Thứ Năm, 26 tháng 1, 2023

20230127. THỜI CƠ VÀ THÁCH THỨC CỦA KINH TẾ VN 2023

  ĐIỂM BÁO MẠNG

'GIÁ NHƯ CHÚNG TA QUYẾT LIỆT HƠN'

LAN ANH th/ TVN 25-1-2023

Một năm đã qua với những niềm vui, nỗi buồn pha lẫn sự trăn trở. Giá như chúng ta có cách điều hành quyết liệt, khôn khéo hơn nữa thì kết quả sẽ còn tích cực hơn.

LTS: Nhân dịp đầu xuân mới năm Quý Mão, Tuần Việt Nam có cuộc trò chuyện với Tiến sĩ Võ Trí Thành về những thời cơ và thách thức trong năm 2023.

Thưa ông, khi nền kinh tế mở ra bình thường sau đại dịch Covid, ông có cảm nhận chung không khí đất nước thế nào?

Tôi nhận thấy có đủ mọi cung bậc cảm xúc, có niềm vui pha lẫn nỗi buồn, và cũng có những nỗi trăn trở. Nền kinh tế mở ra là kéo theo phục hồi, thể hiện sức sống dẻo dai của nền kinh tế, của đất nước dù sự phục hồi không đồng đều trên các lĩnh vực.

Có chút nỗi buồn là giá như chúng ta điều hành khéo hơn, quyết liệt hơn như thúc đẩy giải ngân đầu tư công, thực hiện các chương trình phục hồi thì chắc kết quả sẽ tích cực hơn. 

Hơn nữa, kể từ cuối quý 3 đã xuất hiện thêm những khó khăn, phức tạp. Khó khăn thể hiện rõ nhất là con số xuất khẩu chỉ còn tăng trên 10%, không cao như những năm khác mà đằng sau đó là công nghiệp chế biến chế tạo co lại, nhân công lao động mất việc làm.

Bên cạnh đó còn có sự trăn trở, giá như chúng ta khéo hơn một chút trong ứng xử chính sách vĩ mô giữa một bên là tài chính tiền tệ và một bên là nền kinh tế thực.


TS Võ Trí Thành: Năm qua có đủ cung bậc cảm xúc, có niềm vui pha lẫn nỗi buồn, và cả những nỗi trăn trở

Giai đoạn đầu năm đã phục hồi mạnh mẽ, tâm lý kinh doanh phấn khởi nên tín dụng tăng khá nhanh, huy động nhanh, nhưng đến khi đảo chiều chính sách do áp lực lạm phát, lãi suất tỷ giá bên ngoài thì có những trục trặc. Cùng với đó là vấn đề giám sát ngân hàng.

Nhìn tổng thể, xem ra kinh tế Việt Nam năm qua phục hồi mạnh từ “nền” thấp hai năm trước đó. Tăng trưởng có thể đạt khoảng trên 8%, vượt kỳ vọng, dự báo cuối năm 2021 đến đầu năm 2022.

Tổng mức bán lẻ (phản ánh tiêu dùng cuối cùng), đầu tư (nhất là giải ngân FDI) và xuất khẩu hàng hóa đều tăng ấn tượng. Sự phục hồi diễn ra trên tất cả các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ, dù không đều. Kinh tế vĩ mô tương đối ổn định. Lạm phát trung bình thấp dưới mục tiêu 4%. Mức biến động lãi suất điều hành và tỷ giá không quá lớn so với nhiều nước trên thế giới và khu vực.

Tuy nhiên, góc nhìn tổng thể có thể che lấp thách thức và khó khăn nền kinh tế phải đối mặt, nhất là từ cuối quí 3/2022 và có thể cả năm 2023.

Hồi cuối quý 3 đầu quý 4 của năm 2022, sau khi điều chỉnh lãi suất và tỷ giá, tình hình vĩ mô đã khác trước rất nhiều. Tâm lý hào hứng đã mất động lực. Ông nghĩ sao về điều này?

Đỉnh điểm căng thẳng tài chính, tiền tệ, nhất là tỷ giá diễn ra vào tháng 8, tháng 9 năm 2022 nên lúc đó ta dồn sức bảo vệ giá trị đồng tiền Việt Nam.

Thời điểm đó, mức tăng huy động chỉ 3 - 4%, thấp hơn nhiều so với tăng trưởng tín dụng 9 - 10% nên càng tạo thêm áp lực cho thanh khoản. Tỷ giá biến động cũng gây thêm sức ép khi người dân có xu hướng chuyển sang đô la.

Ở khía cạnh thương mại, năm nay xuất khẩu thặng dư 11-12 tỷ đô la, tức xuất nhiều hơn nhập. Tuy nhiên, khu vực FDI thặng dư khoảng trên 30 tỷ đô la, hay nói cách khác, doanh nghiệp Việt cơ bản nhập nhiều nhưng xuất không nhiều. Vào thời điểm căng thẳng đó, những doanh nghiệp có đô la nhưng họ không bán ra, và Ngân hàng Nhà nước phải can thiệp.

Có những thời điểm áp lực cực kỳ căng thẳng. Tuy nhiên, đỉnh điểm đã qua đi và giờ đây bớt căng thẳng hơn. Tỷ giá VNĐ không bị mất quá nhiều cũng hỗ trợ doanh nghiệp nhiều.

Các chỉ tiêu điều hành như lạm phát, tăng trưởng tín dụng, tỷ giá… đã được “cố định” ngay từ đầu năm 2022 dù có gắn với nó những chữ như linh hoạt. Tuy nhiên, thực tế trong năm qua cho thấy sự biến động ít ai lường được, tác động rất lớn đến môi trường kinh doanh vốn cần tiếp thêm nguồn lực sau khi ngủ đông do đại dịch Covid suốt mấy năm?

Về mặt lí thuyết, trong chính sách tiền tệ có hai quan điểm: Quan điểm thứ nhất, theo quy tắc rule-based là những người theo cơ chế thị trường thuần tuý, tức là minh bạch nhất thị trường. Ví dụ, mỗi năm tăng khung tiền tệ 7%. Thứ hai, là tuỳ ứng, nghĩa là trong thế giới nhiều bất động, có cú sốc thì có can thiệp nhà nước. Lâu nay vẫn có tranh luận suốt về hai trường phái này.

Tuy nhiên, trường phái rule-based minh bạch hơn, thị trường hơn, và đoán định hơn. Chẳng hạn, ta nói hàng năm tăng cung tiền tệ 7%, hay như FED tăng lãi suất, siết sản xuất kinh doanh cho đến khi lạm phát xuống 2%.

Trường phái thứ hai được nhiều nơi áp dụng và cũng rất tốt, ứng biến theo biến động bên ngoài.


Việt Nam cũng có tính minh bạch về mục tiêu lạm phát cần giữ dưới 4% như Quốc hội yêu cầu song vẫn là tuỳ ứng

Trong điều hành vừa qua, FED đã minh bạch 3 điểm: mục tiêu lạm phát rõ ràng trở về 2%, tăng lãi suất, tăng theo các kì họp của FED nhưng tăng lãi suất bao nhiêu FED không có lộ trình rõ ràng. Cuối năm 2021, Chủ tịch FED nói lạm phát lúc bấy giờ là tạm thời, do đại dịch nên đứt gãy chuỗi cung ứng, nguồn cung, một số sản phẩm liên quan đến con chip... Sau này, hoá ra lạm phát cao và dai dẳng nên FED tăng lãi suất, có tính minh bạch cao, có tính room base nhưng vẫn chưa dự báo được đầy đủ.

Việt Nam cũng có tính minh bạch về lạm phát mục tiêu cần giữ dưới 4% như Quốc hội yêu cầu. Song, Việt Nam điều hành cơ bản vẫn là tuỳ ứng. Tuỳ ứng ấy mà được dự báo trước tốt hơn thì sẽ có hướng tốt hơn. Nhưng suy cho cùng, điều này khó vì hai yếu tố là các cú sốc bên ngoài và tâm lý đám đông trong nước, làm rung động thêm thị trường.

Quan sát nhận thấy ông luôn bảo vệ (tính đúng đắn) của con số CPI rất thấp? Vì sao vậy?

Con số lạm phát là do cơ quan thống kê chính thức công bố. Cảm xúc người tiêu dùng phụ thuộc rổ hàng hoá cá nhân. Cảm nhận quyết định hành vi cá nhân con người. Nếu cả xã hội theo trào lưu cảm nhận thì chính sách phải chỉnh sửa, theo cảm nhận.

Hơn nữa, không có con số nào tuyệt đối chính xác vì không bao giờ tìm được rổ hàng hoá nào đại diện cho 100% các mặt hàng dịch vụ tiêu dùng. Trọng số luôn sai, trong rổ hàng hoá cứ 3-4 năm lại đánh giá lại rổ hàng hoá. Trong 5 năm ấy biến động nhưng không có tiền của để mỗi tháng đi đo trọng số đó cả. Chưa kể, 5 năm Việt Nam mới làm một lần, trọng số đó mỗi thời điểm do tình hình kinh tế thay đổi, hành vi thay đổi nên sai số bao giờ cũng có. Khó có thể có phản bác khoa học cho chuyện này.

Châu Âu hiện tại là 10% lạm phát. Người dân Châu Âu có tin không vì giá năng lượng tăng gấp 3. Trước kia lương họ 1/3 bây giờ giảm phí điện nước có thể 20-30%. Cho nên, về mặt chính sách phải quan tâm cả hai: cảm nhận và con số đo lường.

Vì sao các nước phát triển, EU bao giờ cũng đặt ưu tiên chống lạm phát 2%. Lạm phát đối với nước phát triển quan tâm nhiều vì đó là phúc lợi xã hội. Người lao động khi về già sống bằng lương hưu. Lạm phát tăng họ không sống được nên giai đoạn lạm phát vừa rồi ở Châu Âu những người khổ nhất là người về hưu. Còn với các nước đang phát triển vì sao lạm phát cao hơn chút, vì họ cần tăng trưởng nên nó có ngưỡng lạm phát.

Cách đặt mục tiêu lạm phát thế nào? Việt Nam có chuyển sang mục tiêu lạm phát được không vẫn còn là câu hỏi. Bởi vì, Việt Nam mới đạt được 4-5 điều kiện trong 8-9 điều kiện như tính tự chủ ngân hàng Trung ương. Cách đặt mục tiêu lạm phát không thể những con số cứng ví dụ từ 4-6%. Cái gọi lạm phát trung bình để tính toán GDP trung bình cả năm tính bằng đô để tính tỷ giá trung bình.

Lan Anh 

'VƯỢT NGUY, TẬN CƠ'

LAN ANH th/ TVN 26-1-2023

Đáng nói hơn con số là thông điệp: Trong một thế giới nhiều bất trắc, đổi thay, đầy gam màu sáng tối rất cần “vượt nguy, tận cơ”, “tư duy lại, thiết kế lại, xây dựng lại”, và càng cần “hành động quyết liệt, khôn khéo, linh hoạt”.

Tuần Việt Nam tiếp tục giới thiệu phần 2 cuộc trò chuyện đầu xuân với Tiến sĩ Võ Trí Thành về những thời cơ và thách thức trong năm 2023.

Thủ tướng cũng đang đau đầu tìm điểm cân bằng giữa tăng trưởng lạm phát, thưa ông?

Quan điểm điều hành chính sách tiền tệ có 2 nhóm, có nhóm bảo thủ, có nhóm tiến bộ. Nhóm bảo thủ ở các nước phát triển rất quan tâm đến lạm phát, hiểu đơn giản là trong chính sách tiền tệ cho trọng số ổn định cao hơn chút. Cái lí của nó ở chỗ, đối với tài chính tiền tệ chỉ nhỡ hơn tí là rất mệt, tổn phí cao và khó đỡ. Đứng góc độ điều hành, các nước đang phát triển áp lực với các nhà điều hành là tăng trưởng, sản xuất kinh doanh.


TS Võ Trí Thành: Các nước đang phát triển áp lực với các nhà điều hành là tăng trưởng, sản xuất kinh doanh.

Chỉ có ở Việt Nam, Thủ tướng mới chỉ đạo giảm lãi suất được như thế. Ở các nước phát triển, ngân hàng thương mại hoạt động độc lập, muốn lái ngân hàng thương mại thì chính sách tiền tệ do ngân hàng TƯ độc lập quyết định, Thống đốc quyết định chứ Tổng thống cũng không quyết định được. Còn Ngân hàng nhà nước Việt Nam chỉ là thành viên của Chính phủ, vai trò Thống đốc xếp cuối cùng trong các Bộ trưởng. Vì vậy, nhiều nước nhiệm kì Thống đốc lệch pha với nhiệm kì Tổng thống, thường dài hơn nhiệm kì Tổng thống, đó là độc lập về mặt chính trị lẫn mục tiêu.

Còn luật của mình mục tiêu là ngân hàng nhà nước không có quyền, chỉ xây dựng cùng các bộ ngành rồi đệ trình Chính phủ, sau đó Chính phủ báo cáo Quốc hội. Ngân hàng nhà nước Việt Nam chỉ được độc lập về công cụ, hay còn gọi là tự chủ. Cũng phải nói thêm, điều hành của mình khá khó và chưa tốt, chẳng hạn mối quan hệ tương tác giữa lãi suất và các công cụ của ngân hàng nhà nước. Ở các nước có nền tài chính phát triển điều hành việc này tốt hơn.

Tỷ giá, lãi suất cao như thế làm sao giúp cho nền kinh tế và hàng hóa Việt Nam trở nên cạnh tranh, thưa ông?

Câu chuyện này đã nói nhiều lần rồi. Trước đây vẫn có những tranh cãi lãi suất 10% sao tôi sống được. Về nguyên tắc, ai cũng muốn lãi suất thấp nhưng lãi suất chỉ thấp khi chúng ta ổn định vĩ mô và phải là lãi suất thực chứ không phải danh nghĩa. Chẳng hạn, lãi suất Việt Nam hiện nay 8-9%, lạm phát là 5%. Nếu nhìn vào lãi suất thực như vậy vẫn còn thấp.


Ai cũng muốn lãi suất thấp nhưng lãi suất chỉ thấp khi chúng ta ổn định vĩ mô và phải là lãi suất thực. Ảnh: Hoàng Hà

Nếu lãi suất thực tính chính xác nữa là lãi suất cho vay với lạm phát kì vọng. Đến thời điểm này, lạm phát so với cùng kì 4,6% - 4,7%, lãi suất vay ngân hàng 8% - 9% nhưng tính đúng là 8% - 9% với lãi suất kì vọng.

Quay lại câu chuyện vì sao Việt Nam đặt mục tiêu là 6,5% và 4,5%? Vì phía trước khó khăn, xuất khẩu giảm, tiêu dùng mức tăng khó. Nhờ du lịch và tiêu dùng nội địa. Xuất khẩu năm tới đạt có 6%. Chúng ta có cơ hội Trung Quốc mở, và bây gi chỉ chờ vào đầu tư công. Con số 4,5% là áp lực lạm phát còn khá mạnh do độ trễ năm cũ chuyển sang, một số dự án nhà nước đang kiểm soát phải tháo, giá điện tới đây không thể giữ được vì EVN đã lỗ rồi.

Tôi dự tính nhiều khả năng phương án 5%. Hiện nay, một số giá dịch vụ vẫn đang kìm chế. Mình nới lạm phát để có dư địa hơn cho chính sách tiền tệ. Hi vọng, FED tăng lãi suất 0,5% thôi.

Nhưng hãy cùng lạc quan nhìn nhận rằng, thời kì áp lực nhất, khó khăn nhất dường như đã qua đi. Bây giờ đau đầu nhất là thị trường tài chính, xử lí trái phiếu, các dự án bất động sản cần đi vào thực chất hơn.

Rõ ràng năm 2023 là năm khó khăn và thách thức đan xen nhưng dù có thế nào, chúng ta vẫn phải tiếp tục tiến lên phía trước. Vậy chúng ta cùng hi vọng những điều tốt đẹp năm 2023 thế nào thưa ông?

Nhiều dự báo cũng cho rằng nếu có suy thoái cũng là suy thoái nhẹ; kinh tế Mỹ có thể hạ cánh mềm. Kinh tế Trung Quốc năm 2023 lại tăng trưởng tốt hơn năm 2022 (4,4% so với 3,2%) do nới lỏng chính sách zero-covid và bình ổn đựơc thị trường bất động sản. ASEAN-5 (có Việt Nam) giảm tốc đôi chút (4,9% so với 5,3%), nhưng khả năng chống chịu vẫn khá cao.


Năm 2023 Việt Nam đã đặt mục tiêu tăng trưởng 6,5%, thấp hơn 2022 và lạm phát khoảng 4,5%, cao hơn 2022.

Áp lực tài chính-tiền tệ từ bên ngoài nhiều khả năng sẽ dịu bớt. Chính sách của FED sẽ “bồ câu” hơn, cả về cường độ và tần suất tăng lãi suất. Lạm phát cao toàn cầu sẽ qua đỉnh và giảm dần trong năm tới. Biến động đầu tháng 12/2022 trên thị trường tài chính – tiền tệ Việt Nam đã cảm nhận được sự dịu bớt đó. Tỷ giá VND/USD chỉ còn mất giá trên 4%. Ngân hàng nhà nước đã nới thêm 1,5% - 2% room tín dụng 2022.

Thực hiện đầu tư công và cả Chương trình phục hồi và phát triển cho tròn trịa không đơn giản nhưng chắc sẽ được đẩy nhanh hơn. Cam kết rõ ràng và cách xử lý thích hợp những vấn đề tài chính – tiền tệ nổi cộm cùng tiếp tục triển khai cải cách cơ cấu, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh sẽ tạo lại niềm tin thị trường, từ đó thúc đẩy đầu tư và cả tiêu dùng.

Nói thêm ở đây về FDI vào Việt Nam. FDI vào Việt Nam đều có xu hướng giảm trong ba năm qua. Tuy nhiên, Việt Nam còn nhiều tiềm năng thu hút FDI có chất lượng, nhất là khi dòng vốn FDI đến với mỗi quốc gia là khác biệt và mang tính lựa chọn cao. Độ hấp dẫn FDI tùy thuộc nhiều vào cách dịch chuyển các chuỗi cung ứng/chuỗi giá trị toàn cầu gắn với lợi thế so sánh, môi trường kinh doanh, khả năng kết nối và tiếp cận thị trường (như FTAs), niềm tin đối tác, việc bắt nhịp CMCN 4.0, kỷ nguyên số và sự đảm bảo quyền sở hữu trí tuệ.

Bên cạnh nhiều trong số các nhân tố đó, như một nghiên cứu của ERIA (2022) đã chỉ ra, chính sách thúc đẩy sự hình thành các cụm liên kết ngành (industrial clusters) cũng rất có ý nghĩa trong thu hút các tập đoàn đa quốc gia.

Với Khó khăn – Hy vọng – Nỗ lực, năm 2023 Việt Nam đã đặt mục tiêu tăng trưởng 6,5%, thấp hơn 2022 và lạm phát khoảng 4,5%, cao hơn 2022.

Đáng nói hơn con số là thông điệp: Trong một thế giới nhiều bất trắc, đổi thay, đầy gam màu sáng tối thì rất cần “vượt nguy, tận cơ”, “tư duy lại, thiết kế lại, xây dựng lại”, và càng cần “hành động quyết liệt, khôn khéo, linh hoạt”.

Hy vọng và cao hơn là niềm tin kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng, ổn định và phát triển bền vững.

Lan Anh