Thứ Tư, 30 tháng 9, 2020

20201001. KHI FACEBOOK, YOUTBE THAM GIA 'KIỂM DUYỆT'

 ĐIỂM BÁO MẠNG

ƯỚC MƠ BỊ UNG THƯ
NGUYỄN ĐẠI/ TD 22-9-2020

Gã với tay lấy tờ báo “Nhân Dân” đọc để giết thời gian…Trong này, ngoài việc đọc báo vớ vẩn này thì không biết làm gì cả. Vào đây từ hôm 28-8, gã nhẩm… gần 4 tuần. Báo cho dân đọc mà, nên hơn nửa thế kỷ nay vẫn vậy: Đường lối đảng và chính phủ thì “lúc nào chả đúng”, và cách mạng thì “muôn thuở thành công”!

Gã quên cái vụ đọc báo “Nhân Dân” từ lâu lắm rồi, có lẽ đã mấy chục năm. Gã không tưởng tượng ra là có ngày gã phải cố mà đọc. Tụi phản động nó bảo đọc mà muốn “ói” cũng không phải là cường điệu quá. Gã bất giác mỉm cười…

Cái gì? Thằng Thưởng đòi lập viện triết học hả? Chắc là để nịnh bác Trọng thêm một chức viện trưởng nữa đây. Hồi nào tới giờ đảng có chấp nhận thứ triết học nào khác chủ nghĩa Mác-Lê đâu mà viện với chả vẹo. Cái chủ nghĩa Mác-Lê này đã hơn một thế kỷ rồi, “nghiêng-cứu” mấy đời rồi, bây giờ hết nghiêng, tới “đổ” luôn rồi, cứu gì mà cứu! “Bố thằng điên!” gã buộc miệng chửi.

Gã ngồi trầm ngâm nhớ lại…

Gần hai trăm năm trước, Mác [Karl Marx] học xong thần học, không kiếm được việc làm, ước mơ những người nghèo khổ được đổi chỗ với những người giàu có, rồi kiến tạo một xã hội bằng phằng, không có giai cấp. Mác không thực hiện được ước mơ đó và qua đời trong nghèo khó.

Khoảng 50 năm sau, Lê-Nin [Vladimir Lenin] có tham vọng quyền lực, muốn lật đổ vua Nga. Muốn làm cách mạng thì phải có lực lượng và lòng căm thù. Lê-Nin vớ được lý luận của Mác, tập hợp những người nghèo và bọn lưu manh lại rồi giải thích rằng, lý do của sự nghèo túng của họ là do bọn người giàu “bóc lột” phải căm thù bọn chúng, giết bọn chúng để xây dựng nhà nước của “giai cấp vô sản”; vậy là “Cách Mạng Tháng Mười” diễn ra…

Nhưng sau cách mạng, có hai vấn đề lớn không giải quyết được:

1- Lãnh đạo của giai cấp vô sản bây giờ nó không chịu vô sản, nó không chịu “bằng phẳng” với dân. Không ưu đãi lãnh đạo, công an thì ai bảo vệ “nhà nước vô sản”, lấy ai trấn áp bọn “phản cách mạng”. Sự phân chia tài sản chung của nhà nước bắt buộc phải không đều: Có người nhiều, người ít. Vậy là lại nảy sinh giai cấp, nhưng sau cách mạng sự hình thành giai cấp và đấu tranh giữa các giai cấp còn khốc liệt, thê thảm hơn trước nhiều.

Tụi “đảng lãnh đạo” giàu có bây giờ, không những chỉ có tiền như bọn tư bản địa chủ ngày trước; tụi nó còn có quyền lực, súng đạn, còn được những người nghèo “thành phần trung kiên với cách mạng” bảo vệ, được trí thức XHCN “bảo kê” nữa. Những người vô sản lý tưởng vẫn cứ vô sản… mất mạng, tử hình, tra tấn, chung thân.

2- Các hình thức kinh tế tập thể đã không đem lại kết quả như Mác từng mơ ước. Nông trường tập thể chỉ có lụn bại vì “cha chung không ai khóc”. Công trường, nhà máy nếu thuần túy để công nhân lãnh đạo thì chỉ có chết; phải có đảng lãnh đạo. Chi bộ đảng phải xuất hiện nếu không thì bọn “thù địch” nó phá hỏng mất.

Mà đảng vào thì tệ quan liêu, bao cấp, chạy đua để báo cáo thành tích… đảng ủy trở thành chủ mới, lần này họ có luật pháp, chính quyền, công an bảo kê. Các “ông trùm đỏ” trở nên bất khả xâm phạm. Công nhân vẫn tiếp tục bị bóc lột còn thậm tệ hơn trước, và hiệu quả công việc thì càng tệ hơn… Cho nên bác Mao nói, xã hội của Mác ba ngàn năm nữa cũng không có. Rồi thì… người ta kéo tượng Lê-nin xuống, lấy búa đập vô đầu.

Nhưng thôi, mấy chuyện lý thuyết đó nhức đầu lắm, để cho “bố con” nó tự lừa, tự ngáo đá và “Trọng-Thưởng” với nhau…

***

Mấy hôm nay bụng gã đau thường xuyên hơn. Gã nghĩ: Thuốc ở nhà gởi vô cho mình, tụi nó mà đổi thành “thuốc của con Kim Tiến” thì cũng phiền! Tuy vậy, còn đỡ chứ nó đổi thành thuốc dành cho “thanh-quan[g]” thì “bỏ mẹ” thật. Gã lại giật thót không dám nghĩ nữa…

Mấy hôm nay, tụi “nhóc con” có gọi mình lên thẩm vấn… Ối giời, “tao” là “vua thẩm vấn”; “tụi bay” không có cửa. Chiêu nào tao không biết, muốn không tao dạy thêm cho. Còn đánh tao hả, tụi bay chưa dám đâu… Thằng Trần Bắc Hà, nó bố lếu bố láo và ân oán nhiều quá! Tao thì tụi bay chưa dám đụng đâu…Đi chỗ khác chơi, các chú em…

Nhưng ở trong này thì không giải quyết được việc gì cả, phải thoát ra ngoài rồi mới tính. Gã đã báo cáo là đang trị bệnh ung thư, xin về nhà để tiện việc chăm sóc. Thứ nhất là kêu gọi lòng nhân đạo của “các bác”: Ung thư rồi… sắp chết rồi… “tha cho người ta đi”. Thứ hai là các-bác cũng đâu muốn cháu chết trong tù, ít nhiều gì cũng mang tiếng. Nhưng vấn đề là mấy cái tên bác sĩ khám cho “mình” nó có nhận tiền để viết báo cáo theo ý mình không. Nó mà cứ viết theo “ý đảng” thì cái án này thành án… (khỉ thật, tụi miền Nam hay nói lái).

Bao nhiêu năm “làm cách mạng” gã quá hiểu cái gì gọi là tình “đồng chí”, nhất là giữa các lãnh đạo với nhau. Lúc được thời, thì nó cười nịnh như “trâu hít…” giống như cái thằng Chu Hải Anh chuẩn bị thay cho gã làm chức chủ tịch Hà Nội. Lúc “xuống chó” thì tụi nó biến không thấy tăm hơi, ngon như “cha” Dũng, mà lúc “rớt”, rồi mẹ qua đời, đếch thằng nào tới, huống hồ là mình.

Tụi “địch” nó bắn mình công khai, mình bắn lại… ăn thua là chuyện của anh hùng. Nhưng, đồng chí nó bán, nó “bắn” mình, tụi nó đâu có công khai, sơ suất là nó quất rụng ngay. Từ ngày rời khỏi trung học, bước vào nghề, gã đã hiểu chuyện này rồi. Tụi mày gọi tao là “Chung con”, nhưng tao không phải “con” đâu. Tao biết luật chơi! Lúc tao làm công an, truy án xét hỏi… tụi mày biết tao mà! Lúc tao “hiền từ” như con gái, trong vụ Đồng Tâm… tụi mày cũng biết tao mà…

Gã lục lại trong danh sách các “đồng chí” của gã để giải quyết cái ca “ung thư” này. Gã ước mơ cái bệnh của gã nó “trở nên” nặng, thật nặng lúc này, chỉ lúc này thôi, để gã có thể may mắn thoát được chỗ này thì còn cơ hội trở mình, chứ ở trong này không giải quyết được việc gì cả… Gã lẩm bẩm, mình mà thoát được keo này thì khối thằng ước mơ “bị” ung thư… thằng Thăng, thằng Son, thằng Tuấn…

Ước mơ bị ung thư! “Cách mạng vô sản” là cho tụi “vô sản” những ước mơ… Những ước mơ không bao giờ thành hiện thực, những ước mơ bị ung thư… Ngoi lên được như gã tới lúc này thì có một ước mơ. Ước mơ bị ung thư “thật” để được chết một cách bình yên. Gã vất tờ báo “Nhân Dân” sang một bên, nằm thở dài…cay đắng.

_____

Tham khảo:

[1] Võ Văn Thưởng: cần “làm sáng tỏ vai trò của triết học Marx – Lenin và tư tưởng Hồ Chí Minh”, 21-09-20: https://www.bbc.com/vietnamese/world-54230788

[2] Karl Heinrich Marx (1818 – 1883) viết Tuyên Ngôn Cộng Sản (The Communist Manifesto) và Tư Bản Luận (Das Kapital) (1867 – 1883): https://en.wikipedia.org/wiki/Karl_Marx

[3] Vladimir Ilyich Ulyanov (Lenin) (1870-1924) dựng nên nhà nước “vô sản” đầu tiên năm 1917, đúng 50 năm sau khi Tư Bản Luận được Marx bắt đầu viết năm 1867. https://en.wikipedia.org/wiki/Vladimir_Lenin

NÓI THẲNG CHO VUÔNG

NGUYỄN ĐẠI/ TD 24-9-2020

Từ hôm 22-9-20, sau khi đăng bài viết “Ước mơ bị ung thư”, trang Facebook cá nhân của tôi đã bị hạ xuống. Những người điều hành Facebook (FB) đưa ra lý do là “không theo tiêu chuẩn cộng đồng” (does not follow community standards). Qua việc này, tôi muốn chia sẻ với bạn đọc một vài kinh nghiệm và suy nghĩ.

Cứ thử đếm xem trong nhà bạn có bao nhiêu người, và bao nhiêu người tham gia FB, sẽ thấy là số lượng thành viên của FB là quá lớn; và họ viết bằng ngôn ngữ mà họ thông thạo (tiếng Việt, Anh, Tàu, Nga, Thái v.v…). Những người điều hành FB vì vậy không thể kiểm soát nội dung trên các trang cá nhân được. Họ có thể dùng các phần mềm (software), hoặc người máy (robot) để sàng lọc những từ ngữ có tính nhạy cảm (ví dụ như: đặt bom, khủng bố v.v…). Bộ phận quản lý FB không có thời gian để ngồi đọc, xem những điều bạn viết và chia sẻ.

Vậy thì, vì sao họ lại chụp cho mình (bạn hoặc tôi) một cái mũ “vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng”, và tước quyền kiểm soát FB của mình; sau đó không ai có thể liên lạc với mình được qua FB và ngược lại. Tôi có hỏi bạn bè về trường hợp của mình; được biết tình trạng này là do có người báo cáo (report) với ban quản lý FB về trang cá nhân của tôi.

Ai báo cáo? Trang của tôi chỉ viết về các vấn đề thời sự và chính trị ở VN (hầu như không có gì khác hơn), nên kẻ báo cáo chỉ có thể là các dư luận viên của “tuyên giáo”, hoặc lực lượng 47 của Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam, những kẻ làm việc cho chính quyền CSVN.

Tôi vi phạm điều gì trong “tiêu chuẩn cộng đồng”, lúc nào, ở đâu, ban quản lý FB không cho biết chi tiết. Đây chính là một khiếm khuyết trong việc điều hành của FB: thay vì người báo cáo chứng minh sự “vi phạm”, FB lại trừng phạt nạn nhân. Các chú lính tuyên giáo lợi dụng điều này để “bịt miệng” những tiếng nói mà họ không thích. Vô hình trung, FB lại tiếp tay với chính quyền độc tài trong việc loại bỏ những tiếng nói, quan điểm bất đồng.

Hơn 2 năm trước, Mark Zuckerberg, người sáng lập và là Giám đốc Điều hành của FB đã phải ra điều trần trước Quốc hội Hoa Kỳ để giải thích về việc thông tin cá nhân của 87 triệu khách hàng của FB đã bị bán cho một công ty ở Anh Quốc (1). Tôi không hy vọng họ (FB) sẽ có lúc phải giải thích trước tòa án, hay quốc hội Hoa Kỳ về việc những quy định trong việc điều hành của họ có thể đi ngược lại với Tu Chính Án Số Một của Hoa Kỳ về quyền tự do ngôn luận (2).

Đã có thời hãng Nokia của Thụy Điển làm chủ thị trường điện thoại di động trên thế giới, vai trò của họ bị thay thế từ khi chiếc iPhone ra đời, tất cả chúng ta đều chứng kiến điều đó. Tôi không tin FB là bất khả thay thế, đặc biệt là với cách điều hành “bịt miệng” của họ như kinh nghiệm đã trải qua của tôi và một số bạn bè.

Trong sự việc này, tôi cũng nhận được một số ý kiến của các bạn khác rằng, tại sao tôi sống ở nước ngoài, mà không nói về các vấn đề ở đất nước tôi đang sống, không chịu “ăn cây nào rào cây nấy” mà “vác nguyên cả một cái hàng rào về Việt Nam…” (nên phải chấp nhận những “phiền phức” nói trên).

Có lẽ các bạn ấy không biết, hay đã quên. Tiện đây, xin được nhắc vài điều. Sau năm 1975, người Việt Nam bắt đầu bỏ nước ra đi trên những con thuyền mong manh trên biển. Nếu không nhờ những thuyền trưởng quyết định cứu những con người khốn khổ, có lẽ bây giờ tôi, bạn và gia đình không có mặt ở nơi bạn đang sống.

Những thuyền trưởng và thủy thủ đó đã mở rộng lòng nhân đạo để cứu tôi, bạn và gia đình bạn, những chiến hạm Hoa Kỳ và Đồng Minh có những nhiệm vụ nhất định phải hoàn thành, họ có những “cây phải rào”, nhưng họ sẵn sàng “quăng một cái hàng rào” ra giữa biển để cứu những người khốn khổ như bạn, như tôi…

Khi bạn tới trại tỵ nạn, những nhân viên của các tổ chức phi chính trị (Non-Government Organisations) (“NGOs”) vào trại tỵ nạn giúp đỡ bạn về tinh thần và vật chất. Đất nước họ cũng có những người nghèo khổ, khốn khó vậy, cũng có vô số những vấn đề cần giải quyết; nhưng họ sẵn sàng đem “nguyên cái hàng rào” đến tận trại tỵ nạn nơi bạn đang sống để bạn và tôi có thể “níu” mà giữ được chút thăng bằng sau những ngày chịu đựng gió bão.

Bạn có cơ hội sống ở ngoài Việt Nam, không bị cướp đất, cướp nhà như những người thân hoặc bạn bè của bạn. Chia sẻ với họ, nói dùm họ, tiếng nói họ không nói được, kêu giùm họ tiếng kêu đau đớn vì những bất công, đau khổ mà họ phải chịu đựng, không phải là “vác hàng rào về Việt Nam” mà là tiếp tục nuôi dưỡng và phát triển tình người, lòng nhân ái từ những người mà tôi và bạn trước đây đã từng thọ ơn.

Tự do là phân biệt giới hạn. Bạn có quyền im lặng, không ai buộc bạn phải nói, phải viết những điều bạn không thích. Bạn có thể có cách khác, thích hợp với bạn, để giúp đỡ người thân và gia đình bạn, bạn có thể có lý do để chọn cách làm đó. Chúng tôi cũng có quyền viết và nói những điều chúng tôi suy nghĩ. Chúng tôi chọn cách nói, vì chúng tôi cho là thích hợp, và chúng tôi có lý do của chúng tôi. Chúng tôi không trách bạn vì sự im lặng của bạn. Ngược lại, chúng tôi cũng kêu gọi một thái độ sòng phẳng tương tự đối với chúng tôi.

Bạn có những việc làm và lý do của bạn. Chúng tôi thích những việc chúng tôi đang làm và có lý do của chúng tôi. Chúng tôi muốn nói những điều chúng tôi muốn nói.

Nói thẳng cho vuông, và lắng nghe để bước thẳng…

_____

(1) Facebook and Cambridge Analytica:

https://www.cnet.com/news/zuckerberg-facebook-data-was-sold-to-cambridge-analytica-too/

(2) Tu Chính Án Số Một của Hoa Kỳ bao gồm quyền Tự Do Ngôn Luận:

https://en.wikipedia.org/wiki/First_Amendment_to_the_United_States_Constitution

KHI YOUTUBE 'GIÚP' KIỂM DUYỆT

HIẾU BÁ LINH (biên dịch)/ BVN 30-9-2020 

Nhà nước Việt Nam hình như đang lạm dụng các cáo buộc như vi phạm quyền cá nhân và bảo vệ dữ liệu cá nhân để gỡ bỏ các video phê phán xuất phát từ nước Đức.

Sau đây là bản dịch bài báo của ký giả Sven Hansen, Biên tập viên chuyên về châu Á của tờ TAZ, đăng trên nhật báo Đức TAZ (báo in) số ra hôm nay ngày 29.09.2020.

Ein Bild, das Text enthält.

Automatisch generierte Beschreibung

Bài báo trên tờ TAZ (online)

Xin chào thoibao.de”, đây là lời chào mở đầu một e-mail chuẩn hóa từ cổng video YouTube gửi đến ban biên tập tờ Thời Báo, một phương tiện truyền thông của người Việt lưu vong. "Chúng tôi muốn thông báo với bạn rằng chúng tôi đã nhận được khiếu nại về bảo vệ dữ liệu từ một cá nhân liên quan đến nội dung video của bạn".

Tiếp theo là các links dẫn đến các video mà ban biên tập chỉ trích chính phủ Việt Nam đã tải lên YouTube từ Berlin, nơi tờ Thời Báo đặt trụ sở từ năm 2008. Youtube yêu cầu kiểm tra tính hợp pháp của các video - và đe dọa sẽ xóa chúng nếu điều này không được tuân thủ.

Trang web Thoibao.de đã bị chặn tại Việt Nam từ năm 2017; Tổng biên tập người Đức gốc Việt Lê Trung Khoa vẫn tiếp tục điều hành trang này từ nước ngoài, cũng như một kênh YouTube và một số trang Facebook. Tờ Thời Báo được cho là đối trọng với các phương tiện truyền thông bị kiểm duyệt ở nhà nước độc đảng Đông Nam Á. Ông Lê cho biết, có khoảng 20 triệu lượt truy cập mỗi tháng, 80% trong số đó từ Việt Nam.

Tuy nhiên, kể từ tháng 10 năm 2019, ông ấy thường xuyên nhận được email từ YouTube, tương tự như email được trích dẫn ở trên - cho đến nay đã có hơn 40 email và 7 video đã bị chặn [hầu hết là bị chặn ở Việt Nam, ở ngoài Việt Nam vẫn xem được], ông Lê nói với tờ TAZ. Vào tháng 4 năm 2019, một video của Thoibao.de trên YouTube đã bị xóa không chỉ đối với người dùng ở Việt Nam mà trên toàn thế giới. Đó là tường thuật sự kiện Chủ tịch nước và là Tổng bí thư đảng quyền lực CSVN bị đột quỵ.

Youtube đe dọa chặn video, nhưng không thông tin cụ thể

Chính phủ Việt Nam dường như đứng sau các báo cáo về các video được đề cập. Email cảnh báo đầu tiên từ Youtube ở Đức hồi tháng 10 năm 2019 nêu rõ chính quyền Hà Nội là bên khiếu nại. Một video của Thoibao.de sau đó đã bị chặn ở Việt Nam mà ông Lê không được thông báo về điều luật nào mà ông ta bị cho là đã vi phạm, và cũng không cho cơ hội kháng cáo.

Những video sau đó, ít nhất ông Lê cũng được thông báo trước qua email. Ông bao giờ cũng hỏi Youtube: “Vui lòng cho tôi biết ở giây phút thứ mấy của video mà đơn khiếu nại về bảo vệ dữ liệu đề cập đến. Tôi không thể kiểm tra nếu không có thông tin này”. Nhưng Youtube không bao giờ trả lời [nhưng cũng không chặn những video này].

Ông Lê trả lời YouTube rằng chắc chắn rằng ông ta không vi phạm bất kỳ quyền bảo vệ dữ liệu hoặc quyền cá nhân nào, và không phổ biến bất kỳ nội dung bạo lực hoặc khiêu dâm nào. Sau đó, ngày càng thường xuyên hơn, các thẩm tra của chính YouTube xác nhận là Thoibao.de không vi phạm quyền cá nhân theo luật Đức.

Liệu “lực lượng 47” của quân đội Việt Nam có đứng sau các yêu cầu chặn?

Ông Lê phỏng đoán rằng những khiếu nại của Việt Nam là về đoạn băng dài 40 giây mà luôn luôn được dùng để mở đầu các video tin tức. Trong đó có hình ảnh Tổng thống Mỹ, nguyên thủ quốc gia và đảng CS Trung Quốc, Chủ tịch Ủy ban EU và Thủ tướng Đức, cũng như nguyên thủ quốc gia và đảng CSVN, Thủ tướng và Chủ tịch Quốc hội Việt Nam. Ông Lê lấy hình ảnh từ các trang chính thức của chính phủ Việt Nam.

Các chính trị gia là những người của lịch sử đương đại và các hình ảnh chụp khi họ còn đương chức, thì theo luật Đức, họ không được bảo vệ quyền cá nhân như đối với người dân bình thường.

Ông Lê - người mà trong thời gian đó cũng đã nhận được những lời đe dọa bị giết chết từ những thành phần được cho là của chính quyền ở Hà Nội - nghi ngờ rằng “lực lượng 47” của quân đội Việt Nam đấu tranh trên không gian mạng, đứng sau các yêu cầu chặn này. Các nhà kiểm duyệt có nhiệm vụ làm sạch nội dung chỉ trích chính phủ trên các trang Internet tiếng Việt, số lượng của họ ước tính khoảng 10.000 người.

YouTube ở Việt Nam chặn video xuất phát từ Đức

Vì YouTube ở Đức hiện nay hầu như không sẵn sàng chặn các video của ông Lê, vì được bảo vệ bởi quyền tự do báo chí ở đây, cho nên các yêu cầu chặn của Việt Nam hiện được gửi trực tiếp đến YouTube ở Việt Nam. Đúng ra, Youtube ở Đức chịu trách nhiệm về các video được tải lên từ Đức. Nhưng Youtube ở Việt Nam đã chặn các video đầu tiên của Thoibao.de, mà những video này Youtube ở Đức thấy không có vi phạm gì cả.

Câu hỏi của tờ TAZ, người phát ngôn của YouTube trả lời sau nhiều tuần và chỉ ngắn gọn: “Youtube hành xử theo luật pháp địa phương của mỗi một quốc gia tương ứng. Nếu video không còn xuất hiện trên YouTube thì video đó hoặc là vi phạm nguyên tắc cộng đồng hoặc là vi phạm luật địa phương".

Sau đó, người phát ngôn của YouTube không muốn trả lời những câu hỏi bổ sung. Các câu hỏi của tờ TAZ, chẳng hạn như về nguy cơ YouTube có thể bị Việt Nam lợi dụng làm công cụ kiểm duyệt, viện cớ bảo vệ dữ liệu và quyền cá nhân để kiểm duyệt hoặc hạn chế quyền tự do truyền thông; đã khiến YouTube - thuộc Tập đoàn Google - không trả lời.

“Cách xử sự của YouTube cho thấy công ty này không dành ưu tiên cho trách nhiệm thận trọng, kỹ lưỡng đối với nhân quyền, cho đến khi nào họ không bị buộc phải phản ứng dưới áp lực của công luận”, bà Lisa Dittmer – Trưởng bộ phận Tự do Internet của Tổ chức Phóng viên Không Biên giới- nói với tờ TAZ.

"Thiếu hiểu biết về sự lạm dụng của nhà cầm quyền"

Tương tự như Facebook, YouTube có thể tạo không gian cho các phương tiện truyền thông độc lập ở các các nước không có tự do. "Tuy nhiên, các công ty dường như thiếu hiểu biết sâu sắc hơn và thiếu quan tâm cần thiết về chiến lược của nhà cầm quyền nhằm chôn vùi các quyền tự do và lạm dụng các chức năng và công cụ báo cáo [khiếu nại] của công ty", bà Dittmer chỉ trích.

Trước đây, Chính phủ Việt Nam đã có lần chống lại Facebook của ông Lê. Hồi năm 2018/19, những kẻ bị nghi ngờ ủng hộ chính phủ đã thao túng, ngụy tạo trang Facebook của ông ấy, đến nỗi trang Facebook này bị khóa vì kỳ thị giới tính. Chỉ sau khi Tổ chức Phóng viên Không Biên giới can thiệp, ông Lê mới có thể sử dụng Facebook trở lại.

Mặc dù các trang của ông Lê được ưa thích ở Việt Nam, nhưng theo thông tin của ông ấy, Facebook vẫn đang chặn tiền thưởng quảng cáo mà không đưa ra lý do. Tập đoàn này tiếp tục quảng cáo trên các trang Facebook của Thoibao.de, mà đáng lẽ ông Lê được hưởng một nửa số tiền quảng cáo. Ông ta mất khoảng 10.000 Euro mỗi tháng.

Dịch giả gửi BVN

Nguồn bản gốc: https://taz.de/Videoportal-laesst-sich-missbrauchen/!5713023/

Thứ Ba, 29 tháng 9, 2020

20200930. 'PHẢN ĐỘNG' RỐT CUỘC LÀ GÌ ?

 ĐIỂM BÁO MẠNG

'PHẢN ĐỘNG' RỐT CUỘC LÀ GÌ ?

LÓM/ LK/ BVN 22-9-2020

Chuyện kỳ lạ ở Việt Nam, là những người thích giữ nguyên hiện trạng lại gọi những người đòi hỏi thay đổi là “phản động”.

Minh hoạ: Lóm

Cứ sau mỗi một sự kiện chính trị xáo đông nào đó, chúng ta lại thấy những quả bom gắn nhãn “phản động” được ném dày đặc về phía một số người.

Vụ án Đồng Tâm là một điển hình như vậy. Những ai lên tiếng về sự kiện này, cho dù là yêu cầu một phiên tòa minh bạch công bằng, hoặc muốn kiểm chứng tính chân thật các cáo buộc, hay chỉ đơn giản là muốn mọi sự thật về vụ án được công khai minh bạch, đều dễ dàng được ăn quả bom thối “phản động”.

Rốt cuộc thì “phản động” là gì mà có sức công phá lớn vậy?

“Phản động” là một từ Hán - Việt, được dịch từ chữ tiếng Anh “reactionary”. Chữ này lại có gốc tiếng Pháp “réactionnaire”, là một thuật ngữ được tạo ra vào thời Cách mạng Pháp năm 1789.

“Réactionnaire” có gốc từ “reaction”, danh từ của “react”, được sinh ra từ chữ Latin “reagere” với “re” là quay lại còn “agere” là hành động.

Nghĩa đen của các từ này đều là “làm ngược lại”.

Lưu ý là “react/reaction” khi được dịch sang tiếng Việt chỉ có nghĩa hiền lành là “phản ứng”. Trong khi đó “reactionary” lại mang nghĩa ghê gớm hơn: “phản động”.

Nhìn vào nguồn gốc của nó, có thể thấy các từ phản ứng hay phản động thực chất đều là một. Nhưng nhờ gia cảnh khác nhau nên số phận hai từ này cũng một trời một vực: phản ứng càng tốt thì càng được khen, phản động càng giỏi lại càng dễ bị ăn đòn.

Từ “phản động” trong tiếng Việt có gốc Hoa là “反動”.

Chữ “động” (動) được ghép từ chữ “trọng” (重) và “lực” (力). Chữ lực là ký họa hình dáng của công cụ xới đất làm nông, nên sau được gán nghĩa “sức mạnh”. Chữ “trọng” lại được ghép từ “nhân” (人) và “đông” (東), với “đông” là tượng hình của túi đựng đồ vật. Người xách theo đồ vật mang nghĩa “sức nặng”.

Chung lại, “động” là dùng sức mạnh tác động đến vật nặng để di chuyển nó.

Vậy “phản động” đơn giản là chống lại sự chuyển động? Không hẳn vậy.

“Phản” (反) có một nguồn gốc khá ngộ nghĩnh. Nó được ghép từ hai yếu tố 厂 và 又 vốn là biểu tượng giản lược của các hình vẽ vách núi và bàn tay. Từ “phản” có nghĩa gốc là với tay, nắm lấy. Nó chính là thủy tổ của chữ “phàn” (攀) sau này, có nghĩa là leo trèo. Vì một lý do nào đó, khi “phàn” xuất hiện, “phản” mất đi nghĩa vươn cao, thay vào đó bị đẩy cho vai trò hoàn toàn ngược lại: quay về hoặc đi xuống.

Ký hoạ của chữ “phản”. Nguồn: qiyuan.chaziwang.com

Hành trình của chữ “phản” vì vậy minh họa khá sinh động ý nghĩa của chính bản thân nó.

Nguồn gốc ngữ nghĩa của từ là vậy, thế còn nguồn gốc lịch sử của nó thì sao?

Người Việt Nam dễ có ấn tượng rằng (chiếc mũ) “phản động” là đặc quyền sáng tạo của những người cộng sản. Nhưng như trên đã đề cập, khái niệm này xuất hiện từ thời Cách mạng Pháp, trước khi ông tổ của chủ nghĩa cộng sản hiện đại Karl Marx ra đời.

Cuộc Cách mạng Pháp năm 1789 lật đổ chế độ quân chủ, thiết lập nên một nền cộng hòa (tuy ngắn ngủi). Vào thời ấy, “phản động” là từ được dùng để chỉ những người chống lại “cách mạng”, tức là những ai muốn đất nước quay lại chế độ quân chủ.

Kể từ đó, cặp oan gia “cách mạng – phản động” này được xem là cơ sở để định nghĩa cho nhau.

Cứ ai chống cách mạng thì là phản động. Vậy nên bạn còn có thể nghe thấy “phản cách mạng” và “phản động” được dùng lẫn lộn nhau.

Nhưng “cách mạng” là gì mới được?

Trong từ “cách mạng” (革命), chữ “cách” là hình vẽ một bộ da dê bị lột ra. “Cách” có nghĩa gốc là thay da đổi thịt. “Cách mạng” vì vậy là thay đổi số mệnh một cách triệt để, bằng cách chết đi để được tái sinh.

Nói cách khác, “cách mạng” là đập bỏ mọi thứ để làm lại. Ngay trong định nghĩa, “cách mạng” đã bao hàm yếu tố “bạo lực”.

“Phản cách mạng” vì vậy không phải lúc nào cũng là nhân vật phản diện, cũng như “cách mạng” không mặc nhiên phải là nhân vật chính diện.

Trong lịch sử không hề thiếu các cuộc “cách mạng” mà hậu quả của nó thảm khốc hơn nhiều so với thứ mà người ta muốn “đập đi làm lại”.

Cách mạng văn hóa” ở Trung Quốc những năm 1960-70 là một ví dụ. “Cải cách ruộng đất” ở miền Bắc Việt Nam những năm 1940-50 là một minh chứng khác. Dù rằng những người thực hiện dùng thuật ngữ nhẹ nhàng hơn là “cải cách”, nhưng về bản chất nó vẫn là “cách mạng” – đập đi làm lại.

Adolf Hitler cũng đã giương cao ngọn cờ “cách mạng quốc gia” để lập ra một nước Đức phát xít và gây chiến với toàn thế giới. Hậu quả thế nào ai cũng rõ.

Những người chống lại các cuộc “cách mạng” trên vào thời điểm ấy đều bị gắn mác “phản cách mạng” hay “phản động”. Giờ đây có ai dám nói họ là kẻ xấu xa?

***

Như vậy, “phản động” tự thân nó không có nghĩa xấu. Cái xấu xa nếu có chỉ là ở những người cố tình nhập nhằng mọi thứ, tự cho mình nắm giữ độc quyền chân lý, chụp mũ cho bất kỳ ai trái ý mình là người xấu, và từ đó dệt nên cái huyền thoại về “phản động”.

Những người phản động không đơn giản là những người muốn đứng yên, hay muốn quay ngược bánh xe lịch sử. Như chuyện về chữ “phản” đã được kể ở trên, họ hoàn toàn có thể là những người muốn tiến lên phía trước, vươn tới đỉnh cao mới, chỉ là không phải bằng kiểu cách mạng đang diễn ra.

Nhìn lại từ Đông sang Tây, rồi nhìn ngược từ xưa đến nay, ta có thể thấy rằng hai chữ “phản động” đã bị lạm dụng và bóp méo đến mức không còn nhận ra hình dạng nguyên thủy của nó. Chuyện đó không chỉ xảy ra ở Việt Nam.

Nhưng người Việt Nam, cùng với người Trung Quốc, lại đối diện với một tình huống tréo ngoe hiếm thấy ở những nơi khác. Đó là việc những người thích giữ nguyên hiện trạng lại hăng hái nhất trong việc chụp cái mũ “phản động” lên những người đòi hỏi sự thay đổi.

Tại những nơi này, những con người từng hô hào “làm cách mạng”, sau khi lột được bộ da của con vật khác để đắp lên bản thân, đã không còn nhận ra được chính mình.

Bi kịch của họ là giờ đây nhìn đâu cũng không còn thấy người.

L.

Nguồn: luatkhoa.org