Thứ Sáu, 9 tháng 12, 2022

20221210. BÀN VỀ TRƯỜNG ĐẠI HỌC THÀNH ĐẠI HỌC

 ĐIỂM BÁO MẠNG


TRƯỜNG BÁCH KHOA HÀ NỘI CHUYỂN LÊN ĐẠI HỌC, HIỆU TRƯỞNG TRỞ THÀNH GIÁM ĐỐC

THANH HÙNG/ VNN 5-12-2022

Thủ tướng vừa có quyết định về việc chuyển Trường ĐH Bách khoa Hà Nội thành ĐH Bách khoa Hà Nội.

Như vậy, đây là trường ĐH đầu tiên chuyển từ trường lên đại học sau khi luật Giáo dục đại học 2018 và nghị định 99/2019/NĐ-CP hướng dẫn thực hiện luật có hiệu lực..

Theo đó, ĐH Bách khoa Hà Nội là đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ trực thuộc Bộ GD-ĐT, có tư cách pháp nhân, con dấu và tài khoản riêng.

ĐH Bách khoa Hà Nội sẽ tổ chức lại cơ cấu tổ chức và hoạt động trên cơ sở Trường ĐH Bách khoa Hà Nội trước đây theo quy định của luật Giáo dục đại học năm 2012 và luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Giáo dục đại học năm 2018 cùng quy định pháp luật có liên quan. 

Thủ tướng yêu cầu quá trình tổ chức lại phải bảo đảm hoạt động bình thường, không gây thất thoát, lãng phí tài chính, tài sản.

Hội đồng trường, Chủ tịch Hội đồng trường, Hiệu trưởng của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội sẽ tiếp tục thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo các quy định hiện hành cho đến khi Bộ trưởng GD-ĐT quyết định thành lập Hội đồng ĐH, công nhận Chủ tịch Hội đồng và Giám đốc ĐH Bách khoa Hà Nội.

Theo nghị định 99/2019/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Giáo dục đại học, để được chuyển từ trường ĐH lên ĐH, các trường phải đáp ứng các điều kiện sau:

- Trường ĐH đã được công nhận đạt chuẩn chất lượng cơ sở giáo dục ĐH bởi tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục hợp pháp;

- Có ít nhất 3 trường thuộc trường ĐH được thành lập theo quy định; có ít nhất 10 ngành đào tạo đến trình độ tiến sĩ; có quy mô đào tạo chính quy trên 15.000 người;

- Có ý kiến chấp thuận của cơ quan quản lý trực tiếp đối với trường ĐH công lập; có sự đồng thuận của các nhà đầu tư đại diện ít nhất 75% tổng số vốn góp đối với trường ĐH tư thục, trường ĐH tư thục hoạt động không vì lợi nhuận.

TIN LIÊN QUAN:

-Sẽ có 5-7 trường đạt điều kiện lên đại học (VNN 9/12/2022)

-Những trường đang muốn nối gót Bách khoa Hà Nội (VNN 9/12/2022)

-Bỏ 'trường', ĐH Bách khoa Hà Nội dùng tên tiếng Anh nào? (VNN 7/12/2022)

-Từ trường lên đại học: Cần giai đoạn 'ủ men' để ra loại rượu mới (VNN 7/12/2022)

-Nhiều trường đại học cũng muốn trở thành đại học (TN 7/12/2022)

-ĐH Bách khoa Hà Nội không lập các trường thành viên, chỉ có '1 Bách khoa Hà Nội' (TN 6/12/2022)

-Trường Bách khoa Hà Nội chuyển thành đại học, việc cấp bằng ra sao? (VNN 5/12/2022)-

ĐÔI LỜI BÀN LUẬN

NGÔ THẾ BÍNH/ FB 9-12-2022

Đọc bài của Thanh Hùng và các tin liên quan trên VNN, TN mới vỡ lẽ đây là việc làm theo Luật Giáo dục đại học 2012.  Các Trường đã hoặc chuẩn bị thành Đại học  theo đúng quy định của luật phải bảo đảm những chuẩn mực và chắc chắn phải có quá trình.  Khi thành  'Đại học' cơ sở đào tạo cũ sẽ có nhiều quyền chủ động cao hơn về đào tạo, NCKH, tài chính, quan hệ quốc tế... Các Sếp (chủ tịch hội đồng, Giám đốc, Phó giám đốc ) coi như được thăng chức, lên lương  bởi TTg CP ... Tóm lại: OK!

Chỉ thấy ngờ ngợ 'sai sai' về dùng từ trong luật : 'Trường' là danh từ chỉ cơ sở đào tạo, còn 'Đại học' là tính từ bổ nghĩa cấp học của cơ sở đào tạo . Giá như không bỏ 'Trường' mà thêm tính từ cho 'Đại học' thì hay biết bao. Chẳng hạn: 'Trường đại học tổng hợp' như trước đây đã có

NTB

'TRƯỜNG ĐẠI HỌC' HAY 'ĐẠI HỌC': VẤN ĐỀ KHÔNG CHỈ Ở TÊN GỌI!

VÕ VĂN MINH/GDVN 9-12-2022

GDVN- Điều đáng quan tâm hơn không chỉ ở khái niệm, thuật ngữ mà ở chỗ sự nhầm lẫn không chỉ với cộng đồng XH, ngay cả một số cán bộ ở một số bộ, ngành vẫn nhầm. Hiện nay, cả nước có trên 200 trường đại học, hơn 20 học viện (không tính các trường thuộc khối quốc phòng – an ninh), 2 đại học quốc gia và 3 đại học vùng. Về quản lí nhà nước, 2 đại học quốc gia chịu sự chỉ đạo trực tiếp của thủ tướng chính phủ; 3 đại học vùng thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo; các trường đại học và học viện thuộc các Bộ, Ngành, Viện hàn lâm và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành trực thuộc trung ương. Ngoài ra còn có mô hình đại học đặc thù như Đại học Việt Đức (hợp tác giữa 2 chính phủ). Bên cạnh các trường đại học, đại học có tư cách pháp nhân thì cũng có các trường thuộc trường đại học như ở Trường Đại học Vinh, Trường Đại học Cần Thơ…

Về khía cạnh quản trị cơ sở giáo dục đại học lẫn quản lí nhà nước đối với các trường đại học và đại học hiện nay cũng có nhiều sự khác biệt mặc dù vẫn thực hiện theo Luật 34/2018/QH14 (Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học). Điều đó cho thấy các bên liên quan, nhất là bên ngoài hệ thống giáo dục đại học rất khó phân biệt và cũng dễ nhầm lẫn.

“Trường đại học” hay “Đại học”: vấn đề không chỉ ở tên gọi!  ảnh 1

Trường Đại học Bách khoa Hà Nội là trường đại học đầu tiên chuyển từ trường lên đại học sau khi Luật Giáo dục đại học 2018 và nghị định 99/2019/NĐ-CP có hiệu lực. Ảnh: HUST

Điều đáng nói là, ngay cả trong các bộ, ngành trực tiếp quản lí nhiều khi vẫn lẫn lộn khi phát biểu cũng như ban hành giấy mời, thông báo hội họp. Từ đó trong một số chính sách, chủ trương cũng gây ra không ít lúng túng, bất cập. Chính vì vậy, nhân lúc xã hội quan tâm đến sự kiện Trường Đại học Bách khoa Hà Nội chuyển thành Đại học Bách Khoa Hà Nội, các cơ quan chức năng cũng cần phân tích, mổ xẻ để giúp cộng đồng cũng như để các bên liên quan cùng hiểu và hành động đúng, chứ không chỉ ở phân biệt tên gọi.

1. Trường đại học thuộc và trường đại học thành viên trực thuộc đại học: khác nhau rất căn bản

Luật 34/2018/QH14 quy định: “Cơ sở giáo dục đại học có tư cách pháp nhân, bao gồm đại học, trường đại học và cơ sở giáo dục đại học có tên gọi khác phù hợp với quy định của pháp luật”.

Về cơ cấu tổ chức của trường đại học quy định bao gồm: “(a) Hội đồng trường đại học, hội đồng học viện (gọi chung là hội đồng trường); (b) Hiệu trưởng trường đại học, giám đốc học viện (gọi chung là hiệu trưởng trường đại học); phó hiệu trưởng trường đại học, phó giám đốc học viện (gọi chung là phó hiệu trưởng trường đại học); (c) Hội đồng khoa học và đào tạo; hội đồng khác (nếu có); (d) Khoa, phòng chức năng, thư viện, tổ chức khoa học và công nghệ, tổ chức phục vụ đào tạo khác; (đ) Trường, phân hiệu, viện nghiên cứu, cơ sở dịch vụ, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh và đơn vị khác (nếu có) theo nhu cầu phát triển của trường đại học.”

Cơ cấu tổ chức của đại học quy định bao gồm: “(a) Hội đồng đại học; (b) Giám đốc đại học; phó giám đốc đại học; (c) Hội đồng khoa học và đào tạo; hội đồng khác (nếu có); (d) Trường đại học, viện nghiên cứu thành viên (nếu có); trường, ban chức năng, tổ chức khoa học và công nghệ, thư viện và tổ chức phục vụ đào tạo khác; (đ) Khoa, phân hiệu, viện nghiên cứu, trung tâm, cơ sở dịch vụ, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh và đơn vị khác (nếu có) theo nhu cầu phát triển của đại học.”

Ở đây có các khái niệm “trường đại học thành viên” trực thuộc “đại học”; “trường”/ “trường đại học” thuộc “đại học” và “trường” thuộc “trường đại học”, nhưng chung quy thuộc 2 nhóm: (1) trường đại học thành viên trực thuộc đại học là cơ sở giáo dục đại học có tư cách pháp nhân, có quyền tự chủ theo năng lực theo quy định của pháp luật và (2) trường đại học thuộc đại học hay trường thuộc trường đại là các cơ sở không có tư cách pháp nhân.

Ở khía cạnh pháp lí, những khái niệm trên là rất rõ ràng. Tuy nhiên, không phải ai trong xã hội cũng có thể hiểu những thuật ngữ mang tính chuyên ngành đó. Do đó, những hiểu lầm, gây tranh cãi là bình thường.

Song điều đáng quan tâm hơn không chỉ ở khái niệm, thuật ngữ mà ở chỗ sự nhầm lẫn không chỉ với cộng đồng xã hội, mà ngay cả một số cán bộ ở một số bộ, ngành vẫn nhầm lẫn khi phát biểu hay phát hành giấy mời, thông báo đối với trường đại học thành viên thuộc đại học quốc gia hay đại học vùng. Đã có nhiều trường hợp, người ta vẫn gọi, viết “Trường Đại học Đà Nẵng”, “Trường Đại học Huế”, “Trường Đại học Thái Nguyên”. Điều đáng nói ở chỗ: nhầm lẫn trong phát hành công văn, phát biểu có thể không nhiều ảnh hưởng, nhưng nếu nhầm lẫn trong ban hành chính sách, phân bổ nguồn lực mới là vấn đề quan ngại. Chính vì vậy, căn bản của vấn đề cần trao đổi ở đây là: không phải sự khác nhau chỉ ở tên gọi…

2. Sứ mệnh đại học vùng cũng chưa được làm rõ

Xuất phát từ chủ trương của Đảng và Nhà nước, 2 đại học quốc gia và 3 đại học vùng được hình thành từ những năm đầu của thập niên 90 của thế kỉ trước. Sau gần 30 năm, các đại học quốc gia và đại học vùng cũng đã phát huy vai trò và đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của đất nước.

Tuy nhiên, có sự khác nhau căn bản giữa đại học quốc gia và đại học vùng. Về tên gọi, Đại học quốc gia Hà Nội và Đại học quốc gia thành phố Hồ Chí Minh đều có tên “quốc gia” và đều được dịch sang tiếng Anh là “Vietnam National University”. Trong khi các đại học vùng chỉ là “Đại học Đà Nẵng”, “Đại học Huế”, “Đại học Thái Nguyên”. Ở đây chỉ cần lẫn lộn giữa trường đại học và đại học là rất dễ nhầm về tính tương đồng với các trường đại học như Vinh, Quy Nhơn, thậm chí Quảng Nam, Quảng Bình… Trong khi với các đơn vị khác như: Trường Đại học Tây Nguyên, Trường Đại học Tây Bắc - ngay tên gọi đã thể hiện tính chất “vùng” rõ ràng hơn, mặc dù không phải là đại học vùng.

Về quản lí nhà nước, 2 đại học quốc gia do Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo trực tiếp, dự toán ngân sách cấp 1; trong khi 3 đại học vùng thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã có phân một số quyền nhất định cho đại học vùng, tuy nhiên các chính sách giáo dục đối với các đại học vùng vẫn giống như các trường đại học khác. Các chính sách “vùng”, các ngành nghề, nhiệm vụ đặc thù liên quan đến “vùng” vẫn chưa được cụ thể… Đó là những khó khăn đối với các đại học vùng.

Theo Luật 34/2018/QH14, “Đại học quốc gia, đại học vùng là đại học thực hiện nhiệm vụ chiến lược quốc gia, nhiệm vụ phát triển vùng của đất nước”. Để cụ thể hoá Luật 34, rất cần có những chính sách rõ ràng để các đại học quốc gia và đại học vùng phát huy vai trò và đóng góp tích cực cho sự phát triển bền vững đất nước.

Ngày 3/11/2022, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 26-NQ/TW về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, và xác định rõ: “Đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và nâng cao chất lượng hoạt động một số trường đại học lớn ở Vinh, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Nha Trang trở thành những trung tâm đào tạo uy tín trong khu vực và thế giới, trong đó Đại học Đà Nẵng và Đại học Huế trở thành Đại học Quốc gia. Đây là chủ trương lớn, có tầm chiến lược quốc gia, rất cần được cụ thể hoá bằng các quyết sách của Chính phủ cũng như vùng và địa phương, để các đại học vùng đủ nguồn lực phát triển lên đại học quốc gia đáp ứng những kì vọng của trung ương và xã hội.

3. Những việc cần làm để phát triển hệ thống giáo dục đại học hiện nay

Một là, cần sớm quy hoạch mạng lưới giáo dục đại học với tầm nhìn dài hạn, cân đối giữa các vùng miền, khu vực, làm cơ sở để phân bổ nguồn lực đầu tư dài hạn. Trong đó cần tập trung nguồn lực cho các đại học quốc gia, đại học vùng, đại học trọng điểm quốc gia phát triển các ngành khoa học cơ bản, khoa học giáo dục, khoa học sự sống, khoa học biển, khoa học vũ trụ… cũng như một số ngành công nghệ hiện đại, có tầm chiến lược với đất nước.

Hai là, tạo điều kiện thuận lợi để các trường đại học công lập tái cấu trúc theo mô hình quản trị tiên tiến; đẩy mạnh tự chủ toàn diện cả học thuật, tổ chức và tài chính để nâng cao chất lượng đào tạo nhằm cung ứng nguồn lực lao động chất lượng cao, phục vụ phát triển bền vững đất nước.

“Trường đại học” hay “Đại học”: vấn đề không chỉ ở tên gọi!  ảnh 4

Ảnh minh họa: nguồn: VNU

Ba là, ban hành các chính sách để thu hút nguồn lực đầu tư phát triển đại học, nhất là các chính sách về thuế, đất đai, tín dụng… để các nhà đầu tư, các “mạnh thường quân” sẵn sàng đầu tư, đóng góp tài chính, tài trợ, viện trợ cho các trường đại học phát triển cơ sở hạ tầng, trang thiết bị phục vụ nghiên cứu và đào tạo.

Bốn là, cần ưu tiên phân bổ ngân sách cho giáo dục đại học. Tự chủ tài chính với các cơ sở giáo dục công lập là rất cần thiết nhưng cần phải duy trì và tăng cường nguồn ngân sách để đầu tư có chiều sâu, trọng tâm, trọng điểm để thúc đẩy một số lĩnh vực đặc thù như khoa học giáo dục, khoa học cơ bản… cũng như lĩnh vực văn hoá nghệ thuật. Đây là những lĩnh vực rất cần cho quốc gia nhưng không thể để tự do cạnh tranh trong nền kinh tế thị trường được.

Năm là, cần sớm chuẩn hoá các tên gọi của các đơn vị thuộc và trực thuộc đại học, trường đại học theo hướng quốc tế hoá. Thống nhất trong toàn hệ thống, để toàn xã hội tiếp cận một cách thuận lợi, cũng như tạo điều kiện thuận lợi trong quan hệ, hợp tác quốc trong bối cảnh hội nhập sâu rộng.

Tóm lại, “Trường đại học” hay “Đại học” không chỉ ở tên gọi, chữ nghĩa, mà vấn đề là cần phải được thống nhất từ khái niệm đến nhất quán trong các chủ trương, chính sách. Chỉ khi mô hình đại học được kiến thiết rõ ràng, chính sách đầu tư một cách hợp lí thì giáo dục đại học nước nhà mới đủ điều kiện phát triển một cách bền vững.

Võ Văn Minh
ĐỪNG QUÁ CHÚ TRNG VÀO DANH XƯNG 'TRƯỜNG ĐẠI HỌC' HAY 'ĐẠI HỌC', HÃY QUAN TÂM ĐẾN ĐẲNG CẤP
NGUYÊN PHƯƠNG/GDVN 10-12-2022

Vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã thay mặt Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định 1512/QĐ-TTg về việc chuyển Trường Đại học Bách khoa Hà Nội thành Đại học Bách khoa Hà Nội.

Như vậy, cả nước hiện có 6 đơn vị được gọi là đại học, bao gồm: Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Huế, Đại học Đà Nẵng, Đại học Thái Nguyên và Đại học Bách khoa Hà Nội.

Câu chuyện chuyển từ một trường đại học lên đại học đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của xã hội cũng như các chuyên gia giáo dục. Một lần nữa, có nhiều câu hỏi được đặt ra về mô hình đại học đa lĩnh vực tại Việt Nam.

Xoay quanh vấn đề này, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Lê Viết Khuyến – nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo), hiện là Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam.

Đừng quá chú trọng vào danh xưng "trường ĐH" hay "ĐH", hãy quan tâm tới đẳng cấp ảnh 1

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam. (Ảnh: NP)

Phóng viên: Thưa ông, câu chuyện Trường Đại học Bách khoa trở thành Đại học Bách khoa được thực hiện theo đúng Luật Giáo dục Đại học. Nhưng vì sao vẫn xảy ra nhiều tranh cãi, đặc biệt liên quan đến mô hình đại học đa lĩnh vực?

Tiến sĩ Lê Viết khuyến: Chúng ta phải đi tìm hiểu từ các loại hình cơ sở giáo dục đại học. Nếu xét về cấu trúc quản trị thì thường có 4 loại hình: Đại học (University), Học viện (Academy/ Institute); Trường đại học (Senior college), Trường cao đẳng (Junior college).

Loại hình đại học mà trước giải phóng còn được gọi là Viện đại học thường được xây dựng theo cấu trúc quản lý 3 cấp, gồm: Đại học, Trường thành viên và Khoa. Trường thành viên được xây dựng theo từng lĩnh vực đào tạo như: kỹ thuật; nông nghiệp; giáo dục; khoa học sức khoẻ; kinh tế; công nghệ;… Còn Khoa được xây dựng theo từng ngành hoặc một vài ngành gần nhau. Nếu tính đến từng chuyên ngành sâu cụ thể thì còn có cấp thứ 4 là Bộ môn.

Học viện (Academy/ Institute) đào tạo theo một hoặc một vài hướng chuyên ngành, ví dụ, chỉ đi theo hướng kỹ thuật như trường bách khoa (Polytechnic), hoặc đi theo hướng giáo dục (trường sư phạm), nông nghiệp (học viện nông nghiệp),… Loại hình này cũng như loại hình đại học đều bắt buộc phải có đào tạo sau đại học.

Trường đại học (Senior college) chủ yếu đào tạo ở trình độ cử nhân, có thể đơn lĩnh vực hoặc đa lĩnh vực.

Còn nếu xét theo sứ mệnh thì thường có 3 loại hình: trường quốc gia, trường vùng và trường địa phương. Trường quốc gia có sứ mệnh đáp ứng nhân lực tầm quốc gia, và do đó thường cần phải đạt trình độ khu vực hoặc quốc tế. Trường quốc gia có thể là đại học đa lĩnh vực như Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh nhưng cũng có thể là một trường chuyên ngành như Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, Học viện Hành chính Quốc gia.

Còn trường vùng là đào tạo nhân lực đáp ứng cho từng khu vực cụ thể, thường là những khu vực chưa phát triển về kinh tế. Còn trường địa phương đáp ứng nhu cầu nhân lực của từng địa phương (tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương).

Theo Luật Giáo dục Đại học hiện hành, trường đại học là cơ sở giáo dục đại học đào tạo, nghiên cứu nhiều ngành. Còn đại học là cơ sở giáo dục đại học đào tạo, nghiên cứu nhiều lĩnh vực; các đơn vị cấu thành đại học cùng thống nhất thực hiện mục tiêu, sứ mạng, nhiệm vụ chung.

Và theo cơ cấu tổ chức của mô hình đại học/ trường đại học theo Luật Giáo dục Đại học 2018 thì chỉ có 2 đại học quốc gia và 3 đại học vùng được gọi là đại học. Trong khi có một số trường đa lĩnh vực thì vẫn chỉ được xem là trường đại học, ví dụ như Trường Đại học Cần Thơ, Trường Đại học Vinh,...

Trong văn bản Luật và văn bản dưới Luật, chúng ta vẫn có sự lẫn lộn giữa mô hình đại học và trường đại học.

Theo thông lệ quốc tế, đại học đa lĩnh vực là cơ sở giáo dục đại học bao gồm nhiều trường thành viên, trong đó phải có một trường khoa học cơ bản (College of Liberal Art), có từ 2 hoặc nhiều hơn các trường chuyên ngành, có một số chương trình sau đại học và có đủ năng lực để có thể cấp văn bằng cho nhiều lĩnh vực đào tạo khác nhau. Đại học đa lĩnh vực phải là một chỉnh thể thống nhất.

Trường Đại học Bách Khoa trước giờ vẫn là một trường về kỹ thuật, là trường đại học đa ngành chứ không phải đại học đa lĩnh vực. Có 3 trường trực thuộc là Trường Cơ khí, Trường Điện - điện tử, Trường Công nghệ thông tin và truyền thông, rõ ràng Cơ khí và Điện – điện tử đều thuộc khối ngành kỹ thuật, vậy tại sao lại phải tách ra thành hai trường. Mặc dù Đại học Bách khoa Hà Nội đã có mở thêm một số ngành ngoài kỹ thuật nhưng chưa đủ mạnh để xây dựng các trường thành viên.

Trường Đại học Bách khoa Hà Nội trở thành Đại học Bách khoa Hà Nội giống như một kiểu “chín ép”, mà chính quy định về đại học đa lĩnh vực trong Nghị định 99/2019/NĐ-CP “Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật giáo dục đại học” đã mở đường cho việc chuyển đổi này (Điều 4. Chuyển trường đại học thành đại học và thành lập trường thuộc cơ sở giáo dục đại học).

Thực tế, với một trường đại học không phải đa lĩnh vực thì không nhất thiết phải trở thành đại học.

Trước đây, Việt Nam không có các đại học đa lĩnh vực nhưng tại sao từ khi đất nước đổi mới, chúng ta lại đưa đại học đa lĩnh vực trở thành loại hình trường đại học ưu tiên trong quy hoạch sắp xếp mạng lưới các trường đại học, cao đẳng Việt Nam? Vậy đại học đa lĩnh vực có những ưu điểm gì?

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến: Ưu điểm của mô hình đại học đa lĩnh vực là: Bộ máy tổ chức gọn nhẹ, linh hoạt; Ngân sách đầu tư tập trung, hiệu quả; Nâng cao chất lượng đào tạo (sinh viên được lựa chọn môn học, lựa chọn giảng viên, dễ mở ra các chương trình liên ngành,…). Từ đó giúp phát huy được sức mạnh tổng hợp của toàn đại học.

Ngoài ra cũng cần phải thấy là, đại học đa lĩnh vực có lợi hơn cho các trường trong việc chủ động ổn định quy mô đào tạo của mình trong điều kiện đất nước chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường.

Lâu nay, mô hình University trong University của Việt Nam đã được bàn luận nhiều và nhiều chuyên gia cho rằng mô hình này còn những hạn chế nhất định. Nguyên nhân là gì, thưa ông?

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến: Đại học đa lĩnh vực phải được tổ chức như một chỉnh thể thống nhất, đặc biệt trong lĩnh vực đào tạo, với một hệ thống quản trị 3 cấp: đại học (University), trường (College) và khoa (Department). Cấp Trường nằm trong University, hoàn toàn không được xem như một trường đại học độc lập.

Thế nhưng, Luật Giáo dục Đại học 2012 lại gọi đại học đa lĩnh vực là mô hình đại học hai cấp (University trong University), hay mô hình “đại học mẹ - đại học con”. Thực chất đây là mô hình “liên hiệp các trường đại học chuyên ngành” với 4 cấp quản lý: Đại học – Trường đại học – Khoa – Bộ môn. Và chính chuyên gia của World Bank cũng nhận định mô hình này chẳng giống ở nước nào.

Điều hạn chế ở đây là các trường thành viên trong đại học đa lĩnh vực có quyền tự chủ cao nên hoạt động gần như độc lập, không phối hợp với nhau, trước hết là về mặt đào tạo, nên không thể hiện được sức mạnh tổng hợp của mình như những đại học đa lĩnh vực đích thực.

Nguyên nhân của những hạn chế này là do tâm lý cục bộ, địa phương, muốn khép kín của đội ngũ quản lý ở mọi cấp.

Ngoài ra còn do thói quen thời bao cấp, ảnh hưởng từ mô hình đại học thời Liên Xô (không có đại học đa lĩnh vực mà chỉ có đại học chuyên ngành và universitet - đại học tổng hợp, lẫn lộn giữa khoa-Facultet với trường trực thuộc -Faculty) và ảnh hưởng bởi cơ chế “cơ quan chủ quản” (mỗi trường trực thuộc một Bộ).

Hệ thống văn bản, pháp quy vẫn còn một số bất cập: Đại học không được xem là một chỉnh thể thống nhất, Hội đồng đại học không phù hợp với tinh thần tự chủ đại học (mà chỉ thể hiện tư duy phân quyền)…; Các trường thành viên được nhà nước công nhận có tư cách gần như một trường đại học độc lập, điều này làm vô hiệu hóa cấp đại học, làm mất đi sức mạnh tổng hợp vốn có của một đại học đa lĩnh vực.

Cũng chính vì những vấn đề tồn tại nêu trên mà kéo theo xảy ra những khuynh hướng bất cập.

Thứ nhất là hiện tượng đòi ly khai: Tách đại học trở về lại các trường đại học chuyên ngành riêng lẻ. Trong quá khứ đã có những trường thành viên đòi tách ra độc lập khỏi đại học vùng.

Thứ hai là nâng đẳng cấp của các đại học (quốc gia, vùng) lên tầm của một đơn vị quản lý Nhà nước cấp “bộ”, cấp “tổng cục”, nhằm hướng tới có được “con dấu quốc huy”. Đó là câu chuyện có đại học vùng đề nghị được trở thành đại học quốc gia hoặc muốn nâng lên ngang cấp Tổng cục để có dấu Quốc huy. Tuy nhiên, cơ sở giáo dục đại học là một đơn vị sự nghiệp chứ không phải là một đơn vị quản lý Nhà nước để có được con dấu Quốc huy.

Thứ ba là khuynh hướng chuyển các đại học quốc gia, đại học vùng qua mô hình “tập đoàn đại học” hoặc “hệ thống đại học” để giữ nguyên tên khái niệm đại học hai cấp (Đại học mẹ - đại học con).

Thứ tư là nâng các trường đại học hoặc liên kết các trường đại học thành các “đại học dưới chuẩn” (không thỏa mãn tính đa lĩnh vực, gắn kết lỏng lẻo kiểu đa campus,…) mà không có tổ chức sắp xếp lại.

Trở lại câu chuyện của Đại học Bách khoa Hà Nội, có ý kiến cho rằng, không nên chú trọng quá nhiều về danh xưng “Trường đại học” hay “Đại học” mà nên quan tâm vào đẳng cấp của nó. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào? Yêu cầu đặt ra đối với Đại học Bách khoa Hà Nội trong thời gian tới sau khi đã có bước "chuyển mình" trở thành đại học?

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến: Tôi cho rằng ý kiến đó là chính xác, điều quan trọng nhất là đẳng cấp của trường.

Trở thành Đại học chẳng qua là sự thay đổi về cơ cấu quản lý, chứ không phải là nâng đẳng cấp của trường. Thí dụ như, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam hiện nay, mặc dù là cơ sở giáo dục theo chuyên ngành hẹp nhưng không ai có thể phủ nhận rằng, đây là cơ sở giáo dục đại học có đẳng cấp cao nhất ở Việt Nam trong lĩnh vực âm nhạc.

Trở về với câu chuyện Đại học Bách khoa, để trở thành một đại học đa lĩnh vực đích thực thì Đại học Bách khoa cần phải phát triển thêm hàng loạt các chương trình đào tạo thuộc những lĩnh vực khác nhau, như Đại học Quốc gia Hà Nội đã làm trong hơn 30 năm qua.

Bên cạnh đó, Đại học Bách khoa cần sớm công bố và công khai Điều lệ tổ chức và hoạt động mới của mình.

Ông có đề xuất, kiến nghị gì để mô hình đại học đa lĩnh vực tại Việt Nam đi vào thực chất và có thể phát huy được những ưu thế vốn có của mô hình này?

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến: Trước hết, chúng ta cần làm rõ trong các luật về giáo dục các khái niệm: đại học, học viện, trường đại học, theo đúng thông lệ quốc tế.

Tuyệt đối không độc quyền sử dụng thuật ngữ đại học chỉ cho các đại học quốc gia và đại học vùng, cũng như sử dụng tùy tiện thuật ngữ University cho mọi loại trường đại học.

Cần sớm ban hành các nghị định mới về đại học quốc gia và đại học vùng, trong đó quy định chuyển đổi từ mô hình liên hiệp các trường đại học chuyên ngành qua mô hình đại học đa lĩnh vực. Bỏ quy định hình quốc huy ở con dấu của các đại học quốc gia. Hi vọng, Đại học Bách khoa và những đại học đa ngành khác trong tương lai sẽ không đòi hỏi phải có điều kiện này.

Các đại học quốc gia cần chuyển mạnh sang hướng nghiên cứu: tập trung vào nghiên cứu cơ bản và đào tạo sau đại học, không chạy theo số lượng.

Không đổi tên hoặc sáp nhập các cơ sở giáo dục đại học khác sứ mệnh, khác đẳng cấp với nhau một cách tùy tiện. Phải đảm bảo tính “đa lĩnh vực” của các đại học.

Các đại học đa lĩnh vực phải được ưu tiên trao quyền tự chủ. Việc trao quyền tự chủ cho các đại học phải được thực hiện song song với xóa bỏ cơ chế “cơ quan chủ quản”. Hội đồng đại học phải là một tổ chức quyền lực thực sự.

Phải quy định rõ chức năng của các cấp quản lý trong một đại học đa lĩnh vực: Hội đồng đại học – xây dựng chính sách, Giám đốc đại học – đề xuất và chỉ đạo thực hiện chính sách, Hiệu trưởng trường thành viên – triển khai chính sách, Trưởng khoa – thực hiện chương trình và hỗ trợ đội ngũ, Giảng viên – triển khai thực hiện chương trình.

Trân trọng cảm ơn Tiến sĩ Lê Viết Khuyến!

Nguyên Phương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét