Thứ Sáu, 5 tháng 11, 2021

20211106. BẰNG GIẢ, CHẤT LƯỢNG GIẢ VÀ THAM NHŨNG TRONG GIÁO DỤC

ĐIỂM BÁO MẠNG  
VĂN BẰNG, CHỨNG CHỈ GIẢ, BẰNG THẬT CHẤT LƯỢNG GIẢ 

VÀ NGUY CƠ THIẾU LÒ ĐỐT 'CỦI'

XUÂN DƯƠNG/ GDVN 3-11-2021
GDVN- Không ít ý kiến cho rằng nếu không trừng trị mạnh, pháp luật không đủ sức răn đe thì thói gian dối bằng cấp sẽ còn phổ biến.

Tác giả các tiểu thuyết kiếm hiệp chia giang hồ thành hai phe đối nghịch: Quân tử và Tiểu nhân, mỗi phe lại gồm hai loại người: Quân tử hoặc Ngụy quân tử; Tiểu nhân hoặc Chân tiểu nhân.

Trong bốn loại người này, “Chân tiểu nhân” dù vẫn là những kẻ xấu xa, đê tiện song ngạc nhiên là không bị người đời khinh bỉ mạnh như bọn “Ngụy quân tử”.

Bọn Chân tiểu nhân làm việc xấu một cách công khai, nhiều người biết song không (hoặc chưa) thể làm gì được chúng vì chúng đã “mua” tất cả những chỗ cần mua rồi.

Bọn Ngụy quân tử có cách ngụy trang khiến người tiếp cận cảm giác chúng như “Bồ tát”, như tấm gương về liêm khiết song thực sự lại “miệng nam mô, bụng bồ dao găm”, ẩn chứa phía sau dáng vẻ đạo mạo, sự “nhân ái” là những âm mưu, thủ đoạn, là chuyện giết người không chớp mắt,…

Cuộc sống hiện nay ở nước ta không thiếu những con người, thậm chí là cả những phe nhóm hoặc thuộc vào hàng “Chân tiểu nhân” hoặc là “Ngụy quân tử”.

Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Sở Xây dựng tỉnh Thái Bình Phùng Văn Chiến có thể liệt vào hàng “Chân tiểu nhân” bởi người này chưa tốt nghiệp đại học và đã dùng bằng Kiến trúc sư “rởm” được cho là do Đại học Đông Đô cấp.

Vị Viện trưởng này công khai bằng “rởm” của mình trong hồ sơ, nghĩa là ngài kiến trúc sư rởm này đã “công khai” trình ra cho cơ quan tuyển dụng, cơ quan quản lý một văn bằng “rởm” chứ không lén lút giấu văn bằng đó trong túi hồ sơ.

Phải mất khá nhiều năm, phải do tố cáo của quần chúng mới phát hiện ông Chiến dùng bằng “rởm” không chỉ là lỗi của người xài bằng mà còn là của người/cơ quan xét duyệt hồ sơ, của người đề bạt chức Viện trưởng cho ông Chiến, của cơ quan kiểm tra nơi ông Chiến công tác,…

Ông Chiến xài bằng “Rởm” một cách công khai tức là rất chân thực nên thuộc diện “Chân tiểu nhân” chứ không thể là “Ngụy quân tử”.

Hàng loạt cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ có trong túi các loại văn bằng “xịn” 100%, nghĩa là phôi bằng thật, dấu đỏ thật, chức danh và nhân thân người ký văn bằng cũng thật, chỉ mỗi cái chất lượng kiến thức của người có bằng là “rởm” thì được xếp vào hàng “Ngụy quân tử”.

Ảnh minh họa: Vtv

Nhóm “Ngụy quân tử” về tài năng chắc không thuộc diện dốt ăn, dốt nói, không đến nỗi bét bảng trong chuyện “khoa chân múa tay” trên bục, sau micro nên khá nhiều kẻ lừa được cả cấp trên và … cành bứa (tức là ngang hàng), còn chuyện lừa (hay là đe dọa?) cấp dưới thì khỏi phải bàn luận.

Có nhiều đại diện giới “Ngụy quân tử” được cả xã hội biết đến, trong đó có không ít tên tuổi đã từng đứng sau micro chỉ đạo về phòng, chống tham nhũng, huấn thị về rèn luyện tư cách đạo đức người công bộc của dân nhưng sau chiến dịch đốt lò của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thì cùng nắm tay nhau “xộ khám”.

Chuyện không ít người sử dụng văn bằng, chứng chỉ “rởm” hoặc bằng cấp thật nhưng trình độ “rởm” để chui vào cơ quan nhà nước vốn là chuyện được chính Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận nói rõ: “Thực tế những người có bằng giả hay bằng thật nhưng chất lượng giả chỉ có thể “chui” vào hệ thống công chức nhà nước chứ không thể vào được các doanh nghiệp tư nhân”. [1]

Chuyện này cũng đã được nhiều Đại biểu Quốc hội nêu ý kiến tại các phiên họp Quốc hội. Năm 2019 ông Lê Thanh Vân - Ủy viên Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội phát biểu:

“Trước đây, cơ quan chức năng đã ráo riết làm, phát hiện không ít trường hợp cán bộ dùng bằng cấp giả, trong đó có cả cán bộ cao cấp. Thực tế này cho thấy, việc kiểm soát chất lượng cán bộ và kiểm soát văn bằng, chứng chỉ còn nhiều lỗ hổng”. [2]

Vậy “lỗ hổng” ấy là gì và nằm ở đâu?

Tìm câu trả lời không khó, khó là ở chỗ “chúng ta” có dám chấp nhận câu trả lời ấy là đúng?

Thứ nhất, “lỗ hổng” ấy là gì?

Đó là lỗ hổng luật pháp. Không có bất kỳ điều luật nào trong các bộ luật hoặc văn bản quy phạm pháp luật quy định rõ ràng tội danh “Sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả hoặc bằng thật nhưng chất lượng giả”.

Muốn xử lý hình sự người dùng văn bằng giả chỉ có thể vận dụng 02 điều trong Bộ luật Hình sự:

Điều 340: “Tội sửa chữa và sử dụng giấy chứng nhận, các tài liệu của cơ quan, tổ chức”;

Điều 341: “Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”.

Điều 340 tạo kẽ hở rất lớn không chỉ cho tội phạm mà còn cho người xét xử vận dụng, muốn xử người phạm tội theo điều 340 thì hành vi phạm tội phải đồng thời thỏa mãn hai điều kiện: “sửa chữa” và “sử dụng”. Kẻ chỉ “sửa chữa giấy chứng nhận, các tài liệu của cơ quan, tổ chức” sau đó “để trên bàn” (bản thân không sử dụng) hoặc người chỉ “sử dụng giấy chứng nhận, các tài liệu của cơ quan, tổ chức” nhưng không sửa chữa thì không thể bị xử lý.

Muốn vận dụng điều này để xử lý tội phạm thì phải thay liên từ “và” bởi từ “hoặc”.

Khoản 1, điều 341: “Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ đó thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm” cho thấy khung hình phạt quá rộng và không có tính răn đe nghiêm khắc.

Sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả mạo để leo cao, chui sâu vào cơ quan công quyền mà chỉ bị phạt 30 đến 100 triệu đồng thì khác gì gãi ngứa cho bọn tham nhũng.

Báo Cand.com.vn viết:

“Theo ông Nguyễn Phước Thiện, Ủy viên Thường vụ tỉnh Cà Mau, tại cuộc họp mới đây, Bí thư Tỉnh ủy Võ Thanh Bình đã cho tài xế mang vào phòng họp 100 triệu đồng. Ông Bình cho biết đây là khoản "chạy chức" của cấp dưới, tuy nhiên, không tiết lộ danh tính người đưa tiền”. [3]

Phải chăng chính vì pháp luật chưa đủ sức răn đe nên không ít ý kiến cho rằng nếu không ban hành các điều luật mới, không trừng trị thật mạnh bọn sử dụng giấy tờ giả mạo thì thói gian dối bằng cấp sẽ còn phổ biến và đội ngũ cán bộ tha hóa sẽ vẫn sống khỏe dù thỉnh thoảng vài kẻ bị vào lò.

Thứ hai, “lỗ hổng” ấy nằm ở đâu?

Vụ việc Đại học Đông Đô cấp 431 văn bằng, giấy chứng nhận giả (tiếng Anh hệ chính quy văn bằng 2) đã được cơ quan công an kết luận, theo đó 210 trường hợp được cấp văn bằng, giấy chứng nhận giả đã được kiến nghị xử lý theo quy định. Còn 221 trường hợp được cấp văn bằng giả đã xác định được họ tên, tuổi người được cấp bằng nhưng không xác định được nơi cư trú, đơn vị công tác. [4]

Vì sao lại “không xác định được nơi cư trú, đơn vị công tác” của hơn 200 người mặc dù đã biết họ, tên, tuổi (tức là ngày sinh) của họ?

Vấn đề tiếp theo là công tác quy hoạch, bổ nhiệm, tuyển dụng cán bộ.

Tiêu chuẩn mỗi chức danh viên chức, công chức đều kèm theo một loạt văn bằng, chứng chỉ và phải chăng đây chính là nguyên nhân khiến tệ nạn dùng bằng giả tràn lan không kiểm soát được?

Liệu Chính phủ có nên ban hành một văn bản quy phạm pháp luật, kèm theo một công cụ công nghệ thông tin (sử dụng trí tuệ nhân tạo) để hậu kiểm tính hợp pháp của văn bằng, chứng chỉ cùng với hậu kiểm trình độ người dự kiến tuyển dụng, bổ nhiệm?

Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Thanh Vân cho rằng:

“Không chỉ với những người có nhu cầu văn bằng, chứng chỉ giả để xin việc làm mà với cả những cán bộ “nguồn” muốn có thêm văn bằng, chứng chỉ để cạnh tranh, leo lên các chức vụ cao hơn nhưng lại không muốn thi hoặc không có thời gian đi học”. [4]

Ý kiến của ông Lê Thanh Vân cho thấy chừng nào việc lựa chọn “cán bộ nguồn” còn dựa vào ý kiến chỉ đạo theo quy hoạch, không (hoặc chưa) tổ chức thi tuyển hoặc thi tuyển không minh bạch thì chuyện sử dụng bằng giả hoặc bằng thật chất lượng giả vẫn còn đất sống.

Vậy hiện nay, liệu có thể và bằng cách nào xác định trong toàn hệ thống, có bao nhiêu người đang sử dụng văn bằng chứng chỉ giả hoặc bằng thật chất lượng giả?

Nếu không tổng rà soát văn bằng chứng chỉ toàn bộ công chức, viên chức, nếu cứ xem vấn nạn bằng giả chỉ là một lỗi nhẹ so với việc bòn rút ngân sách, nhận hối lộ, hống hách với dân,… thì có lẽ những người như ông Phùng Văn Chiến sẽ không thiếu đất sống và tình trạng thiếu lò đốt củi sẽ sớm xuất hiện.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/bang-gia-chi-lot-duoc-vao-co-quan-nha-nuoc-163130.html

[2] https://vov.vn/chinh-tri/can-bo-dung-van-bang-chung-chi-gia-con-bao-nhieu-nguoi-chua-bi-lo-981114.vov

[3] https://cand.com.vn/thoi-su/Bi-thu-Tinh-uy-nop-100-trieu-dong-tien-chay-chuc-i125714/

[4] https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/khong-xac-dinh-duoc-noi-cong-tac-cua-nhieu-nguoi-dung-bang-gia-truong-dong-do-761129.html

Xuân Dương
VÌ SAO CÓ SỰ BẮT TAY GIỮA CÁC NHÓM LỢI ÍCH Ở BỘ GIÁO DỤC, DẪN ĐẾN NHỮNG DỐI TRÁ TRONG NGÀNH ?
NGUYỄN XUÂN DIỆN/ TD 26-10-2021

CHUYỆN Ở TRƯỜNG CAO ĐẲNG NGHỆ THUẬT HÀ NỘI (SỐ 7 HAI BÀ TRƯNG, HN)

Do một quy định thiển cận, sai lầm về Giáo dục văn hóa phổ thông trong các trường nghệ thuật của Bộ Giáo dục Đào tạo, thể hiện tại văn bản số 4553/ BGDĐT-VP ban hành ngày 8/10/2021 về việc Thông báo Ý kiến Kết luận của Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ, dẫn đến bức xúc lớn của hàng ngàn phụ huynh học sinh, trong đó có 500 phụ huynh học sinh Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội do Ca sĩ Minh Ánh làm hiệu trưởng. Cụ thể như sau:

1- CĐ Nghệ thuật Hà Nội có Khoa Văn hóa Phổ thông, có cơ sở trường lớp, có đội ngũ giáo viên, mà Bộ không cho trường này tự đào tạo mà phải “liên kết” với Trung tâm Giáo dục Thường Xuyên quận Ba Đình. Học sinh bắt buộc phải lên cơ sở Tân Ấp để học (thuê mấy dãy nhà của trường Trung cấp Tài chính Kế toán, thu mỗi em 1 triệu đồng/1 năm); trong khi mặt bằng của nhà trường thì cho thuê đã nhiều năm.

Việc dạy do Trung tâm GDTX đảm nhận, việc phê học bạ, cấp bằng cũng do Trung tâm này cấp. Học sinh học ở đây chỉ được cấp bằng của Trung tâm Giáo dục Thường Xuyên, chứ không phải CĐ Nghệ thuật HN cấp.

Tại cuộc họp chiều nay giữa lãnh đạo nhà trường với 25 phụ huynh đại diện, Bà Phó hiệu trưởng Nguyễn Tuyết Ánh giải thích với phụ huynh rằng đó là làm theo Luật Giáo dục năm 2019.

Tại sao “làm theo” Luật Giáo dục 2019, mà Hiệu trưởng cũng là Đại biểu Quốc hội Dương Minh Ánh tham gia bấm nút mà đầu vào Tuyển sinh các năm 2019, 2020 nhà trường không thông báo cho phụ huynh biết?

Điều này trái với Giấy triệu tập học có lời cam kết rằng học sinh sẽ được trường cấp văn bằng của nhà trường. Một sự lừa gạt đối với học sinh và các bậc cha mẹ học sinh!

2. Trước đó, Sở Giáo dục Đào tạo Hà Nội có các văn bản hướng dẫn Về việc giảng dạy Chương trình Giáo dục Thường xuyên cấp THCS và cấp THPT trong các trường đào tạo nghệ thuật.

Theo đó, “từ năm học 2021-2022, trường đào tạo nghệ thuật phải PHỐI HỢP với trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên trên địa bàn tổ chức giảng dạy văn hóa đối với học viên của các trường đào tạo nghệ thuật…”.

Vì sao lại phải “Phối hợp” với một trung tâm Giáo dục thường xuyên, trong khi trường Cao Đẳng Nghệ thuật Hà Nội có Khoa Văn hóa phổ thông, có đội ngũ giáo viên, và đã từng ghi học bạ và cấp bằng những năm trước đây?

Sở yêu cầu PHỐI HỢP, tức là Trường vẫn giữ vai trò chủ đạo. Tại sao trong suốt buổi họp với 25 đại diện của 500 phụ huynh, lãnh đạo nhà trường lại dùng chữ LIÊN KẾT? Ý đồ gì đây?

Có sự ngoắc nối giữa các nhóm lợi ích chăng?

Tại sao Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội lại tự tước bỏ vai trò của khoa Văn hóa Phổ thông, tước bỏ việc giảng dạy của đội ngũ giáo viên và việc cấp bằng tốt nghiệp cho chính học sinh của mình?

Tại sao việc Nhà trường không còn cấp bằng tốt nghiệp THPT cho chính học sinh của mình, do chính giáo viên của trường dạy, học sinh sẽ phải nhận bằng Tốt nghiệp của Trung tâm Giáo dục Thường xuyên Quận Ba Đình, mà nhà trường giấu giếm 2 năm nay, giờ phụ huynh học sinh mới biết. Nếu phụ huynh biết trước con họ chỉ được cấp bằng Trung tâm Giáo dục Thường xuyên Quận Ba Đình thì có lẽ họ không bao giờ cho con họ vào học trường này!

Đề nghị Bộ Giáo dục Đào tạo, Sở Giáo dục Đào tạo Hà Nội và Trường Cao đẵng Nghệ thuật Hà Nội nghiêm túc xem xét lại vấn đề này!

Thanh danh của một nhà trường có thâm niên, sự tôn trọng đối với học sinh, với phụ huynh và với ngành đào tạo ra các thế hệ nghệ sĩ cho thủ đô không thể bị hủy hoại bởi những văn bản chỉ đạo thiếu cân nhắc, vô lối và thiểu năng như vậy!



Ảnh trên mạng
Nguyễn Xuân Diện
ĐƯỜNG ĐI CỦA THAM NHŨNG
THÁI HẠO/ TD 1-11-2021

Có thể nhiều bạn chưa hình dung được cơ chế của tham nhũng, xin ví dụ thế này cho dễ hiểu. Hồi còn đi dạy, tôi làm tổ trưởng chuyên môn của tổ Văn, do đặc thù trường chuyên nên một số “môn chính” quyền tuyển dụng giáo viên sẽ do tổ trưởng quyết.

Điều mà tôi không ngờ tới là người ta mang “quà” tới nhà, sinh viên mới ra trường cũng có mà người đã dạy lâu năm cũng có. Có người còn hẹn gặp chỗ này chỗ kia để “nói chuyện”.

Chúng ta đều biết để “xin” được vào một trường công lập, lại là trường chuyên thì không dễ, cái giá chạy việc ở nhiều nơi là rất cao, lên đến hàng trăm triệu như báo chí nêu nhan nhản. Nếu tham lam thì chỉ cần ở vị trí tép riu như tôi thôi, sau dăm năm là có thể giàu.

Ai giám sát được tôi? Về cơ bản là không ai cả, các giáo viên hiện có mặt trong tổ đều “dưới trướng” tôi, BGH hay người tổ khác thì không rành về chuyên môn, sao có thể danh chính ngôn thuận mà đánh giá được.

Cứ thế, nếu vì tiền mà tuyển dụng thì hậu quả sẽ thế nào? Thì tôi sẽ tuyển được một đội ngũ vừa kém về tư cách và chưa chắc đã ổn về chuyên môn, nếu không nói là dốt.

Hơn nữa, người ta sẽ nhìn nhau mà cư xử. Khi tôi tuyển dụng bằng tiền (hay quen biết, máu mủ) thì những người dù có năng lực nhưng không có tiền cũng đành chịu. Thế là họ phải lựa chọn, bước đầu tiên là đau đớn cất cái tư cách của mình vô một cái xó nào đó mà thường là ít khi lôi ra dùng lại nữa; tiếp theo là đi vay mượn hoặc bán đất đai để “xin việc”.

Vòng luẩn quẩn sẽ tiếp diễn. Giữa thời buổi đất chật người đông, có được một công việc là điều may mắn phúc đức, khi họ vào trường thì dù có thấy sai trái bất công cũng đành im để giữ chỗ đứng của mình. Rồi những thứ tệ lậu khác sẽ tiếp nối sinh ra, khi mà người ta đã bỏ tiền “đầu tư” thì phải thu hồi vốn và phải có lãi. Dạy thêm, lạm thu, rút ruột v.v. từ đây mà nảy nở.

Một cung cách tuyển dụng như thế hoặc chỉ tuyển được người kém cỏi hoặc sẽ hủy hoại luôn những người tử tế, và nó tạo thành một môi trường làm việc yếm khí: không đấu tranh, không cất tiếng; tệ bè phái, xu nịnh sinh ra. Những người tử tế sẽ chọn cách ra đi hoặc sống mòn, cơ quan thành nơi cho bọn người tồi tệ tung hoành. Mọi thứ cứ theo đó mà hủ bại dần.

Đây là bức tranh “xin việc” đang phổ biến hiện nay trong hầu khắp các lĩnh vực công. Một giáo viên được tuyển theo cách ấy thì chỉ làm hỏng một số học trò; nhưng nếu một ông quan cai quản cả một xã, một huyện, một tỉnh, một ngành mà nếu cũng theo cách ấy thì thử hỏi làm sao xã hội không bị phá nát cho được? (Ở điểm này tôi không đồng tình với ông Khổng tử khi ông ấy cho rằng làm thầy mới là hệ trọng nhất).

Cho nên, muốn thay đổi giáo dục (hay bất kỳ lĩnh vực nào thì cũng thế) phải bắt đầu từ việc làm trong sạch khâu tuyển dụng. Nếu không có được một cơ chế chọn người một cách khoa học, minh bạch, và một hệ thống đánh giá, giám sát khách quan có tính đối chọi thì mọi nỗ lực khác đều đổ sông đổ biển.

Làm sao để tôi không thể nhận tiền khi tuyển người? Về bản chất, nếu cấp trên tuyển thay cho cấp dưới thì cũng thế, không thay đổi được gì. Ví dụ, sở giáo dục đứng ra tuyển giáo viên rồi giao về cho trường thì tình hình còn tệ hơn. Vì đó là ngành dọc, vẫn là “trong nhà” bảo nhau. Nó không thể là một cách làm đáng tin.

Trước hết, một mình tôi không thể được quyền tuyển; một hội đồng mà toàn “phe tôi” thì cũng vô ích. Tại sao các trường ở nước ngoài có quyền phong giáo sư nhưng họ lại gửi hồ sơ của ứng viên cho các giáo sư ngoài trường chấm? Tại sao họ có các trung tâm khảo thí độc lập với nhà nước? Vì để đảm bảo tính khách quan, minh bạch, công bằng. Ta vừa tự tuyển, tư dùng, vừa tự kiểm tra, tự đánh giá, tự cất nhắc; trong khi chất lượng giáo dục thì “cha chung không ai khóc”. Tóm lại là người tuyển dụng không phải chịu trách nhiệm trước xã hội thì làm sao không mục nát cho được.

Như vậy, chỉ khi nào không còn tập quyền nữa, khi đó vấn đề mới được giải quyết. Cơ chế sinh ra tham nhũng, phải sửa cái cơ chế ấy, chứ không thể ra sức “đập ruồi trên bãi rác” mà được.

Thái Hạo

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét