Thứ Tư, 2 tháng 9, 2020

20200903. QUANH SỰ KIỆN THỦ TƯỚNG SHINZO ABE TỪ CHỨC

    ĐIỂM BÁO MẠNG


AI CÓ THỂ KẾ NHIỆM ABE SHINZO LÀM THỦ TƯỚNG NHẬT?

TUẤN ANH/ VNN 31-8-2020

      Việc Thủ tướng Nhật Abe Shinzo bất ngờ tuyên bố từ chức đã chính  thức kích hoạt quá trình tìm kiếm người thay thế ông trong nội bộ đảng Dân chủ tự do (LDP) cầm quyền.

Tại cuộc họp báo hôm 28/8, ông Abe đã công bố quyết định từ chức khi vẫn còn 1 năm trong nhiệm kỳ, viện dẫn vì các vấn đề sức khỏe liên quan đến căn bệnh viêm loét đại tràng mạn tính. Tuy nhiên, ông khẳng định vẫn tiếp tục lãnh đạo chính phủ cho đến khi đảng cầm quyền chọn được gương mặt kế nhiệm.

Ai có thể kế nhiệm Abe Shinzo làm Thủ tướng Nhật?
Thủ tướng Nhật Abe Shinzo thông báo quyết định từ chức tại cuộc họp báo ở Tokyo ngày 28/8. Ảnh: Reuters

Các nguồn thạo tin cho biết, đảng LDP sẽ quyết định cách thức tổ chức bỏ phiếu bầu vị chủ tịch mới thay ông Abe vào ngày 1/9. Nhiều khả năng tất cả các nghị sỹ và đại diện của các cơ sở địa phương sẽ tham gia cuộc bỏ phiếu này.

Theo tạp chí Tokyo Weekender, hiện có nhiều cái tên được nhắc đến như ứng cử viên tiềm năng kế nhiệm ông Abe làm thủ tướng Nhật.

Taro Aso

Ai có thể kế nhiệm Abe Shinzo làm Thủ tướng Nhật?
Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Taro Aso. Ảnh: Mainichi

Nếu đảng cầm quyền đang tìm kiếm một gương mặt quen thuộc, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Taro Aso, 79 tuổi sẽ là một ứng cử viên nặng ký. Là cháu trai của một cựu thủ tướng và bản thân cũng từng giữ vai trò lãnh đạo Chính phủ Nhật (2008 - 2009), nhưng ông Aso đã kết thúc nhiệm kỳ của mình bằng việc dẫn dắt LDP đến thất bại bầu cử tồi tệ nhất trong lịch sử của đảng, mở đường cho đảng Dân chủ Nhật (DPJ) lên nắm quyền vào năm 2009.

Dẫu vậy, ông Aso được tin vẫn có cơ hội vươn lên đỉnh cao quyền lực khi ông đang giữ vai trò nòng cốt trong nội các của ông Abe. Ngoài ra, sai lầm trong quá khứ dường như cũng không phải là trở ngại lớn khi đảng LDP từng cho ông Abe cơ hội thứ hai sau nhiệm kỳ thủ tướng đầu tiên không mấy ấn tượng, kết thúc chóng vánh năm 2007 chỉ sau một năm nhậm chức.

Shigeru Ishiba

Ai có thể kế nhiệm Abe Shinzo làm Thủ tướng Nhật?
Cựu Tổng thư ký đảng LDP Shigeru Ishiba. Ảnh: Bloomberg

Cái tên của Shigeru Ishiba, cựu Tổng thư ký đảng LDP (2012 - 2014) và cũng là cựu Bộ trưởng Quốc phòng (2007 - 2008) luôn được nhắc đến trong mọi cuộc bàn luận về người kế nhiệm ông Abe, do ông Ishiba từng thua sít sao đương kim thủ tướng trong cuộc bầu cử năm 2012. Tuy nhiên, ông Ishiba, 63 tuổi đã bất hòa với ông Abe vào năm 2015 sau khi quy tụ một nhóm đối lập trong nội bộ đảng cầm quyền và mâu thuẫn với nhiều lãnh đạo đảng.

Theo tờ Indian Express, trong buổi phỏng vấn hồi tháng 4, ông Ishiba bày tỏ ủng hộ một chính sách kinh tế dân túy hơn so với chính sách của Thủ tướng Abe. Song, ông có phần do dự và thiếu quyết đoán hơn ông Abe trong việc sửa đổi Hiến pháp năm 2014. Tuy nhiên, ông đang có lợi thế dẫn đầu về tỷ lệ tín nhiệm của cử tri trong các cuộc thăm dò dư luận gần đây về người thay ông Abe.

Mặc dù tên của ông Ishiba chắc chắn sẽ phủ sóng trên các phương tiện truyền thông ở xứ sở mặt trời mọc trong những ngày sắp tới, nhưng những người ủng hộ vẫn hy vọng đảng LDP rốt cuộc sẽ chọn chính khách kỳ cựu này cho cuộc bầu cử thủ tướng tiếp theo vào năm 2021.

Fumio Kishida

Ai có thể kế nhiệm Abe Shinzo làm Thủ tướng Nhật?
Cựu Ngoại trưởng Fumio Kishida. Ảnh: NHK

Ông Fumio Kishida, 63 tuổi từng giữ chức Ngoại trưởng trong chính quyền của Thủ tướng Abe giai đoạn 2012 - 2017. Song, các hoạt động ngoại giao thời điểm đó chủ yếu vẫn do ông Abe nắm giữ.

Xuất thân từ một gia đình giàu truyền thống chính trị ở Hiroshima và nổi tiếng với quan điểm ôn hòa, ông Kishida được đánh giá là một lựa chọn an toàn trong ngắn hạn, có thể giúp duy trì hiện trạng cho đảng cầm quyền đến ngày diễn ra tổng tuyển cử vào năm sau.

Phát biểu trên đài truyền hình Tokyo hôm 24/8, ông Kishida bày tỏ quan tâm đến việc vực dậy nền kinh tế Nhật đang điêu đứng vì dịch bệnh. Ông kêu gọi người dân tăng cường chi tiêu để phát triển kinh tế, nhưng cảnh báo các nhà hoạch định chính sách cẩn trọng với ý tưởng cắt giảm thuế bán hàng.

Taro Kono

Ai có thể kế nhiệm Abe Shinzo làm Thủ tướng Nhật?
Bộ trưởng Quốc phòng Taro Kono. Ảnh: Japan Times


Bộ trưởng Quốc phòng Taro Kono, 56 tuổi được cho là đang theo đuổi giấc mơ trở thành thủ tướng. Ông sinh ra trong một gia đình dòng dõi, tốt nghiệp Đại học Georgetown (Mỹ) và nói tiếng Anh thành thạo. Tuy nhiên, chính khách này bị đánh giá là có thái độ hiếu chiến và xa rời đảng LDP trong một số vấn đề chính sách trọng yếu.

Trong dư luận đang râm ran tin đồn, đảng cầm quyền muốn tìm kiếm một gương mặt có thể thống nhất đảng, việc có thể khiến ông Kono bị cho ra ngoài danh sách cân nhắc kế nhiệm ông Abe. Tuy nhiên, nếu đảng LDP cần một nhân vật công chúng mạnh mẽ, có khả năng thu hút đám đông thì ông Kono lại là gương mặt sáng giá.

Ông Kono đang ghi điểm với cử tri nhờ ủng hộ chính sách cắt giảm chi tiêu. Với tư cách lãnh đạo Bộ Quốc phòng, năm nay, ông Kono đã cho hủy kế hoạch triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo đắt đỏ Aegis do Mỹ chế tạo để dành ngân sách cho các ưu tiên cấp bách hơn của Nhật.

Yoshihide Suga

Ai có thể kế nhiệm Abe Shinzo làm Thủ tướng Nhật?
Chánh văn phòng Nội các Yoshihide Suga. Ảnh: Reuters

Chánh văn phòng Nội các Yoshihide Suga, 71 tuổi là trợ lý thận cận Thủ tướng Abe kể từ năm 2012. Tổng thư ký LDP Toshihiro Nikai mới đây đã công khai ủng hộ ông Suga kế nhiệm ông Abe vì có "các khả năng tuyệt vời". Ngoài ra, việc ông Suga được chọn là người công bố niên hiệu của triều đại mới Reiwa (Lệnh Hòa) hồi năm ngoái càng cho thấy chính khách này đang nhận được sự tín nhiệm cao trong đảng cầm quyền.

Được coi là cánh tay phải của Thủ tướng Abe, ông Suga đã giúp biến nhiều chính sách thành hiện thực và luôn tỏ ra bình tĩnh khi đối diện với công chúng trong những giờ phút đen tối nhất của chính quyền. Tuy nhiên, nhiều nhà quan sát tỏ ra ngạc nhiên khi ông Suga xuất hiện mờ nhạt trong cuộc chiến chống Covid-19 của chính quyền Abe.

Tomomi Inada

Ai có thể kế nhiệm Abe Shinzo làm Thủ tướng Nhật?
Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Tomomi Inada. Ảnh: Japan Times

Nhiều người dễ bỏ qua các nữ chính khách trong danh sách đề cử cuối cùng cho vai trò kế nhiệm ông Abe, nhưng cựu Bộ trưởng Quốc phòng Tomomi Inada, 61 tuổi đã công khai ý định chạy đua vào chiếc ghế quyền lực nhất đảng LDP trong cuộc bầu cử năm 2021. Nếu đảng cầm quyền muốn gương mặt mới nhưng lại có cùng thông điệp như ông Abe, bà Inada có thể là một lựa chọn phù hợp.

Niềm tin vào chính sách kinh tế và an ninh quốc gia theo thiên hướng bảo thủ của bà Inada phù hợp với quan điểm của ông Abe, mặc dù quan điểm cực hữu cùng một số tranh cãi trong quá khứ có thể gây bất lợi cho chính khách này. Nếu đảng cầm quyền tin cử tri Nhật muốn có nữ thủ tướng đầu tiên trong lịch sử, họ nhiều khả năng sẽ đặt cược vào bà Inada.

Shinjiro Koizumi

Ai có thể kế nhiệm Abe Shinzo làm Thủ tướng Nhật?
 Bộ trưởng Môi trường Shinjiro Koizumi. Ảnh: Tokyo Weekender

Theo một cuộc khảo sát mới đây của hãng thông tấn Kyodo về người có thể trở thành thủ tướng tiếp theo của Nhật, Bộ trưởng Môi trường Shinjiro Koizumi, 39 tuổi chỉ xếp thứ hai về tỷ lệ ủng hộ sau cựu Tổng thư ký LDP Shigeru Ishiba. Song, đường đến chiếc ghế lãnh đạo chính phủ của ông Koizumi không hề dễ dàng khi ông bị coi là "còn non" về kinh nghiệm chính trị so với những ứng cử viên kể trên.

Ngoài ra, ông Koizumi từng công khai phản đối các chính sách của đảng LDP về việc tái khởi động các nhà máy điện hạt nhân tiếp sau thảm họa Tohoku và một số vấn đề khác.

Tuy nhiên, kể từ khi được bổ nhiệm làm lãnh đạo Bộ Môi trường vào năm 2019, ông quan tâm hơn tới các chính sách của đảng cầm quyền và lên tiếng ủng hộ việc xây dựng các nhà máy điện than mới. Dư luận vẫn đang chờ xem liệu cái tên Koizumi có phải là ngôi sao vụt sáng trong chính trường Nhật năm nay.

Tuấn Anh

  THỦ TƯỚNG SHINZO ABE TỪ CHỨC VÀ VAI TRÒ CỦA NHẬT Ở KHU VỰC

NGUYỄN QUANG DY/ viet-studies 1-9-2020

28/8, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đã tuyên bố từ chức sớm một năm vì “không muốn sức khỏe đang xấu đi của ông làm ảnh hưởng đến các quyết sách quan trọng”. Ông Abe có tiền sử viêm đường ruột từ lâu, năm 2007 đã đột ngột từ chức thủ tướng vì lý do sức khỏe, sau một năm cầm quyền. Trong khi nhiều người ca ngợi tư cách lãnh đạo của ông Abe, những người khác coi việc ông từ chức vào lúc này là đáng tiếc cho tầm nhìn Indo-Pacific.

Đảng cầm quyền LPD vẫn nắm đa số vững chắc trong Quốc Hội, nên ai được bầu làm chủ tịch đảng (dự kiến trong tháng 9) sẽ mặc nhiên trở thành Thủ tướng Nhật để kế nhiệm ông Abe. Vì vậy, bây giờ là lúc cần đánh giá lại trong tám năm cầm quyền, ông Abe đã làm được những gì cho nước Nhật và khu vực, và để lại gia tài gì cho người kế nhiệm.

Abenomics hay đối ngoại

Ông Abe là thủ tướng Nhật cầm quyền lâu nhất (tám năm). Tuy không được lòng dân Nhật, nhưng ông Abe có vai trò quốc tế nổi bật. Dù chưa thành công về kinh tế, nhưng ông đã làm cho nước Nhật mạnh hơn và độc lập hơn về quốc phòng và đối ngoại. Người kế nhiệm ông Abe chắc phải theo đường lối của ông vì hòa bình và ổn định ở Đông Á. (The Japan Shinzo Abe leaves behind, Bill Emmott, ASPI/Project Syndicate, August 31, 2020).

Kể từ khi Mỹ kết thúc chiếm đóng Nhật Bản (năm 1952) không có thủ tướng Nhật nào dám nghĩ đến việc hạ thấp quan hệ với Mỹ. Nhưng ông Abe đã nhìn nhận nước Mỹ dưới thời Tổng thống Trump không còn là một đồng minh đáng tin cậy và dễ hợp tác như trước, nên đã chuẩn bị cơ sở để Nhật Bản có tiếng nói độc lập hơn, trong khi xây dựng một mạng lưới các đối tác của Nhật trên thế giới, theo một chiến lược có tầm nhìn mới lâu dài hơn.

Năm 2017, khi tổng thống Trump rút khỏi TPP, ông Abe đã dẫn đầu nỗ lực của 11 nước nhằm cứu vãn hiệp định này. Chính phủ Abe còn đàm phán và ký hiệp định thương mại tự do với EU và một hiệp định tương tự với Anh. Trong khi quan hệ với Hàn Quốc xấu đi, Nhật Bản đã tăng cưởng quan hệ quốc phòng với Ấn Độ để đối phó với Trung Quốc. (Shinzo Abe and his struggle with Xi Jinping, Gideon Rachman, Financial Times, August 31, 2020).

Chính phủ Abe đã bị mất điểm vì tình trạng kinh tế và mức sống người dân giảm sút. Ông Abe bị chỉ trích vì đối phó không hiệu quả với đại dịch Covid-19, và các bê bối gần đây làm người dân Nhật thất vọng. Chính sách kinh tế của ông (Abenomics) là giải pháp để khắc phục “giảm phát” (deflation), kích thích tài khóa (fiscal stimulus) và cải cách cơ cấu để tăng trưởng (pro-growth structural reforms), nhưng kết quả hạn chế. Tuy giá cả không giảm sâu, nhưng kế hoạch cải cách sâu rộng để tăng cường cạnh tranh của ông không thành công.

Tham vọng cải cách hiến pháp của ông Abe cũng không thành công, vì mong muốn sửa đổi điều 9 của hiến pháp để “bình thường hóa” việc tăng cường năng lực quốc phòng của Nhật vẫn bị công chúng phản đối. Trong LDP, ông Abe cầm đầu nhóm “cánh hữu mới” (new conservatives), chủ trương “nhà nước mạnh” (strong state), “lãnh đạo tập trung” (central leadership), nhằm thiết lập các giá trị mới như một chính sách ngoại giao và quốc phòng độc lập. 

Người kế nhiệm ông Abe    

Người kế nhiệm ông Abe không chỉ phải đối phó với dư luận đang bất bình với chính phủ Abe đã không kiểm soát được đại dịch, mà còn phải có đủ kỹ năng để duy trì quan hệ cá nhân với lãnh đạo các nước (nhất là với Mỹ). Dưới thời Trump, vai trò cá nhân của lãnh đạo càng quan trọng. Nhưng sau tám năm cầm quyền, ông Abe đã làm cho đối thủ chính trị “trở thành nhỏ bé”. Người ta thường nói “dưới gốc cây bồ đề, không cây gì mọc được”.

Theo khảo sát của Kyodo News (31/8/2020) ông Shigeru Ishiba (cựu bộ trưởng quốc phòng) dẫn đầu với 34% ủng hộ của dân chúng. Ông Yoshihide Suga (chánh văn phòng nội các) đứng thứ hai với 14,3% ủng hộ. Ông Taro Kono (bộ trưởng quốc phòng) đứng thứ ba với 13,6 ủng hộ. Ông Shinjiro Koizumi (bộ trưởng môi trường) đứng thứ tư với 10,1% ủng hộ. Ông Fumio Kishida (cựu ngoại trưởng) đứng thứ năm với 7,5% ủng hộ…

Tuy ông Shigeru Ishiba được dân chúng ủng hộ nhiều nhất, nhưng được ít nghị sỹ LDP ủng hộ, trong khi ông Yoshihide Suga được nhiều nghị sỹ LDP ủng hộ hơn, trong đó có ông Toshihiro Nikai, tổng bí thư LDP. (Shinzo Abe’s Resignation Prompts Speculation About His Successor, Hisako Ueno & Mike Ives, New York Times, August 29, 2020).

Ông Shigeru Ishiba đã từng cạnh tranh quyền lực với ông Shinzo Abe, và có thể muốn quan điểm đối ngoại của Nhật bớt cứng rắn. Nhưng trước mắt ông nào cũng phải tỏ ra cứng rắn về vấn đề an ninh, như tăng chi phí quốc phòng để tăng cường khả năng đánh chặn (pre-emptive strike) trước mối đe dọa của tên lửa từ Bắc Triều Tiên, hoặc hành động cứng rắn đối với các hoạt động xâm nhập trên biển của Trung Quốc tại biển Hoa Đông.

Ông Abe từ chức sẽ không làm thay đổi quan điểm của Nhật đối với Trung Quốc. Người kế nhiệm ông Abe sẽ phải tiếp tục chính sách đó. Tokyo muốn thoát khỏi thế bị kẹt giữa Mỹ và Trung Quốc đang cạnh tranh chiến lược. Theo giáo sư Michito Tsuruoka (Keio University) “Ưu tiên của Nhật là “Đồng minh với Mỹ, nhưng đồng thời duy trì quan hệ làm ăn với Trung Quốc. Điều đó sẽ không thay đổi” (South China Morning Post, 28/8/2020).

Ông Abe đã cố gắng tránh xung đột trực tiếp với Trung Quốc, mặc dù hai nước Trung-Nhật có tranh chấp lãnh hải ở Biển Hoa Đông, làm kích hoạt một làn sóng chống Nhật rộng khắp Trung Quốc vào năm 2012. Đồng thời quan hệ hai nước nay bị căng thẳng còn do đại dịch Covid-19 bùng phát và tình hình Hong Kong. Ông Abe đã kêu gợi các công ty Nhật di chuyển dây chuyền sản xuất để làm giảm sự phụ thuộc của Nhật Bản vào Trung Quốc.

Đối phó với Trung Quốc

Về lâu dài, điều đáng lo ngại cho Tokyo là chủ nghĩa dân tộc cực đoan của Trung Quốc tràn ngập tình cảm chống Nhật. Trung Quốc không chỉ đòi chủ quyền quần đảo Điếu Ngư, mà còn muốn đặt lại vấn đề chủ quyền của Nhật ở Okinawa. Dân số Trung Quốc lớn hơn dân số Nhật gấp 10 lần, và kinh tế Trung Quốc đã lớn hơn kinh tế Nhật từ năm 2010. Bắc Kinh cho rằng đã đến lúc họ cần phục thù mang tính biểu tượng lịch sử để rửa hận.  

Ở Đông Á, Tokyo phải đối phó với bóng ma chủ nghĩa dân tộc không chỉ từ phía Trung Quốc, mà còn từ phía Triều Tiên (cả Miền Bắc và Miền Nam). Quá trình hòa giải Liên Triều và triển vọng thống nhất bán đảo Triều Tiên cũng là một vấn đề làm Tokyo đau đầu. Quan hệ giữa Nhật và Hàn Quốc gần đây xấu đi, một phần là do nguyên nhân lịch sử.

Ngay sau khi lên cầm quyền, Tổng thống Trump đã rút khỏi TPP mà chính quyền Abe đã dành nhiều công sức để đàm phán. Thay vì bỏ cuộc, ông Abe đã ỏ công sức xây dựng lại quan hệ với chính quyền Trump, và đàm phán với các đối tác của TPP để hình thành CPTPP (tuy không có Mỹ). Ông Abe hy vọng một ngày nào đó Washington sẽ trở lại TPP.

Ông Abe là lãnh đạo nước ngoài đầu tiên đến New York để chúc mừng ông Trump thắng cử, bỏ qua các quy ước lễ tân thông thường, vì lợi ích quốc gia. Vì vậy, ông Abe đã có quan hệ cá nhân thân mật với ông Trump (thường chơi golf mỗi khi gặp mặt) và quan hệ tốt với các quan chức chủ chốt của Nhà trắng, đặc biệt là với Bộ trưởng Quốc phòng. Nói cách khác, ông Abe đã có vai trò lãnh đạo cá nhân hiệu quả, tương xứng với vai trò của Nhật.  

Ông Abe còn xây dựng quan hệ gắn bó với những đối tác quan trọng trong vùng Indo-Pacific, đặc biệt là với thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Ông Abe có tầm nhìn chiến lược đúng, vì lợi ích quốc gia khi thúc đẩy “Indo-Pacific Tự do và rộng mở” (FOIP). Người kế nhiệm ông Abe thừa hưởng gia tài này, tuy phải chèo chống cho một tương lai bất định.  

Tứ giác kim cương

Phát biểu tại Quốc Hội Ấn Độ (8/2007), ông Abe tuyên bố “Thái bình Dương và Ấn Độ Dương đang đem lại một quan hệ tay đôi năng động, như đại dương của tự do và thịnh vượng”. Nay khi tầm nhìn Indo-Pacific đang trở thành hiện thực, người ta không quên đó là do sáng kiến của ông Shinzo Abe. New Delhi khó mà tìm được một người bạn như ông Abe.

Ông Abe đã trở thành người bạn lớn của Ấn Độ, không chỉ vì đã tăng cường quan hệ Nhật-Ấn gần đây, mà còn vì truyền thống của gia đình trước đây. Ông nội của ông Abe là cố thủ tướng Nobusuke Kishi, đã quyết định viện trợ ODA cho Ấn Độ (năm 1958). Dưới thời ông Abe và Modi, hai nước đã trở thành đối tác chiến lược trong “Tứ giác Kim cương” (Quad) bao gồm  Mỹ, Nhật, Ấn Độ, và Úc, là nòng cốt cho “tầm nhìn Indo-Pacific”.  

Dưới thời Abe, Nhật trở thành đối tác lớn của Ấn Độ, đứng thứ ba về đầu tư (US$32 tỷ năm 2000) và Ấn Độ là thị trường lớn của các công ty Nhật. Tokyo đã đưa ra gói kích cầu lớn (US$2 tỷ) để hỗ trợ các công ty di chuyển từ Trung Quốc về Nhật, và Y23,5 tỷ hỗ trợ các công ty di chuyển tới các nước khác. (With Shinzo Abe’s resignation, India loses its best friend and ally in Japan, Rupakjyoti Borah, South China Morning Post, Augusst 30, 2020). 

Nhật và Ấn Độ dự kiến họp cấp cao (trực tuyến) vào tháng 9/2020. Hai bên sẽ ký một hiệp định quan trọng về hậu cần cho quân đội (India-Japan Acquisition and Cross-Servicing Agreement). Thủ tướng Modi có quan hệ cá nhân tốt đẹp với cả ông Abe và ông Trump. Từ 2018, Nhật, Ấn Độ, và Mỹ có quan hệ đối tác tay ba gặp chính thức bên lề Cấp cao G20.

Trong bối cảnh Trung Quốc trỗi dậy ở Đông Á, và chính quyền Trump giảm cam kết bảo vệ đồng minh, ông Abe mong muốn sửa đổi hiến pháp để quân đội Nhật có vai trò lớn hơn, có thể chiến đấu ở nước ngoài. Nhưng nguyện vọng hòa bình đã ăn sâu vào ký ức người Nhật, nên mong muốn của ông Abe vẫn còn là một điều bất khả thi về mặt chính trị.

Thay lời kết

Phát biểu tại Quốc Hội Ấn Độ (8/2007), ông Abe tuyên bố “Thái bình Dương và Ấn Độ Dương đang đem lại mối quan hệ tay đôi năng động như đại dương của tự do và thịnh vượng”. (The Pacific and the Indian Oceans are now bringing about a dynamic coupling as seas of freedom and of prosperity). Nay tầm nhìn Indo-Pacific đang trở thành hiện thực, chúng ta không quên đó là do sáng kiến của ông Shinzo Abe, một người có tầm nhìn chiến lược.

Trong bối cảnh Trung Quốc trỗi dậy và đe dọa đảo lộn trật tự thế giới, nước Mỹ dưới thời Trump đang tăng cường cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc, nhưng lại giảm cam kết với đồng minh, thì vai trò của Nhật tại khu vực Indo-Pacific càng quan trọng hơn. Trong tám năm cầm quyền, ông Abe đã nổi lên như một lãnh đạo có tầm nhìn chiến lược. Việc ông từ chức vào lúc này là một điều đáng tiếc khi tình hình thế giới đang biến động khó lường, khi nước Mỹ bị phân hóa sâu sắc do tranh cử, và đại dịch Covid-19 vẫn là mối hiểm họa lớn.    

NQD. 1/9/2020    

Tác giả gửi cho viet-studies ngày 1-9-20

THIẾU TÔN TRỌNG DÂN VÀ THIẾU TRÁCH NHIỆM VỚI DÂN
LƯU TRỌNG VĂN/ TD 30-8-2020

Opinion | Shinzo Abe Is Ill. But Is That the Only Reason He's Quitting? -  The New York Times

Sức khoẻ của nguyên thủ quốc gia ảnh hưởng đến hiệu quả điều hành quốc gia vì vậy ở các nước Dân chủ nó luôn được minh bạch, công khai.

Trung thực là một trong những tiêu chuẩn hàng đầu bắt buộc phải có ở nguyên thủ quốc gia dân chủ.

Điều đó thể hiện rõ trong phát biểu từ chức của ông Shinzo Abe thủ tướng Nhật:

“Về chính trị, điều quan trọng nhất là phải đưa ra kết quả. Từ ngày bắt đầu chính quyền tôi đã nói như thế và trong 7 năm 8 tháng vừa qua tôi đã đem hết tinh thần và sức lực để đưa ra kết quả. Bây giờ mang bệnh và phải trị liệu, tôi không thể để xảy ra trường hợp trong lúc khổ sở vì thể lực không còn được toàn vẹn có thể bị sai lầm trong phán đoán chính trị hay không đưa ra được kết quả. Do đó tôi đã phán đoán là nếu không còn đáp ứng với sự phó thác của quốc dân, tôi không nên tiếp tục giữ địa vị của một thủ tướng”.

Ở VN ta tính trung thực và sức khoẻ của nguyên thủ lại là “bí mật quốc gia”.

Không ai biết chủ tịch Trần Đại Quang bị bệnh nguy hiểm tính mệnh thế nào và ông vẫn làm việc mà chả rõ hiệu quả hay không, ích nước lợi dân hay không, cho đến… chết.

Không ai biết hiện nay thực trạng sức khoẻ của chủ tịch Nguyễn Phú Trọng sau cơn đột quỵ ở Kiên Giang tháng Tư năm 2019 ra sao?

Liệu ông có đủ sức và trí hay không để đối phó với biết bao vấn đề an nguy, sống còn của đất nước như:

⁃ Biển Đông và hành động xâm chiếm của CS Trung Quốc.

⁃ Thoát CS Trung Quốc.

⁃ Tham nhũng thành quốc nạn.

⁃ Chà đạp pháp luật thành quốc nạn.

⁃ Kinh tế bẩn thành quốc nạn.

⁃ An toàn thực phẩm thành quốc nạn.

⁃ Vi phạm Nhân quyền thành quốc nạn.

⁃ Đảng xa rời Dân thành đảng nạn.

Một người khoẻ mạnh không dễ gì đủ sức đủ trí để giải quyết các quốc nạn này huống hồ một người già cả, bệnh tật.

Nếu nhà nước không công khai tình hình sức khoẻ của bất cứ nguyên thủ nào của mình là thiếu tôn trọng Dân và thiếu trách nhiệm với Dân.

Nếu là nguyên thủ quốc gia mà không công khai bệnh tình, sức khoẻ tốt xấu của mình với Dân là dối trá với Dân.

Xin gửi lời kính trọng nhân cách vì Dân và tính trung thực cao quý, cao thượng của ông Shinzo Abe.

THÔNG TIN SỨC KHỎE ỦY VIÊN BỘ CHÍNH TRỊ, ỦY VIÊN BAN BÍ THƯ LÀ 'TỐI MẬT'

VƯƠNG TRẦN/ LĐO 31-8-2020

Hồ sơ bệnh án, thông tin, kết quả khám bệnh, chữa bệnh, kiểm tra sức khỏe của Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư thuộc danh mục bí mật nhà nước mức độ tối mật.

 Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Danh mục bí mật nhà nước thuộc lĩnh vực y tế.Theo đó, danh mục bí mật nhà nước mức độ tối mật lĩnh vực y tế gồm hồ sơ bệnh án, thông tin, kết quả khám bệnh, chữa bệnh, kiểm tra sức khoẻ của các Uỷ viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng.

Danh mục bí mật nhà nước mức độ tối mật lĩnh vực y tế còn gồm tên, nguồn gốc, độc lực, khả năng lây lan, đường lây của vi sinh vật mới phát hiện chưa xác định được có liên quan đến sức khỏe, tính mạng con người, ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế xã hội.

Cũng theo quyết định này, danh mục bí mật nhà nước mức độ mật gồm: Mẫu vật, nguồn gen, phương án bảo vệ an ninh, an toàn vùng trồng dược liệu số lượng còn ít hoặc bị đe dọa tuyệt chủng; số người mắc, chết do bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới phát sinh chưa rõ tác nhân gây bệnh, chưa được Bộ Y tế công khai; quy mô, phân bố, số liệu về dân số tại các vùng biên giới, hải đảo.

Nguồn nguyên liệu, thông số kỹ thuật sản xuất thuốc cổ truyền, thuốc sinh học quý hiếm thuộc dự án nhà nước, chương trình sản phẩm quốc gia chưa công khai; tên, địa chỉ phòng xét nghiệm an toàn sinh học cấp III đã được Bộ Y tế cấp giấy chứng nhận mất điều kiện đảm bảo an toàn sinh học cũng là thông tin mật.

Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày ký (ngày 24.8.2020).

VƯƠNG TRẦN
NÂNG TẤT CẢ HỐ SƠ LÃNH ĐẠO VÀO LOẠI 'TỐI MẬT'
RFA 1-9-2020

Những vấn đề liên quan sức khỏe của các ủy viên Bộ Chính trị, Ban bí thư trung ương Đảng như: Hồ sơ bệnh án, thông tin, kết quả khám bệnh, chữa bệnh, kiểm tra sức khỏe... thuộc danh mục ‘tối mật’.

Quy định vừa nêu được đưa ra trong quyết định 1295 của chính phủ về danh mục bí mật nhà nước lĩnh vực y tế, do ông Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành vào cuối tháng 8 và được truyền thông nhà nước Việt Nam loan tin hôm 30/8/2020.

Lâu nay tại Việt Nam, tình hình sức khỏe lãnh đạo được cho là ‘bí mật quốc gia’, do đó mỗi khi một nhân vật cao cấp nào đó không xuất hiện trước công chúng trong những sự kiện mà đáng lý ra họ phải có mặt, thì lại xuất nhiều đồn đoán trong dân chúng liên quan vấn đề này.

Gần nhất là lễ kỷ niệm 75 năm quốc khánh nước Cộng hòa Xã hội Chủ Nghĩa Việt Nam không có mặt ông tổng bí thư kiêm chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng.

Nhưng vì sao ngay thời điểm này chính quyền Việt Nam lại tăng mức bảo mật sức khỏe lãnh đạo bằng một quyết định chính thức?

Tiến sĩ, Bác sĩ Đinh Đức Long, người biết về quá trình chăm sóc và bảo vệ sức khỏe trung ương, khi trao đổi với RFA hôm 31/8/2020, nhận định:

“Tôi nghĩ nó khác nhau về mức độ, có bao nhiêu mức thì mình cũng không rành vì chưa được nghe chính thức phân loại, nhưng ‘tối mật’ thì tôi nghĩ là mức cao nhất. Từ xưa đến giờ vẫn thế, có khác là trước kia giấu diếm bây giờ công khai đưa vào danh bạ bí mật, ví dụ ông nào làm lộ ra thì họ sẽ căn cứ vào đấy bỏ tù ông ta, nói nôm na thế. Trước kia thì chưa có cơ sở pháp lý để bỏ tù người ta, còn bây giờ có luật rồi, nói ra có thể bị trừng phạt theo luật... thế thôi, xưa nay người ta vẫn giấu diếm mà.”

Theo Quyết định 1295 được Thủ tướng ban hành ngày 24/8, danh mục bí mật nhà nước ngoài vấn đề sức khỏe lãnh đạo, còn quy định mức độ tối mật lĩnh vực y tế với các loại gồm tên và nguồn gốc độc lực, khả năng lây lan, đường lây của vi sinh vật mới phát hiện chưa xác định được có liên quan đến sức khỏe, tính mạng con người, ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế xã hội.

Trao đổi với RFA hôm 31/8 liên quan vấn đề này, Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển IDS đã tự giải thể, cho biết ông không lạ việc họ đưa sức khỏe các ủy viên Bộ chính trị và các lãnh đạo lên thành ‘tối mật’, vì đảng cộng sản Việt Nam không phải là một tổ chức dân chủ mà là một tổ chức độc tài và tổ chức này không muốn có bất kể một sự cạnh tranh nào trong đội ngũ của mình. Tức là tất cả các đảng viên phải răm rắp nghe theo các vị lãnh đạo, không thể tranh luận và không có bầu cử tự do. Ông nói tiếp:

“Vì không có sự cạnh tranh như thế, nên bí mật về sức khỏe tạo cho họ một cơ sở, để họ thực hiện chính sách độc đoán như vậy. Bởi vì khi thông tin về sức khỏe được lộ ra thì lúc đấy sẽ có rất nhiều người trong nội bộ của họ, ví dụ trong Bộ Chính trị, hay trong Ban Chấp hành Trung ương, hay trong tập thể ban lãnh đạo bắt đầu bàn tán, ông này ông kia không đủ sức khỏe thì thôi đi. Đó là điều họ rất muốn tránh, nhất là Đại hội đảng CSVN lần thứ 13 sắp diễn ra, và trong thời gian chuẩn bị, vấn đề sức khỏe người ta tối kỵ bàn đến. Trước đây có 1 ông bị ung thư, được nhắm làm chức cao như chủ tịch nước gì đó, tôi không tiện nêu tên, nhưng vì sức khỏe lộ ra nên không thành. Ông ấy lúc đó rất tức, đại loại thái độ của các ông lãnh đạo đảng CSVN là như thế. Cho nên người ta phải giữ kín như mèo giấu... rất đáng tiếc nó là như vậy.”

Đây không phải là lần đầu tiên vấn đề bí mật sức khỏe lãnh đạo ở Việt Nam được dư luận chú ý. Nhiều người còn nghi ngờ liệu việc bí mật sức khỏe lãnh đạo có phù hợp Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam?

Tiến sĩ, Bác sĩ Đinh Đức Long khi trả lời RFA trước đây cho biết, luật pháp Việt Nam quy định sức khỏe lãnh đạo là bí mật quốc gia nhằm mục đích bảo vệ cho địa vị lãnh đạo, cầm quyền của đảng cộng sản Việt Nam, điều này là trái với Hiến pháp năm 2013, trong đó điều 4 quy định quyền giám sát của nhân dân đối với mọi hoạt động của đảng cộng sản Việt Nam.

Giáo sư Nguyễn Khắc Mai, nguyên Trưởng ban Dân vận Trung ương, khi trao đổi với RFA hôm 31/8/2020, nhận định:

“Cách tư duy của cộng sản về sự lãnh đạo của mình, họ luôn luôn độc tài, độc đoán... cho nên họ tìm mọi cách giữ bí mật của những người lãnh đạo. Đó là nguyên tắc từ trước đến nay của tất cả các nước xã hội chủ nghĩa, vì họ tự cho mình là của quý báu nhất của quốc gia nên phải giữ bí mật. Đó là cách tư duy không giống ai, và cũng không khớp với cách suy nghĩ bình thường, văn minh, hiện đại... Thứ hai, hiện nay xuất hiện nhiều phe phái đánh nhau trong đảng lãnh đạo, mà không phải vì đường lối hay cách suy nghĩ khác nhau của việc phục vụ dân và đất nước đâu. Mà là các nhóm lợi ích tranh giành nhau quyền lực, giành ảnh hưởng, cho nên nó tìm cách giấu kín mọi chỗ yếu của nhau. Coi như bịt kín cái gót Achilles của mình, để đối thủ khỏi phát hiện.”

Thời gian vừa qua, nhiều nguồn tin không chính thống về tình hình suy giảm sức khỏe của Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã được lan truyền rộng rãi. Như tin ông Nguyễn Phú Trọng nhập viện trong lúc đang thăm tỉnh Kiên Giang. Truyền thông Nhà nước Việt Nam khi đưa tin về những cuộc họp, sự kiện, cũng không thấy hình ảnh ông Nguyễn Phú Trọng.

Trong khi đó, một sự kiện đang được thế giới quan tâm là việc Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe vào ngày 28/8 đã tiến hành họp báo, chính thức thông báo ông sẽ từ nhiệm chức Thủ tướng vì lý do sức khỏe. Theo lời người đứng đầu chính phủ Nhật, ông quyết định từ chức vì không muốn căn bệnh của ông dẫn tới những sai lầm trong các quyết sách quan trọng. Ông Shinzo Abe cho rằng ông không thể làm Thủ tướng nếu không thể đưa ra những quyết định tốt nhất cho người dân nước Nhật.

Tuy hai sự việc khác nhau, xảy ra ở hai quốc gia khác nhau, nhưng cũng không khỏi làm người dân so sánh?

Tiến sĩ, Bác sĩ Đinh Đức Long cho biết ý kiến của mình:

“Mọi người đều biết, các nước dân chủ như Mỹ chẳng hạn, ai mà ra ứng cử tổng thống thì hồ sơ sức khỏe phải minh bạch. Vừa rồi thủ tướng Nhật chẳng hạn, không ai biết sức khỏe của ổng ngoài ổng, nhưng ông tự nói ra ông bị viêm đại tràng từ lâu rồi nhưng tái phát nặng hơn, và ông cảm thấy sức khỏe không đảm bảo, tự ổng công khai và xin từ chức. Đó là các nước dân chủ, còn các nước như Việt Nam là độc tài, nói một cách tóm tắt cái gì khác với thế giới thì đó là Việt Nam, không chỉ lĩnh vực này mà còn nhiều lĩnh vực khác. Ví dụ như nói quan chức phải công khai tài sản với dân, nhưng người ta giất tịt chẳng cho dân biết, thì dân có được kiểm tra giám sát như quy định pháp luật đâu? Trên thực tế nó khác hoàn toàn, ít nhất đối với những điều người ta nói ra.”

Theo Giáo sư Nguyễn Khắc Mai, điều này chứng tỏ văn hóa Việt Nam chưa đủ sức để định hình nhân cách, đạo đức, lối ứng xử rất bình thường trong xã hội, đặc biệt là nhóm tinh hoa những người lãnh đạo. Ông nói tiếp:

“Chúng ta phải thấy vì văn hóa Việt Nam mà họ làm càng như vậy. Tức là mặt yếu kém của xã hội là xã hội không bảo ban được cái đám mình nuôi ăn ở cho lương bổng... để phục vụ mình thì nó lại nhảy ra nắm lấy quyền, chà đạp mình, nhưng xã hội không có cái văn hóa để điều chỉnh được. Đây là mặt yếu của chúng ta, mà giới trẻ càng phải thấy rõ để nuôi dưỡng mình để lớn lên suy nghĩ như thế nào, hành xử như thế nào trong một thế giới văn hóa cho thấy sự tôn vinh dân tộc của mình.”

Theo Tiến sĩ, Bác sĩ Đinh Đức Long, việc công khai sức khỏe lãnh đạo là cần thiết, nhưng ngược lại pháp luật bây giờ còn quy định đó là ‘tối mật’, nên càng khó thực hiện. Thực tế đó chỉ ra rằng khi nào chưa có đa nguyên, đa đảng, chưa có tam quyền phân lập thì người dân chưa thể nào thực hiện được quyền giám sát của mình về mọi sinh hoạt chính trị, đâu chỉ riêng sức khỏe của lãnh đạo cao cấp.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét