Thứ Bảy, 2 tháng 7, 2022

20220703. CÁC ĐÊM SHOW 'CHIA TAY' CỦA CA SĨ KHÁNH LY

 ĐIỂM BÁO MẠNG


KHÁNH LY HÁT 'GIA TÀI CỦA MẸ', BTC ĐÊM NHẠC BỊ MỜI LÀM VIỆC

GIA BẢO/ VNN 30-6-2022


Ban tổ chức đêm nhạc "Dấu chân địa đàng" bị cơ quan chức năng mời làm việc vì trong đêm nhạc mới đây Khánh Ly hát ca khúc không thuộc danh mục đăng ký biểu diễn được duyệt.

Ngày 29/6, Công ty TNHH Mây Lang Thang - ban tổ chức đêm nhạc Dấu chân địa đàng diễn ra tại Đà Lạt hôm 25/6 bị Sở Văn hóa - thể thao và du lịch tỉnh Lâm Đồng mời lên làm việc. Cụ thể danh ca Khánh Ly hát nhạc phẩm Gia tài của mẹ không thuộc danh mục 24 bài đăng ký biểu diễn được cơ quan chức năng duyệt trước đó.

Vì vậy, Sở Văn hóa - thể thao và du lịch tỉnh Lâm Đồng yêu cầu Công ty TNHH Mây Lang Thang (phường 7, Đà Lạt) - đơn vị tổ chức đêm nhạc - giải trình về buổi biểu diễn cùng việc Khánh Ly biểu diễn bài Gia tài của mẹ để làm rõ vụ việc.

Theo Sở Văn hóa - thể thao và du lịch tỉnh Lâm Đồng, công ty Mây Lang Thang đã điều chỉnh tăng số lượng bài hát lần 2 gửi lên Phòng Quản lý Văn hoá để xin phép theo quy định. Số lượng bài hát đăng ký các ca sĩ biểu diễn trong đêm nhạc sau khi điều chỉnh số lượng là 24 bài, không có bài Gia tài của mẹ do cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn sáng tác.

Sau khi một số khán giả đăng tải clip danh ca Khánh Ly thể hiện bài Gia tài của mẹ lên mạng xã hội tạo dư luận trái chiều, Sở Văn hóa - thể thao và du lịch tỉnh Lâm Đồng nắm thông tin vụ việc và mời Công ty TNHH Mây Lang Thang làm việc.

Danh mục 24 bài đăng ký biểu diễn không có bài "Gia tài của mẹ". 

VietNamNet liên hệ đại diện Sở Văn hóa - thể thao và du lịch tỉnh Lâm Đồng cho biết: "Sáng mai 30/6, chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với đại diện Công ty TNHH Mây Lang Thang. Theo tôi, vụ việc đã rõ ràng. Phía công ty đã nhận lỗi vì để ca sĩ biểu diễn một ca khúc không nằm trong danh mục đăng ký biểu diễn được duyệt. Sau khi làm việc xong sẽ xử lý theo quy định".

Trước đó, đêm nhạc Dấu chân địa đàng thuộc chuỗi show Khánh Ly - Như một lời chia tay diễn ra tại sân khấu Mây - In the nest, Đà Lạt hôm 25/6. Đêm nhạc quy tụ gần 1.000 khán giả tham dự. 


ĐƠN VỊ TỔ CHỨC SHOW KHÁNH LY BỊ CẢNH CÁO
HUY MINH/ VNN 1-7-2022

Cơ quan chức năng nhắc nở sai phạm với đơn vị tổ chức show Khánh Ly ở Đà Lạt. Đại diện ban tổ chức cho biết sẽ không hát lại ca khúc "Gia tài của mẹ".

Chia sẻ với VietNamNet, đại diện Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng quyết định không xử phạt hành chính, chỉ nhắc nhở, yêu cầu công ty TNHH Mây Lang Thang - đơn vị tổ chức đêm nhạc "Dấu chân địa đàng" hôm 25/6 - rút kinh nghiệm.

Người này nói: "Sau buổi làm việc thứ 2, chúng tôi yêu cầu đơn vị tổ chức biểu diễn rút kinh nghiệm, không lặp lại tình huống tương tự". Về phía Công ty TNHH Mây Lang Thang, người đại diện nhận sai sót việc biểu diễn ca khúc không nằm trong danh mục 24 bài đăng ký biểu diễn, hứa rút kinh nghiệm.


Danh ca Khánh Ly.

Ca sĩ Quang Thành - người đại diện và biên tập đêm nhạc của Khánh Ly thông tin với VietNamNet nữ danh sẽ không tiếp tục hát bài trong các chương trình tiếp theo.

Trước đó, đêm nhạc Dấu chân địa đàng thuộc chuỗi show Khánh Ly - Như một lời chia tay diễn ra tại sân khấu Mây - In the nest, Đà Lạt hôm 25/6. Đêm nhạc quy tụ gần 1.000 khán giả tham dự. Ngoài các ca khúc nhạc tình của Trịnh Công Sơn, Khánh Ly còn thể hiện một số nhạc phẩm của các tác giả nổi tiếng khác. 

Chuỗi show Khánh Ly - Như một lời chia tay được thông tin là tour xuyên Việt cuối cùng của Khánh Ly. Sau Đà Lạt, bà còn biểu diễn tại một số địa điểm khác gồm TP.HCM, Nha Trang, Đà Nẵng...

Thiện Nhân - Gia Bảo

KHÁNH LY BỊ RỐI LOẠN TIÊU HÓA VÌ STRESS, TẶNG 200 TRIỆU ĐỒNG CHO TRẺ MỒ CÔI

GIA BẢO/ VNN 2-7-2022

Tối 1/7, danh ca Khánh Ly cùng những người bạn tổ chức đêm nhạc thứ 2 trong chuỗi show 'Như một lời chia tay' tại Sân khấu kịch Idecaf, TP.HCM - điểm tổ chức chương trình quen thuộc mỗi khi bà về nước thực hiện 'Vòng tay nhân ái'.

Khác với không khí nhộn nhịp gần 1.000 người của show đầu tiên trên Đà Lạt, đêm nhạc diễn ra tại Sân khấu kịch Idecaf, TP.HCM tối 1/7 ấm áp, gần gũi với khoảng 300 khán giả.

Khánh Ly cùng ê-kíp không hát và dẫn chuyện "sao y" đêm diễn trước đó. Điểm mới bố cục chương trình là các tiết mục đơn ca và song ca của các ca sĩ khách mời NSƯT Hồng Vân, Phương Hồng Ngọc,... cùng Khánh Ly. Khán giả Sài Gòn cũng được nghe danh ca U80 cũng thể hiện một số nhạc phẩm như Chờ nhìn quê hương sáng chói, Nối vòng tay lớn,...

Trong đêm nhạc, Khánh Ly giữ tôn chỉ truyền tải tinh thần, thông điệp của Trịnh Công Sơn đến khán giả, qua các bài Cát bụi, Hạ trắng, Mưa hồng, Dấu chân địa đàng...

Đầu chương trình, bà gửi lời chào Sài Gòn trong chiếc áo dài cũ rích. Danh ca đã mở tủ áo của mình, chọn lấy chiếc áo mà chồng quá cố Nguyễn Hoàng Đoan đặt may cho mình. Khánh Ly ngơ ngẩn hồi lâu, vì 20 năm rồi bà chưa mặc lại chiếc áo này, và nhớ đến câu hát: "Áo xưa dù nhàu cũng xin bạc đầu gọi mãi tên nhau...".


Danh ca Khánh Ly trong chiếc áo cũ chồng đặt may cách đây 20 năm. Ảnh: Nguyên Vân

Trở lại Sài Gòn, Khánh Ly nửa vui nửa buồn. Ngay tại sân khấu Idecaf từng diễn ra nhiều đêm nhạc Vòng tay nhân ái, ngày trở lại, bà và ê-kíp mãi mãi vắng đi một số gương mặt thân thương. Chiều 1/7 khi tập chương trình, bà ngậm ngùi, nhiều lần chực khóc khi nghĩ đến người đã khuất. 

"Tôi nghĩ đến những người đã bỏ chúng ta đi rồi nghĩ đến thân phận mình. Tôi không chắc mình còn bao lâu nữa để có thể đứng đây và hát. Hai năm nữa thôi, tôi tròn 80 tuổi, chỉ hình dung thôi tôi lạnh hết cả người. Cảm giác ấy giống như khi tôi nhìn thấy chiếc áo dài trong tủ", danh ca nói. 

Cũng tại sân khấu Idecaf số 28 Lê Thánh Tôn, Quận 1, TP.HCM làm Khánh Ly nhớ đây là con đường bà gặp cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Với bà, ông là người "mang đến cơm áo, dạy tôi thành nhân trước khi thành danh".

Khánh Ly cho hay những ngày qua, bà phải nghỉ ngơi do bệnh. Vì stress, bà bị rối loạn tiêu hóa, khó thở, có lúc tưởng mình không qua khỏi. NSƯT Thanh Thủy đã gấp gáp mời một bác sĩ quen đến khám chữa. Tuổi 78, bà nghe lời bác sĩ răm rắp nghỉ dưỡng vài ngày, ăn uống điều độ, không đi đâu nên sức khỏe hồi phục. 

Trong đêm nhạc, Khánh Ly vui gặp lại NSƯT Hồng Vân - người thân em thân thiết bà "yêu, rất yêu và sẽ còn yêu mãi". Hồng Vân là một trong những người em của Trịnh Công Sơn, từng là ca sĩ hát tại phòng trà của Khánh Ly và "ăn cơm nhà Khánh Ly nhiều hơn nhà mình"

Hồng Vân thổ lộ: "Thật sung sướng khi ước mơ hát cùng chị Ly đã thành sự thật. Chị em chúng tôi từng sống và hát cùng nhau. Hôm nay, tôi sẽ hát những bài 50 năm trước đã hát ở phòng trà Khánh Ly do chị Ly đạo diễn". Chị song ca Khánh Ly bài Tiếng sáo Thiên thai, hát solo 2 bài Tình hoài hương và Tình nghèo - những sáng tác của cố nhạc sĩ Phạm Duy. Ngày xưa, chính Khánh Ly chọn những bài mang âm hưởng dân ca, học thuật cao cho giọng NSƯT.

Đại diện danh ca Khánh Ly, ca sĩ Quang Thành chia sẻ ê-kíp Vòng tay nhân ái ủng hộ 200 triệu đồng cho chương trình Cùng con đi tiếp cuộc đời bảo trợ trẻ mồ côi do đại dịch Covid-19.

VÀI Ý VỀ PHÁP LÝ VIỆC CA SĨ KHÁNH LY HÁT 'GIA TÀI CỦA MẸ' Ở ĐÀ LẠT

LÊ NGUYỄN DUY HẬU/ TD 1-7-2022



1. Từ năm 2020, Việt Nam đã bỏ quy định rằng các ca khúc sáng tác trước năm 1975 ở miền Nam Việt Nam thì cần phải được xin cấp phép lưu hành, phổ biến. Quy định này xuất hiện sau nhiều phản đối từ xã hội liên quan đến việc cơ quan nhà nước khá lúng túng và tuỳ tiện khi cấp phép lưu hành bài hát, chẳng hạn như vụ cấm lưu hành bài "Con Đường Xưa Em Đi".
2. Điều đó có nghĩa là bài Gia Tài Của Mẹ của Trịnh Công Sơn không phải là bài hát bị "cấm lưu hành" vì không còn có khái niệm đó nữa. Tuy nhiên, nếu ca sĩ hát bài hát có nội dung vi phạm điều cấm của pháp luật, ví dụ như kích động bạo lực, xuyên tạc lịch sử v.v... thì cơ quan Nhà nước có thể phạt hành chính. Tức là cơ quan Nhà nước không cấm bài hát, nhưng ai hát thì sẽ bị phạt.
3. Ở một mặt khác, bài hát cho dù có bị "dư luận" (hay ai đó nhân danh dư luận) phản đối thì việc ai đó hát bài hát này cũng không bị xem là vi phạm pháp luật cho đến khi cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xác định là bài hát có nội dung vi phạm và ra quyết định xử phạt. Nếu theo mô hình cũ, Nhà nước lên một danh sách bài hát trước 1975 ở miền Nam được lưu hành (tức là không có vấn đề), ai hát ngoài danh sách này là sai, khỏi bàn cãi. Nay mô hình mới là không bài hát nào trước 1975 bị xem là vi phạm pháp luật cho đến khi Nhà nước tuyên bố, chứng minh là nó vi phạm pháp luật. Thuật ngữ chuyên môn cho mô hình cũ là tiền kiểm, hay kiểm duyệt trước. Thuật ngữ chuyên môn cho mô hình mới là hậu kiểm.
4. Về độ cởi mở thì hậu kiểm thường tốt hơn tiền kiểm. Hậu kiểm buộc những ai phản đối bài hát phải đi chứng minh là bài hát vi phạm pháp luật, thay vì đơn giản theo mô hình cũ là "tao thích thì tao cho hát, không thì thôi".
5. Lỗi của chương trình của Khánh Ly lại là việc Khánh Ly hát Gia Tài Của Mẹ dù không có đăng ký trong chương trình gửi Sở, chứ không phải là "hát ca khúc bị cấm". Đây là lỗi không nặng, bị phạt mỗi tối đa 20 triệu đồng, mà cũng chẳng phải Khánh Ly bị phạt mà là đơn vị tổ chức. Ai muốn phạt Khánh Ly vì hát ca khúc "bị cấm" thì chịu khó quay ngược thời gian vậy, hoặc ráng vận động cơ quan Nhà nước tuyên bố bài này xuyên tạc lịch sử.
Ngoài ra, nói một chút về các vấn đề phi pháp lý và gửi lời đến nhiều người: Mình thấy nhiều người lồng lộn lên đòi cấm đòi phạt đòi bắt người hát lẫn người cho hát bài này vì một câu trong đó không đúng cái họ nghĩ là lịch sử thì cũng mắc cười. Thôi thì gửi lời với những ai đang gân cổ lên bảo vệ đất nước, bảo vệ truyền thống dân tộc... bằng việc chửi một bài hát, hay lăng mạ người khác mình là chúc bạn thấy cuộc sống có ý nghĩa, tuổi trẻ đang được cống hiến để bảo vệ non sông gấm vóc. Nhiều khi đó là ý nghĩa cuộc sống của bạn, không nên đánh thức bạn làm gì.
Còn thật ra mình cũng không hiểu lắm mục tiêu thực dụng của việc cấm hay tẩy chay mấy ca khúc như Gia Tài Của Mẹ đâu. Vì bản thân nó đã quá nổi tiếng rồi, thậm chí còn lớn tuổi hơn bạn, thậm chí là trước cả thời bố mẹ bạn, không thể xoá sổ được. Nếu cấm mà xoá sổ được thì nó đã không âm thầm sống, được đón nhận, len lỏi, thậm chí đi sâu vào tâm trí, chạm đến tâm can nhiều thế hệ người Việt Nam, bất chấp việc từng bị không cho phép lưu hành trước năm 2020, đến mức nghe một cái là người ta nhận ra, hát theo được ngay vậy đâu. Cho nên chuyện bạn có thấy nó phản quốc, nó sai trái, nó lật sử hay gì gì đi nữa thì... kệ bạn thôi, chả liên quan gì đến người khác. Và bạn cũng chả làm gì được người khác. Khả năng cao là nếu lỡ đọc thấy những lời bạn chửi bới, hô khẩu hiệu, lên đồng... thì người ta cũng biết vậy, tắt màn hình, rồi mở Gia Tài Của Mẹ nghe tiếp thôi. Làm gì được nhau lêu lêu.
Nói chung làm Hồng Vệ Binh ở thời đại không phải Cách mạng Văn hoá cũng có sự bức bối. Mình thông cảm, chí làm trai muốn phá bỏ tất cả nhưng sinh ra nhầm thời đại, các bạn ráng động viên nhau.

LNDH


'NỘI CHIẾN' VÀ 'KÍCH ĐỘNG HẬN THÙ'
TUẤN KHANH/TD 1-7-2022


Sự kiện ca sĩ Khánh Ly hát bài Gia Tài Của Mẹ, một bài hát trong tập Ca khúc Da Vàng của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đang dấy lên những tranh luận dữ dội trong nước. Phía những người chống Khánh Ly và sự tồn tại của nền văn hóa Việt Nam Cộng Hòa ở Việt Nam, lúc này đã dùng những lời lẽ hết sức nặng nề, thậm chí gọi bà là kẻ âm mưu tuyên truyền chính trị ở Việt Nam.
Không có lý luận rõ ràng, nhưng hầu hết các luận điệu chống đối ca sĩ Khánh Ly đều dựa trên câu chữ mà bài hát mô tả là “nội chiến” để tấn công. Phía Nhà nước Việt Nam lâu nay vẫn nói rằng cuộc chiến tranh giải phóng Nam Bắc là một cuộc giải phóng thần thánh, để thống nhất đất nước. Nội dung nói “nội chiến” bị coi là sai đường lối và chủ trương của đảng Cộng sản Việt Nam.
Nhưng đáng ngạc nhiên, là không dòng nào chỉ trích người viết ra bài hát này, là nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Bên cạnh đó, làn sóng bảo vệ bà Khánh Ly và dòng văn hóa riêng của Việt Nam Cộng Hòa cũng bùng lên sôi động không kém.
Trên nhiều diễn đàn ở facebook, có những lời bình luận nói vụ video quay bà Khánh Ly hát ở Đà Lạt bài Gia Tài Của Mẹ, là do công an gài để tấn công show diễn của bà.
Viết trên trang nhà của mình, nhà bình luận thời sự Dương Quốc Chính từ Hà Nội, ghi rằng: “An ninh chính trị nội bộ đã vào cuộc do “quần chúng tố giác”! Thực ra quần chúng ở đây chính là anh em bò đỏ thôi. Chuyện này gây phẫn nộ dữ dội bởi anh em, do não trạng xơ cứng và máy móc, cứ thấy bài hát bị cấm là auto phẫn nộ khi có kẻ cả gan biểu diễn trái phép. Bọn chúng không hiểu rằng cấm thế chứ cấm nữa thì cũng vô ích. Bởi nghe offline chỉ có tối đa 1.000 người chứ nghe online thì cả triệu người và cả trăm triệu lượt người mấy chục năm qua, có cấm được đâu? Đấy là chưa kể khi báo chí rùm beng thì trẻ trâu nó search vì tò mò khiến bài hát lại càng được phổ biến. Thế nên bò càng húc lại càng giúp quảng bá bài hát, phản tác dụng”.
Nhiều người cũng nhắc rằng bài Gia Tài Của Mẹ cũng như nhiều bài hát trước năm 1975 không được lưu hành trong đời sống, đều không có một lệnh cấm cụ thể nào.
Sự kiện ca sĩ Khánh Ly hát thêm một bài ngoài danh sách 24 bài cho phép, vốn là chuyện ngày thường của sân khấu Việt Nam, đặc biệt khi có khán giả yêu cầu. Nhưng với ca sĩ Khánh Ly, ắt là một trường hợp “nhạy cảm” khác nên mọi thứ trở nên căng thẳng. Cục Biểu Diễn Nghệ Thuật ở Hà Nội nói đợi sau khi Sở VHTT&DL Lâm Đồng xử lý xong, thì sẽ đến phiên Cục này có quyết định tiếp.
Trong một bình luận có tên “Biện bạch vụng về”, nhà báo Võ Văn Tạo ở Nha Trang viết “Mượn cớ ca khúc "Gia tài của mẹ" không có trong danh mục ca khúc được cấp phép biểu diễn trong đêm nhạc 25/6/2022 ở Đà Lạt, Sở VHTT & DL cũng như Cục Nghệ thuật biểu diễn Bộ VHTT & DL đều khẳng định Ban Tổ chức đêm nhạc có sai phạm, Sở VHTT & DL Lâm Đồng làm đúng quy định khi mời làm việc Ban Tổ chức đêm nhạc? Xin lỗi! Võ Văn Tạo tôi tin chắc 100% rằng nếu đêm đó Khánh Ly hát vượt danh mục cấp phép đêm biểu diễn bằng bài "Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng thì" có đến bố quý Sở cũng không dám "mời làm việc". Phải không ạ?”
Có những bình luận na ná nhau, xuất hiện ở nhiều nơi, tựa như có một cách chỉ huy hành động chung, nói bài hát Gia Tài Của Mẹ chống hòa giải hòa hợp, khơi gợi hận thù trong người Việt, nên cần phải cấm. Tuy nhiên nhiều người nói đây là một cách nói lấy được. Nhiều bài hát của miền Bắc Việt Nam trong thời kỳ chiến tranh đến nay vẫn còn được lưu hành, đầy tính kích động hận thù.
Đơn cử như bài Tiến Về Sài Gòn của tác giả Huỳnh Minh Siêng có lời hát ”tiến về Sài Gòn, ta quét sạch giặc thù”. Bài hát này được phát liên tục từ năm 1974 cho đến về sau nay, mà đó là thời điểm chỉ còn cuộc đối đầu giữa hai phía Việt Nam Cộng Hòa và Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa mà thôi. Từ năm 1973, lực lượng đồng minh của VNCH đã hoàn toàn rút khỏi Việt Nam, nên “giặc thù” ở đây, rõ chỉ có chính quyền miền Nam Việt Nam.
Việc ra giấy phép biểu diễn, kiểm soát nghiêm ngặt như show Xuyên Việt của ca sĩ Khánh Ly, cũng cho thấy có cái gì đó bất thường đối với Nghị định cho phép tự do trình diễn các ca khúc trước năm 1975 của Hà Nội đã từng được nhiều báo chí trong nước hân hoan đưa tin.
Theo Nghị định số 144/2020 về hoạt động nghệ thuật biểu diễn được Chính phủ ban hành, từ 1-2-2021, có nói rõ rằng quy định bắt buộc cấp phép ca khúc miền Nam trước 1975 được bãi bỏ. Việc phổ biến không cần phải cấp phép nữa, hay nói cách khác là tất cả các bài hát được tự do trình bày. Bài nào đặc biệt có “vấn đề” sẽ có danh sách cấm riêng. Nhưng Gia Tài Của Mẹ cũng chưa bao giờ được công bố là bài hát cấm, nên công chúng đang tự hỏi bài hát này đang trở thành sự kiện rùm beng, là vi phạm gì, về nội dung gì?
Và như vậy, Sở VHTT&DL Lâm Đồng đang áp dụng lệ làng hay Nghị định chính phủ vô giá trị, chỉ thông cáo đưa ra cho có? Và hiện nay, cách nối nhau để “làm việc” với chương trình của bà Khánh Ly, liệu có là một chủ trương bất thường của hệ thống kiểm duyệt văn hóa Việt Nam?
TK

LÀM SAO ĐỂ CẤM MỘT BÀI HÁT?
JACKHAMMER NGUYỄN/ TD 30-6-2022

Tác giả Nguyễn Khoa đặt câu hỏi như thế trong một bài viết về nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trên trang Viet-Studies.
Vài ngày sau, chính quyền Việt Nam trong nước, không rõ có đọc bài viết đó hay không, nhưng dường như đã có câu trả lời. Báo Tuổi Trẻ đưa tin (nói là theo nguồn tin riêng của họ) rằng bà Khánh Ly đã bị cơ quan chức năng mời làm việc, vì bà đã cả gan hát bài “Gia tài của mẹ”, của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Cơ quan tổ chức buổi biểu diễn của bà Khánh Ly ở Đà Lạt, cũng bị mời làm việc.
Bà Khánh Ly được xem là ca sĩ hát nhiều bản nhạc của ông Trịnh Công Sơn, hát thành công nhất cho tới nay. Bài “Gia tài của mẹ”, nằm trong nhóm sáng tác Ca khúc da vàng, được xem là phản chiến của cố nhạc sĩ vào thời chiến tranh Việt Nam, trong đó có đề cập đến nội chiến, điều mà nhà cầm quyền Việt Nam hiện nay không chấp nhận.
Khái niệm nội chiến là vô cùng nhạy cảm đối với Đảng Cộng sản Việt Nam, đến mức một cuốn sách viết về thời Tây Sơn, trước khi Đảng Cộng sản ra đời hàng trăm năm cũng không được ghi là nội chiến khi xuất bản ở Việt Nam (quyển Nước Việt Nam thời Tây Sơn của sử gia Tạ Chí Đại Trường có tên gốc là Lịch sử nội chiến Việt Nam).
Thôi hãy cứ cho là nội chiến hay ngoại chiến là quan điểm, có thể tranh cãi, nhưng khi tôi lướt qua mấy trăm bình luận dưới bài của Nguyễn Khoa trên Facebook của Viet-Studies, thì rõ ràng là nội chiến.
Chẳng phải nội chiến hay sao khi có những phe khác nhau nhưng toàn là người Việt, sử dụng toàn là tiếng Việt, để mắng nhau, thóa mạ nhau, chẳng hề có một… “yếu tố nước ngoài” nào cả, có chăng đó là yếu tố nước ngoài Facebook, sản phẩm công nghệ của … “đế quốc Mỹ”.
Trong những cãi vả chửi bới trên trang Facebook của Viet-Studies, nổi bật lên nhóm ủng hộ chính quyền Hà Nội hiện nay, nhóm ghét ông Trịnh Công Sơn “thuộc” (!?) Việt Nam Cộng hòa, rất ít. Trong số hơn 300 bình luận (đến ngày 29/6/2022), có đến khoảng 50 bình luận là thóa mạ “đế quốc Mỹ”, phủ nhận “nội chiến”, mắng chửi tác giả, dù là tác giả đưa ra những sự việc mang tính chỉ trích cả hai bên.
Có thể là với đoạn cuối của bài viết, nói về sang chấn tâm lý dân tộc, hay là căn bệnh tinh thần có vẻ như vô phương cứu chữa của Việt Nam, tác giả đã làm cho những người ủng hộ Hà Nội, cảm thấy bất an, từ đó có một phản ứng thóa mạ, mạt sát dữ dội như thế.
Phân tích ngôn ngữ của nhóm này (tạm gọi là nhóm Hà Nội), ta thấy họ bị ảnh hưởng rất mạnh của ngôn ngữ tuyên truyền của cơ quan tuyên giáo của Đảng. Họ dùng những từ mẫu, có sẵn trong các bài viết tuyên truyền của Đảng, mà từ ông đảng trưởng là tổng bí thư cho đến viên chủ tịch xã đều dùng. Ngoài vô vàn lỗi chánh tả, lỗi ghép câu, thì nội dung cũng rất lộn xộn. Khi đọc những bình luận này ta thấy sự trộn lẫn rất thú vị của sự mạt sát, ý muốn làm nhục, tấn công (đánh, giết) người khác, của tầng lớp… “vô sản lưu manh”, với ngôn ngữ chính trị của Đảng Cộng sản, với ngôn ngữ trịch thượng “hủ nho” của các lũy tre làng.
Nếu lấy hơn 300 bình luận làm một mẫu khảo sát nhỏ thì tỷ lệ của nhóm “Hà Nội” này là 1/6, một tỷ lệ khá cao mà chế độ có thể an tâm dựa vào đó mà sống còn.
Tuy nhiên, không thể lấy cái mẫu 300 và 1/6 ấy làm đại diện cho nước Việt Nam hiện tại được, vì có hàng chục triệu nông dân Việt Nam đang lo lắng mùa màng thất bát, hàng triệu công nhân, lương chết đói, không có thì giờ đâu mà vào Facebook.
Nhưng có thể nhóm 1/6 này là nhóm gần với bộ máy của chế độ, hay là những ốc vít của bộ máy chế độ, vì thế nó cũng đóng vai trò quan trọng trong việc vận hành xã hội Việt Nam ngày nay.
Trở lại câu hỏi của Nguyễn Khoa, làm thế nào để cấm một bài hát. Sau vụ mời bà Khánh Lý và cơ quan tổ chức cho bà biểu diễn, tôi vẫn không thể hiểu được là liệu họ có cấm được bài hát “Gia tài của mẹ” của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn hay không!
Theo báo Tuổi Trẻ thì, có đến 1000 người đến nghe bà Khánh Ly hát, trong đó ắt hẳn có rất đông người đã biết bài hát ấy. Những người này hát nho nhỏ cho vợ chồng họ nghe trong nhà, trong quán cà phê cho bè bạn, chuyền tay nhau những clip kỹ thuật số, USB, chứ đâu cần những bản chép tay cồng kềnh dễ bị các viên bí thư đoàn thanh niên bắt gặp, hồi hơn 40 năm trước!
Trong bài Gia tài của mẹ, Trịnh Công Sơn hát rằng:
Gia tài của mẹ, một bọn lai căng
Mẹ mong lũ con cùng cha quên hận thù
Gia tài của mẹ, một nước Việt buồn
Đọc lại các bình luận của nhóm Hà Nội 1/6, tôi thật khâm phục sự tiên tri của ông.

J.NGUYỄN

'GIA TÀI CỦA MẸ, MỘT BỌN LAI CĂNG'
DƯƠNG QUỐC CHÍNH/TD 30-6-2022


Ca sĩ Khánh Ly là người nổ phát súng đầu tiên vào cái “hủ tục” cấp phép bài hát của chính quyền. Đáng gọi là hủ tục, bởi vì nó vô ích và hình thức.
Vài chục năm trước, khi mà nhà nước có thể kiểm soát được đám đông nghe nhạc vì các buổi biểu diễn, ghi âm, phát thanh, truyền hình đều do nhà nước quản lý. Nhưng cũng vài chục năm trước, kể từ khi đổi mới, họ đã không thể kiểm soát thị trường băng đĩa nhạc từ hải ngoại chuyển về và đến nay thì hoàn toàn mất kiểm soát âm nhạc đến từ internet. Nhạc từ internet mới là nguồn nhạc phổ biến nhất hiện nay.
Hiện nay nhạc của Trịnh Công Sơn (TCS) vẫn có ba bài chưa được cấp phép là: Gia tài của mẹ, Đêm thấy ta là thác đổ và Huế – Sài Gòn – Hà Nội. Hôm 25/6 vừa qua, bà Khánh Ly đã nổ súng chống hủ tục nói trên và cơ quan chức năng, bao gồm cả An ninh chính trị nội bộ đã vào cuộc do “quần chúng tố giác”!
Thực ra quần chúng ở đây chính là anh em "bò đỏ" thôi. Chuyện này gây phẫn nộ dữ dội bởi anh em, do não trạng xơ cứng và máy móc, cứ thấy bài hát bị cấm là auto phẫn nộ khi có kẻ cả gan biểu diễn trái phép. Bọn chúng không hiểu rằng cấm thế chứ cấm nữa thì cũng vô ích. Bởi nghe offline chỉ có tối đa 1.000 người chứ nghe online thì cả triệu người và cả trăm triệu lượt người mấy chục năm qua, có cấm được đâu? Đấy là chưa kể khi báo chí rùm beng thì trẻ trâu nó search vì tò mò khiến bài hát lại càng được phổ biến. Thế nên bò càng húc lại càng giúp quảng bá bài hát, phản tác dụng.
Về nguyên tắc thì cơ quan chức năng cũng chỉ xử phạt hành chính đơn vị tổ chức biểu diễn theo quy định của pháp luật thôi chứ không cấm được chuyến lưu diễn của Khánh Ly. Đây lại vẫn là thủ pháp PR tốt cho chuyến lưu diễn, vì bà lại lên sóng. Có thể sẽ lọc bớt đám "bò đỏ" đi nghe, nhưng bọn đó đâu có đông đâu mà sợ. Những bài hát dạng này thì cả người thiện lành cũng chả thấy có gì ghê gớm cả, họ vẫn dám nghe công khai hàng ngày.
Trong status về phim TCS, mình thấy rất tiếc là phim Em và Trịnh không thể có bài Gia tài của mẹ, bởi vì bài này khắc họa rõ nét con người của TCS, con người phản chiến. Có lẽ bài hát này có lời nhạy cảm nhất trong số các bài hát của TCS.
"Hai mươi năm nội chiến từng ngày
gia tài của mẹ, để lại cho con
gia tài của mẹ, là nước Việt buồn
gia tài của mẹ, một rừng xương khô
gia tài của mẹ, một núi đầy mồ
Dạy cho con tiếng nói thật thà
mẹ mong con chớ quên màu da
con chớ quên màu da, nước Việt xưa
mẹ mong trông con mau bước về nhà
mẹ mong con lũ con đường xa
ôi lũ con cùng cha, quên hận thù
gia tài của mẹ, ruộng đồng khô khan
gia tài của mẹ, nhà cháy từng hàng
gia tài của mẹ, một bọn lai căng
gia tài của mẹ, một lũ bội tình."
Mình đánh giá đây là một trong những bài hát ý nghĩa chính trị xã hội nhất của TCS, nó thể hiện con người chính trị của TCS cùng với bài Nối vòng tay lớn. Bộ phim Em và Trịnh luôn nhắc tới đề tài phản chiến nhưng lại không thể đưa bài hát này vào là rất đáng tiếc. Chắc chắn cũng do kiểm duyệt mà thôi. Giá mà đạo diễn có bản director cut để “rò rỉ” ra ngoài thì hiệu ứng lan tỏa sẽ tốt hơn là quăng ra tận hai bộ phim rồi lại tự bỏ đi một bản cắt.
Bài hát được sáng tác năm 1965, khi người Mỹ mới chính thức đổ quân vào VNCH. Nhưng TCS đã có TIÊN ĐOÁN 20 năm nội chiến từng ngày, kể ra cũng thánh phết. Bởi nếu tính thời điểm “nội chiến” thật sự thì cuộc chiến diễn ra từ 1955 (thành lập VNCH) đến 1975 là đúng 20 năm.
Anh em "bò đỏ" phẫn nộ nhất là ở câu Hai mươi năm nội chiến từng ngày. Nếu suy xét chi ly thì cuộc chiến 20 năm theo thời gian trên thì không hoàn toàn là nội chiến mà vừa là nội chiến vừa là cuộc chiến ủy nhiệm. Ủy nhiệm là hai miền đánh nhau dưới sự giật dây, tài trợ của hai phe nước ngoài. Nhưng nếu xét thời điểm 1965, khi Mỹ mới chỉ đổ quân thì cuộc chiến ủy nhiệm chưa hề rõ nét mà mới có 10 năm thực sự là nội chiến do hai bên mới chỉ có cố vấn nước ngoài trợ giúp và không tham chiến. Đấy là nếu xét theo lời Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một.” Đánh giá nội dung một tác phẩm nghệ thuật thì phải đặt nó đúng ở thời điểm sáng tác chứ?
"Bò đỏ" còn cãi gì nữa?
Cuộc chiến này chính phía VNCH cũng không coi là nội chiến vì sự can thiệp của phe XHCN vào VN, họ coi là miền Bắc xâm lược miền Nam. Về lý thì chính quyền VNCH cũng không ủng hộ phong trào phản chiến kiểu cào bằng hai phe, trong khi miền Bắc là bên chủ động tấn công miền Nam. Như phim Đất khổ (search Youtube) do TCS đóng, dựa trên truyện Giải khăn sô cho Huế, cũng bị chính quyền VNCH hạn chế phát hành năm 1974, vì tính phản chiến kiểu này. Nhưng bài hát Gia tài của mẹ lại không hề bị cấm ở miền Nam, cho thấy là chế độ cũ tự do hơn bây giờ rất nhiều.
Nhân vụ việc không đáng xảy ra vừa rồi, rất mong anh em quan lại nhanh chóng từ bỏ hủ tục quá lạc hậu kia đi vì nó chỉ còn tính hình thức và vô nghĩa, thẩm chí phản tác dụng. Chính quyền hành xử như vậy mới dẫn tới "bò đỏ" húc tán loạn làm trò cười cho dư luận trong nước và quốc tế.
Đúng là: "Gia tài của mẹ, một nước Việt buồn."
DQC

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét