Thứ Sáu, 19 tháng 7, 2019

20190719. VIẾT VỀ GS HOÀNG TỤY VỪA QUA ĐỜI

ĐIỂM BÁO MẠNG

NHÀ TOÁN HỌC  CHỈ RA 'LỖI HỆ THỐNG' ĐÃ VỀ TRỜI

NGUYỄN KHẮC MAI/ BVN 18-7-2019


Hoàng Tụy đúng là một nhà trí thức ít có ở Việt Nam. Ông là nhà toán học, công trình nổi tiếng trong nước và thế giới của ông là Lý thuyết “Tối ưu Toàn cục” (Global Optimisation). Nhân sinh nhật thứ 70 của ông, Viện Công nghệ Linkoping Thụy Điển đã vinh danh ông: “Người đã có công trình tiên phong trong lĩnh vực tối ưu toàn cục và quy hoạch toán học tổng quát”. Tháng 12-2007, hội nghị quốc tế “Quy hoạch không lỗi” ở Rouen - Pháp cũng ghi nhận những đóng góp tiên phong của GS. Hoàng Tụy. Ông cũng là người đầu tiên nhận Giải thưởng Constantin Caratheodory do Đại hội Quốc tế Tối ưu toàn cục trao tặng.
Trước tình tình sa sút nghiêm trọng của khoa học và giáo dục nước nhà, ông đau đáu, thiết tha đề xướng “Mệnh lệnh từ cuộc sống” để góp ý về cải cách khoa học và giáo dục.

Lo âu với vận mệnh của Đất nước, ông, từ toán học, dự báo rất sớm về “Lỗi hệ thống”.
Nhiều lần ông nói với tôi, Mai này “Hệ thống mẹ lỗi, thì những hệ thống con làm sao mà tử tế được”.
Dự báo của ông vừa kịp thời vừa đúng đắn. Nhiều nhà nghiên cứu và cán bộ cao cấp đã vận dụng dự báo của ông. Đáng tiếc, một dự báo khoa học nghiêm túc như vậy không được những người điều hành đất nước tiếp thu một cách chân thành và trách nhiệm.
Những năm cuối đời ông thỉnh thoảng lại gọi tôi đến nhà, trò chuyện, góp ý và tỏ ý sẵn sàng tham gia một “Tòa án Lương Tâm Biển Đông”, nhằm tố cáo, lên án tội ác của Trung Hoa ở Biển đông, để:
a/ Lên án tội ác sử dụng vũ lực quân sự chiếm đoạt biển đảo của Việt Nam và nhiều nước ĐNA;
b/ Lên án tội ác của Trung Hoa đối với ngư dân Việt nam và những nước ĐNA.
Tuy nhiên  khởi duyên chưa đạt, nên việc chưa thành.
Gọi ông là Nhà Trí thức thứ thiệt vì ông là nhà toán học tài năng, rất uyên thâm về một lĩnh vực khoa học cụ thể, có nhiều đóng góp cho toán học nước nhà và thế giới. Nhưng hơn thế, ông thật sự là nhà trí thức hiếm hoi của nước nhà. Bởi vì, bên cạnh chuyên ngành toán học, ông quan tâm nhiều, có chính kiến của mình về nhiều lĩnh vực văn hóa xã hội khác. Ông quan tâm đến thời cuộc nước nhà, ông gọi là vận nước. Ông sẵn sàng góp ý kiến với các nhà đương cục đóng vai trò lãnh đạo chính trị, kinh tế văn hóa của nước nhà hiện nay. Từ nhân cách đa diện của ông, Ông đúng nghĩa là một nhà Trí thức của Đất nước.
Sự ra đi của Ông thật là một tổn thất lớn lao, không thể bù đắp. Tuy nhiên, từ tình cảm, tài năng,  ý chí và tâm huyết của ông đối với sự nghiệp khoa học và với non sông, với xã hội, cùng những công trình khoa học của ông, với một lớp học trò tài năng sẽ là môt khối năng lượng giá trị còn mãi góp vào nội lực văn hóa của nước nhà. Ông thật sự mới là người sống mãi với non sông Tổ quốc! Và với chúng ta.
Tôi không vĩnh biệt Anh, vì anh vẫn sống trong lòng chúng tôi.
N.K.M.
Tác giả gửi BVN

NHỮNG LỜI CUỐI CÙNG CỦA THẦY HOÀNG TỤY

NGUYÊN NGỌC / BVN 17-7-2019

Ngày mồng 7 tháng 6 năm 2019, ba anh em chúng tôi, Phạm Duy Hiển, Chu Hảo và tôi, đến thăm Thầy Hoàng Tụy ở nhà Thầy tại ngõ 260 Đội Cấn Hà Nội. Thầy Hoàng Tụy ốm nặng đã nhiều tháng, những dịp ba anh em cùng có mặt ở Hà Nội thế nào cũng rủ nhau sắp xếp cùng đến thăm Thầy. Tôi là học trò của Thầy Tụy hồi năm 1947 khi học Chuyên khoa Toán ở trường Lê Khiết, Quảng Ngãi; anh Phạm Duy Hiển là học trò Thầy Tụy khi Thầy dạy môn Thiên văn ở Đại học, một điều ít ai biết; anh Chu Hảo tuy không học trực tiếp với Thầy Tụy nhưng cũng luôn tự coi mình là học trò của Thầy.
Hôm chúng tôi đến thăm, Thầy Tụy vừa ở bệnh viện Việt Pháp về nhà. Trước đó, Thầy đã trở bệnh rất nặng, có lúc hầu như không còn biết gì, phải vào viện ngay. Chị giúp việc vẫn theo sát chăm sóc Thầy kể: Ở viện mấy hôm, lúc tỉnh lại Thầy hỏi: “Trí tuệ của tôi nó đi đâu mất rồi?”.
Khi chúng tôi đến nhà, Thầy đang nằm trên ghế đi-văng, đã khá tỉnh táo hơn, Thầy nhận ra tất cả anh em chúng tôi, gọi tên từng người. Chúng tôi lưu luyến ngồi lại với Thầy gần một tiếng đồng hồ. Thầy nói vẫn khó nhọc, chậm rãi, ngắt quãng, nhưng nói nhiều. Các anh chị con Thầy trong nhà bảo từ khi ốm nặng chưa bao giờ Thầy nói nhiều thế, và sau đó cho đến khi mất vào ngày 14 tháng 7, Thầy cũng không nói như thế nữa. Chúng tôi ngồi nghe, hết sức cảm động, có cảm giác Thầy Hoàng Tụy kính yêu của chúng tôi, của chúng ta, đã nói với chúng tôi những lời trăng trối, những lời nhắn nhủ tâm huyết cuối cùng, Thầy cũng nhìn lại vắn tắt mà khái quát sâu sắc cuộc đời mình, cho đến những ngày cuối đời vẫn trằn trọc lo cho vận mệnh đất nước.
Tôi may mắn ghi lại được một clip về những giây phút quý giá bên Thầy. Tôi xin chép lại sau đây, vì nghĩ đây là những lời cuối cùng của một nhà trí thức lớn, vị sĩ phu cao quý thời nay của đất nước gửi lại cho tất cả chúng ta.

C:\Users\MyPC\Desktop\IMG_3697.jpg
LỜI THẦY HOÀNG TỤY
“… Tôi bây giờ không còn sức quan tâm đến chuyện nước nữa rồi… Bây giờ công danh sự nghiệp chỉ là chuyện phù vân… Nhưng kể ra hạnh phúc ở đời cũng khó lắm thay… Nhưng kể ra sống mà trọn được một kiếp cũng thật là khó…
Các anh cùng tuổi cho nên những ngày này vẫn gặp nhau thường xuyên, đó cũng là điều an ủi, còn tôi một mình buồn lắm các anh ơi. Cô độc hết sức.
[Thầy gọi tên từng người] Anh Chu Hảo, anh Nguyên Ngọc, anh Phạm Duy Hiển…
Mọi chuyện ở đời đều là phù vân, nhưng cuộc đời không phải là phù vân. Sống cho phải cuộc đời cũng khó lắm chứ. Tôi nay 92, mọi chuyện hình như đến đây là chấm dứt, nhưng chưa chết. Cuộc đời lắm nháo nhăng, chẳng lẽ đi qua mà chả có ý kiến gì, nhưng mà có ý kiến thì mất lòng nhiều người, tôi cũng đã làm mất lòng nhiều người. Tôi rất buồn nhưng biết làm sao.
Các anh gần nhau có chuyện trò được, còn tôi cô độc một mình buồn lắm các anh ơi, tôi buồn vô cùng… Khi trẻ thì tưởng đến lúc già sẽ khác mà chẳng khác bao nhiêu. Buồn quá, biết làm sao…
Cám ơn các anh.
Người ta nói cuộc đời… cuộc đời là phù vân, không phải đâu… Lỡ biết bao nhiêu việc muốn làm mà không làm được, cho nên rời khỏi cuộc đời này là một nỗi tiếc… cho nên tất nhiên là cũng mong tất cả các bạn tiếp tục con đường… Hồi trẻ tôi lạc quan, bây giờ không phải bi quan nhưng mà cũng hết lạc quan rồi. Có thật sống để mà làm trọn mọi nhiệm vụ trong mọi kiếp thấy cũng không dễ, được cái này thì mất cái kia. Ông Trời cũng đa đoan. Cứ như lẽ tự nhiên thì có lẽ cuộc đời sướng hơn. Tôi bây giờ 92, muốn chết nhưng mà nào có chết được đâu. Nhưng chắc là tôi đi trước các anh. Dẫu sao tình bạn mấy chục năm cũng đáng cho chúng ta ghi lại và trung thành với nó.
Người ta cứ nói công danh sự nghiệp, nhưng tất cả đều là phù vân, còn lại ở đời chỉ là một chút tình thân. Dù sao thì cũng chào các anh trước khi đi.
Dù sao tôi cũng cố gắng sống một cuộc đời trung thực, không bao giờ nói trái lòng mình, dù cho lời nói làm bất bình bất cứ ai, có lẽ đó là ưu điểm của tôi, còn khuyết điểm thì chắc nhiều lắm.
Hồi trẻ tôi tưởng đến tuổi này là nước nhà hoàn toàn độc lập, nhân dân hạnh phúc, thế mà hóa ra khó khăn quá chừng. Nhưng tôi nghĩ có khó mới thật giá trị, chứ như dễ quá thì ai cũng làm được. Cho nên tôi vẫn không thất vọng, vẫn hy vọng một tương lai tươi sáng cho đất nước.
16 -7-2019
Hoàng Tuỵ
N.N. ghi

'TÔI MONG TẤT CẢ CÁC BẠN TIẾP TỤC CON ĐƯỜNG DÙ TÔI CÓ CHẾT ĐI'

NGUYỄN NGỌC CHU/ BVN 19-7-2019

Ngày 14/7/2019, GS Hoàng Tụy - cây đại thụ của Toán học Việt Nam, đã trút hơi thở cuối cùng ở tuổi 92. Phải dừng lại trên con đường chưa kết thúc, GS Hoàng Tụy gửi lại hậu thế lời kêu gọi thiết tha “TÔI MONG TẤT CẢ CÁC BẠN TIẾP TỤC CON ĐƯỜNG DÙ TÔI CÓ CHẾT ĐI”.
I. CẢ CUỘC ĐỜI DÂNG HIẾN CHO KHOA HỌC VÀ GIÁO DỤC
Về cống hiến của GS Hoàng Tụy đã có nhiều người đề cập. Dù nhìn ở khía cạnh nào, dù là ai đánh giá, tất cả cùng hội tụ về một điểm, rằng cả cuộc đời GS Hoàng Tụy đã dâng hiến trọn cho Khoa học và Giáo dục.
Hơn 170 công trình khoa học - phần lớn đăng trên các tạp chí quốc tế hàng đầu, 3 chuyên khảo nổi tiếng, đồng sáng lập 3 tạp chí khoa học uy tín, hàng chục giáo trình đại học và phổ thông… Lát cắt Tụy, Thuật toán chia nón kiểu Tụy, Định lý bất tương thích Tụy… - không thể kể hết được, tất cả cộng hưởng lại, tạo nên một nhà khoa học Hoàng Tụy cao lớn.
Không khó để nhận ra, trong hàng trăm đóng góp cho khoa học của GS Hoàng Tụy thì “Lát cắt Tụy” là kỳ vĩ nhất. Với nhân loại, Ông đã đi vào lịch sử toán học của thế giới trong tư cách người mở đường cho ngành toán học Tối ưu Lõm mà “Lát cắt Tụy” đã trở thành kinh điển. Đó là niềm tự hào dài lâu của Toán học Việt Nam.
Nhưng ngoài những công trình khoa học đồ sộ, ngoài những cống hiến to lớn cho giáo dục, còn nữa những cốt cách sáng ngời ngời của một Hoàng Tụy chí sĩ.
II. KIÊN ĐỊNH CHUYÊN MÔN
Kiên định chuyên môn là tầm nhìn xuyên suốt trong sự nghiệp giáo dục và nghiên cứu khoa học của GS Hoàng Tụy. Tính kiên định này đã làm cho GS Hoàng Tụy phải hứng chịu giông bão. Nhưng cũng chính tầm nhìn này đã giúp cho Ông vững tay lái vượt qua các biến cố để đi đến toàn thắng cuối cùng, minh chứng sự đúng đắn của một trí tuệ khoa học lớn.
Khoa học và giáo dục không mang tính giai cấp. Khi lãnh đạo Khoa Toán của Đại học Tổng hợp Hà Nội, GS Hoàng Tuỵ đã luôn tuân thủ quy luật này. Ông không ưu tiên cho giai cấp công nông. Ông không thù địch giai cấp địa chủ, tư sản. Ông chỉ lấy chuyên môn là tiêu chuẩn duy nhất.
Nhưng đây là điều đi ngược với quan điểm của lãnh đạo tối cao lúc bấy giờ. Tính không giai cấp đã làm cho GS Hoàng Tụy, GS Lê Văn Thiêm long đong trong một thời gian dài, suýt nữa thì rơi vào tình trạng tương tự “Nhân Văn Giai Phẩm” trong toán học. Ngoài sự kiên cường trung trinh của hai Ông, may mắn còn có một Đại trí thức là cố Bộ trưởng Tạ Quang Bửu đồng quan điểm bảo vệ. Chỉ những đại trí thức, đại sỹ phu mới đủ tri thức và bản lĩnh để đi ngược lại sự vô trí thức của độc tài cường quyền.
III. KHÔNG CHẠY THEO XU THẾ TẠM THỜI
Người có tầm nhìn không bị cuốn hút theo xu thế tạm thời. Sau mở cửa của Đại hội VI, kinh tế thị trường sơ khai bắt đầu phát triển ở Việt Nam. Tập đoàn làm kinh tế. Công ty làm kinh tế. Nhà nhà làm kinh tế. Người người làm kinh tế. Tất cả đổ xô đầu tư ngoài lĩnh vực hoạt động của mình. Phong trào này lan sang cả lĩnh vực khoa học và giáo dục. Riêng Viện Toán học, dưới sự lãnh đạo của GS Hoàng Tụy, vẫn kiên định chuyên môn.
Giá mà Vinashin, Petro Việt Nam, các ngân hàng, cùng hàng ngàn doanh nghiệp nhà nước khác kiên định sở trường của mình, thì đâu đến nỗi mất đi cả hàng triệu tỷ đồng ngân sách đầu tư ngoài luồng, làm tan hoang nền kinh tế nước nhà.
Mới hay tri thức là điều kiện ưu tiên trước hết để nắm quyền quản lý đất nước, chứ không phải là chuyên chính vô sản.
IV. TẦM NHÌN NHÂN TÀI
Muốn ganh đua trong tốp đầu quốc tế, muốn trở thành cường quốc, thì phải có những tài năng siêu việt. Tài năng siêu việt sẽ thui chột nếu không có đất sinh sống, nếu sinh ra không đúng thời, nếu không được phát hiện, bồi dưỡng, đào tạo.
Vào những năm khó khăn nhất của chiến tranh, trong hoàn cảnh thiếu thốn thông tin và cơ sở đào tạo, cũng không có nhiều thầy giáo giỏi, thì GS Hoàng Tụy đã nhìn thấy lối thoát là đào tạo năng khiếu để bồi dưỡng nhân tài cho đất nước. Cùng với GS Lê Văm Thiêm, được sự ủng hộ của GS Tạ Quang Bửu, Ông đã thúc đẩy sự ra đời của hệ thống trường chuyên. Nhờ đó mà Toán học Việt Nam có nhiều tài năng nổi danh. Trong số đó có GS Ngô Bảo Châu với giải thưởng Fields danh giá mà nhiều thập kỷ nữa may ra mới tái xuất hiện.
Đừng nói rằng các nước khác không có trường chuyên. Bởi vì họ đã cho học tự chọn ngay từ bậc PTCS, với các thầy giáo giỏi riêng, khắp mọi nơi trên cả nước. Đó chính là trường chuyên của họ. Họ làm được như vậy là bởi vì họ giàu có, và phát triển.
Ở thời đại ganh đua toàn cầu, không phân ban chuyên môn sớm, không phát hiện năng khiếu để đào tạo từ bé thì sẽ thua toàn diện. Không có đào tạo năng khiếu thì không có Tiger Woods. Không có học viện bóng đá Hoàng Anh Gia Lai thì không có lớp cầu thủ Công Phượng sáng giá như hiện nay. Phát hiện năng khiếu, thiên hướng, học với thầy giỏi từ sớm - là con đường nuôi dưỡng tài năng mà nhân loại đã đi và sẽ còn mãi đi.
V. GAN GÓC PHẢN BIỆN “ẢO TƯỞNG CỘNG SẢN”
Thực ra, ông Phan Diễn dùng cụm từ “Kiêu hãnh cộng sản” chưa phản ánh đúng hết bản chất của hiện tượng. “Ảo tưởng cộng sản” mới là cụm từ đúng.
Sau năm 1975, TBT Lê Duẩn rất tâm đắc với “Quyền làm chủ tập thể” của ông. TBT Lê Duẩn hầu như đi đâu cũng nói về “Quyền làm chủ tập thể” như là một đóng góp lý luận mới.
Trong một khát vọng đưa đất nước vượt qua nghèo khó để bắt kịp với các nước giàu, TBT Lê Duẩn đã triệu tập một số nhà khoa học đầu ngành tại Đồ Sơn vào 7/1979 để lắng nghe ý kiến, trong đó có GS Hoàng Tụy và GS Phan Đình Diệu. Một cách tế nhị, GS Hoàng Tụy và GS Phan Đình Diệu đã đề nghị TBT Lê Duẩn giải thích về “Quyền làm chủ tập thể” vì các nhà khoa học chưa rõ. Và nhân đó gửi thông điệp đến TBT Lê Duẩn rằng “Quyền làm chủ tập thể” không phải là học thuyết, và không có giá trị về lý luận và thực tiễn.
Quyền lực của TBT Lê Duẩn lúc đó vô cùng lớn, “Kiêu hãnh cộng sản” rất lớn, và “Ảo tưởng cộng sản” còn lớn hơn. Gạch bỏ điều tâm huyết nhiều năm của người quyền lực nhất nước khó mà tránh khỏi bị nổi giận.
Nhưng Nhân cách lớn là biết thừa nhận sai mà thay đổi. Khác xa với tiểu nhân bảo thủ giáo điều, thấy sai còn chối cãi và nhất quyết không đổi thay. TBT Lê Duẩn chấp nhận sự thật, và từ đó không nhắc về “Quyền làm chủ tập thể” nữa.
Ngược lại, TBT Lê Duẩn hỏi các nhà khoa học về Định Công, vì sao không nhân rộng ra được. GS Hoàng Tụy và các nhà khoa học khác đã nêu ra lý do sự thất bại của mô hình Định Công. Rằng đó không phải là thuận theo quy luật, mà do chính quyền dồn tiền của mà xây nên mô hình giả tạo. Mô hình Định Công từ đó cũng bị xóa bỏ.
Tiếc là sự ra đi của Phó Chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng đã buộc TBT Lê Duẩn phải ngay lập tức trở về Hà Nội. Và không còn dịp để TBT nghe trực tiếp những lời chân thành của các nhà khoa học mà thay đổi sớm hơn. Nhưng những gì mà TBT Lê Duẩn đã tiếp nhận là “có sự thay đổi tích cực lớn” - như lời TT Phạm Văn Đồng đã điện thoại cho GS Hoàng Tụy ngay sau đó.
GS Hoàng Tụy không chỉ một lần phản biện lại “Ảo tưởng cộng sản”. Trong số đó là nói về “Sở hữu đất đai toàn dân” đã hoàn toàn không phù hợp nữa; Và phải cắt bỏ cái đuôi “Định hướng XHXN” khỏi “Kinh tế thị trường” (Góp ý Dự thảo Sửa đổi Hiến Pháp 1992).
Một cách dứt khoát rõ ràng, GS Hoàng Tụy khẳng định “Quyền con người, quyền công dân là những quyền đương nhiên phải hiến định minh bạch, và triệt để tôn trọng, thì mới có thể có xã hội dân sự phát triển”.
Tiếc thay, những góp ý trí tuệ và chân thành của GS Hoàng Tụy đã không có những Nhân cách lớn để nghe. Từ sau TBT Trường Chinh, những người đứng đầu nhà nước nối đuôi nhau bảo thủ.
VI. KHÁT KHAO CHẤN HƯNG GIÁO DỤC
Vào những năm cuối đời, GS Hoàng Tụy dồn tâm huyết cho Chấn hưng Giáo dục.
Không biết bao nhiêu lần GS Hoàng Tụy đã nói về Giáo dục, với lãnh đạo Chính Phủ, với các Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, với truyền thông và với cộng đồng. Trong số đó, “Kiến nghị của Hội thảo về Chấn hưng, Cải cách, Hiện đại hóa Giáo dục” năm 2004 vẫn còn là minh chứng đau đáu.
Viết đến đây, lại nhớ 64 năm trước (1955) Thầy giáo Hoàng Tụy đã viết giáo trình toán phổ thông mà không có một xu thù lao, khác xa với đòi hỏi nhiều trăm tỷ đồng của thời nay. Từ đó mà thấy sự khác biệt một trời một vực về nhân cách giữa hai thời đại.
VII. KHÔNG NGỪNG HY VỌNG VÀO MỘT TƯƠNG LAI TƯƠI SÁNG CHO ĐẤT NƯỚC
Người xưa nói “Con chim sắp chết tiếng kêu bi thương, con người sắp chết thì lời nói phải”.
Hơn một tháng trước lúc rời cõi tạm, trong lời gửi gắm cuối cùng vào ngày 07/6/2019 cho các đồng nghiệp và hậu thế, GS Hoàng Tụy bộc bạch:
“Hồi trẻ tôi tưởng đến buổi này là nước nhà hoàn toàn độc lập, nhân dân hạnh phúc, thế mà hóa ra vẫn khó khăn quá chừng.
Nhưng khó mấy thì các bạn vẫn phải làm được.
Cho nên tôi vẫn không thất vọng, vẫn hy vọng vào một tương lai tươi sáng cho đất nước”.
Vâng. Kính thưa Hương hồn Giáo sư Hoàng Tụy:
Tương lai tươi sáng sẽ đến với đất nước chúng ta. Hàng chục triệu người Việt Nam sẽ bước tiếp trên con đường Giáo sư đã lựa chọn, đi tới đích cuối cùng mà Giáo sư mong muốn.
N.N.C.


GIÁO SƯ HOÀNG TỤY: MỘT GÓC NHÌN ! 

NGUYỄN THỊ LAN HƯƠNG/ GDVN 17-7-2019

Xin bắt đầu với cuốn Xin Được Nói Thẳng của thầy Hoàng Tụy, một con người lý tưởng cho khoa học và giáo dục Việt Nam.
Suốt cuộc đời lao động, với cuốn sách trên đây thu gom trong 30 năm góp ý cho cải cách giáo dục, trong đó có hẳn 1 chương về làm thế nào để có sách giáo khoa tốt, hay những vấn nạn trong nền giáo dục Việt Nam, để nay, hơn 92 tuổi khi qua đời, nền giáo dục Việt Nam vẫn nguyên các bệnh nan y chưa cứu chữa nổi!
Điều tôi đọc được trong phần về sách giáo khoa, hóa ra lại đúng với không chỉ tình huống của Hoàng Tụy, thế hệ ông bà chúng tôi, mà nó đúng ngay cho chính chúng tôi, thế hệ bị “thử nghiệm” trong giáo dục và công nghệ giáo dục, nhằm để ai đó hướng đến “giáo dục toàn cầu” cho Việt Nam chăng?
Cuốn Xin Được Nói Thẳng của Hoàng Tụy (Ảnh: tác giả cung cấp).
Những ưu tư về sách giáo khoa, quy trình chương trình – làm sách giáo khoa – mục tiêu và phương thức sử dụng, cách tính “tối ưu” cho giáo dục và giáo trình, tất cả đều “bó tay” trước những mưu tính “tối ưu” từ lợi ích nhóm và quyền lực chính trị, từ những tham vọng lớn của ai đó, sẵn sàng “bán” tương lai Việt Nam, giáo dục Việt Nam, dữ liệu học sinh, sinh viên Việt Nam và người dân Việt Nam cho hệ thống quyền lực và tiền bạc của nước ngoài, dưới khẩu hiệu “cải cách giáo dục”. 
Tâm huyết của những con người như Hoàng Tụy, cách ông chia sẻ về thực tế “những kêu gọi, âm mưu thực hiện sách giáo khoa một cách không trung thực, tìm cách chia sẻ và trục lợi trên nhân dân”, hơn 20 năm qua, ai cũng hiểu, cũng biết.
Nhưng nay, bị kêu nhiều quá, sách giáo khoa được chia ra 5 -8 đầu mối, nhưng liệu căn nguyên của vấn nạn giáo dục, kể cả trong quá trình làm nhiều bộ sách giáo khoa đấy, điểm mặt lại, có ai đáng tin cậy để viết và đánh giá về chất lượng? 
Hay cũng chỉ lại là một cách để ăn chia, trong đó lại nhân danh cải cách chương trình và giáo dục để làm “hỏng thêm” chương trình và sách giáo khoa.
Nếu nhìn kỹ lại bình luận của một chủ biên gần đây trong mấy chương trình cải cách giáo dục và biên soạn sách giáo khoa của Việt Nam, từ năm 2000 đến nay, đáng buồn khi đọc nhận xét sau:
“Mặc dù sau hai chuyến sang Colombia, các đoàn khảo sát chỉ mang về được sách giáo khoa một số môn học lớp 2, nhưng dựa vào mẫu của mấy quyển sách lớp 2 ấy, dự án đã liên tục tổ chức biên soạn sách của đủ các lớp tiểu học, rồi lớp 6, lớp 7…để triển khai theo kiểu “cuốn chiếu”.
Không những thế, sau này tôi còn được mời thẩm định cuốn Phương pháp dạy học tiếng Việt – giáo trình cho các trường đại học sư phạm, viết theo kiểu VNEN.
Cuốn giáo trình này cũng có phần khởi động, có phân tích mẫu, rút ra kết luận, bài tập thực hành và bài tập ứng dụng, không khác gì mô hình sách lớp 2. Nghe nói nhiều môn khác cũng biên soạn những giáo trình tương tự.

Hà Tĩnh: Sách giáo khoa VNEN đã mua có trả lại được không?
Khi thẩm định, tôi phải kêu trời, vì dạy đại học trên 40 năm tôi chưa từng thấy một giáo trình nào trên thế giới viết như vậy.
Nhưng hội đồng thẩm định không có căn cứ để bác cuốn giáo trình này vì nhóm tác giả đã thực hiện đúng hợp đồng viết sách mà họ ký với Dự án...
Về nội dung dạy học, Dự án VNEN dựa vào chương trình và sách giáo khoa hiện hành...
Điều đáng buồn hơn nữa là sách VNEN Tiếng Việt - Ngữ văn tuy rất ít điều chỉnh nội dung sách giáo khoa hiện hành, nhưng hễ cứ điều chỉnh là không đúng". [1]
Cá nhân tôi, sau khi đọc kỹ những cuốn sách giáo khoa Tiếng Việt - Ngữ Văn từ cấp 1 đến cấp 3 được gọi là “sách mới”, tôi không thấy khác gì với 30 năm trước đây cả. 
Đặc biệt là những gì liên quan đến phương pháp dạy và học, theo như quảng bá của Bộ Giáo dục và Đào tạo, “giáo dục thời đại 4.0!”.
Nelson Mandela có câu nói: “Điều dễ nhất để có thể hủy diệt một dân tộc, ấy chính là làm cho dân tộc đó dốt nát đi, bằng cách dối trá trong thi cử hoặc hạ thấp chất lượng giáo dục xuống”.
Tiếc thay, ở Việt Nam chúng ta dường như lại đang có cả hai và bế tắc trong những “cải cách, đổi mới”, mà được ai đó vẽ ra, thiết kế và mưu lợi trong suốt bao năm cho ai đó, nhưng nhất định không phải là người học.
Những chia sẻ của Hoàng Tụy trong Xin Được Nói Thẳng, có nhiều điều mà có lẽ ông trình bày thuần túy dưới góc độ trung thực và đạo đức của một nhà khoa học, nhưng đó cũng là lý do tại sao những đóng góp của ông bị bỏ qua vì chẳng có lợi ích tiền bạc hay quyền lực cho ai đó hoặc giả lại là lý do để ai đó “sử dụng” như một ý kiến khách quan để làm những mưu tính lớn hơn nhiều.
Hãy lấy ví dụ về bài ông viết cho “Việt Nam cần một đại học đẳng cấp quốc tế”.
Cho đến nay, chúng ta có 2 đại học quốc gia và tốn không biết bao nhiêu tiền đầu tư trong suốt chiều dài của lịch sử đất nước, ghép vào rồi lại tách ra, tách ra rồi lại hợp nhất và đến nay, với nhiều tiền ngân sách đổ vào, họ được xếp hạng Top 1000 [2], trong khi mục tiêu ban đầu là Top 200. [3] 
Điều quan trọng hơn của xếp hạng quốc tế, là đẳng cấp chất lượng quốc tế, liệu dù Top 1000 đấy có thực sự đẳng cấp chưa? Dù chỉ ở khu vực này thôi? 
Chứng minh điều gì với những đẳng cấp khu vực và quốc tế, khi chúng ta, lẽ ra theo những gì tối ưu, là dựa vào xếp hạng và những chuẩn mực của nó để im lặng mà học, mà nghiên cứu, mà thực hiện những gì là cần thiết cho nền tảng giáo dục đại học hiệu quả cho nhân lực cấp, thì nay chỉ chăm chăm vào xếp hạng, mà thú thật, tôi không tin mấy vào hiệu quả của xếp hạng quốc tế với chất lượng đẳng cấp quốc tế, nhất là cứ nhìn vào mấy trường đại học quốc tế nằm trong đại học quốc gia đó thì đủ hiểu.
Hơn thế nữa, chỉ một phản ánh thực tế về chất lượng dạy và học đẳng cấp ra sao, thì nhìn vào thư viện và cách thức quản trị thư viện và phương thức giáo viên, sinh viên sử dụng thư viện, có lẽ tôi cũng có thể hiểu tại sao chúng ta chỉ thích “hình thức”.

Dự án VNEN ươm mầm những điều giả dối?
Còn nói về chương trình “tiên tiến” thí điểm trong giảng dạy và học bằng tiếng Anh tại một số đại học điển hình, thì theo như giám đốc quản lý chất lượng đại học quốc gia Hà Nội nhận xét rằng: “Như một bước đệm cho vài sinh viên khá đi học nước ngoài.
Chất lượng dạy và học của chúng ta vẫn chưa được đảm bảo và ngay chính đối tác của chương trình cũng không công nhận chất lượng chúng ta giảng dạy”. [4] 
Chưa hết, để thỏa mãn thói “hình thức”, chúng ta liên kết với đủ loại giáo dục đại học quốc tế, Việt – Đức, Việt – Nhật, Việt – Pháp, Fulbright, Việt – Anh…với nhiều tiền ký nợ. 
Nhưng như RMIT vào Việt Nam chả cần xếp hạng gì, chỉ trong chưa đầy 7 năm, họ trả đủ vay và lãi ròng trong gần 20 năm hoạt động tại Việt Nam, nhưng cả 5 đại học quốc tế trên đây của chúng ta thì không thấy tác dụng hữu hiệu gì đối với chất lượng khoa học quốc tế và ảnh hưởng “lan tỏa” như những chất xúc tác giúp cho Việt Nam “dạy và học” theo chất lượng quốc tế, dù đối tác quốc tế.
Hình thức lại gặp hình thức, tiền mất, tật mang và có lẽ giải quyết vấn đề “quan hệ đối ngoại quốc gia” nhiều hơn là giá trị thực sự với học thuật.  
Tất cả các đại học quốc tế đó, cuối cùng, hóa ra nằm vùng chờ ở Việt Nam gần 10 năm hơn, thậm chí như Fulbright Việt Nam là hơn 20 năm có lẻ, để đến một thời khắc lịch sử mà khi tôi ở Boston vào tháng 1/2019 được nghe là người Việt được dùng như một hạt nhân được số hóa để “kết nối toàn cầu”. 
Những đối tác đại học quốc tế, các quốc gia và những chiến lược đại học quốc tế, hóa ra phải chờ “đúng thời điểm”, nhưng không phải vì giáo dục, mà vì toàn cầu hóa kinh tế thương mại, vì theo thỏa thuận, các quốc gia sẽ được thực hiện kinh doanh giáo dục ở tất cả các cấp, dưới mọi hình thức (nhất là qua internet), tự do thương mại, bao gồm trong giáo dục, xuyên quốc gia với thuế bằng 0. [5]
Một nền giáo dục căn bản, phù hợp với con người Việt bị “xóa bỏ” trong 30 năm qua, do bởi quan điểm đã lạc hậu, không phù hợp với “mở cửa”, (mở nhưng nhiều sạn quá), dẫn đến hỏng cả con người và xã hội, nuôi béo một hệ thống những kẻ lạm dụng cải cách kinh tế để ăn chia tài nguyên của đất nước, trong đó làm lụn bại nền tảng về con người. 
Hệ lụy là, dù được “bơm” là hổ châu Á, nhưng toàn bộ giáo dục cơ bản của Việt Nam vẫn vướng như gà mắc tóc, giáo dục đại học/nghề nghiệp vẫn không đủ để tạo ra con người có năng suất lao động và kỷ luật đáp ứng quốc tế nào cả nhưng giờ này, chúng ta dựa vào 5G và hát vang bài “công dân toàn cầu”, số hóa toàn cầu.
Chả có gì có vẻ sai trong những kế hoạch và công việc giúp cho người Việt học tốt hơn, làm việc tử tế hơn và có đời sống tốt đẹp hơn. 
Nhưng tất cả những nguồn lực lớn nhất của đất nước, bao gồm cả khoản nợ lớn từ nước ngoài cho Việt Nam về giáo dục [6], đều được thực hiện những chương trình như kiểu VNEN trên đây, liệu có gì đau khổ hơn cho một người như Hoàng Tụy?  Dù đã phải “Xin được nói thẳng” hơn 30 năm qua?
Gốc của giáo dục có giải quyết được không?
Tài liệu tham khảo:
[1] //giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/VNEN--Rang-hay-cung-lam-dieu-hay-post170139.gd
[2] //giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/viet-nam-tiep-tuc-co-2-dai-hoc-lot-top-1000-the-gioi-post199566.gd
[3] //www.sggp.org.vn/dai-hoc-viet-nam-vao-top-200-the-gioi-nam-2020-ke-hoach-bat-kha-thi-504951.html
[4] //vietnamnet.vn/vn/giao-duc/tuyen-sinh/nhieu-chuong-trinh-tien-tien-tu-vet-sang-tro-thanh-dom-dom-349668.html
[5] //nld.com.vn/thoi-su-trong-nuoc/nhung-noi-dung-co-ban-cac-cam-ket-gia-nhap-wto-cua-viet-nam-170890.htm
[6] //dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/viet-nam-chi-58-gdp-cho-giao-duc-20190122195243783.htm; //dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/chi-ngan-sach-cho-giao-duc-la-248118-ty-dong-20180930163940791.htm; //giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/hang-ti-do-la-my-di-vay-dau-tu-cho-giao-duc-the-nao-hieu-qua-ra-sao-post180936.gd
Bài viết thể hiện nhận thức, quan điểm, góc nhìn của riêng tác giả.
Nguyễn Thị Lan Hương
SỰ HÌNH THÀNH VÀ CÁI CHẾT CỦA MỘT VIỆN NGHIÊN CỨU
NGUYỄN ĐÌNH CỐNG/ BVN 19-7-2019
Nhân dịp tiễn GS Hoàng Tụy về Trời, xin kể chút ít về Viện Nghiên cứu phát triển, viết tắt là IDS ( Institute ò Development Studies), do ông sáng lập. Đó là một Viện nghiên cứu tư nhân, không nhận lương và bất kỳ một trợ cấp nào của Nhà nước.Và không chịu sự lãnh đạo của ai cả.

Viện có 16 thành viên. GS Hoàng Tụy được bầu làm Chủ tịch. TS Nguyễn Quang A làm Viện trưởng điều hành. Các thành viên còn lại gồm: Lê Đăng Doanh, Phan Đình Diệu, Vũ Kim Hạnh, Chu Hảo, Phạm Duy Hiển, Vũ Quốc Huy, Tương Lai, Phạm Chi Lan, Phan Huy Lê, Nguyên Ngọc, Trần Đức Nguyên, Trần Việt Phương, Huỳnh Sơn Phước, Nguyễn Trung.

Viện được thành lập vào tháng 9 năm 2007, theo Giấy phép hoạt động của Sở KH Hà Nội. Mục đích chính của Viện là Nghiên cứu phương pháp luận xây dựng chiến lược kinh tế xã hội.Theo TS Nguyễn Quang A, Một trong những mục đích được đặt ra ngay từ khi thành lập Viện, đó là "đào xới vấn đề lên, khuấy động được thành một phong trào, để người dân, đặc biệt các trí thức trẻ có thể hiểu và cùng tham gia là một việc rất quan trọng. Nếu những người có trách nhiệm hoạch định chính sách lắng nghe  hay tham khảo những kết quả thì rất tốt, còn nếu không, chúng tôi cũng không vì thế mà buồn. Chúng tôi mong tham gia phản biện, cảnh báo. Chúng tôi không đặt mục tiêu họ nghe mình bao nhiêu".

Trong 2 năm.tiếp theo Viện đã có nhiều hoạt động khoa học khá nổi tiếng, nghiên cứu nhiều lĩnh vực kinh tế và xã hội VN, đặc biệt là vấn đề giáo dục Viện đã có những kiến nghị rất khoa học.

Viện được sự đồng tình, cổ vũ của Thủ tướng Võ Văn Kiệt, của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhưng gặp sự phản đối kịch liệt của TBT Nông Đức Mạnh và nhiều người trong Bộ Chính trị ĐCSVN.

GS Tương Lai cho biết: Mạnh gọi điện cho Hà Nội hoạnh hoẹ: “ai cho phép thành lập viện nghiên cứu tư nhân này?” Khi được trả lời là chẳng ai cho phép cả mà do Luật Khoa học và Công nghệ đã ban hành về quyền đăng ký lập một tổ chức nghiên cứu khoa học và công nghệ. Kẻ chỉ thạo cầm rìu chặt cây kia ráo hoảnh hạ lệnh: “Nếu là Luật thì sửa Luật”!

Thế là người ta ra quyết định bắt giải tán Viện. Ngày 24-7-2009 Nguyễn Tấn Dũng với tư cách là Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 97/2009/QĐ-TTg, ban hành danh mục các lĩnh vực cá nhân được thành lập tổ chức khoa học và công nghệ để dẹp Viện IDS. Quyết định 97 có hiệu lực kể từ ngày 15-09-2009. 

GS Hoàng Tụy, TS Nguyễn Quang A và các thành viên không chấp nhận được nỗi nhục bị người ta bắt giải tán nên đã tuyên bộ tự giải thể vào ngày 14 tháng 9 năm 2009, trước khi quyết định 97 có hiệu lực một ngày.

N.Đ.C.

Tác giả gửi BVN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét