Chủ Nhật, 31 tháng 7, 2022

20220801. VIẾT VỀ ĐẠI TÁ AN NINH NGUYỄN ĐĂNG QUANG VỪA QUA ĐỜI

ĐIỂM BÁO MẠNG


THƯƠNG TIẾC ĐẠI TÁ AN NINH NGUYỄN ĐĂNG QUANG VỪA QUA ĐỜI

FB PHẠM ĐÌNH TRỌNG/ BVN 29-7-2022

THƯƠNG TIẾC NGƯỜI BẠN LỚN ĐẠI TÁ NGUYỄN ĐĂNG QUANG

11-11-1942  –  27-7-2022

Bauxite Việt Nam

Tran Dai Quang-Le Dinh Kinh

1. Mùa hè năm 1963, tốt nghiệp trung học phổ thông, chàng trai vừa bước vào tuổi hai mươi Nguyễn Đăng Quang cũng trúng tuyển nghĩa vụ quân sự và được tuyển vào công an. Anh lính công an trẻ măng, mặt mũi sáng láng có bằng tú tài liền được tổ chức công an cử đi học tiếng Anh ở trường đại học ngoại ngữ Thanh Xuân, Hà Nội. Tốt nghiệp khoa tiếng Anh trường ngoại ngữ, Nguyễn Đăng Quang lại vào trường An Ninh học nghiệp vụ của công việc thầm lặng, đơn độc, đòi hỏi trí tuệ minh mẫn, tỉnh táo và ý chí vững vàng.

Nguyễn Đăng Quang luôn đạt điểm cao trong suốt những năm đèn sách là bằng chứng của trí tuệ minh mẫn và trở thành đảng viên cộng sản là bằng chứng của ý chí vững vàng.

Minh mẫn, tỉnh táo và ý chí vững vàng đã đưa người lính công an chìm Nguyễn Đăng Quang tới công cán ở các nước phát triển hàng đầu của thế giới tư bản với tư cách quan chức ngoại giao của nhà nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà hôm qua, nhà nước Việt Nam Xã Hội chủ Nghĩa hôm nay và đưa Nguyễn Đăng Quang tới hàm đại tá an ninh.

Minh mẫn và tỉnh táo, Nguyễn Đăng Quang nhận ra xã hội tư bản với luật pháp dân chủ tư sản coi người dân là chủ thể đất nước và việc đầu tiên của mọi nhà nước dân chủ tư sản, từ nhà nước tư bản hoang dã đến nhà nước tư bản văn minh là xây dựng hệ thống pháp luật bảo đảm quyền con người, quyền tự do thiêng liêng và quyền làm chủ đất nước của người dân. Nhờ vậy, trí tuệ, tài năng của người dân được khai thác triệt để, được phát huy cao nhất, đưa đất nước phát triển mau lẹ và mạnh mẽ, tạo ra cuộc sống giầu sang và nâng con người lên tầm vóc lớn lao.

Minh mẫn và tỉnh táo, Nguyễn Đăng Quang nhận ra trong khi các nước tư bản không ngừng hoàn thiện luật pháp bảo đảm quyền của người dân thì các nước cộng sản lại hối hả, gấp gáp làm ra luật pháp để tước quyền của người dân. Trong khi các nước tư bản liên tục làm cách mạng khoa học kĩ thuật đưa loài người tới những nền văn minh rực rỡ, văn minh công nghiệp, văn minh tin học thì các nước cộng sản chỉ chăm chăm làm cách mạng xã hội tước quyền sống, quyền làm người của người dân, dìm đất nước trong bạo lực chuyên chính vô sản và dìm người dân vào bầy đàn nô lệ.

Minh mẫn và tỉnh táo, Nguyễn Đăng Quang đau xót nhận ra sự lầm lạc khi mang cả cuộc đời cống hiến cho lí tưởng cộng sản. Sau bốn mươi năm lầm lạc, mùa hè năm 2003 về nghỉ hưu trí, đại tá an ninh Nguyễn Đăng Quang lặng lẽ loại bỏ lí tưởng cộng sản ra khỏi cuộc đời mình bằng cách huỷ bỏ giấy chuyển sinh hoạt đảng, không nộp cho đảng uỷ quận Cầu Giấy, nơi đại tá Nguyễn Đăng Quang cư trú.

Dù đã ở với nhau, đã chịu đựng nhau cả thời tuổi trẻ nhưng sự khác biệt lí tưởng thẩm mĩ, khác biệt bảng giá trị cuộc sống ngày càng lớn thì hai vợ chồng chia tay nhau là tất yếu. Coi việc từ bỏ đảng cộng sản là tất yếu, mười bảy năm đã qua đi, thanh thản và nhẹ nhõm trong cuộc sống thường dân, đại tá Nguyễn Đăng Quang đã quên hẳn việc bỏ đảng cộng sản thì đầu năm 2020 đảng uỷ quận Cầu Giấy lại gây sự, khoét lại nỗi đau lầm lạc niềm tin của đại tá Nguyễn Đăng Quang bằng việc công bố trong đảng và gửi đến nhà đại tá Nguyễn Đăng Quang quyết định xoá tư cách đảng viên đảng cộng sản Việt Nam của đảng viên Nguyễn Đăng Quang vì đã vi phạm qui định chuyển sinh hoạt đảng.

Bị khoét lại nỗi đau lầm lạc niềm tin, đại tá Nguyễn Đăng Quang phải nói rõ nguồn cơn ông từ bỏ đảng cộng sản trong bài viết Tôi Đã Khai Trừ Đảng Ra Khỏi Lòng Tôi: Ngay khi còn đang phục vụ trong lực lượng vũ trang, tôi đã âm thầm “khai trừ đảng khỏi lòng tôi” rồi. Tôi đã thực hiện điều này trong lặng lẽ, tức chỉ có tôi biết. Chính xác việc trên từ khi nào, tôi không nhớ rõ, chỉ biết nó bắt đầu ngay sau khi nhận ra mình đặt lòng tin nhầm chỗ.

Trong bài viết, đại tá Nguyễn Đăng Quang liệt kê mười niềm tin lầm lạc của ông, mười nỗi thất vọng ê chề với lí tưởng mà ông đã hiến dâng cả cuộc đời làm việc. Dẫn lại đủ mười điều làm đại tá Nguyễn Đăng Quang phải khai trừ đảng cộng sản trong lòng mình sẽ quá dài. Chỉ xin dẫn một điều để thấy sự minh mẫn, tỉnh táo của trí tuệ Nguyễn Đăng Quang, để thấy tấm lòng trung thực của tâm hồn Nguyễn Đăng Quang.

Điều đầu tiên trí tuệ tâm hồn Nguyễn Đăng Quang phải khai trừ đảng ra khỏi lòng mình là “Nhà nước Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam là nhà nước toàn trị, chuyên chế, phi dân chủ. Áp đặt vào Hiến pháp điều 4 “Đảng cộng sản Việt Nam là lực lượng duy nhất lãnh đạo nhà nước và xã hội”, đảng đã tước đoạt quyền dân, đảng đã vô lý và ngang ngược bắt toàn xã hội phải chấp nhận ý chí của một thiểu số. Đã thế, đảng lại không chịu trách nhiệm với bất cứ quyết định nào về mặt pháp lý của mình. Chưa loại bỏ điều luật phi lý và phi pháp này, chưa thể có dân chủ. Thử hỏi có chính đảng nào trên thế giới lại ngang nhiên mặc định trong Hiến pháp sự độc quyền lãnh đạo nhà nước và xã hội như đảng cộng sản Việt Nam?”

2. Còn gì đau hơn khi cả đời tận tuỵ cống hiến cho lí tưởng cộng sản, đến cuối đời phải viết bài dài trên nhiều trang báo mạng lề dân thú nhận bản chất cộng sản, thú nhận lí tưởng cả đời con người trung thực Nguyễn Đăng Quang theo đuổi chỉ là : Xảo trá, lật lọng là bản chất và thuộc tính mang thương hiệu cộng sản. Đó là sự sụp đổ đau đớn của niềm tin cộng sản. Nỗi đau lớn nhất của tâm hồn, trí tuệ Nguyễn Đăng Quang là cả cuộc đời cúc cung tận tuỵ cho sự dối trá, lừa đảo, cho một nhà nước không có dân chủ, cho một đảng tước đoạt quyền dân.

Rời bỏ đảng cộng sản để chữa lành nỗi đau niềm tin sụp đổ là chưa đủ. Nguyễn Đăng Quang đến với nỗi đau của người dân trong tai ương cộng sản như đến với phương pháp trị liệu tốt nhất, như đến với nỗi đau của chính mình.

Nguyễn Đăng Quang đến với nỗi đau của người dân trong tai ương cộng sản ở Thủ Thiêm, ở vườn rau Lộc Hưng, Sài Gòn, ở Đồng Tâm, Hà Nội bằng những bài viết sắc sảo lí lẽ, thấu đáo luật pháp và luật đời, chỉ ra sai trái và tội ác của nhà cầm quyền cộng sản làm điều phi pháp và thất đức gây tội ác quá lớn với dân. Những bài viết chân tình nâng đỡ người dân đau khổ, mất mát trong tai ương không gục ngã, cũng không đau buồn đến quẫn trí rồi liều lĩnh, dại dột. Đặc biệt với người dân Đồng Tâm, Nguyễn Đăng Quang như một bộ não, như một nguồn sáng dẫn đường.

Người dân Đồng Tâm có lão làng Lê Đình Kình mang ý chí giữ đất chính đáng và hợp pháp gắn kết người dân thành một khối vững bền. Người dân Đồng Tâm lại có trí tuệ Nguyễn Đăng Quang chỉ đường đi nước bước và tấm lòng Nguyễn Đăng Quang nối người dân Đồng Tâm với tấm lòng người dân cả nước.

Ngoài gần hai mươi bài viết của trí tuệ và tấm lòng Nguyễn Đăng Quang về Đồng Tâm đã đăng trên các trang mạng lề dân, trong những văn bản, đơn thư của người dân Đồng Tâm như Người Dân Đồng Tâm Gửi Thư Cầu Cứu Trung Ương, ngày 23.1.2018, Người Dân Đồng Tâm Gửi Tâm Thư Tới Hội Nghị Trung Ương 7 ngày 19.4.2018, Người Dân Đồng Tâm Gửi Tâm Thư Cầu Cứu Quốc Hội ngày 21.5.2018 đều có dấu ấn của trí tuệ và tấm lòng Nguyễn Đăng Quang.

3. Đi bộ từ điểm dừng xe buýt đến nhà số 7 phố Quan Hoa, Cầu Giấy, từ xa tôi đã thấy dáng anh Nguyễn Đăng Quang thấp, đậm, chắc nịch đứng ở vỉa hè trước nhà đón tôi. Anh dẫn tôi lên gác hai, vào phòng riêng của anh. Tôi ngồi bên anh Nguyễn Đăng Quang ở bộ ghế nệm da chụp tấm ảnh ghi nhớ cuộc gặp. Anh dẫn tôi đến trước màn hình laptop trên bàn làm việc bên khung cửa kính nhìn xuống phố Quan Hoa và một đoạn sông Tô Lịch. Anh đọc cho tôi nghe bài anh đang viết.

Nhiều lần tôi nhận được cuộc gọi của anh sau bài viết của tôi đăng trên các trang mạng. Đó là những bài anh tỏ ra đồng tình, và anh gọi cho tôi như một sự biểu dương. Những bài viết có tên Nguyễn Đăng Quang đăng trên các trang mạng lề dân tôi đều đọc chăm chú bởi tư thế lừng lững của bài viết, bởi bài viết mang tấm lòng chân tình, đôn hậu, bởi câu chữ điềm đạm và lập luận chặt chẽ, thấu đáo của người viết. Nhưng chưa một lần tôi gọi cho anh Nguyễn Đăng Quang về bài viết của anh.

Vào Sài Gòn với con gái Quế Nga, anh Nguyễn Đăng Quang đều đến thăm tôi. Tôi ra Hà Nội đều phôn hẹn gặp anh. Đầu năm 2019, biết tôi ra Hà Nội, anh Quang liền tổ chức chuyến đi Yên Thuỷ, Hoà Bình thăm gia đình người nông dân tần tảo với đất đai và lẫm liệt trước bạo quyền cộng sản, gia dình anh chị Trịnh Bá Khiêm – Cấn Thị Thêu. Chuyến đi không bao giờ quên này còn có các anh Thái Kế Toại, Nguyễn Tiến Dân, Vũ Mạnh Hùng.

Cũng năm 2019 nhưng cuối năm khi ngọn gió heo may xào xạc trên vòm sấu đầu phố Phan Đình Phùng cạnh vườn hoa Hàng Đậu vô cùng thân thuộc với tôi, tôi lại có mặt ở Hà Nội. Biết tôi vừa ra Hà Nội, anh Nguyễn Đăng Quang gợi ý tôi nên về Đồng Tâm không khí đang ngột ngạt như trước trận bão dữ. Anh phôn cho lão làng Lê Đình Kình dặn dò việc đón tôi. Vì vậy khi tôi về Đồng Tâm, cụ Kình đã nhường cho tôi căn buồng của cụ. Tôi đã có hai đêm ngủ trên tấm nệm cụ Kình vẫn ngủ. Và bốn mươi ngày sau, rạng sáng ngày 9.1.2020 tấm nệm đó đã thấm đẫm máu cụ Kình, tường căn buồng găm đầy vết đạn công an xả súng giết cụ Kình.

Viết những dòng này tưởng nhớ anh Nguyễn Đăng Quang khi anh vừa rũ bỏ bụi trần về thế giới người Hiền sáng ngày 27 tháng bảy 2022, tôi lại da diết nhớ lão làng Lê Đình Kình và nhớ nhân cách Nguyễn Đăng Quang hai gương mặt đẹp ở một thời đau buồn và xấu xí. Hai gương mặt, hai tên tuổi sẽ đi vào lịch sử và còn mãi với lịch sử Việt Nam, còn mãi trong lòng mọi thế hệ người Việt Nam yêu nước.

_____

Một số hình đại tá an ninh Nguyễn Đăng Quang:

Có thể là hình ảnh về 1 người và trong nhà

Có thể là hình ảnh về 1 người, đang ngồi và trong nhà

Có thể là hình ảnh về 4 người, mọi người đang đứng và trong nhà

Có thể là hình ảnh về 2 người, mọi người đang ngồi và trong nhà

Có thể là hình ảnh về 2 người, mọi người đang ngồi và trong nhà

Có thể là hình ảnh về 3 người, mọi người đang ngồi và trong nhà


P.Đ.T.

Nguồn: FB Phạm Đình Trọng





Thứ Bảy, 30 tháng 7, 2022

20220731. NGƯỜI BỊ KỶ LUẬT LẠI RAO GIẢNG ĐẠO ĐỨC !?

 ĐIỂM BÁO MẠNG


SAO CỨ ĐỂ NGƯỜI BỊ KỶ LUẬT RAO GIẢNG ĐẠO ĐỨC ?

NGUYỄN ĐĂNG TẤN/ TVN 29-7-2022

Trong hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt nghị quyết Trung ương 5 (khóa 13) vừa qua, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương có những phát biểu mang tính định hướng rất quyết liệt.

Có hai vấn đề Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai nhấn mạnh khi truyền đạt chuyên đề “Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới”, đó là “vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ" và "không thể để cán bộ bị kỷ luật ngồi đó mãi”.

Vi phạm nguyên tắc dân chủ hay “quyền lực bị tha hóa”

Vừa qua, các tổ chức, cá nhân bị kỷ luật hầu hết đều vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ.


Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Lao Động

Thật ra không phải họ không hiểu nguyên tắc này. Trong chương trình giáo dục chính trị từ cơ sở, Đảng đã nhấn mạnh đến nguyên tắc “tập trung dân chủ”, nghĩa là khi vào Đảng, mỗi đảng viên đã được trang bị. Còn cán bộ học chương trình trung cấp, cao cấp lí luận, không những họ hiểu mà còn là những người truyền dạy cho cấp dưới.

Có một thực tế khôi hài là họ biết mà vẫn vi phạm. Hay nói một cách khác, trong họ có hai con người mà một học thuyết đã chỉ ra, đó là “con người kép” hay “con người đóng vai”. Trên diễn đàn họ nói rất hay nhưng đó là nói theo vai của họ được phân công, còn con người thật của họ lại khác. Nhiều vị cán bộ thuyết giáo về tội tham nhũng, tham ô, về nguy cơ, tác hại rất hay nhưng thực chất bản thân họ lại không thực hiện, không làm như vậy.

Lại nói về nguyên tắc “tập trung dân chủ”. Nội dung có nhiều nhưng điểm cốt lõi là “tự do trong thảo luận, thống nhất trong hành động” và “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách”. Chính “cá nhân phụ trách” mới sinh ra tha hóa từ đây. Khi có quyền lực trong tay, họ mặc sức thể hiện theo cái tôi của mình. Cái “lồng cơ chế” như Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nói chưa đủ để “nhốt” quyền lực.

Trong nhiệm kỳ 2016-2020, theo thống kê đã thi hành kỷ luật 664 tổ chức cơ sở đảng, tăng 114 tổ chức so với nhiệm kỳ trước. Tính trung bình mỗi năm thi hành kỷ luật hơn 100 tổ chức. Riêng năm 2021, dù đang dịch bệnh nhưng đã thi hành kỷ luật 223 tổ chức đảng, một con số thật đáng báo động.

Theo Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, tập trung dân chủ là nguyên tắc cốt tử trong hoạt động Đảng, song có nơi thực hiện chưa nghiêm. Các tổ chức cơ sở đảng bị kỷ luật đa phần vi phạm nguyên tắc này. Có nơi dùng ý chí của người đứng đầu áp đặt chủ quan, không tôn trọng dân chủ. Ngược lại, có một số nơi lại thả nổi, người đứng đầu không chịu trách nhiệm, sợ trách nhiệm.

Dùng ý chí của người đứng đầu áp đặt chủ quan là nguồn gốc là những vi phạm chính trong thời gian vừa qua.

Vụ chuyển nhượng đất của ông Tất Thành Cang cho tập đoàn tư nhân cũng là tự cá nhân quyết định, không bàn với Thường vụ vì lúc đó Bí thư vừa mới bị kỷ luật, ông là Thường trực nên tự quyết.

Hay vụ ông Vũ Huy Hoàng chỉ đạo cấp dưới sử dụng khu đất tại số 2-4-6 Hai Bà Trưng (phường Bến Nghé, quận 1, TP.HCM) và tiền của Sabeco góp vốn với các doanh nghiệp tư nhân thành lập Sabeco Pearl để thực hiện dự án kinh doanh bất động sản. Sau khi góp lại chỉ đạo Sabeco thoái toàn bộ vốn góp (chuyển nhượng vốn) của Sabeco tại Sabeco Pearl cho doanh nghiệp tư nhân. Thế là sau một vòng, tài sản nhà nước sang tài sản tư nhân trái pháp luật.

Còn rất nhiều vụ án mà người đứng đầu đều vi phạm nguyên tắc “tập trung dân chủ”. Mới đây như vụ Bí thư Bình Dương hay Phú Yên… trong kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương đều nói rất rõ điều đó.

Cái nguy hại của “tha hóa quyền lực” chính là sự ảo tưởng về quyền lực. Tổ chức, nhân dân giao cho họ quyền để làm việc, mưu cầu lợi ích cho tập thể nhưng lại dùng quyền đó phục vụ cho cá nhân, cho “cánh hẩu", cho người thân.

Bác Hồ đã từng cảnh báo về sự “tha hóa” này và nhấn mạnh những quyền lực đó thực chất là nhân dân giao để làm viêc, cán bộ chỉ là “đầy tớ của nhân dân”.

Những vi phạm nguyên tắc này thật nguy hại. Nguy hại vì họ đứng trên tập thể, “tổ chức là ta mà Đảng cũng là ta”. Cũng vì thiếu dân chủ, thiếu cơ chế kiểm soát nên họ mặc sức dùng ý chí chủ quan trong công việc, trong chỉ đạo. Nói tập thể cấp ủy vi phạm trong thời gian qua nhưng thực chất là người đứng đầu áp đặt ý chí lên tập thể, tập thể không dám đấu tranh, buông lỏng nguyên tắc này, “đấu tranh thì tránh đâu”.

“Không để cán bộ bị kỷ luật ngồi đó mãi”

Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai đã có một chỉ đạo rất hợp lòng dân “không thể để cán bộ bị kỷ luật ngồi đó mãi”.


Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai. Ảnh: Lao Động

Bà đề nghị có sự phối hợp của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, khi tổ chức cơ sở đảng bị kỷ luật, phải thay cấp ủy viên. “Nếu giữ nguyên sẽ không có được lòng tin, bởi bộ phận này nằm sát dân, sát cơ sở. Không thể để mấy ông cán bộ bị kỷ luật ngồi đó mãi, ảnh hưởng lòng tin của dân với Đảng”.

Không chỉ ở cấp cơ sở mà chính ở cấp cao hơn cũng sẽ có những tác động rất xấu đến quần chúng nhân dân. Một người đã bị kỷ luật nói không ai nghe. Một người giảm uy tín hay không gương mẫu nói cũng không ai nghe. Người cán bộ phải là người đi đầu, “lo trước thiên hạ, hưởng sau thiên hạ” như Bác Hồ nói mới làm gương, lôi cuốn được quần chúng.

Cán bộ không thể mãi “đóng vai”, không thể là “con người kép”, không thể là diễn viên đóng kịch vào vai ai sẽ có kịch bản, mà lời nói phải luôn đi liền với hành động.

Một lãnh đạo ở TP.HCM khi nói về làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nói về tham nhũng và chống tham nhũng thì rất hay nhưng sau đó lại bị Đảng đề nghị thi hành kỷ luật về “vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, có khuyết điểm nghiêm trọng trong quá trình thực hiện dự án đầu tư khu đô thị mới Thủ Thiêm, gây hậu quả rất nghiêm trọng, làm thiệt hại lớn tiền và tài sản của Nhà nước, ảnh hưởng xấu đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của một bộ phận nhân dân thành phố, gây bức xúc trong xã hội”…

Hiện nay, việc thi hành kỷ luật của Đảng phải trải qua các quy trình nên nhiều trường hợp chưa kịp xem xét. Vì thế hàng ngày họ vẫn đi rao giảng đạo đức, rao giảng sự liêm chính. Chính việc làm này lại có tác dụng ngược lại. Bà Trương Thị Mai nói "không để ngồi đó mãi" bởi đây thật sự là việc làm cấp bách. Ở các cấp cao hơn, tác động xấu sẽ còn lớn hơn vì hàng ngày họ vẫn chỉ đạo, phát biểu, tiếp xúc với nhân dân.

Công tác cán bộ là cả một quá trình, song đã làm sai đến mức phải thay thế thì phải thay thế ngay. Vừa qua, trường hợp của Bộ trưởng Y tế hay Chủ tịch Hà Nội là cách làm kịp thời, có tác dụng răn đe lớn. Chưa có người thay thì cứ chỉ đạo người phụ trách thay thế, nhưng việc kỷ luật, bắt giam phải làm ngay. Cả hệ thống nhịp nhàng, các cơ quan chức năng cùng vào cuộc thì mọi cái đều trơn tru.

Không thể để cho những người không xứng đáng “đóng vai” chức vụ này chức vụ khác để đứng trên bục, trước công chúng thao thao về sự liêm chính. Ai sai ai đúng, ai vì dân, vì nước, quần chúng biết rất rõ.

Công tác cán bộ là công tác về con người. Những người đứng đầu có vai trò to lớn có thể làm thay đổi bộ mặt của đơn vị, địa phương theo cả hai chiều hướng. Chính họ là những người dẫn dắt, là tấm gương, vì vậy họ phải thật sự mẫu mực cả về trí tuệ và hành động. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhắc lại câu của Lenin “thà ít mà tốt” và ông cho rằng “cán bộ xấu có cho cũng không lấy” là như thế.

Trong công cuộc phòng, chống tham nhũng mà Đảng đang triển khai quyết liệt, từng bước chỉ tên, điểm mặt những “quan tham”, những kẻ cơ hội, thoái hoá, biến chất, những kẻ “đóng vai”, “con người kép” bề ngoài thì “nam mô”, bụng thì “một bồ dao găm”. Lịch sử dân tộc đã rất công tâm, nhân dân đã rất công tâm. Câu ca “Thương dân dân lập đền thờ…” cũng là vì lẽ đó.

NĐT