Thứ Hai, 31 tháng 8, 2020

20200901. TRANH LUẬN VỀ MÔ HÌNH CNXH DÂN CHỦ BẮC ÂU

  ĐIỂM BÁO MẠNG

ĐỪNG LẬP LỜ ĐÁNH LẬN CON ĐEN !
MẠC VĂN TRANG/ BVN 27-8-2020
Cẩm nang du lịch Phần Lan từ A đến Z | VIETRAVEL

Có anh bạn bảo: Mấy nước Bắc Âu là mô hình XHCN đúng nghĩa Marxist, nên xin đăng lại bài này để trao đổi.

Tạp chí Lý luận Chính trị, 25 Tháng 3 năm 2019, có bài “Mô hình chủ nghĩa xã hội dân chủ ở Bắc Âu hiện nay và những gợi mở, tham chiếu cho Việt Nam”.

Tiêu đề bài báo trên “đánh lận con đen” giữa “Việt Nam Xã hội Chủ nghĩa” và “Xã hội dân chủ Bắc Âu”. Sự lập lờ đó có thể khiến nhiều người hiểu lầm, Việt Nam đang đi theo mô hình Bắc Âu?

Sự thật là Việt Nam chả có gì giống mấy nước Bắc Âu cả! Xin nói rõ mấy điều cụ thể:

1. Việt Nam là nước XHCN, do độc đảng cộng sản toàn trị, độc quyền lãnh đạo, lấy chủ nghĩa Marx – Lenin, tư tưởng HCM làm nền tảng tư tưởng, áp đặt ý thức hệ cho toàn xã hội…

Trong khi đó các nước Bắc Âu (Thụy Điển, Đan Mach, Na Uy, Phần Lan, Iceland) đều là những nước đa nguyên chính trị, đa đảng cạnh tranh nhau để dân tự do bầu cử, được thắng cử đa số thì cầm quyền (mỗi nước đều có 9 – 10 đảng chính trị và thường không có đảng nào chiếm quá bán số ghế trong quốc hội);

2. Không có nước Bắc Âu nào xưng danh là “Cộng hòa xã hội chủ nghĩa” như Việt Nam, không lật đổ và phủ định sạch trơn truyền thống của các thể chế cũ như Việt Nam.

Các nước Thụy Điển, Đan Mạch, Na Uy đều là “Vương quốc”, có Nhà Vua, Quốc huy đều có Vương miện trên đầu; Nước Iceland và Phần Lan là nước Cộng hòa (không có XHCN gì cả). Đặc biệt Phần Lan, sau Cách mạng tháng Mười Nga 1917, từ một Công quốc của Nga hoàng, đã thức thời tách ra thành một nước độc lập. May mắn, ông Lenin ký, thế là thoát nạn cộng sản. Nhờ đó Phần Lan không có Mac – Lê, độc đảng mà có đến 9 đảng chính trị cạnh tranh cầm quyền, theo tự do bầu cử của nhân dân. Năm 1939 -1940 Stalin gây chiến với Phần Lan. Phần Lan có 5 triệu dân, dám chiến đấu với Liên Xô “vĩ đại”, quyết bảo vệ nền độc lập của mình, dù có bị mất một rẻo đất biên cương… Nhờ cứ phát triển bình thường, không “quyết tâm, quyết liệt thi đua tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên XHCN”, không “vĩ đại”, “muôn năm” như Liên xô, nên GDP bình quân đầu người của Phần Lan nay là 43.545 USD/người, còn Nga là 10.743 USD/người (2017).

3. Tất cả các nước Bắc Âu đều theo thể chế Đại nghị, Tam quyền phân lập, Hiến pháp là tối cao, bầu cử dân chủ, công khai minh bạch, xã hội dân sự, tự do lập hội, lập đoàn, tự do báo chí…

Việt Nam ngược lại: Quốc hội 98% thành viên của một đảng cộng sản; Quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp đều trong tay một đảng CS. Cương lĩnh của đảng trên cả Hiến pháp; Bầu cử Quốc hội, chính quyền các cấp và lãnh đạo các Hội, Đoàn xã hội đều do “Đảng cử dân bầu”, phải là người của đảng CS… Như vậy làm gì còn xã hội dân sự, tự do, dân chủ?

4. Về kinh tế các nước Bắc Âu bảo vệ quyền tư hữu về ruộng đất, tư liệu sản xuất, tài sản cá nhân; kinh tế tư nhân tự do phát triển bình đẳng theo cơ chế thị trường tự do, không vi phạm pháp luật là được (không có định hướng XHCN)… Hệ thống luật pháp của các nước Bắc Âu được xây dựng khá hoàn chỉnh từ những năm 1880 – 1890 và vẫn tiếp tục duy trì đến ngày nay, chứ đâu cứ thay đổi xoành xoạch như Việt Nam.

Việt Nam thì ruộng đất là sở hữu “toàn dân”, do nhà nước quản lý (thực chất là để chính quyền các cấp tùy tiện cưỡng chế, thu hồi đất của dân); Coi doanh nghiệp nhà nước là chủ đạo, được ưu tiên mọi mặt, kinh tế tư nhân bị chèn ép đủ bề, gần đây đảng đã “sáng suốt”, có phát hiện “mới”: Kinh tế tư nhân cũng là một động lực phát triển quan trọng và “cởi trói”, “cho phép”, “tạo điều kiện” cho nó phát triển (!);

5. Phúc lợi xã hội ở các nước Bắc Âu rất cao: Giáo dục miễn phí từ mầm non đến đại học; Y tế theo bảo hiểm, Nhà nước trả chi phí chữa bệnh cho người dân nhóm yếu thế; Người già yếu, thất nghiệp được trợ cấp để đủ sống khá đầy đủ. Khoảng cách giàu – nghèo, bất bình đẳng xã hội ngày càng thu hẹp… Được như vậy vì chính quyền liêm chính, ít tham nhũng, lãng phí, sản xuất phát triển lành mạnh, nguồn thu ngân sách dồi dào, đảm bảo chi cho phúc lợi xã hội ngày càng tốt hơn…

Việt Nam tuy khoe khoang GDP tăng trưởng 6-7%, xuất khẩu tăng mạnh v.v. nhưng GDP vào túi ai, nên dân vẫn nghèo, ngân sách thâm hụt? Y tế, giáo dục thì “thu đúng, thu đủ” mới đảm bảo chất lượng! Có nước văn minh nào trên thế giới này ngành Y tế và Giáo dục đểu như Việt Nam không? Vậy mà cứ nói phét lấy được: “Không để người dân nào bị bỏ lại phía sau”; “Không để em học sinh nào tụt lại phía sau”(!?)… Lấy gì thực hiện những lời hứa ấy, khi ngân sách thu không đủ chi, quỹ bảo hiểm xã hội có nguy cơ bị vỡ?!

6. Nền giáo dục, môi trường văn hóa- xã hội của các nước Bắc Âu đều hướng vào phát triển con người tự do, nhân bản, tôn trọng tự do sáng tạo, sự khác biệt của mỗi cá nhân trong mối quan hệ hài hòa với đời sống xã hội và thiên nhiên… Cho nên các nước Bắc Âu đều có chỉ số HDI, ( gọi là chỉ số Hạnh phúc)… ở tốp đầu thế giới. Các công dân của họ được giáo dục là công dân toàn cầu, nên thường biết 2-3 ngoại ngữ, đến đâu họ cũng có thể thân thiện với dân bản địa và lan tỏa những điều tốt đẹp…

Trong khi đó, môi trường tự nhiên cũng như môi trường văn hóa – xã hội của Việt Nam đã và đang suy thoái nghiêm trọng, gây nhiều ảnh hưởng xấu cho giáo dục, cho phát triển con người. Thực trạng xã hội và con người Việt Nam hiện nay ra sao, người Việt Nam ra nước ngoài gây ảnh hưởng thế nào, mọi người đều thấy rồi.

Nhưng có lẽ khác biệt lớn nhất là những người lãnh đạo ở các nước Bắc Âu, dù ở đảng phái nào, họ phải là những người trí thức, có học thật, họ trưởng thành từ các hoạt động phục vụ xã hội, cạnh tranh với nhau quyết liệt để nhân dân theo dõi, đánh giá và tự do, dân chủ lựa chọn những người xứng đáng trong số họ bầu vào bộ máy chính quyền phục vụ nhân dân, đất nước.

Còn những người gọi là lãnh đạo ở các cấp của Việt Nam đều do một đảng CS độc quyền chọn lựa trong số 4 triệu đảng viên của họ, mà tiêu chuẩn số một là (phải tỏ ra) tuyệt đối trung thành, phục tùng lãnh đạo cấp trên; phải suy nghĩ, phát ngôn theo đúng quan điểm Mac – Lê, tư tưởng HCM (còn làm thì biến báo). Những người đó chỉ cốt sao bảo vệ được sự tồn tại của cái đảng CSVN là trên hết, trước hết, vì đó là nhóm lợi ích lớn của họ, trong đó bao gồm nhiều nhóm lợi ích nhỏ và lợi ích cá nhân của mỗi quan chức. Vì thế, dù ai là người yêu nước, có tâm, có tài đến đâu trong gần trăm triệu người Việt Nam, mà bảo: “Phải đổi mới thế chế, đa đảng, tam quyền phân lập, xã hội dân sự”… thì bị quy kết là “thành phần bất hảo”, “suy thoái”, “phản động”!… Vậy lấy đâu ra người lãnh đạo như các nước Bắc Âu mà đòi so với người ta?

TÓM LẠI, Việt Nam chẳng có gì giống các nước Bắc Âu nhất là về thể chế chính trị. Đem so sánh với các nước ấy thật là bi hài!

Nếu thấy rằng, mô hình phát triển của các nước Bắc Âu tốt, đẹp, Việt Nam phải thay đổi thể chế, theo con đường/mô hình các nước ấy, thì mới đúng. Còn mập mờ bảo rằng: “các nước Bắc Âu là mô hình XHCN mà Việt Nam XHCN đang hướng tới” là đại lừa bịp, lập lờ đánh lận con đen, thấy người sang bắt quàng làm họ!

M.V.T.

Nguồn: FB Mạc Văn Trang

BÀI LIÊN QUAN:

MÔ HÌNH CHỦ NGHĨA XÃ HỘI DÂN CHỦ BẮC ÂU HIỆN NAY VÀ NHỮNG GỢI MỞ, THAM CHIẾU CHO VIỆT NAM

???/LLCT 25-3-2019

(LLCT) - Mô hình chủ nghĩa xã hội dân chủ ở các nước Bắc Âu chứa đựng những giá trị tiến bộ về dân chủ, nhân quyền, những giá trị phúc lợi phục vụ người dân. Những thành tựu của mô hình chủ nghĩa xã hội dân chủ ở Bắc Âu có những gợi mở giá trị cho quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam hiện nay, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang tiến hành hội nhập quốc tế, tham gia vào quá trình toàn cầu hóa sâu rộng.

1. Những thành tựu tiêu biểu của mô hình Bắc Âu

a) Xây dựng xã hội dân chủ, công bằng, bình đẳng hơn

Ở các nước Bắc Âu, người dân có khả năng tham gia vào chính trị ngày càng tích cực hơn. Nhân dân được biết tương đối đầy đủ nhà nước, chính phủ đang và sẽ làm gì. Những sáng kiến chính trị của người dân được lắng nghe tôn trọng và có cơ chế hiện thực để trình bày, thẩm định và nếu khả thi thì sẽ được pháp luật có cơ chế để hiện thực hóa. Quyền của người dân được tham gia vào các hoạt động kinh tế và thụ hưởng thành quả của nền kinh tế thị trường xã hội, được nhà nước và xã hội bảo đảm ở mức tương đối tốt, thông qua phân phối theo lao động và phúc lợi xã hội. 

Các nước Bắc Âu có một nền kinh tế thị trường khá lành mạnh, năng động và được điều tiết vì những lợi ích xã hội, đã được xây dựng khá vững chắc và có khả năng “đề kháng” với những bất trắc của kinh tế toàn cầu. Công bằng xã hội và bình đẳng xã hội cũng đã có những thành tích đáng kể. So với các nước theo mô hình kinh tế thị trường tự do và những nước đang xây dựng nền kinh tế thị trường gặp phải hiện tượng phân hóa giàu nghèo tiêu cực diễn ra với quy mô lớn, tốc độ nhanh và sâu sắc thì mô hình Bắc Âu có sự phân hóa giàu nghèo thấp hơn nhiều.

Nhà nước phúc lợi xã hội với chính sách bảo hiểm xã hội, an sinh xã hội là công cụ điều tiết quan trọng nhất để đạt tới bình đẳng xã hội. Nhà nước chịu trách nhiệm chính cho toàn bộ phúc lợi của các công dân. Trách nhiệm nhà nước ở đây mang tính toàn diện, khá chu đáo cho tất cả, đều do một “mạng lưới an sinh xã hội” bảo đảm. Mô hình này đã khá thành công cả về tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội theo hướng dân chủ, công bằng, văn minh. Các nước này trong nhiều năm qua, về mọi tiêu chí tích cực luôn nằm ở tốp dẫn đầu của thế giới. Đây là những quốc gia có độ ổn định cao về chính trị, có khả năng cạnh tranh về kinh tế, phúc lợi xã hội cao (giáo dục, y tế, an sinh...) và đạt được chỉ số hạnh phúc rất cao(1). Mô hình nhà nước phúc lợi Bắc Âu đề cao tính hiệu quả (efficiency), hiệu lực (effectiveness), công bằng xã hội (social equality), bền vững (sustainability). Phát triển xã hội, phát triển con người là mục đích cao nhất trong quá trình phát triển. Các nước Bắc Âu cho rằng, muốn có nguồn lực để thực hiện phúc lợi xã hội, nâng cao đời sống con người, thì cần phải có nhiều của cải vật chất, và muốn vậy, thì cần phải thúc đẩy phát triển kinh tế. Tăng trưởng kinh tế sẽ là tốt nhất trong nền kinh tế dựa trên thị trường cởi mở, hiệu quả.

b) Quản lý phát triển hiện đại, hạn chế được nhiều khuyết tật của kinh tế thị trường

Chính phủ năng động, khắc phục nhanh tác động tiêu cực của khủng hoảng kinh tế và đang thực hiện chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo yêu cầu của cách mạng  công nghiệp 4.0.  Hiện nay, Bắc Âu là một trong những khu vực hội nhập nhất và là nền kinh tế lớn thứ 11 của thế giới với tổng giá trị GDP là 1.416 tỷ đô la Mỹ(2).           

Kinh tế thị trường xã hội của các nước Bắc Âu là một trong những mô hình phát triển được xem là khá phù hợp hiện nay. Tính chất xã hội, giá trị xã hội, hiệu quả tích cực với phát triển xã hội là yêu cầu pháp lý và đạo đức của loại hình thị trường này. Như một quan niệm “mô hình đó là một công thức hòa giải giữa nguyên lý tự do trên thị trường và nguyên lý cân bằng xã hội trong một khung trật tự được nhà nước kiến tạo và bảo vệ”(3). Nền kinh tế thị trường xã hội là một nền kinh tế thị trường kết hợp tự do cá nhân, năng lực hoạt động kinh tế với điều tiết của nhà nước vì  tiến bộ và công bằng xã hội.

Tư tưởng chủ đạo của mô hình này là: tự do thị trường, tự do kinh doanh, không có sự khống chế của độc quyền, bảo vệ quyền sở hữu tư nhân, bảo vệ hệ thống kinh tế tư bản, nêu cao tính độc lập kinh tế và “trách nhiệm xã hội” của doanh nghiệp, thừa nhận vai trò quan trọng của nhà nước trong quản lý phát triển để đảm bảo phối hợp tự do kinh tế với các quy tắc của một xã hội công bằng, bình đẳng. Trên thực tế, trong mô hình Bắc Âu, nhà nước là “người cầm lái” - định ra thể chế kinh tế thị trường, và là cơ quan thu thuế và tái phân phối phúc lợi xã hội có được, chức năng kinh doanh của nhà nước gần như nhường lại cho thị trường. Nguyên tắc phân phối là vừa phát huy đầy đủ tính tích cực xã hội về mọi mặt và nâng cao năng suất lao động, lại vừa không để xuất hiện chênh lệch phân phối quá lớn. Nhà nước phúc lợi thông qua luật pháp và chính sách điều chỉnh để doanh nghiệp tư nhân cũng có trách nhiệm xã hội. Chính phủ thực hiện phân phối các của cải đó một cách hợp lý nhằm đáp ứng nhu cầu của người lao động và dùng thuế lũy tiến khá mạnh tay(4) để điều tiết những người có thu nhập cao. Nguồn lực của các nhà nước của mô hình này cũng theo đó, luôn chủ động và dồi dào.

Các tiêu chuẩn cơ bản của nền kinh tế thị trường xã hội Bắc Âu gồm: Thứ nhất, đảm bảo quyền tự do cá nhân nhưng là “chủ nghĩa cá nhân nằm ngang” - hàm ý mọi cá nhân đều có cơ hội phát triển như nhau trong sự điều chỉnh của nhà nước  chứ không phải là “chủ nghĩa cá nhân thẳng đứng” của kinh tế thị trường tự do. Thứ hai, nhà nước bảo đảm công bằng xã hội thông qua các chính sách kinh tế và xã hội như luật kinh doanh, thuế thu nhập lũy tiến và phân phối lại... Thứ ba, chính sách kinh doanh theo chu kỳ - nhà nước có chính sách khắc phục hậu quả của khủng hoảng chu kỳ, điều chỉnh mất cân đối, vốn là những hiện tượng thường diễn của thị trường toàn cầu. Thứ tư, chính sách tăng trưởng kinh tế gắn với phát triển xã hội công bằng và tiến bộ. Thứ năm, chính sách để kiến tạo một cơ cấu kinh tế hiện đại - được coi là tiêu chuẩn đặc trưng, hạt nhân trong chính sách tăng trưởng nhằm giải quyết vấn đề chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đào tạo nhân lực theo yêu cầu cách mạng công nghiệp hiện đại. Thứ sáu, bảo đảm tính phù hợp với thị trường, hạn chế sự cạnh tranh quá mức (hình thành các tổ chức độc quyền) và cũng hạn chế sự can thiệp quá sâu của nhà nước vào hoạt động của thị trường...

Mô hình Bắc Âu theo đuổi các mục tiêu: bảo đảm và nâng cao tự do về vật chất cho mọi công dân bằng cách bảo đảm cơ hội kinh doanh và hỗ trợ cho các cá nhân tham gia bằng một hệ thống bảo hiểm xã hội. Đây là nền kinh tế thị trường kích thích mạnh mẽ sáng kiến cá nhân và lợi ích toàn xã hội, đồng thời phòng tránh được các khuyết tật lớn của thị trường, chống lạm phát, giảm thất nghiệp và những bất trắc khác qua hệ thống bảo hiểm đa diện, đa dạng. Các quyết định kinh tế và chính trị của nhà nước được hoạch định trên cơ sở quan tâm đến những nhu cầu cá nhân và hài hòa nó với lợi ích cộng đồng. Thực hiện công bằng xã hội cả trong khởi nghiệp và phân phối đã giúp cho ổn định bên trong của xã hội. Nó góp phần khắc phục được những khuyết tật cố hữu của kinh tế thị trường như cạnh tranh khiến cho phân tầng, phân cực xã hội sâu sắc, theo đuổi lợi nhuận cá nhân đôi khi hy sinh lợi ích xã hội...

Các chính phủ Bắc Âu đã chứng minh được phẩm chất quản lý minh bạch bên cạnh khả năng điều hành nền kinh tế với trình độ “trị quốc tốt nhất thế giới”. Nắm giữ trong tay một nguồn lực khổng lồ của xã hội (nhà nước Thụy điển quản lý hơn 60% tài sản của xã hội, nhà nước của  các nước Bắc Âu khác thấp hơn một chút nhưng về tỷ lệ vẫn luôn cao hơn khi so với Mỹ - 25%, Anh, 31%) lại có quyền năng của “bàn tay hữu hình”, nhưng Bắc Âu cũng luôn đạt thứ hạng cao trong các xếp hạng về chính phủ minh bạch, lòng tin của xã hội và có mức tín nhiệm với các thể chế chính trị hiện hành. Những khảo sát của Tổ chức minh bạch quốc tế trong thời gian gần đây đều đánh giá cao các nước Bắc Âu về thành tích trong các chỉ số về minh bạch, hạn chế tham nhũng và hạn chế lạm quyền(5).

c) Xây dựng đồng thuận và lòng tin xã hội để phát triển kinh tế - xã hội      

Niềm tin xã hội hay lòng tin xã hội (social trust) là sự tin tưởng vào độ trung thực, tử tế của người khác. Nó là tiền đề cho quan hệ giữa người với người, là điều kiện cơ bản để duy trì đời sống cộng đồng. Các nhà nghiên cứu đều cho rằng lòng tin xã hội tạo nên một trong những nguồn lực quan trọng nhất cho đất nước, cấu thành “vốn xã hội” (social capital). Lòng tin giữa các công dân với nhau đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế, độ ổn định, hiệu quả và dân chủ của chính phủ, hội nhập xã hội, mức độ hài lòng và hạnh phúc, sự lạc quan, sức khỏe... Nó tỷ lệ thuận với phồn vinh và an sinh(6).

Có một nhận định khá đúng rằng: “Độ tin cậy cao là một giá trị vàng đã được khẳng định, nằm trong hệ giá trị Bắc Âu. Ở Bắc Âu, sáu đặc tính phổ biến dễ dàng được tìm thấy là: trung thực, công bằng, hiệu quả, tận tâm, tin tưởng vào chính phủ, bình đẳng giới và văn hóa đồng nhất(7). Vai trò to lớn và tác động tích cực, đa diện của niềm tin xã hội đối với quá trình phát triển của mô hình Bắc Âu đã được nhiều công trình mô tả và khẳng định(8).

Niềm tin xã hội của công dân với các chính phủ Bắc Âu giúp cho xã hội vừa năng động trong kinh tế thị trường lại vừa cân bằng, hài hòa trong nhà nước phúc lợi, nơi mà các điều khoản xã hội trong kinh doanh có vẻ tiết chế khá mạnh những hưng cảm tìm kiếm lợi nhuận. Nhà doanh nghiệp vẫn mải miết với cuộc tìm kiếm để tăng thu nhập và họ vẫn luôn tin tưởng rằng thuế lũy tiến từ nhà nước là công bằng và cao hơn nữa là công lý; rằng những đóng góp vào thuế của mình sẽ quay trở lại với các khoản chi phúc lợi xã hội; rằng đó là những quy định đúng mực và có ích cho cả xã hội. Đó là niềm tin xã hội, tuy khá hiếm hoi trong kinh tế thị trường tự do nhưng lại khá phổ biến trong kinh tế thị trường xã hội của Bắc Âu. Rõ ràng, đạt được công bằng trên thực tế và lòng tin của xã hội vào nhà nước có mối quan hệ chặt chẽ với nhau.­

Những người dân chủ xã hội cầm quyền của Bắc Âu đã xây dựng được mô hình nhà nước liêm chính, thân thiện và trong sạch trước sự giám sát chặt chẽ của pháp luật. Một nhà nước thượng tôn pháp luật, pháp luật chi phối các quan hệ cơ bản trong xã hội trở thành nguyên tắc chính trị quan trọng ở các nước Bắc Âu. Những quy định chặt chẽ của nhà nước đối với các quyền, lợi ích và trách nhiệm của công chức, viên chức, sự tự giác rèn luyện tác phong bình dị, vì dân, đạo đức công vụ và uy quyền của công luận... có thể là những nhân tố hỗ trợ đắc lực cho nhà nước liêm chính này. Có một nhận xét đáng lưu ý: “Điều làm cho nhiều người ngạc nhiên là tại sao các nước Bắc Âu có thể trở nên thịnh vượng và tăng trưởng tốt với các khuyến khích kinh tế được xem là yếu đi cùng với thuế suất rất cao, một hệ thống an sinh xã hội hào phóng và chế độ phân phối bình quân. Để có được điều này, sự khác biệt nằm ở mức độ tin tưởng cao, và không dễ tìm được ở nơi nào khác, tạo nên một mô hình Bắc Âu độc đáo và ngoại lệ...”(9).

 Các nước Bắc Âu đã coi lòng tin xã hội là một thứ vốn trong kinh doanh, là chất keo gắn kết cả xã hội vào một khối mà nhân lõi của nó là nền chính trị của dân, do dân, vì dân.

2. Những gợi mở để phát triển tư duy lý luận về chủ nghĩa xã hội hiện nay

a) Mô hình Bắc Âu gợi một tham chiếu về phương thức phát triển tiệm tiến trong thời kỳ quá độ lên CNXH

Vẫn có không ít vấn đề lý luận đặt ra hiện nay đối với CNXH dân chủ.  Biện pháp bị coi là “cải lương CNTB” đã gây nhiều tranh cãi. Có ý kiến cho rằng đó là sự tự điều chỉnh của CNTB, hoặc là cách để kéo dài CNTB, lại có ý kiến lại cho rằng đó là cách để vượt qua CNTB hoặc là một kiểu để phủ định CNTB... Mô hình này cũng có nhiều vấn đề trên thực tế, như: Nhà nước phúc lợi xã hội cùng hệ thống thuế, đặc biệt là thuế thu nhập lũy tiến, có lúc gây tình trạng “đóng băng sản xuất” và nảy sinh sự ỷ lại, lạm dụng.

Nhưng cũng cần thấy rằng, các Đảng dân chủ xã hội cánh tả trong vị thế cầm quyền, đã hiện thực hóa một số tiêu chí của CNXH, đã bảo vệ và mang lại cho nhân dân nhiều quyền lợi và qua đó làm giảm bớt những khuyết tật, hạn chế của CNTB. Mô hình Bắc Âu và một số nơi khác đã gián tiếp xác định rằng, cần phải vượt qua CNTB.

Ngày nay quan niệm mang tính chất giáo điều rằng: “đó là những biện pháp cải lương xã hội tư bản, là để duy trì CNTB...” đang tỏ ra thiếu thuyết phục. Ở những nước này, chế độ TBCN vẫn là một thực tại hiện hữu, nhưng không thể phủ nhận những nhân tố, tiền đề cho CNXH, thậm chí có cả những mảnh ghép của xã hội tương lai đang định hình. Ở những nước này, các đảng dân chủ - xã hội đang là đảng cầm quyền lâu dài dù trong cơ chế đa nguyên. Xen lẫn với tính chất tư sản khó tránh, người ta cũng nhận thấy những ảnh hưởng ở mức độ khá sâu rộng, nhiều tư tưởng lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin. Ở những nước này, không quá khó để thấy những cách tiếp cận, những quan niệm khác biệt với các mô hình CNXH kiểu cũ, nhưng cũng không thể phủ nhận được những thành quả của các đảng dân chủ xã hội làm được cho phát triển xã hội trong tiến bộ, dân chủ, công bằng và văn minh. Ở những nước này, kinh tế thị trường xã hội với những nguyên tắc khá đầy đủ của kinh tế thị trường nói chung, vẫn chịu sự chi phối mạnh mẽ từ bàn tay hữu hình của nhà nước phúc lợi, nhà nước kiến tạo và gợi ý rất nhiều về quản lý kinh tế - xã hội trong bối cảnh hiện nay... Những khái niệm tích cực về nền kinh tế thị trường hiện đại mà hiện nay trên thế giới khá phổ biến như “trách nhiệm xã hội doanh nghiệp”; “chính phủ kiến tạo”, “đồng thuận xã hội”... đều là những đúc kết lý luận từ thực tế của mô hình Bắc Âu.  Mô hình này, như ý kiến của một nhà nghiên cứu: “xuất hiện trong lòng chủ nghĩa tư bản, hiện nay chưa trực tiếp đe dọa sự tồn tại của chủ nghĩa tư bản, nhưng trong tương lai lâu dài sẽ phủ định chủ nghĩa tư bản theo cách thức do lịch sử lựa chọn”(10).

Nên nhìn nhận đó cũng là một trong những biện pháp mà thực tiễn đòi hỏi trong thời kỳ quá độ lên CNXH. Trong thời kỳ quá độ, tư duy hợp lý là cần phải chấp nhận những hiện tượng “vừa là A, lại vừa là phi A”, những “trung giới”, những biện pháp quá độ, những trạng thái “đan xen giữa các nhân tố XHCN và các nhân tố TBCN”,... Và, theo tư tưởng của Lê nin, đó cũng chính là quá trình mà “mỗi dân tộc sẽ đưa đặc điểm của mình vào hình thức này hay hình thức khác của chế độ dân chủ...”(11) trên con đường đi lên CNXH.    

b) Những gợi ý cho quản lý phát triển trong xây dựng CNXH

Đối với CNXH cải cách, đổi mới, mô hình Bắc Âu cung cấp nhiều kinh nghiệm đáng tham chiếu về vai trò và phương thức quản lý của nhà nước với kinh tế thị trường, dân chủ hóa đời sống xã hội thông qua nhà nước pháp quyền và xã hội dân sự. Mô hình nhà nước kiến tạo, nhà nước phúc lợi của Bắc Âu cũng nêu những thực tế để tham chiếu cho xây dựng nhà nước kiến tạo ở Việt Nam.

Đáng lưu ý là kinh nghiệm quản lý nền kinh tế thị trường, có lẽ đây là vấn đề khó khăn nhất của các nước XHCN đang xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Chính thực tế Bắc Âu đã cho thấy, có thể vừa làm năng động, tăng hiệu quả của hoạt động kinh tế thông qua kinh tế thị trường, vừa xây dựng một xã hội công bằng, bình đẳng, đồng thuận thông qua nhà nước phúc lợi và gần đây là nhà nước kiến tạo.

Những thành công của các nước Bắc Âu qua mô hình thị trường xã hội cũng cổ vũ các nước XHCN đang hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN. Đời sống của nhân dân được nhà nước chăm lo thông qua hệ thống phúc lợi đa dạng và rộng khắp. An sinh xã hội đã được thực hiện thông qua sự kết hợp giữa vai trò tích cực của nhà nước và thị trường đã bị kiềm chế những mặt tiêu cực. Hai “bàn tay”, hữu hình và vô hình đã có thể cùng  tương tác để xây dựng CNXH thông qua vai trò to lớn của một đảng cầm quyền lâu dài và thực sự vì dân. 

Thời kỳ quá độ được các nhà kinh điển nhấn mạnh tính chất trung gian giữa hai hình thái kinh tế xã hội cũ và mới, tính đan xen, tính chất không thuần nhất. Bởi vậy, cần có tư duy phù hợp về những biện pháp quá độ, những trạng thái quá độ của kinh tế và chính trị trên thế giới hiện nay. CNXH dân chủ có nhiều quan niệm và cách làm khác biệt, song cần tư duy khách quan, đổi mới và cởi mở trên tinh thần “cầu đồng, tồn dị” (hướng tới cái giống nhau, chấp nhận cái khác nhau) mới có thể tìm tòi được những gợi mở, tham chiếu để phát triển tư duy lý luận. 

Phân định tính chất TBCN hay XHCN của một mô hình xét đến cùng, bao giờ cũng là hạnh phúc đạt được của nhân dân, của đa số trên thực tế. Ở những nước Bắc Âu, chế độ TBCN vẫn là một thực thể hiện tồn nhưng nó cũng đang tự phủ định bằng cách tích lũy những nhân tố, tiền đề XHCN trong lòng nó thông qua các tiến hóa xã hội hướng tới nâng cao mức sống của nhân dân. 

Đây là một hướng tìm tòi của nhân loại để hướng tới CNXH, là một cách để phủ định CNTB. Nên coi nó như là một phương thức tiệm tiến để phát triển của thực tiễn. Những nhận định mang tính tả khuynh, phân liệt của giai đoạn trước đây về CNXH dân chủ tuy đã bị phê phán, vẫn cần đề phòng sự rơi rớt ảnh hưởng của nó trong tư duy về CNXH hiện thực hiện nay.

 TÀI LIỆU THAM KHẢO:

(1) Năm 2016 và 2017, Phần Lan, Thụy điển, Nauy, Đan Mạch được coi là những quốc gia phát triển thành công, bền vững nhất thế giới.

(2) Tọa đàm tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, ngày 16-3-2018, với đại sứ các nước Bắc Âu, nhân ngày Bắc Âu “16 Tháng Ba” (1952 - 2018).  

(3) Ludwig Erhard và Alfred Müller-Armack: Kinh tế thị trường xã hội. Tuyên ngôn’72 (Soziale Marktwirtschaft. Manifest’72). ISBN 35-4803-647-3.

(4) Ở Thụy Điển, người có thu nhập từ 81.000 USD/ năm, nhà nước nước đánh thuế 56,6%.

(5) The Economist,  Các nước Bắc Âu có lẽ trị quốc tốt nhất thế giới, 2-2-2013, bản dịch của Phạm Vũ Lửa Hạ & pro&contra, 2013.

(6) Phạm Vũ Lửa Hạ: Lòng tin xã hội - những giá trị Phần Lan, từ sách “Lửa trời, đuôi cáo - 100 câu truyện Phần Lan”.

(7) Federal Reserve Bank of Philadelphia: (2014) The Nordic model: successes, challenges & the future, http://www.norwegianamerican.com.

(8) Xem: Hồ thị Nhâm, Lòng tin xã hội nhìn từ Bắc Âu, Tạp chí Lý luận chính trị số 6-2018

(9) Torben M. Andersen, Bengt Holmstrom... The Nordic model. Embracing globalization and sharing risks, Printed in Yliopistopaino, Helsinki, 2007. ISBN 978-951-628-468-5.

(10) GS Nguyễn Đức Bình (chủ biên): Những đặc điểm lớn của thế giới đương đại, Nxb Chính trị quốc gia, 2007, tr. 69.

(11) V.I.Lênin: Toàn tập, t.30, Nxb Tiến bộ,  Mátxcơva, 1981, tr.160.

Tài liệu tham khảo:

1. Thomas Mayer: Tương lai của nền dân chủ xã hội, Nxb Lý luận chính trị, 2007. 

2. (GS.Wolfgang Merkel, PGS Christoph Egle, Alexander Petring, Cristian Henker): Các đảng dân chủ xã hội châu Âu - cải cách và thách thức, Nxb Chính trị hành chính, Hà Nội, 2011.

3. Tống Đức Thảo, Bùi Việt Hương (đồng chủ biên): Trào lưu xã hội dân chủ ở một số nước phương Tây hiện nay, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011.

4. TS Nguyễn Văn Sáu & TS Cao Đức Thái: Đảng Dân chủ xã hội Đức, lịch sử, lý luận và kinh nghiệm thực tiễn, Nxb Lý luận chính trị, Hà Nội, 2006.

5. Tiêu Phong (Sách dịch): Hai chủ nghĩa - một trăm năm,  Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004. 

6. Ngô Thế Phúc (Chủ nhiệm): Chủ nghĩa xã hội dân chủ lịch sử hiện trạng và ảnh hưởng, Đề tài cấp Bộ, Viện Khoa học xã hội Việt Nam, 2010.

7. PGS, TS Nguyễn An Ninh: Về CNXH dân chủ châu Âu, Chuyên đề cho Giáo trình đào tạo Cao học - NCS Chủ nghĩa xã hội khoa học,Viện Chủ nghĩa xã hội khoa học, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, 2013.    

 

Chủ Nhật, 30 tháng 8, 2020

20200831. BÌNH LUẬN VỀ ÔNG ĐOÀN NGỌC HẢI

  ĐIỂM BÁO MẠNG

ĐÔI LỜI VỚI ANH ĐOÀN NGỌC HẢI
ĐỖ DUY NGỌC / TD 28-8-2020

Tui nể anh rồi đó anh Đoàn Ngọc Hải. Anh từng đương chức Phó chủ tịch Quận nhất, anh đi dọn dẹp lòng lề đường, lúc đấy tui thấy anh làm đúng nhưng hơi cực đoan, rồi báo chí, dư luận bảo anh xài điện thoại Vertu, đeo đồng hồ Patek Phillipe, tui biết anh giàu vì trước đó anh có làm lãnh đạo phòng thuế, tui chẳng tin anh.

Đến khi anh làm đơn từ chức, tui thấy anh có bản lĩnh mà bây giờ rất nhiều lãnh đạo không có. Bởi ở xứ này, có ghế là có quyền, có tiền, mọi người tìm đủ mọi cách để giữ ghế, để tiến thân kể cả dám làm những chuyện hèn hạ nhất. Thế mà anh mạnh dạn xin từ chức. Anh ngon đấy chứ!

Rồi bây giờ anh lại bỏ ra 700 triệu để sắm xe chở những người nghèo, bệnh tật về quê, lại bao ăn uống suốt đường về, anh lại đích thân làm tài xế. Giờ thì tui thật sự nể anh. Có người bảo anh diễn he he… diễn mà tốn kém hầu bao, mà giúp được đời như thế thì cũng mong anh diễn sâu hơn nữa, diễn nhiều hơn nữa giúp dân nghèo bớt khổ nghe anh.

Ông Đoàn Ngọc Hải bất ngờ xuất hiện cùng với một chiếc xe cứu thương, ghi dòng chữ: “Xe chở bệnh nhân nghèo về quê miễn phí” trước Bệnh viện Ung bướu TP.HCM (đường Nơ Trang Long, Q.Bình Thạnh). Ảnh: Đình Phú/ TN

Sài Gòn có biết bao đại gia tiền tỷ đô la, chưa có ai làm được như anh. Xứ Việt này có biết bao cán bộ lãnh đạo đương chức cũng như đã về hưu tui chắc rằng tài sản họ nhiều hơn anh, nhưng chẳng ai làm được cho cộng đồng, cho xã hội, cho dân nghèo như anh. Họ lo mua sắm đô la, kim cương, hột xoàn, mua vi la, sắm nhà đẹp ở nước ngoài. Họ bỏ hàng triệu đô la để mua thẻ xanh, thẻ đỏ hầu có quốc tịch nước ngoài để khi về hưu hay khi có biến là cao chạy xa bay. Họ lo tàu chìm thì chuột chết nên đã tính chuyện tẩu vi thượng sách. Anh thì không, anh lấy tiền riêng của mình để làm nhiều chuyện đẹp. Tui không cần biết tiền đó từ đâu ra, nhưng khi tiền trong tay anh mà anh dám tung ra để giúp đời thì tui khen anh quá xá là khen.

Anh là người có bản lĩnh. Ngày trước có vị tướng nổi danh thế giới mà bị đưa xuống lo chuyện đàn bà trẻ em nhưng vẫn cúi đầu mà nhận. Tướng như thế là thiếu cái Dũng của tướng. Anh không là tướng, anh chỉ là cán bộ cấp quận, nhưng tui khen anh có cái Dũng, giờ anh lại có chữ Nhân, thiên hạ được mấy người như anh.

Anh đã từng là Phó chủ tịch quận, chắc anh đã là đảng viên cộng sản. Nói như nhân dân thường nói, anh là đảng viên mà tốt, bởi giờ người tốt hiếm lắm anh ơi! Anh có khuôn mặt trời sinh mới nhìn khó có cảm tình, nhưng biết anh càng lâu, qua các việc anh đã làm, càng ngày người ta càng kính trọng anh, dành nhiều tình cảm cho anh, khuôn mặt anh lại hoá dễ nhìn với dạt dào lòng thương kính.

Với tư cách công dân hạng hai của một thành phố có hai tên gọi, tui nể anh, anh Hải ạ, nể lắm luôn á!

____

Mời đọc thêm: Ông Đoàn Ngọc Hải mua xe cứu thương chở bệnh nhân nghèo về quê (VNN). – Ông Đoàn Ngọc Hải tự lái xe cứu thương chở bệnh nhân nghèo về quê miễn phí (TN). – Bất ngờ khi thấy ông Đoàn Ngọc Hải xuất hiện cùng xe cứu thương có dòng chữ “chở bệnh nhân nghèo về quê miễn phí” (Soha). – Ông Đoàn Ngọc Hải mua xe cứu thương, trực tiếp chở bệnh nhân nghèo về quê miễn phí (DV).

DÂN TÚY HAY THIỆN TÂM ?

DƯƠNG QUỐC CHÍNH/ TD 29-8-2020

Mình đánh giá cách anh Hải “cẩu” đang làm không phải là một giải pháp lâu dài, bền vững, cũng giống như hồi đập vỉa hè và cẩu xe. Bản chất thì cũng đúng thôi, nhưng không thực tế, nên chết yểu và trở thành dân túy, kết quả là lại như cũ. Tức là rộn ràng lấy tiếng rồi đâu lại hoàn đấy.

Sau khi đập hè và cẩu xe, anh bị đầy làm PGĐ một công ty XD (chuyên gia đập phá lại bị đẩy sang công ty XD!), anh bất mãn từ chức. Trước đó anh đã từ chức phó Quận, rồi lại xin rút đơn, kể cũng buồn cười.

Rồi lại có tin anh bán đồng hồ hiệu mua nhà để cho người nghèo ở. Hiện chưa biết ngôi nhà đó ở đâu và người vô gia cư nào đang ở? Ai biết thì thông báo nhé.

Tin nào về anh cũng làm cho giang hồ dậy sóng!

Bây giờ lại có tin anh mua xe ô tô cứu thương rồi tự lái để đưa bệnh nhân nghèo về nhà miễn phí. Đó là hành động tốt, nhưng được bao lâu? Anh sẽ trở thành một tài xế không lương, không tính phí xăng xe đến bao giờ. Nhất là khi anh tuyên bố sẵng sàng đưa người từ SG ra HN, còn bao luôn ăn ở?! Anh Vượng còn chả dám làm như anh. Anh liệu có trụ đựơc với các băng nhóm bảo kê xe cứu thương? Các nhà xe tư nhân liệu có để anh yên không?

Mình sẽ ủng hộ nhiệt liệt khi anh lập một đội xe cứu thương như vậy với chi phí hợp lý, hoặc phi lợi nhuận (những vẫn phải thu tiền đến hòa vốn). Vì đó mới là giải pháp bền vững. Ngay cả cách này còn khó lâu dài nữa là miễn phí hoàn toàn.

Làm từ thiện mà hò hét rùm beng trên báo chí, mà không phải một tờ, thì chắc hẳn phải có mục đích phía sau. Người làm từ thiện từ cái tâm sẽ vẫn âm thầm làm mà chả cần hò hét.

Phải chăng anh thấy cần gột rửa quá khứ làm quan (thường phải tham nhũng) của mình, chắc chắn kiếm được nhiều tiền (Q1 giàu nhất SG), để có cái tâm thanh thản? Hi vọng là thế, nhưng làm rùm beng lên báo để làm gì? Người ta sẽ đặt câu hỏi, thế anh lấy đâu ra tiền bù lỗ cho cái xe, hàng tháng chắc mất vài chục triệu với đồng lương công chức về hưu non của mình?

Lại nhớ anh Thăng, anh Chung con!

Bức ảnh dưới anh hơi gồng khi cố tình đi dép tổ ong, cho nó bình dân. Nhưng mà người ta cấm lái xe mà đi dép lê anh nhé.

Ảnh: internet
HÀNH VI TỐT VÀ CON NGƯỜI TỐT
DƯƠNG QUỐC CHÍNH/TD 29-8-2020

Việc làm từ thiện (hay cúng dường) diễn ra rất phổ biến, đủ kiểu, tất nhiên người giàu làm từ thiện nhiều và giá trị cao hơn người nghèo. Người ta làm từ thiện vì nhiều lý do. Lý do nguyên thủy là bắt nguồn từ thiện tâm, muốn giúp đỡ người khác.

Người thiện tâm từ gốc sẽ không cần khoe khoang, khuếch trương là tôi đang từ thiện đây. Nhưng với xã hội kim tiền thì động cơ làm từ thiện nhiều khi không phải từ thiện tâm mà là để tự rửa tội khi chính mình khi có những hành vi bất thiện. Hoặc làm tự thiện để đánh bóng tên tuổi, thương hiệu, giải quyết hàng tồn kho, quá date, trốn thuế, tạo vỏ bọc đạo đức để dễ bề lừa đảo…

Mình dự là những lý do xôi thịt kia bây giờ nhiều hơn lý do gốc. Bởi vì chính những người làm ăn phi pháp, những đại gia, tội phạm, mới có nhiều điều kiện để làm từ thiện và có tâm lý bất an, cần rửa tội.

Ví dụ kinh điển nhất là vợ đại ca Đường Nhuệ Thái Bình, một mặt thì cùng chồng điều hành đường dây tội phạm để kinh doanh BĐS bất chính, mặt khác thì đi làm từ thiện rất nhiều để lấy danh nữ bồ tát!

Hay nhiều đại ca xã hội đen, đâm chém giết người không ghê tay, nhưng vẫn thường xuyên đi chùa, cúng dường hào phóng, cho tiền trại trẻ mồ côi. Họ còn đưa những hình ảnh cao đẹp này vào các bộ phim giang hồ phát trên Youtube để quảng bá, rửa mặt cho các nhau!

Các doanh nhân thành đạt ở VN, đặc biệt là các ngành phải có kết nối mật thiết với chính quyền, thì hầu hết phải phạm pháp, nhẹ thì hối lộ (kèm theo là trốn thuế để rửa tiền), nặng hơn thì dùng xã hội đen để đàn áp đối thủ hay người dân. Nhiều khi đỏ đen lẫn lộn chả biết đâu mà lần, như các tướng CA bị hốt cả mớ vừa rồi. Hầu hết các đại gia này buộc phải tài trợ tiền cho các sự kiện, làm từ thiện, để quảng bá hình ảnh, để kiếm dự án (để đỡ bị dị nghị), cũng như để rửa mặt mình.

Dù gì thì gì, đại ca xã hội đen cũng thường núp bóng doanh nghiệp, các đại gia tư nhân cũng vậy, nên họ có thể vung tiền tỷ để mua cái sự an tâm cho mình bằng từ thiện. Dù người ngoài nhìn vào thì cũng đoán già đoán non ra là tiền của họ là bất chính, nhưng chẳng ai có thể biết chính xác nó từ đâu ra, cho đến khi họ bị tòa xử. Nên thành phần này làm từ thiện sẽ ít bị dị nghị.

Còn thành phần quan lại làm từ thiện mới khó, như anh Thăng, anh Thanh, có tiền ngàn tỷ, nhưng công khai làm từ thiện 1-2 tỷ là khó có thể giải trình nguồn tiền. Các đồng chí lãnh đạo đảng và nhà nước hoặc cựu lãnh đạo nhân dịp cả nước kêu gọi từ thiện, đóng góp, thì giỏi lắm cũng chỉ dám góp dưới 50 triệu, gọi là tiền tiết kiệm dưỡng già! Như bác Sang, bác Triết đã từng. Bác 3X thì thường chả mấy khi làm từ thiện, tiền lương hưu có hơn trục triệu, thì từ thiện được bao nhiêu đâu. Thay vào đó, em Phượng thì làm từ thiện rất nhiều, coi như tích đức cho cả nhà (bố và 2 anh, em)!

Dân VN vốn duy tình, nghĩ ngắn, cứ thấy ai làm từ thiện là nhao nhao lên đồng ủng hộ. Họ lên đồng để chứng tỏ mình cũng thiện tâm, mà chả tốn đồng nào! Liệu có mấy người nghĩ xem tiền từ thiện kia từ đâu ra? Động cơ làm từ thiện có thực sự trong sáng?

Hài hước nữa lại có đứa thắc mắc với mình là làm gì có bằng chứng quan lại tham nhũng! Thực tế cũng có nhiều người khóc lóc thương cảm cho anh Thăng, bị đảng xử oan uổng cho người tốt, anh làm gì có tiền đâu mà xử anh ấy chung thân?!

Bởi nhiều stt khác, bằng các biện pháp nghiệp vụ, mình đã phân tích rằng 99,99% quan lại phải tham nhũng, những ai không hoặc ít ăn tiền là do ở các vị trí không hay ít có màu mè. Nếu mình ở vị trí các anh thì mình cũng ăn, với cơ chế này thì ngu gì không ăn, không ăn thì sống bằng gì khi TBT, CTN mới có lương cỡ 16 triệu/tháng? Thế mới nói 100% quan lại là củi dự khuyết, chẳng qua chả ai đi câu mà tận diệt hết cả cá, chỉ bắt 1 số con liều lĩnh và số đen nhất thôi.

Thế nhưng anh Hải “cẩu” lại liều lĩnh khi ngang nhiên làm từ thiện tiền tỷ trong khi chỉ là một phó quận, lương tầm 7-8 triệu đồng là tối đa. Tuy anh đã từ quan, nhưng ngay sau khi từ chức anh đã vung tiền làm từ thiện đến mấy tỷ đồng, với lý do là bán đồng hồ và điện thoại do “một người thân tặng” giá 2 tỷ đồng (!)

Theo một bài báo khác, kể cả tiền đất lẫn xây nhà tình thương (chưa xong), anh phải bỏ ra tới 4,5 tỷ đồng. Được biết anh Hải xuất thân từ chi cục thuế Q1 rồi leo lên phó quận. Mà ai cũng biết thuế là bộ phận ngon ăn nhất của mỗi địa phương, mà Q1 là quận giàu nhất SG. SG là thành phố giàu nhất cả nước. Q1 có lẽ thu thuế nhiều hơn một tỉnh nhà quê.

Công bằng mà nói, hành vi từ thiện, dù đến từ bất cứ ai, thì đó cũng là hành vi tốt, đáng khen. Nhưng cái áo cà sa không tạo nên thầy tu. Người xấu hay tốt, tội phạm hay thiện lành, nó không hề quyết định bởi việc làm từ thiện.

Anh Thăng bị cho là làm thất thoát vài ngàn tỷ, phải đóng phạt cỡ 600 tỷ. Nếu anh trích ra cỡ 300 tỷ làm từ thiện, xây nhà tình nghĩa, tài trợ ATM gạo, mua nguyên một đoàn xe cứu thương miễn phí 10 chiếc, xây 3 cái chùa, tìm 50 mộ liệt sỹ, trao 100 học bổng… thì anh có thành người tốt không hả các anh em?! Khéo nhân dân lại lên đồng khóc lóc xin bác cả tha tù cho người tốt.

Mua danh người tốt thế nó rẻ rúng quá. Cứ lấy một mạng người rồi chỉ cần đi nuôi một bà mẹ VN anh hùng để rửa tội là xong!

Ngược lại, một bác xe ôm ngày kiếm được 100 ngàn đồng, mà bỏ ra 40 ngàn đồng vào quỹ từ thiện, thì so với anh Thăng ai thiện tâm hơn ai, ai tốt hơn ai?

Hoặc như mình, chả có tiền làm từ thiện, nhưng mỗi ngày phải bỏ 1-2 tiếng để thông não bò miễn phí. Thì có được coi là làm từ thiện hay không hay là chém gió phét lác? Mỗi ngày bỏ vài tiếng ra dạy online thì thầy nào cũng phải kiếm được tiền triệu rồi.

Tóm lại, chân giá trị của con người là gì? Nó có được dán nhãn bằng việc làm từ thiện hay không? Điều đó phụ thuộc vào nhận thức của mỗi người. Có thằng đang bảo mình đang được bọn bò thông não kìa!

Đúng là xã hội đảo lộn hết cả.

XIN ĐỪNG CỐ TỎ RA MÌNH CŨNG LÀ NGƯỜI TỐT

VÕ XUÂN SƠN/TD 30-8-2020

Sự việc ông Đoàn Ngọc Hải mua xe cấp cứu, rồi lái chở bệnh nhân nghèo miễn phí bắt đầu có những ý kiến trái chiều. Sau khi đọc được một số ý kiến trái chiều, tôi nghĩ, nhiều người chưa hiểu về cách suy nghĩ của người Sài gòn.

Người Sài gòn không có nhiều suy tính thiệt hơn khi giúp ai đó, hoặc khi làm việc thiện, việc tốt. Đa số người Sài gòn, thấy ai khó khăn thì giúp, thấy việc gì tốt cho người khác và không gây hại, không ngược với đạo lí thì làm. Đa số người Sài gòn sẵn sàng giúp đỡ người khác khi có thể, mà ít suy tính sâu xa.

Người Sài gòn thấy người khác khó khăn hơn mình là ra tay giúp đỡ. Giúp được gì thì giúp, sức mình giúp được đến đâu thì giúp tới đó, giúp được bao lâu thì giúp. Khi nào người được giúp hết khó khăn, hoặc bản thân người giúp trở nên khó khăn giống như người được giúp, thì thôi.

Không mấy người Sài gòn khi ra tay giúp người khác mà suy nghĩ sâu xa, mình sẽ giúp trong mấy năm, giúp đến mức nào, mình có bị thiệt thòi gì khi giúp người ta không…

Hồi đó, nhà tôi có một chị giúp việc theo giờ. Chị làm tạp vụ trong một công ty, lương rất thấp, không có bảo hiểm. Ngoài giờ, chị đến nhà tôi giúp việc. Ngày thường chúng tôi thường đi vắng, nên muốn chị làm vào chủ nhật. Nhưng chủ nhật thì chị lại đi vô các nhà nuôi người già và người tàn tật, tắm rửa, cắt tóc, dọn dẹp, giặt giũ cho họ…

Chị làm điều đó miễn phí, trong khi nếu chị làm cho chúng tôi, công việc chắc chắn nhẹ nhàng hơn, mà lại được tiền. Nhưng chị vẫn cứ lấy ngày chủ nhật để đi làm việc đó. Triết lí của chị rất đơn giản, rằng ngay cả khi chị không có thu nhập của ngày chủ nhật, thì chị vẫn sống khá hơn những người đang ở trong các trại kia. Mặc dù thực ra thì chị cũng đang khá là nghèo khổ.

Theo như cách phân tích của một số bạn, thì nếu muốn làm từ thiện, chúng ta phải lên một kế hoạch, trong đó có chỉ tiêu cụ thể, tháng này, năm này giúp bao nhiêu, giúp mức nào… và sẽ giúp trong bao lâu. Đó cũng là một cách hay, nhất là khi các bạn lấy tiền của người khác để làm từ thiện, nếu không có kế hoạch thì người ta sẽ không chi tiền ra.

Nhưng điều đó chỉ phù hợp với những chương trình nhân đạo lớn, của các NGO, hoặc chương trình cứu trợ nào đó của chính phủ. Còn phần lớn những người giúp đỡ người khác một cách tự phát, càng suy nghĩ, càng phân tích, càng lên kế hoạch, thì khả năng cao là sẽ chẳng làm gì cả, chẳng ai được giúp gì cả.

Người Sài gòn giúp người khác từ cái tâm của mình, họ chẳng hề suy tính nhiều. Và đó chính là lí do, tại sao rất nhiều các chương trính từ thiện xuất phát từ Sài gòn.

Trở lại việc ông Đoàn Ngọc Hải bỏ tiền mua xe cấp cứu, tự lái xe, chở bệnh nhân nghèo miễn phí. Tôi không biết nguyên nhân, mục tiêu và cả nguồn tiền mà ông ấy dùng để làm việc đó là từ đâu. Tuy nhiên, tôi tin ông ấy là một người Sài gòn, ông ấy có tiền mua xe, biết lái xe (và có thể thích lái xe nữa), có thời gian, nên ông ấy giúp bệnh nhân nghèo.

Thế thôi.

Tôi đã từng không đồng ý với ông Hải trong một số việc của ông ấy trước đây. Bản thân tôi, hoặc cùng với gia đình, hoặc cùng với bạn bè, cũng làm một số công việc từ thiện, có những việc mang tính dài hơi, phải có những tính toán nhất định. Nhưng tôi thấy việc ông Hải đang làm bây giờ là việc tốt, bất kể ông có kế hoạch cụ thể nào hay không.

Và, khi ai đó làm việc tốt, thì nếu chúng ta không giúp họ để họ làm tốt hơn, hoặc không noi gương họ để làm việc tốt giống như họ, thì ít nhất cũng ngậm cái miệng lại, đừng cố tỏ ra là mình tốt hơn người ta.

CHIÊU HIỀN ĐÃI SĨ

NGUYỄN THÙY DƯƠNG/ TD 30-8-2020

Ông Đoàn Ngọc Hải làm từ thiện, tham gia các hoạt động thể thao lành mạnh, mua xe cứu thương khiến nhiều người tán dương. Song song đó, cũng có nhiều người chửi bới, cười cợt, mạ lị hành động của ông Hải. Đáng buồn thay, họ lại là những người gắn mác đấu tranh.

Ông Hải có từng tham nhũng không? Tôi không biết, có thể có, có thể không? Tương lai ông hải có thể bị bắt không? Có thể có, có thể không. Dẫu có bị bắt, có bị điều tra về tội lỗi trong quá khứ đi nữa, tôi tin ông Hải đã tự chuẩn bị cho mình một tâm thế sẵn sàng, thanh thản nhất. Có lẽ ông đang cố làm những điều tốt cuối cùng trước khi có khả năng gặp nhân quả của mình thì sao?

Vậy hãy để ông ấy làm, hãy cổ vũ cho ông ấy làm. Hãy đón một người con của Nhân Dân về với Nhân Dân. Đừng đẩy họ vào thế đối đầu với Nhân Dân. Trong bất kì một cuộc đấu tranh nào, muốn mang lại chiến thắng, muốn giữ được thành quả đấu tranh lâu dài, muốn phát triển dựa trên nền tảng của cuộc đấu tranh đó, đều phải cần những người tài đức, người ủng hộ cuộc đấu tranh.

Việt Minh thuyết phục được nhân sĩ trí thức của Pháp theo mình. Việt Cộng cài đặt được người của họ vào hàng ngũ lính Việt Nam Cộng Hòa là nhờ chính người bên trong giúp đỡ. Đó là gì? Đó là dân vận. Họ thành công ở công tác dân vận từ người dân nghèo khổ cho tới quan chức cấp cao.

Việt Minh hay Việt Cộng đều chấp nhận những người “hồi đầu về với Cách mạng, về với dân”. Để làm gì? Để tận dụng lực lượng, để tìm kiếm người ủng hộ. Khi họ đi về phía mình phải đưa tay kéo họ về gần hơn nữa, không nên chửi rủa, đẩy họ ra xa. Làm như vậy, sau này ai còn đi về phía dân nữa? Đó là chưa kể thái độ thù hận ghê gớm đòi giết sạch con cái họ hàng của quan chức. Điều đó sẽ hình thành một trạng thái đối đầu kinh khủng, khi quan chức suy nghĩ chỉ cần mình nhẹ tay là tụi này sẵn sàng đồ sát gia đình mình. Vậy ai còn dám hồi đầu về phía Nhân Dân nữa.

Người ta sai, chúng ta phê bình, chúng ta bức xúc, thù hận họ. Nhưng nếu trong số đó có những người chưa phải là “cùng hung, cực ác” quay về với chính nghĩa, nên kéo họ lại, cổ vũ họ. Đừng bao giờ mạ lị họ. Đấu tranh như thế chỉ là đấu tranh bầy đàn, dẹp tiệm sớm, nghỉ khỏe. Vì lúc đó không còn là đấu tranh nữa mà chuyển qua đấu tố rồi.

Người đấu tranh cứ tự cho mình trong sạch 100%, khinh chê kẻ từng nhúng chàm. Đó là đấu tranh giả dối, bởi trên đời có ai mà [không] sai phạm? Thái độ khinh miệt kệch cỡm chỉ khiến người đấu tranh tự tạo rào cản với Dân, với những người đối lập. Đấu tranh đầu tiên là đấu tranh thay đổi mình, rồi mới tính tới chuyện thay đổi người khác. Phải biết chấp nhận cái xấu của mình, cái tốt của người, phải thật lắng lòng để nhìn nhận đúng sai, phải quấy đúng thời điểm, đúng nơi, đúng chỗ.

Cuộc đấu tranh có thể thành công bằng bạo lực, nhưng giữ được thành quả của nó phải bằng làng vị tha và tri thức tiến bộ. Đừng quên bài học “đấu tố trí thức, đấu tố tư sản mại bản, đánh tư sản” dành cho phe đối đầu của Cơm Sườn Đông Lào sau 1975.

Muốn đấu tranh thành công điều cần nhất là sự ủng hộ của mọi tầng lớp trong dân. Đặc biệt của chính những người từng đối đầu với dân và những trí thức có tâm, có tầm. Người ta gọi đó là chiêu hiền, đãi sĩ.

——-

Bài viết này không chỉ dành cho một trường hợp của ông Đoàn Ngọc Hải.

CHUYẾN XE ÔNG HẢI

TRUNG BẢO/TD 30-8-2020

Mới hôm qua đây thôi, người ta còn quen với hình ảnh một ông Đoàn Ngọc Hải đằng đằng sát khí dẫn “quân” đi dẹp vỉa hè. Ông Hải khi ấy tay đeo đồng hồ Patek Philippe, tay cầm Vertu cũng khiến dấy lên những tranh cãi.

Rồi ông nộp đơn từ chức Phó quận, xong rút lại, lại bị điều chuyển sang một công ty xây dựng, ông lại từ chức. Ông tuyên bố bán điện thoại và đồng hồ làm nhà cho người nghèo. Tôi có nghe ông mua một cái homestay ở Hội An nhưng rất khó mà kiểm chứng những thông tin kiểu này. Ông chạy marathon cự ly 42km. Ông lại vừa xuất hiện với đôi dép tổ ong và chiếc xe cấp cứu chở miễn phí.

Ông Hải là một nhân vật tạo nhiều tranh cãi. Mẫu hình như ông không thể được xem là một mẫu cán bộ “toàn tòng” của bộ máy này.

Các ý kiến phân tích nặng phần lý tính về các việc làm của ông Hải lẫn những lời khen ngợi chí tình dành cho ông đều đã có. Thế nhưng, nếu muốn hoạ hình về một người thì không thể chỉ nhìn vào mỗi việc làm hiện tại. Ông Hải đi lên chức Phó Quận 1 bằng một con đường tuy không thể nói quá hanh thông, nhưng các cơ quan mà ông đã trải qua đều dính đến những lợi ích về kinh tế: Chi cục Thuế Q.1, Phòng Kinh tế Quận 1.

Năm 2019, ông bị gọi tên là người chịu trách nhiệm chính cho việc sai trái trong cấp phép xây dựng ở địa bàn Quận 1. Hàng chục giấy phép do ông ký đã vượt thẩm quyền, sai quy định về mật độ và chiều cao. Có gì ở mặt sau những tờ giấy phép xây dựng sai quy hoạch này? Có lẽ chúng ta sẽ biết sớm trong thời gian tới.

Trở lại với thái độ của những người sử dụng mạng xã hội với ông Đoàn Ngọc Hải và chiếc xe cứu thương. Tôi không muốn phân tích ở khía cạnh kinh tế hay sự duy trì việc làm được cho là nghĩa cử này. Cái tôi thấy, đó chính là một thái độ của người dân.

Đây không phải là lần đầu tiên người dân ngợi khen hết lời đối với một (cựu) quan chức khi họ công khai làm việc nghĩa. Ông Hải chỉ là trường hợp mới nhất. Sự ngợi khen ấy không chỉ dành riêng cho ông Hải, ngược lại nó bày tỏ rất rõ sự chán ngán những gương mặt trơ lì vô cảm của các quan chức khác trước những bức xúc của xã hội.

Đó, dường như là một lần trưng cầu dân ý và chiếc xe cứu thương của ông Hải chỉ là “thùng phiếu”. Hãy cứ bày tỏ thái độ của bạn về một nhân vật chính trị “lệch chuẩn” như ông Đoàn Ngọc Hải, nhưng đừng xem ông ta là thần tượng.

Bởi, bạn sẽ thất vọng nếu ngày nào đó có người lật ra mặt trái của những tờ giấy sai phép thần tượng của bạn đã ký. Khi ấy, một chuyến xe không đủ chở nỗi buồn của bạn đâu.