Trong kinh Phật có 3 điều rất đáng suy ngẫm:

Thứ nhất, không có gì là tất cả, và tất cả là không có gì.

Thứ hai, sự người (từng người, từng cộng đồng người, cả loài người) là thành tố quan trọng nhưng không duy nhất, cũng không chính yếu của sự sống, và phải bình đẳng, tương kính, tương thân, tương ái với các thành tố khác của sự sống. Chỉ trên hành tinh nhỏ nhoi li ti là Trái Đất, những thành tố phi người của sự sống đã rất phong phú, đa dạng, đó là cát bụi, đất đá, nước lửa, ngày đêm, không gian, thời gian trái đất, cỏ cây, hoa lá, rắn rết, chim muông... Nếu tính trong vũ trụ này và trong các vũ trụ khác, thì sự sống quả thật vô thủy, vô chung, không có bắt đầu, không có kết thúc, rộng lớn đến vô cực và bất diệt.

Thứ ba, mỗi cá thể người là sinh vật nhận thức được và sống được như một cá thể sống không có gì mà là tất cả, và là tất cả mà không có gì. Cá thể người như thế cũng bất diệt như chính sự sống, tức là không có sự chết, mà chỉ có sự chuyển biến từ trạng thái sống này sang trạng thái sống khác.

Từ thời xa xưa, các đấng quân vương anh minh luôn nắm vững “ngũ cầm”, đó là cầm đạo, cầm tướng, cầm tâm, cầm cương và cầm thời. Cầm đúng cách chỉ có ở người đại chúng, đại dũng, đại nhân. Cầm mà sai cách sẽ sinh ra loạn đạo. Xã hội rơi vào biến loạn chính là vì có kẻ ngồi trộm vào ngôi không dành cho họ. 


Sức mạnh phát triển đất nước chính là “Nhân”- là con người, là nhân tâm. Có nhân hòa thì mới có nội lực

Người ngồi đúng ghế để dân ngưỡng mộ phải có trí tuệ hơn người và khả năng kinh bang tế thế. Nhân tâm không được thu phục bằng trí huệ của người hiền lương tất sẽ làm lòng người ly tán. Ấy là cái hoạ ngày càng lớn dần mà những kẻ phàm phu khó mà lượng định.

Lắng nghe một cách thầm lặng và biết làm gì cho đúng thời điểm, đó là trí khôn của bậc đại trượng phu. Càn khôn bĩ cực thái lai, sẽ có lúc sự vật tự nó chuyển vận ở nút thắt đúng thời điểm. Vạn vật xuất hiện trên đời đều có quá trình sinh - diệt theo quy luật mà chỉ có dĩ bất biến, ứng vạn biến mới làm chủ được hoàn cảnh nhưng cũng không tránh được quy luật sinh diệt của tạo hoá.

Người xưa đã nói, làm nhiều điều thiện, những việc có ích cho muôn dân để nước dâng thuyền. Chớ làm điều ác để nước lật thuyền. Cổ nhân cũng nói, nước có đạo (nền tảng đạo đức, chủ thuyết phát triển) thì lòng trời cũng thuận, thu phục được hiền tài trong xã hội, quan chức thanh liêm, người dân không phải lo đối phó, lưu lạc, đúng là quốc thái dân an. 

Cha ông ta rất thâm thuý, khi đưa ra những cảnh báo rất đáng suy ngẫm.

Đó là “ngũ hoạ” mà Lê Quý Đôn đã chỉ ra: Trẻ không kính già; trò không trọng thầy; binh kiêu tướng thoái; tham nhũng tràn lan; sĩ phu ngoảnh mặt.

Đó là “tứ tôn” mà Nguyễn Khắc Niêm đã vạch rõ: Tôn tộc đại quy; tôn lộc đại nguy; tôn tài đại thịnh; tôn nịnh đại suy (Tôn trọng nòi giống ắt đại hòa hợp; Tôn trọng bổng lộc, ắt đại nguy nan; Tôn trọng tài năng ắt đại phồn thịnh; Tôn trọng siểm nịnh ắt đại suy vong).

Sĩ phu có ba loại: (1) Ăn theo nói leo để tồn tại và tiến thân; loại này là sĩ phu giả cầy. (2) Buông bỏ tất cả, chê bai đủ thứ, mà không làm nên trò trống gì; loại này là sĩ phu thối chí. (3) Dù bị ngược đãi, bị đối xử bất công, nhưng vẫn kiên trung lên tiếng vì vận nước; đây mới là sĩ phu yêu nước.

Sức mạnh phát triển đất nước chính là “Nhân”- là con người, là nhân tâm. Phải có nhân hòa thì mới có nội lực. Làm thế nào để có nhân hòa? Người ta thường nói tới "sự thông minh của trái tim", chính là để nói về cái tâm. Vì cái tâm đó, Việt Nam đã đánh thắng những đế quốc mạnh nhất bởi đã tìm ra những phương án thông minh, mà những kể thù cũng phải thừa nhận.

Hầu hết chuyên gia, khi phân tích chiến lược thường sử dụng phương pháp phân tích SWOT (Strength-Weakness-Opportunity-Threats: mạnh, yếu, cơ hội và thách thức). Nhìn rộng ra một đất nước thì vị trí địa lý, tài nguyên thiên nhiên, con người, hệ thống thể chế thuộc về nội lực, còn thời cơ và thách thức chính là ngoại lực.


Tuyến đường cao tốc Nha Trang - Cam Lâm với tổng mức đầu tư 5.524 tỷ đồng. Ảnh: Chí Hùng

Nội lực là toàn bộ nguồn lực bên trong, sẽ được bổ sung hay tổn thất trong quá trình xây dựng và phát triển, tùy thuộc vào hiệu quả vận hành tương tác với nguồn lực bên ngoài. Nhưng nội lực phải được coi là yếu tố quan trọng nhất, mang ý nghĩa quyết định sự thành bại của quá trình này.

Lâu nay, ta quen dùng các hệ điều hành cũ như làm chủ tập thể, kinh tế quốc doanh là chủ đạo… để vận hành đất nước. Câu chuyện quản lý và đạo lý vì thế cũng là kết quả đó mà thôi. Cần thấu hiểu mặt trái nội hàm của nó đã khiến nhiều cán bộ phạm sai lầm và “lò” còn cháy không bao giờ thiếu củi, và đau đớn thay, nó sẽ đẩy không ít người có tài thành kẻ tội phạm.

Việt Nam không thể dựa vào tài nguyên thiên nhiên để phát triển được vì tài nguyên khoáng sản của nước ta rất nhỏ bé, manh mún. Sức mạnh phát triển đất nước chính là “nhân”, là con người, là nhân tâm. Nhưng phải có nhân hòa thì mới có nội lực. Làm thế nào để có nhân hòa?

Xưa, vua Trần Nhân Tông đã là một tấm gương sáng về tập hợp lòng dân chống giặc ngoại xâm, và hòa giải, đoàn kết dân tộc sau chiến thắng, làm nên một Đại Việt hùng cường. Ngày nay, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã từng tiếp nối sự anh minh của vua Trần Trần Tông “quốc dĩ dân vi bản”, lấy dân làm gốc vì Người nhận thấy khi dân đã đồng lòng, thì vận nước mới thịnh hưng, thành công mới đến.

Đi đôi với “nhân” là “tín”. Chữ tín không chỉ cần riêng trong chốn thương trường mà còn nhằm tạo dựng lòng tin của giới đầu tư nước ngoài và của những nhà tài trợ quốc tế, và để thu phục được lòng dân. Để giữ chữ “tín”, cần làm trong sạch bộ máy, kiện toàn khung pháp lý cho minh bạch, đồng bộ và có cách quản lý nhất quán. Việc quản lý đầu tư về điện gió và điện mặt trời là kinh nghiệm cụ thể về chữ “tín”.

Lê-nin nói: "Đào xuống, lật ra, xới tung lên những hàng chữ dày đặc đủ thứ lý thuyết, ta sẽ thấy đằng sau đó lồ lộ hiện ra cái gốc quyền lợi trơ trọi, thô thiển". Cái cần đào đó, cũng đang nằm sâu trong lòng xã hội nước Việt.

Hai thứ đầu tiên là “thiên” và “địa” vốn dĩ là những thứ nằm ngoài “nhân”, nên chỉ có thể lựa theo, nương theo quy luật khách quan của nó để thích nghi, để mà tạo lợi thế cho “nhân hòa”, không thể can thiệp, tác động vào bằng ý chí chủ quan được.

Còn “nhân hòa” là yếu tố cơ bản của nội lực, thì trước hết là ở vai trò và trách nhiệm của những người lãnh đạo. Lâu nay, ta nói nhiều về “lỗi hệ thống” và tính lạc hậu, xơ cứng của tư duy phát triển, nhưng nói cho cùng thì hệ thống và tư duy xơ cứng đó là do chính chúng ta tạo ra.

Vì vậy, nếu muốn đất nước phát huy được nội lực thì mỗi người Việt Nam, trước tiên là các nhà lãnh đạo, phải quyết tâm vượt qua chính mình chứ không phải ngồi chờ sự thay đổi. Sự vượt qua chính mình đó đòi hỏi cả trí tuệ, ý chí, bản lĩnh và sự kiên trì, lòng tin ở những giá trị văn minh, văn hóa. 

Để vượt qua được chính mình một cách nhạy bén, cần lắng nghe tiếng nói của nhân dân, nhất là tiếng nói của những người có tâm huyết. Chính vì sự tâm huyết mà nhiều người không ngại nói thẳng, nói thật, thậm chí nói có phần khó nghe, nhưng tất cả chỉ vì tương lai của đất nước.

Lợi ích dân tộc, chủ quyền quốc gia, nhà nước pháp quyền, xã hội dân chủ, đất nước giàu mạnh là mục tiêu trên hết. Thể chế văn minh là mảnh đất và môi trường để nội lực đất nước phát triển, để người Việt có thể tìm thấy hạnh phúc bằng chính sự lao động chân chính được gieo trên mảnh đất này.

Đất nước giàu mạnh không chỉ thể hiện qua những con số về khối lượng và chi phí, mà còn về tiến độ và chất lượng. Hệ thống đường cao tốc đang dần hoàn thành trên toàn quốc là đóng góp to lớn cho sự giàu mạnh của đất nước, sau một số chệch choạc ban đầu về tiến độ trì trệ và kém chất lượng.

Các nhà lãnh đạo đất nước đã tập trung nỗ lực để đốc thúc xây dựng hệ thống đường cao tốc với tiến độ cụ thể cho từng gói thầu. Kế đến, cần tập trung nỗ lực tương tự để xây dựng những hệ thống đường sắt đô thị nhằm đạt thành tựu về tiến độ. Nhưng luôn nhớ, khi ta xây dựng được một, thì nước người lại xây dựng được gấp nhiều lần, khiến cho đất nước luôn rơi vào cảnh tụt hậu khi so sánh với nước người. Xưa trong chiến tranh thì điều hành bằng lý trí, nay trong hòa bình thì điều hành bằng tôn trọng quy luật tự nhiên, quy luật thị trường mới tạo ra hòa hợp và động lực phát triển.

Kỷ nguyên mới là kỷ nguyên của công nghệ và sự chuyển dịch năng lượng, mà một đặc tính chuyên biệt của công nghệ là sự lỗi thời, “sự ra đời của công nghệ mới tiên tiến hơn trong thời gian ngắn dễ dàng phủ định công nghệ cũ”. 

Áp dụng công nghệ phục vụ mục tiêu phát triển quốc gia là không thể phủ định, nhưng nhanh hay chậm, hiệu quả và thành công còn phụ thuộc vào chữ “Nhân” và “Tuệ” của những người hoạch định chính sách, thực thi chính sách và cả những người kiểm tra giám sát, đánh giá chính sách.

Cuối năm, vay nợ đất trời

Viết câu thơ cũ lên đôi lá vàng

Người nhân gian, chuyện nhân gian

Trách làm chi những bẽ bàng dạt xiêu

Vần xoay thế sự đã nhiều

Niềm tin như gió xoay chiều đúng sai

Nhìn lá rụng, sợ ngày mai

Mây bay như thể lòng ai vô tình

Tô Văn Trường