Thứ Tư, 13 tháng 7, 2022

20220714. ĐẤT HIẾM KHÔNG CÒN HIẾM ?

 ĐIỂM BÁO MẠNG


VỪA TÌM RA MỎ ĐẤT HIẾM 'TRỜI CHO' , ĐỦ CẢ THẾ GIỚI DÙNG 

TRONG 1.000 NĂM : NƯỚC NÀO SỞ HỮU ?

TQ/VNN 7-7-2022

Mỏ đất hiếm khổng lồ này ước tính có trữ lượng lên đến 694 triệu tấn, Anadolu Agency thông tin.

Thổ Nhĩ Kỳ phát hiện mỏ đất hiếm lớn thứ hai thế giới

Hãng thông tấn nhà nước Anadolu Agency của Thổ Nhĩ Kỳ đưa tin, Thổ Nhĩ Kỳ vừa phát hiện ra mỏ dữ trự nguyên tố đất hiếm lớn thứ hai thế giới.

Bộ trưởng Bộ Năng lượng và Tài nguyên Thiên nhiên Thổ Nhĩ Kỳ - ông Fatih Donmez - tiết lộ hồi đầu tháng 7/2022 rằng, mỏ dự trữ nguyên tố đất hiếm này nằm ở quận Beylikova của Eskisehir ở trung tâm Anatolia (một bán đảo lớn ở Tây Á, thuộc lãnh thổ nước này).

Theo Anadolu Agency, khu dự trữ đất hiếm của Thổ Nhỹ Kỳ ước tính có trữ lượng 694 triệu tấn, chỉ đứng sau Trung Quốc, nước hiện có mỏ đất hiếm lớn nhất thế giới với trữ lượng 800 triệu tấn.

Người đứng đầu Bộ Năng lượng và Tài nguyên Thiên nhiên Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, mỏ đất hiếm khổng lồ này nằm khá nông nên việc khai thác sẽ dễ dàng và ít tốn kém hơn. "Trong số 17 nguyên tố hiếm đã biết, chúng tôi có thể sản xuất 10 nguyên tố đất hiếm từ mỏ này" - Ông Fatih Donmez thông tin.

Ông cũng tuyên bố rằng 250 tấn thorium sẽ được sản xuất tại mỏ đất hiếm lớn thứ hai thế giới này. Thorium là một nguyên tố được sử dụng làm nhiên liệu trong ngành công nghiệp hạt nhân. Ngoài ra, khu dự trữ mới sẽ cho phép chế biến khoảng 570.000 tấn quặng hàng năm.

Khám phá này sẽ cho phép địa phương sản xuất các nguyên tố hiếm, không chỉ phục vụ nhu cầu trong các lĩnh vực công nghiệp trong nước, mà còn để xuất khẩu. "Chúng tôi sẽ có cơ hội xuất khẩu ra nước ngoài nhiều hơn những gì chúng tôi cần ở trong nước" - Ông Fatih Donmez nói.

Vừa tìm ra mỏ đất hiếm trời cho, đủ để thế giới dùng trong 1.000 năm: Nước nào sở hữu? - Ảnh 2.

Mỏ đất hiếm lớn thứ hai thế giới của nằm tại tỉnh Eskisehir, Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Energy@aa.com.tr

United News of India - một hãng thông tấn đa ngôn ngữ của Ấn Độ - trích dẫn lời Hiệp hội Các nhà xuất khẩu Khoáng sản và Kim loại Istanbul (IMMIB) nhận định hôm 4/7/2022 rằng, mỏ đất hiếm 'trời cho' này của Thổ Nhĩ Kỳ đủ để đáp ứng nhu cầu toàn cầu trong 1.000 năm!

Truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ cũng cho hay, việc phát hiện ra mỏ đất hiếm khổng lồ tại thành phố Eskisehir (Tây Bắc Thổ Nhĩ Kỳ) sẽ tạo ra rất nhiều công ăn việc làm cho người dân địa phương. Với 694 triệu tấn đất hiếm, Thổ Nhĩ Kỳ dự kiến có thể thu về hàng tỷ USD cho nền kinh tế đất nước.

Metin Cekic, thành viên của IMMIB hồ hởi cho biết: "Việc khai thác mỏ đất hiếm lớn thứ hai thế giới sẽ cho phép Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập đội tiên phong của thế giới trong lĩnh vực sản xuất vật liệu đất hiếm".

Nguyên tố đất hiếm là gì, tại sao nó lại quan trọng?

1. Nguyên tố đất hiếm là gì?

Theo Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ, nguyên tố đất hiếm (REE) là một tập hợp của 17 nguyên tố kim loại. Chúng bao gồm 15 kim loại trong nhóm lanthanides trong bảng tuần hoàn cộng với scandium và yttrium.

[15 kim loại thuộc nhóm lanthanides bao gồm: Lantan, xerium, praseodymium, neodymium, promethium, samarium, europium, gadolinium, terbium, dysprosium, holmium, erbium, thulium, ytterbium và lutetium].

Theo Geoscience News and Information, các nguyên tố đất hiếm đều là kim loại, và nhóm này thường được gọi là "kim loại đất hiếm". Những kim loại này có nhiều đặc tính giống nhau, và điều đó thường khiến chúng được tìm thấy cùng nhau trong các trầm tích địa chất. Chúng còn được gọi là "oxit đất hiếm" vì nhiều trong số chúng thường được bán dưới dạng hợp chất oxit.

2. Tại sao vật liệu đất hiếm lại quan trọng?

Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ cho biết, vật liệu đất hiếm là một phần thiết yếu của nhiều thiết bị công nghệ cao. Kim loại đất hiếm và hợp kim có chứa chúng được sử dụng trong các lĩnh vực như hàng không, quốc phòng, công nghiệp vũ trụ và y sinh...

Vừa tìm ra mỏ đất hiếm trời cho, đủ để thế giới dùng trong 1.000 năm: Nước nào sở hữu? - Ảnh 3.

Một vài oxit chất hiếm. Theo chiều kim đồng hồ từ tâm trên cùng (màu đen) gồm có: Praseodymium, xerium, lantan, neodymium, samarium và gadolinium. Ảnh: Peggy Greb, USDA image gallery.

Trong báo cáo "Going Critical" của Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ có đoạn:

"Nguyên tố đất hiếm (REE) là thành phần cần thiết của hơn 200 sản phẩm trong nhiều ứng dụng, đặc biệt là các sản phẩm tiêu dùng công nghệ cao, chẳng hạn như điện thoại di động, ổ cứng máy tính, xe điện và xe hybrid, màn hình phẳng và ti vi.

Các ứng dụng quốc phòng quan trọng bao gồm màn hình điện tử, hệ thống dẫn đường, laser và hệ thống radar và sonar.

Mặc dù lượng REE được sử dụng trong một sản phẩm có thể không phải là một phần đáng kể của sản phẩm đó theo trọng lượng, giá trị hoặc thể tích, nhưng REE rất cần thiết để một thiết bị hoạt động. Ví dụ, nam châm làm bằng REE thường chỉ chiếm một phần nhỏ của tổng trọng lượng, nhưng nếu không có chúng, động cơ trục chính và cuộn dây thoại của máy tính để bàn và máy tính xách tay sẽ không thể hoạt động được.

Năm 1993, 38% sản lượng REE trên thế giới là ở Trung Quốc, 33% ở Mỹ, 12% ở Úc, và 5% là ở Malaysia, và 5% ở Ấn Độ. Một số quốc gia khác, bao gồm Brazil, Canada, Nam Phi, Sri Lanka và Thái Lan, chiếm phần còn lại.

Tuy nhiên, vào năm 2008, Trung Quốc chiếm hơn 90% sản lượng REE trên thế giới, và đến năm 2011, Trung Quốc chiếm 97% sản lượng thế giới".

Vai trò của vật liệu đất hiếm trong lĩnh vực cụ thể

Trong công nghệ

Geoscience News and Information cho biết, trong suốt 20 năm qua, đã có sự bùng nổ về nhu cầu đối với nhiều mặt hàng yêu cầu kim loại đất hiếm. 20 năm trước, rất ít người sở hữu điện thoại di động, nhưng ngày nay hơn 5 tỷ người sở hữu thiết bị di động.

Việc sử dụng các nguyên tố đất hiếm trong máy tính cũng đã phát triển nhanh như điện thoại di động. Nhiều loại pin sạc được làm bằng hợp chất đất hiếm. Nhu cầu về pin đang được thúc đẩy bởi nhu cầu về các thiết bị điện tử cầm tay (bên cạnh điện thoại di động) như máy đọc sách, máy tính xách tay và máy ảnh.

Trong xe điện

Một vài kilogram hợp chất đất hiếm có trong pin cung cấp năng lượng cho mọi xe điện và xe điện lai. Khi những lo ngại về độc lập năng lượng, biến đổi khí hậu và các vấn đề khác thúc đẩy việc bán xe điện và xe hybrid, nhu cầu về pin làm bằng hợp chất đất hiếm sẽ còn tăng nhanh hơn trên quy mô toàn cầu.

Ngoài ra, đất hiếm được sử dụng làm chất xúc tác, phốt pho và các hợp chất đánh bóng. Chúng được sử dụng để kiểm soát ô nhiễm không khí, màn hình chiếu sáng trên các thiết bị điện tử và đánh bóng thủy tinh chất lượng quang học. Tất cả các sản phẩm này dự kiến ​​sẽ có nhu cầu tăng cao.

Các chất khác có thể được thay thế cho các nguyên tố đất hiếm trong các mục đích sử dụng quan trọng nhất của chúng; tuy nhiên, những sản phẩm thay thế này thường kém hiệu quả và tốn kém.

Trong quốc phòng

Nguyên tố đất hiếm đóng một vai trò thiết yếu trong quốc phòng. Quân đội sử dụng kính nhìn đêm, vũ khí dẫn đường chính xác, thiết bị liên lạc, thiết bị GPS, pin và các thiết bị điện tử quốc phòng khác. Và tất cả chúng đều cần sự có mặt của vật liệu đất hiếm.

Kim loại đất hiếm là thành phần chính để tạo ra các hợp kim rất cứng được sử dụng trong xe bọc thép. Chất thay thế có thể được sử dụng cho các vật liệu đất hiếm trong một số ứng dụng quốc phòng, tuy nhiên, những sản phẩm thay thế đó thường không hiệu quả và làm giảm ưu thế quân sự.

Một số công dụng khác của các nguyên tố đất hiếm cụ thể, được tóm tắt trong bảng này:

Vừa tìm ra mỏ đất hiếm trời cho, đủ để thế giới dùng trong 1.000 năm: Nước nào sở hữu? - Ảnh 5.

Nguồn: Geoscience News and Information

Nguyên tố đất hiếm có thực sự 'hiếm' không?

Nguyên tố đất hiếm không quá "hiếm" như tên gọi của nó. Thực tế, nguyên tố đất hiếm tương đối phong phú trong vỏ Trái Đất, nhưng nồng độ có thể khai thác được của chúng lại ít phổ biến hơn so với hầu hết các loại quặng khác.

Thulium và lutetium là hai nguyên tố đất hiếm ít phong phú nhất - nhưng chúng đều có độ phong phú trung bình ở lớp vỏ Trái Đất lớn hơn gần 200 lần so với lượng vàng ở lớp vỏ Trái Đất. Tuy nhiên, 2 nguyên tố đất hiếm này rất khó khai thác vì sẽ rất khó tìm thấy chúng ở nồng độ đủ cao để khai thác một cách kinh tế.

Các nguyên tố đất hiếm phong phú nhất là xerium, yttrium, lantan và neodymium. Chúng có độ phong phú trung bình ở lớp vỏ Trái Đất tương tự như các kim loại công nghiệp thường được sử dụng như crom, niken, kẽm, molypden, thiếc, vonfram và chì.

Tuy nhiên, vấn đề khiến chúng 'hiếm' là vì chúng hiếm khi được tìm thấy ở nồng độ có thể chiết xuất kinh tế (tiết kiệm) được.

Trên thế giới, Trung Quốc là nước sản xuất vật liệu đất hiếm lớn nhất thế giới [năm 2011 khi họ kiểm soát khoảng 97% sản lượng đất hiếm trên thế giới]. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng là nước tiêu thụ lớn nhất. Họ sử dụng đất hiếm chủ yếu để sản xuất các sản phẩm điện tử phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu, Geoscience News and Information thông tin.

Trong khi đó, Nhật Bản và Mỹ là những nước tiêu thụ nguyên liệu đất hiếm lớn thứ hai và thứ ba trên thế giới.

Ngoài Trung Quốc, các quốc gia khác cũng bắt đầu sản xuất đất hiếm từ cách đây khoảng 10 năm đến nay.

Các mỏ ở Úc bắt đầu sản xuất oxit đất hiếm vào năm 2011. Trong năm 2012 và 2013, họ đã cung cấp khoảng 2% đến 3% sản lượng thế giới.

Vừa tìm ra mỏ đất hiếm trời cho, đủ để thế giới dùng trong 1.000 năm: Nước nào sở hữu? - Ảnh 7.

Mỏ đất hiếm Mountain Pass, ảnh chụp từ trên không. Mỏ lộ thiên lớn này nằm ở dãy núi Clark, California, Mỹ. Được vận hành bởi Molycorp, đây là mỏ oxit đất hiếm (REO) duy nhất ở Tây bán cầu. Ảnh: MASSIMO BREGA / SCIENCE PHOTO LIBRARY

Vào năm 2012, mỏ Mountain Pass ở bang California đã đi vào hoạt động trở lại, giúp Mỹ sản xuất khoảng 4% vật liệu đất hiếm trên thế giới vào năm 2013. Sản lượng vật liệu đất hiếm ở Brazil, Malaysia, Nga, Thái Lan vẫn tiếp tục hoặc tăng lên.

Với việc Thổ Nhĩ Kỳ phát hiểm mỏ đất hiếm lớn thứ hai thế giới, nhiều quốc gia hy vọng, đây sẽ là nguồn cung đất hiếm dồi dào trong bối cảnh thế giới đang cần nguyên liệu đất hiếm cho nhiều ngành công nghiệp trọng yếu.

(Theo Tổ Quốc)

TIN LIÊN QUAN:

  • Bí mật của đất hiếm - 'vũ khí' đáng gờm của Trung Quốc

  • Từ giá 'rẻ như mớ rau', Trung Quốc làm đất hiếm đắt kỉ lục mà cả thế giới vẫn lao vào mua

  • Cuộc chiến đất hiếm

  • MỎ ĐẤT HIẾM 'TRỜI CHO' DÙNG 1.000 NĂM KHÔNG HẾT: HÓA RA KHÔNG 'KHỦNG' NHƯ TƯỞNG TƯỢNG

  • (Theo Global Times/ Nhịp sống kinh tế)/VNN 12-7-2022

  • Mới đây, Thổ Nhĩ Kỳ đã phát hiện ra mỏ đất hiếm “trời cho” và được đánh giá là có trữ lượng đủ dùng trong vòng 1.000 năm. Tuy nhiên, lượng oxit đất hiếm (REO) mà mỏ này mang lại có thể rất nhỏ so với "ông trùm" đất hiếm là Trung Quốc.

    Mới đây hãng thông tấn nhà nước Anadolu Agency của Thổ Nhĩ Kỳ đã đưa tin quốc gia này vừa phát hiện ra mỏ dữ trự nguyên tố đất hiếm lớn thứ hai thế giới.

    Theo Bộ trưởng Bộ Năng lượng và Tài nguyên Thiên nhiên Thổ Nhĩ Kỳ - ông Fatih Donmez tiết lộ hồi đầu tháng 7/2022 rằng mỏ dự trữ nguyên tố đất hiếm này nằm ở quận Beylikova của Eskisehir ở trung tâm Anatolia (một bán đảo lớn ở Tây Á, thuộc lãnh thổ nước này).

    Cũng theo Anadolu Agency, khu dự trữ đất hiếm của Thổ Nhỹ Kỳ ước tính có trữ lượng 694 triệu tấn, chỉ đứng sau Trung Quốc, nước hiện có mỏ đất hiếm lớn nhất thế giới với trữ lượng 800 triệu tấn.

    Sẽ không tác động lớn đến thị trường toàn cầu

    Theo một số công ty về đất hiếm ở Trung Quốc, việc phát hiện ra một khu dự trữ đất hiếm ở Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không tác động đến vị thế trên toàn cầu của quốc gia này. Lợi thế về công nghệ và công nghiệp của Trung Quốc trong ngành đất hiếm toàn cầu sẽ vẫn được duy trì trong tương lai. Các nhà phân tích trong ngành mới đây cũng cho biết trữ lượng đất hiếm mới được phát hiện có thể mang đến cơ hội hợp tác cho Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ.

    Theo một tuyên bố trước đó, trữ lượng đất hiếm 694 triệu tấn của Thổ Nhĩ Kỳ được báo cáo có thể chuyển thành 300.000 tấn oxit đất hiếm (REO), không đáng kể so với trữ lượng 44 triệu tấn của Trung Quốc.

    Tuy nhiên Bao Gang United Steel, Công ty thép có trụ sở tại Khu tự trị Nội Mông, Bắc Trung Quốc, cho biết: "Đánh giá từ các báo cáo và tin tức liên quan, thông tin về trữ lượng đất hiếm gần 700 triệu tấn được tuyên bố ở Thổ Nhĩ Kỳ là một sự mâu thuẫn. Nếu trữ lượng ở dạng oxit đất hiếm, quy mô trữ lượng như vậy sẽ đứng số 1 trên thế giới, vượt qua cả Trung Quốc. Vì vậy với trữ lượng như vậy chúng tôi suy đoán đây chỉ là khoáng sản".

    Theo trang web Market Watch đưa tin vào tuần trước, Thổ Nhĩ Kỳ được cho là đã phát hiện ra khu dự trữ đất hiếm lớn thứ hai thế giới ở khu vực trung tâm Anatolia. Mỏ này chứa 694 triệu tấn đất hiếm, có thể đáp ứng nhu cầu sử dụng tương đương trong vòng 1.000 năm trên toàn cầu.

    Mỏ đất hiếm trời cho dùng 1.000 năm không hết: Hóa ra không khủng như tưởng tượng - Ảnh 1.

    Thổ Nhĩ Kỳ công bố phát hiện ra mỏ đất hiếm trữ lượng 694 triệu tấn.

    Ngành công nghiệp đất hiếm thường sử dụng oxit đất hiếm hay REO làm chỉ số thống kê cho trữ lượng, sản lượng và doanh số bán đất hiếm. Trung Quốc hiện là nhà sản xuất và tiêu thụ đất hiếm lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 60% sản lượng đất hiếm trên toàn thế giới vào năm 2020. Nước này cũng có trữ lượng oxit đất hiếm là 44 triệu tấn, dẫn đầu thế giới với 37% thị phần toàn cầu.

    Cũng theo Bao Gang United Steel, trước khi mỏ Thổ Nhĩ Kỳ được phát hiện, nơi sở hữu trữ lượng đất hiếm lớn nhất thế giới là khu vực khai khoáng Baiyun (Trung Quốc) với 35 triệu tấn oxit đất hiếm.

    Công ty đất hiếm của Trung Quốc Shenghe Resources cũng cho biết trong một bài báo đăng trên tài khoản WeChat chính thức của họ rằng con số 694 triệu tấn có thể là tham chiếu theo lượng khoáng sản, chứ không phải tính theo khối lượng oxit đất hiếm.

    Shenghe Resources cho biết: "Sản lượng oxit đất hiếm trên toàn cầu là khoảng 280.000 tấn một năm và sản lượng oxit đất hiếm hàng năm của mỏ nằm ở Thổ Nhĩ Kỳ là 10.000 tấn, vì vậy nó sẽ không có tác động lớn đến thị trường toàn cầu".

    Họ cũng cho biết thêm rằng các thành phần chính của mỏ nằm ở Thổ Nhĩ Kỳ không phải là đất hiếm nặng - một thành phần không thể thiếu để sản xuất một loạt thiết bị điện tử cao cấp, phương tiện và vũ khí. Điều này sẽ làm giảm tác động của nó trong cuộc cạnh tranh đất hiếm trên toàn cầu.

    Thực tế là nếu trữ lượng đất hiếm 694 triệu tấn được coi là REO sẽ tương đương với 5,8 lần lượng REO đã được phát hiện ra trên toàn cầu. Điều này đã kích thích thêm suy đoán của những người trong ngành về tính chính xác của dữ liệu.

    Ông Wu Chenhui, một nhà phân tích độc lập trong ngành đất hiếm đã chia sẻ với Global Times rằng khối lượng REO của mỏ đất hiếm ở Thổ Nhĩ Kỳ theo tính toán của ông là khoảng 300.000 tấn. Với khối lượng này Trung Quốc có thể hoàn thành chỉ trong vòng nửa năm".

    Theo Giám đốc của một nhà sản xuất nam châm lớn thuộc sở hữu nhà nước có trụ sở tại Ganzhou, tỉnh Giang Tây, miền Đông Trung Quốc: "Lý do khiến Trung Quốc có được vị trí thống trị toàn cầu trong ngành công nghiệp đất hiếm không phải vì trữ lượng lớn, mà là khả năng khai thác, phân tách và tái tạo, cũng như một chuỗi công nghiệp hoàn chỉnh để sản xuất các sản phẩm hạ nguồn."

    "Ngoài Trung Quốc, Australia, châu Phi, Mỹ và các nước Đông Nam Á cũng đã phát hiện ra trữ lượng đất hiếm phong phú. Nhưng họ lại thiếu những công nghệ khai thác và tinh chế", ông Yang cho biết thêm.

    Bao Gang cho biết mỏ Baiyun của họ có lợi thế về chi phí mà những nơi khác không thể so sánh được vì mỏ này là nơi có nhiều kim loại đất hiếm, điều này sẽ làm giảm đi chi phí khai thác. Ngoài ra, một số bộ phận của mỏ đã thiết lập một dây chuyền công nghiệp hoàn chỉnh từ thăm dò, nghiền, tuyển chọn đến vận chuyển, điều này cũng củng cố lợi thế về chi phí cho họ.

    Theo ông Wu, Thổ Nhĩ Kỳ có thể tìm cách hợp tác với Trung Quốc để tạo điều kiện thuận lợi cho việc thăm dò các trữ lượng đất hiếm. "Trung Quốc có thể là đối tác tiềm năng tốt nhất. Thổ Nhĩ Kỳ có thể ký Biên bản ghi nhớ (MoU) với Trung Quốc và sau này có thể cung cấp dịch vụ kỹ thuật một cửa từ thăm dò cho đến mua bán", ông Wu nói.

  • Đất hiếm là gì?

    Đất hiếm có tên gọi quốc tế là Rare-earth element (REE). Theo Liên minh quốc tế về hóa học, các nguyên tố đất hiếm và các kim loại đất hiếm là một hợp chất gồm 17 nguyên tố hóa học, trong đó có scandi, ytri và 15 nguyên tố khác thuộc nhóm Lanthan. Trái ngược với tên gọi (ngoại trừ prometi), chúng có hàm lượng lớn trong trái đất. Người ta có thể tìm thấy các nguyên tố đất hiếm ở trong các lớp trầm tích, các mỏ quặng hay cát đen.

    Mặc dù mang tên là hiếm, các nguyên tố đất hiếm - ngoại trừ prometi có tính phóng xạ lại có trữ lượng tương đối dồi dào trong lớp vỏ của Trái Đất, với xeri là nguyên tố phổ biến thứ 25 với 68 phần triệu, nhiều hơn cả đồng. Tuy nhiên, do những đặc tính địa hóa học của chúng, các nguyên tố đất hiếm thường phân tán và không thường được tìm thấy tập trung trong các khoáng vật đất hiếm; kết quả là mỏ đất hiếm mà có thể khai thác về mặt kinh tế rất ít phổ biến.

  • (Theo Global Times/ Nhịp sống kinh tế)

  • KHI ĐẤT HIẾM KHÔNG CÒN HIẾM

  • NGUYEN KHAN/ BVN 11-7-2022


  • Vào thập niên 70 thế kỷ trước, cuộc khủng hoảng giá dầu nghiêm trọng đến mức, không chỉ biến dầu thô thành vàng đen mà còn biến Trung Đông thành thánh địa tranh bá… Thời điểm ấy các nước Âu Mỹ không cạnh tranh nổi, đành nhìn những dòng xe hơi mẫu mã đẹp, bền, tiết kiệm năng lượng, giá phải chăng…, của Nhật Bản tràn ngập thị trường.

    Sau đó, ngành công nghệ tin học thế giới phát triển như vũ bão khiến đất hiếm trở nên hiếm và quý giá hơn dầu khí, vì không có đất hiếm không thể chế tạo vi mạch, con chip… TC (Trung Cộng) là nước có trữ lượng đất hiếm lớn nhất thế giới nên được nhiều nước săn đón khiến Ông Đặng Tiểu Bình tự hào tuyên bố :

    “ Trung Đông có dầu khí, Trung Cộng có đất hiếm “.

    Đúng vậy, vào thập niên 70 thế kỷ trước, các nước Trung Đông lên đời nhờ dầu khí, được các nước lớn nhỏ trên thế giới cầu cạnh, o bế…

    Sang đầu thế kỷ mới, thế kỷ 21, Công nghệ thông tin phát triển vũ bão, TC được nhiều nước cầu cạnh, o bế như đã từng o bế các nước Trung Đông thế kỷ trước, vì TC là nước cung cấp đất hiếm chủ yếu cho thế giới. Bởi thời điểm ấy người ta nghĩ trữ lượng đất hiếm tập trung hầu hết tại TC, các nước khác có trữ lượng rất ít .

    Trong cuộc tranh chấp đảo Điếu Ngư với Nhật hồi 2013, TC đã vũ khí hoá đất hiếm, ngưng bán đất hiếm cho Nhật để gây sức ép…

    Và trong cuộc thương chiến với tổng thống Mỹ Donald Trump, Tập Cận Bình cũng đã sử dụng đất hiếm để trả đũa. Song có vẻ như ưu thế độc quyền đất hiếm của TC chưa tạo ra sức ép cần thiết cho các mục tiêu tranh chấp của TC, chưa thể gây khủng hoảng đình đám như dầu khí xưa và nay…

    Thì nay thêm chuyện Thổ Nhĩ Kỳ đã tìm ra mỏ đất hiếm khổng lồ có thể cung cấp cho nhân loại sử dụng ngàn năm, nên xem như ưu thế đất hiếm của TC không còn tạo được uy lực như một loại vũ khí trả đũa hoặc trừng phạt các nước khác…

    N.K.

    Nguồn: FB Nguyen Khan

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét