Thứ Bảy, 19 tháng 9, 2020

20200920. BÀN VỀ NGUYÊN NHÂN LỌT, LỘ BÍ MẬT NHÀ NƯỚC

 ĐIỂM BÁO MẠNG 


LẠI 'LỌT, LỘ BÍ MẬT NHÀ NƯỚC' TRÊN MẠNG MỖI LÚC MỘT NHIỀU TRƯỚC KỲ ĐẠI HỘI ĐẢNG !
RFA 15-9-2020

Trong phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 14/9, khi báo cáo công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2020, Thứ trưởng Công an Lê Quý Vương cho rằng “tình trạng lộ, lọt bí mật nhà nước trên không gian mạng ngày càng nghiêm trọng.”

Trước tình trạng vừa nêu, vị lãnh đạo Bộ Công an cho hay Chính phủ đã tập trung chỉ đạo xây dựng, hoàn thiện hành lang pháp lý góp phần nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước trên lĩnh vực thông tin, truyền thông, nhất là những vấn đề liên quan đến không gian mạng.

Ai làm lộ bí mật nhà nước?

Nhận xét về phát biểu của ông Lê Quý Vương, Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nhà hoạt động xã hội dân sự từ Hà Nội khẳng định đây là một hô hào ước mong vô vọng:

“Tôi nghĩ chuyện họ vô cùng lo mà không bao giờ có thể tránh được là lộ những gót chân Achilles của họ hoặc bao nhiêu bí mật quốc gia mà thật sự có những thứ chả là bí mật gì, nhưng vì nó có thể không có lợi cho họ nên họ đóng dấu mật, tối mật, tuyệt mật vào những văn bản đấy như thế để giữ kín không cho ai biết.”

Còn theo Bác sĩ Đinh Đức Long, một Trung tá quân đội đã từ bỏ đảng cho rằng:

“Tôi thấy nhà nước có luật bí mật hẳn hoi, cái nào bí mật, cái nào không bí mật, bây giờ lộ ra thì từ mấy ông ra chứ chẳng nói ra vì sao dân biết được. Chuyện đấy ông nói vậy thì chỉ xảy ra trong nội bộ các ông ấy thôi, chính các ông nói ra là một. Hai là không loại trừ mọi người đều nghĩ rằng nội bộ phe phái các ông đánh nhau, lan truyền thông tin ra để dùng dư luận xã hội triệt hạ nhau. Đấy là chuyện bình thường, ông nói hay không nói ra thì người ta cũng biết những thông tin bí mật thì ai là người tiếp cận, nội bộ các ông thôi.”

Đồng quan điểm vừa nêu về nguyên nhân và nguồn gốc những ‘bí mật nhà nước’ bị rò rỉ và lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội, Tiến sĩ Nguyễn Quang A nói rõ thêm:

“Trong một thể chế cộng sản như ngày nay, hoàn toàn độc tài và người ngoài người ta nghĩ rằng hệ thống này vững chắc, bền chặt như một tảng đá nguyên khối, không có gì lọt ra. Nhưng không phải thế, hệ thống này là những cục dá to nhỏ khác nhau, góc cạnh khác nhau xếp vào nhau và giữa đó là những khe hở. Từ những khe hở đó thì những thông tin có gọi là tuyệt mật chăng nữa cũng lọt ra vì một lý do là các cục đá này không gắn kết nhau thành một tảng, tức có những lợi ích khác nhau, có thể mâu thuẫn với nhau và nhóm này có thể dùng thông tin bất lợi cho nhóm kia, có lợi cho nhóm mình để bằng cách nào đấy leak ra ngoài.”

Tiến sĩ Nguyễn Quang A cũng nhận định rằng tình trạng rò rỉ thông tin nội bộ được bảo vệ với tên gọi ‘bí mật nhà nước’ không phải chỉ mới đây mới xuất hiện mà đã có từ rất lâu:

“Trong lúc nhồm nhoàm đấu tranh quyết liệt để giành ghế trước đại hội đảng cộng sản Việt Nam thì những chuyện cố ý rò rỉ lại càng nhiều hơn bởi vì bằng cái rò rỉ thông tin đấy để đánh gục những đối thủ của mình, để đạp lên đầu đối thủ mình leo lên. Chúng ta chứng kiến hai đại hội vừa rồi trong 10 năm trở lại đây thì cứ 3 tháng, 6 tháng trước đại hội thì người ta lại rỉ thông tin ra.”

Đại hội đảng cộng sản Việt Nam sẽ được diễn ra vào tháng 1 năm 2021 tới đây. Công tác nhân sự đảng luôn là nội dung được truyền thông trong và ngoài nước quan tâm thời gian gần đây. Kể cả Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trong lần đầu xuất hiện trở lại trước truyền thông trong nước sau vài tháng vắng bóng cũng đã yêu cầu cần chuẩn bị tốt công tác nhân sự cho đại hội đảng.

Hoàn thiện hành lang pháp lý

RFA có liên lạc với Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Luật gia tại thành phố Hồ Chí Minh và được ông cho biết việc chính phủ chú trọng để hoàn thiện thêm luật bảo vệ bí mật là cần thiết:

“Hành lang pháp lý cũng đã có, các bộ, ngành phải có quy định. Tôi cũng đồng ý tình trạng lọt, lộ bí mật nhà nước trên không gian mạng ngày càng nghiêm trọng. Sắp tới đây phải có một quy định không gian mạng thực hiện được quy định rõ trong luật An ninh mạng.”

Giải thích rõ hơn, Luật sư Nguyễn Văn Hậu cho biết Luật Bảo vệ bí mật được ban hành ngày 15/11/2018 và được sửa đổi các bất cập. Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định 26 hướng dẫn thi hành luật bảo vệ bí mật nhà nước.

“Những quy định về bí mật đã có Luật Bí mật, trước đây có pháp lệnh Bảo vệ bí mật, bây giờ là Luật Bảo vệ bí mật quốc hội mới thông qua nên vừa rồi chính phủ ban hành nghị định trong đó quy định rất rõ những luật bảo vệ bí mật nhà nước ban hành năm 2018. Trong luật cũng đã ghi rõ những nguyên tắc bảo vệ bí mật nhà nước về những hành vi nghiêm cấm ví dụ như chiếm đoạt, mua bán, lợi, dụng, lạm dụng bảo vệ bí mật nhà nước và sử dụng bí mật nhà nước để giấu những hành vi vi phạm pháp luật… hoặc người ta phân loại và ban hành những danh mục bí mật nhà nước từ cơ quan trung ương đến địa phương, cả cơ quan hành pháp, lập pháp và tư pháp.”

Từ góc độ của người dân, Bác sĩ Đinh Đức Long cho rằng việc ‘lộ, lọt bí mật nhà nước’ mà Thứ trưởng Công an Lê Quý Vương đề cập là chuyện không thể tránh khỏi. Có chăng chính phủ Hà Nội cần thay đổi cách giải quyết vấn đề:

“Nói cho cùng thì theo Hiến pháp người dân có quyền giám sát mọi cơ quan chính quyền nhà nước, kể cả đảng cộng sản. Trước mắt ông phải trả lời thông tin đưa ra đúng hay sai và tiếp thông tin đó các ông phải làm gì, chứ không phải cho rằng bí mật bị lộ. Những cái sai ông giấu, không cho dân biết à? Trách nhiệm của ông là kiểm tra, xử lý các thông tin, sai hay đúng thì cũng phải giải quyết, điều chỉnh, trừng phạt những người làm sai chứ sao tìm cách che giấu?”

Do đó, để giải quyết tình trạng mà Bác sĩ Đinh Đức Long vừa nêu, Tiến sĩ Nguyễn Quang A đưa ra đề xuất từ thực tế xã hội hiện nay:

“Chỉ có một cách là minh bạch những thông tin không đáng là bí mật. Đương nhiên có những thông tin bí mật, thậm chí tuyệt mật vì nó thực sự liên quan đến an nguy của quốc gia. Còn những sự an nguy của một cá nhân, một vài cá nhân, một nhóm lẽ ra phải minh bạch thì sự cạnh tranh trong các nhóm của đảng cộng sản Việt Nam mới lành mạnh.”

Vẫn theo Tiến sĩ Nguyễn Quang A, chỉ bằng cách ông vừa nêu thì đảng cộng sản Việt Nam có thể mạnh lên nhưng rất tiếc ban lãnh đạo lại coi điều đó là bí mật và đấy chính là điều làm tiêu vong bản thân đảng cộng sản.

HAI SỰ THẬT VỀ NGUYỄN ĐỨC CHUNG

NGUYỄN NHƯ PHONG/ TD 18-9-2020

Cựu Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung. Ảnh: Báo Dân Trí

Thú thật là tôi cũng định im vì sợ phạm quy định “tiết lộ bí mật sức khỏe”… Nhưng nay báo chí đã nói, và luật sư cũng đã công bố, nên muốn nói kỹ hơn cho mọi người hiểu.

Sự thật thứ nhất là: Nguyên Đức Chung bị ung thư trực tràng. Giữa năm 2016, sau khi đi Pháp xử lý cắt đoạn trực tràng bị “ung thư giai đoạn đầu” về, chính Chung khoe với tôi: “May mà em phát hiện ra sớm. Bác sĩ khuyên cắt… thế là em cắt béng. Nhưng bây giờ phải sống chung với thuốc, ít nhất là 5 năm…”.

Sau này, thấy Chung vẫn một tuần đi chơi tennis một buổi, rượu uống rất ít, và vẫn làm việc quần quật thì tôi tin sức khỏe của Chung đã ổn. Hôm trước khi Chung bị bắt, lúc gặp nhau, tôi có hỏi chuyện căn bệnh ung thư. Chung có bảo: “Bây giờ thì tạm ổn. Nhưng không đủ thuốc là không được…”

Nghe nói từ khi Chung vào trại giam, được kiểm tra sức khỏe và điều kiện nơi giam giữ đảm bảo. Tuy nhiên, việc đưa thuốc vào là rất khó khăn, bởi lẽ: Ai dám đảm bảo độ an toàn của thuốc… Việc đưa thuốc vào trại cho người bị giam giữ là phải có đơn của bác sĩ đủ thẩm quyền, và các loại thuốc đưa vào phải được kiểm tra, giám định.

Sự thật thứ hai là: Trong vụ tấn công vào Đồng Tâm, chính Nguyễn Đức Chung là người không đồng ý với kế hoạch của CA Hà Nội.

Sở dĩ tôi dám khẳng định điều này là vì ngay sau khi có chuyện ba cán bộ CA hy sinh, tôi có gọi điện hỏi Chung: Tại sao lại để anh em hy sinh thế?

Chung nói ngay: Kế hoạch đó, trong cuộc họp duyệt ngày 7 tháng 1, em không đồng ý. Quan điểm của em là dân Đồng Tâm không phải là kẻ địch. Và mang quân tấn công vào làng là cực kỳ nguy hiểm, không đúng với quan điểm, chủ trương xử lý điểm nóng của Đảng… Em còn cẩn thận ghi vào góc bản kế hoạch là “Tôi không đồng ý với kế hoạch này…”

Tôi rất ngạc nhiên khi nghe Chung nói vậy. Sau này, tôi có lần hỏi lại “Tại sao lãnh đạo TP không đồng ý mà CA HN vẫn làm?” Thì Chung chỉ lắc đầu: “Chuyện lằng nhằng lắm… Mà thôi, anh biết làm gì? Tổ bạc tóc!

CON BÀI CỦA ANH CHUNG ?

DƯƠNG QUỐC CHÍNH/ TD 19-9-2020

Nói gì thì nói, anh Chung từng là một viên tướng CA, là CSHS, nên đầu anh có sỏi về đánh án. Anh là chuyên gia đấu tranh với tội phạm, nên khi anh thành tội phạm thì đấu tranh với anh không phải dễ!

Hôm qua anh Phong “chó” tung ra một stt về anh Chung, kết hợp với CÁI ĐƯỢC CHO LÀ BIÊN BẢN lời khai của sát thủ bắn chết ông Kình, thì mình mới hiểu thêm được nhiều điều về vụ án Đồng Tâm. Như thường lệ, mình chỉ là người nhặt nhạnh các thông tin công khai trên mạng, phân tích chúng, để phục chế lại một bức tranh đang bị tẩy xóa.

Từ khi vụ việc xảy ra ngày 9/1/2020 cho đến khi tòa xử, mình và đa số mọi người vẫn cho rằng TỔ CÔNG TÁC là do Bộ ông an chỉ đạo, Công an HN chỉ hỗ trợ Cảnh sát PCCC. Bởi vì 2 chiến sỹ CSCĐ được cho là chết cháy tại nhà ông Kình là biên chế thuộc Bộ tư lệnh CSCĐ (do sự điều động của BCA chứ không phải CAHN). Ngay khi vụ việc xảy ra thì mình đã có nhận định như vậy.

Tuy nhiên, khi phiên tòa diễn ra, thì có thông tin về kế hoạch 419A, tấn công Đồng Tâm, do CAHN soạn thảo, Thành phố HN thông qua và BCA phê duyệt. Dường như thông tin đó nhằm đẩy trách nhiệm về cuộc tấn công cho phía TPHN mà đại diện là anh Chung, lúc này đã không còn cơ hội lên tiếng do đã bị bắt. Lúc này dư luận lại chĩa mũi dùi về phía anh Chung. Vì nói gì nói, đây là một cuộc tấn công thất bại, ít nhất là về mặt thiệt hại quân số.

Khi biên bản xét hỏi người bắn chết ông Kình được “rò rỉ” thì mình mới giật mình khi thấy sát thủ thuộc biên chế của CS hình sự CAHN, cùng một số CS đặc nhiệm (K02) khác tham gia tấn công. Tức là CAHN có tham chiến chứ không chỉ có làm nhiệm vụ PCCC.

Biên bản cũng cho thấy rằng có NHIỀU tổ công tác chứ không phải chỉ có một tổ. Tổ công tác của ông Quảng, lúc đó đang ở xóm khác, đã tăng viện sau khi có tin 3 CA chết, họ chạy bộ 2km để tới nhà ông Kình. Tức là CA đã bao vây tối thiểu là với bán kính 2km từ nhà ông Kình, chắc kín làng luôn?

Như vậy có nghĩa là tổ công tác của CSCĐ (thuộc Bộ tư lệnh) tấn công trước, nhưng thất bại, nên gọi cứu viện bởi tổ công tác chuyên nghiệp hơn. Có thể thượng tá NHT (bị cháy) là một tổ trưởng CSCĐ.

Thông tin từ anh Phong “chó” mình đoán là rất khó bịa 100%, nhất là khi có chi tiết anh Chung bút phê vào bản kế hoạch là không đồng ý (với vai Chủ tịch HN). Bởi vì bút phê đó, nếu có, thì vẫn còn lưu. Nếu đây là chuyện bịa thì rất rủi ro cho anh Phong khi tung tin nhảm. Anh cũng từng là đại tá CA, nên chắc không dại thế?

Khi xâu chuỗi hai sự kiện, ta có thể DỰ ĐOÁN rằng chính team anh Chung làm rò rỉ biên bản kia như một động thái dằn mặt các đồng chí của mình? Nếu chuyện đó là đúng thì có nghĩa là team này còn đang giữ một bản sao của kế hoạch tấn công TỐI MẬT kia và có thể sẽ bung hàng tiếp trong một hoàn cảnh được định trước, khi “đàm phán” thất bại? Anh Chung chắc không khó để có những tài liệu này do anh từng là Giám đốc CAHN. Anh Phong chó là một trong các cơ quan ngôn luận của nhóm này.

Bản kế hoạch không được cung cấp cho các luật sư trong hồ sơ vụ án chứng tỏ nó có nhiều điều uẩn khúc, bất lợi cho phía BCA? Nên khả năng đây sẽ là con bài của nhóm anh Chung? Tội danh của anh Chung, theo ông Tô Ân Xô chánh VP BCA, là:

“Ông Nguyễn Đức Chung có liên quan đến 3 vụ án. Đối với vụ án chiếm đoạt tài liệu bí mật, bộ đã chứng minh ông Chung có chiếm đoạt một số tài liệu bí mật và trong số các tài liệu này, “có một số tài liệu liên quan đến vụ Nhật Cường”.

Trước đây chúng ta chỉ nghĩ là tài liệu mật này chỉ là ở vụ Nhật Cường, nhưng sau khi xâu chuỗi sự kiện thì mình nghi là cả vụ Đồng Tâm, còn vụ khác nữa thì chưa rõ. Các tài liệu này có lẽ sẽ được dùng để đàm phán giữa 2 bên.

Stt nhạy cảm của anh Phong đã bị ẩn. Tức là nó rất có vấn đề! Tất cả các phân tích trên của mình chỉ là phỏng đoán và có thể sai, mọi người tiếp cận dè dặt nhé. Kẻ lấy được tài liệu từ CA thì chỉ có thể là chính CA mà thôi!

Phân tích này củng cố cho nhận định của mình bấy lâu nay là có khi thắng thua trong vụ án này không phải do luật sư mà là do nội bộ đánh nhau hoặc sức ép quốc tế.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét