Thứ Sáu, 26 tháng 11, 2021

20211127. CHỮ 'LỄ' VÀ DẠY HỌC SINH PHẢN BIỆN

 ĐIỂM BÁO MẠNG  

TRUYỀN THỐNG 'TIÊN HỌC LỄ' VÀ TƯ DUY PHẢN BIỆN

LÊ HỌC LÃNH VÂN/ TD 26-11-2021

Là người ưa chuộng hoạt động thảo luận trong xã hội, tôi theo dõi tham luận của giáo sư Trần Ngọc Thêm tại hội thảo “Văn hoá học đường trong bối cảnh đổi mới GD-ĐT” với tinh thần lắng nghe, học hỏi. Bài viết này xin thảo luận với ông và với những người quan tâm về quan điểm của ông rằng khi học Lễ con người sẽ trở nên thụ động, mất tư duy phản biện.

Cũng như ông Trần Ngọc Thêm, tôi rất xem trọng tư duy phản biện vốn là một thuộc tính thường thấy của con người tự do, chủ động, sáng tạo. Bài viết này không đề cập tới việc giữ hay bỏ quan điểm “Tiên Học Lễ, Hậu Học Văn”, mà chỉ bàn về mối quan hệ của quan điểm này với tư duy phản biện.

Học tiểu học, trung học tại Miền Nam (tức tương đương ba cấp phổ thông hiện nay), tôi quen thuộc với quan niệm Tiên Học Lễ, Hậu Học Văn mà khẩu hiệu được khắc hay treo trang trọng tại trường học dưới chế độ Việt Nam Cộng Hoà.

Hè năm lớp Mười, nhờ quen biết gia đình, được học thêm chữ Hán với giáo sư Nghiêm Toản. Thầy Nghiêm Toản là bậc túc nho, về sau theo tân học. Trước năm 1945 Thầy giao thiệp gần gũi với các ông Hoàng Xuân Hãn, Nguyễn Hiến Lê trong nhóm Thanh Nghị. Xin mở ngoặc rằng thầy dạy thêm vì muốn truyền dạy chữ, không phải vì thu học phí!

Thầy giảng cho nghe rằng:

“Lễ là những phép tắc giao tiếp với người khác tỏ lòng kính trọng”

“Lòng kính trọng luôn luôn có hai chiều, có lễ của thần tử đối với quân vương, mà cũng có lễ của quân vương đối với thần tử”

“Chúng ta ngày nay đã theo tân học, chữ Lễ cũng nên hiểu theo thời đại mới. Xã hội đã dân chủ, xã hội không thể không có lễ, nhưng là lễ giữa những người bình đẳng, tự do”

Bây giờ, trong giao tiếp với những người trong xã hội, nhất là với người đáng quý, đáng trọng, khi cùng nhau thảo luận, điều gì mà có ý kiến khác thì tôi không dám không nói ra. Ấy là bởi lời của Thầy năm xưa còn văng vẳng: “Lấy Lễ đãi nhau, không gì bằng lời nói thật. Câu quân tử chi giao đạm nhược thuỷ quý ở lòng chân thành”. Như vậy, với tôi, chữ Lễ không những không ngược với tư duy phản biện mà còn thúc giục người ta nói lời phải, nói lời phản biện thật lòng!

Anh Trần Ngọc Thêm thân mến, xin được gọi anh như vậy cho cuộc thảo luận này không có sự xa cách. Có đúng tinh thần của chữ Lễ trong thời cận đại và hiện đại là sự ràng buộc một chiều, chiều từ người dưới tôn trọng người trên không? Tôi không biết nên xin hỏi để lắng nghe anh.

Phần tôi, từ lúc bắt đầu đi học tới nay, tôi luôn nghe, hiểu Lễ có hai chiều. Ông Hoàng Xuân Hãn cho tới những năm tám mươi tuổi, khi tiếp ai vẫn mặc âu phục, khoác áo veste, cho rằng mình phải giữ lễ với người ta. Người ta đó có khi là con cháu ở quê nhà sang Pháp ghé thăm ông. Ông Hoàng Xuân Hãn lớn hơn tôi gần năm chục tuổi, tôi thường lui tới nhà ông học hỏi, rất thân thuộc, vậy mà khi có hẹn làm việc, luôn luôn ông ra bàn làm việc ngồi năm mười phút trước giờ hẹn, với đầy đủ tài liệu cần thiết đã được soạn sẵn. Ấy cũng là ông cụ muốn giữ Lễ.

Kẻ hậu sinh này chưa bao giờ không dám nói ra điều mình suy nghĩ khác với ý của ông, trái lại còn e không nói ra là mình thất Lễ. Chữ Lễ theo cách hiểu tích cực như vậy luôn đẩy mạnh trong tôi tinh thần phản biện. Đọc, hiểu thấu đáo và phản biện chân thành, với tôi, cũng liên quan tới Lễ của tôi đối với ông. Tôi nghĩ đây không là ý kiến chủ quan của riêng mình, đó là cách không ít người hiểu và diễn giảng từ Lễ, một từ mà ý nghĩa của nó tiến hoá và thích nghi với thời đại mới.

Đặt vấn đề xa hơn một chút, tôi thực lòng nghĩ tư duy phản biện không bị trói buộc bởi quan niệm “Tiên Học Lễ”. Nó bị trói buộc bởi cả một cách tổ chức xã hội trong đó ngôn luận không được tự do và cả tư tưởng không được tự do. Khi không có tự do báo chí thì rõ ràng không có tự do ngôn luận. Khi luật pháp có thể bỏ tù người dân vì ý nghĩ trong đầu của họ thì rõ ràng không có tự do tư tưởng rồi.

Điều này được thể hiện ở mức hạ tầng hơn, trong trường học, qua cách giáo viên có thể theo dõi hay can thiệp vào các trao đổi trên mạng của học sinh, nhà trường cũng có thể làm vậy đối với giáo viên. Điều này cũng được thể hiện ở mức thượng tầng hơn, như quá nhiều thông tin được đánh dấu mật dù không liên quan tới an ninh quốc gia, như nhiều thông tin về những sự việc ai cũng biết đã xảy ra mà không một tờ báo chính thống nào đăng tải! Thông tin một chiều, hạn chế thông tin và môi trường thiếu tự do tư tưởng tất nhiên trói buộc tư duy phản biện.

Anh Trần Ngọc Thêm thân mến, anh có nghĩ rằng xã hội đơn nguyên và chuyên chính là nguyên nhân của các nguyên nhân kể trên, do đó là tác nhân quan trọng trói buộc tư duy phản biện không? Và do đó, có phải đó là tác nhân đào tạo nên những con người thụ động, không chủ động, không sáng tạo như sự lo lắng của anh không?

Anh nghĩ sao về nhận xét rằng trong xã hội mà cá nhân quá nhỏ nhoi trước cơ quan, mà cấp trên có quá nhiều quyền lực với cấp dưới, mà sự bình đẳng thiếu vắng thì chữ Lễ được hiểu theo nghĩa của ngàn năm phong kiến xưa? Trái lại, trong xã hội mà sự bình đẳng hiện diện rộng rãi, mà tự do của con người được tôn trọng và bảo vệ thì chữ Lễ được hiểu một cách phóng khoáng, do đó không còn ràng buộc cấp dưới sợ hãi, phục tùng cấp trên, không còn trói buộc tính chủ động, tính phản biện của cá nhân? Chữ Lễ đó có tác dụng nào tích cực không anh?

Lê Học Lãnh Vân

HỌC TRÒ KÉM  PHẢN BIỆN, LỖI ĐÂU TẠI CHỮ 'LỄ'

TRẦN  PHƯƠNG/ GDVN 26-11-2021

GDVN- Việc bỏ hay giữ khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn” theo Phó Giáo sư Lê Quý Đức là không quan trọng, quan trọng là cách hiểu như thế nào.

Đề xuất chấm dứt sử dụng khẩu hiệu "Tiên học lễ, hậu học văn" trong nhà trường được Giáo sư Trần Ngọc Thêm nêu trong tham luận phát biểu tại Hội thảo giáo dục 2021 với chủ đề “Văn hóa học đường trong bối cảnh đổi mới giáo dục và đào tạo” do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tổ chức ngày 21/11 gây nên nhiều tranh cãi.

Cụ thể, Giáo sư Trần Ngọc Thêm đã đề xuất chấm dứt sử dụng khẩu hiệu "Tiên học lễ, hậu học văn" để khai mở tư duy phản biện, giải phóng sức sáng tạo,...

Ý kiến của Giáo sư Thêm cho rằng, chừng nào còn đề cao chữ "Lễ" để ràng buộc người học, còn đề cao quá mức vai trò của người thầy, của đáp án thì tư duy phản biện sẽ không thể phát triển, không thể có xã hội phát triển…

Sau đề xuất của Giáo sư Trần Ngọc Thêm, đã có nhiều ý kiến khác nhau về vấn đề này.

Con người mới đáp ứng yêu cầu mới

Bày tỏ quan điểm với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó giáo sư, Tiến sĩ Lê Quý Đức – nguyên Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu văn hóa và phát triển (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) cho rằng:

“Trước hết về nguồn gốc của câu nói “Tiên học lễ, hậu học văn”, chưa thể khẳng định câu nói ấy của ai nhưng hiện tại xã hội đang có cách nhìn nhận cho rằng câu nói này của Nho giáo và Nho giáo thì cũng không chỉ có Khổng Tử. Nhưng việc nhìn nhận câu nói này theo Nho giáo nên đã hiểu nó theo cách của Nho giáo".

Nói về đề xuất của Giáo sư Trần Ngọc Thêm tại Hội thảo giáo dục 2021, Phó Giáo sư Lê Quý Đức bày tỏ: “Trước hết, tôi cơ bản đồng ý với ý kiến của Giáo sư Trần Ngọc Thêm về việc xây dựng con người mới. Chúng ta đang đi vào xã hội mới và tinh thần xây dựng con người mới để phù hợp với xã hội.

Trong xã hội hiện đại ngày nay, trước yêu cầu phát triển của đất nước nói chung về chính trị, dân chủ và mọi phương diện khác… của đời sống xã hội thì việc cần đào tạo ra con người chủ động, sáng tạo, phản biện là rất cần thiết. Con người mới được Giáo sư Trần Ngọc Thêm khái quát với 4 tiêu chí: con người chủ động, con người sáng tạo, con người phản biện và con người phát triển.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Quý Đức – nguyên Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu văn hóa và phát triển (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh). Ảnh: Lao động

Đây là những điều đáp ứng với nhu cầu của đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa. Những điều này khác với xã hội truyền thống, xã hội phong kiến quân chủ.

Ngoài việc đồng ý với Giáo sư Trần Ngọc Thêm, tôi bổ sung thêm ý kiến về xây dựng con người biết khẳng định cá nhân. Khẳng định cái sáng tạo cá nhân, khẳng định giá trị cá nhân, lợi ích cá nhân, tính cách cá nhân của mình. Con người ấy phải là con người tự do, con người dân chủ”, Phó Giáo sư Lê Quý Đức nói.

Chữ “Lễ” nên hiểu là chữ “Lễ” nào?

Bên cạnh ý kiến đồng ý với Giáo sư Trần Ngọc Thêm, Phó Giáo sư Lê Quý Đức cũng nói thêm: “Tôi cho rằng câu “tiên học lễ, hậu học văn” mà Giáo sư Thêm nói rằng phải bỏ đi vì học lễ cho nên chúng ta đào tạo ra những con người thừa hành, con người chỉ biết vâng lời, con người chỉ là công cụ… và cũng tạo ra người thầy có quyền áp đặt đối với học sinh, thậm chí sử dụng quyền lực ấy để hành học trò để mưu cầu lợi ích này, lợi ích khác…là do cách hiểu về chữ "Lễ".

Tôi cho rằng có cách hiểu như vậy, lỗi không phải ở chữ “Lễ”, mà lỗi ở chỗ người ta vẫn sử dụng cách hiểu chữ “Lễ” như chữ “Lễ” trong thời kỳ phong kiến. Vì thế người ta vẫn sử dụng những tiêu chí chuẩn mực của chữ “Lễ” ngày xưa để áp vào xã hội hôm

Ngày nay, người thầy, gia đình và các xã hội đã hiểu theo chữ “Lễ” ngày xưa để áp vào xã hội hôm nay. Tư duy này cần phải được hiểu lại và bỏ cách hiểu này đi, chứ không phải bỏ không dạy chữ "Lễ" nữa.

"Chúng ta vẫn phải dạy chữ “Lễ”, nhưng chữ “Lễ” cần được hiểu theo ý nghĩa mới", Phó Giáo sư Lê Quý Đức nói.

Diễn giải thêm, Phó Giáo sư Lê Quý Đức cho rằng: "Chữ “Lễ” không chỉ là đạo đức mà nó còn bao hàm khuôn mẫu của xã hội. "Lễ" ở đây có thể hiểu là các khuôn mẫu của đời sống xã hội, đó không chỉ là khuôn mẫu thuần túy về đạo đức.

Dĩ nhiên, khuôn mẫu của đạo đức cũng không có gì xấu cả vì xã hội nào cũng phải có những khuôn mẫu đạo đức trong gia đình, trong cộng đồng.

Ngoài khuôn mẫu về chính trị còn có những khuôn mẫu con với cha, cha với con, vợ với chồng, anh em với nhau hay cá nhân trong một cộng đồng hay tập thể nào đó, công dân với nhà nước, nhà nước với công dân…

Tất cả những khuôn mẫu ấy không chỉ là vấn đề đạo đức mà nó còn chính là rất nhiều khuôn mẫu về hành vi. Cho nên, chúng ta không nên quy nó vào vấn đề đạo đức. Nếu vấn đề đạo đức mà giúp đảm bảo cho cuộc sống xã hội tồn tại bền vững, an sinh ổn định thì cũng không phải là điều đáng bỏ đi", Phó Giáo sư Lê Quý Đức nêu quan điểm.

"Còn chữ Văn ở đây được hiểu theo nghĩa Văn hóa. Văn hóa sinh ra để đem lại những điều tốt đẹp cho con người.

Ở phương Đông, văn hóa là “Hóa dân dịch tục” nghĩa là cảm hóa dân, thay đổi phong tục, tập quán lạc hậu, phong tục mông muội… tạo ra những khuôn mẫu tiến bộ và phù hợp với xã hội mới.

Ví dụ như trong quan hệ hôn nhân, quan hệ cha mẹ, quan hệ xã hội… những khuôn mẫu được thể chế bằng luật pháp và tất cả mọi người phải tuân theo.

Văn hóa làm ra việc “hóa dân dịch tục” và cũng như Giáo sư Thêm dẫn câu nói của người Trung Quốc là “Văn trị giáo hóa” – Văn hóa là làm cho con người hóa ra có văn, văn hóa làm cho người tốt đẹp hơn.

Ảnh minh họa: Thethaovanhoa.vn

Cụ Đào Duy Anh cũng đã từng nói giáo dục cũng là văn hóa, văn hóa cũng là giáo dục. Trong khi đó các học giả phương Tây cũng nhận định rằng văn hóa là khai mở trí tuệ cho con người.

Văn hóa cũng là giáo dục vậy là không thể nói là ta bỏ chữ “Lễ” đi”. Như vậy trong "Văn" có "Lễ" và trong "Lễ" có "Văn", Phó Giáo sư, Lê Quý Đức phân tích.

Nhấn mạnh thêm về việc bỏ hay không bỏ khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn”, Phó Giáo sư Lê Quý Đức cho rằng:

“Như tôi đã nói, vấn đề không phải giữ hay bỏ câu khẩu hiệu này đi mà vấn đề là ta phải đưa ra triết lý giáo dục mới. Triết lý giáo dục mới phải dạy con người ta chủ động sáng tạo phát triển chứ không phải dạy con người chỉ biết nghe lời (một trong số đó có nghe lời thầy). Học trò chỉ không nên "nghe lời thầy" một cách tiêu cực.

Triết lý mới do xã hội xây dựng và phải biến câu “tiên học lễ, hậu học văn” vào triết lý ấy.

Muốn làm được việc này thì cả xã hội đều phải vào cuộc. Từ người lãnh đạo quản lý, người thầy, cho đến học trò.

Còn về cơ bản, trò không nghe lời thầy cũng là không đúng. Tiêu cực ở đây là thầy tưởng tất cả những điều thầy nói là chân lý, là không thể vượt qua.

Từ việc thầy có quyền bắt học trò nghe lời nên thầy áp đặt cái gì lên trò cũng được. Rất nhiều thầy cô đã lợi dụng chữ "Lễ" để ứng xử tiêu cực với học trò

Người thầy cũng phải thấm nhuần tinh thần ấy. Người thầy cũng phải thay đổi quan niệm về nghề. Thầy bây giờ không có quyền áp đặt mà phải là người khai mở, gợi mở và truyền cảm hứng.

Thầy cũng phải thay đổi tâm lý của người thầy. Nếu trò không đồng tình, có phản biện ý kiến của mình mà có lý thì phải hoan nghênh. Thấy trò hơn thầy lấy đó là niềm hạnh phúc.

Người giáo dục cũng phải hiểu là “người giáo dục cũng phải được giáo dục”. Người giáo dục cũng phải hiểu được tinh thần mới và giáo dục tinh thần mới.

Tiếp theo đó, người thầy phải rời bỏ tâm lý xã hội chính trị đòi hỏi quyền lực…muốn mình có chức có quyền, có tiếng nói với học trò.

Hãy coi học trò như bạn, hãy coi học trò là người tạo niềm cảm hứng để khai mở người thầy cần bỏ tư tưởng là bề trên “cao vời vợi”, "là độc tôn đại diện cho tri thức”", Phó Giáo sư Lê Quý Đức nêu.

“Theo tôi, chúng ta phải diễn giải lại câu nói “tiên học lễ, hậu học văn” chứ không nên bàn bỏ hay không bỏ hay thay thế nó bằng khẩu hiệu này khẩu hiệu khác”, Phó Giáo sư Lê Quý Đức cho biết.

Trần Phương
THẦY CÔ HIỂU CHỮ  'LỄ' MỚI BIẾT DẠY TRÒ PHẢN BIỆN
PHAN TUYẾT/GDVN 25-11-2021
GDVN- Khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn” vẫn phải giữ nhưng không dạy trẻ theo hướng coi việc đòi hỏi người dưới phải phục tùng, giữ "lễ" với người trên tuyệt đối.

Tại cuộc hội thảo "Văn hóa học đường trong bối cảnh đổi mới Giáo dục- Đào tạo", do Ủy ban Văn hóa, giáo dục của Quốc hội tổ chức, ý kiến "cần chấm dứt sử dụng khẩu hiệu "Tiên học lễ, hậu học văn" để khai mở tư duy phản biện, giải phóng sức sáng tạo" của Giáo sư Trần Ngọc Thêm đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều của dư luận.

GS.TSKH Trần Ngọc Thêm, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM) đề xuất chấm dứt sử dụng khẩu hiệu "Tiên học lễ, hậu học văn". (Ảnh chỉ mang tính chất minh hoạ, nguồn: VTC)

Trả lời phóng viên Báo Tuổi Trẻ, Giáo sư Thêm nói: “Xã hội muốn phát triển thì điều quan trọng là cần phải có con người sáng tạo, mà để có con người sáng tạo thì trước hết phải có con người chủ động. Môi trường học đường cần đề cao, khích lệ tư duy phản biện, khai phóng.

Không sử dụng những cách biểu đạt mang tính thụ động như "con ngoan trò giỏi" ("ngoan" theo nghĩa là "dễ bảo, vâng lời", "giỏi" theo nghĩa "thuộc bài"). [1]

Phần lớn, học sinh của chúng ta luôn thực hiện việc “gọi dạ, bảo vâng”

Trong thực tế, học sinh ở tất cả mọi cấp học đều rất yếu khâu phản biện. Có thể ngay từ nhỏ các em cũng đã được người lớn răn dạy kỹ quá trong việc “gọi dạ, bảo vâng” nên dù thấy người lớn nói sai, làm sai gì đó nhưng cũng chẳng em nào dám có ý kiến dù chỉ là một sự nhắc nhở tế nhị.

Đã không ít lần tôi chứng kiến việc mình và đồng nghiệp do sơ xuất đã ghi thiếu hoặc nhầm một câu viết, một phép tính nào đó trên bảng, học sinh cả lớp đều biết đó là sai, là không đúng nhưng chỉ dám xì xào chỉ trỏ bên dưới mà tuyệt nhiên không có một ai dám đứng lên nói với giáo viên.

Cũng không riêng học trò tiểu học, không ít lần nghe con gái học cấp 3 về kể cũng y chang như thế. Khi được mẹ nhắc “sao không nói với thầy cô?”, con bảo rằng ngại, bạn nào cũng thấy nhưng có ai dám nói đâu?”.

Nói đến đây lại nhớ ngay đến kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2015, tất cả 29 thí sinh ở một cụm thi Đà Lạt phải thi lại môn Toán do giám thị ký nhầm vào ô dành cho giám khảo. [2]

Chắc chắn những học sinh này sẽ thấy và sẽ biết giám thị ký nhầm (trước ngày thi các em đã được thực hành khá nhiều về cách viết trên tờ giấy thi) nhưng tuyệt nhiên vẫn không có một học sinh nào dám có ý kiến với giáo viên nên thầy cô giám thị mới phát hiện muộn màng như vậy.

Dạy phản biện có tập cho học sinh vô lễ?

Từ thực tế ấy, tôi không muốn học trò của mình luôn lễ phép theo kiểu người lớn nói gì cũng đúng, bảo gì cũng nghe răm rắp, dù biết rõ có những điều người lớn nói chưa chắc đã đúng, thậm chí là sai. Thế nên, trong mỗi tiết dạy, tôi đều tập cho các em biết phản biện, biết bảo vệ ý kiến mình cho là đúng.

Nay nghe ý kiến đề xuất, đọc câu trả lời phỏng vấn của Giáo sư Trần Ngọc Thêm tôi cứ băn khoăn mãi, lẽ nào lâu nay mình dạy học sinh biết phản biện là đang dạy các em cãi lại thầy cô, cãi lại người lớn tuổi? Mình đang tập cho các em tính vô lễ với người trên?

Ví như trong khi dạy, lúc đặt câu hỏi để học sinh trả lời tôi thường để các em tự do nêu lên chính kiến.

Khi cả lớp đã đồng ý với câu trả lời của bạn B. (câu trả lời đúng), tôi bất ngờ chọn một đáp án sai và hỏi cả lớp: Giờ có 2 câu trả lời, ai đồng ý với câu trả lời của bạn B. ? Còn ai đồng ý với câu trả lời của cô?

Học sinh bắt đầu lao nhao và dao động. Dù trước đó, không ít em đã khẳng định ý kiến của bạn B. là đúng và nói con đồng ý với ý kiến của bạn. Nay thấy cô chọn đáp án khác, nhiều em sau một hồi do dự đã giơ tay đồng ý với cô dù các em biết đó là câu trả lời chưa đúng.

Từ những tình huống như thế, tôi đã dạy cho học sinh mình tính kiên định, tự tin với lựa chọn mà mình cho là đúng, dù ai (kể cả thầy cô, cha mẹ) có kết quả khác (mình cần xem lại) chứ không được dễ dàng thay đổi chỉ vì đó là người trên. Nhiều lần sau đó, tôi cố tình chọn đáp án sai nhưng đã có không ít em mạnh dạn nói rằng câu trả lời của cô là sai và lý giải được vì sao lại thế.

Cũng từ đó, mỗi lần cô sơ suất viết sai gì trên bảng hay cô quên điều gì đó đã nói với lớp thì học sinh của tôi thường có ý kiến ngay. Có em còn mạnh dạn tranh luận với cả thầy cô giáo và cương quyết bảo vệ ý kiến của mìn. Sự tranh luận không hề gay gắt mà vô cùng dễ thương. Những lúc như thế, tôi thấy vui và nghĩ mình đã làm đúng chứ tuyệt nhiên không thấy các em vô lễ gì cả.

Phản biện không phải là vô lễ

Từ câu chuyện của mình tôi thấy, trẻ biết phản biện không phải là vô lễ. Quan trọng người lớn cần hướng dẫn các em cách phản biện với người trên sao cho lịch sự.

Đó là việc thưa gửi, dạ thưa, theo ý con là thế này, con nghĩ thế này, thầy cô (bố mẹ, cô bác…) xem lại đi ạ, hay có sự nhầm lẫn nào ở đây không ạ?…Không phải kiểu phản biện cãi tay đôi với lời lẽ xấc xược dễ làm tổn thương người khác.

Tôi đồng ý với Giáo sư, môi trường học đường cần đề cao, khích lệ tư duy phản biện, khai phóng. Không nơi nào (kể cả gia đình) làm tốt điều này hơn môi trường giáo dục. Có điều, mỗi giáo viên cần tiên phong trong chuyện này.

Tôi biết, hiện vẫn có không ít thầy cô giáo, khi học sinh nêu phản biện thường quy chụp đó là thái độ hỗn hào, dám cãi cả thầy cô và la nạt nên nhiều em sợ, không dám nói.

Một số cha mẹ cũng vậy, khi nói điều gì đó mang tính áp đặt con trẻ mà không cần nghe tâm tư của con. Đôi khi vì quá bức xúc, con phản biện vài câu đã bị liệt vào tội ngang bướng, hay cãi.

Dạy các em tính phản biện không nhất thiết phải bỏ câu “Tiên học lễ, hậu học văn” như đề xuất. Bởi lẽ, phản biện hoàn toàn không phải vô lễ. Dù là ai, thế nào, con người vẫn rất cần phải lễ nghĩa.

Có lễ nghĩa thì mới biết phản biện văn hóa. Người không chú trọng lễ nghĩa không còn là phản biện mà dễ sa vào việc cãi cố, cãi cùn, cãi lấy được và làm tổn thương người đang đối thoại.

Vì thế, câu khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn” vẫn phải giữ nhưng không dạy trẻ theo hướng coi việc đòi hỏi người dưới phải phục tùng và giữ "lễ" với người trên là yêu cầu số 1.

Cần dạy cho trẻ nghĩa của từ “lễ” được mở rộng hơn, lễ phép, tôn trọng người trên nhưng không phục tùng những điều sai trái hoặc chưa đúng. Cần biết phản ứng hay tranh luận một cách từ tốn, lễ phép để không làm tổn thương người đối thoại.

Tài liệu tham khảo:

[1]https://tuoitre.vn/kien-nghi-bo-khau-hieu-tien-hoc-le-hau-hoc-van-giao-su-tran-ngoc-them-noi-gi-20211125092912027.htm

[2]http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Tuyen-sinh/774308/giam-thi-mac-loi-29-thi-sinh-phai-lam-lai-de-thi-mon-toan

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Phan Tuyết
GỌI DẠ, BẢO KHÔNG VÂNG, ĐÍCH THỊ BÉ HƯ ?
PHƯƠNG HẠ/TVN 25-11-2021

Ngày bé, tôi thường véo von câu hát: “Có con chim vành khuyên nhỏ/Dáng trông thật ngoan ngoãn quá/Gọi dạ, bảo vâng, lễ phép ngoan nhất nhà”...

Bỗng dưng tôi nhớ lại câu hát ấy khi một người quen thả lên tường facebook ý kiến của GS Trần Ngọc Thêm đề xuất không nên tiếp tục dùng khái niệm “Trồng người”, “Tiên học lễ - hậu học văn”.

Vâng lời mới được khen ngoan

GS Thêm cho rằng đó là biểu hiện của tính thụ động trong giáo dục và kiềm chế sự sáng tạo của con người. Hàng trăm comment bên dưới cười cợt, phản đối, nhạo báng, thậm chí xúc phạm vị giáo sư. Có người dẫn lời Hồ Chủ tịch “có tài mà không có đức thì vô dụng” để đồng nhất lễ với đức.

Tôi không nhận ra mình kém cỏi cho đến khi bước vào giảng đường đại học. Tôi ngước lên các vị giáo sư, tiến sĩ trên bục giảng và cắm cúi ghi chép; tôi không thể nghĩ ra câu nào cho ra hồn để thắc mắc mỗi khi kết thúc tiết học. Giảng viên (chắc không trông đợi gì ở đám sinh viên mặt mũi nghền nghệt) hỏi một câu vô vọng “có ai thắc mắc gì không”?, với lũ học trò, hoặc không dám phản bác thầy, hoặc coi lời thầy là chân lý.

Gọi dạ, bảo không vâng, đích thị bé hư?
Thầy đọc - trò chép

Rồi ra trường, đi làm, dự những buổi học - thảo luận với giảng viên ngoại, tôi càng thấy mình cách xa họ vời vợi về khả năng tư duy độc lập, phản biện.

Mà không chỉ riêng mình, nhìn ra xung quanh, tôi thấy vô vàn những tương tự. Nhìn trên cao, trong những cuộc chất vấn tầm vóc nhà nước, có bao nhiêu ý kiến khác biệt với số đông, có bao nhiêu người tranh biện để bảo vệ quan điểm của mình? Nhìn tầm trung, ở nơi làm việc, có bao nhiêu người dám “cãi” sếp? Nhìn vào từng gia đình, đứa con nào vâng lời bố mẹ mới được khen ngoan.

Người nước ta, từ đời nọ qua đời kia, dạy nhau phải ngoan, phải thủ lễ trước hết: “Tiên học lễ, hậu học văn”. Mà cái lễ phải theo lẽ tôn ti trật tự: “Trứng đòi khôn hơn vịt”, “Ăn trông nồi, ngồi trông hướng”, “Cá không ăn muối cá ươn/Con không nghe lời cha mẹ trăm đường con hư”...

Người Việt có một từ rất hay là “cãi”. Ai có ý kiến không giống mình được liệt ngay vào dạng “cãi”. Mà đã “cãi”, tức là không ngoan. Và khái niệm ngoan thì đầy thiên kiến, thụ động: Gọi dạ bảo vâng! Ngoan ngoãn là một cái đích hướng tới của giáo dục.

Có tranh luận mới tìm ra chân lý

Một người viết khác cũng đang chịu vô vàn phỉ báng (chứ không phải tranh luận có lý lẽ) khi nêu quan điểm không nên bắt trẻ luyện chữ đẹp, trăm người bằng chằn chặn một vẻ như in.

Tôi lướt comment, hầu hết là: Nết chữ nết người, phải rèn chữ để rèn nết. Vậy, suy ra, mặc định trong suy nghĩ của số đông, cứ ai viết chữ đẹp là người tốt, chữ xấu là người không ra gì! Thật kỳ lạ.

Mỗi con người là một cá thể. Xã hội chỉ đa dạng, đa nguyên khi mỗi con người là một cá thể độc lập. Càng nhiều sự khác biệt càng thúc đẩy sự phát triển. Có tranh luận mới tìm ra chân lý.

Nhưng có vẻ như số đông chúng ta không đang tranh luận mà chỉ cãi nhau theo lối cảm tính, lấy số đông áp đảo số ít, đa số thắng thiểu số, không chút phân vân đi theo lối mòn đã được vạch sẵn và luôn thấy đó là con đường duy nhất đúng. Nên mới có những cuộc phỉ báng, ném đá tập thể những người không giống mình.

Cuộc gọt giũa từ gia đình - trường học - nơi làm việc - xã hội đã cho ra kết quả là những con người tròn trịa, “gọi dạ, bảo vâng”.

Khi học cấp 1, tôi viết bài văn kể chuyện một cậu bé bắt chim về nuôi, rồi con chim con tội nghiệp ấy lìa đời. Cô giáo rất cáu, và cô mất khá nhiều năng lượng để chỉ cho tôi thấy tôi đã sai ở điểm nào: Con chim ấy phải được thả về với bầu trời tự do, sau khi cậu bé nhận ra lỗi lầm của mình. Tôi, đứa học trò cấp một, đã học một cách sâu sắc bài học ấy.

Dù chúng ta có muốn tin hay không, có thừa nhận hay không, thì chúng ta đã và đang được “trồng” như thế đó, để không thành những con người độc lập, có khả năng tư duy độc lập, dám bước chệch ra khỏi lối mòn để tìm kiếm cái mới.

Có một lý thuyết được Thomas Harris, nhà văn nổi tiếng người Mỹ đúc kết bằng một câu rất phũ: “Sự im lặng của bầy cừu”.

Phương Hạ 

'HỌC LỄ' CÓ PHẢI LÀ HỌC 'THỪA HÀNH', 'PHỤC TÙNG' NGƯỜI TRÊN ?

HOÀNG TUẤN CÔNG/ TD 27-11-2021 


Ảnh chụp  “Sơ-học độc-bản”. Nguồn: Thư viện QGVN.

GS. Trần Ngọc Thêm cho rằng, phải bỏ câu khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn”, vì đây là “sản phẩm của nền giáo dục Nho giáo, phục vụ cho mục tiêu đào tạo người thừa hành, coi việc đòi hỏi người dưới phải phục tùng và giữ “lễ” với người trên là yêu cầu số 1”.

Vậy có đúng trong thực tế, “học lễ” trong “Tiên học lễ, hậu học văn” được hiểu là học “thừa hành”, “phục tùng” người trên không?

Chúng thử tra từ điển xem sao:

-“Từ điển thành ngữ tục ngữ Việt Nam” (Vũ Dung – Vũ Thuý Anh – Vũ Quang Hào – NXB Văn Hoá – 2000) giải thích: “tiên học lễ, hậu học văn: […] Một kinh nghiệm giáo dục trẻ em: trước hết là phải học lễ nghĩa đạo đức, sau mới học chữ nghĩa văn chương”.

“Đại từ điển tiếng Việt” (Nguyễn Như Ý chủ biên) và “Từ điển từ và ngữ Việt Nam” (GS. Nguyễn Lân) có cách giải thích tương tự.

Cách hiểu về “học văn” của các nhà biên soạn từ điển hơi máy móc, nhưng giải thích “học lễ” như vậy là phù hợp với cách hiểu, cách dùng của các nhà biên soạn sách quốc văn cách đây hơn 100 năm.

Cụ thể, trong lời tựa của Quan chánh Đốc-học Bắc-kỳ (1915) cho cuốn sách “Sơ-học độc-bản” của Nguyễn Quang Ánh và Nguyễn Đình Quế, có câu “Tiên học lễ, hậu học văn”. Lời tựa như sau:

“Các con. Sách học bây giờ ngày càng nhiều thêm lên, là cốt để các con dùng; này đây là một quyển sách bài ngắn, dễ hiểu, ta chắc các con xem tất phải lấy làm thích.

Các con tuổi còn thơ, nguyên lý của các sự vật các con chưa hiểu thấu, nên các con chưa thiết mấy. Các con chỉ thích những chuyện vui, bài ngụ-ngôn trong có lắm điều kì dị mà lại hợp với sự thực, có súc vật, có cây cối ăn nói như người mà vẫn giữ được nguyên tính, vì cái tưởng tượng của các con còn non nớt, nên các con xem những chuyện này vẫn lấy làm vui.

Đọc sách này các con mới biết được điều gì nên làm điều gì nên tránh. Mục đích của người làm sách này là khai tâm tính của các con trước khi luyện trí: “Tiên học lễ, hậu học văn”, nghĩ như thế là rất phải vì biết ăn ở cho phải đạo là điều nên học trước hết. Học giỏi là điều nên khen, nhưng học giỏi lại có nết na mới thực đáng khen hơn mà vừa được mọi người quý mến.

PÉRALLE – Quan chánh Đốc-học Bắc-kỳ

Hà-nội, ngày 30 tháng mười một năm 1915”.

Chúng ta thấy “lễ” trong “Tiên học lễ, hậu học văn” đã được các nhà biên soạn sách quốc văn hồi đầu thế kỷ 20 giảng giải một cách ân cần, thân thiện, dễ hiểu, phù hợp với nhận thức của lứa tuổi nhỏ. Lễ là nết na, đức hạnh. “Học lễ” là tu dưỡng đạo đức, học đạo lý làm người, chứ không phải học phục tùng, thừa hành cấp trên theo kiểu “lễ trị”.

Như vậy, nếu lấy lý do “Tiên học lễ, hậu học văn” là “đào tạo người thừa hành, coi việc đòi hỏi người dưới phải phục tùng và giữ “lễ” với người trên”, nên phải loại bỏ khỏi môi trường giáo dục như GS. Trần Ngọc Thêm đề xuất là không có cơ sở.

P/S: Đáng chú ý đến năm 1923, cuốn sách “Sơ-học độc- bản” này đã được tái bản tới lần thứ 7. Trong sách có nhiều bài tập đọc nội dung giản dị, lời lẽ ân cần, giáo dục đạo đức cho trẻ rất hay.

Ở đây không bàn chuyện bỏ hay không bỏ câu khẩu hiệu, mà chỉ bàn về chữ nghĩa, cách hiểu khái niệm “học lễ” trong “Tiên học lễ, hậu học văn”.

Hoàng Tuấn Công

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét