Chủ Nhật, 17 tháng 7, 2022

20220718.BÌNH LUẬN VỀ QUYỀN BỘ TRƯỞNG Y TẾ ĐÀO HỒNG LAN

 ĐIỂM BÁO MẠNG


'NHIỀU NGƯỜI NÓI TÔI LÀM  QUYỀN BỘ TRƯỞNG Y TẾ LÚC NÀY LÀ MỘT 

SỰ DŨNG CẢM'

TRẦN THƯỜNG, THU HẰNG/ VNN 15-7-2022

Trả lời câu hỏi của VietNamNet ngay sau khi nhậm chức quyền Bộ trưởng Y tế, bà Đào Hồng Lan cho biết, rất nhiều người nói với bà: “Tại sao không từ ngành y lại dũng cảm nhận nhiệm vụ quyền Bộ trưởng Y tế lúc này?”.

Chia sẻ với báo chí, cảm xúc khi nhận chức quyền Bộ trưởng Y tế, bà Đào Hồng Lan nói: “Cảm xúc của tôi lúc này vừa mừng vừa lo”.

Mừng vì sau khi công tác tại tỉnh Bắc Ninh, đến thời điểm này, được lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ tin tưởng, điều động, phân công nhiệm vụ về làm Bí thư Ban cán sự và quyền Bộ trưởng Bộ Y tế. Đây là lĩnh vực rất quan trọng trong chính sách an sinh xã hội.  

“Có thể nói, đây là lúc ngành y tế cần có sự động viên, chia sẻ của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ban, ngành và sự đồng cảm của nhân dân để vượt qua những khó khăn, thách thức”, quyền Bộ trưởng Y tế nói.

Điều bà mong muốn và sẽ thực hiện khi nắm giữ vai trò người đứng đầu ngành y tế là gì?

Tôi không phải xuất phát từ ngành y nên nhiệm vụ này đối với tôi rất mới mẻ. Tuy nhiên, trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân, tôi sẽ thực hiện nghiêm túc sự phân công của Bộ Chính trị.

Chúng tôi sẽ cùng Ban cán sự, lãnh đạo Bộ và cán bộ, công nhân viên chức ngành y tế huy động sự tham gia của đội ngũ khoa học, chuyên gia, các thế hệ đi trước để rà soát lại các công việc, lựa chọn những vấn đề then chốt để tập trung tháo gỡ.

Quyền Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan.

Bên cạnh đó, cũng rà soát định hướng phát triển lâu dài của ngành. Trong đó có luật pháp, cơ chế chính sách cán bộ để làm thế nào ngành y có bước phục hồi và phát triển trong thời gian tới.

Mục đích cuối cùng là có hệ thống y tế vững chắc và phát triển toàn diện, chăm sóc tốt hơn sức khỏe nhân dân. Đây là mục tiêu mà ngành y sẽ tập trung trong thời gian tới.

Là Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh - một tỉnh rất thành công trong phòng chống dịch, thực tiễn đó sẽ giúp bà như thế nào trong nhiệm vụ mới?

Tôi thấy rằng, để có kết quả phòng, chống dịch chung của cả nước như hiện nay mỗi địa phương, mỗi ban, ngành đều phải cố gắng chung.

Dịch Covid-19 vẫn còn những yếu tố tiềm ẩn phức tạp, với kinh nghiệm lãnh đạo địa phương thời gian qua, chúng tôi hy vọng phải có sự đoàn kết, đồng lòng của tất cả các bộ, ban, ngành, các địa phương trong toàn quốc và sự vào cuộc của nhân dân.

Trong phát biểu nhận nhiệm vụ, bà có chia sẻ có người nhắn tin nói rằng “nhận nhiệm vụ quyền Bộ trưởng Y tế trong thời điểm này là một sự dũng cảm”?

Thực sự, câu nói đó không chỉ của một người mà rất nhiều người. “Tại sao không xuất phát từ ngành y mà lại dũng cảm nhận làm người đứng đầu ngành y tế lúc này?

Tôi nghĩ rằng, có thể tôi hoặc một người nào đó nhận nhiệm vụ này cũng do được sự tin tưởng của các lãnh đạo Đảng, Nhà nước.

Với trách nhiệm của người đảng viên, tôi cũng cố gắng, nỗ lực để tiếp cận công việc và cùng với tập thể Ban cán sự đảng Bộ Y tế triển khai công việc trong thời gian tới.

Bà xác định nhiệm vụ trọng tâm nào trong thời gian tới là gì?

Nhiệm vụ rất nhiều. Hôm nay, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo 7-8 nhiệm vụ mà tôi nghĩ rằng tất cả việc đó đều phải làm cẩn thận vì sức khỏe của nhân dân là vốn quý. Nếu một giây mà chúng ta chậm có thể ảnh hưởng đến tính mạng của rất nhiều người.

Quan trọng nhất là sự phân công làm sao để từng đơn vị trong Bộ Y tế với trách nhiệm và vai trò của mình sẽ làm tốt nhiệm vụ trên từng lĩnh vực.

Sự phát triển ở tất cả lĩnh vực mới tạo được sự phát triển của ngành.

Tôi ước sao trước đây học ngành y

Ngành y tế đang trong hoàn cảnh khó khăn khi cán bộ, nhân viên y tế nghỉ việc hàng loạt, rồi khó khăn trong đấu thầu trang thiết bị y tế, thiếu thuốc men… Bà sẽ làm gì để xoay chuyển tình hình?

Tôi sẽ rà soát lại các văn bản chỉ đạo. Rất mừng là đã nhận được sự chỉ đạo rất quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng.

Như trong bài phát biểu chỉ đạo của Thủ tướng, các bộ, ngành cũng đã vào cuộc, trong đó xác định rõ vai trò của các bộ ngành liên quan. 

Trước mắt, chúng tôi phải làm tốt vai trò của ngành y tế thì mới tháo gỡ được khó khăn. Bên cạnh đó sẽ tăng cường phối hợp cùng với các bộ, ngành để xem điểm khúc mắc trong quá trình chỉnh sửa các quy định cụ thể. 

Là người đứng đầu ngành y tế duy nhất trong số các bộ trưởng y tế không xuất phát từ ngành y, bà có lo lắng gì khi là người “ngoại đạo”?

Tôi ước trước đây tôi học ngành y để bây giờ có thể tự tin bước vào nhận nhiệm vụ và có thể nhanh chóng vào cuộc một cách nhanh nhất.

Câu chuyện của ngành y vừa rồi được rất nhiều ĐBQH bàn luận về vai trò làm công tác quản lý nhà nước với công tác chuyên môn, có ý kiến cho rằng nên tách bạch 2 vai trò này. Theo bà, trong bối cảnh hiện nay, phải chăng việc bà không xuất phát từ ngành y là một điểm cộng để làm công tác quản lý nhà nước tốt hơn?

Theo tôi, như thế cũng chưa hẳn là chính xác. Nếu vừa có trình độ chuyên môn và vừa có khả năng quản lý nhà nước vẫn là tốt nhất và không phải làm chuyên môn thì không làm tốt công tác quản lý.

Tôi nghĩ rằng người quản lý hay người làm chuyên môn thì đều phải đoàn kết, tập hợp được trí tuệ chung để mà triển khai nhiệm vụ của ngành.

Trách nhiệm của tôi trong thời gian tới là vô cùng nặng nề

Khi phát biểu nhận nhiệm vụ, bà nhìn nhận đây là sự tin tưởng nhưng cũng là trách nhiệm rất nặng nề. Bà suy nghĩ như thế nào về trách nhiệm của mình trong thời gian tới?

Tôi nghĩ rằng trách nhiệm của tôi trong thời gian tới là vô cùng nặng nề nhưng với nhiệm vụ và sự phân công, điều động thì tôi sẽ cố gắng cùng tập thể Ban cán sự, lãnh đạo Bộ Y tế tháo gỡ dần từng công việc, có lộ trình trọng tâm và trước mắt.

"Cơn bão" trong ngành y tế vừa qua khiến nhiều cán bộ ngành y tế rất tâm tư và rất nhiều nhân viên y tế trong bệnh viện công lập nghỉ việc. Vậy kế hoạch của bà trong thời gian tới để ổn định tư tưởng toàn ngành để tạo động lực, khí thế mới trong ngành?

Vấn đề chuyển dịch giữa khu vực công và tư thì không phải chỉ riêng có ngành y. Tuy nhiên, với áp lực của những năm phòng, chống dịch vừa qua lại thêm áp lực nặng nề của công việc, có thể nói là cán bộ ngành y tế cũng có sự chuyển dịch hoặc nghỉ việc hoặc sang khu vực y tế tư nhân.

Để khắc phục tình trạng này, trước mắt chúng ta phải rà soát, phân tích thực trạng như thế nào, có mặt tích cực gì, mặt hạn chế gì. Trên cơ sở đó rà soát, đánh giá những điểm yếu, cơ chế chính sách còn thiếu để có kế hoạch cùng với các bộ, ban, ngành báo cáo Chính phủ và Thủ tướng tháo gỡ trong thời gian tới.

Bà có chia sẻ gì với 500.000 cán bộ, nhân viên ngành y cả nước?

Với vai trò, nhiệm vụ là người đứng đầu ngành y tế, tôi tri ân đến đội ngũ cán bộ ngành.

Tôi rất mong các anh, chị tin tưởng vào sự chỉ đạo, lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và của ngành để chúng ta cùng chia sẻ, đoàn kết làm tốt vai trò, sứ mệnh của cán bộ ngành y. 


TIN LIÊN QUAN:

- Bà Đào Hồng Lan: Tôi rất bất ngờ khi nhận nhiệm vụ quyền Bộ trưởng Y tế Bí thư Bắc Ninh Đào Hồng Lan làm quyền Bộ trưởng Y tế -Quá trình trở thành quyền Bộ trưởng Y tế của bà Đào Hồng Lan
BỘ TRƯỞNG VÀ SỰ 'KIÊU NGẠO CỘNG SẢN'NGUYỄN NGỌC CHU/BVN /TD 16-7-2022


1. Sự nhầm lẫn vai trò bộ trưởng giữa các nước

Nhiều người viện dẫn thí dụ ở các nước tư bản, bộ trưởng quốc phòng là phụ nữ, không phải sĩ quan quân đội, không có chuyên môn và kinh nghiệm quân sự. Tương tự như vậy là thí dụ về các bộ y tế, giáo dục và các lĩnh vực khác – rồi đi đến khẳng định rằng bộ trưởng là chính khách, cần điều tiết về chính sách, không cần chuyên môn. Và từ đó để nuôi hy vọng lạc quan về trường hợp quyền bộ trưởng bộ y tế vừa được bổ nhiêm, cũng như nhiều trường hợp bộ trưởng là cán bộ chính trị không phải là chuyên gia trong ngành ở nước ta.

Nhận thức này xuất phát từ phân biệt không đúng về vai trò bộ trưởng ở ta và các nước. Không chỉ trong xã hội, nhận thức này có trong tư duy của một số người lãnh đạo cao cấp - nơi quyết định ai sẽ là bộ trưởng. Nếu cứ tiếp tục nhận thức này, thì các bộ trưởng ở nước ta sẽ tiếp tục là các cán bộ chính trị phong trào. Sự trả giá sẽ vô cùng “tàn khốc”.

Dưới đây liệt kê một số khác biệt “trời vực” giữa vai trò bộ trưởng ở nước ta và các nước.

1/ Đại diện cho nhà nước, bộ trưởng ở nước ta là chủ sở hữu tài sản và vốn ở các cơ quan, tập đoàn, xí nghiệp, các trường học, bệnh viện… ở khắp nơi mọi chỗ có tài sản nhà nước thuộc bộ quản lý. Không có bộ trưởng nào ở các nước tư bản là chủ sở hữu tài sản của các đơn vị trong lĩnh vực mình quản lý. Bộ trưởng nước ta chịu trách nhiệm về sự thất thoát tài sản và vốn sở hữu mà mình quản lý. Không có bộ trưởng các nước tư bản nào phải chịu trách nhiệm lỗ vốn ở các xí nghiệp thuộc ngành mình quản lý.

2/ Nước ta là nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung, quản lý toàn diện từ trung ương đến cơ sở, không phải chỉ chính sách, mà từ sản xuất, mua sắm cho đến giá cả... Bộ trưởng điều hành từ cơ quan bộ cho các tới các xí nghiệp, các bệnh viên, trường học, các đơn vị cấp dưới. Không có nước tư bản nào bộ trưởng có vai trò điều hành tác nghiệp như ở nước ta. Bộ trưởng nước ta không phải chỉ chính khách mà là người điều hành và chịu trách nhiệm về kết quả điều hành trong toàn ngành.

3/ Bộ trưởng ở nước ta cấp tài chính cho các đơn vị dưới quyền mình quản lý. Không có bộ trưởng các nước tư bản nào có được tài chính để cấp cho các xí nghiệp, nhà máy, trường học, bệnh viện…Cấp tiền thì đối diện với mất tiền – là vấn đề vô cùng hệ trọng, không chỉ sinh mạng chính trị, mà là “cơm áo, gạo tiền” của hàng vạn, hàng chục vạn, hàng triệu con người dưới quyền điều hành.

4/ Bộ trưởng nước ta, không chỉ tài chính, tài sản, dựa trên “đất đai là sở hữu toàn dân”, có quyền cấp hàng ngàn héc ta đất cho đối tượng này hay đối tượng khác. Không có một bộ trưởng các nước tư bản nào có quyền cấp đất.

5/ Ở các nước tư bản, chính phủ không được tín nhiệm thì phải giải tán. Thủ tướng từ chức thì chính phủ phải giải tán. Thủ tướng mới thì thành lập chính phủ mới với các bộ trưởng mới. Chính phủ vừa thành lập xong có thể bị giải tán. Trong một năm có thể có nhiều chính phủ. Không thể cứ có chính phủ mới thì phải phong cho bộ trưởng quốc phòng mới thành đại tướng 4 sao, giải tán chính phủ thì huỷ bỏ đại tướng 4 sao của bộ trưởng bộ quốc phòng. Cho nên, ở các nước tư bản có nhiều bộ trưởng quốc phòng mà không có nhiều tướng 4 sao. Ở nước ta, chính phủ không giải tán trong suốt nhiệm kỳ 5 năm.

Ngoài 5 sự khác biệt “đá tảng” nêu trên, còn các khác biệt khác nữa về vai trò bộ trưởng nước ta và bộ trưởng các nước tư bản, mà không thể viện dẫn ra ở đây. Từ 5 khác biệt “đá tảng” nêu trên có thể rút ra vài kết luận:

- Muốn bộ trưởng chỉ là chính khách như các nước tư bản, thì phải không có “sở hữu toàn dân”, chính phủ phải giải tán khi không được tín nhiệm.

- Chừng nào bộ trưởng còn sở hữu vốn, còn cấp vốn, còn điều hành tác nghiệp đến tận cơ sở thì chừng đó bộ trưởng không thể là “chính khách phong trào”, “chính khách chỉ tay” – mà phải là “tổng giám đốc điều hành” với hiểu biết sâu rộng nhiều chuyên ngành, tầm nhìn sáng láng, trí tuệ mẫn tiệp. Bộ trưởng nước ta là “tướng chiến trường” chứ không phải là “chính khách”.

- Bản chất nền kinh tế và nền chính trị của ta hoàn toàn khác với các nước tư bản. Bộ trưởng là chính khách, không cần biết chuyên môn, chỉ cần biết nói những nội dung chung chung không ai không biết, cho nên mới đưa đến tình trạng thua lỗ hàng trăm ngàn tỷ đồng, hàng chục xí nghiệp với hàng chục ngàn tỷ đồng đắp chiếu, giá thành thiết bị (trong đó có thiết bị y tế) bị nâng giá gấp từ năm đến hàng chục lần như hiện nay.

2. Vượt qua sự “kiêu ngạo cộng sản”?

Cựu Uỷ viên Bộ Chính trị - Thường trực Ban Bí thư Phan Diễn đã từng thừa nhận rằng sau năm 1975 tâm lý kiêu ngạo của người chiến thắng là nguyên nhân gây ra nhiều khủng khoảng khiến Việt Nam phải “đau đớn trả giá”

Người cộng sản nghĩ rằng, lãnh đạo thắng lợi trong chiến tranh là có thể lãnh đạo thắng lợi trên mặt trận kinh tế và mọi mặt trận khác. Cho nên họ đặt mục tiêu ảo tưởng sẽ đuổi kịp Nhật và các nước tư bản tiến tiến trong vòng 10-20 năm.

Năm 1986, thừa nhận sai lầm, “nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật”, TBT Trường Chinh đã tiến hành bước ngoặt đổi mới tại đại hội VI mà ông Phan Diễn đánh giá là “vượt qua sự kiêu ngạo cộng sản” (https://vnexpress.net/ong-phan-dien-chung-ta-da-vuot-qua...).

Nhưng, có thực sự là người cộng sản đã “vượt qua sự kiêu ngạo cộng sản” trong mọi lĩnh vực hay không?

Tương tự như nhận thức “lãnh đạo thắng lợi trong chiến tranh là có thể lãnh đạo thắng lợi trên mặt trận kinh tế và mọi mặt trận khác” nên đã thành mặc định cứ “uỷ viên trung ương” là có thể lãnh đạo toàn năng trong mọi lĩnh vực. Họ thuyên chuyển bộ trưởng và bí thư tỉnh uỷ từ lĩnh vực này sang lãnh đạo lĩnh vực khác chỉ dựa trên chức danh “uỷ viên trung ương” và bằng “lý luận chính trị cao cấp”.

Vị trí “uỷ viên trung ương’ được sử dụng như “bảo bối” cho mọi hoàn cảnh.

Đó cũng là trường hợp bà Đào Hồng Lan vừa được bổ nhiệm chức vụ quyền Bộ trưởng Bộ Y tế. Đọc sơ yếu lý lịch của bà Đào Hồng Lan thì nhìn thấy ngay viễn cảnh sắp tới của Bộ Y tế:

“12/1993 - 7/1995: Cán bộ tư vấn, Trung tâm Xúc tiến Việc làm Thanh niên Hà Nội, Thành Đoàn Hà Nội; 8/1995 - 3/2006: Chuyên viên Vụ Bảo hiểm Xã hội, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội; 4/2006 - 10/2006: Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội; 11/2006 - 3/2009: Phó Chánh Văn phòng, Phó Chánh Văn phòng phụ trách Văn phòng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội; Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; 4/2009 - 12/2014: Chánh Văn phòng, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội; Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; Ủy viên Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

2/2014 - 2/2018: Ủy viên Ban Cán sự Đảng, Bí thư Đảng ủy Bộ, Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội; Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; Ủy viên Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; Ủy viên Ban Chấp hành đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương.

2/2018 - 12/2019: Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng khóa XII, Phó Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh khóa XIX, nhiệm kỳ 2015-2020; 12/2019 - 9/2020: Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng khóa XII, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bắc Ninh khóa XIX, nhiệm kỳ 2015-2020; 9/2020 - 1/2021: Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng khóa XII, Bí thư Tỉnh ủy khóa XX, nhiệm kỳ 2020-2025; Bí thư Đảng ủy Quân sự tỉnh Bắc Ninh; 1/2021 - 6/2021: Ủy viên Trung ương Đảng khóa XIII, Bí thư Tỉnh ủy khóa XX, nhiệm kỳ 2020-2025; Bí thư Đảng ủy Quân sự tỉnh Bắc Ninh.

Tháng 7/2021 đến nay: Ủy viên Trung ương Đảng khóa XIII, Bí thư Tỉnh ủy khóa XX, Bí thư Đảng ủy Quân sự tỉnh Bắc Ninh. Đại biểu Quốc hội khóa XV và Trưởng Đoàn Đại biểu quốc hội tỉnh Bắc Ninh, Tổ trưởng Tổ Đảng”.

Từ ngày 15/7/2022 là Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự Đảng Bộ Y tế, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế” (https://congthuong.vn/ba-dao-hong-lan-duoc-giao-quyen-bo...).

Bà Đào Hồng Lan nhận chức vụ quyền Bộ trưởng Y tế không phải là sự “dũng cảm” (https://vietnamnet.vn/nhieu-nguoi-noi-toi-lam-quyen-bo.... Tục ngữ Việt Nam có nhiều câu phù hợp hơn cho hoàn cảnh này.

Bổ nhiệm bà Đào Hồng Lan làm quyền Bộ trưởng Y tế không làm cho Chính phủ của Thủ tướng Phạm Minh Chính mạnh hơn. Bổ nhiệm bà Đào Hồng Lan làm quyền Bộ trưởng Y tế cũng không thể làm cho Bộ Y tế khá hơn.

Bộ trưởng phải dựa vào thứ trưởng, trợ lý nhưng phải giỏi hơn thứ trưởng, trợ lý… mới biết được trong số các ý kiến của thứ trưởng, trợ lý… thì ý kiến nào đúng, sai, hay hoàn toàn sai. Bộ trưởng phụ thuộc vào chính kiến của cấp dưới thì chỉ có thảm hoạ.

Bộ Y tế cai quản sức khoẻ, chữa trị bệnh tật cho 100 triệu dân. Đối tượng của Bộ Y tế không phải là hoạt động chính trị. Cai quản Bộ Y tế ở Việt Nam phải là bậc kỳ tài. Buồn cho Bộ Y tế và buồn cho chính mình.

Học tập theo cụ Hồ. Nhưng cụ Hồ không chọn bộ trưởng như hiện nay.

Bao giờ thì vượt qua được sự ‘kiêu ngạo cộng sản’?

N.N.C.

Tác giả gửi BVN

THIẾU NGƯỜI HAY ĐỔI MỚI TƯ DUY ?

HUY ĐỨC/ TD 15-7-2022


Tôi không có đủ thông tin để hiểu vì sao quyền bộ trưởng Y tế là bà Đào Hồng Lan. Nhiều nước bộ trưởng y tế không phải là bác sĩ và bộ trưởng quốc phòng không phải là sĩ quan. Nhưng, khi đã đưa một người không có chuyên môn đứng đầu ngành y tế nước ta thì Bộ phải thay đổi vì không thể nào vận hành như trước.
Nếu bà Lan không muốn ngồi làm cảnh hoặc bị qua mặt thì phải lựa chọn: Mục tiêu của bà là nhắm vào các nguồn lợi bất tận từ các “pharma” hay kiến tạo một nền y tế chăm lo tốt nhất sức khỏe cho người dân. Nếu muốn thay đổi thì bà phải tập trung để làm bộ trưởng, tập trung cho vai trò ban hành chính sách và hiểu giới hạn của người đứng đầu ngành về hành chính.
Bộ máy hành chính công vụ trong Bộ phải được tách biệt với lực lượng tham mưu chính sách (hành pháp chính trị). Các cục, vụ không thể là người vừa ban hành các rào cản hành chính, vừa tự mình giúp các “pharma” lách qua các rào cản ấy.
Bộ trưởng, cũng vì thế, từ đây sẽ không còn can thiệp vào việc cấp phép lưu hành dược phẩm hay thành lập bệnh viện mà chỉ ban hành những chính sách để các cấp hành chánh lấy làm căn cứ mà cấp phép.
Như vậy, trong bộ Y tế nên có một thứ trưởng hay tổng thư ký đứng đầu bộ máy hành chính (bao gồm các cục và cấp hành chánh ngành). Ông cũng như các cục trưởng, được bộ trưởng bổ nhiệm, nhưng để tránh bị chính người bổ nhiệm thao túng, trong nhiệm kỳ, bộ trưởng không được phép thuyên chuyển hay thay thế và họ đương nhiên được tái bổ nhiệm nếu không có vi phạm nào tới mức kỷ luật.
Nguyên tắc này cũng phải được người kế nhiệm tuân thủ với những chức danh được bổ nhiệm từ người tiền nhiệm.
Bộ máy hành chánh không làm việc theo thứ bậc cấp dưới, cấp trên mà chỉ tuân theo các quy định (về chuyên môn) của pháp luật. Bộ máy hành chánh cũng tuyệt đối không được tham gia vào các quy trình ban hành chính sách và bộ trưởng cũng không có quyền ra lệnh cho họ cấp phép hay không cấp phép.
Giúp việc cho bộ trưởng là các vụ. Các vụ có thể tham vấn các bệnh viện và các cục khi ban hành chính sách nhưng không để bộ máy hành chánh (nơi có thể hưởng lợi từ chính sách) can thiệp.
Vốn xuất thân từ… bảo hiểm, trước hết, bà nên bãi bỏ ngay những quy định cho phép bảo hiểm y tế đưa ra các tiêu chuẩn điều trị (chi tiết tới số lượng bông gạc, thuốc men…). Đó là công việc của Bộ (ban hành các quy trình điều trị) và quyết định của các bác sĩ. Tính ưu việt của CNXH mà bà đang được định hướng là nên thông qua chính sách làm sao để người nghèo có thể tiếp cận bảo hiểm y tế chứ không phải đổ tiền ngân sách vào bệnh viện công.
Nên chấm dứt đầu tư bệnh viện công ở các trung tâm như Hà Nội hay Sài Gòn mà tập trung ngân sách cho vùng sâu, vùng xa; nhất là những nơi tư nhân không đầu tư bệnh viện. Trong nhiệm kỳ của mình, chỉ cần bà giảm được dòng người mắc những bệnh thông thường từ các tỉnh đổ về Hà Nội, Sài Gòn là bà đã giúp cho người dân nhiều lắm.
Cần chấp dứt một bệnh viện công hai chế độ: khoa thường và khoa dịch vụ. Hệ thống bệnh viện công nên đảm trách hai vai trò, bệnh viện cho người nghèo và bệnh viện chuyên khoa chuyên sâu. Nghiên cứu chính sách để người nghèo nếu mắc những bệnh hiểm nghèo, bệnh hiếm vẫn có thể được điều trị chứ không chỉ người có tiền mới được điều trị.
Các bác sĩ vừa ra trường phải được đưa về các bệnh viện lớn làm việc trong vòng 5 năm, sau đó phải đi vùng sâu, vùng xa ít nhất 3 năm (mới được cấp phép trở lại làm việc ở các thành phố lớn).
Các loại thuốc đã được các nước phát triển (như G7) cấp phép thì phải đương nhiên được lưu hành tại Việt Nam. Trường hợp cháu bé 4 tuổi ở Phú Yên bị rắn cắn tử vong vì thiếu huyết thanh là một ví dụ về những thủ tục không cần thiết được quy định trong Thông tư 32 khiến cho huyết thanh ít được nhập.
Hy vọng, việc bổ nhiệm bà Đào Hồng Lan làm Bộ trưởng Bộ Y tế là một sự thay đổi về tư duy chứ không phải vì thiếu một trung ương ủy viên có bằng bác sĩ.
Và, nếu quyết định cán bộ này là sản phẩm của đổi mới tư duy thì nên tư duy tiếp để chuyên nghiệp hóa nền hành chánh Việt Nam trên cơ sở tách bạch hành pháp chính trị với hành chính công vụ ở tất cả các ngành từ trên xuống dưới.


BỘ TRƯỞNG Y TẾ

NGUYỄN HỒNG VŨ/ TD 16-7-2022


Hôm nay, mình thấy bà con ở VN rần rần việc đề cử Bộ trưởng Y tế mới là chị Đào Hồng Lan, người đang có bằng thạc sĩ về kinh tế và bằng lý luận chính trị cao cấp. Có nhiều người vui nhưng cũng có không ít người lo.
Đối với mình chuyện kiến thức nền của chị Lan là kinh tế không thực sự là một điều chúng ta nên lo vì vai trò của chị là “lãnh đạo” và trên thế giới cũng có không ít những trường hợp bộ trưởng Y tế có bằng cấp không liên quan đến ngành Y. Nếu không tin các bạn thử search trên Google bằng từ khóa “minister of health USA history”, hoặc thay USA bằng Canada, Germany, Japan, v.v… các bạn cũng sẽ thấy như vậy.
Do vậy, mình nghĩ rằng:
- Chúng ta không nên lo khi chị Lan không có kiến thức ngành Y, mà chúng ta nên lo rằng chị Lan có đặt những người có kiến thức ngành Y có tâm và có tầm vào vị trí cố vấn hay không.
- Chúng ta không nên lo chị Lan sẽ có những quyết đoán đúng hay không, mà chúng ta nên lo rằng chị Lan có chịu lắng nghe những ý kiến chói tai nhưng đúng đắn và thẳng thắn của người có chuyên môn hay không.
- Chúng ta không nên lo chị Lan có đảm đương được những khối lượng công việc khổng lồ hay không, mà chúng ta nên lo chị Lan có chạy theo chỉ tiêu mà bỏ quên những điều kiện thực tế hay không.
Nói chung, theo mình nghĩ mấu chốt của làn sóng “lo lắng” hướng đến Bộ Y Tế hiện nay đó là “niềm tin” chứ không thực sự là do trái ngành nghề của người được đề cử. Trãi qua đợt dịch COVID-19 khủng khiếp vừa qua thì có lẽ “niềm tin” đã bị bào mòn khá nhiều khi mà lãnh đạo chống dịch bằng nghị quyết, bằng chỉ tiêu và những lời hứa “bung”, “toang”,… bỏ ngoài tai những lời góp ý của những người có chuyên môn, thậm chí kiên trì đi lên những vết xe đỗ của các chiến dịch test toàn dân để tốn tiền, tốn sức và bùng dịch,…
Cơn bão Việt Á&CDC ở giai đoạn hậu COVID có lẽ giúp giải thích nhiều điều bất cập, khó hiểu ở phía trên nhưng có vẻ như nó chưa giúp bồi đắp lại niềm tin bao nhiêu nhưng đang gây nên hệ lụy khá lớn cho toàn hệ thống ngành Y khi mà mọi người trong ngành đều đang nằm trong một mạng lưới có tên gọi “cơ chế... có lỗi”.
Nói tóm lại, chúng ta không nên quá lo việc kiến thức nền của chị Lan mà nếu có lo thì chúng ta nên định hướng nỗi lo của chúng ta vào những điều thực tế hơn. Trong cơn bão Việt Á&CDC này thì việc chị Lan ngồi vào cái ghế nóng ấy thực sự mình nghĩ cũng chẳng thoải mái đâu. Chúng ta hãy hy vọng chị Lan sẽ “làm gì đó” để “sửa lỗi cơ chế” và tạo dựng lại “niềm tin” cho người dân vào Bộ Y Tế.
Bảo trọng nhe bà con

NHV

NGÀNH Y VIỆT NAM: CẦN SỰ 'ĐỒNG CẢM' HAY 'THẤU CẢM' 

CỦA NGƯỜI DÂN ?

HUỲNH WYNN TRẦN/ TD 16-7-2022


Câu chuyện quyền Bộ Y tế VN đang hot trên mạng xã hội với những bình luận về dân ngoại đạo có nên lãnh đạo ngành Y hay không. Riêng tôi thì quan tâm đến câu nói của bà Đào Hồng Lan là "Chúng tôi rất cần sự đồng cảm" của người dân trên báo VNexpress.
Mới đọc tựa đề, tôi chưa hiểu ý của bà là muốn người dân "Đồng cảm" hay "Thấu cảm" khó khăn của ngành Y. Bà nói "ngành y tế đang gặp nhiều khó khăn, cần sự động viên, chia sẻ của Đảng, nhà nước và sự đồng cảm của người dân."
Trong y khoa, hai khái niệm "Đồng cảm" (Sympathy) và "Thấu cảm" (Empathy) là khác nhau và thường bị dùng nhầm lẫn.
Đồng cảm là khả năng hiểu được hoàn cảnh của người khác từ chính góc nhìn của mình, hiểu người khác đang trải qua những khó khăn dựa trên hiểu biết, hoàn cảnh, hay kinh nghiệm cá nhân của mình. Ví dụ như quý vị thấy đồng cảm khi thấy người bạn có người cha vừa mất vì bệnh ung thư mình cũng đã vừa mất cha không lâu do căn bệnh này. Đồng cảm còn có thể hiểu là sự đồng ý với những cảm xúc, những mất mát, và chia buồn với người khác.
Thấu cảm là khả năng hiểu được hoàn cảnh của người khác thông qua sự hiểu biết, khả năng kết nối, và cảm nhận với người đó, chứ không hẳn từ kinh nghiệm cá nhân. Ví dụ như một BS sản khoa nam giới có thể thấu cảm nỗi đau đớn thể xác khi rặn đẻ sinh con của người mẹ mặc dù anh ta chưa bao giờ sinh con. Thấu cảm không nhất thiết là đồng ý với những cảm xúc hay cảm giác của người khác.
Ngành Y Việt Nam cần sự đồng cảm hay thấu cảm của người dân?
Người dân nên hiểu những khó khăn của BS ngày đêm túc trực bệnh viện để cấp cứu những ca tai nạn giao thông do uống rượu hay cãi lộn chém gió. Người dân cần hiểu những khó khăn của những BS đi học gần 10 năm mà lương vài triệu đồng không đủ sống ở Sài Gòn. Người dân cần hiểu rõ những rủi ro mắc bệnh truyền nhiễm hay bị người thân bạo hành khi hành nghề bác sĩ.
Dĩ nhiên, một người dân bình thường, và kể cả bà quyền Bộ trưởng Bộ Y tế, không phải là nhân viên ngành y, càng không phải là BS nên người dân khó hiểu những kinh nghiệm như chữa bệnh Covid-19 trong bộ đồ nóng kín mít, từng bị người nhà chém đánh, hay từng bị trả lương thấp. Vì vậy, người dân thường khó mà đồng cảm với nhân viên ngành Y được.
Thay vào đó, người dân có thể thấu cảm được những khó khăn của nhân viên ngành y khi tìm hiểu những khó khăn của nhân viên y tế hoặc thử đặt mình vào hoàn cảnh của người BS.
Trong Y khoa, dùng từ ngữ chính xác là yêu cầu cơ bản khi giao tiếp. Dùng một khái niệm sai có thể dẫn đến chẩn đoán và chữa trị sai.
Thấu cảm là sự hiểu biết một cách sâu sắc, trọn vẹn, đầy đủ người khác bao gồm cả cảm xúc lẫn lý trí. Thấu cảm có thể hiểu là một cung bậc cảm xúc cao hơn so với đồng cảm.
Đọc hết bài phỏng vấn, tôi nghĩ ý của bà quyền bộ trưởng y tế là cần sự thấu cảm của người dân chứ không phải sự đồng cảm.

HWT

'BỘN BỀ' CHÍNH LÀ CƠ HỘI LÃNH ĐẠO ĐÍCH THỰC CHO QUYỀN BỘ

TRƯỞNG Y TẾ ĐÀO HỒNG LAN

TS NGUYỄN VĂN ĐÁNG/ TVN 18-7-2022

Phát biểu tại buổi công bố quyết định giao quyền Bộ trưởng Y tế ngày 15/7, bà Đào Hồng Lan bày tỏ “bộn bề suy nghĩ” trước nhiệm vụ mới.

Bối cảnh bề bộn

Tâm trạng “bộn bề” của bà Đào Hồng Lan là có cơ sở bởi bà đảm nhận nhiệm vụ mới trong một bối cảnh không thể bề bộn hơn.

Thách thức cũng chính là cơ hội để bà Đào Hồng Lan có thể chứng minh và khẳng định năng lực lãnh đạo của bản thân. Ảnh: Trần Thường

Thứ nhất, cả hai Bộ trưởng Y tế tiền nhiệm đều bị kỷ luật Đảng, thậm chí ông Nguyễn Thanh Long và một số Thứ trưởng, Vụ trưởng, cùng hàng loạt cán bộ y tế ở các địa phương còn bị khởi tố.

Thứ hai, ngành Y tế là lĩnh vực đang phải chứng kiến hiện tượng cán bộ chán nản, nghỉ việc gia tăng. Thứ ba, hàng loạt vấn đề chính sách và quản lý đang cần sự chỉ đạo khẩn trương của Bộ trưởng, chẳng hạn như chế độ cho cán bộ y tế tham gia phòng chống dịch Covid-19, mua sắm trang thiết bị và vật tư y tế, hay xốc lại tinh thần của đội ngũ nhân viên y tế nhằm bảo đảm nhiệm vụ thường xuyên.

Trên tất cả, những bất cập, hạn chế của ngành y tế bộc lộ trong thời gian phòng chống đại dịch Covid-19, đặc biệt là số lượng lớn cán bộ từ trung ương đến địa phương bị khởi tố do liên quan đến công ty Việt Á, đã phần nào ảnh hưởng tiêu cực đến uy tín của ngành nói chung. Có thể nói, chưa khi nào và cũng chưa có bộ, ngành nào ở nước ta phải trải qua những ngày tháng căng thẳng, đầy áp lực như ngành Y tế hiện nay.

Do đó, xốc lại tinh thần và tư tưởng của cán bộ, hành động để giải quyết các vấn đề chính sách nổi cộm hiện nay, qua đó từng bước khôi phục lòng tin của nhân dân trở thành những thách thức lãnh đạo hàng đầu của ban lãnh đạo Bộ Y tế. Bên cạnh những thách thức nêu trên, dư luận xã hội quan tâm hơn tới ngành Y khi quyền Bộ trưởng là người đầu tiên không có chuyên môn và không trải qua quá trình trưởng thành trong ngành.

Cơ hội lãnh đạo

Nếu nhìn trở lại lịch sử đất nước và nhiều nước khác, chính bối cảnh bề bộn, rối ren lại là cơ hội cho các nhà lãnh đạo đích thực. Nói cách khác thì đó chính là những giai đoạn khủng hoảng, thậm chí bế tắc, đòi hỏi vai trò lãnh đạo hơn bao giờ hết.


Quyền Bộ trưởng phải cho thấy những thay đổi theo thời gian, cải thiện tình hình hoạt động và đem đến một hình ảnh mới cho ngành Y. Ảnh: Như Ngọc

Sự bề bộn, rối ren của một ngành, một địa phương, hay trên phương diện quốc gia được tạo nên bởi những vấn đề nan giải mà các biện pháp lãnh đạo và quản lý truyền thống, quen thuộc sẽ không còn phù hợp, không hiệu quả. Thực tế nan giải đòi hỏi một tầm nhìn lãnh đạo mới với những giải pháp mới để có thể quy tụ sự ủng hộ và đoàn kết mọi nỗ lực, cùng nhau thoát ra khỏi tình trạng đó. Những nhà lãnh đạo thành công, để lại di sản giá trị, đều là những người tìm ra được lối thoát cho một hiện trạng phức tạp, nan giải, thậm chí là khủng hoảng.

Yêu cầu số một với vai trò lãnh đạo là phải thực hiện được những sự thay đổi, tạo ra tác động tích cực cho ngành, địa phương, hoặc trên quy mô quốc gia. Để thực hiện được sự thay đổi tích cực, nhà lãnh đạo trước hết phải nắm vững đặc điểm bối cảnh hiện tại và đề ra được phương hướng cho sự thay đổi, thể hiện qua tầm nhìn lãnh đạo cùng những chiến lược hành động cụ thể.

Tiếp đó, thông qua việc truyền tải những mục tiêu cụ thể, họ phải có thể quy tụ được sự ủng hộ cả trong và ngoài hệ thống chính trị. Phát hiện và đáp ứng nhu cầu của những người ủng hộ, trao quyền cho những người ủng hộ chính là mảnh ghép thứ ba để nhà lãnh đạo hướng đến hiện thực hóa một sự thay đổi nào đó.

Ngành Y tế đang rất cần những thay đổi tích cực để từng bước giúp tình hình trở lại sự trật tự và ổn định như mong đợi. Do đó, quyền Bộ trưởng sẽ phải đối diện với hàng loạt thách thức như: nhanh chóng bố trí và ổn định đội ngũ cán bộ chủ chốt, nhận diện những vấn đề chính sách cấp bách nhất, tìm kiếm những giải pháp hữu hiệu và khả thi, cũng như sự ủng hộ chính trị cho tiến trình thực hiện các giải pháp đó.

Như vậy, bà Đào Hồng Lan đang đứng trước những thách thức rất lớn nhưng đó cũng chính là cơ hội để bà có thể chứng minh và khẳng định năng lực lãnh đạo của bản thân.

Để thể hiện năng lực lãnh đạo, bà phải cho thấy những thay đổi theo thời gian, cải thiện tình hình hoạt động và đem đến một hình ảnh mới cho ngành Y, qua đó từng bước vun đắp trở lại lòng tin xã hội đối với lĩnh vực mình phụ trách. Sự thành công của bà sẽ có ý nghĩa đặc biệt bởi nó có thể xóa bỏ bớt định kiến rằng Bộ trưởng phải là người có chuyên môn.

Để vượt qua thách thức lãnh đạo

Trong Chính phủ hiện tại, bà Đào Hồng Lan không phải là ngoại lệ khi trước đó, ông Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Công thương, cũng là lãnh đạo cao nhất của ngành nhưng lại không có quá trình gắn bó và trưởng thành trong ngành. Nhìn ra các nước phát triển, chẳng hạn như Mỹ, bộ trưởng không nhất thiết là người có chuyên môn và gắn bó với ngành bởi họ chủ yếu đảm nhiệm vai trò lãnh đạo chính sách. Vai trò quản lý và thực thi chính sách chủ yếu được thực hiện bởi cấp dưới cùng bộ máy hành chính, chuyên môn.

Tuy nhiên, cả truyền thống và đặc thù thể chế chính trị - hành chính ở nước ta hiện nay thì Bộ trưởng đồng thời đảm nhiệm cả vai trò lãnh đạo chính trị, hoạch định và thực thi chính sách. Nói cách khác, với các bộ trưởng ở nước ta, không có sự tách bạch rạch ròi giữa vai trò lãnh đạo và vai trò quản lý như ở các nước phát triển phương Tây. Đây chính là căn nguyên cho thông lệ ở nước ta từ trước tới nay, các bộ trưởng thường là người có chuyên môn và gắn bó với ngành mà họ sẽ phụ trách.

Để thành công, ban lãnh đạo mới, nhất là cá nhân quyền Bộ trưởng Y tế cần cho thấy một sự tự tin trước công chúng. Sự tự tin đó là kết quả tổng hợp từ những phát ngôn rõ ràng, chắc chắn, thể hiện sự hiểu biết sâu sắc tình trạng hiện tại, cùng những vấn đề chính sách cần ưu tiên giải quyết. Tiếp đó là những chỉ đạo cho những hành động cụ thể, được kỳ vọng có thể tạo ra sự thay đổi tích cực.

Cũng bởi thế, thành công hay thất bại của ban lãnh đạo mới tại Bộ Y tế không chỉ được quyết định bởi dàn cán bộ chủ chốt, mà còn phụ thuộc rất lớn vào đội ngũ cố vấn đứng phía sau họ.

Nguyễn Văn ĐángTiến sĩ Quản trị công và Chính sách

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét