Thứ Ba, 30 tháng 11, 2021

20211201. QUỐC HỘI BÀN XỬ LÝ TÀI SẢN BẤT MINH ?

 ĐIỂM BÁO MẠNG  

KHÔNG ĐƯA QUY ĐỊNH XỬ LÝ TÀI SẢN KHÔNG RÕ NGUỒN GỐC VÀO LUẬT PHÒNG CHỐNG THAM NHŨNG
LÊ KIÊN/TTO 22-10-2018

TTO - Dù là chủ đề thảo luận sôi nổi trong suốt 3 kỳ họp đối với dự án Luật phòng chống tham nhũng (sửa đổi), quy định xử lý tài sản không rõ nguồn gốc cuối cùng vẫn không được đưa vào luật.

Không đưa quy định xử lý tài sản không rõ nguồn gốc vào Luật phòng chống tham nhũng - Ảnh 1.

Bảng điện tử hiển thị kết quả biểu quyết thông qua Luật phòng chống tham nhũng (sửa đổi) sáng 20-11 - Ảnh: T.B.D.

Sáng nay 20-11, với 452/465 đại biểu tán thành, 6 đại biểu không tán thành, 7 đại biểu không biểu quyết, Quốc hội đã thông qua Luật phòng chống tham nhũng (sửa đổi) với 10 chương, 96 điều.

Trước khi Quốc hội biểu quyết thông qua dự thảo luật, chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đã thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình bày báo cáo giải trình liên quan đến quy định "về xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm giải trình không hợp lý về nguồn gốc":

"Nhiều ý kiến đại biểu tán thành với phương án xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm giải trình không hợp lý về nguồn gốc thông qua trình tự xem xét, giải quyết tại tòa án; nhiều ý kiến tán thành với phương án xử lý thông qua thu thuế; nhiều ý kiến đề nghị giữ như quy định của pháp luật hiện hành, theo đó tài sản, thu nhập này sẽ bị xử lý khi cơ quan có thẩm quyền chứng minh được là do phạm tội, vi phạm pháp luật mà có.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy việc xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm giải trình không hợp lý về nguồn gốc là vấn đề mới, lần đầu tiên chúng ta đặt vấn đề xử lý đối với loại tài sản, thu nhập này. 

Trong khi tài sản, thu nhập của người dân, cán bộ, công chức, viên chức được hình thành từ nhiều nguồn khác nhau, Nhà nước ta chưa kiểm soát được thu nhập của toàn xã hội và pháp luật chưa quy định đánh thuế đối với tài sản thì việc xác định tính hợp lý của nguồn gốc tài sản, thu nhập tăng thêm để đánh thuế hoặc thu hồi là vấn đề rất phức tạp.

Mặt khác, đây là vấn đề lớn, có liên quan đến quyền sở hữu tài sản - quyền cơ bản của công dân theo Hiến pháp nên cần được cân nhắc hết sức kỹ lưỡng. Tại tất cả phiên thảo luận về nội dung này, ý kiến các đại biểu Quốc hội, các cơ quan hữu quan còn rất khác nhau và phân tán.

Vì vậy, để bảo đảm thận trọng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Tổng thư ký Quốc hội gửi phiếu thăm dò ý kiến các đại biểu về nội dung này. Kết quả: có 209/456 ý kiến đại biểu, chiếm 43,09% tổng số đại biểu Quốc hội tán thành phương án xem xét, giải quyết tại tòa án; 156/456 ý kiến đại biểu (32,16%) tán thành với phương án thu thuế; 40 ý kiến đại biểu đề nghị giữ như quy định của Luật PCTN hiện hành và 51 đại biểu không thể hiện chính kiến hoặc có ý kiến khác.

Như vậy, không có phương án nào nhận được sự ủng hộ của quá 50% tổng số đại biểu. Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy do chưa đạt được sự đồng thuận, thống nhất cao nên nội dung này cần được tiếp tục nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, khi đã đủ điều kiện chín muồi, phù hợp thực tiễn, bảo đảm tính khả thi thì mới nên quy định vào luật.

Từ các lý do trên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho phép chưa bổ sung quy định về xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm giải trình không hợp lý về nguồn gốc vào dự thảo luật mà thực hiện như quy định của pháp luật hiện hành.

Theo đó, nếu cơ quan có thẩm quyền chứng minh được tài sản do tham nhũng mà có thì tiến hành thu hồi hoặc tịch thu theo quy định của pháp luật tương ứng; nếu chứng minh được có dấu hiệu trốn thuế thì xử lý theo quy định của pháp luật về thuế. 

Đồng thời, điều 31 của dự thảo luật đã bổ sung quy định về chuyển vụ việc có dấu hiệu vi phạm được phát hiện trong quá trình kiểm soát tài sản, thu nhập đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết để tăng cường việc xử lý đối với loại tài sản, thu nhập này.

Đối với người có nghĩa vụ kê khai mà kê khai không trung thực, giải trình nguồn gốc tài sản, thu nhập tăng thêm không trung thực thì dự thảo luật đã quy định việc xử lý nghiêm khắc hơn so với pháp luật hiện hành. 

Cụ thể: người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND thì sẽ bị xóa tên khỏi danh sách những người ứng cử; người được dự kiến bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, phê chuẩn, cử giữ chức vụ thì không được bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, phê chuẩn, cử vào chức vụ đã dự kiến; người có nghĩa vụ kê khai khác thì bị xử lý kỷ luật từ cảnh cáo trở lên, nếu đã được quy hoạch vào chức danh lãnh đạo, quản lý thì còn bị đưa ra khỏi danh sách quy hoạch".

TRANH LUẬN 'NẢY LỬA' VIỆC XỬ LÝ TÀI SẢN KHÔNG RÕ NGUỒN GỐC

THÁI BÁ DŨNG/ TTO 25-10-2018

TTO - Thảo luận về dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi sáng 25-10, nội dung xử lý tài sản không chứng minh được nguồn gốc vẫn tiếp tục nhận được nhiều ý kiến trái ngược nhau từ các đại biểu Quốc hội.

Tranh luận nảy lửa việc xử lý tài sản không rõ nguồn gốc - Ảnh 1.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội Lê Thị Nga giải trình tiếp thu ý kiến đại biểu sáng 25-10 - Ảnh: B.D

Bà Lê Thị Nga - chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội giải trình việc đưa ra hai phương án xử lý khác nhau: "Chúng tôi tiếp cận trên quan điểm bảo vệ quyền sở hữu tài sản của công dân nhưng chủ thể của loại tài sản này cũng là một nhóm đối tượng đặc biệt, là cán bộ viên chức. Không có phương án xử lý nào có thể nào đảm bảo mỹ mãn, mỗi phương án đều có ưu nhược điểm khác nhau".

Tịch thu, ra toà hay thu thuế?

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cho rằng không thể nói vì tài sản đó chủ sở hữu không chứng minh được nguồn gốc mà thu hồi hoặc giao cho toà án xử lý.

"Điều này liệu có vi phạm Hiến pháp không? Pháp luật đã quy định mọi người có quyền sở hữu tài sản và được pháp luật bảo hộ. Không chứng minh được vi phạm mà tiến hành thu hồi thì không đủ cơ sở để thực thi, dễ gây ra sự chống đối", ông Phương nói.

"Việc chuyển cho toà cũng sẽ là làm khó cho toà, gây áp lực, và có nguy cơ oan sai, mất niềm tin và phát sinh tiêu cực. Tôi đồng ý với phương án thu thuế đối với loại tài sản này".

Trái ngược với ông Phương, đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) cho rằng phương án chuyển cho toà án là khả thi nhất bởi nghĩa vụ chứng minh tài sản không rõ nguồn gốc là thuộc về toà. Tuy nhiên ông Tám cũng băn khoăn nếu áp dụng hình thức này thì sẽ làm toà án quá tải.

Theo đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre), cả hai phương án đều không đảm bảo: Nếu chuyển cho toà thì chúng ta đang vô tình "hình sự hoá trá hình" các vụ việc dân sự. Đánh thuế cũng không ổn bởi sẽ gây ra tình trạng thuế chồng thuế.

"Nếu tài sản trong diện nghi vấn thì dứt khoát phải tiến hành điều tra, nếu điều tra thấy tham nhũng thì cho thu hồi. Cả hai biện pháp mà chúng ta đưa ra đều là biện pháp nửa vời. Đạo luật này sinh ra để phòng ngừa tham nhũng chứ không phải để thực hiện nghiệp vụ bởi nếu nghiệp vụ thì có các công cụ khác rồi", ông Nhưỡng nói.

Đại biểu Ngô Trung Thành (Đắk Lắk) tranh luận với đại biểu Lưu Bình Nhưỡng: Cứ đặt vấn đề như đại biểu Nhưỡng thì luật sẽ không có lối ra.

"Chúng ta cần phải đặt vấn đề loại tài sản không khẳng định là bất minh mà đơn giản chỉ là 'chưa xác định nguồn gốc' thì cần xử lý để thực hiện công tác phòng chống tham nhũng", ông Thành nói.

"Dù phương án nào thì bản chất vẫn là tịch thu tài sản này, tịch thu ở mức độ nào thì quyền hạn thuộc về toà án. Không phải cơ quan nào cũng đủ thẩm quyền để chứng minh loại tài sản này".

Tranh luận nảy lửa việc xử lý tài sản không rõ nguồn gốc - Ảnh 2.

ĐBQH Hoàng Văn Cường (Hà Nội) trình bày quan điểm về dự thảo luật PCTN sáng 25-10 - Ảnh: B.D

Kỷ luật nặng, chuyển cơ quan điều tra trước khi ra toà

Đại biểu Lê Xuân Thân (Khánh Hoà) cho rằng cần kỷ luật nặng chủ sở hữu chứ không nên tịch thu đối với loại tàn sản kê khai không trung thực, không chứng minh được nguồn gốc.

Theo ông Thân, việc thu hồi sẽ không đủ cơ sở pháp lý, một khi đã tịch thu thì phải chứng minh được tài sản đó do phạm tội mà có. "Tôi tán thành phương án chuyển hình thức xử lý tài sản không rõ nguồn gốc qua cơ quan thuế", ông Thân nói.

Đại biểu Võ Đình Tín (Đắk Nông) đưa quan điểm khác hơn khi cho rằng nên chuyển qua toà án nhưng trước khi chuyển cho toà thì cần chuyển trước cho cơ quan điều tra xem xét đã đủ cơ sở pháp lý chưa.

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) đồng tình rằng nếu cơ quan quản lý nghi ngờ tài sản không rõ nguồn gốc là loại tài sản tham nhưng không chứng minh được mối nghi ngờ đó thì phải chuyển cho cơ quan điều tra.

"Khi mà cả cơ quan điều tra vẫn không chứng minh được thì cần chuyển qua cơ quan thuế để áp dụng hình thức đánh thuế cao. Việc này không sợ thuế chồng thuế bởi bản thân người sở hữu cũng không chứng minh được tài sản đó đã đóng thuế", ông Cường phản biện mối lo của đại biểu Lưu Bình Nhưỡng.

Đại biểu Hoàng Văn Cường cũng cho rằng cần bổ sung, nói rõ hơn quy định khen thưởng đối với người có công trong việc đấu tranh chống tham nhũng chứ không nên quy định chung chung như dự thảo. 

Thực tế thời gian qua nhiều người đi đấu tranh chống tham nhũng đã chịu áp lực, thậm chí mất việc, đe doạ an toàn tính mạng, cái giá mà họ phải đánh đổi là rất lớn. Cần có sự khen thưởng, đãi ngộ xứng đáng để bù đắp lại phần nào công sức của họ.

Đại biểu Hoàng Văn Cường

CHUYỆN TÀI SẢN BẤT MINH Ở XỨ TA

ĐỖ DUY NGỌC/ TD 15-11-2021

Đọc trên báo thấy có tin: “Sau 3 kỳ thảo luận, các ĐBQH vẫn chưa nhất trí việc tịch thu hay đánh thuế, hay đưa ra tòa với tài sản không chứng minh được nguồn gốc. Thậm chí, qua phát phiếu lấy ý kiến, vẫn không quyết được ‘số phận’ tài sản này“.

Đồng thời, khi lấy ý kiến các đại biểu chỉ có 209/456 ý kiến, chiếm 45,93% số ĐB tham gia cho ý kiến (chiếm 43,09% tổng số ĐBQH), tán thành phương án giải quyết tại tòa án. Phương án đánh thuế thu nhập còn nhận được ít sự ủng hộ hơn, chỉ 156/456 ý kiến (chiếm 32,16% tổng số ĐBQH) tán thành. Ngoài ra, 40/456 ĐB (chiếm 8,24% tổng số ĐBQH) đề nghị giữ như quy định của luật Phòng chống tham nhũng hiện hành. Chỉ có 1 ý kiến đề nghị tịch thu và 31 vị ĐBQH (chiếm 6,39% tổng số ĐBQH) không thể hiện chính kiến của mình.

Có lẽ đây là một trong số những vấn đề bàn cãi trong Quốc hội Việt Nam mà lại có những con số khác biệt như thế này. Thường tỷ lệ tán thành là trên 90% và có lúc 99,9%. Tại sao vấn đề này lại có những con số khác biệt như vậy?

Lý do là đang bàn về vấn đề dính dáng đến quyền lợi của các đại biểu. Tất cả các đại biểu Quốc hội ở nước ta đều là cán bộ lãnh đạo đương chức. Và điều tất nhiên tham nhũng chỉ có ở những người đang có quyền lực. Dân đen thì lấy gì để tham nhũng. Do vậy, khi đụng đến chuyện tịch thu, đánh thuế hay đưa ra toà tài sản không chứng minh được nguồn gốc tức là đụng đến đồng tiền nhờ quyền lực mà có, tức là tham nhũng. Mà tài sản tham nhũng thì lấy đâu mà chứng minh được nguồn gốc.

Đồng tiền đi liền khúc ruột, dù đó là đồng tiền bất minh, đồng tiền phạm pháp cũng đã là tài sản của các ông. Dễ gì các ông ấy lại bấm nút biểu quyết tán thành việc tịch thu tài sản của chính mình. Có ai lại dại thế? Cho nên các ông không đồng tình là hợp lý thôi.

Phần đông chấp nhận giải quyết tại toà bởi thật sự tài sản có được do tham nhũng, hối lộ thường được phân tán cho thân nhân, con cháu, họ hàng đứng tên cả rồi. Ra toà thì chẳng còn chi. Hơn nữa, ra toà thì chạy chọt, nén bạc đâm toạc tờ giấy, trám tiền vào thì mọi việc êm đẹp cả thôi mà.

Nói như ông Lê Minh Trí, Viện trưởng Viện KSND Tối cao: “Hiện có những người hơn hai mấy, ba mươi tuổi đã đứng tên những tài sản cả trăm tỉ, ngàn tỉ đồng. Chúng ta biết hết nhưng không xử lý được, vì quyền sở hữu của công dân chúng ta không đụng vào được. Nhưng nếu có luật Đăng ký tài sản, khi anh đăng ký một tài sản mới, anh không chứng minh được nguồn gốc tài sản thì anh bị ‘thăm hỏi’ ngay. Như thế, chắc rằng sẽ không còn chỗ ẩn nấp cho nhóm tài sản tham nhũng“. Như vậy, khi ra toà án chẳng còn tài sản bao nhiêu để thu hồi.

Có 32% ý kiến chấp nhận thu thuế với tài sản không chứng minh được. Theo phương án này, trường hợp kết luận tài sản, thu nhập tăng thêm của người có nghĩa vụ kê khai giải trình không hợp lý về nguồn gốc; và cơ quan có thẩm quyền không chứng minh được tài sản, thu nhập do vi phạm pháp luật mà có, thì cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập chuyển vụ việc cho cơ quan quản lý thuế có thẩm quyền yêu cầu thu thuế thu nhập cá nhân đối với phần tài sản này.

Kiểu này cũng là khôn, khi có vấn đề phải bị điều tra, lòi ra tài sản bất minh chỉ cần chấp nhận đóng thuế thu nhập là xong, tiền bạc, tài sản vẫn còn đó, có sứt mẻ chút xíu cũng chẳng chết thằng Tây nào. Khôn quá đi chứ. Đóng thuế xong là xong, chẳng vướng tội lỗi gì. Tài sản nhiều mà, đóng thuế một ít cũng chẳng sao, phần còn lại là hợp pháp, ăn ba đời cũng chưa hết.

Thương cho một đại biểu cô đơn đồng tình với việc tịch thu tài sản bất minh. Có lẽ vị này chưa dính tham nhũng, chưa có tài sản hoặc chưa có cơ hội để có tài sản tham nhũng. Cũng có thể vị này tự tin mình đã tạo vành đai an toàn cho số tài sản của mình chăng?

Có 31 vị chọn im lặng là vàng, không biểu quyết. Tội gì, cứ để mọi người cho ý kiến, xem tình hình thế nào? Im lặng đúng lúc cũng là một hành động khôn ngoan. Cứ lặng lẽ đừng để lòi mặt chuột là được. Cứ chường mặt ra có khi dính bẫy oan.

Qua những con số trên mới thấy, việc kê khai tài sản của cán bộ chỉ là một trò vui. Có mấy ai khai thật và luật pháp cũng chưa có một biện pháp gì để xử lý khi cần thiết. Mà có khui ra được cũng chưa có điều luật nào để giải quyết, toà xử, đánh thuế hay tịch thu, cho đến giờ vẫn còn cù cưa.

Theo quy định pháp luật hiện hành, tại Điều 128 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, việc kê biên tài sản chỉ được áp dụng khi nào đối tượng bị khởi tố bị can hoặc bị đưa đi xét xử, còn trước đó, dù đối tượng bị thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, kể cả trong thời gian khởi tố vụ án nhưng chưa khởi tố bị can cũng đều được miễn trừ trách nhiệm.

Như vậy, người phạm tội được hưởng quyền bất khả xâm phạm về tài sản sở hữu, “đây chính là kẽ hở của pháp luật, vô hình trung biến thành quãng ‘thời gian vàng’ giúp cho tội phạm có điều kiện tẩu tán, che giấu, hợp lý hóa tài sản phạm tội mà có”. Một đại biểu đã từng phát biểu như thế.

Cũng theo luật, khoản 3 Điều 128 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định “chỉ kê biên bán tài sản tương ứng với mức có thể bị phạt tiền, bị tịch thu hoặc phải bồi thường thiệt hại” cũng làm khó cơ quan tố tụng vì nội hàm rất trừu tượng.

Có rất nhiều vụ án lên đến hàng ngàn tỷ, nhưng tiến hành và xử lý chậm chạp, nhiêu khê, qua nhiều tầng, nhiều lớp khiến cho việc kiểm kê hoặc kê biên tài sản kéo dài trong giai đoạn điều tra, truy tố là nguyên nhân dẫn đến nhiều đại án khó thu hồi tài sản phạm pháp.

Tài sản bị tội phạm chiếm đoạt trong các vụ án tham nhũng là đặc biệt lớn, đối tượng phạm tội là người có chức vụ, quyền hạn, người có chuyên môn, nghiệp vụ nên thường sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn khác nhau để che giấu hành vi phạm tội, che giấu nguồn gốc hình thành tài sản do phạm tội mà có, che giấu đường đi của dòng tiền nên rất khó phát hiện, thu hồi”.

Ông Lê Minh Trí đã nhấn mạnh: “Các hoạt động kinh tế phải minh bạch thì chống tham nhũng, thu hồi tài sản mới tốt được. Quyết tâm nhưng thu, kê biên không đúng luật thì người ta kiện. Đúng hay không thì phải xác minh, mà trong quá trình xác minh thì họ tẩu tán mất rồi. Cho nên việc này phải giải quyết bằng nhiều biện pháp đồng bộ, trong đó có biện pháp căn cơ là pháp luật, để chúng ta có thể thu hồi tốt hơn”.

Tui nghĩ, cứ phạm tội là kê biên gia sản ngay. Điều tra, xử án, tiền nào có nguồn gốc rõ ràng thì trả lại, tài sản bất minh, không nguồn gốc thì tịch thu, cho vào công quỹ. Làm ngay khi có lệnh bắt còn hi vọng chứ đợi điều tra thì nó tẩu tán mất rồi, còn đâu. Ở xứ này mà chờ minh bạch là thua rồi.

Nhưng giờ lấy gì minh bạch, có thằng tham nhũng nào mà tự khai, chẳng có ai cầm dao tự cắt mình, chẳng có ai lại đi bấm nút để đồng tình việc tịch thu tài sản của mình. Bàn biện pháp ngăn ngừa ăn trộm với thằng ăn cắp thì cũng bằng thừa. Thế mới thấy cán bộ ta đụng đến quyền lợi cá nhân là phân hoá rõ ràng ngay.

Do vậy, họp thì cứ họp, bàn thì cứ bàn nhưng sẽ chẳng đi đến đâu. Chuyện chống tham nhũng ở xứ ta là chuyện dài lắm chuyện, rối như tơ, khó mà gỡ bởi anh chưa bị lộ ngồi xử thằng bị lộ. Rốt cuộc chẳng có luật nào rõ ràng, minh bạch để xử cả.

Đỗ Duy Ngọc

CHỐNG THAM NHŨNG Ở SINGAPORE

PHẠM MẠNH HÙNG/ TVN 26-1-2021

Singapore thực hiện chính sách 3 không - không dám, không cần và không thể tham nhũng. Thủ tướng Lý Hiển Long có mức lương cao gấp 4 lần Tổng thống Mỹ.

Cũng như nhiều quốc gia châu Á, Singapore từng bị vấn nạn tham nhũng hoành hành. Khi đó, tham nhũng được nhìn nhận là “lợi lớn, rủi ro thấp”, được xem là lẽ thường tình, là lối sống của không ít cán bộ các cấp. 

Chống tham nhũng ở nước lương Thủ tướng cao nhất thế giới
Thủ tướng Lý Hiển Long thăm một trung tâm mới của Cục Điều tra tham nhũng Singapore. Ảnh: Straitstimes

Chính quyền mới của đảng Nhân dân hành động, với quyết tâm chính trị cao độ, đã xác định trừ diệt tham nhũng, xây dựng một chính phủ trong sạch và hiệu quả là vấn đề sống còn đối với đất nước.

Tổ chức đầy uy lực, toàn quyền điều tra mọi nghi phạm tham nhũng  

Trước hết, Singapore ban hành luật Phòng chống tham nhũng mới vào năm 1960 thay thế pháp lệnh năm 1937. Luật có phạm vi bao phủ chống tham nhũng ở cả lĩnh vực nhà nước lẫn tư nhân, cả trong nước cũng như công dân Singapore ở nước ngoài. Hình phạt tăng lên 5 năm tù giam và phạt 10.000 đô la Singapore (S$), đồng thời buộc hoàn trả số tiền tham nhũng…

Vào các năm 1963, 1966, 1981…, Singapore tiến hành sửa đổi, bổ sung hay ra luật mới để khắc phục lỗ hổng hay những vấn đề chưa được lường tới, để xóa bỏ mọi “vùng cấm” trong chống tham nhũng. 

Năm 1966, 2 nội dung quan trọng được bổ sung. Trong đó, mục 28 quy định rằng một người có thể bị kết tội tham nhũng - dù chưa nhận hối lộ - khi có đủ chứng cứ chứng minh người đó có chủ đích nhận. Năm 1989 và 1999, Singapore ban hành luật Chống tham nhũng mới, quy định chặt chẽ và cụ thể về tiền tham nhũng, về bổ nhiệm Cục trưởng và cán bộ Cục Điều tra tham nhũng, các hình phạt áp dụng, thẩm quyền của các ủy viên công tố trong điều tra.

Những đặc điểm đáng lưu ý trong luật là người giữ chức vụ càng cao mà tham nhũng thì bị xử phạt càng nặng, nghi phạm có nghĩa vụ chứng minh tài sản mình có được là hợp pháp. Bất kỳ sự giàu có nào không giải trình rõ ràng về nguồn gốc, không tương xứng với thu nhập sẽ bị coi là nhận hối lộ và có thể bị tịch thu.

Ngoài ra, Singapore cải tổ Cục Điều tra tham nhũng thành lập từ năm 1952 nhằm tăng quyền lực, nhân lực và tài chính. Nhân lực được tuyển chọn từ những cảnh sát giỏi về điều tra tham nhũng nên có nhiều kinh nghiệm.

Thẩm quyền và sự độc lập của Cục được tăng mạnh mẽ. Cụ thể, mục 4 cho phép Cục trưởng bổ nhiệm điều tra viên đặc biệt và điều tra viên đặc biệt cao cấp. Mục 15 cho phép Cục bắt giữ và khám xét nghi phạm tham nhũng. Mục 17 cho phép Cục trưởng và điều tra viên đặc biệt cao cấp điều tra bất cứ tài khoản ngân hàng, cổ phần, tài khoản mua bán của bất cứ nghi phạm tham nhũng nào. 

Mục 20 cho phép Cục Điều tra tham nhũng khám xét và phong tỏa bất cứ nơi tình nghi nào… Cán bộ của Cục có thể phong tỏa và thu giữ tài liệu khi có lệnh của Cục trưởng… Điều này tạo thuận lợi rất lớn trong phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hành vi tham nhũng.

Cục Điều tra tham nhũng gần như độc lập hoàn toàn với các cơ quan nhà nước khác. Sau nhiều lần thay đổi, kể từ năm 1969, thuộc Văn phòng Thủ tướng, Cục trưởng do Thủ tướng bổ nhiệm và báo cáo trực tiếp Thủ tướng. Từ năm 1991, điều 22G của Hiến pháp còn cho phép Cục trưởng tiếp tục điều tra các bộ trưởng và công chức cao cấp bị tình nghi tham nhũng ngay cả khi Thủ tướng không phê chuẩn nhưng được sự phê chuẩn của Tổng thống.

Nhờ có toàn quyền điều tra bất cứ ai bị tình nghi, Cục đã không ngần ngại điều tra và truy tố các nhà lãnh đạo chính trị, các quan chức cao cấp dính líu tới tham nhũng. 

Thực tế, hàng loạt nhân vật “tai to mặt lớn” đã bị đưa ra xét xử và kết tội tham nhũng. Bộ trưởng Phát triển đất nước Tan Kia Gan bị điều tra năm 1966 và bị cách toàn bộ chức vụ. Bộ trưởng Nhà nước Wee Toon Boon bị điều tra năm 1975 và bị kết án 4 năm 6 tháng tù giam. Bộ trưởng Phát triển đất nước Teh Cheang Wan, bị điều tra năm 1986, đã tự tử trước khi bị kết án…

Báo chí được khuyến khích tham gia chống tham nhũng, được tạo điều kiện để đưa tin đầy đủ về tham nhũng, có thể tiếp cận Cục Điều tra tham nhũng để trao đổi các thông tin mà không gặp bất kỳ trở ngại nào. Sự tham gia tích cực của báo chí giúp phanh phui nhiều vụ tham nhũng, góp phần tạo ra “văn hóa chống tham nhũng”.

Đặc biệt, một biện pháp rất lợi hại được Singapore sử dụng khiến cán bộ không dám tham nhũng, đó là hàng tháng, lương công chức được trích một phần theo tỷ lệ quy định để gửi vào Quỹ dự phòng trung ương, mức khởi đầu là 5%, tăng dần theo tỷ lệ tăng lương, chức vụ càng cao thì tỷ lệ càng lớn, có thể lên tới vài chục phần trăm.

Khi nghỉ hưu, họ được lĩnh số tiền đó. Nếu phạm tội tham nhũng, số tiền đó bị trưng thu. Bởi vậy, ít công chức dám tham nhũng, nhất là những người có chức vụ cao, công tác lâu năm lại càng không dám “mạo hiểm” để rồi mất tất cả.

Lương cao

Từ những năm đầu thập kỷ 1970, sau nhiều năm kinh tế tăng trưởng tốt, Singapore chú trọng thực hiện chính sách không cần tham nhũng với biện pháp chính là trả lương cao. 

Cố Thủ tướng Lý Quang Diệu nhấn mạnh rằng, trả lương thấp cho cán bộ là nguy hiểm, dù đó là một cảnh sát hay nhân viên hải quan, vì như vậy họ phải bằng mọi cách “kiếm” thêm để nuôi gia đình.

Chống tham nhũng ở nước lương Thủ tướng cao nhất thế giới
Công chức Singapore được trả lương cao. Ảnh: Straitstimes

Từ tháng 3/1972, công chức được hưởng tháng lương thứ 13. Hai 2 năm một lần, chính phủ khảo sát để điều chỉnh lương của khu vực công tương ứng với khu vực tư nhân. 

Ngoài lương, công chức còn được thưởng. Tháng 10/1994, Singapore ra “Sách trắng về chế độ lương cạnh tranh vì một chính phủ có năng lực và trong sạch”, quy định lương bộ trưởng và công chức cao cấp tương đương mức trung bình của 4 người hưởng lương cao nhất trong 6 ngành nghề của khu vực tư nhân là kế toán, ngân hàng, kỹ sư, luật, doanh nghiệp chế tạo trong nước và công ty đa quốc gia.

Mức lương bộ trưởng và công chức cao cấp được xem xét điều chỉnh thường xuyên để cạnh tranh được với khu vực tư nhân. Hiện nay, Thủ tướng Lý Hiển Long là nhà lãnh đạo có mức lương cao nhất thế giới với 1,6 triệu USD/năm, gấp 4 lần lương của người đứng thứ 2 là Tổng thống Mỹ với 400.000 USD.

Singapore còn chú trọng sàng lọc để loại bỏ cán bộ tham nhũng, yếu kém. Hàng năm, công chức được đánh giá toàn diện để xếp loại và xem xét triển vọng nghề nghiệp. Mỗi năm, nước này có khoảng 5% công chức không đáp ứng yêu cầu, phải rời vị trí.

Kiểm soát chặt chẽ chất lượng đầu vào được xem là biện pháp quan trọng trong chống tham nhũng. Thực tế cho thấy việc tuyển chọn lãnh đạo đất nước và công chức, nhất là công chức hành chính, được thực hiện kỹ lưỡng. Các ứng viên đều được Cục Điều tra tham nhũng đánh giá để đảm bảo chỉ những ứng viên trong sạch được tuyển vào bộ máy công quyền.

Tịch thu tài sản tăng lên không rõ nguồn   

Kê khai tài sản minh bạch là biện pháp được sử dụng khiến cán bộ không thể tham nhũng. Hàng năm, cán bộ từ trung ương tới cơ sở đều phải kê khai tài sản của bản thân và của vợ (chồng) bao gồm: Thu nhập, tiền gửi tiết kiệm, tiền cổ phiếu, đồ trang sức, ô tô, nhà đất. Những tài sản tăng lên so với năm trước đều phải giải trình rõ nguồn gốc, nếu không sẽ bị tịch thu.

Từ năm 1983, Singapore xây dựng chính phủ điện tử và công dân điện tử, đẩy mạnh sử dụng công nghệ thông tin trong các giao dịch nhằm rút ngắn thời gian, giảm tiếp xúc trực tiếp giữa cán bộ và người dân, cắt giảm tối đa các thủ tục nhiêu khê gây phiền hà cho dân chúng và do vậy, giảm cơ hội tham nhũng.

Hiện nay, Singapore thuộc nhóm những nước dẫn đầu về phát triển chính phủ số. Nước này đã xây dựng nhiều nền tảng số quy mô quốc gia với quy trình được chuẩn hóa, công việc được xử lý toàn bộ trên Internet để vừa tạo thuận tiện cho doanh nghiệp, người dân, vừa giảm thiểu tiêu cực.

Sự minh bạch thông tin còn giúp doanh nghiệp, người dân hiểu rõ hơn về luật pháp và các quy trình, thủ tục, đồng thời là kênh để đối chiếu việc thực thi luật pháp của cán bộ, chống lại sự vòi vĩnh.

TS Phạm Mạnh Hùng (Viện Kinh tế và chính trị thế giới) TS Phạm Tuấn Anh (Học viện Kỹ thuật quân sự)