Thứ Hai, 8 tháng 11, 2021

20211109. BÀN VỀ DỰ THẢO KÉO DÀI TUỔI CÔNG TÁC CỦA GV ĐẠI HỌC

 ĐIỂM BÁO MẠNG  

HIỆU TRƯỞNG ĐẠI HỌC THỦ ĐÔ PHÂN TÍCH DỰ THẢO KÉO DÀI

 TUỔI CÔNG TÁC CỦA GIẢNG VIÊN

TÙNG DƯƠNG/ GDVN  4-11-2021

Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật số 34/2018/QH14, trong đó, dự thảo có đề xuất kéo dài thời gian làm việc đối với giảng viên đủ tuổi nghỉ hưu. Giảng viên đại học có chức danh giáo sư, phó giáo sư hoặc có trình độ tiến sĩ dự kiến sẽ được kéo dài thời gian làm việc để giảng dạy nếu có mong muốn, đủ sức khỏe và được nhà trường chấp nhận.

Phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã trao đổi với Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Vũ Bích Hiền - Hiệu trưởng Trường Đại học Thủ Đô (Hà Nội) về vấn đề này, cô Hiền cho biết: “Tôi thấy chính sách này là tốt, đặc biệt với các trường đại học.

Đội ngũ giảng viên tại các trường đại học có học hàm, học vị thường nằm ở độ tuổi sắp nghỉ hưu theo quy định, nhưng nhu cầu của các trường đại học vẫn rất cần một đội ngũ có đủ học hàm, học vị để đảm đương các mã ngành mà trường đang thực hiện đào tạo.

Nếu sức khỏe của các giảng viên còn tốt, các trường đại học cũng đang có nhu cầu thì tôi nghĩ việc kéo dài thêm thời gian làm việc cũng không có vấn đề gì, nhưng chỉ nên để các giảng viên hoạt động giảng dạy, nghiên cứu chuyên môn, không đảm nhiệm chức vụ quản lí".

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Vũ Bích Hiền - Hiệu trưởng Trường Đại học Thủ Đô (Hà Nội). Ảnh: NVCC.

Theo cô Hiền: "Trên thực tế cũng đã chứng minh được lợi ích cho các nhà trường khi có một đội ngũ đông đảo chuyên gia chất lượng cao, đội ngũ này có nhiều kinh nghiệm, tâm huyết và đã từng gắn bó lâu dài với nhà trường, nếu được tiếp tục công tác họ sẽ phấn khởi, bản thân nhà trường cũng có được lợi ích từ các chuyên gia đó.

Cá biệt, có thể một vài mã ngành đào tạo nào đó khi nhu cầu của xã hội đã thay đổi, quá ít sinh viên theo học dẫn đến nhà trường không cần nhiều giảng viên ở ngành đó nữa. Cũng có thể các giảng viên đó vì sức khỏe, hoặc muốn được nghỉ ngơi sau nhiều năm công tác. Nhưng nếu để xét chung về vấn đề này thì tôi cho là tốt, và đa phần là có lợi cho cả các giảng viên cũng như các nhà trường, mặc dù đến tuổi nghỉ theo quy định nhưng rất nhiều thầy cô còn khỏe, có trí tuệ, muốn cống hiến.

Ví dụ, quy định có thể cho phép kéo dài thêm đến 10 năm công tác, nhưng theo tôi các thầy cô cũng chỉ làm được thêm khoảng 5 năm nữa là cùng, sau còn lí do sức khỏe,…thì họ cũng xin thôi, hoặc chuyển sang kí hợp đồng thỉnh giảng ngắn hạn.

Như vậy các thầy cô cũng không bị bó buộc là giảng viên cơ hữu của nhà trường, một giảng viên đại học ngoài nhiệm vụ giảng dạy họ còn nhiều nhiệm vụ khác phải tham gia, lúc này nếu tuổi cao rồi cũng sẽ rất khó để bắt kịp”.

Về băn khoăn nếu các thầy cô ai cũng xin kéo dài thời gian làm việc, thì sẽ mất cơ hội cho lớp trẻ, cô Hiền nói: “Việc các giảng viên có học hàm, học vị xin kéo dài thời gian làm việc, theo tôi đó là một việc. Còn việc nhà trường có nhu cầu hay không lại là một việc khác nữa.

Nếu các trường đại học thấy mình đã sẵn sàng có một đội ngũ trẻ, có thể thay thế, hoàn toàn đảm đương được những nhiệm vụ mà các thầy cô giáo có học vị cao nhưng đã đến tuổi nghỉ chế độ, thì theo tôi không nhất thiết phải kéo dài thêm thời gian làm việc cho các thầy cô đã đến tuổi nghỉ.

Không nhất thiết là phải bắt buộc kéo dài thời gian làm việc với tất cả các thầy cô, các trường đại học đã có “hành lang” pháp lý sẵn đó, có cơ chế mở để nếu muốn có thể thực hiện nhưng không bắt buộc. Nhưng theo tôi không có trường hợp nào giống trường hợp nào”.

Việc mời gọi nhân tài luôn là vấn đề khó

Hiện nay, nhiều trường đại học đang rất thiếu giáo sư và phó giáo sư nhưng rất khó mời các thầy về trường giảng dạy. Cô Hiền cho biết: “Theo tôi, không hẳn là tất cả các trường đại học đều đang thiếu giáo sư và phó giáo sư, một số trường đại học có ưu thế hơn bởi bề dày hoạt động, có lịch sử quá trình lâu dài thì thường sẽ có một đội ngũ giảng viên có học hàm, học vị mạnh hơn rất nhiều so với những trường đại học mới thành lập.

Việc mời gọi, quy tụ nhân tài có học hàm, học vị luôn luôn là vấn đề khó, luôn luôn là thực trạng chứ không phải gần đây mới có chuyện đó. Mỗi trường đại học đều có những cố gắng để tìm, để thu hút nhân tài bằng nhiều cách khác nhau, có thể bằng tài chính, và nếu là trường đại học tự chủ thì sẽ có mức đãi ngộ cao.

Với những trường công lập không có nguồn tài chính mạnh để chi cho việc đó thì có thể bố trí các vị trí quản lí cho những người tài, đây cũng là một cách để đãi ngộ. Theo tôi, nhân tài luôn luôn thiếu, chúng ta phải “chắt chiu”, trong nội bộ cũng nên khuyến khích các giảng viên đi học, nhưng mặt khác cũng nên có một cơ chế nào đó để thu hút, khuyến khích”.

Có nhiều ý kiến cho rằng các không nên kéo dài thêm thời gian làm việc, cứ đến tuổi là mời các thầy nghỉ theo quy định, còn những ai có năng lực thật sự thì các trường đại học xem xét, kí hợp đồng theo hình thức chuyên gia, theo hình thức nghiên cứu đề tài cụ thể, hình thức dự án và thậm chí kí hợp đồng lâu hơn nữa nếu thật sự có hiệu quả?

Về vấn đề này, cô Hiền nêu quan điểm: “Việc này nên tùy vào nhu cầu và nguồn lực giảng viên của các trường đại học, có thể kí hợp đồng dự án, theo từng đề tài nghiên cứu cụ thể,…

Nhưng khi được kéo dài thêm thời gian công tác, các thầy cô không được tính vào số giảng viên cơ hữu của trường. Nếu là giảng viên cơ hữu thì sự cam kết, khả năng đóng góp của các thầy cô sẽ chặt chẽ hơn là không phải giảng viên cơ hữu.

Giảng viên cơ hữu được tính là đang đảm đương các mã ngành, khi nhà trường mở thêm ngành đào tạo thì phải chứng minh được nguồn nhân lực giảng viên. Nhưng khi các thầy cô được kéo dài thêm thời gian công tác sẽ không được tính vào số giảng viên cơ hữu của trường, như vậy tỷ lệ giáo sư, phó giáo sư của nhà trường sẽ thấp xuống.

Nhưng nếu chất lượng đạo tạo của nhà trường không bị ảnh hưởng bởi sự sụt giảm của số lượng giáo sư, phó giáo sư thì hoàn toàn có thể chuyển sang kí hợp đồng với các thầy cô theo từng đề tài nghiên cứu cụ thể, hoặc giảng dạy, và lúc nào có dự án thì kí, không có nhu cầu thì không mời và không phải trả lương hàng tháng. Hành lang pháp lý có sẵn rồi, việc này nên để các trường đại học tự chủ, tự quyết định cần thiết hay không”.

Tùng Dương
GS PHẠM HỒNG QUANG: KÉO DÀI THỜI GIAN LÀM VIỆC GIẢNG VIÊN 
ĐẠI HỌC LÀ HỢP VỚI XU THẾ
TÙNG DƯƠNG/ GDVN 24-10-2021

Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân với dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục đại học. Trong đó, dự thảo có đề xuất kéo dài thời gian làm việc đối với giảng viên đủ tuổi nghỉ hưu.

Dự thảo nêu rõ, giảng viên có chức danh giáo sư, phó giáo sư và giảng viên có trình độ tiến sĩ đang công tác tại cơ sở giáo dục đại học được kéo dài thời gian làm việc kể từ khi đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định trong điều kiện lao động bình thường để giảng dạy, nghiên cứu khoa học nếu có đủ sức khỏe, tự nguyện xin kéo dài thời gian làm việc và được cơ sở giáo dục đại học chấp nhận.

Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Hồng Quang - Giám đốc Đại học Thái Nguyên. Ảnh: TL.

Phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Hồng Quang - Giám đốc Đại học Thái Nguyên về vấn đề này. Thầy Quang nói: “Trước hết, tôi thấy quan điểm kéo dài thời gian làm việc đối với giảng viên các trường đại học có học vị Tiến sĩ, học hàm Giáo sư và Phó giáo sư đã đủ tuổi nghỉ hưu là đúng, là trân trọng sự cống hiến của các thầy, là hợp với xu thế.

Xét về mặt nghiệp vụ chuyên môn tôi thấy hoàn toàn hợp lí, phù hợp với thực tiễn hiện nay, phần lớn các thầy đã cống hiến đến giai đoạn nghỉ hưu nhưng vẫn còn sức khỏe rất tốt, vẫn có khát vọng được cống hiến, và cụ thể là rất nhiều thầy đã và đang tham gia quản lí, giảng dạy tại các trường đại học ngoài công lập rất hiệu quả.

Với Đại học Thái Nguyên, thực tế chúng tôi cũng đã triển khai việc này từ lâu, theo quy định cũ thì thời gian kéo dài của Giáo sư từ 10 năm trở xuống, Phó giáo sư là 7 năm và Tiến sĩ là 5 năm, hưởng đầy đủ các chế độ, chính sách về đãi ngộ như lúc còn đang công tác bình thường, chỉ có điều là các thầy không tham gia làm công tác quản lí.

Về phía nhà trường, tôi thấy có một số thuận lợi như việc các thầy vẫn tiếp tục hướng dẫn nghiên cứu sinh, vẫn tham gia đào tạo cao học, viết giáo trình, biên soạn sách, vẫn chủ trì các đề tài khoa học công nghệ các cấp,… dẫn dắt, bàn giao công việc cho thế hệ trẻ, cho đội ngũ kế cận, có thể nói rằng chất lượng rất tốt. Về phía các thầy, tâm lý cũng rất vui, nhưng cũng có một số ít thầy vì sức khỏe nên đã xin nghỉ. Nhưng về cơ bản theo tôi chính sách này rất tốt.

Thực tế ở nhiều nước trên thế giới, việc làm cho người về hưu rất được coi trọng, nhất là ở một số lĩnh vực Khoa học cơ bản, những vấn đề nghiên cứu sâu đòi hỏi một tầm tích lũy, khá nhiều giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ có trình độ vẫn tiếp tục làm việc và có kết quả rất tốt. Như vậy cũng là huy động, tận dụng được nguồn tri thức chất lượng cao, tốt cho các cơ sở giáo dục đại học”.

Bí thư Nguyễn Thanh Hải trò chuyện với sinh viên Trường Đại học Sư Phạm (Đại học Thái Nguyên). Ảnh:TL

Liệu có ảnh hưởng đến cơ hội của thế hệ trẻ?

Theo thầy Quang: “Thực tế có 2 vấn đề, càng ở giai đoạn tuổi cao thì chắc chắn sức khỏe có ảnh hưởng, tuy nhiên ở ngưỡng nhất định thì vẫn có thể kéo dài thời gian làm việc. Hơn nữa các thầy không tham gia công tác quản lí nên chắc chắn sẽ không ảnh hưởng gì đến việc thăng tiến của thế hệ trẻ.

Về vị trí việc làm, các trường đại học hiện nay với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học (Luật 34/2018/QH14) quy định về yêu cầu tính chất tự chủ, tự chủ về học thuật, về tài chính,…Tự chủ tổ chức nhân sự rất cao nên vị trí việc làm cũng không có ảnh hưởng gì lớn đối với thế hệ trẻ. Nếu các thầy ở lại mà vẫn giữ các chức vụ quản lí thì mới ảnh hưởng, còn các thầy chỉ làm chuyên gia, chuyên môn, tư vấn thì theo tôi ở góc độ nào đó sẽ được các thế hệ trẻ trân trọng”.

Thầy Quang nói: “Qua kinh nghiệm nhiều năm triển khai nội dung này tại Đại học Thái Nguyên gồm 7 trường thành viên, với số lượng hơn 800 tiến sĩ, chúng tôi chưa thấy việc kéo dài thời gian làm việc này có gì bất thường.

Tuy nhiên, ở một số lĩnh vực ngành đào tạo, do số lượng sinh viên ở những ngành đó giảm sút, dẫn đến số giờ dạy không tăng, và cũng một phần vì sức khỏe nên có một số thầy cô tự nguyện xin nghỉ khi đến tuổi quy định.

Quan điểm của tôi là khoa học không có tuổi, sức sáng tạo của các thầy rất lớn, ở một giai đoạn tích tụ của trường đại học và đến một ngưỡng tuổi nào đó thì kết quả ngày càng tốt. Tuy nhiên theo luật đến độ tuổi thì các thầy vẫn phải nghỉ hưu, nhưng việc kéo dài là trân trọng bởi các thầy vẫn còn khả năng cống hiến, đây cũng là sự trân trọng khoa học.

Mỗi năm, một trường đại học cỡ trung bình có khoảng 5 đến 7% các thầy nghỉ hưu trên tổng số, các thầy có nguyện vọng, nhà trường có nhu cầu và tỉ lệ các thầy được nhà trường kéo dài thời hạn làm nhiệm vụ chuyên môn lên đến 90%. Với yêu cầu nhà trường luôn mong muốn có nguồn nhân lực trình độ cao, nếu các thầy có sức khỏe, có sự cống hiến tốt,…thì các trường đại học lúc nào cũng đón nhận”.

Tùng Dương
NHIỀU TRƯỜNG ĐẠI HỌC ĐANG THIẾU GIÁO SƯ, PHÓ GIÁO SƯ
TÙNG DƯƠNG/ GDVN 15-10-2021

Nhiều trường đại học của nước ta hiện nay, nhất là những trường đào tạo ngành khoa học cơ bản, đang thiếu trầm trọng giáo sư, phó giáo sư. Với số lượng giáo sư, phó giáo sư ngày càng giảm, khiến nhiều trường đại học đang hụt hẫng về đội ngũ nhân lực này.

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tính đến hết năm 2019, các đại học, học viện, trường đại học đào tạo trình độ đại học có hơn 619 giáo sư, trên 4.831 phó giáo sư. Đối với các trường cao đẳng đào tạo ngành Giáo dục mầm non có 1.891 giảng viên cơ hữu giảng dạy chuyên ngành giáo dục mầm non với 2 phó giáo sư, 144 tiến sĩ, 1.363 thạc sĩ. Điều đó cho thấy các trường đại học, nhất là các trường đào tạo ngành khoa học cơ bản, đang thiếu trầm trọng giáo sư, phó giáo sư.

Giáo sư, Tiến sĩ Lê Thanh Sơn – Phó hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học quốc gia Hà Nội). Ảnh: NVCC.

Phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Giáo sư, Tiến sĩ Lê Thanh Sơn – Phó hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học quốc gia Hà Nội) về vấn đề này. Thầy Sơn cho biết:

“Trường chúng tôi hiện nay với đội ngũ giảng dạy có tới 46% có học hàm giáo sư và phó giáo sư, gần 100% có học vị Tiến sĩ. Có nhiều giáo sư rất trẻ mới ngoài 30 tuổi. Là một trường đại học nghiên cứu cơ bản, có thể nói đây là tỷ lệ rất cao trong các trường đại học ở Việt Nam hiện nay.

Tuy nhiên, một số bộ môn của trường hiện nay không còn giáo sư, phó giáo sư nào, các cán bộ đều là tiến sĩ trẻ nên cần thêm một vài năm mới đủ chuẩn. Trường có thông báo nhu cầu tuyển và bổ nhiệm nhiều giáo sư, phó giáo sư nhưng sẽ khó tuyển đủ được như mong muốn, bởi vì đây là tình trạng thiếu hụt chung ở nhiều trường đại học khác ở Việt Nam. Vì vậy, thời gian tới, trường chúng tôi vẫn thiếu nhiều vị trí giáo sư, phó giáo sư.

Đối với những ngành khoa học tự nhiên, công nghệ, Nhà nước đang dần dần phong đội ngũ giáo sư và phó giáo sư theo thông lệ quốc tế. Đối với thông lệ này, việc công bố quốc tế được đánh giá rất cao với đội ngũ giáo sư, phó giáo sư, và đặc biệt là với những tiến sĩ trẻ có công bố quốc tế tương đối tốt. Vì vậy, việc phong học hàm giáo sư, phó giáo sư hiện nay ngày càng trẻ hóa.

Theo tôi, nhiều trường đại học hiện nay đội ngũ giáo sư, phó giáo sư vẫn còn đang “mỏng”, một trong những nguyên nhân quan trọng nhất đó là việc phong học hàm ở Việt Nam vẫn đang dần tiệm cận với việc phong học hàm theo thông lệ quốc tế, vì thế việc đánh giá thông qua công bố quốc tế rất quan trọng nhưng lại bị hạn chế đối với từng nhóm ngành khác nhau

Ví dụ ngành khoa học xã hội và nhân văn, việc công bố quốc tế sẽ khó khăn hơn so với các lĩnh vực như khoa học tự nhiên, khoa học công nghệ. Theo tôi đấy là mấu chốt cần phải “giải tỏa” vướng mắc này để tiến tới các nhóm ngành khác muốn phong học hàm học vị nhiều hơn.

Tuy nhiên, để giải tỏa được vướng mắc này cần phải được đồng bộ rất nhiều lĩnh vực, ví dụ: Muốn công bố quốc tế thì phải có trình độ ngoại ngữ tốt, đặc biệt là tiếng Anh, không chỉ có lĩnh vực chuyên môn, mà cần phải nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên thông qua các kĩ năng và trình độ đào tạo. Tôi hy vọng trong thời gian tới chúng ta sẽ cải thiện được tình trạng này”.

Thiếu đội ngũ giáo sư, phó giáo sư ảnh hưởng như thế nào đến chất lượng đào tạo?

Theo thầy Sơn: “Số lượng giáo sư, phó giáo sư trong 5 năm trở lại đây đang ngày càng giảm, nhất là khi Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước triển khai thực hiện Quyết định 37/2018/QĐ - TTg xét giáo sư, phó giáo sư, việc phong học hàm đang dần tiệm cận với trình độ quốc tế.

Với những ngành đặc thù như khoa học xã hội và nhân văn, quốc phòng an ninh,…Những lĩnh vực như vậy tôi nghĩ sẽ khó khăn hơn so với những ngành khác như khoa học tự nhiên, khoa học công nghệ khi công bố quốc tế theo tiêu chuẩn mới.

Giáo sư, phó giáo sư là đội ngũ quan trọng, là nòng cốt của các cơ sở giáo dục đại học, trong trường đại học có 2 chức năng là truyền thụ và sáng tạo trí thức, cả 2 chức năng này đều cần những giáo sư, phó giáo sư đầu ngành để đảm đương trọng trách của nhà trường. Nếu hẫng hụt đội ngũ này sẽ ảnh hưởng đầu tiên đến chất lượng của đội ngũ cán bộ giảng dạy, điều thứ 2 là ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học.

Với mô hình nghiên cứu tiên tiến của một số nước trên thế giới, họ phong học hàm giáo sư, phó giáo sư của trường theo cơ chế phòng thí nghiệm, tuy nhiên ở nước ta với mô hình tương đối khác, giáo sư, phó giáo sư là những chức danh độc lập. Ví dụ: Giáo sư, phó giáo sư ở nước ngoài thường là trợ lí, hoặc phó cho một giáo sư cụ thể, nhưng ở nước ta việc này lại độc lập, không lệ thuộc.

Một điều nữa là mô hình cơ cấu tổ chức một trường đại học của ta cũng hơi khác, nên đối với mỗi lĩnh vực, mỗi ngành trong quá trình phát triển cũng đang dần theo thông lệ quốc tế trong lĩnh vực của mình đang theo đuổi”.

Giáo sư, phó giáo sư là đội ngũ quan trọng, là nòng cốt của các cơ sở giáo dục đại học. Ảnh minh họa: TTXVN.

Cơ chế nào để các trường thu hút người tài?

Thầy Sơn nói: “Trên thế giới, việc phong giáo sư, phó giáo sư theo thông lệ quốc tế là do các nhà trường quyết định, nhưng ở nước ta do nhiều nguyên nhân và yếu tố lịch sử để lại nên việc phong học hàm này đang do Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước phong.

Theo tôi, chúng ta cũng nên dần dần theo thông lệ quốc tế, tự chủ trong giáo dục đại học ở Việt Nam cũng sẽ được quan tâm và xây dựng dần tiệm cận với chuẩn mực quốc tế. Việc này nên giao nhiệm vụ cho nhà trường, đồng thời Nhà nước cũng cần có những cơ chế, chính sách đồng bộ để có thể phát huy được hiệu quả tốt nhất của việc đào tạo nghiên cứu khoa học và chất lượng của đội ngũ giáo sư, phó giáo sư.

Theo tôi, trong bối cảnh hiện nay, Nhà nước cũng đang có những chính sách để mở rộng tự chủ đại học, dần tiếp cận với trình độ quốc tế.

Vậy nên những trường tự chủ được, “đi trước” được, có tiềm lực về tài chính ngân sách bồi dưỡng đội ngũ để đạt chuẩn quốc tế, hoặc có thể đãi ngộ với người tài thì cũng nên khuyến khích. Điều này rất tốt, nó song song phát triển với xã hội chứ không nhất thiết các trường phải “chờ” nhau.

Việc này theo quan điểm của tôi là một sự “cạnh tranh” lành mạnh, nó cũng là một chính sách giúp cho các nhà trường không bị “chảy máu” chất xám, các trường sẽ phải tự vươn lên để nâng cao nhân lực đội ngũ của mình”.

Thầy Sơn kiến nghị: “Thực tiễn cho thấy, trong lĩnh vực giáo dục đại học thì việc thu hút, giảng viên, nhà khoa học xuất sắc đã khó, nhưng giữ chân họ còn khó hơn.

Trong bối cảnh hiện nay, việc tự chủ đại học đang được Nhà nước đưa ra nhiều giải pháp, chế độ chính sách, và để song hành việc đó cùng với Nhà nước, bản thân đội ngũ giáo sư, phó giáo sư cũng như cán bộ giảng dạy ở các trường cũng phải tự mình hoàn thiện, vươn lên theo tiêu chuẩn quốc tế.

Giáo sư, phó giáo sư, giảng viên, nhà khoa học giỏi họ đều là yếu tố đặc biệt quan trọng trong đảm bảo chất lượng của giáo dục đại học, đồng thời trực tiếp đóng góp vào nhiều tiêu chí để thăng hạng trên các bảng xếp hạng”.

Lĩnh vực Khoa học Xã hội của Đại học Quốc gia Hà Nội lần đầu được xếp hạng thế giới

Giáo sư, Tiến sĩ Lê Thanh Sơn chia sẻ: “Ngày 14/10/2021, Bộ xếp hạng của Times Higher Education công bố thêm 4 lĩnh vực trong kết quả xếp hạng theo lĩnh vực - THE World University Rankings by Subject năm 2022.

THE World University Rankings by Subject là bảng xếp hạng các trường đại học theo ngành, nhóm ngành đào tạo thuộc 11 lĩnh vực. Kết quả của bảng xếp hạng này được đánh giá dựa 5 nhóm tiêu chí gồm các chỉ số: Trích dẫn (Citation), Thu nhập từ chuyển giao công nghệ (Industry Income), Triển vọng quốc tế (International Outlook), Nghiên cứu (Research) và Giảng dạy (Teaching).

THE đã sử dụng các nguồn dữ liệu từ khảo sát (do THE thực hiện), cơ sở dữ liệu Scopus (thuộc NXB Elsevier) và dữ liệu do cơ sở giáo dục đại học cung cấp để thực hiện xếp hạng, nhưng trọng số được điều chỉnh lại để phù hợp với từng lĩnh vực.

Theo đó, lĩnh vực Social Sciences (Khoa học Xã hội) của Đại học Quốc gia Hà Nội lần đầu được vào Bảng xếp hạng này với thứ hạng 501 – 600 thế giới. Như vậy, trong Bộ xếp hạng THE, Đại học Quốc gia Hà Nội có 4 lĩnh vực được xếp hạng, bao gồm:

- Khoa học tự nhiên (Physical Sciences) thứ hạng 601 – 800 thế giới,

- Kỹ thuật, công nghệ (Engineering) thứ hạng 601 – 800 thế giới,

- Khoa học máy tính (Computer Sciences) thứ hạng 601 – 800 thế giới,

- Khoa học xã hội (Social Sciences) thứ hạng 501 – 600 thế giới.

Tùng Dương
GIÁO SƯ, TIẾN SĨ KHÔNG LÀM ĐƯỢC VIỆC MÀ VẪN MUỐN 'CỐNG HIẾN' THÌ LÀM THẾ NÀO ?
TÙNG DƯƠNG / GDVN 25-10-2021

Giảng viên đại học có chức danh giáo sư, phó giáo sư hoặc có trình độ tiến sĩ dự kiến sẽ được kéo dài thời gian làm việc để giảng dạy nếu có mong muốn, đủ sức khỏe và được nhà trường chấp nhận.

Phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã trao đổi với Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Thành Nam - Chủ nhiệm khoa Các khoa học Giáo dục, Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội), thầy Nam nói:

“Riêng ở trong lĩnh vực giáo dục đại học, tôi đồng tình với việc kéo dài thời gian làm việc cho các giảng viên có chức danh giáo sư, phó giáo sư và giảng viên có trình độ tiến sĩ đang công tác tại cơ sở giáo dục đại học nếu các thầy cô đáp ứng các điều kiện sức khỏe, năng lực cập nhật công nghệ thông tin, năng lực nghiên cứu khoa học và tự nguyện xin kéo dài thời gian làm việc".

Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Thành Nam - Chủ nhiệm khoa Các Khoa học Giáo dục, Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội). Ảnh: NVCC.

Theo thầy Nam: "Điều này cũng rất phù hợp và là bước chuẩn bị ứng phó với giai đoạn già hóa dân số rất nhanh của nước ta trong những năm tới. Đồng thời cũng sử dụng được nguồn nghiên cứu khoa học năng lực cao, góp phần hình thành nên các nhóm nghiên cứu chuyên sâu phát triển trở thành trường phái nghiên cứu ở Việt Nam trong tương lai.

Việc kéo dài này không những có ý nghĩa về mặt kiến thức, ở khía cạnh chăm sóc người cao tuổi, có một thực tế rằng nhiều người sốc khi vào giai đoạn nghỉ hưu, trở nên trầm cảm nếu bỗng nhiên quá rảnh rỗi. Ngược lại, nếu những người cao tuổi tham gia vào những hoạt động vừa sức, họ cảm thấy mình vẫn tạo ra giá trị cho cộng đồng thì sẽ sống hạnh phúc hơn, tuổi thọ cao hơn, như vậy chất lượng cuộc sống cũng đương nâng cao”.

Thầy Nam chia sẻ: “Tuy nhiên, là giáo sư nhưng các thầy đã nghỉ hưu nên về đãi ngộ không thể giữ nguyên khi còn trong tuổi lao động, và không được nắm giữ các chức vụ quản lí, chỉ chuyên tâm làm chuyên môn. Các thầy được kéo dài thêm thời gian làm việc, nhưng đồng thời có nhiệm vụ trao truyền thế hệ về nghiên cứu học thuật, đào tạo giảng viên tạo nguồn. Cần nghiên cứu để có những chế độ chính sách, tính toán trích một phần ngân sách ra để bồi dưỡng cho lớp cán bộ tạo nguồn, những cán bộ này bù đắp cho các giảng viên cao tuổi bị chậm về mặt công nghệ, làm trợ giảng cho các giáo sư, phó giáo sư.

Như vậy, các trường vừa tận dụng được chất xám của đội ngũ các giáo sư, phó giáo sư, chuyên gia hàng đầu, ngoài ra cũng có sự trao truyền cho các trường phái học thuật bởi ở Việt Nam hiện nay chưa có những trường phái nghiên cứu này, ví dụ: Ngành Khoa học xã hội trải qua rất nhiều năm, phải có một nhóm nghiên cứu phát triển liên tục mới trở thành trường phái.

Nếu nói về mặt tốc độ, khả năng tư duy, khả năng thích nghi, phán đoán thì theo nhiều nghiên cứu con người càng già thì càng lão hóa, nhưng về mặt năng lực kiến thức, những cái nằm lòng của các thầy sẽ không bị suy giảm nhiều, không xuống mà đi theo phương nằm ngang. Như vậy các thầy cần có trợ giảng để giúp theo kịp với công nghệ mới.

Một điều nữa, nếu muốn kéo dài thêm thời gian làm việc của các giáo sư, phó giáo sư thì cũng cần giao nhiệm vụ cụ thể, ví dụ một giáo sư được kéo dài thời gian làm việc trong 5 năm, vậy trong thời gian đó thầy phải đào tạo được một số giảng viên tạo nguồn để 5 năm sau số giảng viên đó trở nên vững vàng”.

Thầy Nam nói: “Tùy vào cách nhìn của từng nhà quản lý, riêng trong lĩnh vực học thuật thì tôi cho rằng quý ở sự tinh, chứ không quý ở sự nhiều. Tuy nhiên để giảng dạy trong thời đại công nghệ 4.0 thì các giảng viên đến tuổi nghỉ hưu vẫn phải xác định tiếp tục học và cập nhật bản thân để đáp ứng với sự thay đổi nhanh chóng của giáo dục đại học trong bối cảnh 4.0.

Vì vậy, những giáo sư nhiều tuổi cần được phân công kèm cặp chuyên môn với những giảng viên trẻ, và ngược lại nhận sự được hỗ trợ của giảng viên trẻ trong việc áp dụng kỹ thuật mới, phương pháp tiếp cận dạy học mới phù hợp với xu hướng, có như vậy thì thời gian làm việc được kéo dài thêm mới có ý nghĩa”.

Ai cũng xin ở lại thì lấy đâu ra “chỗ” cho lớp trẻ?

Cũng về vấn đề này, phóng viên tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã trao đổi với Tiến sĩ Trần Hữu Sơn - Viện trưởng Viện Văn hóa dân gian ứng dụng. Tiến sĩ Sơn chia sẻ:

“Theo góc độ những người được kéo dài thời gian công tác thì sẽ thấy rất tốt. Nhưng theo quan điểm của tôi lại thấy không tốt, bởi toàn bộ giai đoạn trước mọi sự học đều “chắp vá” bị ảnh hưởng bởi chiến tranh, điều kiện kinh tế thấp, nguồn học liệu,…

Giờ đây là thời điểm rất cần tuyển dụng lớp trẻ có học thức, được đào tạo ở nước ngoài về, nếu các thầy ai cũng xin ở lại thì lấy đâu ra “chỗ” cho lớp trẻ vào phấn đấu và khẳng định mình? Hơn nữa các thầy ở lại thì ít nhiều cũng phải có mức đãi ngộ, vậy nguồn kinh phí cũng sẽ bị chia sẻ với lớp trẻ?".

Tiến sĩ Trần Hữu Sơn - Viện trưởng Viện Văn hóa dân gian ứng dụng. Ảnh: NVCC.

Tiến sĩ Sơn nêu quan điểm: "Việc làm khoa học cũng như làm kinh doanh, luôn luôn phải học tập, cập nhật kiến thức, công nghệ mới để thích nghi với sự phát triển của xã hội, nhưng đến một độ tuổi nhất định thì những việc này lại “chậm” đi, và các thầy đã đến tuổi nghỉ hưu cũng không nằm ngoài quy luật đó.

Việc kéo dài thời gian làm việc, theo tôi nên để xã hội chi phối việc này. Hiện nay có rất nhiều các hội nghề nghiệp, hội khoa học kỹ thuật…và các hội này hoạt động rất tốt, rất hiệu quả. Nhu cầu của xã hội nếu cần sẽ đặt hàng, và các thầy “bán” chất xám, tranh thủ nghiên cứu các đề tài tại các tỉnh…như vậy sẽ năng động hơn và phù hợp với các giáo sư, tiến sĩ khoa học”.

Việc các thầy được kéo dài thêm thời gian công tác để dìu dắt lớp trẻ kế cận, vấn đề này theo Tiến sĩ Sơn: “Việc này chỉ đúng một phần, nhưng theo tôi cơ chế ở nước ta hiện nay khiến cho người nghỉ hưu cảm giác như hết cơ hội cống hiến. Nhưng ở nhiều nước phát triển trên thế giới, giáo sư về hưu vẫn là chủ nhiệm chương trình, vẫn là chủ nhiệm đề tài nghiên cứu khoa học.

Trường đại học đó vẫn được sử dụng chất xám của các thầy, cũng như vinh danh các thầy tại trường. Đã là chủ nhiệm đề tài thì phải có nghiên cứu sinh, đào tạo thạc sĩ…cả một dây chuyền như thế.

Theo tôi, chúng ta nên làm như vậy, mà đã làm khoa học, nếu không tham gia hội thảo, không nghiên cứu, không giảng dạy, không tiếp cận tư liệu mới,…là “chết”.

Nhưng theo tôi, việc kéo dài thời gian công tác cũng nên giới hạn, với giáo sư không quá 5 năm, chứ cứ 10 năm thì không còn chỗ cho lớp trẻ.

Nhưng điều quan trọng nhất là dù có kéo dài thêm mấy năm đi nữa, nhưng các cơ sở giáo dục đại học nên kí hợp đồng nghiên cứu đề tài trực tiếp với vị giáo sư, tiến sĩ đó, lấy chính tiền đề tài đó để trả lương cho các thầy, ví dụ: Đề tài nghiên cứu về vacxin phòng chống Covid,... Tại sao chúng ta không dùng chính sách cơ chế đó? Tôi thấy cơ chế chính sách của chúng ta hiện nay quá lạc hậu, nếu làm tốt cơ chế đó sẽ giảm được khá nhiều số giáo sư, tiến sĩ không làm được việc, chỉ người có danh mà thôi”.

Tiến sĩ Sơn kiến nghị: “Theo tôi không nên kéo dài thêm thời gian làm việc, cứ đến tuổi là mời các thầy nghỉ theo quy định, còn những ai có năng lực thật sự thì các trường đại học xem xét, kí hợp đồng theo hình thức chuyên gia, theo hình thức nghiên cứu đề tài cụ thể, hình thức dự án và thậm chí kí hợp đồng lâu hơn nữa nếu thật sự có hiệu quả. Tất nhiên là các thầy phải làm được, chứ nếu chỉ kéo dài thời gian làm việc cho có, cho đỡ buồn vì nghỉ hưu thì theo tôi chỉ tốn ngân sách mà thôi”.

Tùng Dương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét