Thứ Hai, 24 tháng 8, 2020

20200825. BÌNH LUẬN TRƯỚC BẦU CỬ TỔNG THỐNG MỸ 2020

ĐIỂM BÁO MẠNG
BẦU CỬ 2020: KHỞI ĐẦU CHO MỘT CUỘC NỘI CHIẾN ?
ĐOÀN HƯNG QUỐC/ BVN 23-8-2020
Trung Quốc mong đợi gì từ bầu cử tổng thống Mỹ?

Người viết có hai nhận xét về nước Mỹ trong vòng 3 năm trở lại: thứ nhất, những chuyện không thể ngờ đến thì đã xảy ra và còn tệ hại hơn điều mình nghĩ; thứ nhì, có thể so sánh giữa hai phe thân và chống Trump đối nghịch với nhau giống như cánh theo Cộng hòa và người theo Mặt trận ở miền Nam Việt Nam trước năm 1975. Nhiều nhà bình luận kể cả báo New York Times đã đưa ra viễn ảnh đen tối là cuộc bầu cử 2020 sẽ chia rẽ nước Mỹ đến mức tạo mầm mống cho một cuộc nội chiến - chữ Civil War được dùng nhưng người viết xin đổi lại “nội loạn” với hy vọng không là một cuộc nội chiến lần thứ hai.

Trump cảnh giác đòi hỏi của Đảng Dân chủ về việc bỏ phiếu qua bưu điện sẽ dẫn đến “một cuộc bầu cử gian lận nhất trong lịch sử” (the most rigged election in history) và ông chưa biết có sẽ chấp nhận kết quả bầu cử hay không (“I have to see. No, I’m not going to just say yes. I’m not going to say no, and I didn’t last time either.”) Ngược lại Đảng Dân chủ tố cáo Trump ém phiếu bằng cách ngăn chặn bầu cử bằng thư trong mùa dịch bệnh, mục đích nhằm chuẩn bị dư luận và viện dẫn lý do gian lận mà không chấp nhận thua cuộc. Đảng Dân chủ thề sống chết sẽ không bị Trump dọa nạt để tiếm đoạt ngôi Tổng thống như vào năm 2000 khi Bush thắng Al Gore nhờ vào quyết định của Tối cao Pháp viện trong đó đa số do Đảng Cộng hòa đề cử.

Nhiều người thuộc Đảng Dân chủ cho biết chẳng những chuẩn bị một đội quân luật sư hùng hậu để chiến đấu ở từng phòng phiếu từng tiểu bang, và vì không còn tin tưởng nơi Tối cao Pháp viện họ sẽ vận động quần chúng tham gia những cuộc biểu tình khổng lồ trên đường phố. Tất nhiên Trump và những người ủng hộ ông sẽ không ngồi yên mà đáp trả thích đáng. Trump có thể thua 5 triệu phiếu phổ thông nhưng vẫn kết quả vẫn thắng nhờ vào phiếu cử tri đoàn. Thắng thua sẽ được quyết định sát nút ở 3-6 tiểu bang chiến trường (battleground states). Phe thua dù là Cộng hòa hay Dân chủ sẽ tố cáo đối phương gian lận và không nhân nhượng để giành lại phần thắng. Những người Mỹ không cực đoan run sợ trước viễn ảnh mà trận tranh hùng Bush-Gore năm 2000 chỉ giống như trò trẻ con; hay những cuộc biểu tình đập phá đường phố vừa mới đây vào tháng 05/2020 chỉ như lần diễn tập cho các nhóm da trắng hay da đen trang bị vũ khí đầy mình ngang nhiên vào thành phố. Không thể loại trừ việc vài phần tử quá khích, nhân viên tình báo Nga, Tàu hay Iran nhân cơ hội nổ một phát súng trong các cuộc biểu tình nhằm khơi mào ẩu đả dẫn đến khủng hoảng Hiến pháp lẫn súng đạn trên đường phố giống như ở Beirut. Rồi khi một Tân Tổng thống được quyết định thì tính chính danh, độ tín nhiệm và cả nền tảng Dân chủ của nước Mỹ sẽ bị tổn hại nặng nề.

Người viết mong mỏi là mình sai bét!!!

Đ.H.Q.

Tác giả gửi BVN

VỀ CHUYỆN TRUMP 'ĐÁNH TRUNG QUỐC'
TRƯƠNG NHÂN TUẤN/ TD 22-8-2020

Câu hỏi đặt ra là với phương pháp “đánh Trung Quốc” của Trump hiện nay, nước Mỹ có thu hoạch được kết quả gì không?

Theo tôi, việc “đánh Trung Quốc” bề mặt “rùm beng” nhưng bề trong thực chất “địch chết ba ta chết bốn”.

Nhìn trên thực tế ta thấy vào thời điểm này, các quốc gia ASEAN đang nghiêng về phía Trung Quốc. Việt Nam đã tỏ thái độ qua việc không tham dự cuộc tập trận RIMPAC hiện đang diễn ra tại Hawai. Mã lai và Indo cũng vắng mặt.

Trong khi đó Việt Nam tuyên bố tham gia cuộc thi thể thao của quân đội, do Nga tổ chức, dĩ hiên có sự tham dự của lính Trung Quốc. Covid-19 không hề là cái cớ để Việt Nam vắng mặt trận RIMPAC, rất cần thiết cho Việt Nam học hỏi chiến thuật quân sự và huấn luyện hải quân.

Singapore từ lâu đã tuyên bố sẽ không chọn phe. Nhưng chuyến du hành của Dương Khiết Trì hôm qua cho ta thấy, Lý hiển Long không thể bỏ Trung Quốc vì sự gắn bó nền kinh tế đảo quốc này với Trung Quốc.

Các nước ASEAN nghiêng về Trung Quốc không phải vì theo Trung Quốc “có lợi” hơn theo Mỹ. Các quốc gia này, từ ba năm trước, phần lớn đều đã gia nhập TPP. Các nước muốn “lập khối” để “chống” lại chiến lược bành trướng của Trung Quốc qua hệ thống liên hợp “hạ tầng cơ sở-kinh tế-tài chánh” gọi tên là “vành đai con đường”. Các quốc gia ASEAN đều thấy cạm bẫy trước mắt về “nợ”, cũng như sự đe dọa tiềm tàng về chủ quyền biển đảo trong các chính sách của Trung Quốc.

Điều này chứng minh được sự ưu việt trong sáng kiến TPP của Obama. Các quốc gia ASEAN không thể đơn thuần “thoát Trung”, ngay cả Nhật và Nam Hàn, bởi vì Trung Quốc là đối tác kinh tế “lớn nhứt” đối với tất cả các nước. TPP là “chiến lũy” của Mỹ để ngăn cản sự trỗi dậy không hòa bình của Trung Quốc. TPP là cái “phao” để các quốc gia lần hồi “thoát Trung”.

Hệ quả TPP bị Trump hủy bỏ. Các nền kinh tế Nhật, Nam Hàn, ASEAN, ngay cả Mỹ… ngày càng lệ thuộc sâu xa với Trung Quốc (nhứt là Việt Nam và Singapore…).

Trump nói là “đánh chết mẹ” Trung Quốc. Thiệt tình nói nghe cho “sướng” mà thực sự thì Trung Quốc đang thắng thế. Trung Quốc thắng thế không phải vì “nội công” của Trung Quốc “tăng thành công lực”, mà bởi vì Trump làm cho nước Mỹ suy yếu.

Hôm kia tôi có viết, nói là Trump đang phung phí tài sản “sức mạnh mềm” của nước Mỹ.

Các quốc gia ASEAN, thậm chí Nam Hàn và Nhật, đều “thủ thế” với Trump. Không ai biết Trump sẽ thay đổi chính sách của Mỹ đối với quốc gia mình thế nào? Trump không có tầm nhìn. Trump lại hay lẫn lộn lợi ích quốc gia với lợi ích cá nhân. Thí dụ như Việt Nam. Rõ ràng là Việt Nam rất muốn “thân” với Mỹ. Nhưng với Trump, ngay cả một người chống Trung Cộng lãnh đạo, thì họ cũng lo ngại viễn cảnh Trump lấy Việt Nam làm “vật tế thần”.

Các hành vi “đâm sau lưng chiến hữu” của Trump trong vụ bỏ rơi quân Kurdes cho Thổ Nhĩ Kỳ “làm thịt”. Hoặc chủ trương “bắt tay” với đám Taliban trong chính sách bình định Afghanistan, phản bội đồng minh ở Kabul. Trong khi tại Iraq thì quân IS đang củng cố lại thực lực.

Không ai dám tin Trump. Không quốc gia nào dám “dựa” vào Mỹ thời Trump hết cả. Nước Mỹ “cô đơn” thì nước Mỹ sẽ “yếu”.

Trump không hề thực thi trách nhiệm tổng thống như đã tuyên thệ. Trump lợi dụng những kẻ hở của hiến pháp để ra các đạo luật sao cho có lợi bản thân và bè phái. Trump bốc đồng, lại có tính thù vặt” nên “đụng đâu đánh đó”. Trump đánh tùy hứng, không có chiến thuật, chiến lược. Thắng ít thua nhiều mà cái thua là nước Mỹ thua đậm. Bởi vì Trump làm chuyện gì, ngay cả khi chuyện này đem lại thiệt hại lớn lao cho nước Mỹ, Trump vẫn làm nếu điều này củng cố “uy tín cá nhân” hay lợi ích của phe phái.

Lý ra với một sức mạnh quốc phòng ưu việt và nền kinh tế áp đảo, nước Mỹ chỉ cần một lãnh đạo có đầu óc trung bình cũng đủ làm cho Trung Quốc tả tơi.

TRUNG QUỐC SẼ SỚM ĐÁNH ĐÀI LOAN ?

TRƯƠNG NHÂN TUẤN/ TD 23-8-2020

Dương Khiết Trì ngoại giao “con thoi”, vừa với Singapore, vừa với Nam Hàn trong những ngày qua. Động thái này làm liên tưởng vụ Đặng Tiểu Bình thăm viếng nhằm “trấn an” các quốc gia ASEAN trước khi “cho Việt Nam một bài học” tháng giêng năm 1979.

Trung Quốc cam kết sẽ “đánh giới hạn”, không bành trướng chủ nghĩa cộng sản và không có mục tiêu xâm chiếm lãnh thổ. Các quốc gia ASEAN vì vậy “an tâm” (và ngồi yên) khi quân Trung Quốc đổ vô Việt Nam.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đồng chủ trì hoạt động kỷ niệm 20 năm ký Hiệp ước Biên giới và 10 năm triển khai văn kiện pháp lý về biên giới trên đất liền Việt Nam – Trung Quốc. Ảnh: TG&VN

Tình hình theo tôi, các nhà “quan sát” có thể nói đúng. Trung Quốc sẽ sớm đánh Đài Loan. Trung Quốc có thể đánh riêng rẽ để “cảnh cáo” dân Đài Loan, thành phần trẻ, trí thức, có khuynh hướng độc lập. Bằng cách chiếm Kim Môn, Mã Tổ và các đảo do Đài Loan kiểm soát (như Ba Bình thuộc Trường Sa của Việt Nam). Nhưng, sẵn trớn, Trung Quốc cũng có thể chiếm luôn Đài Loan, nếu việc đánh Kim Môn, Mã Tổ (và các đảo khác) không gặp sự chống đối ở mức “có thể can thiệp” từ Mỹ và Nhật.

Trung Quốc có thể cam kết với các quốc gia “liên thuộc sâu xa” với Trung Quốc về kinh tế như Nam Hàn, Singapore, Mã Lai… và có thể cả Nhật về việc Trung Quốc sẽ bảo vệ quyền và lợi ích của các quốc gia này tại Đài Loan. Các quốc gia có thể “nhắm mắt” để Trung Quốc giải quyết Đài Loan như là “chuyện nội bộ” của Trung Quốc.

Nhưng các cam kết về kinh tế khó có thể thay thế quan điểm về an ninh quốc gia hay về “chiến lược” của các quốc gia như Mỹ, Nhật và Nam Hàn. Cái khó của Mỹ và Nhật là lý do gì để can thiệp vào chuyện “nội bộ” của Trung Quốc? (Vì các quốc gia này luôn quan niệm Đài Loan là một phần lãnh thổ thuộc Trung Quốc).

Tuy nhiên tình hình chiến tranh có thể bùng phát tại khu vực. Nếu Mỹ can thiệp thì Nam Hàn, Nhật (và Phi) có nghĩa vụ phải đứng chung chiến tuyến với Mỹ để bảo vệ Đài Loan, do ràng buộc các kết ước “an ninh hỗ tương”.

Cái khó cho đồng minh của Mỹ trong khu vực là “biến số” Trump.

Với tâm thế “sớm nắng chiều mưa”, nay nói vầy, mai nói khác của Trump. Không ai có thể tiên đoán chính sách của Mỹ hiện nay là như thế nào? Chủ nghĩa “cô lập – isolationnisme” của Trump có hiện đang được Bộ Quốc phòng Mỹ áp dụng hay không?

Nếu các đồng minh của Mỹ nhận ra rằng, chính sách này đang được áp dụng, tức là sự can thiệp của Mỹ chỉ là “bề ngoài”, giai đoạn”. Ta có thể đoán rằng Nam Hàn sẽ đứng ngoài, thậm chí đứng về phía Trung Quốc. Ngay cả Nhật cũng đứng về phía Trung Quốc, nếu ta đọc thuyết “sự đụng độ giữa các nền văn minh” của Huntington công bố năm 1996.

Tức là Mỹ sẽ đứng “một mình” giải quyết Đài Loan. Và khi đứng “mình ên” thì Mỹ không thể bảo vệ được Đài Loan.

Vì vậy Biden, hay ít ra Bộ Quốc phòng Mỹ sớm có một “tuyên bố” hay các hành vi cứng rắn một chút, một mặt để trấn an đồng minh, mặt khác để “răn đe” Trung Quốc: “Mầy không được làm bậy”. Nếu không Mỹ sẽ mất Đài Loan. Bàn cờ Domino của Mỹ ở Đông Á sẽ “sụp”.

TRUNG QUỐC MONG ĐỢI GÌ TỪ BẦU CỬ TỔNG THỐNG MỸ ?

TUẤN ANH/ VNN 24-8-2020

Khi người dân Mỹ đang cân nhắc bỏ phiếu ủng hộ đương kim Tổng thống Donald Trump hay đối thủ Joe Biden, các lãnh đạo Trung Quốc cũng phải đối mặt với những câu hỏi khó liên quan.

Liệu thêm 4 năm cầm quyền nữa của ông Trump hay việc ông Biden đắc cử ghế tổng thống Mỹ sẽ có lợi hơn cho các mục tiêu chính trị của Trung Quốc? Bắc Kinh sẽ ứng phó ra sao trước mỗi kịch bản về ông chủ tiếp theo của Nhà Trắng? Theo báo Washington Post, đây là hai câu hỏi được giới quan sát đưa ra bàn luận nhiều trong thời gian gần đây.

Trung Quốc mong đợi gì từ bầu cử tổng thống Mỹ?
Tổng thống Trump (trái) và đối thủ Biden hiện đồng quan điểm về việc Mỹ phải có chính sách cứng rắn đối với Trung Quốc. Ảnh: NBC, NYT

Chủ đề được hâm nóng sau khi William R. Evanina, quan chức tình báo hàng đầu của Mỹ chuyên trách việc giám sát an ninh bầu cử tuyên bố, các nhà lãnh đạo Trung Quốc muốn ông Trump, người Bắc Kinh đánh giá là "không thể đoán trước được" phải ra đi.

Zhu Feng, giám đốc quan hệ quốc tế tại Đại học Nam Kinh (Trung Quốc) cho rằng chính quyền ông Trump làm việc "rất cảm tính". Tuy nhiên, rất khó để khẳng định Trung Quốc thực sự thích ông Biden hơn.

Mặc dù gây sức ép với Bắc Kinh bằng một loạt chính sách trừng phạt chưa từng có trong hơn 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức giữa hai nước, nhưng ông Trump được tin theo một số cách đã mang đến các cơ hội quý giá cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ở cả chính trường trong nước lẫn chính trường thế giới.

Cụ thể, theo các nhà bình luận Eva Dou và Gerry Shih, trong bối cảnh chịu nhiều sức ép vì sự giảm tốc phát triển của nền kinh tế đất nước, ông Tập có thể đổ lỗi cho “sự chèn ép” của Washington đối với tất cả những tổn thất đại lục phải gánh chịu, đồng thời xây dựng hình tượng là nhà lãnh đạo kiên cường chống lại sự bắt nạt của nước ngoài.

Trên mặt trận an ninh, Bắc Kinh đã củng cố sức mạnh và cho triển khai luật an ninh quốc gia mới ở đặc khu hành chính Hong Kong. Bắc Kinh cũng tìm cách gia tăng ảnh hưởng toàn cầu khi chính quyền ông Trump rút Mỹ khỏi các tổ chức quốc tế như Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và gây mất lòng tin vào các mối quan hệ giữa Washington với các đồng minh từ Á đến Âu.

"Có một học giả Trung Quốc từng nói với tôi rằng, nếu Trung Quốc có thể thuyết phục tất cả các nước trên thế giới xích lại gần nhau và phá hủy các trụ cột sức mạnh của Mỹ, nước Mỹ sẽ không thể thành công khi Donald Trump đơn thương độc mã”, Paul Haenle, cựu quan chức phụ trách vấn đề Trung Quốc trong Hội đồng an ninh quốc gia Mỹ dưới thời hai cựu Tổng thống George W. Bush, Barack Obama và hiện làm giám đốc Trung tâm Carnegie - Thanh Hoa ở Bắc Kinh, chia sẻ.

Ông Haenle nói, không phải tất cả các quan chức cấp cao của Trung Quốc đều tán đồng quan điểm trên, nhưng họ nhận ra một số lợi thế khi ông Trump nắm quyền lãnh đạo Mỹ. Bắc Kinh dường như nhìn nhận rằng, cá nhân Tổng thống Trump không quan tâm nhiều hoặc không biết nhiều như một số quan chức trong chính quyền của ông về các vấn đề lãnh thổ then chốt, được Bắc Kinh coi là những lợi ích quốc gia cốt lõi. Trong cuốn hồi ký gây chấn động mới đây, John Bolton, cựu Cố vấn an ninh quốc gia cho ông Trump, đã xác nhận điều này.

Tuy nhiên, quan điểm trên rất khác đối với giới kinh doanh Trung Quốc, những đối tượng đã điêu đứng vì chính sách cứng rắn của chính quyền Trump. Các công ty công nghệ cao của đại lục đặc biệt bị tổn hại nặng nề khi Washington áp lệnh trừng phạt đối với những tên tuổi lớn như "đại gia" phần cứng Huawei hay gã khổng lồ truyền thông Tencent, đe dọa làm tê liệt các doanh nghiệp chủ chốt trong ngành.

Gao Wenbo, một nhà nghiên cứu chính sách công tại Đại học Công nghệ Nam Trung Quốc đã viết trong một bài xã luận gần đây rằng, việc ông Biden thắng cử sẽ mở ra các cơ hội kinh tế cho Bắc Kinh. Song, ông cũng cảnh báo, trong bối cảnh cạnh tranh ảnh hưởng gay gắt giữa hai cường quốc, những nỗ lực của chính khách Dân chủ nhằm tái xây dựng các liên minh của Mỹ cũng như tăng cường vị thế lãnh đạo toàn cầu của nước này có thể dẫn đến một số rủi ro và thách thức cho Trung Quốc.

Cương lĩnh hành động của đảng Dân chủ dành cho cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11 phản ánh, cả hai chính đảng lớn của Mỹ đều nhất trí phải cứng rắn với Bắc Kinh. Tuy nhiên, chính sách này vẫn được coi "ít khắc nghiệt hơn nhiều" so với những gì chính quyền Trump đang theo đuổi.

Giới quan sát ghi nhận, khi cuộc bỏ phiếu bầu lãnh đạo Nhà Trắng cận kề, Trung Quốc trong tháng vừa qua tỏ ra kiềm chế hơn trong việc công kích Mỹ và các nước khác.

Học giả Zhu Feng, người thỉnh thoảng được mời cố vấn cho Chính phủ Trung Quốc đánh giá, nếu ông Trump tái cử một nhiệm kỳ 4 năm nữa, việc đó có thể đẩy hai nước vào một cuộc chiến tranh lạnh mới. Song, Bắc Kinh cần phải sẵn sàng đưa ra những đề nghị "khuyến khích đối thoại" nếu người chiến thắng là đối thủ của ông Trump.

Tuy nhiên, một số nhà phân tích thận trọng cho rằng, khả năng để một chính quyền do ông Biden lãnh đạo điều chỉnh chính sách đối đầu Trung Quốc ngày càng ít dần khi Bắc Kinh vẫn tiếp tục cách ứng xử bị phương Tây lên án.

Tuấn Anh

LIỆU ÔNG BIDEN CÓ THỂ CHẤM DỨT 'THỜI KỲ ĐEN TỐI'

NGUYỄN QUANG DUY/ BVN 25-8-2020

Đại hội Đảng Dân chủ 2020 cho thấy tính đa dạng chính trị, văn hóa, chủng tộc và những khó khăn Đảng Dân chủ đang phải đối đầu. Liệu liên danh Biden – Harris có thể vượt qua các khó khăn giành thắng lợi trong kỳ bầu cử sắp tới?

Từ chính sách xã hội…

Thời Tổng thống John Kennedy là thời kỳ vàng son của Đảng Dân chủ, ông đã đưa ra những chính sách xã hội chống lại nghèo khó và bất công thu hút được đa số cử tri lao động.

Tổng thống Lyndon Johnson tiếp tục ban hành Đạo luật Quyền Dân sự 1964, chống kỳ thị chủng tộc, giới tính… và Đạo luật Quyền Bầu cử 1965, bảo vệ quyền bầu cử của người Mỹ da đen, nên hầu hết cử tri người Mỹ da đen đều bỏ phiếu cho Đảng Dân chủ.

… Sang toàn cầu hóa…

Tổng thống Bill Clinton tự nhận đã được Tổng thống Kennedy truyền cảm hứng, khiến ông gia nhập Đảng Dân chủ, nhưng đến khi cầm quyền ông lại thực hiện đường lối và chiến lược của Tổng thống Ronald Reagan, ông khai sinh Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ khiến hàng hóa từ Mexico đổ vào nước Mỹ khiến hàng triệu công nhân Mỹ lâm vào cảnh thất nghiệp, đói nghèo.

Những người lao động đã trừng phạt ông Clinton nên ngay trong cuộc bầu cử giữa kỳ 1994, Đảng Dân chủ mất cả Thượng viện lẫn Hạ viện.

Lần đầu tiên trong vòng 40 năm Đảng Cộng hòa kiểm soát được Hạ viện và liên tục giữ cả hai viện trong sáu năm còn lại của Tổng thống Clinton.

Đảng Cộng hòa nắm cả lưỡng viện nên chi phối các chính sách kinh tế và xã hội, nhờ đó kinh tế tăng trưởng mạnh nhưng các chính sách xã hội cho người lao động bị giới hạn rất nhiều.

Năm 2000, Tổng thống Clinton tin rằng khi Bắc Kinh gia nhập WTO, Trung Cộng sẽ phải tôn trọng luật chung nên đã chấp nhận Bắc Kinh tham gia vào Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và mở cửa cho hàng hóa Trung Cộng đổ vào nước Mỹ.

Nhưng Trung Cộng thay vì tôn trọng luật chung lại tìm cách phá bỏ nó, khiến nước Mỹ càng ngày càng lụn bại, người lao động ngày càng khốn khổ.

Đảng Dân chủ mất cử tri lao động nhưng bù lại đã thu hút được những thành phần cấp tiến theo tự do phóng khoáng, tự do thương mại quốc tế và cổ vũ toàn cầu hóa.

Những người cấp tiến theo khuynh hướng toàn cầu hóa có học thức nên được giữ những vai trò quan trọng trong chính trị, giáo dục và truyền thông, dần dần họ chuyển đổi cả văn hóa và tư tưởng của người Mỹ.

Toàn cầu hóa tàn phá nước Mỹ về mọi mặt, từ kinh tế, chính trị, đến văn hóa, giáo dục và với tư tưởng sống chung hòa bình không cần tăng cường quân sự.

… Chính trị bản sắc bắt đầu…

Toàn cầu hóa ảnh hưởng đến từng người, từng gia đình và toàn xã hội là nguyên nhân nước Mỹ phân cực. Trong Đại hội Đảng Dân chủ năm 2004, ông Barack Obama có bài diễn văn tố cáo sự phân cực chính trị.

Từ đó, báo chí và truyền thông Mỹ bắt đầu bàn luận về một Tổng thống da đen đầu tiên cho nước Mỹ, và nhờ tài ăn nói, ông Obama đã thắng cử Tổng thống một cách dễ dàng.

Nhưng điều hành một nước Mỹ không phải là chuyện dễ, dư âm ông Obama để lại là Obamacare, 8 năm kinh tế trì trệ và một nước Mỹ phân hóa hơn.

Với Trung Cộng, ông Obama quá ôn hòa đến độ nhu nhược, bị giới chức Bắc Kinh xem thường, còn hàng hóa Trung Cộng tràn ngập, kỹ nghệ Mỹ hầu như phá sản, chiến lược xoay trục về Thái Bình Dương và Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) nhằm mục đích “bao vây” một Trung Cộng đang trỗi dậy, chỉ hoàn tất trên giấy tờ.

Nhiều người Việt ủng hộ Hiệp định TPP nhưng quên rằng người Mỹ lao động đã từ chối TPP ngay từ phút đầu soạn thảo.

Bầu cử giữa kỳ 2010, Đảng Dân chủ mất Hạ viện, đến bầu cử giữa kỳ 2014 mất luôn Thượng viện, đến khi bà Hillary Clinton ra tranh cử, chính bà đã phải hứa nếu thắng cử Tổng thống sẽ chấm dứt tham gia Hiệp định TPP.

Sau chiến thắng của ông Obama năm 2008, báo chí truyền thông Mỹ bắt đầu nói đến chuyện một Tổng thống thuộc phái nữ, chính trị bản sắc (identity politics) dựa vào mầu da, sắc tộc, giới tính và vóc dáng bề ngoài nhằm thu hút cử tri của Đảng Dân chủ đã thay cho việc tranh cử cổ điển thuyết phục cử tri bằng chính sách và chiến lược.

Trong lần tranh cử 2016, bà Clinton gần như không đưa ra một chính sách hay chiến lược nào, người bảo thủ và lao động sợ bà Clinton sẽ tiếp nối con đường của 2 ông Clinton và Obama tiếp tục đưa nước Mỹ vào con đường lụn bại nên đã bầu cho ông Trump.

Liên danh Trump - Pence…

Ông Trump là một nhà truyền thông xuất sắc, ông liên tục nêu quan điểm chính trị để thăm dò và sửa soạn dư luận.

Ông luôn nhắc nhở mọi người những việc ông đã và đang làm, ông tạo hứng thú để mọi người tiếp tục tìm hiểu, theo dõi và ủng hộ những việc ông sẽ làm.

Trong 4 năm qua ông đã hoàn thành một phần cuộc “chiến tranh tâm lý” đánh thức cả thế giới phải nhận thức lại vai trò của nước Mỹ, nhận thức lại toàn cầu hóa, nhận thức lại tự do thương mại quốc tế, nhận thức được mối đe dọa của Bắc Kinh.

Ông Trump thường làm những việc mà các chính trị gia ít ngờ tới như vừa rồi ông ký sắc lệnh gia hạn hỗ trợ tài chính cho hàng chục triệu người Mỹ bị mất việc do đại dịch.

Gắn bó với ông Trump là Phó Tổng thống Mike Pence, một người bảo thủ, ngoan đạo, điềm đạm, nhiều kinh nghiệm và uy tín, một chính trị gia gương mẫu của Đảng Cộng hòa.

Ngày 23/8/2020, ông Trump đã công bố Chương trình hành động với 50 ưu tiên hành động cho nhiệm kỳ sắp tới dưới tiêu đề: “Chiến đấu vì bạn!”, ông hứa sẽ trình bày chi tiết trong bài phát biểu chấp nhận đề cử tại Đại hội Đảng Cộng hòa 2020.

Nước Mỹ là cường quốc số 1 trên thế giới, ông Trump làm cho Bắc Kinh thù ghét ông nhưng họ không dám coi thường bắt nạt ông.

Ứng cử viên Biden…

Ông Biden là chính trị gia với gần 50 năm kinh nghiệm chính trường, ông đã nhiều lần ra tranh cử, nhưng thật lạ lần này ông gần như tránh mặt không tiếp xúc với truyền thông báo chí, đánh mất nhiều cơ hội cổ vũ cho đường lối và chiến lược của Đảng Dân chủ.

Khi ông Biden tuyên bố ứng cử viên phó tổng thống phải là một phụ nữ da màu, mà phải là trẻ để ông có thể chuyển tiếp quyền lực, rõ ràng chính trị bản sắc đã thống lĩnh Đảng Dân chủ vì có đến 90% dân số nước Mỹ là đàn ông, phụ nữ da trắng và lớn tuổi bị loại khỏi vòng tuyển cử.

Nước Úc có Đạo luật Cơ hội Bình đẳng (Equal Opportunity Act). Tuyên bố như ông Biden chỉ chọn phụ nữ, da màu và trẻ, là tuyên bố kỳ thị giới tính, kỳ thị tuổi tác và kỳ thị chủng tộc.

Bà Kamala Harris, người được chọn đứng cùng liên danh với ông Biden, cũng là người đã từng công khai chỉ trích ông Biden là người lợi dụng phụ nữ và kỳ thị chủng tộc.

Ứng cử viên Kamala Harris …

Bà Harris là người đã được Tổng thống Obama tạo cơ hội cho phát biểu trong Đại hội Đảng Dân chủ 2012 và bà có rất nhiều gắn bó với ông Obama.

Bà ra tranh cử Tổng thống 2020 nhưng qua tranh luận bà không đưa ra được quan điểm rõ ràng nên số người ủng hộ ít dần và bà sớm bỏ cuộc.

Bà Harris có cha gốc Jamaica và mẹ gốc Ấn Độ, nhưng nguồn gốc sẽ giúp gì cho cuộc tranh cử: (1) Phụ nữ và người Mỹ da đen sẽ chọn bà hay chọn chính sách của Đảng Cộng hòa; (2) Trong tình trạng Ấn - Trung đang chiến tranh, người Mỹ gốc Ấn sẽ chọn bà hay chọn ông Trump; và (3) khi bà ít nói đến nguồn gốc Jamaica của cha mình, cử tri gốc Nam Mỹ sẽ nghĩ gì về bà.

Cánh tả xã hội chủ nghĩa…

Trên Twitter, Dân biểu Alexandria Ocasio-Cortez cho phổ biến bài cô đã phát biểu trong Đại hội với phụ đề bằng tiếng Tây Ban Nha.

Cô kêu gọi Đảng Dân chủ chấp nhận các giải pháp nhằm chăm sóc sức khỏe, giáo dục đại học, lương đủ sống và quyền lao động cho mọi người ở Mỹ và kết thúc bằng lời đề cử Thượng Nghị sĩ Bernie Sanders làm ứng cử viên tổng thống đại diện Đảng Dân chủ.

Qua đó có thể thấy cô đã không đồng ý với việc đề cử ông Biden, cũng như nói rõ quan điểm muốn thắng cử Đảng Dân chủ cần có đường lối và chính sách rõ ràng.

Đây là một dấu hiệu quan trọng, nó có thể quyết định kết quả cuộc bầu cử vì cô thu hút được nhiều người trẻ và người gốc Nam Mỹ cánh tả.

Ai thắng ai?

Bầu cử Tổng thống lần trước 2020, nhiều cử tri Đảng Dân chủ không đi bầu là vì chính trị bản sắc không đủ sức hấp dẫn họ và họ không biết Đảng Dân chủ sẽ đưa nước Mỹ về đâu.

Đại hội Đảng Cộng hòa 2020 cũng đã bắt đầu, việc tranh cử càng ngày càng trở nên ráo riết, mong rằng sẽ có nhiều thông tin hơn về đường lối và chiến lược của cả hai đảng trong những ngày sắp tới.

Đảng Dân chủ lần này không lạc quan về một “làn sóng xanh”, một chiến thắng áp đảo như hai cuộc bầu cử 2016 và giữa kỳ 2018 vừa qua.

Nếu liên danh Biden – Harris thất cử thì rõ ràng cử tri Mỹ đã chán ngấy chính trị bản sắc (identity politics) dựa vào mầu da, sắc tộc, giới tính và vóc dáng bề ngoài.

Nếu thế, Đảng Dân chủ cần vượt qua “thời kỳ đen tối”, quay trở lại cách thức tranh cử cổ điển, thuyết phục cử tri bằng chính sách và chiến lược cụ thể rõ ràng.

N.Q.D.

Melbourne, Australia

24/8/2020

Tác giả gửi BVN

Quan điểm cũng như phong cách trong bài là thuộc về người viết.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét