Thứ Năm, 11 tháng 11, 2021

20211112. CHIẾN LƯỢC QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KT-XH SỐ ĐẾN NĂM 2025

 ĐIỂM BÁO MẠNG  

PHẤN ĐẤU ĐẾN NĂM 2025, TỶ TRỌNG KINH TẾ SỐ ĐẠT 20% GDP

LAN PHƯƠNG/ VGP  10-8-2021

(Chinhphu.vn) - Đây là mục tiêu đặt ra tại dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.


Ảnh minh họa


Xã hội số là xã hội tích hợp công nghệ số một cách tự nhiên và mặc định vào mọi mặt đời sống, người dân có khả năng kết nối, tương tác và thành thạo kỹ năng số để sử dụng các dịch vụ số, từ đó, hình thành các mối quan hệ mới trong môi trường số, hình thành thói quen số và văn hoá số.
Theo dự thảo, kinh tế số là một thành phần không tách rời của nền kinh tế quốc dân, được hình thành dựa trên việc sử dụng công nghệ số và dữ liệu số làm tư liệu sản xuất chính, sử dụng môi trường số và nền tảng số làm không gian hoạt động chính.

Dự thảo nêu rõ, mục tiêu đến năm 2025, tỉ trọng kinh tế số đạt 20% GDP, tỉ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt trên 10%. Chiến lược xác định 9 nhóm mục tiêu, bao gồm:

1) Phát triển hạ tầng số: Hạ tầng mạng băng rộng cáp quang phủ tới 100% hộ gia đình, trường học, bệnh viện; tỉ lệ dân số có điện thoại thông minh đạt 100%.

2) Phát triển dữ liệu số: Cơ sở dữ liệu quốc gia về người dân, doanh nghiệp, đất đai đạt 100%; tỉ lệ dữ liệu số trong từng ngành, lĩnh vực đạt 50%.

3) Phát triển danh tính số: Tỉ lệ dân số có danh tính số đạt 70%; mỗi danh tính số trung bình phát sinh 100 lượt sử dụng mỗi năm.

4) Phát triển thanh toán số: Tỉ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử đạt 80%; tỉ lệ thanh toán thương mại điện tử không dùng tiền mặt đạt 50%; tỉ lệ thanh toán hóa đơn điện, nước không dùng tiền mặt đạt 75%.

5) Phát triển kỹ năng số: Tỉ lệ công nhân tuyển dụng mới được đào tạo kỹ năng số đạt 70%; tỉ lệ nông dân được đào tạo về kỹ năng số cơ bản đạt tối thiểu 50%; tỉ lệ học sinh phổ thông, sinh viên được đào tạo kỹ năng số đạt 100%.

6) Phát triển nhân lực số: Tỉ lệ học sinh phổ thông tiếp cận với STEM/STEAM đạt 70%; tổng số nhân lực công nghệ số Việt Nam đạt 1,5 triệu người; triển khai thí điểm 5 đại học số tại Việt Nam.

7) Phát triển doanh nghiệp số: Số lượng doanh nghiệp công nghệ số đạt 100.000 doanh nghiệp; tỉ lệ doanh nghiệp sử dụng hoá đơn điện tử đạt 100%.

8) Phát triển môi trường số an toàn, lành mạnh: Tỉ lệ làm chủ hệ sinh thái sản phẩm an toàn thông tin mạng đạt 100%; tỉ lệ người dân kết nối mạng được bảo vệ ở mức cơ bản đạt 80%.

9) Cải thiện xếp hạng quốc gia: Việt Nam thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về công nghệ thông tin (IDI); Việt Nam thuộc nhóm 20 nước dẫn đầu về an toàn, an ninh mạng (GCI).

Các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu

Để thực hiện các mục tiêu chiến lược, dự thảo đã xác định 2 nhóm nhiệm vụ lớn bao gồm nhóm nhiệm vụ phát triển nền móng kinh tế số, xã hội số và nhóm nhiệm vụ phát triển kinh tế số và xã hội số theo ngành, lĩnh vực.

Nhóm nhiệm vụ phát triển nền móng kinh tế số và xã hội số bao gồm 8 nhóm nhiệm vụ chính: Phát triển hạ tầng số, phát triển dữ liệu số, phát triển danh tính số, phát triển thanh toán số, phát triển kỹ năng số, phát triển nhân lực số, phát triển doanh nghiệp công nghệ số, phát triển môi trường số an toàn, lành mạnh.

Nhóm nhiệm vụ phát triển kinh tế số và xã hội số theo ngành, lĩnh vực tập trung vào 5 lĩnh vực chủ đạo, có tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội bao gồm: Nông nghiệp, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Thương mại điện tử và Du lịch.

Dự thảo cũng đề xuất một số giải pháp quan trọng như: Sửa đổi, bổ sung Luật Giao dịch điện tử với các nội hàm mới về phát triển và quản lý kinh tế số, xã hội số; thực hiện chuyển đổi số trong một số ngành, lĩnh vực trọng điểm để tăng hàm lượng kinh tế số của ngành, lĩnh vực; hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số; phát triển và triển khai giải pháp hợp nhất các kênh thanh toán điện tử mang lại tiện dụng cho người dân; phát triển thương mại điện tử, đặc biệt là thương mại điện tử ở nông thôn có tiềm năng phát triển; triển khai thí điểm mô hình đại học số để nâng cao hiệu quả đào tạo cả về số lượng lẫn chất lượng…

Bộ Thông tin và Truyền thông đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân đối với dự thảo này tại Cổng Thông tin điện tử của Bộ.

Lan Phương


ĐỪNG THẦN THÁNH HÓA CÔNG NGHỆ SỐ

LĂNG KÍNH/ KTSG 2-11-2021

(KTSG) – Tại dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025… đang được đưa ra để lấy ý kiến góp ý, một trong những mục tiêu nổi bật là “Phấn đấu đến năm 2025, tỷ trọng kinh tế số đạt 20% GDP”.

Thiết nghĩ việc xác định tỷ trọng kinh tế số đạt bao nhiêu phần trăm GDP vừa khó định lượng, vừa bỏ qua xu hướng mới nhất của thế giới đối với lĩnh vực công nghệ. Khó định lượng là bởi trong bất kỳ hoạt động kinh tế nào cũng có thành phần liên quan đến kinh tế số và cũng có thành phần nằm trong phạm vi kinh tế truyền thống – làm sao tách bạch hai chuyện này cho được. Nói một cách cực đoan, ngay cả trong các công ty công nghệ hiện đại, vẫn có những lao động chân tay ngày đêm quét dọn làm vệ sinh hay ngay với tiệm tạp hóa đầu hẻm vẫn có người dùng chat trên Zalo để mua hàng, đặt hàng.

Quan trọng hơn, sau nhiều năm say sưa với tốc độ phát triển vũ bão của công nghệ, nhiều nước nay đã suy tính lại, tìm cách hạn chế các công ty công nghệ hàng đầu của chính nước họ vì chúng đang triệt tiêu cạnh tranh, chèn ép các công ty mới tham gia thị trường, lạm dụng dữ liệu của khách hàng, nuôi dưỡng các dòng tin giả, tin đồn. Nhiều công ty công nghệ chỉ muốn tăng trưởng bằng mọi giá để tăng giá trị công ty nên với họ, công nghệ là chỉ để phục vụ công nghệ.

Sai lầm của việc thần thánh hóa công nghệ là cứ tưởng giải pháp công nghệ sẽ hóa giải mọi vấn đề của xã hội trong khi bỏ quên yếu tố quan trọng nhất là con người. Hầu như các nước đã đi đến một nhận thức mới: công nghệ là nhằm phục vụ con người chứ không phải ngược lại. Sự xuất hiện hàng loạt ứng dụng phòng chống dịch Covid-19 mà không có ứng dụng nào hoàn hảo so với việc người dân in mã QR chứng nhận tiêm chủng ra thành chiếc thẻ bọc nhựa đeo cổ là minh họa cho yếu tố con người đang thiếu vắng trong công nghệ.

Thật ra Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số đã vạch ra đầy đủ những mục tiêu ngành công nghệ số phải hướng đến trong những năm sắp tới; cái cần bổ sung là yếu tố con người – tức trả lời phát triển hạ tầng số, danh tính số, thanh toán số… để nhằm mục đích gì, phục vụ cho ai, cho các công ty công nghệ hay cho xã hội, vì sự thuận tiện của người dân hay sự thuận tiện của các cơ quan quản lý nhà nước.

Để chú trọng đến yếu tố con người, lĩnh vực quan trọng nhất khi phát triển kinh tế số chính là dữ liệu. Các “app” Covid-19 nhiều thiếu sót cũng do vấn đề dữ liệu không liên thông, thiếu đồng bộ, không chính xác. Trong khi đó để xây dựng các cơ sở dữ liệu cần rất nhiều công sức, sự kiên nhẫn, chứ không thể trông chờ cây đũa thần công nghệ có thể biến cho chúng ta các thông tin bình thường thành dữ liệu số sạch trong nháy mắt. Một ví dụ có thể đưa ra là nội dung số của các sách giáo khoa, kể cả bài tập tương tác, các nội dung đa phương tiện đâu dễ có sẵn mà cần sự đầu tư công sức, thời gian và tiền bạc của nhiều thành phần trong xã hội với đích nhắm là phục vụ cho học sinh của chúng ta.

Kinh tế số là điều trước sau gì cũng sẽ đến với xã hội tương lai. Để phát huy cái mạnh, hạn chế các điểm yếu như khoảng cách kỹ thuật số giữa các tầng lớp người dân, cần làm rõ yếu tố con người trong một chiến lược xây dựng nền kinh tế số bền vững, đa dạng và bình đẳng.

'ĐO LƯỜNG KINH TẾ SỐ LÀ MỘT BÀI TOÁN LỚN'

NGUYỄN THU HUYỀN/ NĐT 10-11-2021

Ông Nguyễn Trọng Đường – Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp (Bộ Thông tin và Truyền thông).

Theo ông Nguyễn Trọng Đường, kinh tế số, xã hội số là một khái niệm mới, việc đo lường kinh tế số là một bài toán lớn mà cả thế giới cũng đang trăn trở đi tìm.

Luật Thống kê sửa đổi sẽ được Quốc hội biểu quyết thông qua vào ngày 13/11 sắp tới, trong đó lần đầu tiên Việt Nam sẽ có bộ chỉ tiêu thống kê về kinh tế số.

Trao đổi với Người Đưa Tin bên lề Hội thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều và phụ lục - danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật thống kê, ông Nguyễn Trọng Đường – Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp (Bộ Thông tin và Truyền thông) đánh giá cao việc bổ sung chỉ tiêu cụ thể về kinh tế số trong Luật Thống kê khi dư địa phát triển của loại hình kinh tế này của Việt Nam là rất lớn trong thời gian tới.

NĐT: Thưa ông, lần đầu tiên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư bổ sung 22 danh mục chỉ tiêu quốc gia phản ánh về kinh tế số, xã hội số trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê. Đánh giá về lần sửa đổi này cùng với việc ngày 13/11 sắp tới, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua dự án, ông có thể chia sẻ thêm về ý nghĩa của bổ sung này?

Ông Nguyễn Trọng Đường: Tôi rất vui và phấn khởi vì các chỉ tiêu về kinh tế số được bổ sung vào trong danh mục chỉ tiêu quốc gia trong Luật Thống kê. Mặc dù, số lượng chỉ tiêu đưa vào thì chưa nhiều, nhưng cũng đã đủ để đánh giá những chỉ tiêu cơ bản nhất cho phát triển kinh tế số, xã hội số.

Về bản chất, ngoài những chỉ tiêu thống kê quốc gia, thì còn có chỉ tiêu thống kê ngành. Bộ chỉ tiêu mà chúng tôi xây dựng cùng với Tổng cục Thống kê về kinh tế số, xã hội số thì gồm 5 nhóm chỉ tiêu với 70 chỉ tiêu cụ thể. Trong đó bao gồm 20 chỉ tiêu đã được đưa vào chỉ tiêu quốc gia, còn 50 chỉ tiêu nữa thì sẽ nằm trong chỉ tiêu ngành của các bộ ngành, địa phương và nó sẽ tạo thành hệ thống chỉ tiêu về kinh tế số, xã hội số.

Điều này sẽ giúp chúng ta đánh giá một cách rõ ràng, chính xác sự phát triển cũng như tiềm năng, cơ hội cùng với đó là những điểm yếu cần khắc phục, để thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số theo đúng định hướng của Đảng, Chính phủ đã đề ra.

NĐT: Vậy dựa vào đâu để đưa ra những chỉ tiêu này, thưa ông?

Ông Nguyễn Trọng Đường: Kinh tế số, xã hội số là một khái niệm rất mới. Nó mới với cả thế giới chứ không riêng gì Việt Nam. Việc đo lường kinh tế số là một bài toán lớn mà cả thế giới cũng đang trăn trở đi tìm.

Thời gian qua, chúng tôi đã nghiên cứu kinh nghiệm của một số tổ chức, quốc gia trên thế giới như Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), hay các quốc gia châu Âu. Vì đây là một lĩnh vực mới nên các chỉ tiêu hay phương pháp đo lường vẫn đang ở trong giai đoạn phát triển. Và ở Việt Nam, thì bộ chỉ tiêu này vẫn còn phải tiếp tục cập nhật, bổ sung, chỉnh sửa trong thời gian tới để hoàn thiện.

Kinh tế số, xã hội số thì phải dùng công nghệ số. Mà công nghệ số thì vòng đời phát triển rất nhanh, cứ 6 tháng  phải thay đổi một lần. Vì vậy, kinh tế số cũng phải cập nhật liên tục để đáp ứng các chỉ tiêu đánh giá, có như vậy mới đáp ứng được sự phát triển của nền kinh tế.

NĐT: Ông có thể nói rõ hơn về việc đo lường những chỉ tiêu kinh tế số trong các doanh nghiệp số hay tỉ lệ sử dụng công nghệ thông tin của doanh nghiệp?

Ông Nguyễn Trọng Đường: Về cơ bản kinh tế số thì có 3 cấu phần. Thứ nhất, kinh tế số về ICT (lĩnh vực sản xuất phần cứng, phần mềm, viễn thông, dịch vụ công nghệ thông tin) thì việc đo lường những cái đó dựa trên doanh thu của các doanh nghiệp.

Cấu phần thứ 2 là kinh tế số nền tảng dựa trên hoạt động của các nền tảng số như giao dịch trực tuyến, các loại hình kinh doanh trên mạng. Đối với loại hình này thì nó mới hơn, phức tạp hơn. Nó cần có điều tra, khảo sát với rất nhiều công cụ đo lường chọn mẫu, thu thập được doanh thu, thu nhập trên mạng, để từ đó có con số chính xác.

Đây là một thách thức khó khăn hơn vì những hoạt động trên mạng có rất nhiều hoạt động mới, thậm chí không thể gọi tên chính xác được và cũng không biết đưa họ vào sắc thuế gì cho phù hợp. Bởi vì nó mới nên việc thống kê cũng có những thách thức.

Theo ông Đường, việc đo lường kinh tế số trong các ngành lĩnh vực là một thách thức lớn (Ảnh: Hữu Thắng).

Cấu phần thứ 3 có nhiều thách thức hơn nữa đó là kinh tế số trong các ngành lĩnh vực. Ví dụ chúng ta có sản xuất nông nghiệp thông minh, hay nền tảng số giúp đóng góp đem lại giá trị gia tăng cho ngành nông nghiệp thì đây là một lĩnh vực khó khăn hơn cả.

Bởi nó buộc phải sử dụng những phương pháp đo lường khác nhau như đo lường đầu vào, đo lường trên quá trình triển khai, từ đó mới có thể đưa ra được con số ước tính. Tuy nhiên trên thực tế, thế giới họ đã có phương thức tính theo phương pháp như vậy, để từ đó tính được tỉ lệ kinh tế số trong các ngành lĩnh vực nên chúng ta có thể áp dụng và làm theo.

NĐT: Với những thay đổi như vậy thì theo ông, những cơ quan thống kê của Trung ương, các bộ ngành, địa phương cần phải có những thay đổi như thế nào để có thể đo lường một cách chính xác đóng góp của kinh tế số?

Ông Nguyễn Trọng Đường: Hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang giao cho Tổng cục Thống kê, và Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đang phối hợp chặt chẽ để xây dựng một Thông tư về hệ thống chỉ tiêu thống kê đo lường về kinh tế số, xã hội số.

Thông tư này xác định ra chỉ tiêu cụ thể, cũng như phương pháp đo lường, đo đạc để tính toán cho từng chỉ tiêu. Để từ đó, hướng dẫn các bộ ngành, địa phương căn cứ vào đó thực hiện các phương pháp thống kê, đo lường, điều tra, khảo sát để lấy các giá trị cho từng chỉ tiêu. Trên cơ sở đó thì có thể xác định được kinh tế số phát triển như thế nào.

Theo kế hoạch, dự kiến cuối năm 2021 thì Thông tư sẽ được ban hành. Tôi tin rằng sau khi có Thông tư này thì việc đo lường kinh tế số sẽ tháo gỡ được những khó khăn hiện nay.

NĐT: Xin cảm ơn chia sẻ của ông!

Xem thêm:

Cập nhật các chỉ tiêu đo lường kinh tế xanh trong Luật Thống kê sửa đổi

PHÁT TRIỂN KINH TẾ SỐ: THẬN TRỌNG 'CHỦ NGHĨA TƯ BẢN GIÁM SÁT'

MINH THÁI/ ĐV 10-11-2021

(Tin tức thời sự) - Nhất cử nhất động của người dùng bị giám sát bởi các nền tảng được gắn mác miễn phí, cùng vô số các thiết bị dính lỗ hổng bảo mật.

Tại tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, công tác phòng chống dịch và ngân sách nhà nước diễn ra ngày 8/11, Đại biểu Quốc hội Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) chỉ ra rằng, chuyển đổi số để hình thành kinh tế số, xã hội số với nền tảng là cơ sở dữ liệu trở thành nguồn động lực quan trọng cho tăng trưởng, cũng là công cụ phục vụ đắc lực cho quản trị quốc gia.

Tuy nhiên, chuyển đổi số phải được thực hiện cẩn trọng để vừa đem lại hiệu quả trong quản trị, vừa đảm bảo an ninh con người, an ninh chính trị, an ninh kinh tế.

Theo đại biểu Phạm Trọng Nhân, các nền tảng như Google, Facebook và gần đây là TikTok tưởng chừng hỗ trợ cho tăng trưởng nhưng lại đang âm thầm theo dõi, định hướng, can thiệp hành vi người dùng, mà các nhà khoa học đã đặt cho nó một cái tên đáng sợ "Chủ nghĩa tư bản giám sát".

Ông cho rằng, nhất cử, nhất động của người dùng đã bị giám sát bởi các nền tảng được gắn mác miễn phí cùng vô số các thiết bị dính lỗ hổng bảo mật. Đây cũng là vấn đề mà đại biểu Nhân đã từng cảnh báo ở kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIII khi tham gia góp ý cho dự luật An toàn thông tin mạng.


Đại biểu Phạm Trọng Nhân. Ảnh: Quochoi.vn

Khi có được dữ liệu hành vi, thói quen, sở thích, đến từng nhịp tim, bước chân, các nền tảng sẽ đóng gói các dữ liệu thông tin trên bán cho các nhà sản xuất và quảng cáo, qua đó định hướng hành vi và gợi ý xem, nghe, đọc, mua sắm, hình thành một thị trường hành vi, ở đó các nền tảng không chỉ hiểu người dùng còn hơn chính bản thân họ, mà còn can thiệp, điều chỉnh hành vi để người dùng dần đi theo ý đồ của họ.Vị đại biểu phân tích, từ những thao tác tưởng chừng vô hại trên Google, Facebook, TikTok, hay nhấn like, share, thả tim lên các dòng trạng thái, tin nhắn, cuộc gọi, người dùng đã tự phơi bày những gì riêng tư nhất trước thanh thiên bạch nhật bởi hành vi theo dõi, phân tích hết sức tinh vi của “tư bản giám sát” đến từng tầng nhận thức của người dùng.

Đại biểu cho rằng, nhìn vào giá trị vốn hóa của Google, Facebook để thấy, các nền tảng có thực sự nhân văn, miễn phí vô điều kiện hay thông qua nó, một loại tư liệu sản xuất mới ra đời, đó là hành vi người dùng. Chúng ta không còn lạ gì khi trên Google xuất hiện tựa đề một cuốn sách thì ngay sau đó trên màn hình rất nhiều quảng cáo những quyển sách tương tự lần lượt hiện ra.

“Điều đó đã cho thấy những gì thầm kín, riêng tư của người dùng đều bị mở toang trước từng cái click chuột. Miền tâm thức thiêng liêng của con người đã bị xâm lăng bởi các thuật toán AI. Chúng ta nghĩ rằng mình đang tìm kiếm và hồ hởi khai thác những kho tàng kiến thức trên Google nhưng thực chất, chính Google đang tìm kiếm hành vi của chúng ta.

Không dừng lại ở đó, ngoài việc nhóm những người dùng có cùng hành vi, sở thích, các nền tảng trên còn gợi ý giới thiệu những người này đến với nhau, phong trào “Mùa xuân Arab” là một điển hình; các dòng trạng thái từ thay đổi chính trị Ai Cập, các clip biểu tình, bình luận chính trị ở nước này lan khắp thế giới, thu hút hàng triệu lượt người xem”, vị đại biểu chỉ rõ.

Theo ông, nếu 72 triệu người Việt trải nghiệm hơn 2 giờ mỗi ngày trên mạng xã hội, trong khi các nền tảng vẫn từng ngày được gia cố bởi các thuật toán thông minh hơn để thu hút sự chú ý người dùng lâu nhất có thể, "đã đến lúc phải gióng lên hồi chuông báo động".

Nhấn mạnh những tích cực từ nền tảng số là không thể phủ nhận, nhưng theo đại biểu, tăng trưởng GDP từ kinh tế số không hề dễ dàng, khi an ninh phi truyền thống vẫn còn là ẩn số và các nền tảng công nghệ lại không được sản sinh để làm chủ từ chính quốc gia nào.

Để giữ vững chủ quyền số quốc gia trên không gian mạng, đại biểu Phạm Trọng Nhân cho rằng, việc tập trung sửa đổi Luật An ninh mạng, Luật An toàn thông tin mạng nhằm bảo vệ thông tin mật, quyền riêng tư thật ra cũng chỉ là bước đầu. Để định hình một xã hội số, với những công dân số, để phát triển kinh tế số, thì việc quản lý xã hội trong đời thực thế nào đòi hỏi cũng phải định hình để thể chế quản lý công dân trên xã hội số như thế.

“Quản trị quốc gia gắn liền với chuyển đổi số sẽ không thể mang hết ích lợi, hiệu quả cho Nhà nước và người dân để trở thành động lực mới cho tăng trưởng, nếu chúng ta không có những ứng phó kịp thời trước những nền tảng”, đại biểu Phạm Trọng Nhân nêu quan điểm.

Minh Thái

GIẤC MƠ KINH TẾ SỐ 43 TỈ USD: KHOẢNG TRỐNG PHÁP LÝ

THÀNH LUÂN/ ĐVO 22-2-2021

(Doanh nghiệp) - Các nền tảng xuyên biên giới phải tuân thủ đầy đủ các quy trình về cấp phép, về kiểm duyệt, biên tập, biên dịch...

Kinh nghiệm từ nước Úc

Khi công nghệ số ngày càng được ứng dụng rộng rãi trong tất cả các lĩnh vực và ngành kinh tế số, cuộc cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp nước ngoài diễn ra gay gắt và là điều tất yếu xảy ra. 

Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền tại Việt Nam thấm thía điều này hơn ai hết, chỉ có điều, theo ông Lê Đình Cường, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam (VNPayTV), đây là cuộc chiến không cân sức khi các doanh nghiệp trong nước chịu lép vế trước các nền tảng xuyên biên giới có tiềm lực tài chính và công nghệ lớn mạnh. Đáng lưu ý, các nền tảng xuyên biên giới cho đến nay vẫn không chịu các cơ chế kiểm duyệt cũng như không thực hiện các nghĩa vụ  thuế với Việt Nam. Vấn đề này cũng đã được các đại biểu Quốc hội đưa ra chất vấn tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV.

Nhấn mạnh lại yêu cầu cần có một sân chơi bình đẳng giữa các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, ông Lê Đình Cường cũng biết đây là vấn đề nóng không chỉ ở Việt Nam mà còn ở các quốc gia khác trên thế giới, kể cả các quốc gia phát triển.

"Điển hình là cuộc chiến giữa chính phủ Úc và Facebook đang thu hút sự chú ý của dư luận toàn thế giới. Theo đó, Úc chuẩn bị thông qua dự luật đàm phán truyền thông, trong đó yêu cầu các hãng công nghệ phải trả tiền cho nội dung báo chí. Với dự luật này, Facebook, Google phải đạt được thỏa thuận thương mại với báo chí Úc hoặc sẽ phải tuân theo quy định bắt buộc của chính quyền về việc trả tiền để sử dụng các nội dung tin tức trên nền tảng của họ.

Đáp lại, ngày 18/2 Facebook đã xóa bỏ các trang tin tức của các đơn vị báo chí, truyền thông trong và ngoài nước ở Úc. Đồng thời, mạng xã hội này cũng ngăn không cho người dùng tại Úc đăng hay chia sẻ nội dung tin tức trên nền tảng này. Không chỉ vậy, Facebook còn xóa bỏ nhiều trang cung cấp thông tin, chính sách của các cơ quan ban ngành thuộc Chính phủ Úc, các trang của các tổ chức phi lợi nhuận, làm từ thiện và khiến dư luận Úc rất bức xúc.

Tuy nhiên, sau động thái trên, đến ngày 20/2, mạng xã hội này đã đồng ý quay trở lại bàn đàm phán với chính phủ Úc.

Trong khi đó, Google, ban đầu đe dọa đóng công cụ tìm kiếm của công ty này tại Úc, hiện đang phải chạy đua để đạt thỏa thuận với các cơ quan báo chí Úc", vị chuyên gia dẫn chứng.


Các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ truyền hình trả tiền tại Việt Nam đang mong chờ Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06/2016/NĐ-CP về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình được ban hành để tạo sân chơi bình đẳng với các nền tảng xuyên biên giới

Cuộc chiến chưa kết thúc Từ câu chuyện của nước Úc, Tổng Thư ký Hiệp hội Truyền hình trả  tiền khẳng định sự tham gia của các nền tảng xuyên biên giới là bình thường và cần thiết, giúp người dùng có thể lựa chọn nhiều chương trình giải trí có chất lượng, song cần phải quản lý các doanh nghiệp này để đem tới sự hài hòa giữa lợi ích doanh nghiệp với lợi ích của người tiêu dùng, bảo đảm môi trường kinh doanh lành mạnh, có ý nghĩa tích cực đối với sự phát triển văn hóa, con người.

Ở lĩnh vực vận tải, ông Bùi Danh Liên, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho biết, cuộc đấu tranh giữa hai loại xe công nghệ và xe truyền thống vẫn chưa kết thúc, nhưng sự áp đảo của Grab trên thị trường gọi xe công nghệ đã thấy rõ.

Ông nhắc lại khoảng thời gian 4 năm thí điểm taxi công nghệ, những tranh cãi gay gắt đã nổ ra giữa taxi truyền thống và taxi công nghệ, đỉnh điểm là vụ kiện đình đám giữa Vinasun và Grab trong suốt thời gian dài để đòi bồi thường phần thiệt hại mà Vinasun cho rằng chính Grab gây ra.

Đến năm 2020, taxi công nghệ đã có một hành lang pháp lý để hoạt động mà không cần tranh cãi taxi công nghệ có phải là loại hình vận tải không, còn taxi truyền thống cũng có động lực đổi mới để cạnh tranh.

Theo ông Bùi Danh Liên, cạnh tranh là tất yếu, bên nào phát triển, phục vụ lợi ích của người dân tốt hơn thì sẽ giữ chân được khách hàng.

"Taxi truyền thống đang chết dần, mà nguyên nhân do đại dịch Covid-19 chỉ là một phần, quan trọng là sự phát triển của thị trường đã khác.

Grab đầu tư vào công nghệ, có nhiều chính sách giảm giá có lợi cho người tiêu dùng, lại không cần chủ sở hữu, ai có xe là có thể huy động chạy được nên cơ động hơn rất nhiều. Còn taxi truyền thống buộc phải có chủ sở hữu là hãng taxi, họ đầu tư nhiều vốn vào phương tiện. Ngặt nỗi hạ tầng giao thông không phát triển nhanh được, đường sá vẫn thế mà taxi tăng lên nhiều sẽ gây tắc đường, hoặc giá thành sẽ tăng lên vì chi phí nhiên liệu cao. Chưa kể, bây giờ nhiều người ngần ngại đi taxi vì nhược điểm của taxi truyền thống là bị cấm đường nhiều, phải chạy đường vòng nhiều, cây số tăng lên, số tiền người dân phải bỏ ra tăng lên.

Quan trọng hơn là đối tượng đi taxi ngày càng thu hẹp lại, không còn như trước. Rồi đây, các phương tiện công cộng như đường sắt trên cao, tàu điện ngầm... sẽ phát triển mạnh mẽ, với các ưu đãi của Nhà nước, người dân sẽ lựa chọn đi phương tiện công cộng nhiều hơn.

Thị phần trước sau sẽ bị thu hẹp, lại bị cạnh tranh bởi taxi công nghệ, taxi truyền thống không thay đổi sẽ chết. Phải ứng dụng công nghệ để giảm chi phí cho doanh nghiệp, giảm giá thành để nâng cao sức cạnh tranh", ông Bùi Danh Liên nói.

Cùng chung mong muốn với lĩnh vực vận tải, ông Lê Đình Cường bày tỏ, các nền tảng xuyên biên giới phải tuân thủ đầy đủ các quy trình về cấp phép, về kiểm duyệt, biên tập, biên dịch chặt chẽ theo luật định, đồng thời, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ nộp thuế đối với Nhà nước Việt Nam, giống như doanh nghiệp trong nước.

"Thời gian qua, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ truyền hình trả tiền của Việt Nam vẫn mong chờ Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06/2016/NĐ-CP về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình được ban hành. Đây là hành lang pháp lý hoàn chỉnh, quản lý được các dịch vụ cung cấp nội dung truyền hình xuyên biên giới, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa doanh nghiệp trong và ngoài nước", Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam mong mỏi.

Thành Luân

CÁC MẠNG 0 CHẤM 4

NGUYỄN THÔNG/ TD 9-11-2021

Cả một hệ thống cầm quyền, cứ mở mồm ra là tán tụng cách mạng 4.0, khoa học công nghệ then chốt, kinh tế số, xã hội số, điện tử điện sinh này nọ. Nghe thì khiếp lắm, nhưng thực tế hỡi ôi.

Nói chi điều xa xôi, chỉ nêu chuyện gần, cụ thể. Hầu như ai cũng biết, cứ đi tàu bay hoặc thậm chí chỉ vào siêu thị mua củ su hào, người ta đều đè dân ra khai báo y tế. Cũng có vẻ hợp lý bởi đang dịch bệnh căng thẳng, dễ lây lan, cần truy vết khi có chuyện. Nhưng vấn đề là kẻ có quyền trong tay, từ ông bảo vệ siêu thị tới bà nhân viên hãng tàu bay, cứ cắm đầu cắm cổ máy móc hành hạ người khác. Thực ra, chê trách họ cũng chưa đúng lắm, bởi họ chỉ làm theo lệnh của những kẻ cấp trên, cấp trên nữa, cấp trên nữa nữa. Bọn ấy ngồi phòng lạnh đâu biết điều gì nên làm, điều gì không nên làm.

Bất kỳ ai đi siêu thị ở Sài Gòn đều chịu cảnh này. Gửi xe xong, họ bắt phải khai báo. Giấy kia, bút kia, ngồi đó mà khai. Ghi rõ ra họ tên, chỗ ở, số điện thoại. Thôi thì mấy thứ thông tin ấy cứ cho là bắt buộc đi. Nhưng rồi phải mò mẫm tỉ mỉ khai bản thân có ho không, sốt không, khó thở không, đau họng không, đột ngột mất khứu giác (ngửi) không, đột ngột mất vị giác (nếm chua cay) không, 14 ngày qua đã tiếp xúc với ai, có ai bị nghi nhiễm bệnh, có ai bị cách ly không, có vừa đi máy bay trong nước và quốc tế không, có đi xe công cộng không, có đến chỗ đông người mà không đeo khẩu trang, không rửa tay sát khuẩn không, v.v…

Ối giời ôi, đó là chưa kể hết, chứ có nơi họ còn liệt kê tràng giang đại hải, chỉ riêng việc khai xong đã đủ phờ, chả thèm vào mua bán gì nữa. Không ăn thì đừng, không đi thì đừng, chứ mình có phải con cừu đâu mà nó đè ra vặt lông.

Sẽ có ai đó bảo phải như thế để chống dịch, cần sự tự giác của dân chúng. Giời ạ, có mà chống vào mắt. Nhẽ ra chỉ yêu cầu biên cái tên và số điện thoại, ghi ngày tháng, thế là xong, nếu có chuyện cứ theo đó liên lạc. Bắt con nhà người ta túm tụm cả đống một chỗ để khai báo, một cây bút cả trăm người cầm vào, thở vào mặt nhau, không lây chắc?

Và tôi xin hỏi thật các ông các bà, người ta đã muốn đi máy bay, đi mua hàng, thế người ta thật thà khai mình bị ho bị sốt, gặp F1, F0… để ông bà coi thấy rồi đuổi người ta không cho bay, không cho vào à. Chả ai dại gì. Chẳng đứa nào dại “lạy ông tôi ở bụi này” bao giờ. Không tin, các vị cứ thử dò lại tất cả những phiếu khai xem có ai thật thà khai mình bị sốt không. Đó là chưa nói, rất nhiều nơi bắt dân khai xong, nhân viên cũng chả thèm xem, kêu người khai bỏ vào cái hộp, hoặc nếu có nhận thì cũng vứt toẹt vào hộp, không hề để mắt có ai bị ho bị sốt.

Làm cho có, làm lấy được, chỉ cốt hình thức, vậy thôi. May mà vừa rồi ngành hàng không bãi bỏ chuyện khai báo giấy, nhưng vẫn cứ bắt khai tỉ mỉ sự ho sốt nóng lạnh khó thở tức ngực kia. Tóm lại vẫn rất màu mè, quan liêu, vớ vẩn. Chỉ hành nhau là giỏi.

Lại này nữa. Tôi tiêm mũi 2 cách nay đã gần 3 tháng, nhưng cứ mở tra cứu của bộ y tế, khai báo đầy đủ xong thì nó chỉ xác nhận đã tiêm mũi 1, thẻ màu vàng. Mà đi đâu, tới đâu cũng có người hạch sách thẻ xanh tiêm 2 mũi đâu, lại phải dí cái giấy xác nhận đã tiêm đủ 2 mũi ra. Đến khổ. Thời buổi 4.0 mà quá 0 chấm 4. Vậy mà đòi chính phủ điện tử, xã hội số. Còn khuya.

Nguyễn Thông

SỐNG CHUNG VỚI COVID-19 VÀ CHUYỆN TỰ TIN ĐỂ INTERNET

 VÀO VIỆT NAM

QUỐC PHONG/ TVN 8-11-2021

Rồi đây hậu thế lại có dịp nhìn nhận lại sự kiện đại dịch Covid-19 mà cha anh đã chiến đấu bản lĩnh ra sao, sai đúng thế nào…

Thế giới đã có hơn 250 triệu người mắc Covid-19 -  điều mà không mấy ai hình dung nổi vào giai đoạn đầu của đại dịch này. Trong khi vẫn chưa có đủ vắc xin để tiêm đủ 2 mũi cho người dân thì cũng chỉ còn khoảng 3 tháng nữa, loài người - nhất là các nước chủ động vắc xin lại phải tính đến chuyện tiêm tiếp mũi 3, lý do bởi hiệu quả sinh kháng thể. 
Sống chung với virus và chuyện tự tin để Internet vào Việt Nam
Hãy coi “sống chung” với Covid-19 như một điều tất yếu

Tôi thấy đây là “thời gian vàng” để tận dụng phát triển kinh tế nhưng nếu chủ quan, nóng vội, sai đối sách thì hậu quả cũng thật khôn lường. 

Hãy coi “sống chung” với Covid-19 như một điều tất yếu. Theo thống kê, tính đến 23h ngày 7/11, toàn thế giới đã ghi nhận hơn 250 triệu ca mắc Covid-19, trong đó có hơn 5 triệu người tử vong. Số khỏi bệnh là 226,7 triệu người. 

Tôi viện dẫn ra những con số này là có ý muốn nói, dù chúng ta cũng có chủ quan, sai lầm nhất định vào một vài thời điểm, nhưng về cơ bản vẫn là nước đang làm công tác chống dịch khá tốt. Tỷ lệ người tử vong khoảng 1 tháng qua đã giảm rõ rệt. 

Hiện nay, cái chúng ta cần để phục hồi kinh tế, không bị đứt gãy và lâm vào khủng hoảng sâu thêm, đó là cách bình tĩnh tìm ra đối sách sống chung với Covid-19 theo hướng thích nghi mới. Hậu quả của việc thận trọng thái quá mà thiếu đi bản lĩnh cần thiết từ người có trách nhiệm dễ dẫn tới nền kinh tế khủng hoảng thê thảm. 

Tư tưởng chỉ đạo phòng chống dịch của Đảng và Nhà nước ta đã thay đổi để thích nghi với tình hình dịch bệnh ngày một phức tạp. Tuy nhiên, trong cuộc chiến này, không thể có chuyện chỉ đạo tốt, chủ trương đúng mà đã đủ. Nó rất cần có sự đồng lòng và nhờ ý thức tuân thủ 5K + vắc xin của người dân. 

Cách đây vài tuần, có ngày cả nước chỉ còn khoảng 3.700 - 3.800 ca nhiễm. Thế nhưng tuần gần đây, con số mỗi ngày lại tăng dần và như ngày 6/11 lại thành gấp đôi thì mới thấy thật đáng lo. Song, dù thế nào thì cũng không nên quay trở lại biện pháp chống dịch kiểu cũ như thực hiện giãn cách xã hội quá rộng. Chủ trương “sống chung” với Covid-19 thật sự là thách thức lớn vô cùng, đòi hỏi chúng ta phải chấp nhận để vượt qua. Không thể khác!  

Dám chấp nhận như từng để Internet “đổ bộ” 

Có lẽ chúng ta cũng nên nhắc lại một chuyện gọi là” thâm cung bí sử” cách đây 24 năm. Nay tôi xin phép nguyên Bộ trưởng Bưu chính Viễn thông - GS. TSKH Đỗ Trung Tá được kể lại, nhất là chỉ còn hơn chục ngày nữa chúng ta kỷ niệm ngày Internet “đổ bộ” vào Việt Nam (19/11/1997).

Sau những tính toán cân nhắc thận trọng, thậm chí còn ngại ngùng của một số người có trách nhiệm thì ngày đó Đảng, Nhà nước ta đã chấp nhận cho mở cửa Internet dù rất biết khả năng sẽ có cả “làn gió độc” ùa vào. Nếu không mạnh dạn, táo bạo và tự tin chấp nhận từ ngày đó thì làm sao Việt Nam hôm nay có cuộc cách mạng về công nghệ thông tin sáng sủa và hiện đại như bây giờ.  

Sống chung với virus và chuyện tự tin để Internet vào Việt Nam
Ảnh: Trung tâm giám sát điều hành đô thị thông minh TP Huế

Ở thời điểm sơ khai của năm 1997 về Internet ngày đó, ngành công nghệ thông tin đã có một lớp cán bộ lãnh đạo có trình độ, tầm nhìn chiến lược, dám nghĩ, dám làm dám chịu trách nhiệm, biết đi trước đón đầu khá sớm. 

Họ là các ông Đỗ Trung Tá - nguyên Bộ trưởng Bưu chính Viễn thông; TS Mai Liêm Trực - nguyên Thứ trưởng thường trực cùng nhiều vị khác, hoặc là cấp trên của ngành như nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Khánh, hay các vị ở một số bộ, ngành có liên quan như GS Viện sĩ Đặng Hữu, TS Phạm Gia Khiêm (khi ông ở vai trò Bộ trưởng Khoa học Công nghệ), như  PGS.TS Chu Hảo, như Thượng tướng Nguyễn Khánh Toàn (nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Công an)... 

Và, tiếp nữa là một lớp các nhà khoa học chuyên sâu thực hiện trực tiếp, xem như những "người Việt trong nước đầu tiên dùng Internet". Đó là TS Trần Bá Thái (Viện Khoa học Việt Nam), TS Vũ Hoàng Liên (VDC)... Họ đã có ảnh hưởng rất to lớn trong lịch sử phát triển công nghệ thông tin ở Việt Nam khi biết rằng, Internet là một kỳ tích về công nghệ thông tin của xã hội loài người. Nếu ai biết chớp thời cơ sớm thì sẽ có lợi và đó cũng là con đường tất yếu sẽ phải đến. 

Với GS.TSKH Đỗ Trung Tá, vào thời điểm ông đương chức Bộ trưởng Bưu chính Viễn thông, tôi đã được ông kể cho nghe một câu chuyện thú vị rằng: 

Trước sức ép của Internet khi sớm muộn rồi cũng vào Việt Nam với những tiêu cực nhỡn tiền khó cản, ông Tá, khi đó là ủy viên TƯ Đảng, Bí thư Ban cán sự Đảng Tổng cục Bưu điện, Chủ tịch HĐQT tập đoàn Bưu chính Viễn thông (VNPT) - thời gian chưa thành lập Bộ Bưu chính Viễn thông.

Lãnh đạo ngành đã tính chuyện cần sớm báo cáo các vị lãnh đạo cao cấp của Đảng và Chính phủ để lường trước tất cả cái hay cái dở của Internet. Đồng thời, đề xuất cho phép đưa Internet vào nước ta, nhưng sẽ khắc phục bằng cách tạo "bức tường lửa" hầu ngăn chặn phần nào những cuộc "xâm lăng" với những nội dung xấu độc có thể sẽ bất lợi này. 

Nhân hội nghị Ban chấp hành TƯ lần 2, khóa 8 (tháng 12/1996), bàn về khoa học công nghệ và giáo dục, đào tạo, ông Đỗ Trung Tá đã trình bày kiến nghị đưa Internet vào Việt Nam như một giải pháp ưu tiên cho phát triển khoa học và đào tạo.

Để tạo hậu thuẫn cho chủ trương này, từ trước đó, ông và các cộng sự đã đi gặp gỡ một số vị lãnh đạo trong các ban Đảng và các bộ có liên quan để thuyết phục trước khi trình hội nghị TƯ. Thời điểm đó, không hẳn câu chuyện Internet đã nhận được đồng thuận cao. 

Chính vì vậy, ông Tá không khỏi lo lắng khi trình bày trước Ban chấp hành TƯ, nhất là khi đó ông mới trúng vào TƯ chưa đầy 1 năm. Nhằm tăng tính thuyết phục, ông xin phép bố trí hẳn một phòng máy để thuyết trình với tất cả các vị tham gia hội nghị TƯ 2 về xu hướng tất yếu, về thế mạnh, cái hay của Internet cũng như hậu quả, mặt trái mà nó sẽ mang lại. 

Lời nhắc nhở của người đứng đầu Đảng 

Xin mở ngoặc thêm chỗ này. Trước khi trình hội nghị TƯ 2 , ông Tá đã gặp riêng Tổng bí thư Đỗ Mười để giới thiệu với người đứng đầu Đảng về những thông tin mà các thế lực thù địch ra rả lan truyền bịa đặt. “Ông cụ coi xong cũng lắc đầu và tỏ ý lo lắng nhất định”, ông Tá kể. Sau khi nghe trình bày, Tổng bí thư Đỗ Mười đã có những chỉ đạo kịp thời đối với ngành viễn thông. 

Ông Đỗ Trung Tá nhớ lại: "Công việc mới đang triển khai khẩn trương chưa được bao lâu thì đùng một cái có thông tin của nội bộ bị rò rỉ ra ngoài và lan nhanh trên mạng.  

Ông cụ (Tổng bí thư Đỗ Mười) gọi gấp tớ đến, chưa kịp hiểu việc gì thì cụ bức xúc nói: Anh Tá ơi, anh vừa bảo với tôi hôm trước là chúng ta có 'bức tường lửa' để ngăn chặn những thông tin xấu. Vậy anh chặn nó bằng gì? Có phải vì anh 'đốt' nó bằng... củi nên chúng cháy chậm quá, khiến thông tin mới lọt ra nhanh như vậy không? Nói xong, cụ nở nụ cười như có ý nói nhẹ đi. Có lẽ chắc để tớ bớt lúng túng, căng thẳng”.  

Ông Tá cũng cảm nhận được đó là lời nhắc nhở nghiêm túc nhưng đầy khích lệ, giao trọng trách từ người đứng đầu Đảng. 

Giờ đây, sau 21 năm, chúng ta càng thấy tầm nhìn của người lãnh đạo trong mọi lĩnh vực của đời sống chính trị, xã hội đều rất quan trọng. Nếu như chúng ta bảo thủ, rón rén sợ sệt, không dám đón nhận cái mới của nhân loại chỉ mong để cho an toàn thì không biết đất nước mình rồi sẽ ra sao trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Đây là một trong những lĩnh vực mà chúng ta có thể tự hào bởi cách đi tắt đón đầu rất bản lĩnh của một thế hệ lãnh đạo ngành cách đây trên 20 năm. 

Trong cuộc chiến chống đại dịch hôm nay, chúng ta luôn rất cần các nhà lãnh đạo đủ bản lĩnh, chủ động lường trước những khó khăn khi chấp nhận “sống chung” với Covid-19. Chỉ có điều, hơn ai hết, chính mỗi người dân cần có ý thức phòng ngừa tốt nhất để tránh bị lây nhiễm dịch bệnh và cả sự lây nhiễm bởi mạng xã hội độc hại, không lành mạnh. 

Lịch sử rồi đây cũng vậy. Hậu thế lại có dịp nhìn nhận lại sự kiện đại dịch Covid-19 mà cha anh đã chiến đấu bản lĩnh ra sao, sai đúng thế nào… 

Quốc Phong


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét