Thứ Tư, 23 tháng 9, 2020

20200924. BÌNH LUẬN Ý KIẾN ÔNG VÕ VĂN THƯỞNG VỀ TRIẾT HỌC

 ĐIỂM BÁO MẠNG 

ÔNG VÕ VĂN THƯỞNG MONG MUỐN VIỆT NAM CÓ NHỮNG TRIẾT GIA TẦM CỠ

THÀNH NAM/ VNN 20-9-2020

Đại hội thành lập Hội Triết học Việt Nam diễn ra tại Hà Nội vào sáng nay (20/9). Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng tới dự và phát biểu.

Phát biểu tại Đại hội, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng nhấn mạnh, việc thành lập Hội Triết học là dấu mốc quan trọng, đánh dấu sự tập hợp những người làm công tác triết học nhằm trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ và giúp đỡ lẫn nhau, nâng cao hiệu quả hoạt động của công tác nghiên cứu, giảng dạy triết học, góp phần vào công cuộc bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước.

Điểm lại quá trình hình thành, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cho biết từ rất sớm, dân tộc ta đã phần nào tiếp cận được tinh hoa triết học của nhiều quốc gia, đặc biệt là các quốc gia ở phương Đông.

Khi một số trung tâm khoa học châu Âu có mặt tại Hà Nội, chúng ta không chỉ tiếp nhận được nội dung của nhiều học thuyết, nhiều khuynh hướng triết học mà còn tiếp nhận được cả phương pháp tư duy triết học ở trình độ cao của nhân loại.

Theo Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, những yếu tố trên góp phần không nhỏ vào sự phát triển tư tưởng triết học Việt Nam, song, về cơ bản, sự phát triển tư tưởng triết học Việt Nam là kết quả sự kế thừa và phát triển trí tuệ uyên bác của cha ông ta từ thực tiễn hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước.

Ông Võ Văn Thưởng mong muốn Việt Nam có những triết gia tầm cỡ
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng

"Việt Nam chưa có nền triết học sánh ngang với triết học Hy Lạp - La Mã bề thế, với triết học Ấn Độ sâu sắc, với triết học Trung Hoa thâm thúy, hay với triết học duy lý của Tây Âu nhưng Việt Nam bên cạnh nền văn hóa vật thể ẩn chứa vô vàn những triết lý hành động, còn có nền văn hóa Văn - Sử - Triết bất phân, có sự kết hợp tinh tế giữa các loại hình văn hóa với tư duy tín ngưỡng dân tộc…", ông Võ Văn Thưởng bày tỏ  

Gần một thế kỷ qua, kể từ khi triết học Mác - Lênin được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam truyền bá ở Việt Nam, tính khoa học, tính cách mạng, tính nhân văn của nó đã được giới lý luận và các nhà hoạt động xã hội Việt Nam nhanh chóng tiếp thu, vận dụng và phát triển sáng tạo.

Sự tiếp thu, vận dụng và phát triển sáng tạo này đã góp phần làm cho triết học Mác - Lênin trở thành thế giới quan, phương pháp luận định hướng cho hoạt động nhận thức và hoạt động thực tiễn của dân tộc, kể cả thực tiễn lao động xây dựng đất nước, xây dựng phát triển văn hóa, con người...

Theo Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, nhìn lại gần 35 năm qua, khi thực hiện công cuộc đổi mới, trước hết là đổi mới tư duy, đã đem lại nhận thức đầy đủ hơn, đúng đắn hơn về chủ nghĩa tư bản, về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên xã hội chủ nghĩa, về thời kỳ quá độ và những đặc trưng của xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng.

Ông khẳng định sự nhận thức đầy đủ hơn, đúng đắn hơn này trước hết là nhờ tư duy triết học. Tư duy biện chứng duy vật đã cung cấp cơ sở lý luận làm thay đổi phương thức phát triển đất nước - từ chỗ cứng nhắc, chủ quan, giáo điều sang phương thức mềm dẻo hơn, thực tế hơn, năng động hơn, sáng tạo hơn.

Tư duy này đã định hướng đưa nước ta ra khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế- xã hội, ra khỏi tình trạng một nước nghèo và từng bước vững chắc đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng ở nước ta, ngoài triết học Mác - Lênin, các triết học khác ít được nghiên cứu sâu, thậm chí ít được biết đến, trong hệ thống giáo dục quốc dân, việc giảng dạy và nghiên cứu triết học chưa đạt chất lượng cao. Hiện nay chưa có nhà triết học Việt Nam nào đủ nổi tiếng hoặc đạt đến trình độ chuyên gia, sự gắn kết giữa triết học với chính trị và với thực tiễn vẫn còn nhiều vấn đề cần phải giải quyết…

Từ nhu cầu phát triển của xã hội, từ thực trạng các mặt của ngành Triết học Việt Nam, thay mặt  Ban Bí thư, lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương, và với tư cách cá nhân của một người học triết học, ông Võ Văn Thưởng khẳng định Hội Triết học có nhiệm vụ quan trọng. 

Đó là nghiên cứu khoa học, tư vấn chính sách, phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền và chức năng để đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực có tri thức và tư duy triết học cao, đồng thời góp phần nâng cao hiểu biết của nhân dân về triết học, cung cấp cơ sở lý luận triết học cho việc hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Hội Triết học cần đẩy mạnh nghiên cứu tinh hoa triết học thế giới, nghiên cứu tư tưởng triết học Việt Nam, nghiên cứu và phát triển Triết học Mác - Lênin, tư tưởng triết học Hồ Chí Minh nhằm cung cấp cơ sở lý luận triết học cho đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Đặc biệt với các mục tiêu cụ thể và to lớn mà Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã chỉ ra trong bài viết “Chuẩn bị và tiến hành thật tốt Đại hội XIII của Đảng, đưa đất nước bước vào một giai đoạn phát triển mới” là: Phấn đấu đến năm 2025 là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030, là nước đang phát triển, cơ bản có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; và đến năm 2045, trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Hội Triết học có nhiệm vụ góp phần làm sáng tỏ vai trò của triết học Mác - Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh với tính cách là bộ phận cấu thành quan trọng trong nền tảng tư tưởng của Đảng ta, là ngọn cờ tư tưởng và là hạt nhân lý luận của thế giới quan và phương pháp luận cho mọi hoạt động lý luận và thực tiễn.

Từ góc độ lý luận triết học, Hội Triết học cần đẩy mạnh thực hiện nhiệm vụ đấu tranh phê phán, bác bỏ các quan điểm triết học sai trái, thù địch, đi ngược lại với lợi ích của dân tộc, đất nước.

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh Hội Triết học phải trở thành mái nhà chung của các thế hệ những nhà nghiên cứu, giảng dạy triết học của cả nước, cái nôi vun đắp, bồi dưỡng, để Việt Nam có những triết gia, chuyên gia nghiên cứu triết học tầm cỡ khu vực và thế giới; là nơi tham gia tổ chức các diễn đàn học thuật uy tín về triết học cả trong và ngoài nước.

Thành Nam


ÔNG VÕ VĂN THƯỞNG CÓ HỌC... TRIẾT ?

TRÂN VĂN/ Blog VOA/ TD 22-9-2020

Ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, thành viên Ban Bí thư kiêm Trưởng Ban Tuyên giáo của Ban Chấp hành Trung ương đảng CSVN, lại khuấy động dư luận khi ông chỉ đạo phải làm sao để Việt Nam có những… “triết gia tầm cỡ khu vực và thế giới” (1)!

Ông Thưởng đưa ra chỉ đạo vừa kể tại Đại hội thành lập Hội Triết học Việt Nam, diễn ra hôm 20 tháng 9 vừa với tư cách Ủy viên Bộ Chính trị, thành viên Ban Bí thư kiêm Trưởng Ban Tuyên giáo, vừa với tư cách… một người học Triết!

Theo Wikipedia thì ông Thưởng có… học Triết ở Đại học Tổng hợp TP.HCM và nhận văn bằng Cử nhân chuyên ngành Triết học Mác – Lê nin năm 1992, sau đó nhận thêm văn bằng Thạc sĩ về Triết năm 1999 cũng tại trường đại học này. Tuy nhiên đọc kỹ các bài tường thuật về chỉ đạo của ông Thưởng tại Đại hội thành lập Hội Triết học Việt Nam trên hệ thống chính thống, người ta sẽ cảm thấy hoang mang vì dường như ông chưa từng học… Triết như thiên hạ trước nay vẫn học!

***

Tuy khó có thể tìm được định nghĩa chung về Triết học được mọi người tán thành nhưng có lẽ nhiều người sẽ đồng tình, Triết học là lĩnh vực khoa học liên quan đến tư tưởng – lĩnh vực hết sức trừu tượng nên không dễ tiếp nhận, cảm thụ.

Học Triết là học cả về lịch sử tư tưởng loài người, lẫn phương pháp tư duy, cách thức lý giải suy tư về vạn vật và tương quan giữa thế giới, con người, xã hội,… Ở mức độ cao hơn, những người nghiên cứu Triết học đối chiếu, so sánh, khái quát để hỗ trợ thiên hạ ứng dụng Triết học vào suy nghĩ, phân tích, trình bày (viết, nói,…) sao cho chặt chẽ, rõ ràng, khúc chiết,… Cao hơn nữa là Triết gia, những người có thể đưa ra những suy nghĩ mới, cách lý giải mới về vạn vật…

Lịch sử Triết học là lịch sử của vô số tư tưởng, cách lý giải mới về vạn vật ở nhiều khía cạnh khác nhau, tại nhiều thời điểm có bối cảnh khác nhau trong lịch sử nhân loại và một trong những đặc điểm chính của Triết học là thuyết phục, không áp đặt.

Ông Thưởng học… Triết nhưng từ suy nghĩ đến diễn đạt chỉ bày ra một mớ bùng nhùng làm người ta thấy tội nghiệp cho… trường Đại học Tổng hợp TP.HCM. Đào tạo thế nào để một Thạc sĩ Triết, vừa thú nhận… Ngoài Triết học Mác – Lênin, những học thuyết khác ít được nghiên cứu sâu, thậm chí ít được biết đến. Việc giảng dạy và nghiên cứu triết học chưa đạt chất lượng cao, chưa có ai đạt đến trình độ chuyên gia, sự gắn kết giữa triết học với chính trị và với thực tiễn vẫn còn nhiều vấn đề cần phải giải quyết…

vừa khoe không thấy ngượng rằng thì là… Triết học Mác – Lê nin đã cung cấp cơ sở lý luận làm thay đổi phương thức phát triển đất nước, từ chỗ cứng nhắc, chủ quan, giáo điều sang phương thức mềm dẻo hơn, thực tế hơn, năng động hơn, sáng tạo hơn. Tư duy này đã định hướng đưa nước ta ra khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế- xã hội, ra khỏi tình trạng một nước nghèo và từng bước vững chắc đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng (?).

Nếu thật sự là như thế thì lập thêm Hội Triết học với nhiệm vụ làm sáng tỏ vai trò của triết học Mác – Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minhlàm nền tảng tư tưởng của ‘đảng ta’, làm ngọn cờ tư tưởng và là hạt nhân lý luận của thế giới quan, phương pháp luận cho mọi hoạt động lý luận và thực tiễn nhằm định hướng cho hoạt động nhận thức và hoạt động thực tiễn của dân tộc, kể cả thực tiễn lao động xây dựng đất nước, xây dựng phát triển văn hóa, con người… hoặc là… thừa, hoặc là ông Thưởng nói phét một cách vụng về!

Nếu Hội Triết học phải đẩy mạnh thực hiện nhiệm vụ đấu tranh phê phán, bác bỏ các quan điểm triết học sai trái, thù địch, đi ngược lại với lợi ích của dân tộc, đất nước thì còn chỗ nào để các thành viên này đẩy mạnh nghiên cứu tinh hoa triết học thế giới, nghiên cứu tư tưởng triết học Việt Nam nhằm cung cấp cơ sở lý luận triết học cho đường lối, chính sách của đảng và nhà nước? Cứ đẩy thật… mạnh theo chỉ đạo trái khoáy, ý trước thóa mạ ý sau như vậy thì làm sao… lòi ra… “triết gia tầm cỡ khu vực và thế giới”?

***

Không phải tự nhiên mà nhiều người xem Triết học là một lĩnh vực… sang trọng. Tiếng là Thạc sĩ Triết nhưng tư duy và diễn đạt của ông Thưởng không có khí độ, phong thái của một người học Triết! Dân gian gọi kiểu tư duy và diễn đạt ấy là… “Trạng”. Thôi thì còn sống thì nên hi vọng. Không thể hy vọng vào… “Trạng” Thưởng thì gửi chút hi vọng còn le lói vào Hội Triết học, mong rằng hội này không trở thành Hội… Trạng học. Chỉ một Hội đồng Lý luận của BCH TƯ đảng, xứ này đã đủ mạt rồi!

Chú thích

(1) https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/chinh-tri/ong-vo-van-thuong-mong-muon-viet-nam-co-nhung-nha-triet-gia-tam-co-675179.html

KỲ VỌNG CÓ NHỮNG TRIẾT GIA TẦM CỠ THẾ GIỚI, NHƯNG VẪN TRUNG THÀNH VỚI TRIẾT HỌC MÁC-LÊNIN

RFA 21-9-2020

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng khi tham dự Đại hội thành lập Hội Triết học Việt Nam diễn ra tại Hà Nội vào ngày 20/9, dù nhìn nhận nền triết học Việt Nam không thể sánh bằng các nền triết học Hy Lạp - La Mã bề thế, với triết học Ấn Độ sâu sắc, với triết học Trung Hoa thâm thúy, hay với triết học duy lý của Tây Âu... nhưng ông Thưởng vẫn kỳ vọng Việt Nam sẽ có những triết gia tầm cỡ thế giới.

Thực tế

Trong khi đó gần một thế kỷ qua cho đến nay, đảng cộng sản Việt Nam luôn rêu rao họ trung thành với triết học Mác - Lê Nin được Chủ tịch Hồ Chí Minh và đảng cộng sản truyền bá ở Việt Nam, thì liệu Việt Nam có thể có những triết gia tầm cỡ thế giới?

Khi trao đổi với RFA hôm 21/9 từ Sài Gòn, Nhà báo độc lập Nguyễn Ngọc Già, một nhà báo có niềm đam mê với triết học, trước hết đưa ra một giải thích dễ hiểu nhất về triết học:

“Triết học không phải là nghiên cứu cái gì, mà triết học giúp con người nghiên cứu. Có nghĩa là triết học là môn khoa học trừu tượng, không phải môn khoa học cụ thể, nó là nền tảng cho các môn khoa học khác, nó ứng dụng vào mọi lĩnh vực từ tự nhiên như vũ trụ học, thiên văn học, cho tới con người như chính trị học, luật học, y học... Cái quan trọng của triết học là phải có tính vận động, thứ hai là tác động đa chiều của mọi hiện tượng sự vật xung quanh.”

Quay trở lại với ý kiến của Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng tại Đại hội thành lập Hội Triết học Việt Nam, Nhà báo độc lập Nguyễn Ngọc Già nói tiếp:

“Khi họ đã trung thành với Triết học Mác - Lê Nin và Tư tưởng Hồ Chí Minh, thì tức là họ đã phạm vào tính vận động, tức là đứng yên rồi. Thứ hai, họ cũng phạm vào tính tác động đa chiều, bởi vì có một đảng thì làm gì có sự tác động. Đó là hai tính quan trọng nhất của triết học, triết học không có tính độc tôn vì vậy khi họ độc đảng thì rõ ràng họ đã phạm tính không có độc tôn. Triết học cũng không có sự trung thành, nếu trung thành thì triết học chỉ trung thành với thực tế mà thôi. Chúng ta cũng thấy một cái dễ nhận biết của triết học ứng điều, đó là nơi nào có sáng tạo và phát minh đó là là điểm dễ nhận thấy của một nền triết học lành mạnh.”

Vì vậy theo Nhà báo Nguyễn Ngọc Già, đối với nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam, mà cụ thể là đối với ông Võ Văn Thưởng, một Thạc sĩ triết học và là Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, thì ông cho rằng có lẽ ông Thưởng nên nghiên cứu lại từ đầu về nhập môn về triết học.

Với một chính đảng duy nhất là Đảng cộng sản Việt Nam, trung thành triết học Mác - Lê Nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, thì việc kỳ vọng có một triết gia tầm cỡ, cho dù chỉ là triết gia Mác - Lê Nin cũng vẫn là ẩn số.

Ông Nguyễn Khắc Mai, giám đốc Trung tâm Minh triết Việt, khi trao đổi với RFA hôm 21/9, nhận định:

“Ông Thưởng mong ước có những Triết gia Mác - Lê Nin tầm cỡ, nhưng cái giống đó đã tuyệt chủng ở Việt Nam rồi, nó chấm dứt sau khi Trần Đức Thảo chết ở Pháp, do ngược đãi của đảng cộng sản. Bởi vì Trần Đức Thảo là một triết gia thật sự, là một trí thức, và trong tư cách triết gia thật sự, họ có tinh thần hoài nghi khoa học cũng như tinh thần tự do tư tưởng. Và tất cả những điều ấy trái với Hồ Chí Minh, trái với triết học Mác - Lê Nin. Vậy Mác - Lê Nin có chân lý hay không, cái này mù mờ... Đa số đều cho rằng không có chân lý vì là một mớ tư duy lộn xộn... mâu thuẫn lẫn nhau... và cơ sở phương pháp luận của họ thì quá lạc hậu.”

Theo giám đốc Trung tâm Minh triết Việt, Nguyễn Khắc Mai, điều Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng nói, chỉ là mơ tưởng thôi, chứ thực tế thì sẽ không bao giờ có, vì nền tư tưởng chính trị tại Việt Nam càng ngày càng xuống cấp, thì lấy đâu ra những nhà tư tưởng Mác - Lê Nin? Ông nói tiếp:

“Và thứ hai, kể cả là triết gia Mác - Lê Nin, thì nó phải có một bầu khí để cho nó sống. Bầu khí đó không có gì khác là tinh thần tự do học thuật, tự do tư tưởng, tự do sáng tạo, và điều này chủ nghĩa Mác - Lê Nin không có. Mà không có bầu không khí đấy thì lấy đâu ra con người triết nhân tử tế, mà còn mong ước phải có những người vĩ đại. Cái vĩ đại này có nghĩ là đuôi to thôi, chứ không có nghĩa là lớn lao. Theo tôi, cách nghĩ của anh Thưởng cũng là chỉ nói cho vui, chứ trong thực tế thì không có được, mà rõ ràng mấy chục năm nay thực tế đã chứng minh.”

“Nền giáo dục không có triết học”

Từ nhiều chục năm nay, chính phủ Việt Nam coi việc giảng dạy các môn như Triết học Mác - Lê Nin, lịch sử Đảng - Tư tưởng Hồ Chí Minh là bắt buộc tại các trường học. Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, mục đích của việc đưa các bộ môn học này vào trong chương trình giảng dạy được nhấn mạnh là ‘để cung cấp cho sinh viên những kiến thức cơ bản của chủ nghĩa Mác Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh... xây dựng cho sinh viên thế giới quan, nhân sinh quan khoa học... Thế nhưng, thực sự các bạn trẻ ở Việt Nam coi những môn học này như thế nào?

Một bạn trẻ ở Hà Nội khi trả lời Đài Á Châu Tự Do, cho biết ý kiến của mình:

“Em thấy những môn đấy là mô típ xã hội chủ nghĩa... cứng, khó học. Các môn như kinh tế chính trị, triết học, lịch sử đảng em thấy các ngôn ngữ, quan điểm của nó rất trừu tượng. Có một bộ phận sinh viên không yêu thích, cũng như em thôi, thì học mang tính đối phó.”

Vì sao, những môn học như triết học Mác - Lê Nin, không thể thu hút giới trẻ? Theo Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên, nguyên Trưởng phòng Văn học So sánh Viện Văn học, nguyên Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội, về mặt lý luận thì triết học Mác - Lê Nin cần phải tương thích với thời đại ngày nay và phải thuyết phục được cả về mặt khoa học. Ông giải thích:

“Vì nếu coi Chủ nghĩa Mác - Lê Nin là một khoa học thì phải thuyết phục theo kiểu khoa học chứ không thể nói theo kiểu nói lấy được. Về thực tiễn chúng ta thấy từ năm 1991 tới giờ Liên Xô sụp đổ, hệ thống Xã hội chủ nghĩa không còn thì thực tiễn đó ở Việt Nam đi bên trong mô hình, là chủ nghĩa xã hội, kinh tế định hướng xã hội chủ nghĩa.”Phải làm rõ những cái đó so với thực tiễn, bây giờ rõ ràng có những mặt không phù hợp, lạc hậu.”

Cũng tại Đại hội thành lập Hội Triết học Việt Nam, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng cho rằng, ở Việt Nam ngoài triết học Mác - Lê Nin, các triết học khác ít được nghiên cứu sâu, thậm chí ít được biết đến, trong hệ thống giáo dục quốc dân, việc giảng dạy và nghiên cứu triết học chưa đạt chất lượng cao. Do đó hiện nay Việt Nam chưa có nhà triết học Việt Nam nào đủ nổi tiếng hoặc đạt đến trình độ chuyên gia.

Tuy nhiên ông Võ Văn Thưởng lại không hề nêu lên thực tế tại Việt Nam, liệu các giáo viên có thể tự do giảng dạy những kiến thức tinh hoa từ các nền triết học Hy Lạp - La Mã bề thế, triết học Ấn Độ sâu sắc, triết học Trung Hoa thâm thúy, hay từ triết học duy lý của Tây Âu... ?

Nhà báo độc lập Nguyễn Ngọc Già, nhận định tiếp:

“Vì triết học ứng dụng vào mọi lĩnh vực mà, nên ở đây có thể ông Võ Văn Thưởng và có lẽ là nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam nói chung, họ lầm triết học là một khoa học cụ thể, nên giáo dục của họ không có triết học, nên họ mất phương hướng. Nếu đúc kết một câu ngắn gọn ‘triết lý của giáo dục là gì’? Họ không có, họ chỉ dẫn những câu rất mông lung, ví dụ như của Hồ Chí Minh, của Lê Nin... chứ họ không có một triết lý gì cả. Vì vậy giáo dục của Việt Nam hiện nay là một nền giáo dục không có móng. Còn về chính trị, vì nó không có tính vận động và tác động đa chiều nên họ cứ khư khư độc đảng mấy chục năm qua. Mà độc đảng nói cho nhẹ thì họ không hiểu triết học là gì? Nói nặng thì họ đã phản bội triết học, đó là tính vận động, nó không chịu sự tác động.”

Tóm lại theo Nhà báo độc lập Nguyễn Ngọc Già, từ chính trị học cho tới giáo dục, văn hóa nghệ thuật và các lãnh vực khác, thì rõ ràng hiện nay Việt Nam đang lầm đường lạc lối vì không có triết học. Ông nói tiếp:

“Vì vậy chúng ta thấy Việt Nam có những người bị khuất lấp bởi thời gian. Ví dụ như là Linh mục Lương Kim Định, hay Triết gia Trần Đức Thảo... và những tư tưởng của những triết gia đó đã bị mai một.”

Nhà báo Nguyễn Ngọc Già cho rằng, có lẽ nhà cầm quyền cộng sản đã phủ một lớp bụi quá dầy theo thời gian, nên giới trẻ hiện nay trong nhà trường, họ không biết đến những triết gia như vậy, đó là điều rất đáng buồn cho giáo dục Việt Nam hiện nay.

TẠI SAO CHỈ CÓ ĐẢNG VIÊN MỚI THAM NHŨNG ?

ĐOÀN BẢO CHÂU/ TD 22-9-2020

Khi ngân sách nhà nước đang cạn kiệt, nền kinh tế đang phải vận lộn với Cúm Tầu mà Hội Triết học Việt nam được ra đời, chắc hẳn hội này phải có một sứ mệnh gì cao cả, có thể cứu nguy cho đất nước đây.

Nhân sự ra đời của Hội Triết học Việt nam, tôi mong các triết gia hãy vận dụng trí tuệ sáng láng của mình, hãy lý giải giúp người dân chúng tôi một số điều sau:

1. Chủ nghĩa xã hội được đưa vào Việt nam để giải phóng tầng lớp công nông ra khỏi đời làm thuê, để không bị bóc lột sức lao động, vậy mà bao năm rồi, tại sao đời sống công nông vẫn khổ cực lầm than, có nhiều anh Pha chị Dậu của thế kỉ 21 đến vậy?

2. CNXH được lập ra để đập tan bọn địa chủ và bọn tư bản, bọn chuyên bóc lột tầng lớp công nông, ấy vậy sao mà bỗng dưng giờ tôi thấy trong xã hội lại có nhiều bọn gia sản khổng lồ hơn cả cả trăm ngàn lần địa chủ, tư sản ngày xưa? Trong ấy có những đầy tớ của dân, các cán bộ cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã sống trong những biệt thự xa hoa?

3. Các đảng viên là những người được học tập rất nhiều về đạo đức cách mạng, ấy vậy mà tại sao chỉ có đảng viên mới tham nhũng là sao? Phải chăng bọn chúng là do thế lực phản động, thù địch cài cắm vào để hạ uy tín của đảng, hạ uy tín hình ảnh long lanh của người cán bộ cách mạng?

4. Khác hẳn với bọn tư bản giẫy mãi không chết, CNXH, CNCS chính là một thứ chủ nghĩa phục vụ người dân, vậy tại sao trên thế giới thì chỉ số về sự dân chủ, nhân quyền ở mấy nước cộng sản lại thấp nhất quả đất? Liệu có phải mấy tổ chức quốc tế chuyên đánh giá về mấy chỉ số này là do thế lực thù địch, thế lực phản động cài cắm để bôi nhọ chế độ ưu việt của chúng ta hay không?

5. Khẩu hiệu của CNXH là “người cày có ruộng”, ấy vậy mà tại sao dân cứ bị mất đất, mất nhà, biến thành dân oan, rồi sống lay lắt, vật vờ trên vỉa hè mà vẫn không được giải quyết. Phải chăng họ cũng là “thế lực thù địch”, được thuê để bôi xấu bộ mặt chế độ? Vậy sao không điều tra cho ra ngọn ngành mà tống họ vào tù hết đi? Còn nếu họ là nạn nhân của sự cướp bóc bất nhân thì sao không giải quyết, đền bù công lý cho họ?

6. Một vị nào đấy trong cơn sung sướng đã thốt lên đầy tự hào đến cao ngạo là cột điện bên Mỹ mà có chân thì cũng muốn đi về Việt Nam, tức là xứ sở này thực sự đã được đặt chân tới thiên đường XHCN rồi, vậy tại sao ưu việt rực rỡ như vậy mà sản xuất cột điện cũng không xong, sản xuất để chịu bão cấp 12 mà mới cấp 5 mà có tới 408 cột điện đã đồng loạt nằm rạp xuống đất là sao? Phải chăng chúng học được tinh thần “anh hùng Núp”, thấy gió to là nằm xuống để tránh thiệt hại? Thế này mà chúng “nằm” vào nhà dân, vào người dân thì thương vong ai chịu trách nhiệm? Trong chế độ kẻ nào cũng có phần riêng nhưng trách nhiệm là của chung, tức là không của ai cả thì dân biết bắt đền nơi đâu, bắt đền ai?

Triết học là một môn khoa học đòi hỏi tư duy sâu sắc lô-gic và tự do tuyệt đối về tư tưởng để lý giải về ý nghĩa của cuộc sống, của sự tồn tại của con người. Ấy vậy mà phải mang trọng trách gánh vác nhiệm vụ chính trị XHCN, vậy triết học ấy là loại triết học gì mà đòi sánh vai với các cường quốc về triết học?

Ở đời phải biết mình là ai, không nên cứ thấy người ta nói triết học là mình cũng triết học. Các vị cứ trả lời thấu đáo được mấy câu hỏi của kẻ thường dân ít học này đi đã rồi hẵng bay bổng chốn trí tuệ cao siêu lộng lẫy. Nếu không trả lời được thì các vị và cả cái hội của các vị chỉ là một lũ ăn hại, tốn tiền thuế vốn đã eo hẹp của dân mà thôi.

THIẾU KHÔNG GIAN TỰ DO TƯ TƯỞNG, VIỆT NAM KHÓ LÒNG CÓ TRIẾT GIA

LÝ MINH/ LK/BVN 28-9--20020

Một cảnh sát canh gác khu vực diễn ra Đại hội Đảng Toàn quốc của Đảng Cộng sản Việt Nam, ngày 25/1/2016. Ảnh: Hoang Dinh Nam—AFP/Getty Images

Việt Nam vừa mới tổ chức thành lập Hội Triết học Việt Nam.

Trong bài phát biểu tại đại hội thành lập, ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, với tư cách một người học triết, có một mong muốn là Việt Nam có những triết gia tầm cỡ. Đó là một mong muốn hoàn toàn chính đáng của một người học triết ra, những nhà nghiên cứu triết học  những người yêu thích triết học.

Tuy nhiên, với cương vị của Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, ông Thưởng có lẽ sẽ hiểu rằng đó là một mong muốn rất khó trở thành hiện thực ở Việt Nam trong bối cảnh hệ tư tưởng chính thống của Việt Nam hiện nay vẫn chỉ là hệ tư tưởng Marx-Lenin. Chính Ban Tuyên giáo do ông lãnh đạo sẽ tìm mọi cách để loại bỏ hoặc hạn chế các hệ tư tưởng triết học khác có khả năng cạnh tranh với hệ tư tưởng chính thống của đảng ông.

Trong lịch sử nhân loại, có một số thời kỳ mà các tư tưởng của các triết gia xuất hiện như thời Hy Lạp cổ đại với sự xuất hiện của nhiều triết gia với đủ các trường phái đối lập nhau. Mỗi trường phái có một cách giải thích khác nhau về sự hình thành và vận hành của thế giới. Có trường phái cho rằng vũ trụ do nước tạo ra, có trường phái lại cho rằng vũ trụ do lửa tạo ra, có trường phái có quan điểm duy tâm, có trường phái lại có quan điểm duy vật. Vấn đề mấu chốt là xã hội Hy Lạp cổ đại thời bấy giờ có một không gian tự do về tư tưởng để tất cả các triết gia thuộc nhiều trường phái khác nhau có thể suy nghĩ và bày tỏ suy nghĩ của mình.

Trung Quốc cổ đại cũng có một thời kỳ “trăm hoa đua nở” về tư tưởng tương tự như Hy Lạp cổ đại, đó là thời Xuân Thu Chiến Quốc. Đó là thời kỳ Trung Quốc được tự do tư tưởng, do đó, nhiều nhà tư tưởng khác nhau xuất hiện như Khổng Tử với tư tưởng trung dung, Lão Tử với tư tưởng vô vi, Hàn Phi tử với tư tưởng pháp trị…

Hai thời kỳ rực rỡ về tư tưởng của Hy Lạp cổ đại và Trung Quốc cổ đại cho thấy rằng các triết gia chỉ có thể xuất hiện trong một môi trường đảm bảo tự do về tư tưởng. Nếu Việt Nam muốn xuất hiện một triết gia tầm cỡ như lời ông Võ Văn Thưởng đã nói thì điều cần làm đầu tiên không phải là thành lập Hội Triết học Việt Nam mà chính là đảm bảo về quyền tự do tư tưởng.

Một triết gia tầm cỡ là triết gia sáng tạo ra một tư tưởng độc nhất mà chưa có ai nghĩ ra. Để làm được điều đó, triết gia đó cần một môi trường để tư tưởng độc nhất đó có thể được lên tiếng, thông thường thông qua việc viết sách để công bố học thuyết của mình. Một học thuyết triết học được xem là mới thông thường sẽ phê phán các học thuyết cũ. Ví dụ như học thuyết xã hội chủ nghĩa của Marx đã phê phán tư tưởng tư bản chủ nghĩa. Một triết gia tầm cỡ chắc chắn sẽ tìm cách phủ nhận các học thuyết cũ, mở ra một chân trời mới cho nhân loại về tư tưởng.

Liệu Ban Tuyên giáo mà ông Võ Văn Thưởng là trưởng ban có chấp nhận sự xuất hiện của một học thuyết triết học hoàn toàn mới, vượt ra ngoài suy nghĩ và nhận thức của những người đang đảm trách việc giám sát hệ thống tư tưởng của Việt Nam?

Nếu chấp nhận tự do tư tưởng thì tư tưởng triết học mới có thể xuất hiện, các triết gia tầm cỡ mới xuất hiện.

Từ quan điểm trên, nếu để góp phần tạo ra một triết gia Việt Nam tầm cỡ thì việc lập Hội Triết học Việt Nam theo tôi là việc làm không cần thiết.

Mặc dù vậy, tôi hoàn toàn ủng hộ quyền tự do lập hội của tất cả mọi người với điều kiện các hội được thành lập không sử dụng ngân sách nhà nước mà phải tự thân vận động về kinh phí.

Một trong những lý do quan trọng trong việc độc lập về kinh phí của Hội Triết học so với các hiệp hội khác đó là độc lập về kinh phí sẽ dẫn tới độc lập về hoạt động, sau đó là độc lập về tư tưởng. Khi đó, các thành viên trong Hội Triết học Việt Nam mới có thể tự do trong suy nghĩ, từ đó mới có thể tạo ra những tư tưởng mới, những tư tưởng mới cọ xát với nhau để tạo nên những trường phái triết học mới. Khi đó, những triết gia tầm cỡ mới có thể ra đời.

Là một người hoài nghi, cũng là một người yêu thích triết học, tôi cho rằng thiếu một không gian tự do tư tưởng, Việt Nam khó lòng có triết gia, mặc dù trong thâm tâm của những người Việt yêu mến triết học, ai cũng mong muốn Việt Nam xuất hiện một triết gia tầm cỡ.

L.M.

Nguồn: luatkhoa.org/2020-09

TÔI NGHI NGỜ

NGUYỄN ĐÌNH CỐNG/ BVN 29-9-2020

Đại hội thành lập Hội Triết học Việt Nam vào ngày 20/9/2020. Ông Võ Văn Thưởng, Trưởng Ban Tuyên giáo ĐCSVN đã có bài phát biểu chỉ đạo, trong đó có đoạn như sau:  “Hội Triết học có nhiệm vụ góp phần làm sáng tỏ vai trò của triết học Mác - Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh với tính cách là bộ phận cấu thành quan trọng trong nền tảng tư tưởng của Đảng ta, là ngọn cờ tư tưởng và là hạt nhân lý luận của thế giới quan và phương pháp luận cho mọi hoạt động lý luận và thực tiễn. Từ góc độ lý luận triết học, Hội Triết học cần đẩy mạnh thực hiện nhiệm vụ đấu tranh phê phán, bác bỏ các quan điểm triết học sai trái, thù địch, đi ngược lại với lợi ích của dân tộc, đất nước”.

Đọc xong tôi nghi ngờ. Phải chăng những việc như ông Thưởng vừa nêu là nhiệm vụ của Triết học. Tôi bèn bỏ công ôn lại những khái niệm đã biết về triết học và tìm hiểu thêm thì thấy không phải như thế! Triết học  có nhiệm vụ nghiên cứu những vấn đề chung và cơ bản của con người, về thế giới quan. Tôi chưa tìm thấy chỗ nào các triết gia bàn về việc làm sáng tỏ tư tưởng chính trị, về đấu tranh phê phán quan điểm thù địch.

Những nhiệm vụ do ông Thưởng nêu ra phải chăng là của Hội đồng lý luận trung ương, của Ban Tuyên giáo thuộc ĐCSVN.

Tôi biết nhiều trường phái triết học, nhưng chưa nghiên cứu được sâu, chưa phải là triết gia. Hình như mỗi trường phái triết học chỉ tập trung trình bày quan điểm của mình mà không vạch ra thế lực thù địch. Triết học nghiên cứu những vấn đề chung, những quy luật chi phối xã hội. Thế rồi các nhà chính trị thấy triết học nào thích hợp thì dùng. Như vậy triết học đứng ngoài chính trị, thậm chí có phần cao hơn chính trị. Nhưng theo ông Thưởng thì phải chăng Hội Triết học cần phụ họa cho chính trị? Thế thì đó là Hội Giả Danh Triết Học.  Chỉ có Tuyên giáo của ĐCS mới cần hội như thế chứ dân tộc Việt Nam không cần. Vì vậy không nên gọi là Hội Triết học VN mà cần gọi cho đúng là Hội Giả Danh Triết Học của ĐCSVN.

Nếu cần tìm quan điểm đi ngược lại với lợi ích của dân tộc, của đất nước thì nhiều dân tộc trên thế giới đã khẳng định và vứt bỏ, nhiều người ở Việt Nam đã tìm ra, đó là chế độ cộng sản đầy ảo tưởng, là chủ nghĩa Mác Lê (CNML) với chuyên chính vô sản và công hữu hoá toàn bộ nền sản xuất, với vai trò lãnh đạo của giai cấp vô sản và độc quyền thống trị của đảng cộng sản. Tất nhiên là Ban Tuyên giáo của ĐCSVN, phần đông lãnh đạo của đảng cùng những trí thức của đảng kịch liệt phản đối quan điểm vừa nêu, họ ra sức chứng minh rằng chỉ có CNML là duy nhất đúng, là kim chỉ nam, là đuốc soi đường đưa nhân loại đến hạnh phúc toàn vẹn.

Để biết CNML đúng sai, hay dở như thế nào thì cần có đối thoại công khai để tìm chân lý. Năm 2017 ông Thưởng đã có lần nêu ra sự cần thiết phải đối thoại, nhưng hình như bị áp lực mạnh nào đó mà ông im luôn, không nghe nhắc lại.

Năm 2019 có một nhóm trí thức do tôi đại diện gửi yêu cầu tổ chức đối thoại đến Ban Tuyên giáo và Hội đồng lý luận. Ban Tuyên giáo đã giữ quyền im lặng tuyệt đối còn Hội đồng lý luận có đồng ý đối thoại nhưng lại đưa ra những điều kiện mà chúng tôi không thể chấp nhận. Vì thế đối thoại vẫn chưa được tổ chức.

Thực ra đối thoại cũng chỉ là một biện pháp chứ quan trọng hơn là tự do ngôn luận, tự do báo chí. Quyền này của Dân được ghi trong Hiến pháp, nhưng Nhà nước tìm mọi cách cản trở.

Bây giờ lập ra Hội Triết học. Xin hỏi liệu Hội có dám đấu tranh cho tự do ngôn luận, có dám tổ chức đối thoại công khai về CNML?

Trong khi chưa dám làm hai việc vừa nêu thì liệu có dám tổ chức cho những hội viên Hội Triết học, những ủy viên của Hội đồng lý luận và Ban Tuyên giáo nghe những lập luận phản biện CNML? Tổ chức công khai thì tốt, mà tổ chức kín trong nội bộ cũng được. Hãy mời những người như Nguyên Ngọc, Chu Hảo, Nguyễn Quang A đến thuyết trình. Riêng tôi, nếu được mời tôi xin sẵn sàng đến nói về những sai lầm của Mác, về những độc hại của CNML, và về con đường dân chủ hóa đất nước. Thời gian từ 30 phút đến 30 giờ.

N.Đ.C.

Tác giả gửi BVN

TÔI CHỌC NGOÁY HỘI TRIẾT HỌC VN VÀ XIN LÀM TRỢ THỦ CHO BÁC NGUYỄN ĐÌNH CỐNG

TRẦN ĐẮNG/ TD 28-9-2020

Triết học Mác-Lê nin sai từ gốc, viết ra đây rất mong những “triết gia tự phong” của VN ta và những người làm triết học phản biện, nhưng đừng ngụy biện đem CA, súng, còng bắt tôi nhé! Nhân đọc bài “Tôi nghi ngờ” của GS TS Nguyễn Đình Cống, tôi xin làm trợ thủ cho bác.

15 tuổi tôi đã đọc, hiểu hết triết học Mác — Lênin. Hồi đó tôi không phản biện được, thấy rất hay, suốt ngày suốt đêm tôi biện luận, rồi còn cho mình khôn hơn, tài giỏi hơn bạn bè! 34 tuổi tôi phản biện tốt, triết học này sai rành rành, viết ra đây để mấy cái đầu thủ cựu có tính “hàn lâm”, “phát ngôn chính thức của đảng” cãi gỡ sao cho ra.

Nếu các ông CS không phản biện thì như các ông thấy nhà dột mà không sửa vậy, các ông ở dơ, các ông phản logic và tôi ngầm hiểu các ông đuối lý, thua. Nếu phản biện rồi mà vẫn thua, thì các ông phải xem triết lý của tôi là “chính thức đúng”!

***

Trước tiên, tôi trình bày về lý thuyết triết học Mác — Lênin. Họ viết rằng, thế giới càng ngày càng phát triển đi lên, như xưa từ chạy bộ, đến đi ngựa, đi xe cơ giới, nay là máy bay. Một trong hai nguyên lý của họ là Nguyên lý về sự phát triển là nguyên tắc lý luận mà trong đó khi xem xét sự vật, hiện tượng khách quan phải luôn đặt chúng vào quá trình luôn luôn vận động và phát triển (vận động tiến lên từ thấp đến cao, từ đơn giản đến phức tạp, từ kém hoàn thiện đến hoàn thiện hơn của sự vật).

Một trong 3 quy luật chính của họ là quy luật phủ định của phủ định. Ph. Ăng-ghen viết: Lấy ví dụ một hạt lúa. Trong quá trình phát triển của nó, nó biến thành cây lúa. Như vậy cây lúa phủ định hạt lúa. Cây lúa phát triển đến mức cao nhất thì bị phủ định, cho ra hạt lúa trở lại, nhưng trên cơ sở cao hơn là nhiều hạt lúa hơn.

Xã hội loài người cũng vậy. Đầu tiên là chế độ cộng sản nguyên thủy. Phủ định CS nguyên thủy là các chế độ chiếm hữu nô lệ, phong kiến và tư bản. Phủ định chế độ chiếm hữu nô lệ, phong kiến & tư bản là chế độ cộng sản trở lại, nhưng trên cơ sở cao hơn là chế độ cộng sản khoa học.

Như vậy, tất yếu, loài người tiến lên xã hội cộng sản khoa học. Con đường phát triển của vạn vật là hình xoáy trôn ốc, là sự vật lặp lại cái cũ nhưng trên cơ sở cao hơn. Quy luật phủ định của phủ định là vậy.

Chỉ ra cái sai này thì … dễ. Hạt lúa có tính di truyền & biến dị, mà biến dị thì đa hướng, có thể cho ra cây lúa còi, hạt lép, cây không chống được sâu bệnh, không chịu hạn, không chịu được gió lớn,… Vậy nói cây lúa càng ngày càng hoàn thiện tức tốt hơn trước là sai.

Coi các video clip ở youtube về thiên văn, vũ trụ, ta thấy vũ trụ rất vô thường, tức đa hướng. Vũ trụ đi theo hướng tốt, hướng đi lên, hướng phát triển hoàn thiện nào nhỉ? Không có! Trái đất ta đang sống, bất cứ đâu & bất cứ khi nào cũng có thể bị động đất làm vợ (chồng) con ta chết, ta bị thương nặng thì “hoàn thiện” à?

Xa xưa, ta chạy bộ báo tin, địch cũng chạy bộ báo tin, có khi chạy nhanh hơn ta, là đa hướng chứ “hoàn thiện” gì nhỉ? Cơ giới phát triển, chạy, chuyển đồ vật nhanh hơn, xa hơn, rẻ hơn thì hồi Thế chiến II, Đức dùng xe tăng, đại bác giẫm nát châu Âu. Chỉ có châu Âu “văn minh” mới làm chết 50-60 triệu người như vậy. Vậy thì “cao”, “hoàn thiện” thế nào nhỉ?

Máy bay vận tải tốt thì B52 đánh Bắc Việt “ngon, bổ, rẻ” lắm. Vì máy bay Mỹ nhiều, tốt nên góp phần làm cho dân, lính VN ta ở hai miền chết 5-6 triệu người, Mỹ chỉ chết 58.000 lính. Nói về sinh mạng, VN ta thua.

Đã theo “thuyết phát triển” thì nó trái với lời ông Hồ đọc Tuyên Ngôn Độc Lập ngày 2-9-1945, nói ai cũng bình đẳng, cũng như Tuyên Ngôn Độc Lập Mỹ, pháp luật VN, pháp luật Mỹ, khẩu hiệu Cách mạng Pháp, đạo Phật, đạo Lão. Đã “phát triển” thì sao thu nhập trung bình của một người VN chỉ bằng 5% so với trung bình các nước giàu, như hít bụi họ vậy, bằng 20% so với thu nhập trung bình của ASEAN, tại sao? TQ muốn lấy dầu, cá, bắn giết ngư dân ở biển Đông ta như lấy đồ trong túi, cùng là bản chất đảng của giai cấp công nhân lãnh đạo mà gây họa cho ta, sao vậy?!

Một nguyên lý trong hai nguyên lý chính sai, một quy luật chính sai, suy ra triết học Mác — Lênin là triết học sai.

Tôi chốt lại kết luận: Vũ trụ, trái đất, sự việc, lịch sử, tư duy của chúng ta KHÔNG PHÁT TRIỂN mà là ĐA HƯỚNG. Tranh luận của CS các ông với tôi chỉ cần quanh câu này thôi.

Tiếp theo tôi xin giúp bác Nguyễn Đình Cống một tay, vì bác viết “triết học đứng ngoài chính trị, thậm chí có phần cao hơn chính trị”.

Nho Giáo là chính trị. Các nhà nho là những nhà chính trị. Khổng Tử coi Chu Công là thần tượng, mà Chu Công là “thánh”, là nhà cai trị đầu đời Chu. Chính Khổng Tử là nhà cai trị thiên tài. Ngày xưa cha ông ta coi đi làm quan giúp vua cai trị đất nước là lý tưởng, dĩ nhiên cha ông ta học nho.

Lão Tử, Trang Tử nói cái gì cũng là đạo. Đạo là khái niệm trung tâm của trường phái triết học Đạo Học Lão Trang. Tu luyện con người là đạo. Học đạo cũng là đạo. Trị dân cũng là đạo. Cái gì cũng bình đẳng với nhau và bình đẳng với con người nên không có chuyện triết học cao hơn chính trị đâu bác.

Đạo Nho, đạo Phật, đạo Lão, triết học Mác-Lê nin đều coi cái gì có tác dụng ở thực tiễn thì mới đáng theo học, thực hành. Cái gì phi thực tế thì 4 trường phái này không dùng. Lão Tử viết Đạo Đức Kinh là để đời sau tránh việc đổ vỡ, nhiều câu như danh ngôn giúp cho nhà chính trị. Vậy ông làm sáng tỏ tư tưởng việc làm hàng ngày của chúng ta, chứ không như bác viết “Tôi chưa tìm thấy chỗ nào các triết gia bàn về việc làm sáng tỏ tư tưởng chính trị”.

Cháu kính trọng bác Cống, đọc nhiều bài bác viết. Bác là người dũng cảm, dám nói giúp đồng bào mà số đông sợ CA. Bác Cống mà “dùng” cháu thì cháu sẵn sàng, như Lưu Bang dùng Trương Lương, Hàn Tín, Tiêu Hà, Trần Bình mà Lưu Bang cũng gồm đủ khả năng của tứ kiệt này và sau lên ngôi hoàng đế. Ngược lại, Hạng Vũ có một Phạm Tăng mà không biết dùng nên mất thiên hạ. Cháu thấy bác bàn về triết học như một em sinh viên không chuyên triết chỉ đáng điểm trung bình, nhưng các bài viết không phải triết học thì khá hay. Gừng càng già càng cay nên cháu tin tưởng bác.

_____

PS: Tôi ở miền Trung VN, nam, tuổi trung niên, là người lớn lên trong thời bao cấp, hồi thiếu nhi cũng yêu Bác Minh lắm râu. Tự học triết học. Bài viết thế này không phải tầm thường mà chứa hàm lượng chân lý rất cao, cỡ Tập Cận Bình mà đấu với tư tưởng bài này, có khi Tập thua. Tôi phê bình thẳng vào Mác, Lê, chứ cỡ hậu duệ như Tập, chưa đáng tôi tôn trọng!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét