Thứ Hai, 4 tháng 7, 2022

20220705. QUANH VẤN ĐỀ QUY HOẠCH CỦA THỦ ĐÔ HÀ NỘI

 ĐIỂM BÁO MẠNG


'BĂM NÁT' QUY HOẠCH  ĐƯỜNG LÊ VĂN LƯƠNG-TỐ HỮU: ĐIỀU CHỈNH SAI QUY 

HOẠCH THỜI ÔNG NGUYỄN THẾ THẢO LÀM CHỦ TỊCH HÀ NỘI

LÊ QUÂN/ TN 30-6-2022

Thanh tra Bộ Xây dựng chỉ ra có nhiều dự án, công trình được điều chỉnh quy hoạch sai quy định, chất tải lên khu vực đường Lê Văn Lương - Tố Hữu khi ông Nguyễn Thế Thảo giữ chức Chủ tịch UBND TP.Hà Nội.

Liên tục điều chỉnh quy hoạch sai quy định

Tháng 8.2007, ông Nguyễn Thế Thảo được điều động từ vị trí Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh làm Chủ tịch UBND TP.Hà Nội. Cuối năm 2015, ông Thảo nghỉ công tác. Kết luận thanh tra số 39 (KLTT) của Thanh tra Bộ Xây dựng đã chỉ ra trong thời gian ông Nguyễn Thế Thảo làm Chủ tịch UBND TP.Hà Nội, có rất nhiều dự án (DA), công trình được điều chỉnh theo hướng chất tải bất chấp quy định pháp luật, sức chịu đựng hạ tầng. Lãnh đạo Sở QH-KT lần lượt là các ông Nguyễn Văn Hải, Nguyễn Thế Hùng; còn Giám đốc Sở Xây dựng lần lượt là các ông Đỗ Xuân Anh, Nguyễn Thế Hùng, Lê Văn Dục.

'Băm nát' quy hoạch đường Lê Văn Lương - Tố Hữu: Điều chỉnh sai quy định thời ông Nguyễn Thế Thảo làm Chủ tịch Hà Nội - ảnh 1

Nhiều dự án, công trình được điều chỉnh QH sai quy định trong thời kỳ ông Nguyễn Thế Thảo làm Chủ tịch UBND TP.Hà Nội

LÊ QUÂN

Xuyên suốt KLTT, có hàng chục DA, công trình được Sở QH-KT, UBND TP.Hà Nội điều chỉnh “phù phép” theo hướng nâng tầng, tăng mật độ xây dựng, “hô biến” từ đất đơn chức năng thành đa chức năng, chất tải tùy tiện. Sau đó là Sở Xây dựng, UBND cấp quận… cấp phép xây dựng bừa bãi, buông lỏng quản lý xây dựng trong thời gian dài, góp phần “băm nát” quy hoạch tuyến đường Lê Văn Lương - Tố Hữu.

“Phá hại kinh tế đất nước”

Một số luật sư của Đoàn luật sư TP.Hà Nội cho biết theo quy định pháp luật, các văn bản điều chỉnh quy hoạch có thể được các phó chủ tịch ký thay hoặc chủ tịch UBND TP.Hà Nội ký, nhưng về nguyên tắc, người đứng đầu phải quán xuyến, chịu trách nhiệm. Các trường hợp điều chỉnh quy hoạch sai quy định mà KLTT nêu có thể xem xét ở góc độ cố ý làm trái hoặc đồng phạm cố ý làm trái, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Đồng thời, việc điều chỉnh quy hoạch sai quy định như KLTT nêu có thể ví như “giết người không dao” vì các công trình có thể tốn cả trăm tỉ, nghìn tỉ đồng để xây dựng, mang lại lợi ích kinh tế cho một nhóm người trong xã hội, nhưng để lại thiệt hại rất lớn về KT-XH cho TP, đất nước trong vài chục đến cả trăm năm, và trực tiếp người dân nhiều thế hệ phải gánh chịu.

Quan điểm của một số luật sư là vi phạm như vậy phải chuyển cơ quan điều tra làm rõ đấy là thiếu trách nhiệm hay cố ý làm trái. Rõ ràng, việc điều chỉnh quy hoạch bất chấp quy định pháp luật, hạ tầng như vậy là có tính nguy hiểm cao cho xã hội, cần phải xem xét xử lý ở mức cao hơn vi phạm hành chính đơn thuần. Nếu cơ quan thanh tra không chuyển tài liệu sang thì cơ quan điều tra có thể chủ động rút hồ sơ để điều tra.

Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân cho rằng phải đánh giá toàn diện về hậu quả, hệ lụy của việc điều chỉnh quy hoạch sai quy định pháp luật, đấy là vi phạm nghiêm trọng, phá hại kinh tế đất nước, ảnh hưởng xấu đến đời sống nhiều thế hệ. Đồng thời, làm suy giảm niềm tin của người dân với Đảng, Nhà nước. “Thanh tra Bộ Xây dựng phát hiện nhiều vi phạm, có thể đặt nghi vấn về tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm nhưng lại không đủ thẩm quyền điều tra. Do vậy, phải chuyển sang cơ quan điều tra đầy đủ thẩm quyền để làm rõ nhóm lợi ích có hay không”, ông Vân nói, đồng thời cho rằng với việc “băm nát” quy hoạch khu vực đường Lê Văn Lương - Tố Hữu, trước mắt, có thể chưa nói đến tham nhũng thì với mức độ vi phạm nghiêm trọng như vậy phải bị trừng trị.

Ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội, nhận định việc khắc phục các công trình vi phạm trên tuyến đường Lê Văn Lương - Tố Hữu là không thể vì đều cao vài chục tầng, đã hoàn thiện, sử dụng. Các công trình này sẽ còn tiếp tục tồn tại vài chục, thậm chí cả trăm năm nữa, gây ra rất nhiều hệ lụy nghiêm trọng, có những hậu quả đến nay chưa lộ ra. Ông Nhưỡng cũng nhìn nhận, KLTT mới chỉ là thanh tra chuyên ngành phát hiện vi phạm ở bước khởi đầu, chỉ ra trách nhiệm chung chung nhưng đã có nhiều vấn đề nghiêm trọng. Do vậy, cần phải mở rộng xem xét, điều tra mới đảm bảo chính xác trách nhiệm của các cá nhân, cơ quan có vi phạm. Trong đó, đặc biệt chú trọng xem xét vai trò người đứng đầu các cơ quan như Sở QH-KT, Sở Xây dựng, UBND TP.Hà Nội… để xử lý tùy theo mức độ, không loại trừ hình sự nếu có.

HÀ NỘI BẤT NGỜ 'PHẢN PHÁO' THANH TRA BỘ XÂY DỰNG VỀ 'BĂM NÁT' ĐƯỜNG LÊ VĂN LƯƠNG

NGỌC YẾN/CAND 1-7-2022

Chiều ngày 1/7, tại buổi họp báo do UBND TP Hà Nội tổ chức, ông Phạm Quốc Tuyến, Phó Giám đốc lãnh đạo Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội đã thông tin liên quan đến kết luận thanh tra của Bộ Xây dựng về sai phạm trong điều chỉnh quy hoạch đường Lê Văn Lương - Tố Hữu.

Ông Tuyến cho biết, qua các thời kỳ từ năm 2002 đến nay, trục Lê Văn Lương luôn được xác định là xây dựng trục cao tầng. Để triển khai chỉnh trang các tuyến phố chào mừng Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, và để phù hợp với định hướng mới sau khi hợp nhất, UBND TP Hà Nội đã báo cáo và được Bộ Xây dựng thống nhất điều chỉnh chiều cao theo hướng nâng thêm chiều cao tầng các công trình tại đây.

Nội dung định hướng cao tầng này cũng đã được cập nhật vào Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011. Mặt khác các chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc tại các dự án không vượt các chỉ tiêu khống chế về hạ tầng khung, chỉ tiêu khống chế quy hoạch kiến trúc tại quy hoạch phân khu, đồng nghĩa với việc vẫn đảm bảo yêu cầu hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật đã xác định tại quy hoạch phân khu được duyệt.

291029095_713265219765381_4498999033054948831_n.jpg -0
Phó Giám đốc  Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội Phạm Quốc Tuyến làm rõ thông tin liên quan đến điều chỉnh quy hoạch đường Lê Văn Lương - Tố Hữu.

Bên cạnh đó, với định hướng quy hoạch phân khu, việc UBND TP Hà Nội phê duyệt Quy hoạch chi tiết năm 2016 cũng như giải quyết các dự án theo hướng tập trung nhà cao tầng tại đây phù hợp với ý kiến Bộ Xây dựng đã thỏa thuận và chủ trương, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của TP qua các thời kỳ và định hướng tại Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011. Do đó, việc Thanh tra Bộ Xây dựng kết luận nhà cao tầng gây quá tải, thiếu trường học nhà trẻ, giảm tiện ích… tại một số dự án là chưa thỏa đáng.

Thực hiện việc giải cứu thị trường bất động sản theo Nghị Quyết 02/NQ-CP ngày 7/1/2013 của Chính phủ, điều chỉnh phục vụ đấu giá, Quy chuẩn xây dựng Việt Nam năm 2008 ban hành thay thế Quy chuẩn xây dựng 1997, đối với chiếu với quy định của Luật Xây dựng 2003, Luật Quy hoạch đô thị 2009, việc điều chỉnh quy hoạch tại khu vực tuyến Lê Văn Lương - Tố Hữu - Thanh Bình là đảm bảo phù hợp. Do vậy, việc Thanh tra Bộ Xây dựng kết luận việc điều chỉnh quy hoạch chi tiết, quy hoạch tổng mặt bằng, phương án kiến trúc không thuộc trường hợp điều chỉnh là chưa áp dung đúng quy định Luật Xây dựng 2003, Luật Quy hoạch đô thị 2009, các quy định liên quan khác, chưa tính đến các yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của Thủ đô trong suốt giai đoạn này. 

Kết luận Thanh tra số 39/KL-TTr ngày 17/5/2022 của Thanh tra Bộ Xây dựng đã nêu hàng loạt sai phạm trong công tác điều chỉnh quy hoạch xây dựng, quản lý xây dựng theo quy hoạch được duyệt tại hầu hết công trình thuộc trục đường Lê Văn Lương - Tố Hữu…

Cụ thể, sau nhiều lần điều chỉnh quy hoạch, hàng chục tòa chung cư cao tầng đã mọc ven con đường Lê Văn Lương- Tố Hữu khiến tuyến giao thông huyết mạch đi qua hai quận Thanh Xuân và Cầu Giấy luôn bị ùn tắc và thiếu không gian sống trầm trọng.

Song song với đó, trong suốt thời gian dài, trên cơ sở điều chỉnh quy hoạch, Sở Xây dựng, UBND cấp quận… đã tiến hành cấp phép xây dựng ồ ạt, có dấu hiệu buông lỏng quản lý xây dựng, “băm nát” quy hoạch tuyến đường Lê Văn Lương - Tố Hữu.

Phó Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội Phạm Quốc Tuyến cho biết thêm, theo Kết luận của Thanh tra Bộ Xây dựng có khoảng 15 dự án điều chỉnh nhiều lần. Đối chiếu với quy định Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị (tại Luật Xây dựng và Luật Quy hoạch đô thị quy định cấp nào phê duyệt quy hoạch thì cấp đó sẽ phê duyệt điều chỉnh…), Thanh tra Bộ Xây dựng xác định các lần điều chỉnh là chưa chính xác.

Hiện Sở Quy hoạch Kiến trúc và Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội đang nghiêm túc triển khai thực hiện nội dung Kết luận của Thanh tra của Bộ Xây dựng. Đối với các nội dung Kết luận còn chưa thống nhất, Sở Quy hoạch Kiến trúc và Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội sẽ báo cáo UBND thành phố Hà Nội, cơ quan liên quan và có kiến nghị gửi Thanh tra Bộ Xây dựng trong thời hạn 60 ngày theo đúng quy định của Luật Thanh tra. 

NY

NGUYỄN THẾ THẢO LIỆU CÓ ĐƯỢC 'LÒ' BÁC CẢ TRỌNG QUAN TÂM?
LƯU TRỌNG VĂN/ TD 1-7-2022
Tháng 8.2007, Nguyễn Thế Thảo Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh, một tỉnh lẻ, được điều làm Chủ tịch Hà Nội - Thủ đô của quốc gia. Ông Thảo tại vị chức thị trưởng quyền lực này cho đến cuối năm 2015. Và đây chính là thời gian HN như một đại công trường với bạt ngàn dự án nhà cao tầng chất ngất kề bụng, kề vai nhau trườn lên.
Và phải 7 năm sau, sau quá nhiều phản ứng, phẫn nộ của dân HN và các nhà chuyên môn văn hoá đô thị, Thanh tra Bộ Xây dựng mới đưa ra được kết luận mà dân HN mong đợi.
Kết luận thanh tra số 39 của Thanh tra Bộ Xây dựng đã chỉ ra:
"Trong thời gian ông Nguyễn Thế Thảo làm Chủ tịch UBND TP.Hà Nội, có rất nhiều dự án công trình được điều chỉnh theo hướng chất tải bất chấp quy định pháp luật, sức chịu đựng hạ tầng."
Hoan nghênh Thanh tra Bộ XD! Dân Hà Nội quá lâu rồi chờ đợi tên của ông chủ tịch HN ấy bị bêu. Nên nhớ, quá lâu rồi. Càng nên nhớ, dân HN rất phẫn nộ, rất căm nhiều đời chủ tịch HN dốt nát, tham ăn đã đua nhau được hạ cánh... an toàn.
Tham ăn... vặt như "Chung con" phá HN một, còn không ít kẻ vừa ăn đẫm ngập răng, vừa dốt nát, vừa tài chùi mép, vớ huân chương như vớ mớ rau, phá HN trăm lần.
Phá như kiểu Thảo chất đống, chất nén các dự án cao tầng trên các trục giao thông chính như trục Tố Hữu - Lê Văn Lương gây nghẹt thở không gian sống, nghẹt cống, nghẹt đường như Thanh tra Bộ XD vừa công bố thì phá ấy là tội ác.
Ai cũng hiểu rằng Thảo và phe nhóm của Thảo được gì với việc cấp phép xây dựng vô tội vạ ấy?
Viện trưởng Viện KSTC đề xuất yêu cầu các cán bộ gây lỗi đền bù, sửa lỗi rồi mới tính đến truy tố. Thưa ông Viện trưởng, trường hợp như Thảo và phe cách của Thảo sẽ đền bù, sửa lỗi cách nào đây? Hàng chục ngàn tỷ đồng đổ vào các công trình xây dựng phá nát thủ đô, nếu không đúng quy hoạch, pháp luật thì phải đập bỏ, tổn hại ngất trời. Mà không đập bỏ thì HN tiếp tục nghẹt thở kẹt cứng, HN có còn là Thành phố Hoà bình, thủ đô văn vật không?
Loại như Thảo không chỉ ở HN mà ở khắp các đô thị. 10 năm bác cả Trọng chống tham nhũng, nhưng những loại phá như Thảo liệu bao người bị rớ tới, trừng trị và thậm chí tống ngục với mức án cao nhất?
Hy vọng lần này bác cả Trọng sẽ sớm đưa kết luận thanh tra của Bộ XD vào tầm ngắm của Uỷ ban Phòng chống Tham nhũng và tiêu cực của bác cho bà con HN có cái mà hả hê.
LTV
HÀ NỘI CẦN MỘT CHỦ TỊCH TRÍ TUỆ VÀ TRONG SẠCH
NGUYỄN NGỌC CHU/ TD 1-7-2022
1. KHÔNG LẤP AO HỒ VÀ PHÁT TRIỂN BẤT ĐỘNG SẢN Ở TRUNG TÂM NỘI ĐÔ
Những trận mưa gần đây, tuy chỉ mưa trong một thời gian ngắn, nhưng đã biến nhiều đường phố Hà Nội thành những dòng sông. Trong những nguyên nhân chính, có: hệ thống thoát nước kém; các ao hồ bị lấp để lấy đất xây dựng; không có nhiều công viên cây xanh, rừng, và đất trống trong thành phố cho nước thấm và thoát.
Điều nguy hại cho Hà Nội về ách tắc giao thông, ngập lụt và ô nhiễm không khí đang đợi chờ tồi tệ hơn ở phía trước. Ao hồ vẫn tiếp tục bị lấp. Hệ thống thoát nước chưa có triển vọng được cải thiện. Bất động sản tiếp tục bùng phát trong nội đô trong khi hệ thống giao thông không theo kịp. Lượng khí thải xấu ngày càng tăng. Tỷ lệ cây xanh trên đầu người ngày càng giảm.
Góp phần làm cho Hà Nội thêm ngập úng và ách tắc giao thông là việc tiếp tục lấp ao hồ, tiếp tục phát triển bất động sản ngay tại trung tâm Hà Nội, ở khu vực Hồ Tây.
2. QUY HOẠCH CHẠY THEO CHỈ ĐẠO CỦA NHÀ ĐẦU TƯ
Quy hoach Hà Nội mỗi ngày một tồi tệ là bởi vì quy hoạch bị điều chỉnh theo chỉ đạo của nhà đầu tư. Không chỉ khu vực trục đường Lê Văn Lương – Tố Hữu mà khắp Hà Nội, trong đó có khu vực cực kỳ quan trọng là Hồ Tây, đang bị quy hoạch theo chỉ đạo của các nhà đầu tư.
Lãnh đạo Bộ Xây dựng đã từng khuyến cáo: “Điều chỉnh quy hoạch không chạy theo lợi nhuận của nhà đầu tư”. Nhưng đắng cay thay, “điều chỉnh quy hoạch là vì nhà đầu tư”.
Hãy nhìn vào bản đồ quy hoạch - trước điều chỉnh và sau điều chỉnh - khu vực Quảng An Tây Hồ. Tiêu đề đưa ra là bổ sung nhà hát (khoanh vòng tím). Nhưng đó chỉ là cái cớ để điều chỉnh quy hoạch. Mục đích chính là hợp thức hoá khối bất động sản khổng lồ (khoanh màu đỏ) không có trong quy hoạch, nhưng đã được phép xây dựng gần xong. Đây là khu bất động sản thuộc hàng ‘nhức mắt nhất Hà Nội’. Không chỉ xấu về kiến trúc trong toàn thể khung cảnh, mà về phong thuỷ, đó là những khối bê tông khổng lồ chồng chất lên lưng thổ thần và thuỷ thần Hồ Tây. Không chỉ một nhà hát, mà đến 10 nhà hát cũng không bù đắp được sự xúc phạm tạo hoá. Bời vì Tây Hồ diễm tuyệt mà tạo hoá ban cho đã bị “đâm chém” thành thương tích đầy mình.
3. ĐỪNG MANG DANH NHÀ HÁT
Cách đây vài năm, nhà hát Opera Thủ Thiêm được xướng lên như là mục tiêu nhân văn hòng át đi tiếng kêu mất đất oan trái của hàng chục ngàn đồng bào Thủ Thiêm. Thì mới đây, Hà Nội lại điều chỉnh quy hoạch một phường Quảng An cũng mang danh nhà hát Opera.
Hà Nội với chỉ một nhà hát lớn mà suốt cả năm không có mấy vở Opera được biểu diễn. Tìm được khách xem rất khó. Sự xuất hiện các vở ballet lại còn hiếm nữa. Vậy xây thêm nhà hát Opera để làm gì? Lấy cớ xây nhà hát để để điều chỉnh quy hoạch cho bất động sản là một kế sách tồi. Nó làm tổn hại đến thanh danh của Opera. Còn nếu để biểu diễn ca nhạc thì ở Hà Nội còn có các cơ sở lớn đang bỏ phí, chưa được sử dụng hiệu quả. Chẳng hạn như Trung tâm hội nghị quốc gia có sức chưa 3.800 chỗ ngồi, một năm không có nhiều sự kiện; hay như nhà Hội trường Diên Hồng với hơn 900 chỗ ngồi, trừ 2 kỳ họp, mỗi kỳ khoảng 3 tuần, còn lại khoảng 10 tháng bỏ trống trong một năm.
Hà Nội chưa cần thêm nhà hát Opera. Đừng mang danh nhà hát Opera để làm bình phong cho thu hồi đất, lấp ao hồ nhằm mục đích buôn bán bất động sản.
4. HÀ NỘI CẦN MỘT CHỦ TỊCH TRÍ TUỆ VÀ TRONG SẠCH
TBT Nguyễn Phú Trọng nói “chọn Chủ tịch Hà Nội phải chính xác, không vội vàng”.
Nhưng chọn ông Nguyễn Đức Chung và chọn ông Chu Ngọc Anh có vội vàng đâu. Nhân sự đại hội 12 và 13 đều “làm rất kỹ”? Mất vài năm để chọn nhân sự chứ đâu chỉ một hay hai tháng? Thế mà cả tá UVTƯ vào tù và sẽ còn tiếp tục nối đuôi nhau vào tù nếu truy cho đúng sự thật.
Vấn đề không phải ở thời gian. Vấn đề ở cách thức tuyển chọn. Thực tiễn nhiều thập niên đã cho thấy cách thức chọn Chủ tịch Hà Nội cũng như các UVTƯ là có lỗ hổng. Những lỗ hổng lớn không thể trám vá.
Nhìn vào các UVTƯ đại hội 13, tất cả họ đều cùng trong một "phạm trù" (category) UVTƯ. Ai trong số họ sẽ đảm đương tốt vị trí Chủ tịch Hà Nội? Hiện chưa nhìn thấy.
Điểm lại 4 vị Chủ tịch Hà Nội gần đây - ông Nguyễn Quốc Triệu là bác sĩ, ông Nguyễn Thế Thảo là kiến trúc sư, ông Nguyễn Đức Chung là tướng công an, ông Chu Ngọc Anh là Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ. “Bác sĩ”, “kiến trúc sư”, “tướng công an”, “nhà khoa học” – tuy khác nghề nghiệp nhưng đều cùng một “phạm trù” UVTƯ. Kết quả là không ai thành công trong tư cách Chủ tịch Hà Nội. Từ đó để thấy, muốn thay đổi số phận Hà Nội, cần tìm một vị Chủ tịch thuộc một “phạm trù” khác.
Hà Nội cần cải tạo hệ thống giao thông và hệ thống thoát nước chứ không phải nhà hát Oprea. Tất cả đều rõ ràng, hầu như ai cũng thấy. Nhưng tại sao Hà Nội vẫn tiếp tục lấp ao hồ để xây dựng? Tại sao Hà Nội vẫn tiếp tục phát triển bất động sản ở trung tâm nội đô? Tại sao quy hoạch Hà Nội liên tục phải điều chỉnh? Có rất nhiều lý do, nhưng sau tất cả, là vì Hà Nội chưa có một vị Chủ tịch trí tuệ và trong sạch.
Thời buổi này nói đến trong sạch là xa xỉ. Trong sạch ở vị trí quyền lực lại càng xa xỉ. Thời buổi này, tìm được cán bộ lãnh đạo có trí tuệ không dễ. Tìm cán bộ ở vị trí quyền lực vừa có trí tuệ lại vừa trong sạch, theo cách thức tuyển chọn hiện thời - là bài toán không có lời giải.
Nhưng Hà Nội rất cần một vị Chủ tịch trí tuệ và trong sạch để dần thoát ra khỏi hoàn cảnh ách tắc, ngập úng, ô nhiễm.
Định luật số đông luôn là chìa khoá vạn năng để đưa đến quyết định cho mọi tình huống nhân sự quản trị quan trọng. Người đứng đầu Hà Nội cần được lựa chọn theo định luật số đông.
NNC

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét