Thứ Hai, 14 tháng 9, 2020

20200915. BÌNH LUẬN VỀ CÁC ỨNG VIÊN TT MỸ BẦU CỬ 2020

                                           ĐIỂM BÁO MẠNG 

KHÁC BIỆT LỚN GIỮA TRUMP VÀ BINDEN
NGUYỄN GIA KIỂNG/ DĐTK/BVN 13-9-2020

Không đầy hai tháng nữa người Mỹ sẽ bầu lại tổng thống. Câu hỏi cần và phải được đặt ra trong lúc này là có gì khác biệt nếu Donald Trump tái đắc cử hay Joe Biden đắc cử? Câu trả lời là có khác biệt rất lớn cho cả nước Mỹ lẫn thế giới và Việt Nam, nhất là Việt Nam. Đối với nước ta cuộc bầu cử này có thể là một khúc quanh lịch sử lớn.

Trước hết hãy nói sơ qua về chính sách đối nội của hai bên.

Sơ qua thôi vì chúng ta sẽ còn nhiều dịp để thảo luận đề tài này. Một cách tóm lược, đối với Trump những gì ông đã làm trong gần bốn năm qua là tuyệt vời, chỉ cần tiếp tục. More of the same. Biden trái lại có cái nhìn khác hẳn. Ông báo động là sự chênh lệch giầu nghèo quá lớn đang hủy hoại nền dân chủ Mỹ và chính nước Mỹ. Ông chủ trương tăng thuế lợi nhuận của các công ty từ 21% lên 28%, xóa bỏ phần giảm thuế của Donald Trump cho các gia đình có thu nhập trên 400.000 USD mỗi năm. Số thuế thu được thêm sẽ được dùng để bảo đảm chi phí sức khỏe cho người nghèo và nhất là để đầu tư vào giáo dục và đào tạo. Người ta chỉ có thể chia sẻ quan điểm của Joe Biden. Nước Mỹ không thể nào phục hồi ở quy mô lớn những công nghiệp sản xuất kỹ thuật thấp, như hầm mỏ, luyện kim, cơ khí, nhiệt điện than, may mặc v.v… Bằng cớ là Donald Trump đã chẳng tạo thêm được một việc làm nào trong các ngành này ngay cả trước Covid-19. Lý do giản dị là vì các sản phẩm này có thể sản xuất được với chi phí công nhân nhiều lần rẻ hơn tại các nước chưa hoặc đang phát triển. Mỹ không có giải pháp nào khác hơn là sống phù hợp với mức độ giầu có của mình, nghĩa là tập trung vào những công nghiệp kỹ thuật cao như năng lượng sạch, tầu điện cao tốc, kỹ thuật số, mạng 5G, trí khôn nhân tạo, thuốc trị ung thư v.v.

Quan trọng hơn nhiều là về chính sách đối ngoại.

Biden sẽ đảo ngược hẳn chính sách của Trump. Thay vì co cụm lại và gây sự với các đồng minh Biden sẽ cố gắng hòa giải với họ để tăng cường liên minh dân chủ, để có sức mạnh đương đầu với các chế độ độc tài và dân túy. Bài "Tại sao Hoa Kỳ phải lấy lại vai trò lãnh đạo" (Why America must lead again) mà ông viết trên tạp chí Foreign Affairs trình bày cô đọng chiến lược quốc tế mà Biden đã đưa ra trong cuộc tranh cử sơ bộ và trong đại hội Đảng Dân Chủ.

Biden cam kết nếu đắc cử ông sẽ triệu tập và tiếp đón tại Mỹ ngay trong năm 2021 một Hội nghị Thượng đỉnh Toàn cầu vì Dân chủ (Global Summit for Democracy) để thành lập một mặt trận thống nhất bao gồm các đồng minh và các nước bạn của Mỹ để tăng cường dân chủ trên thế giới với một chương trình hành động chung và thẳng thắn đương đầu với các nước chống dân chủ. Hội nghị thượng đỉnh này cũng sẽ có sự tham dự của các tổ chức xã hội dân sự đã từng luôn luôn có mặt tại các tuyến đầu trong cuộc đấu tranh bảo vệ dân chủ và nhân quyền.

Biden nêu đích danh hai nước chính trong số các nước mà ông coi là chống dân chủ : chính quyền Putin tại Nga - mà ông gọi là một chế độ độc tài cướp bóc - và nhất là chế độ cộng sản Trung Quốc mà ông coi là đối thủ chính. Biden khẳng định Hoa Kỳ sẽ sánh vai với các đồng minh dân chủ để áp đặt trật tự thế giới chứ không để cho Nga và Trung Quốc áp đặt luật chơi của họ. Thái độ đối với các chính quyền Tập Cận Bình và Vladimir Putin khó có thể được phát biểu một cách quả quyết và dứt khoát hơn.

Niềm tin của Biden là dân chủ sẽ thắng bởi vì tương quan lực lượng rất thuận lợi. Mỹ, Châu Âu và các đồng minh dân chủ có trọng lượng kinh tế và sức mạnh quân sự áp đảo. Về sức mạnh quân sự, Biden coi Liên Minh Bắc Đại Tây Dương NATO như là cốt lõi và sẽ còn cần được tăng cường thêm với sự hợp tác của các đồng minh Châu Á. Một cách long trọng, Biden tuyên bố rằng sự gắn bó của Mỹ với NATO là thiêng liêng và không điều kiện. Với kiến thức và kinh nghiệm của ông, Biden hiểu rõ điều mà Trump không hiểu là NATO và các căn cứ quân sự khắp nơi của Mỹ trước hết cần cho Mỹ, để duy trì vai trò của đồng đô-la như là đồng tiền thanh toán và dự trữ quốc tế. Biden cam kết Mỹ sẽ liên tục giữ chi phí quốc phòng ở mức độ đầy đủ để duy trì sức mạnh quân sự vượt trội. Sức mạnh quân sự này sẽ không được dùng để tấn công Trung Quốc và Nga mà để đương đầu với những hành động bành trướng của họ. Tuy không nói ra Biden đã khẳng định lại chiến lược Ngăn Chặn (Containment) mà nhà chiến lược George Kennan đề xướng ra từ sau Thế Chiến II và đã khiến Liên Xô sụp đổ mà không xảy ra thế chiến. Tóm lại đối với Trung Quốc và Nga chiến lược của Biden là đối đầu quả quyết, không sợ chiến tranh nhưng cũng không chủ động gây chiến, liên tục cô lập và tạo áp lực, rồi chờ đợi sự sụp đổ chắc chắn sẽ đến của các chế độ độc tài này do những mâu thuẫn nội bộ của chúng.

Phải chăng thế giới sẽ đi vào một giai đoạn chiến tranh lạnh mới như Trung Quốc và Nga cảnh báo? Không, bởi vì một cuộc chiến tranh lạnh như sau Thế Chiến II gồm hai yếu cốt lõi hoàn toàn vắng mặt trong bối cảnh hiện nay. Một là, một cuộc đấu tranh ý thức hệ, trong đó mỗi bên đề cao lý tưởng của mình đồng thời tố giác những khuyết tật của hệ thống đối nghịch. Hai là, những cuộc chiến tranh ủy nhiệm dưới hình thức nội chiến có hỗ trợ từ bên ngoài (thí dụ như cuộc nội chiến Việt Nam trước 1975) trong nhiều quốc gia mà mục đích là lôi kéo từng nước vào một trong hai ý thức hệ đối nghịch. Hiện nay không còn đấu tranh ý thức hệ, Nga chỉ cố tự bào chữa rằng mình cũng là một nước dân chủ, còn Trung Quốc thì tuy vẫn nói cho có lệ là theo chủ nghĩa Mác-Lênin nhưng hoàn toàn không có ý định truyền bá nó sang một nước nào cả. Cả hai cũng không đỡ đầu và cũng không có tham vọng đỡ đầu cho một cuộc nội chiến nào.

Như vậy cuộc đấu mà Biden chủ trương trên thực tế sẽ chỉ là cuộc đấu một chiều, tương tự như chính sách trừng phạt đối với Triều Tiên hiện nay nhưng ở quy mô lớn hơn. Mỹ và các đồng minh dân chủ sẽ bao vây và cô lập Trung Quốc và Nga đồng thời, với một vài nước ngoan cố vi phạm nhân quyền, sẽ dùng sức mạnh quân sự áp đảo để ngăn chặn những hành động bành trướng khiêu khích như trên Biển Đông của Việt Nam hay trên eo biển Đài Loan. Rồi chờ sự sụp đổ chắc chắn sẽ phải đến của các chế độ độc tài Trung Quốc và Nga.

Chiến lược này có mọi triển vọng sẽ thành công khá sớm. Joe Biden nếu đắc cử sẽ là vị tổng thống Mỹ đầu tiên hiểu biết về thế giới, ông sẽ có sự khiêm tốn và khả năng thuyết phục cần thiết để hòa giải với các đồng minh và tranh thủ sự hợp tác của họ. Cố gắng này sẽ không khó vì Châu Âu, Ấn Độ, Nhật và thế giới nói chung đều đã nhận ra một sự thực là Trung Quốc ngày càng hiện rõ như một đe dọa cho hòa bình và công pháp quốc tế. Mặt khác, cả hai chế độ Trung Quốc của Tập Cận Bình và Nga của Putin đều không mong gì hơn là co cụm lại để cố kéo dài thời gian tồn tại.

Nhưng nếu Donald Trump tái đắc cử thay vì Joe Biden ?

Cho dù hiện nay mọi thăm dò dư luận cũng như mọi phân tích đều dự đoán thắng lợi của Biden nhưng điều gì chưa xảy ra vẫn có thể không xảy ra. Nếu Donald Trump thắng, sự chống đối toàn cầu đối với Nga và Trung Quốc sẽ vẫn tiếp tục mạnh lên nhưng sẽ không đủ để làm hai chế độ này chao đảo vì thiếu sức mạnh hợp tác. Sẽ không có hội nghị thượng đỉnh dân chủ và mặt trận dân chủ thống nhất vì không nước nào muốn hợp tác với Trump. Ông ta không tôn trọng những cam kết và có thể trở mặt một cách rất sỗ sàng. Có thể các cộng sự viên thân cận của Trump đã ít nhiều khuyên bảo được ông là Hoa Kỳ rất cần có những đồng minh, bằng cớ là từ một thời gian gần đây ông không còn khiêu khích nữa, hơn nữa còn để cho ngoại trưởng Mike Pompeo sang tranh thủ sự hợp tác của Liên Hiệp Châu Âu. Nhưng Pompeo đã không thành công vì Trump đã đi quá xa, nhất là đã chứng tỏ có thể trở mặt một cách vừa vô lý vừa bất ngờ. Tóm lại, nếu Trump tái đắc cử thì làn sóng dân chủ thứ tư, dù vẫn liên tục thêm sức mạnh, sẽ phải đợi thêm bốn năm nữa trước khi có thể trào dâng.

Còn Việt Nam sẽ ra sao trong giả thuyết Biden sẽ thắng cử?

Câu hỏi đầu tiên là liệu Việt Nam có được mời tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Toàn cầu vì Dân chủ không? Câu trả lời là có xác xuất 90% là CÓ. Chính Biden đã là kiến trúc sư của chiến lược lôi kéo Việt Nam ra khỏi ảnh hưởng Trung Quốc và đến gần với Hoa Kỳ. Cũng chính ông là người đã thay mặt tổng thống Obama để mở tiệc khoản đãi phái đoàn Nguyễn Phú Trọng năm 2015 và hân hoan mượn hai câu thơ Kiều :

"Trời còn cho có hôm nay
Tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời"

để hoan hô một giai đoạn mới trong quan hệ Việt – Mỹ. Biden sẽ cho Đảng cộng sản Việt Nam một cơ hội.

Nhưng Việt Nam có sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh này không? Câu trả lời dài hơn: chế độ cộng sản Việt Nam trong lòng thực sự không muốn, nhưng có nhiều triển vọng sẽ có mặt. Ban lãnh đạo đảng Cộng sản Việt Nam dĩ nhiên không muốn phải chịu áp lực quá mạnh để phải cam kết dân chủ hóa nhưng họ cũng không thể từ chối, bởi vì như vậy là tương đương với xác nhận đứng ngoài cuộc chơi chung và sẽ mất một phần quan trọng các thị trường lớn cũng như nhiều dự án đầu tư, điều mà họ không dám vì chế độ quá lệ thuộc vào ngoại thương và đầu tư nước ngoài. Hơn nữa, đứng ngoài là rất vô lý bởi vì Trung Quốc không còn là một chỗ dựa. Họ không có khả năng và cũng không muốn là một chỗ dựa cho Việt Nam nữa. Họ chỉ còn muốn lấn chiếm thôi. Nếu đứng ngoài liên minh các nước dân chủ (dù vì không được mời hay từ chối tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Toàn cầu vì Dân chủ) Việt Nam vừa mất những phần thị trường và cơ hội lớn vừa là mồi ngon cho những hành động lấn chiếm của Bắc Kinh. Như vậy có nhiều triển vọng Việt Nam sẽ có mặt trong hội nghị thượng đỉnh này.

Có nhiều triển vọng nhưng không hoàn toàn chắc chắn bởi vì đảng Cộng sản không đặt quyền lợi đất nước lên trên hết. Đối với họ sự tồn tại của đảng quan trọng hơn sự sống còn của đất nước và họ biết rằng tham dự hội nghị thượng đỉnh này, với sự gia nhập tự nhiên sau đó vào một mặt trận dân chủ toàn cầu, tương đương với chấp nhận từ bỏ chế độ toàn trị. Nhưng điều mà họ không hiểu là họ không có chọn lựa nào khác vì đằng nào đảng của họ cũng không có tương lai. Từ chối hội nhập vào thế giới dân chủ không tránh cho đảng Cộng sản khỏi bị đào thải mà chỉ chuốc lấy một sự đào thải thảm khốc hơn. Vấn đề của họ chỉ giản dị là rời bỏ trong những điều kiện đỡ xấu nhất trên một con tầu sắp chìm.

Đất nước rất có thể sắp đi vào một khúc quanh lịch sử. Điều này hình như nhiều người chưa hiểu và vẫn chỉ cãi cọ ồn ào về nhân vật Donald Trump.

N.G.K.

Nguồn: Diendantheky


NẾU BINDEN ĐẮC CỬ CHÍNH SÁCH CỦA 

MỸ ĐỐI VỚI AUSTRALIA VÀ CHÂU Á SẼ 

RA SAO ?

JOHN MC CARTHY/ BVN 14-9-2020

http://nghiencuuquocte.org/wp-content/uploads/2020/09/biden.jpg

Nguồn: John McCarthy, “Biden and Australia”, Asialink, 08/09/2020.

Căn cứ vào đánh giá về xác suất hiện nay, ông Joe Biden sẽ thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào ngày 3 tháng 11 sắp tới. Chúng ta cần đề cập đến các ý nghĩa tiềm ẩn của sự kiện này đối với quan hệ đối ngoại của Australia.

Chúng ta không nên trông đợi vào điều chỉnh tức thì trong chính sách đối ngoại của Mỹ. Các ưu tiên của Biden là đổi mới trong chính sách đối nội, như phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19 và đạt được các thay đổi về xã hội vì nước Mỹ bị chia rẽ nghiêm trọng hơn bao giờ hết từ sau nội chiến, mà sự phân hóa còn tệ hơn nếu kết quả bầu cử bị tranh chấp.

Tham vọng của Australia về Chính quyền Biden không nên khác với tham vọng của chính ông Biden. Nếu nước Mỹ không làm mới được chính mình, thì quyền lực toàn cầu của Mỹ sẽ còn suy thoái hơn nữa. Lợi ích của chúng ta cũng vì vậy mà tổn hại theo.

Hơn nữa, chủ thuyết cơ bản của chính quyền mới về các vấn đề đối ngoại sẽ không rõ ràng ngay. Ông Biden tuy có kinh nghiệm đối ngoại, nhưng về cơ bản là một chính khách Mỹ gốc Ireland, nên sẽ ưu tiên các vấn đề đối nội trước, và ông là người tin vào “nghệ thuật của điều có thể”. Một số người trong chính quyền sẽ có ý thức hơn những người khác về vị trí của Mỹ trên thế giới. Trong khi một số người lý tưởng hóa thì một số khác sẽ thực dụng. Quá trình thu xếp ai sẽ làm việc gì đã bắt đầu và sẽ tiếp tục cho đến mùa xuân tới.

Nói như vậy có nghĩa rằng trong mấy tháng vừa qua, một số chủ thuyết chung đã hình thành trong đầu các nhà tư tưởng của Mỹ mà một số sẽ phục vụ trong Chính quyền Biden. Các chủ thuyết này sẽ tác động đến các nước đồng minh của Mỹ.

Thứ nhất, ông Biden sẽ ưu tiên xây dựng lại các khối liên minh đã từng đóng góp cho việc gìn giữ hòa bình từ sau Thế chiến II. Chúng ta có lợi ích sát sườn trong vấn đề này. Cũng như những người của đảng Cộng hòa trong Chính quyền Trump, không phải tất cả mọi thành viên đảng Dân chủ đều tích cực ủng hộ các cam kết an ninh của Mỹ.

Thứ hai, trong khi những người của đảng Dân chủ chia sẻ một số lo ngại chung của Mỹ về chủ nghĩa đa phương, họ sẽ đầu tư nhiều năng lượng tích cực vào các nỗ lực và thể chế đa phương ở phạm vi khu vực và toàn cầu, bao gồm cải tổ lại một số thể chế. Họ sẽ dựa vào các nền dân chủ phương Tây, bao gồm Australia, để hợp tác nhằm mục đích này.

Thứ ba, hệ trọng đối với Australia, là cách đề cập của Chính quyền Biden đối với Trung Quốc.

Các nhà hoạch định chính sách đối ngoại chủ lưu của Mỹ, gồm những người xung quanh Biden, đều có đầu óc thực tiễn. Họ hiểu rằng Trung Quốc đã thay đổi. Nhưng thay vì dùng ngôn ngữ ý thức hệ đối đầu như Ngoại trưởng Mike Pompeo, họ sẽ tìm cách khác.

Cựu Trợ lý Ngoaị trưởng Kurt Campbell và cựu Cố vấn An ninh Quốc gia cho cựu Phó Tổng thống Biden là Jake Sullivan, đã lập luận chống lại chủ nghĩa ngăn chặn mới và ủng hộ việc thiết lập với Trung Quốc các điều kiện thuận lợi để cùng chung sống trên bốn lĩnh vực là quân sự, kinh tế, chính trị, và ứng phó toàn cầu, nhằm đảm bảo lợi ích của Mỹ mà không tạo ra nhận thức về mối đe dọa đã từng là đặc trưng của đối đầu Mỹ – Xô trước đây.

William Burns có thể làm ngoại trưởng trong Chính quyền Biden, hiện là Chủ tịch của Carnegie Endowment, đã nói rằng kiểu tư duy vô nguyên tắc đã dẫn dắt nước Mỹ theo ảo tưởng rằng hợp tác, can dự với Trung Quốc sẽ mang lại lợi ích. “Ngày nay, tư duy vô nguyên tắc theo kiểu khác đã làm cho chúng ta ảo tưởng về khả năng tách đôi và ngăn chặn (decoupling and containment) và đối đầu là không tránh khỏi (inevitability of confrontation)”.

Ông Burns còn ủng hộ “can dự trực tiếp với lãnh đạo Trung Quốc – dùng ganh đua để trói Bắc Kinh, xác định điều kiện cùng chung sống, ngăn chặn cạnh tranh trở thành đối đầu, và duy trì không gian hợp tác nhằm đối phó với các thách thức toàn cầu”.

Cựu đại sứ Mỹ tại một số nước, Frank Wisner, và cựu đại sứ Mỹ tại LHQ, Samantha Power, đã đề xuất chia chính sách Trung Quốc thành ba phần: đối đầu (các lĩnh vực phải đối đầu với Trung Quốc như Biển Đông hay tình báo mạng); cạnh tranh (thương mại, hạ tầng toàn cầu, Trí tuệ Nhân tạo); hợp tác (Covid-19, biến đổi khí hậu, không phổ biến vũ khí hạt nhân).

Một nhóm chuyên gia nổi tiếng của cả hai đảng về đối ngoại và an ninh, gồm cựu ngoại trưởng George Schultz, cựu Bộ trưởng Quốc phòng William Perry và cựu Thượng nghị sỹ Sam Nunn cũng kêu gọi cách đề cập cứng rắn nhưng thực tế hơn với Nga dựa trên tư duy đối phó với Nga theo thực tế vốn có chứ không phải như những gì Mỹ muốn Nga trở thành, và hành động dựa trên sự giảm thiểu trừng phạt để đổi lại những cam kết của Nga.

Nếu Biden có thể đạt được sự cân bằng nội bộ và một số tư duy đối ngoại như trên được ủng hộ, thì một chính sách đối ngoại chặt chẽ hơn của Mỹ có thể hình thành, gần giống như cách ứng xử của Mỹ với Liên Xô và Trung Quốc trong thập niên 1970-1980, chứ không như giai đoạn Mỹ trở thành độc tôn sau sự sụp đổ của Liên Xô cho đến sự kiện 11/9, hay hai thập niên vừa qua khi Mỹ bị sa lầy tại Afghanistan và Iraq.

Điểm thứ tư cần xem xét là ông Biden sẽ ứng xử với Châu Á như thế nào.

Về vấn đề này, Mỹ phải xác định ưu tiên bốn nhóm vấn đề:

Sự kết thúc của thời kỳ Abe trong chính trị Nhật. Washington sẽ phải đảm bảo có cơ sở cho một chính sách phù hợp cho nước Nhật thời kỳ hậu Abe, tiếp tục cân bằng lo ngại an ninh với lợi ích kinh tế trong việc cộng tác có giới hạn với Trung Quốc.

Mối đe dọa hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Ông Biden hầu như ngay lập tức phải xác lập một chính sách để thay thế dạng ngoại giao cá nhân bốc đồng mà ông Trump đã theo đuổi với chế độ của Kim Jung-un.

Vị thế chiến lược của Ấn Độ đối với Trung Quốc và phương Tây. Ấn Độ, đất nước đã gắn liền với sự ra đời của phong trào không liên kết, trong thập niên qua đã có một tầm nhìn gần với tầm nhìn của Mỹ và xu hướng đó đã phát triển từ sau xung đột biên giới gần đây với Trung Quốc. Nhưng sức mạnh kinh tế của Ấn Độ đang bị suy yếu bởi Covid-19 và quan điểm cứng rắn của Thủ tướng Narendra Modi dựa trên chủ nghĩa dân tộc Hindu sẽ phải nhượng bộ trước một số nhân vật có quan điểm tự do trong Chính quyền Biden.

Vai trò của Đông Nam Á trong thế cân bằng chiến lược mới ở khu vực và trên toàn cầu. Trừ ngoại lệ đặc biệt là thời kỳ Chiến tranh Việt Nam, một khía cạnh lịch sử trong chính sách Châu Á của Mỹ là tập trung chủ yếu vào Đông Bắc Á nơi lợi ích của Mỹ, Trung Quốc, Nga, Nhật cọ xát với nhau. Với sự trỗi dậy của Trung Quốc, Đông Bắc Á và Đông Nam Á không còn khác biệt về chiến lược. Biden sẽ phải đầu tư năng lượng chính trị vào Đông Nam Á nhiều hơn thời kỳ Obama và Trump – nhưng phải thận trọng. Như Wisner đã nói gần đây, các nước ASEAN muốn có sự nhất quán trong chính sách của Mỹ và muốn có năng lực duy trì độc lập về chiến lược. Điều này đòi hỏi hai bên phải cư xử tế nhị.

Australia có lợi ích sống còn và vai trò trong việc khuyến khích hình thành một chính sách đúng đắn về về các vấn đề như vậy đối với Trung Quốc.

Trong bốn năm qua, trong khi ông Trump làm chủ Nhà Trắng thì chúng ta có hai thủ tướng chính phủ liên hiệp, đã tìm cách vận dụng lịch sử và hệ tư tưởng chung để tạo dựng quan hệ làm việc với một tổng thống thất thường khó đoán và duy trì sự cam kết của ông ấy trong các vấn đề quan trọng nhất đối với lợi ích đối ngoại của chúng ta.

Nhiệm kỳ tổng thống Biden, bằng cách phục hồi một mức độ bình thường hóa nhất định trong hoạt động của chính quyền, sẽ giúp các nước khác làm việc dễ hơn với Washington. Nhưng thực chất các thách thức đối với những người làm chính sách của chúng ta sẽ không thay đổi. Việc sống còn là phải đảm bảo rằng ảnh hưởng của chúng ta đối với Mỹ sẽ giúp hình thành một chính sách mới của Mỹ đối với khu vực, qua đó tăng cường cam kết của Mỹ, duy trì hứa hẹn về một sự chung sống Mỹ – Trung, đồng thời đảm bảo lợi ích của các nước khác.

John McCarthy là cố vấn cao cấp của Asialink, và là cựu đại sứ của Australia tại Việt Nam, Mexico, Thailand, Mỹ, Indonesia, Nhật Bản và Ấn Độ.

Dịch giả gửi BV

AI SẼ LÀ TỔNG THỐNG TIẾP THEO CỦA NƯƠC MỸ

Tiến sỹ Terry F. Buss/VNN 8-9-2020

Trong bối cảnh rất nhiều xáo trộn và chia rẽ khiến các dự đoán trong mấy cuộc bầu cử vừa qua hoàn toàn sai, tôi đánh giá cho hai ứng viên trên các tiêu chí sau đây.

01. TỶ LỆ ỦNG HỘ Ở CÁC KHU VỰC

Hiện tại, ông Biden đang dẫn trước ông Trump với tỷ lệ lần lượt là 49,7%- 42,2% trong các cuộc khảo sát toàn quốc của Real Clear Politics (RCP). Trong vài tháng qua, hầu hết các nhà quan sát đều đặt cược vào ông Biden. Tỷ lệ cá cược ở Las Vegas nghiêng về ông Biden với 50,3% trong khi chỉ có 49,5% đặt cho ông Trump. 

Donald Trump,Biden,bầu cử Mỹ,Terry F. Buss

Tuy nhiên, không nên vội vàng: ông Trump chỉ kém một chút hoặc sát nút với ông Biden ở các bang "dao động" hoặc các "đấu trường" quan trọng: Michigan, Pennsylvania, Bắc Carolina, Florida, Wisconsin và Arizona. Theo kết quả thăm dò của Real Clear Politics, tỷ lệ ủng hộ ông Biden ở mức trung bình là 48% so với 45,5% dành cho ông Trump. Đây là những tiểu bang không theo phe Cộng hòa cũng không theo phe Dân chủ. Những bang này sẽ có vai trò bản lề trong cuộc bầu cử. 

Ông Trump có thể thắng cử nếu giành được chính các bang ông đã thắng năm 2016, hạ gục bà Hillary Clinton. 

02. SỰ CUỒNG NHIỆT CỦA CỬ TRI

Các cử tri cốt lõi hoặc cử tri “nền tảng” của ông Trump luôn ủng hộ ông tuyệt đối, bất kể ông làm gì hay nói gì. Ông Biden cũng có lực lượng ủng hộ nhưng cử tri “nền tảng” của ông thiếu sự cuồng nhiệt . 

Nhóm này bao gồm các đảng viên Dân chủ, nhóm chính khách Cộng hòa muốn hạ bệ ông Trump và những cử tri của ông Bernie Sanders. 

Sẽ không có việc những cử tri ông Biden đảo chiều quay sang ủng hộ ông Trump, nhưng có khả năng họ sẽ không đi bỏ phiếu nếu họ cho rằng ông Biden vượt xa ông Trump trong các cuộc khảo sát.

Donald Trump,Biden,bầu cử Mỹ,Terry F. Buss

Cuộc bầu cử sẽ chủ yếu dựa vào các cử tri độc lập: số cử tri không theo đảng phái nào chiếm 40%. Cử tri của đảng Cộng hòa là 25%, đảng Dân chủ 31%. Khoảng 44% cử tri nghiêng về ông Biden, 34% nghiêng về ông Trump. 

Tỷ lệ ủng  hộ dành cho ông Trump gần đây tăng từ 44% lên 53%.  Điều thú vị là trong cùng thời kỳ của nhiệm kỳ Tổng thống Obama, tỷ lệ ủng hộ dành cho ông Obama đạt 44%. 

Theo CNN, 85% người ủng hộ ông Trump rất háo hức với việc ông ra ứng cử. Trong khi đó, một cuộc thăm dò của đài ABC cho thấy tỷ lệ đó là 34% đối với ông Biden.

03.CÁC NHÓM THIỂU SỐ

Ông Biden nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ các cử tri người da đen và Latin. Cả hai nhóm thiểu số này đã góp phần cứu ông ấy khỏi thất bại trong cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Dân chủ đầu năm nay khi nhiều người mong ông Bernie Sanders chiến thắng. 

Donald Trump,Biden,bầu cử Mỹ,Terry F. Buss

Ông Trump đã tích cực lấy lòng nhóm thiểu số để giành một phần cử tri “nền tảng” của ông Biden. Tỷ lệ ủng hộ dành cho ông tăng từ 15% lên 24% trong nhóm cử tri da đen và từ 30% lên 32% ở nhóm dân gốc Latin. Nếu ông Trump có thể khiến tỷ lệ ủng hộ của các nhóm thiểu số tăng hơn chút nữa, ông ấy sẽ có khả năng chiến thắng. 

Cử tri Mỹ tin rằng mối quan hệ chủng tộc dưới thời Tổng thống Trump đã được cải thiện tốt hơn so với thời ông Obama, vị Tổng thống da đen đầu tiên của Mỹ.

04. NHÓM CỬ TRI PHỤ NỮ Ở KHU VỰC NGOẠI Ô 

Donald Trump,Biden,bầu cử Mỹ,Terry F. Buss

Đảng Dân chủ dành nhiều nguồn lực để thuyết phục cử tri rằng ông Trump là người thù ghét phụ nữ. Vào năm 2016, chiến lược này của phe Dân chủ đã thất bại.  

 Trong cuộc đua năm nay, tỷ lệ phụ nữ ủng hộ ông Trump đã sụt giảm mạnh xuống còn 34% so với 64% dành cho ông Biden. Nhóm cử tri này không thích hành vi của ông Trump, đặc biệt là trên Twitter. Ông Trump sẽ không thể giành chiến thắng nếu không có sự ủng hộ của họ.

05. ĐẠI DỊCH VÀ KINH TẾ

Nhiều khả năng, cuộc đua này sẽ phụ thuộc vào việc quản lý đại dịch Covid-19 của ông Trump cũng như việc đóng cửa và mở cửa lại nền kinh tế. Ông Biden đã thành công trong việc thuyết phục cử tri rằng ông Trump đã thất bại trong xử lý đại dịch (56,8% không tán thành cách xử lý đại dịch) và quản lý kinh tế (53% không tán thành cách quản lý kinh tế). 

Cơ hội chiến thắng của ông Trump sẽ giảm nếu đại dịch bùng phát đợt 2 ngay trước cuộc bầu cử. Điều này có thể được hoá giải nếu lúc đó có vắc-xin và/hoặc phương pháp điều trị. Ông Trump đã hứa sẽ có vắc-xin và phương pháp điều trị trong vài tuần tới. 

Ngoài ra, ông cũng được đánh giá cao về khả năng quản lý nền kinh tế trước khi đại dịch xảy ra và nhiều cử tri không đổi lỗi cho ông về những thiệt hại mà Covid-19 đã gây ra.

06. BẠO LỰC ĐÔ THỊ

Cái chết của George Floyd dưới bàn tay của cảnh sát vào tháng 5 đã dẫn đến các cuộc biểu tình lớn khắp nước Mỹ nhằm tố cáo sự tàn bạo của cảnh sát đối với người da đen và kêu gọi công bằng xã hội. Biểu tình nhanh chóng biến thành các cuộc bạo động với các vụ đốt phá, phá hoại, cướp bóc và giết người.  

Những kẻ vô chính phủ đã nhìn thấy cơ hội để phá huỷ nước Mỹ. Các thành phố và các tiểu bang đông dân do đảng Dân chủ kiểm soát đã làm rất ít hoặc không làm gì để ngăn chặn bạo loạn. Tổng thống Trump đã huy động Lực lượng vệ binh quốc gia và đặc vụ liên bang để dập tắt nhiều cuộc bạo động. 

Ông Trump coi đây là một vấn đề lớn cần giải quyết triệt để trong khi ông Biden chọn cách giữ im lặng, khiến người ta nghĩ rằng ông Biden ủng hộ bạo động hoặc không coi đó là vấn đề nghiêm trọng. 

Bạo loạn hiện chưa có dấu hiệu giảm bớt và có thể là vấn đề gây ảnh hưởng lớn đến nhóm cử tri phụ nữ: họ có xu hướng ủng hộ an ninh, luật pháp và trật tự. 

07. CÁC VỤ BÊ BỐI  CHÍNH TRỊ  

Một yếu tố quan trọng quyết định chiến thắng trong cuộc đua này sẽ là màn thể hiện của hai ứng cử viên trong ba cuộc tranh luận sắp tới.

Phe Dân chủ không giấu diếm lo ngại rằng ông Biden sẽ không đấu lại được ông Trump. Thậm chí, lãnh đạo đảng còn kêu gọi hủy bỏ tranh luận. Ở vòng bầu cử sơ bộ năm 2019, ông Biden đã rất chật vật trước các đối thủ cùng phe Dân chủ. Ngược lại, năm 2016, ông Trump đã đánh bại toàn bộ cả 24 ứng cử viên của đảng Cộng hòa và hạ gục đối thủ Hillary Clinton của đảng Dân chủ. 

Người chiến thắng các cuộc tranh luận tới đây sẽ có khả năng thắng cử, nếu không xảy ra các vấn đề gì khác. 

Đời sống chính trị Mỹ đã quen với việc sẽ luôn có một hoặc hai vụ bê bối được để dành cho ứng cử viên ngay trước cuộc bầu cử khiến họ mất cơ hội chiến thắng. Cuộc bầu cử lần này phải hứng chịu nhiều vụ bê bối gây bẽ mặt mà bất kỳ vụ nào trong số đó cũng có thể quyết định kết quả. 

Các đảng viên Dân chủ tại Quốc hội và New York đang điều tra ông Trump. Còn đảng Cộng hòa thì đang điều tra ông Biden và ông Obama. Kết quả của các cuộc điều tra này có thể làm một hoặc thậm chí cả hai ứng cử viên thất thủ. Hoặc, sẽ chẳng có hậu quả gì. 

"Quả bom hẹn giờ" đang đợi thời khắc nổ tung: Kết quả điều tra sẽ được công bố vào mùa thu này. 

08. BỎ PHIẾU QUA ĐƯỜNG BƯU ĐIỆN

Thật kỳ lạ khi cuộc bầu cử có thể sẽ phụ thuộc vào yếu tố: việc bỏ phiếu qua đường bưu điện trên diện rộng thay vì bỏ phiếu trực tiếp vào tháng 11 tới đây có được thực hiện hay không. 

Đảng Dân chủ ủng hộ bỏ phiếu qua đường bưu điện vì họ cho rằng bỏ phiếu trực tiếp là phân biệt chủng tộc và do đó sẽ gây thiệt hại cho nhóm cử tri “nền tảng” của họ. Trong khi đó, Đảng Cộng hòa lo ngại việc bỏ phiếu qua đường bưu điện sẽ dẫn đến gian lận nên họ thích bỏ phiếu trực tiếp hơn. 

Việc bỏ phiếu qua đường bưu điện sẽ bắt đầu trong nay mai, có nghĩa là cử tri sẽ bỏ phiếu từ rất sớm trước khi cuộc bầu cử diễn ra vào tháng 11. Và như vậy họ sẽ không thể đánh giá được các ứng cử viên qua các cuộc tranh luận hoặc không có cơ hội cân nhắc lựa chọn trong trường hợp có bê bối xảy ra. 

Donald Trump,Biden,bầu cử Mỹ,Terry F. Buss

Điều này cũng có nghĩa là vào đêm bầu cử, có khả năng ông Trump sẽ ở vị trí giống như người thắng cuộc bởi vì các lá phiếu bỏ trực tiếp của cử tri Cộng hòa đã được kiểm ngay lập tức. Trong khi đó, những lá phiếu gửi qua đường bưu điện của phe Dân chủ sẽ chỉ được kiểm sau khi cuộc bầu cử đã kết thúc nhiều ngày hoặc nhiều tuần và lúc đó biết đâu lại cho kết quả là ông Biden chiến thắng. 

Nhiều người lo ngại rằng sự lệch pha của hai hình thức bỏ phiếu này có thể khiến bạo loạn nổ ra sau khi kết quả bầu cử được công bố. 

Và trong trường hợp đó thì người chiến thắng sẽ là: Donald Trump.

09. ÔNG TRUMP RÚT NGẮN KHOẢNG CÁCH

Tại sao lại như vậy? Gần như mọi chỉ số từ các cuộc thăm dò cho đến kết quả điều tra qua các nhóm mục tiêu, rồi tỷ lệ cá cược đều cho thấy ông Trump đang nhanh chóng rút ngắn khoảng cách với ông Biden: Ông Trump đang nắm trong tay động lực mạnh mẽ nhất. Ông thu hút được sự ủng hộ từ các nhóm cử tri chủ chốt trong khi ông Biden chỉ đang cố gắng bám trụ. Chiến dịch của ông Trump tràn đầy sinh khí và nhiệt huyết, trái ngược với chiến dịch của ông Biden. 

Ông Biden vận động tranh cử chủ yếu trên Zoom, trong tầng hầm ngôi nhà của mình vì e sợ Covid-19. Ông Trump có mặt khắp mọi nơi để giành giật từng lá phiếu. Ông Biden chỉ vừa bắt đầu ra khỏi tầng hầm, tuy nhiên điều này có thể đã quá muộn. Cho đến nay, ông Biden đã thực hiện 5 cuộc họp báo, ông Trump 150 cuộc. 

Các cuộc tranh luận tới đây giữa hai ứng cử viên sẽ giải quyết vấn đề một cách triệt để lần cuối cùng. Điều này có lợi cho ông Trump. 

Lưu ý rằng, Covid-19, kinh tế, bạo loạn, và bê bối có thể trong nháy mắt thay đổi mọi dự đoán này của tôi. 

Tiến sỹ Terry F. Buss - Chuyển ngữ: Đào Thuý

 



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét