Thứ Năm, 3 tháng 9, 2020

20200904. THÀNH TÍCH VƯỢT TRỘI CỦA ĐẠI HỌC TÔN ĐỨC THẮNG

  ĐIỂM BÁO MẠNG


MỌI THÀNH CÔNG CỦA TRƯỜNG ĐẠI HỌC TÔN ĐỨC THẮNG ĐỀU ĐẾN TỪ CƠ CHẾ TỰ CHỦ
THÙY LINH/ GDVN 2-9-2020
GDVN- Trường Đại học Tôn Đức Thắng còn được xem là điển hình về quản trị đại học hiệu quả và chất lượng.

Sau 23 năm phát triển với mô hình tự chủ hoàn toàn chi thường xuyên và chi đầu tư (không có ngân sách nhà nước), đến nay Trường Đại học Tôn Đức Thắng đã tạo ra nhiều thành tựu lớn:

Về cơ sở vật chất: Trường hiện có 06 cơ sở tại các tỉnh, thành phố phía Nam.

Cơ sở chính Tân Phong có khuôn viên 30ha gồm 16 khối nhà (9 khối giảng đường, phòng thí nghiệm, hệ thống quản trị, nhà thi đấu thể thao đa năng, sân vận động và hệ thống khán đài, 03 hồ bơi, 4 ký túc xá sinh viên, sân tenis, sân tập golf…) với tổng diện tích sàn 280.227m2, là một cơ sở đại học hoàn chỉnh, hiện đại, không thua kém các campus đại học lớn ở nước ngoài. Tổng mức đầu tư tài sản trên đất cho cơ sở này khoảng 3000 tỷ đồng.

Cơ sở Bảo Lộc có diện tích 48,8ha đang triển khai xây dựng theo hướng mở các chuyên ngành Y, Dược, Trung tâm điều dưỡng, các vườn thực nghiệm sinh học….

Cơ sở 98 Ngô Tất Tố có diện tích 0,285 ha.

Cơ sở Nha Trang có tổng diện tích 3ha, 01 cơ sở đang trong giai đoạn giải phóng mặt bằng để phát triển mở rộng;

Cơ sở Cà Mau có diện tích 2,1 ha;

Cơ sở An Giang có diện tích 6ha chuẩn bị khởi công vào tháng 9/2020.

Nhân sự từ 9 người ban đầu hiện đã phát triển đến 1.409 người. Nhân lực chuyên môn có trình độ tiến sĩ và đang hoàn thiện nghiên cứu sinh tiến sĩ chiếm hơn 50%; trong số đó, 224 tiến sĩ và giáo sư là người nước ngoài. Quy mô học sinh, sinh viên từ 1.000, đến nay đạt gần 27.000 người học các trình độ.

Chương trình-giáo trình-tài liệu hội nhập theo TOP 100 đại học tốt nhất thế giới; Tất cả các ngành đào tạo đều được trang bị phòng thí nghiệm hiện đại, phòng mô phỏng thực tiễn, xưởng thực hành...

Một số phòng thí nghiệm có các trang thiết bị hiện đại nhất thế giới (Lab cơ xương); tất cả phòng học đều có điều hòa không khí và đầy đủ trang thiết bị dạy - học hiện đại;

Chất lượng đào tạo, giáo dục ngày càng được nâng cao, sinh viên ra Trường ngoài năng lực chuyên môn, trình độ Tiếng Anh, còn được doanh nghiệp đánh giá cao về thái độ chuyên nghiệp: Lễ phép, Kỷ luật, Trách nhiệm với công việc, Phối hợp tốt; kỹ năng nghề nghiệp tốt, hiệu quả công việc cao với TOEIC 500, MOS: 750/1000;

Trường Đại học Tôn Đức Thắng (ảnh: tdtu.edu.vn)

Trường Đại học Tôn Đức Thắng đã được các tổ chức xếp hạng đại học thế giới công nhận đẳng cấp quốc tế: Top 800 đại học tốt nhất thế giới theo ARWU năm 2020; được HCÉRES công nhận đại học đạt chuẩn đại học Cộng hòa Pháp (và cũng là đạt chuẩn Châu Âu);

Được QS Star xếp loại đại học 4 sao/ 5 sao của thế giới; UI Metric xếp loại TOP 200 trường phát triển bền vững nhất thế giới; Web of Science hay WoS (Mỹ) xếp Trường Đại học Tôn Đức Thắng vào TOP 10 đại học nghiên cứu xuất sắc nhất ASEAN;

THE Impact (Times Higher Education) xếp Trường Đại học Tôn Đức Thắng vào TOP 200 đại học có chất lượng giáo dục tốt nhất thế giới và xếp hạng Trường Đại học Tôn Đức Thắng thứ 101-200 những đại học có ảnh hưởng nhất đến sự phát triển bền vững về kinh tế-xã hội hàng đầu thế giới;

URAP xếp 10 ngành của Trường Đại học Tôn Đức Thắng vào TOP 400-500 thế giới; US News and Global Report xếp một số ngành/nhóm ngành của Trường Đại học Tôn Đức Thắng vào TOP 300, 400, 600 trong 1500 đại học đáng theo học nhất thế giới.

Sự thành công của Trường Đại học Tôn Đức Thắng từ cơ chế tự chủ, đã trở thành một điển hình của đổi mới hệ thống giáo dục đại học công lập cả nước; Trường được Chính phủ mời ra báo cáo điển hình vào tháng 8/2014.

Từ điển hình của Trường Đại học Tôn Đức Thắng, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 77/NQ-CP ngày 24/12/2014 về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động của các cơ sở giáo dục đại học công lập.

Trường Đại học Tôn Đức Thắng còn được xem là điển hình về quản trị đại học hiệu quả và chất lượng.

Cả Đại học Tôn Đức Thắng là một môi trường văn minh, lịch sự, công bằng, hiệu quả và ổn định. Đến nay có hơn hơn 300 đại học trong và ngoài nước đến học tập mô hình quản trị đại học này.

Cơ sở vật chất của Trường được đánh giá là khang trang, hiện đại; đạt tiêu chuẩn đại học đẳng cấp quốc tế; với nhiều công trình như Thư viện đẳng cấp quốc tế, Ký túc xá hiện đại, đầy đủ hệ thống tiện ích, Sân bóng đá tiêu chuẩn 2 sao của FIFA, Nhà thi đấu đa năng;

Có Trạm điện năng lượng tái tạo (Mặt trời) đầu tiên (hòa lưới mạng Thành phố); Máy tính hiệu năng cao và phòng thí nghiệm với máy đo Cơ xương duy nhất ở Đông Nam Á…

Về nghiên cứu khoa học: năm 2008, số công bố quốc tế trên tạp chí danh mục ISI của Trường chỉ 09 bài/năm, kết thúc Kế hoạch 05 năm lần thứ nhất năm 2013 số công trình ISI/Scopus chỉ đạt 81 bài/năm.

Sự tăng trưởng rất chậm và thấp, Tập thể lãnh đạo Nhà trường và giảng viên - viên chức đã nỗ lực xây dựng các chính sách, chiến lược để thực hiện Kế hoạch 05 năm lần thứ hai một cách mạnh mẽ hơn và không ngừng học hỏi, cách làm từ các đại học nổi tiếng, đẳng cấp quốc tế trong công tác thu hút nhân tài, đầu tư cho nghiên cứu khoa học về chất và lượng với nhiều h́ình thức, không ngừng cải tiến chính sách qua các năm, sau 05 năm (2014-2019), chúng ta đã có những thành tựu nhất định:

Tổng số công trình ISI/Scopus đạt được năm học 2018-2019 là 2788 (1360/ISI và 1428/Scopus) và năm học 2019-2020, tăng trưởng vượt bậc: 4984 (2316/ISI và 2668/Scopus.

Trường Đại học Tôn Đức Thắng có 07 bằng sáng chế Mỹ trên tổng số 26 Bằng sáng chế Mỹ của Việt Nam.

Từ những thành tựu trên, có thể thấy rằng mức độ tăng trưởng hàng năm của Trường đạt gần 35% mỗi năm; nếu so sánh thời điểm hiện nay với thời điểm mới thành lập thì: cơ sở vật chất, nhân lực tăng trưởng hơn một trăm lần; quy mô sinh viên tăng trưởng gấp 27 lần; kết quả nghiên cứu khoa học gấp gần 500 lần

Thùy Linh
TIN LIÊN QUAN:
BÀI BÁO KHOA HỌC LÀ MỘT THÀNH QUẢ TRI THỨC, SAO LẠI DÙNG TỪ 'MUA-BÁN'
THANH SƠN/ GDVN 21-8-2020

Những ngày gần đây, câu chuyện về hợp tác nghiên cứu hay mời visiting researcher để công bố bài báo khoa học quốc tế đang gây sự chú ý của dư luận; đặc biệt khi Báo Thanh niên - cơ quan ngôn luận của Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam nêu ra vấn đề “mua- bán”.

Phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam có cuộc trao đổi với Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn, hiện đang công tác tại Đại học New South Wales và là người Việt đầu tiên trở thành Viện sĩ Viện hàn lâm y học Australia.

Phóng viên: Hiện nay, nhiều trường đại học phải hợp tác nghiên cứu khoa học để xây dựng các nhóm hay labo nghiên cứu mạnh. Dĩ nhiên nhiều người trong nhóm không phải là giảng viên, nghiên cứu viên cơ hữu (full time) của nhà trường. Giáo sư đánh giá vấn đề này như thế nào? Việc làm này có gì sai trái, đáng phải phê phán không?

Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn: Theo tôi thì không có gì sai trái trong việc lập labo / nhóm nghiên cứu ở trường mà nhà khoa học không có biên chế cơ hữu. Xu hướng chung trong khoa học hiện nay là hợp tác nghiên cứu. Hợp tác có thể diễn ra cấp nội bộ trường, cấp quốc gia, và cấp liên quốc gia.

Ở Trung Quốc, có hàng loạt nhà khoa học gốc Hoa ở Mĩ về nước thành lập các labo nghiên cứu, và họ được chính quyền Trung Quốc đầu tư để nghiên cứu rất thành công. Tôi có vài bạn gốc Hoa ở Úc và Mĩ, họ bỏ ra chừng 1-2 tháng mỗi năm ở labo bên Trung Quốc. Những labo đó là những trung tâm thu hút người có tài từ nước ngoài về phục vụ quê hương.

Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn (ảnh: tdtu.edu.vn)

Trường Đại học Tôn Đức Thắng cũng làm như vậy, nhưng trễ hơn so với các đại học Trung Quốc.

Tôi cũng có một labo nghiên cứu cơ xương ở Trường Đại học Tôn Đức Thắng (dù tôi không phải là giảng viên cơ hữu của Trường) và đã góp phần nâng cao công bố khoa học cho Việt Nam.

Thật ra, những công bố do labo tôi ở Việt Nam cũng được các đại học bên Úc chia sẻ (dù họ chẳng có tài trợ đồng nào) vì tôi giữ các chức vụ nghiên cứu ở bên Úc. Tuy nhiên, tôi nghĩ hình thức hợp tác như thế là rất có lợi cho Việt Nam, vì đó là cơ chế thiết thực nhất để thu hút các chuyên gia gốc Việt ở nước ngoài.

Ở môi trường học thuật như Úc, một trường đại học muốn có nhiều bài báo khoa học thì họ có phải hợp tác nghiên cứu, hay mời visiting researcher (dạng như giảng viên thỉnh giảng bên giảng dạy) không, thưa giáo sư?

Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn: Rất nhiều (có thể hơn 50%) các bài báo của các đại học Úc là do hợp tác trong và ngoài đại học. Ở Úc, có nhiều nhà khoa học thuộc biên chế của các viện nghiên cứu, bệnh viện, thậm chí công ti kĩ nghệ có những chức danh kiêm nhiệm (tiếng Anh là "adjunct" hay "conjoint") hay thỉnh giảng ("visiting professor").

Với chức danh kiêm nhiệm, họ có quyền tuyển nghiên cứu sinh và sử dụng tài nguyên (thư viện, internet, email) của trường đại học.

Trường đại học không trả lương cho các nhà khoa học này. Trường cũng không tài trợ cho họ nghiên cứu. Nhưng trường đại học có tên trong tất cả bài báo mà nhà khoa học công bố.

Do đó, có tác giả dù chỉ có một biên chế của một nơi, nhưng có nhiều địa chỉ trên bài báo khoa học mà họ không có biên chế. Điều này tôi thấy đã trở thành gần như là một qui ước chung mà cộng đồng khoa học chấp nhận.

Vừa qua, dư luận tính toán ra rằng, công bố quốc tế của Trường Đại học Tôn Đức Thắng chiếm đến 28% (hơn ¼) của cả nước. Giáo sư đánh giá gì về công tác nghiên cứu khoa học cũng như chính sách thu hút nhân tài của đại học này?

Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn: Tôi nghĩ trong quá khứ Việt Nam đã có nhiều chính sách thu hút các nhà khoa học ở nước ngoài về công tác hay hợp tác nghiên cứu ở trong nước. Nhưng không rõ có bao nhiêu người đã về.

Còn Trường Đại học Tôn Đức Thắng thì có sẵn cơ chế để thu hút họ về Trường, và có thể nói rằng Trường đã thành công.

Không chỉ giới khoa học nước ngoài về hợp tác, Trường còn thu hút cả những nhà khoa học nước ngoài, nghiên cứu sinh hậu tiến sĩ nước ngoài về Trường nghiên cứu.

Tôi thì thích sự minh bạch của Trường trong việc đầu tư cho labo nghiên cứu, và ban giám hiệu không can thiệp vào những nghiên cứu của chúng tôi.

Chúng ta cần có cái nhìn bao quát và rộng hơn. Mỗi một bài báo được công bố trên các tập san khoa học có bình duyệt từ Việt Nam là một đóng góp vào tài sản tri thức của đất nước Việt Nam.

Mỗi một bài báo từ Việt Nam có hiệu quả góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Bất cứ trường nào, bất cứ tác giả nào có đóng góp để nâng cao uy danh của Việt Nam trên trường quốc tế nên được ghi nhận hơn là nghi ngờ.

Theo giáo sư, việc một đại học trả tiền xứng đáng cho các nhà khoa học để họ nghiên cứu và công bố quốc tế dưới hình thức hợp đồng visiting researcher có phải là “mua- bán” hay không? Cách đánh giá của người viết bài trên Thanh Niên có phải lệch lạc thậm chí là xúc phạm những nhà khoa học?

Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn: Tôi nghĩ dùng chữ "mua bán" trong việc công bố khoa học e rằng làm lệch sự việc. Bài báo khoa học là một thành quả tri thức, đóng góp vào kho tàng tri thức nhân loại và trong nhiều trường hợp có thể đem lại phúc lợi cho xã hội.

Bài báo khoa học không phải là hàng hoá. Hàng hoá thì có mua bán, nhưng tôi không nghĩ ai lại đi mua bán phúc lợi xã hội.

Nếu ví dụ như một quĩ tài trợ cho nghiên cứu khoa học, quỹ đó có quyền đòi hỏi nhà khoa học phải có công bố khoa học, thì có thể xem đó là "mua bán"? Tôi không nghĩ vậy.

Tôi hay nhận tài trợ từ các công ty dược cho nghiên cứu, và họ cũng đòi tôi phải có công bố khoa học, nhưng tôi không nghĩ công ty dược mua bài báo, hay tôi bán bài báo cho họ. Tôi xem đó là đầu tư cho khoa học.

Xung quanh việc Báo Thanh niên phản ánh về việc “mua bán bài báo khoa học”, giáo sư có nhận định gì thêm không?

Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn: Tôi rất tiếc là bài báo đó dùng những chữ mà theo tôi là quá nặng nề. Những chữ như "chiêu trò", "lừa đảo" đáng lí ra không có mặt trên báo chí khi đề cập đến một tập thể của một trường đại học công, vì nó gây tổn thương đến rất nhiều người. Những chữ đó càng không nên có trong một bản tin bàn về một vấn đề hàn lâm.

Trân trọng cảm ơn Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn.

Thanh Sơn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét