Thứ Bảy, 31 tháng 12, 2022

20230101. 10 SỰ KIỆN KINH TẾ NỔI BẬT CỦA VN NĂM 2022

ĐIỂM BÁO MẠNG

 

10 SỰ KIỆN KINH TẾ NỔI BẬT CỦA VIỆT NAM TRONG NĂM 2022

KTSG 31-12-2022

(KTSG Online) – Năm 2022 nền kinh tế Việt Nam cho thấy sự sẵn sàng cho một chu kỳ phục hồi sau 2 năm bị tác động nặng nề bởi Covid-19. Ngay từ đầu năm nguồn năng lượng tái thiết được lan tỏa khắp các lĩnh vực thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ trong 6 tháng đầu tiên.

Tưởng chừng như đà phục hồi này được duy trì bền vững và nhiều người kỳ vọng về việc bù đắp được những khó khăn trước đó, tuy nhiên, về cuối năm những ảnh hưởng từ biến động kinh tế chính trị thế giới đang khiến cho mọi chuyện xoay chiều và tốc độ chậm dần. Mỗi lĩnh vực đều có câu chuyện và sự kiện của riêng mình liên quan đến sự tác động từ biến động kinh tế vĩ mô.

Dưới đây là 10 sự kiện kinh tế nổi bật của Việt Nam trong năm 2022 do KTSG Online lựa chọn:

1-Thị trường bất động sản 2022 với những kỷ lục

Thị trường bất động sản 2022 là năm của kỷ lục với giá trị hàng tồn kho cao kỷ lục, tính thanh khoản thấp kỷ lục, mức giảm giá kỷ lục của bất động sản sau 10 năm, và số dự án tạm ngưng vì thủ tục pháp lý.

Nhìn tổng quan thị trường, đà khởi sắc trong quí 1 nhanh chóng chựng lại, từ cuối quí 2-2022, thị trường bất động sản bắt đầu ghi nhận hàng loạt dấu hiệu trầm lắng.

Viện Nghiên cứu Kinh tế – Tài chính – BĐS Dat Xanh Services đã đưa ra một số liệu đáng chú ý là 10 tháng năm 2022, số lượng doanh nghiệp tạm dừng kinh doanh có thời hạn là gần 2.300 doanh nghiệp, tăng 52,8% so với cùng kỳ. Một số doanh nghiệp bất động sản phải thu hẹp quy mô, giảm đến 50% – 70% nhân sự.

Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho biết trong năm 2022 chỉ có 40.000 sản phẩm bất động sản mới được tung ra thị trường, chỉ bằng khoảng 20% của năm 2018. Hàng tồn kho trên thị trường lên đến 100.000 sản phẩm có tính thanh khoản rất yếu vì đa số nằm ở phân khúc cao cấp có mức giá quá cao, không phù hợp nhu cầu của đại đa số người dân.

Thị trường bất động sản 2022 là năm của kỷ lục với giá trị hàng tồn kho cao kỷ lục, tính thanh khoản thấp kỷ lục, mức giảm giá kỷ lục của bất động sản sau 10 năm, và số dự án tạm ngưng vì thủ tục pháp lý.

Nhìn tổng quan thị trường, đà khởi sắc trong quí 1 nhanh chóng chựng lại, từ cuối quí 2-2022, thị trường bất động sản bắt đầu ghi nhận hàng loạt dấu hiệu trầm lắng.

Viện Nghiên cứu Kinh tế – Tài chính – BĐS Dat Xanh Services đã đưa ra một số liệu đáng chú ý là 10 tháng năm 2022, số lượng doanh nghiệp tạm dừng kinh doanh có thời hạn là gần 2.300 doanh nghiệp, tăng 52,8% so với cùng kỳ. Một số doanh nghiệp bất động sản phải thu hẹp quy mô, giảm đến 50% – 70% nhân sự.

Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho biết trong năm 2022 chỉ có 40.000 sản phẩm bất động sản mới được tung ra thị trường, chỉ bằng khoảng 20% của năm 2018. Hàng tồn kho trên thị trường lên đến 100.000 sản phẩm có tính thanh khoản rất yếu vì đa số nằm ở phân khúc cao cấp có mức giá quá cao, không phù hợp nhu cầu của đại đa số người dân.

Vướng thủ tục pháp lý cũng là một rào cản lớn. Chỉ riêng tại Hà Nội hiện có khoảng 400 và TPHCM khoảng 300 dự án bất động sản “treo”, chờ thủ tục pháp lý nhiều năm chưa triển khai được.

Tiếp đó, tắc nguồn vốn tín dụng, tắc nguồn vốn trái phiếu, tắc cả nguồn vốn huy động từ khách hàng, nên nhiều doanh nghiệp bất động sản “đói vốn”, phải bán bớt tài sản, dự án hoặc bán sản phẩm bất động sản, nhà ở với chiết khấu đến 40% giá hợp đồng.

Làn sóng bán tháo, bán giải chấp cổ phiếu bất động sản diễn ra từ nhiều tháng qua và mạnh mẽ nhất kể từ đầu tháng 11 khi nhóm ngành này đối diện với muôn vàn khó khăn như sức mua mất hút, dòng tiền đóng băng trong lúc nhiều đơn vị phải xoay xở vốn để trả nợ trái phiếu đến hạn.

2-Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam lần đầu vượt mốc 700 tỉ đô la M

Số liệu được Bộ Công Thương cho biết tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt khoảng 732 tỉ đô la trong năm 2022, tăng khoảng 10% so với năm 2021.

Cán cân thương mại tiếp tục ghi nhận xuất siêu năm thứ 7 liên tiếp với thặng dư gần 11 tỉ đô la, góp phần tích cực cho cán cân thanh toán, giúp nâng cao dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá và ổn định các chỉ số kinh tế vĩ mô khác của nền kinh tế. Trong kết quả xuất siêu có tới 10 tỉ đô la là từ ngành nông nghiệp.

Kim ngạch xuất khẩu tăng 10,5%, đạt  371,5 tỉ đô la, trong đó có đến 39 ngành hàng đạt giá trị xuất khẩu trên 1 tỉ đô la, tăng 4 mặt hàng so với năm 2021, và 9 ngành hàng vượt 10 tỉ đô la, hơn 1 mặt hàng so với năm 2021.

3-Tỷ giá lên cao nhất trong lịch sử, lãi suất ngân hàng đạt đỉnh 10 năm

Trong những tháng cuối năm 2022, đã có thời điểm Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tỷ giá trung tâm lên mức đỉnh 23.700 đồng/đô la vào ngày 24-10, mức cao nhất từ trước đến nay. Trước đó, ngày 17/10, cơ quan này cũng điều chỉnh biên độ tỷ giá giao ngay giữa tiền đồng và đô la Mỹ từ mức 3% lên 5%, nghĩa là ngân hàng thương mại có thể bán đô la Mỹ với giá lên đến 24.885 đồng.

Những ngày cuối năm, tỷ giá đang có dấu hiệu hạ nhiệt sau quãng thời gian tăng mạnh. Tỷ giá liên ngân hàng đã về vùng 24.800 đồng/đô la. Chênh lệch giữa tỷ giá tại các ngân hàng thương mại và thị trường tự do không còn nhiều sự khác biệt.

Trái với tỷ giá, lãi suất vẫn đang chịu áp lực tăng đáng kể, có thời điểm lãi suất huy động của các ngân hàng tăng đến mức cao nhất trong 10 năm gần đây, lên đến 11%/năm. Những ngày cuối tháng 12, dù có hạ nhiệt nhưng mức lãi suất phổ biến cho kỳ hạn trên 6 tháng ở các ngân hàng thương mại cổ phần vẫn trong vùng 8,5% đến 9,5%/năm. Thậm chí trên thực tế, mặt bằng lãi suất này còn cao hơn vì một số ngân hàng áp dụng các mức khuyến mãi tăng thêm dành cho những khoản tiền gửi giá trị lớn.

4-Số lượng trái phiếu doanh nghiệp được mua lại trước hạn cao kỷ lục

Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA), thống kê trong 10 tháng đầu năm 2022 đã có khoảng 147.000 tỉ đồng trái phiếu doanh nghiệp được mua lại trước hạn. Tổng giá trị trái phiếu bất động sản sẽ đáo hạn sau ngày 15-11-2022 đến ngày 31-12-2022 chỉ còn ở mức gần 22.000 tỉ đồng.

Theo Bộ Tài chính, trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) được phát hành hầu hết là trái phiếu riêng lẻ. Trong đó, khối lượng phát hành trái phiếu riêng lẻ năm 2020 khoảng 435.777 tỉ đồng, năm 2021 khoảng 605.935 tỉ đồng, quý 1-2022 khoảng 138.810 tỉ đồng.

Năm 2021 dù nền kinh tế chịu ảnh hưởng lớn bởi dịch bệnh nhưng các doanh nghiệp vẫn lựa chọn kênh phát hành trái phiếu để huy động vốn với khối lượng phát hành tăng 36,4% so với năm 2020.

Năm 2022, tính từ đầu năm đến ngày 11-11, khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp là 329.296 tỉ đồng, giảm 28,5% so với cùng kỳ năm 2021. Dù đã giảm nhanh nhưng tính đến hết tháng 11, nhóm doanh nghiệp bất động sản vẫn đứng ở vị trí thứ hai về giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp với gần 52.000 tỉ đồng, chiếm khoảng 20%.

5-Chỉ số VN-Index lập đỉnh mới rồi roi xuống dưới 900 điểm, mức thấp nhất trong vòng hai năm qua

2022 là một năm biến động dữ dội của thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam. VN-Index lần đầu tiên trong lịch sử vượt 1.500 điểm nhưng cũng chỉ sau hơn nửa năm đã rơi xuống dưới 900 điểm.

Sau nhiều nỗ lực bất thành cuối năm 2021, TTCK bất ngờ bứt phá ngay trong những ngày đầu năm 2022, VN-Index lần đầu tiên trong lịch sử đóng cửa trên 1.500 điểm vào ngày 6-1. Thị trường sau đó điều chỉnh nhẹ và đi ngang gần vùng đỉnh trước khi bắt đầu tụt dốc từ đầu tháng 4 và rơi thủng đáy 900 điểm trong tháng 11.

6. Hàng không phục hồi nhưng chưa bền vững

Theo công bố của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), Việt Nam hiện đang đứng vị trí số 1 trong danh sách 25 nước có thị trường hàng không nội địa phục hồi nhanh nhất thế giới.

Năm 2022, thị trường vận tải hàng không ước đạt 55 triệu khách, tăng 3,7 lần so năm 2021 và bằng 70% so năm 2019. Sản lượng hàng hoá ước đạt 1,25 triệu tấn, bằng 95% so năm 2021 và tương đương năm 2019.

Về sản lượng vận chuyển nội địa, Cục Hàng không Việt Nam cho hay ước đạt 43,2 triệu khách, tăng 3,5 lần so năm 2021 và tăng 15,6% so năm 2019 – thời điểm trước dịch. Vận chuyển quốc tế đạt 11 triệu khách, tăng 22 lần so năm 2021 và bằng 27% so năm 2019.

Dù sản lượng vận chuyển nội địa cao hơn dự kiến và vượt trội so với trước đại dịch, nhưng các hãng hàng không trong nước vẫn khó khăn trong kinh doanh vận tải hàng không.

7-Quy hoạch vùng đầu tiên của cả nước được ban hành

Tháng 6-2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021 – 2030.

Đây là bản quy hoạch vùng đầu tiên được tổ chức lập theo cách tiếp cận tích hợp đa ngành theo quy định của Luật Quy hoạch, mở ra các cơ hội phát triển mới và định hình các giá trị mới miền Tây Nam bộ.

Tầm nhìn và mục tiêu quy hoạch là phát triển ĐBSCL nhanh và bền vững, hiện đại, sinh thái, văn minh, mang đậm đà bản sắc văn hóa. Đến năm 2050, khu vực này sẽ trở thành vùng có trình độ phát triển khá so với cả nước; là nơi đáng sống đối với người dân, là điểm đến hấp dẫn đối với du khách và nhà đầu tư.

8-Các sự kiện văn hoá-thể thao và du lịch khởi động lại sau Covid-19

Sau một năm trì hoãn vì Covid-19, Việt Nam lần thứ hai đăng cai SEA Games vào tháng 5-2022, với hơn 10.000 người tham dự, tranh 526 bộ huy chương. Sự kiện thể thao khu vực này có sự tham gia của 12 tỉnh, thành ở phía Bắc đăng cai tổ chức 40 môn thi.

Năm 2022 là năm chứng kiến sự hồi phục mạnh mẽ của các giải chạy. Từ giữa năm 2022, một loạt giải marathon đã được khởi động như VnExpress Marathon Amazing Hạ Long, Coteccons Quảng Bình Marathon, TRI – Factor Đồng Nai (đọc trai factor), Vietnam Mountain Marathon, Giải Marathon Quốc Tế Thành Phố Hồ Chí Minh Techcombank…

TPHCM tổ chức hai Tuần lễ du lịch vào năm 2022. Trong khuôn khổ này, lần đầu tiên diễn ra hoạt động triển lãm tranh và vẽ tranh ký họa đô thị về những biểu tượng và địa điểm du lịch, các chương trình lễ hội âm nhạc quốc tế và Ngày hội khinh khí cầu TPHCM.

9-Thương mại điện tử Việt Nam vào nhóm 5 quốc gia có tốc độ tăng trưởng hàng đầu thế giới

Năm 2022, Thương mại điện tử (TMĐT) tiếp tục phát triển và tạo ra những xu hướng tiêu dùng mới. Sau đại dịch Covid-19, Việt Nam là một trong những quốc gia khôi phục các hoạt động “bình thường mới” một cách nhanh chóng. TMĐT trở thành đầu tàu trong sự phát triển của nền kinh tế số Việt Nam.

Theo sách trắng năm 2022 do Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, quy mô thị trường bán lẻ thương mại điện tử của Việt Nam dự báo tăng trưởng ở mức 20% trong năm 2022, đạt khoảng 16,4 tỉ đô la. Ước tính có khoảng 57 – 60 triệu người

Việt Nam tham gia mua sắm trực tuyến với giá trị mua sắm bình quân đầu người 260 – 285 đô la.

10-Một năm nhiều biến động của thị trường xăng dầu

Thi trường xăng dầu và chính sách điều hành mặt hàng này trở thành “điểm nóng” kinh tế trong năm 2022 bởi liên quan đến giá trị đầu vào của hầu hết các lĩnh vực kinh tế. Biến động không tưởng của giá xăng trong năm qua có lẽ đã phần nào phản ánh được mức độ tác động của mặt hàng này đến nền kinh tế.

Giá xăng đã lập đỉnh trong kỳ điều chỉnh ngày 21-6 với xăng RON 95 là 32.870 đồng/lít và xăng E5 RON 92 là 31.300 đồng/lít.

Lần tăng giá nhiều nhất là kỳ điều chỉnh ngày 11-3, giá xăng tăng thêm gần 3.000 đồng/lít và giảm giá mạnh nhất là ngày 11-7 với mức giảm hơn 3.000 đồng/lít.

Đến kỳ điều hành ngày 21-12, giá xăng xăng RON95 là 20.707 đồng/lít và xăng E5 RON 92 là  19.975/lít.

Năm 2022 cũng là năm chứng kiến cảnh người dân phải thức khuya, dậy sớm xếp hàng mua xăng. Tình trạng khan hiếm nguồn cung xăng cũng diễn ra ở nhiều khu vực như TPHCM, Hà Nội và các tỉnh phía Nam.

Thứ Sáu, 30 tháng 12, 2022

20221231. BỨC TRANH GIÁO DỤC ĐẠI HỌC NĂM 2022

 ĐIỂM BÁO MẠNG

BỨC TRANH GIÁO DỤC ĐẠI HỌC NĂM 2022 QUA CHIA SẺ CỦA VỤ TRƯỞNG VỤ GIÁO DỤC ĐẠI HỌC

PHẠM MINH th/GDVN 30-12-2022

Nhân dịp năm 2023 đang cận kề, trò chuyện với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) đã có những chia sẻ tâm huyết về bức tranh giáo dục đại học năm 2022 và gửi gắm những kỳ vọng trên chặng đường sắp tới.

Phóng viên: Thưa bà, năm 2022, tình hình dịch Covid-19 đã từng bước được kiểm soát, ngành giáo dục đã nỗ lực để vượt qua giai đoạn khó khăn, thách thức, bà có thể chia sẻ về những dấu ấn, thành tựu của giáo dục đại học trong năm 2022?

Phó Giáo sư – Tiến sĩ Nguyễn Thu Thủy: Năm 2022, những ảnh hưởng từ đại dịch Covid19 vẫn tác động ít nhiều đến giáo dục đại học, song, hệ thống giáo dục đại học đã rất nỗ lực cố gắng và đạt được những kết quả đáng khích lệ.

Tự chủ đại học đã có nhiều chuyển biến tích cực. Đến nay, cả nước có 154/170 cơ sở giáo dục đại học công lập đã thành lập Hội đồng trường và đi vào hoạt động (đạt tỷ lệ 90,6%) theo quy định tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học và Nghị định Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học.

Bức tranh giáo dục đại học năm 2022 qua chia sẻ của Vụ trưởng Vụ GDĐH ảnh 1

Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo). Ảnh: Thế Đại

Trong đó, có 36/36 cơ sở giáo dục đại học công lập trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thành lập Hội đồng trường. Việc thành lập Hội đồng trường tại các trường trực thuộc các Bộ, ngành, địa phương đạt tỷ lệ 91,18%; trong đó, 15 cơ sở giáo dục đại học công lập thuộc các Bộ, ngành, địa phương đang xây dựng và trình cấp có thẩm quyền công nhận Hội đồng trường.

Các cơ sở giáo dục đại học tự chủ đã chủ động rà soát, kiện toàn lại tổ chức bộ máy và nhân sự theo hướng tinh gọn, hiệu quả. Vai trò của Hội đồng trường được cụ thể hóa và nâng cao trong tổ chức quản trị hoạt động của hầu hết các cơ sở giáo dục đại học.

Các cơ sở giáo dục đại học đã chủ động tăng số lượng giảng viên và giảm số lượng lao động khối hành chính; đồng thời, thu hút đội ngũ giảng viên, chuyên gia giỏi tham gia giảng dạy và nghiên cứu khoa học với mục tiêu góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, mở rộng quy mô, nâng cao thu nhập cho giảng viên.

Kết quả thực hiện tự chủ về chuyên môn học thuật ở các cơ sở giáo dục đại học cũng cho thấy, thực hiện tự chủ trong việc mở ngành đào tạo/chương trình liên kết đào tạo là một nội dung quan trọng trong hoạt động tự chủ; bên cạnh việc mở ngành đào tạo mới, phát triển các chương trình liên kết đào tạo trong và ngoài nước, các trường cũng tích cực điều chỉnh các chương trình đào tạo đáp ứng nhu cầu người học; đổi mới phương pháp giảng dạy tiên tiến, tiếp cận với chuẩn đào tạo và chương trình đào tạo quốc tế, chủ động tăng cường công tác bảo đảm chất lượng và kiểm định chất lượng giáo dục.

Các trường đại học đã tập trung tăng cường giải pháp quản lý để bảo đảm và gia tăng các điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo, cụ thể: Chủ động rà soát các điều kiện bảo đảm chất lượng của ngành và chương trình đào tạo, trong đó chú trọng phát triển đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý nhằm bảo đảm chất lượng đào tạo đủ về số lượng, cơ cấu và đúng tiêu chuẩn, phù hợp với chuẩn chương trình đào tạo và quy mô đào tạo.

Các đơn vị cũng đã quan tâm xây dựng hệ thống bảo đảm chất lượng của cơ sở đào tạo, trong đó tập trung phát triển hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong.

Trong năm 2022, kiểm định chất lượng được quan tâm, số lượng cơ sở giáo dục đại học và chương trình đào tạo được kiểm định và công nhận tăng khá mạnh mẽ, cụ thể:

Tính đến ngày 31/10/2022, có 238 cơ sở giáo dục đại học đã kiểm định chu kỳ 1 (trong đó có 44 cơ sở giáo dục đại học đã kiểm định chu kỳ 2) và 28 trường cao đẳng sư phạm được các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục trong nước công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục; 569 chương trình đào tạo được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục theo bộ tiêu chuẩn Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.

Theo tiêu chuẩn nước ngoài, có 07 trường đại học được đánh giá ngoài và được công nhận theo tiêu chuẩn đánh giá cơ sở giáo dục của Hội đồng Cấp cao về Đánh giá nghiên cứu và Giáo dục đại học Pháp (HCERES) và AUN-QA; 368 chương trình đào tạo được đánh giá và công nhận bởi 10 tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nước ngoài có uy tín.

Việt Nam cũng ngày càng có nhiều cơ sở giáo dục đại học được ghi nhận trong các bảng xếp hạng đại học uy tín trên thế giới và khu vực như các bảng xếp hạng của THE, QS World University Rankings.

Hội nhập quốc tế và đẩy mạnh nghiên cứu khoa học được các cơ sở giáo dục đại học quan tâm chú trọng. Các trường đã chủ động mở rộng và nâng cao hiệu quả của hợp tác quốc tế; phát triển các chương trình, dự án hợp tác có chất lượng với đối tác nước ngoài, rà soát các chương trình liên kết đào tạo đảm bảo thực hiện đúng quy định, chú trọng lựa chọn các đối tác có uy tín tốt; tích cực hợp tác, tìm kiếm các nguồn lực hỗ trợ quốc tế góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học; khuyến khích kiểm định chất lượng của các tổ chức kiểm định quốc tế có uy tín được công nhận hoạt động ở Việt Nam.

Các cơ sở giáo dục đại học ngày càng chủ động hơn trong việc quyết định hướng nghiên cứu và tham gia các nhiệm vụ khoa học công nghệ, từ đó chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học, công nghệ cho các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.

Tính riêng các trường trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, số công bố khoa học quốc tế, công bố trong nước, sáng chế và tài sản trí tuệ khác tăng dần qua các năm; nhiều đề tài, nhiệm vụ đã đóng góp quan trọng, thiết thực cho các ngành công nghiệp, cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và các địa phương. Hoạt động nghiên cứu khoa học trên toàn quốc dần đi vào thực chất.

Về đổi mới và hoàn thiện công tác tuyển sinh cũng đạt được nhiều kết quả khởi sắc. Lần đầu tiên toàn bộ quy trình đăng ký tuyển sinh, thanh toán lệ phí, tổ chức xét tuyển và xử lý nguyện vọng, xác nhận nhập học được thực hiện trực tuyến trên hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung, xử lý lọc ảo chung trên hệ thống.

Thí sinh được đăng ký nguyện vọng vào nhiều ngành, nhiều trường khác nhau, sau khi đã biết kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông và đã biết ngưỡng điểm xét tuyển do các cơ sở đào tạo công bố.

Điều này đã mang lại những kết quả tích cực: Thí sinh được hưởng lợi nhiều nhất trong việc thực hiện thuận tiện các thủ tục trên hệ thống trực tuyến, đồng thời được bảo đảm cơ hội trúng tuyển cao nhất vào ngành, trường theo nguyện vọng và năng lực; các cơ sở đào tạo được cạnh tranh bình đẳng và minh bạch để lựa chọn thí sinh phù hợp nhất; Tỉ lệ thí sinh ảo giảm mạnh, các cơ sở đào tạo tuyển được số lượng sát hơn với chỉ tiêu đã công bố;

Bộ Giáo dục và Đào tạo có dữ liệu đầy đủ, kịp thời và tin cậy về tuyển sinh của tất cả cơ sở đào tạo phục vụ nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước, đồng thời hỗ trợ các cơ sở đào tạo điều chỉnh chiến lược và phương thức tuyển sinh. Công tác tuyển sinh cũng là điểm sáng nổi bật đã được Chính phủ ghi nhận và báo cáo trước Quốc hội kỳ họp vừa qua.

Trong năm qua, chuyển đổi số trong hệ thống quản lý, trong dạy và học được Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như các trường tăng cường mạnh mẽ. Đã triển khai xây dựng phần mềm và cơ sở dữ liệu quốc gia về giáo dục đại học phục vụ công tác báo cáo, thống kê, dự báo và các hoạt động quản lý giáo dục đại học; tăng cường thực hiện thủ tục hành chính qua dịch vụ công trực tuyến và bộ phận một cửa, một cửa liên thông; triển khai các giải pháp thu học phí không dùng tiền mặt.

Các trường đã chủ động tăng cường các điều kiện đảm bảo về hạ tầng kỹ thuật và năng lực ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy - học trực tuyến và trong công tác kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục.

Triển khai hệ thống quản trị cơ sở đào tạo, hoàn thiện cơ sở dữ liệu toàn ngành, dần kết nối liên thông với các cơ sở dữ liệu quốc gia, ứng dụng hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước về giáo dục đại học; tích hợp các dịch vụ trực tuyến và kết nối cơ sở dữ liệu HEMIS của Bộ.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, giáo dục đại học vẫn còn một số vấn đề hạn chế cần sớm được cải thiện.

Cụ thể, việc thực hiện tự chủ đại học theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học và Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học còn chưa đồng bộ, điều này dẫn đến việc triển khai ở một số cơ sở đào tạo còn chậm, lúng túng, đặc biệt là vấn đề thành lập hội đồng trường, quan hệ giữa Hội đồng trường với Đảng ủy và Ban giám hiệu.

Việc triển khai thực hiện một số văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và của Bộ Giáo dục và Đào tạo mới ban hành còn có sự lúng túng nhất định. Đặc biệt là việc triển khai Nghị định số 116/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ Quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm, trong đó nhiều địa phương chưa nhận thức đúng quyền và trách nhiệm của mình trong việc triển khai nhiệm vụ này.

Việc kiểm định chất lượng, thực hiện theo chuẩn chương trình triển khai còn chậm; công tác tuyển sinh có những điểm mới nhưng truyền thông chưa thực sự kịp thời.

Phóng viên: Hiện nay, chúng ta vẫn đang bước đi trên hành trình đổi mới giáo dục và thực hiện tự chủ đại học với nhiều thử thách phía trước, bà có thể chia sẻ về những thách thức mà giáo dục đại học Việt Nam cần phải đối mặt, vượt qua trong năm 2023?

Phó Giáo sư – Tiến sĩ Nguyễn Thu Thủy: Tự chủ đại học ở mức cao vẫn là vấn đề mà nhiều cơ sở giáo dục đại học còn lúng túng khi triển khai; các trường cần phải quan tâm tới việc nâng cao nhận thức, năng lực, tích cực tổ chức triển khai thực hiện quyền tự chủ, gắn liền với trách nhiệm giải trình tới các bên liên quan.

Tự chủ đại học trong những năm qua đã có những bước đi rõ ràng, đúng hướng, song thách thức phía trước vẫn còn nhiều.

Nhận thức về tự chủ đại học chưa đầy đủ; năng lực quản trị đại học nhìn chung chưa theo kịp yêu cầu phát triển. Thách thức nằm ở nhận thức và năng lực về tự chủ ở các bên liên quan, từ các cơ quan bộ, ngành, địa phương quản lý trực tiếp các cơ sở giáo dục đại học đến đội ngũ quản lý trong các cơ sở giáo dục đại học.

Từ đó dẫn đến việc thành lập và hoạt động của một số Hội đồng trường chưa thực sự có hiệu lực hiệu quả, mối quan hệ và cơ chế phối hợp giữa Hội đồng trường với Đảng ủy và Ban giám hiệu chưa mang lại sức mạnh nội tại cho cơ sở giáo dục đại học, còn có các mâu thuẫn, xung đột trong nội tại chưa giải quyết.

Bên cạnh đó, thu hút nguồn lực cho giáo dục đại học còn hạn chế, điều này đặt ra những gánh nặng cho tự chủ đại học. Thực tế, nhiều bên liên quan vẫn hiểu tự chủ đồng nghĩa với “tự lo”, đây là những nhận thức chưa đúng đắn và phù hợp.

Ngoài ra, còn có một số thách thức đặt ra cho hệ thống giáo dục đại học, cụ thể như việc triển khai Khung trình độ quốc gia vẫn còn nhiều vấn đề phải thực hiện ở các bộ ngành, ở các hội đồng tư vấn xây dựng chuẩn chương trình đào tạo của các ngành, nhóm ngành.

Cơ sở dữ liệu về giáo dục đại học là một trong những nội dung quan trọng, cần sớm hoàn thiện và đưa vào vận hành giúp nâng cao chất lượng quản lý nhà nước về giáo dục đại học, phục vụ hiệu quả cho công tác hoạch định chính sách…

Nhu cầu chuyển đổi số về giáo dục đại học đặt ra cần phải xây dựng các mô hình thí điểm về giáo dục đại học số, những chương trình đào tạo số, ...

Cùng với đó, việc kiểm soát các điều kiện bảo đảm chất lượng, duy trì ngành đào tạo ở các cơ sở giáo dục đại học theo các quy định hiện hành là rất quan trọng nhằm đảm bảo và nâng cao chất lượng đào tạo;

Việc thu hút các nguồn lực cho giáo dục đại học cần phải được quan tâm hơn nữa, cần có cơ chế chính sách hỗ trợ đột phá giúp các trường phát triển, nâng cao chất lượng.

Phóng viên: Thưa bà, trong giai đoạn phát triển thời gian tới, hệ thống giáo dục đại học Việt Nam đứng trước những cơ hội nào? Bà có gửi gắm, kỳ vọng gì đối với các cơ sở giáo dục đại học trên chặng đường mới?

Phó Giáo sư – Tiến sĩ Nguyễn Thu Thủy: Việc nhận diện và nắm bắt cơ hội là điều quan trọng để giáo dục đại học tiếp tục phát triển và có những bước tiến về chất lượng.

Cơ hội cho giáo dục đại học Việt Nam trong thời gian tới là nhu cầu đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao ngày càng gia tăng. Đây chính là động lực để gia tăng cả về số lượng và chất lượng trong tiếp cận giáo dục đại học.

Bên cạnh đó, hợp tác quốc tế và quốc tế hóa trong giáo dục đại học, chuyển đổi số và giáo dục đại học số là những xu hướng quan trọng để tiếp tục tạo cơ hội phát triển mạnh mẽ cho giáo dục đại học cả chiều rộng và chiều sâu.

Tự chủ đại học đang ngày càng trở thành một thuộc tính căn bản của hệ thống giáo dục đại học, phát huy hiệu lực và hiệu quả gia tăng. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về giáo dục đại học và tự chủ đại học ngày càng được hoàn thiện, tạo hành lang pháp lý cho các cơ sở giáo dục đại học mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng và phát triển bền vững.

Đối với các cơ sở giáo dục đại học, tôi kỳ vọng các trường sẽ nâng cao năng lực thực thi pháp luật, đào tạo và nâng cao nhận thức về tự chủ, nâng cao năng lực quản trị đại học cho đội ngũ cán bộ quản lý của các cơ sở đào tạo; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra nội bộ thực hiện quản trị nhà trường hiệu quả.

Các đơn vị cũng cần hoàn thiện cơ cấu tổ chức của nhà trường; quy chế tổ chức và hoạt động, quy chế làm việc của Hội đồng trường và các quy định nội bộ khác của nhà trường; trong đó, quy định rõ vai trò, trách nhiệm và sự phối hợp giữa Hội đồng trường và Ban giám hiệu theo đúng quy định; phân công trách nhiệm rõ vị trí, vai trò, chức năng của mỗi thiết chế, mỗi thành viên Hội đồng trường trong việc xây dựng và thực hiện chiến lược, kế hoạch, mục tiêu phát triển của cơ sở đào tạo, đảm bảo ổn định và phát triển cơ sở đào tạo; coi đây là công cụ quan trọng nhằm nâng cao hiệu quả quản trị đại học.

Cùng với đó là hoàn thiện đề án tuyển sinh, trong đó đặc biệt lưu ý hoàn thiện các phương thức tuyển sinh theo hướng đơn giản hóa, thực hiện đúng Quy chế tuyển sinh hiện hành; xây dựng và công bố kịp thời định hướng, phương hướng cho công tác tuyển sinh cho năm 2023 và cho năm 2025 trở đi, khi có thí sinh bắt đầu tốt nghiệp Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 phù hợp với yêu cầu, nội dung, cấu trúc của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

Các đơn vị cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hệ thống quản lý, trong dạy và học; tiếp tục phối hợp để xây dựng hạ tầng số quốc gia về học tập, kho học liệu số chia sẻ dùng chung; thí điểm các mô hình giáo dục đại học số… Triển khai hệ thống quản trị cơ sở đào tạo, phối hợp hoàn thiện cơ sở dữ liệu ngành, kết nối liên thông với các cơ sở dữ liệu quốc gia.

Đồng thời cần quan tâm việc rà soát các điều kiện bảo đảm chất lượng của ngành và chương trình đào tạo, trong đó chú trọng phát triển đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý nhằm bảo đảm chất lượng đào tạo đủ về số lượng, cơ cấu và đúng tiêu chuẩn, phù hợp với chuẩn chương trình đào tạo và quy mô đào tạo. Xây dựng hệ thống bảo đảm chất lượng của cơ sở đào tạo, trong đó tập trung phát triển hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong; đẩy mạnh kiểm định chất lượng chương trình đào tạo, cơ sở đào tạo theo quy định.

Các trường cũng cần xây dựng định hướng hoạt động khoa học công nghệ phù hợp với chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của quốc gia; đẩy mạnh hoạt động đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp và sở hữu trí tuệ trong các cơ sở đào tạo. Thúc đẩy hình thành các nhóm nghiên cứu, các nhóm nghiên cứu mạnh của giảng viên trong các cơ sở đào tạo.

Chú trọng tăng cường thu hút các nguồn lực đầu tư cho giáo dục đại học, bảo đảm điều kiện cơ sở vật chất đáp ứng các tiêu chuẩn theo quy định, phù hợp với quy mô đào tạo và yêu cầu thực tiễn theo định hướng phát triển của cơ sở đào tạo cũng là một nhiệm vụ quan trọng hiện nay. Cơ sở giáo dục đại học chú trọng khuyến khích, đẩy mạnh việc phối hợp với doanh nghiệp nhằm thu hút đầu tư cơ sở vật chất và tạo điều kiện giải quyết việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp. Đối với cơ sở giáo dục đại học công lập: đẩy mạnh công tác giải ngân vốn đầu tư công, coi đây là nhiệm vụ then chốt để nâng cao năng lực, tăng cường cơ sở vật chất, thúc đẩy phát triển cơ sở đào tạo.

Các trường cần chủ động mở rộng và nâng cao hiệu quả của hợp tác quốc tế; phát triển các chương trình, dự án hợp tác có chất lượng với đối tác nước ngoài, rà soát các chương trình liên kết đào tạo đảm bảo thực hiện đúng quy định; đẩy mạnh việc thu hút sinh viên, nhà khoa học có uy tín ở nước ngoài đến học tập, giảng dạy và nghiên cứu khoa học.

Chủ động thông tin, truyền thông về các chủ trương, chính sách mới trong lĩnh vực giáo dục đại học; đổi mới nội dung, phương thức truyền thông để nâng cao hiệu quả tuyên truyền.

Trân trọng cảm ơn Phó Giáo sư Nguyễn Thu Thủy!

Phạm Minh (thực hiện)