Thứ Năm, 1 tháng 12, 2022

20221202. BẤT CẬP 'CHƯƠNG TRÌNH GD PHỔ THÔNG 2018'

  ĐIỂM BÁO MẠNG

CÁC CHỦ BIÊN, TỔNG CHỦ BIÊN-HỌ ĐI ĐÂU CẢ RỒI?

XUÂN DƯƠNG / GDVN 1-12-2022

GDVN- “Chương trình giáo dục phổ thông 2018” được xem là một mặt hàng mà Bộ GD đặt cho Ban soạn thảo khung chương trình và Hội đồng biên soạn sách giáo khoa.

Gần đây, các chuyên gia giáo dục và nhiều nhà giáo lên tiếng vì không biết nên dạy các môn “tích hợp” cho học sinh trung học cơ sở như thế nào, họ mong muốn được các Chủ biên, Tổng chủ biên dạy thị phạm cho vài bài để rút kinh nghiệm. [1]

Nếu các giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ tham gia biên soạn khung chương trình và sách giáo khoa có thể dành thời gian soạn một số bài và giảng trực tuyến cho giáo viên thì vừa góp phần giúp đỡ các nhà giáo đang rối bòng bong mà cũng chính là thực hiện chức năng được Bộ Giáo dục và Đào tạo chọn mặt gửi vàng làm thành viên các hội đồng thiết kế tiến trình đổi mới giáo dục.

Các Chủ biên, Tổng chủ biên – họ đi đâu cả rồi? ảnh 1

Mười năm trước, báo Giaoduc.net.vn đăng bài “Các giáo sư, họ đi đâu cả rồi?” , có lẽ giờ đây lại phải thốt lên câu hỏi: “Các Chủ biên, Tổng chủ biên – họ đi đâu cả rồi?”. Ảnh minh họa: giaoduc.net.vn

Một số vị Chủ biên, Tổng chủ biên đã nghỉ hưu, sức khỏe và điều kiện kinh tế không còn như thời đang công tác nên đến tận các địa phương giảng dạy hơi có khó khăn. Tuy nhiên nếu giảng trực tuyến như các thày cô dạy phổ thông đã làm trong thời gian phong tỏa vì dịch bệnh Covid-19 thì hoàn toàn có thể.

Tuy nhiên cho đến nay, chưa thấy vị Chủ biên, Tổng chủ biên nào lên tiếng sẽ có bài giảng trực tuyến một trong ba môn học tích hợp (Lịch sử Địa lý, Khoa học tự nhiên, Nghệ thuật) thị phạm cho các thày cô dạy trung học cơ sở, tại sao vậy?

Ngày 19/04/2022, báo Công an Nhân dân trực tuyến (Cand.com.vn) viết:

“Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên Chương trình GDPT 2018 khẳng định việc thiết kế Chương trình đã được thực hiện rất công phu, nghiêm túc, dựa trên các quan điểm chỉ đạo của Đảng, các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước, yêu cầu của thực tế và tham khảo đầy đủ kinh nghiệm quốc tế”. [2]

Xin không bàn đến toàn bộ chương trình mà chỉ đề cập đến ba môn tích hợp ở bậc trung học cơ sở (Lịch sử Địa lý; Khoa học tự nhiên, Nghệ thuật).

Có lẽ không thể phủ nhận giáo sư Thuyết và cộng sự “công phu, nghiêm túc” trong quá trình thiết kế khung chương trình và khung các bộ sách giáo khoa, tuy nhiên những thứ mà họ sáng tạo ra có đi vào thực tế, cụ thể là có tạo thuận lợi cho nhà giáo giảng dạy các môn học tích hợp trong trường học thì lại là chuyện khác.

Sau khi ông Thuyết đăng đàn trả lời báo chí, vô số ý kiến của nhà giáo và chuyên gia được đăng tải và chắc chắn đó chưa phải là những bức xúc cuối cùng. Phải chăng vì thế mà một bài đăng trên báo điện tử Chính phủ (Baochinhphu.vn) đã cho rằng:

“Trước những băn khoăn về việc dạy và học tích hợp, xuất phát từ thực tế, mặc dù ngành giáo dục đã có nhiều giải pháp nhưng các trường vẫn đang gặp vô vàn khó khăn trong việc sắp xếp giáo viên dạy bộ môn tích hợp”. [3]

Báo Chính phủ đăng bài ngày 08/10/2022 nghĩa là hơn bốn năm sau khi chương trình đổi mới giáo dục chính thức được áp dụng (năm 2018). Nếu tính từ khi Nghị quyết 29-NQ/TW ban hành (năm 2013) thì là gần 10 năm.

Nhận định trên Báo Chính phủ đưa đến các băn khoăn rằng:

Thứ nhất, phải chăng chương trình giáo dục phổ thông mới thiết kế chưa chuẩn, thiếu tính khoa học, nặng về lý thuyết, không dự đoán được các lỗi có thể xảy ra khi áp dụng vào thực tế, chưa phù hợp với lộ trình đào tạo giáo viên tích hợp của ngành Sư phạm.

Thứ hai, ngành Giáo dục vội vã áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới trong khi nhiều trường sư phạm chưa có đội ngũ “giảng viên tích hợp” để đào tạo giáo viên tích hợp.

Việc bồi dưỡng giáo viên tích hợp thực hiện vội vàng trong dịp hè bằng cách giao cho địa phương kết hợp với các nhà xuất bản sách giáo khoa là không phù hợp với quy định của pháp luật.

Các giải pháp chưa chuẩn, không giúp tháo gỡ khó khăn cho các trường, hơn nữa cũng chưa dự trù kế hoạch thay đổi (ngoại trừ quyết định môn Lịch Sử là môn bắt buộc sau khi Quốc hội ban hành nghị quyết).

Thứ ba, cả nội dung chương trình mà Ban soạn thảo chương trình giáo dục phổ thông mới đưa ra và giải pháp của Bộ Giáo dục và Đào tạo đều có vấn đề.

Mười năm trước, báo Giaoduc.net.vn đăng bài “Các giáo sư, họ đi đâu cả rồi?” [4], có lẽ giờ đây lại phải thốt lên câu hỏi: “Các Chủ biên, Tổng chủ biên – họ đi đâu cả rồi?”.

Nền kinh tế nước ta là nền “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” với một số thành phần kinh tế khác nhau nên vẫn phải tuân theo “luật chơi” của thế giới, đó là hàng hóa bán ra phải có “Hướng dẫn sử dụng” và phải có “Thời gian bảo hành”.

“Chương trình giáo dục phổ thông 2018” được xem là một mặt hàng mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đặt cho Ban soạn thảo khung chương trình và Hội đồng biên soạn sách giáo khoa cung cấp cho ngành Giáo dục.

Nhận đơn hàng từ Bộ Giáo dục và Đào tạo là vị Tổng Chủ biên, Chủ biên các hội đồng chuyên môn, đương nhiên đội ngũ “nhận đơn hàng” này phải chịu trách nhiệm “bảo hành” và “hướng dẫn sử dụng” toàn bộ chương trình giáo dục phổ thông mới.

Vậy nên không thể có chuyện như công văn số 503/BGDĐT-GDTH của Bộ Giáo dục và Đào tạo gửi các địa phương (Sở Giáo dục & Đào tạo), xin trích dẫn một vài nội dung trong công văn:

“Các địa phương chủ trì phối hợp cùng các nhà xuất bản có sách giáo khoa được lựa chọn xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai bồi dưỡng, tập huấn theo khung thời gian tại Phụ lục đính kèm Công văn này.

Các Sở Giáo dục và Đào tạo chủ động phối hợp với các nhà xuất bản xây dựng kế hoạch bồi dưỡng cho giáo viên dạy học lớp 3, lớp 7, lớp 10 năm học 2022-2023 và cán bộ quản lý theo tiến độ thời gian quy định

Các nhà xuất bản chịu trách nhiệm chuẩn bị đội ngũ báo cáo viên đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng để triển khai bồi dưỡng cho tất cả giáo viên dạy học lớp 3, lớp 7, lớp 10 năm học 2022-2023 và cán bộ quản lý theo tiến độ thời gian quy định;… Xây dựng bài tập, câu hỏi kiểm tra sau bồi dưỡng để các Sở GDĐT thực hiện việc đánh giá và công nhận kết quả bồi dưỡng thường xuyên theo quy định”.

Bằng Công văn số 503/BGDĐT-GDTH Bộ Giáo dục và Đào tạo đã cho phép các nhà xuất bản tham gia “xây dựng kế hoạch bồi dưỡng, tập huấn giáo viên dạy lớp 3, lớp 7, lớp 10; chuẩn bị đội ngũ báo cáo viên triển khai bồi dưỡng cho tất cả giáo viên; xây dựng bài tập, câu hỏi kiểm tra sau bồi dưỡng giáo viên,…”.

Tại sao không phải là Tổng chủ biên, Chủ biên và thành viên các hội đồng biên soạn khung chương trình và biên soạn sách giáo khoa bồi dưỡng, tập huấn giáo viên mà lại là đội ngũ “báo cáo viên” do các nhà xuất bản “chịu trách nhiệm chuẩn bị”?

Liệu có phải “đội ngũ báo cáo viên” của doanh nghiệp xuất bản sách cũng chính là các vị có trách nhiệm “bảo hành” nên không cần nêu đích danh?

Hay các “Hội đồng” và Nhà xuất bản “tuy hai mà một” nên ai “xây dựng bài tập, câu hỏi kiểm tra sau bồi dưỡng, thực hiện việc đánh giá và công nhận kết quả bồi dưỡng thường xuyên theo quy định” đối với giáo viên cũng được?

Dù với bất kỳ tình huống nào thì cũng không thấy “xuất hiện tường minh” các vị chịu trách nhiệm “bảo hành” và “hướng dẫn sử dụng” chương trình đổi mới giáo dục 2018.

Trên thế giới hàng phần mềm Microsoft đã đồng ý trả cho hãng bảo mật Wiz 40.000 USD vì hãng này đã thông báo cho họ biết lỗ hổng bảo mật trên dịch vụ điện toán đám mây của Microsoft.

Các vị Tổng chủ biên, Chủ biên soạn sách giáo khoa chắc hẳn được nhận tiền nhuận bút từ ngân sách nhà nước, góp ý sửa lỗi sách giáo khoa là đội ngũ nhà giáo nhưng họ lại làm không công, thế có phải là hợp lý?

Liệu có phải sau khi kết thúc sứ mệnh được Bộ Giáo dục và Đào tạo kỳ vọng, những người chịu trách nhiệm đã xong nhiệm vụ, giờ họ còn bận những công việc khác quan trọng hơn nên không có thời gian “bảo hành” nội dung sách và những nghĩa vụ liên quan khác?

Báo Vietnamnet.vn trong bài “Việt Nam sẽ vượt bẫy thu nhập trung bình theo cách nào” đăng nhận định của Ngân hàng Thế giới, rằng quá trình cải cách của ta “vừa đi vừa dừng” [5], có phải vì nắm được “quy luật” nên soạn xong chương trình khung đổi mới giáo dục và các bộ sách giáo khoa các vị chủ biên cũng cần phải “dừng” vài năm cho “hồi sức”, chuyện “bảo hành” sách để sau?

Thế có nghĩa là các vị Chủ biên, Tổng chủ biên vẫn là những người đi trước thời đại chứ không phải họ đang mặc chiếc áo tàng hình trong truyện ngụ ngôn của Hans Christian Andersen?

Tài liệu tham khảo:

[1] https://giaoduc.net.vn/nhieu-than-phien-ve-day-hoc-mon-tich-hop-mong-gs-thuyet-va-cong-su-len-tieng-post229692.gd

[2]https://cand.com.vn/giao-duc/-chuong-trinh-giao-duc-pho-thong-moi-duoc-chuan-bi-cong-phu-nghiem-tuc

[3]https://baochinhphu.vn/day-va-hoc-tich-hop-lo-lang-tu-cac-nha-truong-102221008171656866.htm

[4] https://giaoduc.net.vn/cac-giao-su-ho-di-dau-ca-roi-post128276.gd

[5]https://vietnamnet.vn/viet-nam-se-vuot-bay-thu-nhap-trung-binh-theo-cach-nao-2083107.html

Xuân Dương
GẦN NHƯ THIẾU MỌI THỨ, CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC PHỔ THÔNG 2018 SẼ ĐI TỚI ĐÂU ?
MỸ TIÊN /GDVN 4-12-2022

Năm học 2022-2023 là năm thứ ba triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 theo hướng đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, chuyển từ đánh giá kiến thức sang đánh giá năng lực, phẩm chất, hướng đến sự tích cực của người học, tăng tính thực hành, trải nghiệm, hướng nghiệp,…

Tuy nhiên, đến giai đoạn hiện nay, việc thực hiện chương trình mới còn gặp rất nhiều bất cập, vướng mắc, điều kiện chuẩn bị còn thiếu thốn cả về nhân lực, vật lực, nhiều nội dung thiếu khả thi,…

Gần như thiếu mọi thứ, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 sẽ đi về đâu? ảnh 1

Ảnh minh họa - Lã Tiến

Theo đánh giá của người viết, qua nhiều lần đổi mới chương trình, sách giáo khoa thì lần đổi mới lần này gặp khó khăn nhất, chưa được chuẩn bị kỹ lưỡng nhất là việc xuất hiện các môn mới, các môn tích hợp, cũng như cách triển khai, vận hành chủ trương một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa,…

Chương trình mới triển khai 3 năm nhưng thiếu đủ thứ

Tại phiên họp toàn thể lần thứ 4 do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tổ chức mới đây, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đã có những chia sẻ về nhiều vấn đề dư luận bức xúc như thiếu giáo viên, thiếu sách giáo khoa, chương trình mới,...

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng: "Chúng ta đặt kỳ vọng vào chương trình giáo dục phổ thông mới giải quyết được mọi thứ trong khi chúng ta thiếu mọi thứ. Đó là một sự thật”.[1]

Đúng như trải lòng của Bộ trưởng hiện nay chúng ta làm “cách mạng”- đổi mới căn bản toàn diện giáo dục khi thiếu mọi thứ.

Thứ nhất, thiếu nhiều giáo viên, nhất là giáo viên các môn mới xuất hiện

Hiện nay theo thống kê ngành giáo dục thiếu hơn gần 100.000 giáo viên, sau nhiều lần kiến nghị năm nay dự kiến sẽ tuyển 27.850 giáo viên thì 2 năm vừa rồi đã có gần 29.000 giáo viên bỏ việc.

Chưa kể những giáo viên nghỉ hưu, nghỉ hưu trước tuổi, bỏ việc trong thời gian tới,…nếu bổ sung đủ 27.850 giáo viên chưa giải quyết được bài toán thiếu giáo viên trong thời gian tới.

Các môn học mới Tin học, Ngoại ngữ (tiểu học); Ngoại ngữ 2, Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, Nội dung giáo dục địa phương, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp (trung học cơ sở); Âm nhạc, Mĩ thuật, Ngoại ngữ 2, Nội dung giáo dục địa phương, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp (trung học phổ thông),…ở nhiều địa phương gần như “trắng” giáo viên giảng dạy, cũng rất ít có nguồn tuyển.

Xuất hiện môn học mới, chương trình mới thiếu giáo viên thì rất khó có thể vận hành, thực hiện một cách tốt nhất.

Thực trạng này, có thể sẽ còn kéo dài khi thiếu giáo viên nhưng ngành giáo dục lại phải giảm 10% biên chế viên chức chung.

Có thể nói, giáo viên chính là một phần nhân tố quan trọng quyết định sự thành công của việc đổi mới.

Dạy chương trình mới, các môn học mới, các môn tích hợp,…không có giáo viên giảng dạy, dự báo sắp tới khó có nguồn tuyển thì người viết không biết trong thời gian tới sẽ vận hành như thế nào?

Không thể lấy lực lượng giáo viên không đủ chuyên môn giảng dạy mà học sinh sẽ hiểu bài, chương trình mới sẽ thành công.

Thứ hai, thiếu sách giáo khoa, đồ dùng dạy học

Thực trạng thiếu, khó mua sách giáo khoa do việc lựa chọn sách hay thực hiện một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa diễn ra ở nhiều nơi.

Hiện nay, lớp 3, 7, 10 nhiều địa phương còn chưa biết “mặt, mũi” sách giáo khoa Nội dung Giáo dục địa phương.

Bên cạnh đó, thực trạng thiếu rất nhiều đồ dùng dạy học chương trình mới, chương trình mới triển khai 3 năm nhưng gần như chưa có đồ dùng để triển khai dạy học.

Nhiều địa phương cũng thiếu máy tính, máy chiếu phục vụ dạy và học chương trình mới.

Chương trình mới phát huy năng lực, phẩm chất, trải nghiệm, sáng tạo,…như thế nào khi giáo viên và học sinh phải “dạy chay, học chay”.

Hai năm qua, các báo cáo của nhiều địa phương cho rằng chương trình mới thành công nhưng người viết cho rằng chưa chính xác, chương trình mới phải “dạy chay, học chay”, thiếu nhiều giáo viên đúng chuyên môn,…nhưng vẫn đánh giá thành công là khiên cưỡng, chưa đánh giá đúng tình hình.

Thứ ba, chương trình mới, tư duy cũ

Có thể nói không chỉ thực hiện chương trình thiếu đủ thứ về nhân lực, vật lực mà còn gặp vô số khó khăn, nhất là trong giai đoạn triển khai chương trình mới phải hứng chịu đợt dịch Covid phức tạp, thời gian dạy trực tuyến kéo dài chưa từng có.

Chương trình mới nhưng giáo viên gần như chỉ được tập huấn online, chưa kịp thời về phương pháp, cách thức triển khai, nhiều giáo viên lớn tuổi không nắm bắt kịp những đổi mới, chưa rõ cách vận hành,…

Điều quan trọng nhất là những năm qua, vì chạy theo bệnh ngụy thành tích, vì theo chỉ tiêu năm sau cao hơn năm trước,…nên gần như 100% học sinh lên lớp, nhiều học sinh khá, giỏi…

Do chạy theo chỉ tiêu, thành tích nên sẽ có học sinh “ngồi nhầm lớp”.

Giáo viên cũng chuẩn bị đầy đủ bài bản các bước lên lớp chương trình mới nhưng khi giảng dạy giáo viên vô cùng thất vọng vì học sinh thiếu hợp tác, nhiều em không có kiến thức,…nếu tiếp tục triển khai cách mới sẽ có nhiều em tiếp tục bị bỏ lại ở phía sau, thiệt thòi cho các em.

Nếu dạy theo phương pháp mới, dạy theo nhóm chỉ có vài em làm việc, các em còn lại không học, không chép bài,…giáo viên còn khổ sở hơn.

Chưa dạy thật, học thật, còn chạy theo bệnh ngụy thành tích, còn nhiều học sinh “ngồi nhầm lớp”,…thì có triển khai phương pháp mới nào cũng khó thành công.

Thứ tư, thiếu tổng “chỉ huy” thực thụ, xuyên suốt

Chương trình Giáo dục phổ thông mới được giao cho Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết làm Tổng chủ biên.

Đến giai đoạn này, chương trình mới xuất hiện vô số bất cập, rắc rối từ các môn tích hợp, các môn học mới không có giáo viên dạy, việc thiếu đồ dùng dạy học, triển khai phương pháp không hiệu quả, kiểm tra đánh giá các môn tích hợp, thiếu tính liên thông, khoa học khi học sinh học các môn tích hợp,…được phản ánh rất nhiều trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam nhưng không thấy Tổng chủ biên đăng đàn trả lời hay có các giải pháp tháo gỡ các vướng mắc trên.

Theo người viết, Tổng chủ biên chương trình mới phải chịu trách nhiệm về chương trình mới suốt quá trình thực hiện chương trình đến năm 2025 (thực hiện hết toàn bộ bậc học phổ thông) và phải có thời gian “bảo hành” vài năm mới hết được trách nhiệm.

Tuy nhiên, giờ Tổng chủ biên, các chủ biên, họ đang ở đâu, trách nhiệm ra sao, vẫn đang bỏ ngỏ.

Nên, Chương trình mới dù nhiều bất cập, vướng mắc,…nhưng tuyệt nhiên, không thấy Tổng chủ biên Chương trình 2018 và cộng sự lên tiếng và đương nhiên không thấy ai nhận trách nhiệm.

Nếu ví việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới là một trận đánh lớn, quan trọng thì đoàn quân ra trận khi thiếu lính (nhân sự, giáo viên), không có đủ vũ khí (sách, thiết bị, đồ dùng dạy học) và khó khăn cả kinh phí triển khai đang là một thực tế.

Gần đây, qua các phát biểu, giải trình của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đề xuất tăng phụ cấp ưu đãi cho giáo viên khiến giáo viên cảm ơn, vui mừng và biết ơn sự quan tâm của Bộ trưởng đối với lực lượng giáo viên.

Sau nhiều năm chưa tăng lương, vật giá tăng cao, nếu tăng chậm trễ thì sẽ có thêm nhiều giáo viên bỏ việc và thực chất không chỉ giáo viên tiểu học, mầm non, giáo viên trung học cơ sở, trung học phổ thông hiện nay đời sống còn rất nhiều khó khăn, cũng cần được quan tâm, cần được cải thiện thu nhập, yên tâm gắn bó với chương trình mới còn nhiều khó khăn ở phía trước.

Giáo viên rất cần Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như Tổng chủ biên Chương trình mới và các cộng sự nhanh chóng có những giải pháp quyết liệt, căn cơ để giải quyết dứt điểm tình trạng thực hiện chương trình mới đã 3 năm nhưng vẫn thiếu đủ thứ, trách nhiệm cụ thể các thành viên ra sao, các giải pháp tiếp theo như thế nào?

Giải quyết được các bất cập, vướng mắc trong quá trình thực hiện chương trình mới khiến giáo viên bớt áp lực, yên tâm, công tác, hạn chế phần nào giáo viên bỏ việc, nghỉ việc.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://vietnamnet.vn/bo-truong-giao-duc-trai-long-ve-vo-so-chu-phai-ap-den-trong-dau-2072169.html

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Mỹ Tiên

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét