Thứ Năm, 21 tháng 7, 2022

20220722. BỨC XÚC CHUYỆN XÂY TƯỢNG ĐÀI NGÀNH CÔNG AN

 ĐIỂM BÁO MẠNG


SỢ HÃI PHONG TRÀO TƯỢNG ĐÀI NGÀNH

MẠC VĂN TRANG/ TD 19-7-2022


Phong trào dựng tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh và các nhà lãnh đạo của đảng Cộng sản Việt Nam cũng như các loại “tượng đài chiến thắng” đã tương đối bão hoà chăng? Nên việc tìm tòi ý tưởng tượng đài có phát kiến mới: TƯỢNG ĐÀI NGÀNH. Đây sẽ là mảnh đất vô cùng màu mỡ để mọc lên một rừng tượng đài ngành.
Cụm Tượng đài Cảnh sát giao thông (CSGT) + Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy (PCCC) xuất hiện ở Hà Nội đã gây xôn xao dư luận. Đọc bài viết trên báo Tiền Phong mới biết tượng đài ngành có đặc điểm là:
1. Khách đặt hàng là Tổng cục CSGT và Tổng cục PCCC yêu cầu tượng đài phải theo ý khách hàng.
2. Dự án này đã được Đảng ủy cơ quan trung ương Bộ Công an thông qua, miễn bàn lùi;
3. Vì của Ngành, (không phải của toàn dân, nên không lấy ý kiến người dân);
4. Của Ngành nên phạm vi hẹp, chỉ phổ biến hẹp nên chỉ có 4 mô hình dự thi và Hội đồng nghệ thuật chọn cái phù hợp ý khách hàng;
5. Đây là tượng đài có tính TUYÊN TRUYỀN, miễn bàn TÍNH NGHỆ THUẬT!
6. Loại tượng đài này thường tác giả tập thể và ẩn danh, chẳng tác giả cá nhân nào phải chịu trách nhiệm…
Như vậy thì tôi chả đi bình luận về giá trị nghệ thuật của tượng đài làm gì nữa!
Chỉ có điều lo sợ là sau cụm tượng đài trên, các TƯỢNG ĐÀI NGÀNH sẽ mọc lên như nấm mùa Xuân, đốt hàng núi tiền thuế của dân và hủy hoại thẩm Mỹ nghệ thuật của nhiều thế hệ, cho đến khi dọn dẹp hết các tượng đài này.
Hãy hình dung, ngành nào chẳng có những hình tượng đáng ghi vào sử sách:
- Đối với ngành Công an, đây mới là tượng đài của CSGT + Cảnh sát PCCC. Còn tượng đài Cảnh sát Cơ động với ngựa và máy bay trực thăng; Cảnh sát Phòng chống tội phạm hy sinh tính mạng; Cảnh sát An ninh âm thầm bí mật; Cảnh sát Điều tra tội phạm mưu trí dũng cảm; Cảnh sát trại giam kiên trì bền bỉ; Cảnh sát Biển vững vàng trước vòi rồng của địch… Đơn vị nào chẳng truyền thống vẻ vang, thành tích huy hoàng, Huân chương sáng chói…
- Tượng đài ngành quân đội mới vô cùng phong phú và hoành tráng. Bao nhiêu quân chủng, binh chủng với những vũ khí, khí tài hiện đại rất ấn tượng. Mới hình dung đã thấy choáng ngợp những quần thể tượng đài: không quân, phòng không, xe tăng, chiến sĩ ngoài hải đảo, chiến sĩ biên phòng, binh chủng hóa học, binh chủng thông tin, hải quân với tàu ngầm. Ôi một rừng tượng đài nguy nga, hoành tráng!
- Tượng đài ngành TUYÊN GIÁO với hình tượng Loa phường, các Dư luận viên, LLK47; các loại báo chí, truyền hình và rừng Cổng chào với Cờ và Khẩu hiệu rợp trời.
- Ngành Y - Dược bao nhiêu đơn vị lẫy lừng… nhất là các chiến sĩ áo trắng dấn thân trong đại dịch Covid 19 vẫn chưa có tượng đài.
- Ngành giáo dục với với hình tượng hàng núi Sách giáo khoa, hàng đàn Tiến sĩ ra lò; hình ảnh học sinh đu dây vượt sông, các giáo viên học sinh chui trong túi ni lông vượt sông đi học làm kinh động thế giới.
- Ngành nông nghiệp xuất khẩu gạo thứ hai thế giới; đưa Việt Nam thành cường quốc Tôm; hình ảnh Ngư dân dẫu chết vẫn ra khơi, làm cột mốc sống trên biển; ngành Chăn nuôi có lúc phải giải cứu lợn… Ngành phân bón cũng đang trên đà hiện đại hóa.
- Ngành lâm nghiệp với những chiến sĩ kiểm lâm ngày đêm canh gác rừng, có người anh từ công nhân lâm nghiệp vươn lên chức tổng bí thư.
- Ngành luyện kim với đứa con đầu đàn là khu liên hiệp gang thép Thái Nguyên có hơn sáu mươi năm truyền thống vẻ vang, nay vẫn ra sức phấn đấu.
- Ngành giao thông với những con tàu truyền thống từ thời Pháp thuộc nay đã vươn lên tầm cao hiện đại với tàu Cát Linh Hà Đông; những cái BOT thu giá mọc lên trên khắp mọi nẻo đường.
- Ngành Toà án xét xử triền miên không xuể, nhất là với toàn tội phạm cấp cao.
- Ngành doanh nghiệp tư nhân từng bị tận diệt mà không chết, đã vươn lên với cụm tượng đài sừng sững: Vượng Vin, FLC, Tân hoàng Minh, Mường Thanh, Tân Tạo, Vạn Thịnh Phát…
- Ối giời ơi còn các Ban của Đảng, nhất là Ban Kiểm tra kỷ luật làm việc không biết mệt mỏi.
Rồi các đoàn thể trong toàn hệ thống chính trị, ngành nào chẳng truyền thống vẻ vang, thành tích huy hoàng… chả nhẽ “nhất bên trọng, nhất bên khinh”.
Ôi vậy là khắp đất nước ta hiện lên một thế giới tượng đài không nước nào có được. Việt Nam trở thành cường quốc tượng đài vô địch thế giới! Nhưng nghĩ đến đó thì toát hết mồ hôi!

MVT

DÂN OAN VĂN HÓA

PHẠM ĐÌNH TRỌNG/ TD 20-7-2022


1. Gần cuối những năm sáu mươi thế kỉ hai mươi, trước khi mất, Chủ tịch Hồ Chí Minh hàng ngày đều chăm chỉ làm một việc là đọc tất cả những bài viết về người thật làm việc tốt trên tất cả các báo, từ báo trung ương đến báo các tỉnh thành. Bài báo viết về việc tốt nổi bật được Hồ Chí Minh ghi vào bên lề bài báo “tặng huy hiệu”.
Ngày đó người dân Bắc Việt được thánh sống Hồ Chí Minh tặng huy hiệu có in nổi chân dung Hồ Chí Minh là sự tuyên dương, là phần thưởng lớn lao, quí giá. Những bài báo có bút tích “Tặng huy hiệu” của Hồ Chí Minh đều được vụ Báo chí, ban Tuyên huấn trung ương cắt, đóng thành tập khổ lớn, bìa cứng.
Làm báo binh chủng Thông Tin, tôi đã đến ban Tuyên huấn trung ương, cổng số 8 phố Nguyễn Cảnh Chân, Hà Nội, lên tầng hai toà nhà hai tầng trải dài bên phố Hoàng Văn Thụ, được vụ trưởng vụ Báo chí Phan Hiền cho ngồi đọc tập lưu trữ những bài báo “Tặng huy hiệu” để tôi ghi chép những người lính Thông tin có tên trong tập bài báo mang bút tích Hồ Chí Minh.
Hầu hết các nhà xuất bản ở Hà Nội lúc đó đều liên tiếp xuất bản những tập sách người tốt, việc tốt, tập hợp những bài đã đăng trên các báo viết về những người tốt làm việc tốt được Hồ Chí Minh tặng huy hiệu. Từ nhà xuất bản Kim Đồng, nhà xuất bản Phụ Nữ đến nhà xuất bản Văn Hoá Dân Tộc. Nhà xuất bản đi đầu và ấn hành nhiều nhất sách người tốt việc tốt là nhà xuất bản Quân Đội Nhân Dân.
Dù viết về người tốt có thật thì bài báo cũng chỉ là thông tấn báo chí, chỉ thông tin sự việc, thông tin thời sự, không phải sáng tạo nghệ thuật, không có giá trị lâu dài. Những tập sách người tốt việc tốt liên tiếp được các nhà xuất bản phát hành mỗi tập hàng vạn bản, phủ kín khắp các hiệu sách Nhân Dân, phân phát về các thư viện, các tủ sách lớn, nhỏ toàn miền Bắc nhưng không ai đọc. Sách người tốt việc tốt xuất bản số lượng lớn chìm ngay vào quên lãng. Hậu quả việc làm văn hoá không vì văn hoá. Làm văn hoá chỉ để tôn vinh quyền lực, làm theo ý kiến bột phát của một cá nhân quyền lực.
Bức tượng đồng nhóm cảnh sát giao thông và cảnh sát chữa cháy cao 8,5 mét vừa dựng sừng sững bên phố Trần Nhân Tông cạnh công viên Thống Nhất, Hà Nội với những nhân vật chiến sĩ cảnh sát đứng trên bục chỉ huy giao thông, sĩ quan cảnh sát dẫn bà già qua đường, hai lính cảnh sát cầm vòi phun nước chữa cháy... Từ con người, trang phục đến công cụ, vòi phun nước, cột đèn giao thông đều sao chép y nguyên hiện thực cuộc sống. Sao chép sát mặt đất, không một chút nâng hiện thực lên lí tưởng thẩm mĩ. Tượng đài là nghệ thuật sang trọng nhất của nghệ thuật tạo hình. Tượng đài cảnh sát bên phố Trần Nhân Tông hoàn toàn vắng bóng nghệ thuật.
Vắng bóng lí tưởng thẩm mĩ, vắng bóng cảm hứng nghệ sĩ thổi hồn vào tác phầm để tác phẩm chuyển tải lí tưởng thẩm mĩ đến cuộc đời, đến công chúng đối mặt với tác phẩm, nhóm tượng cảnh sát làm việc tốt trong không gian văn hoá hồ Thiền Quang – phố Trần Nhân Tông – công viên Thống Nhất cũng chỉ như những tập sách người tốt, việc tốt ngày nào. Tượng đài đồ sộ với chất liệu đồng quí giá, đắt tiền để tượng được lâu bền. Nhưng không có sáng tạo nghệ thuật, tượng đồng cũng chỉ thông tin sự việc, cũng chỉ là thời vụ, chỉ để thoả mãn cho vài cá nhân quyền lực thì cũng chỉ có giá trị nhất thời. Quyền lực này hết thời, quyền lực khác thay thế, tượng không có giá trị nghệ thuật cũng hết đát! Số phận tượng đồng vài chục tỉ, vài trăm tỉ tiền của dân, của nước cũng như số phận hàng vạn tập sách người tốt việc tốt mà thôi.
Tác phẩm nghệ thuật không thể thiếu hồn cảm hứng nghệ sĩ. Cảm hứng nghệ sĩ nâng tác phẩm phản ảnh hiện thực thoát ra khỏi sức hút của mặt đất đời thực, bay lên bầu trời nghệ thuật.
Đâu có phải người tốt làm việc tốt như sĩ quan cảnh sát dẫn người già qua đường, như lính cứu hoả lao vào lửa chữa cháy, bức tượng chú bé cong chân, ưỡn người đứng đái ở Brussels, thủ đô nước Bỉ chỉ tạc vào thời gian một khoảnh khắc trong đời sống hàng ngày của cá nhân chú bé mà thu hút người từ khắp thế giới đến ngắm tượng bởi cảm hứng nghệ sĩ đã sáng tạo ra bức tượng con người chỉ trong sinh hoạt đời thường hàng ngày cũng mang vẻ đẹp thần thánh.
2. Đời sống xã hội được duy trì và bảo đảm không phải chỉ bởi chiến sĩ cảnh sát giao thông và cảnh sát chữa cháy mà còn bởi hàng ngàn, hàng vạn công việc thầm lăng, thiết thực và cao quí khác. Từ chị lao công “Tiếng chổi tre/ Xao xác/ Hàng me/ Tiếng chổi tre/ Đêm hè/ Quét rác”, thơ Tố Hữu. Đến người thợ xây “Xây cho nhà cao, cao mãi”, lời ca khúc của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu. Xây xong toà nhà lung linh ánh sáng cho những gia đình hạnh phúc đến ở, người thợ xây lại tất bật đến công trường ngổn ngang đất cát, đào móng xây những toà nhà mới cho những tổ ấm khác... Không thể liệt kê được hết những công việc cuộc sống không thể thiếu, cuộc đời phải ghi ơn.
Không thể nhất bên trọng, nhất bên khinh. Thủ đô đã dựng tượng cảnh sát giao thông và cảnh sát chữa cháy thì không thể không dựng tượng chị quét rác, anh thợ xây, ông bác sĩ trán dấp dính mồ hôi trong ca mổ ở bệnh viện giữ sự sống cho người bệnh, anh thợ điện vắt vẻo trên đường dây cao thế giữa lưng chừng trời. Chị nông dân chăm chút vườn đào Nhật Tân mang mùa xuân về cho mọi nhà. Rồi những người lính dựng luỹ hoa đón tết Đinh Hợi ở Hàng Ngang, Hàng Đào cầm cự giữ từng thước đất thủ đô chống quân Pháp xâm lược mùa đông năm 1946.
Cũng không thể không ghi công và nhớ ơn những người lính làm nên Hà Nội – Điện Biên Phủ Trên Không tháng 12 năm 1972. Phải có tượng người lính lái máy bay Mig bắn hạ máy bay B52 Mỹ. Phải có tượng trận địa pháo cao xạ bảo vệ bầu trời Hà Nội. Phải có tượng trận địa tên lửa SAM rồng lửa Thăng Long. Phải có tượng người lính bên chảo thép ra đa quét sóng dẫn đường cho tên lửa. Phải có tượng người lính quay phim quân đội trên sân thượng nhà Bách Hoá Tổng Hợp số 12 cạnh quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, bên hồ Hoàn Kiếm. Giữa lửa đạn người lính quay phim vẫn đứng thẳng, dán mắt vào máy quay phim ghi hình máy bay Mỹ bổ nhào bắn phá cầu Long Biên. Phải có tượng người lính công binh bắc cầu phao Khuyến Lương để cấu sắt Long Biên bị bom Mỹ thổi bay cả nhịp cầu nhưng dòng xe quân sự và người dân vẫn ngược xuôi Nam Bắc qua sông Hồng ở cầu phao Khuyến Lương.
Không thể nhất bên trọng, nhất bên khinh. Thủ đô đã dựng tượng cảnh sát giao thông và cảnh sát chữa cháy thì phải dựng tượng hàng vạn con người Hà Nội, con người Việt Nam làm nên đời sống Hà Nội, làm nên lịch sử Hà Nội, làm nên sức sống Việt Nam. Lúc đó phố phường Hà Nội, dưới lòng đường ken dày dòng người và xe xuôi ngược. Trên vỉa hè, trong công viên, ở mọi khe hở, mọi khoảng trống của không gian Hà Nội sẽ lấp kín tượng đồng, tượng đá! Tượng đài không còn là nét đẹp của đời sống văn hoá kinh kì nữa mà trở thành gánh nặng của văn hoá, thành nỗi ngột ngạt của cuộc sống, thành tai hoạ của người dân.
3. Đoạn phố Trần Nhân Tông một bên là hồ Thiền Quang, mặt hồ sớm chiều bảng lảng sương khói huyền ảo, hư thưc. Một bên là công viên Thống Nhất rộng nhất Hà Nội. Rừng cây của công viên có tuổi trên 50 năm. Hồ Bảy Mẫu 25 hecta trong công viên đã có một thời trở thành ao cá Bác Hồ lớn nhất Hà Nội, lớn nhất cả nước. Những tượng nhỏ được cách điệu rất đẹp, được thổi hồn cảm hứng nghệ sĩ có giá trị nghệ thuật cao rải rác trong công viên, thấp thoáng trong cây xanh, tạo ra chiều sâu văn hoá cho công viên, tạo ra chiều sâu nhân văn cho tâm hồn con người tìm đến công viên và tạo ra không gian văn hoá thăm thẳm của không gian hồ Thiền Quang – Công viên Thống nhất, có thể gọi là không gian văn hoá Thiền Quang.
Trong không gian văn hoá Thiền Quang nếu có đặt tượng đài chỉ có thể đặt tượng danh nhân văn hoá. Những bức tượng danh nhân văn hoá có kích cỡ hài hoà với thiên nhiên, đáp ứng được nhu cầu văn hoá của con người và làm giầu có tâm hồn con người.
Hà Nội có rất nhiều danh nhân văn hoá cần dựng tượng. Tượng những danh nhân văn hoá tầm vóc dân tộc, tầm vóc loài người như Nguyễn Trãi, Nguyễn Du cần có không gian thoáng rộng, lồng lộng trời xanh, cần quảng trường lớn hơn nhiều lần không gian văn hoá Thiền Quang. Tượng những con người tài hoa Việt Nam, những tâm hồn tinh tế rất Hà Nội: Đoàn Thị Điểm, Bà Huyện Thanh Quan, Hồ Xuân Hương, Phạm Đình Hổ, Nguyễn Gia Thiều, Cao Bá Quát, Nguyễn Văn Siêu... Ngay cả người vợ yêu đầy tài hoa của Nguyễn Trãi, Lễ nghi Học sĩ Nguyễn Thị Lộ cũng rất cần được dựng tượng. Những danh nhân văn hoá đó rất phù hợp với không gian văn hoá Thiền Quang.
Hàng chục danh nhân văn hoá tạo ra tài sản văn hoá lớn lao cho đất nước, làm lịch lãm những tâm hồn Hà Nội, làm đẹp những tâm hồn Việt Nam nhưng chưa một danh nhân nào được dựng tượng thì bộ Công an vội vã dựng tượng cảnh sát giao thông, cảnh sát chữa cháy chiếm lĩnh không gian văn hoá Thiền Quang.
Chính quyền quản lí lãnh thổ, quản lí không gian văn hoá nhưng lãnh thổ và không gian văn hoá không phải của chính quyền mà của nhân dân. Chục tỉ, trăm tỉ tiền đổ ra làm tượng cũng từ tiền thuế của dân. Sử dụng không gian văn hoá của dân, làm tượng từ tiền thuế của dân phải hỏi ý kiến người dân vừa là luật pháp, vừa là đạo đức công bộc của dân.
Ỷ vào quyền lực, coi thường dân, tiêu tiền tỉ của dân mà ngỗ ngược bảo tượng của ngành không cần hỏi dân và người dân Hà Nội đã mất trắng hàng chục tỉ tiền để rước về khối tượng thô thiển, sống sượng. Tưởng là làm chính trị, làm tuyên truyền nhưng tượng thô thiển, kệch cỡm, phản nghệ thuật cũng phản chính trị, phản tuyên truyền. Tượng cảnh sát giao thông và cảnh sát chữa cháy không có giá trị nghệ thuật và văn hoá đã chiếm chỗ và phá hỏng không gian văn hoá Thiền Quang.
Quyền lực nhà nước ăn chia với tư bản hoang dã trấn lột đất đai của dân kinh doanh địa ốc, trấn lột sông suối, rừng núi của nước kinh doanh thuỷ điện. Cả trăm triệu người dân Việt Nam đều đã mang thân phận dân oan kinh tế.
Ở tượng đài cảnh sát giao thông, cảnh sát chữa cháy áp đặt vào không gian văn hoá Thiền Quang cũng thấy hiện lên lồ lộ một nhánh quyền lực nhà nước thông dồng với nhóm nghệ sĩ đánh mất lương tâm nghệ sĩ đã trấn lột ngân sách của nước, trấn lột không gian văn hoá của dân. Dân Hà Nội, dân cả nước không phải chỉ là dân oan kinh tế mà còn là dân oan văn hoá!

PĐT

TƯỢNG ĐÀI

NGUYỄN THÔNG/TD 20-7-2022


Không chỉ sau khi được vội vã khánh thành cho kịp mốc thời gian thời điểm kỷ niệm, nói nôm na là giờ vàng, cái tượng đài công an khá hoành tráng và bắt mắt/chọc mắt trên đường phố lớn thủ đô ngay cả khi đang được thi công tạo dựng đã hứng quá nhiều lời ra tiếng vào.
Lẩn mẩn giở đủ loại từ điển, cả thuần Việt lẫn Hán Việt, thì thấy từ “tượng đài” có nghĩa: Một khối gồm tượng (tượng) và chân đế (đài) ở nơi công cộng, nhằm biểu trưng, ca ngợi, ghi nhận một điều gì đó, người nào đó.
Nói sơ sơ chút. Tượng, bức tượng không chỉ tạc người mà có thể cả con ngựa, con chó, con cá, cây tre… Xưa nơi đình đền thường có tượng con chó đá. Tỉnh An Giang ở miệt sông Cửu Long sau khi phất lên thoát nghèo nhờ con cá tra đã dựng hẳn tượng cá rất hoành tráng. Nhiều nhất vẫn là tượng người. Trong chùa cơ man tượng. Chùa Tây Phương ở huyện Thạch Thất (tỉnh Hà Tây trước kia) ngoài những tượng phật, bồ tát còn rất nổi tiếng với bộ tượng 18 vị la hán (thập bát tổ) cực kỳ sinh động. Thi sĩ Huy Cận ngậm ngùi tả có ý chê trách “các vị ngồi đây trong lặng yên/mà nghe giông bão đổ trăm miền”, chợt nghĩ giờ mà thi sĩ sống lại chắc phải tả mỏi tay bởi xứ này đang hàng triệu la hán ngồi yên mặc kệ bão giông. Hồi còn bé tôi hay trốn việc nhà lẻn ra chùa Trà Phương (xã Thụy Hương, huyện Kiến Thụy, HP) chơi, vào gian tam bảo thấy hai ông hộ pháp tay chống nạnh mắt trợn trừng thì sợ mất vía, đến nỗi ngó chuối oản bày đầy ra đó mà cấm dám thó mẩu nào. Chị tôi dọa bảo đứa nào lấy của chùa, đến đêm hai ông ấy lần vào nhà chặt tay. Sợ khiếp luôn.
Tượng người có thể được tạc/điêu khắc toàn thân, nhưng có khi chỉ nửa người, gọi là tượng bán thân. Loại tượng này nhiều nhất là lãnh tụ, ông to bà nhớn. Ngay từ hồi cụ Hồ còn sống, người ta đã đúc tượng bán thân cụ tràn lan, sau khi cụ mất thì thành món phổ biến. Chả cơ quan đơn vị công sở nào không bày bán thân cụ. Nếu tổ chức kỷ lục ghi nét để ý tới, có khi thành thứ kỷ lục thế giới. Về sau, nhiều đệ tử cụ cũng học tập và làm theo, tượng bản thân họ ngồi chồm chỗm trong nhà, các học trò cụ còn tiến bộ hơn, chơi luôn bằng chất liệu quý như đồng, thép không gỉ chứ chả thèm thạch cao dễ bị bở.
Tôi cũng chả nhớ tượng đài đầu tiên mình được nhìn ngó, chiêm ngưỡng tận mắt vào năm nào. Thày tôi kể hồi Pháp có nhiều tượng đài lắm, nhất là ngoài phố Hải Phòng và tỉnh Kiến An. Cách mạng nổi lên, phá cho bằng hết. Ghét Pháp, ghét luôn cả tượng, dù chỉ là tượng đài bà đầm xòe, đức mẹ, con ngựa, con cóc. Tượng nữ thần tự do của nhà điêu khắc lừng danh Auguste Bartholdi chỉ có 2 bản, bản to dựng bên Mỹ, bản nhỏ đặt ở Việt Nam, giờ chỉ còn một, bởi số phận nàng tự do nơi đất Việt đã được cách mạng định đoạt. Giờ chẳng ai biết nàng nằm đâu, có nhẽ tan chảy từ lâu rồi. Đến vườn hoa còn bị đào lên trồng khoai, vạt cỏ cạnh đường băng sân bay để cứu nguy khi có sự cố còn bị xới lên trồng trọt thì đám tượng đài tàn dư độc hại của thực dân đế quốc là cái thá gì.
Mà nhớ ra rồi, bức tượng, tượng đài nơi công cộng đầu tiên mình được ngắm nghía là tượng đài ông nhỏ Lý Tự Trọng ven hồ Tây. Năm ấy 1973, có người rủ mình đi coi cái xác máy bay B52 rơi xuống hồ Hữu Tiệp làng hoa Ngọc Hà, lúc về đạp xe quành sang Thụy Khuê ngó thấy ông nhỏ đứng sừng sững ven hồ.
(Còn tiếp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét