Thứ Tư, 6 tháng 7, 2022

20220707.VÌ SAO HÀNG NGHÌN NHÂN VIÊN Y TẾ BỎ VIỆC?

ĐIỂM BÁO MẠNG


HÀNG LOẠT NHÂN VIÊN Y TẾ BỎ VIỆC: CHÚNG TÔI KHÔNG THỂ CỐNG 

HIẾN VỚI CÁI BỤNG RỖNG

NGỌC TRANG/VNN 4-6-2022

“Tôi cũng chạnh lòng, khi bạn bè đi làm ở chỗ khác không quá áp lực với mức lương 10, 20 triệu. Bạn muốn mua 1 cái váy, mua đồ tặng cho bố mẹ cũng không quá khó khăn. Mình đồng lương chả đủ ăn, tặng được gì cho ai?”, chị Lê Hoài nói.

Hơn 10 năm công tác biên chế ở một Trạm Y tế quận tại Hà Nội, chị Hoài nghĩ mình sẽ gắn bó với công việc này đến tuổi nghỉ hưu, ý nghĩ nghỉ việc chưa một lần xuất hiện trong đầu chị. Nhưng đại dịch Covid-19 đi qua, cũng như hàng trăm nhân viên y tế khác ở Thủ đô, chị đã ký vào tờ đơn xin nghỉ. Báo VietNamNet xin đăng tải chia sẻ của chị để hiểu thêm phần nào lý do họ đi đến quyết định mang tính bước ngoặt lớn trong đời này.

Bình thường khi dịch Covid-19 công việc của một nhân viên y tế quận như chúng tôi cũng bận rộn với các chương trình y tế, các bệnh giao mùa. Hàng năm không có dịch Covid-19 cũng sẽ có các dịch khác như sốt xuất huyết, sởi… Công việc y tế cơ sở cũng vất vả nhưng đỡ áp lực hơn vì vậy chúng tôi vẫn cố gắng để làm.

Nhưng dịch Covid-19 như cao trào, một giọt nước tràn li!

Thời gian nghỉ ư? Ôi trời, ít lắm. Chúng tôi ở trạm nhiều hơn ở nhà. Hàng ngày, có bệnh nhân xuất hiện cơn khó thở, chúng tôi lại xuống nhà dân cấp cứu bất kể ngày đêm. Bệnh nhân được Trung tâm 115 đến đưa đi, nhân viên y chúng tôi mới có thể quay về trạm giải quyết đống công việc đang chất cao như núi.

Tôi nhớ có trường hợp bệnh nhân tử vong, người nhà không thể tiếp xúc vì vậy nhân viên y tế phải lo đám tang hoàn chỉnh cho người mất. Mặc quần áo bảo hộ nóng bức vào ngõ sâu hun hút cảm giác như ngạt thở nhưng vẫn phải cố làm, rồi sát trùng, phun khử khuẩn… Khổ không nói hết được thành lời!


Mệt, căng thẳng, một nhân viên y tế chợp mắt ngay tại bàn làm việc. Hình ảnh được báo VietNamNet ghi lại vào tháng 1/2022 tại Hà Nội. Ảnh: Ngọc Trang

Thời gian đó, các con (2 con lớp 4 và lớp 7 đều học online tại nhà) và công việc gia đình đều phải nhờ bố mẹ 2 bên. Khi mẹ về nhà sau mấy hôm liên tục ở trạm, con chạy đến vui mừng: “Mẹ ơi cho con ôm mẹ một cái”. Nhưng mẹ lại sợ hãi xua tay: “Đừng ôm, mẹ nguy cơ là nguồn lây rất cao”. Nhìn ánh mắt hụt hẫng của con, không gì xót xa bằng.

Mỗi ngày xét nghiệm mấy trăm ca, tiếp xúc quá nhiều nguồn lây, dù bảo hộ cỡ nào, chúng tôi cũng không thể tự tin để đến gần con hơn dù nhớ con da diết. Vậy mà việc về nhà với gia đình cũng trở nên khó khăn, chúng tôi thường xuyên ở trạm nhiều hơn ở nhà. Nhiều lần tôi muốn nói lời xin lỗi con vì ngày Lễ, tết hay những sự kiện lớn của gia đình không thể về, dù các con cũng hiểu cho mẹ, lúc nào cũng động viên “Mẹ! Cố gắng lên”.

Mức lương của tôi là 6 triệu đồng, các chị em ở trạm có người 2 triệu, có người 4 triệu đồng - con số nói ra không ai tin dù đó là sự thật. Muốn làm được việc phải có cái bụng no, yên tâm về gia đình, không yên tâm về gia đình không thể cống hiến được dù bạn yêu nghề đến mấy. 

Tôi cũng chạnh lòng, khi bạn bè đi làm ở chỗ khác nhẹ nhàng với mức lương 10, 20 triệu. Bạn muốn mua 1 cái váy, mua đồ tặng cho bố mẹ cũng không quá khó khăn. Mình đồng lương chả đủ ăn, tặng gì được cho ai?. Nhiều lúc các chị em ở trạm cứ trêu để động viên nhau: “Đi làm bận như này có thời gian để tiêu tiền đâu”.

Thấp về lương, không có thời gian cho gia đình, áp lực công việc trong đó có thái độ của người dân cũng khiến chúng tôi mệt mỏi và nghỉ việc như một tất yếu.

Trạm chúng tôi có 6 người, trong đó có 5 người trực được phân trực. Giai đoạn đầu, có chị em bị mắc Covid-19 vậy là phải cách ly. Có đợt trạm chỉ còn 3, 4 người thay phiên nhau trực. Tất cả công việc như xét nghiệm, đi tiêm, trực cấp cứu… đổ lên đầu nhân viên y tế cơ sở. Ban ngày chúng tôi phải tiêm, cao điểm nhất 1 ngày tiêm hàng nghìn mũi tiêm, tối lại đi xét nghiệm. Thời điểm xét nghiệm toàn dân, mỗi nhân viên y tế xét nghiệm cho mấy trăm người, còn vào khu công nghiệp xét nghiệm cho các công nhân…

Tiếp nhận khai báo y tế như khủng bố. Mỗi ngày, hàng trăm cuộc điện thoại, đến mức nghe tiếng chuông điện thoại tôi đâm ra ám ảnh. Số cá nhân của tôi như số hotline, ai cũng gọi đến để hỏi giấy tờ, hỏi triệu chứng, khai báo… Người dân gọi không được máy bàn, lớn tiếng chửi, truy vấn “Tại sao máy bận?”. Nhưng chúng tôi chỉ biết giải thích: “Máy bận là do mọi người gọi quá nhiều, không phải nhân viên y tế gác máy”. Thậm chí vì quá nhiều việc, có người gọi vào số cá nhân nhưng tôi không thể nghe, đến lúc nhấc máy, họ mắng xối xả: “Sao gọi không nghe máy? Xem lại tư cách đạo đức đi”.

Tôi đọc những tin tức, các vụ việc tiếp viên hàng không bị khách hàng có thái độ không chừng mực, hành hung ngay lập tức hãng sẽ ra quy định cấm bay với khách hay có những động thái để động viên, trấn an, bảo vệ tiếp viên nhưng chúng tôi không được như vậy. Người ta chửi mình, mình không phép được chửi người ta, người ta đánh, mình không được phép đánh người ta. Chúng tôi từng quay lại video ghi cảnh người ta lăng mạ nhân viên y tế nhưng cũng không thể xử lý, giải quyết đến cùng. Không có chế tài bảo vệ, nhân viên càng mệt mỏi, áp lực. 

Có bạn bị chửi mắng, đe dọa ở trạm bật khóc tu tu. Gia đình bảo “Về, về ngay, không phải cố gắng làm gì cả, không làm chỗ này thì làm chỗ khác”. Dù ban đầu gia đình cũng động viên “cố lên, cố lên” đến khi thấy nước mắt của con, mới xót xa. Uất ức, tủi thân, nhân viên y tế nhận hết về mình.

Tư tưởng khá cởi mở, tôi suy nghĩ dù làm ở đâu cũng vậy cũng gắn bó với ngành y, chăm sóc sức khỏe của người dân. Nhưng dù vậy, trước quyết định nghỉ việc, tôi đắn đo vô cùng. Đặc biệt, bản thân cũng đã biên chế tại cơ quan hơn 10 năm, môi trường làm việc với các chị em rất gắn bó, hòa thuận. Đồng thời, tôi cũng lo lắng ra ngoài môi trường làm việc thế nào, cũng có thể mình sẽ bị thất nghiệp.


Nhân viên y tế phường quần quật từ sáng tới khuya khi thời điểm đỉnh dịch tại Hà Nội. Ảnh: Đình Hiếu 

Bên cạnh đó, bố mẹ tôi đều là công chức nghỉ hưu, ông bà rất nặng nề chuyện nghỉ việc ở một cơ quan nhà nước. Bố tôi cũng là một bác sĩ, trong đại dịch, ông động viên con rất nhiều và cũng tự hào vì con. Các con tôi cũng vậy, cháu yêu và tự hào về công việc của mẹ vì trong mắt con “mẹ đến trường con khám sức khỏe, tiêm cho các bạn, mẹ giúp được nhiều người”. 

Chồng tôi cũng là một bác sĩ, anh hiểu hết những vất vả của vợ, sự thiệt thòi của các con và anh anh hoàn toàn ủng hộ mọi quyết định của tôi. Tôi cứ đấu tranh mãi. 1 tuần trước khi nộp đơn nghỉ việc, tôi xin nghỉ phép. Trước dịch thì mong được nghỉ phép để nghỉ ngơi nhưng chúng tôi quen với sự bận rộn rồi lúc nghỉ lại thấy nhàn hạ quá, đúng như người ta thường đùa: “khổ mãi rồi, sướng không quen được”. Tháng 3/2022, tôi nghỉ việc để chọn cho mình một con đường mới.

Nhiều người thắc mắc, tại sao lúc đỉnh dịch vất vả, khó khăn không nghỉ, khi dịch qua rồi, khó khăn vơi bớt, tôi lại có quyết định này. Đơn giản là để không thấy có lỗi, không áy náy với bản thân và điều quan trọng nhất, tôi không muốn lúc khó khăn, vất vả lại bỏ đồng đội. 

Sau dịch, cũng rất nhiều người ở cơ quan tôi nghỉ việc, phải nói đây là tình trạng chung. Trước đó, chưa bao giờ nghĩ là tôi sẽ nghỉ việc ở đây. Mọi người cũng không nghĩ con người như tôi lại bỏ một cơ quan nhà nước và khó khăn nhất là việc thông báo với bố mẹ. Nhưng cuối cùng, ông bà tiếp nhận tin và cũng chỉ dặn dò: “Các con lớn rồi, con lựa chọn thế nào để vui vẻ, hạnh phúc là được”.

Hiện tại tôi làm việc ở một phòng khám, chủ động hơn về thời gian. Là người trong cuộc, về làn sóng nhân viên y tế nghỉ việc, tôi cho rằng muốn giữ chân nhân viên y tế, phải đảm bảo lương cho họ. Họ không có thời gian đi làm ngoài, phải có chế độ đảm bảo để người ta yên tâm làm việc, cống hiến. Nuôi bản thân còn không xong, nuôi được ai?

Cũng theo tôi, điều quan trọng nữa, chúng ta phải có chế tài bảo vệ nhân viên y tế, đừng để họ làm việc trong uất ức, tủi thân với tiếng chửi bới, đe dọa!

Tên nhân vật đã được thay đổi!


NGUYÊN VỤ TRƯỞNG VỤ PHÁP CHẾ: HÀNG NGHÌN NHÂN VIÊN Y TẾ NGHỈ 

VIỆC KHÔNG CHỈ VÌ LƯƠNG

NGỌC TRANG/ VNN 6-7-2022

Đắn đo nhiều, cuối cùng, người nhân viên y tế cũng đặt bút ký vào đơn nghỉ việc sau nhiều năm gắn bó. Làn sóng nhân viên y tế ở bệnh viện công ồ ạt nghỉ việc sau dịch Covid-19 là bài toán thách thức buộc ngành y tế phải đối mặt.

Trước làn sóng nhân viên y tế ở bệnh viện công nghỉ việc để chuyển sang khu vực y tế tư nhân, TS Nguyễn Huy Quang, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế-Bộ Y tế đã lấy một ví dụ để bày tỏ quan điểm của mình. “Trong hôn nhân, khi xảy ra vấn đề người chồng/vợ gửi đơn xin ly hôn. Đơn giản là vì bạn đời của họ không còn sự hấp dẫn”. Tương tự khi nhân viên y tế xin nghỉ việc, chứng tỏ nơi đó đã không còn đủ hấp dẫn, không còn đủ sức giữ chân họ (về lương, phụ cấp, điều kiện làm việc…) trước nhiều ngã rẽ khác.

TS Nguyễn Huy Quang nói thêm, muốn biết được nguyên nhân chính xác của vấn đề này cần thiết phải có đánh giá tổng thể về thực trạng nhân viên y tế nghỉ việc.

Theo đó, cần thống kê số lượng nhân viên y tế nghỉ việc trong cả nước từ trung ương đến địa phương; đánh giá việc nghỉ việc này là từ bệnh viện nào, bệnh viện tuyến trung ương, tỉnh hay địa phương, đâu là nơi chuyển nhiều nhất. Việc chuyển này ở chuyên khoa nào, có phải khoa "hot" như ngoại, giải phẫu thẩm mỹ, chuyên khoa sản, răng hàm mặt hay cả các chuyên khoa giải phẫu tử thi, đông y, phục hồi chức năng… 


Ảnh: Thảo Nguyên

Ngoài ra, cần đánh giá về lứa tuổi của các bác sỹ, nhân viên y tế khác nghỉ việc, chuyển việc. Nếu từ độ tuổi 35 đến 40 – độ tuổi chững chạc về nghề nghiệp họ chuyển đi thì rất đáng lo ngại. Việc đánh giá thực trạng này cần phải phân loại tổng thể nguồn nhân lực theo chức danh nghề nghiệp như bác sỹ, kỹ thuật viên hay điều dưỡng viên... Bên cạnh đó, còn phải đánh giá mục đích nghỉ việc là để chuyển sang khu vực y tế tư, mở phòng mạch riêng hay vì áp lực mà bỏ đi tìm công việc khác phù hợp hơn.

"Chỉ đến khi có sự thống kê, đánh giá toàn diện, chúng ta mới có thể thấy được thực trạng, mức độ nghiêm trọng của vấn đề này, từ đó mới tìm ra được nguyên nhân chủ quan và nguyên nhân khách quan để có giải pháp khắc phục", TS Nguyễn Huy Quang nói.

Tuy nhiên với kinh nghiệm nghề nghiệp của mình, từ các trường hợp cán bộ, nhân viên y tế nghỉ việc trong thời gian qua, theo Nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế có khá nhiều nguyên nhân. 

Thứ nhất, y bác sĩ nghỉ việc là do thu nhập thấp. TS Nguyễn Huy Quang cho rằng, đây là điều kiện tất yếu. Một bác sĩ để có kỹ năng thực hành y khoa được người bệnh công nhận, ít nhất phải có chục năm được đào tạo, tập huấn, cập nhật kiến thức y khoa liên tục. Thời điểm này, họ đã đến 30-35 tuổi và phải đối mặt với gánh nặng, trách nhiệm về con cái, gia đình. Với mức lương khoảng 5-7 triệu đồng không thể khiến họ yên tâm công tác, yên tâm cống hiến được. Trong khi đó, người giúp việc hiện nay có mức lương khoảng 7-10 triệu đồng, người phụ hồ với mức chi trả hơn 300 nghìn/ngày công, cũng có số thu nhập 9-10 triệu đồng/tháng. Điều này khiến bất cứ ai cũng phải đặt lên bàn cân để so sánh. 

Thứ 2, áp lực công việc nặng nề và an toàn nghề nghiệp chưa bảo đảm. Làm ở khu vực y tế công, không chỉ đối mặt với áp lực công việc lớn, trực bệnh viện liên tục, người bệnh ngày càng đòi hỏi chất lượng dịch vụ cao cho nên bác sĩ, nhân viên y tế luôn cảm thấy mệt mỏi, không có thời gian nghỉ ngơi để tái tạo sức lao động. Bên cạnh đó, họ còn phải đối diện với sự xúc phạm, thậm chí đe doạ đến sức khỏe và tính mạng từ phía người và người thân của họ. Tuy nhiên, cơ chế để bảo vệ họ còn nhiều bất cập.

Thứ 3, thuốc, vật tư y tế, đặc biệt là vật tư tiêu hao, thiết bị y tế chưa đáp ứng đầy đủ. Để nâng cao chất lượng khám, chẩn đoán, điều trị cần thiết phải có đầy đủ thuốc, vật tư y tế, thiết bị y tế. Có như vậy bác sĩ mới có khả năng cống hiến, đem kinh nghiệm của mình phục vụ người bệnh. Tuy nhiên hiện nay ở các bệnh viện công còn thiếu quá nhiều thuốc, vật tư y tế, thiết bị y tế trong khi ở bệnh viện tư, họ sẵn sàng đáp ứng đủ thuốc, vật tư y tế, thiết bị y tế. 

Thứ 4, môi trường làm việc chưa thật sự được đáp ứng. Bác sĩ, nhân viên y tế làm việc trong môi trường có áp lực rất lớn nhưng lại không được động viên, đánh giá đúng mức từ người bệnh, từ xã hội đến cả các cấp quản lý. Điều đó đẫn đến tâm lý công việc của mình không được đánh giá công bằng, khách quan. Trong khi ra làm việc ở các bệnh viện tư họ lại cảm thấy thoải mái, yên tâm cống hiến do được đánh giá đúng năng lực.  

Thứ 5, điều kiện học tập, trau dồi kỹ năng thực hành y khoa của bác sĩ, nhân viên y tế trong khu vực công cũng khác so với khu vực tư nhân. Khi làm ở khu vực công, y bác sĩ muốn đi học phải chờ lần lượt, phải đáp ứng các yêu cầu của bệnh viện... Trong khi đó, ở khu vực y tế tư nhân nếu muốn đi học, bác sĩ, nhân viên y tế sẽ được tạo điều kiện thuận lợi để được đào tạo, nâng cao tay nghề.

Thứ 6, khả năng thăng tiến cũng có sự khác biệt. Tại bệnh viện công, muốn làm trưởng, phó khoa phải đi học lý luận chính trị trung cấp, ngoại ngữ, phải ở trong diện quy hoạch cán bộ lãnh đạo đã được phê duyệt... Trong khi đó ở bệnh viện tư, chỉ cần có tay nghề, kỹ năng thực hành y khoa, có uy tín, đông bệnh nhân…là đã có thể được bổ nhiệm.

Thứ 7, quản trị bệnh viện công khác so với bệnh viện tư. Việc quản lý các bệnh viện công vẫn theo thói quen từ trước đến nay nên ít có sự thay đổi trong khi ở khu vực y tế tư nhân vấn đề này lại được đặc biệt chú trọng, thay đổi thường xuyên, tiếp cận được với các phương thức quản trị bệnh viện trên thế giới. Đây cũng là nguyên nhân thu hút bác sĩ, nhân viên y tế chuyển đến khu vực y tế tư nhân. 

"Không chỉ thu nhập, có nhiều nguyên nhân như đã phân tích trên đây dẫn đến tình trạng bác sĩ, nhân viên y tế thuộc bệnh viện công nghỉ việc. Đặc biệt, sau đại dịch Covid-19 vừa qua, ở nhiều nơi nhân viên y tế phải gánh vác các công việc nặng nề, vất vả không quản ngày đêm nhưng đến nay chế độ phụ cấp vẫn chưa được thanh toán. Điều đó khiến họ thấy không còn động lực để tiếp tục làm việc, cống hiến. Đây cũng có thể là giọt nước làm tràn ly", TS Nguyễn Huy Quang nhận định.

Theo các chuyên gia, nếu không có giải pháp, ngành y tế sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất.

Các cơ sở y tế công lập sẽ phải mất nhiều năm nữa để đào tạo, huấn luyện được một lứa cán bộ có tay nghề, có chuyên môn. Trong khi đó, chính cá nhân nhân viên y tế đó cũng thiệt thòi vì mất cơ hội học tập, phát triển ở bệnh viện công và phải thích ứng với chỗ làm việc.

Khi có sự thiếu hụt bác sĩ, nhân viên y tế lành nghề, chất lượng chăm sóc người bệnh chắc chắn sẽ không bảo đảm. Điều đó cho thấy người bệnh sẽ là đối tượng bị ảnh hưởng và thiệt thòi nhiều nhất.

Cũng theo TS Quang, để giải quyết tình trạng này phải có giải pháp trước mắt và lâu dài. “Nhưng dù giải pháp gì cũng đều phải chú trọng vào tăng cường sức hấp dẫn của các bệnh viện công lập mới có thể giữ chân được các bác sĩ, nhân viên y tế đang làm việc trong khu vực này”, TS Quang khẳng định.

Ngọc Trang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét