Thứ Bảy, 5 tháng 9, 2020

20200906. QUANH SỰ KIỆN KHỞI TỐ ÔNG NGUYỄN ĐỨC CHUNG

 ĐIỂM BÁO MẠNG 

NGUYỄN ĐỨC CHUNG VÀ 'HỌA ANH HÙNG'
TRÂN VĂN/ Blog VOA 31-8-2020

Ông Nguyễn Đức Chung bị khởi tố, không chỉ người Hà Nội thất vọng - 1

Sự kiện ông Nguyễn Đức Chung, Ủy viên BCH TƯ đảng CSVN, Chủ tịch thành phố Hà Nội kiêm Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội bị tạm giam hôm 28 tháng 8 vì “chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước” đã tô vẽ thêm cho đại họa về… “anh hùng”.

***

Ông Chung trở thành “Anh hùng các lực lượng vũ trang nhân dân” năm 2004 và từ đó thăng tiến không ngừng: Phó Giám đốc, Giám đốc Công an Hà Nội, Chủ tịch thành phố Hà Nội, ủy viên BCH TƯ đảng CSVN, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội…

Theo những thông tin do Bộ Công an công bố hồi cuối tuần trước, ngoài vụ án vừa kể, dường như, ông Chung sẽ còn bị khởi tố để điều tra thêm về một số hành vi phạm tội nữa vì là đồng phạm trong ba vụ án khác.

Vụ án thứ nhất “Vi phạm quy định về kế toán - rửa tiền, Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Công ty Thương mại và Dịch vụ kỹ thuật Nhật Cường. Vụ án thứ hai: “Buôn lậu, Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng - rửa tiền. Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Công ty Nhật Cường, Sở KH-ĐT Hà Nội và một số đơn vị liên quan. Vụ án thứ ba: “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại Hà Nội (1).

Trên thực tế, cả công luận lẫn công chúng đã đề cập đến việc ông Chung có dấu hiệu phạm nhiều tội từ lâu, ít nhất là từ giữa thập niên 2010, khi Công ty Nhật Cường đột nhiên được chọn làm nhà thầu cung cấp các giải pháp kỹ thuật, công nghệ cho việc thực hiện kế hoạch quản trị - điều hành ở Hà Nội bằng mạng máy tính. Hay khi Công ty Arktic trở thành doanh nghiệp độc quyền cung cấp RedOxy-3C (sản phẩm xử lý ô nhiễm nguồn nước) cho Hà Nội (2)…

Tuy nhiên ông Chung vẫn… vô sự như ông Phan Văn Vĩnh – một “anh hùng” khác của “các lực lượng vũ trang nhân dân” ... Ông Vĩnh trở thành “anh hùng” trước ông Chung vài năm và giống như ông Chung, ông Vĩnh thăng tiến không ngừng bất kể điều tiếng: Đại tá Giám đốc Công an tỉnh Nam Định, Thiếu tướng Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm, Trung tướng Tổng cục Trưởng Tổng cục Cảnh sát,…

Một năm sau khi nghỉ hưu, “anh hùng” Phan Văn Vĩnh mới bị khởi tố rồi bị tống giam với cáo buộc “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” - bày ra, sắp đặt để Công ty Đầu tư Phát triển An ninh công nghệ cao (CNC) tổ chức đánh bạc qua mạng Internet trên phạm vi toàn quốc. Thêm một năm nữa sau khi bị phạt chín năm tù vì tội vừa kể, ông Vĩnh bị khởi tố thêm tội “Ra quyết định trái pháp luật” (3).

Cho đến bây giờ, bảy năm sau khi ông Vĩnh ra lệnh bán vật chứng (615 khối gỗ trắc) của một “vụ án buôn lậu”, hệ thống tư pháp vẫn chưa thể khắc phục được hậu quả của quyết định càn rỡ ấy vì tòa xác định, các bị cáo chỉ buôn chứ không… lậu!

***

Ngoài những cá nhân… “anh hùng” đã xộ khám, Việt Nam còn có những tập thể… “anh hùng”. Nhìn một cách tổng quát, số “anh hùng” cá nhân hay “anh hùng” tập thể phá hơn… giặc càng ngày càng nhiều!

Sau khi xảy ra vụ thảm sát tại bãi đá Gạc Ma và để mất thêm hàng loạt bãi đá ở khu vực quần đảo Trường Sa, năm 1989, quân chủng Hải quân của Quân đội nhân dân Việt Nam được phong tặng danh hiệu “Anh hùng các lực lượng vũ trang nhân dân”. Tuy được phong tặng danh hiệu được xem là cao quý này sau hải quân hàng chục năm nhưng sau hàng chục vụ tai nạn xảy ra đối với các phi cơ quân sự. đến 2010, quân chủng Phòng không – Không quân cũng trở thành “Anh hùng các lực lượng vũ trang nhân dân”.

Năm ngoái và năm nay, hai quân chủng “anh hùng” này nổi như cồn vì thi nhau bán công thự, công thổ, chỉ đạo tham gia các chương trình liên kết, liên doanh “trời ơi, đất hỡi”... Các Tư lệnh của quân chủng phòng không – không quân và hải quân người thì bị cách chức (Thượng tướng Phương Minh Hòa), người thì bị phạt tù (Đô đốc Nguyễn Văn Hiến), toàn bộ Ban Thường vụ Đảng ủy của các quân chủng phòng không – không quân (4), hải quân (5) cũng bị xử lý kỷ luật.

Bên cạnh những “Anh hùng các lực lượng vũ trang”, những cá nhân, tập thể là… “Anh hùng lao động” cũng y như thế. Ông Trương Văn Tuyến, Tổng Giám đốc VINASHIN, “Anh hùng lao động” đầu tiên của ngành dầu khí bị truy tố vì “lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” (6). Tổng Công ty Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) trở thành tập thể “Anh hùng lao động” năm 2011 và phá sản vì thua lỗ hơn 3.000 tỉ đồng.

Ê ẩm vì PVC tập thể “Anh hùng lao động” và Trịnh Xuân Thanh – Chủ tịch Hội đồng Quản trị PVC, Chủ tịch Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam phải thu hồi danh hiệu “Anh hùng lao động” của PVC và “Huân chương Lao động” đã cấp cho ông Thanh (7).

Việc tước danh hiệu “anh hùng” dẫu hi hữu nhưng không phải là chưa có tiền lệ. Năm 2014, Chủ tịch Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam đã từng tước danh hiệu “Anh hùng các lực lượng vũ trang” của ông Hồ Xuân Mãn (8).

Ông Mãn được tặng danh hiệu “Anh hùng các lực lượng vũ trang” năm 2010 lúc đang là Bí thư tỉnh Thừa Thiên Huế. Các cựu chiến binh là đồng đội của ông Mãn mất bốn năm gặp gỡ nhiều người, tố cáo với nhiều nơi, rằng ông Mãn – điển hình của việc “học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” trên toàn quốc – “khai man thành tích” và được cả tổ chức đảng lẫn hệ thống công quyền tiếp sức để trở thành… “anh hùng” giả!

Cuối cùng, do có rất nhiều nhân chứng còn sống, nhiều tài liệu còn được lưu giữ cẩn thận, cả đảng và nhà nước phải nhìn nhận ông Mãn đã… man khai. Trong 17 thành tích mà ông Mãn liệt kê và được tổ chức đảng cũng như hệ thống công quyền ở Huế xác nhận, chỉ có 2/17 là đúng. Tuy nhiên một trong hai không được đồng đội của chính ông Mãn đồng tình xem là thành tích…

Năm 1972, khi còn là du kích, ông Mãn đã xả súng vào một đám giỗ ở ấp Phò Ninh (xã Phong An, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế) để giết Trưởng ấp. Tuy vụ xả súng vào đám giỗ - có cả ông nội của ông Mãn ngồi tại đó - giết được Trưởng ấp nhưng làm chín thường dân (bao gồm ba đứa trẻ) mất mạng, tám người bị thương và toàn bộ nạn nhân không phải bà con thì cũng là hàng xóm nhưng lúc báo công, ông Mãn vẫn xếp toàn bộ nạn nhân vào loại ác ôn, có… nợ máu với nhân dân (9)…

***

Chẳng rõ trong lịch sử nhân loại nói chung và lịch sử Việt Nam nói riêng, có nơi đâu, thời nào, “anh hùng” liên tục gieo rắc đại họa cho dân lành như lúc này ở Việt Nam. “Anh hùng” từ đâu mà ra và vì sao lại thế?

Chú thích

(1) https://tuoitre.vn/vi-sao-ong-nguyen-duc-chung-bi-bat-20200829082549526.htm

(2) http://langmoi.vn/vu-ubnd-tp-ha-noi-mua-hoa-chat-doc-quyen-cac-so-nganh-cung-chung-tay-giup-cong-ty-9-thang-tuoi/

(3) https://tuoitre.vn/ong-phan-van-vinh-tiep-tuc-bi-khoi-to-trong-vu-ky-an-go-trac-20190910111820294.htm

(4) https://vnexpress.net/nguyen-tu-lenh-quan-chung-phong-khong-khong-quan-bi-canh-cao-3784366.html

(5) https://tuoitre.vn/xoa-tu-cach-nguyen-tu-lenh-quan-chung-hai-quan-voi-ong-nguyen-van-hien-20190903180218641.htm

(6) https://vietnamfinance.vn/quan-lo-nguoi-anh-hung-dau-tien-cua-nganh-loc-hoa-dau-truong-van-tuyen-truoc-khi-bi-bat-20180504224217164.htm

(7) https://nld.com.vn/thoi-su-trong-nuoc/chu-tich-nuoc-huy-cac-danh-hieu-cua-trinh-xuan-thanh-va-pvc-2017052508352973.htm

(8) https://baophapluat.vn/nhip-cau/ai-tiep-tay-cho-ong-ho-xuan-man-thanh-anh-hung-200151.html

(9) http://anhmanxx.blogspot.com/2013/06/ngay-ki-lan-thu-40-o-thon-pho-ninh.html



ÔNG NGUYỄN ĐỨC CHUNG BỊ KHỞI TỐ, KHÔNG CHỈ NGƯỜI HÀ NỘI THẤT VỌNG

QUỐC PHONG /VTC 30-8-2020

(VTC News) - Không chỉ người Hà Nội bàng hoàng mà hàng triệu người dân trên cả nước cảm thấy buồn, thất vọng bởi niềm tin đã trao nhầm chỗ.

Hơn 24 giờ qua, câu chuyện đương kim Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung bị khởi tổ, bắt tạm giam nóng rẫy từ bàn trà cho đến khắp các diễn đàn trên mạng xã hội.

Dẫu biết rằng, điều này là tất yếu xảy ra sau khi ông Chung bị tạm đình chỉ công tác, đình chỉ chức vụ Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội và được xác định liên quan đến 3 vụ án, song, việc người đứng đầu chính quyền thành phố phải tra tay vào còng số 8 khi ngày Quốc khánh cận kề vẫn khiến người ta day dứt. 

Ông Nguyễn Đức Chung bị khởi tố, không chỉ người Hà Nội thất vọng - 1

Ông Nguyễn Đức Chung.

Biết bao câu hỏi đã được đặt ra. Tại sao một tướng công an, trưởng thành trong môi trường khắc nghiệt, một tiến sĩ luật, một anh hùng lực lượng vũ trang mà tên tuổi gắn với rất nhiều vụ trọng án rúng động ở thủ đô một thời lại có thể dễ dàng bước qua lằn ranh của pháp luật như thế? Tại sao một cán bộ trẻ được kỳ vọng sẽ làm cho thủ đô văn minh, sạch đẹp, hiện đại… lại đứt gánh giữa đường? Sự nghiệp chính trị dừng lại khi tất cả mọi thứ đang ở phía trước. Không chỉ người Hà Nội bàng hoàng mà hàng triệu người dân trên cả nước cảm thấy buồn, thất vọng bởi niềm tin đã trao nhầm chỗ. 

Điều gì đã làm ông Chung thất bại, sa ngã nếu không phải là lặp lại “vết xe đổ” của nhiều quan chức đi trước. Khi ở đỉnh cao của quyền lực, say mê quyền lực, người ta dễ dàng cho phép mình được làm nhiều thứ mà lẽ ra quyền lực phải bị “nhốt” trong cái lồng cơ chế như người đứng đầu Đảng đã từng chỉ ra.

Say mê quyền lực, lạm dụng quyền lực, tự tin thái quá đã khiến con người ta đánh mất mình lúc nào không biết. Và chắc chắn, ông Chung cũng như nhiều tướng công an, quân đội khác, không thể “cưỡng” nổi những viên đạn bọc đường như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng cảnh báo.

Cám dỗ của đồng tiền, những mối quan hệ thân quen, cánh hẩu, những nhóm lợi ích thân hữu chi phối… Muốn giữ được mình trong hoàn cảnh đó, nếu không có bản lĩnh, không đặt lợi ích chung, lợi ích tập thể lên trên lợi ích cá nhân, lợi ích gia đình thì việc sa ngã là tất yếu.

Hơn 2 năm trước, ông Đinh La Thăng - nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM đã bị đưa ra xét xử. Ông Thăng cũng từng được kỳ vọng là một cán bộ trẻ, năng nổ, dám nghĩ, dám làm. Khi ở vị trí cao nhất của Trung tâm kinh tế lớn, ông Thăng từng hứa sẽ đưa TP.HCM lấy lại tên gọi “hòn ngọc Viễn đông”.

Ấy thế nhưng, cả ông Chung và ông Thăng đều gặp nhau ở một điểm: Khi mặc chiếc áo quá rộng, người ta cứ nghĩ mình cao lớn và có thể làm được mọi thứ. Ông Thăng có thể lăn lộn trên những công trình giao thông, xây dựng. Ông Chung có thể dũng cảm, quyết đoán trong những vụ trọng án… nhưng chưa chắc đã trở thành một chính trị gia giỏi trong ngày một, ngày hai.

Bởi vậy, khi ông Chung bị bắt, người ta lại nhắc đến một nhân vật khác là ông Đoàn Ngọc Hải (nguyên Phó Chủ tịch UBND Quận 1- TP.HCM). Khi được trao vào tay vai trò quản lý một doanh nghiệp lớn của thành phố, ông Hải đã dũng cảm từ chối vì thấy mình không thích hợp, không được đào tạo bài bản trong lĩnh vực đó. Ông Hải tự nguyện rũ áo, từ quan để làm một người bình thường, tử tế. Nhưng, có phải ai cũng ý thức được điều đó!

Cũng hơn 2 năm qua, kể từ khi một cựu Ủy viên Bộ Chính trị xử lý kỷ luật, nhân dân cả nước đã chứng kiến một danh sách dài những cán bộ cao cấp, cả đương chức và nghỉ hưu lần lượt bị "gọi tên".

Không có ngoại lệ, không có vùng cấm, kể cả lãnh đạo cao cấp, tướng lĩnh Quân đội, Công an… Sai đến đâu, xử lý đến đó. Công tội rõ ràng. Chưa có một nhiệm kỳ nào mà lãnh đạo cao nhất của 3 thành phố lớn (Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng) đều không đi hết chặng đường, dang dở vì sai phạm trong quá khứ và hiện tại.

Nếu không có quyết tâm chính trị, không giữ vững niềm tin trước nhân dân thì công cuộc làm trong sạch Đảng không có được kết quả như ngày hôm nay. Còn những ai đang đứng trong bóng tối, những ai tay đã chót “nhúng chàm” thì sớm muộn cũng chịu chung số phận. Đó là bài học cảnh tỉnh, là sự thật khách quan. Không ai đứng trên pháp luật, đứng ngoài pháp luật.

Một nhiệm kỳ mới sắp bắt đầu. Đại hội Đảng bộ cấp trên cơ sở đã sắp hoàn tất. Đại hội cấp tỉnh, thành phố cũng đang được gấp rút chuẩn bị. Lựa chọn ai và ai dám nhận nhiệm vụ trong những năm sắp tới thì câu chuyện về ông Đinh La Thăng, Nguyễn Xuân Anh hay Nguyễn Đức Chung… vẫn còn nguyên giá trị thời sự.

Đã có người ví “Hồ Gươm dậy sóng” như lòng dân thủ đô nghĩ về lãnh đạo thành phố trong cái ngày thứ sáu đen tối. Cả trụ trở UBND thành phố cũng trở thành địa điểm khám xét. Thật day dứt, xót xa! Nỗi niềm đó, chắc chắn không chỉ của riêng người Hà Nội. Chắc chắn là như vậy! 


HÉ LỘ MỘT TRONG NHỮNG TÀI LIỆU BÍ MẬT NHÀ NƯỚC MÀ ÔNG NGUYỄN ĐỨC CHUNG BỊ KHỞI TỐ CHIẾM ĐOẠT

H.S/ DÂN SINH/ CafeF 4-9-2020

Hé lộ một trong những tài liệu bí mật nhà nước mà ông Nguyễn Đức Chung bị khởi tố chiếm đoạt

Tại buổi Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8 diễn ra chiều ngày 4/9, ông Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng kiêm người phát ngôn của Bộ Công an Việt Nam đã trả lời câu hỏi của phóng viên về vụ án liên quan đến ông Nguyễn Đức Chung.

Theo Thiếu tướng Tô Ân Xô, ngày 28/8, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt tạm giam 4 tháng đối với ông Nguyễn Đức Chung về hành vi chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước quy định tại điều 337 Bộ Luật hình sự năm 2015 và sửa đổi bổ sung năm 2019.

Trước đó, Bộ Công an cũng thông báo ông Chung có liên quan đến vụ án chiếm đoạt tài sản, hay còn gọi là vụ "Nhật Cường", và một vụ án nữa là quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, gây thất thoát, lãng phí.

Về vụ tài liệu bí mật, Cơ quan An ninh điều tra đã chứng minh ông Chung có hành vi chiếm đoạt tài liệu bí mật và trong các tài liệu, này có tài liệu liên quan đến vụ Nhật Cường.

Về vụ Nhật Cường, Bộ Công an đã khởi tố 29 bị can với 4 tội danh buôn lậu, vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng, rửa tiền, vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng. Trong số 28 bị can này, có bị can Bùi Quang Huy bị khởi tố cả 4 tội danh. Nhưng bị can Huy đang trốn và Bộ Công an đang truy nã.

Ông Bùi Quang Huy sử dụng tư cách pháp nhân của Nhật Cường để tổ chức buôn lậu 260 nghìn sản phẩm điện thoại và thiết bị điện tử các loại với giá trị là 3.200 tỷ đồng, thu lời bất chính 236 tỷ đồng.

Ngoài ra, về tội trốn thuế, ông Huy lập sổ sách kế toán để che giấu khoảng 30 tỷ đồng. Qua quá trình điều tra, cơ quan điều tra thấy rằng gói thầu số hóa của Sở kế hoạch Đầu tư Hà Nội, làm rõ hành vi vi phạm quy định đấu thầu gây thiệt hại 19,8 tỷ đồng, trong này có một phần trách nhiệm của ông Nguyễn Đức Chung.

Về tội danh gây thất thoát, lãng phí xảy ra tại Thành phố Hà Nội, quá trình triển khai thực hiện xử lý ô nhiễm nước hồ bằng chế phẩm Redoxy-3C, mặc dù Thành phố Hà Nội đã trực tiếp đàm phán với phía đối tác Đức - sản xuất hóa chất này riêng cho Thành phố Hà Nội, nghiên cứu đặc tính của sông, hồ Hà Nội, đoàn Hà Nội đã sang làm. 

Nếu ký trực tiếp với công ty này, thì rất bình thường, nhưng quá trình mua sản phẩm lại ký qua một công ty khác. Qua tiến hành điều tra, Cơ quan điều tra thấy rằng, do phải ký với một đại lý nên thất thoát của nhà nước khoảng 41 tỷ đồng. Thiếu tướng Xô cho biết, với vai trò Chủ tịch, ông Chung cũng có một phần trách nhiệm ở đây.


ÔNG NGUYỄN ĐỨC CHUNG LIÊN QUAN ĐẾN VIỆC GÂY THIỆT HẠI HƠN  60 TỶ ĐỒNG

THÀNH NAM-THU HẰNG  /VNN 4-8-2020

Cụ thể, thiệt hại 19,8 tỷ trong gói thầu số hóa và 41 tỷ trong việc triển khai và thực hiện xử lý ô nhiễm nước hồ bằng chế phẩm Redoxy-3C.

Tại họp báo Chính phủ thường kỳ chiều tối nay (4/9), Thiếu tướng Tô Ân Xô (Chánh Văn phòng, người phát ngôn Bộ Công an) đã thông tin thêm về việc khởi tố, bắt giam ông Nguyễn Đức Chung.

Người phát ngôn Bộ Công an cho biết ngày 28/8, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt tạm giam 4 tháng đối với ông Nguyễn Đức Chung về hành vi chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước quy định tại Điều 337 Bộ luật Hình sự 2015. 

Trước đó, Bộ Công an đã thông báo ông Chung có liên quan đến vụ án chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước, trong số tài liệu này có một số tài liệu liên quan đến vụ Nhật Cường.

Ngoài ra, ông Chung còn liên quan đến vụ án "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" và một số vụ án khác trong vụ Nhật Cường.

Ông Nguyễn Đức Chung liên quan đến việc gây thiệt hại hơn 60 tỷ đồng
Thiếu tướng Tô Ân Xô thông tin về vụ án liên quan đến ông Nguyễn Đức Chung.

Về vụ Nhật Cường, Thiếu tướng Tô Ân Xô cho biết báo chí đã đề cập nhiều. Bộ Công an đã khởi tố 28 bị can về bốn tội danh: "Buôn lậu", "Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng", "Rửa tiền", "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng". Trong số 28 bị can này, Bùi Quang Huy bị khởi tố về cả 4 tội danh. Bùi Quang Huy đang bỏ trốn và bị truy nã.

Bùi Quang Huy sử dụng tư cách pháp nhân của Nhật Cường để tổ chức buôn lậu 260 nghìn sản phẩm điện thoại và các thiết bị các loại, thu lời bất chính 236 tỷ đồng. Bùi Quang Huy cũng lập sổ sách che giấu hành vi phạm tội và trốn thuế khoảng 30 tỷ đồng.

"Quá trình điều tra, cơ quan điều tra thấy rằng có gói thầu số hoá của Sở KH-ĐT Hà Nội, cơ quan điều tra làm rõ hành vi vi phạm các quy định về đấu thầu, gây thiệt hại 19,8 tỷ đồng. Trong việc này có một phần trách nhiệm của ông Nguyễn Đức Chung", Chánh Văn phòng Bộ Công an thông tin.

Vụ vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí xảy ra tại TP Hà Nội, quá trình triển khai và thực hiện việc xử lý ô nhiễm nước hồ bằng chế phẩm Redoxy-3C, dù TP Hà Nội đã trực tiếp làm việc với Công ty Nordic Water của Đức.

"Họ sản xuất hoá chất này riêng cho đối tác Hà Nội trên cơ sở nghiên cứu các đặc tính của sông, hồ Hà Nội. Nếu ký trực tiếp với công ty này thì rất bình thường, nhưng quá trình mua sản phẩm lại ký qua một công ty khác, gây thất thoát cho nhà nước khoảng 41 tỷ đồng", ông Xô cho biết.

Với vai trò là Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, ông Chung có một phần trách nhiệm, còn trách nhiệm đến đâu cơ quan điều tra sẽ tiếp tục làm rõ.

Thiếu tướng Tô Ân Xô bày tỏ vụ việc này thu hút nhiều sự quan tâm, đề nghị không nên quy kết, suy diễn theo hướng "nếu ông này thế này thì người này, người khác thế này thế kia. Làm như vậy rất ảnh hưởng đến người thân hay bạn bè, ảnh hưởng đến cuộc sống của những người thân trong gia đình ông Nguyễn Đức Chung.

Án tại hồ sơ, trọng chứng hơn trọng lời khai, do vậy nên tránh suy diễn”, ông Xô nhấn mạnh.

BÀI HỌC TỪ XỬ LÝ HÀNG LOẠT CÁN BỘ CẤP CAO VI PHẠM:

TĂNG CƯỜNG KIỂM TRA GIÁM SÁT, KHÔNG ĐỂ CÁN BỘ 'DÍNH CHÀM
TRẦN VƯƠNG/ LĐO 31-8-2020
PGS.TS Nguyễn Văn Giang - nguyên Phó Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh). 
Ảnh: T.Vương


PGS.TS Nguyễn Văn Giang - Nguyên Phó Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) cho rằng, trong sinh hoạt Đảng cần phải tăng cường kiểm tra giám sát, thường xuyên nhắc nhở, giáo dục cán bộ, sớm phát hiện ra những sai phạm, ngăn chặn kịp thời những sai lầm không để “dính chàm”. Đồng thời, cần xử lý nghiêm cán bộ có vi phạm để cảnh tỉnh, răn đe và làm bài học cho những người khác. 

Không giữ được bản lĩnh dễ dẫn tới bị cám dỗ

Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII đến nay, công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng tiếp tục tạo dấu ấn mạnh mẽ thể hiện rõ qua việc kỷ luật hàng loạt cán bộ cấp cao mắc sai phạm.

Mới đây nhất, ngày 28.8.2020, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã ra quyết định Khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam (4 tháng), Lệnh khám xét chỗ ở và nơi làm việc đối với ông Nguyễn Đức Chung (sinh năm 1967, trú tại phường Trung Liệt, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội) về hành vi “Chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước” quy định tại Điều 337 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017. Như vậy, sau 17 ngày bị tạm đình chỉ công tác, đình chỉ chức vụ Phó Bí thư Thành uỷ Hà Nội, ông Nguyễn Đức Chung đã bị khởi tố, bắt tạm giam. 

Trước đó, tại TP.Hồ Chí Minh, nhiều cán bộ cao cấp ở các thành phố lớn này cũng có những vi phạm pháp luật phải xử lý hình sự. Gần đây là vụ việc Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chánh Văn phòng Thành uỷ TPHCM Trần Trọng Tuấn cùng nhiều cán bộ bị khởi tố, bắt tạm giam vì vi phạm pháp luật trong công tác.Hay kể cả những cán bộ đã về hưu có sai phạm như cựu Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng cũng đã vướng vòng lao lý.

Liên quan tới việc này, trao đổi với PV Lao Động, ông Vũ Quốc Hùng - nguyên Phó Chủ nhiệm Thường trực Uỷ ban Kiểm tra Trung ương cho rằng, việc nhiều cán bộ cao cấp, cán bộ chủ chốt ở các thành phố lớn bị xử lý kỷ luật là điều rất buồn nhưng chúng ta vẫn phải làm. Việc này làm để trong sạch bộ máy, hệ thống chính trị vững mạnh. Những điều đó là điều mà trong thời gian qua Đảng ta tiến hành một cách hết sức quyết liệt.

“Nghị quyết Trung ương 4, khoá XII cũng đã chỉ ra những hạn chế, yếu kém còn tồn tại trong Đảng. Và việc tiến hành chỉnh đốn Đảng hiện nay đang được thực hiện một cách quyết liệt, có những kết quả rõ nét. Cùng với đó, chúng ta cũng chỉ ra những điểm thiếu sót, yếu kém để chấn chỉnh” - ông Hùng nói và cho hay, quyết tâm xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả. 

Cùng phân tích việc này, PGS.TS Nguyễn Văn Giang - nguyên Phó Viện trưởng Viện Xây Dựng Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) nhìn nhận, vừa qua có nhiều trường hợp lãnh đạo chủ chốt ở một số địa phương vi phạm, hoặc có dấu hiệu vi phạm đang được điều tra. Theo đó, có những trường hợp vi phạm đã xảy ra từ trước khi được điều động, bổ nhiệm và có những trường hợp phát sinh vi phạm từ trong quá trình nắm chức vụ, quyền hạn trong tay.

Theo ông Giang, nguyên nhân của những vi phạm này được xác định gồm có nguyên nhân chủ quan và nguyên nhân khách quan. Một phần nguyên nhân do nhận thức của những người lãnh đạo này chưa lường trước, nắm vững hết tất cả các mặt của đời sống, đặc biệt pháp luật kinh tế nên còn để dẫn tới những sai sót. Nhưng có một nguyên nhân khác được chỉ ra đó là có những dấu hiệu lợi ích, những “lợi lộc” từ quá trình được trao quyền, thực hiện chức trách nên đã có những quyết sách sai hoặc cố tình làm sai.

“Có những trường hợp không giữ được mình, bị vật chất, lợi ích cám dỗ dẫn tới tham nhũng, vi phạm”, ông Giang nói.

Ngăn ngừa sớm, không để “dính chàm”

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Giang việc lựa chọn, bổ nhiệm cán bộ cần phải được biệt chú ý để tránh trường hợp bố trí “nhầm” cán bộ. Bố trí cán bộ phải “đúng người, đúng việc” mới phát huy được. Đặc biệt, cần phải hết sức lưu ý những trường hợp cán bộ có dấu hiệu vi phạm phải phát hiện sớm, ngăn ngừa sớm, không để lọt vào bộ máy.

Ông Giang cũng cho rằng, để ngăn ngừa những sai phạm này trước hết công tác đánh giá cán bộ phải rất sát sao, chuẩn mực để chọn được người đủ tầm, đủ năng lực. Cùng với đó cần phải bồi dưỡng nâng cao trình độ cho cán bộ khi đảm đương nhiệm vụ, tránh để xảy ra vi phạm, sai phạm do nhận thức.

Trong sinh hoạt Đảng cần phải tăng cường kiểm tra giám sát, thường xuyên nhắc nhở, giáo dục cán bộ, sớm phát hiện ra những sai phạm, ngăn chặn kịp thời những sai lầm không để “dính chàm”, chứ để một thời gian dài không có ai kiểm tra, nhắc nhở, “muốn làm gì thì làm” thì rất khó cứu chữa. Do đó, cần thực hiện việc kiểm tra giám sát thật tốt, nhất là thực hiện nguyên tắc dân chủ trong sinh hoạt Đảng. Một giải pháp khác đó là cần phải xử lý nghiêm để răn đe, để cảnh tỉnh và làm bài học cho những người mắc sai phạm và những cán bộ, lãnh đạo khác.

Theo ông Vũ Quốc Hùng, việc xử lý kỷ luật cán bộ có sai phạm “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ” đang được Bộ Chính trị, Ban Bí thư thực hiện một cách quyết liệt, bài bản. Điều này giống như việc nhìn thẳng vào những khuyết điểm và sửa chữa những khuyết điểm đó để Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh. 

Việc xử lý kỷ luật cán bộ được thực hiện một cách trung thực, khách quan, đúng người, đúng sai phạm để giáo dục, để răn đe và củng cố sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, đưa Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh.

TRẦN VƯƠNG

'ANH NGUYỄN ĐỨC CHUNG TRƯỚC ĐÂY CHUYÊN MÔN RẤT GIỎI MÀ GIỜ NHƯ THẾ NÀY...'
VƯƠNG TRẦN/ LĐO 4-9-2020

Dẫn lại trường hợp vi phạm của ông Nguyễn Đức Chung, GS.TS Phùng Hữu Phú cho rằng cần kiểm soát chặt chẽ để cán bộ khi có quyền thì không bị tha hóa.

Còn tình trạng người đứng đầu bao che, tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực

Ngày 4.9, Ban Nội chính Trung ương phối hợp với Hội đồng khoa học các cơ quan Đảng Trung ương tổ chức tọa đàm khoa học với chủ đề “Vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cấp trong phòng, chống tham nhũng – Vấn đề lý luận và thực tiễn”.

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Thái Học – Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương cho biết, những chuyển biến tích cực, rõ nét trong công tác phòng chống tham nhũng thời gian qua, nhất là từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII đến nay đã khẳng định rõ vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cấp trong phòng, chống tham nhũng.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Thái Học, ở nhiều nơi, vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong phòng, chống tham nhũng chưa được phát huy tốt, có mặt chưa đáp ứng yêu cầu.

Còn tình trạng người đứng đầu chưa thực sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo phát hiện và xử lý các hành vi tham nhũng; có trường hợp nể nang, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, thậm chí bao che cho các trường hợp tham nhũng, tiêu cực. Nghiêm trọng hơn, nhiều người đứng đầu đã thực hiện hành vi tiêu cực, tham nhũng hoặc tiếp tay cho tham nhũng bị phát hiện, xử lý.

Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng lý luận Trung ương. Ảnh K.Anh
Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thái Học. Ảnh K.Anh

Không để bị lạm dụng, tha hoá quyền lực

Phó Chủ tịch UBTƯMTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực cho rằng, người đứng đầu là người cầm cờ thì phải đi đầu, đi liền với đó là gương mẫu, nói đi đôi với làm. Do đó người đứng đầu phải làm sao chống được lợi ích nhóm, tham nhũng. Khi để xảy ra tham nhũng ở cơ quan, đơn vị, địa phương thì cần xác định trách nhiệm của người đứng đầu đến đâu.

“Qua các vụ án tham nhũng gần đây cho thấy cấp trưởng thì đổ cho cấp phó, còn cấp phó đổ cho làm theo chỉ đạo của cấp trưởng. Vì vậy người đứng đầu phải chịu trách nhiệm về những vấn đề mà mình quản lý. Người đứng đầu được giao nhiệm vụ quyền hạn vậy kiểm soát việc sử dụng chức vụ quyền hạn đó như thế nào? Chức vụ quyền hạn là được Đảng, nhân dân giao cho thì phải sử dụng cho đúng, chống lợi dụng và lạm dụng” - ông Thực nêu vấn đề.

GS.TS Phùng Hữu Phú, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng lý luận Trung ương cho rằng trong công tác phòng chống tham nhũng có rất nhiều giải pháp, trong đó có vấn đề làm thế nào phát huy tốt nhất vai trò của người đứng đầu.

"Đảng viên đi trước làng nước theo sau, cán bộ đi trước, nhân dân đi sau, người đứng đầu thế nào thì phong trào như thế. Do đó cần nhìn thẳng vào sự thật để làm tốt hơn vì phát huy vai trò của người đứng đầu là vấn đề đột phá trong công tác phòng chống tham nhũng" - ông Phú nêu.

Theo ông Phú, trong nhiều giải pháp thì tựu trung phải nằm ở khâu chọn đúng người đứng đầu. Như Bác Hồ nói là cần, kiệm, liêm chính, và trí dũng. Có trí dũng thì mới đấu tranh chống được tham nhũng.

Mà muốn chọn được đúng người đứng đầu cần đổi mới khâu tuyển cử, bổ nhiệm cán bộ làm người đứng đầu. Đồng thời, khi trao quyền thì phải bảo vệ họ thì họ mới dám thực hiện quyền của mình.

GS.TS Phùng Hữu Phú - Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng lý luận Trung ương. Ảnh T.Vương
Dẫn lại trường hợp ông Nguyễn Đức Chung, GS.TS Phùng Hữu Phú - Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng lý luận Trung ương cho rằng cần kiểm soát quyền lực chặt chẽ để cán bộ không bị tha hoá. Ảnh T.Vương

Theo GS Phùng Hữu Phú, cần kiểm soát chặt chẽ vấn đề quyền lực, không để lạm dụng tha hóa quyền lực và có chế tài đủ mạnh để sàng lọc, xử lý nghiêm minh. Khi chọn đúng người thì cần kiểm soát chặt chẽ để không bị tha hóa quyền lực.

"Như trường hợp anh Nguyễn Đức Chung trước đây là một cán bộ điều tra viên hình sự có trình độ chuyên môn nghiệp vụ rất giỏi, vậy mà giờ như thế này (vừa bị khởi tố và bắt tạm giam- PV). Do đó cần kiểm soát chặt chẽ để cán bộ khi có quyền thì không bị tha hóa” - ông Phú nói.

VƯƠNG TRẦN
AI BAO CHE CHO ÔNG NGUYỄN ĐỨC CHUNG
TRƯƠNG CHÂU HỮU DANH/ TD 29-8-2020

Đầu năm 2019, Làng Mới đã có loạt bài về các sai phạm xảy ra tại TP Hà Nội, cũng như các sai phạm liên quan đến người nhà, nhân viên ông Nguyễn Đức Chung.

Một bộ hồ sơ về sai phạm của ông Chung cũng được gửi đến Thanh tra Chính phủ. Cơ quan này đã chuyển hồ sơ sang Ủy ban kiểm tra Trung ương để giải quyết theo thẩm quyền.

Nhưng ngay sau đó, ông Nguyễn Văn Thanh, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ đã làm một việc rất nghiêm trọng là… rút hồ sơ về và khép hồ sơ.

Giữa năm 2019, Thanh tra Hà Nội được chỉ đạo phải thanh tra công ty Arktic của anh Nguyễn Đức Hạnh – con trai ông Chung. Và thay vì tiến hành thanh tra đúng pháp luật, Đoàn thanh tra đã kéo rất dài, sang đầu năm 2020 vẫn không kết luận. Rất bất ngờ, khi ông Nguyễn An Huy – Chánh Thanh tra Hà Nội mãi đến tháng 2/2020 mới kết luận, mà lại có đến 2 kết luận khác nhau.

Kết luận lần đầu, các sai phạm đều bị bỏ qua, chỉ còn vài khuyết điểm nho nhỏ. Kết luận lần 2, Arktic hiện lên long lanh như sương mai, với những ưu điểm vượt trội, chả ai sai phạm gì. Ông An Huy không ngờ rằng, khi ông ôm hồ sơ nghiên cứu kết luận thì Bộ Công an cũng quan sát. Và khi ông An Huy kết luận sạch bong thì Bộ Công an cũng khởi tố vụ án xảy ra tại Arktic, với sai phạm đặc biệt nghiêm trọng!

Có thể thấy, các sai phạm đặc biệt nghiêm trọng xảy ra tại UBND thành phố Hà Nội lẽ ra đã được Ủy ban Kiểm tra Trung ương/ sau đó là Thanh tra Hà Nội xử lý sớm để lấy lòng tin của dân, cũng như giảm thiểu sai phạm đối với cá nhân ông Chung. Nhưng vì nhiều lý do, ông Nguyễn Văn Thanh và sau đó là thuộc cấp ngành dọc Nguyễn An Huy đã làm chậm tiến độ xử lý, trì hoãn quá trình kết luận – nếu không muốn nói là có dấu hiệu bao che sai phạm, bỏ lọt tội phạm.

Nếu các ông thanh tra làm đúng pháp luật thì từ năm ngoái, ông Chung đã bị xử lý (có thể nhẹ nhàng) và sẽ không có vụ án chiếm đoạt tài liệu mật xảy ra giữa năm 2020. Và nếu các ông thanh tra làm đúng pháp luật, ông Chung và các thuộc cấp của ông năm sẽ không dính sâu vào những vụ án khác để rồi phải gánh hậu quả như bây giờ.

Trách nhiệm của thanh tra trong các vụ án này, không hề nhỏ!


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét