Thứ Sáu, 26 tháng 7, 2019

20190726. NỀN DÂN CHỦ ĐÀI LOAN

ĐIỂM BÁO MẠNG
CÂU CHUYỆN ĐÀI LOAN: BÀ THÁI ANH VĂN- TỔNG THỐNG ĐÀI LOAN - PHÁT BIỆU TẠI ĐẠI HỌC COLUMBIA Ở NEWYORK NGÀY 12-7-2019

FB KIM CHI/ BVN 24-7-2019


D:\Downloads\BVN\24-7\67302384_10219854659544805_7065275498896556032_n.jpg 
Được lời mời tới phát biểu ở đây, nơi tiền phong về tự do ngôn luận và sự đa dạng quả là vinh hạnh lớn lao.
Tôi tốt nghiệp trường Luật Cornell năm 1980, hôm nay trở lại môi trường đại học ở New York làm sống lại bao kỷ niệm. Đời sống ở New York những năm 1980 quả là đã mở mắt cho người sinh viên trẻ đến từ Đài Loan hồi đó chẳng thể nào dám coi là cái nôi của dân chủ. New York lúc đó với chuẩn mực về sự đa dạng cùng với các quan điểm khác nhau cùng tồn tại và hôm nay đứng đây tôi vui sướng thấy rằng điều này ở New York vẫn trường tồn và không hề thay đổi.
Câu chuyện về ‘sự thay đổi’ chính là điều tôi muốn nói hôm nay. Đó là câu chuyện Đài Loan. Đó là câu chuyện về một hành trình của hòn đảo không xa Trung Hoa lục địa đã tìm ra cho mình con đường dân chủ hoá và đã nêu tấm gương cho thế giới về bước đi lên tới nền dân chủ.
Trong thời kỳ đầu của sự quá độ về mặt chính trị, người ta bảo có dân chủ nào tồn tại được dưới cái bóng của Trung Quốc? Vậy mà Đài Loan hôm nay là biểu hiện của một xã hội dân chủ rộng rãi và hệ thống chính trị vững mạnh.
Người ta còn bảo hòn đảo tài nguyên hạn hẹp với số dân có 23 triệu người thì làm được trò trống gì trong nền kinh tế toàn cầu. Vậy mà nay chúng tôi đã trở thành đối tác kinh tế đứng thứ 11 trong số các đối tác lớn nhất của Hoa Kỳ.
Người ta còn nói các giá trị tiến bộ là sao mà bén rễ được ở xã hội Đông Á. Nhưng hôm nay tôi đứng đây là người phụ nữ đầu tiên làm Tổng thống Đài Loan, và chúng tôi là quốc gia đầu tiên ở châu Á thực hiện hợp pháp hoá hôn nhân đồng tính.

Câu chuyện Đài Loan có vẻ như là không thể nào thành công. Người ta còn bảo chúng tôi là thể hiện sự kỳ diệu của dân chủ, nhưng bản thân tôi không bao giờ tin rằng trên đời này có ‘sự kỳ diệu’ nào cả. Mà tôi tin vào ý chí của người dân, tôi đặt niềm tin vào tầm nhìn của nhân dân về một thế giới tốt đẹp hơn.

Cũng như nước Mỹ, con đường tiến lên dân chủ của chúng tôi cũng thật gian nan, cũng có máu đổ, cũng thật khó nhọc với bao mồ hôi và nước mắt của tiền nhân. Giờ đây thế hệ chúng tôi phải gánh vác trọng trách và tiếp tục gương cao bó đuốc soi sáng con đường cho các quốc gia vẫn đang trên hành trình hướng tới dân chủ.
Trọng trách trên vai chúng tôi thật nặng nề, và con đường đang đi đâu phải dễ dàng. Bởi những thử thách ở trước Đài Loan hôm nay lại hoàn toàn khác với những thử thách mà chúng tôi đã vượt qua trong những thập kỷ trước. Những thử thách ấy cũng là điều mà tất cả quốc gia dân chủ của thế giới trong thế kỷ 21 phải đương đầu. Vì sao như vậy? Bởi vì nền tự do trên thế giới hiện đang đứng trước sự đe doạ chưa từng có trong lịch sử.
Chúng ta thấy sự đe doạ đó đang diễn ra tại Hồng Kông. Vì không có phương tiện nào khác để lên tiếng, giới trẻ đã xuống đường để đấu tranh đòi tự do trong một xã hội dân chủ. Nhân dân Đài Loan chúng tôi sát cánh với những thanh niên dũng cảm ấy.
Kinh nghiệm của Hồng Kông với cái gọi là “một quốc gia, hai thể chế” là bài học cho thế giới thấy rõ hơn bao giờ hết rằng độc tài không thể nào cùng tồn tại với dân chủ. Khi có dịp là thể chế độc tài sẽ bóp chết dân chủ, chỉ cần một tia sáng yếu ớt hé lên ánh dân chủ thôi thì cũng đã bị dập cho phải tắt. Hành trình dân chủ có thể từ từ như giọt nước thấm vào đất, chỉ nhẹ như làn gió và dường như người ta không cảm thấy điều đó đang diễn ra.
Thử tưởng tượng: Bộ máy độc tài càng ngày càng làm cho đời sống con người bị bó chặt. Bỗng nhiên một ngày quán sách bị đóng cửa vì bán sách cấm. Bỗng nhiên người ta bị đưa đi thẩm vấn vì đã đăng bài trên mạng xã hội phê phán chính sách gì đó của nhà nước. Quý vị đang yên đang lành, bỗng dưng lại cảm thấy như bị một thế lực vô hình kiểm soát từng bước đi. Vậy là quý vị bắt đầu phải ngẫm lại để tự kiểm duyệt lời nói và cách tư duy của mình. Quý vị không dám bàn thế sự với bạn bè như trước vì sợ lời nói của mình sẽ bị ai đó nghe. Quý vị phải dành bao thời gian cảnh giác trước sau để được an toàn thì còn đâu thời gian để suy nghĩ về tương lai chi nữa.
Từ giảng đường Đại học Columbia đây, điều tôi đang nói có vẻ như lạ lùng lắm, như xa xôi lắm. Nhưng trên thực tế, tình cảnh ấy đang diễn ra ngay trước mắt. Bởi vậy chính lúc này đây, câu chuyện của chúng tôi, câu chuyện Đài Loan cần phải được thế giới nghe thấy. Đó là câu chuyện về sự kiên trì hướng tới dân chủ, là câu chuyện về lòng quyết tâm với mục tiêu dân chủ sẵn sàng vượt qua mọi trở lực. Câu chuyện của chúng tôi là câu chuyện tại sao các giá trị vẫn phải là nền tảng bền vững. Vực sâu ngăn cách sự khác biệt về chính trị và văn hoá nơi eo biển Đài Loan mỗi ngày mỗi sâu hơn. Mỗi ngày Đài Loan chọn cho mình tự do ngôn luận, quyền cho con người và nền pháp trị là mỗi ngày chúng tôi trôi ra xa hơn khỏi cái vòng ảnh hưởng của độc tài toàn trị.
Câu chuyện của chúng tôi, sự tồn tại của chúng tôi chính là điều đánh thức thế giới rằng dân chủ là tài sản quý báu nhất của chúng ta. Chúng ta phải bảo vệ dân chủ bằng mọi giá. Từng ngày từng ngày, Đài Loan đứng vững trên tiền tuyến của dân chủ, đương đầu với các thử thách mới đầy cam go, đầy khác biệt chỉ có ở kỷ nguyên công nghệ thông tin.
Nhưng chúng tôi không đơn độc. Thực tế là các quốc gia, dù lớn hay nhỏ, trên thế giới đều đang phải trong trận chiến chống lại sự xâm nhập trong cuộc chiến tranh kiểu mới về nhận thức từng ngày. Các chính phủ độc tài toàn trị muốn khai thác sự tự do ngôn luận đặc thù của xã hội dân chủ để gieo mầm chia rẽ chúng ta, những mong sẽ làm cho chúng ta phải nghĩ lại về hệ thống chính trị của mình và chúng ta sẽ mất đi niềm tin vào dân chủ. Đài Loan đã ở nơi tiền tuyến của cuộc chiến ấy ròng rã bao nhiêu năm rồi, nhờ đó mà chúng tôi cũng tích luỹ được nhiều kinh nghiệm để chia sẻ với thế giới.
Ở kỷ nguyên kỹ thuật số, thông tin sai sự thật có thể được biến hoá thành sự thật chỉ trong vài giờ đồng hồ. Nhưng thử thách lớn nhất để chống lại sự đe doạ này là chúng ta phải tìm được sự cân bằng giữa một bên là an ninh quốc gia và một bên là tự do ngôn luận. Ở Đài Loan, chúng tôi đã thực hiện các bước đầu tiên coi vấn đề này là chính sách ưu tiên.
Chúng tôi đã củng cố sức mạnh của hệ thống pháp lý nhằm xác định và ngăn cản sự lan toả của thông tin sai sự thật. Chúng tôi đang đi sâu vào vấn đề chống rò rỉ tin tình báo bởi các thế lực bên ngoài. Cùng với hệ thống chia sẻ tin tình báo mạnh mẽ hơn với các quốc gia khác, chúng tôi sẽ nâng cao được năng lực làm việc tốt hơn nhằm ngăn chặn các đe doạ loại này.
Nhưng dân chủ cũng phải đương đầu với các thử thách khác nữa, nhất là trong vấn đề lấy đòn bẩy kinh tế treo theo các điều kiện ngầm. Nhiều quốc gia trên thế giới đang bị người ta đặt vào vị thế phải chọn một bên là dân chủ, một bên là phát triển kinh tế và vấn đề lựa chọn thế nào là đúng lại càng ngày càng trở nên mù mờ hơn.
Nhưng khi nào tôi còn ở cương vị Tổng thống, thì Đài Loan sẽ còn tiếp tục chứng minh cho thế giới thấy rằng dân chủ và tăng trưởng kinh tế không chỉ có lợi cả hai mặt và là hai vấn đề thực sự gắn chặt với nhau. Nền kinh tế của chúng tôi đã từng rơi vào tình trạng bị lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc làm cho sự chủ động của chúng tôi bị giới hạn trong các vấn đề song phương. Trung Quốc đã triệt để khai thác sự lệ thuộc này, lấy đó làm phương tiện xâm nhập xã hội chúng tôi, nhằm tạo cơ sở làm con bài để mặc cả đòi chúng tôi phải lấy nền dân chủ của mình ra để đánh đổi. Nhưng Đài Loan đã quyết tâm theo đuổi con đường khác để phát triển kinh tế. Nền dân chủ sẽ ý nghĩa gì nếu để mất đi mảnh đất gieo mầm cho sự sáng tạo và nuôi dưỡng ý tưởng mới được trở thành hiện thực?
Chúng tôi đã dấn bước cải cách nền kinh tế, tạo môi trường thuận lợi cho việc đầu tư dễ dàng nhờ đó đã đạt được con số kỷ lục các công ty Đài Loan trở về. Cũng nhờ thế mà các công ty nước ngoài, nhất là các công ty lớn cũng mở rộng đầu tư và hoạt động tại Đài Loan. Chỉ trong năm nay, các công ty này đã đầu tư hàng tỷ đô la Mỹ vào nền kinh tế của chúng tôi và tạo ra hàng vạn việc làm. Dòng chảy đầu tư sẽ tiếp tục tăng mạnh trong những năm trước mắt.
Chúng tôi đã làm việc không mệt mỏi để đóng vai trò tích cực xây dựng trât tự thương mại khu vực dựa trên các quy định pháp luật và xây dựng mối quan hệ thương mại vững mạnh hơn với các thị trường ở vùng Nam Á và Đông Nam Á. Chính sách mới của chúng tôi hướng về phía Nam đã mang lại mức tăng trưởng vượt bậc ở khu vực trong ba năm qua và điều quan trọng hơn nữa đó là sự tăng trưởng thực sự bền vững.
Trong khi nhiều quốc gia trên thế giới bị rơi vào hoàn cảnh là nạn nhân của cái bẫy vốn vay, chúng tôi trụ vững với chính sách nhấn mạnh sự hợp tác phải là sự phát triển bền vững cho cả đôi bên, và các quốc gia đối tác của chúng tôi ở Nam Á và Đông Nam Á là minh chứng cho sự có lợi của cả hai bên trên cơ sở đó.
Trong khi Trung Quốc tập trung vào thủ đoạn cướp giật đồng minh của chúng tôi nhằm cô lập chúng tôi, chúng tôi vẫn kiên quyết thực hiện các dự án với mục tiêu làm sao cho cả hai bên đối tác đều phải trở thành các quốc gia tốt hơn cho đời sống con người. Chúng tôi cũng đang giúp cho các quốc gia trên thế giới xây dựng năng lực kinh tế và năng lực dân chủ nhằm tạo dựng lực lượng lao động sẵn sàng cho thế kỷ 21 với hệ thống hạ tầng rõ ràng về cấu trúc cơ bản và công nghệ số.
Một lần nữa, Đài Loan mang tới cho thế giới một hình mẫu về sự phát triển tích cực và phát triển tiến bộ. Chúng tôi từ chối bị thao túng bởi các hành vi đe doạ nhằm nuốt sống chúng tôi, và chúng tôi vẫn từng bước chứng minh rằng sự hợp tác thành thực và công khai sẽ mang lại kết quả thật sự và lâu dài.
Chúng tôi đã thành công trong lĩnh vực điều chỉnh để thích ứng với các thử thách đặt ra bởi cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, không phải vì chúng tôi bất chấp dân chủ mà chính vì chúng tôi có dân chủ nên mới thành công. Hệ thống dân chủ của chúng tôi đã làm cho chúng tôi trở thành quốc gia thân thiện với các các ý tưởng đa dạng và các phát kiến có đất dụng võ, tạo cho quốc gia có sự linh hoạt để phá đi những khuôn mẫu mòn mỏi nay đã lỗi thời.
Nhân câu hỏi quý vị đặt ra rằng làm thế nào để lựa chọn giữa dân chủ và tăng trưởng kinh tế, tôi xin đáp rằng sự lựa chọn đã rõ ràng: dân chủ và tăng trưởng kinh tế là hai mặt không thể tách rời.
Lịch sử đã cho chúng ta bài học rằng các quốc gia dân chủ có sức mạnh nhất khi thống nhất hành động và yếu nhất khi bị chia rẽ. Nếu không có Đài Loan, liên minh quốc tế giữa các quốc gia đồng chí hướng sẽ mất đi sự nối kết mấu chốt trong nỗ lực đảm bảo các giá trị của chúng ta sẽ được truyền lại cho các thế hệ tương lai.
Đài Loan hiên ngang là một minh chứng hiếm có về một quốc gia vừa đã từng nếm mùi độc tài chuyên chế nay lại là quốc gia tiên phong cho dân chủ trong thời hiện đại. Chính vì lẽ đó điều càng quan trọng hơn bao giờ hết là cộng đồng quốc tế hãy ủng hộ một Đài Loan tự do và dân chủ. Sự sống còn của Đài Loan không phải chỉ là trong mối quan hệ xuyên eo biển. Đài Loan là ngọn hải đăng của nền dân chủ ở vùng Ấn Độ -Thái bình dương, và cả thế giới đang theo dõi chặt chẽ những tiền lệ chúng tôi đặt ra cho tương lai của nền dân chủ.
Là một thành viên của cộng đồng thế giới các quốc gia đồng chí hướng, chúng tôi biết rằng chúng tôi không đứng một mình. Xin nhắc lại lời của Herbert Hoover “Tự do là cánh cửa mở ra đón ánh sáng của tinh thần nhân văn và nhân phẩm của con người”. Thử thách ở phía trước quả là không dễ dàng, nhưng cộng đồng quốc tế sát cánh với chúng tôi. Đài Loan luôn đứng vững với quyết tâm của mình. Cùng nhau, chúng ta sẽ làm cho ánh sáng của tinh thần ấy chiếu lên mọi nơi trên thế gian, chỉ cần rằng chúng ta chọn cách mở cánh cửa và trực diện với tương lai đang chờ phía trước.
Nguyên văn tiếng Anh: https://english.president.gov.tw/News/5776
Nguồn: FB Kim Chi

BIỂU TÌNH CÓ CẦN 'XIN' ?

AN VIÊN /BVN 25-7-2019

Sự kiện Trung Quốc xâm phạm Bãi Tư Chính khiến người dân Việt Nam sục sôi, tức giận. Trong bối cảnh đó, nhà thơ Thái Bá Tân đã lên tiếng bằng cách nói theo lối thơ của mình, trong đó ông “Xin bác Trọng cho phép / Người dân được biểu tình”.
https://1.bp.blogspot.com/-_hQIOI2_19I/XTcbanfdjtI/AAAAAAAADTc/kje439bRKfYskUZNWK-XuiqRPHa9-7pMACLcBGAs/s640/p1040299.jpg
Phóng viên Mai Quốc Ấn trong phản ứng có liên quan đã bày tỏ thẳng thừng trên Facebook cá nhân của mình.
“Còn việc đi biểu tình / Ấy là quyền Hiến định / Chứ không cần phải xin”.
Facebooker Mai Quốc Ấn còn đề cập đến tình trạng mà anh gọi là “nợ đọng Luật Biểu tình”, và anh cho rằng, ở tâm thế là người dân, với vai trò là “chủ xã hội” thì chúng ta nên hỏi chứ không phải xin “công bộc”.
Câu chuyện “đối đáp” qua lại giữa hai người, thuộc hai miền và hai độ tuổi khác nhau mở ra một cuộc tranh luận thú vị về việc, liệu rằng việc biểu tình có cần phải xin?
Biểu tình là quyền hiến định, để cùng với nhau, bằng cách ôn hòa bày tỏ chính kiến của mình. Theo một mô thức hợp pháp, thì chính quyền cấp phép cho đoàn người được tham gia tuần hành, biểu tình. Điều này nhằm giữ cho người biểu tình không gian tự do để diễn đạt, nhưng đảm bảo người biểu tình phản ứng một cách ôn hòa như đã cam kết. Điều này đồng nghĩa, quyền biểu tình được thiết lập thành luật ở bất kỳ quốc gia nào thì cũng luôn gắn với các cụm từ về “bày tỏ, phản kháng, phi bạo lực”. Và “xin giấy phép” luôn là thủ tục đầu tiên, để nhằm tạo không gian biểu tình.
Tuy nhiên, vì có luật, nên quyền biểu tình của thiết lập luôn cả quyền và trách nhiệm của các cơ quan công quyền, trong đó có các quy định chung về các bước dừng cuộc biểu tình nếu thấy xuất hiện các tình huống giới hạn (liên quan đến bạo lực, tội phạm, đạo đức, xâm hại quyền và tự do người khác), hỗ trợ các bước hợp lý để bảo vệ người biểu tình. Tuy nhiên, nhà nước không thể can thiệp vào quyền biểu tình, mặc dù họ không đồng ý với quan điểm của người biểu tình. Và những tình huống giới hạn biểu tình phải được tiến hành bằng các biện pháp ưu tiên như thuyết phục.
Ở đây, “xin phép” nhấn mạnh thủ tục pháp lý, thay vì “xin” - nhấn mạnh tâm thế “xin - cho”.
Luật Biểu tình đáng ra phải xuất hiện từ lâu, tuy nhiên, nó bị treo vì những lo ngại không cần thiết.
Lý lẽ về việc, đưa quyền thành luật có thể xuất hiện những hành vi xâm phạm nghiêm trọng, trong đó người biểu tình hoặc nhóm biểu tình có thể xâm phạm đất đai, phá vỡ hoạt động hợp pháp, đe dọa người khác và buộc họ gia nhập biểu tình. Một trong số đó bao gồm cản trở đường xá hoặc thực hiện các hành vi phá hoại nhằm vào các cửa hàng, trung tâm thương mại. Tuy nhiên, những lo ngại này là không xác đáng, bởi luật về biểu tình các quốc gia (ngay cả ở Châu Âu) cũng có những điều khoản nhằm quy kết một cuộc biểu tình không hợp pháp để từ đó có những biện pháp giải tán.
Trở lại vấn đề “lo ngại” nêu trên, thực tế đã cho thấy, vì không có Luật Biểu tình nên dẫn đến tiêu tốn một lực lượng an ninh - cảnh sát hùng hậu canh giữ nhà những người hoạt động và vận động dân chủ. Cũng vì không có Luật Biểu tình nên dẫn đến các phản ứng bạo lực của nhóm công quyền nhằm vào người biểu tình ở Tp. HCM, Tp. Hà Nội các năm trước. Tương tự, cũng vì thiếu luật nên dẫn đến các hoạt động bạo loạn vào năm 2014, các hành chặn đường ở một số tỉnh thành.
Bằng cách cấm đoán, thay vì quản lý bằng luật, những nhà lãnh đạo Việt Nam đã đưa bản thân quốc gia vào một thế khó. Nơi mà quyền biểu đạt được thực thi không đầy đủ, bạo lực trong các cuộc biểu tình không bị ngăn chặn, và các hệ quả phát sinh trên các mặt kinh tế - chính trị - xã hội vẫn liên tục diễn theo hướng ngày càng trầm trọng và khó kiểm soát hơn.
Nguyên nhân gốc được lý giải, đó là ngày càng có nhiều cuộc biểu tình thu hút người dân, và bằng cách nào đó nó thay đổi một thể chế, thậm chí là phá vỡ thời gian cầm quyền lâu dài của một cá nhân. Các cuộc biểu tình như thế, được báo chí tuyền truyền của Việt Nam gọi là “cuộc cách mạng màu”. Luật Biểu tình liên tục di dời qua các nhiệm kỳ Quốc Hội đã cho thấy, nỗi sợ cách mạng màu làm biến mất chế độ cao hơn việc “treo luật” làm phai màu tính chính danh của chế độ.
Sẽ khó có thể hình dung thực trạng, khi người dân khát khao được thể hiện sự phẫn nộ trước hành vi xâm phạm chủ quyền quốc gia Việt Nam của Trung Quốc bằng biện pháp biểu tình ôn hòa, thì nhà nước đã phản ứng bằng hàng rào sắt, xe buýt và nhóm côn đồ bịt khẩu trang, với xe loa phát, “đã có đường lối đúng đắn, người dân hãy bình tĩnh, chớ nghe lời xúi giục kẻ xấu”. Với cách “ứng xử bàn tay thép” như thế, thì liệu rằng, khi sơn hà nguy biến thực sự, thì làm sao động viên nhân dân “quyết mình cho tổ quốc, quyết sinh”?
Facebooker Hưởng Trịnh băn khoăn: “Cứ tự biểu tình ôn hoà phản đối quân xâm lược thì chính quyền bắt bớ đàn áp vậy khi có chiến tranh sao lại phải động viên nhân dân đánh giặc? Đồng ý đôi khi có những kẻ lợi dụng biểu tình làm chuyện xằng bậy, nhưng những kẻ đó có thể nhận biết và điều chỉnh bằng luật, quyền biểu đạt ý chí và nguyện vọng của nhân dân là quyền bất khả xâm phạm mà”.
Sự băn khoăn của Hưởng Trịnh là tâm trạng chung của nhiều người, và có lẽ, đến lúc cần phải lên tiếng trở lại, yêu cầu Nhà nước, một lần nữa, đảm bảo giá trị thực tế của Hiến Pháp 2013, trong đó đảm bảo rằng tất cả mọi người có quyền biểu tình ôn hòa (không vũ trang).
A.V.
VNTB gửi BVN

TRIẾT LÝ CỦA MẠNG XÃ HỘI LÀ GÌ ?

FB HUỲNH NGỌC CHÊNH/ BVN 25-7-2019

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2019/07/Hung.jpg
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng bộ 4T. Photo Courtesy

Vào năm 2006, Tổng Biên tập báo Thanh Niên hồi đó là ông Nguyễn Công Khế giao tôi sáng lập và phụ trách tờ báo mạng Thanh Niên Online (TNO).
Trên TNO, ngoài các trang quen thuộc như chính trị, xã hội, kinh tế, văn nghệ, thể thao…, tôi thiết kế thêm trang “Sinh Hoạt Cộng Đồng” và tôi đã bỏ hết tâm huyết vào xây dựng và quảng bá trang nầy rộng rãi đến với bạn đọc.
Triết lý của trang “Sinh Hoạt Cộng Đồng” là báo chí không phải chỉ để đăng các thông tin quan trọng và chỉ dành cho người làm báo mà dành cho cả bạn đọc tham gia vào với nhưng thông tin sinh hoạt đời thường của cá nhân. Đó là nơi dành riêng cho bạn đọc được đưa những thông tin sinh hoạt riêng tư như tin buồn, tin vui, tiệc tùng, sinh nhật, hình ảnh du lịch, hình ảnh đẹp, đăng thơ, ghi cảm nhận ngắn vv… vv…
Triết lý nầy không phải do tôi sáng tạo ra mà tôi bê về từ các báo địa phương ở Mỹ trong lần tôi được mời qua Mỹ tham quan các tòa soạn báo vào năm 2001. Nhiều tờ báo giấy địa phương ở Mỹ, thời đó có những trang dành riêng cho bạn đọc như vậy.
Sau vài tháng ra mắt, tờ TNO vươn lên đứng hàng thứ 3 về lượt view, theo xếp hạng của Alexa, chỉ đứng sau hai tờ báo mạng kỳ cựu là VNE và VNN. Đồng thời trang Sinh Hoạt Cộng Đồng cũng được nhiều bạn đọc quan tâm, nhiều hình ảnh tiệc tùng, sinh nhật, tin vui, tin buồn được gởi đến để đăng lên trang.
Tuy nhiên cũng vào thời điểm đó, một Phó Tổng biên tập vừa lên chức và được giao phụ trách trực tiếp tờ TNO, tức cấp trên trực tiếp kiểm soát tôi, không cho tôi toàn quyền nữa. Anh nầy rà soát hết các trang và nội dung của TNO rồi phán: Sinh Hoạt Cộng Đồng là cái gì? Tôi giải thích cho anh nghe lý do và mục tiêu của trang đó. Anh bác ngay: Báo chí gì mà như sinh hoạt tổ dân phố vậy. Sau đó anh ra lịnh cho nhân viên kỹ thuật gỡ bỏ trang đó đi mà không thèm báo qua cho tôi biết.
Sau đó một thời gian thì facebook xuất hiện và dần phổ biến ở VN. Tôi vào mở tài khoản ở Facebook rồi dần hiểu ra và tiếc đến đứt ruột trang Sinh Hoạt Cộng Đồng con đẻ bị bức tử của mình.
Nhưng rồi cũng ngay sau đó, tôi hiểu thêm ra và không còn thấy tiếc nuối gì nữa.
Nếu trang Sinh Hoạt Cộng Đồng còn tồn tại thì cũng không thể nào phát triển và lớn mạnh thành như facebook được.
Độc giả VN không bao giờ tự đăng thông tin của mình lên trang SHCĐ được mà phải qua kiểm duyệt của biên tập chúng tôi.
Không có tự do báo chí, tự do biểu đạt thì không bao giờ có mạng xã hội phát triển ở VN.
Nay ông Hùng ở bộ 4T đòi lập mạng xã hội riêng để cạnh tranh Facebook là chuyện không tưởng. Ông còn chê “triết học” của facebook là lỗi thời. (Thật ra là triết lý chứ không phải triết học).
Mới nhất, có thông báo mạng GAPO ra đời với 500 tỉ đồng đầu tư, không biết tiền từ ngân sách hay đâu mà nhiều đến thế. Làm ra cái mạng không khó, chỉ vài chục tỉ đồng là đủ, anh bạn trẻ Trung Tinh Le của tôi, tự cá nhân anh cũng làm ra được mạng LivenGuide đang có nhiều người dùng, nhưng thu hút người tham gia vào mới khó. Ai chịu vào cái mạng luôn bị kiểm duyệt, chưa nói là nhiều đe dọa khác về an ninh luôn chực chờ.
Triết lý của mạng xã hội là tự do, ông Nguyễn Mạnh Hùng có biết điều đó không? Chắc chắn ông không hiểu gì vì ngay cả điều cơ bản là triết học với triết lý ông còn không phân biệt được. Ôi dốt hay nói chữ là căn bệnh trầm kha của quan chức cộng sản VN.
H.N.C.

BẤT TUÂN DÂN SỰ : MỘT THỦ ĐOẠN NGUY HIỂM

NGUYỄN NGỌC HOÀNG VINH /QĐND 21-7-2019

"Bất tuân dân sự" - lịch sử và sự biến tướng
Thuật ngữ "bất tuân dân sự" lần đầu tiên xuất hiện trong tập tiểu luận của Henry David Thoreau-nhà văn, nhà tư tưởng người Mỹ-với nhan đề "Dân sự bất hợp tác", vào tháng 5-1849. Nội dung cơ bản của tập tiểu luận bàn về mối quan hệ giữa cá nhân (hoặc thiểu số công dân) với nhà nước. Theo đó, cá nhân (hoặc thiểu số công dân) có thể không tuân thủ, không phục tùng nhà nước; thậm chí, có thể thực hành chống lại luật pháp của nhà nước nếu cảm thấy những điều luật đó không phù hợp với người dân, kể cả là với thiểu số, bằng phương pháp "cách mạng hòa bình". 
Thực chất đây là quan điểm cực đoan, "vô chính phủ" của một kẻ vốn là phạm nhân (H.D. Thoreau viết tập tiểu luận này nhằm biện minh cho việc ông ta phải ngồi tù ở bang Massachusetts vì tội không đóng thuế). Mặc dù ở thời điểm ra đời, tác phẩm của H.D. Thoreau không gây được sự ảnh hưởng nào, nhưng sang thế kỷ 20, tư tưởng về một cuộc "cách mạng hòa bình" của ông được một số nhà hoạt động chính trị lợi dụng phát triển thành phương pháp đấu tranh bất bạo động như phong trào "Satyagraha" của Mahatma Gandhi đấu tranh giành quyền lợi cho người Ấn Độ ở Nam Phi (năm 1914) và giành độc lập cho Ấn Độ từ thực dân Anh (năm 1947); phong trào đấu tranh dân quyền ở Mỹ của Martin Luther King (thập niên 60 thế kỷ 20); phong trào đấu tranh chống phân biệt chủng tộc (chủ nghĩa Apartheid) ở Nam Phi của Nelson Mandela...
Đặc biệt, sau Chiến tranh thế giới thứ hai, chiến lược "diễn biến hòa bình" của chủ nghĩa đế quốc ra đời với tư tưởng chủ đạo là chuyển cuộc đấu tranh vào bên trong các nước XHCN. Từ đó, "bất tuân dân sự" từng bước trở thành một phương thức, thủ đoạn nằm trong mối liên hệ chặt chẽ với các phương thức, thủ đoạn khác của chiến lược "diễn biến hòa bình". Trong các cuộc "cách mạng ca hát", "cách mạng màu", "cách mạng đường phố" ở các nước Đông Âu và Liên Xô vào những năm cuối thế kỷ 20, đầu thế kỷ 21; "Mùa xuân Ả Rập" ở các nước Trung Đông và Bắc Phi đầu những năm 2010... đều có dấu ấn của phong trào "bất tuân dân sự". Gần đây nhất là phong trào biểu tình nhằm lật đổ Chính phủ Bolivar ở Venezuela (từ năm 2017 đến nay); phong trào “cách mạng dù” của sinh viên Hồng Công (năm 2014 và 2019) đều thể hiện rất rõ thủ đoạn "bất tuân dân sự".
Như vậy, “bất tuân dân sự” khi được sử dụng trong tay chủ nghĩa đế quốc và các thế lực phản động quốc tế đã trở thành một thủ đoạn phản cách mạng nhằm chống phá, lật đổ chính quyền, thay đổi chế độ chính trị ở những nước tiến bộ, không cùng "quỹ đạo" với chúng.
Nhận diện bản chất
Hiện nay, có nhiều quan niệm khác nhau về "bất tuân dân sự" nhưng thực chất “bất tuân dân sự” là các hoạt động công khai từ chối tuân theo, hoặc vi phạm một cách cố ý và có ý thức đối với một số  đạo luật  nhất định nhằm cản trở quá trình thực thi chính sách, luật pháp của nhà nước; là hình thức phản kháng bất bạo động, gây áp lực buộc nhà nước phải thay đổi chính sách, luật pháp, thậm chí lật đổ chính quyền; bản chất là hành vi vi phạm pháp luật.
“Bất tuân dân sự" là các hoạt động công khai từ chối tuân theo, hoặc vi phạm một cách cố ý và có ý thức đối với một số quy định pháp luật nhất định của nhà nước. Điều này khác hẳn với nguyên tắc phổ biến mà hầu hết các nhà nước pháp quyền trên thế giới đều thực hiện, đó là: Tiểu số phục tùng đa số; lợi ích riêng phải nằm trong lợi ích chung; lợi ích cá nhân phải phục tùng lợi ích cộng đồng, xã hội, dân tộc. Vì vậy, "bất tuân dân sự" về cơ bản thể hiện tư tưởng cực đoan, "vô chính phủ", hầu như không được nhà nước pháp quyền nào chấp nhận (ngoại trừ những thế lực muốn lợi dụng nó để chống lại nhà nước pháp quyền).
"Bất tuân dân sự" hình thức phản kháng, không tuân thủ, không phục tùng, không hợp tác cơ bản là ôn hòa, bất bạo động. Tuy nhiên, không phải tất cả hình thức đều là ôn hòa, bất bạo động. Thậm chí, theo những người chủ trương "bất tuân dân sự", hành động vũ trang của kẻ yếu chống lại kẻ mạnh hơn có vũ trang thì được coi là bất bạo động. Điều này thể hiện sự mập mờ về tính chất của các hình thức đấu tranh gọi là bất bạo động; hay nói cách khác, ranh giới giữa bất bạo động và bạo động là khá mong manh, có thể chuyển hóa cho nhau rất nhanh chóng. Thực chất, đây là cách ngụy tạo để biện giải, mở đường cho đấu tranh bạo động khi bất bạo động đã tích lũy đủ điều kiện hay "châm ngòi" thành công.
Hành vi phản kháng, không tuân thủ, không phục tùng những điều luật đã được ban hành; được thực hiện thông qua hình thức bất bạo động thể hiện sự coi thường kỷ cương, pháp luật, trái với các nguyên tắc của nhà nước pháp quyền trong một xã hội văn minh. Hơn nữa, khi hướng tới mục tiêu chính trị, "bất tuân dân sự" là bước khởi đầu của một cuộc "cách mạng mềm" nhằm thay đổi chế độ chính trị đang tồn tại hoặc lực lượng chính trị đang nắm quyền. Vì vậy, trong hầu hết các vụ việc, về bản chất, đây là hành vi vi phạm pháp luật.
Tuy nhiên, cần phân biệt rõ giữa bản chất và hiện tượng. Đối với các hiện tượng cụ thể, có thể ở mức độ thấp, không ảnh hưởng xấu nhiều tới cộng đồng, nhưng ở mức độ cao, khi hướng tới mục tiêu chính trị bằng các hình thức đấu tranh trực tiếp gây tác động tiêu cực đến tình hình an ninh trật tự của đất nước, của địa bàn thì cần phải có giải pháp phù hợp.
Đẩy lùi những chiêu trò “bất tuân dân sự” ở Việt Nam
Ở Việt Nam, hoạt động "bất tuân dân sự" đã diễn ra từ nhiều năm trước, có nguy cơ trở thành "phong trào" nguy hại trực tiếp đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội nếu không nhận diện và đấu tranh kịp thời...
Những năm gần đây, có một số vụ việc mang bóng dáng "bất tuân dân sự", như: "Bất tuân cưỡng chế" của một số đối tượng khi giải phóng mặt bằng ở Bắc Giang, Hải Phòng, Hà Nội, Đắc Nông, Gia Lai...; "bất tuân" quy định về thành lập hội (nhóm), đòi lập các tổ chức xã hội dân sự (thực chất là phản động trá hình) như "Hội anh em dân chủ", "Hội phụ nữ nhân quyền Việt Nam", "Hội cựu tù nhân lương tâm Việt Nam", "Hội văn đoàn độc lập Việt Nam", "Hội nhà báo độc lập Việt Nam", "Mạng lưới Blogger Việt Nam"...; “bất tuân” để phản đối Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội (năm 2014), Luật An ninh mạng (năm 2018)… Các hình thức như kích động tài xế phản đối trả phí BOT giao thông; từ chối đóng các loại quỹ phúc lợi xã hội; tẩy chay hàng hóa nước ngoài... cũng có nhiều vụ việc bị lợi dụng, biến tướng.
“Bất tuân dân sự" được tổ chức ngày càng chặt chẽ, được một số tổ chức phản động nước ngoài như Việt Tân, Voice công khai giật dây. Chúng lợi dụng các vấn đề dân sinh còn có hạn chế, khuyết điểm khiến người dân bức xúc để làm suy giảm niềm tin, tích tụ thêm mâu thuẫn của người dân đối với chính quyền, với Đảng, Nhà nước. Chúng lợi dụng thông qua đó để tập hợp, xây dựng, phát triển lực lượng, hợp thức hóa, công khai hóa việc chống đối chính quyền. Đồng thời, gắn kết chặt chẽ giữa "bất tuân dân sự" với "xã hội dân sự", sử dụng các tổ chức "xã hội dân sự" để chỉ đạo, điều hành "bất tuân dân sự". Thủ đoạn chủ yếu là tiếp tục sử dụng các chiêu bài "tự do", "dân chủ", "nhân quyền"; triệt để lợi dụng các vấn đề nhạy cảm về dân tộc, tôn giáo, các sự kiện, vụ việc, những sơ hở, bất cập của ta trong quá trình triển khai các quyết sách phát triển kinh tế-xã hội, đối ngoại... để đẩy mạnh tuyên truyền chống phá; lôi kéo, kích động nhân dân tụ tập, tuần hành, biểu tình, tạo dựng phong trào phản kháng trong quần chúng; phát triển lực lượng cốt cán, xây dựng "ngọn cờ"; tiến hành tập dượt các kịch bản đấu tranh chuẩn bị cho mục tiêu cao hơn...
Để đấu tranh làm thất bại "bất tuân dân sự", cần thực hiện tốt một số giải pháp chủ yếu sau đây:
Tích cực tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, xây dựng văn hóa "thượng tôn pháp luật" cho mọi công dân. Trong đó, cần chú trọng nâng cao trình độ giác ngộ, niềm tin vào tính công bằng, nghiêm minh của pháp luật đối với mọi tầng lớp nhân dân. Đồng thời, tích cực đổi mới nội dung, hình thức, biện pháp tuyên truyền, giáo dục; làm cho mọi chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước đến được với người dân một cách cụ thể, gần gũi, dễ hiểu, dễ tuân thủ, chấp hành. Coi trọng tuyên truyền, hướng dẫn để người dân nắm vững các quy định về quy trình, thủ tục, phương pháp, cách thức tiến hành phản biện xã hội theo pháp luật; tránh để bị kẻ địch lợi dụng phát động "bất tuân dân sự". Tăng cường đấu tranh vạch rõ bản chất, âm mưu, thủ đoạn sử dụng "bất tuân dân sự" để chống phá Việt Nam của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch.
Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước; nâng cao chất lượng ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hành chính của cơ quan hành chính các cấp, nhất là ở cơ sở. Đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng bộ máy nhà nước tinh gọn, hiệu quả, trong sạch, vững mạnh; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, nhất là các lĩnh vực quản lý kinh tế, tài chính, tài nguyên, môi trường... Bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức; đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm của cán bộ các cấp, củng cố niềm tin của người dân đối với Đảng, Nhà nước. Chính quyền các cấp phải nêu cao vai trò, trách nhiệm phục vụ nhân dân, tăng cường đối thoại, giải quyết tốt các vấn đề bức xúc của nhân dân; giải quyết dứt điểm các vấn đề còn tồn đọng về tranh chấp, khiếu kiện, không để âm ỉ, kéo dài…
Các cơ quan, đơn vị, địa phương tiến hành khảo sát kỹ lưỡng thực trạng "bất tuân dân sự" trên địa bàn quản lý; xây dựng kế hoạch phòng, chống chặt chẽ; bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng xử lý. Phối hợp chặt chẽ giữa công an, quân đội, các lực lượng chức năng và cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp trong việc bám nắm cơ sở, nắm chắc âm mưu, thủ đoạn của bọn phản động trong việc kích động, lôi kéo nhân dân thực hiện "bất tuân dân sự".
Khi xảy ra các vụ việc "bất tuân dân sự", cần hết sức tỉnh táo; nhận định, đánh giá đúng tính chất, mức độ, xác định rõ nguyên nhân; kiên trì, khôn khéo, lấy biện pháp đối thoại, tuyên truyền, vận động, thuyết phục là chính; thực hiện phân hóa lực lượng cốt cán, cầm đầu với quần chúng bị dụ dỗ, lôi kéo… Xử lý nghiêm minh số đối tượng cốt cán, cầm đầu, những đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật; có biện pháp phù hợp quản lý, giáo dục, động viên, giúp đỡ những đối tượng bị dụ dỗ, lôi kéo...
NGUYỄN NGỌC HOÀNG VINH, Cục Chính trị Quân khu 5

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét