Thứ Sáu, 18 tháng 9, 2020

20200919. TIN QUANH VỤ ÁN NGUYỄN THÀNH TÀI

                                          ĐIỂM BÁO MẠNG 


CỰU PHÓ CHỦ TỊCH TP.HCM NGUYỄN THÀNH TÀI HẦU TÒA
THANH PHƯƠNG/ VNN 16-9-2020

Sáng 16/9, TAND TP.HCM đưa ra xét xử ông Nguyễn Thành Tài (cựu Phó chủ tịch UBND TP.HCM) về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” theo khoản 3 Điều 219 BLHS 2015, khung hình phạt 10-20 năm tù.

Phiên tòa dự kiến kéo dài trong 6 ngày (từ 16 - 21/9). Chủ tọa phiên tòa là thẩm phán Nguyễn Thị Thanh Bình, Tòa Hình sự TAND TP.HCM.

Bị cáo buộc vai trò đồng phạm là Lê Thị Thanh Thúy (41 tuổi, Chủ tịch Công ty Hoa Tháng Năm và Công ty CP Đầu tư Lavenue); Đào Anh Kiệt (nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường); Nguyễn Hoài Nam (nguyên Bí thư quận 2) và Trương Văn Út (nguyên Phó phòng Quản lý đất, Sở Tài Nguyên và Môi trường).

26 tổ chức có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan được triệu tập tới tòa, đặc biệt có cả UBND TP.HCM, Ban chỉ đạo 09 TP và các ban ngành như Sở TN-MT, Tài chính, Cục thuế, cùng nhiều công ty, tổ chức và hơn chục cá nhân khác.

Cựu phó chủ tịch TP.HCM Nguyễn Thành Tài hầu tòa
Ông Nguyễn Thành Tài và Lê Thị Thanh Thúy

Luật sư Trương Trọng Nghĩa và luật sư Ngô Minh Hưng (Công ty Luật TNHH YKVN) bào chữa cho bị cáo Nguyễn Thành Tài.

Theo cáo trạng truy tố, giai đoạn 2008 - 2011 ông Nguyễn Thành Tài giữ cương vị Phó chủ tịch UBND TP.HCM, phụ trách lĩnh vực quy hoạch, kiến trúc, đầu tư xây dựng, quản lý nhà.

Về sai phạm trong vụ giao lô đất số 8 - 12 đường Lê Duẩn, quận 1, bước đầu xác định ông Nguyễn Thành Tài vì mối quan hệ tình cảm với bà Lê Thị Thanh Thuý (41 tuổi, nguyên Chủ tịch Công ty Hoa Tháng Năm, Chủ tịch HĐQT Công ty CP đầu tư Lavenue) mà giao cho công ty của bà này.

Lô đất này rộng 4.896m2 là công sản Nhà nước, do công ty TNHH MTV Quản lý kinh doanh nhà (gọi tắt là công ty Quản lý Nhà) thuộc UBND TP quản lý. Ông Tài đã chỉ đạo cấp dưới giao lô đất cho công ty bà Thuý.

Từ đề xuất của Công ty Quản lý Nhà, ông Tài chấp thuận thành lập pháp nhân mới để đầu tư khai thác dự án. Trong đó, Công ty Quản lý Nhà góp 50% cổ phần, số còn lại là 4 doanh nghiệp của Bộ Công thương.

Cựu phó chủ tịch TP.HCM Nguyễn Thành Tài hầu tòa
Khu đất 'vàng' 8-12 Lê Duẩn, quận 1

Nhưng ngay sau đó, Công ty Quản lý Nhà có đề xuất cho công ty Hoa Tháng Năm của bà Thuý tham gia 30% dự án. Khi thành lập pháp danh mới, là Công ty CP Đầu tư Lavenue, bà Thuý khi đó là Chủ tịch HĐQT công ty Hoa Tháng Năm giữ cương vị Chủ tịch HĐQT Công ty Lavenue.

Đáng nói 50% vốn góp ban đầu của 4 doanh nghiệp của Bộ Công thương là nguồn đi vay từ doanh nghiệp khác. Rất nhanh sau đó, 4 doanh nghiệp này đã bán đứt 50% cổ phần cho doanh nghiệp cho vay vốn. Kết cục phần vốn Nhà nước trong dự án chỉ còn 20%, còn lại 80% rơi vào tay tư nhân.

Trong vụ án nói trên còn có vai trò của bà Nguyễn Thị Thu Thuỷ (nguyên Giám đốc công ty Quản lý Nhà). Bà này đã ký các tham mưu, đề xuất cho công ty Hoa Tháng Năm tham gia vào dự án, đề xuất thành lập pháp nhân mới khai thác dự án; tham mưu cho ông Nguyễn Thành Tài ký quyết định thanh lý, tháo dỡ nhà số 12 đường Lê Duẩn…

Hiện, bà Thuỷ đã bỏ trốn. Bộ Công an đã có quyết định tách vụ án hình sự, tạm đình chỉ điều tra bị can và phát lệnh truy nã đối với bà Thuỷ, khi nào bắt được sẽ xử lý sau.

Hành vi sai phạm của ông Tài và đồng phạm đã gây thất thoát 1.927 tỷ đồng.


BỊ 'TÌNH CẢM' TÁC ĐỘNG, ÔNG NGUYỄN THÀNH TÀI GIAO ĐẤT VÀNG SAI LUẬT

GIA MIÊU/ LĐ 15-9-2020

Cựu Phó chủ tịch thường trực UBND TPHCM Nguyễn Thành Tài, 68 tuổi, bị xét xử về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí theo khoản 3 Điều 219 BLHS 2015, khung hình phạt 10-20 năm tù.

Bị cáo buộc vai trò đồng phạm là Đào Anh Kiệt (nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường), Lê Thị Thanh Thúy (41 tuổi, Chủ tịch Công ty Hoa Tháng Năm và Công ty cổ phần đầu tư Lavenue), Nguyễn Hoài Nam (cựu Bí thư quận 2) và Trương Văn Út (cựu Phó phòng Quản lý đất thuộc Sở Tài Nguyên và Môi trường).

Cũng liên quan đến vụ án, Nguyễn Thị Thu Thủy (61 tuổi, nguyên Giám đốc Công ty Quản lý kinh doanh nhà TP HCM) đang bị truy nã, cơ quan điều tra tách ra xử lý sau.

Theo cáo trạng, ông Nguyễn Thành Tài phụ trách lĩnh vực quy hoạch kiến trúc, đầu tư xây dựng, quản lý nhà thuộc sở hữu Nhà nước, nhà công vụ...

Năm 2007, UBND TP.Hồ Chí Minh có chủ trương phê duyệt cho đầu tư xây dựng khách sạn và một phần trung tâm thương mại tại khu đất số 8-12 đường Lê Duẩn, phường Bến Nghé, quận 1, TPHCM có tổng diện tích gần 5.000 m2 thuộc sở hữu Nhà nước.


Khu đất vàng Lê Duẩn khiến ông Nguyễn Thành Tài ngã ngựa. Ảnh: Ngọc Tiến
Khu đất vàng đường Lê Duẩn khiến cựu Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Tài "ngã ngựa". Ảnh: Ngọc Tiến

Tuy nhiên, trong quá trình sắp xếp lại, xử lý khu đất nêu trên, Lê Thị Thanh Thúy đã dùng quan hệ tình cảm cá nhân tác động đến Nguyễn Thành Tài ký nhiều văn bản và chỉ đạo trái pháp luật, vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước.

Cụ thể, năm 2011, ông Nguyễn Thành Tài, lúc đó là Phó Chủ tịch UBND TPHCM, đã ký quyết định giao lô đất vàng 8-12 Lê Duẩn cho Công ty Cổ phần đầu tư Lavenue (Công ty Lavenue) để thực hiện dự án đầu tư xây dựng khách sạn cao cấp, thương mại - dịch vụ, căn hộ cho thuê.

Mặc dù biết rõ khu đất 8-12 Lê Duẩn là nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước, song Nguyễn Thành Tài đã ký nhiều văn bản và chỉ đạo các đối tượng Nguyễn Thị Thu Thủy, Đào Anh Kiệt, Nguyễn Hoài Nam và Trương Văn Út thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật trong quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước.

Các cá nhân liên quan đã ký văn bản chấp thuận thay đổi chủ trương đầu tư cho phép doanh nghiệp tư nhân tham gia góp vốn thực hiện dự án, quyết định giao đất và cho thuê đất theo hình thức chỉ định không qua đấu giá quyền sử dụng đất.

Bên cạnh đó, các cá nhân liên quan còn quyết định áp dụng 22 hình thức giao đất và cho thuê đất đối với cùng dự án và cho thanh lý nhà số 12 đường Lê Duẩn không bán đấu giá tài sản tạo điều kiện cho Lê Thị Thanh Thúy được tham gia thực hiện dự án.

Hành vi của các đối tượng liên quan gây hậu quả biến khu đất “vàng” số 8-12 đường Lê Duẩn từ sở hữu Nhà nước sang sở hữu của doanh nghiệp tư nhân trái pháp luật, gây thất thoát, lãng phí cho Nhà nước số tiền 1.927 tỉ đồng.

Liên quan vụ án, cơ quan điều tra đã kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý nghiêm về mặt Đảng và chính quyền đối với ông Lê Hoàng Quân, nguyên Chủ tịch UBND TPHCM, Trưởng ban chỉ đạo 09 (Ban chỉ đạo sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước TP.HCM); bà Nguyễn Thị Hồng, nguyên Phó Chủ tịch UBND TPHCM, Phó trưởng ban chỉ đạo và một số cá nhân khác là thành viên Ban chỉ đạo 09 vì không kịp thời phát hiện, xử lý theo quy định đối với những vi phạm của ông Nguyễn Thành Tài và các bị can liên quan.

Liên quan đến phiên toà ngày 16.9, luật sư của các bị cáo đã gửi kiến nghị đến TAND TPHCM đề nghị tòa án triệu tập thêm một số người là cán bộ, chuyên viên Sở TN&MT TPHCM tham dự phiên tòa sắp tới. Các luật sư cho rằng, cần phải làm sáng tỏ quy trình tiếp nhận, phân công, xử lý giải quyết hồ sơ của Sở TN&MT và Phòng quản lý đất.

GIA MIÊU
HÉ LỘ MỐI QUAN HỆ GIỮA ÔNG NGUYỄN THÀNH TÀI VÀ BÀ THỦY
HOÀI THANH /ZING 16-9-2020

Sáng 17/9, phiên tòa xét xử cựu Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Tài cùng 4 đồng phạm bước vào ngày làm việc thứ 2.

Căn cứ định giá khu đất

Mở đầu phiên xử, các luật sư bào chữa cho bị cáo Nguyễn Thành Tài tranh cãi gay gắt với cơ quan định giá xoay quanh việc định giá khu đất 8-12 Lê Duẩn.

Theo luật sư Ngô Minh Hưng (bào chữa cho bị cáo Nguyễn Thành Tài), vào năm 2011, kết luận giám định xác định giá trị khu đất là 879 tỷ đồng. Luật sư đặt câu hỏi về cách tính để ra con số này, căn cứ vào đâu và thành phần nào?

Đại diện cơ quan định giá cho biết kết quả thực hiện theo yêu cầu định giá của cơ quan CSĐT. Sau đó Bộ Tài chính thành lập hội đồng định giá gồm nhiều bộ, đại diện sở ban ngành tại TP.HCM, chuyên gia thẩm định giá…

Cơ quan định giá cho rằng việc định giá đã tuân thủ các nguyên tắc, phù hợp giá trị thị trường, vận hành theo đúng Nghị định 30… để cho ra kết quả sát nhất.

Luật sư Hưng tiếp tục đặt câu hỏi về giá trị thị trường được xác định như thế nào. Đại diện thẩm định giá trả lời phương thức để định giá căn cứ nhiều yếu tố, trong đó ngoài việc sử dụng chứng thư thẩm định giá thì còn có tham khảo từ các đơn vị có tư cách pháp nhân, sử dụng nhiều thông tin thu thập được.

“Khi thẩm định giá dự án này, tại sao ra con số đó thì chúng tôi dùng rất nhiều hồ sơ, không thể trình bày để luật sư nắm từng chi tiết. Nhưng có kết quả này hội đồng họp không dưới 3 lần để đảm bảo giá kết luận gửi cơ quan điều tra là giá xác nhất tại thời điểm đó”, đại diện cơ quan thẩm định nói và khẳng định hội đồng định giá làm việc độc lập, khách quan.

Cùng bào chữa cho ông Tài, luật sư Trương Trọng Nghĩa tiếp tục hỏi việc định giá khu đất 8-12 Lê Duẩn.

Luật sư nêu vào năm 2011, khu đất 8-12 Lê Duẩn được định giá là 879 tỷ, đến năm 2018 thì giá trị hơn 2.500 tỷ. “Làm sao ra số tiền này, đem bán khu đất thì ra số tiền đó phải không”, luật sư Nghĩa chất vấn.

“Thật ra việc định giá vận hành theo đúng quy trình pháp luật thời điểm đó, do cơ sở kết cấu đầu vào và quy định pháp luật thì ra kết quả như vậy”, vị đại diện thẩm định giá trả lời.

Người bào chữa cho ông Tài cho rằng cơ quan định giá đang không trả lời vào đúng trọng tâm câu hỏi. Đại diện bên thẩm định giá cũng gay gắt đề nghị luật sư hỏi rõ.

“Xác định giá trị khu đất này tại thời điểm đó dựa vào cơ sở gì? Vì trong kinh tế thị trường, giá trị xác định bằng hình thức trao đổi. Nếu tôi đem bán được 2.500 tỷ thì nói giá trị 2.500 tỷ… Không hiểu bản chất chỗ này thì sẽ không có bản án công bằng hợp lý. Nếu ở thị trường không ai nói 2.500 tỷ mà chỉ 2.300 tỷ thôi thì hội đồng định giá nói sao?”, luật sư Nghĩa nói rõ ý muốn hỏi.

"Tôi khẳng định quan hệ đó không phải là tình cảm kiểu trai gái. Khi hỏi cung, tôi trả lời bằng 'có' hoặc 'không' nên không diễn tả được bản chất", ông Nguyễn Thành Tài nói.

Luật sư Vũ Phi Long (bào chữa cho bị cáo Nguyễn Hoài Nam) tiếp tục đặt câu hỏi với cơ quan định giá.

Luật sư cho rằng trong vụ án này, ông Nguyễn Thành Tài chỉ ký quyết định duyệt trên lô đất số 8 Lê Duẩn nhưng hội đồng định giá lại ra kết luận cả lô đất số 12.

“Vậy có đúng quy định không, vì khu đất 12 là ông Tài ký duyệt cho thuê. Hội đồng định giá lại gộp luôn khu đất này vào. Tôi đề nghị hội đồng giám định giải thích vì sao”, ông Long đề nghị.

“Không phải tự nhiên hội đồng định giá tiến hành định giá mà chúng tôi thực hiện theo yêu cầu của cơ quan cảnh sát điều tra. Hội đồng không có thẩm quyền trao đổi mà chỉ thực hiện theo yêu cầu”, đại diện cơ quan định giá trả lời.

'Không phải quan hệ kiểu trai gái'

Luật sư Ngô Minh Hưng đặt câu hỏi với bị cáo Lê Thị Thanh Thúy về mối quan hệ giữa bà và ông Tài.

“Quan hệ giữa bà và ông Tài là gì”, luật sư hỏi.

“Quan hệ giữa doanh nghiệp với cơ quan quản lý Nhà nước bình thường thôi. Hai cậu của tôi có làm ở cơ quan quản lý Nhà nước nên cũng có quen biết và gặp gỡ ông Tài. Thông qua đó tôi biết ông Tài”, bị cáo Thúy trả lời.

Luật sư Hưng tiếp tục hỏi tương tự với ông Tài. Cựu Phó chủ tịch UBND TP.HCM phủ nhận “mối quan hệ tình cảm” như trong cáo trạng quy kết.

“Tại tòa cũng như trước đó tôi đã có văn bản giải thích, tôi khẳng định mối quan hệ đó không phải là tình cảm theo kiểu trai gái. Khi hỏi cung, tôi trả lời bằng 'có' hoặc 'không' nên không diễn tả được bản chất sự việc”, ông Tài trình bày.

Sau khi nghỉ giải lao, chủ tọa thông báo sức khỏe của bị cáo Nguyễn Thành Tài không tốt nên được cho ngồi ở phía ngoài để theo dõi phiên tòa.

xet xu Nguyen Thanh Tai anh 2

Bị cáo Lê Thị Thanh Thúy tại phiên tòa sáng 17/9. Ảnh: Chí Hùng.

Luật sư Trương Ngọc Nghĩa hỏi đại diện UBND TP.HCM về chủ trương xây dựng khách sạn tại khu đất 8-12 Lê Duẩn.

Theo cáo trạng, UBND TP.HCM đã có chủ trương xây khách sạn 5 sao và một phần trung tâm thương mại tại khu đất này, giao Công ty QLKDN thanh lý hợp đồng cho thuê, thu hồi và quản lý mặt bằng.

Ngày 5/2/2008, UBND TP.HCM có công văn giao Công ty Hòn Ngọc Viễn Đông làm chủ đầu tư.

“Chủ trương không đấu thầu, chỉ đạo Công ty Hòn Ngọc Viễn Đông làm chủ đầu tư là chủ trương của UBND TP, ông Nguyễn Hữu Tín ký văn bản và ông Lê Hoàng Quân đồng ý đúng không?”, luật sư Nghĩa hỏi.

Ông Hà Phước Thắng, Chánh văn phòng UBND TP.HCM, cho biết văn bản ghi chủ tịch ký là đúng. Thông qua đề xuất, thành phố nhận thấy đây là vị trí đắc địa, ảnh hưởng vị trí ngoại giao nên đối chiếu quyết định 09 và UBND TP.HCM đã chỉ đạo giao 3 đơn vị trong liên doanh Hòn Ngọc Viễn Đông quản lý tài sản Nhà nước, triển khai dự án.

“Ông Nguyễn Thành Tài nói công văn do ông Nguyễn Hữu Tín ký ngày 5/2/2008 có bút phê của ông Lê Hoàng Quân đồng ý chủ trương, yêu cầu thiết kế thật đẹp. Hồ sơ phản ánh như vậy có đúng không?”, luật sư tiếp tục hỏi đại diện UBND TP.HCM.

Ông Hà Phước Thắng chỉ xác nhận nội dung. Còn riêng bút phê là văn bản nội bộ nên ông Thắng không trả lời.

Tại phiên tòa hôm qua, cựu Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Tài nói mối quan hệ giữa ông với bà Thúy là “bình thường như lãnh đạo TP.HCM với một doanh nghiệp”.

Trong khi đó, bị cáo Lê Thị Thanh Thúy cho biết bà quen ông Tài từ trước. “Ông Tài là lãnh đạo thành phố nên ai cũng biết. Ông Tài có quan hệ khá thân với người nhà của tôi”, cựu Chủ tịch Công ty Hoa Tháng Năm nói trước tòa.

Theo cáo trạng, khu nhà và đất số 8-12 đường Lê Duẩn, phường Bến Nghé, quận 1 (TP.HCM), có tổng diện tích hơn 4.800 m2 thuộc sở hữu Nhà nước. Ngày 20/11/2007, UBND thành phố có chủ trương phê duyệt cho phép đầu tư xây dựng khách sạn và một phần trung tâm thương mại.

VKS cáo buộc bà Lê Thị Thanh Thúy đã dùng quan hệ tình cảm cá nhân để tác động ông Nguyễn Thành Tài ký nhiều văn bản, sau đó chỉ đạo 4 bị cáo còn lại thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật trong quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước liên quan khu nhà đất trên.

Ông Nguyễn Thành Tài và các đồng phạm đã chấp thuận thay đổi chủ trương đầu tư cho phép doanh nghiệp tư nhân tham gia góp vốn thực hiện dự án, quyết định giao đất và cho thuê đất theo hình thức chỉ định không qua đấu giá quyền sử dụng đất.

Những chỉ đạo của ông Tài cùng với sự tham gia của các bị cáo khác đã tạo điều kiện thay đổi quyền sở hữu khu đất số 8-12 Lê Duẩn sang doanh nghiệp tư nhân, gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền 1.927 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Thành Tài: 'Tôi biết Thúy từ năm 2007'
"Tôi có mối quan hệ với Thúy như lãnh đạo TP.HCM với một doanh nghiệp từ năm 2007", ông Nguyễn Thành Tài khai tại tòa.

VIỆN KIỂM SÁT ĐỀ NGHỊ KHUNG HÌNH PHẠT 8-9 NĂM TÙ VỚI BỊ CÁO NGUYỄN THÀNH TÀI 
DŨNG NGUYỄN/ TBKTSG 17-9-2020 

(TBKTSG Online) - Ông Nguyễn Thành Tài bị Viện Kiểm sát nhân dân đề nghị khung hình phạt từ 8-9 năm tù, các bị cáo còn lại từ 3-8 năm tù. Ngoài ra, Viện kiểm sát cũng đề nghị thu hồi khu đất số 8-12 Lê Duẩn, trả lại cho Nhà nước.

Phiên xét xử ngày 17-9. Ảnh: V.D.

Chiều ngày 17-9, trong phiên xét xử sơ thẩm vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, liên quan đến khu đất số 8-12 Lê Duẩn, quận 1, đại diện Viện KSND TPHCM luận tội và đề nghị mức án đối với các bị cáo.

Theo đó, Viện Kiểm sát kiến nghị khung hình phạt 8-9 năm tù đối với bị cáo Nguyễn Thành Tài. Còn bị cáo Đào Anh Kiệt (nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên môi trường TPHCM) từ 6-7 năm tù, bị cáo Nguyễn Hoài Nam (nguyên Bí thư quận ủy quận 2) từ 5-6 năm tù và bị cáo Trương Văn Út (nguyên Phó trưởng phòng Quản lý đất thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường) từ 3-4 năm tù.

Với bị cáo Lê Thị Thanh Thúy, nguyên Chủ tịch Công ty Hoa Tháng Năm, Chủ tịch HĐQT Lavenue, bị Viện kiểm sát đề nghị khung 7-8 năm tù. “Bị cáo là người được hưởng lợi nên phải chịu trách nhiệm gần tương đương với bị cáo Nguyễn Thành Tài”, đại diện Viện kiểm sát lý giải.

Ngoài ra, Viện kiểm sát cũng đề nghị thu hồi khu đất số 8-12 Lê Duẩn, trả cho Nhà nước.

Theo Viện Kiểm sát, tại phiên tòa, 5 bị cáo thừa nhận có trách nhiệm bản thân với hậu quả hành vi phạm tội như nội dung cáo trạng đã nêu. Riêng bị cáo Lê Thị Thanh Thúy không thừa nhận phạm tội nhưng thừa nhận ký văn bản đề nghị tham gia góp vốn, thực hiện dự án, giao thuế đất trái pháp luật.

Theo đánh giá của Viện kiểm sát, do muốn đẩy nhanh tiến độ triển khai và mối quan hệ tình cảm cá nhân với bị cáo Thúy nên bị cáo Tài đã ký nhanh và ký nhiều văn bản chỉ đạo trái với quy định.

Còn bị cáo Thúy lợi dụng mối quan hệ cá nhân, tự nhận công ty có kinh nghiệm trong nhà hàng khách sạn và năng lực tài chính, có văn bản xin tham gia dự án, xin áp dụng 2 hình thức thuê, giao đất với động cơ là trục lợi cá nhân, không phải cạnh tranh tại khu đất đắc địa.

Căn cứ tài liệu trong quá trình điều tra và tại phiên tòa thì đủ căn cứ kết luận bị cáo có trình độ hiểu biết trong đầu tư dự án, lợi dụng mối hệ cá nhân và tác động tới bị cáo Nguyễn Thành Tài theo hướng có lợi cho bị cáo và doanh nghiệp có phần vốn góp của Công ty Hoa Tháng Năm.

Viện Kiểm sát cũng nhận định các cán bộ lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường nhận thức rõ Công ty Lavenue không phải là đối tượng được giao đất, cho thuê đất chỉ định tại số 8-12 Lê Duẩn; hồ sơ đầu tư dự án chưa đầy đủ, chưa thẩm định năng lực tài chính,… nhưng vẫn đề xuất cho bị cáo Nguyễn Thành Tài ra quyết định trái pháp luật.

“Đây là khâu cuối cùng có ý nghĩa quan trọng trong việc chuyển dịch khu đất số 8-12 Lê Duẩn từ Nhà nước sang tư nhân”, đại diện Viện kiểm sát nói.

NHỮNG KHU ĐẤT 'VÀNG' VÀ CÁC BẢN ÁN TÙ DÀNH CHO QUAN CHỨC VIỆT NAM

RFA 17-9-2020

Ảnh minh họa. Cư dân vườn rau Lộc Hưng căng biển phản đối chính quyền cưỡng chế đất.

Một loạt quan chức cấp cao hầu tòa

Sau phiên tòa sơ thẩm vụ án Đồng Tâm khép lại vào hôm 14/9, dư luận trong nước tiếp tục quan tâm các phiên tòa xét xử những quan chức cấp cao dính líu trong các vụ án liên quan về đất đai.

Tòa án Việt Nam đang xét xử cựu Bộ trưởng Công Thương, ông Vũ Huy Hoàng, bị truy tố cùng với 9 người khác do liên can trong vụ “đất vàng” 2-4-6 đường Hai Bà Trưng, quận 1, TP.HCM. Song song đó, một vụ án khác cũng đang được tiến hành xét xử đối với cựu Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân TP.HCM, ông Nguyễn Thành Tài, vì liên can khu “đất vàng” 8-12 Lê Duẩn, quận 1, TP.HCM.

Cả hai ông Vũ Huy Hoàng và Nguyễn Thành Tài cùng bị truy tố dưới tội danh “vi phạm qui định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.

Theo cáo trạng, hai vụ án đã dẫn đến hậu quả thất thoát của Nhà nước Việt Nam lên đến gần 5000 tỷ đồng.

Truyền thông Nhà nước Việt Nam, vào ngày 17/9, loan tin cơ quan tố tụng kiến nghị xử lý về mặt Đảng và chính quyền đối với ông Lê Hoàng Quân, cựu Chủ tịch TP.HCM vì có liên quan đến các sai phạm trong 3 vụ án khác nhau. Trong đó, ông Lê Hoàng Quân bị cáo buộc có một phần trách nhiệm trong vụ việc hoán đổi thửa đất 57 Cao Thắng và 185 Hai Bà Trưng, ở TP.HCM, gây thất thoát ngân sách nhà nước 352 tỷ đồng.

Báo giới trong nước cũng cho biết trong phiên tòa vào chiều ngày 17/9, Viện Kiểm sát đề nghị tòa tuyên phạt mức án từ 8-9 năm tù đối với ông Nguyễn Thành Tài.

Trước đó hồi hạ tuần tháng 5/2020, cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng-Đô đốc Nguyễn Văn Hiến bị tuyên phạt 4 năm tù giam về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng", liên quan ba khu đất số 2, số 7-9 và số 9-11 đường Tôn Đức Thắng, TP.HCM có giá trị quyền sử dụng hơn 939 tỷ đồng.

Phản ứng của dư luận về các phiên tòa liên quan đất đai

Báo mạng Lao Động, vào ngày 15/9, đăng tải một bài viết có tựa đề “Ông Hoàng 2.700 tỷ đồng, ông Tài 2.000 tỷ đồng, không nghèo mới lạ”, của tác giả Lê Thanh Phong.

Trong bài báo này, nhà báo Lê Thanh Phong trình bày thông tin về hai vụ án liên quan ông Vũ Huy Hoàng và ông Nguyễn Thành Tài. Bài báo được kết thúc với lập luận của tác giả rằng Việt Nam giàu tài nguyên nhưng đất nước vẫn còn nghèo vì có thể thấy qua 2 ông quan cùng thuộc cấp đã gây thiệt hại gần 5.000 tỷ đồng, nên “không nghèo mới là lạ”.

Đài RFA ghi nhận rất nhiều người quan tâm đến những vụ án liên quan đất đai và các phiên tòa xét xử những vụ án đó đã tạo nên một sự bất bình trong công luận, đặc biệt là những người dân cũng chính là “nạn nhân” trong các vụ án đất đai mà sự phẫn uất của họ bị đẩy lên tột cùng. Những người dân bị mất đất, mất nhà bởi những sai phạm của giới lãnh đạo các cấp trong quản lý về đất đai bày tỏ với RFA rằng quan chức thì chỉ bị kỷ luật khiển trách hay cảnh cáo và có bị đi tù cũng chỉ vài năm; còn dân chúng là người bị hại, bị đẩy vào con đường cùng phải kháng cự chống sai phạm thì bị chung thân, tử hình.

Ảnh minh họa. Ông Tất Thành Cang, cựu quan chức lãnh đạo TP.HCM bị kỷ luật liên quan sai phạm trong dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm. Nhưng, vì đã hết thời hiệu xử lý kỷ luật Đảng nên chỉ bị phê bình. Courtesy: Ảnh chụp màn hình danviet.vn
Luật sư Phạm Công Út, vào tối ngày 17/9, giải thích với RFA rằng luật pháp Việt Nam quy định những tội danh rất rõ ràng, như đối với quan chức tham nhũng, tham ô có thể bị tuyên phạt nặng nhất ở mức án chung thân và tử hình. Tuy nhiên, luật sư Phạm Công Út cũng lý giải thêm vì sao trong thực tế, giới chức lãnh đạo Việt Nam không bị tuyên phạt những mức án đó.

“Đối với các quan chức thì tùy thuộc vào điều người ta truy tố, khởi tố và xét xử ở cấp sơ thẩm và phúc thẩm. Ví dụ như họ xâm phạm những tội phạm rất đặc biệt nghiêm trọng, chẳng hạn như làm thiệt hại ngân sách nhà nước trên 2000 tỷ đồng nhưng họ không bị truy tố về tội ‘tham ô chức vụ’, mà lại được đưa vào các tội về ‘chức danh quản lý thiếu tinh thần trách nhiệm’, hoặc là những tội danh nhẹ hơn. Lẽ ra là ‘đặc biệt nghiêm trọng’ thì trở thành ‘nghiêm trọng’ hoặc ‘rất nghiêm trọng’ thôi. Thứ hai nữa, người ta sẽ căn cứ vào các tình tiết giảm nhẹ đối với nhân thân của những người phạm tội có chức vụ, quyền hạn lớn để xem là tình tiết giảm nhẹ. Và, người ta cộng thêm vào tình tiết thành khẩn khai báo hoặc các tình tiết khác để từ đó người ta xử dưới mức thấp nhất của khung hình phạt liền kề. Do đó, dư luận có cảm giác giống như, thứ nhất là đánh tráo tội phạm, và thứ hai là đánh tráo về khung hình phạt. Cả hai hình thức này giống như ‘giơ cao đánh khẽ’.”

Nhà quan sát tình hình Việt Nam, tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, lên tiếng với RFA rằng tình trạng liên quan đến tranh chấp, sai phạm về đất đai ở Việt Nam dẫn đến những vụ án và phiên tòa ngày càng nhiều và mang tính chất càng nghiêm trọng hơn, chung quy bởi cái gốc của vấn đề là Luật Đất đai và quản lý đất đai của Nhà nước Việt Nam.

“Thứ nhất là ‘sở hữu toàn dân’ là một khái niệm mập mờ và nó cho Chính phủ Việt Nam một cái quyền vô hạn để coi đất đai là đất đai của Chính phủ. Và, từ việc quản lý cho thấy việc sử dụng đất đai một cách hết sức tùy tiện. Cho nên, nó xâm hại đến quyền sử dụng đất của người dân, cũng như cũng như của các pháp nhân. Đây là một chuyện vô cùng khó khăn từ năm 1946 đến giờ. Luật Đất đai quy định ‘sở hữu toàn dân’ có từ năm 1946, nhưng được nhấn mạnh từ thời cải cách ruộng đất hồi năm 1953 và sau đó thành luật. Từ đó đến nay, Luật Đất đai đã dẫn đến rất nhiều hậu quả có thể nói không những đau lòng, mà còn ảnh hưởng rất lớn đến sự ổn định xã hội.”

Đài RFA cũng được nghe giới luật sư và không ít giới chức lãnh đạo tại Việt Nam lập đi lập lại lời kêu gọi Quốc hội Việt Nam sửa đổi Luật Đất đai. Luật sư Trịnh Vĩnh Phúc, một trong những luật sư hỗ trợ pháp lý cho dân oan ở vườn rau Lộc Hưng từng khẳng định chính Luật Đất đai khiến cho Việt Nam trở thành cường quốc dân oan. Và, giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ tài nguyên-Môi trường cũng mong mỏi Luật Đất đai được sớm sửa đổi để những vụ việc xung đột không đáng có giữa nông dân với chính quyền như Tiên Lãng, Đắk Nông, Đồng Tâm…không còn xảy ra nữa.

Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp cho rằng Nhà nước Việt Nam phải nhanh chóng thay đổi quan điểm về sở hữu đất đai cũng như quản lý đất đai. Nhà nghiên cứu thuộc Viện nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) đưa ra ý kiến trong bối cảnh của Việt Nam chưa thể có được sở hữu tư nhân về đất đai thì phải sửa luật từ ‘sở hữu toàn dân’ thành sở hữu hỗn hợp, hay là sở hữu nhiều thành phần. Trong đó, có sở hữu của nhà nước và sở hữu tư nhân về đất đai. Đồng thời, phải sửa cách thức quản lý về đất đai từ trung ương cho đến cấp cơ sở, làng xã. Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp nhấn mạnh rằng chỉ có như thế thì bức tranh về tình trạng đất đai ở Việt Nam mới có thể tươi sáng hơn. Nếu không, theo tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, thì xung đột giữa Chính phủ Hà Nội với người dân càng tồi tệ hơn và hậu quả càng nặng nề hơn.

Qua trò chuyện với RFA, luật sư Phạm Công Út nói rằng ông cũng giống đa số người dân Việt Nam có niềm hy vọng về Luật Đất đai được sửa đổi phù hợp với nhu cầu thực tiễn của xã hội. Nhưng:

Tôi hy vọng đây là những tiếng chuông cảnh báo sẽ làm giảm bớt sự tồi tệ. Tuy nhiên, đó là niềm hy vọng, chứ không phải là niềm tin. Hy vọng sau này sẽ đổi khác. Nhưng tin chắc chắn sẽ đổi khác hay không thì tôi nghĩ là chẳng ai tin đâu.”

Với Luật Đất đại hiện hành, dân oan Thủ Thiêm từng tuyên bố tại các phiên tòa rằng “Xử như thế này là xử Đảng thua, xử nhà nước thua, xử nhân dân thua và xử cho nhóm lợi ích, mhóm tham nhũng thắng.”

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét