ở Hà Lan (PCA). Vào năm 2014, Việt Nam cũng đã có động thái kiện Trung Quốc ra PCA để bảo vệ chủ quyền biến đảo của mình. Nhưng tất cả chỉ vẫn là động thái, mặc dù vào năm 2016, PCA đã ra phán quyết xác định Đường lưỡi bò - Đường chín đoạn mà Trung Quốc tự ý vẽ ra là phi lý và bất hợp pháp. Trung Quốc đang ngang ngược xâm phạm chủ quyền của Việt Nam ở bãi Tư Chính và lô 06.01, tại sao Việt Nam chỉ phản ứng yếu ớt và không kiện Trung Quốc ra tòa quốc tế?
Tòa Thường trực Quốc tế ở The Hague - Hà Lan.

Trước việc Trung Quốc ngày càng thể hiện sự ngang ngược và tham lam đối với Biển Đông, Philipiness đã nhanh chóng kiện Trung Quốc ra Tòa Thường trực Quốc tế ở Hà Lan (PCA). Vào tháng 6-2016, tòa này đã đưa ra phán quyết cực kỳ quan trọng: Đường lưỡi bò hay còn gọi là Đường chín đoạn mà Trung Quốc đưa ra là một đòi hỏi hoàn toàn vô lý và ngang ngược. Dù phán quyết của tòa này không có chế tài, nhưng nó là cơ sở khoa học và pháp lý buộc hai bên Trung Quốc và Philipiess tuân thủ. Sau phán quyết của PCA, Trung Quốc tuy lớn tiếng phủ nhận nhưng ngay lập tức sự hung hăng và ngang ngược đã giảm xuống rất nhiều lần.
Kiện Trung Quốc ra tòa quốc tế để bảo vệ chủ quyền lãnh hải là một phương án đã được Việt Nam tính tới. “Việt Nam đã nhiều lần khẳng định sẽ sử dụng các biện pháp hòa bình để bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của mình. Biện pháp pháp lý là biện pháp hòa bình và văn minh được Hiến chương của Liên Hiệp Quốc (LHQ) ủng hộ. Vì vậy, Việt Nam không loại trừ các biện pháp pháp lý và Việt Nam sẽ cân nhắc kỹ lưỡng thời điểm thích hợp để khởi kiện Trung Quốc” - Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình khẳng định tại cuộc họp báo thường kỳ chiều 3-7-2014 ở Hà Nội, dẫn theo báo Người Lao Động. Cũng đã có nhiều ý kiến tại Việt Nam kêu gọi Chính phủ Việt Nam nên quốc tế hóa việc giải quyết yêu cầu chủ quyền tại Biển Đông.

Năm năm sau, vào tháng 6 và tháng 7-2019, tàu thăm dò địa chất Haiyang Dizhi 8 và tàu cảnh sát biển Trung Quốc lại ngang ngược xâm phạm và khiêu khích chủ quyền lãnh hải của Việt Nam tại bãi Tư Chính và lô 06.01. Phản ứng của phía Việt Nam thật rụt rè và yếu ớt. Mãi đến ngày 17-7, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao chỉ dám gọi tàu “của nước ngoài” xâm phạm lãnh hải Việt Nam mà không kèm theo thông tin chi tiết nào. Sau đó vào ngày 19-7, có lẽ trước áp lực quá mạnh của mạng xã hội, Bộ Ngoại giao đã chỉ đích danh tàu của Trung Quốc với những thông tin chi tiết hơn, và lời phản đối mạnh mẽ hơn.
Cần phải đặt ra câu hỏi: sự phản đối khá mạnh mẽ liệu có thực chất và giải pháp tiếp theo của Việt Nam là gì? Tại sao vào tháng 7-2017, Việt Nam chấp nhận yêu cầu của Trung Quốc trong việc yêu cầu hãng Repsol hủy dự án Cá Rồng Đỏ tại lô 136.03, đồng thời im lặng về vụ việc cay đắng này? Tại sao tiếp đó, vào tháng 3-2018, Việt Nam lại chấp nhận yêu cầu của Trung Quốc yêu cầu hãng Repsol hủy dự án tại lô 07.03, đồng thời tiếp tục im lặng về vụ việc cay đắng này?
Việc Việt Nam chấp nhận hai yêu cầu của Trung Quốc đối với lô 136.03 và lô 07.03 có thể làm Việt Nam mất chủ quyền đối với hai lô này, và qua đó sẽ mất chủ quyền đối với nhiều lô dầu khí khác. Việt Nam có 67 lô dầu khí nằm lọt thỏm trong đường lưỡi bò mà Trung Quốc ngang ngược nêu ra. Nếu Việt Nam cay đắng chấp nhận mất hai lô, Việt Nam có thể mất thêm nhiều lô khác trước những đòi hỏi ngày càng mang tính cơ bắp và trắng trợn của Trung Quốc.
Nếu liên kết việc Repsol phải hủy hai dự án vào năm 2017 và 2018 với phản ứng của Bộ Ngoại giao Việt Nam vào ngày 20-7 vừa qua, có thể đi đến khẳng định rằng, Bộ Ngoại giao Việt Nam chỉ phản ứng chiếu lệ, và Việt Nam chưa có chiến lược rạch ròi, thông suốt để bảo vệ chủ quyền của mình ở Biển Đông.
Trong bài viết “Không chấp nhận thông điệp 'cơ bắp' của Trung Quốc” được đăng tải trên Tuổi Trẻ online vào trưa ngày 23-7, giáo sư- TS James Kraska của Trung tâm luật quốc tế Stockton (Đại học Hải chiến Mỹ) cũng xác định Bộ Ngoại giao Việt Nam “vốn có xu hướng ôn hòa trong các bất đồng cùng người hàng xóm khổng lồ này”.
Từ năm 2014 đến năm 2019 là một khoảng thời gian không dài nhưng cũng không ngắn. Trong khoảng thời gian đó, Philipiness đã đạt được điều mình cần từ tòa quốc tế. Nhưng 5 năm sau lời tuyên bố của ông Lê Hải Bình, Việt Nam vẫn chưa tỏ rõ động thái để kiện Trung Quốc ra tòa quốc tế.
Trong bài viết “Không chấp nhận thông điệp 'cơ bắp' của Trung Quốc” được đăng tải trên Tuổi Trẻ online vào trưa ngày 23-7, giáo sư- TS James Kraska của Trung tâm luật quốc tế Stockton (Đại học Hải chiến Mỹ) , một người Mỹ xa lạ, đã chỉ đường cho Việt Nam: “Điều thứ hai Việt Nam và các nước có thể làm là quốc tế hóa tranh chấp, để soi rọi vào hành vi của Trung Quốc, thông qua việc kiện Trung Quốc ra một tòa trọng tài có khả năng cưỡng chế, đồng thời cổ vũ các nước bên ngoài khu vực tham gia vào vấn đề này”.
Chính giới Mỹ cũng đã lên tiếng ủng hộ Việt Nam và phản đối hành vi ngang ngược của Trung Quốc ở bãi Tư Chính. Vào ngày 26-7, Hạ nghị sĩ Eliot L.Engel, chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ, đã ra tuyên bố về sự can thiệp của Trung Quốc vào vùng biển do Việt Nam kiểm soát và nhận định đó là “sự hung hăng”. Tuyên bố đăng trên trang chính thức của ông Engel cho rằng: “Sự hung hăng gần đây của Trung Quốc ở Biển Đông là một minh chứng đáng lo ngại về việc một quốc gia công khai bỏ qua luật pháp quốc tế”.  Hạ nghị sĩ Engel cho rằng cách hành xử của Bắc Kinh cũng đe dọa lợi ích của các công ty Mỹ đang hoạt động tại khu vực: “Theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982, các hành động của Trung Quốc là một sự vi phạm chủ quyền của Việt Nam và các quyền hợp pháp của quốc gia này trong Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ)” .
Nếu Việt Nam không nhanh chóng kiện Trung Quốc ra tòa quốc tế, Việt Nam đã vô tình tiếp tay cho các vi phạm ngày càng nghiêm trọng của Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông.
T.Đ.
VNTB gửi BVN.

VIỆT NAM ĐÃ BỎ QUA NHIỀU CƠ HỘI KIỆN TRUNG QUỐC ?

PHẠM CHÍ DŨNG/ VOA/ BVN 31-7-2019



Tàu thám hiểm "Hải Dương Địa Chất 8" của Cục Khảo sát Địa chất Trung Quốc (Ảnh: China Geological Survey)

Chỉ tính từ năm 2011 khi nổ ra vụ tàu Bình Minh 2 của Việt Nam bị tàu hải giám Trung Quốc cắt cáp - một cách côn đồ và mặt lạnh không kém cái cách cả hai chính quyền độc đảng độc trị này luôn thẳng tay đàn áp dân chúng và những tiếng nói phản đối, cho tới nay Hà Nội đã bỏ qua rất nhiều cơ hội để có thể kiện Bắc Kinh ra tòa án quốc tế về các vụ xâm nhập ‘vùng biển chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam’.

‘Tổng tịch’ nói gì?

Mùa mưa bão tháng 7 năm 2019, một lần nữa cơn sóng lừng mang tên Hải Dương của Trung Quốc lại chực chồm lên ‘thuyền nan đòi ra biển lớn’ của Hà Nội, áp thể chế này vào cái thế một lần nữa phải tính đến việc kiện Trung Quốc, hoặc ít nhất cũng lấp ló khả năng kiện tụng ra trước công luận nhằm xoa dịu phản ứng của dư luận xã hội về một chế độ chỉ biết ‘hèn với giặc, ác với dân’.
Thêm một lần nữa trong nhiều lần, một ít chuyên gia và cũng chỉ một ít tờ báo nhà nước - thật sự sốt ruột trước cảnh ‘trùm mền’ của giới chóp bu Việt Nam - đã phải liệt kê hàng nửa tá cơ sở cho triển vọng ‘Việt Nam sẽ chắc thắng nếu kiện Trung Quốc’.
Người ta cũng không khỏi xót ruột khi chứng kiến hình ảnh ‘tái xuất’ của nhân vật ‘tổng tịch’ Nguyễn Phú Trọng vào đúng thời điểm tàu thăm dò địa chất Hải Dương - 8 và nhiều tàu hải cảnh hộ vệ của Trung Quốc vẫn vờn qua vờn lại ngay trong vùng lãnh hải Việt Nam ở khu vực Bãi Tư Chính, còn hàng đàn máy bay SU-35 của Trung Quốc thi nhau diễu hành ở Biển Đông, nhưng trên phương diện cần có những phát ngôn công khai để thông tin về cái gì đang xảy ra, hay dù chỉ để trấn an dư luận, thì Trọng lại tuyệt đối nín lặng.
Thay vào đó, ‘bậc nhân kiệt thế thiên hành đạo’ gặp gỡ ‘100 cán bộ công đoàn tiêu biểu’ với lời nhắc nhở “Tuyệt đối không để các thế lực thù địch lợi dụng lòng yêu nước chân chính của công nhân, người lao động, kích động, lôi kéo biểu tình, tụ tập gây rối, làm mất an ninh, trật tự, gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc”.
Dù không một lời dám đả động đến vụ Hải Dương - 8 và cái cách mà Tập Cận Bình đang chễm chệ ngự ngay trong ngôi nhà Việt Nam không cần phải xin phép, Nguyễn Phú Trọng rõ ràng đã đủ can đảm ám chỉ đến vụ gây rối mang tính bạo động của công nhân - được dẫn dắt và chỉ huy bởi những kẻ giang hồ không rõ danh tính và có thể chẳng bao giờ được công an tiết lộ danh tính - hung hãn lao vào đập phá các nhà xưởng của nhiều doanh nghiệp ở hai tỉnh Bình Dương và Đồng Nai vào tháng 5 năm 2014, như một cách phản ứng có bàn tay ngầm chỉ đạo, nhưng không rõ là thuận hay nghịch với vụ giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc lao vào vùng hải phận của Việt Nam trên Biển Đông như một cái tát tai nảy lửa vào mặt toàn bộ Bộ Chính trị và Bộ Quốc phòng Việt Nam.
Sau đó, mọi thứ chìm vào im lặng… Một không khí im lặng của bất lực trước kẻ thù nhưng bất cần trước dân chúng.

Người Philippines quỳ hay đứng?

Trong vụ Hải Dương 981, Bộ Chính trị Việt Nam - nghe nói đã họp nhiều lần về Biển Đông và về ý định liên kết với người Philippines theo một đề nghị của Manila về cùng đối phó Trung Quốc - vẫn như gà mắc tóc. Thậm chí kỳ họp giữa năm 2014 của Quốc hội Việt Nam đã khiến hàng chục ngàn người đổ ra đường biểu tình phản đối Trung Quốc ở Sài Gòn và Hà Nội phải phẫn nộ: ở mức độ tối thiểu cần có một bản nghị quyết về Biển Đông, Quốc hội Việt Nam vẫn tuyệt đối câm nín.
Song hiện thực ngược ngạo là không phải “láng giềng gần” Trung Quốc mà chính những “bà con xa” như người Mỹ và những quốc gia đồng minh quân sự với Mỹ như Nhật Bản và Philippines lại trở thành giá đỡ cho tinh thần suy sụp của giới lãnh đạo Việt Nam. Vào tháng 7 năm 2014, không phải Quốc hội Việt Nam mà chính Quốc hội Hoa Kỳ lần đầu tiên tung ra một nghị quyết mạnh mẽ về Biển Đông như một đòn dằn mặt tham vọng của Trung Quốc.
Cũng kể từ giữa năm 2014, Philippines bắt đầu đạt được tiến bộ khả quan tại Liên Hiệp Quốc trong vụ kiện đường lưỡi bò của Trung Quốc. Tháng 8 năm 2014, Philippines mạnh tay đưa 12 ngư dân Trung Quốc ra tòa để tuyên phạt nhiều năm tù vì đánh bắt hải sản trái phép trong vùng biển thuộc chủ quyền của nước này. Sau sự kiện chấn động đó, Bắc Kinh đã không hề lồng lộn lên như vẫn thường đối xử với Hà Nội.
Bản lĩnh vượt mặt Việt Nam ấy không phải mang tính đột biến mà được tích lũy qua thời gian. Sau vụ “bắt Trung Quốc” trên, Manila đã có một hành động pháp lý vượt hơn hẳn cao vọng “kiện Trung Quốc” của giới đảng, nhà nước và chính phủ Hà Nội: Philippines đã chính thức kiện Bắc Kinh ra tòa án quốc tế và đã giành được thắng lợi.
Nhưng hoàn toàn tương phản với thế đứng dũng mãnh của người Phi, từ đó tới nay giới chóp bu Việt Nam đã không có bất cứ động tác đủ kiên quyết nào kiện Trung Quốc ra Tòa án quốc tế về “Đường lưỡi bò”. Về thực chất, Việt Nam đã lỡ mất cơ hội và gần như vẫn nằm nguyên trong mớ lục đục tủi hổ.
Giờ đây, sự thể đang dồn lên vai chính thể Việt Nam tất cả những gì tối thiểu thuộc về danh thể. Mãi cho tới gần đây, điều đáng phẫn nộ là xã hội Việt Nam vẫn phải thưởng thức món ăn từ ngữ “tàu lạ” của loa tuyên giáo mà không thoát nổi cơn nghẹn họng. Không có bất cứ động tác truy xét nào mà từ đó tìm ra được dung nhan kẻ gây hấn giết hại ngư dân, các cơ quan hữu quan Việt Nam đã quỳ mọp trong nỗi xấu hổ và tự ti vô cùng tận trước thế đứng thẳng người của đất nước Philippines.

‘Chống giặc bằng cờ, chống ngập bằng lu…’

Khi không khí “kiện Trung Quốc ra Tòa án quốc tế” đã dần lịm tăm, những tin tức về ngư dân Việt Nam bị phá sản lại càng lan truyền khắp nơi. Không một vũ khí trong tay và còn chưa được vay vốn với lãi suất thấp để đóng tàu vỏ sắt như lời hươu vượn của giới quan chức cao cấp lẫn các đại gia ngân hàng “ngồi mát ăn bát vàng”, nhiều gia đình ngư dân Việt đang phải bó gối nhìn tôm cá lũ lượt chui vào lưới tàu Trung Quốc.
Rất nhiều lần người dân phải gào lên: Quân chủng Hải quân Việt Nam đã đầy “dũng khí bám bờ” như thế nào, trong lúc đồng bào ngư dân của họ vẫn phải kiên trì bám biển. Cái cách mà thỉnh thoảng chính quyền lại tặng/phát cờ đỏ sao vàng cho ngư dân bị xem là hình ảnh bôi bác nhất về tinh thần ‘bảo vệ Tổ quốc’.
Vụ giàn khoan Hải Dương 981 năm 2014, vụ Bãi Tư Chính các năm 2017, 2018 và giờ đây là 2019…, nhưng vẫn chẳng có bất kỳ dấu hiệu đáng được tin cậy nào cho thấy ‘đảng em’ Việt Nam dám lôi bộ hồ sơ từ ngăn kéo đầy bụi để đệ trình ra tòa án quốc tế để kiện ‘đảng anh’ Trung Quốc.
Trong lúc đó, ‘đối tác chiến lược toàn diện quan trọng nhất’ ở phương Bắc - như cách ca tụng ngút ngàn mây xanh của giới chóp bu Việt Nam cùng phụ họa bởi những quan chức ‘cõng rắn cắn gà nhà’ nhưng luôn giấu biệt mặt mũi, vẫn không ngớt hành hạ tinh thần và thể xác của ‘đứa con hoang đàng’ - một cụm từ miệt thị khinh bỉ mà Ủy viên Quốc Vụ Viện Trung Quốc là Dương Khiết Trì đã dùng để đặc tả những kẻ chỉ biết đi và nhận thức bằng đầu gối ngay tại Hà Nội vào năm 2014.
Giờ đây, trên khắp rẻo đất ‘lệ tuôn hình chữ S’ chỉ còn sôi réo câu vè dân gian ‘Chống giặc bằng cờ, chống ngập bằng lu, đứa nào nói đảng ngu là thằng phản động’…
P.C.D.
Bài đã đăng trên VOA
Tác giả gửi BVN

Thứ Ba, 30 tháng 7, 2019

20190730.BÀN VỀ KHÁI NIỆM 'NGUYÊN' VÀ 'CỰU'

ĐIỂM BÁO MẠNG
'NGUYÊN' VÀ 'CỰU'

NGUYỄN VĂN MỸ/ TBKTSG 27-7-2019



Bộ Chính trị kỷ luật cảnh cáo nguyên Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh. Vậy nên gọi ông Ninh là "cựu" hay "nguyên" mới chính xác?
Từ điển tiếng Việt định nghĩa “cựu” dùng để chỉ người từng giữ chức vụ đó nhưng nay đã nghỉ hẳn rồi, không còn làm việc nữa; “nguyên” dùng để chỉ người từng giữ chức vụ đó nhưng nay đã giữ chức vụ khác (nói chung là còn làm việc, chưa nghỉ). Hai từ này đồng nghĩa trong một số ngữ cảnh. Thực tế lại không như vậy trong văn viết và nói tại Việt Nam hiện nay.
Báo chí và các thông tin chính thống khi nhắc đến những vị lãnh đạo nước ngoài không còn tại nhiệm luôn ghi là “cựu” (cựu tổng thống, cựu thủ tướng, cựu nghị sĩ, cựu thị trưởng...). Các nhà lãnh đạo khác chính kiến cũng được gọi là “cựu” (“Cựu hoàng Bảo Đại”, “Cựu Phó tổng thống Việt Nam Cộng Hòa Nguyễn Cao Kỳ”...). Ngữ cảnh tương tự, khi nói về lãnh đạo Việt Nam hiện nay, báo chí và thông tin chính thống Việt Nam lại toàn dùng chữ “nguyên”, dù người được nhắc đến đã về hưu, thậm chí đã chết. Rất nhiều người không hiểu tại sao lại như vậy, không biết nguồn gốc, không rõ tự lúc nào.
Học sinh nêu thắc mắc thì thầy cô chỉ biết... đánh trống lảng. Có thể chính thầy cô cũng không biết, không hiểu thì làm sao giải thích cho học trò. Có người suy diễn rằng “cựu” là một từ nhạy cảm. Dùng từ này là kỵ húy, là bất kính với lãnh đạo vì cựu đồng nghĩa với cũ, đã qua, hết thời... Do vậy, cần phải dùng từ nào khác hay hơn, và từ “nguyên” là chọn lựa tối ưu vì nguyên là nguyên vẹn, chưa bị sứt mẻ (dù thực tế không còn như vậy), và khi đọc nghe cũng... vang hơn, không trầm như từ “cựu”(?)
Một số người còn cho rằng chỉ những cán bộ bị kỷ luật ở mức độ cách chức trở lên mới dùng từ “cựu” khi viết hay nói về họ. Đây là cách hiểu nguy hại, đầy cảm tính và miệt thị. Hiểu như vậy, chẳng lẽ tất cả các vị “cựu lãnh đạo” trên thế giới hoặc không cùng hệ thống chính trị với Việt Nam hiện nay đều bị kỷ luật?
Các sinh viên nước ngoài học tiếng Việt càng... “bó tay” với những cách dùng từ tréo ngoe như vậy. Tiếng Việt vốn đã phức tạp. Dân ngữ văn từng nói: “Phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam”. Xin đừng làm cho tiếng Việt rối rắm thêm và cần phải thống nhất cách dùng chứ không phân biệt đối xử. Càng không thể suy diễn xám xịt như kiểu lý giải về chữ “lon” của bà Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở thuộc Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch vừa qua.

NTB BÀN THÊM: Tiếng nước nào cũng có tính phong phú, uyển chuyển: một từ có thể nhiều nghĩa dùng tùy ngữ cảnh, tùy mục đích, tùy văn hóa của người dùng, người đối thoại...Hiện không có luật dùng từ (trừ các từ liên quan đến văn bản pháp luật cụ thể). Hoàn toàn nhất trí với tác giả về sự 'tréo ngoe' trong cách dùng từ 'nguyên' và 'cựu'. Nhưng cứ để thiên hạ thoải mái dùng từ đi, sẽ dễ biết họ là ai, muốn gì...