Thứ Hai, 7 tháng 9, 2020

20200908. BÀI HỌC DÂN VẬN QUA VỤ ÁN ĐỒNG TÂM

 ĐIỂM BÁO MẠNG 

TỪ VỤ ĐỒNG TÂM NHÌN LẠI BÀI HỌC VỀ CÔNG TÁC DÂN VẬN CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH

TÔ VĂN TRƯỜNG/ BVN 6-9-2020

Nguyên nhân gốc rễ của vụ việc Đồng Tâm chính là quy định của pháp luật về đất đai và việc áp dụng pháp luật về đất đai chưa thực sự sát với các biến đổi về kinh tế – xã hội của đất nước, nhất là những năm gần đây. Từ đó, dẫn đến mâu thuẫn trong nhận thức và hành động giữa chính quyền địa phương với một bộ phận nhân dân ở xã Đồng Tâm đến mức không thể điều hoà được.

Bài học về dân vận của Hồ Chủ tịch vẫn còn đó, nhưng không phải “tinh hoa, nguyên khí” nào cũng hiểu và hành động đúng. Đó là nỗi đau không phải của riêng ai.

Để xảy ra sự kiện vô cùng thương tâm ở Đồng Tâm này, trước hết là trách nhiệm của các vị “quan” sở tại, nhất là huyện Mỹ Đức và thành phố Hà Nội. Sau nữa, là vai trò của Bộ Quốc phòng trong việc xử lý những vấn đề liên quan đến dự án và đặc biệt là vai trò của Bộ Công an trong việc tháo dỡ “ngòi nổ”, thay vì hành động mạnh tay.

Sự kiện rất đau lòng Đồng Tâm vượt quá “tầm kiểm soát” mà ngay cả hai vị đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc (nhà sử học) và Lưu Bình Nhưỡng (luật sư) đã từng đi khảo sát thực tế và lên tiếng trên diễn đàn Quốc hội. Đặc biệt, đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc sau vụ bị tai nạn giao thông suýt chết (ngã sưng mặt bất tỉnh, phải vào bệnh viện khâu vài mũi) nên vì nhiều lý do khác nhau… đã phải chọn giải pháp “im lặng là vàng”!

Trong bức thư của nhà nghiên cứu xã hội học Phạm Quỳnh Hương khi bàn về chủ đề “Giải quyết xung đột xã hội Đồng Tâm”, chị có trích dẫn ý kiến của chuyên gia Đức được nhiều người đặc biệt chú ý: “Có ba thứ con người không tránh được, là bệnh tật, cái chết và xung đột xã hội”.

Theo tôi hiểu, để trị bệnh, người ta phải nghiên cứu khoa học và liên tục nghiên cứu, phát triển khoa học. Từ kết quả nghiên cứu, người ta đưa ra hai giải pháp chính là phòng bệnh và chữa bệnh. Phòng bệnh quan trọng hơn chữa bệnh. Để chữa bệnh thì phải xác định được đúng nguyên nhân gây bệnh. Các giải pháp phòng bệnh, chữa bệnh đều phải rất toàn diện, không chỉ giới hạn trong phạm vi dùng thuốc và áp dụng các thủ thuật y học. Khi dùng thuốc và áp dụng các thủ thuật y học, bao giờ cũng cần chú ý đến tác dụng phụ không mong muốn.

Còn về cái chết, đúng là không thể tránh khỏi được. Nhưng con người không ai muốn chết sớm, chết trong đau khổ nên phải nghiên cứu để tìm ra những biện pháp kéo dài tuổi thọ, tránh những cái chết lãng xẹt, những cái chết đau khổ, nhục nhã và tránh để lại hậu quả nặng nề cho người còn sống.

Nhiều người có chung nhận xét xã hội nói chung và các nhà cai trị nói riêng có thể học hỏi rất nhiều từ chuyện phòng chống bệnh tật, kéo dài tuổi thọ để áp dụng vào giải quyết các xung đột xã hội. Cụ thể:

- Phải nghiên cứu và không ngừng nghiên cứu để có giải pháp căn cơ.

- Phải chú trọng cả hai mặt phòng và chống; coi phòng quan trọng hơn.

- Phải tìm được nguyên nhân và khi tìm được rồi thì dũng cảm áp dụng biện pháp phòng, chống. Muốn chống bệnh tật mà vẫn giữ nguyên nếp sống sai lầm thì chống sao được?

- Biện pháp phòng, chống phải toàn diện.

- Phải chú ý tác dụng không mong muốn khi áp dụng các biện pháp phòng, chống. Chống bằng liều thuốc cực mạnh có khi khỏi một bệnh nhưng lại làm một số bộ phận quan trọng khác của cơ thể bị tổn thương.

- Phải nhận thức chế độ xã hội cũng như con người trước sau đều phải chết. Không có thuốc trường sinh bất tử. Nhìn thấy trước như vậy để một mặt kéo dài tuổi thọ một cách khoa học, một mặt tìm giải pháp chết êm thấm, tạo điều kiện cho sự sống mới ra đời.

Xin mượn lời các ý kiến bình luận của nhà xã hội học Phạm Quỳnh Hương, cựu Vụ trưởng Ban Tổ chức Trung ương Đảng Bùi Đức Lại, GS Nguyễn Minh Thuyết và trí thức, lão thành cách mạng Nguyễn Trung để thay cho lời kết của bài viết này.

T.V.T.

*

—– Forwarded message —–

From: quynh huong pham <p.quynhhuong@yahoo.com>

To: To Van Truong <tovantruong1948@yahoo.com>

Sent: Thursday, 3 September 2020, 18:26:49 GMT+7

Subject: GIẢI QUYẾT XUNG ĐỘT XÃ HỘI – Đồng Tâm

Dear anh Trường,

Vụ Đồng Tâm sẽ được đưa ra xét xử ngày 7/9 tới. Là một chuyên gia xã hội, và đã được đào tạo về giải quyết xung đột xã hội, cá nhân cũng đã có những kinh nghiệm trong giải quyêt xung đột xã hội, em muốn có một vài ý kiến.

Vụ Đồng Tâm, có quá nhiều thứ phải rút kinh nghiệm. Để xảy ra vụ Đồng Tâm thì chúng ta đều hiểu rằng đó là một xung đột quá lớn. Và cần phải có nghiên cứu đề xuất giải pháp hóa giải xung đột xã hội.

Ngày xưa em được đi học một khoá về Giải quyết những Xung đột Xã hội do các chuyên gia Đức dạy. Hoá ra người Đức rất giàu kinh nghiệm về hoá giải các xung đột xã hội. Nước Đức, có lịch sử bị chia cắt đất nước, khác biệt về ý thức hệ, chưa kể họ là bên tội phạm chiến tranh và Phát xít. Chính vì thế họ có cả những lý thuyết và phương pháp tuyệt vời về giải quyết xung đột xã hội.

Việt Nam mình thì mấy chục năm qua, biết bao xung đột xã hội đã xảy ra nhưng chưa có những giải pháp hiệu quả. Vẫn những cách làm cũ. Vì thế nên những vụ sau lại dẫm lên chính sai lầm của những vụ trước. Vụ Đồng Tâm có lúc đã đạt được một chút tiến bộ khi ông Chung ký cam kết với dân. Nhưng sau đó cách giải quyết lại rất lúng túng và tiếp tục sai lầm.

Khi đi học, các chuyên gia Đức đã dạy các học viên một câu mà em nhớ mãi: có ba thứ mà con người không bao giờ tránh được. Đó là bệnh tật, cái chết, và xung đột xã hội. Bệnh tật thì đã có bệnh viện giải quyết. Cái chết thì đã có nhà tang lễ. Còn xung đột xã hội thì chúng ta phải học cách giải quyết. Nó rất khó, nhưng nếu không chữa đúng cách thì xung đột càng tăng lên và để lại di chứng hận thù trong xã hội rất lâu dài. Nó còn kìm hãm sự phát triển của xã hội.

Chúng ta phải học cách giải quyết vấn đề của xã hội mình. Bệnh tật thì có thể đi nước ngoài chữa. Nhưng xung đột xã hội thì tự mình chứ không ai có thể giải quyết hộ.

Đưa ra tòa xử thì đó là về góc độ tư pháp, còn góc độ xã hội thì rất nhiều việc phải làm. Tư pháp chỉ giải quyết được xử phạt theo pháp luật, và có tác dụng ngăn chặn việc làm vi phạm pháp luật. Còn những khía cạnh nguyên nhân xã hội gây ra xung đột, và đặc biệt là hóa giải các xung đột thì lại phải là các chuyên gia xã hội vào cuộc. Chúng ta đã có những đoàn thể, đó là những tổ chức đóng góp rất nhiều vào trong việc điều hòa những xung đột ở địa phương. Tuy nhiên, khi xung đột đã quá lớn, vượt quy mô của thôn, xã thì cần có thêm sự nghiên cứu và tư vấn của các chuyên gia xã hội, cụ thể là chuyên gia xung đột xã hội. Vụ việc Đồng Tâm không phải là cá biệt, sẽ có những vụ việc tương tự ở Việt Nam. Nếu giải quyết được xung đột thì sẽ là kinh nghiệm tốt để chia sẻ toàn quốc.

Để hóa giải những xung đột ở Đồng Tâm, và không để nó trở thành xung đột xã hội lâu dài, thậm chí qua các thế hệ, thì cần có những nghiên cứu để đề ra giải pháp. Cần có nghiên cứu liên ngành, gồm chuyên gia luật pháp, thể chế, cùng với chuyên gia về các ngành liên quan và chuyên gia xã hội. Cần có nghiên cứu liên ngành thì mới đưa ra những giải pháp hợp lý và triệt để được. Không biết đã có nghiên cứu nào như vậy chưa? Nếu chưa thì cần làm ngay, càng sớm càng tốt. Để lâu xung đột càng âm ỉ, và tạo nên nỗi đau trong lòng xã hội. Mục đích của nghiên cứu không phải là để phán xét đúng sai, không phải để xử phạt, mà là để hóa giải xung đột xã hội.

Anh Trường cũng quan tâm đến vụ Đồng Tâm. Anh có mối liên hệ rộng rãi, chẳng hạn các ĐBQH (ông Dương Trung Quốc, ông Lưu Bình Nhưỡng), mong anh đề xuất với các cơ quan để sớm có những nghiên cứu đề xuất chính sách.

Chúc anh khỏe,

Em Q. Hương

Ms. Pham Quynh Huong Vietnam Academy of Social Sciences (VASS) Institute of Sociology (IOS) Mobile: 0904125698 Email: p.quynhhuong@yahoo.com

*

Bui Duc Lai <buiduclai@yahoo.com.vn>

To: To Van Truong

Fri, 4 Sep at 05:56

Anh Tô Văn Trường thân mến.

Tôi hoan nghênh việc bạn Quỳnh Hương đã thực sự quan tâm đến Vụ Đồng Tâm và kiến nghị phương châm xử lý.

Vụ Đồng Tâm đã gây xúc động sâu sắc, động chạm đến lương tri toàn xã hội. Một phần vì tính chất thảm khốc của nó, nhưng chủ yếu là nó động chạm và phơi bày nhiều vấn đề bức xúc bậc nhất trong xã hội VN hiện nay.

Còn nhiều điều cần làm rõ về nguồn gốc trực tiếp của vấn đề, về những gì đã diễn ra sáng 9.1.2020 dẫn đến cái chết của cụ Kình và ba sĩ quan công an. Dư luận xã hội đã đưa ra nhiều nhận định, phản bác những gì đã được công khai bởi CA và báo chí nhà nước.

Nhìn cung cách chuẩn bị phiên tòa tới đây, tôi nghĩ rằng cũng khó làm sáng tỏ những vấn đề đó, xử đúng người đúng tội, đem lại công bằng cho các bên và rút ra những bài học lớn cho những người nắm quyền lực.

Có thể nói thẳng và dứt khoát rằng, Đồng Tâm xảy ra chủ yếu và trước hết do sai lầm của chính quyền. Sai lầm về chính sách đất đai, sai lầm về quản lý đội ngũ dưới quyền (quân đội, công an, các “cán bộ” trong hệ thống), sai lầm về đánh giá tình hình, do đó sai lầm về chọn giải pháp đối phó. Việc huy động một lực lượng lớn để trấn áp dân Đồng Tâm chứng tỏ rằng, những người nắm quyền quyết định đã xem dân ở đó như một thế lực thù địch có tổ chức, nhất thiết phải bóp chết. Không chỉ vì mấy chục ha đất Đồng Tâm mà vì sợ “đám cháy lan ra cả cánh đồng”.

Việc nhanh chóng tôn vinh và tặng thưởng những sĩ quan CA bị chết, chứng tỏ rằng quyết định đã được đưa ra từ cấp cao nhất, hoặc được họ phê chuẩn, thông qua toàn bộ các phương án trước khi thực hiện.

Cũng phải nói thêm rằng, họ có những nguyên liệu để tạo ra tội của dân, bảo vệ lý lẽ của mình. Đó là một số những hành vi và lời nói manh động, khiêu khích, vượt ra ngoài luật pháp của một số người dân. Nhà cầm quyền có thiện chí và tôn trọng sự thật, có thể tìm đúng nguyên nhân, để “tháo gỡ” vấn đề. Nhưng cũng có thể lợi dụng, phóng đại, để quy kết để kết tội, rũ bỏ trách nhiệm

Cho đến nay, nhà cầm quyền chưa thừa nhận sai lầm. Họ đã quá dấn sâu vào sai lầm, đang ở tư thế khó có thể lùi, “quay đầu”, làm theo tiếng nói của lương tri. Có lẽ sẽ tiếp tục dấn sâu thêm vào sai lầm bằng vụ xét xử sắp tới, trong đó họ sẽ cố gắng rũ bỏ trách nhiệm bằng cách trút hết tội lên đầu dân chúng.

Đó là cái khó nhất của vấn đề.

Trước mắt trong phiên tòa này, không thể có Thần công lý nào đâu.

Điều có thể hy vọng ít nhiều không phải là sự thức tỉnh lương tâm nhà cầm quyền mà là sự tỉnh táo nào đó ở họ khiến họ cân nhắc lợi hại chính trị-xã hội và hành động hợp lý.

Nếu họ tiếp tục đánh giá và làm sai, quyết “giết người dọa xã hội” thì không chỉ mạng sống (của những người bị đưa ra xét xử) bị đe dọa, mà sẽ tác động rất xấu đến toàn xã hội, đánh dấu một “bước ngoặt” trong quan hệ giữa dân chúng và thế lực cầm quyền.

Cứu mạng sống của những người Đồng Tâm bị xét xử là mục tiêu trước mắt quan trọng nhất. Việc “cao giọng” đối với nhà cầm quyền, theo quan điểm của tôi, không chắc đã phục vụ tốt cho mục tiêu này, không chắc đã mở đường cho họ xuống thang một mức.

Làm được việc đó lúc này, mọi chuyện sẽ có cơ “hạ hồi phân giải” sau này.

Bùi Đức Lại

—– Forwarded message —–

From: Thuyết Lê <thuyetcanhdieu@gmail.com>

To: To Van Truong <tovantruong1948@yahoo.com>

Sent: Friday, 4 September 2020, 10:50:23 GMT+7

Subject: Re: FYI Giải pháp hóa giải xung đột xã hội vụ Đồng Tâm

Anh Trường thân,

Từ trước tới nay, anh là người luôn có những ý kiến sâu sắc, xây dựng và được các vị lãnh đạo tín nhiệm. Nếu anh viết thư cho các vị lãnh đạo cao cấp nhất về hướng xử lý vụ Đồng Tâm này thì có thể họ sẽ chỉ đạo để không làm xấu hơn tình hình.

Có điều, các vị hình như đã chọn giải pháp “rung cây dọa khỉ” rồi. Mà mức độ khốc liệt của nó tuy không như sự kiện Thiên An Môn nhưng cũng không còn là “rung cây” nữa. Như vậy thì góp ý phải rất thực tế mới được.

Tôi tin tâm trí và cây bút của anh có thể làm tốt điều này.

Xin chúc anh luôn khỏe để tiếp tục đóng góp cho sự nghiệp chung.

Trân trọng

Nguyễn Minh Thuyết

—– Forwarded message —–

From: Nguyen Trung <nguyentrungvt@gmail.com>

To: To Van Truong <tovantruong1948@yahoo.com>

Sent: Friday, 4 September 2020, 10:54:35 GMT+7

Subject: Re: FYI Giải pháp hóa giải xung đột xã hội vụ Đồng Tâm

Xin đừng quên, tôi không biết báo chí hồi ấy đưa tin thế nào, nhưng tại Hà Nội hồi ấy, trong tiếp các cán bộ trung kiên bị xử lý oan trong cải cách ruộng đất (khi kết thúc đợt V của CCRĐ), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chính thức xin lỗi nhân dân và cả nước, và sau đó quyết sửa sai (khoảng một năm mới xong).

Trong buổi tiếp này Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi tất cả những cán bộ trung kiên này tham gia nhiệm vụ sửa sai của Đảng. Sai lầm trong CCRĐ còn trầm trọng hơn vụ Đồng Tâm nhiều, nhưng vẫn khắc phục được do quyết tâm của lãnh đạo, nhờ đó cả nước mới có thể yên lòng đi vào kháng chiến chống Mỹ!

Nguyễn Trung

Nguồn: vanviet.info

TIN LIÊN QUAN:

NGƯỜI PHÁT NGÔN BỘ CÔNG AN TRẢ LỜI VỀ VỤ ÁN TẠI XÃ ĐỒNG TÂM

TTXVN/ VNN 6-9-2020

Vụ án được dư luận xã hội quan tâm, theo dõi do tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội đã gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, làm 3 cán bộ, chiến sĩ Công an hy sinh.

Chiều 6/9, thiếu tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng, người phát ngôn của Bộ Công an đã trao đổi về nguyên nhân, diễn biến vụ việc, quá trình bảo đảm an ninh, trật tự của lực lượng chức năng và những vấn đề rút ra từ vụ án.

Xin thiếu tướng cho biết nguyên nhân dẫn đến vụ án “Giết người, chống người thi hành công vụ xảy ra tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội” ngày 9/1?

Vụ án xảy ra tại xã Đồng Tâm ngày 9/1/2020 là vụ án nghiêm trọng, dư luận trong và ngoài nước quan tâm, nhiều đối tượng vi phạm pháp luật với hành vi manh động, dã man, gây bức xúc dư luận.

Vụ án nêu trên do một nhóm đối tượng lợi dụng danh nghĩa đảng viên lôi kéo, lừa mị người dân tham gia các hoạt động sai phạm. Nguyên nhân trực tiếp là hoạt động chống đối của một số đối tượng trong cái gọi là “Tổ đồng thuận” do ông Lê Đình Kình đứng đầu thành lập, coi thường pháp luật, lợi dụng khiếu nại, tố cáo, đấu tranh chống tham nhũng, tâm lý ham muốn vật chất của một số người dân để tập hợp, lôi kéo những người bất mãn, tiêu cực, kể cả số nghiện hút ma túy, số có tiền án tiền sự tham gia các hoạt động gây mất an ninh, trật tự tại địa phương.

Chú thích ảnh

Thiếu tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng kiêm người phát ngôn Bộ Công an Việt Nam tại buổi trả lời phỏng vấn. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Đề nghị thiếu tướng cho biết cụ thể hơn các vấn đề nêu trên?

Ông Lê Đình Kình nguyên Huyện ủy viên, Bí thư Đảng ủy xã, nguyên Trưởng Công an xã Đồng Tâm. Năm 1982, tại Đại hội Đảng bộ xã Đồng Tâm, do không đủ phiếu bầu, không trúng cử Ban Chấp hành Đảng bộ xã, dù đã được bố trí làm thư ký văn phòng UBND xã Đồng Tâm, nhưng ông Kình vẫn nảy sinh tâm lý bất mãn, không mặn mà với công việc. Sau khi nghỉ hưu, ông này thường xuyên lôi kéo, tập hợp một số cán bộ cốt cán của xã Đồng Tâm và con cháu trong dòng họ Lê Đình để kích động gây mâu thuẫn, chia rẽ nội bộ.

Đầu năm 2013, ông Lê Đình Kình đứng đầu thành lập cái gọi là “Tổ đồng thuận” gồm 19 thành viên. Ngoài ông Lê Đình Kình, còn 5 đối tượng chủ mưu cầm đầu, trong đó 3 đối tượng có quan hệ dòng họ với ông Kình (Lê Đình Công, Lê Đình Chức, Lê Đình Doanh), 40 đối tượng quá khích và số người ủng hộ hoạt động của “Tổ đồng thuận”. Số này chủ yếu là con, cháu ông Kình và người nhà số chủ mưu, cầm đầu, quá khích. “Tổ đồng thuận” tuyên truyền “sẽ được hưởng lợi nếu đòi được đất đồng Sênh, được Nhà nước đền bù hoặc bán với giá là 6 triệu đồng/m2” để lôi kéo những người dân không có quyền lợi, nghĩa vụ trên đất đồng Sênh tham gia các hoạt động gây mất an ninh, trật tự tại địa phương.

Cần phải nói thêm Lê Đình là dòng họ lớn nhất ở xã Đồng Tâm, cùng với tâm lý dòng tộc ở vùng nông thôn là điều kiện thuận lợi để “Tổ đồng thuận” lợi dụng tìm cách đưa người trong dòng họ, người có cùng quan điểm vào các vị trí chủ chốt của xã, thôn thông qua việc thực hiện các quy định trong bầu cử; đồng thời lôi kéo, kích động người dân tham gia các hoạt động gây mất an ninh, trật tự. Thực tế, nhiều vị trí trưởng thôn, phó thôn Hoành trước đây là con, cháu của ông Kình, như Lê Đình Công, nguyên trưởng thôn là con trai ông Kình; Lê Đình Ba, nguyên Phó thôn là cháu ông Kình...

Từ năm 2013 đến trước khi xảy ra vụ việc ngày 9/1/2020, “Tổ đồng thuận” và số đối tượng quá khích có rất nhiều hoạt động gây mất an ninh, trật tự trên địa bàn, gây bức xúc, bất bình trong đại bộ phận quần chúng nhân dân, như công khai sử dụng hệ thống loa phóng thanh tuyên truyền trái phép nhiều nội dung kích động, xuyên tạc sự thật về đất quốc phòng; kích động một số người dân xã Đồng Tâm ngang nhiên lấn chiếm đất quốc phòng (tự ý đo đạc, cắm cọc phân lô, giao chia đất đồng Sênh cho nhiều người dân; thuê máy san lấp đất, trồng cây, xây dựng trái phép cổng chào, làm đường, đào và xây giếng khơi, bể nước, làm nhà trên khu vực đất đồng Sênh).

Tấn công quần chúng không cùng quan điểm (đối tượng Lê Đình Mỳ (còn gọi là Mỹ) dùng dao quắm tấn công ông Nguyễn Văn Toán - người phát biểu tại Hội nghị đối thoại của Thanh tra Chính phủ, đuổi đánh ông Nguyễn Mạnh Tài, đe dọa tấn công đồng chí Chủ tịch xã Đồng Tâm; một số ngang nhiên đốt pháo nổ, ném vào nhà một số người dân).

Tấn công cán bộ, chiến sỹ thực hiện nhiệm vụ tại thôn Hoành; thông qua mạng xã hội tìm kiếm sự ủng hộ, hỗ trợ, hướng dẫn phương thức hoạt động chống phá từ các đối tượng phản động lưu vong và phần tử xấu.

Khi lực lượng Quân đội thi công tường rào sân bay Miếu Môn, các đối tượng công khai ráo riết chuẩn bị hung khí, vũ khí, sẵn sàng chống đối lực lượng chức năng, bộc lộ sẽ cho nổ cây xăng “Miếu Môn”, nhà đồng chí Chủ tịch UBND xã và một số cán bộ Xã nếu xây dựng tường rào tại khu vực xã Đồng Tâm.

Trước diễn biến tình hình tại xã Đồng Tâm, để bảo đảm an ninh, trật tự phục vụ thi công tường rào bảo vệ sân bay Miếu Môn của Bộ Quốc phòng đoạn qua xã Đồng Tâm, căn cứ vào các quy định của pháp luật, trên cơ sở bảo đảm an ninh, an toàn an ninh trật tự và các hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức và nhân dân xã Đồng Tâm, UBND thành phố Hà Nội phê duyệt triển khai các kế hoạch, phương án, xác định 2 khu vực trọng điểm phải bảo đảm tuyệt đối an ninh, an toàn, đó là: Khu vực thi công tường rào sân bay Miếu Môn; trụ sở cơ quan Đảng, chính quyền, tổ chức chính trị xã hội, trường học, nhà riêng cán bộ, quần chúng nhân dân khu vực xã Đồng Tâm.

Khi biết lực lượng chức năng triển khai các tổ công tác tại xã Đồng Tâm, các đối tượng trong “Tổ đồng thuận” đã rất manh động, chúng dùng “bom xăng”, pháo sáng, lựu đạn (ném 3 quả lựu đạn, 1 quả nổ, 2 quả không nổ), tuýp sắt đầu gắn dao nhọn, gạch đá tấn công quyết liệt lực lượng chức năng, sau đó rút về cố thủ tại nhà ông Lê Đình Kình, Lê Đình Chức và nóc nhà Lê Đình Hợi; khi thấy 3 công an bị ngã từ mái nhà trong quá trình tiếp cận nhà Kình, Lê Đình Doanh châm lửa vào chậu xăng đẩy xuống nơi 3 công an bị ngã xuống, tiếp đó Lê Đình Chức liên tiếp đổ 3 - 5 chậu xăng xuống, dẫn đến 3 chiến sĩ công an hy sinh.

Trước hành vi phạm pháp quả tang và sự ngoan cố của các đối tượng sau nhiều lần phát loa tuyên truyền vận động, lực lượng làm nhiệm vụ đã triển khai các biện pháp trấn áp, ngăn chặn theo quy định của pháp luật; bắt giữ và triệu tập các đối tượng có các hành vi vi phạm pháp luật. Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an thành phố Hà Nội đã ra quyết định khởi tố và ngày 5/6 đã kết luận điều tra vụ án “Giết người, chống người thi hành công vụ xảy ra tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội”.

Quá trình điều tra đã chứng minh hành vi phạm tội của các đối tượng, khẳng định hành vi giết người dã man, vô nhân tính đối với 3 cán bộ công an và chống người thi hành công vụ, đồng thời làm rõ các tình tiết liên quan:

Việc khiếu nại, tố cáo tại xã Đồng Tâm đã được giải quyết theo đúng quy định của pháp luật;

Những hành vi chống đối là của một nhóm nhỏ đối tượng, đại đa số nhân dân xã Đồng Tâm rất bức xúc và đề nghị chính quyền phải xử lý nghiêm;

Các cấp chính quyền đã nhiều lần kiên trì tuyên truyền, vận động, đối thoại nhưng các đối tượng vẫn kiên quyết chống đối.

Có ý kiến cho rằng “việc bố trí lực lượng Công an ở xã Đồng Tâm để thực hiện phương án cưỡng chế giải phóng mặt bằng”, việc này có đúng không và xin Thiếu tướng cho biết vì sao bố trí lực lượng Công an ngay trong đêm?

Việc triển khai phương án bảo đảm an ninh, trật tự phục vụ thi công xây dựng tường rào sân bay Miếu Môn không phải là phương án cưỡng chế giải phóng mặt bằng do đến thời điểm lực lượng Quân đội thi công xây dựng tường rào, toàn bộ đất khu đất sân bay Miếu Môn không có tranh chấp, 14 hộ dân có đất canh tác trong diện giải phóng mặt bằng ủng hộ chủ trương của Đảng, Nhà nước, đã nhận hỗ trợ và di dời khỏi đất quốc phòng.

Thời điểm triển khai phương án, việc triển khai bố trí lực lượng sớm, ngay từ trong đêm xuất phát từ 2 yêu cầu. Thứ nhất là căn cứ kế hoạch hiệp đồng giữa các lực lượng, lực lượng Công an có trách nhiệm hoàn tất triển khai phương án bảo đảm an ninh, trật tự trước 6h ngày 9/1/2019 để các đơn vị của Bộ Quốc phòng xây dựng đoạn tường rào còn lại trên địa bàn xã Đồng Tâm.

Thứ hai là trong tất cả các phương án, kế hoạch bảo đảm an ninh, trật tự, lực lượng Công an đều phải triển khai lực lượng, biện pháp 24/24 giờ, cả trước, trong và sau khi diễn ra sự kiện để đảm bảo tuyệt đối an ninh, an toàn đối tượng bảo vệ, do vậy việc bố trí lực lượng trong đêm là bình thường, đúng quy định của pháp luật liên quan.

Vậy chúng ta có thể rút ra vấn đề gì từ vụ án xảy ra tại Đồng Tâm, thưa thiếu tướng?

Với hàng loạt hành vi vi phạm pháp luật diễn ra trong thời gian dài, có đối tượng chủ mưu cầm đầu, đối tượng tích cực, có phân công nhiệm vụ cụ thể, hoạt động manh động, không chỉ ráo riết quyết liệt chuẩn bị vũ khí, hung khí có khả năng sát thương chống lại lực lượng chức năng, mà còn thường xuyên đe dọa, tấn công, khủng bố tinh thần nhiều người dân địa phương có quan điểm không ủng hộ hoạt động vi phạm pháp luật của các đối tượng, gây sức ép buộc người dân tham gia các hoạt động chống đối, ý đồ “rào làng vũ trang”, tập hợp lực lượng chống đối có tổ chức nguy hiểm.

Trong đó, sự nổi lên của đối tượng cầm đầu, nhất là ông Lê Đình Kình trong bối cảnh dòng họ Lê Đình có ảnh hưởng lớn tại thôn Hoành, có khả năng chi phối, tác động kết quả bầu cử ở cơ sở, là một loại “cường hào địa chủ mới”, hậu quả sự thoái hóa biến chất của một bộ phận cán bộ đảng viên, mượn danh nghĩa đảng viên, lo cho dân để chống lại chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Thực tế vụ án xảy ra tại xã Đồng Tâm để lại nhiều bài học, nhất là trong công tác xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vùng nông thôn và việc thực hiện dân chủ ở cơ sở, việc giải quyết dứt điểm từ sớm những mâu thuẫn, bức xúc trong nhân dân, không để các đối tượng có điều kiện lợi dụng kích động chống phá.

Theo TTXVN

SỰ VIỆC ĐỒNG TÂM KHIẾN TÂM NGƯỜI TAN NÁT

ĐOÀN BẢO CHÂU/ TD 6-9-2020

Ngày mai bắt đầu phiên toà xét xử 29 người dân ở Đồng Tâm. Tôi chỉ xin nhắc lại là trước khi bị những đồng chí của mình bắn chết tại nhà, cụ Kình vẫn là một đảng viên gần 60 năm tuổi đảng và 29 con người bị bắt đa phần là những người nông dân bình thường.

Chính quyền đã chủ động tấn công họ trước và họ đã biến báo, uốn éo kịch bản một cách thô thiển vài lần để che giấu điều này.

Tôi tin rằng nếu vụ việc này được xử lý bởi những người có năng lực, có tâm, thì hậu quả đã không đau lòng như vậy.

Nếu người dân sai một, chính quyền đã sai mười trong vụ việc này.

Những người đã từng quan tâm với những vấn đề ở Việt Nam thì không lạ gì với những bất công đổ lên vai những người dân trong những phiên toà. Gần đây đã có nhiều vụ việc người bị xử oan đã tự vẫn ngay tại toà.

Phiên toà chỉ là một cách vẽ vời cho đủ mắt mũi của một bộ mặt được gọi là nền tư pháp vốn đã nhem nhuốc ở Việt Nam. Sự áp đặt, sự giả dối, sự lạm quyền thô bỉ đã lấn át công lý. Công lý chỉ là một trò đùa, một nhân vật bị bắt nạt, bị giả danh trong cái sân khấu bất nhân này.

Các luật sư có tranh biện đến vỡ họng thì kết quả cũng đã được định trước.

Và báo chí cũng sẽ luôn là một cái loa được tắt bật theo chỉ đạo. Khi vụ việc Đồng Tâm vừa xảy ra, các phóng viên bất lương đã đồng loạt lên án người dân mà không hề điều tra, tìm hiểu bản chất vụ việc. Chúng cầm bút nhưng không hề phỏng vấn người dân, chúng cầm bút nhưng mực của chúng tanh mùi máu người vô tội.

Người dân luôn cô đơn trong một xã hội “dân chủ” giả hiệu và quyền lực đã bị tha hoá, miệng nói do dân, vì dân nhưng thực chất chỉ vì bộ máy cai trị. Tất cả đều theo câu “còn đảng còn mình”.

Sự việc Đồng Tâm đã khiến tâm người tan nát và biết bao gia đình đã li tán bất hạnh. Chính vì vậy, sự quan tâm của công luận là quan trọng, là điểm bấu víu cuối cùng của những người cùng khổ.

Xin mọi người quan tâm tới họ!

HIỆP SĨ VÀ PHIÊN TÒA NGÀY 7-9-2020

NGUYỆT QUỲNH/ TD 6-9-2020

Để mô tả ngành tư pháp nước ta hiện nay, xin được dẫn bằng nỗi lo sợ sâu thẳm trong lòng người dân VN qua câu nói của cựu Ủy viên Bộ chính trị Đinh La Thăng trước toà: “Xin hãy đối xử với bị cáo như số phận một con người!

Thật vậy, không ai muốn trải nghiệm những gì ông Thăng trải nghiệm. Nhưng đó là sự thật của xã hội này – cả bạn và tôi đều thấu hiểu điều đó. Cho dù ngày hôm nay bạn đang là một viên chức trong bộ máy nhà nước, một tướng lĩnh trong sạch được trân trọng như tướng về hưu Lê Mã Lương, một sinh viên đại học, một người dân đẩy xe bán trái cây, thì ngày mai bạn vẫn dễ dàng rơi vào vòng lao lý để chịu chung một số phận như ông Đinh La Thăng.

Tôi không muốn bi quan, nhưng chắc phải còn lâu lắm dân ta mới được sống trong một đất nước văn minh thượng tôn luật pháp, nếu chúng ta cứ tiếp tục chạy theo những điều phù phiếm mà không nghĩ gì cho mình và cho nhau.

Tuổi thọ của các nước Cộng Sản trên thế giới trung bình chỉ có 70 năm, nhưng tháng ba năm nay, đảng đã trang trọng tổ chức lễ kỷ niệm 90 năm ngày thành lập đảng. Nghĩa là thể chế này còn sống, và … tiếp tục sống thọ! Chỉ khác có một điều: “Bất chấp cờ và hoa, bất chấp những mỹ từ ca ngợi thành quả của lãnh đạo, cái dấu ấn ghi đậm 90 mùa xuân của đảng trong lòng dân lại là tiếng súng nổ chát chúa vào một đêm giáp tết ở thôn Hoành”.

Chín mươi mùa xuân của đảng ở mảnh đất kiên cường Đồng Tâm được đánh dấu bằng tang trắng, bằng nước mắt tiếc thương cụ Kình, một nông dân, một đảng viên kỳ cựu tám mươi tư tuổi đời, năm mươi tám tuổi đảng. Mùa xuân năm nay không đến với thôn Hoành, và những gì xảy ra ở đó cùng thái độ kiêu mạn và những kịch bản bất nhất từ Bộ Công an đã lấy đi nốt chút niềm tin còn sót lại nơi những người CS cũ. Nhiều đảng viên kỳ cựu đã bày tỏ nỗi thất vọng, bất nhẫn, cay đắng. TS Hà Sĩ Phu lên án gay gắt cách hành xử của lãnh đạo CS với đôi câu đối:

“Đem đại binh chống một ông già, lo sợ quá bởi Lòng không đại nghĩa!

Dựng tiểu tiết như bầy con nít, mưu mô thừa vì Chí chẳng công minh!”

Nhưng chóp bu lãnh đạo không công minh, không đại nghĩa đã đành; điều đáng buồn là dân ta có công minh và có vì đại nghĩa không? Khi viết những dòng này tôi nghĩ đến những người còn tin yêu vào đảng. Không lý gì khi bạn yêu thương một thể chế và tin cậy vào nó mà bạn lại không nói thật, không đóng góp hoặc hy sinh một thứ gì của mình để hoàn thiện nó. Bởi vì không những ta, mà thế hệ con cháu chúng ta vẫn tiếp tục sống với nó, khi mà mình đã theo những đám mây trên trời bay đi mất.

Tám tháng đã trôi qua kể từ biến cố đêm giáp tết ở thôn Hoành. Nay Toà Án Nhân Dân Hà Nội lại thông báo rằng ngày 7 tháng 9, toà sẽ đem 29 nông dân ở đây ra xét xử với các tội danh nghiêm trọng “giết người” và“chống người thi hành công vụ”. Để dọn đường cho phiên toà này, gần hai tháng trước, Bộ công an cũng đã cho bắt giam thêm 4 nông dân khác ở Dương Nội. Thêm vào đó là cả một hệ thống báo chí, truyền thông nhà nước cùng nhau đưa tin dựa theo văn bản được đưa ra từ Bộ công an – gián tiếp ghép tội cho họ.

Thế là hết! Số phận 29 người dân làng Đồng Tâm dường như đã được định đoạt!

Họ toàn là nông dân. Sự cô thế, số phận bé mọn của họ và bản chất của vụ án gợi cho người ta nhớ đến hình ảnh sơ khai của những phiên toà cách đây gần thế kỷ. Những phiên toà được đặt ngay ở đình làng hay giữa cánh đồng. Ở đó, hai vợ chồng người nông dân vô tội bị trói giật hai cánh tay ra đàng sau, đầu cúi gập xuống. Trước mặt họ là một đám đông nông dân vô tội khác! Khi một người bước lên nắm tóc cụ bà lật ngửa ra và bắt đầu xỉa xói. Đám đông phía dưới hò hét, gào thét, lên đồng, …

Những phiên toà này đã giết chết nhiều đảng viên, trung nông, nhân sĩ yêu nước, địa chủ kháng chiến, … nhưng điều đáng nói là cái vô nhân, hoang dã của nó đã để lại những hệ luỵ đớn đau không bút nào tả xiết cho toàn nông thôn miền Bắc. Đó là giai đoạn mà chế độ CS non trẻ, bước những bước chập chững trên quê hương nghèo khó, nơi vừa thoát khỏi bàn tay thực dân.

Chưa có một hành động hối lỗi chân thành nào cho sinh mạng vô tội của hàng ngàn nông dân và gia đình họ. Chưa có một bài học nào được rút ra từ nỗi đau xé lòng trước sinh mạng của đồng bào ruột thịt. Tôi tự hỏi có phải vì thế mà nông dân ta tiếp tục sống trong cái hoang dã của luật pháp sau 90 năm?

George Wells, một nhà văn người Anh bảo rằng:“Lịch sử là cuộc đấu tranh giữa giáo dục và tai họa. Nước Đức đã tàn sát người Do Thái, đã gây thảm hoạ tàn khốc cho dân tộc mình và thế giới. Thế nhưng sự thành tâm của họ đã được trân trọng, và đã giúp bôi xoá những chương đẫm máu do chính họ gây ra. Người ta còn nhớ hình ảnh của Thủ tướng Tây Đức Willy Brandt, khi ông quỳ sụp trước tượng đài tưởng niệm người Do Thái ở Warszawa. Khi được hỏi ông nghĩ gì mà hành động như vậy, ông bảo:

“Trực diện với vực thẳm của lịch sử Đức và dưới sức nặng của hang triệu người đã bị sát hại, tôi đã làm điều mà con người làm khi ngôn ngữ tê liệt.

Máu và nước mắt của người Do Thái đã giúp vực dậy dân tộc Đức, máu và nước mắt của người nông dân trong Cải cách Ruộng Đất sao có thể bốc hơi? Người Đức đã đem chính những lỗi lầm của mình và chủ nghĩa phát xít ra làm bài học để xây dựng đất nước thành một quốc gia văn minh cường thịnh. Còn chúng ta, đến bao giờ ta mới trực diện với lỗi lầm, với nỗi đau của mình để góp phần cải cách xã hội?

Nếu như năm 2017, báo chí đã đưa những tin tức tích cực về người dân làng Đồng Tâm – thì ngày nay, lạ lùng thay, không có một phóng viên nào đến đó để tường trình về nỗi sợ hãi của họ. Không ai về thôn Hoành để thấu hết nỗi tuyệt vọng của gia đình 29 nạn nhân sắp bị đem ra xét xử. Mãi đến tận hôm nay, chưa có ai trong họ nhận được giấy mời tham dự phiên toà xử người thân của mình. Với áp lực từ công an, những phương tiện giao thông tự túc về toà án cũng đã từ chối họ. Nhiều chuyến xe được đặt chỗ từ trước đã bị huỷ bỏ!

LS Ngô Ngọc Trai bảo rằng: Một thực tế đã là chân lý, là một nền pháp quyền không tự dưng mà có,  một lề lối làm việc thượng tôn pháp luật không tự dưng được thực hiện bởi chính các cơ quan công quyền,  mà đó là kết quả của những nỗ lực thúc đẩy giám sát dựng xây.

Xin mở ngoặc ở đây để nhắc về Ls Phạm Công Út. Ls Út từng bảo công việc của ông là công việc của một hiệp sĩ. Tuy ông đã không còn trong luật sư đoàn, nhưng tôi tin rằng ông mãn nguyện. Sau lưng ông đã có đến 30 luật sư tự nguyện tham gia bảo vệ cho những nông dân của thôn Hoành.

Tôi tin vào phương trình nguyên nhân và kết quả. Mỗi nguyên nhân sẽ luôn có một kết quả và mỗi kết quả đều có một nguyên nhân. Một nền pháp quyền không tự dưng mà có nếu chúng ta vắng mặt. Những nông dân áo vải chân đất ngày nào, nay đang được xét xử bởi một hội đồng chánh án dày dạn nghiệp vụ nhưng bản chất vụ án không có gì thay đổi. Hai tay họ vẫn bị trói giật ra đàng sau, những con người cùng khổ này đang phải ngửa mặt để đón nhận những án lệnh đã được viết sẵn.

Hãy làm công việc của một hiệp sĩ, hãy cùng nhau chận đứng cái ác và không cho phép kẻ ác tiếp tục đem cái hoang dã của những toà án ngoài cánh đồng vào dinh thự. Hiệp sĩ trong phiên toà này cho dù chưa thay đổi được kết quả của vụ án, nhưng đó là Tiếng Lòng của nông dân thôn hoành, là Thực Trạng của xã hội, và chính là Số Mệnh của mỗi chúng ta.


XÉT XỬ VỤ ÁN ĐỒNG TÂM, THÊM MỘT VẾT NHƠ LƯU LẠI NỀN TƯ PHÁP VIỆT NAM
THU HÀ/ TD 6-9-2020

Ngày mai 7/9/2020, Tòa án TP Hà Nội sẽ mở phiên tòa xét xử sơ thẩm 29 bị cáo trong “vụ án Đồng Tâm”. Báo chí đưa tin, Hội đồng xét xử (HĐXX) gồm 5 người, do thẩm phán Trương Việt Tòan, Phó Chánh Tòa Hình sự, Tòa án Hà Nội, làm chủ tọa phiên tòa.

Hai kiểm sát viên của VKS TP Hà Nội được phân công giữ quyền công tố tại phiên tòa. Có hơn 30 luật sư đăng ký tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các bị cáo tại phiên tòa, trong đó, có 15 luật sư do các bị cáo, gia đình bị cáo mời, số luật sư còn lại do Tòa án chỉ định, vì “bị cáo không mời luật sư”. Phiên tòa dự kiến diễn ra trong 10 ngày.

Các bị cáo bị truy tố theo hai nhóm:

– Tội “giết người” theo Điều 123, Khoản 1, BLHS năm 2015, có khung hình phạt từ 12 năm, đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình, gồm 25 bị cáo:

Lê Đình Công, Bùi Viết Hiểu, Nguyễn Văn Tuyển, Lê Đình Chức, Lê Đình Doanh, Nguyễn Quốc Tiến, Nguyễn Văn Quân, Lê Đình Uy, Lê Đình Quang, Bùi Thị Nối, Bùi Thị Đục, Nguyễn Thị Bét, Nguyễn Thị Lụa, Trần Thị La, Bùi Văn Tiến, Nguyễn Văn Duệ, Lê Đình Quân, Bùi Văn Niên, Bùi Văn Tuấn, Trình Văn Hải, Nguyễn Xuân Điều, Mai Thị Phần, Đào Thị Kim, Lê Thị Loan và Nguyễn Văn Trung.

– Tội “chống người thi hành công vụ” theo Điều 330 BLHS năm 2015, Khoản 2 có khung hình phạt từ 2 đến 7 năm tù, gồm 4 bị cáo: Lê Đình Hiển, Bùi Viết Tiến, Nguyễn Thị Dung và Trần Thị Phượng.

Tham gia phiên tòa, còn có nhiều luật sư tham gia bào chữa cho các bị cáo khác. Tất cả 29 bị cáo đều trú tại thôn Hoành và thôn Đồng Mít, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội.

Giấy báo của Tòa gửi các luật sư bào chữa
Công văn của Liên đoàn luật sư VN

Nhiều luật sư tham gia bào chữa, cho biết, đây là vụ án kỳ lạ và sẽ là một phiên tòa cũng rất đỗi lạ lùng. Người nhà các bị cáo không được tham dự phiên tòa này. Luật sư sẽ không được phép mang điện thoại, máy ghi âm, máy vi tính vào phòng xử. Việc đi vào phòng xét xử phải trải qua kiểm soát an ninh rất chặt, soi chiếu người đi qua và các phương tiện, túi xách, tài liệu mang vào.

Luật sư Lê Văn Hoà, người bào chữa cho ông Lê Đình Công, Lê Đình Chức, Lê Đình Uy, và bà Trần Thị La, cho biết rằng, ông Chức bị thương rất nặng, bị vạt một nửa hộp sọ bên phải, không thể tự đi mà phải có người dìu từ buồng giam ra phòng lấy cung để gặp luật sư.

Là luật sư được cấp phép bào chữa, nhưng luật sư Hoà cùng các luật sư nữa đã phải liên tục đến Viện Kiểm sát TP Hà Nội đưa đơn kiến nghị đến lần thứ ba thì họ mới cho tiếp cận, sao chụp hồ sơ.

Luật sư Ngô Anh Tuấn từ Hà Nội, là người bào chữa cho ông Lê Đình Quang, Bùi Viết Hiểu và Nguyễn Quốc Tiến, cho biết, việc bị gây khó khăn từ khi làm thủ tục đăng ký bào chữa, hạn chế tiếp xúc bị can trong trại tạm giam, đến việc bị gây khó trong việc tiếp cận, sao chụp hồ sơ.

Cũng phải nói thêm rằng, VKS Hà Nội đã gây hết khó khăn này đến khó khăn khác. Đến nỗi, ngày 25/6/2020, Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã phải có văn bản số 186/LĐLSVN-BVQLLS về việc giải quyết đơn đề nghị hỗ trợ luật sư được sao chụp hồ sơ vụ án “Giết người; Chống người thi hành công vụ” ở Đồng Tâm. Văn bản được gửi tới Viện Kiểm sát TP Hà Nội, do LS Phan Trung Hoài, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam ký.

Công văn của Liên đoàn luật sư VN

Ngày 31/8/2020, cô Nguyễn Thị Duyên, sinh 1996, vợ của ông Lê Đình Uy, cháu nội ông Lê Đình Kình, cũng có đơn gởi Tòa án Hà Nội. Cô Duyên cho rằng, cô là nhân chứng, cần phải được đến tòa để nói rõ sự thật. Cô cũng yêu cầu Công an Hà Nội trả lại cho cô tài sản đã bị thu giữ bất hợp pháp gồm:

1. Chiếc xe ô tô i10 màu trắng, biển số 30A-819.33, chủ sở hữu xe Nguyễn Thị Duyên.

2. Một sợi dây chuyền vàng Ý trị giá 33.000.000₫

3. Một sợi dây chuyền vàng tây trị giá 20.000.000₫

4. Một lắc tay vàng tây trị giá 6.000.000₫

5. Một đôi nhẫn cưới vàng tây trị giá 5.500.000₫

Ngày 3/9/2020, bốn ngày trước khi diễn ra phiên xét xử sơ thẩm, có 13 luật sư trong số những luật sư tham gia bảo vệ quyền lợi các bị cáo, đã có đơn kiến nghị dài 7 trang gởi Tòa án, Viện kiểm sát Hà Nội.

Kiến nghị này cũng được xem như “cáo trạng ngược” đối với bộ máy sai nha của nhà cầm quyền. Những mờ ám, khuất tất, bịa đặt, bất công đến vô lý… trong suốt tiến trình diễn ra Vụ án Đồng Tâm. Đọc kiến nghị, càng thấy rõ sự man rợ, giả dối của một thể chế, một nhà nước luôn ra rả “vì dân mà phục vụ”.

Đơn kiến nghị của tập thể luật sư

Vụ tấn công bạo lực nghiêm trọng của nhà cầm quyền, đã gây ra cái chết của bốn người, trong đó có ba sỹ quan cảnh sát Hà Nội và một công dân cao tuổi, ông Lê Đình Kình, cựu đảng viên với 58 tuổi Đảng, 84 tuổi đời. Ông Kình từng là cựu lãnh đạo, nhiều năm phục vụ trong hệ thống chính trị của nhà nước Cộng sản.

Trong bài viết “Tôi tố cáo” của mình, cựu đại tá, nhà văn Nguyên Ngọc, người vào Đảng năm 1956 và bỏ đảng năm 2018, viết: “Đây là tội ác trời không dung, đất không tha”. Nhà văn Nguyên Ngọc cho rằng, vụ tấn công quy mô và giết người kinh hoàng ở thôn Hoành mà nạn nhân là ông Lê Đình Kình “đã bị các lực lượng vũ trang của chính quyền Việt Nam xử tử hình với hình thức tàn bạo nhất, không theo bất cứ quy định và trình tự pháp luật nào hết”.

Tố cáo của nhà văn Nguyên Ngọc

Thảm án Đồng Tâm đã và đang gây ra nhiều tranh cãi, chia rẽ trong cộng đồng, cũng như trong chính nội bộ những lãnh đạo cộng sản chóp bu. Người chịu trách nhiệm cao nhất trong quyết định tấn công vào thôn Hoành, gây nên vụ thảm sát Đồng Tâm vẫn đang “giấu mặt”, nhưng người ta tin rằng, nếu không có Bộ Chính trị gật đầu, thì không ai dám triển khai tấn công Đồng Tâm.

Trang 5 của cáo trạng số 241/CT-VKS-P2, ngày 24/6/2020, của VKS TP Hà Nội, về vụ án “Giết người” và “Chống người thi hành công vụ” xảy ra ngày 9/1/2020 tại thôn Hoành, Đồng Tâm, cho biết, kế hoạch “tấn công” vào xã Đồng Tâm do Công an TP Hà Nội đưa ra. “Kế hoạch” này đã được UBND TP Hà Nội đồng ý chủ trương và đã được Bộ Công an phê duyệt.

Như vậy, đây là một kế hoạch bài bản, có sẵn, không phải là sự kiện ngẫu nhiên, trái ngược hoàn toàn với những thông tin ban đầu khi mới xảy ra sự kiện, được Bộ Công an đăng tải công khai trên trang web, cũng như được các tờ báo quốc doanh dẫn nguồn, nói về việc hành động tấn công diễn ra trên cánh đồng Sênh.

Luật Đất đai điên rồ và lối hành xử du côn của nhà nước cộng sản chính là nguyên nhân gây nên thảm án Đồng Tâm. Đảng không thể biện minh việc họ đã sát hại dã man ông Lê Đình Kình, 84 tuổi, một đảng viên Cộng sản trung kiên của họ, đã theo đảng từ lúc đầu xanh cho tới khi đầu bạc, thì bị đảng xử tử. Trong khi ông Kình chưa từng bị kỷ luật, chưa bị khai trừ đảng hay khởi tố, ngược lại, ông là người được đông đảo người dân địa phương kính mến, tôn vinh như một thủ lĩnh đồng quê.

Nguyễn Phú Trọng và ông Lê Đình Kình, ai đáng bị hậu thế nguyền rủa?

Đảng cộng sản Việt Nam từng gây ra những vụ án rúng động, những thảm sát kinh hoàng và những cuộc trả thù tàn khốc… đối với những đối thủ chính trị, những ai bị quy chụp và chống đối mình: Vụ án phố Ôn Như Hầu, cải cách ruộng đất, Mậu Thân 1968, cải tạo công thương… và hôm nay là “Thảm án Đồng Tâm”.

Cho dù phiên tòa bất công, nghịch lý có cái kết “nhổ cỏ tận gốc” ra sao, thì “Thảm án Đồng Tâm” vẫn mãi gây nhức nhối lương tri con người và cũng là vết nhơ không bao giờ gột rửa sạch của nền tư pháp XHCN, trong lịch sử cai trị của Đảng cộng sản VN. Nó là một cái mốc quan trọng, đánh dấu sự lúng túng, bất lực, đi đến manh động của nhà cầm quyền trong việc xử lý các mâu thuẫn xã hội, đẩy người dân đến con đường cùng, không còn sợ hãi, buộc phải vùng lên đòi công lý.


NHẮN GỬI ĐẾN PHIÊN TÒA VỤ ÁN ĐỒNG TÂM

MẠC VĂN TRANG/ TD 6-9-2020

Ngày 7/9/2020 tại thủ đô nước CHXHCN Việt Nam sẽ diễn ra phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án Đồng Tâm. Tôi có đôi lời nhắn gửi đến những người có liên quan với phiên toà này.

1. CÁC BỊ CÁO CỦA PHIÊN TOÀ

Tôi biết 29 bị cáo của phiên toà này đều là những người nông dân của thôn Hoành và thôn Đồng Mít, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, thuộc TP Hà Nội. Trước vụ tấn công của lực lượng vũ trang vào 3 giờ sáng ngày 9/1/2020 vào thôn Hoành, thì tất cả các bạn đều là những người dân tha thiết gắn bó, bảo vệ ruộng đồng quê hương, những công dân chưa hề có tiền án. Thế rồi khi mấy nghìn cảnh sát với các phương tiện hiện đại và chó nghiệp vụ tấn công vào thôn Hoành, giết chết cụ Lê Đình Kình và các bạn bị bắt, mới thành bị cáo hôm nay.

Tôi hiểu rằng ra Toà, phần lớn các bạn sẽ “khai báo thành khẩn” sẽ “ngoan ngoãn nhận tội” theo đúng “kịch bản” của cơ quan “điều tra”; cũng như ông Nguyễn Thanh Chấn và nhiều người không hề giết người mà vẫn phải nhận tội. Vì “công an Việt Nam giỏi nhất thế giới”! Cho nên các bạn khai báo, nhận tội ra sao, mọi người cũng đều thấu hiểu và cảm thông, không nỡ trách các bạn “sao không có tội mà lại nhận tội như vậy”?

Các bạn có bị chết, bị tù, nhiều người vẫn thương xót, nhớ đến các bạn chứ không bị khinh ghét như đám tướng tá, quan chức tham nhũng lũ lượt vào tù.

Các bạn cũng như nhiều người dân bị tù, bị chết, bị đoạ đày vì bọn cướp đất càng chứng minh cho bản chất của chế độ này. Khi cần thì họ nêu khẩu hiệu “Ruộng đất về tay dân cày”, rồi giết địa chủ, cướp đất chia cho nông dân và ca ngợi: “Nông dân là quân chủ lực; không có nông dân thì kháng chiến không thể thành công“…

Còn hôm nay khi cần chiếm 59 ha đất, họ sẵn sàng hy sinh 3 chiến sĩ để phanh thây một lão nông, 84 tuổi đời, 56 tuổi đảng và đưa 25 nông dân ra Toà với tội danh “giết người”, 4 nông dân “chống người thi hành công vụ”. Các bạn càng bị kết tội nặng bao nhiêu càng phơi bày bản chất chế độ này bấy nhiêu. Phiên toà này cùng tên tuổi các bạn sẽ ghi vào lịch sử tội ác của chế độ này.

2. CÁC QUAN TOÀ

Chắc các vị không thể nào quên ông chánh án Nguyễn Hoà Bình và 17 thẩm phán tại phiên Toà tối cao đã đồng loạt giơ tay phán quyết án tử hình cho Hồ Duy Hải, bất chấp tất cả. Phiên toà ô nhục đó là vết nhơ trong ngành Tư pháp, không sao tẩy rửa được. Liệu phiên Toà này có ghi thêm một nỗi ô nhục lớn gấp bội nữa không?

Lịch sử sẽ ghi nhớ mãi tên tuổi các vị: “Hội đồng xét xử gồm 5 người: 2 thẩm phán, 3 hội thẩm nhân dân. Thẩm phán Trương Việt Toàn, Phó Chánh tòa Hình sự, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội làm chủ tọa phiên tòa.
Hai kiểm sát viên của Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội được phân công giữ quyền công tố tại phiên tòa”.

Các vị hãy nhớ: Không chỉ Phật bà nghìn mắt, nghìn tay nhìn các vị, mà hàng triệu, triệu con mắt của những người có lương tri ở trong nước và trên khắp thế giới đang chăm chú theo dõi từng câu, từng chữ của các vị đó!

Tất cả đang chờ xem các vị đứng về phía Công lý hay “Diễn” theo “kịch bản” của nhóm lợi ích? Dù đứng về phía nào, các vị cũng đi vào lịch sử theo 2 cách khác nhau: Rạng danh hoặc Ô nhục. Chỉ các vị mới quyết định được quyền lựa chọn có tính sống còn với nhân phẩm của mình.

3. CÁC LUẬT SƯ

Hiện có hơn 30 luật sư đăng ký tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các bị cáo tại phiên tòa”. Chúng tôi không hiểu “người ta” cho phép những Luật sư nào đến Toà bảo vệ cho các thân chủ. Nhưng rất mong các Luật sư tham dự phiên Toà hãy hết lòng vì Thân chủ, vì công lý đến cùng, dẫu không thành công cũng thành Nhân!

Qua mỗi phiên Toà, nhân dân lại nhìn rõ ai là Luật sư thật, ai là Luật “dởm”… Hàng triệu, triệu cặp mắt đang dõi theo các vị Luật sư đó.

4. THÂN NHÂN CÁC BỊ CÁO và BÀ CON ĐÔNG TÂM

Sau sự kiện ngày 9/1/2020, tôi cùng một số người cũng đã về được Đồng Tâm, nhìn rõ những vết đạn chi chít trong phòng cụ Kình và trên các bức tường chung quanh; đã xem cái hố kỹ thuật mà 3 sĩ quan cảnh sát cùng nhau ngã xuống chết (?); đã gặp, lắng nghe những lời giãi bầy oan khuất của một số thân nhân những người bị giết, bị bắt… Chúng tôi thấu hiểu nỗi uất hận khôn cùng của bà con, mà bao nhiêu sự an ủi cũng không thể bù đắp, không thể nguôi ngoai.

Tôi tin rằng trước tác động của mọi mưu hèn, kế bẩn của lực lượng cai trị, tuyệt đại đa số người dân xã Đồng Tâm, nhất là ở thôn Hoành vẫn trung thành với Cụ Lê Đình Kình, vẫn yêu quý và kính trọng Cụ như hôm bao nhiêu người ùa ra, vây lấy xe, đón mừng Cụ từ bệnh viện về làng; hay hàng nghìn người quấn khăn trắng, tiễn đưa Cụ, kéo dài từ nhà đến tận nơi an nghỉ cuối cùng của Cụ.

Dù bản án này như thế nào, tấm lòng tin yêu, cảm thông, sẻ chia của bà con với Cụ Kình và những nạn nhân, trước đây đã vượt qua nỗi sợ hãi, thì nay vẫn sẽ không thể lay chuyển. Đó là niềm an ủi lớn nhất với các nạn nhận, dù hoàn cảnh nào cũng vẫn sống trong tình làng nghĩa xóm đã gắn bó, bền chặt tự bao đời.

Hàng triệu trái tim, tấm lòng thương cảm vẫn luôn dành cho những nạn nhân của vụ đàn áp Đồng Tâm, không thể nào quên.

5. NHỮNG NGƯỜI CHỦ MƯU VÀ NHỮNG NGƯỜI TRỰC TIẾP GÂY RA THẢM KỊCH ĐÔNG TÂM

Trong phiên Toà này, những người chủ mưu và những người trực tiếp tuân lệnh thực thi “kịch bản” của vụ tập kích vào thôn Hoành rạng sáng ngày 9/1/2020 vẫn ẩn mặt trong bóng tối, nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật. Họ đã giết hại một cụ già 84 tuổi đời tại giường ngủ, đã hành hình một đồng đảng lão thành 56 tuổi đảng, dã man, tàn ác hơn cả thời trung cổ. Họ đã gây ra cái chết thảm thương, vô nghĩa của 3 sĩ quan cảnh sát.

Rồi họ lại chỉ đạo thực thi “kịch bản” của phiên Toà này. Họ có thể giấu mặt trước nhân dân, nhưng Trời biết và đồng bọn của họ biết hết cả! Tội ác tầy trời này, sớm muộn gì cũng sẽ được phanh phui và ghi vào sứ sách!

Họ sám hối, thú tội, sửa chữa ngay hôm nay còn cứu vãn được phần nào, trước khi quá muộn.

6. CÁC NHÀ BÁO

Hơn 500 tờ báo và hơn 10.000 nhà báo có biết tại sao, không phóng viên nào được đến Đồng Tâm điều tra vụ thảm sát rạng sáng ngày 9/1/2020 không? Từ đó đến nay, có phóng viên nào, có tờ báo nào đăng bài điều tra độc lập về vụ án Đồng Tâm không? Có phải tất cả các báo đều chỉ chép lại những lời thông báo của Bộ Công an không thừa, không thiếu một chữ nào, đúng không?

Công an thông báo: Lực lượng chức năng đang xây bờ tường tại sân bay Miếu Môn (cách thôn Hoành 3km) thì các đối tượng tấn công… khiến 3 công an hy sinh và 1 đối tượng bị bắn chết…, các báo cũng đăng y như vậy.

Hôm sau công an chỉnh lại “kịch bản”: Lực lượng an ninh đóng chốt tại thôn Hoành, các đối tượng tấn công, 3 cảnh sát truy đuổi, bị ngã xuống hố kỹ thuật… và hy sinh, các báo lại đăng y như vậy.

Hôm sau nữa, công an lại sửa “kịch bản”, thông báo: 3 chiến sĩ truy đuổi, bị các đối tượng dùng hung khí đâm bị thương, ngã xuống hố…, các báo lại đăng y như vậy. Đúng không?

Trong khi không một nhà báo trong nước và quốc tế nào được đến hiện trường vụ Đồng Tâm sau ngày 9/1/2020, thì duy nhất có Phố Bolsa TV cùng 1 phóng viện ngay sau vụ thảm sát, đã từ Mỹ bay sang, vào thẳng thôn Hoành tha hồ “điều tra”, “phỏng vấn”, đưa tin, đưa hình ra thế giới.
Thế nào, các vị Tổng biên tập, các phóng viên báo chí cách mạng, có thấy hổ thẹn, nhục nhã không? Thì đại tá công an Nguyễn Như Phong, nguyên TBT một tờ báo nổi danh một thời, đã thú nhân: Nhà báo cũng như con chó của chủ…, còn biết nói gì!

Vậy thì còn hy vọng gì với các báo chí cách mạng ở phiên toà này!?

Chỉ còn mong các nhà báo hãy nuốt nỗi nhục vào trong tâm can để khi thoát ra khỏi vòng kiềm toả, thì có dịp chuộc lỗi với nhân dân và chính lòng mình bằng cách dùng ngòi bút của mình nói lên sự thật.

7. NHỮNG NGƯỜI CÓ LƯƠNG TRI

Tôi biết hàng triệu người có lương tri ở trong nước và trên thế giới rất quan tâm đến vụ án Đồng Tâm. Tôi không hiểu sao hơn 4 triệu đảng viên nhìn thấy một đồng chí, đồng đảng của mình 56 năm tuổi đảng bị nhóm lợi ích bắn chết, mổ bụng, phanh thây như vậy, mà chỉ một số rất ít đảng viên lên án vụ thảm sát này? Tình “đồng chí”, “đồng đảng” để đâu?

Nhưng cũng may mắn, rất nhiều người không phải đảng viên, nhưng đã nhức nhối lương tâm, lên án mạnh mẽ tội ác của nhà cầm quyền sát hại cụ Lê Đình Kình và bắt 29 người dân Đồng Tâm ra Toà.

Tôi tin rằng rất nhiều người có lương trị sẽ theo dõi chặt chẽ phiên toà này và sẽ tiếp tục lên tiếng mạnh mẽ vì chính lương tâm mình, vì Công lý và Nhân quyền để bênh vực những người dân Đồng Tâm thấp cổ bé họng trong cái thể chế mà kẻ gây ra tội ác lại đi điều tra, xét xử, kết án nạn nhân!

Nghe nói ông Tổ sư cộng sản Karl Marx có câu nói: Chỉ có loài cầm thú mới ngoảnh mặt trước nỗi đau của đồng loại để liếm láp bộ lông của mình.

Thực ra nhiều loài cầm thú không quay mặt hay bỏ rơi đồng loại bị thương đau đâu, chỉ có những kẻ mang mặt người mà vô lương tâm mới thế.

Thôi, những kẻ như vậy nói đến làm gì!

Chỉ cần những người có lương tri lên tiếng!

Ngày mai phiên toà bắt đầu rồi. Mọi người hãy dõi theo!

'ĐẾN CUỐI ĐỜI, CHỒNG TÔI VẪN TIN VÀO ĐẢNG'

MAY/ LK/ TD 6-9-2020

Thôn Hoành những ngày trước phiên tòa lịch sử, cánh đồng lúa hai bên đường làng đang trổ đòng xanh mướt, chạy dài dưới ánh nắng chói chang giữa buổi trưa mùa thu. Quốc kỳ Việt Nam cùng băng-rôn mừng 75 năm Quốc khánh thắm đỏ trên cổng làng.

Tôi đã chuẩn bị rất nhiều thứ trước khi đến thôn Hoành, cả về tinh thần lẫn các thiết bị kỹ thuật.

“An ninh đang ở đấy rất nhiều. Cẩn thận”, một tin nhắn gửi đến.

Tôi muốn đến thôn Hoành những ngày này như một phóng viên làm tròn trách nhiệm cơ bản nhất với nghề nghiệp: ghi nhận thông tin trước một sự kiện lớn sắp diễn ra – những người thân của bị cáo chờ đợi gì ở phiên toà, ngoài công lý?

Thôn Hoành đón tôi bằng vẻ đẹp thanh bình của một làng quê Bắc bộ: chợ quê, gốc đa, cánh đồng, đường làng quanh co. Yên ả như chưa hề trải qua biến cố. Không có một ánh mắt dò xét nào dành cho người lạ, những người dân tôi ngẫu nhiên gặp trên đường đều tận tình chỉ tôi đường đến nhà ông Kình.

Họ thì thầm, “thương lắm, nhà ấy giờ chỉ còn đàn bà, con nít”.

Không có bóng an ninh ở đấy, ít nhất là trong tầm mắt tôi. Chỉ có những chiếc camera trước các hiên nhà mặt tiền làm tôi có chút bất ngờ.

Tôi gặp bà Dư Thị Thành – vợ ông Lê Đình Kình, bà Lê Thị Thoa – con gái thứ tư của ông bà, và những đứa cháu nhỏ của hai người. Trong ngôi nhà loang lổ nhiều vết đạn, họ kể tôi nghe chuyện về người chồng, người cha của mình. Những câu hỏi của tôi bị bỏ lại trong mạch ký ức của họ. Ký ức của người vợ, ký ức của người con, có khi cả hai vô tình cùng nhớ về một hình bóng xa xưa của người đàn ông của họ. Họ kể trong nước mắt, có nhiều khoảng lặng vì không thốt nên lời, và cả tiếng cười. Trước cuộc tấn công, đã có những tháng năm êm đềm đi qua thôn…

***

Bức tường treo chân dung và huân, huy chương của ông Lê Đình Kình, cùng với dấu vết đạn bắn. Ảnh: May/Luật Khoa.
Bức tường treo chân dung và huân, huy chương của ông Lê Đình Kình, cùng với dấu vết đạn bắn. Ảnh: May/Luật Khoa.

Bức họa chân dung ông Lê Đình Kình cùng với các huân, huy chương do Đảng, Nhà nước trao tặng cho ông được treo trên bức tường đối diện cửa ra vào. Ngay bên dưới là những lỗ lõm sâu vào tường, dấu tích đạn bắn của cuộc tấn công vào một rạng sáng mùa đông giáp năm.

“Những đồ này, hồi còn sống, ông quý lắm”, bà Thành nhìn lên chỗ treo huân chương, nói. “Ông ấy từng được huy hiệu 55 năm tuổi Đảng đấy”.

“Bà và chị còn nhớ kỷ niệm nào về ông?”, tôi hỏi.

“Nhà nhiều việc, mà ông ấy hay bắt tôi đưa đi họp chi bộ đảng ở xã. Hồi trước ông ấy tự đi, đến năm 2017 ông bị đánh gãy chân, ngồi xe lăn luôn từ dạo đó. Cái xe lăn đầu tiên là của ông Chung (Nguyễn Đức Chung – cựu Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Hà Nội) tặng, sau thì được Hội Người khuyết tật tặng thêm. Tôi nhớ lúc thử xe mới, ông Kình khen: ‘Xe này đi êm hơn bà ạ, xe thằng Chung nghe nói nhiều tiền nhưng bánh nó cứ ọc ạch’.

Tôi đẩy ông lên xã họp, rồi ngồi chờ về. Hết người này đến người kia lên nói làm tôi sốt hết cả ruột, không biết bao giờ mới xong. Mà có phải người ta giữ nguyên tắc gì cho cam, người này đang phát biểu, người kia thích thì ra đầu hè nói chuyện. Như họp chợ vậy. Có ông nhà tôi và vài người nữa quán triệt từ đầu tới cuối. Tôi nhớ ông ấy đề xuất điểm danh để chỉnh đốn họp chi bộ cho có quy tắc.

Về nhà, bực mình quá nên tôi nói, thôi ông ơi, họp đảng thế này thì lần sau đừng đi nữa, cả buổi ngồi đấy không được gì, già cả sức yếu ở nhà nghỉ thì hơn. Thế là ông mắng tôi một trận: ‘Sao bà lại nói thế? Ai không nghiêm túc thì kệ. Tôi phải đàng hoàng, gương mẫu.’

Đụng tới đảng của ông ấy mà nói chuyện không khéo, bị ăn mắng đấy. Thế nên từ đó bảo đưa đi họp thì tôi đưa đi, chả dám bàn ra.” (Bà Dư Thị Thành)

“Chỉ có ân hận… Bố con chỉ cãi nhau… (khóc)

Tôi đã không gần gũi với bố lúc ông còn sống. Trong mấy anh chị em, tôi là đứa thường có quan điểm khác với bố. Tôi không ngồi lâu được với ông, mới vài câu thôi hai bố con đã cãi nhau. Bố tuyệt đối tin vào Đảng Cộng sản, tin ông Nguyễn Phú Trọng. Tôi can, bố ơi, quan chức giờ tham nhũng nhiều lắm. Bố quát, đó chỉ là con sâu làm rầu nồi canh, là bọn cấp dưới bao che, bôi nhọ Đảng.

Nhiều lần thấy bố gặp nguy hiểm, tôi muốn bố bỏ vụ tranh chấp đất đai. Tôi khóc bảo, chúng con sợ lắm, Đảng giờ phe phái nhiều, người ta có thể giết nhau đấy bố ạ. Bố tôi nói, mình làm việc đúng mà sợ gì hả con. Đất đồng Sênh là của người dân xã. Nếu bố làm sai, người ta đã khai trừ đảng bố lâu rồi.

Hồi ông nằm viện năm 2017, tiền người ta vào thăm biếu ông, ông gửi cho một chị công an giữ hộ. Cái gì cũng ‘thằng Chung đã nói’, ‘mấy đứa trên thành phố nó hứa với tôi rồi’, ‘phải chi tới được tai ông Trọng thì Đảng mới trong sạch’. Tôi tức lắm, chẳng thèm nói nữa, kệ lý tưởng của ông cụ.

Từ hồi bố còn giữ chức ở xã cho tới ngày về hưu, tôi thấy ông như người vác tù và hàng tổng. Tôi khó chịu lắm. Ông cứ lo chuyện chung của làng xã, để một mình mẹ tôi lo chuyện nhà. Giấy tờ đất Miếu Môn qua nhiều năm, nhiều đời lãnh đạo, vậy mà nằm hết trong đầu ông. Ông thuộc từng dòng một, không cần nhìn giấy.” (Chị Lê Thị Thoa)

Bà Dư Thị Thành và vết đạn bắn trên cửa kính. Ảnh: May/Luật Khoa.
Bà Dư Thị Thành và vết đạn bắn trên cửa kính. Ảnh: May/Luật Khoa.

“Lúc làm cán bộ, bố nó chỉ biết công việc làng xã, vợ con khổ cực cũng chẳng hay. Vừa nghỉ hưu là ông ấy cả ngày đi vỡ ruộng. Chắc để làm bù mấy năm không biết lo cho gia đình. Người làng đi ngang réo lên: ối ông Kình ơi, ông Kình, làm cán bộ mà suốt ngày cắm mặt xuống đất thế này à.” (Bà Dư Thị Thành)

“Người ta bảo làm quan thì nhiều đất. Bố tôi qua nhiều chức vụ cao nhất trong xã, nhưng lúc ông về hưu, nhà tôi chả có mảnh ruộng. Tôi còn nhớ, bố mẹ tôi phải tới mấy chỗ đất bỏ hoang, làng chả ai thèm ngó đến. Ngày ngày từ tờ mờ sớm đến chiều muộn, hì hục dọn cỏ, cuốc đất, đào mương, đắp bờ, cấy lúa. Đổ bao nhiêu mồ hôi, công sức đến lúc thành ruộng ngon lành thì bị bắt sung hết cho xã. Thấy có vô lý không? Nhưng tôi chưa từng nghe bố có một lời trách Đảng, chửi chế độ. Ông ấy chỉ hay mắng tôi thôi (cười).

Tôi vừa tức vừa buồn cười khi đọc trên mạng, người ta nói ông nhận tiền nước ngoài, thuộc phe phản động. Họ không biết, còn hơi thở cuối cùng, chắc bố tôi cũng dùng để tin Đảng.

Bố tôi ấy, nếu tin điều gì là đúng, không trái với lương tâm thì ông sẽ chiến đấu bảo vệ đến cùng. Ông giữ lý tưởng đó cho cánh đồng Sênh và Đảng Cộng sản.” (Chị Lê Thị Thoa)

“Đến những ngày cuối đời, chứng kiến nhiều lãnh đạo thành phố trở mặt, vậy mà ông vẫn tin Đảng. Tôi lo ông gặp mệnh hệ nào. Ông lại trách: Bà không phải lo cho tôi, tôi là người đảng viên, Đảng viên không đứng lên lo cho dân thì ai đây. Mình biết mà không lên tiếng là có tội với dân.

Tôi nhớ, hồi trẻ ông ấy đạp xe bằng một chân. Thế mà đi nhanh lắm nhé. Đạp vèo vèo qua hết cánh đồng làng, lên tận thị trấn họp. Bị tật một chân nhưng ông ấy giỏi nên làm được cả chức trưởng công an xã. Còn một chân đứng thẳng mà đi lo việc cho cả xã, đâu ra đó. Dân kính trọng và yêu quý ông.” (Bà Dư Thị Thành)

“Con nhớ bố kể là do bố đi đá bóng bị bong gân, chữa không khéo nên thành tật. Bố lúc nào cũng bận việc. Lúc bố đạp xe đạp Thống Nhất, hay quá giang ngồi sau xe máy lên huyện, bố phải duỗi thẳng cái chân ấy ra. Lúc bố ngồi ăn cơm, uống trà, cũng không co chân lại được. Lúc bước đi thì giống như kéo lê nó theo vậy.” (Chị Lê Thị Thoa)

“Người ta đã bắn nát cái chân ấy của ông.” (Bà Dư Thị Thành)

“Bố chết thảm. Mấy người đàn ông trong nhà bị bắt đi hết rồi còn đâu. Chỉ biết kêu trời. Ngửa mặt lên trời kêu oan… Lúc sửa lại chái nhà bị đạn bắn, nhìn trong nhà chỉ toàn đàn bà con gái, mẹ tủi thân khóc lịm đi. Niềm tin của bố… Nếu biết gia đình tan nát thế này, tôi đã can ngăn bố tới cùng. Vứt hết đi mà bố…” (khóc) (Chị Lê Thị Thoa)

Bà Dư Thị Thành và những vết đạn bắn hằn lên tường nhà. Ảnh: May/Luật Khoa.
Bà Dư Thị Thành và những vết đạn bắn hằn lên tường nhà. Ảnh: May/Luật Khoa.
Những vết đạn bắn hằn lên tường nhà ông Lê Đình Kình. Ảnh: May/Luật Khoa.
Những vết đạn bắn hằn lên tường nhà ông Lê Đình Kình. Ảnh: May/Luật Khoa.

“Chúng tôi sẽ đi bộ từ làng”

“Con trai tôi, cháu trai tôi vào tù. Đã hơn tám tháng, cả nhà không nhận được tin tức của chúng nó. Thằng Chức, vết thương ở đầu đã khỏi chưa? Mười ngày sau cái đêm hôm ấy, vợ nó sinh một thằng cu. Vợ nó gửi ảnh con vào nhưng cán bộ trại giam từ chối. Thằng Doanh, nghe bảo bị đạn bắn vào tay, giờ thế nào? Thằng Uy… Thằng Công nữa… Các con trai, cháu trai của tôi đứa nào cũng có việc làm. Mỗi đứa có một gia đình. Vợ chúng nó ở ngoài này một nách mấy đứa con… Biết trước thế này thà im tiếng. Tôi sẽ bắt tất cả im lặng. Đất đai nào quan trọng bằng cảnh nhà ấm êm.” (Bà Dư Thị Thành)

“Nhà xe không cho nhà tôi và người làng thuê xe đi dự phiên tòa. Họ bảo, công an gọi nhắc nhở rồi. Một cán bộ xã khuyên chúng tôi ở nhà, lên đó cũng không được vào dự. Mặc ai nói gì, chúng tôi vẫn đi. Chúng tôi sẽ đi bộ từ làng đến phiên tòa trên Hà Nội. Mẹ tôi muốn nhìn thấy con cháu. Các cháu tôi muốn nhìn thấy mặt chồng, mặt bố. Không ai ngăn được chúng tôi.” (Chị Lê Thị Thoa)

“Mong đợi gì ở phiên toà? Tôi muốn được gặp con cháu tôi. Tôi muốn người ta làm giấy khai tử cho chồng tôi. Ông ấy đã vào đất hơn tám tháng, mà vẫn không có giấy khai tử. Cán bộ xã bắt tôi ghi lý do ông chết: chết ở nhà. Không. Không đúng. Ông Lê Đình Kình bị bắn chết tại nhà. Một viên đạn gần tim. Hai viên cắm vào đầu. Đầu gối chân trái đứt lìa. Bố của các con tôi đã bị giết như vậy. Vết máu còn ở trong phòng sao người ta nỡ nói dối.

Đây, vết máu ấy đây. Nó bám kĩ quá, tôi lau không trôi.

‘Ông ở yên đây nhé, tôi xuống dấp nước cái khăn đắp cho khỏi ngạt’, đó là lời cuối tôi nói với chồng. Khói cay mịt mù. Tôi vừa mò lên thì bất ngờ bị khoá tay, lôi đi. Trở về chỉ thấy máu đầy phòng. Tan cửa nát nhà. Thấy thanh cửa này nó nhô ra không? Một viên đạn bị kẹt trong ấy.” (Bà Dư Thị Thành)

***

Bà Thành vừa kể vừa dẫn tôi đi xung quanh nhà.

Tôi thấy những vết đạn bắn xuyên qua cửa kính, đâm thủng tủ quần áo, làm toác một mảng tường. Có chỗ đã được người nhà trát xi-măng lại. Có chỗ còn nguyên. Ở đâu cũng có dấu vết của súng đạn. Lỗ to, lỗ nhỏ. Trên tầng một, tầng hai. Ở nhà bếp, phòng khách. Vết đen bám đầy trên sàn, bà Thành nghi là dấu vết của lựu đạn cay.

Bà đi với cái lưng hơi khòm, tóc bạc trắng. Cũng như con gái, bà “không tin ai, chỉ có trời mới giúp được con cháu” vào phiên toà thứ Hai này. Hai người phụ nữ ấy, đã không thốt ra những từ “công lý”, “lẽ phải”, “công bằng” khi nhắc đến phiên xử như tôi hình dung. Họ không đặt nhiều kỳ vọng, ngoài mong muốn được nhìn thấy nhau, được chạm tay nhau giữa pháp đình.

Tôi muốn ghi lại lời họ, những người nông dân bình thường không may có người thân dính vào vòng lao lý, như bao vụ án khác. Các toà soạn trong nước từ chối, dù tôi đảm bảo bài không đụng đến những tranh chấp đất đai, đúng sai giữa hai phía.

Thứ Hai này, những gương mặt mẹ, vợ, con của 29 bị cáo thôn Hoành, thôn Mít, xã Đồng Tâm sẽ lẩn khuất đâu trước ống kính, trong khung hình, trên mặt báo? Hoặc sẽ bị tạc nên diện mạo nào?

Mong trí tưởng tượng của tôi sẽ không thành. Đã từ lâu họ không được cất lên tiếng nói của mình.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét